Những quả trứng định mệnh
Tác giả: Mikhail Bulgacov
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 1989
Chương 12 - Thần băng giá trên xe
Vào đêm mười chín sáng ngày hai mươi tháng Tám năm một ngàn
chín trăm hai tám bắt đầu một đợt rét chưa từng thấy, chưa một người già cả nào
từng biết đến. Nó kéo dài hai ngày hai đêm, xuống đến âm mười tám độ. Moskva
cóng đờ đóng chật tất cả các cửa sổ và cửa lớn. Chỉ đến cuối ngày thứ ba dần
chúng mới hiểu rằng đợt rét đã cứu thoát thủ đô và những vùng rộng lớn xung
quanh nó khỏi tai họa khủng khiếp năm một ngàn chín trám hai tám giáng xuống.
Các đơn vị kị binh ở Mogiaisk đã thiệt hại ba phần tư quán số, bắt đầu mất sức
chiến đấu; những phi đội máy bay rải hơi độc không thể ngăn bước tiến của những
đàn bò sát, chúng tạo thành một vông cung từ phía Tây, Tây - Nam và Nam cùng tiến
về Moskva.
Trận rét đã tiêu diệt chúng. Những lũ rắn và đà điểu đáng tởm
đã không chịu nổi hai ngày đêm băng giá mười tám độ âm, và đến ngày hai mươi
tháng Tám, khi đợt rét biến mất dể lại những vũng nước ẩm ướt, để lại hơi nước
trong không khí, để lại những cành lá héo úa vì giá lạnh đột ngột trên cây, thì
không còn ai để đánh nhau nữa. Tai họa đã chấm dứt. Những khu rừng, những cánh
đồng, những đầm lầy mênh mông còn rải đầy những quả trứng nhiều màu với hình
vân nhiều khi kì dị mà dân ở đây chưa hề trông thấy và anh chàng Rokk nay đã bị
mất tích từng tưởng lầm là vết bẩn. Nhưng những quả trứng này giờ đây hoàn toàn
vô hại. Chúng đã bị chết, những mầm sống trong chúng đã bị hủy diệt.
Các vùng đất mênh mông rất lâu vẫn còn bốc mùi thối rữa từ
vô số xác chết của những con cá sấu và rắn sinh ra bởi tia sáng bí ẩn được phát
hiện trên phố Gersen do một cặp mắt thiên tài, nhưng chúng không còn nguy hiểm
nữa: những tạo vật mỏng manh của các đầm lầy xứ nhiệt đới nóng nực và hôi thối
đã chết sạch sành sanh trong hai ngày đêm giá lạnh, để lại trong không gian của
ba tỉnh mùi hôi, xác thối và sự mục rữa khủng khiếp.
Rồi tiếp đến là những trận dịch kéo dài, những căn bệnh dịch
tễ vì xác vật và người; những đơn vị quân đội còn phải hành quân rất lâu, nhưng
giờ đây họ không trang bị bằng hơi độc, mà bằng những dụng cụ công binh, những
xitec dầu hỏa và vòi cao su để dọn sạch mặt đất. Và công việc đâ hoàn thành trước
khi mùa xuân năm một ngàn chín trăm hai chín đến.
Vào mùa xuân năm một chín hai chín thành phố điện Moskva lại
tưng bừng nhảy múa, nhấp nháy, quay cuồng, những cỗ xe chở khách sang trọng lại
nối đuôi nhau; một chiếc liềm trăng treo trên đĩnh tháp nhà thờ Đấng Cứu Thế
như treo trên sợi chỉ.
Trên nền ngôi nhà hai tầng của Viện Động vật học bị cháy vào
tháng Tám năm một ngàn chín trăm hai tám người ta đã xây lên một cung điện Động
vật học mới; nhưng giờ đây lãnh đạo Viện là phó giáo sư Ivanov. Giáo sư
Persicov không còn nữa. Không còn bao giờ xuất hiện trước mắt mọi người chiếc
móc câu bằng ngón tay cong lại đầy thuyết phục, không còn ai được nghe giọng
nói rin rít, the thé của ông. Cả thế giới còn nói và viết rất nhiều, rất lâu về
tia sáng đỏ và về thảm họa năm một nghìn chín trăm hai tám, nhưng rồi tên của
giáo sư Vlađimir Ipatievich Persicov cũng chìm dần vào sương mù và tắt hẳn,
cũng như đã tắt hẳn chính cái tia sáng đỏ do ông phát hiện vào một đêm tháng Tư
nọ. Tia sáng đó không thể nào tìm thấy lại mặc dù chàng trai hào hoa giờ đây là
giáo sư Viện trưởng Piot’ Stepanovich Ivanov đã cố thử chiếc camera thứ nhất đã
bị đám người hóa điên phá hủy vào cái đêm Persicov hi sinh. Ba camera khác bị
cháy tại nông trường Tia sáng đỏ ở Nikolsk ngay trong trận đánh đẩu tiên của
các phi đội máy bay với lũ bò sát, và không thể khôi phục chúng lại được. Dù có
đơn giản đến mấy sự kết hợp giữa các tấm kính và các chùm tia sáng, người ta đã
không thể tạo ra nó lần thứ hai, bất chấp mọi cố gắng của Ivanov. Hẳn là, để
làm được việc đó ngoài kiến thức ra còn cần phải có một cái gì đó đặc biệt, cái
mà trên thế giới chỉ có một người có được - đó là vị giáo sư quá cố Vlađimir
Ipatievich Persicov.
Viết xong tại Moskva, tháng Mười năm 1924.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét