Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Một đêm mưa - Tatsuo Nagai


Nguyễn Hào dịch.

(Tuyển tập truyên ngắn Nhật Bản - Nhà xuất bản Tác phẩm mới - năm 1985)

Hôm mười chín, lúc hai giờ chiều, người ta phát hiện thấy bốn xác chết nằm trên giường trong nhà ông già thất nghiệp Senjô Ôta, sinh sống tại thị trấn Ph. thuộc quận Kanagawa. Người chết là bản thân chủ nhà - Ôta, bảy mươi bảy tuổi; vợ ông ta là bà Hiđê, sáu mươi bảy tuổi; cô con nuôi của hai người là Haruê, năm mươi mốt tuổi, và bà chị vợ chủ nhà - Yuki Hayasi, bảy mươi hai tuổi. Phát hiện ra xác chết, ông Sađayô Umêmôtô, chủ một cửa hàng tạp hóa ở cùng phố, một người bà con của họ, liền đến báo ngay cho cảnh sát biết.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát khu vực đã tìm thấy dưới gối ông già Ôta một mẩu giấy nội dung như sau:

 “Tôi còn nợ năm trăm nghìn yên của cửa hiệu Hôriê ở thành phố Tôkiô, phố Kôênji Nacađôri, phường Sughinami. Hoàn toàn mất hết hy vọng kiếm được việc làm, tôi và gia đình tôi quyết định từ giã cõi đời”.

Tờ giấy đề ngày mười bốn.
(Các xác chết mãi đến hai giờ chiều ngày mười chín mới được phát hiện).
Dưới gối còn tìm thấy bốn mươi chín nghìn yên dành để chi phí cho việc ma chay cho cả gia đình, và một bức thư nhờ chăm lo giúp việc chôn cất. Trên cơ sở những tang vật trên, cảnh sát đi đến kết luận: “đây là một vụ tự sát tập thể có bàn bạc trước, bằng cách uống thuốc độc”.
Theo lời khai của ông Umêmôtô, người thu tiền hơi đốt trông thấy ngoài cửa chồng báo tích lại từ mấy ngày thì sinh nghi, vội đến báo cho ông ta biết.
Cuộc điều tra tiếp tục ghi nhận rằng Ôta vốn là viên chức một công ty, và có tiếng là một con người rất đứng đắn. Tháng năm năm ngoái, ông có vay của cửa hiệu Hôriê số tiền năm trăm ngàn yên và trả lãi phần trăm đều đặn mỗi tháng hai mươi hai ngàn năm trăm yên. Ngoài ra, để có quyền được vay, ông đã phải đặt cược ngôi nhà, vườn, bàn ghế, đồ đạc và ngay cả súc vật chăn nuôi của mình nữa. Hoàn cảnh sinh sống của gia đình trở nên cực kỳ khó khăn.
Các báo đưa tin: do việc làm ăn bị thua lỗ và lâm vào cảnh túng thiếu cao độ, đêm mười bốn, gia đình nhà ông Ôta đã bàn định trước và tự sát tập thể bằng cách uống thuốc độc, và như vậy là: “bốn con người đã thà chết còn hơn sống trong cái thế giới bất công này”.
Các báo còn cho biết, trong các giấy tờ ông ta để lại người ta tìm thấy bức thư báo hết hạn cho vay và yêu cầu ông tức khắc đến thanh toán khoản nợ năm trăm nghìn yên.

1

Chuyến tầu rời Tôkiô đi Sênan khởi hành lúc chín giờ tối và chừng một giờ sau, đã đến ga Ph.
Đã ba ngày liền trời mưa tầm tã, hành khách đều mặc áo mưa hoặc che ô. Tại ga Ph, nơi tầu hỏa điện Ênosim nối liền với đường sắt của Nhà nước, đang có đoàn tàu đi Kamakura dừng chân. Nhà ga tồi tàn bé nhỏ, thấp như ta thường thấy ở những đoạn đường chỉ có một tuyến đường. Trong số ít ỏi hành khách đi tàu vào giờ khuya khoắt này có cả ông Ôta. Ông từ Tôkiô về. Ông đi khắp các toa tàu, nhìn vào cửa sổ như có ý tìm ai. Các toa tàu vắng khách, tìm người quen chẳng có khó khăn gì, nhưng người mà ông Ôta tìm lại không có.
Tính thời gian, ông Ôta đoán chị vợ ông là Yuki và cô con nuôi Haruê phải ngồi ở đoàn tàu này, nhưng có lẽ ông nhầm.
Ông Ôta bước xuống tàu, ngồi phịch xuống ghế băng. Cái ghế ướt sũng, chiếc áo mưa của ông dính chặt vào ghế.
“Chờ chuyến sau chăng?” - Ông Ôta nghĩ, nhưng nhìn đồng hồ nhà ga, ông lại đứng dậy. Bây giờ đã gần mười giờ, chuyến tàu sau nửa tiếng nữa mới chạy. Ông cầm ô và cặp tiến lại phía quầy hàng đang chuẩn bị đóng cửa.
- Cô làm ơn cho tôi... - Ông Ôta lúng túng nói, tay chỉ lên giá hàng. - Cho tôi xin chai rượu Xakê chừng hai gô (1 gô = 0,18 lít).
Hỏi giá xong, ông định mở ví, nhưng sau đó lại rút ở túi áo trong ra một chiếc phong bì, rồi chậm chạp lấy ra một tờ năm mươi nghìn. - Xin lỗi cô, cô có tiền trả lại không?
Người bán hàng, một cô gái kém lịch sự, thái độ khó chịu, lẳng lặng đếm tiền trả lại.
- Xin lỗi, - Ông Ôta lại nói, - cô có thể đổi giúp tờ năm trăm yên này thành đồng hào bạc không?
Vừa lúc ấy, tiếng còi báo hiệu tàu khởi hành vang lên.
Ông Ôta lấy những ngón tay cứng queo cố nhặt những đồng tiền bạc bỏ vào ví. Người lái tàu và người bán vé đã vào chỗ, đèn tàu bật sáng, trong ánh đèn, thấp thoáng những hạt mưa nhỏ và mau.
Tuy đã có còi báo khởi hành, ông Ôta vẫn thủng thỉnh đặt chai rượu xakê vào cặp, rồi cài khóa cặp thật cẩn thận.
- Nhanh lên, ông ơi! - người bán vé quát to, nhưng ông Ôta vẫn không chạy nhanh hơn.
Ông đã đi tàu hỏa điện này hơn chục năm nay. Nhưng hôm nay ông ngồi vào chỗ với sự hồi hộp kỳ lạ chưa bao giờ thấy.
- Ông ơi, có phải cái ô này của ông không? - Người trưởng ga đứng ở bậc cửa thò đầu vào trong toa hỏi to.
Qua hai ga thì ông già xuống tàu.
Sau hàng cây rậm rạp thấp thoáng có ánh đèn. Theo con đường mòn hẹp vòng vèo ông Ôta đi về ngôi nhà nằm sâu trong lùm cây.
Đó là một ngôi nhà nhỏ theo kiểu nhà nghỉ mát, có  cảm tưởng cả ngôi nhà cùng với hàng rào và cái cổng bằng gỗ kêu ken két dưới sức nặng của những cây to um tùm, lá cây ướt sũng và chìm đắm trong đêm đen. Người thợ vườn rõ ràng đã lâu không nhòm ngó đến khu vườn của Ôta.
Đóng cửa lại, ông Ôta ngẩng đầu nhìn ngọn đèn treo trên cột. Ông đứng lặng, cảm thấy những giọt mưa lạnh chảy trên mặt. Rồi ông chậm rãi theo con đường nhỏ đi qua vườn, khẽ gạt những cành tre năm nay mọc rất rậm làm cản cả lối đi.

2

- Bố đã về đấy à? - Cô con nuôi của ông là Haruê hồ hởi bước ra đón ông.
- Hai bác cháu về chuyến tàu trước hay sao? - Ông Ôta hỏi.
- Không ạ, về từ chuyến trước nữa. - Haruê đáp rồi quay vào.
Đứng sau Haruê, người đẫy đà to lớn, là Yuki Hayasi, một bà già lưng còng, chị vợ ông Ôta. Bà lão cũng ra đón ông.
- Chúng tôi gặp may, thế là lên ngay tàu Enôsim về.- bà nói bằng cái giọng trẻ trung khác thường.
- Thế nào, xem có hay không?
- Ồ, bác thích lắm bố ạ. - Haruê đáp.
- Tốt, thế là cuối cùng hai bác cháu đã được giải trí một tý.
Haruê giúp ông lão cởi áo mưa.
- Nhưng bác con bảo mấy cô vũ nữ mông to quá. Bác con ngạc nhiên lắm, bố ạ. - Haruê cười to.
- Mà sao họ kiếm đâu ra nhiều vũ nữ thế kia chứ, - bà lão nói. - Cô nào cô nấy cứ trẻ măng!
Trước đây Haruê làm y tá. Gần đây, cô bị đau tim nặng, cố chữa đủ mọi thứ thuốc mới nhất. Ngay cả khi gia đình lâm vào cảnh phá sản đến nơi, cô vẫn thường xuyên mua thuốc ở hiệu thuốc thị trấn. Vì thế, hãng dược phẩm mới biếu cô hai chiếc vé đi xem biểu diễn ở rạp hát địa phương (ở đây ít khi có biểu diễn), coi đấy như phần thưởng tặng khách hàng thường xuyên của mình. Tối hôm ấy, cô và bà Yuki vừa mới đi xem về.
- Ông đã về đấy à? - Có tiếng bà vợ ông Ôta từ phòng ngủ vọng ra. - Ông về lâu chưa?
- Tôi vừa về thôi, bà nó ạ!
Ông Ôta cởi chiếc kimônô mặc ngoài, đưa cho Haruê.
- Cô mang cái cặp vào trong kia cho thày nhé, - ông lão nói, thò tay vào túi áo trong của chiếc kimônô lúc này đã treo trong tủ, rồi lại tiếp: - Còn đèn thì tắt đi, cô ạ.
Ông Ôta chờ cho Haruê tắt đèn, mới rút trong túi ra chiếc phong bì. Hai người đi vào buồng ăn còn sáng ánh đèn.
Haruê khập khiễng bước theo.
Buồng ăn hẹp mười thước và buồng khách rộng hơn một chút ở cạnh nhau, cửa nhìn ra vườn.
Bà vợ đau ốm của ông Ôta là Hiđê đang ngồi trên giường trong buồng ngủ chải đầu.
Trông thấy thế, Haruê kêu lên:
- Con đã bảo để con vào chải đầu cho mẹ ngay bây giờ mà! Mẹ nhìn kìa, tóc rụng đầy cả gối rồi!
Bà Hiđê trông lại còn bé hơn cả bà chị Yuki, ngay cả cái gương bà vừa đặt sang một bên cũng bé tí xíu.
- Thế nào? - Ngồi trong buồng ngủ, nhìn ra phía chồng, bà Hiđê hỏi, - mình đã thu xếp ổn thỏa cả rồi chứ?
- Kể ra thì cũng gọi là ổn...
Ông Ôta đặt chiếc phong bì lên bàn trong buồng ăn, rồi ngồi xuống chiếu.
- Mẹ đưa con cặp tóc nào, - Haruê nói và cầm lấy cái lược. Rồi quay sang bảo ông Ôta: - Hôm nay nhà đun nước tắm. Bố bị ướt hết rồi. Bố đi tắm ngay đi!
- Tắm bây giờ thì nhất rồi. Cả nhà tắm hết rồi chứ?
- Tôi cũng bị ướt như chuột.- bà Yuki đáp. - Nên tôi đã tự cho phép mình tắm trước tiên. Dì Hiđê cũng tắm rồi. Tắm xong ta uống trà chứ? - bà Yuki đứng trước tủ chè, đối diện với ông Ôta. Bà đi đôi bít tất thô trắng đã cũ.
- Tôi có món này còn cao cấp hơn cả trà kia.- bỗng ông Ôta sực nhớ. Ông lấy trong cặp chai rượu xakê, đặt lên bàn. - Đấy, các bà đã thấy tôi mua gì chưa nào? - Khuôn mặt ông thoáng nở nụ cười.
- Ôi! - Bà Yuki reo lên. - Thế này thì quả là ngoài sức tưởng tượng! Hiđê ơi, dì có biết chú ấy mua gì không nào? Rượu xakê cơ nhé!
Ông Ôta rút tiền trong phong bì ra và nói to cho bà Hiđê cũng nghe thấy:
- Chỗ này ít ra tôi cũng có ba mươi sáu nghìn yên.
Haruê cúi xuống nhắc lại cho bà Hiđê nghe rõ số tiền.
- Thôi được, có chừng nào hay chừng nấy, - bà Hiđê nói khẽ, tay sờ sờ trên giường, có lẽ bà định vun tóc rụng. - Cuối cùng thế là cả viên ngọc xanh của chị và ngọc hồng của ông đều mất toi cả.
- Thôi tiếc làm gì, - Haruê bình tĩnh nói. - Đằng nào thì đến bây giờ cũng chẳng còn cơ mà.
- Cô nói đúng, - bà Hiđê đồng ý. - ít ra thì bấy giờ ta cũng trả được tiền lợi tức đất... Thế bây giờ ở nhà còn được bao nhiêu tiền?
- Một tờ mười nghìn yên và một tờ một nghìn yên...
- Có lẽ từng đấy tiền cũng đủ cho chúng ta rồi, - Ông Ôta nói. - Tiền giấy không bảo đảm. Vì thế lúc mua rượu tôi đã nhờ cô bán hàng trả lại cho năm trăm yên bằng bạc. Bạc vẫn là loại tiền ổn định hơn.
Ông Ôta rút trong túi quần ra những đồng tiền bạc và đồng.
- Thôi, mời bố vào tắm đi ạ, - Haruê nói.
- Ừ, phải, - Ông Ôta tán thành. - Không có nước lại nguội hết.
Ông già đi rồi, Haruê cũng đứng dậy.
Khi cô đi, chiếu cũ dưới chân cong lại và bốc lên mùi ẩm ướt.
- Ừ phải, đúng là cái viên ngọc xanh của mình bị mất toi thật...- bà Yuki nói một mình. - Khi bán nó đi...
- Chị ơi. - bà Hiđê từ trong buồng ngủ gọi.- Chị dọn chỗ này đi, và mang cái cặp vào đây...
Có tiếng ông Ôta cởi dây lưng trong buồng tắm và cánh cửa buồng tắm đóng sập lại.

3

- Bác làm gì đấy ạ? - Haruê ngạc nhiên hỏi khi ở bếp quay ra. Bà Yuki đang ngồi trong buồng ăn xếp các đồng tiền bạc và đồng lên bàn, - Bác thật chẳng khác gì đứa trẻ. - Haruê cười.
- À, tôi muốn xem đây là những thứ tiền gì.- bà lão đáp. - Lần đầu tiên tôi được nhìn chúng gần như thế này đấy.
Bà Yuki vẫn tiếp tục xếp cẩn thận thành ba hàng những đồng tiền bạc và đồng, rồi chăm chú nhìn chúng.
- Kể giá mà góp nhặt mãi thành một triệu, rồi mười triệu...- Haruê mỉm cười.
- Ừ, được chứ, - bà già đáp.- Vì những đồng tiền này chính là của hãng có hàng triệu, hàng chục triệu đấy!
- Thế thì còn nói làm gì nữa, thế thì tuyệt nhất rồi, - Haruê vừa nói, vừa ngồi xuống bàn. Rồi quay sang bà Hiđê, cô nói:
- Mẹ ơi, tí nữa mẹ cũng sang đây chứ ạ?
Bà Hiđê đeo kính đang đọc các giấy tờ trong cặp ông Ôta.
- Phải, phải! - bà đáp.
- Mẹ lẩn mẩn làm gì ở trong ấy đấy ạ? - Haruê hỏi.
- Hả? - bà Hiđê hỏi lại, bà mắc chứng hơi nặng tai.
- Con hỏi: giấy tờ gì đấy ạ?
- À, đây là bản sao các giấy khai sinh. Ông Ôta ông ấy xin ở tòa thị chính quận Tôkiô mới mang về đấy.
- Hừ...- Haruê đưa mắt nhìn bà Yuki ngồi trước mặt. - Nhà không có chén chính cống để uống rượu xakê. Hay là lấy mấy cái tách kia ạ?
Cô lấy trong tủ chè ra bốn cái tách nhỏ.
- Nhưng cô cần chén uống rượu làm gì? - Bà Yuki không ngẩng đầu hỏi.
- Để uống xakê chứ còn để làm gì ạ?
- À thế thì dùng tách kia cũng được.
- Bác ơi, bác định suốt đời ngắm nghía những đồng tiền này hay sao đấy?
- Đâu nào, tôi đang nghĩ đến chuyện khác, - bà lão ngẩng đầu lên, đáp. - Ngày bán cái nhẫn xanh của tôi, tôi đang còn ở tuổi thanh xuân.
- Từ bao giờ ạ?
- Từ lâu rồi. Năm chục năm về trước.
- Ồ thế thì ngày ấy bác còn trẻ lắm nhỉ?
- Kể ra, tất nhiên nếu không có lý do tôi cũng chẳng chịu bán cái nhẫn ấy đâu. Nhưng vì nó là nhẫn giả.
- Giả hả bác? Nhưng bác trai có bao giờ nói thế đâu ạ?
- Thiếu gì cái ông ấy không nói! ông ấy bảo cái ngọc hồng của cô là giả, còn cái nhẫn xanh của tôi là thật. Ông ấy dốt.
- Nhưng mà những người khác cũng bảo con rằng cái viên ngọc hồng của con là loại nhân tạo.
- Ai nói thế?
- Một chị bạn thân của con cùng làm y tá ở bệnh viện. Chính chị ấy cho con trước khi qua đời.
- Cô suốt đời lo nghĩ, chăm sóc cho người khác, Haruê ạ.
- Vâng, bác nói đúng.
- Đấy, dì Hiđê mà không có cô thì...
- Nhưng ngày còn bé con cũng dễ dãi với mình quá. Người ta đồn đủ thứ chuyện về con với bác trai. Con nhớ có lần suốt ba tháng liền con không về nhà, lúc ấy con giận quá.
- Phải, phải, đó là hồi chúng ta còn ở Ajabu ở Tôkiô.
- Và khi ấy con cũng hãy còn trẻ.
- Mọi người đều bảo cuộc đời trôi nhanh như một giấc mơ. Nhưng không ai biết rõ hơn tôi là giấc mơ ấy ngắn ngủi như thế nào.
- Bác còn khỏe lắm, bác ạ.
- Đúng thế, cả đời tôi chưa phải vào bệnh viện lần nào.
- Bác nghe cũng còn rất tốt. Bác chỉ cần uống thêm ít thuốc thì sức khỏe sẽ hoàn toàn tốt.
- À này, cô đã mang áo tắm vào cho ông lão chưa?
- Con mang vào bây giờ đây. - Haruê đứng dậy, cầm lấy xấp quần áo mới lấy ở hiệu giặt khi đi xem hát về. - Thích quá. - Haruê nói, tay giở chiếc áo khoác còn cứng nếp mang cho ông Ôta.
Bà Yuki lại say sưa sắp xếp các đồng tiền bạc và đồng.
- Cơ thể của mình đúng là nhạy với thuốc. - bà nói to một mình.

4

- Gớm, hôm nay tôi phải chạy mới vất vả làm sao chứ. - Ông Ôta từ buồng tắm bước ra, tay buộc dây lưng áo choàng.
- Chắc ông mệt lắm nhỉ? - Bà Hiđê từ buồng ngủ nhìn ra, hỏi chồng.
- Ấy thế mà không mệt lắm đâu, bà ạ. Thế mới lạ chứ. Ô, mà đã gần mười một giờ rồi kia kìa!
- Đêm qua quá một giờ tôi mới đi nằm. - bà Yuki nói. - Bỗng tôi nghe có tiếng cú kêu.
- Đấy, chị thấy không, chị nghe còn tinh lắm. - bà Hiđê mỉm cười.
Không để ý đến câu chuyện của hai chị em, ông Ôta bước ra thềm, mở cửa kính ra vườn nói.
- Cho nó thoáng một tý.
- Dì Hiđê sợ muỗi vào nên chúng tôi mới đóng kín mít đấy, - bà Yuki nói. - Tạnh mưa rồi hở chú?
- Không, vẫn mưa đấy, bác ạ, thật là tệ hại. Mưa suốt ngày.
- Bác ơi! - Có tiếng Haruê từ trong bếp vọng ra.- Cháu muốn tắm thật nhanh. Bác giúp cháu một tý nhé!
- Thế là mọi việc đã xong xuôi, đâu vào đấy cả, - Ông Ôta nói với vợ, khi trong phòng chỉ còn hai người. Xếp chân vòng tròn, ông ngồi lên giường. - Suốt ngày tôi chỉ lo quên làm một việc gì đó, nhưng sau đó, lên tàu điện ờ Tôkiô, tôi cảm thấy rất yên tâm. Chưa bao giờ như hôm nay, tôi cảm thấy có thể thanh thản nhìn thẳng vào mặt bất kỳ người nào mà không hề sợ hãi. - Ông Ôta nói vừa như cho vợ nghe, vừa như tự nói với mình. - Tuy vậy tôi vẫn thấy hình như tôi còn quên một việc. Có lẽ tôi đã quên một việc. Nhưng tôi hy vọng tôi sẽ được tha thứ.
- Ông có ghé vào bệnh viện thăm ông Yamađa không?
- Mình đoán đúng. Không, không, tôi không quên đâu. Chẳng qua vì tôi không thể đến thăm ông ấy được. Nghe nói ông ấy bị mổ lần thứ hai, nhưng tình hình gay go lắm. Uống một cốc sữa mà mất những tiếng rưỡi đồng hồ. Có lẽ bệnh đã lan sang cuống họng. Tôi thương ông ấy quá nên không dám nhìn ông ta. Tôi nghĩ ông ấy sẽ hiểu và tha thứ cho tôi.
- Ông Yamađa năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Tôi không nhớ năm sinh. Chắc khoảng năm bảy, năm tám gì đó. Nhưng chắc chắn là chưa đến sáu mươi.
Ông Yamađa làm cho ông Ôta từ lúc ông trở thành quản lý của nhà máy. Đầu năm nay, người ta phát hiện ra ông ta mắc bệnh ung thư và đưa vào bệnh viện.
Để thay đổi đề tài câu chuyện, ông Ôta cúi xuống thì thào bảo vợ:
- Lúc bác Yuki và Haruê đi xem hát mình ở nhà một mình à? Tội nghiệp.
- Nhưng tôi lại có thể bình tĩnh lau chùi dọn dẹp căn buồng đấy.- bà Hiđê đáp.
- Ừ nhỉ, trông sạch bóng thật kia kìa! Thế chắc mình mệt lắm nhỉ?
- Người ta vững vì tinh thần. Cho nên khi cần thiết con người có thể khuất phục ngay cả cơ thể của mình nữa.
- Như hôm qua chúng mình đã thỏa thuận, tôi sẽ không nói gì nữa, nhưng mình có muốn nói gì với tôi lần chót nữa không?
-  Cám ơn mình đã chung sống với tôi một cuộc đời dài như thế.
- Chính tôi phải cám ơn mình mới đúng. Tôi không có đủ tài năng và ý chí để tạo ra những điều kiện sống xứng đáng với mình. Mình hãy tha lỗi cho tôi.
- Xin lỗi mình, nhưng hôm qua chúng mình đã thỏa thuận là sẽ không bàn chuyện ấy nữa cơ mà.
- Đời người dài dằng dặc, không biết đó là ba tháng, nửa năm, một năm, hay trăm năm?
- Mình tha lỗi cho tôi, Ôta. - vợ ông ngắt lời. - Trong tủ, ở ngăn kéo dưới, có hai đôi bít tất mới của tôi và chị Yuki. Mình lấy ra hộ tôi với.
Từ buồng tắm vọng ra tiếng Haruê và tiếng cười trẻ trung của bà Yuki.
- Bác ạ, có hai bác cháu cháu mới nói thế...
- Nhưng dù sao thì...
Trong ngôi nhà này, giữa đêm khuya, tiếng chuyện trò sôi nổi và nhất là tiếng cười còn rất trẻ của bà lão Yuki nghe thật kỳ lạ.
- Ồ, đã lâu lắm tôi không trông thấy cái hộp này đấy nhé.- ông Ôta vừa nói, vừa kéo trong ngăn tủ ra cái hộp gỗ trạm khắc thủ công rất đẹp và hai đôi bít tất, những mặt hàng nổi tiếng của vùng Hakônê. Vừa tìm các thứ trong hộp, ông vừa nói tiếp: - Trong này mình để các loại cúc và các thứ linh tinh khác. Không biết cái vật này bằng kim loại gì nhỉ?
- Ai mà biết được, - bà Hidê đáp, - tôi cứ nhặt nhạnh gom góp những thứ lặt vặt vì nghĩ biết đâu có ngày sẽ có ích.
- Ừ, tất cả đều là quá khứ, quá khứ...- Đẩy ngăn kéo vào, ông Ôta ngồi ngay cạnh tủ, tay quàng lấy đầu gối, nhìn chăm chăm lên ngọn đèn điện. Vừa lúc ấy, bà Yuki bước vào.
- Tôi cũng mặc chiếc áo khoác mới lấy ở hiệu giặt về, dễ chịu quá, - bà vừa nói vừa bước lại tủ.
- Bác với Haruê cười gì mà vui thế? - Ông Ôta hỏi - Chắc có chuyện gì vui lắm phải không?
- Cô Haruê làm điệu bộ bắt chước các vũ nữ, trông buồn cười quá.
- Hiđê, mình cùng đi sang phòng bên đi, - Ông Ôta vừa nói vừa chỉ tay vào buồng khách.
- Vâng. Mình đưa hộ cho chị Yuki hai đôi bít tất này.
- Ồ, cám ơn dì. - Bà Yuki nói và nhận từ tay ông Ôta gói bít tất. Quay sang em gái, bà dịu dàng nói: - Hay là dì cùng đi sang luôn? Nào để tôi giúp một tay. Dì cứ tì hẳn vào vai tôi mà đi.
Ông Ôta mở nút chai, rót đầy tách mình, nhấp nhấp qua, rồi đằng hắng nói:
- Bà ấy chẳng bao giờ tự ra khỏi buồng tắm được.
Bà Hiđê và bà Yuki ngồi xuống bàn. Hai chị em giống nhau như đúc.
- Vẫn chưa tạnh mưa à?
- Chưa, vẫn cứ mưa hoài.
- Nghe thấy không? Đấy là tàu chở hàng đấy, - bà Yuki nói. - Đêm nào nó cũng chạy đúng vào giờ này. Nghe tàu xình xịch là tôi thức giấc.
- Chẳng có gì phải ngạc nhiên, chị ạ. Tai em nghễnh ngãng, vậy mà đêm em cũng còn nghe thấy nữa là.
- Không thể nào tiếp tục sống nổi trong cái nhà này nữa rồi. - Ông Ôta nói. - Phải phá nó đi và xây cái nhà mới.
Cả ba người - mỗi người một ý nghĩ, nhìn quanh buồng.
- Lạ thật, chị Yuki và em chẳng còn có bà con thân thích nào nữa.
- Phải, chỉ còn lại có tôi với dì.- bà Yuki nói.
- Cuối cùng, tôi đã thoát được hết mọi lo âu vất vả, - ông Ôta nói - Tôi cảm thấy mặc cái áo thơm tho vừa lấy ở hiệu giặt về thật là dễ chịu. Nhưng mà này, gấu áo bị rách rồi.
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không để ý, - bà Hiđê nói. - Sao lại đưa cho ông cái áo này?
- Đấy là tại hiệu giặt đấy. Nhưng mặc kệ, mặc nó vẫn tốt chán. Tôi chỉ thấy xấu hổ với các bà, chứ còn người ngoài thì cần quái gì? Mặc như thế trước mặt họ tôi chẳng thấy làm sao hết. Tôi cố tránh làm phiền đến mọi người. Vì thế tôi mới mặc cái áo choàng này...
Ông Ôta cười chua chát.
- Ừ nhưng đem khoe khoang với mọi người để làm gì? - bà Yuki hỏi.
- Cô Haruê nhà mình, nghĩ cho kỹ, quả là một người rất cô đơn. - bà Hiđê nói, mắt ướm nhìn chiếc bàn nhỏ.
Cơn gió thoảng trong đêm nhẹ nhàng đưa đẩy tấm cửa kính trông ra vườn, rồi lặng đi.
- Nào, ta cùng uống một hơi nhé. - Ông Ôta nói, tay cầm chai rượu.
Haruê khập khiễng bước vào phòng khách. Cô đi nhẹ nhàng quá khiến không ai nghe thấy tiếng chân.
Mặt cô trắng bệch như vôi. Có lẽ do vừa tắm rửa xong...Cô mặc chiếc áo choàng tắm sạch.
Bây giờ cả bốn người cùng ngồi xếp chân bằng tròn theo kiểu Nhật Bản, trên chiếu, cạnh cái bàn nhỏ.
- Uống đi, Haruê! - Ông Ôta chìa cho cô chén rượu xakê. Haruê hai tay bưng lấy chén. Tay cô run run, chén rượu sóng sánh. Thở dài nặng nhọc, Haruê lên tiếng.
- Thưa bác, thưa bố, thưa mẹ...
- Ừ, cứ nói đi, sao tự dưng cô lại thôi thế!
- Hôm nay, suốt từ sáng, cả nhà không ai nói một lời về cái chết. Cả con, con cũng cho rằng con đã tỏ ra vững vàng. Nhưng lúc này, cho đến lúc này thì...
Cố ngăn nước mắt đang trào ra, cô không nói thêm được gì nữa, gục đầu xuống bàn khóc nức nở.
Và không còn gì có thể phá tan cảnh yên lặng như tờ đã bao trùm ngôi nhà ông già Senjô Ôta đêm nay.

* * *

Ông chủ hiệu tạp hóa Sađayô Umêmôtô được chứng kiến cuộc khám nghiệm điều tra, nói:
- Thực ra, tôi không có họ với gia đình ông Ôta. Khoảng chục năm về trước, ông cụ tôi hầu hạ nhà này. Từ đó tôi vẫn giữ quan hệ thân thuộc với ông Ôta. Trước đây vợ ông ta có điều trị bệnh phổi tại một nhà thương ở Tôkiô, nơi cô Haruê làm hộ lý. Ông bà Ôta liền nhận cô Haruê làm con nuôi. Thuốc ngủ chắc là do cô Haruê tích trữ dần. Người ta hỏi Haruê có quan hệ lăng nhăng gì với ông Ôta hay không, tôi chịu không trả lời được, vì tôi không biết.
Câu hỏi về quan hệ lăng nhăng chắc là do phóng viên một tờ báo nào đó hỏi. Nhưng đó chỉ là một thói xấu nghề nghiệp của họ. Cánh nhà báo ngày nay thường hay gộp tất cả câu hỏi và câu trả lời thành một mớ và đăng thành bài báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét