Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine - Tác giả: Ransom Riggs; ch 1

Ransom Riggs 

Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine 

Giới Thiệu

Jacob lớn lên cùng những câu chuyện ông nội thường hay kể. Câu chuyện về thưở thiếu thời ông đã trải qua tại một trại trẻ đã được phù phép, nơi sinh sống của những đứa trẻ sở hữu năng lực phi thường: một cô bé biết bay, một cậu bé tàng hình, một cô bé có thể tạo ra lửa.
Năm tháng qua đi, Jacob dần không còn tin vào những điều phù phiếm, cậu đặt những bước đi đầu tiên vào một cuộc sống nhung lụa êm đềm do bố mẹ bày sẵn trước mắt. Nhưng cái cái chết đột ngột của người ông cậu kính yêu nhất đã làm thay đổi tất cả. Theo lời trăng trối của ông, cậu lên tàu tìm kiếm trại trẻ từng được nhắc đến trong những câu chuyện xa xưa. Và chính tại đây, cậu không chỉ khám phá ra bí mật động trời về thân thế của mình, mà còn bước chân vào một cuộc phiêu lưu sẽ biến cuộc đời tầm thường tẻ nhạt vốn có của cậu sang một trang mới vĩnh viễn không thể quay đầu.
Một tuyệt phẩm với trí tưởng tượng không có giới hạn được kết hợp từ con chữ và những bức ảnh hoài cổ nhuốm màu gothic, TRẠI TRẺ ĐẶC BIỆT CỦA CÔ PEREGRINE sẽ làm mê hoặc không chỉ thiếu niên mà cả những người trưởng thành, bất kỳ ai còn muốn tin rằng những câu chuyện cổ tích không hoàn toàn là hư cấu. 

Mở Đầu 

Tôi vừa mới chấp nhận rằng cuộc đời mình sẽ bình thường thì những chuyện khác thường bắt đầu xảy ra. Chuyện đầu tiên tới như một cú sốc kinh hoàng, và như bất cứ điều gì làm bạn thay đổi mãi mãi, nó cắt rời cuộc đời tôi thành hai nửa: Trước và Sau. Như nhiều điều khác thường sẽ tới sau đó, nó liên quan tới ông nội Abraham Portman của tôi.
Ngày tôi còn nhỏ, ông nội Portman là người thú vị nhất tôi biết. Ông từng sống trong một trại mồ côi, chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, vượt đại dương trên những chiếc tàu hơi nước và băng qua sa mạc trên lưng ngựa, biểu diễn trong các gánh xiếc, biết mọi thứ về súng đạn, cách thức tự vệ và kỹ năng sống sót trong thế giới hoang dã, nói được ít nhất ba thứ tiếng ngoài tiếng Anh. Tất cả đều có vẻ lạ lẫm vô cùng với một cậu nhóc chưa bao giờ rời khỏi Florida, và bất cứ khi nào gặp ông, tôi lại khẩn khoản nài rủ ông thết đãi mình những câu chuyện. Ông luôn chiều tôi, kể lại chúng như những bí mật chỉ có thể gửi gắm nơi tôi.
Lên sáu tuổi, tôi quyết định rằng cơ hội duy nhất để mình có được cuộc đời ngoạn mục dẫu chỉ bằng một nửa của ông nội là trở thành nhà thám hiểm. Ông động viên tôi bằng cách chiều chiều cùng tôi cắm cúi nhìn xuống những tấm bản đồ thế giới, lên kế hoạch cho những chuyến thám hiểm tưởng tượng bằng các tuyến đường vạch ra bằng đinh rệp mũ đỏ và kể cho tôi nghe về những chốn lạ lùng tôi sẽ khám phá một ngày nào đó.
Ở nhà, tôi thể hiện tham vọng của mình để ai cũng biết bằng cách lượn lờ vòng quanh với một miếng bìa cuộn thành ống áp vào mắt, miệng hét toáng lên, “Đất liền kia rồi!”“Chuẩn bị một toán đổ bộ nào!” cho tới khi bố mẹ đá đít tôi ra ngoài. Tôi nghĩ hai người lo rằng ông nội có thể tiêm nhiễm vào tôi một thói mơ mộng vô phương cứu chữa nào đó mà tôi sẽ không bao giờ dứt bỏ được - lo rằng những chuyện hoang đường này sẽ khiến tôi dửng dưng với những tham vọng thực tế hơn - đến mức một ngày nọ mẹ phải kéo tôi ngồi xuống và giải thích rằng tôi không thể trở thành một nhà thám hiểm vì mọi thứ trên thế giới đã được khám phá cả rồi.
Tôi đã sinh ra nhầm thế kỷ, và tôi cảm thấy mình bị lừa dối. Tôi thậm chí còn cảm thấy bị lừa dối nhiều hơn khi vỡ lẽ ra là phần lớn những câu chuyện hay ho nhất ông nội Portman kể không thể nào là thật.
Những câu chuyện dài nhất luôn kể về tuổi thơ của ông, chẳng hạn như ông ra đời tại Ba Lan nhưng đến năm mười hai tuổi đã được đưa bằng tàu thủy tới một trại trẻ ở Wales. Khi tôi hỏi vì sao ông bị chia lìa với hai cụ nội, câu trả lời của ông luôn giống nhau: vì những con quái vật truy đuổi ông.
Ba Lan nát bươm cũng chỉ vì chúng, ông kể vậy. “Quái vật kiểu như thế nào ạ?” tôi tròn mắt hỏi. Câu hỏi này đã trở thành thường lệ. “Những con quái vật lưng gù gớm ghiếc, da dẻ lở loét và hai con mắt đen ngòm ấy”, ông trả lời như thế. “Và chúng bước đi thế này này!”. Rồi ông nhấc từng bước chân lê tới chỗ tôi như một con quái vật trong mấy bộ phim ngày xưa cho đến khi tôi cười phá lên, vùng bỏ chạy.
Mỗi khi mô tả chúng, ông lại thêm thắt vào vài chi tiết kinh dị mới: chúng bốc mùi rác rưởi đang phân hủy; chúng vô hình, ta chỉ có thể thấy cái bóng của chúng, có một bó xúc tu uốn éo ẩn trong miệng chúng, sẵn sàng lao vút ra trong nháy mắt và lôi tuột bạn vào giữa bộ hàm mạnh mẽ.
Chẳng mấy chốc tôi bắt đầu bị khó ngủ, trí tưởng tượng tích cực thái quá của tôi biến tiếng lốp xe kêu lạo xạo trên mặt đường ướt thành hơi thở phì phò nặng nề ngay bên ngoài cửa sổ phòng mình, hay những cái bóng dưới cánh cửa ra vào thành những xúc tu đen xám đang uốn éo.
Tôi sợ chết khiếp lũ quái vật nhưng lại vẫn hào hứng tưởng tượng ra cảnh ông nội tôi chiến đấu với chúng và sống sót để kể lại câu chuyện.
Còn lạ kỳ hơn thế là những câu chuyện ông kể về cuộc sống tại trại trẻ ở Wales. Theo lời ông, đó là một nơi được phù phép, được lập nên để bảo vệ những đứa trẻ khỏi lũ quái vật nằm trên một hòn đảo ngày ngày đều sáng ánh mặt trời và chưa từng bao giờ có ai bị ốm hay chết. Tất cả mọi người sống cùng nhau trong một ngôi nhà lớn, được một con chim già sắc sảo bảo vệ, hay ít nhất trong chuyện kể là như thế.
Tuy nhiên, khi lớn lên, tôi bắt đầu thấy nghi ngờ. “Là chim gì hả ông?”, một buổi chiều năm lên bảy, tôi hỏi trong lúc đưa mắt nhìn ông đầy ngờ vực từ bên kia bàn chơi bài, khi ông vừa để tôi thắng cờ tỷ phú.
“Một con chim ưng to hút tẩu thuốc”, ông đáp. “Ông ơi, ông nghĩ cháu ngớ ngẩn lắm hay sao thế ạ”. Ông đưa ngón cái gạt qua đống tiền màu cam và xanh dương đang vơi dần của mình.
“Ông hông bao giờ ngẫy cháu ngớ ngẩn, Yakob”. Tôi biết mình đã làm ông buồn vì khẩu âm Ba Lan vốn chẳng bao giờ ông để lộ bỗng buột ra rất rõ, khiến cho không trở thành hông và nghĩ biến thành ngẫy.
Cảm thấy có lỗi, tôi quyết định dành cho ông thêm cơ hội. “Nhưng tại sao lũ quái vật lại muốn làm hại ông ạ?”, tôi hỏi.
“Vì bọn ông không giống những người khác. Bọn ông đặc biệt”
“Đặc biệt thế nào cơ?”
“À, đủ kiểu đặc biệt”, ông kể. “Có một cô bé biết bay, một cậu bé nuôi ong trong cơ thể, một người anh trai và cô em gái có thể nâng bổng những tảng đá lên quá đầu”.
Khó mà dám chắc ông có đang nghiêm túc hay không. Thế nhưng lại phải nói rõ, ông tôi không phải người có tiếng hay kể chuyện cười. Ông cau mày khi nhìn ra vẻ nghi ngờ trên mặt tôi. “Được rồi, cháu không nhất thiết phải tin lời ông”, ông nói. “Ông có ảnh đây này!”. Ông đẩy chiếc ghế gấp đang ngồi ra sau và đi vào trong nhà, để tôi lại một mình ngoài hàng hiên có lắp kính. Một phút sau, ông trở ra, cầm theo một hộp đựng xì gà cũ.
Tôi nhổm người ra trước để nhìn trong khi ông lấy ra bốn bức ảnh nhăn nhúm ố vàng. Đầu tiên là một bức ảnh mờ nhòe chụp thứ gì đó trông như một bộ quần áo mà không thấy người mặc. Hoặc thế, hoặc người mặc đồ không hề có đầu.
“Tất nhiên là cậu ta có đầu!”, ông tôi vừa nói vừa cười. “Chỉ có điều cháu không thể nhìn thấy được”.
“Sao lại không? Cậu ấy vô hình ạ?”. “Ái chà, hãy xem bộ óc của anh chàng này kìa!”. Ông nhướng mày lên như thể khả năng suy luận của tôi đã khiến ông ngạc nhiên. “Tên cậu ta là Millard. Một anh chàng rất nhộn. Thỉnh thoảng cậu ta sẽ nói, “Này Abe, tớ biết hôm nay cậu đã làm gì đấy nhé, đoạn kể lại xem cháu đã đi đâu, đã ăn gì, cả vụ cháu ngoáy mũi khi tưởng không có ai nhìn nữa. Đôi lúc cậu ta sẽ đi theo cháu, lặng thinh như một con chuột, không mặc gì trên người để cháu không thể trông thấy cậu ta theo dõi mình!”. Ông lắc đầu. “Tưởng tượng được chứ, chàng trai?”
Ông đưa cho tôi một bức ảnh khác.
Sau khi tôi đã có chút thời gian ngắm nghía nó, ông hỏi, “Thế nào? Cháu thấy gì?”
“Một cô bé phải không ạ?”
“Gì nữa nào?”
“Cô ấy đội một chiếc mũ miện”.
Ông tôi gõ gõ vào phần dưới bức ảnh. “Còn hai bàn chân cô ấy thì sao?”
Tôi cầm bức ảnh đưa lại gần hơn. Đôi bàn chân cô gái không chạm xuống mặt đất. Nhưng cũng không phải cô đang nhảy, cô gái dường như đang lơ lửng trong không trung. Miệng tôi há hốc.
“Cô ấy đang bay!”
“Gần đúng”, ông tôi nói. “Cô bé đang bay lên. Chỉ có điều cô ấy không thể hoàn toàn kiểm soát bản thân, thành ra đôi khi bọn ông phải buộc một sợi dây vào cô ấy để giữ cô ấy khỏi trôi đi mất!”.
Đôi mắt tôi dán chặt vào khuôn mặt búp bê đầy ám ảnh của cô gái.
“Thật thế ạ?”
“Tất nhiên là thật”, ông cáu kỉnh nói, lấy lại bức ảnh và thay thế nó bằng một bức ảnh khác, lần này chụp một cậu bé gầy khẳng khiu đang giơ một tảng đá lớn lên.
“Victor và em gái cậu ta không thông minh cho lắm”, ông nói, “nhưng cháu ạ, hai anh em họ quả rất khỏe!”
“Trông anh ấy không có vẻ khỏe lắm”, tôi vừa nói vừa ngắm nghía hai cánh tay gầy gò của cậu bé.
“Tin ông đi, cậu ấy rất khỏe. Ông đã thử vật tay với cậu ấy một lần, và thiếu chút nữa cậu ấy đã vặn gãy rời bàn tay ông đấy!”
Nhưng lạ lùng nhất là bức ảnh cuối cùng. Nó chụp nửa sau đầu một người, bên trên vẽ một khuôn mặt.
Tôi nhìn chằm chằm vào bức ảnh cuối cùng trong khi ông nội Portman giải thích.
“Cậu ấy có hai miệng, cháu thấy không? Một đằng trước và một đằng sau. Chính vì thế mà cậu ấy rất to béo!”
“Nhưng cái miệng này là giả”, tôi nói. “Khuôn mặt chỉ được vẽ lên thôi.”
“Hẳn rồi, khuôn mặt vẽ là giả. Nó được dùng cho chương trình xiếc. Nhưng như ông đã nói với cháu đấy, cậu ấy có hai miệng. Cháu không tin ông sao?”
Tôi ngẫm nghĩ một hồi, nhìn vào các bức ảnh rồi sau đó nhìn vào ông tôi, vẻ mặt ông thành thật như không bao giờ có điều gì giấu giếm. Việc gì ông phải nói dối chứ?
“Cháu tin ông”, tôi nói.
Và tôi thực sự tin ông - ít nhất là trong vài năm - cho dù chủ yếu vì tôi muốn thế, giống như những đứa trẻ khác ở tuổi tôi muốn tin vào ông già Noel. Chúng ta bám lấy những câu chuyện cổ tích của mình cho tới khi cái giá phải trả cho niềm tin vào chúng trở nên quá cao, với tôi là hồi cấp hai khi Robbie Jensen tụt quần tôi vào bữa trưa trước một bàn toàn con gái và tuyên bố là tôi tin vào chuyện cổ tích. Tôi đoán chuyện này chỉ là kết quả từ việc tôi kể lại những câu chuyện của ông ở trường, nhưng trong khoảnh khắc bẽ bàng ấy, tôi đã mường tượng ra biệt danh “anh chàng cổ tích” sẽ đeo đuổi tôi suốt nhiều năm và cho dù có công bằng hay không, tôi cũng thấy giận ông vì chuyện này.
Chiều hôm ấy ông nội Portman tới trường đón tôi, như ông vẫn thường làm khi cả bố mẹ tôi đều bận việc. Tôi trèo vào ghế phụ trong chiếc Pontiac cũ của ông và tuyên bố tôi không còn tin vào những câu chuyện cổ tích của ông nữa.
“Chuyện cổ tích nào cơ?” ông hỏi, đưa mắt nhìn tôi từ sau cặp kính.
“Ông biết mà. Những câu chuyện ấy. Về những đứa trẻ và lũ quái vật”.
Ông tôi có vẻ bối rối. “Ông có nói đó là chuyện cổ tích đâu nhỉ?”
Tôi nói với ông rằng chuyện tưởng tượng và chuyện cổ tích cũng chỉ là một, và những câu chuyện cổ tích là dành cho lũ nhóc còn tè dầm, và tôi biết những bức ảnh và câu chuyện của ông đều là hư cấu. Tôi những tưởng ông sẽ nổi cáu hay tranh luận, nhưng thay vì thế ông chỉ nói, “Được rồi”, và khởi động chiếc Pontiac chạy. Ông nhấn ga một cái, thế là chúng tôi rời khỏi lề đường. Và câu chuyện cũng chấm dứt ở đó.
Tôi đoán ông đã nhìn ra rằng cuối cùng tôi cũng phải từ bỏ niềm tin vào chúng, nhưng ông buông bỏ mọi thứ nhanh đến mức khiến tôi cảm thấy mình đã bị lừa dối. Tôi không hiểu được tại sao ông lại bịa ra tất cả những thứ đó, lừa tôi tin rằng những điều phi thường có thể xảy ra trong khi không phải vậy.
Phải mấy năm sau bố tôi mới giải thích chuyện này với tôi: ông nội cũng đã kể cho bố vài câu chuyện tương tự khi bố còn nhỏ, nhưng chúng không phải bịa đặt, mà nói chính xác là những phiên bản phóng đại thái quá của sự thật, vì câu chuyện về thời thơ ấu của ông nội Portman không hề là chuyện cổ tích.
Đó là một câu chuyện kinh hoàng. Ông nội tôi là thành viên duy nhất của gia đình thoát được khỏi Ba Lan trước khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ. Khi ông mới mười hai tuổi, hai cụ nội đã trao ông vào tay những người xa lạ, để con trai út của họ lên một chuyến xe lửa tới Anh chỉ mang theo một cái va li và quần áo mặc trên người.
Đó là chuyến đi không hẹn ngày trở lại. Ông không bao giờ gặp lại bố hay mẹ mình, hay các anh trai, các anh em họ, hoặc cô dì chú bác. Tất cả hẳn đều đã mất trước ngày sinh nhật thứ mười sáu của ông, bị sát hại dưới tay những con quái vật mà ông chỉ kịp tránh thoát. Song đây không phải là loại quái vật có những cái xúc tu và da dẻ lở loét, không phải loại quái vật một đứa trẻ lên bảy tuổi có thể để tâm tới. Chúng là những con quái vật mang khuôn mặt người, mặc quân phục bảnh bao, đi đều bước, nom bình thường tới mức bạn không thể nhận ra bản chất của chúng cho tới khi đã quá muộn.
Giống như những con quái vật, câu chuyện về hòn đảo được phù phép cũng là thực tế dưới lớp vỏ ngoài hư cấu. So sánh với cảnh tượng kinh hoàng trên lục địa châu Âu, trại trẻ đã đónnhận ông nội tôi chắc hẳn giống như một thiên đường, và vì thế nó đã trở thành thiên đường trong các câu chuyện của ông: một nơi trú ẩn an toàn với những mùa hè bất tận, các thiên thần bảo hộ cùng những đứa trẻ có phép thuật, vốn dĩ không thể bay, tàng hình hay nhấc bổng được đá tảng, tất nhiên rồi. Điểm khác thường khiến chúng bị săn đuổi chỉ đơn giản là nguồn gốc Do Thái của chúng.
Chúng là những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh, bị cơn thủy triều máu đánh dạt lên hòn đảo nhỏ ấy. Điều khiến chúng trở nên đáng kinh ngạc không phải là chuyện chúng có những quyền năng mầu nhiệm; nguyên việc chúng thoát khỏi các khu tập trung người Do Thái và phòng hơi ngạt cũng đã là một phép mầu rồi.
Tôi thôi không đòi ông kể chuyện cho mình nữa, và tôi thầm nghĩ chắc ông cũng thấy nhẹ nhõm. Một bầu không khí huyền bí bao quanh các chi tiết về phần đời trước đây của ông. Tôi không tò mò tìm hiểu. Ông đã phải trải qua địa ngục và có quyền được giữ những bí mật của mình. Khi nghĩ tới cái giá ông phải trả tôi cảm thấy xấu hổ vì đã ghen tị với cuộc đời ông, và cố cảm thấy may mắn vì cuộc sống an toàn mình đã hưởng trong khi chẳng làm gì để xứng đáng được như thế.
Rồi vài năm sau đó, khi tôi mười lăm tuổi, một việc dị thường và khủng khiếp xảy ra, thế là chỉ còn lại TrướcSau.

Chương 1

Tôi dành buổi chiều cuối cùng của Trước để dựng một mô hình thu nhỏ cỡ một phần mười nghìn tòa nhà Empire State bằng những hộp đựng tã giấy người lớn.
Đó quả là một công trình đẹp đẽ, phần đáy dài mỗi chiều một mét rưỡi và vươn lên ngạo nghễ trên khu bày mỹ phẩm, với nền móng là các hộp cỡ lớn, những hộp loại siêu nhẹ cho đài quan sát, và những chồng tã giấy dùng thử đủ cỡ được xếp cẩn thận tạo nên phần chóp nhọn mang tính biểu tượng của tòa nhà.
Mô hình gần như hoàn hảo, ngoại trừ một chi tiết tối quan trọng.
- Cậu dùng tã giấy Neverleak, - bà Shelley nói, cau mày nhìn công trình của tôi đầy ngờ vực. - Loại đang bán giảm giá là Stay-Tite cơ mà.
Bà Shelley là quản lý cửa hàng, đôi vai luôn chùng xuống cùng bộ dạng khắc khổ đã trở thành một phần bộ đồng phục của bà ta, cũng như sơmi polo màu xanh dương mà tất cả chúng tôi phải mặc.
- Cháu tưởng bà bảo là Neverleak, - tôi đáp, vì quả tình bà ta đã nói thế thật.
- Stay-Tite, - bà quản lý khăng khăng, lắc đầu đầy tiếc rẻ như thể tòa tháp của tôi là một con ngựa đua bị què còn bà ta đang cầm trong tay một khẩu súng ngắn có báng nạm ngọc trai. Một im lặng lúng túng buông xuống, trong khi ấy bà ta tiếp tục lắc đầu, hết đưa mắt từ tôi đến tòa tháp rồi lại trở về phía tôi. Tôi nhìn bà ta chằm chằm vô cảm, như thể hoàn toàn không sao nắm bắt nổi bà ta đang ngụ ý công kích gì.
- Ôi trời, - cuối cùng tôi lên tiếng. - Ý bà là muốn cháu làm lại từ đầu ấy ạ?
- Tôi chỉ bảo là cậu đã dùng Neverleak, - bà quản lý nhắc lại.
- Không vấn đề gì. Cháu sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Dùng mũi đôi giày đen đế mềm vẫn hay đi, tôi gạt cái hộp duy nhất làm móng tòa tháp. Trong khoảnh khắc, toàn bộ công trình nguy nga ào ào đổ ụp xuống quanh chúng tôi, làm cả một cơn thủy triều tã giấy tràn ra trên sàn, những cái hộp liên tiếp đập vào chân các khách hàng đang hoảng hồn, trượt dài ra tới tận cửa ra vào tự động lúc này đã trượt mở để luồng hơi nóng tháng Tám ùa vào.
Khuôn mặt bà Shelley chuyển sang màu quả lựu chín. Đáng lẽ bà ta nên đuổi việc tôi ngay tại chỗ, song tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ gặp may đến thế. Suốt mùa hè tôi đã cố để bị đuổi việc khỏi Smart Aid, tuy nhiên việc này đã được chứng tỏ là gần như bất khả thi. Tôi đi làm muộn hết lần này tới lần khác mà hầu như chẳng có lý do nào; thay đổi lung tung các thứ đến mức gây sốc; thậm chí còn cố tình xếp hàng lên nhầm kệ, bày nước thơm xen vào giữa thuốc xổ và để lẫn bao cao su với dầu gội đầu trẻ em. Hiếm có lúc nào tôi tận tụy làm bất cứ việc gì, ấy vậy nhưng cho dù tôi có tỏ ra bất tài vô dụng đến đâu đi nữa, bà Shelley vẫn kiên quyết giữ tôi lại trong danh sách trả lương.
Hãy cho phép tôi chứng thực cho phát biểu lúc trước của mình: với tôi, bị đuổi việc khỏi Smart Aid gần như là điều bất khả thi. Bất cứ nhân viên nào khác hẳn cũng đã bị tống ra khỏi cửa từ đời tám hoánh rồi. Đây chính là bài học đầu tiên của tôi về chính trị.
Có ba cửa hàng Smart Aid tại Englewood, thị trấn nhỏ mơ màng kề bên bãi biển nơi tôi sống. Có hai mươi bảy cửa hàng ở hạt Sarasota, và một trăm mười lăm trên cả Florida, rải khắp tiểu bang như một chứng phát ban vô phương chữa trị.
Lý do tôi không thể bị đuổi việc là vì các bác tôi sở hữu tất cả các cửa hàng kể trên.
Lý do khiến tôi không thể bỏ việc là chuyện làm việc tại Smart Aid với vai trò công việc đầu tiên trong đời đã từ lâu trở thành một truyền thống thiêng liêng trong gia đình.
Kết quả duy nhất từ chiến dịch tự phá hoại của tôi là mối xung khắc không thể hóa giải nổi với bà Shelley cùng sự oán giận tột độ trường tồn từ các nhân viên khác - những người, nói một cách thẳng thắn, kiểu gì cũng oán giận tôi, vì cho dù tôi có làm đổ bao nhiêu hàng trưng bày hay trả tiền thiếu cho bao nhiêu khách hàng, đến một ngày nào đó tôi vẫn sẽ thừa kế một phần đáng kể của công ty, còn họ thì không.
* * *
Lội qua đống tã giấy, bà Shelley gí ngón tay vào ngực tôi và chực nói gì đó gay gắt thì hệ thống loa thông báo xen ngang vào. “Jacob, cậu có điện thoại ở đường dây số hai. Jacob, đường dây số hai”. Bà quản lý trừng mắt nhìn tôi khi tôi lùi lũi chuồn đi, để khuôn mặt như lựu chín của bà ta ở lại giữa đống đổ nát của tòa tháp tôi dựng lúc trước.
* * *
Phòng nhân viên là một căn phòng ẩm ướt không cửa sổ, và lúc đến đó tôi gặp cô phụ việc nhà thuốc, Linda, đang gặm một cái sandwich không vỏ trong quầng sáng rực rỡ của chiếc máy bán đồ uống tự động. Cô ta hất hàm về phía cái điện thoại được gắn trên tường.
- Của cậu đường dây số hai ấy. Người gọi nghe có vẻ kỳ lắm.
Tôi cầm ống nghe đang treo toòng teng lên.
- Yakob? Có phải cháu đấy không?
- Vâng, cháu chào ông.
- Yakob, ơn Chúa. Ông cần chìa khóa của ông. Chìa khóa của ông đâu? - Ông có vẻ lo lắng, thở không ra hơi.
- Chìa khóa nào cơ ạ?
- Đừng giở trò, - ông gắt. - Cháu biết chìa khóa nào còn gì.
- Nhỡ ông để nó nhầm chỗ thì sao ạ.
- Bố cháu xúi cháu làm chuyện này chứ gì, - ông nói. - Cứ nói cho ông biết. Bố cháu không cần phải biết.
- Chẳng ai xúi cháu làm gì hết. - Tôi cố thay đổi chủ đề. - Sáng nay ông đã uống thuốc chưa ạ?
- Chúng đến tìm ông, cháu hiểu chưa? Ông không biết bằng cách nào chúng tìm thấy ông sau từng ấy năm qua, nhưng chúng đã làm được. Ông sẽ phải chiến đấu với chúng bằng cái gì đây, con dao trét bơ mắc dịch này chăng?
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe ông nói kiểu này. Ông nội tôi đã già, và thành thực mà nói ông bắt đầu lẫn lộn. Những dấu hiệu suy giảm minh mẫn của ông ban đầu chỉ loáng thoáng, như quên mua đồ tạp hóa hay gọi mẹ tôi bằng tên dì tôi. Nhưng đến hè này, chứng lú lẫn đang phát triển dần của ông đã có một bước ngoặt tàn khốc. Những câu chuyện hoang đường ông tưởng tượng ra về phần đời của mình trong chiến tranh - những con quái vật, hòn đảo được phù phép - đã trở nên thật đến nỗi ám ảnh với ông.
Ông tỏ ra đặc biệt bất an trong mấy tuần gần đây, và bố mẹ tôi, sợ rằng ông đang trở thành một mối nguy hiểm cho chính mình, đã nghiêm túc nghĩ tới chuyện đưa ông vào viện dưỡng lão.
Vì một lý do nào đó, tôi là người duy nhất nhận được những cuộc gọi điện báo điềm gở này từ ông. Như thường lệ tôi cố hết sức để làm ông bình tâm lại.
- Ông vẫn an toàn mà. Mọi thứ vẫn ổn. Cháu sẽ mang đến một bộ phim để ông cháu mình xem sau, ông thấy thế nào?
- Không, ở yên chỗ cháu đấy! Ở đây không an toàn!
- Ông ơi, không phải lũ quái vật đang tìm đến ông đâu. Ông đã giết hết chúng trong chiến tranh rồi, ông nhớ chứ?
Tôi quay mặt vào tường, cố che giấu cuộc hội thoại kỳ lạ này để Linda khỏi nghe thấy, cô ta đang tò mò đưa mắt về phía tôi trong khi giả bộ đọc một tạp chí thời trang.
- Không phải tất cả chúng, - ông nói. - Không, không, không. Đúng là ông đã giết rất nhiều, nhưng vẫn luôn còn nhiều hơn.
Tôi có thể nghe thấy ông đang lục lọi quanh nhà, mở ngăn kéo, đóng sầm thứ này thứ kia. Ông đang rơi vào cơn hoảng loạn cùng cực.
- Cháu phải tránh xa chỗ này, nghe ông nói chứ? Ông sẽ ổn thôi - cắt lưỡi chúng và đâm vào mắt chúng, đó là tất cả những gì cháu phải làm! Chỉ cần ông tìm ra cái chìa khóa mắc dịch đó!
Cái chìa khóa đang được nhắc tới dùng để mở một cái rương to tướng trong gara của ông nội Portman. Trong rương là một kho súng và dao đủ để trang bị cho một đội dân quân nhỏ.
Ông đã dành nửa cuộc đời sưu tầm chúng, cất công đi tới tận các hội chợ súng ở tận ngoài tiểu bang, thực hiện những chuyến đi săn dài ngày, lôi cả gia đình miễn cưỡng của mình tới trường tập bắn vào các chủ nhật nắng đẹp để mọi người có thể học bắn súng.
Ông yêu những khẩu súng của mình đến mức thậm chí có lúc đi ngủ cùng chúng. Bố tôi có một bức ảnh cũ để chứng minh cho điều đó: ông nội ngủ trưa với khẩu súng ngắn trong tay.
Khi tôi hỏi bố xem vì sao ông nội lại phát cuồng lên vì súng như thế, bố tôi nói đôi khi chuyện này vẫn xảy ra với những người từng là quân nhân hay những người phải trải qua những điều tàn khốc cực độ.
Tôi đoán là sau tất cả những gì ông nội tôi đã trải qua, ông không bao giờ còn cảm thấy được an toàn ở bất cứ đâu, thậm chí cả ở nhà. Điều mỉa mai nằm ở chỗ, giờ đây khi ảo giác và chứng hoang tưởng bắt đầu kiểm soát ông, điều đó thành ra lại đúng - ông không còn được an toàn ở nhà, làm sao mà an toàn được khi có ngần ấy súng ống xung quanh. Đó là lý do vì sao bố tôi lại lấy cái chìa khóa đi.
Tôi nhắc lại lời nói dối rằng tôi không biết nó ở đâu. Thêm nhiều tiếng rủa và tiếng rầm rầm nữa vang lên trong lúc ông nội Portman lục tung khắp nhà để tìm chìa khóa.
- Phù, - cuối cùng ông nói. - Cứ để bố cháu giữ cái chìa khóa nếu nó thấy điều đó quan trọng đến thế. Để nó nhặt xác ông luôn!
Tôi gác máy lễ độ hết mức có thể rồi gọi điện cho bố.
- Ông nội lại lên cơn rồi! - tôi cho bố biết.
- Hôm nay ông đã uống thuốc chưa?
- Ông không nói với con. Nhưng nghe có vẻ là chưa.
Tôi nghe thấy bố thở dài.
- Con ghé qua xem ông thế nào được không? Bố không thể dứt ra khỏi công việc ngay bây giờ được.
Bố tôi làm tình nguyện viên bán thời gian cho tổ chức cứu hộ chim, giúp chữa trị cho những con diệc trắng bị ô tô đụng và những con bồ nông nuốt phải lưỡi câu. Ông là một nhà điểu cầm học nghiệp dư và cũng muốn trở thành tác giả viết về thiên nhiên - có cả đống bản thảo chưa được xuất bản để chứng minh cho điều đó - những thứ chỉ có thể được coi là công việc đúng nghĩa nếu bạn tình cờ kết hôn với một phụ nữ mà gia đình sở hữu tới một trăm mười lăm nhà thuốc.
Tất nhiên, thứ tôi đang làm cũng chẳng phải công việc đúng nghĩa gì cho cam, và nếu thích thì tôi luôn dễ dàng lỉnh đi được. Vậy là tôi nói sẽ ghé qua xem ông nội thế nào.
- Cảm ơn con, Jake. Bố hứa chúng ta sẽ sớm thu xếp ổn thỏa mọi chuyện liên quan tới ông nội, được chứ?
Mọi chuyện liên quan tới ông nội?
- Ý bố là đưa ông vào viện dưỡng lão phải không ạ, - tôi nói. - Biến ông thành vấn đề của người khác.
- Bố mẹ vẫn chưa quyết định.
- Tất nhiên hai người đã quyết định rồi.
- Jacob…
- Bố, con có thể lo liệu chuyện của ông. Thật đấy.
- Bây giờ thì có lẽ là con lo liệu được. Nhưng tình hình của ông sẽ chỉ ngày càng tệ thêm thôi.
- Được thôi. Sao cũng được.
Tôi gác máy và gọi cậu bạn Ricky để đi nhờ xe. Mười phút sau, tôi nghe thấy tiếng còi khàn khàn chẳng lẫn vào đâu được từ chiếc Crown Victoria cũ kỹ của cậu ta vọng vào từ bãi để xe.
Trên đường ra ngoài, tôi thông báo lại tin xấu cho bà Shelley: tòa tháp xây bằng tã giấy Stay-Tite của bà ta sẽ phải đợi tới ngày mai. “Chuyện gia đình khẩn cấp”, tôi giải thích. “Được rồi”, bà ta nói.
Tôi bước ra ngoài buổi chiều muộn nóng nực và thấy Ricky đang ngồi hút thuốc trên mui chiếc xe cà tàng. Có điều gì đó trên đôi ủng cáu bùn của cậu ta, cũng như trong cách cậu ta nhả những bụm khói thuốc lượn lờ trên môi và ánh hoàng hôn chiếu lên mái tóc màu xanh lục ấy làm tôi nhớ tới anh chàng James Dean vô dụng, lỗ mãng. Anh chàng này đúng là tất cả những thứ đó, một sản phẩm lai tạp kỳ lạ giữa các nhóm văn hóa chỉ có ở miền Nam. Trông thấy tôi, cậu ta đứng lên khỏi mui xe.
- Mày bị đuổi chưa? - cậu ta gân cổ lên hỏi với từ tít cuối bãi để xe.
- Suỵtttt,- tôi vừa nói vừa chạy lại chỗ cậu ta. - Bọn họ không biết kế hoạch của tao đâu!
Ricky đấm mạnh vào vai tôi với ý động viên nhưng thiếu chút nữa đã làm trật khớp xoay của tôi.
- Đừng lo, Ed Đặc Biệt. Luôn có ngày mai mà.
Cậu ta gọi tôi là Ed Đặc Biệt vì tôi có tham gia vài lớp năng khiếu, mấy lớp này, trên lý thuyết mà nói, là một phần trong chương trình giảng dạy đặc biệt của trường tôi, một cách lựa chọn từ vựng rất tinh tế mà Ricky cảm thấy vô cùng thú vị. Tình bạn của chúng tôi là thế: phần khó chịu cũng nhiều ngang với phần hợp tác. Phần hợp tác là một thỏa thuận thương mại không chính thức mà chúng tôi đã thảo ra với nhau đổi chất xám lấy cơ bắp, trong đó tôi giúp cậu ta không trượt môn Anh văn, còn cậu ta giúp tôi không bị mất mạng dưới tay những thằng bệnh hoạn to vâm nghiện steroid vẫn lảng vảng khắp các lối đi trong trường. Chuyện cậu ta làm bố mẹ tôi cực kỳ gai mắt chỉ là một lợi ích bổ sung.
Tôi nghĩ có lẽ Ricky là bạn thân nhất của tôi, và đây là cách ít thảm hại hơn để nói rằng cậu ta là người bạn duy nhất tôi có.
Ricky đá vào cánh cửa bên phía ghế phụ chiếc Crown Vic, một cách để mở cửa, và tôi bèn chui vào trong xe. Chiếc Vic thật đáng kinh ngạc, một tác phẩm nghệ thuật dân gian không chủ đích xứng đáng được trưng bày trong bảo tàng. Ricky đã mua nó từ bãi xe thải của thị trấn với giá một phần tư vại bia - hay ít nhất đó là những gì cậu ta nói - chiếc xe là một con ngựa nòi có thứ mùi mà cả một rừng các món khử mùi không khí được cậu ta treo sau kính chắn gió cũng không thể át nổi. Các ghế ngồi được gia cố bằng băng dính để những chiếc lò xo không tìm được đường xuyên qua lớp vỏ bọc đâm vào mông bạn.
Tuyệt hơn cả là phần ngoại thất, một bề mặt hoen gỉ chi chít những vết móp, vết lõm chẳng khác gì cảnh trên mặt trăng, kết quả từ kế hoạch kiếm thêm tiền đổ xăng bằng cách cho phép những kẻ tiệc tùng say xỉn dùng gậy đánh golf nện chiếc xe với mức phí một đô mỗi gậy. Quy định duy nhất, và cũng không được tuân thủ chặt chẽ cho lắm, là bạn không được phép nhắm vào bất cứ thứ gì làm bằng kính.
Động cơ nổ vang giữa một đám khói xanh lè. Trong lúc chúng tôi rời khỏi bãi để xe, lăn bánh qua các dãy cửa hàng hướng tới nhà ông nội Portman, tôi bắt đầu lo lắng không biết chúng tôi có thể thấy gì khi tới đó.
Những viễn cảnh tồi tệ nhất bao gồm ông nội trần như nhộng chạy ngoài phố, lăm lăm trên tay một cây súng săn, sùi bọt mép trên bãi cỏ trước nhà, hay nằm nấp đợi đâu đó với một món đồ cùn trong tay. Điều gì cũng có thể xảy ra, và tôi đặc biệt bồn chồn khi nghĩ rằng đây sẽ là ấn tượng đầu tiên của Ricky về một người tôi vẫn nhắc tới với lòng kính trọng.
Bầu trời đã chuyển sang màu của một vết bầm mới khi chúng tôi rẽ vào khu ông nội tôi sống, một mê cung rối rắm với những ngõ cụt đan xen nhau được gọi dưới cái tên chung Circle Village.
Chúng tôi dừng xe tại chốt an ninh để thông báo, nhưng vì ông lão ngồi trong phòng đang ngáy vang còn cổng thì mở toang, chuyện vẫn thường diễn ra, nên chúng tôi cứ thế lái xe vào. Điện thoại của tôi kêu bíp bíp báo có tin nhắn, bố tôi hỏi mọi việc thế nào, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi cần thiết để tôi trả lời, Ricky đã thành công trong việc làm chúng tôi lạc đường hoàn toàn tới mức đáng kinh ngạc.
Khi tôi nói chịu không biết chúng tôi đang ở đâu, cậu ta bật rủa và thực hiện liên tiếp một loạt cú quay đầu xe, vừa lái vừa phun thành hình vòng cung qua cửa xe những bãi nước bọt thấm thuốc lá trong lúc tôi liếc mắt nhìn quanh tìm kiếm một dấu mốc quen thuộc. Thật không dễ chút nào, cho dù tôi đã tới thăm ông nội vô số lần từ bé đến lớn, vì nhà nào nhà nấy trông cũng giống hệt nhau: thấp bè, vuông vắn như những chiếc hộp, chẳng mấy khác biệt, được tô điểm bằng các khung cửa nhôm hay gỗ sẫm màu kiểu thập kỷ bảy mươi, hay ở mặt tiền dựng các cây cột bằng thạch cao gần như chỉ góp phần gây nhầm lẫn thêm. Các biển chỉ đường, bong tróc bạc phếch vì phơi nắng, chẳng còn mấy hữu ích. Dấu mốc thực sự chỉ có những bãi cỏ làm cảnh lạ lẫm đầy màu sắc, nhờ chúng mà Circle Village trở thành một bảo tàng ngoài trời thực sự.
Cuối cùng, tôi nhận ra một hòm thư được đỡ trên giá kim loại, cho dù có vẻ ngay ngắn và sang chảnh song lại đang chảy ra những giọt nước mắt hoen gỉ. Tôi hét lớn bảo Ricky rẽ trái; bộ lốp chiếc Vic nghiến ken két và tôi bị hất đập người vào cửa xe. Cú va đập hẳn đã vặn lại con ốc nào đó bị lỏng trong đầu tôi, vì đột nhiên tôi vụt nhớ lại đường đi.
- Ngay chỗ đám hồng hạc nhảy múa ấy! Rẽ trái ở chỗ đám ông già Noel đội mũ đủ loại dân tộc! Thẳng qua chỗ mấy cậu nhóc thiên sứ đang tè!
Khi chúng tôi rẽ ở chỗ mấy cậu nhóc thiên sứ, Ricky giảm tốc độ đến khi xe bò rì rì và ngước mắt nhìn đầy ngờ vực vào ngôi nhà ông nội tôi sống. Ngoài cổng không một ngọn đèn nào bật, không thấy quầng sáng của màn hình ti vi sau bất cứ khung cửa sổ nào, cũng không thấy chiếc Town Car nào hiện diện ở lô để xe. Tất cả cư dân trong khu vực đều đã tháo chạy lên phía Bắc để trốn tránh cái nóng gay gắt của mùa hè, để mặc những bức tượng trang trí ngoài vườn chìm nghỉm trong thảm cỏ mọc cao và các cánh cửa chớp đóng chặt, vì thế nhà nào nhà nấy trông như một hầm tránh bom nhỏ màu phấn.
- Nhà cuối cùng bên trái, - tôi nói.
Ricky đạp ga và chúng tôi chồm chồm lao xuống con đường. Tới ngôi nhà thứ tư hoặc thứ năm, chúng tôi chạy xe ngang qua một ông già đang tưới cỏ. Đầu ông ta hói nhẵn như một quả trứng, ông ta đứng đó mặc áo choàng tắm và đi dép lê, phun nước lên bãi cỏ xén cao tới mắt cá chân. Ngôi nhà cũng tối om, cửa chớp đóng chặt như những ngôi nhà khác. Tôi quay sang nhìn, và ông lão dường như trừng mắt nhìn lại - mặc dù tôi hơi sốc nhận ra rằng không thể có chuyện đó - vì đôi mắt ông ta chỉ đục một màu trắng sữa.
Thật lạ, tôi nghĩ. Ông nội chưa bao giờ nhắc đến chuyện hàng xóm của ông có người bị mù. Đi hết con phố là đến một bức tường những cây thông non, Ricky cua mạnh tay lái sang trái lượn vào đường chạy xe dẫn vào nhà ông nội tôi. Cậu ta tắt máy, ra khỏi xe, và đá mở cửa cho tôi. Chúng tôi hối hả giẫm giày lên cỏ khô đi về phía cửa. Tôi bấm chuông và chờ đợi.
Một con chó sủa ẳng lên đâu đó, một âm thanh cô độc giữa màn đêm oi bức. Không nghe ai trả lời, tôi liền đập cửa vì nghĩ có thể chuông cửa hỏng rồi. Ricky vung tay lên đập những con muỗi mắt bắt đầu bu đến quanh chúng tôi.
- Có khi ông mày ra ngoài rồi cũng nên, - Ricky cười nhăn nhở nói. - Hẹn hò tình tứ chăng.
- Cứ cười đi, - tôi nói. - Bất cứ tối nào trong tuần ông tao cũng còn nhiều cơ hội hơn tao với mày. Chỗ này đầy ắp các bà góa, tha hồ chọn.
Tôi cợt nhả để làm dịu thần kinh xuống. Sự im lặng khiến tôi lo ngại. Tôi lấy chìa khóa dự phòng từ chỗ giấu trong bụi cây ra.
- Đợi tao ở đây.
- Còn khuya ấy. Tại sao chứ?
- Vì mày cao đến một mét chín sáu và tóc màu xanh lục, còn ông tao vừa không biết mặt mày vừa có một đống súng trong nhà.
Ricky nhún vai và nhét một cục thuốc lá nữa vào ngậm trong má. Cậu ta đến ngồi duỗi dài trên một cái ghế gập trong khi tôi mở khóa cửa trước bước vào trong nhà. Ngay cả dưới ánh sáng lờ mờ tôi cũng có thể nói ngôi nhà đã gặp phải một tai họa; trông như thể nơi này vừa bị lũ trộm lục tung. Các giá sách và ngăn tủ bị vét trống trơn, những món đồ trang trí chẳng mấy giá trị và những tờ tạp chí Reader’s Digest khổ lớn từng được xếp trên đó bị ném tung tóe dưới sàn. Nệm đi văng và ghế bị lật nhào. Cửa tủ lạnh và tủ đông mở toang, những thứ đựng bên trong chảy ra thành từng vũng dính bết trên vải sơn lót sàn.
Tim tôi chùng xuống. Cuối cùng thì ông nội Portman cũng đánh mất sự minh mẫn thật rồi.
Tôi gọi tên ông - nhưng không nghe thấy gì. Tôi đi từ phòng này qua phòng khác, bật đèn lên, tìm kiếm ở mọi ngóc ngách mà một ông lão hoang tưởng có thể trốn tránh lũ quái vật: sau các món đồ gỗ, trên tầng áp mái chật chội, dưới gầm bàn thợ trong gara.
Thậm chí tôi còn kiểm tra cả bên trong ngăn tủ đựng vũ khí của ông, mặc dù tất nhiên nó bị khóa, tay cầm có những chỗ đầy vết xước do ông cố cậy mở ra.
Ở ngoài hiên, một dãy dương xỉ chưa được tưới nước tối sẫm dần, đung đưa theo con gió hây hẩy; quỳ hai đầu gối trên mặt sàn trải vải sơn, tôi cúi xuống ngó vào bên dưới những chiếc ghế mây, lo sợ những gì có thể mình phát hiện ra.
Tôi nhìn thấy một quầng sáng từ phía sân sau. Chạy ra ngoài qua cửa sau, tôi tìm thấy một cây đèn pin bị bỏ lại trên bãi cỏ, luồng sáng chiếu về phía vạt rừng tiếp giáp với sân sau nhà ông - một khu vực hoang vu rậm rạp với những cây cọ lùn lá răng cưa và cọ chạy dài cả dặm từ Circle Village đến khu dân cư kế tiếp, Century Woods. Theo truyền thuyết địa phương, khoảng rừng này nhung nhúc rắn, gấu trúc Bắc Mỹ và lợn lòi.
Khi hình dung ra ông nội tôi đang ở ngoài đó, lạc lối và mất trí, lang thang chỉ với chiếc áo choàng tắm trên người, một cảm giác u ám lan khắp người tôi. Tuần nào cũng có tin tức mới về một công dân lớn tuổi sẩy chân rơi vào một bể lắng và bị cá sấu ăn thịt. Chẳng khó gì để tưởng tượng ra kịch bản xấu nhất.
Tôi hét lớn gọi Ricky và nháy mắt sau cậu ta xuất hiện, chạy vòng qua bên hông nhà. Cậu ta lập tức nhận ra điều tôi đã bỏ sót: một vết xước dài dữ tợn trên cánh cửa hậu. Ricky khẽ huýt sáo.
- Một vết cào quỷ quái. Có lẽ là do lợn rừng. Hay một con linh miêu. Mày phải nhìn thấy móng vuốt của bọn chúng cơ.
Một tràng sủa hung hãn vang lên gần đó. Cả hai chúng tôi cùng giật mình bồn chồn đưa mắt nhìn nhau.
- Hoặc một con chó, - tôi nói.
Tiếng sủa khởi đầu một phản ứng dây chuyền và chăng mấy chốc tứ phía đều ầm ĩ tiếng sủa. - Có thể lắm, - Ricky gật đầu nói. - Tao có một khẩu .22 trong thùng xe. Mày đợi ở đây.
Rồi cậu ta quay ra lấy súng. Tiếng chó sủa lắng dần xuống, thay bằng dàn đồng ca đêm của những con côn trùng, vo vo xa lạ. Mồ hôi chảy ròng ròng từng giọt xuống trên mặt tôi. Lúc này trời đã tối hẳn, nhưng con gió cũng ngừng thổi và không khí dường như còn nóng hơn cả ban ngày.
Tôi nhặt đèn pin lên và bước về phía các hàng cây. Ông nội tôi đang ở đâu đó ngoài kia. Tôi biết chắc là thế. Nhưng ở đâu? Tôi không phải thợ săn, Ricky cũng không. Ấy thế nhưng dường như có thứ gì đó đang dẫn dắt tôi - một sự thôi thúc trong lồng ngực; một lời thì thầm trong không khí nóng nực đặc quánh - và đột nhiên tôi không thể đợi thêm một giây nào nữa. Tôi lao vào lùm cây bụi như một con chó săn đánh hơi thấy một dấu vết vô hình.
Thật khó để chạy trong một khu rừng ở Florida, từng tấc đất nếu không bị các cây lớn chiếm chỗ thì cũng ken kín những cây cọ lùn chỉ đến ngang đùi nhưng nhọn như mũi giáo và những mạng lưới chằng chịt dây mơ tròn, nhưng tôi vẫn cố hết sức, lớn tiếng gọi tên ông và đưa đèn pin chiếu khắp xung quanh. Từ khóe mắt, nhìn thấy một vật màu trắng nổi bật lên, tôi bèn lao thẳng tới chỗ đó, nhưng khi lại gần hơn, vật đó hóa ra chỉ là một quả bóng đá bạc phếch đã xẹp lép tôi đánh mất từ nhiều năm trước. Tôi đang định bỏ cuộc và quay trở lại chỗ Ricky thì trông thấy một dải hẹp những cây cọ lùn có vẻ mới bị giẫm rạp xuống cách chỗ mình không xa. Tôi bước vào đó và chiếu đèn ra xung quanh: những chiếc lá bị thứ gì đó sẫm màu bắn lên. Cổ họng tôi khô khốc. Cố trấn tĩnh lại, tôi bắt đầu lần theo lối đi. Tôi càng đi xa hơn, dạ dày lại càng thắt lại, như thể cơ thể tôi đã biết cái gì nằm phía trước và đang cố gắng cảnh báo tôi. Rồi sau đó, vệt cây bụi bị đè bẹp gí xuống mở rộng ra, và tôi trông thấy ông.
Ông nội tôi nằm úp mặt xuống một đám dây leo, chân xoạc ra, một cánh tay gập lại dưới thân mình như thể ông đã bị rơi từ rất cao xuống. Tôi tin chắc rằng ông đã chết. Chiếc áo lót ông mặc ướt sũng máu, quần ông rách toạc và một chiếc giày đã mất. Suốt một lúc lâu, tôi chỉ đứng nhìn trân trối, ánh đèn pin run rẩy chiếu lên người ông. Khi đã có thể thở bình thường trở lại, tôi gọi tên ông, nhưng ông không hề cựa quậy. Tôi quỳ gối xuống áp lòng bàn tay lên lưng ông. Máu trào ra vẫn còn ấm. Tôi có thể cảm thấy hơi thở của ông, dù rất yếu. Tôi luồn cánh tay xuống dưới người ông và lật ông nằm ngửa ra. Ông nội tôi vẫn còn sống, dù chỉ còn hấp hối, đôi mắt ông đờ dại, khuôn mặt hốc hác, trắng bệch. Rồi tôi nhìn thấy những vết cào rách chằng chịt trên thân người ông và thiếu chút nữa ngất xỉu. Những vết rách rất rộng và sâu, dính bết đất, còn mặt đất nơi ông vừa nằm bê bết máu dính nhớp.
Tôi cố lấy những mảnh áo rách của ông che lên các vết thương mà không nhìn vào chúng. Tôi nghe thấy Ricky gọi lớn từ phía sân sau. “TAO Ở ĐÂY!”, tôi la lên, và đáng ra nên nói thêm gì đó, như nguy hiểm đấy hay có máu, nhưng không thể nói nên lời.
Tất cả những gì tôi nghĩ đến là những người ông đáng lẽ nên qua đời trên giường, ở nơi yên tĩnh với tiếng rì rì khe khẽ của máy móc, chứ không phải nằm một đống trên mặt đất ướt sũng hôi hám với lũ kiến bò lổm ngổm bên trên, trong bàn tay run rẩy nắm chặt một con dao mở bì thư bằng đồng thau. Một con dao mở bì thư. Đó là tất cả những gì ông có để tự vệ.
Tôi gỡ nó ra khỏi các ngón tay ông, ông đưa tay ra chới với bất lực, tôi bèn nắm lấy tay ông. Các ngón tay bị gặm cụt móng của tôi đan vào các ngón tay ông, nhợt nhạt và nổi đầy những tĩnh mạch tím tái.
- Cháu phải đưa ông đi, - tôi nói với ông, luồn một cánh tay xuống dưới lưng ông, cánh tay còn lại dưới hai chân ông.
Tôi bắt đầu nâng ông lên, nhưng ông rên lên và cứng người lại, vì thế tôi dừng lại. Tôi không thể làm đau ông. Tôi cũng không thể để mặc ông ở đó, và chẳng còn biết làm gì hơn ngoài chờ đợi, tôi cẩn thận khẽ phủi đất khỏi cánh tay, khuôn mặt và mái tóc bạc lưa thưa của ông. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy môi ông mấp máy. Giọng nói của ông gần như nghe không rõ, thậm chí còn khẽ hơn một tiếng thì thầm. Tôi cúi xuống, ghé tai sát vào miệng ông. Ông đang lẩm bẩm lúc mê lúc tỉnh, lúc nói tiếng Anh, lúc lẫn sang tiếng Ba Lan.
- Cháu không hiểu, - tôi thì thầm.
Tôi nhắc lại tên ông cho tới khi đôi mắt ông dường như tập trung vào tôi, rồi ông thở hắt ra một hơi và nói, khẽ nhưng rõ ràng, “Hãy tới hòn đảo, Yakob. Ở đây không an toàn”. Lại vẫn là sự hoang tưởng xưa cũ. Tôi siết nhẹ bàn tay ông và cam đoan rằng chúng tôi vẫn ổn, và ông rồi sẽ ổn cả. Đây là lần thứ hai tôi nói dối ông trong một ngày. Tôi hỏi ông chuyện gì đã xảy ra, con vật gì đã khiến ông bị thương, nhưng ông không lắng nghe.
- Hãy tới hòn đảo, - ông nhắc lại. - Ở đó cháu sẽ được an toàn. Hứa với ông đi.
- Cháu sẽ đi. Cháu hứa.
Tôi còn có thể nói gì khác đây?
- Ông tưởng có thể bảo vệ cháu, - ông nói. - Đáng lẽ ông phải nói với cháu từ lâu rồi...
Tôi có thể thấy sự sống đang rời khỏi ông.
- Nói gì với cháu cơ? - tôi cố nén khóc hỏi.
- Không còn thời gian nữa, - ông thì thầm. Rồi ông ngẩng đầu lên khỏi mặt đất, run rẩy vì gắng sức, và phều phào vào tai tôi, - Hãy tìm con chim. Trong cái vòng. Ở phía bên kia ngôi mộ ông lão. Mồng ba tháng Chín năm 1940.
Tôi gật đầu, nhưng ông có thể nhận ra tôi không hiểu. Bằng chút sức lực cuối cùng của mình, ông nói thêm:
- Emerson… lá thư. Hãy nói cho họ biết những gì đã xảy ra, Yakob.
Nói xong, ông nằm vật xuống, kiệt sức xỉu đi. Tôi nói với ông là tôi yêu ông. Sau đó dường như ông chìm vào mê man, ánh mắt rời khỏi tôi hướng lên bầu trời lấp lánh các vì sao. Một lát sau, Ricky xồng xộc lao đến từ sau lùm cây. Nhìn thấy ông nằm bất động trên tay tôi, cậu ta bật lùi lại một bước.
- Ôi trời ơi. Ôi lạy Chúa. Ôi lạy Chúa, - cậu ta thét lên, đưa hai tay bưng mặt, và trong khi cậu ta lảm nhảm về tìm mạch và gọi cảnh sát, rồi hỏi tôi có thấy gì trong rừng hay không, một cảm giác lạ lùng tột độ xâm chiếm lấy tôi.
Tôi đặt ông nội xuống và đứng dậy, mọi đầu dây thần kinh căng lên nhờ cái trực giác mà tôi không hề biết mình có. Có thứ gì đó trong rừng, được rồi - tôi có thể cảm nhận được điều đó. Không có trăng, và trong các lùm cây không có gì động cựa ngoài chính chúng tôi, ấy thế nhưng bằng cách nào đó tôi lại biết đúng thời điểm để giơ đèn pin lên, biết đúng vị trí để rọi đèn tới, và trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy trong luồng sáng hẹp ấy một khuôn mặt dường như vừa bước ra từ những cơn ác mộng thời thơ ấu của tôi. Khuôn mặt đó trợn trừng nhìn lại với đôi mắt ngập giữa chất lỏng tối sẫm, những múi thịt nhăn nheo đen như than đeo bùng nhùng trên cái lưng gù, miệng nó há ngoác ra một cách quái đản để một mớ lưỡi dài như những con lươn uốn éo thò ra.
Tôi hét lên gì đó, nó liền quay ngoắt lại và biến mất, làm lùm cây rung rinh khiến Ricky chú ý. Cậu ta giơ khẩu súng .22 lên và bắn, pằng - pằng - pằng - pằng, rồi hỏi, “Cái gì thế? Cái quỷ gì thế?”. Nhưng cậu ta không nhìn thấy nó, còn tôi không thể nói cho cậu ta hiểu được trong khi tôi đang đứng chết cứng tại chỗ như hóa đá, cái đèn pin đang cạn nguồn chập chờn chiếu vào khoảng rừng hoang vắng. Rồi sau đó chắc tôi đã ngất đi, vì cậu ta có gọi Jacob, Jake, này Ed, mày ổn chứ hay gì đó, và đó là điều cuối cùng tôi còn nhớ được.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét