Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Sao mày không vỡ, nắp ơi! - Vũ Trọng Phụng

Phóng viên báo Nhất Đông Dương xem xong tờ báo thì đập mạnh xuống bàn, nói một mình: “Có thế chứ ! Việc này làm nhao dư luận cả huyện, may ra mình có dịp kiếm chác một cái chơi!”
Nào có gì đâu? Cách đây hai hôm, có một bác nghiện đã thắt cổ tự tử. Hơn một tháng nay, cả vùng không có nhà cháy, người chết đuối hoặc bị trâu húc hay chết chẹt xe, cũng không có lấy một con gà toi, cũng không có lấy một con sâu cắn hại mùa màng, phóng viên báo Nhất Đông Dương nghĩ đến cái chức nghiệp của mình mà những lo nơm nớp. May sao có người thắt cổ, nhà báo tất phải thêu dệt ra như chuyện đổ trời.
Nhà báo gật gù tự khen mình hoài rồi đắc chí đọc lại một cột tin vặt:

PHẢI CHĂNG LÀ MỘT VỤ BỨC TỬ?

Điện tín của bản báo

Mới đây, Nguyễn Văn Anh, một bác lính lệ về hưu, đã thắt cổ tự tử. Bác ta 50 tuổi đầu, ở thuê trên gác nhà hàng cơm xế cửa huyện, nghiện hút và sống một mình, không họ hàng, không vợ con. Khi quan huyện đến khám thì thấy dưới đất có những mảnh vỡ của một cái ấm cổ đời Khang Hi. Trên khay đèn, có cái nắp ấm ấy, không vỡ. Sau khi khám xét, thấy không có điều gì khả nghi, quan huyện đã cho phép mai táng.
Đặc phái viên của bản báo đã đến tận nơi điều tra. Nghe đâu vì có điều đau đớn, người lính lệ đáng kính ấy mới đến nỗi thắt cổ. Chúng tôi dám nêu lên một câu hỏi: đó là có một vụ bức tử không? Nếu không, tại sao bên cạnh xác chết lại có cái ấm vỡ với cái nắp ấm không vỡ?  Đồn rằng người thiệt mạng bị bà chủ dưới nhà đòi tiền nhà rất gắt gao. Đồn rằng có một người bạn thân của kẻ thiệt phận đã đem đến đấy cái ấm Khang Hi nên mới đến nỗi xẩy ra vụ bức tử này. Chúng tôi mong quan huyện khai quật tử thi lên khám một lần nữa. Có bức tử phải có hung phạm. Chúng tôi mong các nhà đương chức tìm cho ra hung phạm!
Vì người thiệt mạng đối với Nhà nước đã là người có công lao. Khi làm việc quan 10 năm, không ăn lễ và đã mách được bốn đám rượu lậu. Một người trung thành với Nhà nước như thế, không lẽ Nhà nước để chết oan.
Được tin gì thêm về vụ quan trọng này,  bản báo sẽ đăng tiếp.

Nhà báo Nhất Đông Dương đọc lại rồi cười vang nhà, rồi lại nói một mình: “Ít ra anh lính lệ cũng có 20 người quen. Ít ra mụ chủ nhà cũng có 50 người quen. Ít ra anh bạn đem ấm cũng có 50. Cộng thêm dân hàng huyện, báo mình nhờ cái tin vặt này, phải tăng lên vài trăm độc giả. Mà biết đâu mụ chủ nhà với anh có cái ấm, hoảng hồn, lại chẳng đấm họng cho mình vài chục bạc để tiêu pha!”
Nhà báo tự khen mình xong, đội khăn ra huyện dò... dư luận.
*
Quan huyện đập bàn, gắt:
- Vẫn biết ông là nhà báo thì phải làm cho báo chạy! Song không nên quên bỏ lương tâm nhà nghề! Tôi đây, tôi đã khám xét tử thi kỹ càng mới cho chôn. Người ta tự tử thì chính người ta là phạm. Vậy sao ông dám đồn ngôn ra là một vụ bức tử? Ông đừng thêu dệt!
Phóng viên báo Nhất Đông Dương tái xanh cả mặt như mất hồn. Quan huyện lại trỏ một người đàn bà và một người đàn ông đứng hầu đó:
- Đây là người chủ nhà, ông buộc người ta tội gì? Cho thuê nhà mà không được phép đòi tiền hay sao? Còn đây chính là bạn kẻ thiệt mạng, người đem đến biếu cái ấm cổ. Thấy bạn túng thiếu thì đem biếu một thứ đồ cổ, mong bạn bán đi mà chi tiêu, thế mà ông dám buộc tội là “gây ra một vụ bức tử” à? Ông có biết luật phạt tội vu cáo mấy tháng tù không?
Nhà báo run run khẽ thưa:
- Quan lớn xét cho... nghề báo chúng tôi phải gây ra dư luận, báo mới chạy.
Quan huyện lại đập bàn:
- Ông chủ báo của ông bắt ông vô lương tâm như thế à?
- Bẩm vâng. Chúng tôi phải theo điều luật: cái gì cũng làm ra to chuyện.
- À! Tưởng lỗi chỉ ở ông, thì tôi chỉ viết thư về nhà báo mách vô lương tâm của ông mà thôi.  Còn nếu các ông đã cùng một ruộc cả thì, được lắm. Đây, hai lá đơn kiện nhà báo về tội vu oan đây này! Tôi không hòa giải nữa. Để tôi cứ tư thẳng lên quan Sứ.
Thôi chết đến nơi rồi! Nếu thật vậy thì rồi gẫy cần câu cơm. Nhà báo Nhất Đông Dương bèn gãi đầu gãi tai, khẽ thưa:
- Bẩm quan lớn, xin quan lớn hãy khoan cho. Để chúng tôi xin cải chính.
Quan huyện hất hàm sang bên cạnh:
- Đấy, hai bên nguyên đơn đấy. Ông xin người ta xem sao.
Nhà báo khúm núm xoa tay:
- Bẩm ông và bà thứ lỗi. Để chúng tôi xin cải chính.
- Nếu không cải chính ngay, chúng tôi quyết bỏ làm ăn theo kiện.
- Bẩm xin cải chính ngay nay mai.
Hai người gật đầu. Nhà báo khúm núm cáo từ nhưng quan huyện lúc đó đã hơi nguôi, còn mỉm cười hỏi:
- Cải chính thì cải chính ra làm sao?
Thì nhà báo, một cách kiêu căng kín đáo, so vai:
- Bẩm quan lớn, đó là bí mật nhà nghề !
Về nhà, phóng viên thở dài rồi lấy giấy bút ra, viết.
*
Hai hôm sau...

Quan huyện nhận được tờ Nhất Đông Dương, giở ra thì chưa chi đã đập xuống bàn kinh hãi mà rằng: “Cái thằng nhãi! Quái ác thay!”. Vì rằng ngài thấy giòng tít đăng chữ rất to:

QUANH CÁI CHẾT KHẢ NGHI Ở HUYỆN V. L.

Bản báo phóng viên đã tìm ra hung phạm.

Về việc Nguyễn Văn Anh chết ra sao, ngay khi xảy ra việc, điện tín của bản báo đã đánh về thông tin với quốc dân. Đồng thời cuộc điều tra của quan huyện, bản báo phóng viên cũng có mở cuộc điều tra.
Thế cho nên bản báo đã dám nêu ra: phải chăng đó là một vụ bức tử?
Bây giờ tiếp được tin sau cùng là kẻ hung phạm không phải là người chủ nhà đòi tiền, cũng chẳng là người đem biếu bác lính lệ cái ấm cổ, mà chính là cái nắp ấm vậy. Cái nắp ấm ấy đã bức tử, đã phạm tội giết người.
Việc này là sự thật chớ không có tính cách hoang đường tí nào cả. Nhưng vì lẽ gì, bản báo đã khám phá được ra? Ôi! Thật là một sự linh thiêng vô cùng. Tin này hay hơn chuyện Bao Công kỳ án vậy.
Sở dĩ bản báo phóng viên tra được ra cái án này là ở giấc mộng, mà kẻ thiệt phận do tấm oan hồn xui khiến, đến báo cho.
Đêm qua, bản báo phóng viên nằm mê, mê thấy bác lính lệ xõa tóc đến kêu rằng:
- Lạy ngài, ngài là bậc văn sĩ Nhất Đông Dương đáng là nhà báo giỏi nhất. Không phải con tự tử, chính con đã bị bức tử, chính con đã chết oan! Xin ngài vì nước, vì dân xin quan trên tống giam cái nắp ấm. Nguyên do là dân bẹp tai, giữa lúc túng kiết, thuốc đã chả có lại bị cái khổ họ thằng thúc tiền thuê nhà. Giữa lúc ấy, may sao có bạn hiền đem lại biếu một cái ấm cổ từ đời Khang Hi. Sung sướng quá, con lau chùi cái ấm suốt đêm, hy vọng hôm sau đem bán lấy 5 đồng bạc. Song le, họa vô đơn chí, giữa lúc đang nâng niu ấm thì nắp ấm buột khỏi tay, lăn lóc cóc xuống thang rồi rơi đánh keng một cái xuống đến dưới nhà. Ấm không nắp còn gọi sao là ấm! Con chán đời, mình giận mình, muốn chết, tức thì đập ấm vỡ tan. Rồi con thâu đêm nằm khóc lóc hãm với ngáp vặt. Ba giờ đêm, con thấy cần xuống nhà dưới. Chao ôi! Ngài có biết con thấy gì không? Con thấy cái nắp ấm nằm trên thềm, mà không vỡ, mà không rạn. Than ôi! Ấm không nắp đã không thành ấm thì nắp không ấm liệu có thành nắp không? Thế là con chui đầu vào thừng. Nó đã phạm tội không vỡ.
Cái nắp không vỡ đã bức tử con. Vậy ngài làm ơn xin quan trên lôi nắp ra tòa, phạt nắp khổ sai chung thân hay biệt xứ! 
Nói xong, oan hồn biến đi thì bản báo phóng viên tỉnh dậy.
Vậy có tin sau cùng này để đáp lại một mảnh hồn oan. Các độc giả thử so sánh xem: ngoài Nhất Đông Dương, báo nào có tin lạ thế?

Quan huyện đọc xong mà sung sướng, mà thấy nhà báo kia đáng trọng vô cùng.
Vừa lúc ấy, phóng viên xin vào hầu...
- Thưa quan lớn, ngài đã được đẹp lòng về bài cải chính ấy chưa?
Lạ thay, chỉ thấy quan thì thào nhỏ to:
- Này, sang năm, về hưu, tôi cũng muốn mở báo.  Vậy thể nào ngài cũng sẽ về giúp việc cho tôi nhé?
-----------
Loa, 20.12.1934

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét