Chương 18
Rồi đến lượt đạo Hồi, chưa đầy một năm sau đó. Tôi đã mười
lăm tuổi và đang thời thám hiểm chính ngay thành phố quê hương của mình. Khu
phố của người Hồi giáo không xa vườn thú là mấy. Một khu cư dân nhỏ, yên tĩnh
với những dòng chữ Arập và hình trăng lưỡi liềm sơn trên mặt tiền các ngôi nhà.
Tôi đến phố Mullah. Tôi thử ngó một cái vào Jamia Masjid,
ngôi Đền Lớn của người Hồi giáo ở đó, tất nhiên vẫn thận trọng không dám vào
hẳn bên trong. Hồi giáo có nhiều tai tiếng và tồi tệ hơn cả Cơ đốc giáo - ít
thần thánh hơn, nhiều bạo lực hơn, và chưa thấy ai nói điều gì tốt về trường
học Hồi giáo bao giờ - cho nên tôi không định bước vào đó làm gì, mặc dù lúc đó
chẳng có ai. Ngôi đền sạch sẽ và trắng trẻo trừ một số cạnh sơn xanh lá cây, là
một cấu trúc mở chạy quanh một gian phòng trống ở giữa. Chỗ nào cũng thấy trải
những tấm chiếu dài bện bằng rơm. Phía trên, hai ngọn tháp mảnh dẻ vươn lên
trời bên cạnh những tầu cọ sum suê. Không có vẻ tín ngưỡng gì rõ rệt, và do vậy
có thể khiến cho ngôi đền thú vị hơn, như là một nơi yên tĩnh và thanh thản.
Tôi đi tiếp. Ngay sau ngôi đền là một dãy nhà ở liền vách
nhau với những lối vào có hiên che. Những ngôi nhà sập sệ và nghèo nàn, vữa
trát tường xanh lá cây đã phai màu hết cả.
Một cái nhà trong dãy đó là một cửa hàng nhỏ. Tôi thấy một
cái giá bầy những chai nước Thums Up bụi bặm với bốn cái bình nhựa trong đựng
kẹo lỏng chỏng bên trong. Những món hàng chính là thứ khác, một thứ gì bèn bẹt,
tròn tròn và trăng trắng. Tôi đến gần. Hình như là một thứ bánh bột mì không có
men. Tôi chọc thử ngón tay vào một cái. Cứng như mo. Giống như đã để ba ngày
không có ai ăn. Ai có thể mua thứ bánh này nhỉ? Tôi nhặt hẳn một cái lên tay và
lắc lắc xem nó có gẫy ra không.
Một giọng người cất lên:
- Cậu có muốn nếm một cái không?
Tôi hết hồn. Ai cũng biết lúc ấy nó ra sao rồi: mắt hoa chỉ
thấy các đốm sáng tối và các mảng màu sắc hình thù khác nhau nhảy loạn xạ, còn
tâm trí thì đi đâu mất - chẳng còn thấy gì trước mặt cả.
Cách đó độ hơn một thước, ngồi xếp chân bằng tròn đằng sau những
cái bánh kia, là một người đàn ông. Tôi giật mình khiếp đến nỗi tay vung lên và
cái bánh bay vèo ra giữa phố. Nó rơi tọet ngay xuống một bãi phân bò.
- Thôi chết! Xin ông tha lỗi cho! Cháu không nhìn thấy ông!
Tôi luýnh quýnh. Định sửa soạn chạy ù đi chỗ khác.
- Không sao,- ông nói bình thản.- Rồi một con bò sẽ được ăn
cái đó. Cậu thử cái khác này.
Ông xé cái bánh ra làm đôi. Chúng tôi cùng ăn. Nó cứng và
dai như cao su, mỏi cả răng, nhưng mà dễ no. Tôi bình tĩnh lại.
- Bác làm chúng đấy ạ?- Tôi nói, cốt cho có chuyện.
- Vâng. Vào đây, để tôi chỉ cho cậu xem.- Ông đứng dậy rồi
vẫy tôi vào nhà.
Một căn nhà tuềnh toàng có hai phòng. Phòng rộng hơn bị
choán gần hết bởi một cái lò nướng, là xưởng bánh, và phòng kia, chỉ ngăn cách
bằng một cái rèm, là nơi ngủ của ông chủ. Đáy lò rải một lớp sỏi nhẵn. Ông đang
giảng giải cho tôi cách nướng bánh trên những hòn sỏi hun nóng kia thì nghe
thấy tiếng người xướng kinh cất lên từ phía đền thờ, giọng mũi ngân nga như một
dòng chảy uốn lượn trên không trung. Tôi biết đó là tiếng gọi đến giờ cầu
nguyện, nhưng chưa biết kết quả của nó là gì. Tôi tưởng tượng nó sẽ gọi tín đồ
Hồi giáo đến thánh đường của họ, cũng như những hồi chuông gọi người Cơ đốc
chúng tôi đến nhà thờ. Nhưng không phải vậy. Ông làm bánh đột ngột dừng lời.
“Xin cậu cảm phiền”, ông nói, chui vào căn phòng bên cạnh độ một phút rồi trở
ra với một tấm thảm cuộn tròn. Ông trải tấm thảm xuống sàn xưởng làm bánh, làm
bụi bột mì bốc lên mù mịt. Rổi ở đó, ngay trước mắt tôi, giữa nơi ông làm việc,
ông cầu kinh. Nó có vẻ chẳng ra sao, nhưng cảm giác ấy chỉ là của tôi mà thôi.
May quá, ông nhắm mắt lúc đọc kinh.
Ông đứng thẳng. Ông lẩm nhẩm bằng tiếng Arập. Ông đưa tay
lên hai bên tai, ngón cái chạm vào dái tai, trông như đang cố lắng nghe lời đáp
của Allah. Ông cúi về phía trước. Ông đứng thẳng trở lại. Ông quỳ xuống úp trán
và tay xuống sàn nhà. Ông ngồi lên. Ông phủ phục xuống nữa. Ông đứng. Ông lại
làm lại tất cả những động tác ấy.
Sao thế nhỉ? Hồi giáo chỉ là một thứ thể dục đơn giản như
vậy ư? Một thứ yoga cho những người du mục Bedouin ở xứ nóng. Các tư thế dễ
thực hiện, thiên đường mà không cần phải mất sức gì nhiều.
Ông làm cả thảy bốn vòng các động tác giống nhau, miệng lầm
rầm liên hồi. Khi đã xong - kết thúc bằng một động tác quay đầu từ trái sang phải,
và một hồi mặc tưởng ngắn ngủi - ông mở mắt, mỉm cười, bước ra khỏi tấm thảm và
cuộn nó lại chỉ bằng một cái phẩy tay chứng tỏ ông đã quen lắm với việc đó. Ông
cất tấm thảm vào chỗ cũ trong căn phòng bên cạnh. Ông trở lại với tôi. “Lúc nãy
tôi đang nói đến đâu rồi nhỉ?”, ông hỏi.
Lần đầu tiên tôi thấy một người Hồi giáo cầu nguyện đã diễn
ra như vậy - chóng vánh, nhất thiết, thực thể, thầm lặng, mạnh mẽ. Trong lần
cầu nguyện sau đó của tôi trong nhà thờ - quỳ gối, im lìm, lặng lẽ trước đấng
Christ trên thập tự giá - cái hình ảnh của cuộc hội ngộ bằng xương bằng thịt
với Thượng đế giữa những bao bột mì kia cứ hiện về liên tục trong óc tôi.
Chương 19
Tôi trở lại thăm ông ta.
- Tín ngưỡng của bác là về cái gì vậy ạ?- Tôi hỏi.
Mắt ông vụt sáng.
- Về chuyện Được Yêu Thương,- ông trả lời.
Đố ai đã hiểu được đạo Hồi, hiểu được cái tinh thần của nó,
mà lại không yêu nó.
Đó là một tín ngưỡng đẹp đẽ của tình anh em và tinh thần
dâng hiến.
Đền thờ Hồi giáo quả thực là một cấu trúc mở, về phía Thượng
đế và gió trời. Ta ngồi xếp bằng lắng nghe vị thầy cả cho đến giờ cầu nguyện.
Lúc ấy, ta không còn ngồi thành nhóm ngẫu nhiên với nhau nữa mà cùng đứng dậy
xếp hàng vai kề vai, cho tới lúc mỗi hàng người trở thành đặc lại quánh với
nhau và tất cả thành một khối cầu nguyện lớn. Cảm giác thật tốt lành khi vầng
trán ta chạm xuống mặt đất. Ngay lập tức, nó như một tiếp xúc tín ngưỡng sâu
thẳm.
Chương 20
Ông ta là một suphi, một nhà thần bí học Hồi giáo. Ông tìm
kiếm phana, sự đoàn tụ với Thượng đế, và có một quan hệ riêng tư đầy yêu thương
với Thượng đế. “Nếu ta bước hai bước về phía Thượng đế”, ông thường bảo tôi,
“Ngài sẽ chạy đến với ta”.
Ông là người không có nét gì đặc biệt, vẻ ngoài và áo quần
ông chẳng có gì khiến ta chú ý và ghi nhớ. Cũng chẳng lạ khi lần đầu gặp nhau
tôi đã không nhận ra ông. Cả khi đã rất quen với ông rồi, đã gặp nhau hết lần
này đến lần khác rồi, tôi vẫn thấy khó khăn để nhìn được ra ông trong đám đông.
Tên ông là Satish Kumar. Một cái tên rất phổ biến ở Tamil Nadu, nên việc trùng
lặp đó cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, tôi thấy rất hay là người làm bánh
ngoan đạo ấy, sơ sài như một cái bóng đen và rất khỏe mạnh, và cái người cộng
sản nhiệt thành với khoa học và là thầy dạy sinh học của tôi kia, cái quả núi
treo trên cọc, từ thủa nhỏ đã từng bị bại liệt kia, lại trùng tên nhau. Ông
Kumar ấy và ông Kumar ấy đã dạy tôi môn sinh học và đạo Hồi. Ông ấy và ông ấy
đã dẫn dắt tôi vào môn động vật học và nghiên cứu tôn giáo tại đại học Toronto . Hai ông Kumar này
đã là những nhà tiên tri của tôi thuở thiếu thời.
Chúng tôi cầu nguyện cùng với nhau và tập các bài dhikr,
nghĩa là xướng lên chín mươi chín cái tên đã được tiết lộ của Thượng đế. Ông là
một haphiz, người thuộc lòng kinh Kôran, và ông tụng bằng một giọng hát trầm.
Tiếng Ảrập của tôi chưa bao giờ khá cả nhưng tôi yêu cái âm thanh của nó. Những
âm bật từ sâu trong thanh quản và những nguyên âm chảy trôi quay tròn ngay bên
dưới tri giác của tôi như một dòng suối đẹp đẽ. Nó không rộng, chỉ vừa một
giọng người, nhưng nó sâu thẳm như vũ trụ.
Tôi đã mô tả chỗ ở của ông Kumar như một túp nhà tuềnh
toàng. Vậy mà không có một thánh đường, nhà thờ, đền miếu nào đã từng khiến tôi
cảm thấy linh thiêng đến thế. Đôi khi tôi bước ra khỏi xưởng bánh ấy với một
cảm giác tràn đầy vinh hiển. Tôi nhảy lên xe đạp và đạp sự vinh hiển ấy qua
không trung.
Có một bận như thế tôi đã đạp tuốt ra khỏi thành phố, và khi
quay trở về, ở một chỗ đất cao có thể nhìn thấy mặt biển ở phía trái con đường
tít tắp ở phía dưới, tôi đột nhiên cảm thấy như mình đang ở trên thiên đường.
Tôi đã đi qua chỗ ấy nhiều lần và nó vẫn hệt như thế, nhưng tôi đã nhìn nó bằng
một con mắt khác. Cảm giác lúc ấy, một sự lẫn lộn rất nghịch lý của năng lượng
đang đập dồn dập và trạng thái bình yên sâu thẳm, là một cảm giác thật mãnh
liệt và sung sướng. Trước đó, con đường, biển cả, cây cối, không khí và mặt
trời, mỗi thứ nói với tôi bằng một ngôn ngữ riêng. Còn bấy giờ tất cả chúng nói
với tôi bằng cùng một ngôn ngữ hòa đồng. Cây cối để mắt đến con đường; con
đường biết rõ sự có mặt của không khí, và không khí thì tràn ngập những suy
tưởng về biển cả, mênh mang một niềm tin chia sẻ với mặt trời. Mỗi nguyên tố
trong mối quan hệ hài hòa với các hàng xóm của chúng, và tất cả đều là anh em
ruột thịt. Lúc quỳ xuống tôi còn là một kẻ phải chết; lúc đứng dậy tôi đã thành
bất tử. Tôi thấy mình như tâm điểm của một vòng tròn nhỏ đồng tâm với một vòng
tròn lớn hơn nhiều. Atman đã gặp được Allah (1).
Có một lần khác tôi cũng cảm thấy Thượng đế rất gần gụi với
mình. Đó là ở Canada ,
rất lâu về sau này. Tôi đang đến thăm các bạn ở nông thôn, khi ấy là mùa đông.
Tôi đã đi dạo một mình trong khu điền sản rộng lớn của họ và đang trên đường về
nhà. Đêm hôm trước đã có tuyết rơi và trời hôm đó thật trong trẻo, sáng sủa.
Thiên nhiên đắp chăn trắng. Khi đang bước lên ngôi nhà, tôi quay lại nhìn. Có
một khu rừng và trong khu rừng đó có một quãng cây thưa. Một làn gió mà cũng có
thể là một con vật, đã làm lay động một cành cây. Những hạt tuyết mịn đang rơi
xuống trong không khí, lấp lánh trong ánh nắng mặt trời. Trong đám bụi vàng
đang rơi trong quãng rừng thưa đầy nắng ấy, tôi nhìn thấy Mary Đồng trinh. Tại
sao lại là bà, tôi cũng không biết nữa. Lòng ngưỡng mộ Mary chỉ là thứ yếu
trong tôi. Nhưng chính là bà. Da bà tái xanh. Bà vận một bộ váy trắng và một áo
choàng xanh da trời; tôi vẫn nhớ ấn tượng rất mạnh của mình lúc đó về những nếp
váy áo của bà. Khi tôi nói tôi đã nhìn thấy bà, tôi không có ý nói theo nghĩa
đen mặc dầu quả thực bà có thân thể và màu sắc hẳn hoi. Tôi cảm thấy đã nhìn
thấy bà, một nhỡn ảnh bên kia nhỡn ảnh. Tôi sững người, nheo mắt. Bà thật đẹp
và có một dáng vẻ vương giả cao quý cực kì. Bà mỉm cười với tôi, đầy vẻ phúc
hậu. Vài giây sau, bà biến mất. Lòng tôi tràn ngập sợ hãi và vui sướng.
Sự hiện diện của Thượng đế là phần thưởng đẹp đẽ nhất.
-------------
Chú thích:
(1) Atman: tiểu vũ trụ, linh hồn thế giới ngự trong từng cá
nhân, một quan niệm Hinđu. Allah: Thượng đế trong đạo Hồi. Atman gặp Allah cũng
có nghĩa là một người Hinđu đã giác ngộ được chân lí của đạo Hồi. (ND)
Chương 21
Tôi đang ngồi trong một quán cà phê nội thành, ngay sau đó,
và suy nghĩ. Tôi vừa qua gần trọn buổi chiều với anh. Sau những lần tiếp chuyện
anh, lúc nào tôi cũng thấy ngán ngẩm với ý thức bằng lòng ỉu xìu vốn đã thành
đặc trưng của đời mình. Những từ gì anh dùng đã khiến tôi giật mình ấy nhỉ? A,
đây rồi: “những thực tế khô khan và không có men nở”, “câu chuyện hay hơn”. Tôi
lấy giấy bút ra và viết:
Những lời đầy ý thức thần thánh: niềm vui trong đạo đức, cảm
giác được nâng cao kéo dài, nỗi sướng, niềm vui; một cuộc thức tỉnh của ý thức
đạo đức, làm cho ta đột nhiên thấy rằng đó là điều quan trọng hơn nhiều so với
việc hiểu biết được mọi vật; một cuộc xếp đặt lại vũ trụ theo những nguyên lý
đạo đức chứ không phải tri thức; một giác ngộ rằng cái nguyên tắc nền tảng của
sinh tồn là cái mà ta gọi là tình yêu, nó hoạt động và hiển lộ có đôi khi không
rõ ràng, rành mạch, cũng không lập tức, chứ đừng nói gì đến việc không thể
tránh khỏi.
Tôi ngừng viết, còn sự im lặng của Thượng đế thì sao? Tôi
suy đi nghĩ lại. Rồi viết tiếp:
Một trí tuệ nhưng phải được thấm nhuần với một cảm thức đáng
tin về sự hiện diện và về một mục đích tối hậu.
Chương 22
Tôi có thể hoàn toàn tưởng tượng được những lời cuối cùng
của một người vô thần: “Trắng quá! Trắng lắm! Ôi… tình yêu! Thượng đế của tôi!”.
Và sau đó là bước nhảy theo lòng tin vào cõi chết. Trong khi đó với một người
hoài nghi, nếu người đó vẫn còn trung thực với bản chất hoài nghi của mình, nếu
anh ta vẫn bám chặt lấy cái thực tế khô ran và không có men nở kia, sẽ có giải
thích về quầng sáng đang bao bọc mình lúc đó như sau: “Có khả năng đây là hiện
tượng thiếu hụt oxy trong não bộ”, và thế là cho đến chết vẫn thiếu trí tưởng
tượng và lỡ mất câu chuyện hay hơn.
Chương 23
Than ôi, cái ý thức cộng đồng do có cùng một lòng tin mang
lại cho con người đã gây rắc rối cho tôi. Chẳng chóng thì chầy, những việc tín
ngưỡng của tôi đã bị người ta chú ý. Đầu tiên là những người không lấy đó làm
điều mà chỉ thấy buồn cười vô hại. Nhưng sau thì đến những người coi đó là hệ
trọng và chẳng thấy buồn cười chút nào.
Thầy cả Cơ đốc hỏi: “Con trai ông bà làm gì ở đền thờ Hinđu
vậy?”
Thầy cả Hồi giáo hỏi: “Người ta thấy con trai ông bà làm dấu
thánh giá trong nhà thờ đấy.”
Thầy cả Hinđu nói: “Con trai ông bà đã theo Hồi giáo rồi.”
Đúng vậy, cha mẹ tôi đã bắt buộc phải biết tất cả những điều
đó, với một chút ngạc nhiên buồn cười. Trước đấy cha mẹ có biết gì đâu. Không
biết là tôi đang thực hành cả đạo Hinđu, Cơ đốc, và đạo Hồi. Bọn choai choai
đứa nào chả giấu bố mẹ một vài điều bí mật, có phải không nào? Bọn mười sáu
tuổi đứa nào cũng có bí mật hết, tất cả, chẳng chừa đứa nào. Nhưng số phận đã
quyết định là cha mẹ tôi, tôi, với ba nhà thông thái kia, như tôi gọi họ từ đó
về sau, một ngày nào đấy sẽ phải gặp nhau tại hành lang ngoài trời Goubert
Salai bên bờ biển và điều bí mật của tôi sẽ phải bị phanh phui. Đó là một chiều
Chủ nhật nóng bức nhưng hây hẩy gió và tuyệt đẹp, vịnh Bengal
lấp lánh dưới bầu trời xanh biếc, đám thị dân đua nhau đi tản bộ. Trẻ con la
hét và cười nói ẫm ĩ. Bóng bay sặc sỡ lơ lửng trong không trung. Các hàng kem
bán chạy như tôm tươi. Tại sao lại nói chuyện công việc vào một ngày như vậy,
tôi tự hỏi. Sao mọi người không cứ chỉ đi dạo, gật đầu chào nhau và mỉm cười.
Nhưng không kịp nữa rồi. Chúng tôi sắp phải gặp không phải chỉ một nhà thông
thái mà là cả ba, mà không phải lần lượt từng ông mà cùng một lúc, và người nào
cũng đã nghĩ rằng đó là cơ hội gặp được nhân vật nổi tiếng của Pondicherry, vị
giám đốc vườn thú, cha đẻ của đứa con nhiệt thành mẫu mực. Lúc tôi thấy vị thứ
nhất, tôi mỉm cười. Đến khi thấy vị thứ ba, nụ cười của tôi đông cứng lại thành
cái mặt nạ hãi hùng. Khi đã rõ là cả ba vị sẽ cùng xúm lại vì chúng tôi, tim
tôi nhảy thót lên một cái và bắt đầu chìm xuống rất thấp.
Các vị thông thái có vẻ khó chịu khi nhận ra rằng tất cả họ
đều đã chỉ được một đối tượng mời đến gặp mà thôi. Chắc hẳn mỗi vị đã tưởng
rằng chỉ có mình mới là người được mời đến về việc giáo hội, còn những người
khác thì chắc chỉ tình cờ có mặt và đã xen vào chuyện này một cách không có ý
tứ gì cả. Những cái liếc khó chịu đan nhau chan chát.
Cha mẹ tôi có vẻ lúng túng vì cảm thấy không còn được thoải
mái theo ý họ trước sự có mặt của ba giáo đồ lạ hoắc đang mỉm cười ngượng nghịu.
Phải nói ngay rằng gia đình tôi không có tí tinh thần chính giáo nào. Cha coi
mình là một phần của nước Ấn Độ Mới - giầu có, hiện đại và thông tục như một
cái kem que. Cha không có tí tín ngưỡng nào trong xương cả. Cha là một người
làm ăn, businessman, mà phải viết là busynessman mới đúng với ông, vì ông là
một nhà chuyên môn thực tế và cần mẫn, lo chuyện giao phối cho sư tử nhiều hơn
bất cứ một vấn đề hiện sinh hoặc đạo đức cao vời nào. Đúng là cha có mời giáo
sĩ đến ban phước cho tất cả những thú vật mới đem về vườn thú và có hai cái
miếu nhỏ trong vườn, một thờ thần Ganesha và cái kia thờ thần Hanuman, những vị
thần có chiều hướng có thể ban phước cho một ông giám đốc vườn thú, vì một thần
thì có đầu voi còn thần kia thì mang đầu khỉ, nhưng cha tính đó là vì lợi ích
của công việc kinh doanh chứ không phải vì linh hồn mình, là việc lấy lòng
người xem chứ không phải để cứu rỗi bản ngã của ông. Nỗi khắc khoải tâm linh là
hoàn toàn xa lạ với cha; chỉ có những khắc khoải tài chính mới làm rung động
được con người cha. “Một vụ dịch bệnh thôi”, cha thường nói, “là chúng ta sẽ
chỉ có đi đập đá rải đường mà kiếm miếng ăn”. Mẹ thì giữ mồm giữ miệng, ngán
ngẩm và trung lập trong vấn đề này. Một nền giáo dưỡng Hinđu và một nhà trường
Cơ đốc dòng Baptist đã chính xác triệt tiêu nhau trong vấn đề tín ngưỡng và
biến mẹ thành người không ngoan đạo một cách bình thản. Tôi ngờ rằng mẹ đã đoán
thấy tôi có khuynh hướng khác trong việc này, và mẹ không bao giờ nói gì khi
hồi nhỏ tôi say mê ngốn ngấu cả cuốn truỵên tranh Ramayana và Mahabharata(1)
cũng như những cuốn Thánh kinh có minh họa cho trẻ em và các sách thần thánh
khác. Bản thân mẹ là người đọc rộng. Mẹ vui lòng thấy tôi gí mũi vào sách, bất
kỳ là sách gì, miễn là không bậy bạ. Còn với anh Ravi, nếu thần Krishna đã cầm
một cái chày bóng chứ không phải cây sáo, nếu đấng Christ trông giản dị và giống
một anh trọng tài, nếu nhà tiên tri Mohammad, xin ngài yên nghỉ, đã cho thấy có
chút năng khiếu về môn bóng lăn, có thể anh đã ngước một mắt của mình lên, và
cũng vì thế anh đã suốt đời mê ngủ.
Sau những tiếng chào xã giao là một sự im lặng ngượng nghịu.
Thầy cả Cơ đốc phá vỡ sự im lặng đó khi ông lên tiếng, giọng
tự hào:
- Piscine là một cậu bé Cơ đốc ngoan ngoãn. Tôi hy vọng sắp
tới cậu sẽ tham gia dàn đồng ca của chúng tôi.
Cha mẹ tôi, thầy cả Hinđu và thầy cả đạo Hồi có vẻ ngạc
nhiên.
- Chắc là ông nhầm rồi, cậu ấy là một tín đồ Hồi giáo tốt
lành. Thứ Sáu nào cậu cũng đến cầu nguyện và kiến thức về kinh Koran của cậu
đang tấn tới rõ rệt.- Đó là lời thầy cả đạo Hồi.
Thầy cả Hinđu lên tiếng.
- Cả hai vị đều nhầm cả rồi. Cậu ấy là một người Hinđu tốt.
Lần nào tôi cũng thấy cậu ấy trong đền thờ để chịu lễ lộc thánh và làm lễ puja.
Cha mẹ tôi, thầy cả Cơ đốc và thầy cả đạo Hồi có vẻ thất
thần.
- Không có nhầm lẫn gì cả,- thầy cả Cơ đốc nói,- tôi biết
cậu bé này mà. Cậu ấy là Piscine Molitor Patel và cậu ấy là tín đồ Cơ đốc.
- Tôi cũng biết cậu ấy, và tôi xin nói rằng cậu là một người
Hồi giáo,- thầy cả đạo Hồi khăng khăng.
- Vô lý!- Thầy cả Hinđu kêu lên.- Piscine sinh ra là người
Hinđu, sống như một người Hinđu và sẽ chết là một người Hinđu!
Ba nhà thông thái nhìn chòng chọc vào nhau, nín thở và kinh
ngạc.
Lạy Chúa tôi, xin đừng để họ nhìn sang con, tôi thì thầm
trong linh hồn mình.
Mọi cặp mắt đổ dồn vào tôi.
- Này Piscine, điều đó có thể là sự thực chăng?- Thầy cả đạo
Hồi khẩn thiết.- Hinđu và Cơ đốc giáo là những người thờ thần tượng. Họ có
nhiều thần thánh.
- Còn người Hồi giáo thì có nhiều vợ.- Thầy cả Hinđu đốp
lại.
Thầy cả Cơ đốc nhìn cả hai một cách dò hỏi.
- Piscine,- thầy gần như thì thầm,- sự cứu rỗi chỉ có ở
Jesus mà thôi.
- Nói xạo! Người Cơ đốc không biết gì về tôn giáo cả,- thầy
cả Hinđu nói.
- Thế Thượng đế của tôn giáo các vị thì ở đâu?- Thầy cả Cơ
đốc vặc lại.- Các vị không có đến một phép lạ để cho người ta thấy. Tôn giáo gì
lạ vậy, không có đến cả phép lạ nữa?
- Nó không phải là một rạp xiếc với những người chết lúc nào
cũng nhảy ra khỏi mồ, thế đấy! Người Hồi giáo chúng tôi gắn bó với phép lạ
nguyên thủy của sinh tồn. Chim bay, mưa rơi, mùa màng tươi tốt - đó cũng đủ là
những phép lạ của chúng tôi rồi.
- Lông chim và mưa móc đều hay cả đấy, nhưng chúng tôi muốn
biết chắc rằng Thượng đế thực sự ở bên chúng tôi.
- Có phải vậy chăng? Có phải các vị thực lòng mong Thượng đế
ở bên mình chăng? Quý vị đã tìm cách giết chết ngài! Quý vị đóng đanh ngài lên
cây thập tự bằng những cái đinh to gộc. Đãi một nhà tiên tri như thế có phải là
văn minh chăng? Tiên tri Mohammad - xin ngài được yên nghỉ - đã đem cho chúng
tôi lời Thượng đế mà không cần đến tất cả những cái phi lý nhục nhã kia và đã
qua đời khi trọn vẹn tuổi đời.
- Lời Thượng đế ư? Cho cái anh nhà buôn mù chữ ấy của quý vị
ở giữa sa mạc hoang vu ấy ư? Đó chỉ là những lắp bắp trong cơn động kinh do lạc
đà lắc lư nhiều quá mà thôi, nào phải những phát lộ thần thánh gì. Hoặc nếu
không thì cũng chỉ vì mặt trời đã rán chín bộ óc của ông ta!
- Nếu nhà tiên tri - “pi-bi-yu-ết-trờ”(2) - còn sống, ngài
sẽ có những lời được dành riêng cho ông,- thầy cả đạo Hồi đáp lời, cặp mắt nhíu
lại một cách đe dọa.
- Ô hô, ông ta chết rồi! Đấng Christ thì còn sống, còn ngài
“pi-bi-yu-ết-trờ” của quý vị thì chết rồi, chết rồi, chết rồi!
Thầy cả Hinđu ngắt lời hai vị kia một cách im ắng. Dùng
tiếng Tamil, ông nói:
- Vấn đề thực sự ở đây là, tại sao Piscine lại phải mất thì
giờ chơi bời với những tôn giáo ngoại lai chứ?
Mắt của hai thầy cả Cơ đốc và Hồi giáo như đang nhảy bật ra
khỏi tròng. Cả hai vị đều là người Tamil bản địa.
- Thượng đế chỉ là một cho tất cả,- thầy cả Cơ đốc lắp bắp.
Thầy cả đạo Hồi hối hả gật đầu.
- Chỉ có một Thượng đế mà thôi.
- Và với Thượng đế của họ, người Hồi giáo không lúc nào ngớt
gây chuyện rắc rối và bạo loạn. Đạo Hồi tồi tệ đến thế nào thì đã được chứng tỏ
ở sự thiếu văn minh của người Hồi giáo,- thầy cả Hinđu tuyên bố.
- Thế còn chế độ đẳng cấp và nô lệ thì sao,- thầy cả đạo Hồi
không chịu lép.- Người Hinđu bắt người làm nô lệ và thờ phụng những con búp bê
áo quần sặc sỡ.
- Họ là nhân tình của những con bê vàng. Họ quỳ lạy những
con bò cái.- thầy cả Cơ đốc hùa theo.
- Còn người Cơ đốc thì quỳ mọp trước một người da trắng! Họ
là tay sai của một Thượng đế ngoại lai. Là cơn ác mộng của tất cả những ai
không phải da trắng!
- Và họ ăn thịt lợn và cả ăn thịt người.- thầy cả đạo Hồi
nói thêm vào cho nặng cân hơn.
- Điều quan trọng ở đây là,- thầy cả Cơ đốc lên tiếng với
một vẻ giận dữ lạnh lùng,- cậu Piscine có muốn theo đuổi tín ngưỡng thật sự hay
không, hay là những huyền thoại trong những tập truyện tranh biếm họa.
- Thượng đế hay là tượng gỗ.- thầy cả đạo Hồi đế theo, giọng
nghiêm trang.
- Những vị thần của chúng ta, hay đám thánh thần thuộc địa.-
thầy cả Hinđu rít giọng.
Khó phân biệt được lúc ấy mặt ai bừng bừng sát khí hơn.
Trông họ có vẻ như sắp nổ tung lên cả.
Cha giơ hai tay lên trời.
- Thưa quý vị, thưa quý vị, xin quý vị làm ơn!- Cha nói xen
vào.- Tôi mong quý vị nhớ đến quyền tự do hành đạo của nước chúng ta.
Ba gương mặt tông đồ quay sang cả cha.
- Vâng! Hành một đạo thôi, động từ số ít ạ(3)!- Ba vị thông
thái đồng thanh kêu lớn. Ba ngón tay trỏ, như những dấu chính tả, bật dậy đứng
nghiêm trong không trung để chứng tỏ quan điểm ấy.
Họ không hài lòng với hiệu quả đồng thanh không chủ định ấy
hoặc với những dáng điệu nhất trí không ghìm lại được của mình. Họ vội vàng bỏ
tay xuống, và mỗi người thở dài rền rĩ theo cách riêng của mình. Cha với mẹ chỉ
biết nhìn, chẳng biết nói gì.
Thầy cả Hinđu nói trước.
- Thưa ông Patel, lòng ngoan đạo của cậu Piscine thật đáng
khâm phục. Trong thời buổi nhiễu nhương này, thật may có một cậu thiếu niên tha
thiết đến Thượng đế đến vậy. Tất cả chúng tôi đều nhất trí về điểm này.- Thầy
cả đạo Hồi và thầy cả Cơ đốc gật đầu.- Nhưng cậu ấy không thể là một người
Hinđu, một người Cơ đốc, và một người Hồi giáo. Không thể thế được. Cậu ấy phải
lựa chọn.
- Tôi nghĩ đó không phải là một tội lỗi, nhưng có lẽ quý vị
có lý.- Cha đáp lời.
Cả ba vị thì thầm đồng tình và cùng ngước nhìn lên trời,
cũng giống như cha lúc đó, chắc vì họ cảm thấy nhất định sẽ có một quyết định.
Mẹ nhìn sang tôi.
Một sự im ắng đè nặng lên hai vai tôi.
- Này, Piscine?- Mẹ huých nhẹ vào tôi.- Con cảm thấy thế nào
về việc này?
- Bác Gandhi có dạy rằng mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Con
chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi.- tôi nói ngập ngừng, cúi gằm, đỏ
hết cả mặt.
Sự lúng túng của tôi lây sang mọi người. Chẳng ai nói gì.
Ngẫu nhiên chúng tôi ngồi không xa bức tượng Gandhi trong đoạn hành lang đó. Cây
gậy chống trong tay, nụ cười dí dỏm trên môi, một ánh lấp lánh trong đôi mắt,
vị Mahatma ấy bước đi. Tôi tưởng tượng viển vông rằng ông đã nghe hết cuộc đối
thoại của chúng tôi, nhưng ông quan tâm hơn cả đến những gì đang diễn ra trong
lòng tôi.
Cha dặng hắng rồi nói nhỏ như chỉ mình ông nghe:
- Có lẽ đó là điều tất cả chúng ta đều đang cố gắng thực
hiện – yêu thương Thượng đế.
Tôi nghĩ thật là buồn cười là ông đã nói thế, cha tôi, người
chưa từng đặt chân vào một ngôi đền nào với ý định nghiêm chỉnh kể từ thủa tôi
bắt đầu biết nhớ. Nhưng có vẻ câu nói ấy đã giải quyết được mọi chuyện. Không
thể trách mắng một thằng bé chỉ muốn yêu thương Thượng đế. Ba vị thông thái rút
lui với những nụ cười cứng đơ đầy vẻ hờn dỗi.
Cha nhìn tôi một giây, như thể định nói gì, song rồi nghĩ
lại và hỏi:
- Có ai muốn ăn kem không nào?
Rồi cha đi luôn ra chỗ quầy kem trước khi chúng tôi kịp trả
lời. Mẹ nhìn tôi chăm chú một lúc lâu hơn, vẻ mặt mẹ vừa dịu dàng, vừa bối rối.
Đó là bước nhập môn của tôi vào cuộc đối thoại liên tín
ngưỡng. Cha mua ba cái kem có nhân kẹp. Chúng tôi ăn những cái kem ấy trong một
sự im lặng bất thường khi tiếp tục cuộc dạo chơi Chủ nhật của mình.
-------------
Chú thích:
(1) Ramayana và Mahabharata là hai trường ca vĩ đại của tín
ngưỡng Hinđu. (ND)
(2) Nguyên bản là p.b.u.h, những âm tắt của câu cửa miệng
của người Hồi giáo mỗi khi nhắc đến Mohammad: peace be upon him, nghĩa là “Xin
ngài được yên nghỉ”. Chúng tôi nghĩ cách dịch tốt nhất là dùng các âm chữ cái
như khi nhân vật nói ra bốn chữ này, là “pi-bi-yu-ết-trờ”, để giữ được phần nào
cái hài của câu chuyện. (ND)
(3) Tôi nghĩ ở đây tác giả, hay người dịch đã nhầm, danh từ
số ít mới hợp lý.
Chương 24
- Thế nào, thưa đức chúa Jesus theo đạo Hinđu, năm nay ngài
có hành hương về thành Jesusalem không hử?- Anh nói, chắp hai tay trước mặt như
muốn lễ sống tôi.- Thành Mecca có vẫy gọi ngài không ạ?- Anh làm dấu thánh giá.-
Hay là ngài sẽ đi Roma thụ lễ tấn phong lên thay giáo hoàng Pius?- Anh vẽ lên
không khí một chữ Hylạp, cố làm rõ cách đánh vần cái chữ bêu riếu của mình.-
Ngài đã có thì giờ cắt cái đầu của con chim ngài để thành ra một người Do thái
chưa hử? Với cái đà này, nếu ngài đến đền thờ ngày thứ Năm, đến thánh đường
ngày thứ Sáu và nhà thờ ngày Chủ nhật, ngài chỉ cần cải thêm ba đạo nữa là ngài
đã có bảy ngày lễ một tuần đến hết đời.
Chương 25
Chưa phải thế là hết. Luôn có những người tự cho mình có
nhiệm vụ bảo vệ Thượng đế, cứ như thể cái thực tại tối thượng ấy, cái khung
chống đỡ sinh tồn ấy, là cái gì yếu ớt và đang lâm nguy không bằng. Những người
này đi qua một quả phụ đã biến dạng vì bệnh phong đang xin bố thí, qua lũ trẻ
rách rưới lang thang ngoài phố, và họ nghĩ: “còn lạ gì lối ăn xin chuyên nghiệp
này”. Nhưng nếu họ tưởng đang có một hành vi chống lại Thượng đế, dù chỉ là nhỏ
nhặt, thì lại là chuyện khác. Mặt họ đỏ bừng lên, ngực họ phập phồng dữ dội, họ
phun ra những lời giận dữ. Mức độ bất bình của họ thật đáng kinh ngạc. Quyết
tâm của họ thật đáng sợ.
Những người này không chịu nhận ra rằng Thượng đế phải được
bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận
của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong
đã được sổng ra ngoài. Bãi chiến trường để giành giật cái thiện không phải là
quảng trường công cộng kia mà là khoảng rừng thưa nhỏ bé trong trái tim ta.
Trong khi đó, số phận của những người quả phụ và những em bé vô gia cư thật đã
phũ phàng làm sao, và chính là để bảo vệ họ, chứ không phải là Thượng đế, mà những
người công chính phải khẩn trương lên.
Một buổi nọ, có một kẻ ngu ngốc to mồm đã đánh đuổi tôi ra
khỏi thánh đường lớn Hồi giáo. Khi tôi đến nhà thờ, thầy cả Cơ đốc đã trợn mắt
nhìn tôi đến nỗi tôi không thể nào cảm thấy được cõi yên bình của đấng Christ.
Đôi khi một tăng lữ Brahman còn đuổi tôi không cho dự lễ hóa lộc. Người ta đã
mách với cha mẹ tôi những hành vi tín ngưỡng của tôi với một giọng thì thào vội
vã như thể đang tiết lộ tội phản quốc vậy.
Cứ như thể Thượng đế sẽ được lợi lộc vì đầu óc của những kẻ
có hành vi nhỏ mọn ấy.
Với tôi, tôn giáo là nơi giúp chúng ta giữ được nhân phẩm
của mình chứ không phải để hạ nhục nó.
Tôi không đến dự lễ Misa của nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh nữa,
mà sang bên nhà thờ Đức mẹ của các Thiên thần. Tôi không còn ở lại lâu hơn sau
buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu với những đồng đạo của mình, tôi chỉ vào đền thờ
những lúc đông người để đám giáo sĩ Brahman không để ý và xen vào giữa tôi và
Thượng đế.
Chương 26
Vài ngày sau cuộc gặp mặt ở con đường đi dạo ngoài bờ biển, tôi
thu hết can đảm và đến gặp cha tại văn phòng của người.
- Thưa cha.
- Có chuyện gì đấy, Piscine?
- Con muốn thụ lễ đặt tên thánh và con muốn có một tấm thảm
cầu nguyện.
Lời tôi nói chậm chạp lọt vào tai cha. Sau vài giây, cha bỏ
đống giấy tờ đang đọc và ngẩng lên.
- Một cái gì cơ? Cái gì?
- Con muốn cầu nguyện ngoài trời mà không bị bẩn quần. Con
đang học trường Cơ đốc mà chưa được chính thức mang tên thánh.
- Tại sao con muốn cầu nguyện ngoài trời? Mà thực ra, tại
sao con lại muốn cầu nguyện mới được chứ?
- Vì con yêu Thượng đế.
- A ha.- Cha có vẻ ngỡ ngàng vì câu trả lời của tôi, gần như
bối rối. Một lúc im lặng. Tôi nghĩ có khi cha lại cho tôi ăn kem chưa chừng.-
Thế này này, trường Petit Seminaire chỉ có cái tên là Cơ đốc thôi. Nhiều trẻ
Hinđu học ở đó không phải tín đồ Cơ đốc giáo. Không có tên thánh thì con vẫn
học hành tử tế bình thường. Cầu nguyện thánh Allah thì chẳng có gì khác đâu.
- Nhưng con muốn cầu nguyện thánh Allah. Con muốn là một
người Cơ đốc.
- Con không thể là cả hai, con chỉ có thể theo một đạo mà
thôi.
- Sao con lại không thể là cả hai?
- Đó là hai tôn giáo khác nhau! Chúng chẳng có gì chung cả.
- Đâu phải thế. Cả hai đều nhận Abrahm là của mình. Người
Hồi giáo nói Thượng đế của người Do thái giáo và Cơ đốc giáo cũng chính là
Thượng đế của người Hồi giáo. Họ đều công nhận David, Moses và Jesus là những
tiên tri của mình.
- Nhưng mà những chuyện ấy thì có liên quan gì đến mình hả
Piscine? Chúng ta là người Ấn Độ cơ mà.
- Vẫn có người Cơ đốc và Hồi giáo ở Ấn Độ hằng bao nhiêu thế
kỷ nay rồi! Có người còn nói Jesus được mai táng ở Kashmir .
Cha không nói gì, chỉ nhìn tôi, chau mày. Đột nhiên có người
gọi cha vì công việc.
- Con hãy thưa chuyện này với mẹ.
Mẹ đang đọc sách.
- Mẹ ơi.
- Có chuyện gì thế con yêu?
- Con muốn được mang tên thánh và con muốn có một tấm thảm
cầu nguyện.
- Con hãy thưa chuyện với cha.
- Thưa đã. Cha bảo con thưa chuyện này với mẹ.
- Thật thế à?- Mẹ đặt cuốn sách xuống và nhìn về phía vườn
thú. Tôi chắc lúc ấy cha phải cảm thấy một luồng khí lạnh toát thổi vào gáy
mình. Mẹ quay sang phía tủ sách.- Mẹ có cuốn sách này chắc con sẽ thích.- Mẹ đã
đưa tay ra lấy một cuốn sách dày của Robert Louis Stevenson. Đó là chiến thuật
quen thuộc của mẹ.
- Con đọc cuốn đó rồi mẹ ạ. Ba lần rồi.
- Ô, thế à?- Tay mẹ đưa
sang phía bên trái.
- Cả Conan Doyle cũng vậy ạ.- Tôi nói.
Cánh tay mẹ vung sang phải.
- Còn R. K. Narayan thì sao? Con chưa thể nào đã đọc hết các
sách của Narayan.
- Mẹ ơi, những việc này rất hệ trọng đối với con.
- Con đọc Robin Crusoe nhé.
- Mẹ!
- Piscine ơi!- Mẹ nói. Mẹ ngồi xuống ghế, vẻ mặt biểu lộ một
thái độ phản đối yếu ớt nhất, có nghĩa là tôi phải tấn công vào những điểm xác
đáng nhất. Mẹ sửa lại một cái gối kê.- Cha mẹ đều thấy là lòng nhiệt thành tín
ngưỡng củc con là một cái gì đó hơi thần bí.
- Nó là một thần bí thật sự mẹ ạ.
- Hưừmm… Mẹ không định nói điều đó. Con hãy nghe mẹ đây, nếu
con quả thật muốn theo một tín ngưỡng, con chỉ có thể là một tín đồ Hinđu, một
người theo Cơ đốc giáo hoặc một người theo đạo Hồi. Con đã nghe họ nói ở chỗ đi
dạo ngoài biển rồi đấy.
- Con vẫn không hiểu tại sao con lại không thể là cả ba.
Mamaji có hai hộ chiếu. Bác ấy vừa là Ấn Độ vừa là Pháp. Sao con lại không thể
là Hinđu, Cơ đốc và Hồi giáo?
- Chuyện ấy khác. Pháp và Ấn Độ là các dân tộc trên trái
đất.
- Thế có bao nhiêu các dân tộc ở trên trời.
- Một. Đúng thế. Một dân tộc. Một hộ chiếu.
- Một dân tộc ở trên trời.
- Đúng thế. Hoặc chẳng có gì cả. Còn có cả trường hợp ấy nữa
con ạ. Con đang bập vào những chuyện thật sự là lỗi thời đấy.
- Nếu chỉ có một dân tộc ở trên trời, có phải tất cả các hộ
chiếu đều có giá trị phải không mẹ?
Một đám mây phân vân bao phủ gương mặt mẹ.
- Bác Gandhi đã nói…
- Thôi được rồi, mẹ biết bác Gandhi nói gì rồi.- Mẹ đưa tay
lên trán. Lúc ấy, mẹ có một vẻ rất mệt nhọc, quả thực vậy. Mẹ nói,- Sao mà đến
nông nỗi này.
Chương 27
Tối hôm đó, tôi nghe lỏm được cha mẹ nói chuyện với nhau.
- Em đồng ý rồi à?- Cha hỏi.
- Em biết nó đã hỏi anh. Anh đã đùn nó sang cho em.- mẹ trả
lời.
- Anh ấy à?
- Đúng rồi.
- Anh bận suốt cả ngày.
- Bây giờ anh hết bận rồi, nhìn anh em biết là anh hoàn toàn
đang rỗi và thoải mái. Nếu anh muốn xung phong vào buồng nó, rút cái thảm cầu
nguyện dưới chân nó và thảo luận về vấn đề thụ lễ phong tên thánh với nó, thì
anh cứ đi đi. Em không phản đối.
- Không, không.- Qua giọng cha tôi có thể hình dung ông đang
ngồi sâu hơn vào chiếc ghế của ông. Một lúc im lặng.
- Nó có vẻ thu hút các tôn giáo như kiểu chó thu hút rận,-
cha nói.- Anh không hiểu được. Mình là một gia đình Ấn Độ hiện đại; mình sống
theo lối sống mới. Ấn Độ đang ở đỉnh điểm của quá trình trở thành một dân tộc
thực sự tiên tiến và hiện đại, thế mà đúng lúc này mình lại sinh ra một thằng
con trai đinh ninh nó là hậu thân của thần Ramasrishna.
- Nếu bà Gandhi là đại diện của cái hiện đại và tiên tiến mà
anh vừa nói đến, em cũng chẳng biết mình có ưa được những cái đó không đây.- mẹ
nói.
- Bà Gandhi rồi sẽ qua đi chứ! Nhưng sự tiến bộ thì không
thể dừng lại được. Nó là hồi trống mà tất cả chúng ta đều phải bước theo. Khoa
học kỹ thuật là có ích và các ý tưởng hay sẽ truyền bá, đó là hai qui luật của
tự nhiên. Nếu ta không để cho khoa học kỹ thuật giúp ích cho cuộc sống, nếu ta
cưỡng lại các ý tưởng hay, ta sẽ tự kết án mình vào vòng mông muội với các loài
khủng long mà thôi! Anh tuyệt đối tin tưởng vào điều này. Bà Gandhi và những
cái ngớ ngẩn của bà sẽ qua đi. Một nước Ấn Độ mới sẽ đến.
(Quả thực bà ấy sẽ qua đi. Và nước Ấn Độ Mới ấy, hoặc một
gia đình của nó, sẽ quyết định di cư sang Canada .)
Cha nói tiếp:
- Em có nghe lúc nó nói “Bác Gandhi từng dạy rằng hết thẩy
các tôn giáo đều là chân lý” không?
- Có.
- Bác Gandhi? Thằng bé này đang ngày một thân thích với
Gandhi đến thế kia à? Sau bác với cha Gandhi sẽ còn là cái gì đây? Bác Jesus
chắc? Mà lại còn cái rất phi lý nữa, có đúng là nó đã thành một tín đồ Hồi giáo
không?
- Có vẻ thế.
- Một kẻ Hồi giáo! Nói thực, là một tín đồ Hinđu mê muội thì
anh cũng còn hiểu được. Kể cả là một người Cơ đốc nữa, mặc dù có hơi lạ nhưng
cũng vẫn còn có thể hiểu được. Người Cơ đốc đã ở đây từ lâu. Thánh Thomas,
Thánh Francis Xavier, những nhà truyền giáo và vân vân. Nhờ họ mà ta có các
trường tử tế.
- Vâng.
- Cho nên tất cả những cái đại loại thế anh có thể chấp nhận
được. Nhưng mà Hồi giáo! Cái đó hoàn toàn ngoại lai với truyền thống của chúng
ta. Tín đồ Hồi giáo là những kẻ xa lạ bên ngoài.
- Họ cũng đã ở đây từ rất lâu rồi đấy chứ. Họ còn đông hơn
dân Cơ đốc hàng trăm lần.
- Cũng thế thôi. Họ là người ngoài.
- Có thể thằng Piscine nhà mình đang bước đều theo một nhịp
trống tiến bộ khác.
- Em bênh nó hả, em cứ mặc cho nó tự huyễn mình thành một
thằng Hồi giáo đấy hả?
- Thì làm gì được bây giờ, hả anh Santosh? Nó đã ghi lòng
rồi, mà rồi thì có hại gì đến ai đâu. Có thể cũng chỉ là một giai đoạn thôi. Cả
cái đó nữa rồi cũng qua đi, như bà Gandhi vậy.
- Sao nó không thể có những vui thú bình thường như bọn trẻ
cùng lứa được nhỉ? Như thằng Ravi đấy. Nó chỉ
biết nghĩ đến bóng chày, xinê và âm nhạc.
- Anh nghĩ như vậy tốt hơn à?
- Không, không. Ôi chao, anh cũng chẳng biết nên nghĩ thế
nào nữa. Suốt cả ngày rồi.- Cha thở dài.- Chẳng biết rồi nó sẽ đi đến đâu với
những cái đam mê ấy.
Mẹ tặc lưỡi.
- Tuần trước nó vừa đọc xong một cuốn nhan đề bắt chước Đấng
Christ.
- Bắt chước Đấng Christ! Còn nói gì được nữa! Chẳng biết rồi
nó sẽ đi đến đâu với những đam mê ấy!- Cha kêu to.
Và cả hai đều cười.
Chương 28
Tôi yêu tấm thảm cầu nguyện của mình. Cho dù chất lượng nó
vào loại thường, nhưng nó thật ngời ngời đẹp đẽ trong mắt tôi. Rất tiếc là nó
không còn nữa. Bất cứ tôi trải nó xuống đâu, mảnh đất bên dưới và ngay xung
quanh nó cũng trở thành đặc biệt thân thiết với tôi. Điều đó chúng tỏ nó là một
tấm thảm cầu nguyện tốt vì nó biết nhắc nhở tôi rằng đất này chính là sáng tạo
của Thượng đế và nơi nào cũng thiêng liêng như nhau. Hoa văn thảm, những đường
nét như vàng ròng trên nền đỏ, có kiểu cách giản dị; một hình chữ nhật dài với
một tam giác ở một đầu để chỉ hướng cầu nguyện, có những nét phẩy nho nhỏ rải
rác xung quanh, như những vệt khói hoặc nét nhấn nhá của một ngôn ngữ xa lạ.
Mặt thảm êm. Khi cầu nguyện, hàng rua ngắn không thắt nút ở hai bên mép đầu và
cuối của nó chỉ cách đỉnh trán và các ngón chân tôi dăm bảy phân, vừa vặn ấm
cúng khiến tôi cảm thấy an toàn như ở nhà mình bất kì nơi nào tôi cầu nguyện.
Tôi cầu nguyện ngoài trời bởi vì tôi thích thế. Tôi thường
trải tấm thảm của tôi ở một góc sân đằng sau nhà. Đó là một chỗ kín đáo dưới
bóng mát một cây bạch phụ tử, sát cạnh bức tường có giàn hoa giấy leo kín. Dọc
chân tường có hàng chậu trồng cây trạng nguyên. Những dây hoa giấy cũng leo cả lên
cây bạch phụ tử. Những dây leo nhỏ tim tím của nó tương phản với những đóa hoa
đỏ của cái cây trông thật vui mắt. Khi cây ấy vào mùa ra hoa, nó là nơi lui tới
thường xuyên của quạ, sáo sậu, chích choè, chào mào và vẹt. Bức tường thì ở
phía tay trái tôi, theo một góc rộng. Trước mặt và về phía bên trái, qua khỏi
dải bóng râm lung linh của cái cây, là khoảng sân lộ thiên đầy nắng. Cảnh vật
không phải lúc nào cũng vậy, tất nhiên rồi, mà có thay đổi tùy thời tiết, tùy
ngày và tùy giờ. Nhưng tất cả những gì tôi vừa tả ghi dấu thật rõ ràng trong ký
ức tôi, như thể chúng chẳng bao giờ thay đổi. Để hướng về phía Mecca cho đúng, tôi vạch
một đường đánh dấu xuống mặt đất vàng nhạt và cẩn thận duy trì nó.
Có nhiều lần, khi cầu nguyện xong, hễ quay lại là tôi thấy
cha hoặc mẹ hoặc Ravi đang quan sát mình. Rồi
thì mọi người cũng quen đi.
Lễ đặt tên thánh cho tôi thì hơi lúng túng một chút. Mẹ chịu
làm theo các nghi thức một cách êm thấm, cha chỉ đứng nhìn nghiêm nghị lạnh
lùng, còn Ravi thì vắng mặt nhờ có trận bóng chày, nhưng không phải vì thế mà
không lải nhải bình phẩm suốt về sau này. Dòng nước chảy xuống mặt xuống cổ
tôi; chỉ một bình nước nhỏ thôi, nhưng tác dụng của nó tươi mới như một trận
mưa mùa hạ.
Chương 29
Tại sao người ta di cư? Cái gì khiến họ nhổ rễ và rời bỏ tất
cả những gì quen thuộc để đến một nơi xa tận bên kia chân trời? Tại sao phải
trèo qua dãy thái sơn của các thủ tục giấy tờ khiến ta cảm thấy mình như một kẻ
ăn mày? Tại sao phải dấn bước vào khu rừng ngoại lai nơi tất cả mọi thứ đều lạ
lẫm, khó khăn và chưa từng thấy?
Chỉ có một câu trả lời: người ta di cư vì hy vọng có một
cuộc đời tốt đẹp hơn.
Giữa thập kỷ 1970 là một thời kỳ khó khăn của Ấn Độ. Tôi
đoán biết điều đó từ những nếp nhăn trên trán cha mỗi khi cha đọc báo. Hoặc từ
những mẩu đối thoại tôi nghe được giữa cha, mẹ, Mamaji và những người khác.
Không phải là tôi không hiểu nổi những chuyển biến trong những vấn đề họ nói
với nhau. Nhưng tôi không mấy quan tâm đến chúng. Bầy khỉ độc vẫn hau háu chờ
món chapattis của chúng hằng ngày; lũ khỉ chẳng bao giờ hỏi tin tức New Dehli;
tê giác và dê vẫn tiếp tục chung sống yên ổn; chim chóc vẫn hót líu lo; mây vẫn
mang mưa, mặt trời vẫn nóng; trái đất vẫn thở đều; Thượng đế vẫn… chẳng có gì
cấp cứu trong thế giới của tôi.
Cuối cùng thì bà Gandhi đã làm cho cha hết chịu đựng nổi.
Tháng Hai 1976, Dehli giải tán chính quyền vùng Tamil Nadu. Chính quyền từng to
mồm chỉ trích bà nhiều nhất. Việc chuyển giao chính quyền diễn ra êm thấm,
chính phủ địa phương của thủ tướng Karunanidhi im lặng biến mất qua các vụ “từ
chức” và quản thúc tại gia. Thực ra, việc một chính quyền địa phương bị giải
tán thì có là cái gì so với việc bản Hiến pháp của cả quốc dân đã bị phế từ cả
tám tháng trước đó? Nhưng với cha, đó là dấu hiệu cuối cùng của việc bà Gandhi
đã lên ngôi độc tài và tiếm đoạt quốc gia. Con lạc đà trong vườn thú chẳng hề
hấn gì, nhưng cái sợi rơm ấy đã bẻ gãy lưng cha.
Cha kêu lên, “Chẳng mấy chốc mụ sẽ đến vườn thú của chúng ta
và bảo rằng các nhà tù của mụ đều đã chật ních cả, rằng mụ cần thêm chỗ, rằng
liệu chúng ta có giam được ông Desai vào cùng một chuồng với sư tử được chăng?”
Morarji Desai là một chính khách đối lập. Không phải bạn với
bà Ganhdi. Tôi thấy buồn vì nỗi lo không dứt của cha. Bà Gandhi có thể tự tay
bỏ bom vườn thú, chuyện đó cũng chẳng có sao đối với tôi nếu cha cũng vui vẻ
coi đó là việc bình thường. Giá mà cha đừng khổ sở dằn vặt đến thế. Thật khổ
cho một đứa con trai phải thấy cha nó phát ốm vì lo lắng.
Cha lo lắm. Việc làm ăn nào cũng có rủi ro cả, nhưng không
có rủi ro nào bằng một công việc làm ăn nhỏ, khi đã mất là mất cả chì lẫn chài.
Vườn thú là một thiết chế văn hóa. Cũng như một thư viện công cộng, một nhà bảo
tàng, nó phục vụ công chúng trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Trong quan
điểm đó, nó không phải là một việc làm ăn vì mục đích kiếm tiền, vì Điều Thiện
Lớn và Lời Lãi Lớn là những mục tiêu không tương thích nhau. Cha đã rất cáu vì
thế. Sự thật là, chúng tôi không phải là một gia đình giàu có, nhất là theo
tiêu chuẩn Canada .
Chúng tôi là một gia đình nghèo tình cờ sở hữu một lũ thú vật, mặc dù không sở
hữu được cái mái nhà trên đầu chúng, và cả trên đầu chúng tôi nữa, nhân tiện
phải nói luôn thế. Cuộc sống của một vườn thú, cũng như cuộc sống của các cư
dân trong hoang dã, là bấp bênh khôn lường. Nó không phải một doanh nghiệp đủ
lớn để có thể đứng trên luật pháp, mà cũng không đủ nhỏ để sống sót được sau
những mất mát. Để phồn thịnh, vườn thú cần đến quốc vụ viện, các cuộc bầu cử
dân chủ, tự do ngôn luận, tư do báo chí, tự do hội họp, luật lệ pháp chế rõ
ràng và đủ mọi thứ khác nữa mà người ta đã cam kết thiêng liêng là phải có
trong bản Hiến Pháp Ấn Độ. Không thế thì không tài gì mà lo cho vườn thú được.
Lâu dài mà nói, chính trị tồi là có hại cho doanh nghiệp.
Người ta di cư vì mệt mỏi quá rồi trong tình trạng lo âu. Vì
cái cảm giác cắn rứt rằng dù mình có cố mấy đi nữa thì cũng chẳng ăn thua gì,
rằng công sức cả năm rồi cũng bị người khác cướp mất chỉ trong một ngày. Vì cái
ấn tượng rằng, tương lai thế là hết, rằng mình thì thế nào cũng xong nhưng con
cháu mình thế là hết đường rồi. Vì cái cảm giác rằng chẳng có gì thay đổi nữa,
rằng hạnh phúc và phồn vinh chỉ có thể có được ở một nơi nào khác mà thôi.
Nước Ấn Độ Mới đã bị đập vỡ tan tành và sụp đổ trong ý nghĩ
của cha. Mẹ nhượng bộ.
Chúng tôi sẽ bùng đi nơi khác thôi.
Quyết định ấy được tuyên cáo trong một bữa ăn tối. Ravi và tôi ngồi chết lặng! Canada ! Nếu như Andhra Pradesh,
ngay phía bắc chúng tôi, đã là một viễn xứ; nếu Sri Lanka, chỉ cách chúng tôi
một eo biển hẹp khỉ có thể nhảy qua, đã là cái phía tối của mặt trăng, thử
tưởng tượng xem Canada sẽ là cái gì? Canada không là gì đối với chúng
tôi cả. Nó giống như Timkubu(1), theo định nghĩa là một nơi mãi mãi xa vời.
--------------
Chú thích:
(1) Timkubu, một thị trấn ở trung bộ Mali, Tây Phi, một nơi
nổi tiếng hẻo lánh, nên cái tên Timkubu đã đồng nghĩa với một nơi rất xa vời.
Chương 30
Anh đã có vợ. Tôi đang cúi cởi giầy thì nghe anh nói: Xin
giới thiệu đây là nhà tôi. Tôi ngẩng lên và ngay ở đó, bên cạnh anh… là bà
Patel. Xin chào, chị lên tiếng, giơ tay ra cho tôi bắt và mỉm cười. Piscine đã
nói với tôi rất nhiều về anh. Tôi thì không thể nói với chị điều tương tự. Tôi
đã chưa biết tí gì về chị. Chị đang sắp phải đi nên chúng tôi chỉ chuyện trò
được đôi câu. Chị cũng là người Ấn Độ nhưng nói giọng Canada điển hình hơn. Chắc là thế
hệ thứ hai. Chị trẻ hơn anh một chút, da hơi đen hơn một chút, tóc dài đen tết
thành một bím nặng. Cặp mắt đen láy và sáng và hàm răng trắng thật đáng yêu.
Chị mang trên tay một cái áo choàng phòng thí nghiệm trắng tinh vừa giặt khô
vẫn còn để trong bao ni lông, chị làm nghề bào chế thuốc. Khi tôi chào: rất
được hân hạnh, thưa bà Patell, chị đáp: Xin anh cứ gọi tôi là Meena. Vợ chồng
hôn nhẹ nhau một cái, rồi chị ra khỏi nhà vì một phiên làm việc ngày thứ Bảy.
Căn nhà này không phải chỉ là cái hộp đầy các tượng thờ nữa.
Tôi bắt đầu để ý thấy các dấu hiệu nho nhỏ của một cuộc sống lứa đôi. Chúng vẫn
ở đó cả thôi, nhưng trước đây tôi đã không tìm kiếm chúng.
Anh là một người nhút nhát. Cuộc đời đã dạy anh chớ có khoe
khoang những gì quý giá nhất của mình.
Chẳng nhẽ chị đã là thủ phạm của những vụ bụng dạ tôi ậm ạch
sau những lần ăn uống tại nhà anh?
Tôi vừa làm món sốt chua ngọt đãi anh đấy, anh nói, miệng
mỉm cười.
Thì ra không phải chị, mà chính là anh.
Chương 31
Họ gặp nhau một lần, ông Kumar với ông Kumar, ông làm bánh
với ông thầy giáo. Ông Kumar thứ nhất nói ông muốn đến thăm vườn thú.
- Ngần ấy năm sống ở đây mà tôi chưa lần nào được xem. Mà
thật là ngay gần đây. Cậu sẽ hướng dẫn tôi chứ?- Ông hỏi.
- Vâng, tất nhiên rồi,- tôi đáp.- Thật là một vinh dự cho
cháu.
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở cổng chính sau giờ tan trường ngày
hôm sau.
Tôi lo lắng suốt ngày hôm đó, bụng bảo dạ, “Mày thật ngốc
nghếch! Sao lại hẹn ở cổng chính? Lúc nào chỗ đó cũng đông người. Mày quên là
ông ấy chẳng có đặc điểm gì rồi à? Mày sẽ không khi nào nhận được ra ông ấy cho
mà xem!”. Nếu tôi đi ngay qua cạnh ông mà không nhận ra ông thì ông chắc sẽ tự
ái lắm. Ông sẽ nghĩ tôi đã thay lòng đổi dạ và không còn muốn cặp kè với một
người làm bánh Hồi giáo nghèo khổ nữa. Ông sẽ bỏ đi không thém nói một lời. Ông
sẽ không giận dữ - ông sẽ chấp nhận lời biện bạch của tôi là tôi bị chói mắt
không nhìn thấy ông - nhưng ông sẽ không còn muốn đến thăm vườn thú làm gì nữa.
Tôi có thể thấy sự việc sẽ diễn ra như thế. Tôi bắt buộc phải nhận ra ông. Tôi
sẽ nấp và đợi đến khi nào chắc chắn đó là ông, nhất định sẽ phải làm như vậy.
Nhưng tôi đã từng nhận thấy rằng cứ khi nào tôi cố hết sức để nhận dạng ông thì
lại là lúc khó nhận ra ông nhất. Hình như càng cố thì càng khó là đằng khác.
Đến giờ hẹn, tôi đứng trực ngay trước cổng chính của vườn
thú và bắt đầu dụi mắt bằng cả hai tay.
- Mày làm cái gì thế?
Đó là Raj, một thằng bạn.
- Tao đang bận.
- Mày bận dụi mắt à?
- Cút đi.
- Mình đi ra bờ biển đi.
- Tao đang đợi một người.
- Thế thì mày sẽ lỡ hẹn nếu cứ dụi mắt lia lịa như thế kia.
- Cảm ơn mày đã nhắc. Mày đi chơi bờ biển cho vui nhé.
- Hay là đi Vườn Nhà nước đi mày.
- Tao không đi được, tao bảo rồi mà.
- Thôi đi.
- Tao xin mày, Raj, mày đi đi.
Nó bỏ đi. Tôi lại dụi mắt.
- Mày giúp tao làm bài tập toán được không, Pi?
Đó là Ajith, một thằng bạn khác.
- Để sau, mày đi chỗ khác đi.
- Chào Piscine.
Đó là bà Radhakrishna, một người bạn của mẹ. Tôi xua được bà
đi chỗ khác sau một vài câu nhẹ nhàng.
- Xin lỗi, đến phố Laporte đi lối nào?
Một người lạ.
- Lối kia.
- Vé vào vườn thú bao nhiêu tiền?
Một người lạ khác.
- Năm rupi. Quầy bán vé ở ngay kia.
- Cậu bị chlorine vào mắt hay sao?
Đó là Mamaji.
- Chào bác Mamaji, không phải đâu ạ.
- Bố cháu có đây không?
- Chắc có ạ.
- Gặp cháu sáng mai nhé.
- Thưa bác vâng ạ.
- Tôi đây, cậu Piscine.
Tôi đông cứng lại trước mắt mình. Cái giọng nói đó. Vừa lạ
vừa quen. Tôi cảm thấy như trong lòng nở một nụ cười.
- Salaam alaykum, bác Kumar! Gặp bác cháu rất mừng.
- Wa alaykum as-salaam(1). Mắt cậu làm sao thế?
- Không, không sao đâu ạ. Chắc chỉ là một hạt bụi.
- Đỏ hết cả rồi.
- Không sao đâu ạ.
Ông đi về phía quầy vé nhưng tôi gọi ông lại.
- Không, không. Thầy(2) không phải mua vé đâu ạ.
Thật là vinh hạnh khi tôi xua tay về phía quầy vé và mở
đường cho ông Kumar bước vào vườn thú.
Ông kinh ngạc trước tất cả mọi thứ, nào là vì cây cao mà
sinh ra hươu cao cổ, rồi chuyện các loài ăn thịt thì được cấp thức ăn là loài
ăn cỏ, rồi loài ăn cỏ thì có cỏ mà ăn, rồi thì chuyện có các loài ăn đêm và các
loài ăn ngày, con nào cần có mỏ sắc thì có mỏ sắc, con nào cần có chân tay
nhanh nhẹn thì có chân tay nhanh nhẹn. Tôi sung suớng thấy ông kinh ngạc đến
như vậy.
Ông dẫn lời kinh Koran: “Có thông điệp của Thượng đế cho
những ai biết dùng trí xét đoán của mình trong tất cả những điều này”.
Chúng tôi đến chỗ bọn ngựa vằn. Ông Kumar chưa từng nghe về
những con vật này chứ đừng nói đến chuyện đã từng nhìn thấy một con. Ông đứng
ngây người.
- Ngựa vằn đấy ạ.- Tôi bảo.
- Người ta sơn vẽ chúng bằng bút lông à?
- Không, không. Trông thế thôi chứ là tự nhiên đấy ạ.
- Trời mưa thì sao?
- Chẳng sao ạ.
- Những cái vạch lông kia không nhòe nhoẹt đi à?
- Không ạ.
Tôi có mang theo ít cà-rốt. Còn một củ to và cứng. Tôi lấy
nó ra khỏi túi. Đúng lúc ấy tôi nghe thấy tiếng sỏi lạo xạo ở phía bên phải. Đó
là ông Kumar, đang bước về phía hàng rào trong dáng điệu lắc lư khập khiễng
quen thuộc.
- Chào thầy ạ.
- Chào Pi.
Ông làm bánh, bẽn lẽn nhưng đàng hoàng, gật đầu chào ông
thầy giáo. Ông này lại gật đầu chào lại.
Một chú ngựa vằn tinh ý đã thấy củ cà-rốt của tôi và đã bước
đến chỗ rào thấp. Nó vẫy tai và giậm chân nhè nhẹ. Tôi bẻ củ cà-rốt làm đôi,
đưa cho mỗi ông Kumar một nửa. “Cám ơn Piscine,” một ông nói. “Cám ơn Pi” ông
kia bảo. Ông Kumar làm trước, thò tay qua hàng rào. Cặp môi dày đen bóng và khỏe
mạnh của con ngựa vằn ngoạm ngay lấy củ cà-rốt. Ông Kumar không bỏ ra, con ngựa
vằn đớp ngập răng vào mẩu cà-rốt và cắn nó ra làm hai. Nó nhai rau ráu trong
vài giây, rồi ngoạm nốt nửa kia, môi nó phủ kín các đầu ngón tay ông Kumar. Ông
buông miếng cà-rốt và vuốt ve cái mũi mềm mại của con ngựa vằn.
Đến lượt ông Kumar. Ông không làm khó cho con ngựa vằn như
ông kia. Khi môi con ngựa đã ngoạm nửa miếng cà-rốt, ông buông tay. Cặp môi ấy
vội vàng lùa miếng cà-rốt vào trong miệng.
Ông Kumar với ông Kumar có vẻ sung suớng.
- Cậu bảo gì nhỉ, ngựa vằn à?- Ông Kumar nói.
- Đúng thế ạ,- tôi trả lời.- Nó thuộc cùng một họ với lừa và
ngựa.
- Xe Rolls-Royce của các nhà kỵ sỹ.- ông Kumar nói.
- Con này là một con ngựa vằn giống Grant.- tôi nói.
Ông Kumar nói:
- Equus burchelli beohmi(3).
Ông Kumar nói:
- Allahu akbar(4).
Tôi nói:
- Nó rất đẹp.
Chúng tôi tiếp tục nhìn.
------------
Chú thích :
(1). Salaam alaykum là câu chào nhau của người Hồi giáo, có
nghĩa tương tự như xin Thượng đế ở cùng bạn và Wa alaykum as-salaam là câu đáp
lại, cũng có nghĩa đó (ND).
(2). Pi phải gọi ông Kumar này là “Bác” mới đúng, vì ông
thầy Kumar dạy sinh vật lát sau mới đến.
(3) Tiếng Latin, có nghĩa: con ngựa rất đẹp. (ND)
(4) Nghĩa là: Vinh danh thánh Allah. (ND)
Chương 32
Có nhiều thí dụ về cách các thú vật thu xếp cuộc sống rất
đáng ngạc nhiên. Tất cả đều giống như hiện tượng nhân dạng hoá
(anthropomorphism), mà trong động vật học gọi là hiện tượng thú dạng hoá
(zoomorphism) - hiện tượng một con thú coi một người hoặc một con thú khác loài
như thể cúng loài với mình.
Nối tiếng nhất và cũng phổ biến nhất là trường hợp các con
chó cảnh nuôi trong nhà. Chúng đã đồng hoá người vào thế giới chó sâu xa đến
mức muốn cả giao phối với họ, một sự thực mà bất kỳ người chủ nào đã phải kéo
con chó si tình của mình ra khỏi háng một vị khách sợ hết hồn cũng sẽ sẵn sàng
khẳng định là có.
Con điêu thử lông vàng và con chuột lông chấm trắng của
chúng tôi sống rất hoà thuận với nhau, quấn quít nhau và ngủ dúi dụi vào nhau
cho tới lúc con điêu thử lông vàng bị người ta bắt trộm mất.
Tôi cũng đã nhắc đến tê giác với đàn dê, và trường hợp của
sư tử trong rạp xiếc.
Có những câu chuyện được khẳng định hẳn hoi về những thủy
thủ sắp chết đuối được cá heo đội lên khỏi mặt nước, là cách điển hình mà loài
cá này vẫn dùng để cứu lẫn nhau.
Trong sách vở có nhắc đến trường hợp một con chồn trắng sống
hòa thuận với con chuột nọ, trong khi vẫn lập tức nuốt chửng các con chuột khác
theo đúng kiểu chồn trắng.
Vườn thú của chúng tôi đã thấy chuyện các con thú ăn thịt
sống với con mồi của chúng rất lạ lùng. Chúng tôi có một con chuột đã sống với
bầy rắn độc trong suốt nhiều tuần lễ. Trong khi các con chuột khác bỏ vào
chuồng rắn đều bị toi mạng trong vòng một hai ngày, con chuột nhỏ màu nâu này
nhởn nhơ tha rác làm một cái tổ xinh xinh, thu trữ các hạt ngũ cốc mà chúng tôi
rắc cho nó vào những chỗ giấu khác nhau và chạy đi chạy lại ngay trước mắt các
con rắn. Chúng tôi ngạc nhiên hết sức. Chúng tôi treo một cái biển để người xem
để ý đến hiện tượng con chuột này. Sau rồi nó cũng không tránh được kết cục của
số phận: nó bị một con rắn non cắn. Con rắn ấy không biết đến địa vị đặc biệt
của con chuột sao? Hay nó cảm thấy không ưa và không muốn quan hệ với con
chuột? Chẳng biết thế nào. Có điều con chuột ấy lập tức bị nuốt chửng. Nếu bầy rắn
đã bị bỏ bùa thì con rắn non đã giải được cái bùa ấy. Mọi việc trở lại bình
thường. Chuột lại bị lũ rắn nuốt chửng theo tốc độ như cũ.
Trong nghề nuôi thú, người ta hay dùng chó làm mẹ nuôi sư tử
con. Mặc dù sư tử con lớn lên và to lớn hơn mẹ nuôi và cũng nguy hiểm hơn
nhiều. Chúng không bao giờ làm rầy mẹ nuôi. Con chó cũng không bao giờ hết dịu
dàng và cũng vẫn giữ được quyền làm mẹ của nó đối với lũ sư tử. Phải có biển
giải thích cho công chúng đến xem rằng con chó trong chuồng kia không phải là thức
ăn sống của bọn mãnh sư (cũng như chúng tôi đã phải có biển nói rằng tê giác là
loài ăn cỏ và không ăn thịt dê).
Có thể lí giải hiện tượng thú dạng hoá như thế nào đây?
Chẳng nhẽ tê giác không thể phân biệt được to với nhỏ, da cứng với lông mềm?
Chẳng nhẽ cá heo không thể nhận ra nhau? Tôi tin rằng câu trả lời dành nằm
trong cái mà tôi đã nhắc đến trước đây, trong cái liều lượng điên rồ vẫn thúc
cho sự sống vận động theo những cung cách lạ lùng nhưng là cứu cánh. Con chuột
lông vàng cũng như con tê giác, đều cần có bạn đồng hành. Bọn sư tử làm xiếc
không cần biết vị thủ lãnh của chúng là một người yếu ớt; tinh thần hư cấu đảm
bảo cuộc sống xã hội của chúng và ngăn chặn tình trạng bạo lực vô chính phủ.
Còn đối với bọn sư tử con, chúng sẽ ngã ngửa ra vì sợ khi biết rằng mẹ chúng
chỉ là một con chó, vì điều đó có nghĩa là chúng không có mẹ, một tình trạng
tồi tệ nhất mà bất cứ sinh linh máu nóng nhỏ nhoi nào cũng có thể tưởng tượng
ra. Tôi tin rằng ngay cả con rắn già, khi nuốt chửng con chuột, chắc chắn phải
cảm thấy ở một xó nào đó trong tâm trí chưa phát triển của nó một thoáng ân
hận, một cảm giác rằng có cái gì đó lớn lao hơn vừa bị mất đi, một bước nhảy
của trí tưởng tượng ra khỏi miền thực tại thô thiển và đơn côi của một con thú
bò sát.
Chương 33
Anh cho tôi xem những kỷ vật gia đình. Trước tiên là ảnh
cưới, một đám cưới Ấn Độ trên nền Canada nổi bật ngoài rìa. Một anh
trẻ hơn, một chị trẻ hơn. Họ đi trăng mật ở thác Niagara .
Một chuyến đi thật đáng yêu. Những nụ cười khẳng định điều đó. Rồi ngược thời
gian nữa, những tấm ảnh hồi anh còn là sinh viên ở đại học Toronto, với bạn bè,
trước cửa nhà thờ thánh Micheal, trong phòng ở, trên đường phố, đang đọc sách ở
nhà thờ thánh Basil trong bộ áo chùng màu trắng, đang vận một áo choàng trắng
kiểu khác trong phòng thí nghiệm của khoa động vật học trong ngày tốt nghiệp.
Một nụ cười trong mọi lúc, nhưng cặp mắt anh lại kể một câu chuyện khác.
Những bức ảnh ở Brazil , với rất nhiều các con cu li
ba móng chụp tại chỗ.
Với một động tác giở trang, chúng tôi nhảy qua Thái Bình
Dương, và hầu như chẳng có hình ảnh gì. Anh nói có chụp ảnh liên tục trong tất
cả các dịp quan trọng, nhưng đã mất tất cả rồi. Vài bức ít ỏi là do Mamaji góp
nhặt gửi sang sau này.
Có một bức ảnh chụp ở vườn thú nhân dịp một quan chức cao
cấp đến thăm. Một thế giới khác hiện ra đen trắng trước mắt tôi. Bức ảnh đầy
người. Vị bộ trưởng trong nội các chính phủ liên hợp là trung tâm của bức ảnh.
Đằng sau có một con hươu cao cổ. Gần bên rìa đám đông, tôi nhận ra ông
Adirubasamy trẻ tuổi.
- Mamaji đây à?- Tôi hỏi, chỉ vào đó.
- Vâng.- anh nói.
Có một người đàn ông đứng cạnh ông bộ trưởng, đeo kính gọng
sừng và mái tóc chải rất mượt. Rất có thể là ông Patel, mặt tròn hơn mặt con
trai.
- Có phải đây là cha anh?- Tôi hỏi.
Anh lắc đầu.
- Tôi không biết ông ta là ai.- Im lặng vài giây, rồi anh
nói,- chính cha tôi chụp bức ảnh này.
Cũng trên trang đó còn có một bức ảnh chụp tập thể khác,
phần lớn là học sinh. Anh gõ gõ ngón tay lên bức ảnh.
- Richard Parker đấy.- anh nói.
Tôi kinh ngạc. Tôi nhìn gần hơn, cố tách biệt nhân cách và
hình thức bề ngoài. Không may là bức ảnh đen trắng lại không được nét. Kiểu ảnh
chụp chơi lúc cuộc đời còn vô lo vô nghĩ. Richard Parker đang ngoảnh nhìn ra
chỗ khác. Nó cũng chẳng biết là người ta đang chụp ảnh nó.
Trang đối diện là cả một bức ảnh màu chụp cái bể bơi ở
Aurobindo Ashram. Một cái bể ngoài trời rộng và đẹp, nước trong vắt soi rõ đáy
bể màu xanh lơ và một cái bể lặn bên cạnh.
Trang tiếp trưng một bức ảnh chụp trước cửa trường Petit
Seminaire. Một cổng vòm có sơn dòng chữ tiêu biểu của trường: Nil magnum nisi
bonum. Không có cái thiện thì cũng không có cái vĩ đại.
Anh có vẻ trầm ngâm.
- Chán nhất,- anh nói,- là tôi không còn nhớ lại được dung
nhan của mẹ tôi. Tôi có thể tưởng tượng mẹ, nhưng chỉ trong một thoáng là mất.
Mỗi khi tôi cố hình dung mẹ cho rõ ràng, mẹ lại mờ dần đi. Cả giọng nói mẹ cũng
thế. Nếu tôi thấy mẹ ngoài phố bây giờ, chắc là mọi thứ sẽ trở lại rõ ràng.
Nhưng chắc chẳng được nữa rồi. Thật buồn khi không thể nhớ được mẹ mình trông
ra sao.
Anh gập cuốn sổ lại.
Chương 34
Cha nói:
- Chúng ta sẽ đi tầu thủy như Columbus !
- Ông ấy đã chỉ hy vọng tìm thấy được Ấn Độ.- tôi buồn rầu
nói.
Chúng tôi bán vườn thú, trọn gói tuốt tuột. Đến một xứ sở
mới, một cuộc đời mới. Ngoài việc đảm bảo cho bầy thú của chúng tôi có một
tương lai hạnh phúc, việc bán chác này còn giúp chúng tôi có tiền di chuyển và
một món kha khá để bắt đầu lại từ đầu ở Canada (bây giờ nghĩ lại cái món kha
khá đó thật nực cười - quả thật chúng tôi mù tịt về chuyện tiền nong). Chúng
tôi có thể bán bầy thú cho các vườn ở Ấn Độ, nhưng các vườn thú ở Mỹ chịu trả
giá cao hơn. Lúc ấy, Hiệp định Quốc tế về buôn bán các loài thú quý hiếm vừa ra
đời, và hành lang buôn bán thú hoang đã bị đóng cửa hoàn toàn. Tương lai các
vườn thú từ nay nằm trong tay các vườn thú khác. Vườn thú Pondicherry đóng cửa vừa đúng lúc. Người ta
tranh nhau mua bầy thú của chúng tôi. Những khách hàng cuối cùng là một số các
vườn thú, chủ yếu là vườn thú Lincoln Park ở Chicago và vườn thú
Minesota lúc ấy mới sắp mở cửa.
Những con thú lẻ thì bán rải rác sang cho các vườn ở Los Angeles , Louisville , Oklahoma City và Cincinnati .
Và có hai con được chở bằng tàu thủy sang Vườn thú Canada . Đó là Ravi và tôi. Cả hai chúng tôi đều cùng một cảm nghĩ đấy.
Chúng tôi không muốn đi. Không muốn sống ở xứ sở gió giật suốt ngày và với
những mùa đông lạnh hai trăm độ âm(1). Canada không có trên bản đồ của môn
cricket. Chỉ đến khi bắt tay vào chuẩn bị cuộc di cư chúng tôi mới dần quen với
ý nghĩ sẽ phải đi. Việc chuẩn bị cũng hết hơn một năm trời. Không phải với
chúng tôi, mà là với bầy thú kia. Nếu nghĩ rằng các con vật có phải lo gì đến
quần áo, giầy dép, chăn màn, bàn ghế, đồ bếp núc và đồ vệ sinh; rồi quốc tịch
cũng chẳng có ý nghĩa gì với chúng, không phải lo tí gì đến hộ chiếu, tiền
nong, khả năng công ăn việc làm, trường học, nhà ở, y tế… Nghĩa là, nếu nghĩ
rằng bầy thú thật là nhẹ nhàng trong tất cả những cái đó, thì mới ngạc nhiên là
việc di chuyển chúng mới khó khăn làm sao. Di chuyển một vườn thú cũng giống
như di chuyển một thành phố vậy.
Nguyên thủ tục giấy tờ đã hàng núi rồi. Tốn hàng lít nước để
pha mực đóng dấu. Viết hàng trăm đơn từ kiểu “Kính thưa ngài Mỗ với ngài Mỗ”.
Rao giá. Thở dài. Nghi ngờ. Bàn đi cãi lại. Trình lên trên xin quyết định. Ngã
được giá cả. Ra được thỏa thuận. Kí tên vào những chỗ chấm chấm trong văn bản
hợp đồng. Trao đổi những lời chúc mừng. Kiếm các chứng chỉ nguồn gốc. Kiếm các
chứng chỉ sức khỏe. Kiếm các giấy phép xuất khẩu. Kiếm các giấy phép nhập khẩu.
Làm rõ các điều lệ cách li. Tổ chức vận tải. Tiêu hàng cả gia tài vào tiền điện
thoại. Có một câu nói đùa trong nghề vườn thú, một câu đùa mệt mỏi, rằng đống
giấy tờ cần thiết để mua bán một con chuột mõm nhọn ăn sâu bọ thôi cũng nặng
hơn cả một con voi, rằng giấy tờ mua bán một con voi thì nặng hơn cả một con cá
voi, và rằng chớ bao giờ có ý định mua bán một con cá voi, chớ bao giờ. Hình
như có một bọn quan liêu chuyên bới lông tìm vết ngồi xếp hàng một từ
Pondicherry đến Minneapolis, qua Dehli và Washington, ai cũng nhăm nhăm các
biểu mẫu, những vấn đề khó khăn và những nỗi hoài nghi của mình. Chở các con
vật lên mặt trăng có thể còn đỡ phức tạp hơn. Cha đã giật đứt hầu hết tóc trên
đầu và đã nhiều lần suýt tung hê hết cả.
Có những chuyện không lường được. Hầu hết chim chóc, bò sát,
tê giác, khỉ độc, khỉ đuôi sư tử, hươu cao cổ, thú ăn kiến, hổ, báo hoa, báo
cheetah, linh cẩu, ngựa vằn, gấu culi và gấu Hymalaya, voi Ấn Độ được hỏi mua
tíu tít, nhưng lại có nhiều con không ai hỏi han gì đến, ví dụ như chú hà mã
Elphie của chúng tôi. “Một cuộc giải phẫu nhân mắt!” Cha vừa kêu vừa lắc lắc
một bức thư trong tay. “Họ sẽ mua nếu mình mổ nhân mắt bên trái cho nó. Cho một
con hà mã! Còn gì nữa chứ? Sửa mũi cho tê giác chắc?” Một số con thú bị coi là
“quá thường” ví dụ sư tử và khỉ đầu chó. Cha đã phải đổi các con vật này lấy
một con khỉ độc từ vườn thú Mysore và một con đười
uơi từ vườn Manila .
(Còn con hà mã Elphie thì sống đến hết đời tại vườn thú Trivandrum ). Một vườn thú hỏi mua một “con bò
Bramin chính hiệu” để trưng trong khu dành cho trẻ em. Cha liền vào khu rừng đô
thị Pondecherry và mua một con bò cái có cặp mắt ướt đen tuyền, một cái bướu rõ
to và cặp sừng thẳng băng mọc thật vuông góc với cái đầu như thể nó đã liếm
phải một ổ điện. Cha cho sơn cặp sừng ấy mầu da cam thật tươi rồi gắn những cái
chuông nhựa nhỏ xíu vào mũi sừng, cho nó thêm chính hiệu.
Một phái đoàn ba người Mỹ đến. Tôi rất tò mò. Tôi chưa từng
thấy người Mỹ thật còn sống.
Họ đến, hồng hào, béo tốt, rất thân thiện, thạo việc và cứ
ra mồ hôi như tắm. Họ khám các con thú của chúng tôi. Họ cho chúng ngủ rồi nghe
tim, kiểm tra nước giải và phân như thể xem tử vi, lấy máu vào ống tiêm rồi đem
đi phân tích, xoa bóp các loại bướu, gõ thử răng, chiếu đèn pin vào mắt, cấu
thử da, vuốt và nhổ thử lông. Khổ thân các con thú. Chắc chúng tưởng người ta
đang khám tuyển chúng vào quân đội Mỹ. Chúng tôi nhận được những nụ cười vui vẻ
nhất của những người Mỹ này, và những cái bắt tay chặt tưởng gãy xương của họ.
Kết quả là bầy thú, cũng như chúng tôi, nhận được hết các
giấy tờ cần thiết. Chúng sẽ thành những công dân Mỹ tương lai, còn chúng tôi,
những công dân Canada
tương lai.
-------------
Chú thích :
(1) Tính theo độ F (ND)
Chương 35
Chúng tôi rời Madras ngày 21
tháng Sáu năm 1977, trên con tàu hàng Nhật Bản treo cờ Panama mang tên
Tsimtsum. Các sỹ quan trên tàu là người Nhật, thủy thủ đoàn là người Đài Loan,
và con tầu thật lớn, thật ấn tượng. Ngày cuối cùng của chúng tôi ở Pondicherry , tôi chào tạm
biệt Mamaji, ông Kumar và ông Kumar, tạm biệt tất cả bạn bè và cả nhiều người
chưa quen biết. Mẹ vận bộ sari đẹp nhất. Bím tóc dài của mẹ, gập lại một cách
mỹ thuật và cài lại sau gáy, được trang điểm bằng một vòng hoa nhài tươi. Mẹ
đẹp. Và buồn. Vì mẹ đang rời bỏ Ấn Độ, nước Ấn Độ nóng nực của những cơn mưa
mùa, những cánh đồng lúa và dòng sông Cauvery, những bờ biển và đền miếu xây
bằng đá tảng, những cỗ xe bò kéo và những chiếc xe tải sặc sỡ của bạn bè và
những người chủ tiệm quen thuộc, con phố Nehru và phố Goubert Salai, của cái
này cái nọ, nước Ấn Độ quen thuộc và yêu mến với mẹ đến thế. Trong khi những
người đàn ông trong nhà - tôi tưởng mình là một trong số họ - mặc dù mới mười
sáu tuổi - đang vội vàng để lên đường, tưởng mình đã là thị dân Winnipeg bên xứ Canada xa xôi kia, thì mẹ còn nán
lại.
Hôm trước khi đi, mẹ chỉ một hàng bán thuốc lá và hỏi giọng
khẩn khoản:
- Ta có nên mua một vài bao không anh?
Cha đáp:
- Bên Canada cũng có thuốc lá, mà sao em muốn mua? Mình có
ai hút đâu?
Vâng, bên Canada
cũng có thuốc lá, nhưng họ có thuốc lá Gold Flake không? Họ có kem nhãn hiệu
Arun không? Xe đạp của họ có phải xe đạp Hero không? Có tivi Onidas không? Có ô
tô Ambassador không? Các hiệu sách có tên là Higginbothm không? Đó, tôi nghĩ,
là những câu hỏi quay cuồng trong đầu mẹ khi mẹ đang tính mua mấy bao thuốc lá
ấy.
Bầy thú đã được đánh thuốc ngủ, lùa hết vào lồng và khóa
lại, đồ ăn thức uống đã trữ hết vào hầm tàu, dây neo đã tháo hết, và những hồi
còi rúc lên. Khi con tàu len lỏi ra khỏi bến và tìm đường ra khơi, tôi cuống
cuồng vẫy chào Ấn Độ. Mặt trời tỏa sáng, gió thổi đều, và bầy hải âu cất những
tiếng kêu chói tai trên không trung. Lòng tôi rộn rã.
Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng
biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn
cách làm cho chúng tốt đẹp nhất mà thôi.
Chương 36
Những thành phố ở Ấn Độ đều rộng lớn và đông đúc không thể
nào quên được, nhưng khi rời khỏi chúng, ta du hành qua những vùng quê mênh
mông, nơi rất ít khi nhìn thấy một bóng người. Tôi còn nhớ cứ thắc mắc mãi không
biết chín trăm năm mươi triệu người Ấn kia đang ẩn nấp ở đâu.
Cũng có thể nói như vậy về căn nhà của anh.
Tôi đến hơi sớm. Tôi vừa đặt chân lên các bậc thềm xi măng
của lối vào thì đột nhiên một thiếu niên từ trong nhà chạy ào ra. Cậu mặc bộ
đồng phục cầu thủ bóng chày, mang theo các dụng cụ bóng chày, và cậu đang vội
lắm. Thấy tôi, cậu đứng sững, rồi quay lại gọi toáng lên vào trong nhà: “Cha
ơi, ông nhà văn đến rồi”. Với tôi, cậu nói: “Chào bác,” rồi chạy ù đi.
Cha cậu ra cửa.
- Xin chào.- anh nói.
- Con trai anh đấy ư?- tôi hỏi, vẫn không biết có thật hay
không.
- Vâng.- Công nhận sự thực ấy khiến môi anh nở một nụ cười.-
Xin lỗi, hai bác cháu gặp nhau không được đúng phép. Cháu đang vội đi tập. Tên
cháu là Nikhil. Thường gọi là Nick.
Tôi vào đến tiền sảnh.
- Tôi không biết anh có con trai,- tôi nói. Có tiếng chó
sủa, một con chó lài lông đen khoang nâu chạy bổ đến tôi, hít ngửi hổn hển. Nó
nhảy dựng lên hai chân trước bíu vào chân tôi. Tôi nói thêm,- lại có cả chó
nữa.
- Nó hiếu khách lắm, Tata, xuống!
Tata phớt lờ. Tôi nghe tiếng “Chào bác” chỉ có điều không
ngắn gọn và mạnh mẽ như tiếng chào của Nick. Nó kéo dài, đầy giọng mũi và ư ử
nhẹ nhàng, âm “àooo…” đến tai tôi như một cái vỗ vai hoặc cái kéo quần nhè nhẹ.
Tôi quay lại. Đang dựa vào cái ghế sôpha trong phòng khách,
ngước nhìn tôi với một vẻ e lệ bối rối, là một cô bé da nâu, rất xinh trong bộ
áo mầu hồng, rõ ràng đang ở nhà mình. Cô ôm một con mèo màu da cam. Chỉ nhìn
thấy hai chân trước dựng đứng và cái đầu thụt lủn của con mèo bên dưới hai cánh
tay bắt chéo của cô bé. Phần còn lại của nó treo lửng lơ xuống tận sàn nhà. Con
mèo có vẻ hoàn toàn thoải mái trong tư thế treo mắc áo như vậy.
- Còn đây là con gái anh?- Tôi hỏi.
- Vâng. Usha. Này Usha yêu quý của cha, liệu Moccasin như
thế có dễ chịu không con?
Usha buông Moccasin xuống. Nó phủ phục xuống sàn một cách
thản nhiên.
- Chào Usha.- tôi nói.
Con bé đến bên cha và nhìn trộm tôi từ sau chân anh.
- Con làm gì vậy hả con?- Anh nói.- Sao con lại đi trốn thế?
Con bé không trả lời, chỉ nhìn tôi với một nụ cười mỉm rồi
che mặt.
- Cháu mấy tuổi rồi hả Usha?- Tôi hỏi.
Nó không đáp.
Rồi Piscine Molitor Patel, được tất cả mọi người biết đến
với cái tên Pi Patel, cúi xuống nhấc đứa con gái của mình lên lòng.
- Con biết trả lời câu hỏi đó rồi mà, đúng không nào? Con
lên bốn rồi. Một, hai, ba, bốn.
Khi nói đến mỗi một con số, anh lại lấy ngón tay trỏ ấn nhẹ
lên đầu mũi con bé. Nó thấy điều đó thật buồn cười. Nó khúc khích rồi dụi đầu
vào cổ cha.
Đây thực là một câu chuyện có hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét