Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Quyển thổ trùng lai - điển tích văn học

Cụ Tú Xương nổi tiếng học tài nhưng thi toàn trượt. Năm ấy cụ lại “danh lạc Tôn Sơn”, cụ làm bài phú than thân trách phận, trong đó có hai câu:

“Nghĩ đến chữ “lương nhân đắc ý” thêm nỗi thẹn thùng;
Ngẫm đến câu “quyển thổ trùng lai” nói ra ngập ngọng”.

“Quyển thổ trùng lai”, “cuốn đất quay lại” có điển cố của nó.
Cuối đời Tần, Hạng Vũ khởi binh. Ban đầu Vũ chỉ có một đội quân nhỏ bé gồm 8000 người, chủ yếu là con, em, gia nhân. Đội quân nhỏ nhưng tinh mãnh, thiện chiến, dũng cảm, hòa thuận… gọi là quân “Giang đông tử đệ”.
5 năm trời, với đội quân ấy phát triển thành một quân đội đông đảo, Vũ phá Tần, tự lập làm Sở Bá Vương.
Về sau, trong cuộc chiến tranh bá đồ vương cùng tay vô lại Lưu Bang, Vũ dần thất thế.
Trận đánh cuối cùng ở Cai Hạ, Vũ toàn quân tan vỡ, chỉ một mình chạy đến Ô giang.
Có người đình trưởng đất Ô giang chèo một con thuyền nhẹ đến đón Vũ, nói rằng: “Từ Trường Giang về đông, đất tuy hẹp nhưng cũng được nghìn dặm, có thể xưng vương. Mời ngài qua sông rồi tính đường khôi phục”.
Vũ nói: “Trước kia tám nghìn con em Giang đông theo ta về tây, nay chẳng còn người nào sống sót. Nay nếu dân Giang đông còn thương ta mà cho ta làm vương, thì ta cũng chẳng mặt mũi nào nhìn họ. Dù cho dân chúng không nói gì, nhưng lòng ta sao tránh khỏi hổ thẹn”.
Nói rồi rút gươm tự vẫn ở bến sông.
Sau này, Đỗ Mục đi qua Ô giang, cảm khái trước thất bại của một Hạng Vũ anh hùng và tám nghìn tinh binh Giang đông anh dũng, ông đề thơ trên tường ngôi miếu thờ Hạng Vũ:

“Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỉ thị nam nhi
Giang đông tử đệ đa tài tuấn
Quyển thổ trùng lai vị khả tri”.

Dịch:

Thua được nhà binh chuyện bất kỳ
Nén lòng hổ nhục mới nam nhi
Tử đệ Giang đông nhiều người giỏi
Cuốn đất quay về cũng có khi.

Ý là con em đất Giang đông nhiều người tài giỏi, cuốn đất mà quay lại đánh thì chưa biết kết cục thế nào.
Từ câu thơ của Đỗ Mục vịnh Hạng Vũ, người sau rút ra thành ngữ “Quyển thổ trùng lai” để nói về trường hợp sau khi thất bại lại khôi phục được cơ nghiệp, hoặc lại thành công.

1 nhận xét: