Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Bức bích họa bị bồi hỏng - V. Lidin


Mùa xuân, khi bắt đầu công việc phục chế ở ngôi nhà thờ cổ Mephodiev và ở khu doanh trại cổ của đội thân binh công quốc, Gorsnep đến ở nhà người bạn cũ là họa sĩ Anikusep. Anikusep đã làm việc nhiều năm tại một xí nghiệp dệt địa phương và có nhiều mẫu vải được sản xuất theo kiểu vẽ của anh. Anikusep mất cách đây mấy năm và đã nhiều lần người ta đề nghị lấy tên anh đặt cho một con đường phố ở đây.
Sau khi Anikusep qua đời, vợ anh là Anghêlina Mikhailôpna sống trong cảnh cô đơn cùng với con gái tên là Olga. Gia đình này là chỗ thân thiết với Gorsnev, và khi anh được mời về đây để khôi phục lại những bức bích họa cổ ở nhà thờ lớn thì anh viết thư báo cho Anghelina biết. Trong thư trả lời, chị bắt anh phải hứa rằng trong thới gian công tác, anh sẽ đến ở nhà chị, chị cam đoan rằng chị và con gái sẽ làm hết sức để anh có thể sống yên tĩnh và thuận lợi…
Anghelina dạy ở trường nhạc đã hơn hai mươi năm, bản thân chị là nhạc sĩ biểu diễn giỏi, hiện giờ con gái chị cũng đang học nhạc và hình như cũng có triển vọng lớn về mặt này.
Nhà thờ là một phần trong quần thể kiến trúc của một tòa thành cổ, nó được xây dựng vào thế kỷ 15 rồi sau đó được tu tạo lại, cả những bức bích họa cổ cũng đã bị tô bồi lại. Hiện giờ các cán bộ phục chế đang làm việc trong không khí lạnh giá của tòa nhà vẫn chưa ấm lại sau mùa đông, và dưới những lớp trát được bóc ra một cách thận trọng đã dần dần lộ ra nước sơn vẽ màu thiên thanh của những bức bích họa cổ mang một phong cách kỳ diệu, cái phong ách vốn cũng là đặc điểm của các danh họa thời Phục Hưng - Rafaen, hay Mikenlănggiêlô - với những quả đồi hết sức dịu hiền mờ ảo trong sương mù ở Appennin hay ở vùng Anpơ…
Gorsnev đến chỗ làm việc từ sáng sớm, và trở về khi trời đã tối, nhưng trước mắt anh vẫn hiện lên cái thế giới cổ đại đang lộ rõ dần, những khuôn mặt mắt rất to đượm nỗi buồn thăm thẳm của người Bidăng xơ…
Thường thường, lúc về chiều, Gorsnev hay ngồi với Anghelina trong phòng chị. Trên tường có treo bức chân dung lớn, chân dung của chị do chồng chị vẽ bằng sơn dầu, và nhìn những đường nét thanh tú trên khuôn mặt người thiếu phụ trong tranh, Gorsnev tỏ ý tiếc rằng Anikusep không đi theo con đường hội họa; hồi ở Vơkhutêmat, anh và Anikusep cùng học với nhau.
Anghelina vóc người cao lớn, tóc đã bắt đầu điểm bạc nhưng vẫn còn đẹp, cái đẹp không biết đến tuổi già của phụ nữ Nga. Có lần, lựa lúc Olga còn ở trường nhạc, chị nói với anh bằng giọng tâm sự và buồn rầu:
- Anh là bạn lâu năm của chúng tôi, Gheoocghi Xecghêêvic ạ, và thật sung sướng khi ta biết chắc rằng ở một nơi nào đó, vẫn có một người quý mến ta tuy ta và người đó họa hoằn mới gặp nhau.
- Khoảng cách và thời gian có nghĩa lý gì đối với tình bạn. Tình bạn bao giờ cũng có đủ sức vượt mọi trở ngại trên đời.- Gorsnev đáp, nhưng anh nghĩ rằng Anikusep qua đời đã ngót tám năm rồi, vậy mà anh mới đến thăm gia đình bạn có đôi ba lần, và cũng chỉ nhân dịp đi làm công việc phục chế.
- Trước kia Koxchia là một họa sĩ có tài,- anh thở dài nhìn bức chân dung,- anh ấy say mê nghệ thuật thực dụng và bỏ hội họa…Ờ, mà nói thế chứ, tôi cũng đã trở thành cán bộ phục chế, mặc dù tôi ham thích hội họa. Tuy vậy, tôi vẫn vẽ tranh thuốc nước đấy, không bỏ hẳn đâu. Kể cũng đáng tiếc là con gái chị không thừa hưởng được khả năng của bố… Giá như cháu đi theo con đường của bố thì thật là hay.
Anghelina Mikhailôpna không nói gì, chị đưa mắt nhìn anh một thoáng. Gorsnev tầm vóc trung bình, đeo đôi kính cận nặng, hàng ria mảnh đã đốm bạc.
- Gheoocghi Xecghêêvic ạ, khi nhận được thư anh cho biết sẽ về đây, tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên sửa lại một đôi chỗ cả trong đời tôi, như người ta thường làm khi phục chế những bức bích họa cổ.
Gorsnev không hỏi gì, nhưng anh có cảm giác rằng nỗi buồn của Anghelina sâu sắc hơn nỗi buồn của người phụ nữ đang về già.
- Tôi không có bạn.- Anghelina nói.- Nhất là những người bạn cùng thân với Anikusep.
Gorsnev hơi ngạc nhiên thấy chị gọi chồng bằng tên. Giữa hai người hẳn đã xảy ra chuyện gì mà anh chưa biết. Anh chỉ cảm thấy chị vẫn chờ một buổi chiều chỉ có hai người với nhau để có thể nói chuyện tâm tình.
- Điều tôi sắp kể với anh đây, tôi không thể mang mãi trong lòng được… bằng cách gì đi nữa thì cũng phải bỏ nó lại thôi. Và hẳn là Anikusep cũng sẽ không tha thứ cho tôi nếu tôi cứ để cho mình bị vương vấn bởi câu chuyện ấy. Bây giờ ta hãy cùng nhau phục chế lại một bức bích họa đã bị bồi hỏng.
Chị im lặng một lát, Gorsnev chờ đợi.
- Anikusep biết rằng trước khi chúng tôi thân nhau, tôi đã yêu một người khác.- Lát sau chị nói.- Tình yêu ấy chẳng đem lại gì cho tôi, ngoià nỗi đau, nhưng đấy là chuyện đã qua. Chắc hẳn anh tưởng tượng được tình cảm của người phụ nữ bị người yêu bỏ rơi. Tôi biết Anikusep đã lâu và vẫn kính trọng anh ấy, thế rồi khi anh ấy chìa tay ra cho tôi đúng vào lúc ấy thì tôi vội nắm lấy… Tôi vội nắm lấy, không suy nghĩ gì hết và không mường tượng gì đến mọi chuyện sau này sẽ ra sao; chắc chắn tôi sẽ làm mẹ, và cần phải thú thật hết với Anikusep hoặc giấu anh ấy chuyện đó… Nhưng tôi không dám thú thật, tôi sợ mất nốt cả anh… Rồi Olya ra đời, và suốt đời, tôi đã bị lương tâm cắn dứt! Trời ơi, cuộc sống nhiều khi phức tạp làm sao! Về sau thì mọi việc như thế này: Olya lớn lên, sống với Anikusep tôi chỉ biết có hạnh phúc, anh ấy yêu quý Olya và chăm sóc con bé hết lòng, nó cũng yêu quý anh ấy. Tám năm trước Anikusep qua đời, anh ấy bị cảm lạnh vì tắm ở sông Kusma, khởi đầu là viêm phổi. Khi cảm thấy mình không qua được, anh ấy nói với tôi: “Em hãy chăm sóc Ôlya của chúng ta và hãy nhớ rằng suốt đời anh coi nó như con anh”. Như vậy là anh ấy biết hết nhưng không hề lộ ra lấy một lời. Ghêoocghi Xecghêêvic ạ, anh là đàn ông, có lẽ anh không hiểu hết được điều này có ý nghĩa sâu sắc như thế nào đâu, nhưng đàn bà thì hiểu được. Thế rồi anh ấy qua đời. Hồi ấy Ôlya mười lăm tuổi, bây giờ nó đã lớn, vẫn không biết gì hết, vẫn tưởng nhớ đến bố, còn tôi mang nỗi niềm trong tim như một tảng đá nặng. Nhưng Gheoocghi Xecghêêvic thân mến ạ, dù sao anh cũng đừng một mực chê trách tôi… Dù sao tôi với Anikusep cũng đã sống hạnh phúc, chúng tôi sống với nhau rất chân tình. Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết có cần thổ lộ với anh chuyện này không, nhưng dù sao trong lòng cũng nhẹ nhõm hơn khi có người nhìn vào chỗ uẩn khúc của đời ta, dù vẫn chê trách ta vì chuyện đó.
- Tôi đâu phải là người có quyền phán xét, chị Anghelina Mikhailôpna.- Gorsnev nói.- Vả chăng làm thế nào phán xét được cái vốn không có tên gọi? Tất nhiên, có những từ như lương tâm hay bổn phận với nghĩa đen của nó, nhưng liệu có thể nói được gì về trái tim con người, trái tim con người có đủ mọi thứ vách ngăn, đến nỗi đôi khi ta lạc lối ngay giữa trái tim ta.
Họ ngồi trong căn phòng vắng lặng đã bắt đầu tối lại. Bây giờ là tháng tư, nhưng mới chớm vào đầu tháng, đôi khi vẫn còn tuyết xuống thưa thớt, nhưng rồi ánh sáng đầy sức sống của mùa xuân vẫn cứ tràn lan khắp nơi, xua tan những đám mây đen và tuyết thường rơi trong nắng.
- Tất nhiên anh không ngờ anh sẽ phải phục chế cả một bức tranh như thế.- Anghelina nói.- Nhưng khi anh viết thư cho biết anh sẽ về đây, tôi quyết tâm lần này sẽ kể hết với anh, thực ra cũng nhằm một mục đích hơi xa xôi: Ôlya không còn ai thân trên đời, ngoài tôi ra… mà thiếu gì chuyện bất ngờ có thể xảy đến… Anh là bạn của Anikusep, hẳn anh không từ chối việc giúp cháu về tinh thần, nếu như đấy là điều cần thiết?
- Điều ấy chị còn nghi ngờ nữa ư?
- Tôi biết anh sẽ trả lời như thế. Cám ơn anh, Ghêoocghi Xecghêêvic.
Chị đứng lên, bật đèn, con gái chị sắp về, còn trên tường là bức chân dung một thiếu phụ trẻ, đôi mắt sẫm màu mang một vẻ đẹp Nga và một vẻ huyền bí có sức quyến rũ mê hồn như trên các bức chân dung cổ…
Theo kế hoạch công tác, Gorsnev chỉ phải có mặt khi việc phục chế bắt đầu, rồi để lại hai nhân viên có kinh nghiệm và anh trở về khi một phần các bức bích họa đã khôi phục xong. Anh ở nhà Anghelina đã hơn hai tuần, anh đã thân với chị và con gái chị và bây giờ anh hay thầm lén ngắm nhìn Olga, tìm những đường nét giống với khuôn mặt của cái người mà anh không quen biết.
- Cháu có muốn xem các cán bộ phục chế làm việc như thế nào không, Ôlya?- có lần anh hỏi.- Cháu sẽ thích thú khi thấy do công phu tìm kiếm tỉ mỉ sẽ dần dần lộ ra cái đã bị lấy đi mất… thì ngay cả bức tranh “Ba ngôi” của Anđrây Rublep trước kia cũng đã bị tô bồi lại làm hỏng cả nguyên tác kia mà.
Anh đưa Olga đến nhà thờ, nơi các nhân viên phục chế đang làm việc trên giàn giáo.
- Bố cháu mất đi còn để lại mấy bức vẽ thuốc nước rất đẹp, bố cháu chưa hề cho ai xem cả.- Olga nói.
- Bố cháu vốn là một họa sĩ rất giỏi… còn bố cháu là người thế nào thì chú khỏi phải nói.
- Cháu biết bố cháu là người thế nào. – Olga nói, nhưng giọng cô nghe là lạ. Gorsnev hơi ngạc nhiên nhưng không hỏi gì.
Họ đến cả nhà thờ, cả khu doanh trại của thân binh – đã có dự định chuyển nhà nhà bảo tàng địa phương về đây.
- Hội họa cổ, ngoài sự hồn nhiên về hình khối và màu sắc, còn mạnh nhớ sự minh triết của nó. Dục vọng, sự tức giận, tội lỗi, tình yêu, sự chuộc tội… các danh họa thời cổ biết truyền đạt những cái đó với sức mạnh diệu kỳ và tiết kiệm phương tiện đến mức kỳ diệu. Tiếc là cháu không nối gót bố cháu…- Gorsnev nói.
- Cháu yêu bố cháu hơn bất cứ ai trên đời. Bố cháu đã đau khổ nhiều.- Olga đáp.
- Cháu muốn nói gì vậy?- Gorsnev hỏi, hơi chột dạ.
- Chú Ghêoocghi Xecghêêvic, chú hãy hứa không cho ai khác được biết điều cháu sắp nói với chú đây. Chú là bạn bố cháu nên cháu mới thổ lộ với chú. Sau khi bố cháu mất, cháu tìm thấy ở giữa đám giấy tờ của bố cháu một lá thư… Cháu không biết thư đã được gửi đi chưa hay đây chỉ là bản nháp của lá thư mà bố cháu có ý định gửi. Nhưng không bao giờ được để cho mẹ cháu biết lá thư ấy… Chú đợi cháu ở vườn hoa, cháu sẽ lấy đưa chú xem…
Gorsnev đến ngồi trên chiếc ghế dài trong vườn hoa. Mùa xuân đã đến gần, cành cây đã lấm tấm những chồi mới nhú, nom như mụn cóc. Những con chim én, có lẽ vừa bay tới, vạch những nét đen trên bầu trời xanh lợt vẫn còn nhuốm màu khói.
- Lá thư ấy đây.- Cô gái đã trở lại.
Gorsnev cầm lấy lá thư, đọc.

“Chúng ta sẽ tôn trọng lẫn nhau.- lá thư viết sau khi gọi thẳng tên người nhận.- Có nhiều nguyên nhân buộc tôi phải viết thư cho anh, nói để anh biết rằng đã nhiều năm nay, Ôlya vẫn coi tôi là bố, và tôi van anh, anh hãy hứa với tôi điều này: trong bất kể hoàn cảnh nào, anh cũng đừng xuất đầu lộ diện, đừng làm tan nát cuộc đời của cháu. Tôi viết điều này cho anh, vì tôi luôn luôn cảm thấy nỗi lo lắng, đúng hơn là nỗi lo sợ của Anghelina Mikhainlôvna, sợ cho số phận của con gái. Mà số phận ấy cũng đã trở thành số phận của tôi”

- Cháu có thể tin cậy ở chú, Ôlya ạ.- Đọc xong thư, Gorsnev nói.- Biết làm thế nào được, nếu như nhiều khi trong đời người cũng như trên những bức bích họa cổ mà chú cháu ta đã xem hôm nay, có những lớp màu chồng lên nhau, đôi khi là lớp bồi thô bạo, nhưng bên dưới là sự kỳ diệu, là màu sắc, là tư tưởng và mơ ước của người nghệ sĩ. Bố cháu lúc sống rất yêu mẹ cháu, đấy là một tình yêu sâu sắc.
Gorsnev nói về Anikusep như nói về người bố của Olga, mà thật ra cũng đúng như vậy.
- Thế nào, hai chú cháu đến nhà thờ rồi chứ?- Anghelina hỏi khi hai chú cháu trở về.
- Bây giờ con mới hiểu thế nào là hội họa cổ.- Cô gái đáp.
- Tôi đã tuyển chọn được một tín đồ mới. Rồi đây sẽ có lúc tôi được ghi công.- Gorsnev mỉm cười.
Sau đó, họ nói chuyện linh tinh một lúc, bên ngoài là tháng tư mờ mờ màu khói vì đất bốc hơi ẩm.
“Bây giờ anh sẽ cho em thấy cuộc sống dưới những màu sắc êm dịu. Hãy nghĩ đến anh, và anh sẽ ở cạnh em, bởi vì trước đây chúng ta yêu nhau. Em vẫn nhớ đến anh chứ? Vẫn nhớ chứ? Nhớ chứ?”
Mấy dòng ấy của ai, anh đã đọc được ở đâu nhỉ? Nhưng Gorsnev không muốn nhớ lại… Những câu ấy tự nó tới giống như phấn hoa, hay như điệu nhạc hay, có lẽ như hơi thở của thời gian, nó làm ngay cả một trái tim đang về già đột nhiên cũng đập gấp lên.
- Thế bao giờ anh trở lại đây lần nữa?- Anghelina hỏi.
- Lần này thì chóng thôi.- Anh đáp.- Việc đã bắt đầu thì cần làm cho xong. Thật vui sướng khi cái đã bị chôn vùi dần dần xuất hiện dưới lớp bồi hậu kỳ.
Rồi Olga bầy bàn, họ cùng ngồi uống trà, Gorsnev khen món bánh nhân ngọt do Aghelina làm, và chị cắt cho anh miếng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét