Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Cờ, kỷ niệm khó quên.


Cách đây đã lâu, lâu lắm, khi tôi còn trẻ, rất trẻ. Tôi sống trong một tập thể có hơn 800 con người mà ít ra phải có 10% số đó thuộc loại rách giời rơi xuống, loại người khi hứng chí lên thì trời cũng không to hơn quả táo. Khi đó thời gian thì nhiều mà những việc tử tế để làm thì quá ít, tình cờ tôi vớ được mấy quyển: Tượng kỳ, Tượng kỳ khai cuộc, Cờ tướng những vấn đề cơ bản... Nhàn cư vi bất thiện, tôi mang mấy quyển sách ấy ra “ngâm kíu”.
Sau một thời gian, cảm thấy mình hấp thu kha khá những kiến thức về cờ. Tôi liền đi tìm các “cao thủ” cờ để lượng định trình độ của mình. Kết quả thật bất ngờ: chỉ trong vòng một tháng, tất cả các cao thủ đều đại bại dưới tay tôi. Đi đến đâu gạ chơi cờ tôi cũng nhận được những cái lắc đầu quầy quậy : “Thôi, cờ anh phải đánh với ngũ tốt chứ em đánh làm sao lại”, “Anh phải chấp em 1 xe thì em mới dám chơi” v.v và v.v, toàn những lời có cánh. Tôi thật cô đơn trong làng cờ ấy, nhiều buổi chiều phải vác bàn cờ xuống một góc vườn, bày cờ ra, một mình chơi cả hai sắc quân. Lúc ấy tôi thật thông cảm với nhân vật Độc Cô Cầu Bại trong truyện chưởng của Cắm Dùng xếnh xáng, còn gì buồn hơn khi đi khắp gầm trời mà không tìm được một người ngang tay trong cái món chơi mà mình đang ưa thích. Lúc ấy tôi hận không có điều kiện gặp Hồ Vinh Hoa hay Trần Quới, đánh với họ một trận để dương danh thiên hạ.
Cho đến một buổi tối, tình cờ tôi đứng bên ngoài cửa sổ ở một góc nhà, vô tình tôi nghe được câu chuyện của mấy người ngồi trong. Một người hỏi: “Sáng nay ông T bảo mày ở nhà sao mày cố xin ra đồng, ở nhà được ăn, được chơi sao không ở ?”, người kia đáp: “Ở nhà phải đánh cờ với ông ấy, đánh thắng ô ấy thì rách việc, mà thua mãi thì cũng tủi cho cờ mình”, một giọng khác: “Mà đánh thua ông ấy còn khó hơn đánh thắng ấy chứ, mệt đầu bỏ mẹ”.
Giây phút ấy, nói như các Thiền sư, tôi chợt ngộ ra chân lý.
Tối ấy, tôi đập bàn cờ, đốt quân cờ, xé sách cờ và cho đến hôm nay tôi không chơi cờ lại.
Nhưng tôi vẫn cảm ơn cờ vì nhờ nó mà tôi rút ra được hai điều, hai nguyên tắc quan trọng áp dụng cho cuộc sống.
Thứ nhất: khi mình có một ảnh hưởng có thể chi phối đời sống của người khác thì tuyệt đối đừng bao giờ lôi người ta vào một cuộc đấu. Cuộc đấu ấy không bao giờ công bằng dù mình không cố ý. Cuộc đấu ấy chỉ đem đến cho đối phương những cảm xúc tiêu cực và tạo ảo tưởng cho mình.
Thứ hai: Nguyên tắc quan trọng nhất của một kỳ thủ gói gọn trong mấy câu :
“Người khéo thắng không tranh
Người khéo tranh không đánh
Người khéo đánh không thua
Người khéo thua không loạn”
Đây cũng là nguyên tắc vàng trong đời sống hàng ngày. Tiếc là tôi với cái số phận giời đày của mình chưa một lần đem nó ra áp dụng. Vì thế cho đến hôm nay, trong ván cờ đời tôi vẫn là người thua cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét