Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Chấm hết - Guy de Maupassant


Bá tước Loócmơranh vừa ăn vận xong. Ông soi mình lần cuối vào tấm gương lớn chiếm cả một bức tường của phòng toa lét và mỉm cười.
Quả thật ông còn đẹp, dù tóc đã hoàn toàn ngả xám. Dong dỏng cao, bụng vẫn thon, khuôn mặt gầy điểm hàng ria mỏng, ông có phong độ hào hoa nổi bật, dáng vẻ cao quý không lẫn với bất kỳ ai.
Ông thì thầm:
- Loócmơranh sống còn chán!
Rồi ông đi vào phòng khách, thư báo đang chờ.
Trên bàn của ông, nơi vật nào cũng để đúng chỗ, bàn làm việc nhưng không bao giờ làm việc, chừng chục bức thư đang chờ bên ba tờ báo với ba khuynh hướng chính trị khác nhau. Ông vừa đụng đến tập thư là chúng được rải ngay ra mặt bàn, cứ như người chơi bài trải quân bài để chọn. Rồi cũng như mọi sáng, ông nhìn lướt nét chữ trên từng phong bì trước khi mở ra.
Đối với ông, đó là một khoảnh khắc trông chờ, tìm kiếm và đau khổ mơ hồ đầy thi vị. Những phong thư bí ẩn còn dán kín này sẽ mang đến cho ông gì đây? Chúng chứa đựng những niềm vui, nỗi khổ nào? Ông đảo mắt trên các phong bì, nhận mặt chữ, xếp thành hai, ba xếp tùy theo hy vọng của ông. Đây, thư bạn bè; kia thư người dưng; xa hơn, thư những người chưa quen biết. Xếp thư cuối cùng này hôm nào cũng khiến ông hồi hộp giây lát. Họ muốn gì ở ông? Bàn tay ai đã vạch những con chữ kỳ dị chứa đầy ý nghĩ, hẹn ước hay đe dọa?
Hôm đó, có một phong thư thu hút rất nhiều sự chú ý của ông. Kể ra nó cũng bình thường, không có dấu hiệu gì khác lạ. Nhưng ông ngắm nó, lòng cứ hồi hộp không kìm nổi. Ông tự nhủ: “Ai viết thư này? Nét chữ này mình quen quá, nhưng không nhận ra là của ai”.
Ông nâng niu đưa phong thư lên ngang mắt, cố đọc qua phong bì, và vẫn chưa định mở.
Rồi ông đoán ra; ông đặt cái kính lúp nhỏ ông mang theo lên bàn để soi kỹ từng nét chữ. Bỗng ông phát bực. “Ai nhỉ? Chữ quen quá. Mình đã luôn đọc kiểu chữ này, ừ đọc luôn luôn. Nhưng hẳn là đã lâu, lâu lắm. Quái lạ, sao không nhớ nhỉ? Dào, lại xin tiền đây thôi!”
Và ông xé phong bì, đọc:

“Bạn thân thiết của tôi, chắc hẳn bạn quên tôi rồi, vì đã hai mươi lăm năm nay chúng ta không gặp lại. Lúc bấy giờ tôi còn trẻ, bây giờ thì đã già. Khi nói lời vĩnh biệt bạn, là lúc tôi rời Pari, để theo chồng về tỉnh lẻ, ông chồng già mà bạn gọi là “nhà thương của tôi”. Bạn còn nhớ ông ấy không? Ông ấy đã chết, năm năm rồi. Hiện giờ, tôi về Pari để cưới con gái tôi, chả là tôi có một cháu gái, xinh đẹp, mười tám tuổi, mà bạn chưa hề thấy. Khi cháu ra đời, tôi có báo cho bạn biết, nhưng hiển nhiên bạn không chú ý gì mấy đến một sự kiện xoàng xĩnh như vậy.
Bạn, bạn bao giờ cũng là ông Loócmơranh điển trai. Có người nói với tôi điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn còn nhớ Lidơ bé bỏng mà bạn hay gọi là Lidông, xin mời tối nay đến dùng bữa với cô ấy, với nữ nam tước Văngxơ, bạn gái suốt đời thủy chung của bạn, người bạn gái sẽ có phần xúc động và sung sướng giơ ra cho bạn một bàn tay tận tụy, để bắt chứ không để hôn nữa, thưa Jắccơlê tội nghiệp của tôi.
Lidơ đờ Văngxơ”.

Tim Loócmơranh bắt đầu đập mạnh. Ông ngả người lọt thỏm vào lưng ghế bành, thư để trên đầu gối, mắt trân trân nhìn thẳng, tim nhoi nhói và nước mắt trào ra!
Nếu như trong đời, ông đã yêu một người đàn bà, thì người ấy chính là Lidơ bé nhỏ, Lidơ đờ Văngxơ, mà ông hay gọi là Đóa hoa màu tro, bởi mắt nàng màu ghi nhạt và tóc nàng cũng gần như thế, những màu dị thường! Ôi duyên dáng, xinh xắn và tế nhị biết bao, cô tiểu thư ấy, bà nam tước mảnh mai, vợ của lão nam tước bé con con và hay càu nhàu, cái lão đã bắt cóc nàng về giam hãm ở tỉnh lẻ, chỉ vì ghen, ghen với Loócmơranh đẹp trai!
Vâng, ông đã yêu nàng và tin rằng cũng đã được nàng yêu. Nàng thân mật gọi ông là Jắccơlê, và cái tên này, nàng xướng lên nghe âu yếm vô cùng.
Giờ đây, bao kỷ niệm xa xăm tưởng đã phải mờ bồi hồi trở lại, vui buồn lẫn lộn. Một buổi tối, từ nơi khiêu vũ ra, nàng đã vào nhà ông, rồi hai người đi dạo ở rừng Bulônhơ, nàng mặc áo hở vai, ông véttông trong nhà. Dạo ấy đang là mùa xuân, trời dịu ấm. Mùi áo nàng, mà không, cả mùi thịt da nàng, ướp thơm không khí mùa xuân. Ôi buổi tối thiêng liêng! Lúc đến bên hồ, thấy ánh trăng chảy qua cây cành lan xuống mặt hồ xanh biếc, nàng bật khóc. Hơi ngạc nhiên, ông hỏi vì sao.
Nàng đáp:
- Em không rõ! Mặt hồ đầy trăng khiến em chạnh lòng. Bất kỳ lúc nào nhìn thấy những cảnh thơ mộng, em cũng động lòng và nước mắt lại rơi.
Ông mỉm cười, chính ông cũng xúc động, ông thấy nỗi xúc động của nàng vừa ngớ ngẩn vừa nên thơ, mối xúc động ngây thơ của đàn bà, của người đàn bà bé bỏng sẽ mòn mỏi dần đi vì đa sầu đa cảm. Ông đã cuồng nhiệt ôm lấy nàng mà hôn, mồm lắp bắp.
- Lidơ bé bỏng của anh, em thật tuyệt.
Mối tình đẹp đẽ xiết bao, tế nhị và ngắn ngủi! Nó vừa bắt đầu đã chấm dứt, bị cắt đứt giữa độ tuyệt đỉnh nồng nàn, bởi cái đồ nam tước súc sinh già lụ khụ, đã cướp và mang nàng đi làm vợ lão và từ bấy tới nay không cho ai được thấy!
Chỉ hai tuần sau, Loócmơranh đã quên phắt, tất nhiên!
Khi người ta chưa vợ, ở Pari, hình bóng xưa chẳng mấy chốc bị một hình bóng mới đánh bật!
Chả sao, ông vẫn dành cho nàng một góc nhỏ trái tim, nơ đó ông tôn thờ nàng, bởi vì ông đã chỉ yêu nàng!
Giờ đây ông đã hiểu.
Ông đứng lên, dõng dạc: “Lẽ đương nhiên, tối nay anh sẽ đến”. Dù không chủ đích, ông cũng quay vào phòng toa lét, ngắm kỹ từ đầu đến chân mình trong gương. Ông nghĩ: “Chắc em đã già lắm, già hơn anh”. Tự đáy lòng, ông thấy thỏa mãn khi được trương ra cho nàng thấy ông vẫn đẹp và tráng kiện, được làm cho nàng sửng sốt và có lẽ sẽ buồn đau, được khiến cho nàng luyến tiếc những ngày xưa, xa vời, xa vời vợi!
Ông trở lại với những lá thư chưa đọc. Trong các thư ấy không có gì quan trọng. Từ đấy, ông nghĩ đến nàng suốt, cứ như một hồn ma trở về. Thời gian qua, nàng sống ra sao? Gặp nhau thế này sau hai mươi lăm năm kể cũng ngộ! Có điều liệu ông có nhận ra nàng không?
Ông trang điểm đỏm dáng như đàn bà, với gilê trắng, cái này hợp với bộ áo đuôi tôm của ông hơn cái gilê đen, ông cho gọi thợ cắt tóc để sấy lại tóc, vì muốn giữ tóc, rồi ông ra đi rất sớm để chứng tỏ sự nôn nóng muốn gặp nàng.
Vật đầu tiên ông nhìn thấy trong cái phòng khách xinh xắn mới bày đồ đạc, là chân dung ông, một bức ảnh cũ đã phai màu, treo trên tường trong một bộ khung duyên dáng viền lụa cổ, bức ảnh chụp từ những ngày ông đang thắng lợi huy hoàng.
Ông ngồi xuống và đợi. Cuối cùng cửa mở ra ngay sau ông. Ông đứng bật dậy, quay lại và nhìn thấy một bà già tóc bạc giơ cả hai tay cho ông. Ông nắm lấy, hôn hết tay nọ đến tay kia, hôn mãi. Rồi ông ngẩng lên ngắm người bạn của mình.
Vâng, đây là một bà già xa lạ đang chực khóc nhưng lại mỉm cười.
Ông không nén được và thì thào:
- Bà đấy ư, Lidơ?
Bà đáp:
- Vâng, chính tôi, chính tôi… Ông không nhận ra tôi, phải không?... Tôi đã đau khổ… đau khổ rất nhiều… Bao đau khổ đã phá nát đời tôi. Bây giờ tôi như thế này đây… Ông hãy nhìn tôi… hay là đừng nhìn nữa thì hơn… Nhưng kìa, ông vẫn đẹp biết chừng nào,… vẫn trẻ… Giá như tình cờ gặp ông ngoài phố, tôi phải kêu lên ngay: “Jắccơlê”! Ông ngồi xuống đi. Chúng ta nói chuyện đã. Rồi tôi sẽ gọi con gái nhỏ của tôi, cháu đã lớn lắm. Ông sẽ thấy cháu rất giống tôi,… hoặc đúng hơn là tôi rất giống cháu… mà không, chưa phải thế đâu: ông sẽ thấy cháu hoàn toàn như tôi dạo ấy. Nhưng tôi muốn chúng ta hãy ngồi riêng với nhau một lát. Lúc nãy tôi hơi ngại tôi sẽ quá xúc động khi thấy ông. Giờ thì hết rồi, qua rồi… Ông ngồi xuống đi, bạn thân thiết của tôi.
Ông nắm lấy tay bà, rồi ngồi xuống bên cạnh; nhưng ông không biết nói gì với bà, ông không quen bà già này; đã bao giờ ông thấy bà đâu; ông cứ cảm thấy như vậy đấy. Ông đến nhà này để làm gì nhỉ? Ông có thể nói về chuyện gì? Nói về ngày xưa ư? Có gì chung giữa bà và ông? Ông không nhớ lại được gì hết trước mặt một phụ nữ đã đáng tuổi làm bà. Ông không nhớ lại được nữa biết bao kỷ niệm đẹp đẽ ngọt ngào, dịu dàng và đau đớn, những kỷ niệm mới vừa nãy còn vò xé trái tim ông, khi giờ đây ông nghĩ đến người đàn bà khác, đến cô Lidơ bé bỏng, đến “Bông hoa màu tro” mảnh mai. Người ấy bây giờ ra sao? Cái người xưa ấy, người ông từng yêu ấy? Người của bao mộng ước xa xăm, người có bộ tóc tro, mắt màu tro, cô gái trẻ trung thốt lên cái tên “Jắccơlê” âu yếm lạ lùng?
Hai người vẫn ngồi bên nhau, nhưng bất động, lúng túng và thấy hết sức không thoải mái.
Vì họ chỉ nói với nhau những câu rời rạc, rỗng tuếch và lạnh nhạt, bà già đứng lên ấn núm chuông:
- Tôi gọi cháu Rơnê!
Tiếng cửa mở, tiếng áo phụ nữ xột xoạt rồi một tiếng nói trẻ trung cất vang:
- Thưa mẹ, con đây ạ.
Loócmơranh chợt hốt hoảng như thấy ma hiện hình. Ông ấp úng:
- Chà…o…c…ô…
Rồi quay sang người mẹ, ông khẽ nói:
- Ôi, chính bà thuở xưa đấy!...
Đúng vậy, đây chính là nàng, người của ngày xưa, cô Lidơ đã mất tăm rồi lại hiện về! Ông gặp lại nàng đúng như khi người ta cướp của ông cách đây hai mươi lăm năm. Cô gái này thậm chí còn trẻ hơn, tươi mát hơn, ngây thơ hơn.
Chợt ông nảy ra một ý muốn rồ dại là mở tay ra, ôm xiết lấy cô một lần nữa, và thì thầm vào tai cô:
- Chào em Lidông!
Một người đầy tớ thông báo:
- Thưa bữa ăn đã dọn xong.
Cả ba đi vào phòng ăn.
Chuyện gì sẽ xảy ra? Ông sẽ nói gì, sẽ đáp lại ra sao? Ông thấy mình như lạc vào một trong những giấc mơ kỳ dị rất gần với điên loạn. Ông nhìn hai người phụ nữ với một ý nghĩ không suy suyển, điên rồ:
- Ai là người thực, ai là ma?
Bà mẹ mỉm cười nhắc đi nhắc lại:
- Ông có nhớ không ông?
Ông tìm thấy những kỷ niệm xưa chính trong đôi mắt long lanh nhưng sáng màu của cô gái. Nhiều lần ông ráng cắt lời cô: “Lidông ơi, em có nhớ?”…, mà quên bẵng bà già tóc bạc chăm chú nhìn ông với đôi mắt âu sầu.
Thỉnh thoảng ông như mê đi, ông không lý giải được. Ông nhận thấy rằng người của ngày hôm nay không hoàn toàn giống người của thuở ấy. Trong ánh mắt, giọng nói, trong cả con người, người của ngày xưa có cái gì đó mà ông không tìm thấy ở người hôm nay. Ông đem hết tâm trí để gợi ra người yêu xưa, để lấy lại những cái ông để mất ở nàng, cái mà cuộc hồi sinh hiện giờ không mang lại.
Bà nam tước lên tiếng:
- Bạn đáng thương ơi, bạn đánh mất say mê rồi!
Ông thì thào:
- Tôi còn mất nhiều cái khác nữa!
Nhưng trong con tim đang bồi hồi xúc động, ông cảm thấy, như một con vật bừng tỉnh có thể cắn vào ông, tình yêu xưa đang sống lại.
Cô gái vui vẻ chuyện trò. Thỉnh thoảng, ông nhận thấy những từ cô dùng đúng là những từ mẹ cô quen dùng, rồi giọng nói, dáng vẻ, điệu tâm hồn thì đúc lại của mẹ cô thuở hai người bên nhau. Tất cả khiến Loócmơranh xúc động đến run lên. Tất cả nhói vào tim ông, làm rỉ máu trái tim đang sống lại bồi hồi.
Ông cáo lui rất sớm, và đi quanh trên đại lộ. Những hình ảnh cô gái ám ảnh ông, làm máu ông dào dạt, làm tim ông đập gấp. Xa hai người đàn bà, ông chỉ còn thấy có một, người trẻ, người thuở ấy, người trở về. Và ông yêu người này như từng yêu năm xưa. Ông yêu còn mãnh liệt hơn sau hai mươi lăm năm đứt đoạn.
Thế là ông về nhà để ngẫm nghĩ về cái chuyện lạ lùng và khủng khiếp vừa xảy ra cũng như về cách đối xử của ông nay mai.
Nhưng vì cầm nến đi qua trước gương, tấm gương lớn mà ông đã ngắm nghía và thán phục mình trước khi đi, ông bỗng nhiên thấy trong đó một người đứng tuổi, tóc ngả xám.
Đột nhiên, ông nhớ lại mình hồi trai trẻ, thời gian quen biết Lidơ. Bấy giờ, ông trẻ măng và duyên dáng, xứng đáng được yêu. Nhớ đến đây, đưa nến gần lại, ngắm kỹ mình trong gương, như người ta soi một vật lạ bằng kính lúp, ông nhìn rõ các nếp nhăn, nhận ra những tàn phá đáng sợ của thời gian mà lâu nay ông chưa hề thấy.
Ông ngồi xuống, thất vọng, trước mặt chính mình, trước mặt hình ảnh đáng thương hại của mình, miệng thì thầm:
- Hết rồi, Loócmơranh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét