Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Nhà Giả Kim - Paulo Coelho (Chương 21 - Chương 30)

Nhà Giả Kim

Tác giả: Paulo Coelho
Dịch giả: Lê Chu Cầu
NXB Lao Động - 2002

21 

Chàng trai thức dậy trước cả lúc mặt trời mọc. Từ đó đến nay đã mười một tháng chín ngày, kể từ khi cậu đặt chân lần đầu tiên lên lục địa châu Phi. 
Cậu khoác lên người chiếc áo choàng bằng vải gai màu trắng đã sắm riêng cho ngày hôm nay, trùm khăn lên đầu và dùng một cái vòng làm bằng da lạc đà chít khăn lại, rồi cậu xỏ chân vào đôi dép mới và đi xuống dưới nhà, không gây tiếng động.
Thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Cậu lót dạ với một cái bánh mì mè và uống trà nóng trong li pha lê. Rồi cậu ra ngồi ở ngưỡng cửa, hút Nargileh một mình. Cậu cứ rít tràn, chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ lắng nghe tiếng gió rì rào đem đến mùi thơm sa mạc. Rồi cậu thọc tay vào túi áo khoác lấy ra một gói nhỏ, ngắm nghía hồi lâu. 

Đó là một cuộn tiền, đủ để tậu một trăm hai mươi con cừu, mua vé tàu về nước và xin giấy môn bài buôn bán giữa quê hương cậu và cái đất nước mà cậu đang ngồi đây. Cậu kiên nhẫn chờ cho đến khi ông già chủ tiệm thức dậy, mở cửa hàng. Rồi hai người lại cùng uống một tuần trà. 
“Hôm nay cháu sẽ lên đường”, cậu mở lời. “Hiện cháu đã đủ vốn liếng để chuộc lại bầy cừu, còn ông cũng đủ tiền để hành hương đến Mekka”. 
Ông già ngồi lặng thinh. 
“Xin ông hãy ban phước lành cho cháu”, cậu nói. “Ông đã giúp cháu rất nhiều”. 
Ông già lặng thinh khuấy trà. Cuối cùng ông quay sang cậu nói: 
“Ta rất hãnh diện vì cậu. Cậu đã đem đến cho cửa hàng của ta một sức truyền cảm mới. Nhưng cậu biết rõ rằng ta sẽ không đi Mekka. Cũng như cậu tự biết rằng mình sẽ không mua cừu”. 
“Ai bảo thế?” cậu hốt hoảng hỏi. 
Maktub”. Người chủ tiệm pha lê chỉ đáp có thế. 
Rồi ông ban phước lành cho cậu.

22 

Chàng trai lên phòng, thu vén tất cả những gì mình có. Được ba túi đầy. Vừa dợm đi cậu chợt thấy ở góc phòng chiếc bị đeo vai cũ thời chăn cừu của mình. Nó sờn đến nỗi không nhận ra. Trong bị còn quyển sách dầy và chiếc áo khoác cũ. Cậu lấy áo ra, định đem cho một đứa trẻ sống lang thang nào đó thì hai viên đá Urim và Thummim rơi xuống. 
Lúc này cậu mới nhớ đến vị vua già và sửng sốt vì không ngờ bấy lâu nay mình không hề nghĩ đến ông. Suốt một năm qua cậu chỉ bận lo kiếm tiền để khi trở về Tây Ban Nha khỏi mang tiếng là kẻ chẳng làm nên trò trống gì. 
“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”, ông vua già đã bảo cậu thế, và “hãy lần theo dấu hiệu”. 
Cậu nhặt hai viên đá lên và có lại cảm giác lạ lùng rằng ông đang ở gần bên mình. Một năm dài cậu đã làm việc cật lực và giờ đây dấu hiệu chỉ rằng đã đến giờ lên đường. 
“Bây giờ mình sẽ lại sống hệt như xưa”, cậu nghĩ thầm. “Dù lũ cừu đã không dạy được cho mình tiếng Arập”. 
Tuy nhiên lũ cừu đã dạy cậu một điều còn quan trọng hơn nữa: rằng trên thế giới có một ngôn ngữ ai cũng hiểu cả và chính cậu đã dùng suốt bấy lâu nay để làm cho cửa hàng phát đạt. Đó là ngôn ngữ của sự phấn khởi, của nỗ lực, hăng say dốc sức thực hiện điều mình vững tin và mong mỏi đạt được. Tanger không còn là một thành phố xa lạ đối với cậu nữa, và cậu cảm thấy mình có thể chinh phục cả thế giới cũng bằng phương cách cậu đã chinh phục thành phố này. 
“Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt mục đích”, ông vua già đã nói thế. 
Nhưng nhà vua không hề đề cập đến bọn cướp đường, đến sa mạc mênh mông vô tận, đến những kẻ biết mình có ước mơ mà không muốn thực hiện nó. Nhà vua cũng không hề bảo rằng Kim Tự Tháp chỉ là những đống gạch cũ mà ai cũng có thể tự dựng lấy trong vườn mình được. Và ông cũng quên luôn không nói rằng khi người ta có đủ tiền để mua một đàn cừu lớn hơn thì cứ nên mua. 
Xách bị với những túi kia, cậu xuống thang. Ông chủ tiệm đang tiếp một cặp khách ngoại quốc, trong khi hai khách hàng khác tha thẩn trong cửa hàng và uống trà trong li pha lê. Vào cái giờ sớm này thì nhiều vệc lắm đây. Từ chỗ đang đứng lần đầu tiên cậu để ý thấy rằng tóc chủ tiệm gợi cậu nhớ đến tóc ông vua già. Rồi cậu nhớ lại nụ cười của người bán bánh kẹo vào cái ngày đầu tiên cậu không biết đi về đâu, không biết lấy gì ăn; nụ cười ấy cũng giống như nụ cười của nhà vua nữa. 
“Khác nào ông đã đến đây và để lại tung tích vậy”, cậu ngẫm nghĩ. “Như thể người nào cũng một lần trong đời có dịp gặp gỡ nhà vua. Ông đã từng nói rằng sẽ luôn xuất hiện với kẻ nào quyết chí đi theo con đường mình tự chọn mà”. 
Cậu đi, không từ giã chủ tiệm. Vì cậu không muốn khóc, không muốn ai nhìn thấy nỗi đau đớn của cậu. Nhưng chắc chắn cậu sẽ nhớ mãi thời gian ở đây và những gì đã học được. Giờ đây cậu thêm tự tin và cảm thấy nếu cần mình có thể chinh phục cả thế giới. 
“Tuy nhiên mình vẫn trở về chốn cũ thân quen và sẽ lại chăn cừu”. 
Bỗng dưng cậu chợt thấy không thích như thế nữa. Cậu đã làm việc suốt một năm ròng để thực hiện giấc mơ này, thế mà bây giờ ước mơ ấy cứ mỗi lúc một mờ nhạt dần. Có thể đó không thật sự là ước mơ của cậu.
“Biết đâu như ông chủ tiệm pha lê mà lại hóa hay: sẽ không bao giờ đi Mekka cả nhưng cả đời mơ đến nó
Cậu băn khoăn cầm hai viên Urim và Thummim trong tay; chúng truyền cho cậu sức mạnh của ý chí của vị vua già. Tình cờ - hoặc cũng có thể do dấu hiệu - cậu vào đúng cái quán nước ngày xưa. Không thấy gã đã bịp cậu đâu; chủ quán bưng đến cho cậu một tách trà. 
“Bất cứ lúc nào mình cũng có thể trở lại chăn cừu được”, cậu ngẫm nghĩ. “Mình đã biết cách chăn cừu rồi thì không thể nào quên được. Còn đi đến Kim Tự Tháp Ai Cập thì biết đâu mình không có dịp nào khác nữa. Ông già có áo giáp bằng vàng ròng và biết chuyện đời mình thì nhất định phải là vua, một minh quân thật sự”. 
Chỉ có hai giờ tàu thủy ngăn cách cậu với đồng cỏ vùng Andalusia, còn giữa cậu và Kim Tự Tháp là sa mạc mênh mông. Cậu thấy nghĩ ngược lại thế này cũng được chứ: tính ra thì cậu hiện ở gần kho tàng hơn hai tiếng, cho dù đã mất gần một năm để vượt quãng đường này. 
“Thật dễ hiểu vì sao mình cứ thiên về lũ cừu của mình. Vì mình biết rõ chúng rồi; chăn chúng cũng chẳng cực gì và chúng dễ thương. Còn minh có ưa được sa mạc không thì chưa biết, nhưng mà kho tàng của mình chôn ở đó. Nếu không tìm thấy kho tàng thì mình vẫn trở về nước được mà. Hiện mình đủ tiền và thừa thì giờ, tại sao không thử nhỉ?” 
Một nỗi vui ập đến tràn ngập trong lòng cậu. Lúc nào cậu muốn làm kẻ chăn cừu hay thành người bán hàng pha lê cũng được. Có thể trên thế giới còn nhiều kho tàng bí mật khác nữa, nhưng cậu đã nằm mộng hai lần và một nhà vua đã xuất hiện với cậu. Đâu phải ai cũng được thế. 
Cậu hân hoan rời khỏi quán nước vì chợt nhớ ra rằng một trong những người cung cấp hàng cho chủ tiệm pha lê đã chở hàng vượt sa mạc cùng với một đoàn lữ hành. Cậu nắm chặt hai viên đá Urim và Thummim; nhờ chúng mà cậu đã trở lại con đường dẫn đến kho tàng. 
“Ta luôn luôn ở cạnh những kẻ đi theo con đường mình tự chọn”, ông vua già đã nói. 
Vậy thì mất gì mà không hỏi thử ở nhà kho xem Kim Tự Tháp có xa thật thế không.

23 

Anh chàng người Anh nọ ngồi trong một tòa nhà nồng mùi thú vật, mồ hôi và bụi bặm. Không thể nào gọi là nhà kho được, một cái chuồng thì đúng hơn. “Mình đã học hành cả đời để rồi lạc loài đến đây”, anh thầm nghĩ trong khi lơ đãng lần giở một tập san hóa học, “mười năm học đổi lấy một chuồng nhốt thú vật!”. Nhưng anh không được thoái chí. Phải tin vào dấu hiệu, cả đời anh, tất cả sự học của anh tập trung vào việc hiểu cho được thứ ngôn ngữ vũ trụ. Mới đầu anh quan tâm đến Esperanto, sau đó đến tôn giáo rồi sau cùng là thuật giả kim. Đến nay anh đã nói được tiếng Esparanto, thấu hiểu các tôn giáo lớn nhưng anh vẫn chưa thành nhà giả kim. Chắc chắn anh đã học được cách giải đoán nhiều điều quan trọng, nhưng sự thâm cứu của anh đã đạt tới một mức để rồi không tiến thêm được nữa. Anh đã hoài công tìm cách liên hệ với nhà giả kim này, nhà giả kim nọ, nhưng họ là những con người kỳ dị, chỉ nghĩ đến mình và hầu như không hề chịu giúp đỡ ai. Biết đâu họ đã tìm ra “Đá tạo vàng” rồi và vì thế sẽ không bao giờ hé môi tiết lộ. 
Anh đã dùng một phần gia tài thừa hưởng của bố vào việc đi tìm “Đá tạo vàng” cũng như đã tìm đến những thư viện tiếng tăm nhất thế giới và đã mua những tác phẩm quan trọng và hiếm nhất về thuật giả kim. Trong một tác phẩm có ghi chép rằng nhiều năm trước một nhà giả kim trứ danh người Arập đã sang thăm châu Âu. Nghe đồn rằng ông này đã hơn hai trăm tuổi và đã phát hiện ra “Đá tạo vàng” cũng như tìm ra “Thuốc trường sinh bất lão”. Chàng người Anh lấy rất làm khâm phục nhưng anh sẽ vẫn cho rằng đó chỉ là một trong những huyền thoại thôi, nếu như một người quen của anh trở về sau chuyến khảo cổ trong sa mạc không tình cờ kể về một người Arập già có những năng lực phi thường. 
“Ông ta sống ở ốc đảo El Fayum”, người quen nọ nói. “Người ta kháo rằng ông ta hai trăm tuổi và có thể biến mọi kim loại thành vàng”. 
Chàng người Anh quá sức háo hức. Tức khắc anh xin được giải nhiệm, lục tìm cho ra những pho sách quan trọng nhất để rồi cuối cùng đến đây, trong cái chòi không khác chuồng thú vật này. Ngoài kia, một đoàn lữ hành rất đông đang chuẩn bị để vượt sa mạc Sahara. Đoàn sẽ đi ngang ốc đảo El Fayum.
“Mình nhất định phải gặp nhà giả kim vĩ đại này”, anh nghĩ và nhờ thế mà cảm thấy mùi mồ hôi của lũ vật có phần dễ chịu hơn chút ít. Một gã Arập còn trẻ vác bao bị bước vào chào chàng người Anh “Anh đi đâu đấy?” gã hỏi. 
“Vào sa mạc”, chàng người Anh cộc lốc đáp rồi lại tiếp tục đọc. Anh không có hứng trò chuyện. Anh phải ôn lại mọi thứ đã học trong mười năm qua vì thế nào nhà giả kim cũng sẽ thử thách anh cho mà xem. 
Gã Arập cũng lấy sách ra đọc. Quyển sách viết bằng tiếng Tây Ban Nha. 
“May phước”, chàng người Anh nghĩ, vì anh nói thạo tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Arập và nếu gã kia cũng đi đến El Fayum thì khi rảnh rỗi ít ra cũng có người để mình trò chuyện.

24 

“Tức cười thật”, cậu chăn cừu - chính là gã Arập trẻ kia - thầm nghĩ khi đọc lại cảnh đám tang tả ngay đầu quyển sách. “Mình đã bắt đầu đọc từ gần hai năm trước, thế mà vẫn không hết nổi mấy trang đầu”. Tuy chẳng ông vua nào cắt ngang, cậu cũng không tập trung nổi. Vì cậu chưa dứt khoát với quyết định của mình. Nhưng cậu nghiệm ra một điều quan trọng: quyết định mới chỉ là bước khởi đầu. Khi đã quyết định rồi thì ta trôi nổi trong một dòng sông cuồn cuộn chảy; nó cuốn ta theo đến một nơi mà lúc quyết định ta không hề dám nghĩ tới. 
“Khi lên đường tìm kho tàng có đời nào mình lại nghĩ rằng sẽ làm việc trong một cửa hàng pha lê đâu”, cậu thấy điều mình vừa ngẫm nghĩ đã được chứng nghiệm. “Cũng như mình quyết định đi với đoàn lữ hành này nhưng nó sẽ dẫn mình tới đâu thì vẫn là điều bí mật”. 
Chàng người Anh ngồi trước mặt cậu cũng đọc. Anh có vẻ không mấy thân thiện và đã khinh khỉnh nhìn khi cậu bước vào. Lẽ ra họ có thể thành bạn được, nhưng mà anh ta không muốn trò chuyện. Cậu gấp sách lại vì không muốn làm bất cứ điều gì mà anh chàng người Âu kia cũng đang làm. Thế là cậu moi túi lấy ra hai viên Urim và Thummim nghịch chơi. 
Anh chàng kia kêu lên: 
“Urim và Thummim!” 
Cậu vội vàng nhét đá vào túi. 
Không bán đâu!”
“Chúng chẳng quí gì lắm đâu”, chàng người Anh nói. “Chỉ là thạch anh thôi. Thạch anh thì trên trái đất này thiếu giống gì; còn với người sành thì đó là Urim và Thummim. Tôi không biết là ở đây cũng có đấy”. 
“Đây là tặng vật của một vị vua”, cậu đáp. 
Anh chàng kia không nói gì, chỉ lẳng lặng móc túi quần lấy ra hai viên giống như thế. 
“Cậu vừa nói đến một vị vua thì phải”, anh ta nói. 
“Và anh không tin rằng có một ông vua nào lại đi trò chuyện với một kẻ chăn cừu tầm thường chứ gì”, cậu muốn chấm dứt câu chuyện. 
“Hoàn toàn ngược lại. Trẻ chăn cừu là những kẻ đầu tiên nhận biết một vị Vua trong khi toàn thế giới không chịu nhìn nhận Người. Cho nên vua chúa trò chuyện với người chăn cừu là điều dám có lắm chứ”. 
Rồi vì sợ rằng cậu không hiểu ý mình, anh ta nói thêm: 
“Chuyện đó có trong Kinh Thánh đấy, đó chính là quyển sách đã dạy tôi sử dụng Urim và Thummim. Loại đá này là thứ duy nhất Chúa cho phép dùng để bói toán. Các tu sĩ đeo nó trên áo giáp bằng vàng ròng”. 
Nghe tới đây thì cậu chăn cừu mừng quá.
“Có lẽ đây là dấu hiệu” chàng người Anh nói với chính mình, như thể ngẫm nghĩ rồi buột miệng.
“Ai kể cho anh về dấu hiệu?” cậu hỏi, càng lúc càng thêm quan tâm. 
“Mọi thứ ở trên đời đều là dấu hiệu cả”, anh kia gấp sách lại đáp. “Vũ trụ là một ngôn ngữ ai cũng có thể hiểu nhưng chúng ta đã quên mất. Cả tôi cũng đang đi tìm nhiều thứ, trong đó có thứ ngôn ngữ bằng dấu của vũ trụ. Chính vì thế mà tôi đến đây. Tôi phải tìm cho ra một người biết rõ thứ ngôn ngữ này, một nhà giả kim”. 
Người chủ nhà kho cắt đứt câu chuyện của họ. 
“Các anh may mắn lắm đấy”, người Arập mập mạp này nói. “Xế trưa nay một đoàn lữ hành sẽ lên đường đi El Fayum”. 
“Nhưng tôi sẽ đi Ai Cập cơ mà”, cậu chăn cừu đáp. 
“El Fayum ở Ai Cập chứ sao”, ông ta trả lời. “Cậu là thứ Arập gì mà không biết điều này?” 
Cậu bé chăn cừu bèn đáp rằng mình là người Tây Ban Nha. Nghe thế anh chàng người Anh mừng quá, vì tuy cậu ăn mặc như người Arập nhưng hóa ra lại là người Âu.
“Hắn dùng chữ “may mắn” khi nói về dấu hiệu”, người Anh nhận xét khi chủ kho đi khỏi. “Nếu có khả năng thì tôi sẽ viết một quyển toàn thư dày về hai từ “may mắn” và “ngẫu nhiên”, vì hai từ này là một phần của thứ ngôn ngữ vũ trụ kia”. 
Sau đó anh ta giải thích rằng không phải ngẫu nhiên anh ta gặp cậu với hai viên Urim và Thummim trong tay. Anh ta hỏi có phải cậu cũng trên đường đi tìm nhà giả kim kia không. 
“Tôi đang trên đường đi tìm một kho tàng”, cậu đáp rồi ân hận đã lỡ lời. Nhưng chàng người Anh nọ không hề để ý. 
“Tôi cũng thế, nếu hiểu theo một nghĩa nào đó”, anh ta nói. 
“Đúng ra tôi chẳng hiểu thuật giả kim nghĩa là gì”, cậu vừa nói thì chủ nhà kho gọi họ ra.

25

“Tôi là trưởng đoàn lữ hành”, một ông râu dài, mắt đen nói. “Tức là tôi chịu trách nhiệm về sự sống hay cái chết của từng người. Vì sa mạc giống như một người đàn bà đỏng đảnh, có khi làm chúng ta phát điên lên được”. 
Gần hai trăm người cộng với số súc vật nhiều gấp đôi - lạc đà, ngựa, lừa và chim - tụ tập lại. Có cả đàn bà, trẻ con; một vài người đàn ông gươm dắt lưng hoặc súng khoác vai. Anh chàng người Anh đem theo nhiều hòm đầy sách. Tiếng ồn ào rộ lên ở bãi khiến người trưởng đoàn phải lớn tiếng lập lại nhiều lần để mọi người đều hiểu điều ông nói. 
“Trong đoàn có nhiều người thờ nhiều thần thánh khác nhau. Nhưng Thượng Đế duy nhất của tôi là Allah và tôi thề với Người rằng tôi sẽ nỗ lực làm hết sức để lần này chúng ta cũng thắng được sa mạc. Bây giờ tôi yêu cầu mỗi người trong đoàn thề với Thần, với Chúa của mình rằng sẽ nghe theo lời tôi vô điều kiện, trong mọi tình huống. Vì trong sa mạc thì không nghe lời tôi có thể sẽ đưa đến cái chết”.
Tiếng rì rầm cất lên, ai nấy đều thề trước Thần và Chúa của mình sẽ tuân lời. Cậu chăn cừu thề với Chúa Jesu. Anh chàng người Anh im lặng. Tiếng rì rầm kéo dài thêm một lúc nữa vì người ta còn cầu xin được che chở. 
Rồi tiếng tù và vang lên, mỗi người leo lên con vật của mình. Cậu chăn cừu và chàng người Anh đều mua lạc đà nên leo lên khá vất vả. Cậu thấy tội nghiệp con lạc đà của anh kia vì lưng nó chất đầy những hòm sách nặng. 
“Trên đời không có gì ngẫu nhiên đâu”, chàng người Anh tìm cách nối lại câu chuyện hồi nãy trong nhà kho. “Một người quen đã đưa tôi đến đây, vì anh ta biết một người Arập, người này…”.
Vì đoàn rục rịch lên đường nên cậu không nghe ra được anh ta nói gì. Song cậu biết anh ta nói về điều này: về một chuỗi những sự kiện thần bí, trong đó sự kiện này gắn với sự kiện kế tiếp; chúng xui khiến cậu trở thành người chăn cừu, rồi nhiều lần mơ cùng một giấc mơ; chúng đưa cậu đến một thành phố gần châu Phi để rồi gặp một ông vua; chúng khiến cho cậu bị lừa bịp hết sạch tiền, để rồi cậu làm quen với một người bán hàng pha lê, rồi… 
“Càng sống được giống như trong giấc mơ thì đường đời lại càng trùng hợp với mục đích muốn đạt đến trong đời”, cậu nghĩ. 

26 

Đoàn người đi về hướng mặt trời mọc. Họ đi vào buổi sáng, nghỉ chân khi mặt trời đứng bóng, xế trưa lại đi tiếp. Cậu chăn cừu ít trò chuyện với anh chàng người Anh vì anh ta thường chúi mũi vào sách. 
Thế là cậu bèn lặng lẽ quan sát cuộc hành trình của người và vật qua sa mạc. Giờ thì mọi thứ khác hẳn ngày đầu. Hôm ấy thật là ồn ào và lộn xộn; tiếng con nít khóc lẫn với tiếng thú vật kêu, thêm tiếng gắt gỏng ra lệnh của các trưởng toán và các khách thương. 
Trong sa mạc, ngược lại, chỉ có tiếng gió thổi liên tục, sự yên ắng và tiếng chân thú vật. Ngay cả các trưởng toán cũng ít trò chuyện với nhau. 
“Tôi đã nhiều lần đi qua những đồi cát này”, một người phu lạc đà kể vào một buổi chiều tối. “Nhưng vẫn thấy sa mạc quá mênh mông, chân trời thì xa tít tắp khiến con người thấy mình vô cùng nhỏ bé và kính sợ đến không nói nên lời”. 
Tuy chưa từng vượt sa mạc cậu vẫn rất hiểu ý người phu nọ. Mỗi khi nhìn biển cả hay ánh lửa cậu đều thường ngồi lặng hàng giờ, không nghĩ ngợi gì, chỉ trực cảm quyền lực của thiên nhiên vô cùng vô tận. 
“Mình đã học được từ bầy cừu và các món hàng pha lê, tại sao sa mạc lại không dạy mình được ít điều chứ”, cậu ngẫm nghĩ. “Sa mạc, theo mình, còn cổ xưa và thông tuệ hơn nhiều”. 
Gió thổi mãi không ngừng. Cậu nhớ lại cái ngày ngồi đón chính ngọn gió này trên cổ thành ở Tarifa. Có thể lúc này đây ngọn gió đang ve vuốt lông lũ cừu của cậu khi chúng đang đi tìm cỏ và nước trên vùng Andalusia bát ngát. 
“Đúng ra chúng đâu còn là cừu của mình nữa”, cậu nghĩ và không thấy tiếc nuối. “Nhất định chúng đã quen với chủ mới và quên mình rồi. Thế là phải. Ai quen lang thang đây đó nhiều như lũ cừu đều biết rằng nhất định sẽ có một ngày phải chia tay thôi - giống như phải lên đường”. 
Rồi cậu nghĩ đến cô con gái chủ tiệm vải và đinh ninh rằng cô đã lấy chồng. Có thể cô đã lấy một người bán kem, hoặc một chàng chăn cừu cũng biết đọc và biết kể những chuyện thú vị trên đời. Cậu nào phải là người chăn cừu duy nhất có bản lĩnh đó đâu. Rồi cậu đoán già đoán non rằng có thể cậu đang trên đường lĩnh hội được loại ngôn ngữ vũ trụ, bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai của nhân loại. Phỏng đoán này làm cậu phấn khởi. Mẹ cậu vẫn quen gọi đó là “trực cảm”. Cậu dần dà hiểu rằng cảm nhận bằng trực giác nghĩa là tâm linh mình bất chợt chìm ngập trong dòng chảy của toàn vũ trụ, nơi cuộc đời của mọi con người đều liên kết thành một chuỗi, nơi mọi chuyện đều tỏ rõ, vì tất cả đều “đã được viết sẵn” từ trước rồi. “Maktub”, cậu nói và nhớ đến ông chủ hàng pha lê. 

Sa mạc chỉ toàn cát với đá. Khi đoàn gặp một vùng toàn đá thì họ phải tìm cách đánh vòng khá xa. Còn khi cát quá mịn đối với chân lạc đà thì họ tìm lối khác có lớp cát chắc hơn. Thỉnh thoảng lại thấy có vùng phủ đầy muối vì trước kia nơi đó là biển. Gặp những nơi như thế thì lũ vật thồ giở chứng bất kham không chịu đi tiếp khiến những người phu lạc đà phải dỡ hàng xuống, vác hàng trên vai, vượt qua những nơi địa hình hiểm trở rồi mới lại chất lên như trước. Khi một trưởng toán ngã bệnh hay chết dọc đường thì các phu lạc đà rút thăm cử người thay. 
Nhưng dù có phải đi vòng bao nhiêu đi nữa thì đoàn vẫn không bao giờ quên đích. Khi đã vượt qua mọi chướng ngại rồi thì sao trên trời sẽ lại chỉ cho họ hướng của ốc đảo. Rạng đông, khi thấy sao sáng trên bầu trời là họ biết rằng sao kia báo hiệu một nơi có phụ nữ, nước, chà là và cây cọ. Chỉ có chàng người Anh là chẳng biết gì cả vì hầu như anh ta chỉ chúi đầu vào sách. 
Cậu chăn cừu cũng có một quyển sách và cậu thử đọc trong mấy ngày đầu. Nhưng rồi cậu thấy quan sát đoàn và lắng nghe tiếng gió thú vị hơn. Rồi khi đã quen dần và thấy quí con lạc đà của mình thì cậu quẳng quyển sách đó đi. Tuy rằng mỗi khi giở nó ra đọc cậu vẫn hi vọng một cách dị đoan rằng sẽ gặp được trong đó một nhân vật lẫy lừng, nhưng giờ đây cậu cho nó chỉ là gánh nặng vô ích. Lúc này cậu đã quen thân với người phu lạc đà vẫn đi cạnh mình. Tối tối, khi tất cả quây quần bên đống lửa, cậu kể cho ông ta chuyện thời còn đi chăn cừu. Trong một lần chuyện vãn như thế ông ta kể cậu nghe về đời mình. 
“Tôi sống ở một nơi gần Al Kahira”, ông ta nói. “Tôi có một vườn rau, một lũ con và một cuộc sống êm đềm mà tôi ngỡ rằng cho đến ngày chết cũng không thay đổi. Một năm nọ được mùa bội thu, thế là chúng tôi hành hương đến Mekka để làm một bổn phận duy nhất chưa hoàn tất trong đời tôi. Tôi có thể yên tâm nhắm mắt được rồi và lòng tôi thanh thản lắm. Nhưng một ngày kia động đất, nước sông Nil tràn qua đê. Điều mà tôi tưởng rằng chỉ xảy ra cho người khác đã đến với chính mình. Lũ lụt khiến làng xóm sợ mất vườn ô-liu, vợ tôi sợ lũ con có thể chết đuối, còn tôi hoảng kinh lo động đất sẽ tàn phá cơ nghiệp của mình. Nhưng sợ cũng thế thôi. Sau vụ đó đất đai không trồng trọt gì được nữa và tôi phải tìm cách khác để nuôi sống gia đình. Cho nên hôm nay tôi làm phu lạc đà. Nhưng lúc ấy tôi thấm thía lời dạy của Allah: không ai phải lo trước về điều chưa xảy tới cả vì mỗi người đều có thể đạt được cái mình muốn và cái mình cần. Chúng tôi chỉ lo mất cơ nghiệp, sợ cho mạng sống và cây cối của mình thôi. Nhưng khi hiểu rằng diễn biến của đời mình và cả của quả đất đều đã được một bàn tay Người viết trước cả rồi thì không sợ nữa”.

27 

Thỉnh thoảng họ gặp một đoàn lữ hành khác trong đêm mà đoàn này luôn luôn đang có cái mà đoàn kia thiếu, như thể đúng là tất cả đều do một bàn tay quyết định vậy. Các toán trưởng trao đổi thông tin về bão cát và tụ tập bên đống lửa kể đủ chuyện về sa mạc. 
Một lần khác đoàn gặp những người Beduin ăn mặc kín từ đầu tới chân trông rất thần bí; Họ theo dõi lộ trình của từng đoàn lữ hành để cảnh báo đoàn về các toán cướp và về các bộ tộc hiếu chiến. Họ đến và đi đều lặng lẽ, ăn mặc toàn đen, chỉ để hở đôi mắt. 

Vào một buổi tối như thế người phu lạc đà đến tìm cậu chăn cừu đang ngồi cùng chàng người Anh bên đống lửa. 
“Nghe đồn rằng có thể xảy ra đánh nhau giữa các bộ lạc”, ông ta nói. 
Họ ngồi lặng thinh. Cậu chăn cừu cảm thấy có một nỗi sợ bàng bạc đâu đó tuy không ai nói gì cả. Một lần nữa cậu lại hiểu được thứ ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của vũ trụ. 
Một lúc sau chàng người Anh mới hỏi có nguy hiểm gì không. 
“Ai đã vào sa mạc rồi thì không quay lại được nữa”, người phu lạc đà nói. “Khi không còn đường lui thì chúng ta phải tìm ra cách nào tốt nhất để tiến tới. Mọi chuyện khác phó thác cho Allah, kể cả sự nguy hiểm”. 
Và ông ta kết thúc bằng cái từ thần bí: “Maktub”. 
“Anh nên chú ý quan sát các đoàn lữ hành kĩ hơn”, cậu nói với chàng người Anh sau khi người phu đi khỏi. “Họ phải đi lòng vòng hoài đấy nhưng lúc nào cũng nhắm hướng mục tiêu”. 
“Còn cậu nên đọc nhiều hơn về thế giới đi thôi”, chàng kia đáp. “Sách cũng bổ ích như đoàn lữ hành vậy”. 

Đoàn người và vật dài dằng dặc đi nhanh hơn tới phía trước. Không phải họ chỉ giữ yên lặng trong ban ngày, mà ngay cả tối đến họ cũng chỉ rì rầm trò chuyện quanh đống lửa. Rồi một ngày nọ trưởng đoàn quyết định không được đốt lửa nữa để tránh gây chú ý. 
Họ quây đám thú vật lại thành một vòng tròn, còn người chen chúc bên trong cho đỡ lạnh; trưởng đoàn còn cắt đặt người mang vũ khí canh gác vòng ngoài. 
Một đêm chàng người Anh không ngủ được. Anh ra rủ cậu đi dạo qua các đồi cát trải dài quanh khu trại. Đêm đó trăng tròn. Cậu kể cho anh ta về đời mình. 
Anh ta thích thú nghe chuyện cửa hàng pha lê làm ăn khấm khá lên từ khi có cậu giúp việc ở đấy. 
“Đó là nguyên lí cơ bản chi phối mọi sự đấy”, anh ta bảo. “Trong thuật luyện kim đan người ta gọi nó là Tâm linh vũ trụ. Khi ta tha thiết mong ước điều gì thì ta gần gũi với Tâm linh vũ trụ hơn. Nó luôn luôn có tác dụng tích cực”.
Anh ta còn nói rằng điều này không phải là đặc trưng của con người đâu. Mọi loài trên trái đất đều có tâm linh, dù đó là khoáng vật, cây cỏ hay thú vật; thậm chí ngay cả một ý niệm cũng thế. 
“Mọi thứ trên trái đất đều biến dịch không ngừng, vì thế giới này sống động và có một tâm linh. Chúng ta là một bộ phận của tâm linh này và hiếm khi chúng ta ý thức được rằng nó có ảnh hưởng tích cực đến việc chúng ta làm. Và cậu nên biết rằng ngay cả từng chiếc bình pha lê trong cái tiệm nọ đều đã góp phần vào sự thành công của cậu đấy”. 
Cậu im lặng ngắm nhìn mặt trăng và cát trắng. 
Lát sau cậu nói: 
“Tôi đã quan sát đoàn suốt dọc đường đi qua sa mạc. Đoàn và sa mạc nói cùng một thứ tiếng nên đoàn được phép đi băng qua nó. Đoàn cân nhắc từng bước đi một để được hoà điệu thì đoàn đến được ốc đảo. Bất cứ ai trong chúng ta đến đây, dù can đảm có thừa nhưng không hiểu được thứ ngôn ngữ ấy thì sẽ chết ngay từ đầu”. Hai người cùng ngắm trăng. 
“Đó chính là phép kì diệu của dấu hiệu”, cậu nói tiếp. “Tôi đã nhìn thấy được các trưởng toán nhận biết ra dấu hiệu của sa mạc như thế nào, cũng như cách tâm linh của đoàn hội ý với tâm linh sa mạc”.
 Lát sau chàng người Anh nói: 
“Tôi phải quan tâm đến đoàn nhiều hơn mới được”. 
“Còn tôi thì cần phải đọc lô sách của anh”, cậu đáp.

28 

Đó thật là những quyển sách kì lạ, viết về thủy ngân, muối, rồng và vua chúa. Cậu chẳng hiểu gì cả. Dẫu sao cũng có môt ý chính xuyên suốt gần hết mọi quyển, đó là: mọi sự vật đều góp phần diễn giải cho tổng thể. Trong một quyển nọ cậu phát hiện ra rằng văn bản quan trọng nhất của thuật luyện kim đan chỉ vẻn vẹn có mấy hàng thôi, viết trên một phiến ngọc lục bảo. 
“Tên nó là Tabula smaragdina”, chàng người Anh nói, tự hào vì đã dạy cho cậu được ít điều mới. 
“Tất cả những sách này dùng vào việc gì?” 
“Để diễn giải những hàng chữ đó”, anh đáp song có vẻ không tự tin lắm. 

Quyển sách cậu chăn cừu thích hơn cả kể về cuộc đời những nhà luyện kim đan nổi tiếng nhất. Họ là những người hiến cả đời mình cho việc tinh hóa im loại trong phòng thí nghiệm. Họ tin rằng khi kim loại được nung nóng nhiều năm thì chúng sẽ mất đi những tính chất nguyên thủy, chỉ còn lại cái tâm linh vũ trụ thôi. Tâm linh vũ trụ này sẽ giúp họ hiểu được mọi sự trên mặt đất, vì nó là thứ ngôn ngữ kết nối mọi sự vật với nhau. Họ gọi phát kiến này là “Đại công trình”, gồm một phần lỏng và một phần rắn. 
“Chẳng lẽ quan sát con người và dấu hiệu không đủ để phát kiến ngôn ngữ này sao?” cậu hỏi. 
“Cậu chỉ giỏi giản đơn hóa tất cả”, chàng người Anh bực mình đáp. “Luyện kim đan là một việc quan trong, đòi hỏi mỗi bước phải làm đúng theo chỉ dẫn của thầy”. 
Cậu được biết phần lỏng của “Đại công trình” gọi là “Thuốc trường sinh bất lão”, chữa được mọi bệnh tật, khiến nhà luyện kim đan trẻ mãi. Phần rắn gọi là “Đá tạo vàng” . 
“Phát hiện ra “Đá tạo vàng” có phải đơn giản đâu”, chàng người Anh nói. “Các nhà luyện kim đan kiên trì nhiều năm trong phòng thí nghiệm, nhìn ngọn lửa tinh hóa kim loại. Họ nhìn ngọn lửa cho đến khi mọi cao ngạo của thế giới này biến mất dần. Rồi một ngày kia họ nhận thấy rằng tinh hóa kim loại cũng là thanh lọc chính mình”. 
Nghe thế cậu liền liên tưởng đến người chủ của hàng pha lê. Ông ta thấy rằng rất nên lau chùi các bình trong cửa hàng vì như thế cả ông lẫn cậu đều gột rửa được mọi tạp niệm. Bây giờ thì cậu tin chắc rằng cũng có thể học được thuật luyện kim đan trong cuộc sống hàng ngày. 
“Hơn nữa”, anh ta nói tiếp, “Đá tạo vàng có một tính chất độc đáo. Chỉ cần một mảnh vụn của nó đủ biến một khối lượng lớn kim loại thành vàng”. 
Nghe thế cậu lại càng quan tâm hơn đến thuật luyện kim đan. Cậu nghĩ chỉ cần chút ít kiên nhẫn là có thể biến tất cả thành vàng. Cậu đọc lại cuộc đời một vài người đã làm được việc này: Helvatius, Elias, Fulcanelli, Geber. Toàn là những chuyện hấp dẫn cả. Những người này đều đã đi trọn con đường đời họ chọn. Họ đi đây đi đó, gặp gỡ các bậc trí giả khác, làm những việc thần kì ngay trước mắt những kẻ hồ nghi; họ có trong tay “Đá tạo vàng” và “Thuốc trường sinh”.
Nhưng khi cậu muốn biết làm cách nào để tự mình đạt được “Đại công trình” thì đành bó tay, vì chỉ có những đồ họa, những chỉ dẫn ghi bằng mật mã và những văn bản khó hiểu.

29 

“Cớ sao mà mọi thứ viết ra khó hiểu thế?”, một tối kia cậu hỏi chàng người Anh để rồi thấy anh ta có vẻ bực bội và muốn lấy lại sách. 
“Để chỉ những ai thật nghiêm chỉnh nghiền ngẫm mới hiểu được thôi”, anh ta đáp. “Cậu thử nghĩ mà xem, nếu ai cũng biến chỉ thành vàng được thì vàng còn gì là giá trị. Chỉ những ai kiên tâm trì chí, chỉ những ai nghiên cứu nhiều mới đạt được “Đại công trình” một cách trọn vẹn. Chính vì thế mà tôi đến tận giữa sa mạc này để tìm gặp một nhà luyện kim đan chính cống giúp tôi giải mã cái ngôn ngữ bí mật kia”. 
“Những sách này được viết hồi nào?” cậu hỏi.
“Từ nhiều thế kỉ trước”.
“Hồi đó làm gì đã có sách in”, cậu khăng khăng cãi. “Thành ra không phải bất kì ai cũng biết đến thuật luyện kim đan. Vậy thì việc gì phải dùng đến thứ ngôn ngữ kì quặc kia và những đồ họa?”.
Anh kia không trả lời câu hỏi của cậu mà nói rằng đã quan sát đoàn lữ hành mấy ngày nay song chẳng phát hiện gì mới. Điều duy nhất anh ta cảm thấy là tin đồn về đánh nhau cứ dồn dập thêm.

30 

Một ngày nọ cậu đưa trả sách cho anh ta.
“Sao, cậu học hỏi được nhiều chứ?” anh ta háo hức, vì cần có người trò chuyện để quên đi nỗi lo sợ sắp xảy ra đánh nhau.
“Tôi học được rằng thế giới có tâm linh và ai hiểu được tâm linh ấy sẽ hiểu được ngôn ngữ của sự vật. Tôi cũng được biết rằng nhiều nhà luyện kim đan đã sống theo con đường mình vạch và như thế đã phát hiện ra tâm linh vũ trụ, “Đá tạo vàng” và “Thuốc trường sinh. Nhưng điều cốt yếu tôi học được là những chuyện đó đơn giản đến nỗi ghi vừa trên một phiến ngọc lục bảo”. 
Anh chàng kia thất vọng quá. Bao nhiêu năm nghiên cứu của mình, những kí hiệu thần diệu, những từ bí hiểm, những dụng cụ thí nghiệm… chẳng gây được ấn tượng gì nơi gã này cả. “Tâm hồn gã quá chất phác nên không thể hiểu chuyện này được”, anh ta ngẫm nghĩ. 
Rồi anh ta đón lấy sách, nhét vào túi cho lạc đà thồ. 
“Thôi cậu hãy quay về với đoàn lữ hành của cậu đi vậy. Tôi cũng chẳng học được gì từ nó cả”. 
Cậu tận hưởng sự yên ắng của sa mạc, quan sát bụi cát tung lên dưới bước chân lũ vật. 
“Người nào có cách học hỏi của người nấy”, cậu tự nhủ. “Cách của anh ta không phải cách của mình, còn cách của mình không giống cách anh ta. Song cả hai đều đang đi tìm con đường sống cho mình, nên mình coi trọng anh ta”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét