Một ngàn con đường quê
(Phần kết “Những cây cầu ở quận Madison ”)
Tác giả: Robert James Waller
Dịch giả: Thanh Vân
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2013
Francesca
Một buổi sáng nữa của một ngày nữa trong cuộc đời đang tàn,
Francesca Johnson đi đôi ủng đã mòn gót, chuẩn bị cuộc đi dạo hàng ngày. Bà
buộc chặt mớ tóc dài, chụp cái mũ nồi lên đầu và lấy chiếc áo khoác len trên
mắc gần cửa bếp. Lối dẫn đến nhà bà đã được ốp ván, và lúc đi xuống con đường
hàng quận, bà thầm nhớ phải bảo Tom Winkler mang máy ủi đến sửa con đường này
trước mùa đông, Khi Iowa bắt đầu có sương giá, sẽ chẳng sửa chữa đường xá được
gì nữa, cho đến tân mùa xuân.
Tháng Mười một, ánh nắng đã chuyển từ sắc cam nóng của mùa
hè thành màu vàng vọt. Nhưng cho đến nay, ban ngày vẫn lặng gió và cuộc đi dạo
của bà vẫn khá dễ chịu dù không khí hơi tê buốt.
Hôm nay bà rẽ phải, nhằm đến cầu Roseman. Nửa dặm đầu, con
đường vắng vẻ, bên kia đường mùa màng đã thu hoạch từ một tháng trước, cánh
đồng lởm chởm gốc rạ, và Iowa
bắt đầu náu mình thêm một mùa đông bất tận. Một xe chở ngũ cốc chạy qua, nhằm
thẳng tới Winterset. Người lái xe vẫy tay và Francesca vẫy trả. Vài phút sau,
bà nghe thấy tiếng ôtô ở đằng sau và tránh đường.
Floyd Clark trong chiếc xe tải Chevy mới tinh, chạy chậm lại
và đỗ.
- Chào Frannie. Dạo này chị làm gì?
- Chào Floyd. Anh biết đấy, vẫn thế thôi. Lắp nhựa lên cửa
sổ hướng bắc, trét lại những.... khác. Chuẩn bị nhà cửa sẵn sàng cho một mùa
đông nữa. - Bà mong Floyd không tận dụng cơ hội hỏi thêm.
- Nếu chị cần giúp nâng, nhấc gì đó, tôi và cháu Matt sẵn
sàng giúp một tay. Lưng nó khỏe, không như người già chúng ta, suốt đời cứ phải
cố hơn là làm vừa sức.
Francesca cảm ơn ông và biết ông nói thật. Đau lưng là bệnh
cố hữu của nông dân Iowa .
Lúc nào cũng có những thứ nặng cần di chuyển, và hình như những lúc đó chẳng có
ai quanh đấy để giúp. Thế là họ phải tự làm và chịu hậu quả. Lưng Richard đã
làm ông đau đớn suốt mười năm cuối đời.
Một ví dụ nữa, Francesca nghĩ, về sự khao khát vượt qua ý
kiến phán xét của làng xóm, một điều mà bà biết quá rõ. Nhưng ngày trước, bà
hiểu ngược lại, và ai mà nói được sự thật ở đâu trong những vấn đề như thế.
Floyd sốt ruột, nghịch nghịch cái gương cạnh xe. Francesca
nghĩ ông ta xuống đường cốt để mời bà đi chơi, ví như khiêu vũ Năm Mới ở Legion
chẳng hạn.
Floyd Clark chẳng có gì không tốt, nhưng cũng chẳng có gì
đặc biệt. Tóm lại, tình cảm của bà không hơn cũng không kém, bà chỉ không thích
tạo lập mối quan hệ nào với ông ta, tuy có thể nó bình thường và vô hại. Cũng
không phải vì câu chuyện bàn tán ở các quán cà phê (“Tôi nhìn thấy Floyd Clark
ve vãn Frannie Johnson. Đừng trách ông ấy. Bà ấy trông vẫn trẻ đẹp hơn tuổi,
còn sinh thời Marge, bà ấy làm ông ta đến chết vì tật hay bép xép”. “Chẳng biết
nữa Arch ạ, cái bà Johnson này có gì khác người lắm, tôi cũng chẳng biết chắc
là cái gì, nhưng cứ như bà ta không hẳn như chúng ta vậy”). Thật dễ hiểu,
Francesca chẳng quan tâm và cố tỏ ra nhã nhặn, vậy thôi.
Bà quyết chặn đứng mọi chuyện bằng cách nói, có phần dối
trá:
- Có lẽ năm nay tôi sẽ đi tránh rét một thời
gian. Cháu Michael mời tôi đến Florida
nghỉ. Xem chừng thế cũng hay, và tôi nghĩ là sẽ nhận lời. - Michael chưa mời
bà, nhưng anh sẽ mời. Trước kia bà đã đi một lần, và một lần là đủ. Các cháu
của bà rất ngoan, nhưng cảm xúc nghỉ ngơi giả tạo khiến bà khó chịu, và người
vợ mới của Michael - vợ thứ hai của anh - đối với bà khá lạnh nhạt.
Mặt Floyd Clark xịu xuống gần như không thể nhận thấy, nhưng
ông ta trấn tĩnh ngay.
- Thế à, không thể trách gì chị. Tôi và Marge đã qua vài mùa
đông ở Brownsville , Texas , và chúng tôi đã mừng quýnh lên khi
được đi tránh rét một thời gian.
Francesca nhớ lại Marge Floyd cứ nói, nói mãi về những mùa
đông đi tránh rét của họ ở Texas .
Những hoạt động có tổ chức, những trò chơi, những cuộc thi đánh gôn, những cuộc
khiêu vũ bốn cặp theo hình vuông và những bữa tiệc cocktail do Phòng thương mại
Brownsville tổ
chức.
Bà lặng thinh, không trả lời Floyd, nhìn xuống đôi ủng của
mình và sự im lặng giữa họ mỗi lúc một thêm khó chịu. Cuối cùng ông ta nói:
- Tốt hơn hết là tôi về nhà để biết chắc cháu Matt không thế
chấp nông trại cho người tài trợ, vì những mưu đồ mở rộng không bao giờ kết
thúc của nó. Chị vẫn giữ đất của mình chứ, Frannie?
- Ồ vâng, tôi nghĩ thế, anh Floyd ạ. Tôi chưa hề có ý định
bán đất, mặc dù tuần nào cũng có ít nhất một cú điện thoại của người buôn bán
bất động sản hỏi mua. Tôi đoán giá đất lúc này đang cao khủng khiếp.
Bà không muốn nói đến lý do ở lại mảnh đất này, ở lại quận Madison . Bà không nói nhỡ
từ nơi nào đó, một ngày nào đó có một người đàn ông tên là Robert Kincaid đến
tìm bà. Đây là một hy vọng lãng mạn, hão huyền mà chỉ các cô gái mới vương vấn,
nhưng dù sao bà vẫn níu giữ.
- Phải, đất đai sắp đem bán hết. Cạnh chúng ta đã có hai
trăm bốn mươi mẫu rao bán, và có khi cháu Matt nhà tôi nói đúng, lúc nào nó
cũng nói chúng tôi nên mua chỉ với mục đích đầu tư. Nó bảo, người ta sẽ chẳng
làm gì hơn được.
Francesca mỉm cười, không xác nhận ngoài việc tỏ ra đang
lắng nghe. Bà đã chán, thầm mong Floyd vào số và đi đi.
Lát sau, ông nói:
- Bảo trọng nhé, Frannie. Hẹn gặp chị sau.
- Tạm biệt Floyd. Cảm ơn anh đã đỗ lại và nói chuyện.
- Ồ, bất cứ lúc nào. Thấy chị tươi tắn thế tôi cũng mừng.
Floyd Clark lái chiếc Chevy khỏi vết xe lún sâu vào lớp bùn
đông giá, nảy lên, đi xa dần và nhằm tới những kế hoạch mở rộng của cậu con
trai Matt. Rốt cuộc, ông nhượng bộ và đồng ý với Matt, sau đó họ trả gần gấp
đôi giá trị thực của hai trăm bốn mươi mẫu đất.
Mười tám tháng sau, giá đất ở Iowa giảm 40%, là một giai
đoạn hỗn loạn, chao đảo của miền Trung Tây, và Floyd trách móc các chủ nhà băng
đã đẩy họ vào cảnh rối ren.
Ngay sau cuộc trò chuyện với Floyd, Francesca rẽ vào con
đường vòng và có thể nhìn thấy cầu Roseman. Lúc này, tim bà luôn đập rộn ràng.
Bà nhớ đã rẽ vào con đường vòng này trên chiếc xe tên là Harry vào giữa tháng
Tám, mặt trời sáng lóa trên đất, khi người tên là Robert Kincaid bước vào đời
bà chỉ ít phút trước.
Bà nhớ lại ông đã mỉm cười ra sao khi nhìn thấy cây cầu lần
đầu và nói: “Tuyệt quá. Một bức ảnh lúc bình minh”. Rồi ông đi theo con đường,
balô khoác trên vai, ngắm nghía cây cầu, dự kiến sẽ chụp như thế nào. Bà nhớ đã
giữ bó hoa cúc dại ông hái tặng, để cảm ơn bà chỉ đường đến cây cầu.
Rồi sau đó là uống trà chanh trong bếp, chuyện trò thoải mái
về cuộc sống của ông và của bà. Chai bia để trong thùng lạnh của ông, rồi món
súp rau hầm bà nấu và cuộc đi dạo trên bãi cỏ lúc bữa ăn đã xong. Rồi sau đó là
brandy và cà phê.
Cầu Roseman đứng im lìm trong buổi sáng tháng Mười một, ngọn
gió Tây Bắc ào tới làm những cây kế màu nâu sột soạt, và những chiếc lá vẫn giữ
nguyên trong mùa thu. Cây cầu sơn màu xám và đỏ nhạt, tróc lở và nghiêng hơn
năm 1965, dường như nó cố chạm tới làn nước bên dưới. Hình như nó đang chết,
một cái chết từ từ sau khi đã tồn tại một trăm năm, và hiển nhiên là chẳng có
ai quan tâm đến nó đang tàn tạ.
Mùa này, sông Middle cạn và trong trẻo, trước khi chịu thua
và đóng băng lại trong mùa đông. Nó chảy róc rách và sủi bọt quanh tảng đá mà
Robert Kincaid đã đứng và ngước nhìn Francesca Johnson, lúc bà ngó qua kẽ hở
trên thành cầu.
Những tảng đá và dòng sông, các cây cầu mái là những thứ
đang tồn tại. Những thứ không tồn tại là những đêm tháng Tám nóng nực và mọi
cảm giác chúng đem lại, chúng ta cứ sống tiếp không có chúng và rốt cuộc, chết
đi chẳng để lại dấu vết gì của bản thân hoặc của người chị em vừa suy đồi vừa
được quý trọng, cùng chung trí tuệ và thân xác là vợ một nông dâu Iowa.
Bà mỉm cười khi nhớ lại một chuyện Robert Kincaid kể với bà.
Anh đang ở dưới một cây cầu khác, ở lúc khác, đi ủng cao su
đến đầu gối, dùng ống kính góc độ rộng để tạo cảm giác cây cầu chạy vào khoảng
xa bên trên. Lúc chụp xong, ủng của anh dính chặt trong bùn. Anh mất thăng bằng
và ngã ngửa ra sau, giơ vội máy ảnh lên cao để bảo vệ. Bẹt, anh nằm thẳng cẳng,
lưng chìm vào bùn, còn đôi ủng vẫn đứng thẳng giữa đống bẩn tưởi.
- Anh nằm trong bùn, nhìn lên trời và cười nhạo mình. Anh bỏ
đi, bàn chân đi bít tất và giặt sạch ở chỗ ngược dòng xa hơn. Tuy vậy, đã chụp
được ảnh. Đấy mới là việc quan trọng.
Chị nhận xét về việc anh có thể cười nhạo mình dễ thế. Trong
những ngày họ ở bên nhau, anh đã cười như thế vài lần.
Kincaid mỉm cười và nói:
- Anh thường hình dung có hai thứ chỉ rõ độ trưởng thành.
Một là biết cười nhạo mình. Hầu hết mọi người coi bản thân và cuộc sống của họ
quan trọng hơn hoàn cảnh gây ra rất nhiều, và phiền lòng khi thấy cuối cùng,
toàn bộ sự việc thật ngớ ngẩn. Anh buộc mình phải vui bằng cách cười nhạo mọi
việc ngớ ngẩn mình làm. Mà anh ngớ ngẩn nhiều lắm, vì vậy phần lớn thời gian,
anh khá là vui.
Francesca đã hỏi, anh coi cái gì là dấu hiệu thứ hai của sự
trưởng thành.
- Là biết cười thán phục thành công của người khác, thay cho
sưng sỉa vì đố kỵ, - anh nói ngay không hề ngập ngừng. - Anh nhớ lần đầu tiên
được nghe Bach, phản ứng tức thời của anh là cười. Sau đó, anh có phản ứng hợp
lý hơn, cảm nhận cái hay của tác phẩm và anh cố duy trì quan điểm đó. Có lần
trước Thế chiến, anh ngồi trong quán cà phê ở Paris và lắng nghe một tay chơi
ghita, một người gypsy tên là Django Rainhardt, anh ta chỉ còn ba ngón
tay cử động được - hai ngón kia không còn sử dụng vì một vụ hỏa hoạn - nhưng
vẫn chơi với tốc độ và sự thuần thục khó tin nổi. Anh cũng có phản ứng tương
tự. Thán phục, chứ không ghen tị.
Anh giơ bàn tay trái lên, ngón đeo nhẫn và ngón út gập vào
lòng bàn tay, ngọ nguậy ngón tay cái và hai ngón kia như đang chơi ghita.
- Trong đống tài liệu của anh, có một bức ảnh chụp Django
Rainhardt dựa vào một ngôi nhà, đang hút thuốc, áo mưa vắt trên vai. Chỉ có hai
ngón tay và ngón cái. Thật khó tin. Còn những bức ảnh về cuộc cách mạng Mexico
của một nhà nhiếp ảnh anh không biết tên, làm bằng những thiết bị và phim thô
sơ hơn của anh nhiều. Những bức ảnh tuyệt đẹp, một tác phẩm phi thường. Các pho
tượng của Theodore Roszak, tranh của Picasso và bao thứ khác nữa. Thay cho cảm
giác đố kỵ, ta chỉ nên mỉm cười và cố làm tốt hơn công việc của mình. Hãy cố
gắng vượt qua những hạn chế của mình, đừng bận tâm chê bai nếu thành quả của
người khác có khiếm khuyết. Không làm việc theo kiểu đa số trông mong; vì hình
như họ làm ngược lại. Anh đoán vì làm việc thì vất vả hơn rên rỉ than vãn
nhiều.
Robert Kincaid ngừng và lại mỉm cười.
- Cứ hỏi người nào sống cô đơn nhiều như anh một câu đơn
giản thôi, em sẽ bị nghe một bài diễn giảng dài lê thê, nhiều hơn điều em cần
biết và hỏi lúc đầu rất nhiều. Anh xin lỗi.
Mười sáu năm sau, Francesca đặt bàn tay lên thành cầu bên
trái, nơi bà đã để lại bức thư cho ông. Nếu
anh muốn ăn tối lần nữa, tối nay làm xong việc, khi “bướm đêm trắng muốt
bay", anh ghé đến nhé. Bất cứ lúc nào cũng được.
Chúa ơi, cái gì ám ảnh khiến bà làm việc đó nhỉ, bà tự hỏi,
như bà đã tự hỏi mình biết bao lần. Sự liều lĩnh, sự cuốn hút ghê gớm của con
súc sắc nguy hại trong một cuộc sống khác, không thể chê trách. Thời điểm quyết
định là lúc người chị em suy đồi và được yêu quý thế chỗ bà trong bốn ngày đó,
bốn ngày của một biến cố ngưng đọng đến lạ kỳ và không bao giờ tiêu tan.
Chà, bà mỉm cười một mình, nhưng mình sẽ làm lại việc đó lần
nữa với ông ấy, vì ông ấy. Mình cho rằng, lầm lỗi to lớn của mình là không hề
cảm thấy ân hận và sẽ không bao giờ ằn hận, trừ một lúc xao xuyến.
Một con bồ câu bay từ chỗ nó ngủ bên trong cầu làm bà giật
mình. Bà rời tay nơi bà vừa chạm lên lớp gỗ cũ và bắt đầu chặng đi bộ dài về
nhà, những bước đi giống như cuộc đời bà, một loại chừng mực khiến bà đôi khi
muốn gào thét. Bằng cách riêng của mình, Robert Kincaid đã giúp bà nín bặt
tiếng thét và bà có thể nín lặng mãi về sau.
Sự tao nhã của ý nghĩ bất chợt
Robert Kincaid trôi giạt về phía nam qua Oregon , men theo bờ biển. Ông đã xuống đây
vài lần, từ bảy hoặc tám năm trước, và thêm một lần nữa, chuyến đi xuyên Mỹ này
dường như mới mẻ với con mắt ông.
Trong vịnh Coos, những người đàn ông đang dỡ một tàu chở
hàng, và Kincaid dùng ống kính 200 li chộp được hình ảnh một người trên bờ với
lên cao hướng dẫn thùng hàng, ở Bandon, một người đàn bà già cả đã lùng sục các
bãi biển nhiều thập kỷ và trưng bày những món bà ta giữ gìn ở trong, xung quanh
và trên nóc căn nhà nhỏ bằng gỗ. Bà lão đã ngoài tám mươi tuổi, mớ tóc xám xỉn
mọc tua tủa, và mang dấu tích khắc nghiệt của bao năm tháng ngấm gió biển.
Nhưng bà có nghị lực và sự linh lợi của người trẻ hơn nhiều.
Bà lão ngắm Kincaid lục lọi bên ngoài, nơi có ít nhất năm
chục cái phao nhiều màu đã phai, treo trên một cọc rào.
- Vào đây mà xem, ông bạn. Có nhiều thứ đẹp, ông có thể mang
về nhà làm kỷ niệm.
Bà lão có những cái chai từ Australia bị sóng biển, giông bão
và thủy triều quăng lên bờ. Những mảnh gỗ trôi giạt lợp nguyên trạng. Một phần
thân con thuyền đánh cá dựa vào chấn song ngoài hiên, trên đó còn tay cầm của
một mái chèo gẫy. Một cái răng cá mập treo bằng sợi dây vào tay cầm của mái
chèo. Danh mục dường như vô tận và chắc chỉ mới gần hết, tuy vượt ra ngoài mọi
sắp xếp trong vật lý học, toán học và sự nhạy cảm của con người, trong đó có
vài thứ thực sự giá trị.
Kincaid nhận thấy ánh nắng cuối buổi sáng tình cờ chiếu lên
một đống chai kích thước khác nhau trên một trong những cửa sổ, và hỏi ông chụp
ảnh có được không? Bà lão bảo ông thích thì cứ chụp, miễn là không làm vỡ cái
gì, còn bà bận rửa sạch các vỏ sò, vỏ ốc.
Ông ngắm nghía đống chai. Ánh sáng cắt qua một cái bình thủy
tinh trên giá và khúc xạ lên một chai to màu xanh, sau đó cong lại và xuyên qua
một chai thót cổ, mảnh dẻ đựng vang, trên thành ghi rõ Italy 1940. Hiệu ứng chung là một
loạt lăng kính hòa trộn ánh nắng với các màu khác nhau của thủy tinh. Không một
người chụp ảnh tĩnh vật nào - dù điều hành một studio tinh tế - có thể bố trí
chúng tốt hơn, và sự tao nhã của ý nghĩ bất chợt bao giờ cũng mê hoặc Kincaid.
Ông gọi nó là vẻ đẹp ngẫu hứng. Những kiểu như thế có ở khắp nơi, miễn là ta
biết cách nhìn ra chúng. Kincaid mất mười lăm phút chuẩn bị chụp và hai mươi
giây thực hiện các thao tác kỹ thuật để ánh chớp như rực cháy và uốn lượn trên
phim.
Sau khi gói ghém dụng cụ, Kincaid hỏi bà lão có bán chai
vang Ý không. Bà lão lé mắt nhìn ông trong bộ quần áo xuềnh xoàng và nói hai
đôla là được rồi. Bà lão gói cái chai bằng giấy xốp và lấy dây buộc chặt lại.
- Nếu ông thích, hãy mua cái răng cá voi ở đằng sau luôn
thể.
Kincaid cảm ơn bà, nhưng nói hiện giờ ông đã có đủ các loại
răng cá voi, rồi ông lái xe theo đường ven biển, nhằm thẳng hướng Nam .
Bãi biển Golden xuất hiện ở cửa sông Rogue. Ông chụp ảnh con
tàu chìm nửa chừng, dùng thêm năm ảnh nữa trong cuộn phim Technical-Pan. Một
người đàn ông dừng lại bắt chuyện, nói ông ta cung cấp các mặt hàng cho một
khách sạn du lịch ở thượng nguồn, nếu Kincaid muốn đến đấy và đi cùng cho có
bầu có bạn, ông ta sẽ thết ông bữa trưa. Con Đường có vẻ thiếu tin tưởng vào
cái xuồng, nhưng Kincaid đã nhấc nó vào và xuồng nổ máy, tai con chó cụp lại,
mắt nó đầy kinh hãi. Ba giờ sau, họ trở lại cửa sông Rogue. Kincaid tìm thấy
một khách sạn bên mép nước và sáng sớm hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Chiều đã muộn, ông vào bắc California và chạy qua vùng rừng. Nửa giờ
sau, Mendocino xuất hiện; về một số mặt - những mái nhà dãi dầu mưa gió, những
cọc hàng rào, luống hoa ngăn cách bằng đá và gỗ trôi giạt - giống như một làng
chài New Englanđ chuyển đến Bờ Tây. Nó nằm yên tĩnh trên một bán đảo nhỏ nhô ra
Thái Bình Dương, với nhiều cánh rừng gỗ đỏ ven Đường Một trên đất liền.
Kincaid đỗ ở trạm Cheyron trên Đường Cái và đổ xăng. Ông đi
quanh chiếc Harry và lo lắng vì lốp trái ở đằng trước. Nhân viên trạm xăng kiểm
tra lốp xe và nói nó xẹp lắm rồi.
- Có lẽ bị thủng. Ông có muốn tôi xem hộ không?
Kincaid đồng ý và đi lang thang lên phố Main ,
liếc nhìn vào tủ kính các cửa hàng. Nhiều hiệu sách, hiệu đồ cổ, hai quán bar,
vài hiệu cà phê và một số phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Ông rẽ lên
phía bắc ở Kasten và dừng chân ngắm một bức ảnh trong tủ của phòng trưng bày.
Tên nhà nhiếp ảnh là Heather Michaels. Tác phẩm của bà cũng thường nhưng có
nghề, tập trung vào phong cảnh đen-trắng. Khuynh hướng và chi tiết cho ông thấy
Heather Michaels chụp bằng máy ảnh khổ lớn, chắc là 4x5.
Robert Kincaid đứng đó, tay thọc vào túi và ngắm nghía các
bức ảnh. Con Đường ngồi cạnh chân phải ông và nhìn Kincaid đang ngắm các thứ
trong tủ kính. Trong phòng, một phụ nữ mảnh dẻ trạc năm mươi nhăm tuổi, mặc váy
dài màu xám, áo trắng muốt cài đến cổ, quàng khăn đen đang nói chuyện với một
khách hàng. Kincaid nhìn bà qua kính rất rõ, bà ta đứng, mặt nhìn nghiêng,
nhưng mớ tóc dài buộc gọn và cách bà dùng bàn tay để nhấn mạnh các ưu điểm của
tác phẩm có một cái gì đó khiến ông chú ý. Một nhận biết thoáng qua chợt đến
trong tâm trí ông, rời bỏ ông, rồi trở lại lần nữa. Một cảm giác buồn buồn,
ngưa ngứa lan trong trí nhớ. Ở đâu? Bao giờ? Mái tóc dài, đôi bàn tay khoa lên
gần như theo nhịp nhạc.
Người phụ nữ thay đổi tư thế lúc chỉ cho khách hàng một tác
phẩm khác. Ông có thể nhìn rõ mặt bà hơn, tuy những phản chiếu trong gương làm
hình ảnh bà thay đổi chút ít.
Bên trong, Wynn McMillan liếc qua vị khách, thấy một người
đàn ông ngoài cửa kính, trông tò mò. Diện mạo chung của ông ta khiến bà chú ý
ngay từ đầu. Ông ta đã già, nhưng đồng thời cũng không già. Cao và mảnh khảnh,
mặc quần jeans, sơmi kaki và đeo dây quần. Có đủ loại người khác thường đi qua
Mendocino, nhưng người đàn ông này có một cái gì đó vượt xa sự thông thường,
một cái gì đó gần như quen thuộc.
Nắng chiếu xuống và gặp ngay bên phải gương mặt ông ta, hắt
vào mái tóc dài, hoa râm, rẽ ngôi giữa từ đỉnh đầu, chải ra sau và hai bên. Gió
biển thổi tung tóc ông, ông ta giơ tay gạt khỏi gương mặt, kéo sợi dây quần màu
cam lên cao hơn trên vai, chỉnh bao đựng con dao Thụy Sĩ trên thắt lưng. Mặt
trời chui qua đám mây và ông ta chìm vào bóng râm vài giây trước khi ánh nắng
lại chiếu rọi lên ông.
Wynn bất giác rùng mình, bị thôi thúc mãnh liệt đi ra ngoài
và nói chuyện với người đàn ông. Nhưng đúng lúc đó, vị khách của bà quyết định,
rút một bức tranh khắc gỗ nhỏ và chỉ vào một trong các bức ảnh của Heather
Michaels trên tường. Vừa làm việc với người thu ngân Wynn vừa tiếp tục liếc
nhìn ra cửa kính, nơi người đàn ông hình như đang chăm chú nhìn bà. Người phụ
nữ mua hàng nhận thấy thái độ của Wynn và quay nhìn qua tủ kính.
- Cô biết người đang đứng ngoài kia sao? - Bà ta hỏi và lộ
vẻ không chấp nhận thái độ thiếu chú ý của Wynn.
- Ô không, tôi xin lỗi, tôi... tôi tưởng là có, nhưng tôi
không nghĩ thế.
- Một loại người khá đặc biệt đấy. - Bà khách ăn vận sang
trọng, là khách quen từ trước, có vẻ nhiễm cung cách người Anh trong cách sống
và nói năng.
- Vâng, hình như thế. Nhưng bà biết Mendocino rồi đấy. Đủ
loại người lạ đến và đi qua đây.
Wynn bắt đầu gói tác phẩm nghệ thuật - Lúc bà nhìn ra cửa
kính lần nữa, người đàn ông đã biến mất.
Sau khi trở lại trạm Chevron, Robert Kincaid dừng các ngón
trên tay cầm của chiếc Harry và suýt quay lại phòng trưng bày. Ông thường vụng
về với những người phụ nữ không quen biết, lúng túng vì sự có mặt của mình khi
họ bắt chuyện với ông. Trong ý nghĩ, ông lại đụng phải những “ở đâu” và “khi
nào” lần nữa, và ông lắc đầu như muốn gạt đi rồi nổ máy.
Sau khi đóng cửa hàng lúc sáu giờ, Wynn McMiilan về nhà, bà
vẫn run rẩy vì hình ảnh của người đàn ông nhìn bà qua tủ kính bày hàng. Bà ra
ngoài và đi trên các con phố Mendocino suốt hai giờ liền, mong thoáng nhìn thấy
ông ta. Chẳng tìm thấy gì, bà trở lại theo đường mũi biển, để mặc bóng tối bao
trùm, lắng nghe tiếng chân mình át tiếng sóng vỗ lúc triều xuống và gió đêm
thổi qua rặng bách. Bà nhớ lại thời xa xưa, khi biển cả đập lên bờ Big Sur và bà chơi nhạc Schubert cho một người đàn ông
vừa từ chiến trận trở về.
Xuôi xuống bờ biển cách đó hơn năm chục dặm, Robert Kincaid
chăm chú nhìn về phía trước và lắng nghe tiếng lốp cao su miết trên con đường
dẫn đến Big Sur , nếu ông đi tới sáng. Ông nghĩ
về các đường song song của những con người, địa điểm và sự kiện, những hồi
tưởng đan chéo nhau chằng chịt. Từ những khoảng đó, có những lát cắt theo thời
gian, như một con dao cắt qua quả cam. Con dao đặc biệt này có tuổi vài thập kỷ
và đã cùn nhưng vẫn còn đủ sắc lúc ông nhìn qua gương chiếu hậu và nghĩ đến
Mendocino. Những “ở đâu” và “khi nào” tạo thành một giả thuyết mơ hồ. Phải, một
sự trùng hợp. Có lẽ thế. Nếu gạt sự trùng hợp này sang một bên vì có vẻ không
hợp lý, thì cái gì tạo nên phần lớn cuộc đời, nếu không kể đến nó tự tồn tại?
Sự tao nhã của ý nghĩ bất chợt có ở khắp nơi, và thực tế là chúng ta đang sống
chẳng đáng ngờ chút nào, ông nghĩ. Ở nơi nào đó trong phân xưởng của những “Ai”
và “Cái gì” với bàn tay chủ nhân, cơ hội và mẫu thiết kế đẹp không tách rời
nhau, là nơi sự “không thể” trở thành “có thể” và ngạc nhiên là một thông lệ.
Đêm hôm đó, sau hai nơi từ chối vì không nhận Con Đường,
Robert Kincaid nằm trong một khách sạn nhỏ ở Sonoma, trong bóng tối và lại nghĩ
đến Mendocino. Ông nghĩ đến thời ấy, khi ông còn trẻ trung, rám nắng và rắn như
sắt từ những ngày trên bãi biển Tarawa . Được
giải thoát hay giải ngũ, tùy thuộc cách nhìn nhận, ông đã cưỡi xe máy qua các
đường vòng của Big Sur với một cô gái ngồi đằng sau, tóc cô rối bời trong gió
và đúng như đặc tính của người già, dòng suy tư lùi trở lại, lúc này vươn tới
thứ ông muốn nhớ lại và gần như là có thể. Có lẽ có thể nhớ ra nó, nếu ông bắt
mình nghĩ lâu và thành thật.
Đêm hôm ấy, trước khi ngủ thiếp đi, cuối cùng Robert Kincaid
nghĩ đến hai thứ: bác bỏ sự trùng khớp lúc gần như hy vọng vào nó, đồng thời
kết hợp với mong muốn được trẻ lại lần nữa và chưa chết trong vòng một giờ.
Wynn McMillan vác cây đàn xenlô và vali xuống Big Sur trên một xe chở thư. Là người tao nhã bẩm sinh
hơn là do cách sống, cô nhanh chóng thừa hưởng vẻ duyên dáng cả về thân hình
lẫn tư cách. Những phẩm chất đó đã cải thiện đáng kể vẻ mộc mạc, góc cạnh trong
diện mạo của cô. Hiểu theo cách thông thường, dáng người yểu điệu và mớ tóc nâu
dài tha thướt được coi là nét đẹp nhất của Wynn McMillan.
Mười chín tuổi, thiếu những mục tiêu cụ thể ngoài việc chơi
nhạc và sống theo kiểu tự cho là lãng mạn, Wynn McMillan thích thú dòng chảy
cuồng nhiệt vì tuổi trẻ và biết thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Ba ngày trước, Đức đã
đầu hàng Đồng minh và nước Mỹ đang trong tình trạng vô cùng phởn phơ, gần như
ngây ngất. Nhìn xa trông rộng, có thể thấy đoạn kết của cuộc chiến. Nhưng bên
kia Thái Bình Dương, ở Okinawa, Đội quân thứ Mười của Buckner vẫn xuống phương
Nam, đề phòng quân Nhật kháng cự mãnh liệt. Đội quân thứ Mười đóng cách Nhật
Bản ba trăm dặm, trên đảo Kyushu và dự định
tấn công ồ ạt vào tháng Mười một.
Jake, người đưa thư, lái xe khắp các con đường chữ chi,
thuốc nổ đã tạo nên con đường trước kia là núi, bên trái là mặt dãy Santa Lucia
cứng rắn, bên phải là dốc thẳng tuột một trăm hai mươi mét xuống đại dương, chỉ
cách có hai mét. Nhiều lần, thứ trang trí trên mui xe chẳng chỉ tới gì ngoài vô
tận, và Wynn McMillan nhìn qua nó, thấy những vách đá dựng đứng của Big Sur nhô
ra Thái Bình Dương, tiến về hướng Nam giống như những nếp gấp của một tấm rèm
nặng nề, tối tăm.
Bên dưới họ, sương mù đọng trong các khe núi và biển cả nhăn
lại, mỗi ngày có tám ngàn con sóng đập liên miên vào dải đất ven bờ.
Khi Jake lái xe xuống một bãi chăn gia súc trải dài qua
thung lũng Big Sur , Wynn nhìn thấy những cây
anh túc và tử đinh hương dại đang nở hoa. Hình như với cô, tương lai không thể
hứa hẹn gì hơn.
Cô như vừa được tắm gội sạch sẽ cho chuyến đi này, để bước
vào một giai đoạn mới trong đời. Bên kia Thái Bình Dương và ở dưới Big Sur vài
vĩ độ, trong nhiều tuần lễ, Robert Kincaid chưa được tắm rửa thực sự, bộ đồ dã
chiến bám lấy người anh như lớp da thịt mốc meo. Anh chưa biết rằng ba bức ảnh
của anh đã xuất hiện trên bìa một tạp chí lớn trong hai tháng qua. Dòng chữ
khen ngợi duy nhất đi kèm các bức ảnh là Ảnh
lính thủy đánh bộ Mỹ.
Đi cùng Jake, Wynn McMillan có một tờ Life nhét vào ngăn bên
chiếc túi xách tay to đùng của cô. Trên bìa là bức ảnh một lính thủy đánh bộ
đang dùng súng phun lửa bắn vào boongke, trong lúc các lính Mỹ khác tấn công
quả đồi phía sau. Kincaid chụp bức ảnh đó mười ngày trước. Người lính thủy cầm
súng phun lửa đó đã chết khi đổ bộ lên đất mỏ, ba giờ sau khi Kincaid chụp bức
ảnh đó (1).
(1) Sau này, bảy bức
ảnh Kincaid chụp ở Thái Bình Dương được xuất bản dưới tiêu đề: Nghệ thuật thị
giác về chiến tranh. Một nhà nhiếp ảnh khác tìm được âm bản ở Quân đoàn Lính
thủy đánh bộ và khẳng định mình là tác giả. Rõ ràng Kincaid không hề biết việc
đó, hoặc có lẽ, với bản tính của mình, Robert Kincaid chỉ nhún vai và cho rằng
những sự bất lương sẽ bị trừng phạt. Năm năm sau, một học giả khi nghiên cứu về
lịch sử nhiếp ảnh đã khám phá ra sự dối trá này và đăng một bài báo ngắn để
đính chính, tuy mười hai ngàn cuốn sách nguyên bản vẫn còn trong nhiều thư viện
khác nhau và trong tay các cá nhân với lỗi sai không được sửa chữa. Người đạo
tác phẩm của Kincaid trở thành nhà nhiếp ảnh nổi tiếng cho một tạp chí danh
giá, bị yêu cầu chịu trách nhiệm vì sự sai lệch trên, nhưng ông ta không bao
giờ xin lỗi Kincaid và vẫn đưa cuốn sách vào lý lịch nghề nghiệp, đồng thời
khẳng định tất cả các bức ảnh trong đó là tác phẩm của riêng mình).
Chiếc mũ phớt mềm trên mái tóc nâu dài của Wynn hình như hơi
nặng so với bộ váy áo mùa xuân nhẹ nhàng cô mặc. Cô vẫn muốn mặc váy và đội mũ,
nên thỏa hiệp, phớt lờ sự không hòa hợp của chất liệu vải.
Cha của Wynn McMillan, một người bán đồ kim chỉ đáng kính ở
Monterey, sẽ không tán thành cách lựa chọn trang phục của con gái, nhưng ông
tán thành phần lớn các việc cô làm trong vài năm gần đây. Đàn xenlô là một
ngoại lệ, ông thích cô chơi đàn cho ông nghe vào những buổi tối, khi đã xong
bữa, và Irene mẹ cô - một nhạc công dương cầm cho các bộ phim câm, - bận dọn
dẹp bát đĩa. Ông ngồi trong chiếc ghế bành thoải mái, thắt nơ con bướm, sơmi hồ
cứng, quần flanen là phẳng phiu, ông mỉm cười và nhắm mắt lại, lắc lư đầu theo
điệu nhạc. Hàng năm, vào dịp Chủ nhật đầu sau Phục sinh, ông đặc biệt hãnh diện
vì con gái ông chơi đàn trong nhóm tứ tấu cho buổi lễ sáng tại nhà thờ
Presbyterian. Lúc tiếng xenlô của Wynn vút lên trong cung Mi trưởng, Malcolm
McMillan quay người, mỉm cười và gật đầu với những người mỉm cười và gật đầu
đáp lại.
Tuy vậy, ngoài việc chơi xenlô, cách cư xử của Wynn làm ông
hoang mang. Rất giống cung cách của Robert Kincaid, Wynn chẳng bao giờ thích
thú nền giáo dục chính quy. Nhiều lần cô giả ốm để tránh việc học hoặc làm bài
hôm sau mà cô thấy chán ngăn ngắt. Wynn dành những ngày đó chơi xenlô, đọc sách
và tự học vẽ tranh sơn dầu. Mặc dù vừa ốm suốt tuần, các ngày thứ Bảy và Chủ
nhật cô vẫn dành nhiều giờ giúp Hội Chữ Thập Đỏ dóng gói các đồ y tế cho mặt
trận châu Âu.
Ở tuổi thiếu niên, Wynn bắt đầu mặc những thứ mà cha cô cho
là khá kỳ cục, một đống tạp nhạp những khăn và áo, và lạy Chúa tôi, quần đàn
ông lụng thụng trên thân hình cao, mảnh dẻ (một số người nói là xương xẩu). Còn
các thanh niên thỉnh thoảng đến chơi, hình như chẳng chàng nào đủ đàng hoàng
theo lối cổ truyền vừa ý ông.
- Irene này, con gái chúng mình không quen biết một chàng
trai nào có tiền đồ sáng lạn ư?
- Nó vẫn còn trẻ mà, Malcolm. Em nghĩ nó thừa hưởng bản tính
nổi loạn của tất cả những người Scotland
mà anh hay ca ngợi đấy. Em đã nói về việc ấy với con nhiều lần, nó chỉ cười và
nói: “ồ mẹ ơi ! Con chẳng vội gì lấy chồng. Con muốn thăm dò cả thế giới âm
nhạc và nghệ thuật ngoài kia cơ. Bố muốn con nhận lời một bác sĩ hay luật sư,
ổn định và có con, rồi năm hai mươi tuổi đã chơi những bài ru con trên xenlô
chắc”.
Thế nên Malcolm McMillan cùng vợ đang đau đớn vì những hồi
ức về cậu con trai đã hy sinh từ hai năm trước, khi đánh chiếm Salermo, cũng
chỉ biết lắc đầu chán nản lúc Wynn tuyên bố sẽ đến một nơi là Big Sur để học
sáng tác cùng nghệ sĩ dương cầm Gerhart Clowser. Malcolm chỉ biết Big Sur là nơi tập hợp những người có tư tưởng tự do và
lập dị. Cái sự oái oăm tiếp theo là một số cư dân Big Sur đùa giỡn với nhu cầu
thiết tha với thuyết duy cảm của báo chí và độc giả của nó, đã thêm thắt vào
nỗi khổ của ông khi đọc thấy Big Sur là quê hương của tệ sùng bái sex và tình
trạng vô chính phủ.
Những bức thư của Wynn không làm ông Malcolm yên tâm hơn.
Con đang ở trong túp
lều một phòng, dựng bằng các thùng thuốc nổ vứt bỏ trong một tòa nhà trên Đường
Một. Không tủ lạnh, không đèn điện còn toilet ở bên ngoài. Jake, người đưa thư,
chở đến dầu hỏa, than, trứng, và đủ thứ khác khi anh ta mang thư từ Monterey tới.
Dân chúng ở đây vô cùng
thú vị. Những tín đồ Phật giáo Thiền phái, một chuyên gia văn hóa dân gian
Ireland, còn những người khác hình như rất am hiểu nghệ thuật, khảo cổ học,
ngôn ngữ học, vân vân. Gần như ai cũng làm nghệ thuật, từ nặn tượng đến làm thơ
và các tác phẩm bằng gỗ. Nhưng đấy không phải là thứ mà đa số dân chúng nghĩ: Ở
đây, hàng ngày họ phải vật lộn chỉ đề thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Có nhiều thứ
bố sẽ gọi là “lập dị”, nhưng là sự ngụy tạo vì hầu hết những người xuống đây
đều tự nhận là nghệ sĩ, song chẳng bao giờ làm nghệ thuật và không ở lại đây
quá lâu. Tuần trước, một trong những người giả vờ đó phóng quá nhanh ở chỗ
đường cong chữ chi tại Mũi Hurricane và rơi khỏi vách đá. Có thể nhìn thấy đống
vụn nát của chiếc ôtô trên tảng đá bên dưới, chúng con đã làm một chuyến dã
ngoại tới đó để xem đống hỗn độn. Chắc chắn là không tìm thấy xác.
Con đang học ông
Cloivser về sáng tác và âm nhạc nói chung, à mà những buổi hòa nhạc của ông ấy
rất nổi tiếng ở châu Ẩu. Bố mẹ thử đoán xem con đã thấy ông ấy ở đâu nào? Lúc
đang chơi đàn ở bên ngoài nhà Emil White gần đường cái. Ông ấy nói chỉ dương
cầm mới có giá trị với ông ấy.
Con phải giúp một số
người đốn củi, rồi xuống suối nước nóng Slate, tất cả đều cởi hết quần áo và
nhảy vào dòng suối.
Con đang có một thời
gian tuyệt vời và kiếm được ít tiền bằng cách làm một số việc lặt vặt và dạy
xenlô cho một cô gái và một nhà thơ tám mươi tuổi. Bố mẹ đoán xem ai đang sống
trong một căn nhà nhỏ trên rặng núi Partington. Chẳng có người nào khác, ngoài
Henry Miller. Con chưa gặp ông ta, nhưng hy vọng là sắp thôi.
Yêu thương, Wynn
- Henry Miller là ai vậy? - Malcol McMillan hỏi vợ.
- Ông ấy là nhà văn.
- Ông ấy viết thể loại gì?
- Malcolm, em nghĩ mình không thực lòng muốn biết đâu.
- Có chứ, tôi muốn mà.
- Ông ấy viết nhiều thứ, trong đó có cuốn Hạ chí tuyến.
Nhưng mình không thể mua được ở Mỹ đâu.
- Tại sao không?
- Nó bị cấm vì khiêu dâm.
- Khiêu dâm ư? Như thế nào vậy?
- Malcolm, em nói rồi, em không nghĩ mình thực sự muốn biết.
* * *
Bốn tháng sau khi Wynn McMillan tới Big
Sur , một người đơn độc phóng môtô tới, theo đúng con đường cô đã
đi, qua mũi Yankee và xuôi xuống Sur HUI Thrust. Nếu đứng trên đỉnh cao nhất
của núi lửa ở Point Sur, gần cây hải đăng và nhìn xuống đất liền đầy những bụi
cây đậu ánh bạc, trông người đi môtô chỉ như một đốm đen trên vách đá Santa
Lucia hoặc như một hình chiếu lúc anh ta phóng qua những cây cầu cao. Có lẽ
hình ảnh sáng ngời do thỉnh thoảng các bộ phận mạ crôm của chiếc xe máy Ariel
Four lóe lên.
Từ đầu năm 1929, Ariel Four là loại môtô nổi bật nếu bạn
quan tâm đến tính năng của động cơ hơn là kiểu dáng cơ học nói chung. Robert
Kincaid không sành xe máy, anh chỉ thích theo kiểu nhìn thấy và cảm nhận. Sau
nhiều năm chinh chiến, không thể di chuyển mà không cảnh giác hoặc sợ hãi, sống
gần hàng ngàn người đàn ông khác trên tàu hoặc trong boongke, chiếc Ariel dựng
trước mặt anh trong phòng trưng bày ở San Francisco giống như một công cụ của
tự do.
- Xe này hiếm lắm, mua của một người Anh trên đường hồi
hương để bảo vệ tổ quốc, - người bán hàng nói. - Phi xuống miền Nam
lượn vào những đường vòng và vách đá, anh sẽ có cơ hội tốt để cảm nhận nó. Chỉ
cần xoay nhẹ tay lái là nó đạt vận tốc bảy mươi trước khi anh nhận ra.
Big Sur đang trong lúc huy hoàng, giữa những trận sương mù
mùa hè và cơn mưa mùa đông, những cây tiêu huyền, cây phong và sồi đen đủ màu
sắc lúc Robert Kincaid phóng qua cây cầu cao vắt ngang nhánh sông Bixby. Trái
với những hồi ức chiến tranh mà anh vừa thoát khỏi, buộc gọn đằng sau anh là
cái túi ngủ, một túi nhỏ bằng len thô đựng quần áo và các thứ đồ nghề khác.
Anh phóng xe ven bờ biển xuống xa hơn, rồi đỗ lại khi nhìn
thấy một ông già và một cô gái đang mải mê chơi tay đôi dương cầm-xenlô bên
ngoài một căn nhà nhỏ. Anh tắt máy và lắng nghe. Tiếng xào xạc của đám lá sồi
đen tan vào tiếng nhạc, xúc động tràn ngập não bộ khiến anh gần như choáng
váng. Mới cách đây chưa lâu, ở đâu đó là tiếng súng cối, những tiếng la hét,
tiếng lách cách của xích xe tăng, còn giờ đây là tiếng nhạc và sự xao xuyến của
những lá cây đủ màu sắc. Ông già lắc mái tóc hoa râm lúc cúi trên phím đàn,
trong lúc cô gái ngồi giạng chân với chiếc xen lô, chăm chú nghe người nghệ sĩ
dương cầm thỉnh thoảng lại giơ bàn tay phải và đánh nhịp.
Có lần người nghệ sĩ dương cầm ngừng hẳn và vừa làm điệu bộ
vừa nói với cô gái:
- Allegro (nhanh),
cô McMillan, phải, nhưng Rachmaninott - không phải là loài ngựa, không presto (rất nhanh) chỉ nhanh hơn một chút thôi.
Chúng ta sẽ chơi như thế ở nhịp bốn mươi hai. - Ông bắt đầu chơi lại từ nhịp
thứ nhất, cô gái hòa theo. Đến nhịp ba mươi hai, mệt vì ngây ngất, Robert
Kincaid dựa vào chiếc Ariel và lắng nghe.
(Sergey Rachmaninott
(1S73-1J43): Nhạc sĩ, nhạc trưởng, một trong những nghệ sĩ dương cầm xuất sắc
nhất của thế kỷ 20, là người Mỹ gốc Nga)
Một lát sau, vài người nữa kéo đến, ngồi trên cỏ và lắng
nghe tiếng đàn. Họ ăn vận giản dị, cánh đàn ông trông giống thợ rừng hơn là
những nghệ sĩ quá khích bị cho là sống ở Big Sur. Khi bài tập kết thúc, họ tiến
đến tự giới thiệu, cởi mở và thân mật. Cô gái chơi xenlô cất đàn vào cái túi
vải bạt và đến nhập bọn.
Một trong những người đàn ông nói:
- Thời gian này trong năm, những đám mây tít trên cao đem
lại cho chúng ta cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Chúng tôi định ra bãi biển ngắm đây.
Nếu anh thích, thì đi luôn thể. Harvey
đã ở đó, sắp làm món cá hồi tươi đánh dưới sông lên, nấu ngay trên bờ biển, và tôi
bảo đảm là ngon tuyệt. Có lần anh ấy còn nấu một con chim lặn ăn ngay trên
đường cái, tôi đã có mặt ở đó nên dám nói là rất ngon.
Ban đêm, họ ăn món cá hồi của Harvey rồi sau đó trò chuyện rất lâu và nghe
một người tên là Hugh chơi đàn hạc, sóng đập ầm ầm vào các quả núi ngoài khơi
nghe như tiếng đại bác gầm vang trên một chiến hạm xa xa. Với Robert Kincaid,
mới thoát khỏi cảnh giết chóc và máu me chưa lâu, đây là một thế giới khác hẳn,
vừa thực vừa mơ. Anh ngây ngất vì sự thanh thản của tiếng cười, vì những giọng
nói bàn về triết học, nghệ thuật và âm nhạc, so với cảm giác xóc, nẩy đến
choáng váng ở nơi anh đã ở và những thứ anh đã chứng kiến. Da anh màu đồng, cặp
mắt anh già giặn, và lúc có người hỏi về cuộc sống của anh, anh chỉ nói mình
đang đi du lịch.
Cô gái chơi xenlô tên là Wynn nhận thấy anh ít nói và đến
ngồi cạnh anh, kéo anh ra khỏi sự im lặng. Cô tự giới thiệu và bắt tay. Anh
xưng tên với cô, nhưng tất cả những điều góp nhặt, tên tuổi của người lạ không
được ghi nhớ vào tâm trí cô.
Sau độ hai mươi phút trò chuyện, cô hỏi:
- Tên anh là gì ấy nhỉ, anh nói lại đi.
- Robert, - anh nói. - Còn tên cô là... Wynn có phải không?
- Phải. Một cái tên Scotland . - Cô đánh vần cho anh. -
Bố tôi rất tự hào vì di sản này đấy.
Cô đăm đăm nhìn Robert Kincaid qua ánh lửa bập bùng trên bờ
biển và nhận ra thứ ai cũng chú ý trước hết ở anh: cặp mắt. Mắt anh tạo cảm
tưởng nhìn thấu và nhìn xa hơn thứ trước mặt. Trong cái nhìn cũng như trong cử
động của anh, có nét đặc biệt, vừa rụt rè vừa đằm thắm, một cái gì đó của người
chiến binh và phảng phất của một nhà thơ, dường như cùng một lúc anh vừa trở
lại thời xa xưa vừa bỏ đi rất xa. Cô có cảm giác nếu cô để một tấm gương trước
mặt anh, có thể nó phản chiếu một hình ảnh vừa xa lạ vừa cổ xưa.
- Anh làm nghề gì? Ý tôi là để sống ấy? Lúc nãy tôi nghe anh
nói anh đi du lịch.
- Tôi từng ở binh chủng Lính thủy đánh bộ Nam Thái Bình
Dương. Tôi mới xuất ngũ cách đây chưa lâu. Trước chiến tranh tôi là thợ ảnh và
tôi sẽ cố làm lại nghề đó.
- Anh làm gì trong binh chủng Lính thủy đánh bộ?
- Cũng thế, chụp ảnh.
Robert Kincaid nhìn đăm đăm xuống cát và thấy ngỡ ngàng vì
anh đang lặng lẽ ngồi ở đây, thay vì lê tấm thân một mét tám mươi nhăm của mình
dưới những cái lưỡi bỏng rát của súng phun lửa. Trong giây lát, anh như trở lại
đảo san hô vòng, cúi xuống người trợ lý và gọi cấp cứu. Lúc đó, một giọng phụ
nữ nói với anh:
- Thỉnh thoảng tôi đến đây vào buổi chiều để tập xenlô. Nếu
ngày mai anh muốn nhập bọn với tôi, chúng ta sẽ đi picnic một chuyến.
Đống lửa lụi dần, mọi người tản đi, họ về nhà trên đỉnh núi
hoặc trong các khe núi.
Có tiếng nói ngay bên phải anh:
- Rồi sẽ ổn thôi. Hôm thứ Tư, Jake sẽ mang dầu hỏa tới. Tôi
đã đặt trước đủ cho vài tháng, vì thế tôi sẽ để lại cho anh một ít.
Mọi người bắt tay Kincaid, nói họ rất vui được gặp anh rồi
đi vào đêm tối. Một người tên là Lawrence
tiến đến và mời Kincaid đến chỗ anh ta nghỉ đêm, Kincaid cảm ơn và nhận lời.
Sóng đập ầm ầm vào các quả núi ngoài khơi, âm thanh của
chúng giống như tiếng gầm vang của đại bác trên chiến hạm Mỹ lúc trước. Ở
Betio, một lính cứu thương cúi xuống người trợ lý của Kincaid và nói: “Tôi xin
lỗi, anh ấy chết rồi, chết trước khi đập xuống đất. Bọn bắn tỉa khốn nạn”, rồi
anh ta rút thẻ quân nhân của người đang theo Kincaid học nghề nhiếp ảnh. “Anh
nhớ cúi đầu xuống, bọn bắn tỉa nấp trong cái tàu thủy cũ của một thương nhân
Nhật kia kìa”.
- Kìa, - tiếng cô gái nói, - picnic hay không nào?
- A, có. ơ... nghe có vẻ... rất tuyệt. Tôi thích lắm.
- Tốt. Vậy hai giờ chiều mai, tôi sẽ gặp anh ở chỗ rẽ vào
đường cái kia nhé. Ngày kia, chúng tôi sẽ đến thăm Henry Miller. Anh đi cùng
chúng tôi cho vui.
Kincaid biết Henry Miller. Tuy sách của ông bị cấm ở Mỹ,
song rất phổ biến trong đám binh lính ở nước ngoài.
- Có lẽ là việc thú vị đây. Ông ấy không hẳn là người tôi
thích, nhưng nó sẽ là... ờ, như tôi vừa nói, là thú vị.
- Henry Miller vô hại ở bang của ông ấy. Ông ấy lang thang
đến đây như những người khác và cố tránh mọi người khờ dại, hành hương đến gặp
ông, những người chẳng mong gì ngoài những tấm thân trần truồng nằm la liệt,
hành xử sỗ sàng trong các tư thế khác nhau.
* * *
Malcolm McMillan vẫn coi con gái mình như lúc mới mười lăm,
một cô bé lóng ngóng mà ông luôn nghĩ là chưa đủ da đủ thịt.
- Con bé phải ăn nhiều hơn, - ông nhắc vợ.
- Malcolm, anh không phải lo đâu. Hai năm vừa rồi nó bắt đầu
mặc chật hết quần áo và dáng dấp khá là nữ tính. Cách ăn mặc của nó che giấu
khá tốt gần như mọi lúc. Mình ạ, con bé đã mất vẻ vụng về và trở nên khá duyên
dáng.
Qua chiếc áo len nhẹ, rộng lùng thùng cô mặc, Robert Kincaid
vẫn nhận ra hình dáng và đường cong của thân hình Wynn McMillan lúc anh cho
chiếc Ariel chạy chậm lại và đỗ đúng chỗ cô đứng bên đường cái. Một thoáng háo
hức xưa cũ vừa trở lại. Trong hoàn cảnh chiến tranh ở những hòn đảo hẻo lánh
buộc phải tiết dục, anh tập trung vào việc cố sống sót và làm nghề. Ngoài các
nữ y tá mệt mỏi và rã rời như lính bộ binh, đàn bà là một khái niệm trừu tượng:
Rita Hayworth lừng danh trong chỗ ăn ở chật chội trên con tàu chở lính, chân
dung gấp lại của Lauren Bacall mà một
lính thủy đánh bộ cất trong túi ngực, các bức ảnh của vợ và bạn gái được truyền
tay nhau, ngưỡng mộ và chia sẻ trong cảnh cô đơn. Lẽ tất nhiên, còn giọng nói
ngọt ngào và mượt như nhung của vài người phụ nữ khác được gọi chung là “Bông
hồng Tokyo”, thúc giục lính Mỹ đào ngũ vì phải đối mặt với một sự nghiệp vô
vọng.
(Rita Hayworth
(1918-1987): Vũ công, diễn viên Mỹ nổi tiếng xinh đẹp và tài năng, đã thủ vai
chính trong hàng chục bộ phim, được tôn vinh là “nữ thần của Hollyvvood” ở đỉnh
cao sự nghiệp.
Lauren Bacall (sinh
năm 1924): Diễn viên sân khấu và điện ảnh Mỹ, sớm thành công vì kết hợp được
giọng nói khàn khàn với phong cách khêu gợi và tinh tế lạnh lùng)
Nhưng mặt trời ấm áp và buổi chiều trước mắt Robert Kincaid
giống như một cuộc đời khác, một phần thưởng do Thượng đế ban tặng và tí nữa
thôi là anh nhìn thấy và tự nhủ không ít thì nhiều, anh xứng đáng hơn những
người ngã xuống ngay trong lúc anh chụp ảnh họ. Mười sáu triệu lính Mỹ bị động
viên vào cuộc chiến, bốn trăm ngàn người chết trong chiến trận hoặc những sự
kiện liên quan. Quân Nhật thương vong hai triệu người.
- Chào anh, - cô gái nói lúc anh vung chân rời chiếc Ariel.
Cô mỉm cười, và Kincaid nghĩ trông cô thật đáng yêu.
- Chào cô. Trời đẹp quá nhỉ? - Anh nói và bất chợt nhận ra
lúc này anh đang mỉm cười. Hành động cười mỉm và cười to đúng lúc, đúng mực, là
kỹ năng anh đang cố học lại.
- Ở Big Sur , khó mà nói là
không đẹp. Anh cứ ở lại và sẽ thấy. - Cô nghiêng đầu bổ sung cho lời mời.
Kincaid vẫn mỉm cười lúc vỗ lên chỗ ngồi của chiếc Ariel,
anh liếc nhìn cây đàn xenlô của cô và cái giỏ đan bằng cành liễu để cạnh.
- Trông như chúng ta cần đến một sĩ quan hậu cần, đại loại
như lúc đổ bộ lên Guadalcanal , song té ra nơi
ấy là một đống hỗn độn. Vì tôi cần cả hai tay điều khiển xe, nên tôi sẽ buộc
cái giỏ của cô và balô của tôi vào đằng sau. Nếu cô có thể quàng dây để đeo cái
hộp đàn lên vai, cô cứ ngồi lên sau tôi, tôi sẽ lái xe thực sự thoải mái và cố
dừng lại trước khi chúng ta rơi xuống nước.
Cả vùng được che bằng tán lá cây tiêu huyền và dốc xuống bãi
biển, ánh nắng xuyên qua lá thành vết lốm đốm trên con đường rợp bóng. Kincaid
dựa chiếc Ariel vào một vách đá, đối diện Thái Bình Dương, ở trên nơi anh nghĩ
là ngấn nước thủy triều cao khoảng ba chục mét.
Wynn McMilIan chỉ về phía bắc.
- Chúng ta có thể đi men bờ biển, vòng qua mũi biển chỗ kia
là tới một bãi biển nhỏ rất đẹp, khuất gió. Tuy nhiên, cần đề phòng thủy triều.
Bây giờ nó thấp, nhưng lúc triều dâng trở lại, quanh mũi ở đó chẳng còn gì
ngoài việc phải trèo lên vách đá hoặc đợi thủy triều rút.
Bi đông lính treo tuột bên thắt lưng, con dao Thụy Sĩ gài ở
bên kia, Robert Kincaid vác cây đàn xen lô lên vai phải và khoác ba lô của anh
lên vai trái. Cô xách cái giỏ liễu đan đựng bánh mì kẹp xúc xích, salat khoai
tây và hai chai vang đỏ. Lúc đầu cô chỉ gói một chai, nhưng nghĩ đến người đàn
ông bên ánh lửa tối hôm trước, cô quyết định mang thêm chai thứ hai. Nhỡ một
chai chưa đủ.
Cô nói đến âm nhạc, biển cả và tình yêu Big Sur ngày càng
lớn lên của cô, còn anh chú ý đến cách cô dùng đôi bàn tay, các động tác lượn
tay rất nhanh, gần như đánh nhịp. Anh quan sát lúc cô nhặt vỏ sò và nghĩ lâu
lắm rồi, anh không chú ý đến vỏ sò vỏ ốc ngoài những chỗ rách kinh tởm khi ngã
lên hoặc bò trên chúng trên đường đổ bộ vào bãi biển.
Cô ngoảnh nhìn anh qua vai, mỉm cười nồng nhiệt rồi quay đi
và hỏi:
- Tại sao anh đeo cả dây quần rộng bản lẫn thắt lưng? Có
phải là dấu hiệu bất an trong lòng không?
Kincaid cười to:
- Không phải lúc nào tôi cũng rhế. Tùy việc tôi đang làm.
Lúc tôi đeo một bi đông, một đồng hồ đo ánh sáng, con dao và vài thứ khác lên
thắt lưng, quần bắt đầu tụt xuống. Vì thế tôi dùng dây quần để kéo nó lên.
Sau nửa giờ đi bộ qua cát đóng cứng lại, Kincaid thưởng thức
sự tò mò và nồng nhiệt của cô gái với mọi thứ xung quanh, thích thú nhịp điệu
nhún nhẩy của cặp mông tròn như mũi biển lúc cô đi trước anh.
Sau này, anh viết:
“Buổi trưa, chúng tôi
đến một bãi biển nhỏ, cởi giày và lội qua một lạch nước nông, cắt ngang bờ cát
Thái Bình Dương. Lạch nước có màu đỏ tía - xanh xanh rất lạ, sau này tôi mới
phát hiện ra trên đường ra biển, nó chảy qua đá núi lửa. Ngắm những con sóng
đập vào các tảng đá ven bờ, tôi suýt bỏ qua một dấu vết khác thường trên cát,
bên chân tôi. Vết đỏ rộng khoảng chín mươi xăngtimét và nhẵn nhụi, có nhiều lỗ
ở một bên, cách nhau những khoảng đều dặn.
Ngồi xổm, tôi sờ lên
những dấu vết đó, như thể chúng có thể nói cái gì đã tạo ra chúng. Ngoài tiếng
những con sóng lớn vỗ bờ và tiếng thở của tôi, chỉ có im lặng. Tôi đưa mắt dõi
theo vết đỏ đến mặt nước: một con vật to lớn màu nâu. ở cuối con đường mòn lạ
lùng ấy. Nó đang di chuyển. Tôi liếc nhìn cô gái. Cô ta cũng nhìn thấy nó.
Trong balô của tôi chỉ
có một kính ngắm máy ảnh loại nhỏ và tôi lục tìm nó lúc tiến tới. Tôi đi rất
thận trọng. Đây không phải là lãnh thổ của tôi, tôi không quen với thú hoang,
cả trên rừng lẫn dưới biển, và kích thước của con vật này thật đáng sợ. Vừa lượn
tròn, tôi vừa cố tiến lên trước con vật trên cát, chỉ cách tôi khoảng ba chục
mét.
Tôi có thể nhìn thấy
mặt nó, gắn trên thân hình dài bốn mét rưỡi và nặng đến hàng tấn. Đó là một bộ
mặt kỳ lạ, buồn bã, cặp mắt màu nâu giống như những hòn đá nhẵn nhụi trên bãi
bển và một cái vòi giống thân cây. Dùng các chân chèo, con vật nhấp nhô trên cát
tới mặt nước. Nó nhìn thấy tôi và ngóc đầu lên để nhìn rõ hơn, rồi lại hạ đầu
xuống và nằm trên cát như một con chó nằm trên thảm, cằm chúc xuống, mắt chớp
chớp.
Cách khoảng sáu mét,
cặp mắt nâu của nó đã hiện rõ trong ống kính. Chúng nhìn thẳng vào tôi, một cái
nhìn sợ hãi hay ít ra là tò mò, cảnh giác, lúc tôi cúi người cố tìm một góc
đẹp. Tôi bắt đầu có cảm giác thường có, mỗi khi đột nhập và phá vỡ cuộc sống của
những sinh vật khác, vì rõ ràng cô gái và tôi đã xâm phạm khoảnh khắc yên bình
của nó, nếu không có chúng tôi.
Tôi vận dụng trí nhớ
tìm những hình ảnh trong tất cả các cuốn cẩm nang về động vật hoang dã mà tôi
đã đọc trong nhiều năm qua. Chắc là tôi phải biết con vật này, nhưng không, tôi
không thể nhớ ra. Không phải là con huệ biển. Nó quá to, và cái mũi không giống.
Không phải là hải mã, tuy kích thước và thái độ có vẻ giông giống. Tuy chưa bao
giờ sốt sắng nhớ tên các loài vật, vì thực ra, tôi luôn tin rằng chúng ta quá
mải mê gán các loại tên cho thế giới quanh ta, vậy mà tôi phát cáu vì không sao
nhớ ra tên của con vật ngay trước mắt tôi.
Con vật ở một chỗ khó
mà chụp được một bức ảnh đẹp. Nó nằm bẹp trên cát, ngay lập tức những tảng đá ở
đằng sau có cùng màu với da nó. Không sao. Tôi hạ thấp máy và cứ giữ yên. Rồi
tôi chợt nhớ ra. Con vật đó là hải cẩu voi, hồi thế kỷ mười chín bị săn bắt gần
như tuyệt diệt và rất hiếm khi nhìn thấy. Nó mất cả ngày, có khi cả đêm hôm
trước nữa, để bò ngược lên bãi biển và hình như giống tất cả chúng ta vẫn làm,
là cố đến với nước.
(Loài hải cẩu sống ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ, con đực có mũi
rất dài giống như vòi voi, tên Latinh là Mirounga angustirostris)
Những con sóng cao
khoảng hai mét đập vào các tảng đá cổ khi con hải cẩu lao vào chỗ nước cạn, nó
dừng lại giây lát ngoảnh nhìn cô gái và tôi. Đến chỗ nước sâu hơn, sự vụng về
của con vật lập tức biến mất. Trên đất liền, nó như một đống bùn lớn. Dưới nước,
nó khác hẳn. Bất thình lình, khéo léo và nhanh nhẹn, nó trượt sâu và trong
khoảnh khắc biến mất qua một khe hẹp giữa hai tảng đá.
Tôi đứng thẳng lên và
nhìn cô gái. Cô đến gần, vòng cánh tay quanh eo tôi. Tôi vẫn ngắm nhìn mặt
nước. Cô kéo cánh tay áo tôi và tôi nhìn cô.
- Nó đặc biệt quá,
Robert, - cô nói. - Người ta thường không nhìn thấy ở quanh đây đâu. - Cô mỉm
cười và nhìn thẳng vào tôi.
Một lát sau, cô nói
thêm:
- Em nghĩ, nó có phần
giống anh... có lẽ vì không hay gặp.
Dấu vết rộng chín mươi
xăngtimét vẫn còn lại trên cát, với những dấu chân chèo ở hai bên dẫn thẳng tới
Thái Bình Dương. Tôi cất máy ảnh vào balô, nghĩ đến cặp mắt nâu của con
Mirounga angustirostris lúc nó ngắm nghía tôi, cố vùng vẫy trong trí nhớ và các
chi của nó, cuối cùng khi nhận ra tôi, nó lăn qua đám bọt biển và lặn vào nước
sâu. Nó đã đi rồi.
Cô gái trải một tấm
vải lên mặt đất, gần một tảng đá có kích thước và chiều cao chỉ bằng cái ghế
bành. Cô lấy đàn trong hộp ra, so dây, rồi ngồi lên tảng đá và bắt đầu chơi.
Tôi nằm trên cát và nghĩ đến nơi tôi đã ở trong suốt ba năm qua, rồi cố không
nghĩ đến nó nữa. Cát rất ấm và tôi nằm đó một lúc lâu, không còn muốn ở nơi nào
khác nữa”.
Sáng hôm sau, sương mù rất dày. Robert Kincaid lấy cái bùi
nhùi và nhen lại đống lửa anh đã gầy đêm trước, nó cháy qua gần hết đêm. Anh và
Wynn McMillan nằm trên cát, ôm nhau, anh cảm thấy mình trẻ lại, giữ được những
hồi ức chiến tranh khiến người già biến thành tươi mới.
Wynn thấy lạnh, mớ tóc dài của cô tung một phần khỏi cái
lược giữ nó vun cao và gọn gàng. Lặng lẽ, cô mỉm cười và hôn anh, rồi hôn lần
nữa. Họ nằm đó, vuốt ve nhau cho đến khi bầu trời biến thành màu trắng nhợt và
mặt trời chiếu một tia sáng nhợt nhạt qua màn sương mù.
Họ làm tình lần thứ ba, kể từ lúc đến bãi biển.
- Rồi anh sẽ ở lại chứ ? - Sau đó, cô hỏi.
Anh ngồi dậy và phủi cát khỏi lòng bàn tay, xỏ đôi giày ống
và bắt đầu buộc dây.
- Anh không thể. Anh cần làm việc và phải gọi cho tờ
National Geographic xem họ còn việc gì cho anh không. Trước chiến tranh, anh đã
làm nhiều cho họ. Anh nghĩ sẽ định cư ở khu vực San Francisco . Không xa lắm đâu. Chúng ta có
thể gặp nhau thường xuyên.
- Em biết. Nhưng đôi khi em ước giá cuộc đời cứ như lúc này
mãi, giống như đêm qua, giống như sáng nay. - Cô dựa vào cái sơmi ẩm của
Kincaid và nghịch nghịch cổ áo anh.
Anh nghiêng đầu dựa vào đỉnh đầu cô, và anh ngửi thấy mùi
biển trong tóc cô. Một đàn bồ nông nâu ra khỏi sương mù, đập cánh bay về phương
Nam
thành một hàng không đều, chỉ cách mặt nước độ mươi phân. Chúng biến vào màn
sương và thế chỗ là những con mòng biển, bắt đầu công việc buổi sáng của chúng.
Chính vào lúc ấy, Robert Kincaid biết không thể lần lựa, trì hoãn được nữa,
phải tiến lên, không thay dổi. Trong lòng anh bồn chồn không yên. Một cuộc đời
thứ hai trải ra trước mắt anh, và anh nóng lòng muốn nắm lấy nó, hòa hợp với
nó.
Wynn McMillan cởi hai khuy trên cùng áo sơmi của anh, hôn
lên ngực anh và vùi mặt vào da anh một lát, trong lúc Robert Kincaid vuốt ve
tóc cô và cảm thấy những hạt cát rải rác trong mái tóc. Cô quay đầu và dựa vào
anh, chỉ ra phía đại dương và thì thầm:
- Người ta bảo đến tháng Ba, những con cá voi xám sẽ đến.
-------------
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét