Một ngàn con đường quê
(Phần kết “Những cây cầu ở quận Madison ”)
Tác giả: Robert James Waller
Dịch giả: Thanh Vân
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2013
Francesca
Francesca Johnson không cảm thấy già và trông bà không hề có
dáng dấp của tuổi sáu mươi. Bạn bè thường bảo thời gian quá ưu đãi bà. Mái tóc
đen nhánh của bà chưa bao giờ hoa râm, ngoài vài sợi xuất hiện từ lúc bà mới
bốn mươi, còn thân hình bà vẫn giữ được vẻ cân đối.
Richard cũng nhận xét như thế.
- Frannie, trong lúc những người cùng tuổi em ngày càng già
đi, anh thấy hình như em chẳng thay đổi mấy.
Lẽ tất nhiên bà có thay đổi. Soi vào gương, bà biết quần áo
khéo che giấu vẻ sa sút từ từ. Bà vẫn ăn kiêng nghiêm ngặt và vẻ ngoài vẫn
duyên dáng, đội mũ rộng vành và đi bộ hàng ngày, thỉnh thoảng đi bộ bốn dặm
liền đến cầu Roseman rồi trở về, giữ cho thân thể bà săn chắc. Hơn nữa, bả luôn
nghĩ có thể gặp lại ông, bằng cách nào đấy Robert Kincaid có thể trở về với bà.
Có lẽ đó là lý do mạnh hơn hết thảy, giúp bà giữ được sức khỏe và diện mạo
trông như nhiều năm trước. Bà muốn ông nhận ra bà, thèm muốn bà như ông đã thèm
muốn bà bao năm trước.
Thước đo của bà là bộ váy áo màu hồng phớt bà mua năm 1965.
Trong suốt mười sáu năm, thỉnh thoảng bà lại mặc thử. Nếu nó hơi chật, bà hoạt
động tích cực hơn để giảm trọng, cho đến khi bộ áo mặc vào vừa thoải mái vừa
nhẹ nhõm. Mặc bộ váy áo, bà chầm chậm xoay trước gương trong phòng ngủ và mỉm
cười, nói với hình ảnh mình:
- Mình chỉ thế này thôi, nhưng so với một thôn nữ thì cũng
khá dễ coi đấy chứ.
Rồi bà phùng má lên và cười khẽ vì những lời tự khen mình.
Và gấp lại bộ váy áo, cho vào túi giấy bóng rồi cất kỹ trên một giá trong phòng
kho.
Richard mất từ năm ngoái, và nông trại không còn được như
cũ. Gia súc bán đi, đất cho thuê. Các con đã lớn và ra đi, đến nơi mà bọn trẻ
cần, khi đến lúc. Tiền nong tuy không dư dật nhưng cũng đủ vì có tiền cho thuê
đất, tiền tiết kiệm và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khiêm tốn của ông Richard.
Hiện giờ Richard nằm trong nghĩa trang Winterset, cạnh cha
mẹ ông. Dãy mộ ngày càng dài hơn, cha mẹ và con cái cùng một hàng, là những vết
tích trên mặt đất ghi dấu sự kết thúc của con người. Richard đã mua hai phần mộ
trong nghĩa trang, những tưởng Francesca sẽ yên nghỉ ở đó, bên cạnh ông. Những
sự kiện sau này chứng tỏ giả định của ông là sai.
Ôi, Richard. Richard tử tế và ân cần. Ông rất khuôn phép và
yêu theo kiểu vụng về của riêng ông. Nhưng như thế chưa đủ với bà. Francesca mà
Richard biết chỉ là một thứ ngụy trang, là bề ngoài của một người đàn bà khác,
dưới vẻ một người vợ nông dân biết vâng lời và người mẹ chu đáo. Những lớp vỏ
ấy hầu như là dối trá. Bà là một người đàn bà khác hẳn với người sáng sáng rán
trứng và thái thịt lợn xông khói, trong khi Richard nghe bản tin thị trường
buổi sớm qua chiếc radio trong bếp. Cũng chiếc radio ấy đã chơi bản Tangerine
và Lá thu vào một đêm tháng Tám nóng nực năm 1965, lúc bà khiêu vũ trong bếp
với người đàn ông tên là Robert Kincaid, người đã thổi vào đời bà một làn gió
hè vĩnh viễn.
Đứng đó, cạnh bếp lò, bà nghĩ, lạy Chúa tôi, nếu ông ấy
biết. Nếu Richard biết chuyện xảy ra trong căn bếp này. Liệu ông có thể hình
dung bà ở đó, trần truồng và làm tình với gã thợ ảnh tóc dài từ nơi khác đến
không?
Những tờ giấy ăn bị gạt qua bàn xuống sàn lúc Robert Kincaid
đặt bà lên bàn? Không. Richard chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Nói dối và nói
dối, những lớp dối trá chồng chất.
Tuy nhiên, Richard có cảm giác riêng. Những lời của ông trên
giường chết, âm thanh thì thào, xào xạo sâu trong họng ông, chỉ vài giờ trước
khi ông hôn mê. “Francesca, anh biết em có những giấc mơ riêng. Anh rất tiếc đã
không đem lại được cho em những giấc mơ ấy”.
Lúc nói những lời ấy, gần như ráng hết sức lực còn lại,
Richard chậm rãi nhích bàn tay qua giường bệnh viện và bà nhìn thấy trong cặp
mắt đã lạc, đẫm nước và già cả của ông, ông đang cố gắng nói nhiều hơn những
thứ chất chứa trong từng lời lẽ ấy. Bà nắm bàn tay to, thô ráp của ông và áp má
vào đó, ân hận trong khoảnh khắc, chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi, những gì bà đã
làm với Robert Kincaid.
Richard hối tiếc vì không bao giờ biết được những điều ẩn
kín trong lòng bà, mà chính bà cũng gần như không nhận thức được, cho đến khi
người đàn ông có tên là Robert Kincaid ùa vào đời bà.
Dù vậy, vì tất cả những gì ông không và không bao giờ có
thể, Richard Johnson biết rõ hơn bà tưởng. Ông hiểu rằng ông không phải là giấc
mơ của Francesca; điều đó khiến ông đau đớn mạnh mẽ và sâu sắc, ông đã cưới bà
hơn ba mươi năm mà vẫn chưa bao giờ với quá bề ngoài của người phụ nữ chung
lưng đấu cật với ông và đem lại cho ông những đứa con.
Ngôi nhà cũ thật im lìm. Francesca giở tờ The Madisonian mới
nhất, đọc tin những người đến và đi.
Giở các trang tin hàng ngày, những bữa tối của nhà thờ,
những trận bóng đá cuối mùa thi đấu, những đám cưới, những người mới sinh và
chết, những sự kiện của một xã hội mà bà đã sống ba mươi sáu năm nhưng vẫn không
cảm thấy mình là một phần trong đó.
Sau khi Marge Clark mất sáu tháng, Floyd mời bà đi ăn tối.
Bà kiếm cớ rất khéo và từ chối. Sắp đến hội chợ quận, ông lại mời bà chấm điểm
các con bê dự thi và dự cuộc liên hoan ngoài trời. Bà cố tỏ ra nhã nhặn, viện cớ
bận và có các con về chơi. Floyd Clark không mời nữa. Nhưng ông vẫn lịch sự mỗi
khi xe chở tạp phẩm của họ gặp nhau ở cửa hàng Fareway. Floyd hơi gầy đi và
trông như thiếu việc nấu nướng của Marge.
Francesca để tờ báo xuống và bỏ kính, nhìn đăm đăm qua những
cánh đồng mùa thu đầy gốc rạ, để Robert Kincaid trở lại tâm trí bà. Ông luôn ở
đó, tuy có những ngày và những khoảnh khắc nào đó, dường như ông chỉ là hình
ảnh tưởng tượng trở đi trở lại tâm trí bà nhiều lần, đến mức trở thành có thực.
Nhưng có những bức ảnh của bà mà ông gửi, những bức ảnh của ông và do ông chụp
trên tờ National Geographic.
Bà không hề biết ông đang trên đường hay ở nơi nào đó. Thỉnh
thoảng, bà chăm chú nhìn các vệt hơi của chiếc máy bay phản lực xa xa và hình
dung Kincaid đang ở trên đó, tới Jakarta hoặc Nairobi . Có lẽ bà nên đi
du lịch về phía Tây Bắc và tìm ông. Hay có khi sống bằng những điều nhớ về ông
thì hơn. Có lẽ chỉ bốn ngày chung sống ấy là tất cả, chúng mang đầy đủ ý nghĩa
cần có.
Bà có thể tìm thấy ông, sau vài cái nhìn ngờ vực và khuấy
động trí nhớ của ông (“Ô phải rồi, người
đàn bà ở Iowa
hồi chụp các cây cầu mái”), ông sẽ tỏ ra lịch sự và trầm lặng. Họ có thể
uống cà phê trong một nhà hàng và chuyện trò vài phút trước khi ông xem đồng hồ
và xin lỗi, nói ông cần làm việc này việc khác.
Bà sẽ ngồi lại đó một mình trong cái ngăn bọc nhựa đỏ, cách
nhà một quãng đường dài, mong giá không bao giờ đi tìm ông thì hơn. Sau đó sống
với nỗi buồn rằng bà chẳng là gì, ngoài một lúc giải lao dễ chịu và thoáng qua
trong cuộc đời của người đàn ông lang thang ấy. Tiếp theo là sống với tình
trạng hủy diệt mọi thứ đã giữ cho bà vững vàng qua nhiều năm. Rồi, sống trong
sự lặng lẽ của một cuộc đời không hình hài.
Không. Đấy không phải là sự thật. Hầu hết thời gian, bà tin
chắc vào điều đó. Nhưng từ nhiều năm trước, nếu không có những bức ảnh trên tờ
National Geographic, bà biết mặt ông sẽ mờ dần, mờ đến mức bà không thể nhớ lại
được. Những bức ảnh ấy đã cũ, và bà có thể không nhận ra ông. Ông sắp sáu mươi
tám tuổi. Thật khó mà hình dung con báo ở tuổi sáu mươi tám. Có thể ông ốm yếu
hoặc nói khác đi là suy sút và không muốn bà nhìn thấy ông như thế.
Francesca lên phòng ngủ trên gác và lấy bộ váy áo màu hồng
khỏi giá trong phòng kho. Ở góc phòng là cái đầu đĩa Carolyn để lại. Mặc bộ áo
hồng, bà bật máy, hạ kim xuống và nghe lại bài Lá thu, rồi ngắm mình trong
gương, mỉm cười và nhớ đến người đàn ông tên là Robert Kincaid đã yêu bà hơn là
bà hình dung được yêu như thế.
Rồi đến lúc bà di dạo. Bà thay quần jeans, sơmi vải bông
chéo và xuống gác, liếc nhìn lịch, nhớ ra sắp đến sinh nhật bà.
Trong lúc bà xoay mình trước gương, Robert Kincaid ngược lên
Thái Bình Dương, thoải mái trong chiếc xe tải cũ kỹ tên là Harry, ngắm miền quê
và trò chuyện với con chó có tên là Con Đường. Lúc đến gần mép nước và rẽ về
phương Nam, Robert Kincaid, nhà văn và nhà nhiếp ảnh, hoặc có thời ông đã tự
gọi mình như thế, xoa mắt cá chân đau và thật bất ngờ, ông lại ước mọi thứ
chẳng bao giờ là như thế.
Trải qua nhiều khúc quanh co và ngoắt ngoéo của cuộc đời có
phần trắc trở, Carlisle McMillan đã tới sống ở quận Yerkes, phía tây bang Nam
Dakota. Anh đi vòng vèo mãi mới tới cái nơi tiêu điều đó và rốt cuộc, nhiều sự
kiện khác thường vây quanh anh - một thứ được gán cho cái tên là Cuộc chiến
quận Yerkes - lại là một câu chuyện khác ở một thời khác.
Còn bây giờ, có thể nói Carlisle McMillan là thợ mộc cừ
khôi, học nghề một ông thợ già ở Nam California. Mệt mỏi vì cuộc sống thành
phố, chán nản vì sự trượt dốc của cả kỹ năng lẫn lòng tự trọng trong công việc phát
triển nhà ở tập trung, Carlisle rút hết tiền tiết kiệm và lao vào con đường
dài, lan man xuyên Mỹ. Ở quận Yerkes, anh tìm ra thứ đang tìm, một nơi cách
biệt hẳn sự ồ ạt của cái thế giới mà anh không hiểu, hoặc khi thời gian cứ
trôi, anh càng không quan tâm nhiều lắm để hiểu. Năm đầu tiên sống ở Nam
Dakota, anh xây dựng lại ngôi nhà cũ trên diện tích ba chục mẫu tây, cách thị
trấn Salamander khoảng tám dặm rưỡi về phía Bắc.
Với phần lớn cư dân, anh có được ngôi nhà nhờ cơ may cũng
như sự hăng hái, nhờ ngẫu nhiên cũng như tính láu cá. Nhìn nhận về việc này,
một số người coi là tốt, số khác cho là tồi. Kết quả sự lựa chọn của anh được
xác định bằng sự cố gắng đầy lý trí hòa trộn với nhiều sự kiện bất ngờ đè nặng
lên vai anh, vào những ngày anh ít chờ đợi nhất.
Nói cách khác, là bị quăng quật vì cuộc sống thường ngày.
Hoặc nói khác nữa, là tình trạng bấp bênh.
Ngay từ khởi đầu, anh đã sống với sự bấp bênh hơn nhiều
người khác. Anh chào đời ba mươi nhăm năm trước, là con hoang của một phụ nữ
tên là Wynn McMillan và một người đàn ông mà mẹ anh không biết họ hoặc không
thể nhớ ra. Từ những điều ít ỏi mà mẹ thuật lại, Carlisle
chỉ có một hình ảnh mơ hồ và hay thay đổi về người đàn ông là cha mình.
Thế nên, trong những băn khoăn của thời niên thiếu và cả
trong nhiều năm sau này, anh chỉ thấy người đó là một hình bóng mơ hồ, mong
manh, cưỡi môtô, một trong những loại xe máy phân khối lớn, được thiết kế để
chạy đường trường. Bóng người đó phóng xe trên quốc lộ ven biển phía Nam
Carmel, mặt trời đang lặn chiếu sáng trên lưng, đang băng qua cây cầu cao, nơi
Thái Bình Dương ăn sâu vào các vách đá. Còn người phụ nữ ngồi đằng sau? Cánh
tay cô ôm eo anh ta, mái tóc cô tung bay ra sau trong gió. Đấy là mẹ của
Carlisle McMillan, cách đây đã lâu.
Bà sống với người đó chỉ vài ngày, nhưng vài ngày là đã đủ.
Đủ tạo ra một cậu bé tên là Carlisle .
Bà nhớ lại cát ấm nóng dưới gáy ở nơi bà nằm với ông. Bà
không bao giờ quên cát cuối tháng Chín ấm biết chừng nào. Bà nhớ những cung
cách lạ lùng, dịu nhẹ của ông. Những cung cách gần như ma ám, sau này bà nhận
ra một số đặc điểm đó ở con trai mình. Bà nhớ cử động của ông uyển chuyển như
con mòng biển, rằng ông biết nhiều điều bí ẩn và khi chỉ có một mình, ông nghe
thấy tiếng nhạc văng vẳng từ quá khứ xa xôi. Bà không nhớ họ của ông. Có lần
ông đã nói với bà, lúc cả hai ngồi bên đống lửa đêm, cheo leo bên rìa cuộc sống
của họ, uống bia nhà làm. Và bà không sao nhớ ra được.
Có lần bà bảo:
- Hồi ấy, tên tuổi dường như không có ý nghĩa gì. Mẹ biết
con khó mà hiểu điều đó, Carlisle , nhưng chúng
ta cảm thấy thế. Mẹ chịu đựng chuyện này vì con nhiều hơn vì mẹ.
Câu chuyện cứ loanh quanh như thế. Bà kể với Carlisle khi cậu mười hai tuổi, lúc hai mẹ con ngồi ở bậc
thềm ngôi nhà thuê ở Mendocino. Người mẹ vòng tay ôm đứa con trai gầy gò, rụt
rè và dựa đầu vào con trong lúc nói chuyện, mái tóc mới gội rất dễ nhận thấy
trong các mùi của mẹ. Carlisle lắng nghe và
yêu mẹ vì sự chân thật không ngừng lúc mẹ kể, vì niềm hạnh phúc của mẹ vì có
cậu, kể cả những ngụ ý đau nhói về việc từ bỏ nhục dục bí ẩn mà mẹ ám chỉ lúc
nói về người đàn ông. Mặc dù ở lứa tuổi của Carlisle ,
khó mà hình dung những việc đó, nhất là dính dáng đến mẹ mình.
Mọi sự chân thật và ân cần của mẹ đều tốt, nhưng chưa đủ.
Trong thâm tâm, Carlisle McMillan mong ước có một người cha, một người đàn ông
có thể làm cậu yên tâm rằng mọi cảm giác ngẫu nhiên và đầy sức mạnh quẫy đạp
xung quanh và trong lòng cậu rốt cuộc có thể hun đúc thành một nhân cách đàn
ông, kiên định và hữu ích.
Mẹ anh và người đàn ông đó đã ở với nhau mùa thu năm 1945,
khi Thế chiến II vừa kết thúc. Sự việc xảy ra trong tình trạng ngây ngất, lộn
xộn, xuất phát từ chiến thắng ngọt ngào, cộng với sinh lực bị kìm nén và những
đam mê dồn đọng. Nếu mọi thứ đó lại hòa trộn với tính phù phiếm vui vẻ trong
sinh hoạt tự do, phóng túng ở Big Sur, đầy các nhà thơ và nghệ sĩ, kể cả Henry
Miller (nhà văn Mỹ, có nhiều tác phẩm
chống lại sự khắt khe của xã hội và chủ trương giải phóng tình dục) vừa từ
Paris đến, đi lừ đừ dọc con đường từ Partington Ridge và bán dạo các bức tranh
màu nước của ông, thì chuyện ấy có thể thông cảm được. Khi tròn ba mươi tuổi, Carlisle đã quyết định sẽ làm một việc tương tự.
Có những âm thanh mơ hồ nào đó. Anh gọi như thế. Nó bắt đầu
từ rất sớm và ở lại với anh qua nhiều năm. Một thứ ở phía sau và xa xôi, không
rõ nguồn cơn. Những hiệu lệnh chập chờn, yếu ớt và văng vẳng, có lẽ từ những
vòng xoắn ADN của anh, cho đến khi trong lòng anh tĩnh lặng, cảm nhận được tín
hiệu hơn là nghe thấy chúng. Dường như có cái gì đó đang nghịch cái ma níp đầy
bụi tại nhà ga xe lửa, trong một thành phố điêu tàn: tạch... ngừng... tạch...
ngừng... tạch, tạch... nhắc lại cả dãy.
Đấy là một kiểu; và còn nhiều kiểu khác nữa.
Ban đầu, Carlisle thấy có
vẻ không thật, có thể là hão huyền, nhưng anh hình dung cha mình đang gửi một
bức điện tín cho dòng dõi huyết thống là anh. Anh nghĩ theo cách này: Cha tôi là người không biết có tôi trên đời,
nhưng mật mã di truyền của ông ấy biết, vì chúng là một phần của tôi. Các mã
biết tôi đang tồn tại, các loài biết tôi đang tồn tại. Tôi là dòng giống của
ông và mang các đặc tính di truyền của ông. Bởi vậy, về mặt nào đấy, ông ấy
biết. Lập luận khá mờ nhạt, nhưng có lý nếu anh không ép nó đi quá xa.
Thế nên, Carlisle tin cha
mình đã trở lại nơi nào đó và lắng nghe khi tín hiệu bắt đầu. Anh ra sức lắng
nghe và nói chuyện với chúng. “Ông là ai
vậy? Trời ạ, hãy tăng âm lượng lên và lưu lại trong không trung chút nữa. Hãy
cho tôi biết về ông, để tôi có thể hiểu thêm về mình. Tôi biết và không biết
những gì ?”. Nhưng các tín hiệu mỏng manh, mờ nhạt ngay từ lúc bắt đầu, và Carlisle luôn cảm thấy bị bỏ rơi, rồi sau đó hơi thấy
thương thân.
Thay cho người cha chưa bao giờ có, và tiếp theo là người
cha dượng mà anh chẳng bao giờ liên hệ, Carlisle
tìm được một thợ mộc già tên là Cody Marx, ông đã thành người thay thế cha anh.
Cody Marx truyền cho Carlisle McMillan những kỹ năng của nghề mộc và cách nhìn
nhận, cùng nghị lực để làm việc cho đúng. Cody thường bảo: “Trong mọi sự, làm
việc rất gần với sự khoan dung”.
Định cư ở quận Yerkes được một năm, ngôi nhà gần như hoàn
tất, Carlisle ngồi bên cái bàn nhỏ đóng bằng
những mảnh gỗ thừa và viết thư gửi mẹ.
Ngày 14 tháng Mười,
Chào mẹ,
Con hy vọng mẹ vẫn
khỏe. Mẹ có trò mới học xenlô không? Mẹ vẫn làm việc ở phòng trưng bày nghệ
thuật chứ? Ngôi nhà thành ra khá đẹp mẹ ạ, nhờ được Cody chỉ dạy; và con đã
kiếm được việc làm ngoài. Quanh đây có nhiều ngôi nhà cũ, sửa lại bằng xà gỗ và
ốp ván sẽ rất đẹp, mà phần lớn là nhà của nông dân, họ có vẻ thích nhà bằng kim
loại hơn, nên họ vui vẻ bán lại cho con, chỉ để con phá đi và làm lại bằng
nguyên liệu của rừng rậm. Mà gỗ thì đẹp, loại cổ thụ ấy.
Tuy biết rằng việc đó
phải làm trong nhiều năm, song có lẽ đã đến lúc con đi tìm manh mối về cha con.
Con biết là đã nhiều năm rồi và khó mà nhớ lại được, nhưng cố thử lần nữa, mẹ
ạ. Mẹ nhớ ra bất cứ điều gì cũng giúp được con. Ông ấy nói sẽ đi đâu khi rời Big Sur ? Mẹ có thể nhớ lại nhãn xe máy ông ấy đi không?
Có lần, mẹ bảo ông ấy ở trong quân đội hồi Thế chiến II. Binh chủng nào hở mẹ?
Cho con gửi lời thăm
bà Marx, nếu mẹ gặp bà ấy nhé. À, mà mẹ từng gặp Henry Miller thật sao?
Con yêu mẹ.
Một lần nữa, lên đường.
Tiếng lốp cao su vo vo và cây cối chạy qua, dường như chúng
chuyển động còn Harry đứng yên. Lại cảm thấy phấn chấn, lại lên đường, mặc dù
các lớp mây tầng (Là các lớp mây dẹt tạo
thành tầng nằm ngang, thường ở độ cao dưới 2400m, có màu xám sẫm) làm mọi
vật tối om và trời mưa nhè nhẹ.
Robert Kincaid đỗ lại ở công viên trung tâm ngay phía bắc
sông Columbia .
Mắt cá chân bị thương của ông cứng đờ trong suốt hai giờ qua và cần xoa bóp.
Con Đường nhảy xuống và ngửi ngửi cỏ, cây cối, và những chỗ ăn uống ngoài trời,
nó lê chân đánh dấu lãnh thổ mà nó sẽ không bao giờ gặp lại.
Kincaid chầm chậm đi qua lớp cỏ ướt, vươn tay xuống xoa bóp
mắt cá chân, đi thêm ít nữa cho đến khi cảm thấy mắt cá đã linh hoạt và gần như
bình thường. Mười lăm phút sau, ông khẽ huýt sáo để Con Đường biết đến lúc lên
xe. Ông mở cửa xe cho con chó nhảy vào, và đi vòng sang phía ghế lái xe, bước
thoải mái vào trong xe theo kiểu sải bước mà ông quen làm từ gần ba chục năm
nay. Nếu không có mắt cá chân bị thương và những cơn chóng mặt bất chợt, bắt
đầu đến đều đều trong vài tháng gần đây, thì Robert Kincaid sẽ cảm thấy mình
khỏe khoắn như hai chục năm trước, ông vẫn rắn rỏi và mảnh dẻ, kết quả của sự
rèn luyện và chế độ ăn kiêng vừa phải.
Ban đầu ông bỏ qua cơn choáng váng, tưởng đấy là tái diễn
bệnh ông bị nhiễm ở Ấn Độ từ nhiều năm trước, một thứ virus ảnh hưởng đến tai
trong. Hồi bị bệnh đó, ông đã phải nằm liệt giường bốn ngày liền tại một làng
quê ở Mysore, bị chóng mặt đến mức không thể đứng dậy và phải bò đến cái hố
trên sàn nhà dùng làm hố xí.
Hai tháng trước, một bác sĩ ở Seattle đã đút tay vào túi áo choàng trắng và
ngắm Robert Kincaid ngồi bên bàn khám. Từ khi bị vỡ mắt cá chân chín năm trước,
Kincaid không hề đi khám bệnh lần nào.
- Tôi không thể nói chắc cái gì đã gây nên cơn chóng mặt cho
ông. Có thể là nhiều thứ ông đã nhiễm ở Ấn Độ. Song, chuyện đó đã qua từ nhiều
năm trước, các triệu chứng hiện tại của ông đến rồi đi, làm tôi cho rằng ông
gặp vấn đề về hệ tuần hoàn. Với một người ở tuổi ông, cân nặng của ông rất tốt
và nói chung tình trạng tổng thể về sức khỏe là tuyệt vời. Nhưng vì Chúa, ông
đừng hút thuốc nữa. Đấy là việc đầu tiên. Ông bị chóng mặt có kèm theo đau đớn
gì không?
- Không nhiều lắm, - Kincaid nói. - Thỉnh thoáng, tôi hơi
khó chịu ở ngực.
- Chúng tôi sẽ làm một số xér nghiệm để thử định bệnh của ông.
Có thể ông bị một dạng viêm họng, bản thân nó không phải là bệnh mà đúng hơn là
một tập hợp các triệu chứng, thường báo trước một cơn đau tim do một bệnh tiềm
ẩn gây ra.
Robert Kincaid cài khuy sơmi và cảm ơn bác sĩ.
- Vậy, chúng ta sẽ làm gì đây? - Bác sĩ hỏi.
- Không làm gì hết, - Robert Kincaid trả lời. - Tôi sẽ không
làm phiền bác sĩ nữa.
- Không làm gì ư? Chắc là tôi có thể giúp ông, nhưng tôi cần
kết quả của một số xét nghiệm nữa.
Robert Kincaid không có tiền để làm xét nghiệm, và ông cũng
không quan tâm gì đến chúng. Đối với ông, cuộc sống đến rồi đi. Với một số
người, cuộc đời ngắn ngủi, với những người khác thì dài hơn, và hướng đi chính
xác nằm ở đâu đó giữa sự sợ hãi đớn hèn và cú lao thẳng cảm tử.
Trong những ngày làm phóng viên chiến trường hồi Thế chiến
II ở Thái Bình Dương, ông đã suýt chết vài lần. Trên tường nhà ông có một bức
ảnh chụp các lính thủy đánh bộ đang nhảy khỏi máy bay, đổ bộ xuống đảo Betio,
Tarawa Atoll tháng Mười một 1943, ngay sau chín giờ sáng. Sau đó là mệnh lệnh “Phải
chụp được cảnh họ lên bờ, mẹ kiếp!”, Kincaid ở trong số những người đầu tiên
rời thuyền, nhảy vào sóng trước các đội công kích. Để phim trong các túi không
thấm nước, máy ảnh giơ cao, anh lội vào từ ngoài khơi cách bờ ba trăm mét. Con
tàu Higgins dựa vào một tảng đá ngầm. Họ nhằm tới bãi biển Red One. Hầu hết
trong số họ không tới được bờ cát.
Tiếng súng máy và nước quanh anh bắn tung tóe, hàng loạt
súng cối và đại bác 75 ly nổ tung. Hãy nhìn vào các bộ mặt trên những bức ảnh
đó: nỗi sợ khủng khiếp, sợ đến nôn mửa của các chàng trai xa nhà, nhiều người
trong số đó sắp chết, súng trường giơ lên trên đầu, đang lội vào bờ. Ở Betio,
291 mẫu tây cát san hô trộn với bê tông và các boongke bằng thân dừa, chỉ trong
ba ngày Sư đoàn Lính thủy đánh bộ II thương vong gần ba ngàn người. Gần hết
ngày thứ nhất, trợ lý của Kincaid, một cậu trai làng ở Nebraska đang quỳ trên
cát nạp phim vào máy ảnh cách anh độ sáu chục phân, thì bị một viên đạn bắn tỉa
găm vào trán và cậu ta bật ngửa ra sau, không kêu một tiếng.
Rời phòng khám của bác sĩ, Kincaid đến chỗ xe tải trong bãi,
trèo vào xe và châm một điếu Camel. Ngả người trên tay lái, mái tóc hoa râm dài
rối bời như thường lệ, ông nói: “Mặc kệ nó”, rồi thẳng người lên và nổ máy
chiếc Harry. Sau đó, ông nhớ tới những dòng thơ của e.e. cummings về bác sĩ và
các vũ trụ khác, rồi vừa lái xe ra khỏi bãi, ông vừa cười một mình.
Robert Kincaid biết ông là người lỗi thời, sinh ra không
đúng thời đại. Là vết tích của thứ đồ cũ, hiện không còn chức năng hoặc mục
đích. Ông đặt mua dài hạn một tạp chí kỹ thuật nhiếp ảnh và một tờ báo địa
phương, nhưng tivi luôn là thứ xa lạ với ông. Hai năm trước, trong lúc mua một
cái quần jeans mới, ông dừng lại ở gian hàng điện tử trong cửa hàng bách hóa Seattle và trong vài phút,
ngắm các games show đang mở cùng một lúc trên nhiều tivi kích thước khác nhau.
Kincaid đứng đó chớp chớp mắt, dường như bị đánh thức khỏi một giấc ngủ dài và
nhận ra những cuộc tấn công của một thế giới xa lạ, đang hú hét, rền rĩ.
Người bán hàng tiến đến gần người đàn ông đeo dây quần màu
cam và lễ phép hỏi ông có muốn mua một chiếc tivi không, và nói loại 25 insơ
đang giảm giá hai mươi phần trăm. Kincaid quay lại và chớp chớp mắt với cậu
thanh niên, ông cảm thấy mình mất phương hướng và hình như người đang nói với
ông được nối với màn hình tivi bằng những sợi dây vô hình và bắn ra từ chính
những máy móc đó. Đằng sau ông, các khán giả của game show la hét gì đó, hình
như ở các cuộc thi.
Người bán hàng liếc nhìn màn hình và nói:
- Những game show kiểu này, thế nào cũng kiếm được nhiều
tiền và quà tặng.
Kincaid cố nghĩ ra một câu gì đó trả lời, nhưng không thể.
Ông vội rời cửa hàng, bụng nghĩ mới xa xôi làm sao, hình như từ ngày ông chạy
ven Great Ice trong cuộc đời khác với ngọn giáo trong tay và rùng mình vì lạnh.
Nhưng cái lạnh đó là thực và tự nhiên, không phải cái giá lạnh trên các bộ mặt
quanh ông, trong tiếng ầm ầm của giao thông thành thị. Lúc ông ra khỏi cửa
hàng, có ba thanh niên đang quay máy hát tự động trên vỉa hè, tiến thẳng đến
chỗ ông. Một người xách cái máy chơi nhạc xách tay, trong lúc hai người kia cầm
loa nối với máy. Robert Kincaid thấy tiếng nhạc kêu oang oang và không hiểu
nổi. Trên đường về căn nhà ông đang sống, tại một hòn đảo trong eo biển Puget,
ông đứng ở mũi phà, để mặc ngọn gió buốt giá và mưa quất thẳng vào người.
* * *
Cuối buổi chiều, chuyển trời, Robert Kincaid sang sông Columbia ở Astoria , bang Oregon . Dưới nhịp cuốn
cao của cây cầu, những cuộc mua bán bất lương trên sông và đại dương tấp nập
trên mặt nước, ngay bên dưới bánh chiếc xe tải hai mươi bảy tuổi tên là Harry.
- Trước kia đã có lần ta cưỡi xe máy qua đây lên phương bắc,
Con Đường ạ, - ông nói với con chó đang thiu thiu ngủ trên ghế bên cạnh.
Con Đường dỏng tai và nhìn Robert Kincaid, vẻ hơi chế nhạo.
- Đấy là năm 1945. Hồi ấy chưa xây cầu, phải đi phà từ Oregon sang Washington .
Chiếc xe máy loại Ariel Square Four rất êm, mượt như da trẻ con từ chạy không
tải đến tốc độ phù hợp. Ta đã mua nó bằng số tiền được trả khi xuất ngũ và
không bao giờ muốn bán đi. Ta đến gần Big Sur ,
tìm nơi dừng chân lâu dài và trở lại làm việc. Đấy là tình trạng trước thời của
mi, Con Đường ạ, hồi ấy ta trẻ hơn bây giờ nhiều, rất nhiều.
Ông tìm thấy một cửa hàng tạp phẩm nhỏ, mua hoa quả, bánh
mì, phó mát và rau đủ loại, ông vẫn tiếp tục sống theo chế độ ăn kiêng đơn
giản, rẻ tiền đã duy trì liên tục nhiều thập kỷ. Người thu ngân chán ngán, nhìn
xoáy lên trần trong lúc ông đếm 4,63 đô la tiền lẻ trong cái hộp cà phê.
Viên quản lý một khách sạn loại ba, mặc quần nhung kẻ nhàu
nhĩ và sơmi flanen, râu ria ba ngày không cạo, nói không muốn cho chó ở trong
phòng, với điều kiện nó phải ngoan. Kincaid cam đoan với anh ta rằng Con Đường
còn xử sự tử tế hơn nhiều người.
Viên quản lý nói:
- Nói thế không quá đáng đâu ông ạ, và có khi còn là lời sỉ
nhục con chó của ông đấy. Quản lý một khách sạn loại này một thời gian, ông sẽ
có cái nhìn khá ảm đạm về thân phận con người. - Anh ta đẩy chiếc chìa khóa qua
bàn. - Phòng số tám, qua cửa chính, rẽ trái.
Robert Kincaid lại rong ruổi, và ngoài con chó ra, ông luôn
lẻ loi. Ông và Con Đường ăn tối trong phòng, không nói gì với nhau trong lúc
ăn. Chó gặm thức ăn, người ấn dao vào tảng phó mát. Sau đó đi dạo ở khu cảng,
ngắm thuyền bè qua lại, con chó tìm ra nhiều thứ thú vị trong các thùng đựng
nhiên liệu han gỉ và các cuộn dây. Harry nằm dài ở ô ba mươi trước khách sạn.
Trong bãi không có xe nào khác.
Về phòng, Kincaid nằm trên sàn, xua Con Đường đang nhăm nhe
định liếm mặt ông. Ông làm một loạt động tác giơ chân và tiếp theo là ba mươi
cái chống đẩy. Sau cùng là hít thở một lát, ông cởi áo phông và quần soóc, xoa
dầu Con Hổ lên mắt cá chân đau rồi trườn lên giường, đọc Những ngọn đồi xanh
châu Phi. Con Đường nằm phịch xuống sàn, cạnh chỗ Kincaid vừa chống đẩy.
Trên khăn trải giường có một lỗ thủng. Kincaid giơ nó lên,
nhìn qua lỗ thủng vào một vết bẩn trên giấy dán tường và trở lại đọc tiếp. Đến
đoạn một quý ông đến gần bãi liếm (nơi
đất mặn, dã thú thường đến liếm muối) ở châu Phi, một tiếng gõ nhẹ vào cánh
cửa làm Kincaid giật mình và Con Đường gừ gừ. Kincaid vùng dậy và hỏi ai đó.
- Tôi đây, quản lý Jim Wilson đây.
Kincaid mặc quần jeans và mở cửa.
Jim Wilson giơ hai chai bia.
- Tối nay buồn quá, tôi nghĩ có khi ông thích một chai bia
uống muộn và trò chuyện một chút. Nếu tôi làm phiền ông cứ nói, tôi sẽ đi ngay
và không để bụng đâu. - Anh ta liếc nhìn cái giường. - Ô, tôi xin lỗi, trông
như ông đã đi nằm rồi thì phải.
- Tôi chỉ đang đọc một chút thôi. - Kincaid mở toang cửa và
vỗ về con chó đứng cạnh chân ông. Con Đường vẫn còn hồ nghi và gầm gừ khe khẽ
trong cổ họng. - Suỵt, không sao đâu.
Jim Wilson dùng cái mở bia và đưa một chai cho Kincaid. Anh
ta dựa lưng vào cửa và trượt người xuống cho đến lúc ngồi trên tấm thảm cũ mòn.
Kincaid ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong phòng, hơi cót két, mặt ghế bọc vải
nhựa màu nâu sẫm và lưng ghế nứt nẻ. Con Đường ngồi cạnh giường và nhìn Wilson trừng trừng, vẫn
cảnh giác.
Viên quản lý giơ chai bia:
- Chúc ông có những ngày đẹp trời hơn.
Kincaid giơ chai từ xa đáp lại.
- Liệu ông có phiền không, nếu tôi hỏi ông định đi đâu?
- Ồ, lang thang ít nhiều đây đó thôi. Ở nhà mãi phát sốt và
tôi quyết định lên đường một thời gian. - Kincaid uống một ngụm bia và châm
điếu Camel.
Mặc dù không phải là người quá đa nghi, Kincaid thường trả
lời mập mờ mỗi khi có người hỏi ông đã ở đâu hoặc định đến đâu. Hầu như đó là
sự thận trọng của người đã ở qua nhiều nơi bất ổn trên thế giới, và thông tin
như thế dễ bị sử dụng vào nhiều việc bất chính.
Viên quản lý hỏi xin một điếu, Kincaid bèn tung bao thuốc và
cái bật lửa Zippo cho anh ta.
- Hình như ông có cái bật lửa này từ lâu, - Wilson nói, châm thuốc và
đưa ngón tay cái lướt qua bề mặt xây xước của chiếc Zippo, nhận ra những chữ
cái RLK khắc trên đó vẫn còn đọc được.
- Tôi mua trong cửa hàng quân đội ở Manila
vào những năm 40, trên đường hồi hương sau chiến tranh.
- Ra vậy, còn tôi lỡ cuộc chiến vĩ đại ấy một số năm. - Anh
ta tung cái bật lửa và bao thuốc trả Kincaid. - Tôi lớn lên đúng lúc cho cuộc
chiến ở Việt Nam .
Có lẽ tôi cũng bỏ qua nó, nếu nó không làm tôi băn khoăn.
Trông Jim Wilson mệt mỏi, dưới mắt có bọng và nhìn chung,
nom anh ta xơ xác và thất sắc như tấm thảm khách sạn. Rõ ràng Wilson kém Kincaid tới hai mươi nhăm tuổi,
nhưng trông già hơn Kincaid nhiều. Kincaid đoán anh ta là tay nghiện rượu nặng.
- Ông ở đơn vị nào ?
- Có thuyên chuyển đôi chút, song phần lớn thời gian tôi ở
Sư đoàn Lính thủy đánh bộ II. Ở Thái Bình Dương. Làm phóng viên chiến trường.
- Ông không đùa đấy
chứ? Tôi chưa bao giờ quen một phóng viên chiến trường. Ở Việt Nam ,
tôi tình cờ gặp vài người, nhưng chưa bao giờ quen biết thực sự. Một số người
khá man rợ, họ biết tận dụng cơ hội hơn lính bộ binh nhiều.
Kincaid không nói gì, chỉ uống bia.
- Ông không bị sao chứ? - Jim Wilson nhìn ông - Bị thương
hoặc đại loại như thế?
- Tôi là người may mắn. Không có lời nào kể được. Chỉ bị một
mảnh đạn vào bên trái, ngay dưới xương sườn. Ở Betio. Nó vào rồi ra, rách độ
mươi phân. Lính cứu thương gặp nhiều ca nặng hơn vết xây xước của tôi, nên họ
đổ sulfa vào các lỗ thủng và vá víu qua loa, tất cả chỉ mất độ dăm phút, rồi họ
mang morphine và garô chạy xuống bãi biển. Sau khoảng một tuần lễ là tôi lành.
Thậm chí còn không được Purple Heart nữa kia.
Kincaid cười khúc khích và chẳng nghĩ ngợi gì, ông đưa bàn
tay xoa xoa lên vết thương cũ, cảm thấy những vết sẹo dưới tấm áo phông.
Viên quản lý giơ thẳng chân lên trước mặt, rồi kéo một đầu
gối lên và tựa cánh tay vào đó, chai bia đu đưa trên bàn tay phải.
- Chết tiệt, tôi ở đơn vị quân nhu, vì thế với tôi Việt Nam
chẳng có gì là gian khổ hết, cứ phất phơ ở Sài Gòn chơi bóng chuyền và tránh
bệnh xã hội ở nơi nào có thể, thảnh thơi sử dụng thời gian và đếm ngày tháng.
Khỉ thật, có một số lính bộ binh bị tấn công dữ dội trong rừng. Chắc là không
được thú vị như những nơi ông đã qua.
- Không, chẳng thú vị tí nào. Nếu không bị quân Nhật bắt
giữ, thì cũng bị sốt rét và hàng ngàn thứ tệ hại của xứ nhiệt đới đánh gục. Với
một số người, nó thực sự khắc nghiệt, rất khắc nghiệt. Phải đổ bộ lên các bờ
biển có kẻ thù canh giữ chặt chẽ và gay gắt, với mong muốn duy nhất là làm thế
nào thoát khỏi bờ biển và lẩn vào chỗ nấp. Hãy nhớ rằng chỉ trước đó một thời
gian rất ngắn, các chàng trai ấy là người bán ôtô, nông dân, thợ cơ khí.
- Ông nghĩ sao việc Harry Truman cho ném bom lên họ?
Kincaid ngừng lời, nhìn chai bia rồi nhìn Jim Wilson.
- Một số người trong chúng ta, nhiều người trong chúng ta đã
ở đó ba năm liền. Có một số nhà nhiếp ảnh và phóng viên thích chiến tranh, tôi
đoán là vì họ vừa có việc làm vừa chứng tỏ được khí phách, tự tạo ra những nguy
hiểm giả tạo... Thực ra, tôi không biết chắc là gì. Nhưng tôi chẳng bao giờ
nhận thấy bất kỳ sự lãng mạn nào trong toàn bộ chuyện này.
Ông uống một ngụm lớn.
- Người Nhật là những chiến binh dẻo dai. Riêng tôi, tôi
chẳng thích thú gì việc thả neo trong biển Nhật Bản, thách thức đế quốc Nhật.
Tôi chỉ muốn về nhà và tránh xa khỏi cái chết. Nhiều người, phần lớn các chàng
trai khác, cũng nghĩ như thế.
Kincaid nhún vai và nhìn xoáy vào một điểm nào đó trên đầu
Jim, để lảng tránh câu trả lời của anh ta lẫn trong khói thuốc.
Ông nói tiếp, chỉ to hơn tiếng thì thầm một chút.
- Tôi về nhà, mua một chiếc xe máy, chạy tuốt xuống Big Sur rồi men theo bờ biển xuống tận đây, chỉ cốt xua
tất cả những chuyện đó ra khỏi đầu. Tuy vậy, chưa bao giờ tôi thực sự làm được
điều đó. Các hình ảnh cứ lưu cữu, sắc nét và rõ ràng. Mùi thuốc nổ, bệnh hoại
thư, khói diesel và dầu cháy, bụi san hô. Lao tới các bờ biển trong xe lội
nước, bám theo các tảng đá ngầm để thoát khỏi bờ, và biết chẳng có gì để làm
ngoài việc nhảy xuống nước và lội. Chúng tôi thường ví mình như những con vịt
trong ao.
Jim Wilson quyết gạt chuyện chiến tranh và nói sang việc
khác.
- Big Sur rất đẹp. Hồi còn
giảng dạy ở Đại học San Francisco ,
tôi đã đến đó vài lần. Nhiều du khách đi môtô, tạo thành những đường chữ chi
trên Đường Một. Chắc phải khác hồi ông đến thăm, khá yên tĩnh.
- Đúng thế. Chỉ có khoảng một trăm người thường xuyên ở đó.
Tuy vậy, có một số ít người từ các nơi qua đấy. Nhiều người trong số đó tự nhận
là nghệ sĩ hoặc nhạc công. Chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe thấy nhiều về nghệ
thuật đến thế. Ngoài một dúm người viết lách nghiêm túc ra, hình như họ chỉ nói
nhiều về nghệ thuật, nhưng chẳng thực sự làm gì. Hầu hết các cư dân ở hẳn đây
chỉ đào bới loanh quanh để cố sống sót. Tuy vậy, tôi chỉ ở đó vài ngày, nên có
khi tôi có những cảm tưởng sai lầm.
Có thể vì men bia, có thể vì buổi tối, hoặc chỉ vì cần trò
chuyện với người khác về những điều chôn giấu trong lòng từ lâu và chưa bao giờ
nói ra, nên Robert Kincaid cứ nói tiếp. Nói chuyện với những người xa lạ là an
toàn, vì sáng hôm sau Jim Wilson sẽ ở lại đằng sau, vẫn là một người lạ và còn
thiếu nhiều mảnh khác để ghép lại trọn vẹn điều Kincaid giữ cho riêng mình. Ngoài
Francesca Johnson biết phần lớn, Kincaid luôn giữ một mảnh nhỏ cho riêng mình,
trước khi ông thổ lộ.
Ông đưa cả hai bàn tay chải ngược mớ tóc ra sau và nhìn đăm
đăm xuống sàn một lát, rồi lại ngước nhìn Jim Wilson.
- Ở Big Sur , tôi đã gặp một
cô gái, một nhạc công xenlô. Tôi đã chở chiếc xenlô của cô ấy xuống một bãi
biển vắng vẻ. Chúng tôi đi bộ lên phía Bắc khoảng một dặm gì đó, men theo mép
nước và vòng quanh mũi eo biển. Cô ấy bảo thủy triều sắp lên và chúng tôi sẽ
mắc kẹt ở một bãi biển đặc biệt, không thể trở lại mũi biển cho đến khi triều
xuống. Nhưng tôi không quan tâm, cả cô ấy cũng không quan tâm. Cô ấy chưa bao
giờ hỏi tôi về chiến tranh. Anh trai cô ấy đã hy sinh ở Italy trong lúc đánh chiếm Salermo,
vì thế cô ấy hiểu nỗi đau và sự sợ hãi. Chúng tôi ở đó rất lâu, cô ấy chơi
xenlô, sóng biển xô ào ào và những con chim biển ríu rít, bóng các núi đá cao
ngoài khơi đổ dài trên mặt nước đến tận bãi biển lúc ngày tàn. Tôi nhớ tên cô
ấy là Wynn. Một cô gái xinh đẹp theo kiểu khác thường, chớm hai mươi tuổi và
dạt dào sức sống. Tôi nhớ mình đã nằm dài trên cát, lắng nghe cô ấy chơi đàn,
cô ấy bảo là một bản của Schubert , và nhớ lại mọi điều tôi đã chứng kiến trong
mấy năm qua, đồng thời cố quên đi. Khi nước tràn vào bờ tới hai chục mét, chúng
tôi cưỡi xe đi Tarawa và nhiều nơi khác. Tôi
không biết cô ấy chơi đàn bao lâu, hoặc tôi nằm đó bao lâu, vừa uống vang đỏ
vừa suy nghĩ, đồng thời cố không nghĩ gì hết. Rồi khi mặt trời sắp lặn, cô ấy
dựa cây đàn vào một tảng đá và ngồi xuống cạnh tôi trên cát... Tôi vẫn nhớ cát
ấm biết chừng nào, cô ấy nghiêng người, chống tay và nhìn xuống mặt tôi ra sao.
Tôi gầy một đống lửa bằng củi rều, và chúng tôi ở lại đó suốt đêm.
Wilson nhận ra hầu như một liệu pháp tâm lý đang diễn ra
trong căn phòng tiều tụy của khách sạn, rằng người đàn ông này, Robert Kincaid,
đang cố vào chuyện hơn là kể vu vơ. Ông kể không được mạch lạc, nhưng hầu như
đạt được bản chất sự việc đã qua trong đời ông. Cần thuật lại gì đó trong một
khoảnh khắc quan trọng, có lẽ không có lý do nào khác hơn là khắc sâu lại những
kỷ niệm, giống như các thổ dân gìn giữ các câu chuyện cổ và huyền thoại quanh
ngọn lửa trại.
- Nghe chừng cô ấy là một phụ nữ thú vị.
Kincaid với chai bia và va mạnh vào cái chao đèn. Những cái
bóng lung lay dữ dội khắp phòng, và Con Đường ngước nhìn hoảng hốt. Kincaid giữ
cái chao đèn đứng yên.
- Chúng ta đang nói đến đoạn tôi ở lại Big
Sur , và tôi chợt có ý nghĩ hình như cả thế giới đang đợi ngoài đó
để ngắm nhìn. Trái tim tôi đầy ắp những điều tôi muốn làm, muốn nhìn thấy và
trải nghiệm. Ra khỏi cuộc chiến, tôi như một dòng suối quanh co uốn khúc, cả
một quãng đường dài hầu như xuất phát từ một nơi nào đó sâu thẳm trong lòng,
tôi có cảm giác đời mình đang trôi qua mà vẫn còn nhiều thứ chưa nhìn thấy hoặc
chưa làm.
- Vậy là sau vài ngày ông lại ra đi ư?
- Phải. Tôi biết là khá nhanh. Lúc tôi đã lên yên và chuẩn
bị phóng đi, cô ấy nhìn tôi, những ngón tay cô ấy móc vào một trong những vòng
trên thắt lưng tôi, tôi thực sự không muốn ra đi nữa. Mười phút sau tôi phóng
xe khỏi đó, nhưng không có cảm giác kết thúc thực sự. Tôi hình dung chúng tôi
sẽ liên lạc và gặp nhau lần nữa. Chúng tôi hẹn nhau và tôi cho rằng cả hai đều
tin sẽ làm thế ngay lập tức. Tuy vậy, như mọi sự việc thường xoay trở, thời
gian và khoảng cách có quyền lực riêng của nó. Tôi viết thư cho cô ấy hai hoặc
ba lần, kể với cô ấy tôi quyết định định cư ở Seattle và đang tìm nhà. Nhưng cô ấy đã
chuyển đến nơi nào đó, còn tôi chuyển nhà nhiều lần, vì thế nếu cô ấy có viết
cho tôi, chắc chắn thư của chúng tôi chết dí ở hòm bưu điện. Cô ấy rất ý thức
được bản thân và là một phụ nữ độc lập so với tuổi tác và thời đại, vì thế tôi
đoán cô ấy sẽ xoay xỏa mọi việc ổn thỏa. Hồi đó, cô ấy cũng chẳng sẵn sàng cho
một thứ cố định hơn tôi. Chúa ơi, thế là hết cả một đời. - Robert Kincaid ngừng
và hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. - Anh nói anh là giáo sư đại học ư?
- Vâng, tôi dạy tâm lý trong chín năm. Không thể chịu nổi
cuộc sống lý thuyết suông, nếu như ông có thể gọi đấy là cuộc sống. Cứ như một
đàn ngỗng kêu quàng quạc, trịnh trọng rao giảng các triết lý về sự bình đẳng,
trong khi chỉ bảo vệ một cấu trúc giai cấp cứng nhắc nhất của bất cứ xã hội
hoặc nhóm chuyên môn nào cần thiết. Tôi bỏ việc và đi lang thang vài năm liền.
Rốt cuộc là quản lý cái khách sạn này. Tuy vậy, tôi cũng chẳng biết sẽ ở đây
bao lâu.
Quản lý khách sạn Jim Wilson đứng dậy và vươn vai:
- Tốt hơn hết là tôi đi ngủ thôi. Còn phải đi xem chỗ vỡ ở
nhà số sáu để sửa chữa cho xong vào sáng mai. Nói chuyện với ông thật dễ chịu.
Ông đã nói đúng về con chó của ông, lúc ông bảo nó còn lịch sự hơn nhiều người
ấy. Có thể cho nó ở đây bất cứ lúc nào, dù có mặt ông hay không. - Anh ta giơ
tay cho Robert Kincaid.
- Chúc may mắn. Trò chuyện với anh thật thích. - Kincaid bắt
tay Wilson và
đóng cửa lại sau lưng anh ta.
Trở về giường và lại cầm sách lên, Kincaid phát hiện ra lúc
này quý ông đang xem xét dấu vết con tê giác ở bãi liếm và sẵn sàng thổi bay
một hoặc nhiều con vật nữa. Ông để cuốn sách xuống và tắt ngọn đèn cạnh giường.
Sau đó, ông ngủ và mơ một giấc lạ lùng, phần trong trí nhớ,
phần tưởng tượng và trò chuyện gì đó với một thủy thủ trong quán bar Raffles ở Singapore,
một cánh tay ông lủng lẳng rơi khỏi giường. Con Đường liếm bàn tay tình cờ rơi
xuống và chạm vào nó.
Bên ngoài, một con tàu tên là Pacific Vagabond tiến vào bên
dưới cầu và nhằm đến chỗ buông neo. Trong số hàng hóa chồng chất trong các
khoang sâu hoắm trên tàu, có những tivi từ Hàn Quốc, sẽ được dỡ tại Thái Bình
Dương và chuyển sang con tàu khác tại hải cảng hiện đại và tiện nghi ở Tarawa.
Tìm kiếm.
Nam Dakota đã vào cuối thu, và một buổi sáng lộng gió, xám
xịt, xe bưu điện vùng nông thôn dừng lại bên hòm thư đề Carlisle McMillan,
đường 3. Cách con đường làng khoảng năm chục mét, Carlisle
đang khuân gỗ vòng qua góc của nơi vẫn được gọi là nhà của ông già Williston.
Theo thói quen cố hữu của vùng quê nước Mỹ, những căn nhà vẫn giữ tên người chủ
đầu tiên xây cất.
Nhân viên bưu điện nhìn thấy Carlisle
và bóp còi để anh biết là có thư. Anh chàng McMillan này không nhiều thư, vì
thế báo cho anh ta biết rằng thùng thư của mình có thứ thay đổi dường như là
một ý hay. Carlisle ngẩng lên, vẫy tay và đi xuống
đường làng, trong lúc xe thư đi tiếp lên phía bắc, đến nông trại Axel và
Earlene Looker. Chắc Axel đang dựa vào thùng thư đợi séc trợ cấp vụ mùa, người
đưa thư nghĩ. Ông ta đã ở đúng chỗ đó hai ngày rồi và phàn nàn về sự thiếu hiệu
quả của chính quyền mỗi khi séc của ông đến chậm.
Trong thời gian xây lại ngôi nhà của ông già Williston, Carlisle kiếm được một người bạn. Một con mèo đực to
tướng bị lạc giữa đường và cứ quanh quẩn mãi ở đây. Carlisle
ngắm nghía con mèo mướp lông dài, tai bên trái bị rách và có cặp mắt màu vàng.
Con mèo cũng ngắm Carlisle , nó ở lại ăn trưa,
rồi ăn tối và cuối cùng quyết trở thành cư dân cố định hợp pháp.
- Này cậu mướp, ta nghĩ cái tên Xe Rác hợp với cậu đấy, -
đến ngày thứ năm, Carlisle nói. - Nếu cậu
không phiền, chúng ta cứ gọi thế nhé.
Xe Rác chớp chớp mắt. Carlisle
cười toe toét.
Lúc Carlisle từ thùng thư về, Xe Rác đang ngồi trên chấn
song hàng hiên. Cả hai cùng vào trong nhà, Xe Rác đến chỗ ưa thích của nó dưới
cái bếp lò đun củi, Carlisle rót một chén trà từ cái ấm méo mó anh tìm được ở
cửa hàng Từ thiện, thành phố Falls. Anh để chén lên cái bàn kéo rộng ra được
trong tầm bán kính một sải tay, đặt ở phòng khách suốt ba tháng qua, trong thời
gian anh sửa nhà.
Thư của bà Wynn, mẹ anh, mà anh mới gửi cho bà mươi ngày trước.
Với Wynn là một thay đổi lớn vì bà hay bỏ qua thư từ, séc thanh toán và đơn
thuốc. Tuy vậy, bà lại rất nhớ những thứ có ý nghĩa, như những đoạn phức tạp
trong tác phẩm của Schubert và nhiều chi tiết mơ hồ trong lịch sử nghê thuật
điêu khắc.
Ngày 20 tháng Mười
1981
Carlisle yêu quý,
Lạ chưa, con có hộp
thư và đủ mọi thứ. Nghe chừng con đã rất ổn định rồi. Mẹ mừng khi nghe tin con
đã mua ngôi nhà cũ và đang sửa chữa lại. Rồi sẽ có lúc mẹ đến đó thăm con. Dù
thế nào đi nữa, mẹ cũng rất mừng cho con.
Con có bao giờ quan
tâm đến phụ nữ không ? Mẹ xin lỗi phải hỏi câu đó, nhưng bà mẹ nào cũng nghĩ
đến những việc ấy, kể cả một người mẹ lạ lùng như mẹ. Mẹ khó mà tin rằng vài
năm nữa là con bốn mươi tuổi, và mẹ không khỏi nghĩ đến một hoặc hai đứa cháu
nội, con ạ.
Trong bức thư gần đây,
con hỏi nhiều câu liên quan đến cha con và hỏi mẹ nhớ những gì về ông. Mẹ chỉ
có thể nhắc lại những gì đã nói trước kia. Ông ấy đã từng ở trong quân đội, là
nhà nhiếp ảnh trước chiến tranh và trong thời gian chiến tranh cũng làm thế ở
Thái Bình Dương, và xuất ngũ từ Lính thủy đánh bộ (mẹ nghĩ thế). Hình như ông
ấy không muốn nói nhiều về chiến tranh. Thực ra, mẹ có cảm giác là ông ấy không
muốn nói đến nó tí nào. Tên ông là Robert, còn họ thì mẹ quên hẳn, nếu như mẹ
từng biết.
Mẹ gặp cha con vào
cuối tháng Chín năm 1945, đúng ngày Béla Bartók qua đời (Béla Bartók
(1881-1945): Nhạc sĩ Hungary, là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong
nền âm nhạc thế kỷ 20). Chiếc môtô của ông màu đỏ và một số bộ phận mạ crôm.
Trên bình xăng có một logo màu trắng bạc là tên chiếc môtô, mẹ chỉ còn nhớ tên
đó bắt đầu bằng chữ A. Trí nhớ là một thứ không hoàn hảo và có xu hướng lựa
chọn đáng nguyền rủa như thế đấy. Có một lần, mẹ đổ xăng cho cha con, mẹ đứng
đó và nhìn cái logo chăm chú, nhưng mẹ chỉ có thể nhớ chữ cái đầu tiên. Song mẹ
vẫn nhớ câu chuyện ông kể về cuộc gặp gỡ một thủy thủ ở Singapore . Thế có lạ không ?
Còn những thứ khác
nữa. Ông ấy đeo vòng tay trên cổ tay phải, mẹ nghĩ thế. Ông cao, mảnh dẻ và ăn
vận giản dị, đeo dây quần. Dù mẹ không thể nhớ lại chi tiết gương mặt ông, mẹ
vẫn có cảm giác ông không phải là người đặc biệt điển trai, nhưng nói ngược lại
cũng không phải. Thực ra, không thể dùng tiêu chuẩn thông thường để nói về
Robert, ông ấy hầu như là một người khác thường. Có một điều mẹ nhớ rõ là cặp
mắt và cách ông nhìn. Một cặp mắt già giặn, dường như ông già hơn tuổi rất
nhiều (chắc hồi ấy ông mới ngoài ba mươi).
Còn gì nữa nhỉ ? Tất
cả hình như cách đây lâu lắm rồi, mẹ còn rất trẻ, mới mười chín tuổi và bất trị
như một con ngựa non háu đá, đủ thứ ước mơ điên rồ về hoạt động nghệ thuật và
sống gần thiên nhiên. Nhưng mẹ vẫn có thể nhìn thấy ông ấy. Sau khi xuất ngũ,
ông ấy để tóc dài và lúc phi môtô, ông ấy buộc tóc ra sau bằng cái khăn tay
lớn, màu xanh lơ. Mẹ đã nói rồi, ông ấy không điển trai theo kiểu chúng ta
thường định nghĩa, song ông ấy có một dáng người vô cùng hấp dẫn trong chiếc áo
khoác da, quần jeans, đi giày ống, đeo kính râm khi chúng ta cưỡi xe máy băng
qua những cây cầu cao ở Big Sur.
Hãy cho mẹ biết việc làm
nhà của con tiến hành đến đâu rồi. Còn ở đây, mọi sự yên ổn. Lúc nào đến chơi
với mẹ nhé. Bất chấp tất cả, mẹ vẫn nhớ cha con là một người đàn ông đằm thắm,
nồng hậu, dù chúng ta chỉ ở bên nhau có ba hoặc bốn ngày. Mẹ không ân hận gì
hết, vì cha đã cho mẹ một đứa con trai, là con.
Yêu thương,
Mẹ của con, Wynn
TB. Hôm qua, mẹ đã gặp
bà Marx và chuyển lời hỏi thăm của con. Bà ấy gửi lời chào con và vẫn coi con
như con trai, bà luôn nói đến Cody và con đấy. Thỉnh thoảng, con nhớ viết cho
bà ấy bức thư, ngắn thôi cũng được. Ông già Jonathan thân mến, bố dượng sáu năm
của con hồi còn bé, có ghé vào đây trên đường từ San Francisco đến bờ biển. Chúng ta đã đi
uống cà phê, và ông ấy kể với mẹ về quỹ tín thác của ông ấy, về cuốn tiểu
thuyết mà ông ấy đang cố xuất bản và hai người vợ gần đây nhất. Ông ấy mời mẹ
đi ăn tối, nhưng mẹ từ chối. Mẹ không biết trước kia đã nhìn thấy gì trong con
người ông ấy?
Carlisle McMillan lấy một tờ giấy và rút chiếc bút chì trong
túi áo sơmi. Một danh sách khá sơ sài, anh nghĩ, nhưng cũng ghi lại mọi manh
mối mà mẹ anh đã cho:
Tên “Robert”
Xe mô tô bắt đầu bằng
chữ “A”
Vòng tay?
Thế chiến II. Thái
Bình Dương. Lính thủy đánh bộ?
Nhà nhiếp ảnh trước và
trong chiến tranh
Tuổi = Ngoài ba mươi
Danh sách đó trải thành nhiều hàng trên bàn. Kín mặt bàn,
chia thành nhiều cột, anh có thể điền các tên mà anh sẽ tìm cho phù hợp giữa
tên, tuổi và những manh mối. Nhưng bắt đầu từ đâu? Anh cần phải tiếp cận, nhưng
không có gì ngoài một cuộc tìm kiếm bất tận qua các tạp chí và báo cũ.
- Carly, đồ nham hiểm, nghe thấy tiếng cậu mừng quá. Mẹ cậu
cho tớ số này đấy. Cậu đang làm cái quái gì và ở đâu thế? Bác Wynn bảo ở Dakota , Nam
hay Bắc gì đó. Nó có trên bản đồ không, hử? Có thể đi từ đây tới đó được không?
Có cần một loại hộ chiếu liên hành tinh để vào không đấy?
- Cậu đang ở đâu, hở Buddy?
- Oakland .
Trở lại cái việc xây dựng chết toi chết tiệt và cứ cuối tuần lại một mình uống
rượu đến gần chết để cố quên tất cả những việc xấu xa mình đã phạm phải tuần
trước. Nghe nói cậu đang xây cho mình một ngôi nhà hoặc sửa chữa căn nhà cũ hay
đại khái thế.
- Còn chuyện gái gẩm thì sao? Có cô nàng nào nghiêm chỉnh,
kích cỡ đàng hoàng không?
- Có vài khả năng. Tớ đang gặp gỡ một cô làm ở quán cà phê
trong vùng. Này Buddy, còn ý tưởng vĩ đại của cậu về cuộc sống làng quê thì thế
nào rồi?
- Chúa ơi, chuyện ấy nhộn lắm, Carly ạ. Cậu có nhớ tớ xuống
đấy vì một cô gái không? Nhớ chưa? Tớ đã viết và kể với cậu chân cô ấy dài hơn
tháng trước ấy mà. Tớ có thể “chia” cô ấy cho cậu nếu cậu xuống đây.
- Ờ, tớ nhớ rồi. Có chuyện gì vậy?
- Đang yên đang lành, cô ta bỏ đến công xã khác với một tay
chơi ghita phụ thuộc vào đủ loại hóa chất cứt đái và hát toàn những bài từ thời
những năm sáu mươi về hoa hoét, hòa bình và tình yêu tự do. Tớ khoái nhất thứ
cuối cùng. Còn cái nửa kia thì tớ chỉ là một con người trong toàn bộ cuộc thỏa
thuận, có đủ thứ kỹ năng. Thế là người ta cho tớ xây bếp và phòng ăn, phòng ngủ
tập thể cho trại lính, trong khi những người khác ngồi quanh quẩn hút ma túy và
nói về... cậu phát âm ra sao nhỉ, Neats-key à?... Một gã người Đức. Là nhà
triết học hay cái quái gì ấy.
- NE-
cái gì, là Friedrich Nietzsche.
(Friedrich Nietzsche
(1844-1900): Nhà triết học, nhà thơ và nhà ngữ văn cổ điển Đức, là một trong
những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19).
- Ừ, đúng thế đấy. Tớ ghét những thằng cha đại học như cậu,
Carly ạ. Nếu cậu không là tay thợ mộc cừ, tớ chẳng có gì mà chơi với cậu. Mà
này, cậu có thể hình dung ra, tớ làm sao nuốt nổi đủ thứ Neats-key và hòa
bình/tình yêu/hoa hoét hổ lốn ấy, thế là tớ rút dù ngay lập tức, sau khi cô
nàng trốn đi với cái tay ghita hoa hoét nọ. Tớ không nói lời từ biệt, cô nàng
cũng không. Cái thằng cha chơi ghita ấy chẳng đáng một chinh. Cậu có nhớ chúng
mình hay xuống nghe Jesse Lone Cat Fuller không? Cái anh chàng hòa bình và tình
yêu kia không thể ti toe bắt chước Jesse được.
Câu chuyện cứ tiếp tục cái đà ấy và cuối cùng, Carlisle nhắc đến cuộc tìm kiếm cha.
Buddy tuy nói năng xô bồ và cư xử phóng túng, nhưng lại là
người thực tế mỗi khi có việc cần xử lý. Như thường lệ, anh ta rất tự tin giải
quyết các vấn đề như thế.
- Cậu cứ để tớ đào bới quanh đây cho cậu, có khi đến tận Sacramento . Tớ vừa lên
đường đến đó được nửa giờ, hẹn hò một cô nàng tớ gặp ở buổi hòa nhạc Fleetwood
Mac tháng trước. Cô ấy không phải là người đẹp nhất, nhưng biết sử dụng thân
hình giống như cái bàn cưa vậy.
- Tớ quen biết vài người ở Sacramento có thể tiếp cận với các sổ sách
ghi chép về mua bán xe máy. Chúa ơi, đã hơn ba chục năm rồi, nhưng cái bọn cạo
giấy chết dẫm ấy giữ gìn giấy tờ kỹ lắm, biết đâu ta lại bới được chút gì đó.
Này, tớ đang ghi lại đây. Tên, Robert. Đúng không? Môtô của ông ấy bắt đầu bằng
chữ “A”. Mua ngay sau Thế chiến II, có lẽ tháng Tám hoặc tháng Chín 1945 hoặc
vào khoảng đó. Không biết có bao nhiêu xe máy được bán ở Vịnh Area ngay sau
chiến tranh nhỉ, hai, ba hay vô vàn đây.
- Mình không biết chắc ông ấy có mua nó ngay sau Thế chiến
không. Nhỡ ông ấy kiếm được ở một cái kho nào đấy lúc đi qua.
- Hay đấy, Carly. Nó sẽ thu hẹp được khoảng một nửa những xe
bán ở mọi nơi. Nhưng tớ sẽ ghi ý kiến ấy lại. Những thứ này không có trong máy
tính đâu. Phải đào bới bằng tay thôi. Tớ sẽ thử xem sao. A mà cậu nói cô ta làm
ở một nhà hàng trong vùng à?
- Ai kia?
- Cái cô mà cậu đang săn ấy, chứ còn ai.
- Ờ phải, nhưng tớ không thể gọi như thế là “săn”. Ở hiệu cà
phê Danny. Hiệu ấy có món bánh mì kẹp thịt gà tây nóng ngon nhất từ Omaha đến Cheyenne
đấy. Nhiều nước xốt và khoai tây nghiền.
- Nghe khoái đấy. Gà tây nóng và gái đẹp, hay lại là một
đường vòng nữa đây? Dù sao, tớ cũng sẽ liên hệ. Còn một việc nữa, Carly. Đừng
chết như một thằng ngố. Đấy là phương châm mới của tớ.
- Cái gì?
- Tớ đang lập một danh sách những cách tớ không muốn chết và
tránh các tình huống có thể xảy ra theo các cách đó.
- Ví dụ như?
- Không chết trong bệnh viện, đừng để chuyện đó xảy ra. Đấy
là một và là cơ bản. Thay vào đó, ngã từ mái nhà xuống hay hơn, lúc cậu đóng
xong tấm ván lợp cuối cùng ở ngôi nhà đẹp nhất cậu dựng. Cách ngớ ngẩn thứ hai
là bị một chiếc Cadillac 68 han gỉ, lốp mòn vẹt kéo lê đằng sau, ngay trước
siêu thị lúc bắt đầu xả hàng đồ lót nam giới.
- Còn một cách nữa: bị trúng mảnh vỡ của một máy cắt cỏ do
một người béo phì, sáu mươi tư tuổi làm tình nguyện viên cho cộng đồng điều
khiển. Tớ mới thống kê đến thế, song tớ sẽ làm tiếp. Lúc nào đó, tớ sẽ gửi cho
cậu danh sách hoàn chỉnh, cẩn thận nhé, Carly. Nói chuyện với cậu thú lắm. Tớ
sẽ báo cho cậu ngay nếu tìm được tin gì đó.
- Cảm ơn Buddy. Tớ cũng rất vui. Rất cảm ơn sự giúp đỡ của
cậu.
Bảy giờ sau, Buddy gọi lại. Có tiếng xe cộ chạy ầm ầm ở đằng
sau.
- Carly, tớ đây. Tớ đang ở bốt điện thoại Sacramento . Một em trẻ đẹp tên là Nancy ở bộ phận hồ sơ xe
máy đã giúp tớ. Không dễ tí nào, nhưng dễ hơn tớ tưởng. Mất ba tiếng đồng hồ
đào bới và chọn lọc, nhưng bọn tớ đã tìm ra vài thứ. Cậu có sẵn giấy bút chưa?
Trong tháng Tám và tháng Chín năm 1945, có 28 người mua xe máy ở San Francisco tên là Robert.
Hàng loạt xe Harley và Indian, nhưng chỉ có một chiếc bắt đầu bằng chữ A, tên
là Ariel Square Four, đăng ký sử dụng ngày 24 tháng Chín năm 1945. Chiếc Square
Four này chắc là loại...
- Buddy, tên. Ai mua xe ấy?
- Ờ nhỉ, một điều quan trọng. Tớ suýt quên. Tên là Robert L.
Kincaid. Không ghi địa chỉ ngoài một chữ chung chung là San Francisco . Cũng không có số điện thoại.
Cái xe ấy chắc không còn dùng được nữa, cũ quá rồi, ba mươi sáu năm trước mà.
- Đánh vần họ ông ta cho tớ.
Cariisle cẩn thận viết bằng chữ in lúc Buddy đánh vần.
- Tớ phải chạy đây, Carly. Cô nàng Bàn Cưa đang đợi trong xe
tớ, cách đây có một mét. May mắn nhé, nếu tớ có thể làm được gì thêm thì câu cứ
“ới” nhé.
- Cảm ơn Buddy. Như thế này là đã giúp tớ rồi.
- Có gì đâu. Tạm biệt.
Nói chuyện với Buddy xong, Carlisle
lập tức duyệt lại danh sách các manh mối của anh:
Tên “Robert”, họ có
thể là “Kincaid”, chữ ở giữa là “L”.
Xe máy bắt đầu bằng
chữ “A” - có thể là Ariel Square
Four.
Rõ ràng là mọi con đường trên biểu đồ đều bế tắc, ngoại trừ
việc xếp hạng nhà nhiếp ảnh và có thể dựa vào hồ sơ quân đội. Ngay sáng sớm hôm
sau, anh gọi điện cho mẹ và hỏi bà có quen biết bất cứ nhà nhiếp ảnh già nào để
anh có thể nói chuyện không.
- Carlisle , con phải làm
việc này vì cha con ư?
- Vâng.
Anh kể với mẹ những điều Buddy Reems phát hiện ra ở Sacramento .
- Kincaid ư? Giá mẹ có thể bảo con đấy là họ của ông ấy.
Nhưng nếu mẹ đã biết, mẹ vẫn không sao nhớ ra được. Như trước kia mẹ đã nói với
con, mẹ nghĩ ông ấy có kể với mẹ. Con có chắc là muốn tiếp tục việc này không, Carlisle ? Nó có thể dẫn đến sự thất vọng lớn cho con, có
khi cho cả hai mẹ con mình.
- Vâng, con chắc. Mà mẹ ơi, mẹ nghĩ ra một nhà nhiếp ảnh nào
đi để con nói chuyện, một người nào đó có thể biết về lịch sử và phát triển của
nghề nhiếp ảnh ở đất nước này.
- Có một người là Frank Moskowitz ở trong một căn nhà gỗ nhỏ
bên ngoài thành phố, trên các quả đồi gần Russian Gulch. Ông ấy độ bảy mươi
tuổi, mỗi khi đến phòng trưng bày đều chuyện trò thoải mái. Tác phẩm của ông ấy
xoàng thôi, nhưng ông ấy vẫn chụp ảnh ở đó. Để mẹ tìm số điện thoại cho con.
Bà cho con trai số điện thoại và nói thêm:
- Có một chi tiết mà mẹ chưa bao giờ kể với con. Mẹ cũng
không biết vì sao. Mẹ đoán là nó không đến trong tâm trí mẹ, cho đến lúc con
muốn mẹ nhớ lại toàn bộ chuyện này. Cha con và mẹ đi xe máy xuống bờ biển, đến
chỗ các con huệ biển (Loài hải cẩu lớn,
sống thành đàn, có da gai, lông rất thô) tụ tập. Khi chúng ta tới nơi, có
hai người đàn ông đang bắn hải cẩu bằng súng trường, chĩa súng tới, lui vào
giữa chúng. Toàn bộ cảnh tượng này làm mẹ sợ chết khiếp. Cha con bảo mẹ ở lại
bên xe máy và đi thẳng xuống chỗ hai người đang bắn kia. Ông đến chỗ họ, giằng
lấy súng rồi ném tõm xuống biển. Sau đó, họ quát tháo cha con và rõ là rất cáu.
Một người còn định đánh nhau, nhưng cha con không nhúc nhích, chỉ đứng đó và
nhìn họ trừng trừng. Lát sau, họ đi xuống bãi biển, còn cha con trở lại chỗ mẹ
đứng. Mẹ thấy ông rất giận dữ và mẹ hỏi ông đã nói gì với họ. Ông đáp: “Anh chỉ
báo họ rằng, tôi đã nhìn thấy trò giết chóc ngu dại đủ rồi, và nếu họ muốn tiếp
tục làm việc này, anh sẽ quẳng họ vào đúng chỗ vừa ném khẩu súng, vì đó cũng là
một hành động ngu dại”. Nếu trước đó mẹ có phần nào chưa yêu cha, thì sau sự
việc với đàn hải cẩu, mẹ đã yêu cha con trọn vẹn.
Hai mẹ con nói chuyện thêm vài phút nữa. Khi dứt chuyện, Carlisle ngay lập tức quay số mẹ anh vừa cho. Một giọng
già nua, cộc lốc trả lời:
- Moskowitz đây.
- Cái tên có vẻ quen quen. Không thể nói chắc được. Nếu ông
ta là người thực sự nổi tiếng, có thể tìm trong cuốn Who’s Who.
- Thưa ông Moskowitz, nếu một nhà nhiếp ảnh trong những năm
ba mươi được đi du lịch nhiều nơi, liệu bây giờ có còn làm việc không?
- Khó nói lắm. Thông thường chúng tôi lang thang đây đó phải
tự xoay xở lấy. Hồi ấy, không nhiều tạp chí có khả năng trang trải để cử người
ra nước ngoài. Thường chỉ là những tờ rất nổi tiếng, như Time, Life, Look,
National Geographic, đại loại thế.
Hình như ông Moskowitz bị cuốn vào câu chuyện và bắt đầu nói
về thiết bị máy ảnh và phim, về sự tức giận của ông khi xuất bản tác phẩm. Carlisle lễ độ lắng nghe, và lúc ông già ngừng để thở,
anh cảm ơn ông ta và nói mình có việc phải đi.
- Mẹ cậu là một phụ nữ tinh tế, cậu McMitlan ạ, một phụ nữ
rất tốt, dù bà ấy không chịu trưng bày tác phẩm của tôi ở gallery nơi bà làm
việc.
- Vâng, ai mà biết được ạ, thưa ông Moskowitz. Có lẽ đến một
lúc nào đó.
- Phải, có lẽ đến một lúc nào đó, - ông già nói và gác máy.
* * *
Sau rạng đông một giờ, không trung còn hơi giá buốt, Robert
Kincaid làm thủ tục rời khách sạn Oregon
và khởi động chiếc Harry, ông lắng nghe tiếng động cơ. Có gì đó không ổn, bị
nghẹt. Ông lấy hộp dụng cụ nhỏ ở đằng sau ghế và mặc chiếc parka nhẹ. Con
Đường cúi qua cửa xe, cố nhìn thấy chiếc mũ lúc Kincaid ngẩng lên. Kincaid vặn
van điều tiết và lắng nghe tiếng động cơ, ông gật đầu và nhẹ nhàng đậy mui xe.
Trở vào trong xe. “Chỉ là Thiền và tài khéo bảo dưỡng cái xe
cũ kỹ này thôi, Con Đường ạ. Chẳng có gì lãng mạn như ông Puwsig viết trong
cuốn sách của ông ấy, muốn chúng ta tin như cưỡi trên môtô. Dưới cái nắp đậy
của chiếc Harry chẳng có gì là Thiền nhiều lắm, đó là điều chắc chắn, ít nhất
là ta chẳng tìm thấy gì. Nhưng, ô tô không hề giống xe máy. Như Harry đây, nó
chạy trên đường của nó, không như cảm giác về con đường tốt như khi ta cưỡi
trên xe máy. Lẽ ra ta nên giữ chiếc Ariel. Ta có thể buộc mi vào đằng sau ta,
và để cái xe 500 phân khối ấy chở cả hai ta trên đường”.
Con Đường ngửi ngửi áo khoác của Kincaid, tìm những mùi khác
thường của buổi sáng; không thấy gì, nó nằm lại chỗ trên ghế xe trong lúc
Kincaid đeo kính và xem bản đồ, bật sưởi cho ấm buồng lái và lau sạch kính chắn
gió.
Ông quyết định đi theo đường 101, xuống phía Bắc California
rồi rẽ sang hướng đông, phương đó sẽ đưa ông hơi chệch về hướng nam Black
Hills, nhưng lúc nào ông cũng có thế rẽ lên phía bắc hoặc chạy qua Hills trên
đường về nhà.
Thái Bình Dương hiện ra giữa những quả núi thấp và xanh
tươi, Robert Kincaid lái chầm chậm theo con đường ven biển ngoằn ngoèo. Chiếc
xe nhẹ nhàng di chuyển lên dốc xuống đèo, hết đường cong bên trái lại bên phải.
Ông cố nhớ lại thực chất giấc mơ đêm qua. Trong lúc cơ thể
nghỉ ngơi, tâm trí ông trở lại Singapore ,
khi quốc đảo này hãy còn hoang sơ và không bị kiểm soát, là giao lộ của thế
giới. Là nơi của cướp biển, lính đánh thuê và buôn lậu. Đàn ông giắt dao ngang
hông, bản đồ trong túi và những mưu đồ vô đạo. Loại thế giới mà Robert Kincaid
từng mơ khi còn nhỏ.
Thời đó, những câu sáo rỗng hóa ra không phải là sáo rỗng.
Những cái quạt trần quay chầm chậm trên các khớp nối thô thiển, một người phụ
nữ tên là Juliet mặc bộ áo đen xẻ thấp, chơi dương cầm rất hay và hát những bài
của Kurt Weill. Một buổi tối, có hai người đàn ông suýt giết nhau để được cô
chú ý, tuy cô chẳng khuyến khích gì cuộc đua tài đó, và thực ra cô chẳng thích
người nào.
Kincaid nhớ cô, thích tiếng đàn giọng hát của cô. Anh mới
ngoài hai mươi, mới vừa lên đường và đi làm, còn người phụ nữ tên là Juliet ấy
lớn tuổi hơn anh nhiều, có lẽ khoảng bốn mươi. Giữa họ không xảy ra chuyện gì.
Ở tuổi ấy, anh sợ một phụ nữ như thế, vì cô có thể biết là
anh mù tịt chuyện giường chiếu và nhiều thứ loại đó. Anh ngồi trong bar
Raifles, uống hết cốc bia và nhìn xuống cái cốc, dường như đấy là một ống kính.
Hình ảnh Juliet méo mó nhưng vẫn đẹp, theo cách nghĩ của anh. Vài năm sau, anh
không biết cô ra sao trước khi quân Nhật tràn xuống. Cô rất lạc lõng. Những
người như Juliet luôn lạc lõng ở bất cứ nơi nào cần thoát. Cô cũng là một loại
cao bồi cuối cùng.
Lăn bánh xuống California ,
ông bắt đầu ngân nga, ậm ừ một bài mà Juliet tối nào cũng hát, ở bốn mươi năm
trước. Ông mang máng nhớ là bài Tango em
thủy thủ. Rồi một gương mặt trong mơ trở lại với ông, nhưng chỉ có cái tên,
Aabye. Bạn nghề đầu tiên trên con tàu Morrocan
Wind. Sao mình lại nhớ được tên con tàu ấy nhỉ, Kincaid cười một mình. Có
một số thứ cứ dính chặt trong đầu, những thứ khác thì không. Họ đã vài lần uống
bia cùng nhau ở quán Raffìes.
Aabye không có họ và nói đến mơ ước lớn lao trong đời là sở
hữu một con thuyền buồm dọc, nhưng biết mình không thể thành công về mặt tài
chính. Robert Kincaid kể anh vừa làm xong một tác phẩm ảnh về ngành thuyền buồm
dọc trên biển Đông, anh chú ý nhất đến một thuyền trưởng già, sắp nghỉ hưu và
đang tìm người kế nghiệp, để gìn giữ con thuyền có sẵn. Kincaid kể với người
tên là Aabye rằng về tiền nong, vẫn có cách thu xếp được, vì ông thuyền trưởng
kia vô cùng yêu quý con thuyền xinh đẹp của mình. Con thuyền buồm dọc đó mang
tên Paladin, và Kincaid chỉ đường cho
Aabye đến chỗ nó đậu trong bến cảng. Người bạn nghề bắt tay và cảm ơn Kincaid,
rồi ra đi tìm con thuyền buồm mang tên Paladin.
Những hồi ức ấy cứ lan vào giấc mơ. Robert Kincaid có hàng
trăm, hàng ngàn hồi ức như thế. Đi về hướng nam theo đường ven biển Oregon, ông
nhìn về hướng Tây phía Singapore và tự hỏi liệu người tên là Aabve có tìm ra
con thuyền không và hy vọng là có, ở đó đang là những ngày cuối cùng của ngành
thuyền buồm dọc. Ông luôn băn khoăn về Juliet và Aabye, về Maria và Jack cùng
nhiều người khác cùng thời với ông trên cõi nhân gian này. Ông nhớ đến tất cả
bọn họ, nồng nhiệt và biết ơn họ vì những hồi ức.
Một ngọn hải đăng xuất hiện bên tay phải, và ông tự động ghi
vào trí nhớ, tính đến một cảnh chụp. Ông quyết định cứ đi qua, đã có quá nhiều
ảnh chụp hải đăng trong nắng sớm rồi.
Chạy tiếp trên đường, ông vẫn nghĩ đến ngọn hải đăng và lựa
chọn các khả năng. Ở một chỗ đường tránh, nơi các du khách có thể lái thuyền
thoi và chụp cảnh biển xa xa, ông dừng xe và tìm các cuộn phim Tri-X. Lẫn trong
những cuộn phim đó là cuộn Kodak Techinal-Pan duy nhất, tốc độ ASA 25, một loại
phim tốc độ chậm, thiết kế cho việc sao chép các bức vẽ bằng bút chì hoặc bút
mực và các đồ thị.
Nhưng T-Pan có một đặc điểm khác thường. Nếu để nó ở tốc độ
nhanh hơn và rửa theo kiểu không chính thống, nó sẽ gần như bay hết các sắc độ
trung gian và thể hiện chủ đề bằng màu đen và trắng tuyệt đối, làm chủ đề hiện
ra lồ lộ ngay trước mắt người xem. Trước kia, ông đã sử dụng kỹ thuật này ở Scotland ,
trên quần đảo Glencoe. Một thành lũy nhỏ ở một trăm mét ngoài khơi, trên hòn
đảo chỉ đủ rộng để chứa nó, hình ảnh tinh khôi của thành lũy phản chiếu trong
nước vây quanh. Ở bản in cuối cùng, màu xám của các bức tường thành và các tháp
canh biến thành màu trắng, nước xung quanh màu đen, và bức ảnh trông như thành
lũy ngồi trên hình phản chiếu của nó. Ông có thể xử lý ngọn hải đăng theo kiểu
tương tự, nhưng sẽ làm nghiêng ảnh.
Ông lái xe trở lại con đường ven biển, ngắm ngọn hải đăng
qua một cái khung tưởng tượng trong đầu, cho đến khi ở đúng vị trí cho bức ảnh.
Lái về phía bờ đường, ông lấy một chiếc Nikon F trong balô và lắp phim T-Pan.
Lúc Kincaid mặc áo làm việc và kéo cái giá ba chân ra, Con Đường nhảy xuống xe
và gí mũi trên mặt đất, bắt đầu trò tìm kiếm - và - phát hiện thông thường của
nó.
Kincaid đá từng cái chân của giá máy một cách thành thạo, và
các chân tõe ra.
Ông thoăn thoắt chỉnh độ cao, biết rằng không cần nghĩ đến
vị trí ông muốn đặt máy. Ông buộc chặt máy vào giá và lấy dây máy ảnh trong túi
áo bên phải.
Đầu óc Kincaid lại làm việc, trở lại với nếp chọn lọc và suy
nghĩ, đồng thời tổng hợp cảnh chụp và phân tích kỹ thuật cần thiết. Trong lúc
vặn dây máy vào chiếc Nikon, mặt ông rạng một nụ cười, rồi cười to. Con Đường
nhìn ông, ngơ ngác.
- Chó ơi, ta chỉ cười vì ta ở đây, làm cái việc ta thành
thạo nhất và nhận ra gần đây ta đã không làm việc đủ. - Ông cảm thấy sức khỏe,
nghị lực và sức mạnh nay đã trở lại, ùa vào cơ thể ông, trong vài năm gần đây
chúng âm ỉ vì chán nản và thương thân.
Robert Kincaid, một trong những người làm ảnh lão luyện, một
người quá ư mơ mộng đã đưa quan điểm thích đáng nhất của ông tới hàng triệu độc
giả của sách và tạp chí, nay lại làm việc. Ông cúi người, nhìn qua kính ngắm,
chỉnh máy hơi nghiêng và sẵn sàng để chụp. Ông có thể nhìn thấy thành lũy ở Scotland
và bố trí bức ảnh đó lên trên bức ông đang chụp, nhớ lại các trình tự kỹ thuật
và sắp xếp kế hoạch làm việc.
Như thường lệ, nguyên tắc của ông là dù có chụp hay không,
ông vẫn hình dung bức ảnh đã đóng khung và treo trên tường. Liệu nó có là thứ
để ông sống chung trong nhiều tháng, nhiều năm mà không chán? Nếu có, bức ảnh
xứng với số phim và sự nỗ lực. Nếu không, ông gói ghém đồ đạc và đi tiếp.
Ông hình dung bản in lần cuối trông ra sao, theo đúng kiểu
ông muốn. Ông nghĩ đến thời gian để tráng phim, rửa và in, hoàn tất kết quả.
Rút thước đo ánh sáng và đọc chữ đầu. Cái bóng nổi bật trên nền bê tông trắng
của cây hải đăng. Một bức ảnh có độ tương phản cao với phim tương phản cao;
phải cẩn thận đây. Robert Kincaid xoay ống kính trên máy. Hơi quá lâu, để lấy
một chi tiết của cái bóng và nhớ lại những chỗ nổi bật nhất phai màu khi ông
tráng phim, cố định phần còn lại khi ông rửa ảnh. Ông thả dây máy, bấm hình ảnh
phản chiếu đánh tách và ông biết bức ảnh có khả năng là đẹp. Lại một lần nữa,
vẫn bố cục ấy, chỉ phải xử lý âm bản nhiều hơn thôi.
Xong việc, ông vắt máy ảnh lên vai và lật phần trên chân máy
xuống, nới lỏng để các chân chụm vào với nhau. Ông rót một tách cà phê trong
phích trên xe, mở gói Milky Way và ngồi trên tảng đá, ông nhìn bao quát Thái
Bình Dương trong lúc xoa xoa tai con chó và nhớ đến cặp vợ chồng già mà ông ở
nhờ gần hai tuần trong thời gian làm việc ở Scotland. Ông ở đấy đúng dịp họ kỷ
niệm năm mươi năm ngày cưới, dân làng tổ chức tiệc mừng, nhiều viôlông, kèn túi
và rất nhiều tiếng cười. Một cô gái cố dạy ông một vũ điệu truyền thống, và cả
làng cười vì ông ráng sức bắt chước các bước đi chiến thắng của một chiến binh
vùng cao nguyên. Robert Kincaid cũng cười. Ông mua tặng cặp vợ chồng già một
đôi chén trà kèm đĩa lót bằng sứ. Họ và ông trao đổi thư từ suốt chín năm sau,
cho đến khi ông không nghe được tin gì về họ nữa. Cuối cùng, một người hàng xóm
của họ viết thư báo tin họ đã qua đời, người nọ cách người kia hai tháng. Bà vợ
mất trước, và ông chồng mất sau đó ít lâu. Theo người hàng xóm, không rõ bà ta
mất vì lẽ gì, còn ông chồng vì đau tim.
Một đụn mây đã hình thành ở xa, trên mặt nước, có lẽ cách
hai mươi dặm, nhưng nơi Robert Kincaid ngồi, mặt trời vẫn còn ấm, và ông ngồi
đó một lúc lâu, chậm rãi nhai kẹo, ở lại bao lâu ông không biết chắc và cũng
không quan tâm.
tiếp phần 3: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2015/06/mot-ngan-con-uong-que-robert-james_15.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét