Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Nhà ghen… Hoạn Thư - Bùi Ngọc Minh


Trong 1 comment trên blog của ông anh, tôi có nói (đại ý): “tôi không có phúc để làm 1 sinh viên họ Mã, chưa đến tuổi để làm một tay thảo khấu họ Từ. Ước mơ lớn của đời là phấn đấu trở thành version 2 của chàng Thúc Kỳ Tâm”.
Chẳng hiểu sao trong các nhân vật trong Truyện Kiều, từ cô danh kỹ họ Vương cho đến những nhân vật thoáng qua như kẻ lại già họ Chung hoặc lão ngư dân vô danh trên sông Tiền Đường... tôi đặc biệt hâm mộ và bị ám ảnh bởi cái anh chàng Thúc sinh đến thế.
Không phải vì chàng ta là nhân vật đặc biệt xuất sắc, không. Qua “hành trạng” của chàng, chàng chẳng là gì khác một cái giá áo túi cơm, vừa đớn hèn, vừa ngu ngốc lại còn không có được đức tính tối thiểu để bù đắp những khiếm khuyết trên: tính thật thà. Một con người chỉ có một “tài năng”: biết & dám tiêu tiền (mà nhiều khả năng là tiêu tiền của người khác): “Thúc sinh quen nết bốc rời; Trăm nghìn đổ một trận cười như không...”. Ấy vậy mà cái phó người ấy lại được số phận ưu ái lạ kỳ. Chàng ta may mắn có được người vợ (có đăng ký kết hôn) thật tuyệt vời: Nàng Hoạn Thư. Vâng, nàng con gái họ Hoạn ấy, theo tôi, về trí tuệ, đức độ, nhân cách, bản lĩnh.v.v đã vượt hẳn lên cái đám người nhung nhúc trong tác phẩm của cụ Nguyễn Du. Đánh giá nàng, còn gì chính xác hơn những lời thốt ra từ miệng cô Kiều, một con người đến khi ấy đã thừa lọc lõi, dư căm hận với nàng và đang nắm hết mọi ưu thế trong lần thanh toán ân oán: “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan...”.
Tôi tình cờ gặp bài viết về nàng Hoạn. Tự nhận thấy mình nhiều đồng cảm với tác giả. Tôi mượn về để thường khi đọc lại.
-----------------------------------
Nhà ghen… Hoạn Thư
Bùi Ngọc Minh

1.
Thế giới nhân vật trong Truyện Kiều đã thể hiện một cách chân xác, sâu sắc những trải nghiệm về cuộc đời và con người của Nguyễn Du. Tuy nhiên, một thời chưa xa, người ta đã từng chia lũ nhân vật mà ông sáng tạo ra thành chính diện hoặc phản diện, tốt hoặc xấu, cao thượng hoặc thấp hèn… Điều này xét cho cùng cũng có lí một phần, nhưng không thể có lí trên toàn cục. Lối tư duy ấy khiến người ta hiểu cuộc đời và con người đơn giản đi rất nhiều. Mà đơn giản, tiếc thay lại là tiêu chí đầu tiên của tình trạng chưa tiến hoá, kém phát triển của bất cứ sự vật hiện tượng nào trên cõi sống của trái đất này. Với Nguyễn Du, những nhân vật đều là những con người ít nhiều đều thể hiện tâm sự, tinh hoa, tinh huyết mà ông mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh hạ. Đã là con người trần thế ai chẳng có cái tốt, ai chẳng ít nhiều có những khiếm khuyết, thói tật, thậm chí tội lỗi? Trong mỗi con người đều ít nhiều mang Phật tính và cũng ít nhiều như ai đó nói có một hầm sâu tội ác. Người tốt là người mà phần tốt nhiều hơn lấn át phần xấu và ngược lại. Đúng như Gorki từng phát biểu: Tất cả ở trong con người. Hoạn Thư cũng như toàn bộ thế giới nhân vật Truyện Kiều, dĩ nhiên đã có từ trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng cũng là sự kí thác tâm sự, nghiệm sinh cuộc sống của Tố Như. Người đàn bà này là một trong những nhân vật mà tôi thích nhất.

2.
Xin bắt đầu về nhân vật này bằng câu thơ: Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen (1). Trong tiếng Việt, từ bao giờ không rõ (xin được các nhà ngôn ngữ học chỉ giáo), chữ nhà được người ta dùng khá phổ biến để gọi những người thuộc tầng lớp bình dân. Chẳng hạn: nhà anh kia, nhà cô kia, nhà chị kia, nhà bác kia, nhà bà kia, nhà ông kia…Do áp lực của truyền thống ngôn ngữ giao tiếp, ta có thể hiểu nhà ghen dùng để chỉ Hoạn Thư; nhưng trong cấu trúc hệ thống của ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, ta có quyền hiểu nhà ghen cũng là một thứ nhà… như nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học…tức những người có chuyên môn cao về một lĩnh vực nào đó theo cách hiểu hiện đại ngày nay. Hoạn Thư là một người có chuyên môn thâm hậu về ghen tuông. Nói cho văn nghệ, Hoạn Thư là nhà ghen học. Chẳng phải thế sao ? Thời nay những người đàn bà hay ghen tuông, người đời vẫn thường gọi là người có máu Hoạn Thư, thậm chí gọi luôn cho tiện là con mẹ Hoạn Thư. Gọi thế, người đời mặc nhiên có ý chê bai, phê phán là chính, dù ít nhiều cũng có sự nể sợ. Thế là đã hiểu oan sai cho nhân vật rất đáng nể trọng này. Hãy chú ý cách Nguyễn Du lần đầu cho nhân vật xuất hiện trong kiệt tác của mình:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Tôi còn nhớ mang máng là hai câu cuối cùng của đoạn trích trên đây được Nguyễn Khắc Viện chuyển sang Pháp ngữ như sau:
Về hạnh kiểm người ta không có gì để chê trách Hoạn Thư cả.

3.
Hoạn Thư là con nhà danh gia vọng tộc. Điều ấy với thời Nguyễn Du và ngay cả đối với những người thời nay quen nhìn đời bằng cái nhỡn giới thứ bậc, phẩm trật mang tính quan phương là cực kì quan trọng, (chính Tố Như cũng có cha, anh cùng cha khác mẹ đều làm tể tướng thời Lê- Trịnh đó thôi, vì vậy cái nhìn của ông là cái nhìn của người trong cuộc, vừa có gì đó như những kí ức, những ám ảnh tuổi thơ, vừa có gì đó như cái nhìn của người trải nghiệm, thấy cả mặt hay, mặt dở của lớp người này ). Điều quan trọng với ta chưa hẳn là nguồn gốc xuất thân, vị thế xã hội của nhân vật này. Điều quan trọng là với nguồn gốc đại quí tộc và đường ăn nết ở biết điều của một kẻ có trí lự ấy, liệu Hoạn Thư có được cái cần có, đáng có và rất nên có của một người phụ nữ trên con đường truy tìm hạnh phúc đích thực ở cõi sống này hay không? Điều kiện cả chủ quan lẫn khách quan tưởng cũng đã đủ đầy. Cuộc đời đầy bí ẩn như một dải tần mờ, nhưng cũng rất công bằng. Nó không lấy đi của ai tất cả, cũng không cho ai tất cả. Tôi đồ rằng Hoạn Thư không có được hạnh phúc đích thực, có chăng chỉ là những phút giây nào đó ít nhiều thoả mãn lòng ghen. Cảm quan bi kịch đã xuyên thấm trong cách mô tả và biểu hiện nhân vật này, cũng như toàn bộ thế giới nhân vật của Truyện Kiều. Cái bi kịch đau đớn đầu tiên của người phụ nữ con quan tể tướng này là lấy phải một người chồng dưới tầm. Thúc Sinh là một tay quen thói bốc rời / trăm nghìn đổ một trận cười như không, thấp kém về trí lự, và hèn, (Thấp cơ thua trí đàn bà; Người đâu sâu sắc nước đời / Mà chàng Thúc phải ra người bó tay). Nói theo ngôn ngữ dân gian, Hoạn Thư đã không may rơi vào tình trạng:
Con vợ khôn lấy phải thằng chồng dại
Như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu .
Lời than thân của Thuý Kiều:
Ông tơ thật khéo đa đoan
Xe tơ sao lại xe quàng xe xiên
té ra lại cũng rất hợp với tình cảnh của HoạnThư.
Đâu phải chỉ có thế. Người đời thường nói đã xấu lại xa, bị một cái đấm, lại còn thêm cái đạp. Đau đớn bội phần. Cô nàng còn bị chồng phản bội, qua mặt một cách vụng về khi lấy Thuý Kiều, một gái lầu xanh làm vợ lẽ. Thuý Kiều cũng lại trên tầm Thúc Sinh. Quả là thánh nhân đãi kẻ khù khờ, chính xác hơn có lẽ là mèo mù vớ được cá rán. Bản lãnh Hoạn Thư được thể hiện thật trác tuyệt qua tài tình Nguyễn Du. Hẳn là viết trường đoạn này, tác giả vận dụng nhiều, thậm chí rất nhiều sự nghiệm sinh cá nhân, (cha, anh nhà thơ lấy nhiều vợ, bản thân ông cũng có tới năm vợ, ông lại là con vợ lẽ). Thời ấy đàn ông đa thê đa thiếp là sự thường tình và được pháp luật, lễ giáo của chế độ phong kiến chuyên chế ở phương Đông thừa nhận. Nhưng với Hoạn Thư, người đàn bà sâu sắc nước đời thì đó lại chẳng thường tình một chút nào. Người đàn bà máu lạnh này đã thể hiện uy quyền, sự lọc lõi đến dễ sợ qua cái cách hành xử khôn ngoan của mình. Khi nghe phong thanh chồng có vợ bé, người phụ nữ nào chẳng nổi tam bành? Tình duyên bị phản bội, Hoạn Thư cũng ít nhiều đau khổ (Lửa tâm càng dập càng nồng / Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa), nhưng đau đớn hơn là bị anh chồng đớn hèn qua mặt, làm tổn hại tới uy phong của mình, gia phong, gia thế của dòng họ Hoạn. Nguyễn Du đã thể hiện tâm can, gan ruột Hoạn Thư bằng một tháp đoạn độc thoại nội tâm bậc thầy:
Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít dấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nức cười!
Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài dấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau.
Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay...
Nghĩ như vậy, nhưng khi người ăn kẻ ở mách tin ý cũng liệu bài tâng công, Hoạn Thư nổi giận đùng đùng:
Chồng tao nào phải như ai
Điều này hẳn miệng những người thị phi
cho rằng chúng thêu dệt chuyên thị phi để nói xấu ông nhà, lập tức lôi ra đánh đòn (đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng), khiến trong ngoài kín mít như bưng. Người đàn bà bị chồng phụ bạc, biết rõ mười mươi mà ra vào một mực nói cười như không. Kịp khi Thúc Sinh trở về, Hoạn Thư vẫn đon đả đón tiếp ( Lời tan hợp nỗi hàn huyên / Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng / Tẩy trần vui chén thong dong). Khiến họ Thúc tưởng mình đã ém nhẹm chuyện phản bội vợ ( Nghĩ đà bưng kín miệng bình,/ Nào ai có khảo mà mình lại xưng). Tiểu thư con quan này buông những lời đâu đâu bóng gió xa xôi:
Rằng : Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia!
Thiếp dù vụng chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!
Thúc Sinh nông cạn, đớn hèn, làm sao có thể hiểu được ẩn ý sâu xa trong những lời bóng gió kia. Anh chàng thuộc câu lạc bộ có tên là râu quặp này lại càng hí hửng khi vợ chủ động khuyên nên trở lại Lâm Truy. Thật đúng là cà cuống chết đến đít còn cay. Hoạn Thư đã thực hiện đúng cái triết lí dân gian tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại và xấu chàng hổ ai. Sau khi Thúc Sinh đi, Hoạn Thư về nhà mẹ đẻ để hỏi ý kiến mẹ về kế hoạch trừng trị Thúc Sinh, Thuý Kiều (Thưa nhà huyên hết mọi tình / Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen ). Cái cách đánh ghen của Hoạn Thư thật lạ lùng, ghê gớm:
Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen,
Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
Vậy nên nghảnh mặt làm thinh,
Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
Lam Truy đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.
Làm cho cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Trước cho bõ ghét những người,
Sau cho để một trò cười về sau !
Đây chính là sự cẩn trọng ghê gớm của người phụ nữ trong tình huống bị bội bạc mà ta rất hiếm khi gặp trong cuộc đời. Đây cũng chính là điều đi ngược lại sự thường được nhận xét trong câu ca dân gian cả giận mất khôn. Hoạn Thư càng giận lại càng tỉnh táo sáng suốt. Cô ta thực hiện rất chuẩn lời răn nó lú nhưng chú nó khôn. Mà nào cô ta có dại! Đánh ghen, nhưng không ai biết là đánh ghen.Tiếp đó là màn lập hiện trường giả đốt nhà, bắt cóc Thuý Kiều về nhà Hoạn phu nhân đánh đập ,tra khảo…, lừa được cả bố chồng và anh chồng khờ dại; khiến hai người cứ tưởng rằng Kiều đã chết. Từ mưu mô tới người thừa hành thực hiện mưu mô vô cùng hoàn hảo, không để lại một dấu vết gì, khiến các nhà hình sự chuyên nghiệp thời ấy cũng phải bó tay. Và tiếp đến là màn đánh đàn hầu rượu để Hoạn Thư thực hiện đúng ý định của mình. Có nhiều điều cần nói về màn này, một trong những điều đáng nói nhất là cặp lục bát:
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm !
Đây là lời trần thuật cũng là bình luận trữ tình ngoại đề của người dẫn chuyện. Cặp lục bát có cấu trúc rất lạ. Câu lục đi nhịp truyền thống 2 / 2 / 2, câu bát đi nhịp 4 / 4 mang hình thức tiểu đối. Thông thường trong truyện Kiều, một cặp lục bát thường thống nhất về nhịp. Khi câu lục tiểu đối thì câu bát mới tiểu đối. Thí dụ:
Người quốc sắc / kẻ thiên tài
Tình trong như đã / mặt ngoài còn e.
...
Trai anh hùng / gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng / đẹp duyên cưỡi rồng.
Sự khác lạ về cấu trúc của cặp lục bát này, phải chăng nhằm thể hiện sâu sắc cảm quan bi kịch trải đời của tác giả Truyện Kiều? Tính hàm súc của ngôn từ thơ của cặp lục bát này thật đáng kính trọng. Nó kết thúc những lớp đầu của màn kịch đánh ghen nằm trong cả vở kịch mà Hoạn Thư vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm một diễn viên chính. ở đó ba nhân vật chính: Hoạn Thư, Thúc Sinh, Thuý Kiều, ai cũng là người trong, ai cũng là người ngoài, ai cũng cười nụ, ai cũng khóc thầm. Trong mối quan hệ Hoạn Thư - Thuý Kiều, Thúc Sinh là người ngoài: trong mối quan hệ Hoạn Thư - Thúc Sinh, Thuý Kiều là người ngoài; Trong mối quan hệ Thuý Kiều - Thúc Sinh, Hoạn Thư là người ngoài. Thúc Sinh buộc phải cười nụ bởi sợ lộ chuyện vợ nọ con kia, sợ Hoạn Thư trừng phạt Thuý Kiều… Hoạn Thư cười nụ vì đã thực hiện được kế hoạch đánh ghen công phu, khiến cả Thúc Sinh và Thuý Kiều đau đớn ê chề; khóc thầm vì anh chồng thấp mưu thua trí bị đàn bà qua mặt (Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay). Thuý Kiều khóc thầm vì sợ hãi, vì mưu kế hiểm độc của Hoạn Thư, nhưng vẫn phải cười nụ bởi nếu không sẽ bị trừng trị, bởi nàng đang phải sống trong cảnh địa ngục ở miền nhân gian do người đàn bà bề ngoài thơn thớt nói cười; mà trong nham hiểm giết người không dao gây ra… Tuy nhiên, Hoạn Thư, không phải là người đàn bà cố chấp. Chứng cớ là khi nghe Kiều đánh đàn thì Tiểu thư xem cũng thương tài / Khuôn uy âu cũng bớt vài bốn phân, và nàng còn nói với Thúc Sinh về kẻ đã dám tranh cướp chồng mình những lời thấu cận nhân tình sau đây:
Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương!
Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!”
Rồi Hoạn Thư còn đồng ý cho Thuý Kiều ra tu ở Quan Âm Các… Nhưng rồi chính Hoạn Thư lại phải chứng kiến cảnh Kiều, Thúc dãi bày khúc nhôi với nhau ngay trước mắt (Hoa rằng bà đến đã lâu,/ Nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ,/ Rành rành kẽ tóc chân tơ,/ Mâý lời nghe hết đã dư tỏ tường./ Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,/ Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than./ Ngăn tôi đứng lại một bên,/ Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.). Vậy mà, hãy xem cách ứng xử của người đàn bà này trước cảnh oái oăm, trớ trêu trên:
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa lối nào
Cười cưòi nói nói ngọt ngào
Hỏi: “Chàng mới ở chốn nào lại chơi ?”…
Hoạn Thư biết hết mà coi như không biết chút gì. Quả là cao tay ! Quả là nhà ghen vậy !
Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới một câu chuyên từng đọc được trong sách vở đâu đó như sau: Trong một phiên toà xử một vụ trọng án giết người, phạm nhân là một người đàn ông, vì chứng kiến cảnh vợ ngoại tình đến độ không thể kể lại và cũng không nên kể lại. Anh ta, trong cơn phẫn nộ, ghen tuông không kiềm chế được đã giết chết tình địch. Quan toà định kết án anh ta ở khung hình phạt cao nhất (tử hình). Trước khi toà nghị án và tuyên án, phạm nhân được nói lời cuối cùng. Anh ta xin toà được thực hiện một điều ước. Được phép của toà, anh ta đề nghị quan toà cho anh ta được ngủ với vợ quan toà một đêm. Anh ta vừa dứt lời, vị quan toà đáng kính đùng đùng nổi giận, vác ghế định phang bị cáo một trận thừa sống thiếu chết. Dĩ nhiên, người ta đã kịp ngăn chặn kịp thời hành động thiếu kiềm chế của vị quan toà. Để cho vị quan toà bình tĩnh lại, phạm nhân mới thưa với ông ta rằng:
-       Thưa ông ! Đó là ông mới chỉ nghe thấy lời đề nghị bấp chấp đạo lí và pháp lí của tôi, ông đã như vậy. Nếu ông ở địa vị tôi, ông phải chứng kiến tận mắt cái cảnh đau khổ nhục nhã của tôi, ông sẽ ứng xử như thế nào ?
Cả phiên toà lặng đi trong chốc lát, cuối cùng, toà tuyên bố phạm nhân trắng án (!). Trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay và trong dân gian cũng thường kể lại những vụ đánh ghen của người đời trong xã hội đương đại, thật khủng khiếp: hoặc làm tình địch mang thương tật suốt đời đâu, hoặc giết chết tình địch. Đâu phải hiếm ?
Lại một chuyện ghen tuông khác: Một người phụ nữ xinh đẹp, có học ở một tỉnh miền núi Tây Bắc đã có chồng và một cô con gái nhỏ tuổi, bỏ chồng và quyến rũ được một anh chàng Hà Nội gốc, khiến anh ta phải bỏ vợ mà lấy cô ta. Người vợ anh ta, một phụ nữ Hà Nội, đã xin nghỉ việc cơ quan lên tận Tây Bắc gặp người đàn bà đã phá nát tổ ấm của mình. Người đàn bà Tây Bắc kia, lúc gặp nạn nhân của mình vô cùng hoảng sợ. Nhưng người đàn bà Hà Nội kia đã bình tĩnh mà nói với tình địch của mình như sau:
             - Em đừng sợ ! Chị lặn lội lên đây không phải để đánh ghen. Chị cất công lên đây để xem mặt mũi cái con đàn bà đã cướp mất chồng chị mồm ngang mũi dọc thế nào. Chị ngu, chị không giữ nổi chồng thì chị phải chịu. Nhưng em làm cái việc thất đức thất nhân, tranh vợ cướp chồng, làm tan nát gia đình người khác, thì trước sau em cũng sẽ phải trả giá, không chóng thì chầy em sẽ bị trời đất, quỉ thần trừng phạt.
Nói dài dài vậy để thấy Hoạn Thư thật có bản lãnh và thật cũng đáng cảm thông phần nào. Rồi khi Kiều ăn trộm chuông vàng khánh bạc nhà họ Hoạn trốn đi, Hoạn Thư không cho người đuổi theo bắt lại, cũng không báo quan. Cách ứng xử của người đàn bà này quả thật là cao tay. Thật là ở ăn thì nết cũng hay. Đúng như lời nhận xét của Thuý Kiêu sau khi cùng Thúc Sinh nỉ non to nhỏ ở Quan Âm Các, bị Hoạn Thư bắt được quả tang:
“Đàn bà thế ấy thấy âu một người !
Ấy mới gan ấy mới tài !
...
Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời !
Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay !
Thực tang bắt được dường này,
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
Thế mà im chẳng đãi đằng !
Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu !”
Cho đến khi đã là phu nhân của đại vương Từ Hải, Thuý Kiều mở phiên toà báo ân báo oán; nàng xác định: Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư, nàng kiên quyết báo thù. Nhưng rồi trước những lí lẽ và cách ứng xử khôn ngoan của Hoạn Thư, Thuý Kiều đã phải tha bổng cho bà ta. Hoạn Thư đã bộc lộ một bản lĩnh phi thường trong tháp đoạn này. Trước hết, hãy so sánh với Thúc Sinh. Người đàn ông này, khi được mời đến để báo ơn gấm trăm cuốn, bạc ngàn cân, mà mặt như chàm đổ, mình dường giẽ giun (sợ thay mà lại mừng thầm cho ai), thật quá hèn. Ngược lại, HoạnThư, sau khi đã chứng kiến cảnh trên, và cả những lời cạnh khóe xóc óc của Thuý Kiều dành cho mình (Sâm Thương chẳng ven chữ tòngTại ai há dám phụ lòng cố nhân ?... Vợ chàng quỉ quái tinh ma, Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau ! Kiến bò miệng chén chưa lâu, Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa !), dường như bà ta đã sắp đặt được kế hoạch ứng phó từ trước một cách hết sức chi ly, hoàn hảo. Trước tiên bà ta giả vờ sợ hãi (Hồn lạc phách xiêu), bởi đã sợ mất hồn mất vía thì làm sao còn có thể Khấu đầu dưới trướng lưạ điều kêu ca được? Đây là cách ứng xử nhũn như con chi chi, lấy nhu thắng cương đó thôi. Lời lẽ Hoạn Thư trong đoạn này đúng thật là lạt mềm buộc chặt, hình thức là van xin, nhưng bên trong thấu tình đạt lí. Đó là lời của một trạng sư khôn ngoan nhất mực. Cứ theo bà ta ở đây không có quan toà, không có phạm nhân, mà chỉ là câu chuyện oái oăm của cảnh ghen tuông giữa hai người đàn bà lấy chung một chồng. Hoạn Thư là vợ cả, Thuý Kiều mang thân phận lẽ mọn. Bà ta cũng thừa nhận mình đã Trót lòng gây việc chông gai và xin Thuý Kiều tha mạng; bà ta còn kể lại công ơn của mình với Thuý Kiều:
“Rằng tôi chút dạ đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng đeo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai !
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng !”
Thuý Kiều phải công khai thừa nhận:
Khen cho: “Thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.”
Thuý Kiều tha Hoạn Thư vì lẽ bà ta khôn ngoan đến mực nói năng phải lời; còn có một lẽ nữa mà chính Hoạn Thư phải chăng đã biết trước: Thuý Kiều đã trả ơn cho chồng bà ta, không lẽ lại giết bà ta ? Hai người đàn bà này quả là tri âm, kì phùng địch thủ của nhau. Hoạn Thư quả là người đàn bà ghê gớm (nember 1). Thuý Kiều thắng hay Hoạn Thư thắng ? Có lẽ đó là chiến thắng của nhân tính, nhân tình, nhân đạo, nhân bản và nhân văn. Nói Truyện Kiều là tiếng nói trải đời (Cao Bá Quát) thật là chí lí vậy!

4.
Hoạn thư là một trong những nhân vật sinh động, hấp dẫn nhất, đời nhất, sống động nhất trong thế giới nghệ thuật Truyện Kiều, một trong những nhân vật thể hiện sâu sắc nhất cảm quan hiện thực trải đời của thiên tài Nguyễn Du. Hoạn Thư xấu hay tốt? Là nhân vật chính diện hay phản diện? Tích cực hay tiêu cực? Đúng nhất, Hoạn Thư là một nhân vật, một con người đã từ trang sách bước vào cuộc đời, là mẫu gốc, là siêu mẫu… là sự hoá thân, trải nghiệm, tinh hoa, tinh huyết của cụ Nguyễn Tiên Điền đó thôi.
---------------------------------                                                                                                        
Chú thích 
(1) : Tất cả những trích dẫn về Truyện Kiều đều lấy từ Thơ quốc âm Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB Giáo Dục, Hà Nội - 1996

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét