Em xinh, em mặc áo nào
cũng xinh
Boócđanôvích(1)
Trang viên của Ivan Pêtơrôvích Bêrêxtốp ở vào trong những
tỉnh xa xôi của chúng ta. Thuở còn trẻ lão tòng ngũ trong quân cận vệ, đến đầu
năm 1797 hồi hưu(2), trở về trại ấp riêng của mình và từ bấy giờ không rời khỏi
nơi ấy nữa. Lão kết hôn với một phụ nữ quý tộc nghèo, bà ta chết kỳ ở cữ, giữa
lúc lão đang đi săn. Chẳng bao lâu công việc trại ấp đã làm cho lão khuây khỏa.
Lão cho xây nhà theo bản đồ án thiết kế tự vẽ lấy, dựng lên một xưởng dệt dạ
trong trại ấp của mình, tăng lợi nhuận lên gấp ba lần, và bắt đầu tự cho mình
là kẻ thông minh nhất trong vùng. Về ý nghĩ này của lão thì những bạn láng
giềng cũng không ai phản đối; họ vẫn thường cùng gia đình và đem cả chó nữa đến
nhà lão ăn uống. Ngày thường lão mặc áo nhung ngắn, ngày hội lão khoác chiếc áo
lễ bằng dạ do nhà lão dệt ra. Lão tự tay ghi lấy những khoản chi tiêu và chẳng
đọc gì hết ngoài tập “Tin tức của Pháp viện tối cao”(3).
Nói chung, mọi người đều yêu mến lão, mặc dù họ vẫn cho là
lão hợm mình.
Không giao hảo với lão thì chỉ có Grigôri Ivanôvích
Murômxki, kẻ láng giềng gần nhất. Lão này là một tay quý tộc Nga chính cống.
Lão đã vung phí hết phần lớn gia tài ở Mát-xcơ-va, và đến khi góa vợ lão về ở
cái trại ấp cuối cùng còn sót lại.
Nơi đây, lão cũng tiếp tục vung phí, nhưng lại theo một cách
thức khác. Lão chăm bón một khu vườn theo kiểu Anh và đã ném vào đấy gần hết
các khoản thu nhập còn lại. Lũ giữ ngựa nhà lão ăn mặc theo kiểu giô-kề bên
Anh. Con gái lão cũng có một người đàn bà Anh chăm nom. Đồng ruộng của lão cũng
trồng trọt theo kiểu Anh:
Nhưng với cách trồng lạ, lúa mì Nga không mọc(4), và mặc dù
đã giảm bớt các khoản chi tiêu đi khá nhiều, thu nhập của lão Grigôri Ivanôvích
cũng vẫn không tăng thêm lên được.
Và tuy ở thôn quê mà lão vẫn tìm được cách chồng chất thêm
những món nợ mới. Tuy vậy, người ta vẫn không thể xem lão như là một người ngốc
vì lão là người đầu tiên trong các địa chủ của tỉnh đã đem trại ấp mình giao
cho Hội đồng giám hộ trông nom(5), một hành động mà thời ấy người ta cho là khó
hiểu và táo bạo.
Trong số những người chê bai lão này thì Bêrêxtốp là người
tỏ ra khe khắt nhất. Thù ghét mọi sự canh tân là một nét đặc biệt trong bản
tính của Bêrêxtốp. Lão không thể nào giữ được bình tĩnh khi nói đến thói sùng
Anh của kẻ láng giềng và luôn luôn tìm dịp chỉ trích thói ấy.
Những khi đưa khách đi xem các trại ấp, hễ khách có khen
ngợi cách quản lý của lão, thì lão cười ranh mãnh trả lời:
- Thưa vâng, ở nhà tôi không phải như ở nhà ông láng giềng
Grigôri Ivanôvích. Tội gì mà lại phá sản theo lối Anh! Tốt hơn là hãy no đủ
theo lối Nga là được rồi.
Những lời lẽ châm chọc tương tự như thế, được các ngài láng
giềng sốt sắng đem đến tai Grigôri Ivanôvích với những lời bổ sung và giải
thích thêm. Cũng giống hệt như các nhà báo của chúng ta, lão sùng Anh này không
thể kiên nhẫn chịu đựng những lời phê bình. Lão phát khùng lên và mệnh danh các
nhà phê bình ác khẩu kia là đồ quê mùa, đồ gấu.
Quan hệ giữa hai trại ấp đang trong tình trạng ấy thì con
trai lão Bêrêxtốp về làng. Anh chàng này đã từng học qua trường đại học X. và
có nguyện vọng muốn tòng ngũ. Nhưng cha chàng không đồng ý. Mà phục vụ trong
hàng văn quan thì chàng trai trẻ này tự cảm thấy là hoàn toàn không có khả
năng. Hai cha con chẳng ai chịu ai, và chàng Alếchxây trong khi chờ đợi vẫn
bình tĩnh sống cuộc đời quý tộc nông thôn, để sẵn bộ ria(6) để chờ dịp.
Alếchxây quả là một thanh niên tuấn tú. Nếu cái thân hình
cân đối của chàng mà không được bó trong bộ quân phục, nếu đáng lẽ xuất hiện
trên mình ngựa mà chàng đem lại tuổi trẻ gò lưng trên bàn giấy văn phòng thì
thật là đáng tiếc. Nhìn thấy chàng đi săn, luôn luôn phóng ngựa ở hàng đầu,
chẳng thèm để ý đến đường sá, những người láng giềng đều nhất trí bảo rằng anh
chàng này chẳng bao giờ trở nên một ông chánh văn phòng cho ra hồn được.
Các cô tiểu thư để mắt đến chàng, có những cô còn nhìn chàng
mê mệt nữa là khác. Nhưng Alếchxây ít lưu ý đến họ, và họ đoán rằng sở dĩ chàng
lãnh đạm chắc là vì chàng đã có nhân tình, nhân ngãi ở đâu rồi.
Quả có như thế, họ đã chuyền tay nhau một địa chỉ chép lại
từ một bức thư mà chàng đã gửi đi: Gửi Akulina Pêtơrốpna Kurốtskina ở Mátxcơva,
trước tu viện Alếchxêépxki, nhà bác thợ đồng Xavêliép, trân trọng nhờ chuyển
thư này. A.N.R.
Trong số độc giả của tôi, có nhiều bạn không sống ở nông
thôn, các bạn ấy chắc không hình dung được cái duyên dáng của các cô tiểu thư ở
các huyện! Được nuôi nấng giáo dục giữa bầu không khí trong lành, dưới bóng
những cây lá ở trong vườn nhà, những hiểu biết về thế giới và cuộc đời họ chỉ
thu lượm được từ trong sách vở. Tâm trạng cô tịnh, tính tự do và thói quen đọc
sách đã làm cho các cô ấy sớm có những tình cảm, những nỗi niềm say đắm rất xa
lạ đối với những giai nhân thành thị vốn hay lơ đãng của chúng ta. Đối với các tiểu
thư này thì tiếng nhạc ngựa là cả một cuộc phiêu lưu ly kỳ, một chuyến đến thăm
một thành phố gần ở đâu đấy đã là cả một biến cố đáng ghi nhớ trong đời, một
buổi viếng thăm của một người khách sẽ ghi lại trong họ một kỷ niệm lâu dài, có
khi là vĩnh viễn.
Chắc hẳn là bất cứ ai cũng có thể sẵn sàng chế giễu những
điều kỳ quặc ấy của họ, nhưng những lời giễu cợt của một người quan sát nông
cạn không thể nào xoá mờ được những phẩm chất căn bản của họ, mà chủ yếu là cái
đặc điểm tính cách, cái nhân cách độc đáo (individualité) mà Giăng-Pôn(7) cho
rằng hễ thiếu cái đó là không có cái vĩ đại của con người nữa.
Có thể là ở các thủ đô thì phụ nữ được hấp thụ một nền giáo
dục tốt hơn; nhưng tập quán của giới thượng lưu nhanh chóng san bằng mọi cá
tính làm cho tâm hồn họ cũng rập khuôn với nhau giống như những chiếc mũ cùng
một thời trang vậy. Điều này nói lên hẳn chắc không phải là để lên án hay chỉ
trích, nhưng, như một nhà bình luận xưa đã nói: nota nostra manet (Lời
nhận xét của chúng tôi vẫn có hiệu lực - tiếng La-tinh).
Alếchxây đã gieo vào đám các cô tiểu thư của chúng ta một ấn
tượng như thế nào thì cũng dễ hiểu thôi. Chàng là kẻ đầu tiên xuất hiện trước
các cô ấy với vẻ u sầu và chán chường, là người đầu tiên nói với các cô ấy về
những hạnh phúc đã tiêu tan và tuổi xuân của mình đã tàn tạ; nhất là chàng lại
đeo một chiếc nhẫn đen có khắc hình một cái đầu lâu. Tất cả những điều này đều
cực kỳ mới lạ đối với cái tỉnh ấy. Các cô tiểu thư cứ phát cuồng lên vì chàng.
Nhưng kẻ chú ý đến chàng nhiều nhất là cô con gái gã quý tộc
sùng Anh của chúng ta, cô Lida (hay Bétxi như Grigôri Ivanôvích vẫn gọi).
Hai ông bố của đôi bên không đi lại với nhau, nàng chưa được
trông thấy Alếchxây, nhưng trong lúc ấy thì tất cả các cô thiếu nữ láng giềng
đều một mực chỉ bàn tán về anh chàng ấy.
Nàng mới mười bảy tuổi. Cập mắt huyền đã điểm thêm vẻ linh
hoạt cho khuôn mặt nước da bánh mật rất duyên dáng của nàng. Nàng là con một và
do đó cũng là con cưng. Tính hiếu động và những trò tinh nghịch không ngớt của
nàng khiến cho ông bố rất thích thú, nhưng lại làm cho người gia sư của nàng là
cô Giếcxơn hết sức khổ sở. Cô này đã bốn mươi tuổi, nhưng còn rất kiểu cách,
đánh phấn, kẻ lông mày, mỗi năm hai lần tụng đọc “Pamêla”(8) để nhận khoản
lương hai nghìn rúp và chết mòn vì buồn chán trong cái nước Nga man rợ này.
Hầu hạ Lida thì có chị Naxchia; chị này lớn hơn Lida vài
tuổi, nhưng tính cũng lại nông nổi hệt cô chủ. Lida rất mến chị ta, thổ lộ với
chị tất cả mọi điều bí mật và thường cùng chị ta bàn bạc những trò tinh nghịch
của mình. Tóm lại trong trại ấp Prilútsinô, Naxchia là một nhân vật quan trọng
hơn bất cứ người thị tỳ tâm phúc nào trong bi kịch Pháp.
- Hôm nay xin phép cô cho tôi đi ăn cơm khách, - một hôm
Naxchia vừa mặc áo cho Lida vừa nói.
- Được, nhưng ở đâu?
- Ở Tughilôvô, nhà Bêrêxtốp. Hôm nay bên ấy ăn mừng ngày lễ
thánh của vợ anh đầu bếp ở nhà họ, và chị ta đến mời chúng tôi tới ăn trưa.
Lida nói:
- A, chủ nhà thì hục hặc với nhau, còn tôi tớ thì tiệc tùng
với nhau thế đấy.
Naxchia đáp:
- Nhưng việc chúng tôi thì có quan hệ gì đến các ông chủ,
hơn nữa, tôi là người hầu của cô, chứ có phải là của ông nhà đâu. Mà cô thì nhất
định không có xích mích gì với cậu Bêrêxtốp trẻ tuổi chứ; cứ mặc kệ cho mấy ông
già cãi nhau; nếu họ lấy đó làm điều thích thú.
- Naxchia, hãy cố mà nhìn rõ xem Alếchxây Bêrêxtốp ra sao,
trông anh ta như thế nào, rồi về kể lại cho tôi nghe tường tận nhé.
Naxchia nhận lời, và Lida suốt ngày sốt ruột chờ đợi chị ta
về. Chiều tối, Naxchia mới ló mặt ra; chị vừa bước vào phòng vừa nói với nàng:
- Ô, Lidavêta Grigôriépna, tôi đã thấy chàng thanh niên
Bêrêxtốp rồi, tha hồ mà ngắm; suốt ngày chúng tôi cùng vui chung mà lại.
- Thế nào? Nào kể đi, kể tuần tự có đầu có đũa nhé.
- Thưa cô, thế này này, chúng tôi đi, tôi, Anhixia Êgôrốpna,
Nhênhila, Đunhia...
- Được, được, tôi biết rồi. Nhưng rồi sao?
- Thưa cô, để tôi kể tuần tự cho có đầu có đũa! Chúng tôi
đến dự bữa ăn trưa. Gian phòng chật ních những người, nào gia nhân nhà Cônbin,
gia nhân nhà Dakhariép, mụ quản gia và các cô con gái, người nhà Khlupin...
- Thôi! Còn Bêrêxtốp?
- Khoan đã, thưa cô. Chúng tôi ngồi cả vào bàn, mụ quản gia
ngồi ở hàng đầu, tôi ngồi bên cạnh mụ... các cô con gái của mụ thì cứ vênh mặt
lên, nhưng tôi chả thèm đếm xỉa gì đến chúng...
- Chao ôi, Naxchia, chán cho chị quá, sao nhiều chi tiết
miên man vô tận thế!
- Vâng, nhưng sao cô sốt ruột quá chừng thế! Rồi chúng tôi
rời khỏi bàn ăn... chúng tôi ngồi suốt ba giờ ở đấy, bữa ăn thịnh soạn lắm:
bánh mật, bánh kem xanh đỏ nhiều màu... Và rồi chúng tôi rời khỏi bàn ăn, ra
vườn chơi trò đuổi bắt nhau, thì công tử hiện ra.
- Nào, thế nào? Có thực đúng là chàng ta đẹp thật không?
- Đẹp lạ lùng, có thể nói là một trang thanh niên tuấn tú.
Dáng người cân đối, cao, đôi má hồng hào...
- Thật không? Thế mà tôi tưởng rằng da mặt chàng ta tái xanh
kia đấy. Thế là thế nào? Chị trông chàng ta thế nào? Buồn rầu chứ? Có vẻ tư lự
chứ gì?
- Cô nói gì vậy? Thật trong đời tôi chưa thấy một người nào
táo tợn như thế. Cậu ta nảy ra ý kiến chơi đuổi bắt với chúng tôi kia đấy.
- Chạy chơi đuổi bắt với các chị. Đâu có thể như thế được!
- Rất có thể như thế đấy! Cậu ta bày ra chuyện này nữa chứ!
Hễ bắt được thì ôm hôn.
- Tùy chị thôi, Naxchia ơi, chị nói dối!
- Tùy cô nghĩ chứ tôi không nói dối. Tôi phải cố hết sức mới
bứt khỏi tay cậu ta. Suốt ngày cậu ấy chơi đùa với chúng tôi như thế đấy.
- Thế sao họ bảo Bêrêxtốp chẳng có người yêu và chẳng để mắt
đến ai cả?
- Cái đó thì tôi không biết, chứ cậu ta cứ nhìn tôi chằm
chặp ấy, nhìn cả Tanhia, con gái ông quản gia, nhìn cả Pasa, đày tớ gái ông
Cônbin nữa, nói của đáng tội, cậu ta cũng chẳng làm cho ai phật ý, anh chàng
thật đến hay!
- Lạ thật! Thế chị có nghe người trong nhà nói về chàng như
thế nào không?
- Họ nói công tử thật là tuyệt diệu, rất hảo tâm, rất vui
tính. Chỉ có một điều không tốt là cậu thích chạy theo các cô gái quá chừng.
Nhưng theo tôi, điều ấy chẳng phải hại gì, rồi cậu cũng chín chắn thôi.
- Sao mà tôi muốn thấy mặt chàng quá đi mất! - Lida thở dài
nói.
- Thưa cô, điều ấy có gì là khó khăn? Tughilôvô ở gần ta,
chỉ chừng ba véc-xta, cô cứ dạo về phía ấy, hay phóng ngựa đi chơi, nhất định
là cô sẽ gặp. Ngày nào cậu ấy cũng xách súng đi săn từ sáng sớm.
- Nhưng không được, như thế không tốt. Bêrêxtốp có thể tưởng
rằng tôi chạy theo chàng ta. Hơn nữa, hai ông bố đang xích mích, tôi cũng chẳng
nên làm quen với chàng... A, Naxchia! Chị biết không? Tôi sẽ cải trang làm một
cô nông dân!
- Ồ, đúng đấy. Cô hãy mặc một chiếc áo sơ-mi vải thô, một
chiếc áo xa-ra-phan và mạnh dạn đi bộ đến Tughilôvô. Tôi cam đoan rằng nhất
định Bêrêxtốp sẽ chẳng để cho cô thoát đâu.
- Ừ, mà tiếng vùng này tôi nói thạo lắm. Này, Naxchia,
Naxchia yêu mến ơi! Sáng kiến này thật tuyệt diệu!
Và Lida đi ngủ, định bụng sẽ thi hành bằng được cái ý định
tinh nghịch ấy.
Ngay ngày hôm sau cô bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Cô cho
người ra tiệm tạp hoá mua vải thô, vải xanh Tầu, khuy đồng.
Với sự giúp đỡ của Naxchia, cô cắt áo sơ-mi và xa-ra-phan,
huy động tất cả các chị đày tớ gái may, đến chiều hôm ấy mọi việc đã chuẩn bị
xong.
Lida mặc thử áo mới ngắm mình trước gương soi mà thú nhận
rằng chưa bao giờ cô thấy mình xinh đến thế!
Cô dượt đi dượt lại vai trò của mình, vừa đi vừa chào cúi
sát người, chốc chốc lại lắc lư cái đầu như con mèo bằng đất(9), cô nói theo
giọng quê mùa, vừa cười vừa lấy ống tay áo che mặt. Naxchia nhất mực tán thưởng
tài cô tiểu thư của mình.
Duy chỉ còn một điều khó khăn: cô thử đi chân đất qua sân,
ngọn cỏ đâm gót chân mịn màng của cô đau quá, cô không thể đi chân không trên cát
và sỏi được. Naxchia lại giúp cô: chị đo bàn chân Lida, chạy ra đồng tìm gã
chăn cừu Tơrôphim và đặt gã tết đôi giày vỏ cây theo kích thước ấy.
Hôm sau trời vừa tờ mờ sáng Lida đã dậy. Cả nhà vẫn đang
ngủ. Naxchia ra cửa đón gã chăn cừu. Tiếng tù và vang lên và đàn cừu vùng thôn
dã lần lượt đi qua trước cổng nhà lãnh chúa. Tơrôphim đến gần Naxchia, đưa cho
chị đôi giày xinh xắn nhiều màu và nhận năm mươi cô-pếch tiền thưởng.
Lida lặng lẽ cải trang làm thôn nữ, thì thầm dặn dò Naxchia
về cách đối phó với cô Giếcxơn, rồi ra cửa sau, băng qua vườn rau, chạy ra
đồng.
Bình minh rạng sáng ở phương đông, những hàng mây vàng rực
rỡ chờ đón vầng thái dương, khác nào như những triều thần đang chờ đón hoàng
đế: bầu trời trong sáng, không khí mát mẻ của buổi ban mai, những giọt sương
đọng, làn gió nhẹ và đàn chim hót, tất cả khiến cho lòng Lida tràn ngập một
niềm vui sướng như trẻ con.
Vì sợ gặp phải người quen, nên Lida đi rất nhanh, dường như
là bay, chứ không phải bước đi nữa. Đến gần cánh rừng ở ven đường phân ranh
giới trại ấp của cha mình, Lida chậm bước lại. Ở đây cô sẽ đợi Alếchxây. Tim cô
đập rộn ràng tự cô cũng không biết vì sao nữa. Nhưng nỗi lo sợ vẫn cứ đi kèm
theo cái trò tinh nghịch của tuổi trẻ lại chính là điều làm cho các trò đó càng
thêm thú vị.
Lida đi vào khoảng tranh tối tranh sáng của lùm cây. Tiếng
rì rào của cánh rừng chào mừng cô gái. Niềm vui của cô dịu lại. Tâm hồn nàng
bắt đầu phiêu diêu trong cõi mộng. Nàng nghĩ... nhưng nào ai biết đích xác được
một tiểu thư mười bảy tuổi đang suy nghĩ gì một mình trong cánh rừng vào lúc
năm giờ của một buổi sáng mùa xuân?
Nàng cứ thế bước đi, tư lự, trên con đường có những cây cao
che phủ dọc hai bên bờ, bỗng một con chó săn tuyệt đẹp chồm về phía nàng mà
sủa. Lida hoảng sợ thét lên. Vừa ngay lúc ấy có tiếng gọi: “Tout beau, Sbogar,
ici (Im, Sbôga, lại đây - tiếng Pháp)...”
- và một chàng đi săn trẻ tuổi hiện ra sau lùm cây.
- Đừng sợ, cô thiếu nữ xinh đẹp ơi, - chàng bảo Lida, - chó
của tôi không cắn đâu!
Lida đã hoàn hồn sau cơn sợ hãi, cô ngay lập tức lợi dụng hoàn
cảnh. Cô nói làm ra vẻ nửa sợ hãi, nửa e thẹn:
- Trời ơi, thưa ngài, tôi sợ quá, trông nó dữ tợn chưa kìa,
đấy, nó lại chồm lên nữa đấy.
Alếchxây (độc giả chắc đã nhận ra chàng rồi) trong lúc ấy
chăm chú ngắm nhìn cô thôn nữ trẻ trung; chàng bảo:
- Nếu cô sợ thì tôi sẽ đưa cô đi, thế cô có cho phép tôi đi
bên cạnh cô chăng?
Cô đáp:
- Nào có ai ngăn cản ngài, tuỳ ý chứ, đường đi là của làng
nước kia mà.
- Cô từ đâu đến đây thế?
- Từ Prilútsinô, tôi là con gái ông thợ rèn Vaxili, tôi đi
hái nấm. (Lida có đeo một cái giỏ lủng lẳng đầu sợi dây con). - Còn ngài, thưa
ngài có phải là ngài là người làng Tughilôvô không ạ?
Alếchxây đáp:
- Đúng thế, tôi là người hầu phòng công tử.
Alếchxây muốn cho quan hệ giữa đôi bên được bình đẳng nhưng
Lida nhìn chàng và phá lên cười:
- Ngài nói dối, tôi chưa phải là đồ ngốc đâu. Tôi biết rồi,
chính ngài là công tử đấy!
- Vì sao cô lại nghĩ thế?
- Vì đủ mọi thứ.
- Nhưng như thế là thế nào?
- Thưa ngài, lẽ nào lại không phân biệt được công tử và kẻ
hầu ư? Là người hầu thì ngài ăn mặc phải khác, nói năng phải khác, ngài lại cho
gọi chó khác hẳn chúng tôi.
Lida mỗi lúc lại càng khiến cho Alếchxây mê mệt. Vốn quen
thói suồng sã với các cô gái ở nông thôn, chàng định ôm choàng lấy Lida; nhưng
Lida giật lùi lại một bước, vẻ mặt bỗng trở nên nghiêm nghị lạnh lùng, điều đó
tuy khiến cho chàng buồn cười, nhưng đã kìm giữ được chàng lại, không để chàng
đi xa hơn nữa.
Cô nói trịnh trọng:
- Nếu như ngài muốn sau này chúng ta làm bạn với nhau thì
xin ngài đừng sỗ sàng như thế.
Alếchxây cười lớn nói:
- Ai dạy cho cô cái nết khôn ngoan ấy? Phải chăng là nhà chị
Naxchia, người quen của tôi hay là một người hầu của tiểu thư nhà cô. Đấy người
ta mách bảo nhau như vậy đấy!
Lida cảm thấy mình suýt quên mất vai trò đang đóng, nàng nói
chữa:
- Thế ngài bảo sao, há dễ tôi chẳng bao giờ bước chân đến
nhà lãnh chủ hay sao, tôi cũng được nghe nhiều và thấy nhiều chứ? Nhưng,- cô
nói tiếp,- mải chuyện trò với ngài tôi không hái được nấm. Thôi, công tử, ngài
hãy đi lối của ngài, tôi đi đường khác, xin lỗi ngài...
Lida muốn đi xa, Alếchxây nắm tay nàng lại:
- Nhưng này, cô tên là gì?
- Akulina,- Lida đáp, cố gắng gỡ mấy ngón tay của mình ra
khỏi bàn tay Alếchxây, - buông tôi ra, công tử, đến lúc tôi phải trở về nhà
đây.
- Được rồi, cô Akulina của tôi ơi, nhất định tôi sẽ đến chơi
nhà ông thân cô, đến nhà bác thợ rèn Vaxili.
Lida cuống quýt nói:
- Ngài bảo gì, vì Chúa, xin ngài chớ có đến. Nếu ở nhà biết
rằng tôi nói chuyện với công tử một mình ở trong rừng thì sẽ khổ thân tôi; cha
tôi, ông thợ rèn Vaxili sẽ đánh chết tôi thôi.
- Nhưng thế nào tôi cũng phải gặp cô lần nữa.
- Thế thì có hôm tôi còn đến hái nấm ở đây kia mà.
- Bao giờ mới được chứ?
- Thôi thì mai cũng được.
- Cô Akulina xinh đẹp ơi, tôi muốn ôm hôn cô quá, nhưng tôi
không dám. Thế là sáng mai đúng giờ này, thật chứ?
- Vâng, vâng.
- Nhưng nếu cô nói dối tôi thì sao?
- Tôi không nói dối.
- Cô thề đi!
- Vâng, thề có Chúa, tôi sẽ đến.
Đôi lứa thanh niên chia tay nhau, Lida ra khỏi khu rừng,
băng qua cánh đồng, lọt vào khu vườn nhà, ba chân bốn cẳng chạy nhanh vào trong
trại, ở đây Naxchia đang đợi cô.
Cô thay áo quần, lơ đễnh trả lời những câu hỏi của cô hầu
gái sốt ruột, rồi đi vào phòng khách. Bàn ăn đã bày sẵn, bữa ăn sáng đã dọn
xong, và cô Giếcxơn, mặt trét phấn, mình bó trong chiếc áo thắt lưng ong, đang
cắt bánh thành từng lát mỏng.
Cha nàng ngợi khen cuộc dạo chơi buổi sáng của con gái.
- Không có gì làm cho người ta mạnh khoẻ hơn là dậy sớm.
Ông nói. Rồi ông dẫn ra một số ví dụ về những người sống
lâu, rút từ trong các tạp chí Anh, và nhận xét rằng tất cả những người sống lâu
ngoài trăm tuổi đều không uống rượu mạnh, vào mùa đông cũng như mùa hè đều dậy
từ sớm tinh sương.
Lida không nghe cha nói gì. Cô còn đang ôn lại trong trí tất
cả những tình tiết trong cuộc gặp gỡ buổi sáng sớm, tất cả những câu chuyện trò
giữa Akulina với người đi săn trẻ tuổi và lương tâm cô bắt đầu day dứt. Cô biện
hộ cho mình rằng câu chuyện giữa hai người chẳng có gì vượt ra ngoài điều đoan
chính, rằng trò tinh nghịch ấy chẳng đem đến hậu quả gì; nhưng vô hiệu, tiếng
trách móc của lương tâm cô vẫn to hơn tiếng nói của lý trí.
Điều làm cho cô lo lắng hơn cả là đã trót hứa với Bêrêxtốp
ngày mai sẽ gặp nhau, cô toan dứt khoát không giữ lời thề trịnh trọng của mình.
Nhưng Alếchxây mà đợi cô không được thì có thể sẽ đi vào trong làng tìm cô con
gái của bác thợ rèn Vaxili, cô Akulina thực, béo núc ních, mặt rỗ chằng chịt và
như thế chàng ta sẽ khám phá ra được trò tinh nghịch nông nổi của cô mất. Ý
nghĩ ấy khiến cho Lida sợ hãi, và nàng quyết định sáng hôm sau sẽ lại đóng vai
Akulina đến cánh rừng nọ.
Về phần mình, Alếchxây đã say mê quá đỗi, suốt ngày chàng
nghĩ đến cô gái mới quen biết; ban đêm bóng dáng người đẹp, nước da bánh mật ấy
ám ảnh chàng ngay cả trong các giấc ngủ. Bình minh vừa mới hé, chàng đã ăn mặc xong
xuôi, không kịp để thì giờ nạp đạn vào súng, chàng đi ra đồng với con chó Sbôga
trung thành, và chạy đến chốn hẹn hò gặp gỡ. Gần nửa giờ đã trôi qua, nửa giờ
chờ đợi khiến chàng sốt ruột không sao chịu nổi. Cuối cùng thấy giữa lùm cây
thấp thoáng bóng xa-ra-phan xanh, chàng vội lao tới đón cô Akulina đáng yêu. Cô
mỉm cười đáp lại vẻ hân hoan chen lẫn lòng biết ơn của chàng. Nhưng bỗng
Alếchxây nhận thấy trên khuôn mặt cô có nét buồn và lo âu. Chàng muốn biết rõ
nguyên nhân. Lida thú nhận rằng cô thấy hành vi của mình quá nhẹ dạ và cô lấy
làm hối hận, rằng lần này cô không muốn lỗi hẹn nhưng buổi gặp gỡ này sẽ là
buổi cuối cùng và cô xin chàng thôi cho, từ nay chấm dứt việc làm quen chẳng
đưa lại một điều gì tốt đẹp cho hai người cả.
Lẽ dĩ nhiên là tất cả những điều ấy, cô đều nói theo lời lẽ
của một cô gái nông dân; nhưng những ý nghĩ và tình cảm khác thường của một cô
thôn nữ chất phác khiến Alếchxây kinh ngạc.
Chàng sử dụng tất cả cái tài hùng biện của mình để làm cho
Akulina từ bỏ ý định ấy; chàng quả quyết với cô sẽ không làm gì khiến cô phải
ân hận, sẽ hoàn toàn chiều theo ý cô và van xin cô đừng tước mất niềm vui duy
nhất của chàng là được gặp cô dù chỉ hai ngày một lần hay mỗi tuần hai lần.
Lý lẽ của chàng là lời lẽ của tình yêu say đắm chân thành và
trong giây phút ấy Bêrếxtốp quả đã yêu nàng thật sự. Lida im lặng nghe chàng
nói. Cuối cùng cô bảo:
- Anh hãy hứa với tôi rằng không bao giờ anh vào trong làng
tìm tôi hay hỏi han gì thêm về tôi. Anh phải hứa là sẽ không tìm cách nào khác
để gặp tôi ngoài những buổi mà tôi đã hẹn.
Alếchxây toan viện Chúa ra thề, nhưng cô đã mỉm cười ngăn
chàng lại:
- Tôi không cần lời thề, chỉ lời hứa của anh thôi cũng đủ
rồi.
Sau đó họ cùng trò chuyện thân mật, cùng dạo chơi trong rừng
cho đến lúc Lida bảo chàng là đã đến lúc phải về. Họ chia tay nhau và khi
Alếchxây đứng lại một mình chàng không thể hiểu được vì sao một cô thôn nữ chất
phác, chỉ mới có hai lần gặp gỡ mà đã có thể chinh phục được mình như thế. Mối
quan hệ với Akulina đối với chàng có đủ cái sức quyến rũ của một điều gì mới lạ
và dù rằng lời giao hẹn của cô thôn nữ lạ lùng này làm cho chàng khổ tâm, nhưng
trong đầu óc chàng không hề có ý định là mình sẽ thất tín.
Nói cho thật ra, Alếchxây dù có chiếc nhẫn thảm khốc, dù có
những quan hệ thư từ bí ẩn, dù có cái vẻ thất vọng ưu sầu, chàng vẫn là một
thanh niên tốt và nồng nhiệt, có một tấm lòng trong sáng, có thể rung động với
cái hồn nhiên.
Nếu tôi chỉ làm theo ý thích riêng, thì nhất định tôi sẽ
miêu tả chi tiết những cuộc hẹn hò của đôi thanh niên, nỗi niềm quyến luyến và
tin cậy ngày càng tăng giữa hai người, những câu trò chuyện và những việc khác
nữa; nhưng tôi biết rằng phần đông các độc giả sẽ không đồng tình với sở thích
của tôi. Những chi tiết ấy, nói chung sẽ có vẻ hư cấu quá mức; vì vậy tôi xin
bỏ qua và nói tóm tắt là đầy chưa hai tháng mà Alếchxây đã đắm say ngây ngất và
Lida cũng không phải là dửng dưng đối với chàng, tuy cô lặng lẽ hơn. Cả đôi bên
đều sung sướng với hiện tại mà ít nghĩ đến tương lai.
Thỉnh thoảng trong trí họ cũng thoáng có ý nghĩ về việc kết hôn
đôi lứa, nhưng chẳng ai nói với ai cả. Lý do cũng rõ ràng thôi: dù Alếchxây
thấy quyến luyến nàng Akulina xinh đẹp của mình đến thế nào chăng nữa, chàng
vẫn luôn luôn nhớ rằng có sự cách biệt giữa mình với cô thôn nữ nghèo hèn; còn
Lida thì biết rõ mối hiềm khích giữa cha mình với cha Bêrêxtốp và không dám hy
vọng rằng đôi bên sẽ hoà giải.
Hơn nữa, lòng tự ái của nàng được kích thích bởi một ước
mong lãng mạn thầm kín là làm sao rốt cuộc được nhìn thấy nhà quý tộc Tughilôvô
quỳ dưới chân người con gái bác thợ rèn ở Prilútsinô.
Bỗng một việc quan trọng xảy ra suýt nữa làm mối quan hệ
giữa hai người thay đổi hẳn.
Một buổi sáng, trời lạnh, quang đãng (cũng như rất nhiều
buổi sáng mùa thu ở nước ta) Ivan Pêtơrôvích cưỡi ngựa dạo chơi; như thường lệ,
lão đem theo ba cặp chó săn, người giám mã và mấy đứa trẻ con nông nô cầm những
cái mõ. Cũng trong buổi sáng ấy, Grigôri Ivanôvích Murômxki thích cảnh trời
đẹp, ra lệnh thắng ngựa và phóng nước kiệu dạo quanh khu trại ấp kiểu Anh của
mình. Đến khu rừng, lão gặp ông láng giềng, hiên ngang trên mình ngựa, mặc áo
khoác ngắn lót da cáo, chực đón một con thỏ đang bị lũ trẻ la ó, đánh mõ đuổi
ra khỏi lùm cây. Giá Grigôri Ivannôvích có thể biết trước rằng sẽ có cuộc chạm
trán này thì nhất định ông ta đã quay ngoắt sang lối khác; nhưng ông ta hoàn
toàn vô tình đi về phía Bêrêxtốp và đột nhiên thấy mình đứng trước mặt kẻ láng
giềng chỉ cách một tầm súng ngắn.
Không còn cách nào khác. Murômxki, như một người Âu có học
thức, liền thúc ngựa đến trước mặt đối phương, nhã nhặn nghiêng mình chào,
Bêrêxtốp, cũng đáp lễ rất sốt sắng, giống như một con gấu bị xích cúi chào quý
vị khán giả theo lệnh của viên quản trò. Vừa ngay lúc ấy, con thỏ nhảy phóc
khỏi bụi cây và chạy ra cánh đồng. Bêrêxtốp và tên giám mã gào hết gân cổ, thả
chó ra và phóng ngựa lao theo vết thỏ chạy. Ngựa của Murômxki vốn chẳng hề đi
săn bao giờ, nó sợ hãi lồng lên. Murômxki vốn tự hào là một tay kỵ mã kiệt
xuất, buông cương cho ngựa phóng, mừng thầm được dịp thoát khỏi cuộc chuyện trò
miễn cưỡng. Nhưng con ngựa phi đến một cái hố bất ngờ không thấy trước, vụt
nhảy sang một bên và Murômxki bị hất khỏi yên ngựa. Bị ngã khá đau trên mặt đất
giá băng, ông nằm nguyền rủa con ngựa của mình. Con vật như đã hoàn hồn, cảm
thấy trên yên không còn có người, lập tức dừng lại. Ivan Pêtơrôvích phi ngựa
đến hỏi thăm ông có bị thương không. Giữa lúc ấy tên giám mã đang túm dây cương
dắt cổ con ngựa phạm tội kia lại. Họ đỡ cho Murômxki trèo lên yên và Bêrêxtốp
mời ông về nhà mình. Murômxki không thể chối từ vì cảm thấy mình đã bị hàm ơn.
Và như thế là Bêrêxtốp trở về một cách vinh quang, tóm cổ được con thỏ và dẫn
theo mình đối thủ đã bị thương, gần như bị bắt làm tù binh vậy.
Hai kẻ láng giềng ăn sáng, chuyện trò khá thân mật. Murômxki
yêu cầu Bêrêxtốp cho mượn chiếc xe ngựa, và thú nhận là mình bị ngã đau không
thể cưỡi ngựa về đến nhà được.
Bêrêxtốp tiễn ông ra tận thềm, và Murômxki trước khi lên
đường nhất định đòi cho được Bêrêxtốp phải hứa danh dự là hôm sau sẽ đến dự một
bữa ăn thân mật ở Prilútsinô, (cả Alếchxây Ivanôvích nữa). Thế là mối hiềm
khích xưa cũ bắt rễ khá sâu sắc, hình như sẵn sàng chấm dứt nhờ cái nhát gan
của con ngựa.
Lida chạy ra đón Grigôri Ivanôvích, cô ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao thế này? Vì sao cha lại đi khập khiễng thế? Ngựa
của cha đâu? Xe nhà ai thế này?
- My dear, con không đoán ra được đâu, con ạ,- Grigôri
Ivanôvích trả lời và thuật lại đầu đuôi việc đã xảy ra.
Lida không tin ở tai mình nữa.
Grigôri Ivanôvích không để cho nàng kịp trấn tĩnh, báo cho
nàng biết rằng ngày mai cả hai cha con nhà Bêrêxtốp sẽ đến ăn trưa ở nhà mình.
- Cha nói gì thế? - nàng hỏi, mặt tái đi.
- Ông Bêrêxtốp, cả hai bố con! Ngày mai ăn trưa ở nhà ta!
- Không, cha ơi, mặc cha muốn sao tuỳ ý, con sẽ không tiếp
họ đâu.
- Cái gì thế? Con điên rồi ư? - cha nàng bảo,- con hoá ra
nhút nhát từ bao giờ thế? Hay là con cứ muốn nuôi mối hiềm khích cha truyền con
nối với họ như một nhân vật tiểu thuyết. Thôi, đừng có bày trò nữa!
- Không cha ạ, không có gì trên đời này có thể bắt con ra
tiếp cha con nhà Bêrêxtốp được.
Grigôri Ivanôvích nhún vai và không tranh cãi với con gái
nữa, vì biết rằng cãi với Lida cũng chẳng ăn thua gì, rồi ông đi nghỉ ngơi cho
lại sức sau cuộc dạo chơi ly kỳ của mình.
Lida về phòng và thuật lại câu chuyện cho Naxchia nghe. Cả
hai bàn tính mãi về cuộc thăm viếng ngày mai. Alếchxây sẽ nghĩ gì nếu chàng
nhận ra rằng cô tiểu thư con nhà địa chủ này chính là cô ả Akulina của chàng?
Chàng sẽ nghĩ như thế nào về hạnh kiểm, tính tình nết na và sự chín chắn của cô.
Mặc khác, Lida lại rất thích nhìn xem cuộc gặp gỡ bất ngờ này sẽ đem đến cho
anh chàng một cảm tưởng như thế nào...
Bỗng một ý nghĩ thoáng nảy ra. Cô lập tức nói với Naxchia;
cả hai lấy làm khoái chá về phát kiến mới của cô và họ nhất định sẽ thực hiện.
Hôm sau, sau bữa ăn sáng, Grigôri Ivanôvích hỏi con gái có
phải là vẫn giữ ý định lánh mặt cha con Bêrêxtốp không. Lida đáp:
- Cha ơi, nếu đã là ý cha muốn, thì con sẽ tiếp họ, nhưng
cha phải đồng ý là dù con có xuất hiện trước mặt họ như thế nào, con có làm gì
chăng nữa, thì cha cũng đừng quở mắng con và tỏ vẻ gì ngạc nhiên hay phật ý.
Grigôri Ivanôvích vừa cười vừa nói:
- Lại những trò tinh nghịch gì đây nữa rồi, thôi được, được,
đồng ý, ranh con mắt huyền của cha muốn gì cứ tuỳ tiện.
Dứt lời ông hôn lên trán con gái và Lida liền chạy đi sửa
soạn.
Đúng hai giờ chiều, một chiếc xe thắng sáu ngựa tiến vào
trong sân và lăn bánh một vòng quanh bãi cỏ dày rậm xanh biếc. Ông già Bêrêxtốp
bước lên thềm, có hai tên người nhà của Murômxki theo đỡ. Cậu con trai cưỡi
ngựa đến ngay sau cha và theo vào phòng ăn. Bữa ăn đã dọn sẵn. Murômxki đón các
láng giềng của mình hết sức ân cần, đề nghị với họ, trước khi vào bàn ăn hãy đi
thăm vườn và chỗ nuôi gia súc, đưa họ đi theo con đường rải cát, quét sạch, giữ
gìn rất chu đáo. Lão Bêrêxtốp trong bụng phàn nàn về nỗi phí sức, phí thì giờ
vì cái trò cầu kỳ vô vị ấy, nhưng vì phép lịch sự nên im lặng. Con trai ông thì
chẳng đồng tình với sự phật ý của ông bố hay tính toán so đo, mà cũng chẳng
phục gì lão sùng Anh đầy tự ái; chàng sốt ruột chờ đợi sự xuất hiện của cô con
gái của chủ nhân; chàng đã nghe nói đến cô tiểu thư này khá nhiều; như chúng ta
đã biết, quả tim của chàng đã bị chiếm rồi, nhưng một cô tiểu thư son trẻ như
vậy vẫn có quyền chi phối trí tưởng tượng của chàng.
Trở về phòng khách, cả ba cùng ngồi xuống, hai ông già nhắc
nhở lại thời xưa cũ và những giai thoại trong cuộc đời lính của mình, còn
Alếchxây ngẫm nghĩ xem mình nên đóng vai trò như thế nào trước mặt Lida. Chàng
quyết định rằng trong mọi trường hợp thì vẻ lơ đễnh lạnh lùng vẫn là tốt hơn
cả, cho nên chàng liền sắp sẵn một thái độ như thế.
Cánh cửa mở, chàng ngoảnh lại với một vẻ bình thản, một vẻ
thờ ơ kiêu hãnh, nó có thể khiến cho một cô tiểu thư đỏm dáng, quả cảm nhất
cũng phải rợn mình.
Nhưng rủi ro thay, không phải Lida mà là cô gái già Giếcxơn
bước vào, mặt trát phấn bôi son, mắt cụp xuống, khẽ nhún mình chào, và cái tư
thế oai hùng đẹp đẽ của Alếchxây bị tưng hửng một cách vô vị. Chàng chưa kịp
trấn tĩnh thì cửa lại mở và Lida bước vào.
Mọi người đứng dậy; cha nàng toan bắt đầu giới thiệu khách
ăn, bỗng im lặng cắn môi...
Lida, cô bé Lida nước da rám nắng của ông trát phấn đến tận
mang tai, kẻ lông mày rậm hơn cả cô Giếcxơn, tóc giả nhạt hơn mớ tóc thật của cô
rất nhiều, tết theo kiểu tóc giả của Luy XIV, ống tay áo à l imbécile (kiểu áo có cánh tay áo hẹp và vai bồng lên
- tiếng Pháp) xù ra giống như kiểu áo lồng khung của Madame de
Pompadour(10), thân hình cô thắt eo lại như một chữ X và tất cả nữ trang của mẹ
nàng còn lại mà chưa đem gửi ở tiệm cầm đồ đều lấp lánh ở tay, ở tai và ở cổ cô.
Alếchxây không thể nhận ra được Akulina của mình trong cô
tiểu thư lố bịch và choáng lộn này.
Cha chàng tiến đến hôn tay cô và chàng cũng bực bội làm theo
cha; khi môi chàng chạm vào những ngón tay trắng trẻo của cô gái, chàng thấy
hình như những ngón tay ấy run run. Và lúc ấy chàng cũng nhận ra được rằng hình
như đôi bàn chân nhỏ nhắn chưng ra một cách cố ý và mang đôi giày hết sức đỏm
dáng. Điều này cũng khiến cho chàng hài lòng đôi chút so với tất cả những phần
trang phục khác của cô. Còn về cái mặt phấn và đôi lông mày tô đen thì trong
tấm lòng chất phác của chàng, thú thật là ban đầu chàng không chú ý, sau đó thì
hoàn toàn không có gì nghi ngờ.
Grigôri Ivanôvích nhớ lại lời hứa của mình, nên cố gắng để
không tỏ vẻ gì ngạc nhiên; nhưng trò tinh nghịch của con gái nó buồn cười đến
nỗi suýt nữa ông không kìm nổi.
Nhưng với cô người Anh kiểu cách kia thì đây lại không phải
chuyện cười. Cô đoán rằng chỗ phấn son và chì ấy là đánh cắp ở tủ ngăn của cô,
da mặt đỏ bừng lên vì bực bội hiện rõ qua lớp phấn trắng. Cô ném một cái nhìn
nảy lửa vào cô bé tinh nghịch, cô bé đành để lúc khác sẽ phân trần, vờ như
không để ý.
Mọi người ngồi vào bàn ăn. Alếchxây tiếp tục đóng vai trò lơ
đễnh và trầm ngâm. Lida làm duyên làm dáng, nói lí nhí qua kẽ răng, giọng uốn
éo như hát, và chỉ nói tiếng Pháp. Cha nàng luôn luôn liếc nhìn Lida và không
hiểu con gái mình định giở trò như vậy để làm gì. Nhưng ông thấy rằng tất cả
những trò ấy rất lý thú. Cô Giếcxơn thì cáu tiết, ngậm tăm. Chỉ có Ivan
Pêtơrôvích là cứ như ở nhà, ăn gấp đôi ngày thường, uống thả sức, luôn luôn
chuyện trò thân mật và cười ha hả rất tự nhiên.
Ăn xong mọi người đứng dậy; khách ra về; và bấy giờ Grigôri
Ivanôvích mới tha hồ cười thoả thuê và hỏi:
- Con định giở trò ra với họ để làm gì thế? Nhưng mà này,
con biết không? Đánh phấn thế mà hợp với con ấy nhé, cha không đi sâu vào những
điều bí ẩn trong cách trang điểm của nữ giới, nhưng cha mà như con thì cha cũng
đánh phấn, cố nhiên là đừng đánh nhiều quá, đánh phơn phớt thôi.
Trò đùa thành công khiến Lida mừng quýnh. Cô ôm hôn cha và
hứa sẽ suy nghĩ về lời khuyên đó, rồi cô chạy đi xoa dịu cô Giếcxơn bấy giờ
đang cáu; phải khẩn khoản mãi cô ta mới chịu mở cửa phòng và nghe lời thanh
minh của nàng: Lida thấy xấu hổ, phải ra mắt những người khách lạ với nước da
đen đủi của mình; nàng không dám hỏi xin cô... nàng tin chắc rằng cô Giếcxơn
tốt bụng và đáng yêu sẽ tha thứ cho nàng... và vân vân... Cô Giếcxơn yên tâm,
tin rằng Lida không có ý định chế giễu cô, cô bình tĩnh lại, hôn Lida, và để
đánh dấu sự hoà giải, cô tặng nàng hộp phấn Anh mà Lida cầm lấy với một thái độ
biết ơn chân thành.
Độc giả cũng đoán biết được rằng sáng sớm ngày hôm sau,
không chút chậm trễ, Lida đã có mặt ở chỗ hẹn trong khóm rừng.
- Hôm qua công tử dùng cơm ở nhà tiểu thư của chúng tôi phải
không? - nàng lập tức hỏi Alếchxây, - công tử thấy tiểu thư thế nào?
Alếchxây trả lời rằng chàng không để ý đến cô ta. Lida nói:
- Rõ đáng tiếc!
Alếchxây hỏi:
- Tại sao thế?
- À, tôi muốn hỏi xem công tử xem có đúng như người ta nói
không?
- Người ta nói gì?
- Người ta nói tôi giống tiểu thư, có đúng không anh?
- Nhảm nhí quá đi mất! Trước mặt em, cô ấy chỉ là một con
quái vật.
- Ôi, sau công tử lại nói quá đáng thế? Tiểu thư của chúng
tôi trắng trẻo là thế, thanh lịch là thế! Tôi làm sao mà sánh được với tiểu thư.
Alếchxây thề rằng nàng đẹp hơn tất cả các cô tiểu thư trắng
trẻo nhất trên đời, và để cho nàng hoàn toàn yên tâm, chàng bắt đầu miêu tả cô
tiểu thư của nàng bằng những nét rất hài hước khiến cho Lida cười như nắc nẻ.
- Tuy thế, - nàng thở dài nói, - mặc dù tiểu thư cũng có
buồn cười thật, nhưng dù sao trước mặt tiểu thư thì tôi chỉ là một đứa ngu ngốc
mù chữ.
Alếchxây nói:
- Ô, việc ấy có gì là đáng buồn đâu? Nếu em muốn thì tôi sẽ
dạy cho em biết đọc và biết viết ngay thôi.
Lida nói:
- Ừ nhỉ, việc gì không cố gắng học thực sự xem sao.
- Được lắm, cô nàng xinh đẹp ơi, ta bắt đầu ngay bây giờ
nhé!
Hai người ngồi lại. Alếchxây rút trong túi ra một cây bút
chì và một cuốn sổ tay, Akulina học thuộc chữ cái nhanh chóng lạ thường,
Alếchxây không thể không thán phục trí thông minh cùa nàng. Đến sáng hôm sau
nàng đã muốn thử tập viết, ban đầu thì cây bút không chịu nghe theo ý nàng,
nhưng sau mấy phút nàng đã tô được những nét chữ khá rõ. Alếchxây bảo:
- Thật là phi thường, thế là chúng ta học có kết quả nhanh
hơn là theo phương pháp Lencátxtơ đấy.(11)
Qủa nhiên sang buổi học thứ ba, Akulina đã có thể đánh vần
được truyện “Natalia, cô con gái nhà quý tộc”(12). Trong khi đọc, nàng thỉnh
thoảng ngừng lại nhận xét mấy câu khiến cho Alếchxây rất đỗi kinh ngạc, và nàng
viết đầy trang giấy những câu cách ngôn rút từ trong truyện ra.
Một tuần lễ sau, họ đã có thể thư từ qua lại với nhau. Phòng
bưu vụ được thành lập trong một gốc cây sồi già. Naxchia bí mật làm nhiệm vụ
đưa thư. Alếchxây mang đến đó những tập thư viết chữ to như con gà mái và nhận
được những dòng chữ nguệch ngoạc của người yêu viết trên mảnh giấy thô màu
xanh. Akulina hình như đã quen với những lời lẽ ý nhị hơn và trí tuệ ngày càng
được mở mang và trau dồi thêm một cách rõ ràng trông thấy.
Trong lúc ấy thì tình quen biết mới đây giữa Ivan Pêtơrôvích
Bêrêxtốp và Grigôri Ivanôvích Murômxki ngày một thắt chặt thêm và chẳng bao lâu
đã trở thành tình bạn thân thiết.
Số là Murômxki thường vẫn nghĩ rằng hễ Ivan Pêtơrôvích qua
đời thì tất cả tài sản sẽ chuyển sang tay Alếchxây, và như thế thì Alếchxây sẽ
trở thành một trong những kẻ giàu có nhất tỉnh, và không có lý do gì lại không
gả Lida cho chàng ta.
Về phía mình cũng thế, ông Bêrêxtốp tuy có nhận thấy lão
láng giềng của mình cũng có rồ dại ít nhiều (hay nói theo lời của ông ta là mắc
bệnh sùng Anh ngu ngốc), nhưng cũng không phủ nhận rằng lão này có nhiều phẩm
chất đặc biệt, chẳng hạn như là tài tháo vát hiếm có; Grigôri Ivanôvích là
người có họ gần với bá tước Prônxki, một người quyền quý và có thế lực, bá tước
sẽ có thể giúp ích rất nhiều cho Alếchxây và chắc hẳn là Murômxki (theo như
Ivan Pêtơrôvích nghĩ) sẽ vui mừng khi thấy có dịp gả con gái mình một cách có
lợi.
Từ đó hai ông già cứ luôn luôn ngẫm nghĩ về việc ấy, rồi
cuối cùng họ cũng trao đổi ý kiến với nhau, ôm hôn nhau và hứa hẹn sẽ chăm lo
thu xếp cho ổn thoả, rồi mỗi người bắt tay lo lắng chu tất về phần mình. Một
khó khăn đối với Murômxki là làm sao khuyên Lida nhanh chóng làm thân với
Alếchxây, kẻ mà từ sau bữa ăn đáng ghi nhớ kia, nàng chẳng hề gặp lại lần nào
nữa. Hình như đôi bên cũng chẳng thích gì nhau lắm; dù sao thì Alếchxây cũng
chẳng hề trở lại đất Prilútsinô, và cứ mỗi lần Ivan Pêtơrôvích có lòng chiếu cố
đến chơi thăm là Lida vội lánh mặt chạy vào buồng. Nhưng Grigôri Ivanôvích nghĩ
rằng nếu ngày nào Alếchxây cũng đến nhà mình, thì rồi Lida sẽ phải say mê nó.
Đó là lẽ thường của tạo vật. Thời gian sẽ dàn xếp cho mọi việc ổn thoả.
Ivan Pêtơrôvích thì ít băn khoăn hơn, ông tin chắc rằng dự
định của mình thế nào cũng thành công. Ngay buổi chiều ông gọi con trai vào
phòng, châm tẩu thuốc hút, rồi sau mấy phút yên lặng, ông nói:
- Thế nào đấy con, Alếchxây, sao lâu nay không thấy con nói
gì đến việc tòng ngũ nữa. Hay là bộ quân phục khinh kỵ không còn quyến rũ con
nữa!
Alếchxây lễ phép trả lời:
- Không, thưa cha, con thấy cha không thích con nhập ngũ vào
quân khinh kỵ; bổn phận con là phải vâng lời cha.
Ivan Pêtơrôvích nói:
- Tốt, ta thấy con là một đứa con ngoan; ta rất hài lòng;
chính ta cũng chẳng muốn cưỡng ép con; ta sẽ không bắt buộc con phải đi vào
chính giới vội... Nhưng trong khi chờ đợi, ta có ý định cưới vợ cho con.
- Cưới ai thế, thưa cha? – Alếchxây sửng sốt hỏi.
- Cưới cô Lida, con gái Grigôri Ivanôvíc Murômxki, - Ivan
Pêtơrôvích trả lời, - đám này thật là có một không hai đấy, đúng không nào?
- Thưa cha, con chưa nghĩ đến việc hôn nhân.
- Con chưa nghĩ, nhưng ta đã nghĩ cho con, đã suy đi nghĩ
lại mãi rồi đấy.
- Xin cha thứ lỗi, Lida Murômxcaia hoàn toàn không hợp ý
con.
- Rồi sẽ hợp ý sau. Cứ chung sống, rồi sẽ yêu nhau.
- Con tự thấy mình không có khả năng đem lại hạnh phúc cho
cô ta được.
- Việc gì mày phải lo cho hạnh phúc của nó. Thế nào? Mày tôn
trọng ý muốn của cha mày như thế đấy à? Tốt lắm!
- Cha muốn sao tuỳ ý, con không muốn cưới vợ và con sẽ không
cưới vợ.
- Mày sẽ cưới vợ, nếu không tao sẽ từ mày, còn gia tài tao
thề sẽ bán và tiêu xài hết, tao sẽ không để lại cho mày một xu nhỏ! Tao cho mày
ba ngày để suy nghĩ, và trong thời gian ấy chớ có liều lĩnh mà dàn mặt ra trước
tao.
Alếchxây biết rằng nếu cha mình đã có ý định gì trong đầu
thì nói như Tarát Xcôtinin(13), cứ chắc như đinh đóng cột; nhưng Alếchxây cũng
giống cha ở chỗ khó lòng mà làm cho chàng thay đổi ý định. Chàng về phòng riêng
và bắt đầu suy nghĩ về giới hạn quyền lực của cha, nghĩ đến Lida Murômxcaia,
đến lời giao hẹn của cha là sẽ để cho chàng bần cùng, và cuối cùng nghĩ đến
Akulina. Lần đầu tiên chàng nhận thấy rõ rằng mình yêu nàng say đắm; một ý nghĩ
phiêu lưu nảy ra trong đầu chàng: chàng sẽ cưới cô bé nông dân và hai người sẽ
cùng sống bằng sức lao động của mình, càng ngẫm nghĩ về giải pháp quyết liệt
ấy, chàng càng thấy rằng làm như vậy là phải. Từ ít lâu nay, những buổi hẹn hò
ở cánh rừng bị gián đoạn vì mùa mưa. Chàng tự tay viết cho Akulina một bức thư,
nét chữ rất rõ ràng và lời lẽ rất thiết tha, giãi bày cho nàng rõ cơn dông tố
đang đe doạ mình và ngỏ lời hỏi nàng làm vợ. Lập tức chàng đem bỏ thư ở phòng
bưu vụ, nơi hốc cây sồi và đi nằm, lòng hoàn toàn thanh thản.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm, Alếchxây, chí đã quyết, hăm hở đi
đến nhà Murômxki để trình bày thành thực với ông ta. Chàng hy vọng sẽ kích động
được lòng độ lượng của ông ta, và sẽ khiến cho ông ta nghiêng về phía mình.
Chàng dừng ngựa trước thềm dinh chủ ấp Prilútsinô. Chàng hỏi:
- Ông Grigôri Ivanôvích có nhà không?
Người hầu trả lời:
- Thưa ông, không ạ, ông Grigôri Ivanôvích đi chơi từ sáng
sớm rồi ạ.
Alếchxây thầm nghĩ:
- Thật là đáng tiếc.
Sau đó hỏi:
- Thế ít nhất cô Lida có nhà chứ?
- Thưa, có ạ.
Alếchxây nhảy xuống ngựa, trao dây cương cho người hầu và
bước vào nhà, không báo tin trước.
“Tất cả sẽ được định đoạt, - chàng nghĩ thầm khi bước vào
phòng khách, - ta sẽ tự giãi bày ngay với cô ta vậy”. Chàng bước vào và.. đứng
ngẩn ra!
Lida... không phải, Akulina, nàng Akulina nước da rám nắng
xinh đẹp, không phải mặc xa-ra-phan, mà lại mặc một chiếc áo dài trắng thường
mặc vào buổi sáng trong nhà, ngồi trước cửa sổ đang đọc bức thư của chàng; nàng
chăm chú đến nỗi không nghe thấy tiếng chân chàng bước vào.
Alếchxây không giữ nổi một tiếng kêu vui sướng. Lida giật
mình, ngẩng đầu, thét lên và toan chạy trốn. Chàng lao người đến, giữ nàng lại.
- Akulina. Akulina!...
Lida cố sức gỡ tay chàng ra:
- Mais laissez-mmoi donc, monsieur; mais êtes-vous fou?-
nàng nói rối rít lên và quay mình đi. (Kìa
ông buông tôi ra chứ ! Ông điên rồi hay sao? - tiếng Pháp)
- Akulina yêu dấu của tôi, Akulina !- chàng cũng rối rít gọi
và nắm tay chàng.
Cô Giếcxơn lúc bấy giờ được chứng kiến cảnh ấy, không còn
biết nghĩ ra sao nữa. Vừa ngay lúc ấy cửa mở và Grigôri Ivanôvích bước vào.
- A ha! – Murômxki nói, - hình như mọi việc giữa các con đã
ổn thoả cả rồi...
Xin độc giả miễn cho tôi một nhiệm vụ thừa là phải kể lại
phần kết cục.
Truyện của ông I.P.Benkin đến đây là hết.
1830
Nguyễn Duy Bình dịch
------------------
Chú thích:
(1) Đề từ trích trong trường ca “Đusenka” (1775) của nhà thơ
Nga Ipôlít Bôgđanôvích (1743-1803).
(2) Có nghĩa là vào đầu triều đại Paven I, ông vua độc đoán
này có thái độ thù địch với đội cận vệ của Êcatêrina và bắt tay cải tổ quân đội
theo kiểu Phổ. Điều này làm cho nhiều nhà quý tộc, đặc biệt là các sĩ quan cận
vệ thời Êkatêrina căm ghét ông ta, vội vã bỏ về hưu.
(3) Tin tức của Pháp viện tối cao - xuất bản phẩm (từ năm
1808) đăng các chỉ thị nhà nước.
(4) Trích trong “Thơ trào phúng” (1808) của nhà văn Nga
A.A.Sakhốpxkhi (1777-1864).
(5) Hội đồng giám hộ - cơ quan cho vay vốn dưới hình thức ký
quỹ bằng điền trang của quý tộc.
(6) Khác biệt với các quan chức dân sự, thời đó các sĩ quan
đều để ria.
(7) Giăng Pôn - biệt danh của nhà văn Đức Iôhannơ Paun
Richter (1763-1825), tàc giả những tiểu thuyết và bài báo có nội dung chính trị
và triết học. Puskin ở đây muốn ám chỉ câu cách ngôn trong cuốn sách Pháp “Tư
tưởng của Giăng Pôn, lấy ra từ tất cả các tác phẩm của ông” (1829).
(8) “Pamêla, hay đức hạnh được ban thưởng” (1741) - cuốn
tiểu thuyết được ưa thích của nhà văn Anh Risarxơn (1689-1761).
(9) Một thứ đồ chơi cổ bằng đất, như con voi đất của Việt Nam .
(10) Madame de Pompadour - phu nhân Pôngpađua (1721-1764),
người được vua Pháp Luy XV sủng ái.
(11) Phương pháp giáo dục do nhà sư phạm Anh Giôn Lencátxtơ
(1777-1838) đưa ra, ở đây các học sinh khá hơn cả giúp thầy giáo trong việc
giảng dạy. Phương pháp này phổ biến rộng rãi đầu thế kỷ XIX.
(12) “Natalia, cô con gái nhà quý tộc” (1792) - truyện dài
lịch sử của nhà sử học Nhicôlai Mikhailôvích Karamdin (1766-1826).
(13) Ý muốn nói đến lời của Tarát Xcôtinin, nhân vật trong
vở hài kịch “Vị thành niên” của Đ.I.Phônvidin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét