Những quả trứng định mệnh
Tác giả: Mikhail Bulgacov
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 1989
Chương 3 - Persicov Đã Tóm Được
Đầu đuôi sự việc là như sau. Khi vị giáo sư ghé con mắt
thiên tài của mình vào ống thị kính, ông lần đầu tiên trong đời nhận thấy rằng
trong luồng sáng nhiều màu có một tia đặc biệt đậm và rõ nét. Đó là một tia
sáng màu đỏ chói gắt, nó như một mũi kim nhỏ tách ra khỏi luồng sáng.
Cái không may là chính cái tia sáng đó trong vài giây đồng hồ
đã thu hút sự chú ý của ánh mắt dày dạn kinh nghiệm của nhà bác học lão luyện.
Trong tia sáng đó vị bác học đã nhìn thấy một điều còn lớn
lao, còn quan trọng hơn ngàn vạn lần chính bản thân tia sáng mong manh được ngẫu
nhiên sinh ra bởi sự chuyển dịch của mặt kính và ống thị kính hiển vi. Nhờ việc
viên trợ lí gọi giáo sư đi, những con amip đã được nằm khoảng nửa tiếng đồng hồ
dưới tác động của tia sáng đỏ đó, và kết quả là: trong lúc trên mặt đĩa ở phía
ngoài tia sáng những con amip dạng hạt vẫn nằm uể oải đờ đẫn, thì trong vùng
tia sáng đỏ nhọn như một mũi kiếm chiếu tới đã xảy ra những hiện tượng lạ. Trong
vòng ánh sáng đỏ cuộc sống như sôi lên. Những con amip xám vươn những chiếc
chân giả cố sức trườn vào khu vực dải sáng đỏ và ở đó, như có phép màu, chúng
liền được hồi sinh. Một sức mạnh nào đó đã thổi sức sống cho chúng. Chúng kéo
nhau cả đàn tranh giành chỗ sống dưới tia sáng đỏ. Tại đó diễn ra một sự sinh sản
điên cuồng - không thể chọn được từ nào khác để diễn đạt. Phá vỡ và đảo tung tất
cả các quy luật mà Persicov biết rõ như năm đầu ngón tay của mình, chúng sinh
sôi nảy nở trước mắt ông nhanh như điện chớp. Chúng phân thân thành từng mảnh
trong dải sáng, và mỗi mảnh như vậy sau hai giây đồng hồ đã trở thành một cơ thể
mới. Các cơ thể mới này trong khoảnh khắc đã phát triển, trưởng thành, và đến
lượt mình lại tự phân thân để tạo ra thế hệ tiếp theo. Trong vùng tia sáng đỏ,
sau đó là trên toàn bộ mặt đã dần dần trở nên chật chội, và bắt đầu một cuộc
chiến tranh tất yếu. Những con trùng vừa được sinh ra lập tức nhảy bổ vào nhau,
xé nhau ra từng mảnh và nuốt chửng nhau. Giữa những con vừa được sinh ra nằm ngổn
ngang xác của những con vừa bỏ mạng trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Con nào khỏe
hơn, mạnh hơn thì giành được phần trong.
Những con khỏe hơn này trông thật khủng khiếp. Thứ nhất,
chúng lớn gấp hai lần những con amip trung bình; thứ hai là chúng linh hoạt và
dữ tợn khác thường. Chúng chuyển động rất nhanh, và các chân giả của chúng dài
hơn bình thường, được sử dụng, nói không ngoa chút nào, chẳng khác gì những cái
vòi bạch tuộc.
Ngày thứ hai, giáo sư Persicov, người hốc hác và nhợt nhạt,
quên cả ăn uống, chỉ rít những điếu thuốc lá cuộn to tướng, mê mải nghiên cứu
thế hệ amip mới; còn đến ngày thứ ba ông mới quay sang tìm hiểu nguồn gốc của
chúng, tức là tia sáng đỏ.
Tiếng khí đốt reo khe khẽ trong ngọn đèn xì; ngoài phố lại vẳng
đến tiếng xe cộ; và giáo sư, sau khi tự đầu độc mình bằng điếu thuốc thứ một
trăm, nhắm mắt lại, ngả người ra trên chiếc ghế bành quay.
- Đúng, bây giờ tất cả đã rõ. Tia sáng đỏ đã làm chúng sống
lại. Đây là một tia sáng mới, chưa được ai phát hiện, chưa được ai nghiên cứu.
Cái đầu tiên phải làm sáng tỏ, là chúng được sinh ra dưới ánh điện hay cả dưới
ánh sáng mặt trời, - Persicov lẩm bẩm nói một mình.
Và qua một đêm nữa việc đó đã được làm sáng tỏ. Bằng ba chiếc
kính hiển vi dưới ánh điện ông bắt được ba tia sáng, còn bằng ánh nắng mặt trời
thì không thu được kết quả gì, và ông kết luận như sau:
- Có thể nói rằng trong quang phổ mặt trời không có nó... hừm...
tóm lại có thể nói rằng chỉ có thể tạo ra nó bằng ánh sáng điện. - ông âu yếm
ngước lên nhìn bóng đến tròn đục ở trên trần, phấn khởi suy nghĩ một lúc, rồi
cho gọi Ivanov vào phòng làm việc của mình.
Ông kể hết đầu đuôi cho viên trợ lí nghe, rồi chỉ cho anh
xem những con amip.
Phó giáo sư Ivanov tỏ ra vô cùng kinh ngạc: làm sao một điều
đơn giản đến thế, cái tia sáng mỏng manh này, lại không có ai nhận thấy trước
đó? Bất kì một người nào, ít ra là anh, Ivanov chẳng hạn, và điều này quả thật
quái lạ. Các người cứ thử nhìn xem...
- Bác xem này, bác Vlađimir Ipatievich, - Ivanov nói, kinh
hoàng dán mắt vào ống thị kính, - chúng làm gì thế này? Chúng lớn lên ngay trước
mắt!... Bác nhìn xem, nhìn xem...
- Tôi đã quan sát chúng cả ba ngày nay rồi, - Persicov hào hứng
đáp.
Rồi giữa hai nhà bác học diễn ra một cuộc hội ý mà nội dung
có thể tóm tắt lại như sau: Phó giáo sư Ivanov chịu trách nhiệm thiết kế một
camera bằng các tấm gương và thấu kính dùng để tạo ra được tia sáng đỏ bí ẩn
kia ở dạng phóng đại và nằm ngoài kính hiển vi. Ivanov hi vọng, thậm chí tuyệt
đối tin chắc rằng: điều đó là cực kì đơn giản. Anh sẽ bắt được tia sáng kia.
Bác Vlađimir Ipatievich có thể an tâm về chuyện đó. Đến đây thì nảy sinh một mắc
míu nhỏ.
- Anh Piotr Stepanovich này, khi nào công bố công trình, tôi
sẽ viết rằng các camera là do anh thiết kế, - Persicov lên tiếng, cảm thấy cần
phải giải quyết ngay chút mắc míu đó.
- Ô cái đó không quan trọng... Mà thật ra, tất nhiên...
Thế là chút mắc míu lập tức đã được giải quyết xong. Kể từ
lúc đó tia sáng như cuốn hút mọi tâm trí của Ivanov. Trong khi Persicov, ngày một
hốc hác, gầy rộc đi, ngồi suốt ngày cho đến tận nửa đêm bên cạnh kính hiển vi,
thì Ivanov loay hoay với những tấm gương và thấu kính trong “Phòng vật lý” rực
rỡ ánh đèn. Giúp việc anh có một kĩ thuật viên cơ khí.
Từ nước Đức, theo lời yêu cầu của Persicov, thông qua Hội đồng
Dân ủy Giáo dục, người ta gửi đến ba hòm hàng gồm những tấm gương, những thấu
kính lồi, những thấu kính lõm, thậm chí có cả những thấu kính vừa lồi vừa lõm
được mài nhẵn bóng. Kết quả là Ivanov đã thiết kế xong một camera và dùng nó có
thể tạo ra được tia sáng đỏ. Cần phải công bằng mà nói, nó được tạo ra thật
hoàn hảo: tia sáng rất mạnh, sắc, to, đường kính phải đến bốn centimet.
Mồng một tháng Sáu, camera được đưa vào phòng làm việc của
Persicov, và ông háo hức bắt đầu những thí nghiệm với đám trứng ếch được đặt dưới
tia sáng. Kết quả thật chấn động. Sau hai ngày đám trứng nở thành hàng nghìn
con nòng nọc. Nhưng chưa hết, sau một ngày đêm nữa, đám nòng nọc đã lớn lên rất
nhanh và biến thành những con ếch dữ tợn và háu ăn đến nỗi trong nháy mắt một nửa
số ếch đó đã bị nửa kia ăn thịt hết. Những con sống sót ngay tức thì, không cần
thời hạn nào hết, bất đầu đẻ trứng và sau hai ngày nữa, lần này thì không cần đến
bất kì thứ tia sáng nào, đã tạo ra một thế hệ ếch mới đông vô vàn. Trong phòng
làm việc của nhà bác học bắt đầu có trời biết là cái gì: những con nòng nọc từ
đó bò ra khắp Viện; trong các buồng thí nghiệm, trên sàn nhà trong tất cả các
ngõ ngách, tiếng ếch kêu râm ran hệt như ở ngoài đầm lầy. Pankrat; vốn từ trước
đã sợ Persicov như sợ lửa, giờ đây chỉ cảm thấy đối với ông một điều: khiếp đảm.
Sau một tuần lễ, đến chính nhà bác học cũng cảm thấy bắt đầu như mất trí.
Khắp Viện nồng nặc mùi ete và xianuakali, khiến Pankràt suýt
nữa thì ngộ độc vì bỏ mặt nạ ra không đúng lúc. Cuối cùng thì thế hệ động vật đầm
lầy bành trướng quá mức cũng đã bị tiêu diệt hết bằng hơi độc, các phòng việc
được làm thông khí cẩn thận.
Persicov nói với Ivanov như sau:
- Piotr Stepanovich, anh biết không, tác động của tia sáng đối
với chất nuôi (*) và nói chung đối với tế bào trứng thật đáng kinh ngạc.
Ivanov, một chàng trai phong nhã lạnh lùng và kín đáo, bỗng
ngắt lời giáo sư bằng một giọng khác thường:
- Bác Vlađimir Ipatievich, bác lại đi nói về những chi tiết
nhỏ nhặt, về chất nuôi. Phải nói thẳng ra rằng: bác đã phát hiện ra một điều
chưa từng thấy! - Rồi, với vẻ căng thẳng, nhưng Ivanov vẫn buộc mình thốt ra được:
- Thưa giáo sư Persicov, giáo sư đã phát hiện ra tia sáng cuộc sống!
Đôi má nhợt nhạt đã lâu không cạo của Persicov hơi ửng hồng
lên.
- Chà, chà, chà, - ông lẩm bẩm.
- Bác, - Ivanov nói tiếp, - bác sẽ có một danh tiếng... Cháu
cảm thấy choáng ngợp. Bác hiểu không, - anh nói tiếp sôi nổi, - bác Vlađimir
Ipatievich ạ, các nhân vật của Wells so với bác chỉ là những gã lùn tịt...
Còn cháu thì nghĩ đây chỉ là chuyện cổ tích... Bác có nhớ Thức ăn của các vị thần
của ông ta không?
- À, đó là một cuốn tiểu thuyết, - Persicov đáp.
- Vâng, đúng thế, rất nổi tiếng.
- Tôi quên mất rồi,- Persicov đáp, - tôi nhớ là đã đọc nhưng
quên mất rồi.
- Làm sao bác lại không nhớ được, bác nhìn đây này. - Ivanov
cầm lấy chân một con ếch chết với cái bụng trương phồng to chưa từng thấy từ
trên mặt bàn kính. Trên mõm của nó cả sau khi chết vẫn mang một vẻ thật dữ tợn.
- Cái này quả thật là kinh khủng.
------------------
Tiếp chương 4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét