Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Người Cha - Guy De Maupassant

Người Cha


Tác giả: Guy De Maupassant
Dịch giả: Vũ Yến Ly
Nhà xuất bản Lao động - 2005


Jean de Valnoix là một người bạn mà tôi thỉnh thoảng vẫn đến thăm. Ông sống trong một trang viên nhỏ, cạnh một con sông, trong rừng. Ông đã về đó sau một thời gian dài sống ở Paris, khoảng mười lăm năm, một cuộc sống vô cùng vui nhộn. Bỗng nhiên, ông chán ngán mọi thú tiêu khiển, chán các trận vui thâu đêm suốt sáng, chán bạn bè, chán đàn bà, chán các trận đỏ đen, chán tất. Ông về sống ở nơi mình đã sinh ra.
Thỉnh thoảng, tôi và một hai người bạn lại đến thăm và ở lại chơi với ông ấy khi thì dăm bữa, khi thì nửa tháng. Hiển nhiên, ông rất vui khi thấy chúng tôi đến, và hoàn toàn hài lòng khi còn lại một mình khi chúng tôi về.
Vậy nên, tuần trước tôi đến thăm ông, ông đón tôi vô cùng niềm nở. Chúng tôi trải qua hàng giờ, khi thì cùng nhau, khi thì mỗi người một chỗ. Thường thì, ông đọc một cái gì đó còn tôi làm việc, và khi đêm xuống, chúng tôi trò chuyện tới tận nửa đêm.
Thế nên, thứ ba tuần trước, sau một ngày làm việc kiệt lực, chúng tôi cùng ngồi, lúc đó vào khoảng chín giờ tối, để ngắm sông chảy. Chúng tôi trao đổi những lời ngắn gọn, không rõ nghĩa về những vì sao đang lấp lánh trên bầu trời. Chúng tôi nói với nhau những ý tưởng rất mơ hồ, rất lộn xộn, rất ngắn bởi đầu óc của chúng tôi lúc đó rất nhạy cảm, rất yếu ớt, gần như tê liệt. Tôi mủi lòng khi nghĩ đến mặt trời, trong những đêm trăng sáng, người ta không nhìn thấy cái tinh cầu đó nữa, nó mới nhạt nhòa làm sao. Khi trời mù sương, mặt trời như biến mất. Chúng tôi nghĩ đến những sinh vật đang sinh sôi nảy nở, tới những hình dạng không thể tưởng tượng được, tới những khả năng không ngờ tới, tới những loài vật, tới những loài cây, tới tất cả các giống, các loài, các chất mà ngay cả trong mơ con người cũng không thể gặp được.
Bỗng nhiên có tiếng gọi từ đằng xa:
- Ông ơi, ông ơi!
Jean trả lời:
- Ở đây, Báp tít.
Khi tên người hầu đến tới nơi, nó thông báo:
- Cô gái du mục của ông đến, thưa ông.
Bạn tôi bật cười, cười như điên như dại, một việc hiếm thấy ở anh, rồi anh hỏi:
- Hôm nay ngày 19 tháng Bảy nhỉ?
- Vâng, thưa ông.
- Tốt. Hãy nói cô ấy đợi ta. Bảo nhà bếp làm thêm vài món để ăn đêm. Ta sẽ về trong vòng mười phút nữa.
Khi tên hầu đã quay đi, anh nắm lấy tay tôi và bảo:
- Chúng ta đi từ từ thôi, tôi sẽ kể cho cậu nghe chuyện này.
Cách đây bảy năm, chính là năm tôi về đây, một hôm tôi ra ngoài đi dạo trong rừng. Hôm đó, trời cũng dẹp như hôm nay vậy, tôi bách bộ dạo chơi dưới những tán cây rừng, ngắm sao qua khe lá, hít sâu đầy lồng ngực không khí mát lành ban đêm trong rừng.
Tôi vừa rời bỏ Paris, vừa rời bỏ những thú vui mà tôi đã chán ngấy, rời bỏ những trò ngớ ngẩn, rời bỏ những trò hèn hạ, những trò nhơ bẩn mà tôi đã phải thấy, phải biết, phải tham gia trong suốt mười lăm năm.
Tôi đã đi rất xa, rất sâu vào trong rừng, và tiếp tục theo một con đường nhỏ dẫn đến làng Crouzille, cách đây mười lăm ki-lô-mét.
Đột nhiên, Bock, con chó giống bécgiê Đức của tôi, con vật không bao giờ rời tôi, bỗng đứng phắt lại và bắt đầu gầm gừ. Tôi cho là có con cáo, con sói, con thỏ gì đó chạy ngang qua chăng. Thế nên tôi nhón chân lên đi rất nhẹ để không gây ra tiếng động. Nhưng bỗng nhiên tôi nghe có tiếng kêu rên bị nén lại đầy đau đớn, tiếng kêu rên của người.
Rõ ràng là ai đó đang bị sát hại trong bãi cây thưa phía trước, tôi nắm chặt lấy cây gậy chống bằng gỗ sồi nặng như một cây chùy của mình và chạy ngay đến nơi đang phát ra tiếng kêu.
Càng chạy đến gần, tiếng kêu càng rõ, nhưng tiếng kêu nghe rất lạ. Cuối cùng tôi nhìn thấy một cái lều, trông như cái lều của người bán than, tiếng kêu đang phát ra từ đó. Bock, chạy trước tôi ba bước chân, bỗng dừng phắt rồi lùi lại, miệng phát ra những tiếng gầm gừ đầy kích động.
Bỗng nhiên, một con chó to đùng, đen kịt, mắt như hai hòn than hồng nhảy xổ ra cản đường chúng tôi. Tôi nhìn thấy rất rõ những chiếc răng nanh to đùng trắng ởn trong miệng nó.
Tôi giơ chiếc gậy chống của tôi dứ về phía con chó để dọa nó, Bock nhảy phốc lên và hai con chó vồ lấy nhau lăn một vòng và bắt đầu cắn xé nhau. Nhanh chóng, tôi đi qua chúng và suýt nữa vấp phải một con ngựa đang nằm dài trên đường. Ngạc nhiên, tôi đứng lại xem xét con vật, chính vì thế nên tôi phát hiện thấy trước mặt tôi có một chiếc xe hòm do ngựa kéo, nói đúng hơn là một ngôi nhà di động bốn bánh, một dạng nhà lưu động của những gánh xiếc rong hoặc của những thương nhân bán hàng trong chợ phiên, những người luôn dong ruổi trên đường đi từ chợ phiên này đến chợ phiên khác trong các vùng nông thôn.
Tiếng kêu phát ra từ đó, liên tục, đầy đau đớn. Vì cửa xe nằm ở phía bên kia, tôi phải đi vòng qua cái xe cà khổ đó và nhảy ba bước lên bậc gỗ của nó, nhảy phốc vào xe, tôi suýt ngã vào một người đang ngồi trong đó.
Cảnh tôi nhìn thấy đầu tiên khiến tôi không hiểu thế nào cả. Một người đàn ông đang quỳ gối và trông có vẻ như đang cầu nguyện, trên một chiếc giường gỗ, có một người đang nằm, quằn quại, nửa người trần như nhộng, còn nửa kia quấn chặt trong chăn, người đó cứ quằn quại, rên la đầy đau đớn.
Một ca đẻ khó.
Ngay khi hiểu ra vấn đề, tôi giải thích vì sao tôi có mặt ở đây. Người đàn ông, một người Marseille đang hoảng loạn, van vỉ xin tôi hãy cứu lấy con anh ta, cứu lấy vợ anh ta. Tôi chưa từng chứng kiến một ca sinh nở nào, chưa từng đỡ đẻ cho bất cứ một con cái nào bao giờ, kể cả chó mèo cũng không, vì thế nên trong hoàn cảnh đó, tôi vừa ấp a ấp úng, vừa sững sờ nhìn người phụ nữ đang rên la thảm thiết trên giường.
Rồi khi lấy lại được bình tĩnh, tôi hỏi người đàn ông đang lo sợ rụng rời kia tại sao không đi đến một ngôi làng gần nhất tìm sự giúp đỡ, anh ta bảo vì ngựa của họ bị sa xuống hố và chắc nó đã bị gãy chân, nó không thể đứng lên được.
“Thôi được rồi, can đảm lên”, Tôi bảo anh ta “giờ đây tôi với anh đã là hai người, chúng ta sẽ cáng vợ anh về nhà tôi”.
Tiếng chó tru làm chúng tôi phải chạy ra ngoài. Chúng tôi phải dùng tới gậy, và suýt giết chết chúng mới tách được chúng ra. Rồi tôi nảy ra ý mắc chúng vào càng xe, một con ở càng xe trái, một con ở càng xe phải, cùng giúp chúng tôi kéo xe về. Trong vòng mười phút mọi thứ đã sẵn sàng, và chiếc xe ngựa lại bắt đầu lăn bánh, vừa đi vừa lúc lắc, mỗi khi bánh xe xóc lên lại khiến người phụ nữ khốn khổ trong xe bật lên một tiếng kêu rên đau đớn.
Con đường hôm đó mới dài khủng khiếp làm sao, bạn thân mến, chúng tôi vừa kéo xe, vừa thở hổn hển, mồ hôi mồ kê nhễ nhài, vừa đi vừa trượt vừa ngã. Bên cạnh chúng tôi, hai con chó cũng thở như kéo bễ lò rèn.
Phải mất đến ba tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới về được đến lâu đài. Khi chúng tôi đến đúng trước cửa lâu đài thì tiếng kêu rên trong xe ngừng hắn, người mẹ đã hoàn thành sứ mệnh của cô, mẹ tròn con vuông.
Người nhà tôi chuẩn bị giường cho hai mẹ con, rồi tôi cho người đi mời bác sĩ, trong khi đó người chồng, vui mừng khôn xiết, ăn uống nhảy múa tưng bừng.
Họ sinh được một cô con gái.
Tôi giữ họ ở lại nhà tôi tám ngày. Người mẹ, cô Elmire, là một người hơi có máu di gan, cô có khả năng đoán trước được tương lai, cô tiên đoán tôi sẽ sống rất lâu và sẽ hạnh phúc.
Năm sau, đúng vào ngày đó, khi màn đêm vừa buông xuống, tên gia nhân lúc nãy đến gọi tôi ở phòng đọc sách sau bữa tối của tôi và báo:
“Thưa ông, có cô gái du mục mà năm ngoái ông đã cứu, đến xin cảm ơn ông”.
Tôi cho phép cô gái vào và tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy đi vào cùng cô là một người đàn ông tóc vàng, cao lớn, một người miền Bắc điển hình, ông này vừa chào tôi vừa giới thiệu ngay ông là trưởng tộc và ông đã được biết đến lòng tốt của tôi dành cho cô Elmire, vì thế nên ông không thể tổ chức lễ sinh nhật cho cô bé con mà không đến cảm ơn tôi.
Tôi mời họ ăn và dọn chỗ cho họ nghỉ lại một đêm. Sáng hôm sau họ ra về.
Thế là từ đó năm nào cũng thế, cứ đúng ngày đó người mẹ lại đến cùng cô con gái, một bé gái xinh đẹp tuyệt trần, và mỗi năm họ lại đến cùng một tộc trưởng mới, chỉ duy có một lần, có một người vùng Auyergnat là xuất hiện ở nhà tôi hai năm liền, cô bé gái gọi tất cả những người đó là cha, như thể chúng ta gọi tất cả những người đàn ông là “ông” là “ngài” vậy.

Chúng tôi về đến lâu đài và chúng tôi nhận thấy lờ mờ ba bóng người đang đứng đợi chúng tôi ở thềm cửa trước nhà.
Người cao lớn nhất bước bốn bước về phía chúng tôi, ngả mũ chào vô cùng trịnh trọng:
- Thưa ông, ông biết đây, chúng tôi đến đây để tỏ lòng cảm ơn ông.
Đó là một người Bỉ.
Sau anh ta, cô bé con nói lời cảm tạ với giọng kiểu cách không tự nhiên của trẻ con học thuộc lòng những lời nói cảm ơn.
Tôi ra vẻ không biết chuyện, sau vài lời xã giao, tôi lại gần cô Elmire và hỏi:
- Đó là cha của con cô à?
- Ồ không! Thưa ông!
- Thế cha cô bé đâu, ông ta đã mất?
- Không, thưa ông! Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Anh ấy là hiến binh.
- Ô hay, vậy đó không phải là ông người Marseille, người đã có mặt khi cô sinh hay sao?
- Không! Thưa ông, tên đó là một tên bất lương, hắn đã ăn trộm hết cả tiền dành dụm của tôi.
- Thế còn ông hiến binh, người cha thật sự của đứa bé, anh ta có biết con anh ta không?
- Có chứ, thưa ông! Và anh ta thậm chí còn rất yêu nó nữa, nhưng anh ta không thể nuôi nó được, anh ta còn có nhiều đứa con khác với vợ của anh ta.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét