Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Bốn Tùy

Bốn Tùy

Tác giả: Lâm Thanh Tuyền
Dịch giả: Xuân Du

1. Tùy Hỷ

Sau khi đường Thông Hóa vào đêm, thường có một người ăn xin từ trong ngõ tối lê ra. Hai chân ông bị cụt, phải đi bằng đôi tay được quấn giẻ dày cộm.
Ông chống hai tay xuống đất, toàn thân nhổm lên nhích về phía trước chừng ba mươi phân, dùng hai đùi bị cụt làm điểm đỗ, rồi lại chống tay xuống đất.
Cứ mỗi lần ông lên như thế, cả đường phố hầu như kinh động.
Một chậu nhôm nhỏ được buộc vào cổ tay, vì thấp quá, nên mỗi khi ông lê được một bước, nó lại kêu loảng xoảng như nhắc người qua đường đừng quên bỏ tiền vào chậu.
Đa phần những người nghe thấy tiếng chậu nhôm lọc xọc dưới mặt đường, đều cúi nhìn xuống, và khi thấy cái bóng lồm cồm kìa, họ đều thốt ra tiếng thở dài kinh ngạc! Song, cũng đa phần số người ấy, sau tiếng thở dài, lại ngẩng lên đi, như chẳng thấy gì hết, chỉ có một số rất ít mủi lòng, bố thí cho ông mấy đồng bạc mọn. Sự ghẻ lạnh của con người và tiếng chậu nhôm lọc xọc đều khiến chúng ta kinh ngạc! Song nếu quan sát kỹ con phố Thông Hóa về đêm, thế nào chúng ta cũng biết nhiều người đã quá quen với cảnh thương tâm hơn thế. Trên con phố ngắn này, có mấy người cụt chân cụt tay, đi đứng khó khăn, chuyên bán tiền giấy: có một người đàn bà mù ngồi gảy đàn nguyệt bên cây đèn dầu tù mù; một đứa trẻ còi xương, bị bệnh bại liệt, nằm thẳng đơ trên phản; một chàng trai nhún chân, toàn thân co giật không ngừng; một cô gái nước dãi lều thều; và mấy người loạn trí vừa đi, vừa nói lảm nhảm suốt đêm... Cảnh tượng ấy làm cho người ta vì quen mà bị chôn vùi dần lòng từ bi.
Người ăn mày cụt chân nọ là một trong những hành khất ở đường Thông Hóa, không làm người qua đường thực sự lưu tâm, nên cái chậu nhôm của ông thường chẳng có gì. Để gợi sự chú ý của mọi người, đôi khi ông lê đi lê lại nhanh, hết nhô lại dừng, hết dừng lại nhô... Đứng bên đường nghe tiếng chậu nhôm ta có thể nghe thấy niềm khát vọng, tiếng kêu bi thiết trong lòng ông.
Ông hay đội cái nón cói đen nhẻm có mấy nhánh cói vểnh lên. Đứng nhìn xuống, chúng ta không bao giờ thấy được nét mặt ông, mà chỉ thấy cái nón tả tơi rách nát.
Một lần, dắt con đến chợ đêm đường Thông Hóa, tôi không sao đành lòng, lén bỏ thêm tiền vào cái chậu nhôm lưu động ấy. Ông vẫn dừng lại, con tôi đột nhiên mách bảo: “Ba ơi, cái bác không chân này cười lại còn cảm ơn nữa!”. Đến giờ tôi mới phát hiện ra con chỉ đứng cao bằng ông cụt chân, chắc nó phải nhìn rõ mặt người hành khất. Nghe con nói vậy, người ăn xin ngẩng mặt nhìn. Bấy giờ tôi mới trông rõ khuôn mặt đen dạn dày và thô ráp, phong sương, đã lâu không cần đến việc biểu lộ tình cảm. Rồi mắt tôi và mắt ông gặp nhau, tôi thấy đôi mắt khuất chìm giữa bóng tối của ông lóe lên tia sáng ấm áp như đang trò chuyện cùng tôi.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi hầu như cảm thấy được tâm tình ông, thứ tâm tình gợi đau xót, hàm chứa cả lòng từ bi lẫn sự dịu dàng sau đó. Khi cái chậu nhôm lại lọc xọc di chuyển ra phố đằng kia, đầu óc tôi cứ chao đảo bóng hình nhấp nhổm của ông.
Tôi đứng lặng bên đường ngẫm nghĩ. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta đều là kẻ cụt chân. Nếu giữa con người với con người không có sự quan tâm ấm áp, thì căn bản chúng ta không đủ sức để mà đi đường. Bất kể lúc nào và nơi nào, gặp người khiến chúng ta thương tình rồi rộng lòng bố thí tức là chúng ta đã tự thương mình, thương chúng ta sinh ra giữa cõi nhân gian đầy khổ đau này, thương chúng sinh không xa rời được bể khổ. Nếu sự hảo tâm của chúng ta làm cho chúng sinh được chút niềm vui ấm áp, thì dù ít hay nhiều, việc bố thí của chúng ta đều làm xúc động lòng người, vì cái hỷ của chúng sinh chính là cái hỷ của chúng ta, cho nên Phật giáo mới gọi là việc bố thí hay cúng tế là tùy hỷ.
Sự tùy hỷ này có nét siêu phàm. Nó không là sự đồng tình, không là lòng thương hại, mà là sự hỷ xả, nó giống như giữa màn mưa triền miên nhìn thấy bảy sắc cầu vồng rực rỡ. Ai chưa thấy cầu vồng mọc giữa màn mưa, sẽ không có được tấm lòng tùy hỷ ấy. Vì biết có cầu vồng, khi ra tay làm phúc, chúng ta nên mang lòng biết ơn, chứ không nên tỏ lòng khinh mạn.
Tôi nhớ đến vị cư sĩ Duy Ma Cật trang nghiêm trong một cuộc tụ họp xúc động nhân tâm, có người dân cúng ông chuỗi hạt ngọc trai tinh xảo, đẹp vô ngần. Ông chia chuỗi hạt thành hai phần, một phần dâng cúng đức phật Như Lai, một phần bố thí cho người ăn xin hèn mọn nhất đang có mặt trong cuộc tụ họp, rồi ông cất giọng uy nghiêm nói: “Nếu thí chủ có lòng làm phúc cho người hành khất hèn mọn nhất thì cũng giống như điều phúc của Như Lai đại đức, không có sự phân biệt sang hèn, bình đẳng ở sự đại bi, bất cần quả báo cái đó được gọi là sự bố thí đủ đầy”. Thậm chí, ông còn nhắc nhở rằng những người đến với chúng ta chỉ để cầu xin, đều là đức bồ tát rời cõi chân tu về hiển kiến. Họ đến để khảo nghiệm lòng từ bi và tâm phúc bồ đề của chúng ta, khiến chúng ta siêu thoát khỏi bể trầm luân nơi thế tục. Nếu chúng ta ra tay bố thí để cầu xin điều phúc, thì chúng ta cũng chỉ là kẻ ăn xin. Nếu chúng ta coi người ăn xin là bồ tát, và bố thí với lòng biết ơn, thì càng có thể khiến chúng ta bước ra khỏi bến bờ mê muội.
Khi bố thí, chúng ta nên mang lòng cảm tạ sâu sắc nhất, cảm ơn chúng ta là thí chủ chứ không là người cầu xin, cảm ơn những người già cả tàn tật đã làm cho chúng ta thức tỉnh để nhận ra cõi đời này không hoàn hảo và cả chúng ta cũng không hoàn hảo nốt.
Tất cả nỗi ly khổ vô tận mà bồ tát tu hành là cốt cầu xin cõi bồ đề chính đẳng, công đức quang đại. Ta tùy hỷ, nếu coi hư vô tận thế, chúng sinh tận thế, thì sự tùy hỷ của ta không vì thế mà tận kiệt.
Tôi nghĩ, với sự đồng tình, với lòng thương xót, thậm chí đau khổ, và với thái độ xem thường khi nhìn nhận người cần đến sự yêu thương, thì đấy không gọi được là tùy hỷ. Chỉ với lòng biết ơn và bồ đề, làm lòng ta yên tĩnh dịu dàng, mới thực sự là tùy hỷ.

2. Tùy Nghiệp

Mở hộp bánh bích quy của con, tôi bắt gặp con gián nằm ép trong một góc.
Con gián nằm yên, không động đậy. Trong lúc tôi đang lấy làm lạ thấy con gián gặp người mà không tháo chạy, thì đột nhiên thấy nửa thân trước của nó tách ra để thò cái đầu và bộ râu trắng muốt. Tiếp đó nó cố giãy giụa cho cơ thể chui ra dần dần, vừa chăm chú, vừa cố gắng, khiến tôi không dám làm nó hoảng, mà chỉ lặng lẽ ngồi chồm hỗm quan sát từng cử động của nó.
Rõ ràng, con gián đang lột bỏ cái xác già khô rách nát của nó. Tìm góc hộp để lột xác, chắc nó cho rằng đây là nơi an toàn tuyệt đối, ai ngờ bị tôi tình cờ phát hiện, không biết nó bối rối đến mức nào. Nhưng giá có bối rối nữa cũng vô ích, vì nó vẫn phải theo một trình tự nhất định: trước hết chui đầu rồi thận trọng đưa từng chiếc chân ra, tất cả phải mất chừng nửa giờ, cuối cùng, nó dùng hết sức lực chui ra khỏi xác. Cái giây phút cuối cùng thật đẹp ấy là cái thể nhảy vọt long trời lở đất. Tôi hầu như nghe được tiếng thở dốc của nó. Nó không chạy trốn tức thì, mà chỉ động đậy hai sợi râu để thăm dò khí trời và hoàn cảnh mới.
Con gián vừa lột xác khiến tôi phải thở dài. Nó trong trắng đến mức gần như không bấn gợn chút tạp chất nào. Cơ thể nó trong suốt, sạch sẽ và óng ánh như bạch ngọc. Hàng ngày, loài gián thường gây cho ta tâm trạng căm ghét, nếu gạt bỏ mọi quan niệm sẵn có về loài gián, chúng ta có thể nói con gián kia có vẻ đẹp siêu phàm, làm xao động nhân tâm, chẳng khác gì con ve xanh lục vừa lột xác trên bãi cỏ.
Khi nhìn cái xác bẩn thỉu lốm đốm đen của nó, tôi cảm thấy con gián nhỏ trắng muốt lúc nở ra khỏi trứng cũng thanh khiết, không gây tổn hại gì cho con người. Trước vẻ đẹp thuần mỹ và trong sạch của nó, hầu như chúng ta không nỡ lòng giơ tay đập chết.
Sau đó, tôi nuôi con gián vừa lột một thời gian ngắn. Thấy nó từ màu trắng chuyển sang màu xám, rồi màu xám đen, sự chuyển màu chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Theo đà trưởng thành của nó, con gián từ chỗ hiền lành dần dần trở thành tinh quái, chạy lung tung trong hộp bánh, hễ thấy người hoặc ánh sáng là nó cuống cuồng muốn tháo chạy khỏi hộp.
Cuối cùng, tôi đành thả nó ra. Hôm được thả, nó phóng nhanh qua gầm bàn, rồi chạy về chỗ thùng rác. Mấy ngày sau, mỗi bận trông thấy loài gián nhỏ giống Đức này, tôi cứ tự hỏi: đâu là con gián có hình hài trong suốt và tuyệt mĩ mà tôi đã thấy, đã nuôi. Tôi không sao phân biệt được và cũng chẳng cần phân biệt, vì những con gián đang bò loạn xạ dưới đất kia con nào cũng giống con nào. Chúng có chung một thói quen, và số phận của chúng cũng vô cùng giống nhau.
Lúc nào chúng cũng thích sống trong xó tối, sợ ánh sáng, sống qua kiếp đời thế tục và nhớp nhúa nơi cống rãnh hoặc trong rác rưởi. Nếu chúng xông vào nhà thì cái đang chờ chúng là bình phun stock, là thuốc độc, là thuốc diệt trùng, là những cái bả nhử làm theo ý thích của chúng, là những bàn chân to bè có thể di chết chúng bất cứ lúc nào, là những chiếc dép lê sẵn sàng đập xuống khiến thân thể chúng nát nhừ cùng với cú đòn giáng mạnh.
Loài gián sinh ra kể cũng thật bi thảm, đáng thương. Chúng đích thực là loài sống “lang thang trong sinh tử, trôi nổi cùng nghiệp chướng”. Chúng sẽ về đâu đầu thai? Sau cuộc sinh tử tạm thời, chúng lại lang thang đến tận nơi đâu? Chúng lưu chuyển theo nghiệp chướng đến tận bao giờ mới chấm dứt?
Vì sao không con gián nào giữ được sự trong trắng, đẹp đẽ và thanh khiết như lúc mới sinh?
Đấy không phải là nghiệp ư.
Không phải là thứ gánh nặng bất khả tri ư.
Chúng ta đang cố công bảo vệ những loài vật quý hiếm sắp tuyệt chủng, vậy mà chúng vẫn bị tuyệt chủng. Chúng ta cũng cố công tìm mọi cách thức để diệt gián, thế mà gián chẳng những không tuyệt chủng, trái lại càng sinh sôi nảy nở nhiều lần. Đây cũng là nghiệp, cái đẹp mất đi là nghiệp, cái xấu gia tăng cũng là nghiệp, chúng ta làm thế nào mới rút chân ra khỏi nghiệp chướng ấy?
Từ con gián, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa nào đó về nhân sinh.

3. Tùy Thuận

Ở ngã tư đường Tây lộ Hòa Bình gặp đường Nam lộ Trùng Khánh, ngày nào cũng có những người đứng bán hoa ngọc lan. Họ không chỉ bán vào những ngày đẹp trời, mà đôi khi còn bán cả những ngày mưa to gió lớn.
Trong đám người bán hoa ngọc lan ấy, có hai chị trạc tuổi trung niên, một gầy, một béo; có một người đàn ông gầy nhom, da đen nhẻm, tay bồng con nhỏ; có hai cháu gái, một mười tuổi, một tám tuổi; đôi khi còn có cả ông già lưng hơi còng và bà lão tóc bạc phơ cũng gia nhập vào lực lượng buôn bán này.
Nếu đứng bán túm tụm một chỗ quá đông thì họ thuận tình tản sang đường Rospho, đường Nam lộ Tân Sinh. Bởi vậy, đôi khi đi theo đường Hòa Bình chạy từ đông sang tây, chúng ta phát hiện thấy những khuôn mặt quen quen đã từng gặp ở ngã tư đường Nam lộ Phục Hưng, đường Nam lộ Kiến Quốc, đường Nam lộ Tân Sinh, đường Nam lộ Trùng Khánh và đường Rospho. Những người bán hoa, bất kể già hay trẻ, đều rất nhã nhặn mềm mỏng, tay bê khay gỗ phủ vải ướt để tránh cho hoa ngọc lan khỏi héo, vượt ngang qua trước mũi ôtô, thấy lái xe xua tay, họ không hề tỏ ra bực bội. Nếu thấy cửa kính xe hạ xuống, họ liền chạy đến chìa xâu hoa thơm ngào ngạt vào tận cửa xe. Đến lúc đèn xanh bật sáng, họ đứng né vào trong vạch an toàn, kiên nhẫn chờ cho đến khi có đèn đỏ.
Tôi là giáo sư đại học, các chuyên gia giao thông thường nguyền rủa những ai hay nuông chiều những người bán hoa ngọc lan. Bất kể ở ngả đường nào, gặp bất cứ người bán hoa ngọc lan nào, tôi thường quên hết những lời thuyết giáo về an toàn giao thông, dừng lại mua mấy xâu ngọc lan, mua xong mới nhận ra họ là người bán hoa ở đường Rospho, đường Nam lộ Trùng Khánh.
Khi mua hoa ngọc lan, không phải tôi mua mùi hương ngào ngạt của hoa, mà là mua hương vị khổ đau chua xót của cuộc đời.
Mỗi lần nhìn người bán hoa lặng lẽ quệt mồ hôi dưới nắng hè gay gắt, tôi lại chạnh nhớ đến thời niên thiếu của mình: để kiếm được một hào bạc, tôi phải đứng dưới nắng gắt bán từng que kem, hoặc đứng giữa nơi lạnh cóng bán từng quả táo dầm đường. Tận đáy lòng mình, tôi có thể gần kề với niềm khát khao trong lòng họ. Tuy họ chỉ mim cười áp sát cửa xe, song lòng họ ấp ủ bao hy vọng, chỉ mong có người hạ kính cửa xuống để mua một xâu hoa. Xâu hoa có quan hệ đến hơi ấm của nhân gian này chỉ bán được mười đồng, rẻ ơi là rẻ. Song thứ rẻ tiền chưa hẳn đã là rẻ rúng, liệu những ai ngồi trong xe chạy máy điều hòa có hiểu được thế không?
Mấy người bán hoa cho tôi biết tầng lớp hay mua hoa nhất là cánh lái xe buýt, có lẽ họ là người hiểu rõ nhất mùi vị cuộc sống bôn ba vất vả thế nào nên mới có sự đồng cảm sâu sắc nhất với những người bán hoa trên đường phố. Thứ đến là dân lái xe con. Đối tượng khó bán nhất là những ông bà ngồi trong nhũng chiếc xe sang trọng, hễ nhìn thấy người bán hoa ngọc lan sán đến, là khuôn mặt cao sang quý phái của họ dửng dưng quay đi hướng khác.
Đôi khi cái ấm nóng của tình người không liên can đến tiền bạc, chúng ta sẵn lòng bỏ ra mười đồng mua một xâu ngọc lan giữa cái nắng như thiêu như đốt ở đầu dường, nói về mặt ý nghĩa, đôi khi còn lớn hơn bạc ngàn bạc vạn của những kẻ trọc phú diễn trò từ thiện để được chụp ảnh đăng trên mặt báo. Không nhẫn tâm chăng?
Đúng vậy. Khi mua hoa ngọc lan chính là do tôi không nhẫn tâm nhìn người khác mưu sinh dưới nắng chan lửa tưới. Để gợi người khác đồng lòng, đôi khi người bán hoa cõng cả con nhỏ trên lưng. Người ta chỉ trích họ đưa con ra nắng nhằm mưu cầu sự cảm thông của người đời là không nên. Nhưng tôi lại nghĩ khác, trong lúc mẹ ra đường bán ngọc lan, chả lẽ giao con cho vú em hoặc người ăn kẻ ở hay sao? Khi ta thương đứa trẻ phơi nắng chang chang, lẽ nào mẹ đứa bé không đau lòng cho con mình?
Thấy người ta cõng con theo, chúng ta nên mua thêm xâu ngọc lan lần nữa mà không cần hỏi đến nguyên do.
Tôi nghĩ, những người lặng lẽ đứng bán hoa trên phố, nếu kiếm được việc làm tốt hơn, chắc hẳn họ sẽ không đứng bán hoa nữa.
Đặt mình vào địa vị của người lao khổ để nghĩ vì họ, để đối xử bình đẳng với họ, đây chính là tùy thuận, thuận theo nỗi đau khổ của con người mà thỏa mãn sở nguyện của họ, mang lòng từ bi rộng lớn để họ khỏi phải tay không rời khỏi cửa xe. Nói vậy không có nghĩa là chút tiền nhỏ mọn của chúng ta mang lại lợi ích gì cho người bán hoa, mà chính là muốn nói nhờ có sự tùy thuận yêu thương, nên lòng dạ chúng ta càng trong sạch, càng dịu êm, càng tẩy rửa được những vết cáu bẩn đã tích tụ lại.
“Tất thảy chúng sinh đều là cội rễ, chư phật bồ tát là hoa trái, mang nước từ bi tưới tắm cho chúng sinh, tất làm cho chư phật bồ tát kết thành hoa trái của trí tuệ”. Khi mùa hoa ngọc lan đến, tôi cảm thấy mình đang mua cánh hương thơm của cõi lòng.

4. Tùy Duyên

Tôi có một chị bạn nuôi một con chó thuộc nòi bản địa, chân sau bên trái của nó bị chẹt xe nên trở thành què. Chị bạn tôi nhìn thấy nó đang sục tìm thức ăn trong đống rác bên hè phố, lúc ấy nó vừa bẩn vừa hôi hám. Vốn là người từ bi, chị bạn tôi mang nó về nuôi. Theo phong tục miền Bắc, đặt tên cho con càng xấu càng dễ nuôi, nên chị bạn tôi đặt cho con chó cái tên là con què.
Con què là chó hoang, ai thấy cũng ghét, nhưng sau khi về nhà chị bạn tôi, nó tỏ ra có chút đức tính tốt. Nó vốn là con vật dịu hiền, nghe lời, sạch sẽ,... hiểu được ý chủ, chỉ vì sống trong bãi rác, nên những đức tính tốt ấy của nó không được phát hiện ra. Bề ngoài của nó, trừ chút hơi quê, còn thực ra cũng không đến nỗi. Cái chân què của nó sau này lại thành đặc điểm làm cho người ta yêu thích, vì nó không chạy nhảy lung tung như những con chó bình thường, trái lại, nó như một cậu bé ngoan ngoãn, lúc nào cũng lũn cũn chạy theo bà chủ xinh đẹp đi dạo phố.
Chị bạn tôi đối xử với nó như đối xừ với con mình, càng ngày càng yêu thưong nó. Vì chị yêu con què nên đám trẻ trong ngõ đều gọi chị là mẹ của con què. Mẹ con què yêu chó, chuyện đó không chỉ trẻ con biết, mà cả lũ chó trong ngõ cũng biết. Những lúc chị đi dạo bên ngoài, đàn chó trong ngõ đều chạy theo. Không những thế, chúng con rối rít vẫy đuôi, tạo nên cảnh tượng vô cùng đặc biệt.
Con què dần dần khôn lớn và trở thành con chó ai nhìn cũng thích, ngày nào bọn trẻ cũng dẫn nó đi chơi, tối mới đưa về trả. Vì được yêu quý, con què trở thành con chó cưng nhất trong ngõ, không loài chó nào so bì được. Vì được yêu chiều, nên có người tưởng nó thuộc giống chó quý. Rồi vào một đêm, con què bị người ta bắt trộm. Chị bạn tôi và đứa con gái nhỏ đau buồn như vừa mất người ruột thịt. Bọn trẻ trong ngõ cũng tiếc ngẩn tiếc ngơ như mất một người bạn cùng chơi tốt nhất.
Hai năm sau, chị bạn tôi trông thấy con què trong tiệm mỳ Vĩnh Hòa, nó lại quay về những ngày sống quanh bãi rác, đang đứng chầu dưới chân bàn đợi gặm những khúc xương thừa.
Chị bạn tôi lại mang con què về nhà, cả ngõ phố tràn ngập niềm vui vì con què trở lại. Tình cảnh của con què hai năm qua thế nào, không hỏi cũng biết, chắc chắn nó bị đầy đọa nhiều, nhưng sau khi về nhà, thần thái nó lại như ngày trước. Ít lâu sau con què đẻ được một đàn con. Cái hôm nó đẻ, bọn trẻ trong ngõ, thậm chí cả những đứa ở phố xa đều đến xin một con đem về nuôi.
Nay đã là chó mẹ, con què càng ngoan và càng lặng lẽ hơn. Một lần theo chị bạn tôi đi mua hoa, nó lẳng lặng theo sau không chịu về nhà. Chị bạn tôi dỗ dành nó như dỗ trẻ con, nó mới quay về.
Từ sau lần ấy, tôi không thấy con què đâu nữa. Nó bị người ta đánh cắp hay tự ý bỏ đi, hoặc bị đội săn chó bắt mất? Không ai biết cả.
Đưong nhiên chị bạn tôi buồn lắm: không biết đến bao giờ mới gặp lại con què và gặp nó ở đâu? Giữa chị bạn tôi với con què có duyên số gì với nhau? Do nhân duyên kiếp trước hay mới bắt đầu gặp gỡ ở kiếp này?
Tất cả đều chưa biết.
Nhưng chị bạn tôi khăng khăng tin chắc sẽ có ngày gặp lại con què, đôi mắt quyến rũ của chị nhìn tận đẩu tận đâu:
“Người ta ai cũng bảo tùy duyên số, có sở nguyện tất có duyên số. Không có sở nguyện, thì dù có duyên số, cũng sẽ bị nhỡ nhàng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét