Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Mối Tình Đầu - Vladimir Bogomolov

Mối Tình Đầu


Tác giả: Vladimir Bogomolov
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến

Chúng tôi nằm, ghì chặt lấy nhau và không còn cảm thấy mặt đất cứng lạnh, ẩm ướt, như nó vốn vẫn thế trong thực tế, ở dưới lưng mình.
Chúng tôi gặp nhau đã nửa năm nay - từ ngày em đến trung đoàn. Tôi mười chín tuổi, còn em mười tám.
Chúng tôi - đại đội trưởng và nữ cứu thương - gặp nhau bí mật. Và không ai biết về tình yêu của chúng tôi và về việc chúng tôi đã có ba người...
- Em cảm thấy là con trai! - Em thì thầm vào tai tôi đã hàng chục lần. Em muốn, rất muốn làm vừa lòng tôi. - Và giống anh như đúc!
- Cùng lắm thì con gái anh cũng đồng ý. Và mong cho nó giống em! - Trong đầu đang nghĩ về chuyện khác, tôi đáp lại thì thầm.
Phía trước, cách chỗ chúng tôi nằm chừng năm trăm mét, trong hầm, và ngay cả trong giao thông hào trống trải, các chiến sĩ và hạ sĩ quan của đại đội tôi đang ngủ. Và xa hơn nữa, phía bên kia đường cảnh giới thỉnh thoảng bị hỏa tiễn quân Đức chiếu sáng, là cao điểm 162 nằm ẩn mình trong bóng tối.
Sáng sớm mai, đại đội của tôi cần phải làm cái việc mà một tuần trước đây đại đội phạm binh không làm nổi: chiếm cao điểm 162 đó. Về điều này, trong tiểu đoàn chỉ mới có năm sĩ quan biết - những người chiều nay được thiếu tá trung đoàn trưởng gọi đến hầm chỉ huy trung đoàn. Sau khi phổ biến mệnh lệnh, thiếu tá nhắc lại với tôi:
- Như vậy, cậu phải nhớ lấy: Cachiusa mở đầu pháo hiệu xanh, và cậu lên... Những người bên cạnh cũng sẽ tham gia, nhưng cao điểm thì cậu phải chiếm.
... Chúng tôi nằm sát nhau, và hôn em tôi không thể không nghĩ về trận chiến đấu sắp tới. Nhưng cái làm tôi lo lắng hơn cả là số phận của em. Và tôi, đầu nhức nhối như muốn nổ tung ra, suy tính: phải làm gì đây?
... - Bây giờ em phải ngủ cho cả hai, - trong lúc đó, em vẫn thì thầm câu chuyện đều đều như đang hát.
- Anh biết không, đêm đêm nhiều lúc em có cảm tưởng là sáng ra, tất cả sẽ kết thúc. Cả hào hầm, cả máu, cả cái chết... Đã ba năm rồi - chẳng lẽ nó, chiến tranh ấy mà, lại có thể kéo dài mãi hay sao? Anh thử tưởng tượng xem: sáng dậy mặt trời mọc lên, và chiến tranh đã hết, hoàn toàn đã hết...
- Anh đến gặp thiếu tá bây giờ đây! - Rút cánh tay từ dưới mái đầu em ra, tôi cương quyết đứng dậy. - Anh sẽ kể hết cho anh ấy nghe, kể hết! Để người ta sẽ cho em về nhà. Ngay ngày hôm nay!
- Anh nói sao? - Em nhỏm dậy, túm lấy ống tay áo tôi và kéo mạnh về phía mình. - Nằm xuống đây!... Ôi sao anh ngốc thế!... Thiếu tá sẽ lột da anh ra ngay!
Và bắt chước giọng trầm hơi thô của trung đoàn trưởng, em khẽ nói thầm từng tiếng chậm rãi:
- Tằng tịu với cấp dưới, không nâng cao khả năng chiến đấu của đơn vị, làm mất uy tín của chỉ huy. Biết được ai, tôi sẽ đuổi ngay, bất kì người nào! Với lí lịch như vậy, thậm chí vào phòng giam nghiêm chỉnh người ta cũng không dám nhận. Chiến thắng rồi, muốn yêu ai và yêu bao nhiêu tùy ý. Còn bây giờ - tôi cấm!
Giọng của em bỗng cắt ngang, và em, đầy vui sướng tinh nghịch, nằm úp mặt xuống, cười không thành tiếng để không ai nghe thấy.
Vâng, tôi biết mình sẽ bị quở phạt ra trò. Thiếu tá là người rất nghiêm khắc, đối với anh ta, chiến tranh không phải là chỗ của phụ nữ, còn về tình yêu thì lại càng không cần phải nói...
- Nhưng dù sao anh cũng phải đến gặp thiếu tá.
- Im xem nào! - Em áp mặt vào má tôi, và một lát sau thở dài, thì thầm. - Em sẽ tự mình làm tất. Em đã nghĩ ra rồi. Cha của đứa bé sẽ không phải là anh!
- Không phải là anh?! - Người tôi nóng bừng lên như lửa. - Thế nào mà không phải là anh?
- Ôi, sao mà anh ngốc đến thế! - Em ngạc nhiên vui vẻ. - Lạy Chúa, để nó đừng giống anh! Anh hiểu không, trong giấy tờ và nói chung anh sẽ là cha. Còn bây giờ em sẽ đổ cho người khác!
Em, như trẻ con, ngây thơ và chân thực đến nỗi cái trò láu lỉnh như vậy làm tôi kinh ngạc:
- Em sẽ đổ cho ai?
- Cho một người nào đó không còn ở đây nữa. Thí dụ: cho Baicov chẳng hạn.
- Không được, đừng động đến người đã chết.
- Thế thì... cho Kindiaev.
Chuẩn úy Kindiaev, một người gian giảo, đẹp trai, một gã ăn cắp và say rượu, vừa mới đây bị gửi đến đơn vị phạm binh. Cảm động, tôi mở vạt áo capote và kéo ghì em sát vào người.
- Khẽ nào! - Em hoảng hốt chống hai bàn tay vào ngực tôi. - Anh đè chết hai mẹ con em mất! - (Em đã bắt đầu nói về mình như vậy và lần nào cũng lộ vẻ vui mừng như đứa trẻ). - Anh ngốc của em ơi! Anh quả là may mắn gặp được em đấy. Với em, anh sẽ không có gì phải lo lắng cả!
Em cười tinh nghịch và vô tư, mà tôi thì hoàn toàn chẳng còn bụng dạ nào để cười nữa.
- Này em, em phải đến gặp thiếu tá ngay bây giờ đi!
- Ban đêm ấy à? Anh nói gì thế?!
- Anh sẽ đưa em đến! Em hãy giải thích cho anh ấy và nói rằng em mệt, không thể chịu được ở đây nữa.
- Nhưng như vậy là không thực!
- Anh van em! Làm sao em có thể ở đây?... Em phải đi khỏi ngay! Em hiểu không... nếu bỗng nhiên... Nếu ngày mai có đánh nhau?
- Đánh nhau à? - Em lập tức trở nên tập trung căng thẳng. Chắc em đã hiểu ra tất cả. - Không, có đúng thế không?
- Đúng thế.
Em nằm im lặng một lúc lâu. Nghe nhịp thở của em - ôi nhịp thở quen thuộc thân thương đến vậy! - tôi hiểu rằng em đang lo lắng.
- Thì đã sao... đánh nhau thì không thể chạy trốn được. Mà cũng không chạy trốn nổi... Dù sao, đợi cho cấp trên xem xét và gửi lệnh đến sư đoàn cũng phải mất mấy ngày... Mai em mới đến gặp thiếu tá. Đồng ý chứ anh?
Tôi im lặng, cố nghĩ ra một cách nào khác và không biết nói với em ra sao.
- Thế anh cho là em đến gặp thiếu tá dễ dàng lắm sao? - Em bỗng lại thì thầm. - Không, chết còn dễ hơn!.. Đã bao nhiêu lần anh ấy nói với em: “Cẩn thận đấy, phải làm người khôn ngoan...”. Mà em... Lại còn là đoàn viên thanh niên cộng sản...
Thút thít, em quay đi, áp mặt vào ống tay áo capote, khóc không thành tiếng, cả người run rẩy. Tôi dùng sức ghì chặt lấy em, hôn vào cặp môi nhỏ xinh, vào trán, vào đôi mắt mằn mặn nước.- Bỏ ra, để em về. - Em gỡ tôi ra, nói rất khẽ. - Anh tiễn em chứ?
... Chúng tôi đi xuống một khe núi nhỏ ẩm và tối, nơi đặt trạm quân y của tiểu đoàn. Tôi đi phía sau đỡ ngang eo lưng em, cảm thấy nó đã bắt đầu hơi đẫy ra. Tôi đỡ em bằng cả hai tay, giữ cho em từng bước một. Để em không vấp, không bước hụt, không trượt ngã. Dường như tôi có thể giữ gìn em, ngăn em khỏi chiến tranh, khỏi trận đánh sáng ngày mai, vào lúc bình minh, khi em sẽ phải chạy, phải ngã và phải cõng những người bị thương trên lưng mình...

* * *

Từ đó đến nay đã mười lăm năm, nhưng tôi vẫn nhớ tất cả như chuyện đó mới xảy ra ngay vừa đây thôi, ngay ngày hôm qua.
Sáng sớm hôm sau, Cachiusa mở đầu, súng cối và pháo binh sư đoàn bắn dữ dội, rồi những phát pháo hiệu xanh bay vọt lên không...
Và khi mặt trời mọc, tôi cùng những người còn lại của đại đội tôi xông lên cao điểm. Nửa giờ sau, trong căn hầm kiên cố của quân Đức, trung đoàn trưởng và một người nào đó nữa chúc mừng, ôm hôn và bắt tay tôi. Còn tôi đứng như trời trồng, như cột gỗ, không cảm thấy, không nhìn thấy, không nghe thấy gì hết.
Mặt trời... nếu như tôi có thể bắt nó lùi ngược trở lại, xuống quá chân trời! Nếu như tôi có thể lấy lại bình minh!...
Bởi vì chỉ mới hai giờ trước đây thôi chúng tôi hãy còn ba người...
Nhưng mặt trời vẫn đi lên, chậm rãi, lạnh lùng, không gì cản nổi.
Tôi đứng trên cao điểm, còn em... em nằm lại đằng kia, phía sau, nơi các chiến sĩ đội mai táng đang đào huyệt...
Và không ai, không một ai biết, rằng em đã là ai đối với tôi, và rằng chúng tôi đã có ba người...

1958
Đoàn Tử Huyến dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét