Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Đọc lại một bài thơ cổ về đất Thanh Hoá


Năm 1406, Hồ Khai Đại 4, Minh Vĩnh Lạc 4, nhà Minh với danh nghĩa giúp con cháu nhà Trần, đem quân xâm lược nước ta. Sau một cuộc kháng chiến ngắn ngủi và tuyệt vọng vì không có được sự ủng hộ của nhân dân, cha con họ Hồ cùng phần lớn quần thần bị bắt giải về Yên kinh.
Nền độc lập của Đại Việt được khôi phục từ năm 938 với chiến thắng lẫy lừng của Ngô Vương Quyền trước quân Nam Hán, một lần nữa rơi vào tay kẻ thù truyền kiếp bắc phương. Non sông Đại Việt lại trở thành quận huyện của Trung quốc, muôn triệu sinh linh Việt lại quằn quại dưới gót giầy dị tộc. Vào thời gian đất nước rên xiết dưới ách tham tàn của lũ xâm lược Trung Hoa, có một người trai đất kinh kỳ dến thăm Tây Đô (Thanh Hóa) kinh đô cũ của họ Hồ và để lại cho đời một bài thơ trác tuyệt.

Đề Tây đô thành
Sách mã ao ao phỏng cổ thành
Ánh hồ quan liễu tự dao thanh
Tồn vong bất thẩm bao tang kế
Đắc thất nan đào nguyệt đán hình
Chỉ thị nhuận Hồ hoang đức chính
Hưu ngôn Nam Việt phạp anh linh
Như hà tá đắc Đinh công hạc
Lục hợp cao tường thí nhất thanh

Dịch
Thúc ngựa bon bon viếng cổ thành
Mặt hồ ánh liễu động dòng xanh
Mất còn chẳng thấu mưu gìn giữ
Thua được khôn ngăn ý phẩm bình
Chỉ tại họ Hồ lìa đức chính
Đừng chê Nam Việt thiếu anh linh
Ước gì mượn hạc Đinh công nhỉ
Một tiếng kêu ran khắp thị thành.

Trước đấy không lâu, nhà Hồ với lực lương quân đội hùng hậu, ngót 70 vạn người, quân số rất lớn nêu so sánh vơi dân số Đại Việt khi ấy đã thất bại nhanh chóng trước quân xâm lược, nguyên nhân do đâu? Tác giả nhìn toà thành đã từng xảy ra biến cố đảo chính cung đình: Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Ông nghĩ đến những hành vi thất đức, những việc làm mất lòng dân của cha con họ Hồ và ông nghiêm khắc lên án: “Chỉ tại họ Hồ lìa đức chính...” , chứ không phải tại vì dân tộc Việt thiếu anh hùng: “ Đừng chê Nam Việt thiếu anh linh”. 
Căm thù quân cướp nước, thương xót nhân dân mình đang phải chịu cảnh lầm than, sáng suốt nhận ra nguyên nhân thất bại của triều Hồ, và có niềm tin tưởng sắt đá ở hào khí anh linh, ở tinh thần bất khuất của dân tộc, ông đã tham gia cuộc kháng chiến của Giản Định đế, và trở thành một yếu nhân trong bộ tham mưu của cuộc kháng chiến.
Ông là Nguyễn Mộng Trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét