Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Lục diệp thành âm - điển cố văn học

Đỗ Mục, thi nhân thời Đường, vốn dòng danh gia, thế phiệt. Ông nội ông, Đỗ Hữu làm đến tam công, (Tư Không triều Đường Đức tông, Tư Đồ triều Đường Đại tông), nên Đỗ Mục sớm thụ hưởng một sự giáo dục tử tế, ông có học vấn vững chắc cùng với trí thông minh di truyền.
Đỗ nổi tiếng từ rất sớm. Thi ca của ông ngay từ nhỏ đã hào sảng, tuyệt diệu.
Lẽ ra Đỗ sớm đỗ đạt, làm quan, nhưng tệ cái là trời lại cho thêm Đỗ tính cách lãng tử, lại ngang tàng. Những người như ông thì khó thành đạt ở đời, chỉ dễ thành nhân.
Thuở trẻ Đỗ ít để tâm đến chuyện thi cử, đỗ đạt để làm quan mà ông hay lang thang đầu đường xó chợ, lấy chuyện uống rượu, đánh bạc, chơi gái, kết giao giang hồ… làm vui.
Một lần Đỗ lạc đến Hồ châu, tình cờ gặp trên đường một bà già dắt theo một bé gái chừng 9, 10 tuổi. bé gái tuy còn nhỏ nhưng đã ẩn ước một nhan sắc cực kỳ xinh đẹp. Đỗ như xao xuyến trong lòng nên cậy người mai mối đến dạm hỏi. Đỗ hẹn rằng sau 10 năm mà không thấy trở lại thì bà lão có thể gả con cho người khác .
Thế rồi việc đờì biến đổi, Đỗ không còn dịp nào quay lại Hồ châu.
Mãi 14 năm sau, khi ấy Đỗ đã là Thứ Sử dưới triều tể tướng Chu Trì, Đỗ cậy Chu chuyển đến trấn nhậm Hồ châu.
Về Hồ châu, Đỗ lập tức đi tìm cố nhân. Tiếc thay, bé gái năm xưa đã lấy chồng được 3 năm và đã sinh được 2 con trai.
Giận thân và tiếc của, Đỗ làm bài thơ:

“Tự thị tầm xuân khứ giải trì
Bất tu trù trướng oán phương thì
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc
Lục diệp thành âm tử mãn chi”.

Dịch

Thuở ấy tìm xuân muộn đã đành
Xin đừng đau xót giận mùa xanh
Gió cuồng thổi rụng hoa hồng thắm
Lá biếc xum xuê, trái trĩu cành.

Cố sự này chép trong “Đường thi kỷ sự” của Kế Hữu công, đời Tống.
Sau này “Lục diệp thành âm” thành điển tích văn học chỉ người con gái đã lấy chồng và có con, không còn là người năm xưa nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét