Quanh năm khó nhọc bộn bề
Sớm đi sấp ngửa, tối về đăm chiêu
Ngược xuôi chạy trốn cái nghèo
Bao nhiêu hy vọng thả theo gió trời
Oái oăm là cái sự đời
Có trôi chảy cũng nửa vời đắng cay
Ngồi buồn rót rượu ra say
Chén này nhắm với nỗi này phải không?
Ừ thì đắng nuốt vào lòng
Cay phà vào gió mênh mông quanh mình
Mặc cho thiên hạ rập rình
Ta ngồi đây rót cho mình, cho nhau
Này là bể khổ nguồn đau
Này là đò chật sông sâu chập chờn
Nhấp môi chạm phải nguồn cơn
Gió ào ạt gió, mây
lờn vờn mây
Thì mình cứ rót em say
Tựa vào hơi ấm mà bay một lần
Đất xa, trời tạt xuống gần
Chung chiêng cả mấy mươi lần thế gian...
Nguyễn Lam Điền
(Tên thật tác giả là Nguyễn Thanh Huyền, tốt nghiệp Khoa Ngữ
văn, Đại học Sư phạm Hà nội, hiện đang giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Trãi,
thành phố Hải Dương)
---------------------------
Đặng Văn Sinh
Đọc bài thơ, hẳn là giới mày râu phải ngạc nhiên, bởi từ cổ
chí kim, hiếm có người đàn bà ngồi buồn rủ chồng uống rượu. Nhân vật trung tâm
của bài thơ hiển nhiên là người vợ, anh
chồng chỉ đóng vai trò thứ yếu, xuất hiện như một cái cớ, thông qua hình tượng
chén rượu để người vợ bộc lộ tâm trạng. Ngay từ những câu đầu tiên, người đọc
đã thoáng nhận ra, có một cái gì đó bất ổn, mất cân bằng, bị dồn nén quá lâu,
luôn có nhu cầu giải phóng. Đây là tâm trạng dằn vặt, u uất của cặp vợ chồng
gặp rủi ro sau những tháng năm dài bươn chải kiếm sống. Có điều họ là những
người đủ bản lĩnh, hiểu được thế thái nhân tình, âm thầm nhìn đời mà chiêm
nghiệm. Thực ra, rượu chỉ là cái cớ, người phụ nữ ấy chắc chả uống được đến nửa
chén nhưng bản lĩnh thật đáo để, cương cường, quyết đoán đến mức dám thách thức
cả thế gian. Cứ theo văn bản mà xét, hầu hết những câu thơ đều toát lên nỗi
ngậm ngùi, ẩn chứa những giọt nước mắt, lúc thì lẳng lặng “nuốt vào lòng” mặc
cho dòng đời đưa đẩy, lúc thì như muốn vỡ òa, hiển hiện thành lời cay đắng thậm
chí chao chát. Cách vận dụng lớp từ láy, từ ghép ở đây đạt đến hiệu quả bất ngờ
làm người đọc không khỏi sửng sốt trước khả năng diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ
dân gian thông qua những cấu trúc gần với thành ngữ của tác giả: “Oái oăm là cái
sự đời”, “Ừ thì đắng nuốt vào lòng”, “Này là bể khổ nguồn đau / Này là đò chật
sông sâu chập chờn”... Đến đây thì chẳng ai còn nghi ngờ tính chất tượng trưng
của rượu. Rượu chỉ là một cách nói còn nỗi cay đắng, nghèo hèn mới là có thật.
Tâm trạng người vợ lần lượt được biểu hiện qua những dòng
thơ hình dung cuộc nhân sinh đầy bất trắc. Họ phải chống chọi với đủ thứ nguy
nan hữu hình và vô hình, không chỉ của Trời, Đất mà mà của cả đồng loại trong
cuộc canh tranh khốc liệt. Đó là “bể khổ”, “nguồn đau”, “đò chật”, “sông sâu”,
“gió ào ạt”, “mây lờn vờn”... Những lớp từ ấy giàu biểu cảm, đa nghĩa, đa
thanh, đọc nghe như xoáy vào lòng tạo
thành nỗi ám ảnh sợ hãi như một thứ định mệnh truyền kiếp. Trong trạng thái
“chung chiêng”, nghĩa là nửa tỉnh nửa say, người phụ nữ nhìn thế gian bằng con
mắt có chút hơi men nên cảm thấy thứ gì cũng chao đảo, bồng bềnh nhưng cũng là
lúc người ta dễ nói thật lòng mình nhất. Tư thế của cặp vợ chồng này là an
nhiên tự tại, phong cách thật ngạo nghễ, nhìn thiên hạ nhốn nháo trong guồng
quay tạo hóa bằng tâm trạng của một người thua thiệt nhưng có vẻ như không mấy
bi quan : “Mặc cho thiên hạ rập rình/ Ta ngồi đây rót cho mình, cho nhau” Rót
cái gì? Rót rượu hay rót những nổi chìm của kiếp người? Đến đây ta dễ liên
tưởng đến một câu Kiều : “Nỗi lòng nghĩ đến sau này mà kinh” khi mà trước mắt
bày ra toàn những “bể khổ”, “nguồn đau”, “đò chật”, “sông sâu” nghe thấp thoáng
đâu đây nỗi “đoạn trường” của một nàng Kiều hiện đại.
Về bố cục, bài thơ được chia là hai phần nhưng có sự gián cách.
Phần một gồm bốn câu đầu và bốn câu cuối, phần còn lại là mười hai câu giữa, từ
“Oái oăm là cái sự đời” đến “Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây”. Phần thứ nhất,
bao hàm cả bốn câu cuối như một vĩ thanh, là lục bát hiện đại phát triển từ ca
dao, tục ngữ, được hoàn thiện với khả năng phu diễn khá chính xác hoàn cảnh bế
tắc gần như không lối thoát của cặp vợ chồng nghèo trên cái nền không gian buồn
tẻ, tù túng. Thế nhưng bốn câu cuối lại mở ra cả một chân trời mới đầy chất
lãng mạn, bay bổng, hình thành một cảm quan có biên độ giãn nở rộng, không bó
chặt như nỗi đoạn trường của nàng Kiều mà ý tứ phóng túng, ngôn ngữ khoáng đạt.
Cuộc song ẩm giờ đây đã biến nỗi đau khổ thành vấn đề triết lý nhân sinh. Bằng
sự thăng hoa trong tâm tưởng, họ đem số phận, tư cách và cả tình yêu của mình
đánh đổi lấy “cả mấy mươi phần thế gian”. Chén rượu tình ở đây hẳn là cay đắng
nhưng là “chén đồng” có sức mạnh làm nghiêng vũ trụ. Hơi ấm ở đây chính là nội
lực tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Trong men say lãng đãng, mọi thứ dường như
đều “chung chiêng”. Chồng say, vợ say, tâm hồn chống chếnh, họ như bay lên tầng
trời hạnh phúc. Đó là thứ thiên đường “cả mấy mươi phần thế gian” ở ngay trong
cõi nhân gian.
Mười hai câu giữa khác hẳn về mặt thi pháp. Đây là đoạn lục
bát mang phong cách tập Kiều mà hồn cốt của nó không gì khác hơn là “nỗi đoạn
trường”. Ở đây ta bắt gặp đủ kiểu lập ý, lập tứ, cấu trúc câu, trong đó có cả
những câu đanh quánh, riết róng hoặc thâm trầm nghiệt ngã. Một dàn những tổ hợp
từ biến hóa như có phép màu rút ra từ thi pháp Truyện Kiều tạo thành các cặp
tiểu đối, so sánh, tỷ dụ đẩy cảnh nghèo đến mức lý tưởng làm người đọc sững sờ
trước tài “phù phép” của tác giả. Những câu : “Chén này nhắm với nỗi này phải
không?”, hoặc : “Này là bể khổ nguồn đau / Này là đò chật sông sâu chập chờn /
Nhấp môi chạm phải cơn nguồn / Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây” là sự đóng góp
rất đáng kể trong hành trình lục bát. Sự sắc sảo của Nguyễn Lam Điền còn ở chỗ,
chị dùng thể loại lục bát tryền thống để tập Kiều mà không bị sa vào thứ văn vần
dung tục.
Có thể nói, Uống rượu với chồng là một thành công bất ngờ.
Nó tạo được sự hấp dẫn đặc biệt bởi trong đó hàm chứa một triết lý nhân sinh,
một quan niệm sống, một thái độ ứng xử bằng những lớp từ giàu sắc thái với nội
hàm phong phú. Cặp vợ chồng uống rượu trên một cái nền “chung chiêng”, từ điểm
xuất phát ấy, cái tôi nghệ sỹ bình thản hòa vào kiếp người bằng nguồn cảm
hứng tình yêu, dù nhìn thiên hạ bằng con
mắt la đà của chén rượu đắng nhưng tâm thức họ lại rất tỉnh. Cũng bởi trạng
thái tỉnh trong lúc say ấy mới có được những hình ảnh “đoạn trường thơ” như
“sấp ngửa”, “đăm chiêu”, “thiên hạ rập rình”, “đò chật sông sâu”, “đất xa trời
tạt xuống gần / Chung chiêng cả mấy mươi phần thế gian”. Đó là những câu chữ có
sức nặng được đặt vào đúng ngữ cảnh, thoát khỏi những ràng buộc về cú pháp tạo
nên sự đồng điệu tâm hồn.
Đặng Văn Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét