Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Một ngàn con đường quê - Robert James Waller (phần 4)

Một ngàn con đường quê

(Phần kết “Những cây cầu ở quận Madison”)

Tác giả: Robert James Waller
Dịch giả: Thanh Vân
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2013


Mùa thu năm 1981

Ba mươi sáu năm và ba tháng sau mùa thu trên bãi biển Big Sur, tháng Mười một ở Nam Dakota vẫn còn nấn ná, gay gắt và khó chịu, là khúc dạo đầu ấn tượng của một mùa đông khắc nghiệt. Nhiều loài vật đã bay, chạy về phương Nam hoặc chui xuống đất. Carlisle McMillan nhận thấy thái độ của con người đã thay đổi, các bộ mặt sắt lại cam chịu, sẵn sàng cho cuộc sống trong nhà vài tháng liền. Ngay cả cơ thể của họ cũng trở nên lom khom, hình như họ đã mọc một cái mai và rúc đầu vào trong, giữ hơi thở cho đến tháng Ba hoặc tháng Tư, lúc tuyết tan.
Thư viện trong thành phố Falls lại quá ấm, các lò sưởi thuộc thời kỳ cuối của hệ thống sưởi bằng than cổ lỗ, kêu lách tách và xì xì. Vào giữa buổi sáng, ngôi nhà gần như vắng vẻ, ngoài tiếng lò sưởi, âm thanh duy nhất là tiếng loạt soạt của một bà già đang giở báo, cùng với việc thay sách trên giá của người thủ thư gần như không có tiếng động. Đã hai lần, người thủ thư nhìn về phía Carlisle, tự hỏi anh chàng Da Đỏ kia là dân Kosebud hay Wounded Knee.
(Các ngôi làng thổ dân ở Nam Dakota, từng chịu cảnh tàn sát vào cuối thế kỷ 19).
Carlisle kiểm tra cuốn Who’s Who tìm tên Robert L. Kincaid và không thấy gì. Người thủ thư làm việc ở bàn tham khảo đã khuyên anh tra trong danh bạ điện thoại, và thông báo với Carlisle là có một cuốn chỉ dẫn dành riêng cho những người làm nghề nhiếp ảnh.
- Tôi tin là nó ở hàng thứ hai trên các giá ở phần tham khảo, gần với chỗ anh tìm thấy cuốn Who’s Who.
Ngồi bên cái bàn bóng láng, kết cấu chắc chắn và đặc biệt hấp dẫn với anh, Carlisle lướt ngón tay lên lớp gỗ sồi trắng và nhìn trừng trừng vào cuốn sách trước mặt. Anh mở đến chữ “K” và chầm chậm lướt mắt xuống các cột.

Kincaid, Robert L., sinh ngày 1 tháng Tám 1913, Barnesville, OH; Cha: Thomas H., mẹ: Agnes, VỢ: Marian Waterson, kết hôn 1953, ly hôn 1957. Quân đội Mỹ 1931-35; Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ 1943-45. Những giải thưởng đáng kể: “Thành tựu xuất sắc”, Hội Nhiếp ảnh Mỹ; “Ưu tú suốt đời”, Intemational Joumal of Photography. Làm nghề tự do, trước hết cho tờ National Geographic.

Các báo khác là Life, Time, Globetrotter, cùng nhiều tạp chí tương tự. Là phóng viên ảnh chuyên ở nước ngoài, nhiều khi ở những nơi nguy hiểm. Nổi tiếng vì những bản dịch thơ về các đề tài thế tục và nhiều chủ đề khác. Địa chỉ: không biết.
Robert Kincaid, dù là ai đi nữa, đã sáu mươi tám tuổi, Carlisle nghĩ lúc nghiên cứu thông tin này. Anh lục nhiều đống báo chí trong thư viện, tìm được nhiều tờ National Geographic đóng thành tập và ôm một chồng nặng trĩu, từ năm 1978 trở đi, đến một bàn khác. Anh mất gần một giờ giở qua các trang, đọc lướt hai bài báo anh thích thú nhất. Nhưng không thấy người nào có tên là Robert Kincaid.
Anh bắt đầu tìm kiếm có phương pháp hơn, lật giở các ấn phẩm lùi về trước từng năm. Vào tháng Hai 1975, có một chuyên đề về gặt đập lúa mì ở Great Plains kèm ảnh của Kincaid. Anh tìm thấy nhiều bức ảnh khác trong năm 1974 và 1973. Ghi chú trong một bài báo năm 1972 ở Công viên Quốc gia Acadia cho biết Kincaid bị vỡ mắt cá chân trong lúc chụp ảnh. Carlisle không những thán phục các bức ảnh của ông Kincaid này, mà còn đánh giá cao ý chí và khả năng chịu đựng của ông già. Ở tuổi năm mươi chín, Kincaid vẫn đi chụp ảnh ngoài trời, xách máy leo lên các vách đá.
Sau bữa trưa tại một hiệu cà phê trên quảng trường thành phố, Carlisle trở lại thư viện và tiếp tục tìm kiếm. Càng lùi lại những năm trước, càng có nhiều tác phẩm của Kincaid xuất hiện trên tạp chí. Cuối cùng, những bài báo năm 1967 về các rừng rậm Đông Phi biến mất, Carlisle McMillan tìm thấy thứ anh muốn: một bức ảnh của người đó trên trang bìa sau của tạp chí. Robert Kincaid ngồi xổm bên một dòng sông châu Phi, rõ là đang chăm chú xem xét thứ gì đó ngay trước mặt, máy ảnh giơ lên ngang ngực.
Mái tóc dài của ông bay tung trên cổ áo, và ông đeo dây chuyền bạc quanh cổ, trên dây có một trái tim lồng ảnh.
Lúc đó Carlisle nhún vai và dựa lưng vào ghế một lát, nhìn đăm đăm lên trần cao của tòa nhà Carnegie. Người đàn ông trong ảnh đeo dây quần to bản màu cam. Wynn đã nhớ ra các dây đeo quần.
Một nhóm đông các em học sinh vào thư viện, trò chuyện râm ran và trượt trên sàn nhà, bất chấp giáo viên cố kiềm chế các em. Carlisle ngồi thêm vài phút nữa, chăm chú ngắm ảnh người đàn ông cặm cụi làm việc tận Đông Phi, người cầm máy ảnh và đeo dây quần. Anh đánh dấu trang bằng một mẩu giấy tham khảo của thư viện và bắt đầu lục tìm xa hơn trong các tập.
Anh tìm thấy hai mươi tám bài báo, một số đề ngày tháng vào cuối những năm 1930, có Robert Kincaid chụp ảnh. Sáu bài do chính ông viết. Còn có bốn bức ảnh khác của Kincaid, một cái từ năm 1948. Thời gian đó, mái tóc dài của ông chưa ngả hoa râm, tuy Carlisle nhận ra rằng có lẽ do trí tưởng tượng của anh, nó có màu nâu y như tóc anh. Mũi và xương gò má cũng giống, nét mặt điển hình của người Da Đỏ Mỹ. Tuy vậy, Carlisle lực lưỡng hơn Kincaid, một sản phẩm của chiến binh hoang dã, thừa hưởng của các thành viên thị tộc Scotland, như mẹ anh thích nói thế.
Carlisle chụp lại từng trang các bài báo có Kincaid tham gia, cộng thêm bốn bức ảnh ông. Anh có ý định nghiên cứu các tạp chí khác từ những năm 30 đến nay, nhưng hôm đó thư viện đóng cửa sớm để họp nhân viên. Anh chụp xong và ra xe. Lái bốn chục dặm về ngôi nhà ở tây bắc Salamander, Carlisle nhận ra rằng anh tập trung tìm kiếm Robert Kincaid để loại trừ các khả năng khác. Tất nhiên là “các Robert khác, nhưng vì lý do nào dó, Kincaid dường như có miếng võ khóa chặt tâm trí Carlisle, làm anh không buồn để ý đến bất cứ nhà nhiếp ảnh nào khác có tên và bài trong National Geographic nữa.
Nhìn xuống các ngọn đèn pha rọi vào bóng tối tháng Mười một, anh tự hỏi phải chăng cách liên hệ, ráp nối của anh khiến anh xoáy vào người đàn ông khó nắm bắt tên là Kincaid. Anh tự thuyết phục mình rằng vì nó gần với những lời mẹ anh tả về người mà bà quen biết ở Big Sur, cộng với biên bản về chiếc xe máy.
Tối hôm đó, Carlisle trải các bản chụp lên sàn và sắp xếp chúng theo địa điểm. Phần lớn là ở những nơi xa xôi như Ấn Độ, châu Phi, Guatemala, Tây Ban Nha, Australia. Hai bài ở Canada. Ở Mỹ, có một bài ở Iowa, bài khác ở Lousiana, một ở Maine và hai ở Viễn Tây.
Xe Rác đứng dậy khỏi chỗ, dưới cái bếp đun củi và đến nằm trên đống ảnh, kêu rừ rừ.
- Đến giờ ăn tối rồi, hở cậu cả? Xin lỗi nhé, ta quên mất mi.
Trong lúc Xe Rác ăn hộp cá ngừ, Carlisle giơ một trong các bản chụp vào dưới ngọn đèn bếp và ngắm nghía kỹ càng. Bản sao hơi cứng, và người đàn ông tên là Robert Kincaid từ trong ảnh nhìn anh. Anh đặt xuống, rồi lại cầm lên, chăm chú ngắm. Lạy Chúa, anh đã bỏ qua một thứ, đó là: chiếc vòng trên cổ tay phải của ông ta. Mẹ anh có nói đến chiếc vòng tay. Dây đeo quần, vòng tay, một chữ “A” trên bình xăng xe máy, và một Robert L. Kincaid đã đăng ký môtô trong năm 1945.
Carlisle trở lại bàn, nghiên cứu biểu đồ anh vẽ trước đây và danh sách các manh mối anh đã ghi lúc đầu, rồi tóm tắt thành một bảng trên tờ giấy màu vàng, anh hơi run lúc bắt đầu đối chiếu các manh mối. Lúc làm xong, không còn chỗ nào trống so với danh sách ban đầu của anh.

Robert L. Kincaid
“A” = Ariel Four Bike   
Reg. SF. 9/45      
Nhà nhiếp ảnh     
Đi du lịch nhiều
Làm nghề tự do
Các tạp chí
Thế chiến II
Lính thủy đánh bộ        
Vòng tay    
Dây đeo quần      
“Đầu những năm 30” = 32 tuổi năm 1945

- Xe Rác ơi, sự việc hơi rùng rợn đây, - anh nói với con mèo ngồi trên sàn phòng khách, liếm láp bằng những cái lướt dài. Carlisle dựa lên bậu cửa sổ, nhìn ra bóng tối của miền Nam Dakota.
Đêm hôm đó, anh nằm thao thức hồi lâu. Anh nghĩ đến Robert Kincaid, đến những bài báo anh đã đọc, trong tiếng cúi nổ lách tách dễ chịu trong lò ở phòng khách. Người đàn ông mặc quần jeans và sơmi kaki thực sự sống một cuộc đời lang thang nay đây mai đó, một người lãng du khắp bề mặt trái đất. Nếu ông là người trong trí nhớ của Wynn, chẳng lạ gì khi họ mất hút nhau. Trong những năm tuổi trẻ, mẹ anh đã di chuyển loanh quanh khá nhiều, còn Kincaid cho đến gần đây vẫn chưa ở nơi nào lâu dài. Anh nhớ lại cặp mắt của Robert Kincaid trong tâm trí, và người đàn ông từ nơi nào đó tận Đông Phi ngoảnh nhìn lại anh.
* * *
Hai ngày sau cuộc tìm kiếm ở Thư viện thành phố Falls, Carlisle McMillan đặt một cú điện đàm tới Washington DC, văn phòng của tờ National Geographic. Anh quên bẵng múi giờ khác biệt một tiếng đồng hồ, và lúc cô thư ký nói mọi người đã đi ăn trưa, liệu cô ta có thể giúp gì chăng.
- Xin anh nói lại, anh tìm ai ạ?
- Tên ông ấy là Robert Kincaid. Theo một số bài báo tôi có, ông ấy đã làm việc nhiều cho tạp chí từ những năm 1930 đến năm 1975. Tôi đang cố tìm xem ông ta ở đâu. Có khi ông ấy là một người họ hàng.
- Vâng, hình như ngày nay ai cũng đang làm một bảng phả hệ. Chồng tôi đang theo vết cây phả hệ của anh ấy. Xin anh đợi một phút. Anh có thể giữ máy?
- Vâng, tôi sẽ giữ. - Carlisle gõ cây bút chì lên sổ tay và đợi. Con Xe Rác nhảy lên lòng Carlisle và đập vào cây bút. Carlisle chuyển cây bút chì tới, lui thật nhanh theo mép bàn, và đầu con mèo chăm chú theo những cử động giữa các cú đập. Bên ngoài, bầu trời thấp và ảm đạm, những giọt mưa buốt giá đập vào cửa sổ.
Cô thư ký trở lại đường dây.
- Xin lỗi để anh phải đợi lâu. Tôi đã lục các hồ sơ không dùng nữa. Nếu anh nói đến ông Robert Kincaid đó, thì anh đúng. Ông ấy làm nhiều việc cho tạp chí trong nhiều năm. Các ghi chép của chúng tôi cho thấy nhiệm vụ cuối cùng của ông ấy vào năm 1975. Nhìn bên ngoài, ông ta như một người thích ngao du. Có ai đó đã ghi lên đầu hồ sơ của ông ấy: “Sẽ đến bất cứ nơi nào và ở lại, miễn là hoàn thành công việc. Có thể tin cậy đạt thắng lợi trong công việc”.
- Các bản lý lịch của các vị có nói gì về ông ấy trong quân đội hồi Thế chiến II không? - Carlisle hỏi. Anh có thể nghe thấy tiếng giở các trang giấy loạt soạt ở đầu dây bên kia.
- Có, ông ấy trong quân đoàn Lính thủy đánh bộ. Ở đây có một bản lý lịch cũ, nói ông ấy xuất ngũ tháng Chín năm 1945, lúc 32 tuổi. Đấy là lần thứ hai ông ta nhập ngũ. Trước kia ông ấy đã gia nhập quân đội và xuất ngũ năm 1935 rồi đến làm việc với chúng tôi, sau đó hình như khi thế chiến II bắt đầu, quân đội muốn ông ấy trở lại, nhưng lần này ông ấy vào binh chủng Lính thủy đánh bộ. Ông ấy sinh ở Barnesville, bang Ohio, và tốt nghiệp trung học ở đấy. Đấy là tất cả, ngoài một danh sách dài các bài ông ấy làm cho chúng tôi mà hình như anh đã biết.
Cô ta ngừng một lát.
- Gượm đã, tôi chợt nhớ ra một điều. Hình như một năm trước đây tôi đã rút hồ sơ của ông Kincaid này. Một người nào đó hỏi ông ấy.
- Cô cổ biết là ai không? Nam hay nữ?
- Để tôi nhớ xem. Tôi nghĩ có lẽ là nữ, nhưng tôi không chắc. Tôi mới bắt đầu làm việc ở đây và tôi chuyển cuộc gọi đó cho phó tổng biên tập, nhưng ông ấy cũng rời tạp chí rồi, và tôi không biết ông ấy giờ ở đâu.
 - Cô có địa chỉ hoặc số điện thoại của ông Kincaid không?
- Tôi biết một địa chỉ ở Bellingham, Washington, và một số điện thoại.
Carlisle ghi lại địa chỉ và số điện thoại, anh cảm ơn người phụ nữ rồi đặt máy. Suy nghĩ một lát, rồi anh quay số điện thoại ở Bellingham, không biết là sẽ nói gì nếu Robert Kincaid trả lời. Anh không phải lo việc đó. Một đại lý của công ty bảo hiểm trả lời và cho anh biết công ty đã dùng số này từ hai năm trước, khi mở văn phòng của chi nhánh mới. Rất tiếc về việc đó, nhưng có lẽ Carlisle sẽ quan tâm trò chuyện về chương trình trả góp hàng năm đổi mới của công ty chăng? Carlisle không quan tâm.
Tiếp theo, anh thử gọi cho Phòng Thương mại Bellingham. Theo danh bạ của thành phố, không có ai là Robert Kincaid sống ở Bellingham. Địa chỉ người ta cho anh nay là một trung tâm thương mại, xây từ năm 1979. Carlisle thất vọng, và trong chốc lát gần như ngã lòng, cảm thấy như mình đang nhìn vào nhầm đầu kính thiên văn. Gần như sắp đến chỗ bế tắc, nhưng lúc này anh cảm thấy khác. Vấn đề là người có tên Robert Kincaid có thể ở đâu đó, hoặc đã vùi sâu dưới ba thước đất.
Hầu như sắp đến lúc anh phải từ bỏ toàn bộ chuyện này. Anh nhớ lại những năm tháng gặp quá nhiều ngõ cụt, và anh đang lần theo một cái bóng khó nắm bắt với những bằng chứng mơ hồ. Cách duy nhất có thể tin được là tìm ra ông Kincaid này và hỏi ông ta có làm tình với một phụ nữ ở Big Sur vào mùa thu năm 1945 hay không. Dù là có đi nữa, vẫn chưa chứng tỏ điều gì. Nếu các sự việc ở Big Sur tự do và thoải mái như Wynn nhớ, biết đâu trong thời gian đó bà còn quan hệ với người đàn ông khác. Anh không nghĩ đến khả năng đó và không biết hỏi mẹ như thế nào.
Cuối buổi chiều hôm đó, sau khi chẻ củi hai giờ liền rồi tắm, Carlisle đứng ở hành lang đằng trước và nhìn khắp miền quê tới Wolf Butte chìm trong sương mù. Anh vào trong nhà và ngồi bên lò sưởi, đọc lại những bài báo đã chụp lại ở thư viện thành phố Falls, lục lọi một manh mối, một dẫn dắt nào đấy mà anh đã bỏ sót.
* * *
Cách chỗ Carlisle McMillan ngồi tám dặm, một cái xe tải màu xanh lá cây cũ kỹ, với dòng chữ “Hiệu ảnh Kincaid, Bellingham, Washington” đã nhòa và các chữ cái gần như không đọc được trên cả hai cửa, chạy vào phố chính của Salamartder, Nam Dakota lúc tối. Robert Kincaid đỗ xe rồi vào một quán rượu tên là Leroy. Ba người đàn ông đội mũ rộng vành, đi ủng cao bồi đang cười nói bên quầy, nhưng ngay lập tức im bặt và nhìn người mới đến với con mắt không mấy thiện cảm. Leroy ra sau quầy và hỏi người lạ muốn uống gì.
Robert Kincaid im lặng một lát, ông cảm ơn rồi hỏi thăm về người dẫn đường cho ông mấy năm trước, khi Kincaid đi chụp cuộc khai quật khảo cổ ở phía tây thành phố.
- À, ông ta sống ở bên kia phố, bên trên nơi đề Lester - TV và thiết bị, vẫn hay gắt gỏng như trước.
Suy đi tính lại, Kincaid mua một hộp sáu lon bia của Leroy và băng qua đường phố. Trong căn phòng bên trên hiệu Lester có một ngọn đèn. Kincaid trèo lên cầu thang và gõ cửa, rồi với tay xuống xoa bóp mắt cá chân đau trong lúc đợi.
- Ai đấy, muốn cái quái gì hở? - Bên trong có tiếng càu nhàu của một ông già.
Kincaid nói ông là ai, và cửa bật mở.
- Trời đất ơi, cái ông chụp ảnh hippie từ phía Tây đến đây mà! - Ông già nắm chặt vai Kincaid. - Tôi biết ông không phải là hippie, nhưng cái mớ tóc dài khỉ nợ của ông làm tôi luôn nghĩ đến những thằng khốn chẳng-chịu-làm-gì-ngoài-tỏ-ra-lập-dị. Vào đi và xách bia của ông vào cùng. Ờ... mà từ ngày ông đến làm đủ thứ về ảnh đã bao lâu rồi nhỉ?
Kincaid nói đã tám năm rồi, và hồi liệu ông có thể đưa con Con Đường vào hay để nó ngoài xe.
- Khỉ ạ, được chứ, - ông già nói. - Nói chung là tôi thích chó. Hầu như không gặp một con chó nào thiếu tính tốt - đáng tin, trung thành, biết kính trọng, đủ hết. Với phần lớn những người tôi đã gặp, không thể nói như thế.
Với quan điểm của mình, ông già có thể điều hành một khách sạn ở Astoria, Oregon, Kincaid nghĩ lúc dẫn Con Đường lên cái cầu thang cót két, chỉ có một bóng đèn duy nhất trên đầu cầu thang chiếu sáng.
Rồi đêm tới. Họ trò chuyện về cuộc sống và đường sá, về những năm chiến tranh, khi những vấn đề về đúng và sai thật rõ ràng, để tất cả mọi người nhìn thấy, tự do như thủy tinh dễ vỡ, bị tung hứng trong tay của những người quá trẻ. Họ nói đến tình yêu cao cả của ông già và một cô gái Pháp trong những ngày Thế chiến II, sau khi giải phóng Paris.
Kincaid hỏi thăm về người kéo phong cầm thỉnh thoảng chơi đàn ở quán Leroy.
- Ờ, Gabe vẫn kéo đàn ở đấy. Chỉ vào các tối thứ Bảy thôi, vì thế ông đến hơi sớm. Nếu ông có thể ở lại đến thứ Bảy, chúng ta sẽ đến đó, uống thật say và la hét man rợ khi bọn họ phàn nàn Gabe chơi quá nhiều bản tango và không đủ chất yêng hùng tứ xứ. Tình cờ, Gabe ở Paris cùng thời gian với tôi và học được các bản tango của các nhạc công ở quán cà phê nhỏ. Nhạc thế mới là nhạc chứ. Nghe những bản nhạc ấy, lúc nào tôi cũng cảm thấy chơi vơi khi băng qua đường vào những đêm thứ Bảy. Làm tôi nhớ đến Paris... và Amélie.
Kincaid nói ông rất thích ở lại, nhưng sáng mai phải đi rồi.
- Ờ vậy thì nếu muốn, ông có thể lăn kềnh lên sofa của tôi mà qua đêm. Cho tôi một điếu thuốc, tôi thấy bao thuốc thò ra miệng túi sơmi của ông kìa. Tôi hết thuốc lá hai ngày rồi, cái chân khốn nạn của tôi bị một phu khuân vác làm gẫy, một hay hai năm sau khi ông đến hồi năm 73, nó giở chứng nên tôi không sao rời khỏi nhà suốt hai ngày nay rồi.
Kincaid đưa Con Đường đi dạo buổi tối, để nó tung tăng làm gì tùy ý. Mưa lẫn những hạt nước đá bắt đầu rơi, con phố chính của Salamander rất vắng vẻ, ngoại trừ vài chiếc xe đỗ trước quán Leroy. Dừng lại cạnh xe, Kincaid lấy cái túi ngủ trước khi trèo lên cầu thang vào nhà ông già lần nữa. Lên được nửa chừng, một cơn đau nhói dội lên trong ngực, ông phải dựa vào tường, cảm thấy đoản hơi và hơi buồn nôn, như thể toàn bộ lục phủ ngũ tạng của ông bị đe dọa ngừng hoạt động mãi mãi. Sau một, hai phút, cảm giác ấy qua đi, ông trèo hết cầu thang, lấy làm lạ về bản thân.
Trước khi đi ngủ, ông già nói:
- Ông có nghe được những tin đồn lăng nhăng về cái vụ khai quật khảo cổ sau khi ông chụp ảnh không?
Kincaid lắc đầu.
- Bắt đầu khoảng một hay hai tháng sau khi ông rời đi. Nhiều tin đồn rộ lên một thời gian, đủ thứ huyền bí diễn ra, nào ánh sáng lóe lên trên Wolf Butte, nhiều người còn quả quyết là vào ban đêm, có một con chim khổng lồ bay lượn trên chỗ khai quật. Tôi đã bảo mà, đủ thứ rồ dại. Người phụ trách chính của cuộc khai quật ngã khỏi ụ đất và bị va đập mạnh đến chết. Sau chuyện ấy không lâu, toàn bộ những người khác làm việc ở đấy cuốn gói hết.
Kincai suy nghĩ một lát rồi trả lời:
- Thế thì lạ thật. Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện giữa các nhà khảo cổ về một nghi lễ cổ xưa dành để thờ phụng một nữ tư tế nào đó, họ tìm những dấu vết cuối cùng của một nền văn minh tình cờ gặp ở các vùng đất liên lục địa từ châu Á.
- Thôi, không quan trọng. Chuyện gì thì cũng qua rồi, - ông già thở dài. - Có một thanh niên dọn đến nhà của ông già Williston, cách Wolf Butte không xa, và hình như cậu ta chẳng sợ sệt gì. Mà này, tôi nghĩ cả hai chúng ta gần như quỵ rồi, tôi tắt đèn nhé.
- Vâng, nghe hay đấy, - Kincaiđ nói. - Tôi cũng mệt rồi.
Trong bóng tối, tuyết bắt đầu nhẹ rơi, và đến sáng, Kincaid mất vài phút mới đưa được Harry đi. Trên tầng hai của ngôi nhà gần đó, ông già nhoài ra cửa sổ và gọi với theo:
- Lần sau nhớ ghé vào nhá, đừng lâu thế. Lúc nào ở đây cũng có chỗ cho ông ở lại.
Kincaid vẫy ông già, lái chiếc Harry vào phố và rẽ về hướng Đông, thẳng tới Iowa.

Những khả năng khác

Carlisle McMillan gọi đến phòng trưng bày nghệ thuật Mendocino cho mẹ.
Giọng bà hoạt bát:
- Carlisle, lại thêm một niềm vui, trong vài tuần vừa rồi, mẹ được nghe tiếng con nhiều hơn mấy năm qua đấy.
- Mẹ à, con muốn hỏi mẹ một việc rất riêng tư. Con không biết nói thế nào, nhưng nó rất quan trọng cho cuộc tìm kiếm của con.
Giọng Wynn mềm đi, một thoáng thận trọng đến trong tiếng bà:
- Ờ, phải nghe câu hỏi trước đã.
- Là... ý con là... thật là khó để hỏi một người mẹ... mẹ có quan hệ với người đàn ông nào khác ở Big Sur không? - Carlisle hít một hơi thật sâu. - Con muốn nói rằng, liệu có khả năng nào con tìm nhầm người không?
Im lặng một lát ở đầu dây Mendocino.
- Carlisle, mẹ chưa bao giờ giấu giếm con, nhưng lúc này con gần như xấc láo rồi đấy, con biết không?
- Con biết. Nhưng con nói rồi, việc này rất quan trọng. Con có thể lạc vết hoàn toàn.
- Mẹ hiểu ý con rồi, - Wynn McMillan trả lời, giọng bà vẫn mềm mại và rõ ràng là nghĩ ngợi.
Carlisle đợi, sự im lặng của mẹ làm anh đoán ra mình đúng.
Cuối cùng, Wynn nói thẳng vào việc:
- Câu trả lời là có. Còn hai người khác, và con hãy tin mẹ, đây là một việc mẹ đã cân nhắc cẩn thận khi mẹ phát hiện ra mình có mang. Với ông X., các cuộc hẹn hò không liên quan gì. Mẹ sẽ phải mang thai mười một tháng, vì quan hệ đó đã kết thúc. Còn ông Y, đến sau khi mẹ có thai, nhưng chưa hoàn toàn biết chắc. Đây là... là chuyện hơi khó nói với con trai mình... với con.
- Mẹ này... con không phán xét gì về những việc đó, ngay cả khi nó liên quan đến mẹ mình. Con cần thông tin, thế thôi, và con rất tiếc là phải hỏi. Nhưng không còn cách nào khác để tìm ra.
- Mẹ hiểu. Chà, có một khách hàng đến cửa rồi. Mẹ đi đây. Lúc nào nói chuyện lại, mẹ sẽ kể cho con nghe một chuyện đặc biệt xảy ra gần đây.
- Mẹ kể bây giờ đi, nếu nó quan trọng.
- Mẹ nghĩ là có cớ để làm thêm giờ thôi.
- Được ạ. Cảm ơn mẹ.
- Lúc nào mẹ cũng mong con. Lần sau, hãy gọi mẹ và nói về thời tiết hoặc chuyện gì đại loại thế nhé.
- Vâng, tạm biệt mẹ.
- Tạm biệt Carlisle.
Carlisle ngồi bên điện thoại, ngẫm nghĩ một lúc lâu và chăm chú ngắm bộ mặt Robert Kincaid trên những bản chụp trên bàn.

Cầu Roseman

Francesca Johnson đứng trong phòng khách và ngắm mưa rơi. Từ sớm tinh mơ, mưa cứ đến rồi đi, rồi lại đến, biến các bãi cỏ mềm rũ và bẹt dí. Sương mù dâng lên từ thung lũng xa xa, nơi con sông Middle dường như chảy đều đều tới ngôi nhà lúc ngày cứ qua. Nhiệt độ bên ngoài tụt xuống dưới 0 độ C, là dịp tốt cho tuyết rơi vào đầu giờ chiều, theo đài của WHO ở Moines.
Điện thoại trên tường bếp reo, vang xa và lẻ loi trong căn nhà lặng lẽ. Đến hồi chuông thứ tư, Francesca cầm máy.
- Chào mẹ. Con chỉ xem mẹ đang làm gì thôi, - Carolyn nói, từ Burlington, Vermont.
Francesca mỉm cười. Với bà, các con như vẫn còn bé, lúc nào cũng như còn lâu mới trưởng thành. Carolyn ba mươi hai, Michael hơn một tuổi, đều đang vật lộn với hôn nhân và cuộc sống của chúng. Carolyn đang có thai tám tháng đứa thứ hai, và chuyện con cái chiếm đến năm phút trong cuộc trò chuyện.
- Mẹ có thể đến chơi khi con sinh em bé được không? - Carolyn hỏi. - Chọn đúng lúc là tuyệt nhất, mẹ ạ. Các lớp con dạy đều chấm dứt trước đó mười ngày. Con sẽ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc Melinda rồi đón bé ra đời trước khi bắt đầu viết luận văn.
- Mẹ sẽ cố đến. À không... mẹ định nói là tất nhiên mẹ sẽ đến.
- Tuyệt quá. Mẹ đi khỏi nông trại một thời gian đi, mẹ. Từ ngày bố mất, con luôn hình dung mẹ ngồi đó, vò võ một mình ngày này sang ngày khác.
- Không, mẹ vẫn đang làm việc rất tốt, Carolyn ạ. Con đừng lo cho mẹ. Mẹ có nhiều việc buộc phải bận bịu. - Câu đó không đúng hẳn, nhưng cũng gần đúng. - Mẹ đọc rất nhiều, và mỗi tháng một hoặc hai lần, mẹ đi dạy thay ở Winterset.
- Mẹ vẫn cố bắt chúng phải nghe thơ đấy à?
- Ừ, và vẫn thất bại. - Bà không nhắc đến rằng, mỗi lần bà giới thiệu thơ của W.B. Yeats với học sinh, bà thường nghĩ đến Rober Kincaid và lời trích dẫn của ông trong Bài ca của Aengus lang thang.
- Ông Floyd Clark vẫn cố mời mẹ đi chơi với ông ấy, hở mẹ?
- Ừ, - Francesca cười, dịu dàng. - Mẹ nghĩ mẹ đã lảng tránh ông ấy nhiều lần, đủ để ông ấy bắt đầu hiểu ý mẹ.
- Ồ, Floyd Clark. Mẹ có thể làm khéo hơn thế nhiều, - Carolyn trách móc, biểu lộ sự che chở của đứa con đã lớn và hơi cay nghiệt của người phụ nữ còn trẻ song độ hấp dẫn chỉ vừa phải.
- Có lẽ thế. Nhưng dù sao, ông ấy vẫn cứ mời mẹ. Mẹ cảm thấy hơi thương Floyd vì hiện giờ Marge đã mất, nhưng không đủ thương để nhận lời ông ấy. - Francesca nhìn qua cửa sổ bếp ra cánh đồng lởm chởm gốc rạ, một mùa thu ẩm ướt đang chuyển sang mùa đông nhanh đến mức có thể bắt đầu trước khi ngày chấm dứt.
Cuộc trò chuyện tiếp tục, một cuộc trò chuyện trong gia đình, trước khi Carolyn nói:
- Con phải chạy đây, mẹ ơi. David đi làm về sớm và chúng con có thể đến lớp Lamaze cùng nhau. Hôm qua con đã gọi điện cho anh Michael ở Florida, và anh con bảo đã hẹn mẹ đến sinh nhật sẽ gọi cho mẹ.
(Lớp Lamaze: Lớp huấn luyện phương pháp sinh con tự nhiên. Lamaze khuyến khích phụ nữ điều chỉnh nhịp thở và người bạn đời được phép có mặt trong lúc sinh nở)
- Đúng thế. Mẹ lúc nào cũng thích nói chuyện với hai con và nghe tin về cuộc sống bận bịu của các con.
- Con chào mẹ. Mẹ bảo trọng nhé, tạm biệt. Con yêu mẹ. Con sẽ nói chuyện với mẹ vào dịp sinh nhật mẹ.
- Mẹ cũng yêu con, Carolyn.
Quá ba rưỡi chiều một chút, Francesca đi đôi ủng làm đồng, quấn chiếc áo mưa màu vàng ra ngoài áo len và áo khoác nhẹ, nhét mớ tóc vào trong mũ trùm. Bà ra khỏi hiên và bắt đầu đi dạo, rẽ ngay ở đầu đường làng và một lần nữa, tiến thẳng đến cầu Roseman.
* * *
Trên đường đến cầu Roseman, Robert Kincaid tránh đi qua Winterset. Ngoài khả năng Francesca Johnson có thể ở trong thị trấn vào ban ngày, con đường chính từ Winterset đến cây cầu chạy thẳng qua nông trại nhà bà. Ông không muốn biến chuyến thăm tình cảm cuối cùng thành một hành động nông nổi vụng về, có thể làm cho cả ông và Francesca khó xử. Nếu như bà vẫn sống ở quận Madison. Ai biết được, nhỡ bà cùng chồng đã chuyển đến cộng đồng nghỉ hưu ở Arizona thì sao. Ông nghe tin nhiều người ở miền Trung Tây có khuynh hướng làm thế.
Cây cầu ở phía Tây nam thị trấn, cách khoảng chín dặm. Ông rẽ khỏi hướng Nam vào đường 92 ở Greenfield, rồi theo hướng Đông và Bắc lần nữa, qua một loạt các con đường phụ chuẩn bị cho một khoảng cách, cuối cùng rẽ vào mặt đường trải sỏi lúc gần đến cây cầu. Theo từng dặm, hơi thở càng như rời bỏ ông, và sẽ không thể làm gì với bệnh viêm họng hoặc bất cứ tai ương nào có thể xảy ra ở các bộ phận quan trọng nhất trong người.
Ông đi về phía Bắc, qua con dốc gần một nhà thờ nhỏ, dòng sông Middle nằm phía dưới, cây cầu cũ đứng ở nơi nó vẫn đứng từ một trăm năm nay. Ông đỗ chiếc Harry trong khu rừng nhỏ, cách cầu khoảng một trăm mét và xuống xe, giấu máy ảnh vào trong chiếc parka nhẹ và kéo cái mũ hình cầu sụp xuống tận mắt.
- Con Đường, ta sẽ để mi lại trong xe. Ta cần làm việc này một mình.
Con chó thất vọng và sủa hai lần lúc nhìn thấy Kincaid đi xuống con đường trải sỏi. Kincaid quay lại, mỉm cười và trở lại xe.
- Thôi thôi, cho mày đi cùng nào.
Dí mũi xuống đất, con chó lao vọt lên trước ông, lúc cả hai rẽ vào con đường vòng và bắt đầu theo quả đồi dốc thoai thoải xuống cầu.
* * *
Giữ mãi lời than trách định mệnh cũng chẳng được gì; mọi việc xảy ra chẳng cần lý do hoặc vần điệu, và không thể nói gì hơn. Mắng nhiếc số phận cũng chỉ như khói bếp hoặc gió thoảng và làm ta buồn bã suốt những ngày qua. Rốt cuộc, chẳng còn lại gì ngoài việc giơ vai gánh chịu trách nhiệm mọi việc đã làm và đi tiếp.
Francesca Johnson lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp lên mũ áo mưa và nhớ lại những lời đã đọc ở đâu đó, có lẽ trong một cuốn sách bà nhận được từ câu lạc bộ sách, đặt qua bưu điện. Trên đường đời, bà không than trách và khá hài lòng. Khi bà cảm thấy buồn, thì không phải vì mười sáu năm trước bà đã quyết định ở lại với gia đình, thay vì bỏ đi cùng Robert Kincaid. Nỗi buồn xuất phát từ việc buộc phải lựa chọn số phận và những hành động đặt ra trước mắt bà.
Sau khi Richard qua đời, bà không còn phải cố gạt những hồi ức về Robert Kincaid sang một bên, và để mặc ông đến trong tâm trí bà bất cứ khi nào ông muốn. Lạy Chúa, nhớ lại hồi ấy, hình như ông chính là Cuộc sống, tràn trề nghị lực và sức mạnh thể chất khi nói về con đường, những giấc mơ và sự cô dơn. Trong những đêm bên nhau, và cả ban ngày cũng thế, bà tiếp nhận ông vào bà và yêu ông với sự bật dậy mãnh liệt từ những năm tháng kìm nén và vô cùng khao khát một thứ mà không thể nói ra rõ ràng, cho đến khi Robert Kincaid cuồn cuộn ào vào đời bà.
Thỉnh thoảng nằm lặng lẽ trên giường, với chiếc máy quay đĩa cũ của Carolyn chơi bài Lá thu, bà vuốt ve ngực mình và hình dung ông đang ở đó, chuyển động trên người bà và chiếm giữ bà, giống con báo như bà gọi ông trong mấy tập nhật ký bà viết, chỉ mới mười sáu năm trước thôi ư? Thế mà cảm thấy dài hơn nhiều. Cả một cuộc đời khác. Một cách sống khác. Và biết bao đêm khác, khi tâm trí bà ôm ấp ông, dường như ông ở cùng bà mới chỉ một lát trước đây.
Với bà, giữa bao nhiêu việc khác, Robert Kincaid là một người đàn ông tử tế, hầu như là hiện thân của sự lịch thiệp mà bà nhìn đâu cũng thấy đang tàn tạ. Trong những năm ấy, ông có thể dùng nhiều biện pháp ranh ma để giành được bà. Nhưng ông rất chú ý khi bà nói về gia đình mình và vì sao bà không bao giờ bỏ đi cùng ông. Bà tin chắc rằng ông im lặng chỉ vì ông không muốn làm bà đau đớn, khi phơi bày chuyện xảy ra giữa hai người.
Bà cố hình dung sự việc sẽ như thế nào nếu họ gặp lại nhau. Dù ở độ tuổi bà, liệu bà có cư xử như một nữ sinh trong lần hẹn hò đầu tiên không? Liệu ông vẫn hơi vụng về và bẽn lẽn như khi họ gặp nhau lúc đầu không? Liệu họ còn muốn làm tình hay chỉ ngồi trong bếp và hồi tưởng? Bà hy vọng họ sẽ làm tình với nhau.
Dù cố trung thành với những ý niệm của mình đến mấy, dù từ cách sống của ông, bà cố hình dung giờ đây ông ra sao, nhưng lúc này bà vẫn nhìn thấy Robert Kincaid như lúc ông xuống xe vào một buổi chiều hè. Bà luôn nhìn thấy ông như thế. Vì vậy, bà cho mình cũng vẫn là người đàn bà đã yêu người đàn ông kia suốt một thời gian dài. Luôn nhìn thấy họ như một hình ảnh mờ chồng, dưới dạng chân thành che chở hơn là không trung thực.
Một phần con người bà tin rằng ông không còn nữa.
Nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, phần này ngày càng lớn thêm trong ý nghĩ của bà, tuy bà không bao giờ chịu công nhận.
Bà nghe thấy tiếng ôtô chạy trên đường, phía sau bà. Harmon, người làm công cho Floyd Clark, chạy chậm lại qua bà, và cẩn thận để bùn không bắn tóe lên. Lúc đã chạy qua an toàn, Harmon tăng tốc thẳng tới nông trại Clark cách đấy ba dặm về phía Đông. Francesca đi tiếp, đôi ủng của bà tạo thành tiếng ở chỗ bùn cố níu lấy chúng. Bà chỉ còn cách cầu Roseman một dặm.
* * *
Robert Kincaid theo dõi cây cầu từ xa để biết chắc không có ai ở quanh đấy, rồi bắt đầu từ từ lăn bánh xuống dốc tới dòng sông.
Nhiều lúc, sương mù gần như phủ kín cây cầu, tan đi được một lát rồi lại khép kín.
Bên trong, cây cầu tỏa mùi gỗ cũ ẩm ướt, mùi phân chim bồ câu và mùi lá ướt ngai ngái. Nhiều chữ khắc trên thành cầu, một số mới, còn hầu hết đã có từ hai chục năm nay, của những người hình như không còn cách nào khác để tuyên bố với thế giới rằng họ cũng tồn tại và có tên tuổi.
Nhiệt độ tụt hẳn xuống, và mắt cá chân đau của Robert cứng đờ. Ông cúi xuống xoa bóp và cứ làm thế cho đến lúc cái đau dịu bớt. Ông rút trong áo khoác ra một lọ aspirin, dốc hai viên và nuốt, không có nước.
Kincaid có thể nghe thấy tiếng sông Middle rì rầm bên dưới, chảy về hướng Đông. Ông nhìn qua khoảng trống, chỗ khuyết một tấm ván thành cầu và thấy tảng đá ông đứng nhiều năm trước, ngước nhìn Francesca Johnson. Hoa mọc đầy ven bờ sông, và ông đã hái một nắm cúc dại tặng bà.
Ông mừng là đã tới đây. Một quyết định không nhầm lẫn chút nào. Ở đây, trong cây cầu cũ này, cảm thấy hầu như thanh thản, ông đắm mình trong cảm giác đó và thấy yên ổn trong lòng. Chính vào lúc ấy, ông như được an ủi, biết rằng đây là nơi an nghỉ của ông, một ngày nào đó tro của ông sẽ được dòng Middle cuốn đi. Ông mong một số hạt tro sẽ hòa làm một với cây cầu và mặt đất, một số sẽ trôi xa, xuôi dòng vào những con sông lớn hơn rồi vào biển cả, nơi ông đi qua trong những con tàu chở lính chật ních hoặc trên các máy bay phản lực đêm, đến một nơi nào đó.
Mưa rỏ giọt từ mái hiên cầu và qua các lỗ thủng trên mái, nơi tấm ván lợp bong từ lâu. Ông dựa vào một trụ cầu, mặc cho những cảm xúc của mười sáu năm trước và bây giờ bao trùm. Ông biết đây là một cuộc từ biệt, mở ra rồi khép lại hẳn, là cách ông chào vĩnh biệt Francesca Johnson.
“Khỉ thật, vòng quay của Tạo hoá”, - ông lẩm bẩm. Ông nói lần nữa, rồi lần nữa “thật đúng là con Tạo xoay vần”. Tiếng ông đều đều như tiếng đơn điệu, xa xôi của con tàu ở bắc Cairo, tiếng ve sầu o o trong cánh rừng rậm New Guinea, và ông nhớ lại những dòng ông viết một năm trước đây, một chương trong cuốn Tập hợp các tiểu luận về cuộc sống lãng du của Michael Tillman.

Đấy là tất cả những gì tôi từng nghĩ trong suốt một thời gian dài, về việc đi lại trên đường, dù ở đâu không thành vấn đề. Ngay từ buổi đầu, tôi đã thấy rõ rằng trong những ngày này, công việc của tôi trong nghề nhiếp ảnh một phần là đam mê, một phần là cái cớ để đi nhiều nơi. Tôi đã nhìn thấy hàng trăm nơi - chắc là còn hơn thế. Tôi ao ước có một cuộc đời riêng cho từng nơi, để tôi có thể định cư và sống ở đó, đề có thể quen biết một số người, như những người khác đã làm, như phần lớn đã làm. Tôi có thể điều hành một cửa hàng bách hóa trong một thị trấn nhỏ, đầy bụi trên sườn đồi miền đông New Mexico; sống ẩn dật đâu đó ở Pondichery, Ấn Độ; hoặc mở gara tại một thị trấn miền núi ở tây nam Texas, hoặc nuôi cừu ở Pyrenees hay làm ngư dân tại một vạn chài nào đó ở Mexico.
Hành động làm tổn thương gấp đôi và đằng nào cũng khó, là từ bỏ. Con Đường chống lại cuộc sống ổn định. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều đến nó, cho đến khi tôi ngoài năm mươi. Hồi đó, tôi gặp một người phụ nữ, và tôi sẽ gạt mọi sự sang một bên, kể cả Con Đường. Nhưng có nhiều thứ ngáng trở chúng tôi, đó là sự may rủi của tôi, sau đó tôi trở lại lang thang trên đường với chiếc máy ảnh. Giờ đây, trong những năm cuối đời, tôi đã bỏ cuộc sống nay đây mai đó, song tôi vẫn đơn độc. Suốt bao năm ở trại lính, rồi di chuyển khắp nơi (cộng với tính ưa ẩn dật và bản tính hơi khó gần của tôi, tôi nghĩ thế), đã khiến tôi ít có dịp gần gũi mọi người.
Thế là, trong lúc bạn đang đọc dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn đêm và muốn biết những miền xa xôi, có khi ao ước được đến thăm chúng, những nơi mà tôi đã đến hàng chục lần, còn tôi đi ngang qua cửa sổ nhà bạn và mong ước ngược lại. Tôi ƯỚC có cái ghế của bạn, ngọn đèn của bạn, gia đình và bạn bè của bạn. Chắc rằng trong một đêm mưa như đêm nay, khi tôi đi ngang qua nhà bạn, dụng cụ của tôi trên ghế bên cạnh, tìm một chỗ nghỉ sao cho không tốn kém quá nhiều. Tôi phải tìm ra một chỗ để ngủ và sáng hôm sau lại đi tiếp, trong lòng luôn nhớ đến ngọn đèn đêm màu vàng của bạn.
Tuy nhiên, tôi đã lựa chọn. Chịu thua thói xấu to lớn của mình là luôn theo đuổi một mục tiêu nào đó và không bao giờ ngoảnh lại, không bao giờ cảm thấy sự trống trải mà tôi để lại đằng sau, ngoại trừ với phụ nữ, tôi đã từ bỏ những ngọn đèn của gia đình và chọn con đường. Kết quả là những thành công của tôi, và tôi không có quyền than vãn thứ tôi đã tự chuốc lấy cho mình.

Kincaid lắc đầu và cười thầm. Mình tin rằng chẳng gì nực cười hơn sự ủy mị của một ông già, ông nghĩ. Mặt khác, ông phản bác, có khi đây chỉ chứng tỏ mình vẫn còn phần người.
Vài phút sau, ông ra khỏi cầu. Đủ rồi. Ông đã làm việc ông đến để làm, xác nhận lần nữa những điều hồi ức mách bảo. Đứng trong không gian của Francesca lần nữa, xem liệu những cảm xúc có còn mãnh liệt như hồi ấy không. Và chúng vẫn như thế. Một tình yêu lớn trong cuộc đời độc thân là đủ cho bất cứ người nào. Francesca đã và đang là tình yêu lớn của ông. Ông đã tới để nói lời tạm biệt bà. Ông vỗ vỗ vào thành cây cầu cũ kỹ và bắt đầu đi, bước đi nhẹ nhàng hơn ông từng quen một thời.
Con Đường biến mất, Kincaid hình dung nó đang lao vào cuộc thám hiểm, săn bắt. Kincaid đi về hướng Nam và huýt một tiếng sáo, rồi tiếng nữa, tin chắc con chó sẽ tìm ra ông trên đường về xe. Con chó đã bị nhốt trên xe nhiều ngày và cần tập luyện. Gần đến đỉnh đồi, Con Đường bắt kịp ông, nó thở hổn hển và vui sướng.
* * *
- Ô có chứ, tôi biết Robert Kincaid, - giọng tự tin của Ed Mullins, biên tập viên ảnh của tờ Seattle Times oang oang. - Ông ấy ở đâu đó quanh Seattle thôi.
- Ông có biết nhiều về ông ấy không ? - Carỉisle McMillan hỏi và chuyển ống nghe sang tay phải để tiện ghi chép. Một cảm giác nhẹ nhõm bao trùm anh. Cuối cùng, đã tìm ra người có thể đưa Robert Kincaid vượt qua ba mươi sáu năm và nói ông vẫn còn sống.
- Thực ra, tôi không trực tiếp quen biết ông ấy, tuy tôi có chạm mặt ông ấy vài lần. Ông ấy là một huyền thoại ghê gớm trong một số lĩnh vực của nghề nhiếp ảnh, vì thế ai ở quanh đây cũng biết ông ấy, trừ những cậu trẻ ranh mê tất cả các trường phái nhiếp ảnh. Không ai trong chúng tôi biết rõ Kincaid. Ông ấy là người đặc biệt, đủ dễ chịu và lịch sự nhưng sống khép mình, sáng tạo những tác phẩm không chính thống đến mức rất khó bán thời nay. Nhiều năm nay, chúng tôi sử dụng ảnh của ông cho những mục chuyên đề, phần lớn về du lịch. Tác phẩm của ông ấy tinh tế và huyền ảo đến mức không thể sao chép tường tận trên giấy in báo. Cộng thêm là nó quá trừu tượng với thị hiếu chung.
- Tôi đã xem một số tác phẩm của ông ấy, phần lớn ở mặt sau tạp chí National Geographic, - Carlisle nói ướm, hy vọng người biên tập viên sẽ nói thêm.
Anh ta làm thế thật.
- Để tôi nói cho anh nghe, Kincaid đã đến đó, ý tôi nói đến đó là đến những nơi hoang vu nhất trên thế giới, hai mươi nhăm năm trước khi bọn chúng tôi có cái máy ảnh Brownie đầu tiên. Tôi nghĩ đó là bức ảnh một công nhân lưu động trên nóc con tàu chở hàng ở đâu đó tại miền tây Texas, một ông già dẻo dai, quần áo tả tơi, đang trợn mắt nhìn, hai bàn tay đầy sẹo nắm chặt một thanh sắt trên nóc toa, chính bức ảnh đó đã đưa tôi vào nghề này. Tôi có thể nói, muốn có phong cảnh mờ mờ đó, Kincaid đã phải ở trên nóc toa tàu đang chạy cùng người thợ lang thang kia khi ông chụp. Một bức ảnh kinh khủng, thực sự kinh khủng. Ông ấy đã chụp từng nếp nhăn trên mặt người thợ rất nét, và từng cái sẹo trên các ngón tay ông già như sắp bật vào mặt ta vậy. Tạp chí đã đặt cho tác phẩm một cái tên khá tối nghĩa “Những thanh sắt bị bỏ trên cao”, có lẽ từ ba chục năm trước, vẫn còn bài báo ở đâu đó trong ô tài liệu của tôi.
Carlisle ghi “Những thanh sắt bị bỏ trên cao” vào sổ.
- Tôi có thể có bản sao bài báo ấy được không?
- Được chứ, nếu tôi tìm ra. Anh cho tôi biết địa chỉ?
Carlisle cho anh ta địa chỉ và hỏi tiếp:
- Làm thế nào tôi có thể tìm được ông ấy? Tôi đang tìm kiếm một số thứ.
- Đợi một chút, để tôi hỏi Goat Phillips. Anh ấy vừa ra phòng rửa ảnh. Tôi nhớ anh ấy đã nói thỉnh thoảng nhìn thấy Kincaid ở một quán bar trong vùng.
Carlisle nghe thấy tiếng người biên tập đặt ống nghe lên một bề mặt cứng.
- Này Goat, Goat ơi, lại đây một phút, có câu hỏi cho cậu đây. - Tiếng Mullins nhỏ đi lúc anh ta quay khỏi ống nghe.
Carlisle tự hỏi làm thế nào mà anh chàng Goat, dù anh ta là ai đi nữa, lại biết tên Kincaid và thấy ông không đủ thú vị để khám phá.
Nhiều giọng nói mơ hồ lầm bầm, Carlisle nghe loáng thoáng nghe được vài từ. “Khu thương mại à? Ở đâu? Cái gì? Đường 99 và gì nữa?”
Giọng nói trở lại, to và rõ ràng:
- Tốt rồi. Goat bảo anh ta nhìn thấy Kincaid ở một nơi tên là Shorty, một câu lạc bộ nhạc jazz cổ tại khu thương mại. Ngay phía Đông, chỗ đường 99 cắt phố Spring. Một tay thổi kèn xắcxô tên là Cú Muỗi Cummings chơi ở đó vào các tối thứ Ba, và Goat vốn là người thờ ơ mà thỉnh thoảng cũng xuống đấy nghe Cummings và nhóm tam tấu của ông ta. Đấy là nơi Goat nhìn thấy Kincaid, ông ấy hay ngồi một mình, uống bia và hình như Cú Muỗi Cummings quen biết ông này.
Carlisle ghi nguệch ngoạc: tên quán bar, địa điểm, tên người thổi kèn xắcxô.
- Anh ở Seattle hay ở đâu? - Biên tập viên hỏi. - Anh quan tâm đến Kincaid vì chuyện gì vậy? Anh nói đang làm một cuộc tìm kiếm à? Anh là nhà nhiếp ảnh hay gì?
- Không, tôi gọi từ Nam Dakota. Tôi đang làm một số việc về gia phả và nghĩ Robert Kincaid có thể là người mất liên lạc từ lâu của một chi họ. Tôi đánh giá rất cao các thông tin này.
- Không có gì, anh McMillan. Mong là tôi giúp được anh chút ít.
- Giúp nhiều lắm. Tôi có thể biết tên anh được không?
- Được. Ed Mullins. Tôi ở suốt bên cái bàn này, chẳng còn thời gian mà làm công việc ngoài trời thú vị của mình nữa. Chúc anh may mắn.
Carlisle treo máy và ngay lập tức xem danh bạ điện thoại của thành phố Falls, tìm số của công ty lữ hành. Anh quay số, hỏi về đường sá và tiền vé từ thành phố Falls tới Seattle.
* * *
Với nhiệt độ cứ xấp xỉ ở mức gay gắt là 0 độ C, Francesca Johnson đến gần cầu Roseman, hơi thở của bà biến thành luồng hơi nước dày đặc trong giá rét. Bước vào trong lòng cầu, một cảm giác bứt rứt choán lấy bà, bà dừng lại, đứng và lắng nghe chăm chú. Bà không nhận thấy gì ngoài tiếng những con chim câu ở tận đầu kia cầu và tiếng nước chảy bên dưới tấm ván lát sàn. Nhìn xuống sàn cầu, bà thấy nhiều vết chân đầy bùn còn ướt, hình như rất mới.
Kéo áo mưa vào sát và ôm chặt lấy người, Francesca rùng mình như một người có thể rùng mình không phải vì rét mà vì cảm giác một sự hiện diện trong nơi tối tăm này.
- Xin chào, - bà ngập ngừng gọi. - Có ai ở đây không? - Tiếng bà âm vang trong không gian sâu hoắm của cầu Roseman.
- Xin chào. - Bà lại nói, cảm giác băn khoăn càng chồng chất.
Ở đầu kia cây cầu, bà có thể thấy mưa đã chuyển thành mưa tuyết, những bông tuyết to bắt đầu rơi và đậu xuống đường. Bà đến lối vào phía Nam và đứng trong lòng cầu, ngước nhìn quả đồi trong màn tuyết. Cánh rừng nhỏ trên đỉnh đồi biến mất nhanh chóng trong mưa tuyết trắng xóa, quay cuồng. Bà cảm nhận rõ ràng có người nào đó, vật gì đó ở đằng ấy, bị cây cối che khuất. Cách khoảng một trăm mét lên đồi và hầu như bị tuyết che phủ, một vật hình quả hạnh lao vút qua đường vào khu rừng nhỏ, có lẽ là con chó của một nông phu. Francesca tin chắc là đã nghe thấy tiếng động cơ nổ giòn ở đâu đó giữa đám cây trên đồi, át tiếng gió.
* * *
Carlisle McMillan đặt vé bay từ thành phố Falls đến Seattle, nghỉ giữa chừng ở Denver vào ngày thứ Hai tới. Anh cần vài ngày để hoàn tất việc tu sửa một căn bếp ở Livermore. Việc đó sẽ dẹp tan sự sốt ruột của chủ nhân và Carlisle kiếm đủ tiền vé máy bay.
Anh gọi cho người ở Livermore, báo tin sáng hôm sau anh sẽ đến đó để sửa cho xong căn bếp, và nói thêm một cái khay tròn có nhiều ô đặt đúng chỗ trong góc đã hoàn tất, và anh sẽ mang nó theo lúc tới. Họ hài lòng và nhấn mạnh rằng họ đã chán phải nấu nướng trong gara và ăn trong phòng khách lắm rồi. Carlisle tán thành, và sau khi đặt máy, anh thu xếp dụng cụ rồi chất lên xe.
* * *
Francesca giật mình vì tiếng còi ôtô chát chúa. Gió rít ù ù và quá mải tập trung vào thứ thoáng nhìn thấy trong đám cây trên quả đồi phía trước, nên bà không nhận thấy chiếc xe tải của Floyd Clark đang đến gần. Ông đỗ đối diện với đầu cầu và gào to:
- Này Frannie. FRANNIE! HARMON NHÌN THẤY CHỊ TRÊN ĐƯỜNG, VÀ TÔI NGHĨ CÓ KHI CHỊ CẦN ĐI NHỜ XE VỀ NHÀ VÌ MƯA BẤT ĐẦU NẶNG HẠT. CHỈ VÀI PHÚT NỮA LÀ TUYẾT RƠI MÙ MỊT…
Francesca nổi giận và nhìn qua cầu, thấy Floyd Calrk nhoài nửa người ra cửa xe, vẫy tay ra hiệu cho bà. Ngay lập tức, bà quay về hướng Nam lần nữa, nhìn lên đồi.
- FRANNIE! LÊN XE TÔI MÀ VỀ. LANG THANG TRONG THỜI TIẾT NÀY DỄ CHẾT VÌ VIÊM PHỔI MẤT.
Floyd bấm còi lần nữa. Francesca Johnson ra khỏi cầu và ngước nhìn lên đồi lần nữa, chỉ thấy tuyết trắng xóa trong không gian và trên đường. Floyd xuống xe và vào trong cầu, đi tới chỗ bà. Bà quay nhìn ông, những bông tuyết đã bám vào mái cầu Roseman. Phớt lờ lời ông ta, Francesca bắt đầu chạy ngược lên đồi nhanh hết mức, nhưng đôi ủng cao su làm bà vướng víu.
Được ba phần tư đường lên đồi, bà vấp và ngã vào lớp sỏi đầy bùn. Bà cố đứng dậy, bùn và nước phủ kín đằng trước tấm áo mưa và rỏ ròng ròng lên đôi ủng. Cái mũ trùm lật ngược ra sau, tóc bà ướt bết, lòng thòng thành những vòng xoắn nhỏ trên vai và bám vào mặt bà. Bà lại cắm cổ chạy lên đồi.
Floyd Clark đi sau bà, vẫn quát tháo.
- FRANNIE, CHỊ ĐIÊN RỒI À?
Francesca đến đỉnh đồi và quay nhìn vào đám cây. Floyd ở đằng sau, chỉ cách bà vài mét, thở hổn hển nhưng vẫn la hét về giá rét và bệnh viêm phổi. Ở đầu kia khu rừng hẹp, có vết bánh xe trong bùn, mùi khói xe còn vương vấn trong không khí nặng trĩu, bao quanh đám cây. Francesca Johnson đứng đó, tuyết bám trên tóc và nằm trên cổ bà, che khuất khỏi tầm nhìn của bà một chiếc xe tải màu xanh lá cây trên con đường sỏi, cách bà năm trăm mét và đang chạy xa khỏi bà.
Floyd nắm khuỷu tay Francesca, đưa bà xuống đồi, qua cầu Roseman tới chỗ xe ông đỗ. Một mảnh kim loại nhỏ nằm trong tuyết ở lối vào phía bắc cây cầu. Bà nhặt nó lên - dù là bất cứ thứ gì - và bỏ vào túi áo mưa.
Trong chiếc Chevy mới của Floyd Clark về nhà, Francesca chỉ nhìn chằm chằm vào tuyết rơi và nói:
- Tôi ngỡ nhìn thấy một người tôi quen. Floyd, đừng hỏi gì nữa về việc này, tôi xin anh. Có khi tất cả chỉ là do tôi tưởng tượng mà thôi.
Ông vươn tay và vỗ nhẹ lên cánh tay bà.
- Thôi nào Frannie, tất cả chúng ta cứ có những ý nghĩ lạ lùng này nọ. Đôi khi, tôi nghĩ có thể nghe thấy tiếng Marge trong bếp, gọi tôi xuống ăn sáng.
Về đến nhà, Francesca bật đèn trong bếp và tuột chiếc áo mưa qua đầu. Cái vật bà nhặt ở lối vào cầu Roseman rơi khỏi túi, nảy lên một cái rồi nằm trên sàn, gần chân ghế. Bà cúi xuống và nhặt miếng kim loại tròn, có một vòng tròn gắn vào đó. Một cái thẻ của chó, một mặt trắng trơn. Bà lật mặt kia và giữ nguyên trên những ngón tay, đồng thời với cái kính đọc sách. Chữ khắc trên thẻ rất khó đọc, và bà bước tới ngọn đèn ở bồn rửa.

1981 63704 Bệnh viện Thú y Monroe Bellingham, Washington

Trên thẻ có cả địa chi và số điện thoại của bệnh viện. Francesca bước tới bên cửa sổ bếp và nhìn vào bóng tối, lúc này tuyết rơi dày và quất một góc qua ngọn đèn trên sân. Bà đứng bên cửa sổ, nắm chặt cái thẻ chó trong tay và nhìn về phía sông Middle, và cứ nhìn mãi một lúc lâu.
----------
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét