Ransom Riggs
Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine
Chương 5
Đó là một buổi sáng gần như quá hoàn hảo. Vừa rời khỏi quán
rượu là y như bước ngay vào một trong những bức ảnh chỉnh sửa quá lố thường được
người ta đưa lên làm hình nền trên những chiếc máy tính mới: đường phố với những
ngôi nhà đổ nát một cách rất không thật chạy dài ra tận ngoài xa, rồi nhường chỗ
cho những cánh đồng xanh rì được bao quanh bằng những bức tường đá chạy ngoằn
ngoèo, và phủ lên toàn bộ phong cảnh là những đám mây trắng xốp. Nhưng đằng sau
tất cả cảnh tượng này, đằng sau những ngôi nhà, cánh đồng và bầy cừu đang thấp
thoáng xung quanh như những chiếc kẹo bông nhỏ xíu, tôi có thể thấy những vạt
sương mù dày đặc liếm quanh sườn núi ngoài xa như những cái lưỡi, nơi thế giới
này kết thúc và thế giới tiếp theo bắt đầu, lạnh, ẩm ướt vắng bóng mặt trời.
Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine
Chương 5
Đó là một buổi sáng gần như quá hoàn hảo. Vừa rời khỏi quán rượu là y như bước ngay vào một trong những bức ảnh chỉnh sửa quá lố thường được người ta đưa lên làm hình nền trên những chiếc máy tính mới: đường phố với những ngôi nhà đổ nát một cách rất không thật chạy dài ra tận ngoài xa, rồi nhường chỗ cho những cánh đồng xanh rì được bao quanh bằng những bức tường đá chạy ngoằn ngoèo, và phủ lên toàn bộ phong cảnh là những đám mây trắng xốp. Nhưng đằng sau tất cả cảnh tượng này, đằng sau những ngôi nhà, cánh đồng và bầy cừu đang thấp thoáng xung quanh như những chiếc kẹo bông nhỏ xíu, tôi có thể thấy những vạt sương mù dày đặc liếm quanh sườn núi ngoài xa như những cái lưỡi, nơi thế giới này kết thúc và thế giới tiếp theo bắt đầu, lạnh, ẩm ướt vắng bóng mặt trời.
Tôi đi bộ vượt qua sườn dốc, bước thẳng vào cơn mưa đang rơi
xuống. Như thường lệ, tôi đã quên khuấy mất đôi ủng cao su của mình, còn con đường
nhanh chóng trở thành một dải uốn lượn chìm sâu trong bùn. Nhưng chịu ướt một
chút dường như còn dễ chịu hơn rất nhiều so với viễn cảnh phải leo qua ngọn đồi
đó hai lần trong một buổi sáng, vậy là tôi cúi gằm mặt xuống trước cơn mưa lất
phất và vất vả lê bước đi tiếp.
Không lâu sau, tôi đi ngang qua chuồng cừu, loáng thoáng bên
trong là hình dáng lũ cừu đang chen chúc nhau trốn tránh mưa rét, rồi tiếp theo
là khu đầm lầy phủ đầy sương mù, im ắng một cách ma quái. Tôi chợt nghĩ tới vị
cư dân hai nghìn bảy trăm năm tuổi của bảo tàng Cairnholm và tự hỏi đầm lầy này
liệu còn lưu giữ bao nhiêu người nữa như ông ta, những người dừng lại nơi cõi
chết và vẫn chưa được khai quật; bao nhiêu người nữa đã từ bỏ cuộc sống của họ ở
đây để tìm kiếm thiên đường.
Khi tôi tới được trại trẻ, cơn mưa vốn chỉ lất phất lúc này
đã ào ào như trút nước. Không còn thời gian để nấn ná ngoài khoảng sân đầy cây
dại của ngôi nhà và ngẫm nghĩ về hình hài xấu xa hiểm ác của nó - cái cách
khung cửa ra vào không còn cánh cửa dường như nuốt chửng lấy tôi khi tôi bước
qua nó, cái cách những tấm ván lát sàn cong vênh vì ngấm nước mưa dưới lối đi
hơi lún xuống dưới đôi giày của tôi.
Tôi đứng vắt nước khỏi chiếc áo sơ mi của mình và lắc lắc
mái tóc, rồi khi đã làm khô người đến hết mức có thể xoay xở được - nghĩa là
cũng chẳng khô cho lắm - tôi bắt đầu tìm kiếm. Tìm cái gì, tôi cũng không rõ. Một
cái hộp đựng thư chăng? Hay tên ông nội tôi khắc trên một bức tường? Tất cả dường
như đều khó có khả năng xảy ra. Tôi đi vòng quanh, lật giở những chồng báo cũ
dính bết, cúi xuống ngó dưới gầm ghế gầm bàn. Tôi tưởng tượng sẽ khám phá ra một
cảnh tượng kinh hoàng nào đó - một đống xương khô mặc những mảnh giẻ rách cháy
đen - nhưng tất cả những gì tôi tìm thấy là những căn phòng đã trở thành lộ
thiên chứ không còn nằm trong nhà, mọi nét đặc trưng đã bị hơi ẩm, gió và những
lớp bụi đất xóa hết.
Tầng trệt chẳng cho biết điều gì. Tôi quay trở lại cầu
thang, biết rằng lần này mình sẽ phải leo thôi. Câu hỏi duy nhất là leo lên hay
xuống đây? Một lý do chống lại việc leo lên tầng là có rất ít cơ hội tẩu thoát
cấp tốc (khỏi những con khỉ đột hay những con ma cà rồng hoặc bất cứ thứ gì
khác mà bộ óc đang lo sợ của tôi có thể tưởng tượng ra) ngoại trừ lao mình xuống
qua một khung cửa sổ trên lầu. Đi xuống hầm cũng gặp phải rắc rối tương tự,
thêm vào đó còn có thêm điểm tệ hại là tối tăm, trong khi tôi không có đèn pin.
Vậy thì lên lầu.
Các bậc cầu thang phản đối sức nặng của tôi bằng một bản
giao hưởng run rẩy và cọt kẹt, nhưng vẫn đứng vững, và những gì tôi khám phá ra
trên lầu - ít nhất là so với tầng trệt bị bom phá tan tành - trông giống như một
cái kén thời gian. Nằm dọc một lối đi giấy dán tường đã bong tróc, các căn
phòng đều ở tình trạng tốt đến mức đáng ngạc nhiên. Cho dù có một hai phòng đã
bị nấm mốc xâm chiếm ở chỗ mưa lọt vào qua khung cửa sổ vỡ, trong những căn
phòng còn lại là những món đồ gần như mới tinh, chỉ khác ở chỗ có một hai lớp bụi
mỏng: một cái áo sơ mi bị mốc vắt bừa lên lưng tựa của một cái ghế, ít tiền xu
lẻ nằm rải rác trên một chiếc giường. Có thể dễ dàng tin rằng mọi thứ vẫn y
nguyên như khi những đứa trẻ để chúng lại, như thể thời gian đã ngừng lại vào
đêm họ chết.
Tôi đi từ phòng này sang phòng khác, kiểm tra mọi thứ bên
trong như một nhà khảo cổ học. Có những món đồ chơi bằng gỗ đã mủn nát trong một
cái hộp; những chiếc bút chì màu trên một bậu cửa sổ, màu sắc đã phai dưới ánh
sáng của cả vạn buổi chiều đã trôi qua; một ngôi nhà búp bê với những con búp
bê bên trong, những tù nhân chung thân trong một nhà tù lộng lẫy.
Trong một thư viện nhỏ, hơi ẩm len lỏi vào đã uốn cong các
giá sách thành những nụ cười méo xệch. Tôi lướt ngón tay theo các gáy sách trơ
nhẵn, như thể đang cân nhắc xem có nên lấy một cuốn ra đọc. Có những tác phẩm
kinh điển như Peter Pan và Khu vườn bí mật, những cuốn sách lịch sử được viết bởi
các tác giả đã bị lịch sử lãng quên, sách học tiếng Latin và Hy Lạp. Góc phòng
kê vài bàn học cũ. Tôi hiểu ra đây là phòng học của những đứa trẻ, và bà
Peregrine là cô giáo của họ. Tôi cố mở hai cánh cửa nặng trịch, xoay tay cầm,
nhưng chúng đã bị phồng ra và đóng chặt - tôi bèn lùi lại lấy đà rồi lao tới
dùng vai thúc vào cửa. Hai cánh cửa kèn kẹt bật mở ra còn tôi thì ngã sấp mặt
xuống căn phòng kế tiếp. Trong lúc chống tay đứng dậy nhìn quanh, tôi nhận ra
nó chỉ có thể từng là phòng bà Peregrine. Trông nó giống như một căn phòng
trong lâu đài của Người Đẹp Ngủ Trong Rừng, với những cây nến chăng đầy mạng nhện
cắm trên giá gắn vào tường, một cái bàn trang điểm có gương, mặt bàn xếp những
cái lọ pha lê, và một chiếc giường lớn bằng gỗ sồi.
Tôi hình dung ra lần cuối cùng bà ở đây, tung chăn vùng dậy
giữa đêm khuya khi nghe thấy tiếng còi báo động phòng không hú vang, tập hợp lũ
trẻ, tất cả đều đang lơ mơ ngái ngủ và ôm khư khư áo khoác trên giường xuống dưới
nhà.
Bà có sợ không?
tôi tự hỏi. Bà có nghe thấy những chiếc
máy bay đang tới không?
Tôi bắt đầu có cảm giác thật kỳ quái. Tôi có cảm giác mình
đang bị theo dõi; rằng những đứa trẻ vẫn đang ở đây, được bảo tồn như cậu thiếu
niên ở đầm lầy, bên trong các bức tường. Tôi có thể cảm thấy họ đang dõi theo
tôi qua các khe nứt và lỗ khóa.
Tôi đi sang căn phòng tiếp theo. Ánh sáng yếu ớt chiếu vào
qua một cửa sổ. Những mảnh vụn giấy dán tường màu xanh nhạt rơi xuống hai chiếc
giường nhỏ vẫn còn nguyên ga trải đã phủ bụi. Bằng cách nào đó, tôi biết đây từng
là phòng của ông nội mình. Tại sao ông lại
đưa cháu tới đây? Ông cần cháu phải thấy cái gì?
Thế rồi tôi để ý thấy thứ gì đó dưới gầm một trong hai chiếc
giường và quỳ gối xuống xem.
Đó là một chiếc va li cũ. Có phải cái này là của ông không? Có phải đây chính là chiếc va li ông
đã cầm theo lên tàu vào lần cuối cùng ông thấy hai cụ nội, khi cuộc đời thứ nhất
của ông đang dần trôi tuột đi không?
Tôi kéo cái va li ra và lóng ngóng xoay xở với những chiếc
đai da đã sờn mục của nó. Cái va li dễ dàng mở ra - nhưng ngoài một gia đình
gián chết, nó hoàn toàn trống trơn. Tôi cũng cảm thấy trống rỗng, và nặng nề lạ
thường, như thể trái đất đang quay quá nhanh, làm lực hút tăng lên, kéo tôi xuống
phía sàn. Đột nhiên cảm thấy kiệt sức, tôi ngồi xuống giường - rất có thể là
giường của ông - và vì những lý do tôi không thể giải thích nổi, tôi nằm dài ra
trên tấm ga bẩn thỉu đó và nhìn chằm chằm lên trần nhà.
Ông đã nghĩ gì khi nằm
đây vào ban đêm? Có phải ông cũng gặp ác mộng không? Tôi bắt đầu khóc. Khi hai cụ nội chết, ông có biết không? Ông
có cảm thấy họ ra đi không? Tôi khóc dữ hơn. Tôi không muốn thế, nhưng
không thể kìm mình lại được.
Không thể ngăn mình lại, thế là tôi nghĩ đến đủ thứ tồi tệ,
cứ nuôi dưỡng chúng mãi thêm cho tới khi tôi khóc dữ tới mức phải thở dốc lấy
hơi giữa những cơn nức nở. Tôi nghĩ đến chuyện các cụ nội tôi đã bị chết đói
như thế nào. Tôi nghĩ đến việc thi thể kiệt quệ của họ bị đẩy vào lò thiêu vì
những người họ không hề biết lại căm ghét họ. Tôi nghĩ đến cảnh những đứa trẻ sống
trong ngôi nhà này đã bị thiêu cháy và nổ tung ra thành từng mảnh bởi một gã
phi công đã dửng dưng bấm một cái nút. Tôi nghĩ tới việc gia đình của ông đã bị
tước đoạt khỏi ông như thế nào, và cũng chính vì thế mà bố tôi đã lớn lên với cảm
giác không có một người cha đúng nghĩa ra sao, và giờ đây tôi phải trải qua những
cơn căng thẳng tột độ, những cơn ác mộng và đang ngồi một mình trong một ngôi
nhà đổ nát mà khóc lóc, những giọt nước mắt nóng hổi ngu ngốc tưới đẫm trên khắp
cái áo sơ mi tôi đang mặc.
Tất cả chỉ vì một nỗi đau kéo dài suốt bảy mươi năm đã bằng
cách nào đó được truyền lại cho tôi như một vật gia truyền tẩm độc, và những
con quái vật tôi không thể chiến đấu chống lại vì tất cả chúng đều đã chết,
không thể bị giết, bị trừng phạt hay chịu bất cứ hình thức phán xét nào khác.
Ít nhất ông nội tôi đã có thể nhập ngũ và chiến đấu với
chúng. Còn tôi có thể làm gì đây?
Khi cơn nức nở qua đi, đầu tôi đau như dần. Tôi nhắm mắt lại,
áp các đốt ngón tay vào sát mắt để ngăn không cho chúng gây phiền toái nữa, dù
chỉ trong giây lát, và cuối cùng, khi tôi ngưng ép và mở mắt ra, một sự thay đổi
thần kỳ đã đến với căn phòng: có một tia nắng duy nhất chiếu vào qua cửa sổ.
Tôi đứng dậy, đi tới chỗ mặt kính rạn nứt, và thấy bên ngoài trời vừa mưa vừa nắng
- một kiểu thời tiết kỳ cục mà dường như chẳng ai gọi tên được. Mẹ tôi, xin nói
luôn là tôi không hề có ý đùa cợt, gọi nó là “những giọt nước mắt của trẻ mồ côi”. Thế rồi tôi nhớ những gì
Ricky đã nói về kiểu thời tiết này - “Quỷ
sứ đánh vợ!” - và tôi bật cười, đồng thời cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Thế rồi trong vạt nắng chiếu dọc qua căn phòng, tôi trông thấy
một thứ trước đó tôi đã không nhận ra. Đó là một cái rương - hay ít nhất là cạnh
của một cái rương - đang nhô ra từ dưới gầm chiếc giường thứ hai. Tôi bước tới,
lật tấm ga trải giường che khỏi tầm nhìn phần lớn món đồ. Đó là một chiếc rương
cũ to, cái ổ khóa đã hoen gỉ cũng to bự. Không thể có chuyện nó trống trơn, tôi
thầm nghĩ. Rương trống không thì ai khóa làm gì. Hãy mở tôi ra! Có vẻ như nó đang kêu gọi. Tôi đầy ắp các bí mật nè! Tôi bấu lấy hai bên cạnh rương và lôi nó
ra. Cái rương không nhúc nhích. Tôi lại lôi, mạnh hơn, nhưng nó vẫn không xê dịch
dù chỉ một phân. Tôi không dám chắc liệu có phải cái rương thực sự nặng đến thế,
hay hơi ẩm và bụi tích tụ lại qua hàng thế hệ đã bằng cách nào đó làm nó dính
chặt xuống sàn. Tôi đứng dậy đá vài cái vào nó, có vẻ vì thế mà thứ gì đó đã
bung lỏng ra, rồi tiếp theo tôi đã có thể di chuyển cái rương bằng cách lôi lần
lượt từng bên một, nhích dần nó ra ngoài theo cách bạn có thể dùng để di chuyển
một cái lò hay tủ lạnh, cho tới khi cái rương đã chui hẳn ra khỏi gầm giường, để
lại một dãy vết sượt hình dấu ngoặc đơn dưới sàn nhà. Tôi giật mạnh cái khóa
móc, nhưng bất chấp một lớp gỉ dày, cái khóa có vẻ vẫn rất chắc chắn. Tôi
thoáng nghĩ tới việc tìm chìa khóa - hẳn phải ở đâu đó quanh đây - nhưng tôi có
thể sẽ phải mất hàng giờ để tìm kiếm, mà cái khóa thì trông hoen gỉ đến mức tôi
tự hỏi không biết liệu chìa khóa còn tác dụng gì với nó nữa hay không.
Lựa chọn duy nhất dành cho tôi là phá khóa. Nhìn quanh tìm
thứ gì đó có thể làm được việc này, tôi thấy một cái ghế hỏng trong một căn
phòng khác. Tôi bẻ một chân ghế và hăm hở bắt tay vào phá khóa, giơ cái chân ghế
lên cao quá đầu như một tay đao phủ rồi giáng nó xuống mạnh hết mức có thể, hết
lần này tới lần khác, cho tới khi cái chân ghế cuối cùng cũng gãy và tôi chỉ
còn lại trong tay một đoạn chân ghế vỡ. Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng tìm thứ gì
đó chắc chắn hơn và nhanh chóng nhận ra có một thanh sắt lỏng lẻo trên khung
giường. Sau vài cú đá thật mạnh, thanh sắt rơi xuống sàn kêu loảng xoảng. Tôi
luồn một đầu thanh sắt vào vòng móc khóa rồi đẩy mạnh đầu còn lại ra sau. Chẳng
có gì xảy ra. Tôi vịn cả người lên đầu thanh sắt, hai bàn chân nâng lên khỏi
sàn như thể đang tập đu xà. Chiếc rương khẽ cọt kẹt, nhưng cũng chỉ có thế. Tôi
bắt đầu nổi nóng. Tôi đá cái rương, dồn lên thanh sắt tất cả sức lực của mình,
các tĩnh mạch trên cổ tôi nổi lên căng phồng, vừa gồng mình tôi vừa hét lên, Mở ra, đồ chết tiệt, mở ra, cái rương ngu ngốc
kia! Cuối cùng cơn tuyệt vọng và bực bội của tôi cũng có một chỗ để nhắm
vào: nếu tôi không thể làm ông nội quá cố của mình thổ lộ các bí mật của ông,
tôi hoàn toàn có thể moi các bí mật ra khỏi cái rương cũ kỹ này. Và rồi thanh sắt
bị trượt đi, tôi bị đập mạnh người xuống sàn, bao nhiêu không khí trong phổi
như bị ép hết ra ngoài. Tôi nằm đó, nhìn chằm chằm lên trần nhà, hổn hển thở lấy
hơi. “Những giọt nước mắt của trẻ mồ côi”
đã kết thúc, và lúc này bên ngoài chỉ còn là cơn mưa theo nghĩa thông thường, dữ
dội hơn bao giờ hết.
Tôi tính quay trở lại thị trấn tìm một cái búa tạ hay một
cái cưa kim loại - nhưng điều đó chỉ làm nảy sinh những câu hỏi tôi chẳng hề muốn
trả lời. Thế rồi tôi nảy ra một ý tưởng thật thiên tài. Nếu tôi có thể tìm ra
cách nào đó làm vỡ cái rương, tôi sẽ không cần bận tâm đến cái khóa nữa. Và sức
mạnh nào có thể mạnh mẽ hơn tôi, mạnh mẽ hơn cơ bắp nửa trên cơ thể phải thừa
nhận là kém phát triển của tôi cùng những công cụ vớ vẩn vừa bất lực với cái
rương?
Trọng lực.
Nói cho cùng, tôi đang ở trên tầng hai của ngôi nhà, và mặc
dù tôi không nghĩ sẽ có cách nào đó cho phép mình nâng cái rương lên được đủ
cao để đẩy nó qua một cửa sổ, nhưng hàng tay vịn ở chiếu nghỉ trên đầu cầu
thang đã sập xuống từ lâu rồi. Tất cả những gì tôi cần làm là lôi cái rương
theo lối đi ra đó rồi đẩy xuống. Những thứ nằm bên trong có còn nguyên vẹn được
sau cú rơi hay không là chuyện khác - nhưng ít nhất cũng sẽ tìm ra được bên
trong có gì.
Tôi quỳ xuống đằng sau cái rương, nhổm người tựa trên hai
gót chân và bắt đầu đẩy nó ra lối đi. Nhích được gần chục phân, phần chân bằng
kim loại của nó lún vào mặt sàn mềm và cái rương bướng bỉnh dừng lại. Không chịu
thua, tôi vòng sang bên đối diện, dùng cả hai bàn tay tóm chặt lấy cái khóa móc
rồi kéo đi giật lùi. Trước sự kinh ngạc tột độ của tôi, cái rương dịch liền một
hơi phải đến gần một mét. Đây chẳng phải là một thứ lao động cao quý gì cho cam
- tôi phải lặp đi lặp lại động tác ngồi xổm nhích người giật lùi cọ mông xuống
sàn hết lần này tới lần khác, mỗi cú trượt đi của cái rương lại đi kèm tiếng
kim loại nghiến ken két trên gỗ chói tai - nhưng chẳng mấy chốc tôi đã lôi nó
ra được khỏi phòng và chuyển sang kéo lê từng chút từng chút một, từ trước
khung cửa này qua trước khung cửa khác, ra phía chiếu nghỉ. Tôi đắm mình vào
trong nhịp điệu kéo lê, và cũng nhờ đó mà mồ hôi toát ra đầm đìa đầy nam tính.
Cuối cùng tôi cũng ra tới chiếu nghỉ, rồi cùng một tiếng làu
bàu chẳng mấy tế nhị cuối cùng, lôi cái rương ra chiếu nghỉ ngay sau mình. Giờ
thì nó trượt đi thật dễ dàng, và lôi thêm vài cái nữa, tôi đã đưa cái rương ra
chông chênh bên rìa chiếu nghỉ; chỉ cần một cú huých cuối cùng là đủ đẩy nó rơi
xuống. Nhưng tôi muốn được nhìn tận mắt cái rương vỡ ra - phần thưởng cho tất cả
nỗ lực của tôi - vậy là tôi đứng dậy, cẩn thận nhích ra phía rìa cho tới khi
thoáng nhìn thấy được sàn căn phòng tối mờ mờ bên dưới. Sau đó, tôi nín thở tặng
cho cái rương một cú đạp nhẹ. Nó lừng khừng giây lát, lảo đảo bên bờ rìa của định
mệnh, rồi quả quyết nhào ra trước và rơi, lộn vòng trên không như một điệu vũ
ba lê quay chậm tuyệt đẹp.
Thế rồi một tiếng va đập thật lớn rền vang dường như làm chấn
động cả ngôi nhà trong khi một đám bụi từ phía dưới xộc lên tới chỗ tôi, làm
tôi phải che mặt và rút lui vào trong lối đi cho tới khi nó tan đi.
Một phút sau, tôi trở lại một lần nữa từ chiếu nghỉ ngó xuống
và rồi nhìn thấy không phải một đống mảnh gỗ vỡ nát như tôi từng khấp khởi hy vọng
thu được, mà là một cái lỗ rìa lởm chởm như răng cưa với kích thước đúng bằng
cái rương trên nền ván lát sàn.
Nó đã rơi thẳng xuống dưới tầng hầm. Tôi hối hả chạy xuống cầu
thang và úp sấp bụng bò tới rìa chỗ sàn nhà bị thủng như kiểu người ta tiếp cận
một cái lỗ trên băng mỏng. Cách phía dưới chừng năm mét, qua một màn bụi lơ lửng
và bóng tối, tôi nhìn thấy những gì còn lại của cái rương. Nó đã vỡ nát như một
quả trứng khổng lồ, các mảnh vỡ của nó nằm lẫn lộn trong một đống đổ nát và ván
sàn nát vụn. Nằm rải rác khắp nơi là những mảnh giấy nhỏ xíu. Có vẻ như cuối
cùng tôi đã tìm thấy một hộp đựng thư! Nhưng sau đó, nheo mắt lại nhìn kỹ hơn,
tôi có thể nhận ra những đường nét trên đó những khuôn mặt, dáng người - và khi
đó tôi nhận ra những mảnh giấy kia không phải là thư mà là những bức ảnh. Có đến
hàng tá.
Tôi nóng bừng người lên vì phấn khích - rồi nhanh chóng lạnh
toát người khi chợt nhận ra một điều kinh khủng.
Tôi cần phải đi xuống
dưới đó.
* * *
Tầng hầm là một tổ hợp rối rắm nhiều căn phòng, thiếu ánh
sáng đến mức tôi có mang băng bịt mắt thám hiểm chúng thì cũng chẳng có gì khác
biệt.
Tôi đi xuống các bậc thang kêu răng rắc và đứng dưới chân cầu
thang một lúc, hy vọng đôi mắt mình cuối cùng sẽ điều tiết được, nhưng bóng tối
ở dưới này đen thui tới mức chẳng thể nào điều tiết nổi. Tôi cũng hy vọng rồi
mình sẽ quen được với mùi - một thứ mùi khó ngửi hăng hăng kỳ lạ, giống như tủ
đựng hóa chất trong một phòng dạy môn hóa - nhưng không tài nào quen nổi. Vậy
là tôi lê bước đi tới, kéo cổ áo sơ mi lên che mũi, hai bàn tay chìa ra phía
trước lần sờ, và hy vọng mọi sự sẽ ổn thỏa. Tôi vấp chân suýt ngã. Có thứ gì đó
bằng thủy tinh trượt đi trên sàn. Mùi có vẻ càng thêm khó chịu. Tôi bắt đầu tưởng
tượng ra những thứ đang rình rập trong bóng tối phía trước mình. Quên lũ quái vật
và ma quỷ đi - sẽ thế nào nếu có một cái hố nữa dưới sàn? Nguời ta sẽ chẳng bao
giờ tìm ra xác tôi.
Thế rồi tôi chợt nhớ ra, trong một phút lóe sáng thiên tài
nho nhỏ, là bằng cách bật màn hình chính của chiếc điện thoại di động vẫn đút
trong túi quần (bất chấp việc tôi đang ở cách xa trạm tiếp sóng gần nhất đến mười
dặm), tôi có thể biến nó thành một cái đèn pin mờ mờ.
Tôi giơ điện thoại lên, chĩa màn hình ra xa khỏi mình. Quầng
sáng hầu như không thể xuyên vào bóng tối, vậy là tôi chiếu nó xuống sàn. Toàn
là những phiến đá lát nứt nẻ và phân chuột. Tôi hướng quầng sáng sang bên; một
tia phản chiếu yếu ớt lóe lên hất trở lại. Tôi bước lại gần thêm một bước và
đưa điện thoại lia xung quanh. Từ trong bóng tối hiện lên một dãy những chiếc
giá xếp từng hàng bình thủy tinh. Những chiếc bình có đủ loại hình dạng và kích
thước, bên ngoài cáu bụi, bên trong đựng đầy thứ gì đó bèo nhèo lơ lửng trong
chất lỏng đục lờ lờ. Tôi nghĩ tới khu nhà bếp và những cái bình đựng rau quả vỡ
nát tôi đã tìm thấy ở đó. Có thể nhiệt độ ở dưới này ổn định hơn, và vì thế những
cái bình ở đây vẫn giữ được. Nhưng sau đó, tôi lại gần hơn và nhìn kỹ hơn, để rồi
nhận ra trong những cái bình này không phải là rau quả, mà là nội tạng. Óc.
Tim. Phổi. Mắt. Tất cả đều được ngâm trong một thứ formaldehyd pha lấy, giải
thích cho thứ mùi kinh khủng đó.
Tôi bịt mồm loạng choạng lao vào bóng tối rời xa khỏi chúng,
vừa nôn ọe vừa cố kìm lại. Đây là chỗ quái quỷ nào vậy? Những cái bình đó là thứ
rất có thể người ta sẽ trông đợi tìm thấy dưới tầng hầm của một trường y có
hành tung hắc ám nào đó, chứ không phải của một ngôi nhà toàn trẻ con. Nếu
không vì tất cả những điều kỳ diệu ông nội Portman đã kể về nơi này, rất có thể
tôi đã tự hỏi liệu có phải bà Peregrine đã cưu mang lũ trẻ chỉ để lấy nội tạng
của họ.
Khi đã ít nhiều bình tĩnh lại, tôi ngước lên và thấy một quầng
sáng mờ khác phía trước mình - không phải ánh phản chiếu lại luồng sáng từ điện
thoại của tôi, mà là một tia sáng ban ngày yếu ớt. Hẳn nó lọt xuống qua cái lỗ
tôi tạo ra.
Tôi kiên quyết bước tới, hít thở qua làn vải của cái áo sơ
mi được kéo cao lên, đồng thời tránh xa khỏi các bức tường cũng như bất cứ nỗi
kinh ngạc ghê tởm nào chúng có thể chứa đựng. Quầng sáng dẫn tôi đi vòng qua một
góc quẹo, vào một căn phòng nhỏ có một phần mái đã đổ sập xuống. Ánh sáng ban
ngày chiếu xuyên qua cái lỗ xuống một đống ván sàn vỡ nát và mảnh thủy tinh vỡ,
từ đó cuộn lên đám bụi lơ lửng, những mảnh thảm rách nằm rải rác đây đó như những
miếng thịt khô. Bên dưới đống đồ nát tôi có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của những
bàn chân tí hon, một cư dân gặm nhấm sống trong bóng tối nào đó đã sống sót sau
khi thế giới của nó bị đổ ập xuống. Và nằm giữa đống tan hoang này là cái rương
bị phá hủy, những bức ảnh rải tung tóe xung quanh nó như hoa giấy.
Tôi cẩn thận lần tìm đường đi qua đống đổ nát, những mảnh gỗ
nhọn hoắt nhô cao lên như những cây lao và những tấm ván chi chít đinh gỉ.
Quỳ gối xuống, tôi bắt đầu cứu vãn những gì có thể từ đống
tàn tích. Tôi có cảm giác mình như một nhân viên cứu hộ, nhặt các bức ảnh lên
khỏi đống đổ nát, lau sạch đi mảnh thủy tinh và vụn gỗ. Và cho dù một phần
trong tôi muốn khẩn trương - chẳng thể nói chắc được liệu phần còn lại của sàn
tầng trệt có đổ sập xuống đầu tôi hay không và nếu có thì là khi nào - tôi vẫn
không thể ngăn mình xem xét chúng. Thoạt nhìn, trông chúng giống như những bức ảnh
ta có thể tìm thấy trong bất cứ cuốn album gia đình nào. Có những bức ảnh chụp
những người vui vẻ nhảy nhót trên bãi biển, mỉm cười ngoài vòm cổng sau nhà, những
phong cảnh khác nhau trên đảo, và rất nhiều trẻ con, chụp một mình hay chụp
đôi, những bức ảnh chụp phong cảnh trên đảo, những bức hình chụp thân mật hay
những bức chân dung chụp trước phông nền, người được chụp ôm khư khư những con
búp bê có đôi mắt vô hồn, như thể họ đã tới hiệu ảnh Glamour ở một trung tâm
thương mại kinh khủng nào đó thế kỷ trước.
Nhưng điều khiến tôi thực sự rợn gáy không phải là những con
búp bê bộ dạng như zombie, cũng không phải là kiểu tóc kỳ quái của những đứa trẻ
hay việc dường như những đứa trẻ trong ảnh không bao giờ mỉm cười, mà là việc
càng ngắm nhìn kỹ, tôi càng thấy những bức hình trở nên quen thuộc. Tất cả đều
có cái vẻ gì đó ghê rợn, giống những bức ảnh cũ của ông nội tôi, nhất là những
bức ảnh ông giấu kín dưới đáy cái hộp đựng xì gà của ông, cứ như thể tất cả
chúng đều thuộc cùng loạt ảnh. Chẳng hạn, có một bức ảnh hai cô gái trẻ tạo
dáng trước phông nền vẽ cảnh đại dương trông chẳng giống lắm. Bản thân cái ảnh
cũng chẳng mấy lạ, điều kỳ dị là ở tư thế của hai người chụp. Cả hai đều quay
lưng lại ống kính. Tại sao họ bỏ ra bấy nhiêu công sức và chi phí để được chụp ảnh
- vào thời đó chụp chân dung khá tốn tiền - để rồi lại quay lưng vào ống kính
chứ. Phần nào trong tôi trông đợi sẽ tìm thấy trong đống đổ nát một bức ảnh nữa
cũng chụp các cô gái này quay mặt vào ống kính, để lộ ra những hộp sọ đang nhăn
nhở thay vì các khuôn mặt.
Những bức ảnh khác dường như cũng bị chỉnh sửa theo cùng
cách như một vài bức ảnh của ông nội tôi. Một bức như thế chụp cô gái đứng một
mình trong một nghĩa địa nhìn xuống một hồ nước phản chiếu cảnh vật phía trên -
nhưng trên mặt nước lại có bóng của hai cô gái.
Nó làm tôi nhớ tới bức ảnh chụp cô gái bị nhốt trong chai của
ông nội Portman, chỉ có điều thủ thuật phòng tối được sử dụng ở đây, dù là gì
đi nữa, trông không có vẻ gì là giả tạo.
Một bức ảnh khác chụp một cậu thiếu niên có vẻ bình thản
đáng kinh ngạc trong khi phần thân trên của cậu ta có vẻ đang bị ong bu đầy.
Cái đó cũng dễ làm giả thôi, phải không nào? Như bức ảnh cậu bé đang nâng bổng
một vật chắc chắn là tảng đá làm từ thạch cao. Đá giả, ong giả.
Tóc gáy tôi dựng cả lên khi tôi nhớ lại điều ông nội Portman
đã nói về một cậu bé ông từng biết ở trại trẻ này - một cậu bé nuôi ong trong
người. Mỗi lần cậu ta há miệng là vài con
ong sẽ bay ra, ông đã kể như thế, nhưng
chúng không bao giờ đốt trừ khi Hugh muốn chúng làm vậy.
Tôi chỉ có thể nghĩ tới một cách giải thích. Những bức ảnh của
ông có nguồn gốc từ chính cái rương đang nằm tan nát trước mặt tôi. Song tôi vẫn
chưa chắc chắn về điều đó cho tới khi tìm thấy một bức ảnh kỳ quái: hai đứa trẻ
đeo mặt nạ mặc áo cổ diềm xếp nếp, một cậu dường như đang cho cậu kia ăn một dải
ruy băng.
Tôi không biết chính xác hai nhân vật này có ngụ ý gì - ngoại
trừ tạo cảm hứng cho những cơn ác mộng; họ là ai, hai vũ công ba lê cùng bị chứng
bạo dâm chắc? - nhưng tôi chắc chắn một trăm phần trăm ông nội Portman cũng có
một bức ảnh chụp chính hai cậu bé này. Tôi đã thấy bức ảnh đó trong cái hộp xì
gà của ông chỉ mới vài tháng trước.
Không thể nào có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, cũng có nghĩa
là những bức ảnh ông đã cho tôi xem - và thề với tôi là của những đứa trẻ ông
đã biết trong trại trẻ này - thực sự có nguồn gốc từ trại trẻ tôi đang đứng
đây. Nhưng phải chăng thế nghĩa là, bất chấp những nghi ngờ tôi đã ấp ủ thậm
chí từ khi còn là cậu nhóc tám tuổi, những bức ảnh kia đều là thật?
Thế còn những câu chuyện kỳ ảo đi kèm với chúng thì sao đây?
Thật khó lòng tin rằng có bất kỳ chuyện nào trong đó là thật - thật theo đúng
nghĩa đen. Ấy thế nhưng đứng đó giữa khung cảnh bụi bặm tranh tối tranh sáng của
trại trẻ tịnh không bóng người nhưng đồng thời cũng có vẻ đầy những hồn ma lởn
vởn, tôi thầm nghĩ, biết đâu đấy...
Đột nhiên một tiếng đổ sập ầm ầm vọng lại từ đâu đó trong phần
ngôi nhà phía trên đầu tôi, tôi liền giật bắn người tới mức tất cả các bức ảnh
tuột khỏi hai bàn tay. Ngôi nhà đang lún
sụt xuống, tôi tự nhủ hoặc đang đổ sụp
xuống kìa!
Nhưng trong khi tôi cúi xuống nhặt các bức ảnh lên, tiếng đổ
sập ầm ầm lại vang lên, và trong nháy mắt chút ánh sáng yếu ớt chiếu xuống qua
cái lỗ trên sàn tắt phụt, vậy là đột nhiên tôi ngồi chồm hỗm trong bóng tối đen
như mực.
Tôi nghe thấy tiếng bước chân, rồi những giọng nói. Tôi dỏng
tai lên cố lắng nghe xem chúng đang nói gì, nhưng không thể. Tôi không dám nhúc
nhích, sợ rằng cử động nhỏ nhất cũng có thể gây ra một dòng thác những mảnh vỡ ầm
ầm đổ xuống khắp xung quanh mình. Tôi biết nỗi sợ mình cảm thấy thật vô lý -
hoàn toàn có thể chỉ là mấy cậu nhóc rapper ngớ ngẩn kia lại đang bày ra một
trò chơi khăm nữa - nhưng tim tôi đang đập như thể tôi chạy với tốc độ một trăm
dặm trên giờ, và trực giác tinh nhạy của một con thú ẩn sâu trong tôi ra lệnh
cho tôi phải im lặng.
Hai chân tôi bắt đầu tê dại. Khẽ khàng nhất có thể, tôi chuyển
tì người từ chân này sang chân bên kia để máu lưu thông trở lại. Có một mảnh nhỏ
xíu nào đó rời ra khỏi đống đổ nát và lăn đi, gây nên một tiếng động nghe thật
to trong khung cảnh im lặng như tờ. Những giọng nói im bặt.
Thế rồi một tấm ván sàn kêu răng rắc ngay trên đầu tôi và một
đám bụi vữa lả tả rơi xuống như một cơn mưa nhỏ. Dù ai ở trên đó, họ cũng biết
chắc tôi đang ở đâu rồi.
Tôi nín thở. Thế rồi tôi nghe thấy giọng một cô gái dịu dàng
lên tiếng, “Abe? Có phải anh đấy không?”.
Tôi tưởng mình vừa mơ suốt. Tôi chờ cô gái lên tiếng lần nữa, nhưng một lúc lâu
sau chỉ có tiếng mưa rào rào đập xuống mái nhà, như cả nghìn ngón tay đang gõ
xa xa ở đâu đó. Rồi một cây đèn bão vụt sáng lên trên đầu tôi, tôi ngửa cổ ngước
lên thì thấy sáu đứa trẻ đang quỳ gối quanh đường rìa nham nhở của lỗ vỡ trên
sàn nhà, chăm chú nhìn xuống.
Không hiểu từ đâu, nhưng tôi nhận ra họ. Khuôn mặt họ dường
như tôi đã từng gặp trong một giấc mơ nửa nhớ nửa quên. Tôi đã thấy họ ở đâu rồi
nhỉ - và làm thế nào họ lại biết tên ông nội tôi được?
Sau đó tất cả trở nên rõ ràng. Trang phục của mấy đứa trẻ thật
lạ, thậm chí cũng không giống người xứ Wales. Những khuôn mặt nhợt nhạt vắng
bóng nụ cười của họ. Các bức ảnh rải ra trước mặt tôi, chăm chăm ngước nhìn lên
tôi trong khi mấy đứa trẻ chăm chăm nhìn xuống. Tôi đột nhiên hiểu ra. Tôi đã
trông thấy họ trong những bức ảnh đó.
Cô gái vừa lên tiếng lúc trước đứng lên để nhìn tôi được rõ
hơn. Trong hai bàn tay mình, cô gái giữ một quầng sáng chập chờn, không phải là
một cây đèn bão hay một ngọn nến, mà dường như giống một quả cầu lửa, không có
chất đốt nào ngoài làn da trần của cô gái. Tôi đã thấy bức ảnh của cô chưa đầy
năm phút trước đó, và trong ảnh cô trông rất giống lúc này, thậm chí vẫn đang ấp
ủ cùng thứ quầng lửa lạ lùng đó giữa hai bàn tay mình.
Tôi là Jacob, tôi
muốn nói lên thành tiếng. Tôi đã tìm các
bạn.
Nhưng quai hàm tôi đã trở nên cứng đờ, và tất cả những gì
tôi có thể làm là mở to mắt nhìn trân trối.
Cô gái tỏ vẻ khó chịu. Tôi trông quả là thảm hại, ướt sũng
nước mưa, cả người phủ đầy bụi và đang ngồi xổm giữa một đống đổ nát. Cho dù cô
gái và những đứa trẻ khác đã trông đợi tìm thấy cái gì phía dưới cái hố trên nền
nhà này, thứ đó cũng không phải là tôi.
Đám trẻ rì rầm trao đổi gì đó, đoạn đứng dậy rồi nhanh chóng
tản ra. Sự di chuyển đột ngột của họ làm tôi bừng tỉnh, lấy lại được giọng nói
của mình và hét lớn lên bảo họ đợi đã, nhưng họ đã chạy rầm rập trên ván lát
sàn, lao về phía cửa ra vào.
Tôi lần mò vượt qua đống đổ nát và loạng choạng mò mẫm đi
trong tầng hầm sặc mùikhó ngửi về phía cầu thang. Nhưng khi tôi lên trở lại được
tầng trệt, nơi phần ánh sáng ban ngày bị họ đánh cắp đã bằng cách nào đó quay
trở lại, mấy đứa trẻ kia đã biến mất khỏi ngôi nhà.
Tôi lao vụt ra ngoài, hối hả chạy xuống những bậc thềm xây bằng
gạch xập xệ, ra tới bãi cỏ, vừa chạy vừa hét to “Đợi đã! Dừng lại!”. Nhưng họ đã biến mất.
Tôi đưa mắt nhìn khắp sân, trong khoảng rừng, vừa thở hổn hển
vừa thầm rủa chính mình.
Có cái gì đó gãy răng rắc đằng sau vạt cây. Tôi quay ngoắt lại
nhìn và thoáng trông thấy đằng sau những cành cây đan nhau chằng chịt có cái gì
đó thấp thoáng động đậy - đường gấu của một chiếc váy trắng. Chính là cô gái
đó.
Tôi lao vào vạt rừng, gắng hết sức chạy đuổi theo. Cô gái
cũng chạy đi theo lối mòn. Tôi vượt qua những thân cây đổ, cúi người xuống
tránh những cành cây sà thấp, đuổi theo cô gái cho đến khi hai buồng phổi như bốc
cháy. Cô gái vẫn cố gắng cắt đuôi tôi, rời lối mòn rẽ vào khu rừng không hề có
đường đi rồi trở lại lối mòn. Cuối cùng, khu rừng cũng nằm lại đằng sau, và hai
chúng tôi chạy vào khu đầm lầy trống trải.
Tôi nhận ra cơ hội của mình. Giờ thì cô gái không còn nơi
nào để trốn - muốn bắt kịp cô tôi chỉ cần thắng về tốc độ và trong tình hình
tôi thì đi giày thể thao, mặc quần jean, còn cô gái mặc váy, thắng thua coi như
đã rõ.
Tuy vậy, ngay khi tôi bắt đầu thu hẹp khoảng cách, cô gái đột
ngột rẽ ngoặt và lao thẳng vào đầm lầy. Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài
lao theo. Không thể chạy được nữa. Địa hình ở đây rất bất trắc: mặt bùn không
ngừng lún xuống, bẫy tôi vào những hố bùn sâu đến đầu gối làm quần tôi ướt sũng
và bám chặt vào hai chân tôi. Thế nhưng cô gái dường như lại biết chính xác cần
đặt chân vào đâu, và cô bứt lên ngày một cách xa, rồi cuối cùng biến mất vào
trong màn sương mù làm tôi chỉ còn biết bám theo dấu chân của cô.
Sau khi bị cô gái cắt đuôi, tôi vẫn tiếp tục hy vọng dấu
chân của cô sẽ hướng trở lại lối mòn, nhưng chúng lại chạy mỗi lúc một sâu hơn
vào đầm lầy. Thế rồi màn sương mù khép lại sau lưng tôi, khiến tôi không thể thấy
được lối mòn nữa, và tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể tìm được đường ra hay
không. Tôi cố gọi cô gái - Tên tôi là
Jacob Portman! Tôi là cháu nội của ông Abe! Tôi sẽ không làm hại bạn đâu! -
nhưng dường như sương mù và bùn lầy đã nuốt chửng giọng nói của tôi.
Dấu chân của cô gái dẫn tới một đống đá. Trông đống đá giống
một lều băng lớn màu xám, nhưng đó là một mộ đá - một trong những ngôi mộ xếp từ
đá nguyên khối mà Cairnholm được đặt tên theo. Mộ đá này cao hơn tôi một chút,
dài và hẹp, có khoảng mở hình chữ nhật ở một đầu, trông như một cánh cửa, và
ngôi mộ đá nhô lên khỏi bùn lầy giữa một bụi cỏ.
Lội ra khỏi bãi lầy lên khoảng đất tương đối rắn chắc bao
quanh nó, tôi nhận ra lối vào là một đường hầm chạy sâu vào bên trong. Ở hai
bên lối vào có khắc những hình vòng khép kín và hình xoáy ốc phức tạp, những ký
tự tượng hình cổ xưa mà theo thời gian đã không còn ai hiểu ý nghĩa của chúng nữa.
Cậu bé đầm lầy nằm ở đây, các ký tự
đó viết vậy tôi thầm nghĩ. Hay nhiều khả năng là, Hãy từ bỏ hy vọng, hỡi tất cả những ai bước vào đây. Nhưng tôi vẫn
bước vào, vì dấu chân cô gái dẫn vào trong đó.
Ở bên trong, đường hầm của ngôi mộ đá rất hẹp, ẩm ướt và tối
thui, chật chội tới mức tôi chỉ có thể tiến lên trong tư thế cúi khom lưng xuống
đi lòng khòng như cua bò. Thật may, không gian khép kín không thuộc vào danh
sách vô số thứ làm tôi sợ hết hồn hết vía.
Hình dung ra cô gái đang sợ hãi run rẩy ở đâu đó phía trước,
tôi vừa tiến lên vừa nói chuyện với cô, cố hết sức trấn an cô là tôi không hề
có ý xấu. Những lời tôi nói vọng trở lại chỗ tôi nghe méo mó.
Đúng lúc hai đùi tôi bắt đầu đau nhức vì tư thế kỳ cục tôi
buộc phải làm, đường hầm mở rộng ra thành một gian phòng, tối om nhưng đủ rộng
để tôi có thể đứng thẳng, duỗi thẳng hai cánh tay sang hai bên mà không chạm
vào tường. Tôi lấy điện thoại ra và một lần nữa dùng nó làm đèn pin bất đắc dĩ.
Chẳng mất mấy thời gian để xác định được kích thước chỗ này. Nó chỉ là một căn
phòng tường đá rộng cỡ phòng ngủ của tôi - và hoàn toàn trống trải.
Chẳng có cô gái nào ở đây cả. Tôi đang đứng đó, cố hình dung
ra bằng cách quái quỷ nào cô gái đã trốn thoát thì chợt một điều làm tôi bừng tỉnh
- một điều hiển nhiên tới mức tôi cảm thấy mình thật ngốc vì mất nhiều thời
gian đến thế mới nhận ra. Không hề có cô gái nào cả. Tôi đã tưởng tượng ra cô
gái, và cả những đứa trẻ còn lại nữa. Bộ óc tôi đã hình dung ra họ ngay khi tôi
nhìn vào những bức ảnh của họ.
Thế còn bóng tối đột ngột, lạ lùng đã ập xuống trước khi mấy
đứa trẻ xuất hiện thì sao? Một thoáng mất ý thức.
Dù thế nào đi nữa, điều đó không thể là thật, những đứa trẻ
này đều đã chết lâu lắm rồi. Cho dù họ chưa chết, cũng thật ngớ ngẩn nếu tin họ
vẫn trông giống hệt như trước đây, khi chụp những bức ảnh đó. Thế nhưng mọi thứ
đã xảy ra nhanh tới mức tôi chưa lúc nào có cơ hội dừng lại ngẫm nghĩ xem liệu
có phải mình đang đuổi theo một ảo ảnh hay không. Tôi thậm chí đã có thể đoán
trước lời giải thích của bác sĩ Golan: Ngôi
nhà đó là một nơi chứa đựng nhiều cảm xúc với cậu đến mức, chỉ cần có mặt bên
trong nó là đủ để cậu bị rối loạn stress.
Phải, ông ta là một gã ngốc luôn lải nhải mớ lý luận tâm lý
học. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta sai. Tôi quay lại, cảm thấy thật ê
mặt. Thay vì cúi khom người đi lòng khòng như cua, tôi rũ bỏ hết chút tự tôn cuối
cùng của mình và bò hẳn trên hai bàn tay và hai đầu gối về phía ánh sáng mờ mờ
hắt vào từ miệng đường hầm.
Ngẩng đầu nhìn lên, tôi nhận ra mình đã trông thấy cảnh này
trước đây: trong một bức ảnh tại bảo tàng của ông Martin, chụp nơi người ta tìm
thấy cậu bé đầm lầy. Chẳng hiểu sao người ta từng có lúc tin cái đầm lầy sặc
mùi xú uế này là một cánh cổng dẫn tới thiên đường - và tin tưởng một cách chắc
chắn đến mức một cậu bé trạc tuổi tôi đã sẵn sàng từ bỏ mạng sống để tới đó. Thật
là một sự phí phạm ngu ngốc, đáng buồn.
Rồi tôi cảm thấy chắc chắn mình muốn về nhà. Tôi không quan
tâm tới những bức ảnh dưới tầng hầm, và tôi đã ớn đến tận cổ những điều kỳ lạ,
những bí ẩn và những lời trăng trối rồi. Việc chạy theo nỗi ám ảnh của ông nội
với chúng chỉ khiến tinh thần tôi xuống dốc thêm chứ chẳng hề khá hơn. Đã đến
lúc mặc kệ chúng.
Tôi chui ra khỏi đường hầm chật chội bên trong ngôi mộ đá,
bước chân ra ngoài chỉ để rồi lại bị ánh sáng làm chói mắt. Đưa tay lên che,
tôi nheo mắt nhìn qua kẽ ngón tay vào một thế giới tôi hầu như không thể nhận
ra nổi. Vẫn là khu đầm lầy, vẫn là lối mòn, vẫn là mọi thứ hệt như trước, nhưng
lần đầu tiên kể từ khi tôi tới đây, cảnh vật chìm ngập trong ánh mặt trời vàng
óng tươi vui, bầu trời xanh ngắt, không còn vết tích của màn sương mù đặc quánh
mà với tôi đã trở thành thứ đặc trưng cho phần này của hòn đảo. Không khí cũng
oi nồng, giống những ngày hè nóng bức nhất hơn là những ngày đầu hè hiu hiu
gió.
Chúa ơi, ở đây thời tiết
thay đổi chóng cả mặt, tôi thầm nghĩ. Tôi bì bõm lội trở lại chỗ đường mòn,
cố lờ đi cảm giác sởn gai ốc khi bùn sình chui vào tất, và quay trở lại thị trấn.
Thật lạ, lối mòn không còn lầy lội nữa - cứ như thể nó đã
khô cong chỉ trong vài phút - nhưng nó đã bị ném bom rải thảm bởi vô số bãi
phân động vật to cỡ quả bưởi, đến mức tôi không thể cứ thế đi thẳng.
Làm sao lúc trước tôi lại không để ý tới chuyện này nhỉ? Chẳng
lẽ tôi đã chìm vào một cơn hoang tưởng suốt cả buổi sáng sao? Liệu có phải lúc
này tôi đang ở trong tình trạng đó không?
Tôi không ngước mắt lên khỏi lối mòn rải đầy những bãi phân
động vật trải dài trước mắt mình cho tới khi vượt qua ngọn đồi và trên đường
quay lại thị trấn, tôi nhận ra tất cả đống chất thải vừa rồi từ đâu ra. Sáng
nay một đội quân máy kéo đã dồn dập lăn bánh trên các con đường rải sỏi, kéo
theo những xe hàng chở đầy cá và gạch than bùn tấp nập lên xuống từ phía bến cảng,
rồi giờ đây những xe hàng đó lại được ngựa và la kéo. Tiếng móng sắt khua lộc cộc
đã thay thế tiếng gầm của động cơ. Cả tiếng rù rù thường trực của những chiếc
máy phát điện chạy dầu diesel cũng vắng bặt. Không lẽ cả hòn đảo đã sạch nhẵn
nhiên liệu chỉ trong vài giờ tôi vắng mặt ư? Mà cư dân thị trấn lúc trước đã giấu
tất cả lũ vật thô lớn xác này ở đâu chứ? Thêm nữa, tại sao mọi người ai cũng
nhìn tôi vậy? Tất cả những người tôi đi ngang qua đều nhìn tôi chằm chằm với
đôi mắt mở to hết cỡ, dừng hết mọi thứ họ đang làm lại để ngoái cổ dõi theo khi
tôi đi bộ qua.
Tôi nghĩ bụng chắc mình trông nhếch nhác lắm, đoạn nhìn xuống
thì thấy từ hông trở xuống bê bết bùn còn từ hông trở lên thì toàn vôi vữa, vậy
là tôi cúi gằm mặt xuống và bước đi nhanh hết mức có thể về phía quán rượu, ở
đó ít nhất chẳng ai biết tôi là ai, tôi có thể trốn trong cảnh tranh tối tranh
sáng cho tới khi bố quay về ăn trưa.
Tôi quyết định là khi bố về, tôi sẽ nói thẳng với bố rằng
tôi muốn về nhà ngay khi có thể. Nếu ông do dự, tôi sẽ thừa nhận mình đã bị ảo
giác, và chắc chắn hai bố con tôi sẽ có mặt trên chuyến phà tiếp theo.
Ở bên trong Priest Hole vẫn là tập hợp quen thuộc gồm những
vị khách say sưa đang mọp người cúi xuống những vại bia sủi bọt và những cái
bàn mòn vẹt cùng nội thất bẩn thỉu tôi đã dần trở nên quen thuộc như ngôi nhà
thứ hai của mình. Nhưng khi bước về phía cầu thang, tôi nghe thấy một giọng lạ
hoắc gắt lên, “Mày nghĩ mày đang đi đâu vậy hả?”. Tôi quay lại, một chân đang đặt
lên bậc cầu thang thấp nhất, và thấy người phục vụ quầy nhìn tôi từ đầu đến chân.
Chỉ có điều đó không phải là Kev, mà là một người bộ dạng bướng bỉnh cau có mà
tôi không nhận ra. Ông ta đeo tạp dề của người phục vụ quầy, sở hữu đôi lông
mày chổi sể chạy dính vào nhau thành một dải liền và một hàng ria rậm dài như
sâu bướm khiến cho khuôn mặt ông ta trông như kẻ sọc.
Tôi có thể nói, Cháu
lên lầu xếp va li, và nếu bố cháu vẫn không chịu đưa cháu về nhà, cháu sẽ giả bộ
lên cơn, nhưng thay vì thế tôi trả lời, “Cháu lên phòng thôi”, một câu trả lời được đưa ra với giọng
điệu giống một câu hỏi hơn là trình bày ý định.
- Thế à? - người đàn ông nói, dận mạnh cái cốc ông ta vừa
rót đầy xuống. - Với mày nơi này trông có vẻ giống khách sạn lắm à?
Tiếng ván gỗ kêu răng rắc vang lên khi chư vị khách khứa
quay người trên ghế của họ để nhìn về phía tôi. Tôi nhanh chóng nhìn lướt qua mặt
họ. Không ai trong số đó tôi quen mặt. Tôi thầm nghĩ, Hẳn mình đang rơi vào một
cơn hoang tưởng. Ngay lúc này đây. Một con hoang tưởng là thế này đây. Chỉ có
điều nó có vẻ chẳng giống gì cả. Tôi không hề thấy những tia chớp hay đổ mồ hôi
đầy lòng bàn tay. Có vẻ như thế giới đang phát điên thì đúng hơn, chứ không phải
tôi. Tôi nói với người phục vụ quầy là hiển nhiên đã có nhầm lẫn nào đó.
- Bố cháu và cháu thuê phòng ở trên lầu, - tôi nói. - Bác
xem này, cháu có chìa khóa đây, - rồi tôi lấy chìa khóa trong túi quần ra làm bằng
chứng.
- Để tao xem nào, - người đàn ông nói, nhô người qua quầy giật
cái chìa khỏi bàn tay tôi.
Ông ta giơ nó lên ánh sáng lờ mờ, ngắm nghía nó như một người
thợ làm đồ trang sức.
- Đây không phải là chìa khóa của chúng tao, - ông ta gằn giọng,
rồi bỏ tọt cái chìa vào túi mình. - Giờ hãy nói cho tao xem mày thực sự muốn gì
trên đó, và lần này đừng có nói láo!
Tôi cảm thấy mặt mình nóng lên. Chưa từng có ai không phải
bà con thân thích gì mà lại gọi tôi là kẻ dối trá.
- Cháu đã nói với bác rồi. Bố con cháu thuê mấy căn phòng
đó! Không tin, bác hỏi Kev mà xem!
- Tao chẳng biết Kev nào hết, và tao không thích bị xỏ mũi,
- ông ta thản nhiên nói. - Ở đây chẳng có phòng nào cho thuê cả, và người duy
nhất sống trên lầu là tao!
Tôi đưa mắt nhìn quanh, trông đợi ai đó nở một nụ cười để
cho tôi biết đây là một trò đùa.
Nhưng khuôn mặt của đám khách nhậu vẫn như tạc bằng đá.
- Anh chàng này là người Mỹ, - một người mang bộ râu rậm rì
nhận xét. - Chắc là quân nhân.
- Đồ ngu, - một người khác hầm hừ. - Nhìn thằng nhóc mà xem.
Nó còn búng ra sữa!
- Nhưng nhìn cái áo khoác của nó xem, - người đàn ông rậm
râu vừa nói vừa giật tay áo khoác của tôi. - Mày còn lâu mới tìm thấy nổi thứ
này ở cửa hàng. Chắc chắn phải là đồ của quân đội.
- Nghe này, - tôi nói, - cháu không ở trong quân đội, và
cháu không định lừa ai hết, cháu thề đấy! Cháu chỉ muốn tìm bố cháu, lấy hành
lý của cháu, và…
- Người Mỹ ư, quỷ bắt tôi đi! - một người béo phị gầm lên.
Ông ta nhấc thân hình đáng kể của mình dậy khỏi một cái ghế đẩu rồi đứng chắn
giữa tôi và cửa ra vào, nơi tôi đang từ từ lùi đến. - Giọng thằng này tôi nghe
ngứa tai lắm. Tôi dám cược nó là một thằng gián điệp của bọn Jerry!
- Cháu không phải là gián điệp, - tôi yếu ớt phản đối. - Cháu
chỉ lạc đường thôi.
- Tóm được rồi, - ông ta vừa phá lên cười vừa nói. - Tôi đề
nghị chúng ta moi sự thật từ thằng này theo cách quen thuộc. Bằng một sợi thừng!
Những giọng say nhèm rống lên tán thành. Tôi không dám chắc
họ đang nghiêm chỉnh hay chỉ đùa, nhưng tôi không hề có ý bám trụ lại để tìm hiểu.
Một bản năng nguyên thủy lan đi trong bộ óc đang hỗn loạn vì lo lắng của tôi,
thúc giục, Chạy. Sẽ dễ hình dung có chuyện quái quỷ nào đang xảy ra hơn nhiều nếu
không có đám bợm rượu say mèm ngồi chật ních trong phòng đang đe dọa làm thịt
tôi.
Tất nhiên, bỏ chạy sẽ chỉ làm họ thêm chắc chắn về tội trạng
của tôi, nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi cố gắng vòng qua ông béo. Ông ta định
tóm lấy tôi, nhưng một kẻ vừa chậm chạp vừa say xỉn không phải là đối thủ của một
người vừa nhanh nhẹn vừa đang sợ chết khiếp.
Tôi vờ nhào sang trái rồi lẹ làng lách sang phải vòng qua
người ông ta. Ông béo gầm lên giận dữ trong khi những gã bợm nhậu còn lại nhấc
người khỏi những chiếc ghế cạnh quầy để ùa vào tôi, song tôi đã lách thoát khỏi
các ngón tay của họ, lao qua cửa ra ngoài trời chiều nắng ấm.
* * *
Tôi lao xuống phố, đôi chân tôi giẫm những tảng đất dính cỏ
xuống nền sỏi, những giọng nói giận dữ dần dần lặng hẳn sau lưng tôi. Đến góc
đường đầu tiên, tôi quay ngoắt người rẽ vào để thoát khỏi tầm mắt của họ, băng
qua một khoảng sân đầy bùn, trong khi lũ gà vừa nhảy tránh khỏi đường tôi đi vừa
kêu lên quàng quạc, rồi kế đến là một khu đất trống, một hàng các bà các cô
đang đứng đó chờ bơm nước từ một cái giếng cũ lên, họ quay đầu sang nhìn khi
tôi chạy vụt qua.
Một ý nghĩ tôi không còn thời gian để nghiền ngẫm kỹ lưỡng
chợt lướt qua trong đầu - Ơ hay, Người Phụ
Nữ Đợi Chờ biến đi đâu rồi nhỉ? - nhưng rồi tôi bắt gặp một bức tường thấp
và phải tập trung vào việc leo qua nó - đặt tay lên, nhấc chân, đu người qua.
Tôi đặt chân xuống một con đường nhộn nhịp và thiếu chút nữa bị một chiếc xe ngựa
chạy nhanh cán phải. Tay xà ích hét lên gì đó khá xúc phạm về mẹ tôi trong khi
hông con ngựa của lão ta lướt qua sát sạt ngực tôi, để lại những dấu móng ngựa
và vệt bánh xe chỉ cách các đầu ngón chân tôi có vài phân.
Tôi không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ biết có
hai điều: rất có thể tôi đang ở trong tình trạng bị mất trí, và tôi cần tránh
xa khỏi những người khác cho tới khi tìm hiểu được xem tôi có bị vậy thật
không. Vì mục đích đó, tôi hối hả chạy vụt vào một con hẻm nằm sau hai dãy nhà,
ở đó có vẻ có nhiều chỗ ẩn nấp, rồi tìm ra rìa thị trấn. Tôi giảm tốc lại thành
rảo bước, hy vọng một cậu nhóc người Mỹ bê bết bùn đất, áo quần bẩn thỉu nhưng
chỉ đang bước đi sẽ thu hút ít sự chú ý hơn so với một anh chàng cuống cuồng chạy.
Cố gắng xử sự cho có vẻ bình thường của tôi thật chẳng dễ
gì, vì mỗi âm thanh nhỏ nhất hay chuyển động mơ hồ nhất cũng làm tôi nhảy dựng
lên.
Tôi gật đầu và vẫy tay chào một phụ nữ đang phơi đồ, nhưng
giống như mọi người, bà ta chỉ tròn mắt nhìn tôi. Tôi liền rảo bước nhanh hơn.
Chợt nghe thấy một tiếng động lạ lùng sau lưng, tôi vội vàng chui vào trong một
nhà xí. Trong lúc tôi đợi trong đó, nấp sau cánh cửa khép hờ, đôi mắt tôi liếc
nhìn qua những bức tường bị vạch lên chi chít. Dooley là một thằng chọc hậu thích giai. Ái chà, không có đường à? [Nguyên văn tiếng Anh: “Wot, no sugar?” một câu đùa
được cho là xuất phát từ quân đội Anh, binh lính vạch lên nơi họ có mặt để phàn
nàn về tình trạng tiếp tế thiếu thốn, lâu dần trở thành một câu đùa quen thuộc].
Cuối cùng, một con chó đi ngang qua, bám theo sau là một lứa
chó con đang ăng ẳng. Tôi thở phào và bắt đầu thả lỏng người ra một chút.
Trấn tĩnh lại, tôi quay trở ra con hẻm. Có thứ gì đó túm lấy
tóc tôi. Tôi còn chưa kịp hét lên, một bàn tay đã vụt xuất hiện từ đằng sau, gí
một vật sắc vào cổ họng tôi. “Mày mà hét
lên là tao cắt cổ”, một giọng nói cất lên. Kề sát lưỡi dao vào cổ tôi, kẻ tấn
công đẩy tôi ép người vào tường nhà xí rồi bước vòng ra để đối mặt với tôi. Tôi
kinh ngạc tột độ khi thấy đó không phải là một trong những người đàn ông trong
quán rượu. Mà là cô gái.
Cô gái mặc một chiếc váy trắng giản dị với vẻ mặt cứng rắn,
khuôn mặt cô đẹp đến mức đáng kinh ngạc, cho dù cô có vẻ đang nghiêm túc nghĩ tới
chuyện rạch khí quản của tôi.
- Mày là ai? - cô gái rít lên.
- Người... ờ… tôi là người Mỹ, - tôi lắp bắp, không chắc lắm
cô gái muốn hỏi gì. - Tôi là Jacob.
Cô gái gí con dao sát hơn vào cổ tôi, bàn tay cô run rẩy. Cô
đang sợ - cũng có nghĩa là cô rất nguy hiểm.
- Mày đang làm gì trong ngôi nhà? - cô hỏi. - Tại sao mày lại
đuổi theo tao?
- Tôi chỉ muốn nói chuyện với bạn thôi! Đừng giết tôi!
Cô gái quắc mắt nhìn tôi gườm gườm.
- Nói với tao?
- Về trại trẻ, về những người từng sống ở đó.
- Ai cử mày tới đây?
- Ông nội tôi. Tên ông là Abraham Portman.
Miệng cô gái há hốc.
- Dối trá! - cô hét lên, mắt tóe lửa. - Mày nghĩ tao không
biết mày là ai hả? Tao không phải vừa mới ra đời hôm qua! Mở mắt ra, để tao
nhìn mắt mày xem nào!
- Tôi mở đây! Mắt đây!
Tôi mở hai mắt ra to hết mức có thể. Cô gái đứng kiễng chân
lên nhìn chằm chằm vào chúng, rồi giậm chân và hét lên:
- Không, đôi mắt thật của mày cơ! Đôi mắt giả này không lừa
được tao đâu, cả lời nói dối lố bịch của mày về Abe cũng thế
- Đó không phải là lời dối trá - và đây là đôi mắt của tôi!
Cô gái gí dao vào cổ tôi mạnh đến mức tôi cảm thấy khó thở.
Tôi lấy làm mừng vì lưỡi dao khá cùn, nếu không chắc hẳn cô gái đã cứa được cổ
tôi rồi.
- Nghe này, tôi không phải là thứ bạn nghĩ đâu, dù nó có là
gì đi nữa, - rền rĩ. - Để tôi chứng minh
cho mà xem!
Bàn tay cô gái hơi nới ra một chút.
- Vậy hãy chứng minh điều đó đi, nếu không tao sẽ tưới cỏ bằng
máu của mày!
- Tôi có một thứ ở ngay đây.
Tôi thò tay vào trong áo khoác. Cô gái bật lùi lại, hét lên
bảo tôi dừng lại, đồng thời giơ lưỡi dao lên làm nó cứ run run trong không
trung ngay giữa hai mắt tôi.
- Chỉ là một lá thư thôi! Bình tĩnh lại nào!
Cô gái hạ lưỡi dao trở lại xuống cổ tôi, còn tôi từ từ lấy
lá thư và bức ảnh của bà Peregrine từ trong túi áo khoác ra, giơ lên để cô thấy.
- Lá thư là một phần lý do khiến tôi tới đây. Ông nội tôi đã
đưa nó cho tôi. Nó được Chim gửi tới. Các bạn gọi cô phụ trách của mình như thế,
đúng không nào?
- Điều đó chẳng chứng tỏ gì hết! - cô gái nói, mặc dù gần
như chẳng buồn xem qua lá thư. - Làm cách nào mày biết nhiều đến vậy về chúng
tao hả?
- Tôi nói với bạn rồi, ông nội tôi...
Cô gái giật lá thư khỏi tay tôi.
- Tao không muốn nghe lời nào về chuyện vớ vẩn đó nữa!
Có vẻ tôi đã làm cô nổi cáu. Cô im lặng một lát, khuôn mặt
cau lại thất vọng, như thể đang cân nhắc xem tốt nhất nên xử trí cái xác của
tôi thế nào sau khi cô đã thực hiện những lời đe dọa của mình.
Tuy vậy, trước khi cô gái kịp quyết định, những tiếng hò hét
đã vang lên ầm ĩ từ đầu kia con hẻm. Chúng tôi quay lại thì thấy đám người từ
quán rượu đang chạy về phía mình, được vũ trang bằng gậy gỗ và các nông cụ.
- Gì thế này? Mày đã làm gì?
- Bạn không phải là người duy nhất muốn giết tôi!
Cô gái thu con dao khỏi cổ tôi, thay vào đó kề nó vào sườn
tôi, rồi túm lấy cổ áo tôi.
- Giờ mày là tù binh của tao. Làm chính xác như tao bảo, nếu
không mày sẽ phải hối tiếc!
Tôi không đôi co gì. Tôi không biết liệu rơi vào tay cô gái
thất thường này thì cơ hội của mình có khá hơn chút nào so với việc rơi vào tay
đám bợm nhậu say khướt miệng dớt dãi ròng ròng đang vung vẩy gậy gộc kia không,
song ít nhất với cô, tôi đoán mình còn có chút hy vọng thu được vài câu trả lời.
Cô gái xô tôi một cái, vậy là chúng tôi bắt đầu chạy xuống một
đường hẻm gần kề. Được nửa đường về phía cuối hẻm, cô gái dạt vào một bên đường
và lôi tôi theo sau, cả hai chúng tôi chui qua dưới một dãy ga trải giường đang
phơi trên dây và nhảy qua một hàng rào mắt cáo vào trong sân một ngôi nhà nhỏ. “Vào
đây”, cô gái thì thào, rồi sau khi nhìn quanh để đảm bảo chúng tôi không bị
trông thấy, cô đẩy tôi qua một cánh cửa vào trong một căn nhà chật chội sặc mùi
khói than bùn.
Không có ai bên trong ngoài một con chó già đang ngủ trên xô
pha. Nó mở một mắt ra nhìn chúng tôi, không mấy để ý tới những gì trông thấy, rồi
lại ngủ tiếp. Chúng tôi lao tới một ô cửa sổ nhìn ra ngoài đường và nép sát người
vào bức tường cạnh ô cửa. Chúng tôi đứng đó nghe ngóng, cô gái cẩn thận dùng một
bàn tay giữ lấy cánh tay tôi và kề con dao vào sườn tôi. Một phút trôi qua. Giọng
nói của những gã đàn ông có vẻ tắt dần rồi lại vọng tới; thật khó mà biết họ
đang ở đâu.
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ. Có vẻ quá sơ sài, ngay
cả với Cairnholm. Trong góc là một chồng giỏ đan tay xếp ngả nghiêng. Một cái
ghế bọc vải bố được kê trước một khung kiềng bếp đun than đá lớn rèn bằng sắt.
Trên bức tường đối diện với chúng tôi treo một quyển lịch, và cho dù trong
phòng quá tối để nhìn thấy rõ nó từ nơi đang đứng, chỉ nhìn qua quyển lịch tôi
cũng lóe lên một ý nghĩ kỳ lạ.
- Bây giờ là năm nào?
Cô gái bảo tôi im miệng lại.
- Tôi nghiêm chỉnh đấy, - tôi thì thầm.
Cô gái nhìn tôi trong giây lát, lấy làm quái gở.
- Tao không biết mày đang định giở trò gì, nhưng tự tới đó
mà xem đi, - cô vừa nói vừa đẩy tôi về phía quyển lịch.
Nửa trên là một bức ảnh đen trắng chụp cảnh vùng nhiệt đới,
những cô gái được chụp cả người, tóc để mái bằng, mặc đồ tắm trông có vẻ xưa
rích đang mỉm cười trên bãi biển.
In trên khung thứ, ngày là “Tháng Chín 1940”. Ngày thứ nhất
và thứ hai của tháng đã bị gạch đi.
Một cảm giác tê dại đờ đẫn lan khắp người tôi. Tôi ngẫm lại
tất cả những chuyện lạ lùng đã chứng kiến sáng hôm đó: sự thay đổi kỳ lạ và đột
ngột của thời tiết, rồi hòn đảo tôi cứ nghĩ đã biết rõ giờ đây đầy ắp những người
lạ hoắc; rồi chuyện tất cả mọi thứ xung quanh tôi trông kiểu dáng đều có vẻ cũ
kỹ nhưng bản thân chúng thì lại mới toanh. Quyển lịch trên tường có thể giải
thích tất cả. Mồng ba tháng Chín năm 1940.
Nhưng làm sao có thể chứ? Thế rồi lời trăng trối của ông trở
lại với tôi. Ở phía bên kia ngôi mộ của
ông lão. Đó là một điều tôi chưa bao giờ lý giải nổi. Từng có lúc tôi tự hỏi
liệu có phải ông muốn nói về những bóng ma - vì tất cả những đứa trẻ ông biết ở
đây đều đã chết, tôi sẽ phải tới bên kia nấm mộ để tìm họ - nhưng cách lý giải
đó quá thi vị.
Ông tôi là người bộc trực, không phải loại người thích bóng
gió ám chỉ. Ông đã cung cấp cho tôi những chỉ dẫn trực tiếp nhưng chỉ đơn giản
là không có thời gian để giải thích: tôi hiểu ra “Ông Lão” chính là cách cư dân
địa phương gọi cậu thiếu niên trong đầm lầy, và ngôi mộ đá chính là mộ của ông
ta. Và sáng nay tôi đã chui vào trong đó để rồi chui ra ở một thời điểm khác: mồng ba tháng Chín năm 1940.
Trong lúc tất cả những điều này diễn ra trong đầu tôi thì
căn phòng cũng lộn nhào, hai đầu gối tôi mềm nhũn ra khuỵu xuống, cùng với nó,
mọi thứ nhòa đi thành một tấm màn đen kịt chập chờn.
* * *
Tôi tỉnh dậy trên sàn nhà, hai tay bị trói vào bộ kiềng bếp.
Cô gái đang bồn chồn đi đi lại lại và có vẻ đang trò chuyện rất sôi nổi với
chính mình. Tôi giữ cho mắt mình khép hờ và lắng nghe.
- Nó chắc là một xác sống, - cô gái đang nói. - Nếu không tại
sao nó lại rình mò quanh trại trẻ cũ như một tên trộm thế?
- Tớ không rõ nữa, - ai đó lên tiếng, - nhưng có vẻ cậu ta
cũng không…
Vậy là tóm lại không phải cô gái đang nói chuyện một mình
cho dù từ chỗ đang nằm, tôi không thể thấy cậu thiếu niên vừa lên tiếng.
- Cậu nói là cậu ta thậm chí còn không nhận ra mình đang ở
trong một vòng?
- Tự kiểm tra xem, - cô gái vừa nói vừa ra hiệu về phía tôi.
- Cậu có thể hình dung ra người thân thích nào của Abe lại chẳng có chút manh mối
nào như thế không?
- Cậu có thể hình dung ra một xác sống không? - cậu thiếu
niên kia hỏi.
Tôi hơi nghiêng đầu đi, đưa mắt liếc quanh phòng, nhưng vẫn
không thấy cậu ta.
- Tớ có thể hình dung ra một xác sống đóng giả người, - cô
gái đáp.
Con chó, lúc này đã dậy, lon ton chạy tới và bắt đầu liếm mặt
tôi. Tôi nhắm nghiền mắt lại và cố tảng lờ, nhưng màn rửa mặt bằng lưỡi nó dành
cho tôi vừa nhơn nhớt nước bọt vừa nặng mùi đến mức cuối cùng tôi buộc phải ngồi
dậy để cứu bản thân.
- À, nhìn xem ai dậy rồi kìa! - cô gái nói. Cô vỗ tay, dành
cho tôi một tràng hoan hô đầy mỉa mai. - Lúc trước mày diễn một màn khá lắm.
Tao rất ấn tượng đoạn ngất xỉu. Tao tin chắc sân khấu đã đánh mất một diễn viên
tài ba khi thay vì làm nghệ sĩ mày lại lựa chọn làm sát nhân và ăn thịt người.
Tôi mở miệng toan biện hộ cho sự vô tội của mình - rồi ngừng
bặt khi thấy một cái cốc lơ lửng trong không khí trôi về phía mình.
- Uống ít nước đi, - cậu thiếu niên nói. - Hiện giờ không thể
để cậu chết trước khi chúng tôi đưa cậu về chỗ cô phụ trách, phải không nào?
Giọng cậu ta có vẻ như vọng lại từ chân không. Tôi đưa tay với
lấy cái cốc, và khi ngón tay út của tôi chạm vào một bàn tay vô hình, thiếu
chút nữa tôi đánh rơi cái cốc.
- Anh chàng này hậu đậu quá, - cậu thiếu niên nói.
- Cậu vô hình à, - tôi gần như không thốt nên lời.
- Phải. Millard Nullings, sẵn sàng phục vụ quý ông.
- Đừng cho nó biết tên cậu! - cô gái kêu lên.
- Còn đây là Emma, - cậu thiếu niên tiếp tục. - Cô ấy có hơi
hoang tưởng một chút, tôi chắc cậu đã nhận ra điều đó.
Emma nhìn trừng trừng vào cậu ta - hay vào khoảng không gian
tôi hình dung cậu ta đang chiếm chỗ - nhưng không nói gì. Cái cốc run rẩy trên
tay tôi. Tôi bắt đầu lắp bắp định giải thích cho mình lần nữa nhưng bị những giọng
nói giận dữ vọng vào từ ngoài cửa sổ cắt ngang.
- Im lặng! - Emma khẽ rít lên.
Tiếng bước chân của Millard vang lên, tiến tới chỗ cửa sổ,
và cửa chớp nhích ra một chút.
- Đang có chuyện gì vậy? - Emma hỏi.
- Họ đang lục soát các ngôi nhà, - cậu ta đáp. - Chúng ta
không thể ở đây lâu hơn nữa.
- À, chúng ta cũng không thể ra ngoài đó!
- Tớ nghĩ là có thể đấy, - Millard nói. - Nhưng để chắc ăn,
cho phép tớ tham khảo cuốn sách của tớ đã.
Cánh cửa chớp lại đóng kín, và tôi thấy một cuốn sổ ghi chép
nhỏ bìa da bay lên khỏi một cái bàn và mở ra giữa không trung. Millard ậm ừ khe
khẽ trong lúc lật trang. Một phút sau, cậu ta gập cuốn sổ lại.
- Đúng như tớ nghi ngờ! - cậu ta nói. - Chúng ta chỉ cần chờ
khoảng một phút nữa là bước thẳng ra ngoài qua cửa trước được rồi.
- Cậu điên à? - Emma hỏi. - Chúng ta sẽ bị cả đám người vượn
đần độn kia xúm vào ném gạch ngay!
- Không đâu, nếu chúng ta ít đáng quan tâm hơn thứ sắp xảy
ra, - Millard trả lời. - Tớ cam đoan với cậu, đây là cơ hội tốt nhất bọn mình sẽ
có trong nhiều giờ nữa.
Tôi được cởi trói khỏi bộ kiềng bếp và điệu ra cửa, chúng
tôi nằm phục xuống đó chờ đợi. Thế rồi một tiếng động vang lên bên ngoài, còn ầm
ĩ hơn cả tiếng đám đàn ông la hét: những động cơ. Có đến hàng tá, nếu căn cứ
vào âm thanh của chúng.
- Ồ! Millard, sáng suốt thật! - Emma reo lên. Cậu thiếu niên
khịt mũi.
- Cho nên cậu đừng nói những gì tớ học là tốn thời gian vô
ích.
Emma đặt tay lên tay nắm cửa rồi quay lại tôi.
- Nắm lấy tay tao. Đừng chạy. Làm như thể chẳng có gì xảy ra
hết.
Cô đã cất con dao đi nhưng cam đoan với tôi là nếu tìm cách
chạy trốn thì tôi sẽ lại được thấy nó - ngay trước khi cô dùng nó để giết tôi.
- Làm sao tôi biết được là cô sẽ không làm thế nếu tôi không
trốn?
Cô gái ngẫm nghĩ giây lát.
- Mày làm sao biết được.
Rồi sau đó đẩy mở cửa ra.
* * *
Con đường bên ngoài đông chật người, không chỉ đám khách
trong quán rượu - tôi lập tức nhận ra đám này đang đứng ngay dưới chỗ ngôi nhà
bên cạnh - mà cả các chủ cửa hàng mặt mày cau có, đám phụ nữ và cánh xà ích đã
bỏ ở việc đang làm đến đứng giữa đường ngẩng mặt ngước lên trời. Trên đó, không
xa trên đỉnh đầu chúng tôi là một đội máy bay chiến đấu của Đức Quốc Xã đang gầm
rú bay qua thành đội hình hoàn hảo.
Tôi đã thấy những bức ảnh chụp những máy bay kiểu này tại bảo
tàng của ông Martin, phần trưng bày có tiêu đề “Cairnholm trong vòng vây”. Tôi
nghĩ thật lạ kỳ biết bao khi thấy mình, vào một buổi chiều chẳng có gì đáng chú
ý về mọi mặt khác, lại đột nhiên ở dưới bóng những cỗ máy chết chóc của kẻ thù,
những thứ có thể trút bão lửa xuống đầu mình bất cứ lúc nào.
Chúng tôi băng qua đường với vẻ bình thản nhất có thể, Emma
túm chặt cứng lấy cánh tay tôi. Chúng tôi suýt tới được con hẻm ở bên kia đường
thì bị người nào đó phát hiện ra. Tôi nghe thấy một tiếng hét, cả hai chúng tôi
quay đầu lại thì thấy đám đông bắt đầu lao theo mình. Chúng tôi chạy. Con hẻm rất
hẹp, nằm dọc hai bên là những chuồng gia súc. Chúng tôi chạy hết nửa chiều dài
con hẻm thì tôi nghe thấy Millard nói, “Tớ sẽ nán lại và ngáng chân bọn họ! Hãy
đến gặp tớ đằng sau quán rượu sau đúng năm phút rưỡi nữa!”.
Tiếng bước chân của cậu ta vang lên sau lưng chúng tôi và
khi chúng tôi tới cuối con hẻm, Emma ngăn tôi lại. Chúng tôi ngoái lại nhìn và
thấy một cuộn thừng tự trải ra lơ lửng, chạy vắt ngang qua mặt đường lát sỏi ở
tầm cao ngang mắt cá chân. Sợi dây được kéo căng ra đúng lúc đám người đuổi
theo chạy tới nơi, thế là bọn họ vấp phải nó và ngã nhào xuống bùn, thành một đống
hỗn độn chân tay vung vẩy quờ quạng. Emma reo lên, và tôi gần như chắc chắn
mình có thể nghe thấy Millard đang cười. Chúng tôi chạy tiếp.
Tôi không biết vì sao Emma đồng ý gặp Millard tại Priest
Hole, vì chỗ đó ở phía bến cảng chứ không gần phía trại trẻ. Nhưng vì tôi cũng
không thể giải thích vì sao Millard biết chính xác lúc những chiếc máy bay đó sắp
sửa bay qua, vậy nên tôi không bỏ công hỏi. Tôi thậm chí còn ngỡ ngàng hơn khi
thấy mọi hy vọng chui được vào trong mà không bị nhận ra của chúng tôi đều bị
phá hỏng hết bởi thay vì lén vòng ra đằng sau, Emma lại đẩy tôi đi thẳng vào
qua cửa trước. Chẳng có ai trong quán ngoài người phục vụ quầy. Tôi quay đi cố
giấu mặt.
- Phục vụ quầy! - Emma nói. - Khi nào ở đây bắt đầu bán đồ uống
đây? Tôi khát chẳng kém gì một người cá mắc cạn rồi đây!
Ông ta phá lên cười.
- Tôi không quen phục vụ các cô bé.
- Đừng bận tâm mấy chuyện đó! - cô gái la lên, đập mạnh bàn
tay lên mặt quầy. - Rót cho tôi bốn phần thứ whisky mạnh nhất nguyên độ rượu
chưa pha của ông. Và đừng có vác thứ đồ rởm pha nước nhạt thếch kinh khủng ông
vẫn hay mang ra phục vụ khách!
Tôi bắt đầu có cảm giác cô gái chỉ muốn sinh sự - muốn đùa cợt,
tôi có thể nói vậy - để cố vượt mặt Millard và trò chăng dây qua đường của cậu
ta. Người phục vụ quầy bar nghiêng người qua quầy.
- Vậy là cô bé muốn thứ dữ phải không nào? - ông ta vừa nói
vừa cười nhăn nhở thật phóng đãng. - Có điều đừng để bố mẹ cô bé nghe được, nếu
không tôi sẽ bị cả ông tu sĩ lẫn cảnh sát bám theo đấy.
Ông ta lấy ra một cái chai đựng thứ gì đó sẫm màu trông có vẻ
xấu xa rồi bắt đầu rót cho cô gái một cốc đầy.
- Thế còn anh bạn đây của cô bé thì sao nhỉ? Tôi đoán chắc
là say tít như một anh chàng trợ tế rồi phải không?
Tôi vờ chăm chú nhìn lò sưởi.
- Anh chàng có vẻ bẽn lẽn nhỉ? - người phục vụ quầy bar hỏi.
- Cậu ta từ đâu tới vậy?
- Có thể nói là cậu ta tới từ tương lai, - Emma nói. - Tôi
có thể nói cậu ta điên chẳng kém gì một bầy chồn bị nhốt trong lồng.
Một cái nhìn lạ lùng thoáng hiện qua trên mặt người phục vụ
quầy bar.
- Cô bé nói anh chàng này làm sao cơ? - ông ta hỏi.
Và rồi sau đó hẳn ông ta đã nhận ra tôi, vì ông ta hét tướng
lên, dằn mạnh chai whisky xuống quầy, bắt đầu lao bổ về phía tôi. Tôi nhổm dậy
để chạy, nhưng người phục vụ quầy bar còn chưa kịp lao ra từ sau quầy, Emma đã
dốc ngược cốc rượu ông ta rót cho cô, làm thứ chất lỏng màu nâu đổ tung tóe ra
khắp quầy. Rồi cô làm một điều thật đáng kinh ngạc. Cô úp lòng bàn tay xuống
ngay mặt quầy ướt sũng rượu, và chỉ nháy mắt sau một bức tường lửa cao gần nửa
mét bùng lên. Người phục vụ quầy bar rú lên rồi bắt đầu quật khăn của ông ta xuống
để dập bức tường lửa.
- Đằng này, thằng tù kia! - Emma gọi, rồi vừa túm lấy cánh
tay tôi, cô vừa kéo tôi về phía lò sưởi. - Giờ giúp tao một tay! Thò tay vào
đây và nhấc lên!
Cô gái quỳ gối xuống và thò tay vào một khe rãnh chạy dọc
trên sàn. Tôi cũng thò tay vào chỗ ngay cạnh tay cô rồi chúng tôi cùng nhấc một
cái nắp nhỏ dưới sàn lên để lộ ra một cái hố rộng bằng vai tôi: hố tu sĩ.
Trong lúc khói mù mịt tràn ngập căn phòng và người phục vụ
quầy bar đang vật lộn dập lửa, chúng tôi lần lượt tụt xuống hố và biến mất. Cái
hố tu sĩ này kỳ thực là một đường hầm dốc đứng chạy sâu xuống tầm một mét hai,
dẫn vào một khoảng không gian chật hẹp. Dưới hầm tối đen hoàn toàn, nhưng ngay
sau đó tôi nhận ra nó tràn ngập thứ ánh sáng dìu dịu màu cam. Emma đã dùng bàn
tay mình làm đuốc thắp sáng, một quả cầu lửa nhỏ xíu dường như đang lơ lửng ngay
trên lòng bàn tay cô. Tôi há hốc miệng nhìn vào nó, mọi chuyện khác đều bị quên
bẵng.
- Mở nó ra! - cô gắt lên, đồng thời đưa cho tôi một cái xẻng.
- Có một cánh cửa ngay phía trước đấy.
Tôi lê chân tiến lên cho đến hết khoảng không gian chật hẹp.
Sau đó, Emma vượt lên trước tôi, ngồi bệt xuống, dùng cả hai gót chân đá vào tường.
Nó đổ xuống, mở ra ánh sáng ban ngày.
- Hai người đây rồi, - tôi nghe thấy Millard nói trong khi
chúng tôi luồn vào một con hẻm. - Không thể ngăn mình làm ra chuyện gì đó ngoạn
mục phải không nào?
- Tớ không biết cậu đang nói gì, - Emma đáp, cho dù tôi có
thể thấy cô đang tự mãn.
Millard dẫn chúng tôi tới chỗ một chiếc xe ngựa dường như
đang đợi chính chúng tôi. Ba chúng tôi bò lên đằng sau xe, chui vào dưới một tấm
vải dầu hòng đi lậu. Gần như ngay lập tức, một người đàn ông bước tới, leo lên
lưng ngựa, giật cương và chúng tôi lắc lư theo nhịp chuyển động của chiếc xe.
Chúng tôi im lặng ngồi trên chiếc xe đang di chuyển một lúc. Từ những âm thanh
liên hồi biến đổi xung quanh tôi có thể đoán là chúng tôi đang ra ngoài thị trấn.
Tôi thu hết can đảm hỏi một câu.
- Làm sao cậu biết có chiếc xe này? Rồi những chiếc máy bay
nữa? Cậu là thầy bói hay kiểu kiểu như thế à?
Emma cười khúc khích.
- Khó mà gọi là vậy.
- Bởi vì tất cả chuyện đó đều đã xảy ra hôm qua, - Millard
trả lời, - và cả hôm kia nữa. Chẳng phải đó là cách mọi thứ diễn ra trong vòng
của cậu sao?
- Cái gì của tôi cơ?
- Nó không đến từ cái vòng nào hết, - Emma nói, cố giữ giọng
thật khẽ. - Tớ đã nói với cậu mãi rồi, nó là một cái xác sống chết tiệt.
- Tớ không nghĩ vậy. Một xác sống sẽ không bao giờ để cậu bắt
sống nó.
- Thế này nhé, - tôi thì thầm. - Tôi không phải là thứ cô
nói, dù nó là thứ gì đi nữa. Tôi là Jacob.
- Chúng ta sẽ xem xét chuyện đó sau. Giờ thì im lặng đi. -
Đoạn cô gái với tay lên, hơi kéo tấm vải dầu lại một chút để lộ một dải trời
xanh đang trôi qua phía trên cao.
-----------
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét