Ransom Riggs
Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine
Chương 4
Sau khi đã nhảy lên ngã xuống, quờ quạng tìm đường như một
người mù qua cánh rừng và màn sương mù, để rồi quay trở lại với thế giới của
mặt trời và ánh sáng, tôi ngạc nhiên phát hiện ra mặt trời đã lặn, ánh sáng
chuyển sang đỏ quạch. Bằng cách nào đó, cả ngày đã trôi qua. Tại quán rượu, bố
đang chờ tôi, trên mặt bàn trước mặt ông là một vại bia đen kịt như màn đêm và
chiếc laptop đã mở.
Tôi ngồi xuống và xoáy luôn vại bia của bố khi ông còn chưa
kịp ngừng gõ bàn phím để ngẩng đầu lên.
- Ôi, Chúa lòng lành, - tôi phun ra phì phì sau khi ực cả
một ngụm đầy, - cái gì thế này? Dầu nhớt lên men chắc?
- Gần đúng rồi đấy, - ông bật cười nói, rồi giật lại món đồ
uống. - Nó không giống bia Mỹ. Mà con cũng đâu đã biết mùi vị bia Mỹ ra sao,
phải không nào?
- Đương nhiên là chưa, - tôi nói kèm theo một cái nháy mắt,
cho dù đúng là như thế.
Bố thích nghĩ rằng tôi cũng hòa đồng và thích phiêu lưu như
ông hồi còn bằng tuổi tôi - ý tưởng huyễn hoặc có vẻ dễ tồn tại lâu dài nhất.
Tôi trải qua một cuộc truy vấn ngắn xem tôi đã tới chỗ ngôi
nhà bằng cách nào và ai đã đưa tôi tới đó, và vì kiểu nói dối dễ nhất là bỏ bớt
chi tiết ra khỏi một câu chuyện thay vì thêm thắt vào, tôi đã vượt qua thử
thách một cách xuất sắc.
Tôi đương nhiên quên hẳn không nhắc tới chuyện Worm và Dylan
đã lừa tôi giẫm ngập chân vào phân cừu rồi đánh bài chuồn khi còn cách đích nửa
dặm. Bố có vẻ phấn khởi vì tôi đã tìm được hai cậu nhóc trạc tuổi mình; tôi
đoán tôi cũng đã quên nhắc đến chuyện cả hai cậu chàng nọ đều ghét tôi.
- Vậy trại trẻ thế nào?
- Nát bươm.
Bố tôi rụt người.
- Bố đoán đã một thời gian dài trôi qua kể từ khi ông nội
con sống ở đó, phải không?
- Vâng. Hay bất cứ ai khác.
Bố tôi đóng màn hình laptop xuống, một dấu hiệu chắc chắn
cho hay tôi sắp nhận được toàn bộ sự chú ý của ông.
- Bố có thể thấy con rất thất vọng.
- Thế đấy, con không vượt hàng nghìn dặm tới đây để tìm kiếm
một trại trẻ đầy ắp rác rưởi.
- Vậy con định làm gì?
- Tìm người để hỏi chuyện. Có người sẽ biết chuyện gì đã xảy
ra với những đứa trẻ từng sống tại đó. Con đoán một vài người trong số họ hẳn
vẫn còn sống, nếu không phải quanh đây thì cũng trong đất liền. Trong một nhà
dưỡng lão hay đâu đó.
- Hẳn rồi. Cũng là một ý tưởng.
Song bố tôi chẳng có vẻ gì là đã bị thuyết phục. Tiếp theo
là một khoảng ngừng gượng gạo, rồi ông nói:
- Vậy khi đã ở đây rồi, con có cảm thấy bắt đầu nắm bắt tốt
hơn về con người trước đây của ông nội không?
Tôi ngẫm ngợi.
- Con không biết. Con đoán là vậy. Đây chỉ đơn giản là một
hòn đảo thôi, bố biết vậy mà phải không?
Bố tôi gật đầu.
- Chính xác.
- Còn bố thì thế nào?
- Bố ư? - Ông nhún vai. - Bố đã thôi không còn cố tìm cách
hiểu ông nội con từ lâu rồi.
- Thật buồn quá. Chẳng lẽ bố không thấy quan tâm sao?
- Tất nhiên, trước đây bố cũng từng quan tâm. Thế rồi, sau
một thời gian, bố không còn quan tâm nữa.
Tôi có thể cảm thấy cuộc trò chuyện đang đi theo một hướng
không làm tôi hoàn toàn thoải mái, nhưng tôi vẫn nhất quyết tiếp tục.
- Tại sao?
- Khi ai đó không chịu mở cửa cho con vào, cuối cùng con sẽ
thôi không gõ cửa nữa. Hiểu bố muốn nói gì chứ?
Hiếm có khi nào bố tôi lại nói thế này. Có thể đó là do vại
bia, có thể vì chúng tôi đang rất xa nhà, mà cũng có thể vì ông cho rằng cuối
cùng tôi đã đủ lớn để nghe chuyện kiểu này. Dù lý do là gì đi nữa, tôi cũng
không muốn ông dừng lại.
- Nhưng ông là bố của bố. Làm sao bố lại bỏ cuộc đơn giản
vậy thôi?
- Người bỏ cuộc không phải là bố! - tiếng ông bật ra có phần
hơi quá lớn, ông bèn cúi mặt nhìn xuống, bối rối lắc lắc vại bia. - Chỉ đơn
giản… bố nghĩ, thực ra là ông nội con không biết cần làm bố như thế nào, nhưng
cảm thấy kiểu gì cũng phải trở thành một người bố, vì không ai trong số các anh
chị em của ông sống sót qua chiến tranh. Vậy là ông của con giải quyết việc này
bằng cách lúc nào cũng vắng mặt - đi săn, đi công chuyện, con biết đấy. Và thậm
chí ngay cả khi ông có mặt cũng chẳng khác gì không có.
- Có phải đây là chuyện về một dịp Halloween không ạ?
- Con đang nói về cái gì đấy?
- Bố biết đấy... từ bức ảnh.
Đó là một câu chuyện cũ, và nó như thế này. Lúc đó là dịp
Halloween. Bố tôi đã bốn hay năm tuổi mà chưa bao giờ được chơi trò “cho kẹo
hay bị ghẹo”, và ông nội Portman đã hứa đưa bố tôi đi chơi trò này khi ông đi
làm về. Bà nội đã mua cho bố tôi bộ quần áo thỏ màu hồng ngớ ngẩn, bố tôi mặc
nó vào rồi ngồi bên lối chạy xe đợi ông nội về nhà từ lúc năm giờ đến khi tối
mịt, nhưng ông nội không hề xuất hiện. Bà nội đã nổi điên đến mức bà chụp một
bức ảnh bố tôi đang khóc ngoài đường để cho ông tôi thấy ông là một ông bố tồi
đến thế nào.
Chẳng cần phải nói, bức ảnh đó từ lâu đã trở thành một
truyền kỳ trong các thành viên gia đình, và là một nỗi ngượng ngùng lớn lao cho
bố tôi.
- Chuyện này còn hơn cả một cái lễ Halloween, - bố tôi cằn
nhằn. - Jake, quả thực con gần gũi ông hơn nhiều so với bố ngày xưa. Bố không
biết nữa... chỉ là có gì đó không nói ra lời giữa ông và con.
Tôi không biết nên trả lời thế nào nữa. Chẳng lẽ bố đang
ghen tị với tôi?
- Sao bố lại nói với con chuyện này?
- Vì con là con trai bố, và bố không muốn con bị tổn thương.
- Tổn thương thế nào ạ?
Bố tôi ngừng lời. Bên ngoài mây đã dạt đi, những tia nắng
ban ngày cuối cùng hắt bóng chúng tôi lên tường. Cảm giác buồn nôn cuộn lên
trong dạ dày tôi, giống như khi bố mẹ bạn sắp nói với bạn rằng họ sẽ ly dị,
nhưng bạn đã biết điều đó từ trước khi họ mở lời.
- Bố chưa bao giờ tìm hiểu quá sâu về ông nội con vì bố sợ
những gì có thể mình sẽ tìm thấy, - cuối cùng bố tôi lên tiếng.
- Ý bố là về chiến tranh ư?
- Không. Ông nội con giữ kín những bí mật đó vì chúng đau
đớn. Bố hiểu điều đó. Ý bố là về những chuyến đi, chuyện ông luôn vắng nhà.
Điều ông thực sự làm. Bố nghĩ - cả cô của con và bố đều nghĩ - là có một người
phụ nữ khác. Có khi nhiều hơn một.
Tôi để những lời này lơ lửng giữa hai bố con trong giây lát.
Mặt tôi chợt ngứa ran lên một cách kỳ quái.
- Bố, chuyện đó thật điên rồ.
- Có lần cô và bố tìm thấy một lá thư. Nó đến từ một phụ nữ
mang cái tên mà cả cô và bố đều không biết, thư gửi cho ông nội con. Em yêu
anh, em nhớ anh, khi nào anh trở lại, những lời đại loại như thế. Đúng kiểu thư
tình sến sẩm. Bố sẽ không bao giờ quên được.
Tôi cảm thấy một cơn hổ thẹn trào lên nóng bừng, như thể bố
vừa mô tả về tội lỗi của chính tôi. Ấy vậy nhưng tôi vẫn chưa thể tin hẳn vào
chuyện đó.
- Cô và bố xé lá thư đi, ném xuống bồn cầu rồi xối nước. Và
cũng không bao giờ tìm thấy lá thư nào khác nữa. Bố đoán là sau đó ông đã cẩn
thận hơn.
Tôi không biết phải nói gì nữa. Tôi không thể nhìn thẳng vào
bố.
- Bố xin lỗi, Jake. Thật nặng nề khi phải nghe chuyện này.
Bố biết con tôn thờ ông đến mức nào. - Ông đưa tay tới bóp nhẹ lên vai tôi,
nhưng tôi hất ông ra, rồi kéo ghế ra sau và đứng dậy.
- Con chẳng tôn thờ ai cả.
- Rồi rồi. Chỉ là... bố không muốn con bị bất ngờ, vậy thôi.
Tôi chộp lấy áo khoác vắt lên vai.
- Con định làm gì vậy? Bữa tối sắp được dọn ra rồi.
- Bố đã hiểu lầm ông, - tôi nói. - Và con sẽ chứng minh điều
đó.
Bố tôi thở dài. Kiểu thở dài cho phép.
- Ừm. Bố hy vọng con làm được.
Tôi lao ra khỏi Priest Hole, đóng sầm cửa lại và bắt đầu
bước đi, lang thang vô định. Đôi khi bạn chỉ cần bước qua cửa. Tất nhiên, điều
bố tôi nói hoàn toàn đúng: tôi tôn thờ ông nội. Có những điều về ông mà tôi cần
phải chứng minh là sự thật, nhưng việc ông là một kẻ ngoại tình không nằm trong
số đó. Khi tôi còn là một cậu nhóc, những câu chuyện kỳ ảo của ông nội Portman đồng
nghĩa với việc có thể sống một cuộc sống mầu nhiệm. Ngay cả sau khi tôi không
còn tin vào chúng, vẫn còn điều gì đó thật mầu nhiệm ở ông. Từng chịu đựng tất
cả những nỗi kinh hoàng, từng phải chứng kiến những gì tồi tệ nhất của nhân
loại và cuộc đời bị nó giày xéo đến mức không còn nhận ra nổi nữa, ông đã bước
ra khỏi tất cả những chuyện đó trong hình hài con người đáng kính trọng, nhân
hậu và can đảm như tôi biết chắc - điều đó thật mầu nhiệm.
Vì thế tôi không thể tin ông là một kẻ dối trá, lừa lọc và là
một ông bố tồi. Vì nếu ông nội Portman không phải là người đáng kính trọng và
nhân hậu, thì tôi không chắc ai mới là người như thế.
* * *
Cửa ra vào bảo tàng đang mở và đèn bật sáng, nhưng dường như
bên trong không có ai. Tôi tới đó để tìm người phụ trách bảo tàng, hy vọng ông
ta biết đôi điều về lịch sử hòn đảo và cư dân của nó, và có thể đem lại chút
ánh sáng về trại trẻ bỏ hoang kia cùng tung tích những người trước đây từng ở
đó.
Đoán là ông ta chỉ ra ngoài ít phút - hiển nhiên là chẳng có
đám đông nào xô đẩy chen nhau vào bảo tàng của ông ta - tôi lang thang vào
trong chốn tôn nghiêm này giết thời gian bằng cách xem qua các hiện vật được
trưng bày. Các hiện vật trưng bày, cũng chẳng nhiều nhặn gì, được sắp xếp trong
những ngăn tủ lớn hở mặt trước dàn thành hàng trên bức tường và kê ở chỗ trước
đây từng dành cho các bục cầu nguyện.
Đa phần chúng chán đến không tả nổi, toàn về cuộc sống tại
một làng chài truyền thống cũng như những bí ẩn lâu đời của nghề chăn nuôi,
nhưng có một hiện vật nổi bật lên hẳn so với phần còn lại.
Nó được trưng bày ở một vị trí danh dự phía đầu phòng, trong
một cái lồng kỳ cục ngự phía trên nơi từng là án thờ. Nó nằm sau một rào chắn
bằng dây thừng bị tôi bước qua và một biển cảnh cáo nhỏ tôi chẳng buồn đọc, còn
cái lồng lại có các thành bên bằng gỗ đánh bóng và phần nắp bằng thủy tinh hữu
cơ, như thế bạn chỉ có thể nhìn vào từ trên xuống.
Khi nhìn vào trong, hẳn là tôi đã thực sự há hốc miệng - và
trong một giây hoảng loạn đã nghĩ quái vật! - vì tôi vừa đột ngột và bất ngờ
đối diện với một thi thể đen thui. Thân hình co rúm của nó mang vẻ tương đồng
kỳ lạ với các sinh vật đã ám ảnh những giấc mơ của tôi, cũng như màu da thịt
của nó, trông như thứ gì đó đã bị quay trên lửa.
Nhưng khi nhận thấy thân hình đó không thể sống dậy và để lại
một vết sẹo vĩnh viễn trong tâm trí tôi bằng cách đập vỡ kính và chộp lấy cổ
tôi, cơn hoảng loạn ban đầu dịu xuống. Đó chỉ đơn thuần là một hiện vật trong
bảo tàng, cho dù là một hiện vật quá mức bệnh hoạn.
- Tôi thấy là cậu đã gặp qua Ông Lão! - một giọng nói cất
lên sau lưng tôi, và khi ngoảnh lại tôi thấy ông phụ trách bảo tàng đang sải
bước đi về phía mình. - Cậu trấn tĩnh khá đấy. Tôi từng thấy nhiều người lớn
hẳn hoi còn phải lăn quay ra bất tỉnh!
Ông ta cười nhăn nhở và đưa tay ra để bắt tay tôi.
- Martin Pagett. Đừng tưởng là hôm trước tôi nhớ được tên
cậu nhé.
- Jacob Portman, - tôi nói. - Ai đây ạ, nạn nhân của vụ án
mạng nổi tiếng nhất xứ Wales ạ?
- Chà! Vậy đấy, cũng có thể là thế lắm, tuy nhiên tôi chưa
bao giờ nghĩ về ông ấy theo cách đó. Ông ấy là cư dân cao niên nhất hòn đảo của
chúng tôi, nổi tiếng trong giới khảo cổ dưới cái tên Người Cairnholm - mặc dù
với chúng tôi thì ông ấy chỉ là Ông Lão. Chính xác là hơn hai nghìn bảy trăm
năm tuổi rồi, cho dù khi chết ông ấy mới chỉ mười sáu tuổi. Vậy nên kỳ thực đây
là một ông lão khá trẻ trung.
- Hai nghìn bảy trăm năm? - tôi thốt lên, liếc nhìn khuôn
mặt cậu thiếu niên đã chết, những đường nét tinh tế trên khuôn mặt bằng cách
nào đó vẫn được lưu giữ hoàn hảo. - Nhưng ông ấy trông thật…
- Đó là chuyện thường thôi khi người ta trải qua những năm
hoàng kim của mình ở một nơi oxy và vi khuẩn không thể tồn tại, chẳng hạn như
dưới đầm lầy của chúng tôi. Dưới đó là một suối nguồn tươi trẻ đích thực - tất
nhiên là với điều kiện người ta đã chết rồi.
- Và ông tìm thấy ông ấy ở đó sao? Ở đầm lầy ấy?
Ông phụ trách phá lên cười.
- Không phải tôi! Những người thợ than bùn đã tìm được ông
ấy trong khi đào than bùn gần chỗ mộ đá lớn ngoài kia, từ hồi thập niên bảy
mươi. Trông ông ấy còn tươi đến mức người ta cứ tưởng có thể một tên sát nhân
nào đó đang lẩn khuất tại Cairnholm - cho tới khi đám cớm xem qua cây cung thời
đồ đá trong tay ông ấy và cái vòng bện bằng tóc người tròng quanh cổ ông ấy.
Ngày nay người ta không còn bện chúng như thế nữa.
Tôi rùng mình.
- Nghe có vẻ như đây là một vụ hiến sinh.
- Chính xác. Ông ấy bị kết liễu bằng một sự phối hợp giữa
thắt cổ, nhận chìm cho ngạt, mổ bụng moi ruột và một cú nện vào đầu. Giết người
như thế kể cũng hơi quá cẩn thận, cậu có nghĩ thế không?
- Cháu đoán vậy.
Ông Martin phá lên cười.
- Cậu ta đoán là vậy cơ đấy!
- Rồi, được rồi, đúng thế.
- Chắc chắn là thế rồi. Nhưng nói gì thì nói, điều thực sự
đáng kinh ngạc với những người hiện đại chúng ta là có vẻ như cậu thiếu niên
này sẵn sàng đón nhận cái chết. Thậm chí còn hăm hở là đằng khác. Người dân chỗ
cậu ấy tin rằng đầm lầy - và đặc biệt là đầm lầy của chúng tôi là lối vào thế
giới của các vị thần, vì thế cũng là địa điểm hoàn hảo để hiến tặng món lễ vật
quý giá nhất của họ: chính bản thân họ.
- Thật điên khùng.
- Có lẽ vậy. Tuy nhiên tôi cho rằng ngay lúc này đây chúng
ta cũng đang giết nhau bằng đủ các cách thức rồi sẽ trở thành điên khùng với
những người trong tương lai. Còn nói về những cánh cửa mở sang thế giới bên
kia, một đầm lầy cũng không phải là lựa chọn tồi. Nó không hoàn toàn là nước,
cũng không hẳn là đất - nó là một nơi trung gian. - Ông ta cúi người xuống cái
lồng, ngắm nghía hiện vật bên trong. - Chẳng phải ông ấy thật đẹp sao?
Tôi nhìn cái xác lần nữa, một thân thể đã bị siết cổ, mổ
bụng, dìm nước và bằng cách nào đó đã trở nên bất tử trong quá trình ấy.
- Cháu không nghĩ vậy, - tôi nói.
Ông Martin thẳng người lên, rồi bắt đầu nói với giọng phô
trương.
- Lại đây, anh bạn, và hãy nhìn vào người hắc ín này! Ông ấy
nằm an nghỉ, đen nhánh, khuôn mặt hiền hòa mang màu bồ hóng, tứ chi héo tàn như
những vỉa than, đôi bàn chân như những súc gỗ trồi bám đầy những dây nho héo
quắt!
Ông ta dang hai cánh tay ra như một nghệ sĩ sân khấu còn non
kinh nghiệm và bắt đầu khệnh khạng bước đi quanh cái lồng trưng bày.
- Lại đây, anh bạn, và chứng kiến sự tàn khốc trên những vết
thương của ông ấy! Những đường dao rạch ngoằn ngoèo sần sùi; óc và xương bị đá
đập lòi ra; thòng lọng vẫn quấn trên cổ ông ấy. Món lễ vật bị cắt rạch và ném
xuống - kẻ tìm kiếm Thiên Đường - ông lão bị giam cầm trong tuổi trẻ - ta gần
như yêu người!
Ông phụ trách cúi người rất kịch trong khi tôi vỗ tay.
- Ái chà, - tôi nói, - là ông sáng tác cả sao?
- Trúng phóc! - ông ta đáp lại kèm theo một nụ cười ngượng
ngập. - Thỉnh thoảng tôi vẫn đùa nghịch cùng những câu thơ, nhưng đó chỉ là một
thú vui thôi. Dù sao cũng cảm ơn cậu đã hùa theo tôi.
Tôi tự hỏi người đàn ông lập dị hoạt ngôn này làm gì ở
Cairnholm, với quần là thẳng nếp và những bài thơ nửa mùa, trông ông ta giống
một giám đốc ngân hàng hơn một người đang sống trên một hòn đảo lộng gió chỉ có
duy nhất một cái điện thoại và chẳng có con đường được lát tử tế nào.
- Còn bây giờ, tôi hẳn sẽ rất vui được giới thiệu với cậu
phần còn lại bộ sưu tập của mình, - ông
ta vừa nói vừa tiễn tôi ra cửa, - nhưng tôi e là đã đến giờ đóng cửa. Tuy vậy,
nếu cậu thích trở lại vào ngày mai…
- Thực ra cháu đang hy vọng ông có thể biết gì đó, - tôi lên
tiếng, ngăn ông phụ trách lại trước khi ông ta có thể xua tôi ra ngoài. - Về
trại trẻ cháu đã nhắc tới sáng nay. Cháu đã tới xem tận mắt.
- À! - ông phụ trách thốt lên. - Tôi cứ tưởng đã dọa được cậu
tránh xa nó rồi cơ đấy. Vậy tòa nhà ma ám của chúng ta bây giờ thế nào? Vẫn
đứng vững chứ?
Tôi cam đoan với ông ta là nó vẫn đứng vững, rồi đi thẳng
vào trọng tâm.
- Những người từng sống ở đó - ông có biết chuyện gì đã xảy
ra với họ không?
- Họ đã chết, - ông ta trả lời. - Lâu lắm rồi.
Tôi ngạc nhiên - cho dù rất có thể tôi không nên cảm thấy
thế.
Bà Peregrine đã già. Người già thì chết. Nhưng điều đó không
có nghĩa là cuộc tìm kiếm của tôi đã chấm dứt.
- Cháu đang tìm bất cứ ai có thể từng sống ở đó, không chỉ
mình cô phụ trách.
- Tất cả đã chết, - ông phụ trách nhắc lại. - Không còn ai
sống ở đó kể từ thời chiến tranh.
Tôi phải mất giây lát để ngẫm nghĩ.
- Ý ông là sao? Chiến tranh nào cơ ạ?
- Ở quanh đây, khi chúng tôi nói “chiến tranh”, cậu bé ạ, chỉ
có một cuộc chiến chúng tôi muốn nhắc đến - Thế chiến thứ Hai. Một cuộc không
kích của quân Đức đã giết chết họ, nếu tôi không nhầm.
- Không, không thể thế được.
Ông phụ trách gật đầu.
- Hồi ấy có một trận địa pháo phòng không ở mũi đất xa nhất
của hòn đảo, ngay sau khu rừng trại trẻ tọa lạc. Điều đó biến Cairnholm thành
một mục tiêu quân sự chính đáng. Cũng phải nhắc luôn với cậu là chuyện “chính
đáng” hay không chẳng mấy quan trọng với bọn Đức. Dù thế nào đi nữa, một trong
số những quả bom đã rơi lệch hướng, và, thế là… - Ông ta lắc đầu. - Rủi thật.
- Không thể thế được, - tôi lặp lại, cho dù tôi bắt đầu băn
khoăn.
- Sao cậu không ngồi xuống để tôi pha cho cậu ít trà nhỉ? -
ông ta nói. - Trông cậu không được bình tĩnh lắm.
- Cháu chỉ thấy hơi chóng mặt thôi...
Ông phụ trách đưa tôi tới chỗ một cái ghế trong phòng làm
việc của ông ta rồi quay đi pha trà. Tôi cố trấn tĩnh lại. Bị trúng bom trong
chiến tranh - điều đó hiển nhiên đã giải thích cho những căn phòng tường bị
thổi bay nọ. Nhưng còn lá thư từ bà Peregrine - đóng dấu bưu điện Cairnholm -
được gửi đi mới chỉ mười lăm năm trước thì sao?
Ông Martin quay trở lại, đưa cho tôi một chiếc cốc.
- Có một chút Penderyn trong đó, - ông ta nói. - Phương
thuốc bí mật đấy. Nó sẽ giúp cậu trấn tĩnh lại lập tức.
Tôi cảm ơn ông ta và nhấp một ngụm, nhận ra quá trễ rằng
phương thuốc bí mật này chính là whisky nồng độ rất cao. Có cảm giác như thể
xăng đặc đang ào ào tuôn xuống thực quản của tôi.
- Đúng là nó có gây chút kích thích, - tôi thừa nhận, mặt đỏ
ửng lên.
Ông ta cau mày.
- Có lẽ tôi cần đi tìm bố cậu.
- Không, không, cháu sẽ ổn thôi. Nhưng nếu ông có thể kể
thêm cho cháu biết về vụ không kích, cháu sẽ rất biết ơn.
Ông Martin ngồi xuống một cái ghế đối diện với tôi.
- Về chuyện đó, tôi thấy tò mò đấy. Cậu nói là ông nội cậu
đã sống ở đây. Ông cậu không bao giờ kể về vụ không kích sao?
- Cháu cũng thấy tò mò về chuyện ấy, - tôi nói. - Cháu đoán
có thể nó xảy ra khi ông cháu đã rời khỏi đây. Vụ không kích ấy xảy ra vào đầu
hay cuối cuộc chiến ạ?
- Tôi rất xấu hổ phải thừa nhận là tôi không biết. Nhưng nếu
cậu muốn biết đến thế, tôi có thể giới thiệu cậu với một người biết chuyện -
ông bác Oggie của tôi. Ông cụ đã tám mươi ba tuổi, đã sống ở đây suốt cả đời.
Và vẫn còn minh mẫn lắm. - Ông Martin liếc nhìn đồng hồ đeo tay. - Nếu như
chúng ta tới gặp ông cụ trước khi bộ phim Cha Ted được phát trên ti vi, tôi tin
chắc ông cụ sẽ rất vui kể cho cậu nghe bất cứ điều gì cậu thích.
* * *
Mười phút sau, ông Martin và tôi đã chen nhau ngồi lún sâu
trên chiếc ghế xô pha chật chội quá mức trong phòng khách nhà cụ Oggie, nơi
chất đống những chồng sách, những cái hộp đựng những đôi giày cũ mòn vẹt và đủ
đèn để thắp sáng cả hang động Carlsbad, tất cả đều không cắm dây nguồn chỉ trừ
một bóng. Tôi bắt đầu nhận ra rằng việc sống trên một hòn đảo xa xôi biến con
người ta thành những kẻ chuyên tích trữ nhặt nhạnh.
Cụ Oggie ngồi đối điện với chúng tôi, mặc một chiếc áo khoác
ngoài đã mòn trơ sợi vải và một cái quần ngủ như thể cụ vốn luôn trông đợi có
người tới làm bạn - chỉ có điều là những người này không đáng để cụ phải mặc
quần áo tử tế - và trong lúc nói chuyện không ngừng gật gù hết tới lại lui trên
chiếc ghế bành bọc vải nhựa. Chỉ nguyên chuyện có người lắng nghe đã khiến cụ
có vẻ rất vui, và cuối cùng, khi cụ đã kết thúc một tràng dài nói về thời tiết,
chính trị xứ Wales và tình trạng đáng ái ngại của giới trẻ ngày nay, ông Martin
cũng có thể lái cụ sang vụ không kích và những đứa trẻ ở trại trẻ nọ.
- Hẳn rồi, ta còn nhớ họ, - cụ nói. - Một nhóm người thật lạ
lùng. Thỉnh thoảng chúng ta lại thấy họ trong thị trấn - những đứa trẻ, rồi
thỉnh thoảng cả người phụ nữ trông coi họ nữa - đi mua sữa, thuốc và những thứ
khác. Ta chào “chúc buổi sáng tốt lành” là thể nào bọn họ cũng nhìn đi chỗ
khác. Bọn họ luôn sống tách biệt trong trại trẻ lớn đó. Người ta cứ đồn đại
suốt về những gì có thể đã diễn ra ở đó, dù chẳng ai biết chắc.
- Đồn đại kiểu gì cơ?
- Đủ thứ vớ vẩn. Như ta nói rồi đấy, chẳng ai biết chắc gì
hết. Tất cả những gì ta có thể nói là những đứa trẻ đó không phải loại trẻ mồ
côi thông thường người ta vẫn nghĩ đến - không giống như những trại trẻ khác,
với những đứa trẻ sẽ vào thị trấn diễu hành này nọ và luôn có thời gian để tán
chuyện. Đám trẻ này khác hẳn. Vài đứa trong số chúng thậm chí còn chẳng nói
chuẩn tiếng Anh phổ thông. À mà, bất kỳ thứ tiếng Anh nào luôn.
- Bởi vì họ không hẳn là trẻ mồ côi, - tôi nói. - Họ là
người tị nạn từ các nước khác. Ba Lan, Áo, Tiệp Khắc...
- Chúng là người tị nạn sao? - cụ Oggie vừa nói vừa nhướng
mày nhìn tôi. - Hay nhỉ, trước đây ta chẳng hề nghe nói gì về chuyện đó.
Cụ có vẻ tự ái, như thể tôi đã sỉ nhục cụ bằng cách ra vẻ
biết nhiều hơn cả cụ về hòn đảo của cụ. Nhịp bập bênh trên ghế của cụ trở nên
gấp gáp hơn, hung hăng hơn. Nếu đây là kiểu đón tiếp ông nội tôi và những đứa
trẻ khác nhận được tại Cairnholm thì cũng chẳng lạ khi họ thu mình lại với
nhau.
Ông Martin hắng giọng.
- Vậy còn cuộc không kích thì sao, bác?
- À, khiến người ta dựng hết tóc trên đầu. Phải, phải, bọn
Jerry [lính Đức] chết tiệt. Ai mà quên được bọn chúng chứ?
Cụ bắt đầu mô tả hồi lâu về cuộc sống trên đảo dưới sự đe
dọa của những cuộc không kích Đức: còi báo động rền vang; những lần hoảng loạn
xô đẩy nhau xuống hầm trú ẩn; những dân phòng tình nguyện chạy từ nhà này sang
nhà khác trong đêm để đảm bảo cửa được che kín, đèn đường tắt hết nhằm khiến
phi công địch không dễ dàng thấy được mục tiêu. Họ chuẩn bị chu đáo hết mức có
thể nhưng chẳng bao giờ thực sự nghĩ sẽ bị tấn công, nếu tính đến tất cả những
hải cảng, nhà máy trên đất liền, toàn là những mục tiêu quan trọng hơn so với
trận địa pháo nhỏ xíu ở Cairnholm. Nhưng đến một đêm, bom bắt đầu nã xuống.
- Tiếng nổ thật khủng khiếp, - cụ Oggie nói. - Cứ như thể
những người khổng lồ đang giậm chân uỳnh uỳnh khắp đảo, và dường như nó kéo dài
vô tận. Bọn chúng đã dồn chúng ta vào đường cùng, nhưng may là không ai ở thị
trấn thiệt mạng, ơn Chúa. Nhưng các chàng pháo thủ của chúng ta thì không như
vậy - cho dù họ đã cho đi chẳng kém gì nhận về - và cả những linh hồn tội
nghiệp ở trại trẻ mồ côi nữa. Chỉ cần đúng một quả bom. Họ đã hiến dâng tính
mạng cho nước Anh. Vì vậy dù họ từ đâu đến, xin Chúa ban phước lành cho họ vì
điều đó.
- Cụ có nhớ chuyện đó xảy ra khi nào không ạ? - tôi hỏi. -
Vào đầu hay cuối cuộc chiến?
- Ta có thể cho cháu biết ngày tháng chính xác, - cụ đáp. -
Hôm ấy là ngày mồng ba tháng Chín năm 1940.
Không khí như bỗng bị rút hết khỏi phòng. Trong tâm trí tôi
lóe lên hình ảnh khuôn mặt tái mét của ông nội, đôi môi chỉ hơi mấp máy của ông
thì thào ra đúng ngày tháng đó.
Mồng ba tháng Chín năm 1940.
- Cụ có... cụ có chắc về chuyện đó không ạ? Chắc chắn đúng
là hôm đó?
- Ta chưa bao giờ phải chiến đấu, - cụ nói. - Ta thiếu mất
một tuổi. Đối với ta, buổi tối hôm ấy là toàn bộ cuộc chiến tranh. Vì thế,
phải, ta chắc chắn.
Tôi cảm thấy đờ đẫn, hẫng hụt. Thật quá lạ lùng. Tôi tự hỏi
liệu có phải ai đó đang bỡn cợt mình hay không - một trò đùa quái đản, chẳng có
gì đáng buồn cười?
- Và không có bất kỳ ai sống sót sao? - ông Martin hỏi.
Ông cụ ngẫm nghĩ giây lát, ánh mắt trôi dần lên trầnnhà.
- Giờ cháu nhắc mới nhớ, - cụ nói, - bác nghĩ là có. Chỉ một
người. Một cậu thanh niên, không lớn hơn cậu nhóc này là mấy.
Nhịp bập bênh dừng lại khi cụ nhớ ra chuyện cũ.
- Cậu ta đi vào thị trấn sáng ngày hôm sau, trên người không
có lấy một vết xước. Gần như không hề bị chấn động, cứ nghĩ đến việc cậu ta vừa
phải chứng kiến số phận của tất cả bạn bè mình mà xem. Đó là điều kỳ quái nhất.
- Có thể cậu ấy bị sốc, - ông Martin nói.
- Nếu thế bác cũng chẳng thấy lạ, - cụ Oggie đáp. - Cậu ta
chỉ lên tiếng có độc một lần, hỏi bố bác khi nào chuyến tàu kế tiếp nhổ neo vào
đất liền. Cậu ta bảo muốn tự mình cầm vũ khí giết lũ quái vật đáng nguyền rủa
đã hãm hại người thân của cậu ta.
Câu chuyện cụ Oggie kể cũng cường điệu hệt như những câu
chuyện ông nội Portman từng hay kể, ấy vậy nhưng tôi không có lý do gì để nghi
ngờ cụ.
- Cháu biết cậu thanh niên ấy, - tôi nói. - Đó là ông nội
cháu.
Hai người nhìn tôi với vẻ kinh ngạc.
- Chà, - cụ Oggie nói. - Chúa cứu rỗi cho tôi.
Tôi cáo từ và đứng dậy. Ông Martin, để ý thấy tôi có vẻ rất
buồn bã, ngỏ ý muốn đưa tôi về quán rượu, nhưng tôi từ chối. Tôi cần được ở một
mình suy ngẫm.
- Vậy hãy sớm tới gặp tôi nhé, - ông ta nói, và tôi hứa sẽ
làm thế.
Tôi chọn con đường dài để quay về, đi qua những đốm sáng lay
động của bến cảng, không khí nặng trĩu hơi mặn của biển và khói tỏa ra từ ống
khói của cả trăm lò sưởi đang đỏ lửa. Tôi cuốc bộ tới cuối một cầu tàu và quan
sát mặt trăng nhô lên trên mặt nước, tưởng tượng ra ông nội tôi đang đứng ở đó
vào buổi sáng hôm sau ảm đạm ấy, đờ đẫn vì choáng váng, chờ một con tàu sẽ đưa
ông rời khỏi tất cả những chết chóc ông đã phải trải qua, đưa ông tới với cuộc
chiến, và thêm nhiều chết chóc nữa. Không thể tránh khỏi lũ quái vật, thậm chí
cả trên hòn đảo này, cái hòn đảo không lớn hơn một hạt cát trên bản đồ, được bảo
vệ bởi hàng núi sương mù, những vách đá nhọn hoắt và những cơn thủy triều cuồn
cuộn. Không thể, dù ở bất cứ đâu. Ông đã cố bảo vệ tôi tránh xa cái sự thật u
ám ấy. Ngoài xa, tôi nghe thấy tiếng những chiếc máy phát điện lọc xọc và lặng
dần, rồi tất cả ánh sáng dọc bến tàu và trên cửa sổ các ngôi nhà sau lưng tôi
lập lòe trong giây lát trước khi tắt hẳn. Không biết một cảnh tượng như thế
trông sẽ ra sao khi nhìn từ trên một chiếc máy bay - cả hòn đảo đột nhiên vụt
biến mất, như thể nó chưa bao giờ tồn tại bên dưới. Một vụ nổ siêu tân tinh ở
quy mô thu nhỏ.
* * *
Tôi đi bộ quay về dưới ánh trăng, cảm thấy mình thật bé nhỏ.
Tôi thấy bố đang ngồi trong quán rượu, vẫn ở cái bàn ông ngồi lúc trước, một
đĩa thịt bò ăn dở một nửa và nước xốt đã đông mỡ nằm trên bàn trước mặt ông.
- Xem ai đã về kìa, - bố nói khi tôi ngồi xuống. - Bố đã để
phần bữa tối cho con đấy.
- Con không đói, - tôi nói, và kể cho bố những gì tôi đã tìm
hiểu được về ông nội Portman.
Bố tôi có vẻ tức giận nhiều hơn ngạc nhiên.
- Bố không thể tin nổi là ông con chưa bao giờ nói về chuyện
này, - ông nói. - Chưa một lần.
Tôi có thể hiểu cơn giận của bố: việc một người ông giữ một
bí mật như thế với đứa cháu mình là một chuyện, nhưng một ông bố lại giữ kín nó
với con trai mình, và trong thời gian lâu đến vậy, lại là chuyện khác. Tôi cố
lái cuộc trò chuyện theo một hướng tích cực hơn.
- Chẳng phải thật đáng kinh ngạc sao? Mọi thứ ông đã trải
qua ấy.
Bố tôi gật đầu.
- Bố nghĩ sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết đầy đủ câu chuyện
được đâu.
- Ông nội thật biết cách giữ bí mật, bố nhỉ?
- Con đùa chắc? Ông nội con chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc ra
cả.
- Dẫu vậy con tự hỏi liệu điều đó có đem đến lời giải thích
nào hay không. Vì sao ông lại xử sự xa cách đến vậy khi bố còn nhỏ.
Bố ném về phía tôi một cái nhìn sắc lẹm, và tôi biết mình
cần nhanh chóng bày tỏ quan điểm nếu không sẽ có nguy cơ quá trớn.
- Trước đó ông đã mất gia đình của mình hai lần rồi. Một lần
ở Ba Lan, rồi một lần nữa ở đây - gia đình nhận nuôi ông. Vì thế khi bố và cô
Susie ra đời…
- Như chim sợ cành cong sao?
- Con nghiêm túc đấy. Bố không nghĩ là điều này chứng tỏ có
thể thực ra ông nội không hề lừa dối bà nội sao?
- Bố không biết, Jake. Bố đoán là bố không tin mọi thứ lại
có thể đơn giản đến vậy. - Bố tôi thở dài, hơi thở tạo thành sương bên trong
vại bia của ông. - Dẫu vậy, bố nghĩ bố biết tất cả những chuyện này thực sự nói
lên cái gì. Tại sao con và ông nội lại gần gũi đến thế.
- Được rồi bố…
- Ông nội con đã mất năm mươi năm để vượt qua nỗi sợ có một
gia đình. Con xuất hiện vào đúng thời điểm.
Tôi không biết phải trả lời thế nào nữa. Làm sao bạn có thể
nói Con xin lỗi, ông nội đã không yêu bố đủ nhiều với chính bố mình được chứ?
Tôi không thể, vậy nên thay vì thế tôi chỉ chúc bố ngủ ngon
và lên lầu đi ngủ.
* * *
Tôi trằn trọc trở mình gần hết đêm. Tôi không thể thôi nghĩ
tới những lá thư - lá thư bố tôi và cô Susie đã tìm thấy khi còn nhỏ, được gửi
tới từ “người đàn bà khác” đó, và lá thư tôi tìm thấy một tháng trước, được gửi
từ bà Peregrine. Ý nghĩ làm tôi thao thức là thế này: thế nếu họ cùng là một
người phụ nữ thì sao? Dấu bưu điện trên lá thư của bà Peregrine đã có từ mười
lăm năm trước, nhưng theo mọi lời kể lại, bà đã bị thổi bay lên tầng bình lưu
từ năm 1940 rồi. Trong tâm trí tôi, như vậy còn lại hai cách giải thích khả dĩ:
hoặc là ông nội tôi trao đổi thư tín với một người đã chết - phải thừa nhận
điều này khó xảy ra - hoặc người viết thư kỳ thực không phải là bà Peregrine mà
là ai đó sử dụng danh tính của bà để che giấu thân phận mình.
Nhưng tại sao người ta lại phải che giấu thân phận của mình
trong một lá thư cơ chứ? Vì người ta có điều gì đó cần giấu. Vì đó là người đàn
bà khác. Sẽ thế nào đây nếu điều duy nhất tôi khám phá ra trong chuyến đi này
là ông nội tôi là một kẻ ngoại tình dối trá? Trong những hơi thở cuối cùng của
mình, có phải ông đã cố nói cho tôi biết về cái chết của gia đình nhận nuôi
mình - hay thừa nhận một cuộc phiêu lưu tình ái phù phiếm đã kéo dài hàng thập
kỷ? Có thể là cả hai, và sự thật là hồi còn trẻ, ông đã phải chịu cảnh gia đình
tan nát nhiều lần tới mức không còn biết làm thế nào để có một gia đình, hay
chung thủy với một gia đình nữa.
Dẫu vậy, tất cả chỉ là suy đoán. Tôi không biết, mà cũng
chẳng có ai để hỏi. Bất cứ ai có thể nắm giữ câu trả lời đều đã chết từ lâu.
Chỉ trong vòng chưa tới hai mươi bốn giờ, toàn bộ chuyến đi đã trở thành vô
nghĩa.
Tôi chìm vào một giấc ngủ bồn chồn. Đến rạng sáng, tôi bừng
tỉnh vì có tiếng gì đó trong phòng mình. Lật người quay ra để xem đó là cái gì,
tôi bật ngồi thẳng dậy trên giường. Một con chim lớn đang đậu trên cái tủ nhỏ
trong phòng, trừng mắt nhìn xuống tôi. Cái đầu bóng mượt của nó có lông màu
xám, hai cựa đập lạch cạch xuống cái tủ gỗ trong lúc nó dịch qua dịch lại dọc
theo rìa nóc tủ, như thể để nhìn tôi rõ hơn.
Tôi cứng người trừng trừng nhìn lại, tự hỏi liệu đây có phải
là một giấc mơ hay không. Tôi hét lên gọi bố, và khi giọng tôi vang lên, con
chim cũng vọt lên khỏi nóc tủ. Tôi đưa cánh tay che trước mặt và lăn người quay
đi, khi tôi quay trở lại nó đã biến mất, bay vụt qua cửa sổ mở rộng.
Bố tôi vừa chạy vừa vấp lao vào, mắt nhắm mắt mở.
- Có chuyện gì vậy?
Tôi chỉ cho ông thấy những dấu cựa trên mặt tủ gỗ và một cái
lông rơi dưới sàn.
- Chúa ơi, thật kỳ quái, - bố tôi nói, lật đi lật lại cái
lông trên bàn tay. - Chim ưng gần như không bao giờ tới gần người đến thế.
[Tiếng Anh là “Peregrine”, trùng với họ cô phụ trách trong lá thư Jacob nhận
được, chính vì vậy đoạn trước ông của Jacob có nói tới một “con chim ưng hút
tẩu” thực ra là ám chỉ cô phụ trách Peregrine].
Tôi nghĩ có thể tôi đã nghe nhầm ông.
- Bố vừa nói là chim ưng ạ?
Bố tôi giơ cái lông lên.
- Một con chim ưng, - ông nói. - Chúng là những sinh vật
đáng kinh ngạc - loài chim nhanh nhất trên thế giới. Khi lao vút đi trên bầu
trời, chúng giống như những kẻ biến hình.
Cái tên chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ, nhưng nó
để lại trong tâm trí tôi một cảm giác huyền bí tôi không tài nào rũ bỏ được.
Trong lúc ăn sáng, tôi bắt đầu tự hỏi liệu có phải mình đã quá dễ dàng bỏ cuộc.
Mặc dù đúng là không ai còn sống để tôi có thể hỏi chuyện về ông nội, nhưng vẫn
còn trại trẻ, với nhiều điều chưa được khám phá. Nếu nơi ấy từng có lúc nào đó
nắm giữ những câu trả lời về ông nội tôi - có thể dưới dạng những lá thư, một
album ảnh hay một tập nhật ký - nhiều khả năng chúng đã bị thiêu cháy hay mục
nát từ hàng thập kỷ trước.
Nhưng nếu rời khỏi hòn đảo mà không đoan chắc được điều đó,
tôi biết mình sẽ hối tiếc. Và đó chính là lý do khiến một người cực kỳ nhạy cảm
trước những cơn ác mộng, những nỗi kinh hoàng ban đêm, những hình ảnh từ các bộ
phim kinh dị, và trước việc “nhìn thấy những thứ thực ra không có” lại thuyết phục chính mình thực hiện một chuyến đi cuối cùng tới ngôi nhà bỏ
hoang gần-như-chắc-chắn-bị-ám, nơi ít nhất một tá trẻ con đã gặp phải cái chết
bất thình lình.
-----------
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét