Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Đứa Trẻ Bị Ruồng Bỏ - Guy De Maupassant

Đứa Trẻ Bị Ruồng Bỏ


Tác giả: Guy De Maupassant
Dịch giả: Vũ Yến Ly
Nhà xuất bản Lao động - 2005


- Thật lòng mà nói thì anh thấy em điên thật rồi khi nảy ra ý muốn đi dạo ở nông thôn vào lúc thời tiết như thế này. Từ hai tháng nay, em có những ý tưởng thật lạ lùng. Bất chấp anh có muốn hay không nhưng em đã lôi anh đi ra biển chơi trong khi từ bốn mươi lăm năm nay, từ khi chúng ta kết hôn đến nay, em chưa từng nảy ra những ý ngông cuồng như thế. Em tự chọn một cách độc đoán Fécamps, một thành phố buồn tẻ, vắng vẻ. Em, một người chẳng bao giờ có hứng thú với những nơi vắng vẻ hiu quạnh, mà lại muốn đi dạo trên những cánh đồng vào những ngày nóng nực nhất trong năm. Hãy bảo D’Apreval đưa em đi vì cậu ta luôn sẵn lòng chiều theo mọi thói thất thường của em. Còn tôi, tôi về nghỉ trưa đây.
Bà Cadour quay về phía người bạn cũ:
- Đi với tôi chứ, D’Apreval?
Ông này nghiêng người, mỉm cười đầy vẻ ga lăng như thuở trước:
- Bà đi đâu, tôi đi đấy. - Ông nói.
- Vậy thì, hãy đi mà phơi nắng, cả hai người. - Ông Cadour tuyên bố.
Ông quay về khách sạn Bain để nằm dài lên giường nghỉ ngơi một hai giờ.
Ngay khi ông đi khuất, hai người bạn già cũng quay gót đi. Bà nói rất khẽ, vừa nói vừa siết chặt tay ông:
- Thế là! Thế là!
Ông thầm thì:
- Bà điên thật. Tôi đoan chắc là bà điên thật rồi. Hãy nghĩ đến điều có thể xảy đến. Nếu nó...
Bà giật mình:
- Henri! Đừng gọi “nó” một cách xa lạ như thế...
Ông này nói lại bằng một giọng hơi cục cằn:
- Tốt thôi! Nếu con trai chúng ta có nghi ngờ điều gì, nếu con nghi ngờ chúng ta, nếu con tóm được bà, tóm được chúng ta. Bà đã qua 40 năm không gặp mặt con. Vậy giờ đây bà muốn có gì?
Họ cùng đi dọc theo con đường đi từ biển vào thành phố. Họ rẽ phải để đi lên vùng mũi d’Etrtat. Con đường trắng lấp lóa dưới ánh nắng thiêu đốt.
Họ cùng dạo bước chậm dãi dưới cái nóng, cái nắng gay gắt. Bà đã khoác tay mình vào tay người bạn già, nhìn thẳng về phía trước với cái nhìn bất động, ám ảnh.
Bà hỏi:
- Vậy, ông đã không hề gặp lại nó ư?
- Không hề!
- Có thể thế sao?
- Thôi nào bà bạn thân mến, đừng lại bắt đầu cuộc tranh luận muôn thuở đó nữa đi. Tôi đã có vợ, có con, cũng như bà đã có một người chồng. Vậy nên cả hai chúng ta, cả bà và cả tôi, chúng ta đều sợ dư luận cả.
Bà không trả lời. Bà nghĩ đến thời thiếu nữ xa xôi, nghĩ đến những điều đáng buồn đã qua.

Người ta đã cưới chồng cho bà, như cưới chồng cho mọi cô gái trẻ khác. Bà chẳng hề biết gì về người chồng của mình, một nhà ngoại giao, và bà về sống với ông, làm chức phận một người vợ như mọi phụ nữ trên đời.
Nhưng rồi, có một thanh niên trẻ, ông D’Apreval, cũng đã có vợ, đã yêu bà tha thiết, và trong một lần chồng bà vắng nhà lâu ngày vì phải đi công tác ở Ấn Độ, bà đã ngã lòng.
Bà đã không thể cưỡng lại? Không thể từ chối? Không thể có đủ sức mạnh, đủ dũng khí để không nhượng bộ ông? Bà có yêu không? Không, thực sự là không! Điều đó quá nặng nề! Bà đã quá đau khổ! Bởi cuộc đời này thật độc ác và nghiệt ngã! Liệu ai có thể tránh được những cú đánh của số phận, ai có thể trốn được định mệnh đã an bài? Nhất là khi ta chỉ là một phụ nữ cô đơn, không con cái, bị bỏ rơi, không được biết đến những âu yếm. Người phụ nữ đó có thể luôn trốn chạy được nỗi đam mê khát khao luôn dõi theo mình như trốn chạy ánh mặt trời để sống đến tận khi chết trong bóng đêm tối tăm, lạnh lẽo không tình yêu được không?
Giờ bà nhớ lại tất cả những chi tiết nhỏ thuở đó, những nụ hôn của ông ta, những nụ cười, cách ông ta ngừng lại trên bậc cửa nhìn bà đầy âu yếm trước khi bước vào nhà bà. Hạnh phúc biết bao những ngày đó, những ngày đẹp đẽ duy nhất trong đời bà, và những ngày đó mới sớm kết thúc biết mấy!
Rồi bà nhận thấy mình có mang! Thật kinh hoàng!
Ôi! Chuyến du lịch trong vùng Midi này, một chuyến du lịch dài, sự đau khổ, những khiếp sợ không bao giờ nguôi, cuộc sống được giấu trong căn phòng nhỏ cô đơn, trên bờ biển Địa Trung Hải, sâu trong một khu vườn mà bà đã từng không dám ra khỏi đó!
Vì rằng bà không hề nhắc nhớ gì đến những ngày đó, những ngày bà nằm dài dưới một cây cam, mắt dõi nhìn những quả cây chín đỏ, tròn xoe, nằm lấp ló trong những tán lá xanh! Bởi bà từng muốn ra khỏi đó, đi ra đến tận biển, tận hưởng những làn gió mát lành, vẫn thường thổi qua nhà bà, ở bờ biển đó, bà lắng tai nghe tiếng sóng vỗ ỳ oạp, ở đó, bà mơ về một khoảng không xanh biếc rộng lớn lấp lánh ánh mặt trời, với những cánh buồm trắng đi tới tận đường chân trời. Nhưng bà đã không hề dám bước ra khỏi cửa dù chỉ một bước. Nếu có ai nhận ra bà, với cái bụng kềnh càng, thì thật xấu hổ nhường nào.
Và những ngày chờ đợi, những ngày cuối cùng đau đớn khổ sở! Những dấu hiệu cảnh báo! Những đau đớn! Rồi đến cái đêm khủng khiếp đó! Bà đã phải chịu đựng đau đớn bao nhiêu.
Đêm đó thật khủng khiếp, bà đã rên rỉ biết mấy, kêu gào biết mấy! Bà như vẫn còn nhìn thấy nét mặt xanh rờn của người tình, ông đã hôn mãi hôn mãi lên tay bà, nhớ khuôn mặt nhẵn nhụi của ông bác sĩ, cái mũ trắng của cô y tá.
Và xúc động đến mấy khi bà nghe tiếng khóc oe oe của đứa trẻ. Sự cố gắng đầu tiên để tồn tại của một con người.
Và ngày hôm sau! Ngày hôm sau! Ngày duy nhất trong đời mình bà đã ngắm và ôm con mình trong tay, bởi từ đó trở đi, bà không bao giờ nhìn thấy nó nữa!
Và, kể từ ngày đó, bà luôn nhớ về nó, luôn nghĩ đến nó! Bà đã không hề gặp lại nó, cái cơ thể bé nhỏ tách ra từ cơ thể bà, con trai bà! Người ta đã mang nó đi, đã giấu nó đi. Bà chỉ biết rằng nó được nuôi dạy bởi những người nông dân vùng Normand, và rồi nó cũng đã trở thành một nông dân, nó đã lấy vợ, nó cũng đã được bố nó trợ cấp cho một khoản tiền dưới danh nghĩa một người nào đó.
Biết bao lần, từ bốn mươi năm nay, bà đã muốn đến gặp nó để được ôm nó vào lòng, để được hôn nó! Bà không biết giờ đây nó đã lớn đến chừng nào rồi! Bà luôn nghĩ đến đứa trẻ sơ sinh mà bà đã một hôm ôm nó trong vòng tay, áp nó vào ngực mình.
Biết bao lần bà đã nói với người tình: “Em chẳng cần giữ gìn thể diện nữa, em muốn gặp nó, em sẽ đi tìm nó”.
Nhưng ông này luôn ngăn trở, luôn giữ bà lại. Bà phải biết nén lòng, phải biết kiềm chế, nếu không người ta sẽ đoán ra được, người ta sẽ khám phá ra bí mật của cả hai. Bà đến phát điên lên mất.

- Nó trông thế nào? - Bà hỏi.
- Tôi không biết. Tôi không hề gặp lại nó nữa.
- Liệu có thể thế được chăng? Sinh ra một đứa con trai và không hề biết chút gì về nó. Sợ hãi vì có nó, ném nó đi như ném một nỗi tủi hổ. Thật khủng khiếp.
Họ đã đi được một quãng đường dài, mệt mỏi dưới cái nắng nóng, luôn phải trèo lên những đoạn đường dốc dài tưởng như bất tận.
Bà lại nói:
- Phải chăng đó chẳng phải là một sự trừng phạt? Tôi đã chẳng thể có thêm một đứa con nào nữa. Không, tôi không thể chịu đựng thêm nữa, tôi muốn gặp nó, nó luôn ám ảnh trong tôi từ suốt bốn mươi năm nay, ông không hiểu điều đó được đâu, các ông, những tên đàn ông. Hãy thử nghĩ xem, tôi suýt chết mới có được nó. Và tôi chẳng bao giờ còn được gặp nó nữa, không gặp lại nó nữa!... Có thể thế được chăng? Làm sao tôi có thể chịu đựng được điều đó lâu đến thế cơ chứ. Tôi đã luôn nghĩ đến nó. Tôi đã phải chịu đựng, đã phải đau khổ biết bao nhiêu khi nhớ về nó. Chưa một ngày nào, ông nghe đấy, chưa một sáng nào, khi thức giấc mà tôi lại không nghĩ ngay đến nó, đến con trai của tôi. Trông nó thì thế nào? Ôi! Tôi cảm thấy mình có tội biết mấy khi đối diện nó! Liệu người ta có cảm thấy ghê sợ những người sinh ra mình trong trường hợp tương tự như thế này không? Lẽ ra tôi phải rời bỏ mọi thứ và đưa nó đi, nuôi nấng, dạy dỗ nó, yêu thương chăm sóc nó. Như thế chắc hẳn tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi đã không dám. Tôi đã quá hèn nhát. Ôi! Tôi đau lòng quá! Ôi! Khốn khổ thay những đứa con bị bỏ rơi, hẳn nhiên chúng phải thù ghét mẹ chúng lắm, người đã đành lòng bỏ rơi chúng!
Đột nhiên bà ngừng lại, nghẹn ngào nức nở. Cả thung lũng hoàn toàn vắng lặng dưới ánh nắng chói chang. Chỉ có những con châu chấu nhảy lách tách trong những đám cỏ vàng hiếm hoi hai bên đường.
- Bà ngồi xuống một chút đi. - Ông bảo.
Bà để ông đưa vào sát lề đường và khuỵu xuống, úp mặt vào hai tay. Mái tóc trắng xòa xuống hai bên má, bà nức nở khóc, đầy đau khổ vì một nỗi đau nội tâm giằng xé.
Ông đứng đối diện trước mặt bà, lo lắng, không biết nói gì với bà. Ông rên rỉ:
- Thôi nào... dũng cảm lên nào.
Bà ngẩng đầu lên:
- Tôi không sao.
Và chùi nước mắt, bà lại tiếp tục bước đi bằng những bước chân nặng nề của người già.
Lấp ló phía xa xa, dưới bóng một hàng cây, có một vài nóc nhà. Họ nghe thấy rất rõ tiếng búa nện lên đe.
Và rồi họ nhìn thấy, trên đường bên phải, một chiếc xe ngựa kéo đang đỗ trước cửa một ngôi nhà thấp, và dưới lán hàng, hai người đàn ông đang đóng móng cho một con ngựa.
Ông D’Apreval tiến lại gần và hỏi to:
- Làm ơn cho hỏi trang trại nhà ông Pierre Bénédict ở đâu?
Một trong hai người đàn ông trả lời:
- Ông bà rẽ vào con đường nhỏ phía bên trái, ngay sát cạnh một quán cà phê nhỏ, đi thẳng qua đó một chút, nhà thứ ba sau nhà Poret. Có một cây thông cạnh hàng rào. Không thể nhầm được đâu.
Họ rẽ vào bên trái. Bà đi một cách chậm rãi, hai chân như mềm nhũn ra, tim đập loạn nhịp khiến bà như cảm thấy tắt thở. Mỗi bước chân đi bà lại thầm thì như thầm thì một lời cầu nguyện:
- Lạy Chúa! Ôi, lạy Chúa!
Và một cảm xúc mãnh liệt như đang chẹn lấy cổ họng bà, khiến bà phải thở một cách khó khăn, như đang níu chân bà, khiến bà bước đi một cách lảo đảo.
Ông D’Apreval, hơi tái mặt, bồn chồn, nói một cách thô bạo:
- Nếu bà không kiềm chế được, bà sẽ làm hỏng mọi chuyện mất. Hãy cố tĩnh tâm lại đi.
Bà lắp bắp:
- Con trai tôi! Tôi làm sao tĩnh tâm khi tôi nghĩ rằng tôi sắp được gặp con trai tôi!
Họ đi vào một con đường nhỏ nằm giữa những cánh đồng, rợp dưới bóng hai hàng sồi hai bên.
Rồi, họ bỗng nhìn thấy một cây thông non được trồng sát cạnh một hàng rào bằng gỗ.
- Kia rồi. - Ông nói.
Bà đứng phắt lại và quan sát.
Sau hàng rào là một sân rộng trồng táo, sâu phía trong có một ngôi nhà nhỏ mái rạ. Đối diện, là chuồng ngựa, kho thóc, chuồng bò, trại gà. Trong một nhà có mái đen, xếp hàng nào là xe ngựa kéo, xe bò, xe độc mã. Bốn con bê đang gặm cỏ non xanh rờn dưới bóng rợp của cây cối. Những chú gà đen đi lang thang chỗ nào cũng thấy trong khắp mảnh vườn đã được rào kín.
Không có một tiếng động nhỏ nào, cửa nhà vẫn đang mở. Nhưng không có bóng dáng một ai.
Họ đi vào, ngay khi đó, một con chó đen xì nhảy vọt ra từ một cái thùng tròn đặt nằm dưới chân một cây lê lớn, nó gầm gừ đầy vẻ hung tợn.
Dựa vào tường nhà, ở lối vào, có tổ ong lớn được đặt trên những tấm ván đặt thẳng hàng phía dưới vòm rơm.
Ông D’Apreval, đứng trước cửa nhà, gọi to:
- Có ai trong nhà không?
Một đứa bé xuất hiện, một cô bé khoảng mười tuổi, mặc một chiếc áo sơ-mi và một chiếc váy len, hai chân để trần và bẩn lem luốc, cô bé có vẻ vừa e dè vừa tinh ranh. Nó dừng lại trước bậc cửa như thể để giữ không cho ai vào.
- Ông bà cần gì ạ? - Nó hỏi.
- Bố cháu có nhà không?
- Không.
- Ông ấy đang ở đâu?
- Cháu không biết.
- Thế mẹ cháu đâu?
- Đang ở chỗ vắt sữa bò.
- Mẹ cháu sắp về chưa?
- Cháu không biết.
Bỗng nhiên, một bà già, như thể bà sợ người ta bắt đứa bé đưa đi, nói vọng ra bằng một giọng hấp tấp:
- Tôi sẽ chẳng đi tìm nó về đâu.
- Chúng tôi sẽ đợi thưa bà.
Khi quay người lại, họ nhìn thấy một nữ tá điền đang đi về phía ngôi nhà, hai tay xách hai xô nặng, sóng sánh sữa.
Cô này hơi thọt chân phải, khuôn ngực căng tròn trong một chiếc áo dệt kim màu nâu, đã xỉn màu vì thời gian. Cô có vẻ của một cô hầu nghèo khó khốn khổ, bẩn thỉu.
- Mẹ cháu đấy. - Đứa bé nói.
Khi về gần đến nhà, cô nhìn hai người lạ với vẻ nghi ngờ không thiện cảm, rồi cô đi luôn vào nhà như thể cô không muốn gặp, không muốn nói chuyện gì với họ.
Cô có vẻ già, với khuôn mặt khắc khổ, nước da bủng beo, nét mặt khó đăm đăm. Vẻ mặt vô cảm của những người nông thôn.
Ông D’Apreval gọi cô:
- Thưa cô, chúng tôi vào để hỏi mua hai cốc sữa.
Sau khi đã đặt hai xô sữa một cách cẩn thận cạnh cửa, cô lầu bầu:
- Tôi không bán sữa.
- Vì chúng tôi đang rất khát. Và bà đây đã già và đang rất mệt. Cô có thể cho chúng tôi một thứ gì đó để uống được không?
Cô nông dân nhìn họ bằng một cái nhìn lo lắng, ranh ma. Cuối cùng cô quyết định.
- Thôi thì vì ông bà đã đến đây, tôi có đưa cho ông bà một chút cũng không sao. - Cô nói. Rồi cô biến vào nhà. Một lát sau đứa trẻ ra, cầm hai cái chai và nó đặt dưới gốc cây táo, rồi tới lượt mẹ nó lại đi ra với hai bát đầy sữa ấm, cô đưa nó cho hai người. Rồi cô đứng trước mặt họ như thể để canh chừng họ và đoán xem họ định làm gì.
- Ông bà sống ở Fécamps? - Cô hỏi.
Ông D’Apreval trả lời:
- Vâng, vào mùa hè chúng tôi về sống ở Fécamps.
Rồi sau một lúc im lặng, ông lại hỏi:
- Cô có thể bán gà cho chúng tôi hàng tuần được không?
Cô do dự, rồi trả lời:
- Vâng, đương nhiên là được, ông bà thích những con gà tơ phải không?
- Vâng, những con gà tơ.
- Ông bà thường mua bao nhiêu một con?
Ông D’Apreval, mù tịt về chuyện này, quay về phía bà bạn:
- Bà thường trả bao nhiêu cho một con gà, những con gà tơ ấy?
Bà ấp úng, lắp bắp, hai mắt long lanh nước:
- Bốn frăng, bốn frăng năm mươi xu.
Bà già từ trong góc nhìn ra, ngạc nhiên hỏi:
- Bà ấy ốm à, sao bà ấy lại khóc?
Ông D’Apreval không biết trả lời thế nào, ấp úng:
- Không... không... bà ấy... bà ấy đánh mất cái đồng hồ đeo tay, một cái đồng hồ rất đẹp, và bà ấy đang rất buồn vì điều đó. Nếu ai đó có nhặt được nó, xin các bà báo cho chúng tôi.
Bà Bénédict không trả lời gì cả, bà thấy có gì ám muội ở đây. Đột nhiên bà thông báo:
- Đây là con trai tôi!
Chỉ duy có bà nhìn thấy anh ta vì bà đối diện với cửa rào. Ông D’Apreval giật mình. Bà Cadour suýt ngã bổ chửng và cuống cuồng quay phắt lại.
Xuất hiện một người đàn ông, cách khoảng mười bước chân, đang ra sức kéo một con bò sữa, con này cố cưỡng lại, cả người cả vật cùng thở hổn hển. Anh ta nói, không hề để ý đến hai người lạ:
- Mẹ kiếp! Cái con bò cái ngu đần này!
Anh ta đi qua, hướng về phía chuồng bò, và biến mất vào trong đó. Nước mắt bỗng giàn giụa trên khuôn mặt người phụ nữ già, hốt hoảng bà nức nở không thành câu, không kịp suy nghĩ: “Con trai tôi, đó chính là con trai tôi!”
Ông D’Apreval, cũng có chung cảm giác xúc động như của bà, hỏi bằng một giọng lạc cả đi:
- Có phải đó là ông Benedict không?
Bà già hỏi lại một cách nghi ngờ:
- Sao ông biết tên nó?
Ông trả lời:
- Ông thợ rèn ở góc đường lớn bảo cho tôi.
Rồi cả hai cùng im thít, mắt đăm đăm nhìn vào cửa chuồng bò. Trên bức tường của chuồng bò có những lỗ tròn, từ ngoài nhìn vào thì không nhìn thấy gì hết nhưng người ta có thể nghe thấy tiếng đập đuôi của lũ súc vật, tiếng giậm chân, tiếng nhai cỏ nhóp nhép, tiếng chân bước trên cỏ khô lạo xạo.
Người đàn ông lại xuất hiện trên ngưỡng cửa, lau trán, bước về nhà bằng những bước chân dài, nặng nề.
Anh ta đi qua những người lạ mặt mà không hề có vẻ gì để ý đến họ, anh ta nói với vợ:
- Đi lấy cho tôi một hũ rượu táo đi, tôi khát khô cả cổ rồi đây.
Rồi anh ta đi vào nhà. Cô gái cũng bỏ vào hầm rượu, để hai người khách lại một mình.
Và bà Cadour, vội vàng lắp bắp:
- Chúng ta đi khỏi đây thôi, Henry, chúng ta đi khỏi đây thôi.
Ông D’Apreval đỡ lấy tay bà, nâng bà lên, và đỡ bà đi. Ông cảm thấy rất rõ ràng bà sắp ngã, ông kéo bà đi sau khi đã để lại năm frăng trên ghế.
Ngay khi họ vừa đi ra khỏi hàng rào, bà bật khóc nức nở, người rung bần bật đầy đau khổ và lắp bắp:
- Ôi! Ôi! Đó là đứa con mà chúng ta đã sinh ra đấy ư?
Ông cũng trở nên nhợt nhạt, trả lời một cách khô khan:
- Tôi đã làm tất cả những gì có thể. Trang trại đó trị giá tám mươi nghìn frăng. Đó là một khoản thừa kế không phải đứa trẻ thị dân nào cũng có được.
Họ nhìn nhau đầy trìu mến, không nói thêm một lời nào nữa. Bà cứ khóc mãi không ngưng. Nước mắt lã chã rơi trên má bà thành hàng không ngừng.
Cuối cùng thì bà cũng kìm được cơn nức nở. Họ đã về đến Fécamps.
Ông Cadour đang đợi họ để dùng bữa tối. Ông bật cười và cao giọng nói khi nhìn thấy họ từ đằng xa.
- Hay quá, vợ tôi đã cháy nắng rồi kìa. Tôi thấy hài lòng quá. Thật tình mà nói, bấy lâu nay tôi thấy bà ấy cứ trở chứng thế nào ấy, tôi tin là bà ấy điên thật đấy!
Cả hai đều không trả lời, vì thế, hai tay xoa vào nhau, ông chồng lại hỏi:
- Ít nhất thì hai người cũng đã có một chuyến đi dạo thú vị chứ?
- Rất thú vị, bạn thân mến ạ, rất thú vị. - Ông D’Apreval trả lời.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét