Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Magellan - t/p Stefan Zweig

Stefan Zweig

Dịch giả: Trần Văn Nuôi

Vài dòng về tác giả

Stéfan Zweig sinh năm 1881 ở Vienne (Áo), trong một gia đình trí thức Do Thái. Năm 23 tuổi, ông được tặng giải thơ Bauernfeld, giải nhất ở Áo. Ông đi nhiều, viết nhiều. Chủ đề sáng tác của ông là thái độ đương đầu với sự thật, đả phá những giá tự hào nhoáng của nền văn hóa tư sản suy đồi. Như Romain Rolland đã nói về ông, “đây là một con người lang thang, lúc nào cũng đang trên đường đi, dạo qua mọi cánh đồng văn hóa, quan sát, ghi chép, viết những tác phẩm thầm kín nhất trong các quán trọ dọc đường... .
Pigafetta mà chúng ta vừa gặp trong tập ký sự lịch sử này chẳng hề được các sử gia nhắc nhở. Dưới ngòi bút và tấm lòng của ông, Pigafetta sống dậy, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó thực ra cũng là hình ảnh của chính ông “người đi săn tâm hồn” của mọi thời đại.
Sáng tác phong phú của ông gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết truyện ngắn (một số được tập hợp dưới tựa đề: “Ngõ hẻm dưới ánh trăng”. NXB Tác phẩm mới, 1980, “24 giờ trong đời một người đàn bà”, NXB Quảng Nam - Đã Nẵng, 1984), nghiên cứu: Tolstoi, Fouché, Marie Stuart, Marie Antoinette... bình luận: Ba bậc thầy, Cuộc chiến đấu chống Quỷ dữ... - Ông là người dịch và giới thiệu thơ Baudelaire, Rimbaud, Desbordes - Valmore, Verhacren...
Nhân vật sáng tác cũng như đối tượng nghiên cứu của Zweig là những con người đam mê, khát khao tìm ngọn lửa của sự sống, trên sự sống.
Ông sớm nhận ra ở chủ nghĩa phát xít mầm mống của sự hủy hoại mọi giá trị con người. Cùng với Romain Rolland, Jules Romain, Georges Duhamel, ông viết những tác phẩm nổi tiếng, chống chiến tranh, ngợi ca tình hữu nghị giữa các dân tộc (Jérémie, Volpone...). Ông rời nước Đức phát xít năm 1935, sang sống lưu vong ở Anh. Nhưng rồi ông cũng rời Anh quốc, sang cư trú ở Pétropolis, một thành phố nhỏ của Brazin vào năm 1941. Nhà văn lớn, tiếc thay, lại không có bản lĩnh của một chiến sĩ. Ông bi quan trước chiến thắng của bọn phát xít và thái độ của các nước phương Tây trong tấn thảm họa này của nhân loại.
Ngày 22 tháng Hai năm 1942, ông viết những dòng sau đây gửi lại bạn bè - ta cũng có thể hiểu là gửi lại cho loài người tiến bộ:

“Trước khi tự nguyện từ giã cõi đời, vẫn còn đủ minh mẫn, tôi muốn hoàn thành bổn phận sau cùng: xin hết lòng cảm tạ Brazin, đất nước diệu kỳ đã giúp đỡ tôi và công việc của tôi bằng một thái độ bạn bè, mến khách đến thế. Càng ngày tôi càng yêu mến đất nước này hơn, và khi tổ quốc tôi đối với tôi không còn nữa, khi châu Âu, tổ quốc tinh thần của tôi cũng đã tự hủy mình, tôi nghĩ chắc không có nơi nào thuận lợi hơn nơi đây để làm lại cuộc đời.
Nhưng ở tuổi ngoại sáu mươi, chắc phải có nhiều nghị lực lắm mới có thể làm lại đời mình từ đầu chí cuối. Mà tôi thì hơi sức đã mòn mỏi sau bao năm tháng lang thang. Cho nên tôi nghĩ, nên ngẩng cao đầu mà chấm dứt cuộc sống cho đúng 1úc. Cuộc sống coi lao động trí tuệ là nguồn vui trong sáng nhất, coi tự do của mỗi người là điều quí báu nhất trên đời. Xin chấm dứt.
Xin chào tất cả bạn bè tôi. Mong rằng các bạn sẽ nhìn thấy lại ánh bình minh sau đêm dài tăm tối.
Tôi thì tôi sốt ruột quá rồi, xin đi trước vậy.

Stéfan Zweig
Pétropolis, 22-2- l942.”

Hôm sau, Stéfan Zweig không còn nữa, ông dùng hơi ngạt chấm dứt đời mình. Vợ ông cùng theo ông trong cái chết.

Người dịch.
* * *
Lời tác giả

Một quyển sách có thể ra đời từ nhiều tình cảm rất khác nhau: niềm phấn khởi, lòng biết ơn, sự phẫn nộ buồn phiền. Đôi khi vì mục đích tìm hiểu sự kiện và con người mà ta cầm bút. Cũng có khi để kiếm sống, để tự phê bình. Các tác giả cần biết lý do khiến mình chọn đề tài này nọ, riêng về quyển sách này thì tôi biết rõ vì sao tôi viết. Nó sinh ra từ một tình cảm ít có dịp thấy trong đời nhưng rất mãnh liệt, đó là sự xấu hổ.
Câu chuyện là thế này. Cách nay mười tám tháng, tôi có dịp đi Nam Mỹ, đây là chuyến đi từ lâu mong ước. Tôi biết rằng ở Brazin tôi sẽ được viếng thăm vài ba thắng cảnh vào loại đẹp nhất thế giới và ở Achentina, bạn bè đang dành cho tôi những cuộc gặp gỡ thú vị. Chỉ cầu vậy thôi đã thấy dễ chịu lắm rồi, chuyến đi này lại gặp nhiều may mắn: biển thì lặng tờ không sóng gió, con tàu thì nhanh, thênh thang rộng. Chuyến đi thoải mái làm ta quên đi mọi buồn phiền ràng buộc hàng ngày, và tôi đã tận huởng dịp nghỉ ngơi ấy. Nhưng tự dưng, đâu vào ngày thứ bảy thứ tám gì đó, tôi đâm ra bồn chồn sốt ruột. Cứ mãi bầu từ xanh ấy, cứ mãi mặt biển êm ru ấy! Tự dưng tôi cảm thấy thời gian trôi sao mà chậm chạp. Tôi mong đến bến bờ biết bao, và thế là cái thú êm đềm ấm áp làm tôi đâm khó chịu. Tôi thấy mệt, cứ phải nhìn mãi những khuôn mặt quen thuộc, thấy hết chịu nổi cái cung cách phục vụ đều đều chính xác và bình thản trên tàu. Tiến nhanh lên! Nhanh nữa! Con tàu lịch sự tiện nghi ấy lướt sóng nhanh thế mà tôi cứ thấy nó chạy sẽ sàng thế nào ấy!
Nhưng rồi tôi chợt thấy xấu hổ quá. Làm sao mà lại nghĩ như vậy được chứ? Ở đây anh có mọi thứ. Ban đêm nếu thấy lạnh, anh chỉ cần xoay nút điện, cabin lập tức được sưởi ấm. Ban ngày nếu thấy nóng nực, anh chỉ cần bước một bước, mở quạt máy: mươi bước nữa, bể bơi đang đón mời anh. Tới bữa, anh có thể gọi bất cứ món gì, rượu gì, mọi thứ đều ê hề. Khi thích, anh tìm chỗ vắng để đọc sách, còn muốn giải trí thì trò tiêu khiển đấy, bạn bè khách khứa đấy. Anh có mọi tiện nghi, đủ thứ an toàn, anh biết sẽ tới đâu, mấy giờ tới, anh sẽ được đón tiếp ân cần, và từ Luân Đôn, Paris, Buenos Aires, và New York, người ta biết chính xác con tàu anh đang có mặt ở điểm nào trên trái đất. Hãy nhớ lại người xưa đi biển như thế nào. Hãy so sánh chuyến đi này với những chuyến đi của các nhà hàng hải táo tợn đã tìm ra các đại dương. Hãy hình dung, bằng những chiếc thuyền buồm thảm hại, họ đã lao vào khoảng vô biên như thế nào. Không rõ đường đi, mất hút trong đêm tối, phơi mình giữa hiểm nguy mưa nắng, giữa đói khát bệnh tật. Đêm không có ánh sáng, nước uống mặn chát trong thùng gỗ, thức ăn là những mẩu bánh khô cứng như đá với mỡ muối, mà đôi khi cũng chẳng có, phải nhịn đói dài dài. Không giường không đệm, nóng như thiêu, rét như cắt và thêm nữa, cầm chắc rằng mình bơ vơ, hoàn toàn trơ trọi giữa sa mạc nước mênh mông. Năm này tháng khác, người nhà chẳng biết họ đang ở đâu và cả họ nữa họ cũng chẳng biết mình đang tới đâu. Cái đói kề vai họ, cái chết bao quanh họ. Họ biết là không ai có thể tới cứu họ, không có cánh buồm nào tiến về phía họ trên mặt biển xa lạ kia. Không ai đưa họ ra khỏi cơn tuyệt vọng hoặc báo giùm tin họ đã chết. Chỉ cần nhớ lại những chuyến đi ấy thôi, là tôi đã thấy xấu hổ biết chừng nào.
Cái ý nghĩ này ám ảnh tôi suốt chuyến đi. Tôi nghĩ tới các vị anh hùng vô danh ngày ấy. Tôi muốn biết thêm về họ, và những chiến công đã từng làm tim tôi xao động khi tôi còn bé. Tôi tới thư viện dưới tàu tìm đọc vài quyển sách. Trong những thiên anh hùng ca ấy, chuyến đi của Ferdinand Magellan làm tôi xúc động nhất, chuyến đi khởi hành từ Séville trên năm chiếc thuyền buồm với ý đồ đi vòng quanh trái đất, chuyến phiêu lưu huy hoàng vào bậc nhất trong lịch sử loài người, chuyến đi của hai trăm sáu mươi lăm con người quả cảm, khi về chỉ còn mười tám. Mười tám người trên một con thuyền rệu rã nhưng với ngọn lửa chiến thắng chốt cao trên đỉnh cột buồm. Những quyển sách trên tàu chẳng cho tôi biết mấy về Magellan, cho nên khi trở về Âu châu, tôi tiếp tục tìm tòi, rất ngạc nhiên về những điều hiểu biết quá ít ỏi chung quanh chuyến đi ấy và nhất là sự bấp bênh của chúng. Tôi nghĩ rằng muốn cắt nghĩa cho mình hiểu rõ điều gì, tốt nhất là hãy tìm cách cắt nghĩa cho người khác hiểu.
Cuốn sách này đã ra đời như vậy, thú thật rằng nó đã làm cho tôi ngạc nhiên. Khi thuật lại chuyến đi một cách chính xác theo tư liệu thu thập được, tôi luôn có cảm giác đang thuật lại một câu chuyện do chính tôi bịa ra, đang thuật lại một trong những giấc mơ lớn nhất của loài người. Bởi, không gì sâu sắc hơn một sự thực có vẻ như là không thực. Trong các sự kiện lớn của lịch sử, vì chúng vượt quá xa tầm cỡ thông thường, chúng luôn chứa đựng một cái gì đó rất khó hiểu, khó tin. Nhưng chính là nhờ những điều khó tin như vậy mà nhân loại tìm tại được lòng tin tưởng nơi mình.

Stefan Zweig
* * *
Chú thích của tác giả

Tên của người đã thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên vòng quanh trái đất được truyền lại cho chúng ta có đến bốn năm dạng khác nhau. Trong các tư liệu Bồ Đào Nha, nhà hàng hải vĩ đại được gọi khi thì là Fernao de Magalhais, khi thì là Fernao de Magathaes. Ngay cả ông, khi phục vụ dưới triều Tây Ban Nha, cũng ký khi thì là Magahllanes, khi thì Maghellanes và các nhà lập bản đồ sau đó đã La tinh hóa dạng Tây Ban Nha ấy thành Magellanus. Lúc phải chọn một danh xưng thống nhất trong quyển sách này, tôi đã chọn dạng quốc tế từ lâu được công nhận là Magellan cũng giống như ta gọi Christophe Colomb thay vì Christoforo Colombo hay Christobal Colon. Cũng như nhà vua đã giúp ông thực hiện chuyến đi, được nhắc dưới cái tên lừng danh là Hoàng đế Charles Quint trong khi, ở thời điểm xuất phát của Magellan, ông mới chỉ là Carlos đệ nhất, vua Tây Ban Nha.

Chương một

Navigare necesse [1]

Khởi đầu mọi sự là gia vị. Cái ngày dân La Mã, trong các cuộc viễn chinh của họ nếm những món ăn thơm nồng, cay bỏng miệng của phương Đông, thì phương Tây không còn muốn, không còn có thể bỏ qua gia vị được nữa, gia vị ngự trị tiệc tùng, trong bếp núc mọi nhà.
Đã từ lâu lắm, từ trước thời Trung cổ, món ăn phương Tây nhạt nhẽo vô vị không thể tưởng được. Mãi về sau, những thức thường dùng bây giờ như khoai tây, cà chua mới nhập vào châu Âu. Chưa có đường, chưa có chanh, chưa biết trà, cà phê là gì. Các quan triều, quý tộc và ngay cả hoàng thân cũng ăn uống hùng hục, cố nuốt cho trôi những tảng thịt đoảng vị. Thế rồi, ôi kỳ thú! Một hạt tiêu, một quả ớt khô, một lát gừng gia vào đĩa thức ăn và nó tạo hưng phấn bất ngờ. Cả một làn điệu của mùi vị đi vào bếp núc, rồi cái mồm thô tục của con người Trung cổ châu Âu không còn biết thế nào là đã thèm đối với những món gia vị kia nữa. Người ta rắc tiêu cay đến bỏng lưỡi, cả bia cũng cho gừng vào; rượu thì dầm hương liệu đậm đặc đến mức chỉ một ngụm thôi đã thấy cháy cổ. Thứ nước kia như có lửa ở bên trong. Phương Tây không chỉ dùng gia vị trong nhà bếp. Quí bà đòi những loại hương thơm Ả Rập ngày càng nhiều, ngày càng lạ: tinh dầu hồng, xạ hương, hổ phách với mùi thơm ngây ngất; nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng cần đến các sản phẩm của phương Đông. Trong các bình hương tỏa khói của ngàn vạn thánh đường phương Tây, chả có mảnh trầm nào là mọc trên đất Âu châu cả; chúng được nhập từ Ả Rập qua các đường thủy - bộ dài vô tận. Cũng không kém quan trọng đối với các nhà bào chế là các sản phẩm Ấn Độ "thứ thiệt": thuốc phiện, long não, nhựa quý; từ lâu họ đã nghiệm thấy khách hàng chỉ tin ở dòng chữ thần bí màu xanh in trên các lọ sứ: Arabium, Indicum, Ả Rập, Ấn Độ... những gì là Đông phương luôn khêu gợi làm lóa mắt Âu châu, có lẽ bởi chúng ở xa, chúng hiếm và đắt. Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ, những dấu ấn ấy đối với thời Trung cổ châu Âu (cũng như nhãn hiệu "sản xuất tại Pháp" ở thế kỷ 18) đồng nghĩa với hảo hạng, sành sõi, tinh tế, tuyệt vời. Không một món hàng nào được ưa chuộng bằng gia vị, có thể nói rằng mùi hương lạ kỳ, huyền bí của hoa lá phương Đông có ma thuật làm đắm đuối tâm hồn châu Âu.
Chính vì vậy mà hàng Ấn Độ ngày càng đắt giá. Hồi đầu thế kỷ 11, loại hồ tiêu ngày nay ta dùng trong các bữa ăn có thể nói là thừa mứa như cát ấy, người ta phải mua bán từng hạt, trọng lượng đổi ngang trọng lượng bạc nén. Giá của nó vững chắc đến mức nhiều quốc gia nhiều thành phố coi nó như kim bản vị, có thể dùng nó mua đất, làm của hồi môn. Chức tước được mua bằng tiêu. Vua quan định mức thuế bằng hạt tiêu và ở thời kỳ ấy khi muốn nói người nào cực kỳ giàu có, người ta nói rằng ông ta là một bồ hạt tiêu. Gừng, vỏ cam, long não được lường trên cán cân tiểu ly, cửa đóng kín mít vì sợ gió cuốn đi mất một chút bụi quí. Gia vị cao giá như vậy nguyên do chỉ vì đường vận tải Đông Tây ngày ấy cách xa nhau quá. Biết bao nguy hiểm trên đường đi của đoàn thuyền, đoàn lừa ngựa trong cái thời giặc giã cướp bóc ấy! Con đường đi của hạt bụi thơm, của nụ hoa bé xíu nở trên bán đảo Mã Lai tới cặp bến cuối cùng là một quầy hàng xén châu Âu, con đường đi ấy quả là một cuộc phiêu lưu huyền diệu. Thật ra chẳng có một loại gia vị nào đáng gọi là hiếm cả. Bên trời Đông, ở Tidore, ở Amboina, ở Banda Malabar, các loại xạ hương, đinh tử, hồ tiêu mọc như cỏ dại ở bên ta. Tại bán đảo Mã Lai, một tạ hương liệu không đắt hơn một nhúm hạt tiêu ở phương Tây. Nhưng món hàng phải qua vô vàn bàn tay, qua bao sông biển, sa mạc, núi non để đến người buôn lẻ và người tiêu dùng.
Lao công ban đầu bao giờ cũng rẻ mạt: người nô lệ Mã Lai hái hồ tiêu, đóng bó bằng vỏ sợi rồi nai tấm lưng đồng hun vác ra chợ, anh ta chẳng được trả xu nào. Ông chủ của anh ta thì đã có khoản thu nho nhỏ; một thương nhân Hồi giáo đón mua, chất lên một chiếc thuyền độc mộc chèo mười ngày đường dưới cái nắng oi ả từ quần đảo Moluques tới Malacca. Đây là nơi con nhện đầu tiên giăng mạng lưới. Chủ bến, tức là quốc vương Malabar, bắt nộp thuế chuyển tải. Trả xong rồi, hàng mới được chất lên một chiếc thuyền khác, to hơn. Thuyền giương buồm hoặc giương mái chèo, lướt chầm chậm từ bến này sang bến khác dọc bờ biển Ấn Độ. Đấy là những chuyến đơn điệu tháng này qua tháng khác trên mặt nước lặng tờ dưới bầu trời không bóng mây, trong cơn nắng đổ lửa. Nhưng thường khi cũng là những cuộc tháo chạy trối chết trước cơn giông hoặc thuyền cướp. Cứ năm thuyền buôn thì phải có một làm mồi cho cá hoặc cho cướp biển. Rồi họ vượt Cambada, Ormuz, cảng trên vịnh Persique, rồi đến cảng trên Biển Đỏ, để đến cửa ngõ Ba Tư, Ả Rập. Chặng đường mới lại tiếp tục, không kém lao tâm khổ tứ. Từng đoàn lạc đà hàng ngàn con kiên nhẫn chờ trên bến chuyển tải. Nhìn chủ ra hiệu chúng quỳ gối trước, đón hồ tiêu, xạ hương lên lưng. Bước chân lắc lư chậm rãi, các con tàu trên sa mạc này tải hàng qua đại dương cát bỏng. Sau một chuyến đi nhiều tháng đoàn thồ Ả Rập đưa hàng tới Beyrouth hay Trézibonde, qua Bessorah, Bagdad và Damas - những cái tên gợi nhớ Ngàn lẻ một đêm - hoặc là đến Le Caire qua cửa khẩu Djedda. Các nẻo đường bất tận ấy đã xưa cũ lắm rồi; các tay lái thời Pharaon [2] và Bactriane ta đã từng biết chúng. Khốn thay, bọn cướp Bédouin [3] cũng quá biết các con đường mòn ấy. Công lao đằng đẵng mấy tháng trường phút chốc bị xóa sạch sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Những gì thoát khỏi tay bọn cướp Bédouin và bão cát lại tiếp tục tới tay bọn cướp công khai: các tù tưởng, Hadjaz, các quốc vương Ai Cập, Xyri. Họ thu thuế trên từng đầu lạc đà, từng kiện hàng. Người ta ước lượng chỉ riêng quốc vương Ai Cập đã thu nhập hàng năm một khoản thuế chuyển tải gia vị là một trăm ngàn ducat [4]. Giả sử rằng hàng tới được Alexandrie và cửa sông Nin; nơi đây vẫn còn một kẻ bóc lột ghê gớm nữa đang chờ họ, đó là đội thương thuyền Venise. Từ khi tiêu diệt được đối thủ là công quốc Byzance, nước cộng hòa nhỏ bé này chiếm độc quyền trong ngành buôn gia vị phương Đông. Không cần đi xa, ngay tại Rialto, hàng được bán đấu giá cho thương nhân Đức, Anh, Hà Lan. Bây giờ đến lượt các cỗ xe bò leo núi với đôi bánh gỗ to lộc cộc trên đường. Các loài hoa hai năm trước nở dưới ánh mặt trời nhiệt đới lại tiếp tục qua đèo vượt các đỉnh núi Alpes tuyết phủ để đến tay người buôn lẻ. Hương liệu, như Martin Behaim viết trong quyển "Khoai tây" năm 1492, phải qua mười hai bàn tay trước khi tới bàn tay tiêu thụ. Nhưng dù có chia chác qua mười hai lượt, món hàng vẫn hấp dẫn, gia vị vẫn là ngành buôn phát tài nhất thời trung cổ vì nó nhẹ. Mặc kệ, nếu như đi năm mà chỉ về có một - chuyến thám hiểm của Magellan là một ví dụ - mặc kệ, nếu như hai trăm sáu mươi lăm người hăm hở ra đi mà có đến hơn hai trăm người không trở lại, thì dân buôn, riêng hắn vẫn cứ có lời! Chỉ cần một chiếc thuyền, chiếc nhỏ nhất lại quay về, chất đầy gia vị, thì cái được sau ba năm vẫn dư bù đắp cho cái mất, bởi vào thế kỷ 15, một bao hồ tiêu nhỏ cũng cao giá hơn một mạng người rất nhiều. Và bởi thời đó - mà thời nào cũng vậy thôi - con người ít tiếc mạng sống của mình trong khi nhu cầu thì cao như vậy, cho nên kiểu đánh giá kia vẫn cứ đúng như thường. Cung điện ở Venise, cung điện quý tộc của dòng họ Fuggar, Welser đều được xây dựng bằng tiền lãi buôn tiêu.
Những món lợi lớn thường dễ gây hiềm khích. Mọi đặc quyền đều bị anh hàng xóm coi là bất công. Từ lâu rồi, người Ý, người Pháp, người Tây Ban Nha nhìn bọn lái Venise bằng con mắt ganh tị khi bọn này khéo léo đón cơn thủy triều vàng vào dòng Kênh lớn của họ. Càng căm giận hơn nữa khi nhìn về phía Ai Cập và Xyri, nơi quân Hồi giáo dựng lên một bức rào bất khả xâm phạm giữa Ấn Độ và Âu châu. Không một tàu buôn Cơ đốc nào được phép bỏ neo trên Biển Đỏ, không một thương nhân Cơ đốc nào được phép qua đó nữa kia! Toàn bộ ngành buôn bán giữa Ấn Độ và La Mã phải thông qua dân Hồi giáo, qua các nhà buôn Thổ Nhĩ Kỹ và Ả Rập. Kết quả không những làm tăng giá hàng đối với khách mua châu Âu mà còn làm cho kho dự trữ vàng tuôn về phía Đông. Sản phẩm phương Tây làm sao đủ giá để đổi lấy của quí phương Đông! Tình hình này thúc giục phương Tây tìm mọi cách thoát ra khỏi sự kiểm soát hao tài và nhục nhã kia và rồi một ngày nọ, những con người tâm huyết gặp nhau. Một cuộc thánh chiến được quyết định. Những cuộc thánh chiến - đâu phải như những đầu óc lãng mạn thường mô tả - nhằm giành giật lấy vùng đất thánh trong tay quân vô đạo. Cuộc liên minh châu Âu - Cơ đốc giáo ấy chính là nỗ lực đầu tiên nhằm phá đổ hàng rào Biển Đỏ, mở cửa cho thị trường phương Đông nhập vào châu Âu, vào cộng đồng Thiên Chúa giáo. Thánh chiến thất bại, Ai Cập không bị bứt ra khỏi tay Hồi giáo và Islam vẫn tiếp tục chiếm đóng hành lang Ấn Độ, do đó người ta thấy cần một con đường mới. Christophe Colomb dũng mãnh tiến - về phía tây, Bartholomeu và Vasco de Gama về phía Nam, Cabot về phía Bắc, trước hết là tìm những con đường hàng hải hoàn toàn không lệ thuộc đồng thời đánh ngã nền bá quyền cao ngạo của Islam [5]. Các giáo chủ đầu tiên tiến hành những cuộc chinh phạt đến Địa Trung Hải, Ấn Độ, hình thành một đế quốc Hồi giáo rất hiếu chiến.
Trong các phát kiến lớn, sức mạnh tinh thần thường là lực phát động nhưng bao giờ cũng vậy, động lực chính làm quay guồng máy phải là của cải vật chất. Tất nhiên ý đồ táo bạo của Colomb, Magellan đủ sức thuyết phục đức vua và triều thần, nhưng chẳng có ai tài trợ cho phương án của họ, chẳng bao giờ triều đình và giới kinh doanh chịu trang bị cho họ một đội thuyền nếu không có thấy trước có thể thu lợi hàng trăm lần món tiền chi ra. Đằng sau các anh hùng thời ấy có bóng dáng bọn lái buôn. Ngay cả những ý đồ thiêng liêng nhất cung có động cơ trần tục.

Khởi đầu mọi sự là gia vị [6].

Trong dòng lịch sử, ta thường gặp điều kỳ diệu này: thiên tài ở một người trở thành thiên tài của thời đại, một con người hiểu rõ thời thế đang cần gì, đang đòi hỏi những gì. Trong các quốc gia châu Âu, cho đến thời ấy, có một nước chưa thực hiện phần sứ mạng Âu châu của mình, đó là Bồ Đào Nha vừa thoát ách đô hộ của người Maure [7], sau nhiều cuộc chiến liên miên bất tận. Nhưng từ khi giành được độc lập, quốc gia trẻ trung năng động ấy chưa có đất dụng võ, nhu cầu phát triển không tìm được chỗ thoát. Toàn bộ biên giới Bồ Đào Nha liền với Tây Ban Nha, người bạn đồng minh, người anh em. Đất hẹp mà lại nghèo, chỉ còn đường phát triển ra biển con đường buôn bán và khai phá thuộc địa. Nhưng rủi thay, vị trí địa dư ấy không thuận lợi so với các quốc gia có bờ biển ở châu Âu, hoặc là dường như vậy. Bởi Đại Tây Dương ở phía Tây, mà theo dư địa chí của Ptolémée [8] thì đó là một vực nước vô tận không thể vượt qua; cũng không thể vượt qua con đường phía nam dọc theo bờ biển Phi châu vì vẫn theo lời Ptolémée, xứ đó vốn nghịch thường, không người ở, nó nối liền Nam cực và thông liền một dải tới "terra australis", đất tận cùng. Theo quan niệm cũ, Bồ Đào Nha chỉ có một mặt biển sử dụng được là Địa Trung Hải, do vậy đó là nước Âu châu có vị trí bất lợi nhất.
Làm cho điều không thể trở thành có thể, và theo như Kinh Thánh, làm cho kẻ đứng sau trở thành kẻ đứng trước, đó là ý nghĩa của một hoàng thân Bồ Đào Nha và ông tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để thực hiện. Nếu Ptolémée "nhà địa lý tối thượng", "giáo hoàng của địa lý" ấy lại bé cái nhầm thì sao? Nếu như mặt biển kia không phải là vô tận mà lại đưa đến nhiều miền đất mới (Làn sóng hùng vĩ của nó thỉnh thoảng lại đánh dạt vào bờ những mảnh gỗ kỳ lạ tất nhiên chúng phải từ một nơi nào tới chứ?). Nếu như Phi châu có người ở bên kia vùng xích đạo và nếu như người ta có thể tới Ấn Độ bằng đường biển? Lúc ấy thì Bồ Đào Nha, do vị trí vươn xa về phía tây, sẽ là cầu nhảy của sự phát triển, vị trí tốt nhất trên con đường đi tới phương Đông; nó không hề bị đại dương hắt hủi mà nó được tiền định, trên tất cả các nước châu Âu, dẫn đầu các chuyến đi trên mặt biển. Biển Bồ Đào Nha, quốc gia nhược tiểu thành một cường quốc hàng hải và biển Đại Tây dương, được coi như là chướng ngại không thể vượt qua, trở thành một con đường giao lưu, đây là cốt tủy giấc mơ cả một đời của Thái tử Henrique [9], người mà lịch sử, trúng hay trật, đặt tên là Nhà hàng hải. Trật, bởi ngoài một lần xuất trận ở Ceuta, ông ta không bao giờ bước chân xuống một chiến thuyền, không viết một quyển sách, một trang khảo luận hàng hải nào. Trúng, bởi ông đã dành tất cả vốn liếng một đời cho ngành hàng hải và cho thủy thủ.
Được thử thách từ thời còn rất trẻ trong cuộc chiến đấu chống quân Maure ở Ceuta (1412) đồng thời là một trong những người giàu nhất nước, con vua Bồ Đào Nha, cháu vua Anh, ông có thể nổi bật trên những đỉnh cao sáng chói nhất; tất cả các triều đình mời đón ông, Anh quốc dành cho ông quân hàm tư lệnh tối cao. Nhưng con người mơ mộng lạ lùng này lại chọn cho mình một kiểu sống cô đơn hết sức phong phú. Ông rút lui về ẩn dật ở mỏm Sacrez, “mỏm núi thiêng liêng” của các nhà hiền triết cổ. Tại đây, trong gần năm chục năm trời, ông đã chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm phương Đông - cuộc tiến công lớn vào “đại dương không quen biết”.
Ai đã gợi cho nhà tư tưởng táo bạo này cái ý nghĩ ghê gớm chống lại các đỉnh cao của địa lý học đương thời, dám nghĩ rằng Phi châu không hề là một lục địa gắn liền với Nam cực và hoàn toàn có thể đi vòng quanh nó để tới phương Đông bí mật. Dù sao vẫn còn tồn tại truyền thuyết rằng (Hérodote và Strabon) [10] có ghi chép điều ấy từ thời các hoàng đế Pharaon, một đội thuyền Phênixi đã xuôi Biển Đỏ và hai năm sau, thình lình xuất hiện ở Hàng cột của Hercule, tức là eo Gibraltar (trên Địa Trung Hải giữa Maroc và Tây Ban Nha). Cũng có thể Thái tử được một lái buôn nô lệ người Maure nói cho biết ở bên kia “hoang mạc Lybie”, bên kia vùng Sahara cát bỏng có một “bilatghana”, một vùng trù mật. Đúng vậy, nước Guinée ngày nay đã được một nhà địa lý Ả Rập thể hiện khá đúng với cùng tên gọi ấy trên bản đồ dâng lên Roger II vua xứ Normand vào năm 1150. Có thể là nhờ một công cuộc điều tra tỉ mỉ, Henrique đã biết rõ địa lý châu Phi còn hơn các nhà địa lý có nhãn hiệu thời ấy. Các vị này chỉ biết chúi mũi vào những khảo luận trừu tượng của Ptolémée và các tác phẩm của Marco Polo [11].
Điều làm nên giá trị tự thân của Henrique là ông đồng thời nhận ra cái lớn lao của mục đích và cái khó khăn của nhiệm vụ, biết khiêm nhường nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ được nhìn giấc mơ của mình thực hiện, biết rằng đời người ngắn ngủi quá làm sao hoàn tất được sứ mạng. Làm thế nào đi từ Bồ Đào Nha tới Ấn Độ trong khi chưa có đội thuyền lớn và chưa biết rõ đại dương? Ta không thể nào hình dung được ở cái thời mà Henrique bắt tay vào việc ấy, những khái niệm về địa lý và hàng hải ở châu Âu thô thiển tới cỡ nào. Trong những thế kỷ đen tối của sự ngu muội và sự ngu dân tiếp theo sau thời kỳ sụp đổ của đế quốc La Mã, người thời trung cổ đã quên đi tất cả những gì mà người Phênixi, người Hy Lạp, người La Mã từng biết trước đó. Cuộc viễn chinh của hoàng đế Alexandre đến tận biên giới Afghanistan và Ấn Độ bị coi là thần thoại; những bản đồ rất tốt, những quả địa cầu La Mã bị bỏ mất, những cột trụ trên các nẻo đường hành quân La Mã từng tiến đến Trung Cận Đông đã bị lãng quên. Người ta không cần đi xa nữa, niềm vui khám phá đã chết, khoa học hàng hải rơi trở về ấu trĩ: không hải đồ, không la bàn, không mục tiêu táo bạo, lớn lao, những con thuyền nhỏ bé ngoi từ bến này sang bến kia, luôn sợ bão, sợ cướp. Giữa một sự suy thoái quá mức của khoa học, với đám thuyền bè thảm hại như vậy, làm sao chế ngự được đại dương, làm sao mở rộng đất đai bờ cõi. Những điều ấy bao nhiêu thế kỷ hờ hững đã bỏ rơi, giờ đây phải dựng lại bằng một sự hy sinh dài lâu, rất dài lâu. Henrique đã hiểu ra điều ấy và ông đã quyết tâm dâng hiến đời mình cho sự nghiệp, đó chính là hào quang của đời ông.
* * *
Tòa lâu đài cổ do hoàng thân Henrique cho xây cất ở mũi Sacrez đã bị tên đệ tử vô ơn Francis Drake [12] tới cướp phá, ngày nay chỉ còn lại mấy bức tường đổ nát. Qua các câu chuyện kể lại, thật khó đoán bằng cách nào Henrique đã vạch ra các kế hoạch hành động rộng lớn đến như thế.
Theo lời các sử gia biên niên thân cận, chắc có tô điểm đôi chút, thì ông đã cho sưu tầm hàng đống sách vở bản đồ từ khắp mọi miền đất nước, mời nhiều nhà bác học Ả Rập và Do Thái tới với mình. Mọi thuyền trưởng, thủy thủ đi xa về đều được hỏi chuyện; báo cáo, thông tin của họ được thu thập; đồng thời hàng loạt chuyến đi được tổ chức. Nghệ thuật đóng tàu thuyền được chú ý hoàn thiện; thay thế cho các “barcar” - các thuyền đánh cá không có sàn thượng, mười tám người chèo - trong vài năm đã có những thuyền buồm tải tám mươi, một trăm tấn có thể ra khơi trong gió bão. Kiểu thuyền mới này cần những kiểu thủ thủy mới: bên cạnh hoa tiêu nay có thêm một “thầy thiên văn”, một chuyên viên hàng hải đọc được hải đồ, tính toán được độ thiên vĩ và vạch tọa độ. Lý thuyết và thực hành hỗ trợ nhau. Dần dần đã hình thành có hệ thống một đội ngũ các nhà hàng hải, các tay thám hiểm nhà nghề, có tương lai rực rỡ. Cũng giống như Philippe Macédoine đã để lại cho con mình là Alexandre đoàn quân bách thắng để chinh phục hoàn cầu, Henrique đã để lại cho đất nước Bồ Đào Nha đội tàu thuyền hiện đại nhất thời ấy và những nhà chinh phục đại dương. Nhưng những người đi trước thường gặp số phận bi đát là chết bên thềm đất hứa mà mắt chẳng được nhìn thấy nó bao giờ, Henrique chưa được chứng kiến một phát hiện lớn lao nào đã từng làm cho đất nước ông trở thành bất tử. Năm ông mất (1460) người ta chưa đạt được kết quả nào cụ thể trong lãnh vực địa lý. Phát hiện lừng danh quần đảo Acores và Madère thực ra chỉ là một cuộc tái phát hiện (hải đồ Laurentius đã lưu ý các vùng này từ 1315). Các thuyền buồm chỉ mới rụt rè đi dọc bờ Tây châu Phi nhưng đã hơn nửa thế kỷ chúng vẫn chưa qua khỏi vùng xích đạo - một kiểu mua bán chẳng hay ho gì đã xuất hiện: thị trường da đen, nói cách khác, người ta hốt hàng loạt người da đen bên bờ biển Sénégal rồi đem về bán ở chợ buôn người tại Lisbonne; người ta cũng có tìm được chút ít bụi vàng; bước đầu nghèo nàn vô nghĩa ấy là tất cả những gì Henrique nhìn thấy được trong sự nghiệp mà ông hoạch định. Thực ra thì kết quả quyết định đã được thu hoạch. Tiến bộ to lớn của ngành hàng hải Bồ Đào Nha không đo bằng độ dài đường đi mà bằng tinh thần dám nghĩ dám làm, bằng sự phá bỏ một huyền thoại nguy hiểm. Hằng bao nhiêu thế kỷ, người đi biển rỉ tai nhau rằng qua mũi “Không” thì không thuyền bè nào đi lại được nữa. Qua đấy là tới vùng “biển đen của âm phủ”, thật vô phúc cho thuyền bè nào qua đấy. Trên các vĩ tuyến đó, sức nóng mặt trời làm sôi nước biển, buồm, dây đõi bốc cháy, và tín đồ nào mà qua “xứ sở của xatăng” ấy lập tức biến thành mọi. Thủy thủ sợ hãi đến mức, muốn có người tham dự các chuyến đi đầu tiên của Henrique, Giáo hoàng đã hứa sẽ hoàn toàn ân xá cho mọi tội lỗi. Cho nên năm 1434 khi Gil Eannes vượt mũi “Không” từng được coi là không thể vượt qua thì, ôi chiến thắng huy hoàng!
Ông đã viết về Guinée rằng, nhà bác học Ptolémée chẳng qua là một lão nói càn, bởi “thuyền bè qua lại nơi ấy - ông viết - cũng dễ dàng như ở ta, ngoài ra đất nước ấy giàu đẹp vô cùng”. Vậy là điểm chết đã vượt qua. Nước Bồ Đào Nha chẳng còn vất vả khi chiêu mộ các đoàn thủy thủ nữa, người thích mạo hiểm và người mạo hiểm từ tứ xứ đổ xô đến. Mỗi chuyến đi thành công làm cho dân đi biển thêm bạo dạn; một giống người trẻ trung dũng cảm bừng nở, đối với họ mạo hiểm còn đáng giá hơn mạng sống. Và khi mà một thế hệ quả cảm kiên quyết lên đường thì thế giới lập tức thay đổi. Cho nên cái chết của Henrique chỉ là phút giải lao trước bước nhảy vọt. Joao II, một nhà vua kiên nghị lên ngôi, mở đầu bước tiến triển vượt bực. Trước đây, chuyện gì tiến từ từ như sên bò thì nay vọt tới bằng những bước đi của người khổng lồ. Mới hôm qua đây, khi tiến được vài trăm dặm trong vòng 12 năm - từ Lisbonne đến mũi Bojador - người ta đã thấy phấn khởi. Ngày nay, trong một bước nhảy, người ta vượt một trăm, năm trăm dặm; điều ấy chẳng nghĩa lý gì nữa. Cũng như hồi đầu thế kỷ 20 này, chúng ta từng vui sướng nhìn một chiếc máy bay xuất phát từ cánh đồng Tháng Ba ở Paris, lướt trên không được ba, năm, mười cây số và sau đó chính chúng ta lại vượt các đại dương, các lục địa trên đôi cánh máy bay. Chỉ có chúng ta mới hiểu nổi sự quan tâm, sự phấn khích mà châu Âu dành cho các chiến công đột ngột của Bồ Đào Nha thời ấy. Năm 1471 tới vùng xích đạo, năm 1484 Diego Cam đổ bộ lên cửa sông Congo: một nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Bartholomeu Diaz, đã chạm mũi cực nam châu Phi, Mũi Hảo Vọng, lúc đầu còn được ông đặt tên là Mũi Bão Táp. Bão tố giật rách buồm, bẻ gãy cột, nhà hàng hải táo gan vẫn tiếp tục tiến. Ông đã nhìn thấy bờ Đông châu Phi và các hoa tiêu Hồi giáo đã sẵn sàng dẫn đường cho ông sang Ấn Độ thì thủy thủ nổi loạn: đủ rồi, để lần khác! Lòng sầu não, Diaz dành quay lại. Do lỗi của kẻ khác, ông đành từ khước vinh dự là người Âu châu đầu tiên mở đường tới Ấn Độ. Nhưng một người Bồ Đào Nha khác, Vasco de Gama, đã làm chuyện đó và Camoẽns, thi sĩ Bồ Đào Nha đã ca ngợi ông trong những vần thơ bất tử. Bao giờ cũng thế, người mở đầu, người đi trước thường bị lãng quên, nhường vinh quang lại cho người đi sau may mắn hơn. Dù sao hành động quyết định đã thực hiện. Lần đầu tiên, diện mạo địa lý châu Phi được vẽ chính xác, Ptolémée đã nhận được một lời cải chính đúng quy cách: có một con đường hàng hải tới Ấn Độ đấy chứ! Môn đệ và những người thừa kế Henrique đã thực hiện giấc mơ của đời ông hai mươi sáu năm sau khi ông mất.
Bây giờ thì thế giới mới quay nhìn về cái xứ sở bé nhỏ của những người thủy thủ ở tít mũi tận cùng của Âu châu để mà ngạc nhiên, mà thèm thuồng. Trong khi các đại cường Pháp, Ý, Đức xâu xé nhau trong những cuộc chiến vô cớ, đứa em út của họ, nước Bồ Đào Nha, đã nhân lên gấp mười, gấp trăm lần tầm hoạt động. Ngày một ngày hai, nhờ tài năng nổ mà đứa em út đã có thêm, không phải một vài tỉnh mà là một vài lục địa. Chỉ mười năm nữa thôi, quốc gia nhỏ bé nhất châu Âu có thể tự hào nói rằng mình có trong tay và quản lý một lãnh địa rộng hơn cả đế quốc La Mã trong thời kỳ bành trướng mạnh nhất.
Nhưng Bồ Đào Nha đã có những tham vọng quá đáng. Một nước nhỏ chưa quá một triệu rưỡi dân không thể chiếm đóng cai trị, cũng không thể giành độc quyền thương mại trên toàn bộ Phi châu, Ấn Độ và Brazin, càng không thể tự vệ chống lại lòng ganh ghét của các nước lớn khác. Một giọt dầu loang không thể bao trùm mặt biển, một quốc gia bé bằng bàn tay làm sao khuất phục những nước trăm lần rộng lớn hơn. Suy theo lẽ phải, sự bành trướng không hạn chế của Bồ Đào Nha là một việc làm vô lý, - một kiểu Đông-ki-sôt nguy hại nhất hạng. Nhưng cái gì đã gọi là anh hùng thì thường là kém suy tính, là bất hợp lý. Mỗi khi một con người, một dân tộc tự đặt ra cho mình một sứ mệnh lớn lao thì sức mạnh của họ vươn tới một tầm cao không lường nổi. Có lẽ chưa bao giờ một quốc gia lại tự thể hiện mình một cách rực rỡ như Bồ Đào Nha hồi cuối thế kỷ 15: Nơi đó bỗng xuất hiện không chỉ ở Vasco de Gama và Magellan như các Argonautes [13], Banos như một Tite Live. Bác học, kiến trúc sư, các nhà buôn lớn xuất hiện liên tiếp. Như đất Hy Lạp thời Pénclès. Anh quốc thời Elizabeth, Pháp quốc thời Napoléon, dân tộc này thực hiện lý tưởng của mình một cách toàn diện nhất và đặt nó trong tầm nhìn của thế giới. Trong một thời điểm lịch sử, Bồ Đào Nha là dân tộc hàng đầu của Âu châu, người hướng đạo của nhân loại, khi một dân tộc lập công thì các dân tộc khác cũng được hưởng. Cuộc tiến công vào vùng chưa biết này đã lật nhào mọi quan niệm và khuôn khổ được chấp nhận cho đến nay, thay đổi khái niệm về khoảng cách. Trong các viện đại học, các trường lớp người ta nóng lòng chờ tin tức sau cùng từ Lisbonne. Nhờ một sự sáng suốt lạ kỳ, Âu châu chợt hiểu rằng các chuyến đi lớn, các phát kiến địa lý biến đổi thế giới còn nhiều hơn tất cả các cuộc chiến tranh cộng lại, rằng một thời kỳ trăm năm, ngàn năm thời trung cổ đã cáo chung và một thời kỳ khác đang bắt đầu. Thời kỳ cận đại sẽ nghĩ suy và sáng tạo trong những kích thước rộng hơn, lớn hơn. Cho nên Polician - nhà nhân văn người Ý đương thời - dự cảm thời điểm lịch sử ấy đã long trọng cất lời, thay mặt toàn bộ nền văn minh châu Âu mà ca ngợi Bồ Đào Nha, như sau: “Không những đã bỏ Hàng cột của Hercule lại phía sau lưng và chế ngự một đại dương cuồng nộ, họ còn thắt chặt lại mối dây gắn bó thế giới của con người cho đến ngày nay hãy còn lỏng lẻo. Bao nhiêu là khả năng mới mẻ, bao nhiêu là ưu thế kinh tế, bao nhiêu hiểu biết được nâng cao. Liệu đã đến lúc chúng ta khẳng định lại uy tín cho nền khoa học cổ đại [14] chưa? Nhiều vùng đất nhiều vùng biển mới, nhiều thế giới mới đang nhô lên từ bóng tối ngàn năm. Bồ Đào Nha ngày nay là vệ sĩ, là lính canh của một thế giới thứ hai!”.
Than ôi! Một sự kiện ập đến, chặn đứng bước tiến vô song này của Bồ Đào Nha. Thế giới thứ hai dường như đang được tiếp cận bằng con đường phương Đông, thiên đường và kho báu của Ấn Độ dường như sắp được trao tay cho vua Joao; từ khi mũi Hảo Vọng được vượt qua, chẳng ai qua mặt được Bồ Đào Nha, chẳng ai theo kịp bước của họ nữa kia. Henrique - nhà hàng hải đã khôn khéo xin được Giáo hoàng ban dụ đặc biệt cho phép người Bồ Đào Nha “được quyền sở hữu trên tất cả các lục địa, lãnh hải và các đảo mà họ khám phá bên kia mũi Bojador”. Ba giáo hoàng nữa khẳng định lại chuyện “cho đất” kỳ cục này; theo dụ đó, toàn bộ phương Đông chưa biết tới với hàng triệu con người, đã được ban cho họ hàng Viseu làm thái ấp. Với những bảo đảm không thể cãi chối đó trong tay, người ta không cần làm ăn hấp tấp. Cho nên khi anh chàng người Ý ở xứ Génes kia (tức Christophe Colomb) trình lên Joan II dự án xin một đội hàng hải để tới Ấn Độ bằng con đường phía tây thì nhà vua tỏ ra lạnh nhạt. Tất nhiên người ta ưu ái, cho phép Christophe Comlob được triều kiến tại điện Lisbonne; người ta không từ chối phũ phàng, nhưng câu chuyện chỉ đi tới đó. Người ta nhớ quá rõ là tất cả những chuyến vượt biển đển xứ sở thần thoại Antilles, Brazin (chắc chúng ở đâu đó về phía tây, khoảng giữa châu Âu và Ấn Độ) tất cả các chuyến đi ấy đều thất bại thảm hại, chuyến này sau chuyến khác. Với lại khi mà người ta chắc chắn Ấn Độ qua mũi Hảo Vọng (các xưởng hàng hải ở Tage đang ngày đêm trang bị một hạm đội lớn) thì ai dại gì lại đi tiêu phí những đồng ducat vàng của Bồ Đào Nha để tìm một con đường trên lý thuyết?
Thế rồi có tin đột ngột: Nhà thám hiểm xứ Génes đã thực hiện chuyến vượt qua “Đại dương âm phủ” để phục vụ vua Tây Ban Nha và đã chạm đất liền sau ba tuần vượt biển. Tin ấy nổ ra giữa triều đình vua Joao như một tiếng sấm. Phép màu đã hiển hiện.

“Nec sit terris ultima Thulé” [15]

Thực tình Colomb còn cách xa trăm dặm mới biết rằng mình tìm ra một thế giới mới. Con người thần kỳ mà ngang như cua ấy, cho đến chết vẫn cả quyết rằng ông ta đã tới lục địa Á châu. Ông nói: “Từ Tây Ban Nha cứ thẳng tiến về phía Tây, ta sẽ đổ bộ lên cửa sông Hằng”. Chính cái điều này làm cho Bồ Đào Nha hoảng sợ nhất. Thế là chỉ dụ của Giáo hoàng chẳng còn linh nghiệm nữa, dụ này cho Bồ Đào Nha tất cả các nước bắt gặp trên đường tiến về phía Đông. Vậy mà Tây Ban Nha lại tới trước bằng con đường phía Tây, phỗng tay trên xứ Ấn Độ của họ? Năm mươi năm lao tứ của cuộc đời Henrique, bốn mươi năm nỗ lực sau cái chết của ông đã bị sự táo bạo điên rồ của tên người Génes khốn khiếp kia xổ toẹt đi trong phút chốc. Nếu Bồ Đào Nha muốn giữ vững ưu thế trên xứ Ấn Độ, thì chỉ còn cách cầm lấy vũ khí mà chống lại sự xâm nhập đột ngột của kẻ kình địch.
May thay Giáo hoàng giải trừ được một hiểm họa. Lòng Ngài luôn yêu dấu Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đó là hai nước chưa bao giờ làm trái ý Ngài. Họ đã chiến đấu chống quân Maure, đuổi quân vô đạo, tiêu diệt tà thuyết trên đất nước của chúng bằng gươm và lửa; chưa bao giờ Pháp đình Thiên Chúa giáo tìm thấy được đám tay chân đắc lực hơn trong việc trừ khử quân Hồi giáo và quân Do Thái như hai nước ấy. Không, Đức Giáo hoàng quyết định, các đứa con thân yêu của Ngài không được xào xáo. Vậy là Ngài chia đôi cho họ những phần đất chưa được biết tới trên cõi đời này. Ngài không ban cho họ dưới danh nghĩa “vùng ảnh hưởng” như danh từ ngoại giao của chúng ta ngày nay, mà nhân danh Thầy trợ tế của Jésus Christ, Ngài cho luôn, cho đứt, để họ được toàn quyền sở hữu. Ngài cầm lấy quả địa cầu, bổ đôi ra như một quả táo, không phải bằng một con dao, hẳn rồi, mà bằng ấn chiếu ngày 4 tháng Năm 1493. Đường phân giới cắt qua quần đảo Mũi Xanh [16]. Tất cả các nước chưa được công nhận ở về phía Tây lằn ranh thuộc về con gái yêu Tây Ban Nha của Ngài, vùng phía Đông thuộc về con trai quý Bồ Đào Nha của Ngài.
Hai đứa con vui vẻ nhận quà. Nhưng rồi Bồ Đào Nha thấy lo ngại và nó xin Ngài dời lằn ranh về phía Tây thêm chút nữa. Điều thỉnh cầu này được chấp thuận bằng điều ước Tordesillas (7 tháng Sáu 1494), dời lằn ranh về phía tây hai trăm bảy mươi lequas.
Chuyện chia chác này nhìn thấy buồn cười, nhưng phải công nhận đấy là một trong những hành động hợp tình hiếm có của lịch sử, nó dàn xếp được một vụ tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Nhưng những hòn đảo bao phen tìm kiếm, những hòn đảo gia vị ấy hiện nằm ở đâu? Ở phía Tây hay ở phía Đông lằn ranh? Phía Tây Ban Nha hay phía Bồ Đào Nha? Ngày ấy thì cả Giáo hoàng và cả các đức vua, luôn cả các nhà thông thái cũng đều mù tịt, bởi chưa ai đo được chu vi quả đất và bởi Giáo hội chẳng bao giờ chịu cho nó là tròn. Rồi đây cả hai nước đều phải vất vả nhiều để nuốt trôi miếng mồi kinh khủng mà số mệnh đã ném vào mõm họ - về Tây Ban Nha bé tẹo: châu Mỹ khổng lồ; về tay Bồ Đào Nha nhỏ xíu: toàn bộ phương Đông và Phi châu.
* * *
Thắng lợi của Colomb gây ra ở châu Âu một sự kinh ngạc vô cùng. Mọi người phát khùng lên vì thèm đi, thèm thám hiểm. Bao giờ cũng vậy, sự thành công của một con người kích động lòng hảo hớn của cả thiên hạ. Những ai đang bất bình về chỗ ngồi, về vai vế trong xã hội, những ai nghĩ mình bị bỏ quên, những hàng em út trong gia đình, những sĩ quan chưa ai giao việc, những đứa con rơi của các bậc đại vương, những bạn đường bất hảo đang bị luật pháp truy lùng, tất cả bọn họ ai cũng muốn lên đường ngay để sang tận bờ bến kia. Hoàng thân, thương gia, người có của, mua sắm, vũ trang tàu thuyền; những tay du đãng cầm dao xông vào trụ sở để được tuyển mộ trước. Ngày xưa Henrique phải cậy nhờ Đức Giáo hoàng gia ân để có thể tuyển mộ một dúm thuyền viên. Này nay, cả làng kéo nhau ùa đến bến. Thuyền trưởng, chủ tàu không còn biết xoay xở ra sao nữa. Các cuộc viễn chinh nối nhau không dứt, những hòn đảo mới, những vùng đất mới nhô lên tứ phía như có phép thần, ở đằng bắc, đằng nam, đằng đông, đằng tây, cái thì chìm trong băng tuyết, cái thì phủ đầy dừa cọ. Trong vài ba mươi năm, vài trăm hạm thuyền đã tìm ra những vùng rộng hơn số đất của toàn nhân loại gộp lại trong nhiều thế kỷ trước.
Thật khó quên, khó so sánh được niên lịch mà thời kỳ này tặng chúng ta: năm 1498, "phục vụ Chúa và hiến dâng cho vương miện Bồ Đào Nha" - như vua Manuel hãnh diện khoe - Vasco de Gama đã cặp bến Ấn Độ, đổ bộ lên Calicut. Cũng năm ấy, Cabot, thuyền trưởng phục vụ dưới sắc cờ Anh quốc cặp bến Terre Neuve và luôn đó là bờ Đông - Bắc Mỹ. Một năm sau Pinzon, vì quyền lợi Tây Ban Nha, và Cabral vì quyền lợi Bồ Đào Nha, xen kẽ và độc lập nhau, đã tìm ra Brazin. Trong lúc đó Gaspar - Cortereal kế nghiệp các Vikings [17] tái phát hiện Labrador, năm trăm năm sau họ. Sự kiện tiếp nối đều theo một nhịp: trong những năm đầu của thế kỷ, hai chuyến thám hiểm Bồ Đào Nha (Améric Vespuce có tham dự) xuôi dọc bờ biển xuống Nam Mỹ đã tiến đến gần Rio de la Plata [18].
Năm 1506, người Bồ Đào Nha tìm ra Madagascar, năm 1507, đảo Maurice. Năm 1509 họ tới Malacca và họ chiếm luôn vào năm 1511, nắm chắc chiếc chìa khóa bán đảo Mã Lai. Năm 1512 Ponce de Léon thâm nhập Florida. Năm 1515, từ điểm cao núi Darien, Numez de Balboa là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy Thái Bình Dương. Từ giờ phút ấy, loài người đã tận mắt nhìn thấy tất cả các đại dương của họ. Trong thời gian ngắn ngủi trăm năm, ngành hàng hải châu Âu đã nhiều lần nhân gấp trăm khả năng của họ. Năm 1418 dưới thời Henrique, khi các con thuyền câu cá đầu tiên chạm đất Madère [19], đã gây chấn động các nước. Năm 1518, các hạm thuyền Bồ Đào Nha bỏ neo ở Quảng Đông và ở Nhật chẳng được mấy quan tâm. Bây giờ thì một chuyến đi Ấn Độ còn ít nguy hiểm hơn một chuyến tới mũi Bojador ngày xưa. Cùng nhịp độ ấy, gương mặt hoàn cầu đổi thay, xác định rõ nét từng năm từng tháng. Chuyên viên bản đồ, chuyên viên địa lý làm việc ngày đêm trong các xưởng họa Augsbourg [20] không kịp giao hàng cho khách. Người ta cướp trên tay họ các bản đồ vẽ chưa khô, chưa kịp soát lại. Ai cũng đòi được biết về các vùng mới của thế giới. Các nhà địa lý vừa mới vẽ xong bản đồ thì tin tức mới nhất, thông báo, báo cáo mới đã xuất hiện. Mọi thứ đều đổ nhào đều phải làm lại. Cái mà người ta tưởng là một hòn đảo té ra là một bán đảo. Cái người ta tưởng là Ấn Độ hóa ra là một lục địa chưa biết tên. Phải chỉ rõ sông mới, núi mới; chưa bao giờ địa dư, địa lý trải qua một sự tiến bộ nhanh như thế, chóng mặt như thế và đắc thắng như thế. Trong vòng năm mươi năm này, nhân loại đã hình dung ra đường nét hoàn chỉnh của hành tinh nơi họ cựa quậy từ những thời gian không tính đếm được. Sứ mạng vĩ đại ấy được thực hiện trong vòng một thế hệ. Thủy thủ của thế kỷ này vượt gian nguy để dọn đường cho những kẻ thừa kế họ. Các nhà thám hiểm chinh phục những lục địa, những đại dương, người của họ đã giải quyết tất cả mọi vấn đề, hoặc là gần như vậy. Còn một thành tích nữa cần xác lập, thành tích cuối cùng, đẹp nhất khó khăn nhất: trên một chiếc tàu và chỉ trên chiếc tàu ấy, làm một chuyến đi vòng quanh trái đất, chứng minh với và ngược lại với mọi nhà địa lý, mọi lý thuyết gia của quá khứ rằng quả đất hình tròn. Thực hiện sứ mệnh ấy là mục đích, là định mệnh của Fernao de Magelhaes.
--------------------------------
1. Tiếng La tinh: Giao lưu tối thiết yếu.
2. Pharaon: các hoàng đế Ai Cập khoảng 2000 năm trước Công nguyên. Bactriane. Quốc gia cổ đại trên vùng đất Iran hiện nay, cường quốc thương mại giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập.
3. Bédouin: Các bộ lạc du mục ở Ả Rập, Xyri, Bắc Phi, lưu động trên các vùng ranh sa mạc.
4. Ducat: Tiền vàng thế kỷ 12 - 13. Mười ducat bằng một lạng vàng.
5. Cộng đồng Hồi giáo thành lập hồi thế kỷ thứ 7 ở các nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Phi.
6. Nhại Cựu ước: “Khởi đầu mọi sự là Chúa Trời”.
7. Maure (từ tiếng La tinh: đen): Dân tộc gồm nhiều chi: Tây Ban Nha. Senégal. Barbane chiếm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hồi thế kỷ thứ 8, đến thế kỷ 15, sau bị đánh đuổi khỏi bán đảo lberic.
8. Ptolémée: Nhà khoa học Hy Lạp, thế kỷ thứ 2.
9. Còn gọi là Thái tử Henri - Hàng hải (1394 - 1460) - Người bảo trợ khoa học, khuyến khích các cuộc nghiên cứu thám hiểm Phi châu và đại dương.
10. Hérodote, sử gia Hy lạp (484 - 425 trước CN). Strabon, nhà địa lý Hy Lạp (58 trước CN)
11. Marco Polo - Nhà thám hiểm Ý (1254 - 1223) đã từng tới Trung Quốc và vùng biển Nam Hải qua Ấn Độ Dương. Ông có viết một cuốn ký sự nổi tiếng “Ký sự của Marco Polo”, trong đó có nhắc tới Côn Đảo của Việt Nam, như đồ giả mạo.
12. Francis Drake (1540 - 1596): Nhà hàng hải, đô đốc Anh đồng thời là một tên cướp biển ngoại cỡ.
13. Argonautes: Các anh hùng thần thoại Hy Lạp đi trên chiếc thuyền Argo tới đảo Colchide để chiếm bộ tóc vàng của nàng Médée. Thơ văn cổ gọi người đi biển là Argonautes.
14. Ý nói đến nền văn minh nhân bản cổ đại Hy La bị Giáo hội và thần quyền vùi dập trong suốt thời Trung cổ.
15. Tiếng La tinh: Thulé không còn là mảnh đất sau cùng nữa. Thulé, hòn đảo được mô tả ở thời cổ đại như mảnh đất sau cùng ở phía Bắc. Thực ra đó là đảo Shetland (thuộc Anh ngày nay).
16. Quần đảo ở Đại Tây Dương, giữa bờ Tây châu Phi và Nam Mỹ.
17. Vikings: các tướng cướp biển Bắc Âu.
18. Vĩ tuyến 35 Nam, gần thủ đô Uruguay hiện nay.
19. Madère: quần đảo cách bờ Tây Ban Nha 545 kilômét. Nổi tiếng về rượu nho.
20. Thành phố của hạt Bavière Đức, thời ấy đã có 20 xưởng in typo.

Chương hai

Magellan ở Ấn Độ
(tháng Ba 1505 - tháng Năm 1512)

Những con tàu đầu tiên rời Lisbonne xuôi dòng sông Tage lao vào vùng biển lạ có nhiệm vụ tìm kiếm đất đai, những chiếc tiếp theo tìm cách buôn bán giao lưu với vùng đất mới. Đoàn tàu thứ ba, trái lại, đã được vũ trang. Và thế là buổi sáng ngày 25 tháng ba 1503 đánh dấu một thời kỳ thuộc địa, thường tiến hành theo ba bước, diễn tiến hoàn toàn giống nhau qua nhiều thế kỷ. Bắt đầu, người ta xây dựng một công xưởng, rồi một pháo đài nói là để phòng thủ cho công xưởng kia. Người ta bang giao hữu hảo với các vua quan bản xứ, rồi khi quân lính đã đưa tới đầy đủ, người ta bèn cướp thẳng thừng tài sản của các người bạn ấy, tàn sát những ai chống lại. Mười năm thắng lợi đã làm cho Bồ Đào Nha quên rằng lúc khởi đầu, họ chỉ mong có được một chỗ đứng khiêm tốn trong thị trường gia vị. Những tốt đẹp mờ đi rất nhanh trước chiến thắng; cái ngày Vasco de Gama đổ bộ lên Ấn Độ. Bồ Đào Nha liền có ý định một mình xơi cỗ và họ coi Phi châu, Ấn Độ, Brazin như tài sản riêng của họ. Từ Gibraltar tới Singapour và tận Trung Hoa, không một tàu nào có quyền vượt biển, không một ai có quyền buôn bán trên một phần nửa quả địa cầu nếu người đó không thuộc về quốc gia bé nhỏ nhất châu Âu là Bồ Đào Nha.
Cho nên một cảnh tượng huy hoàng đã diễn ra trong ngày 25-3-1505, khi hạm đội chiến đấu đầu tiên của Bồ Đào Nha rời Lisbonne để chinh phục một vương quốc mới, cảnh tượng chỉ có trong lịch sử khi Alexandre đại đế vượt Hellespont [1]. Mục tiêu của họ không kém phần kiêu căng: nô lệ hóa một thế giới. Hai mươi tàu chầu chực, giương buồm chờ xuất phát, hai mươi con tàu chả giống tí nào những con thuyền nhẹ thời Henrique; đây là những chiến hạm to, mũi và lái hai tầng, loại thuyền buồm cực mạnh ba hoặc bốn cột, thủy thủ đoàn là những tướng cướp đáng gờm. Quân sĩ gồm lính thủy được huấn luyện tác chiến, không dưới năm trăm người, vũ trang từ đầu đến chân, với hai trăm pháo thủ; người ta cũng chở theo nhiều loại thợ cùng với dụng cụ đồ nghề để có thể đóng tàu tại chỗ, một khi tới Ấn Độ.
Nhìn chung, một hạm đội lớn như vậy tất phải có mục tiêu lớn: xâm chiếm vĩnh viễn phương Đông.
Không phải tự nhiên mà tước phó vương Ấn Độ được phong cho Đề đốc Francisco de Almeida, cũng chẳng phải tình cờ đệ nhất anh hùng, nhà hàng hải đầu tiên của Bồ Đào Nha, Vasco de Gama, “Đề đốc các vùng biển Ấn Độ”, lại là người tuyển chọn và kiểm tra vũ khí, trang bị. Sứ mệnh quân sự của Almeida quá rõ: hủy diệt tất cả các thành phố thương mại Hồi giáo ở Phi châu và Ấn Độ, xây dựng pháo đài trên mỗi đầu cầu đổ bộ và đặt đồn trú phòng tại đó. Ông ta phải - Anh quốc sau này cũng theo chính sách ấy - chiếm tất cả các hành lang, các eo biển từ Gibraltar đến Singapour, đóng cửa Biển Đỏ, vịnh Persique và Ấn Độ Dương, không cho người ngoài lưu thông buôn bán. Thêm nữa ông ta được lệnh tiêu diệt lực lượng hàng hải của vua Ai Cập, các tiểu vương Ấn Độ, đặt mọi bến cảng dưới một sự kiểm soát chặt chẽ để bắt đầu từ năm ân phúc thứ 1505, bất cứ con tàu nào không trương cờ Bồ Đào Nha đều không được chở đi một hạt gia vị. Nhiệm vụ quân sự lại phải đi kèm với sứ mệnh thiêng liêng: truyền bá Phúc âm trong toàn xứ đã quy phục. Cho nên chuyến ra đi này cũng theo nghi lễ của một cuộc thánh chiến. Trong nhà thờ lớn, đức vua tự tay mình trao cho Phó vương Almeida cánh phướn bằng xa tanh trắng, nó phải tung bay trong chiến thắng trên tất cả các xứ man di tà đạo. Đề đốc quỳ gối nhận phướn, đằng sau ông, cũng quỳ gối là một ngàn năm trăm thuộc hạ của ông, tất cả đều đã chịu phép rước Mình Thánh [2]. Họ tuyên thệ trung thành với đấng tối cao của họ dưới trần là đức vua Bồ Đào Nha cũng như trung thành với đấng tối cao trên trời, và bằng quyền uy của các vị ấy, họ sẽ đi cắt đặt những vương quốc mới. Sau đó đạo quân sẽ diễu hành qua thành phố để tiến tới bến cảng; súng thần công bắn tiễn biệt và đoàn chiến hạm uy nghi xuôi dòng sông Tage để ra biển lớn mà Đề đốc của họ đã thề là chiếm toàn bộ từ đầu này đến đầu kia.
* * *
Trong số một ngàn năm trăm binh sỹ quỳ gối, cúi đầu trước bàn thờ và giơ tay tuyên thệ, có một chàng trai hai mươi bốn tuổi với cái tên hãy còn mờ nhạt: Fernao de Magelhaes. Chẳng ai biết gốc gác của chàng, chỉ biết chàng sinh năm l480. Nơi sinh của chàng cũng rắc rối: những tìm tòi gần đây cho biết chàng sinh ở Sabrosa trong tỉnh Tras Os Montes nhưng không chắc, vì điều này ghi trong di chúc, mà di chúc ấy lại là giả mạo. Có thể chàng sinh ở O Porto. Cũng chẳng ai biết gì về gia đình chàng, có thể đó là một gia đình quí tộc loại bốn. Người ta nói thời nhỏ chàng từng mang kiếm đồng theo hầu hoàng hậu Eléonore, nhưng rồi chàng cũng chẳng được cất nhắc vào việc gì. Khi gia nhập hải quân ở tuổi 24, chàng là lính trơn, một trong hàng ngàn tiểu tốt không tên tuổi, ra đi chinh phục thế giới, để rồi chỉ mươi người trở lại và rồi cũng chỉ có một người giơ tay giành lấy cho riêng mình niềm vinh quang bất tử của những chiến công chung.
Trong lần chinh phạt này, Magellan chỉ là một trong một ngàn năm trăm thuộc hạ của Đề đốc Almeida, vậy thôi. Người ta tìm tên chàng trong các biên niên sử của cuộc chiến tranh Ấn Độ, nhưng không thấy và thực thà mà nói, những năm tháng ấy đối với chàng ra sao cũng chẳng ai biết; có thể đó là thời gian học hỏi quí báu của chàng. Chẳng ai nương tay đối với một lính trơn, chàng phải làm mọi việc: cuốn buồm khi gió giật, bơm nước, nay chạy đi tấn công thành phố, mai đào công sự. Chàng phải thồ hàng ra chợ, canh gác công xưởng, cầm sào, cầm kiếm, tuân lệnh và chỉ huy. Nhưng do được dùng vào mọi việc, nên chàng học làm mọi việc. Chàng trở thành lính, thủy thủ, thương nhân, thành chuyên viên tâm lý, địa chí, hải dương và thiên văn. Tóm lại, định mệnh dành cho chàng những sứ mệnh lớn cũng đẩy chàng vào những sự kiện lớn, những sự kiện đã đưa dân tộc chàng lên địa vị hùng mạnh dài lâu, đã làm đổi thay bộ mặt thế giới. Sau vài trận đụng độ sơ sài, Magellan cuối cùng đã thực sự nếm mùi lửa đạn trong trận thủy chiến tại Cannanore ngày 10 tháng Ba năm 1506.
Trận đánh ấy cũng là thời điểm quyết định trong lịch sử chiến tranh thuộc địa Bồ Đào Nha. Quốc vương Calicut đã từng tiếp đón thân tình Vasco de Gama trong lần đổ bộ đầu tiên (1498), ông cũng tỏ ra sẵn sàng giao hảo với Bồ Đào Nha. Nhưng khi người Bồ Đào Nha trở lại vài năm sau trên những chiến hạm lớn vũ trang mạnh, quốc vương nhanh chóng hiểu ra rằng họ định chiếm Ấn Độ. Các nhà buôn Ấn Độ, Hồi giáo kinh hãi thấy con cá dữ này xâm nhập góc hồ yên tĩnh của họ. Bọn người nước ngoài bèn tự tiện chiếm hết vùng biển. Không một tàu thuyền nào dám rời bến, sợ bọn cướp tàn bạo kia, ngành buôn gia vị bị đình đốn, đoàn thồ đi Ai Cập không dám lên đường nữa; suốt từ Venise, mọi người cảm thấy có một bàn tay hung bạo đã bứt đứt sợi dây chuyền. Quốc vương Ai Cập thấy rõ món lợi thuế quan đã tan biến, bèn thử làm một cuộc đe dọa hòa bình. Ông tin cho Giáo hoàng biết là nếu bọn Bồ Đào Nha tiếp tục làm mưa làm gió trong các vùng biển Ấn Độ thì ông sẽ cho phá hủy mộ thánh ở Jerusalem để trừng phạt. Nhưng không vua chúa, giáo hoàng, hoàng đế nào còn uy tín đối với ý đồ thực dân của Bồ Đào Nha nữa. Chỉ có thể đẩy lùi bọn xâm lược ấy bằng vũ lực; những người phương Đông bị cướp bóc chỉ còn cách tập hợp nhau lại mà tiêu diệt bọn chúng trước khi chúng lập được căn cứ ở Ấn Độ. Quốc vương Calicut chuẩn bị cuộc tấn công, được quốc vương Ai Cập bí mật ủng hộ, có lẽ cả người Venise nữa - vàng nặng hơn máu người - họ lén lút gởi thợ đúc thần công và pháo thủ tới Ấn Độ. Hạm đội Thiên Chúa giáo sẽ bị bao vây và tiêu diệt tại chỗ.
Nhưng nhiều khi lại có một nhân vật ở hàng thứ hai xuất hiện, trước giờ chẳng ai để ý tới; sự nhanh trí, mẫn cán của hắn lại quyết định đến vài ba thế kỷ lịch sử. Một sự tình cờ may mắn đã cứu người Bồ Đào Nha. Vào thời kỳ ấy có một gã phiêu lưu người Ý đi lang thang đây đó, được yêu chuộng nhờ lòng can đảm và tính khí trẻ trung, tên là Lodovico Varthema. Anh ta xuất dương không phải để làm giàu hay có tham vọng gì mà chỉ vì bản tính thích đi đây đi đó. “Đần độn, ít khả năng học trong sách vở”, anh ta tự nhận như vậy. Anh ta quyết “tận mắt nhìn các miền khác nhau trên trái đất, bởi trăm nghe không bằng một thấy”. Và thế là chàng Varthema dũng cảm đã lọt vào La Mecque, thành phố cấm người ngoại đạo (anh là người châu Âu đầu tiên dám làm chuyện táo gan đó và chuyện kể của anh cho đến nay vẫn là sự mô tả điển hình của vùng thánh địa). Rồi sau rất nhiều hiểm họa, anh đã tới không những Ấn Độ, Sumatra và Bornéo - Marco Polo vừa tới trước anh ít lâu - mà còn là người châu Âu đầu tiên thám hiểm hòn đảo gia vị huyền bí (điều này có ảnh hưởng quyết định đối với chiến công của Magellan sau này). Khi trở về Ấn Độ, dưới bộ quần áo giáo sĩ Hồi giáo, tại Calicut, anh được hai kẻ phản quốc người Ấn Độ cho biết chuyện quốc vương đang chuẩn bị tiêu diệt bọn Bồ Đào Nha. Vì lòng kính Chúa, anh tìm gặp họ qua những nguy hiểm chết người và thật may mắn, tin tức của anh đã tới kịp thời.
Ngày 15 tháng Ba năm 1506 trong khi hai trăm con thuyền của quốc vương tìm cách tấn công bất ngờ mười một chiến hạm Bồ Đào Nha thì chúng đã dàn đội hình chiến đấu. Đấy là trận đánh dữ dội nhất mà Bồ Đào Nha phải đương đầu cho đến nay. Tám mươi người tử trận, hai trăm bị thương (con số to lớn đối với các trận chiến thuộc địa đầu tiên). Bồ Đào Nha đã phải đổi cái giá ấy để lấy một trận thắng quyết định cho ưu thế tuyệt đối trên bờ biển Ấn Độ.
Magellan nằm trong số hai trăm thương binh: trong những năm tăm tối ấy, số mệnh đã định rằng Megellan nhận nhiều vết thương hơn là ân huệ của thượng cấp. Chàng được đưa về Phi châu cùng nhiều người khác. Ở đây, chàng chẳng để lại dấu tích gì: ai lại đi ghi chép về những điều xảy ra đối với một anh lính trơn? Gì đi nữa, chắc anh cũng đã hồi hương, có thể là anh về Lisboune trong mùa hè 1507 trên cùng chuyến tàu Varthema. Nhưng rồi máu giang hồ lại nổi dậy. Ở Bồ Đào Nha anh thấy mình xa lạ và anh nóng lòng chờ hạm đội mới sẽ đưa anh tới vùng quê đích thực của anh: những chuyến phiêu lưu.
Hạm đội mới sẽ đưa Megellan tới Ấn Độ có một công vụ đặc biệt. Người bạn đường đanh vọng của anh, Lodovico Varthema chắc đã có báo cáo với triều đình về sự trù phú của thành phố Malacca và đã cung cấp những chỉ dẫn chính xác về những hòn đảo gia vị khó tìm. Nhờ nguồn tin ấy, bây giờ triều đình Bồ Đào Nha biết rằng chiếm Ấn Độ và các kho báu chưa đủ mà phải chiếm lấy các hòn đảo quí kia. Muốn thực hiện điều đó phải có chiếc chìa khóa, là eo biển và thành phố Malacca. Tuy nhiên, thay vì tức tốc gửi hạm đội tới, lần này người ta dùng mẹo: phái Lopez de Sequeira với bốn con tàu đến, khéo léo dò xét tình hình và trình làng dưới cái vẻ hiền lành của một thương nhân. Không có gì xảy ra, tàu nhỏ đến Ấn Độ hồi tháng Tư năm 1509. Chuyến đi tới Calicut, thành tích vô song đã đưa Vasco de Gama vào lịch sử và thơ ca, chỉ non mười năm sau thôi, bất cứ một đại úy hải quân nào của Bồ Đào Nha cũng có thể làm lại được.
Sau ba tuần vượt biển, ngày 11 tháng Chín năm 1509, tàu nhỏ đã nhìn thấy Malacca. Từ xa người ta đã thấy rằng anh bạn Varthema không hề khoác lác khi anh ta nói “trong bến cảng này, tàu bè chen chúc đông hơn bất cứ bến nào trên thế giới”. Tàu to, tàu nhỏ, trắng, xanh, đen, đỏ, thuyền mành, thuyền buồm Mã Lai, Trung guốc, Xiêm La san sát, buồm chen buồm, buông neo trong eo biển mênh mông. Eo Malacca - Chersonèse Hoàng kim [3], nhờ vị trí địa dư, đã trở thành thị trường lớn phương Đông. Tàu thuyền muốn từ tây sang đông, từ nam lên bắc, từ Ấn Độ sang Trung hoa, từ Moluques đến Ba Tư đều buộc phải thông qua eo Gibraltar phương Đông này. Rất tự nhiên là nơi đây có đủ mọi thứ trên đời, đinh hương Moluques, hồng ngọc Ceylan, sứ Trung hoa, ngà Xiêm La, tơ lụa Bengale, gỗ trắc Timor, kiếm khảm vàng Ả Rập, tiêu Malabar và nô lệ Bornéo. Mọi nòi giống, mọi màu da, mọi ngôn ngữ nháo nhào như Babylone xưa trong cái trung tâm thương mại này (người ta ước lượng, có lẽ hơi quá, hai trăm ngàn dân). Giữa rừng lều quán mọc như bát úp là bóng dáng uy nghi của một cung điện rực rỡ và một thánh đường Hồi giáo bằng đá.
Từ trên tàu, người Bồ Đào Nha ngạc nhiên quan sát cái thị tứ trù phú; họ nhìn một cách thèm thuồng hòn ngọc trắng phương Đông này đang lấp lánh dưới nắng trời; nó có thể trở thành viên ngọc quí nhất trên vương miện của đế quốc Bồ Đào Nha đấy. Phía bên này, hoàng thân Mã Lai và các cận thần từ hoàng cung cũng ngạc nhiên và lo lắng nhìn ra các con tàu đáng gờm kia. Chúng nó đấy, bọn cướp biển không cắt quy đầu [4] quân khốn nạn ấy cuối cùng đã tìm ra con đường Malacca! Tai tiếng về các vụ thảm sát do Almeida và Albuquerque gây ra đã vang xa hàng ngàn dặm... Ở đây người ta biết rằng bọn người ngoại quốc ghê gớm kia không như những chủ thuyền Xiêm La hay Nhật Bản, vượt biển tới để mua bán thuận hòa; chúng nham hiểm rình mò, chờ lúc cướp phá hết và chiếm đóng luôn xứ sở. Tốt nhất là không nên cho chúng vào bờ; để chúng đặt một chân lên bờ thì quá muộn. Nhưng mặt khác, quốc vương cũng có nghe nói tới sức công phá của các khẩu thần công nặng nề kia; cái họng đen ngòm lặng lẽ của chúng thòi ra ngoài mạn tàu, đe dọa; ngài biết bọn cướp da trắng hung dữ như quỷ, khó mà kháng cự chúng. Vậy thì ta lấy dối trá chọi dối trá, lừa lọc chọi lừa lọc, phòng ngừa quân địch tấn công.
Quốc vương Malacca vội vã đón tiếp phái bộ Sequeira. Ông nhận quà, rối rít tạ ơn. Chào mừng các ngài, ông nói, mời các ngài mua bán tùy thích. Tôi sẽ cung cấp cho các ngài hồ tiêu và các gia vị khác, bao nhiêu cũng có. Ông mời các sĩ quan trên tàu ở lại dùng cơm trong điện, nhưng họ từ chối. Còn các thủy thủ thì vui vẻ thoải mái tỏa ra các nẻo đường của một đô thị mến khách. Thích thú làm sao, khi lại được cảm nhận đất liền dưới bàn chân, được đùa giỡn với phụ nữ, không phải nằm trong khoang ca bin hôi hám. Họ vào các phòng trà, mua sắm, dùng loại nước giải khát Mã Lai nồng hương men và quả chín; từ khi rời Lisbonne, chưa bao giờ họ được đón tiếp thân ái hào hiệp đến thế.
Dân Mã Lai chèo những chiếc thuyền nhẹ chở đầy thức ăn, hàng trăm chiếc cặp mạn tàu, bám thừng trèo lên như khỉ nhìn ngắm mọi thứ đồ vật lạ lẫm trên tàu. Quốc vương báo cho Sequeira biết là hàng đã chất trên bến và yêu cầu ông sáng mai đưa canô vào bờ để chuyển lên tàu. Sequeira rất hài lòng, đưa tất cả canô của bốn tàu vào bờ với số đông thủy thủ, còn ông thì ở lại trên tàu đánh cờ với một người bạn: cũng chẳng còn biết làm gì khác hơn trong một ngày nóng bức như thế này. Trong khi đó, Garcia de Susa, thuyền trưởng của chiếc chiến hạm nhỏ theo bảo vệ đoàn tàu ngạc nhiên thấy thuyền Mã Lai ngày càng đến thêm nhiều bao quanh đoàn tàu và bọn khỉ kia leo càng ngày càng đông lên boong, lấy cớ là chuyển hàng. Ông ta đâm nghi, biết đâu cái ông quốc vương quá thân ái này chẳng giăng một cái bẫy cả dưới nước lẫn trên bờ.
May thay, chiếc thuyền chiến lại không đưa canô vô bến. Susa ra lệnh cho một người thân tín nhanh chóng chèo qua soái hạm nhắc chỉ huy trưởng nên cảnh giác. Ông ta chọn đúng: người thân tín ấy chính là anh lính trơn Magellan. Anh này chèo gấp và tìm thấy Sequeira đang tỉnh bơ ngồi đánh cờ, dân Mã Lai đứng xem chung quanh, kiếm tuốt trần giắt trên thắt lưng. Anh rỉ tai thuyền trưởng, ông này tỉnh trí, vẫn thản nhiên tiếp tục ván cờ, nhưng tay không rời cán gươm. Lời cảnh tỉnh của Magellan đến đúng lúc, quá sát nút nữa là khác. Đúng lúc ấy, một cột khói bốc lên trên điện quốc vương, đấy là hiệu lệnh tấn công đồng thời cả trên bờ dưới nước. Lính canh lập tức báo động, Sequeira chồm dậy, bọn người Mã Lai bị ném xuống biển, tàu nhổ neo, đại bác bắn thẳng ra tứ phía. Cuộc tấn công đoàn tàu thất bại nhờ sự cảnh giác của Susa và sự nhanh nhẹn của Magellan. Tình cảnh đám thủy thủ trên bờ nguy hại hơn; một nhúm người tản mát quanh phố giữa hàng ngàn địch thủ. Phần đông bị giết chết, một phần bị bắt sống, vài ba người chạy thục mạng ra tới bến. Chậm mất rồi. Dân Mã Lai chiếm canô chặn đường rút, thủy thủ bị họ tóm được. Một người dũng cảm nhất bọn vẫn còn kháng cự, đấy là người bạn thân của Magellan, Francisco Serrao. Anh bị thương, bị bao vây, chắc anh chết mất. Nhưng Magellan cùng một thủy thủ nữa đã kịp nhảy từ xuồng lên bờ, liều mình cứu bạn. Magellan hoa gươm chiến đấu giằng được bạn ra khỏi tay quân Mã Lai, dìu xuống canô, bơi thoát. Trận chiến đấu đẫm máu này làm cho hạm đội Bồ Đào Nha hao hết một phần ba thủy thủ. Nhưng Magellan đã gắn bó sống chết với một người mà tình bạn và tấm lòng tin cậy có một ảnh hưởng quyết định đến đời anh.
Lần đầu tiên, nhờ dịp này mà gương mặt hãy còn mờ nhạt của Magellan hé cho ta thấy nét cơ bản của tính cách con người: ý chí dũng mãnh của anh. Trong cung cách, anh chẳng có gì gây xúc động, chẳng có gì làm ta ngạc nhiên - ta hiểu vì sao anh chẳng hề được để ý - bởi suốt đời, anh là một con người giản dị. Anh không biết cách gây chú ý và cũng chẳng muốn như vậy. Nhưng mỗi khi được giao nhiệm vụ, hơn nữa, mỗi khi tự đặt trách nhiệm cho mình, con người lầm lũi, ẩn mình ấy hành động hết sức quả cảm và thông minh. Anh không biết sử dụng những thắng lợi của mình cũng không biết khoe khoang, anh lặng lẽ chìm vào bóng tối. Anh biết im lặng, biết chờ đợi. Ít lâu sau khi dự trận Cannanore, một trong những chiến thắng lớn của hạm đội Bồ Đào Nha và trận Malacca, một thất bại lớn, trường học biển cả lại thử thách lòng dũng cảm của Magellan: tàu anh bị đắm.
Anh được cử đi bảo vệ một chuyến hàng trong mùa gió nồm. Tàu va vào một băng đá ngầm có tên là băng Padua. Canô cấp cứu không chở hết được mọi người, tất nhiên thuyền trưởng, sĩ quan, và viên chức vào bờ trước. Binh lính bất mãn muốn nổi loạn, nhưng Magellan tình nguyện ở lại với thủy thủ nếu như các vị sĩ quan hứa sẽ quay lại tìm họ. Thái độ can đảm ấy cũng được chú ý và ít lâu sau anh được cất nhắc lên hàng sĩ quan trên con tàu sắp đi phục hận cho chuyến thất bại của Sequeira.
Mười chín tàu chiến, một hạm đội tinh nhuệ dàn trận trước bến cảng Malacca hồi tháng Bảy năm 1511 và một trận đánh ác liệt đã diễn ra. Albuquerque phải mất sáu tuẫn lễ mới bẻ gãy được sự kháng cự của quốc vương; nhưng sau đó bọn cướp đã thu hoạch một số chiến lợi phẩm ngoài sức tưởng tượng. Chiếc chìa khóa trên đại dương này mở cửa toàn bộ phương Đông cho Bồ Đào Nha. Tiếng vang của cú đấm quyết liệt đánh vào uy tín Islam, cú đấm đau nhất từ xưa tới nay, nó vang đến Trung Hoa, Nhật Bản, nó vang lên vui vẻ ở châu Âu. Trước đông đảo tín đồ, Giáo hoàng tuyên đọc sắc chỉ ban ân phước cho công trạng lớn lao của Bồ Đào Nha đã giành cho Giáo hội phân nửa trái đất. Roma đã chứng kiến một cảnh tượng mà Thành phố Nữ chúa toàn cầu chưa từng thấy từ thời các hoàng đế La Mã. Một phái bộ do Tristo de Cunha cầm đầu đã tới đây với hàng lô tặng vật lấy từ chiến lợi phẩm ở phương Đông; những bầy ngựa mặc áo giáp rực rỡ, hổ báo, thích nhất là một con voi to, nó quỳ gối ba lần trước Đức giáo hoàng giữa tiếng reo hò của quần chúng.
Nhưng khi phương Tây mở hội ca khúc khải hoàn của Dân Chúa, thì Bồ Đào Nha không ngủ trên vòng hoa chiến thắng. Trong lịch sử chưa bao giờ sau một thành công lớn, người chiến thắng lại thấy đã thèm: Malacca chỉ là cái chìa khóa kho gia vị. Khi đã làm chủ được phòng đợi, người chiến thắng phải nghĩ tới chuyện chiếm luôn nhà trong. Của cải vô vàn đang chờ họ ở bán đảo De la Sonde, các hòn đảo thần thoại Amboina, Banda, Ternate và Tidore. Hai chiến hạm đặt dưới quyền chỉ huy Antonio d'Abreu có nhiệm vụ đi tìm ra chúng; Magellan cũng có mặt trong đoàn người này, nhiều biên niên sử đương thời ghi chép như vậy. Nhưng thực ra chàng đã chấm dứt mọi sự với Ấn Độ. Đủ rồi, định mệnh bảo vậy. Anh đã nhọc công nhiều, đã nhìn thấy nhiều ở phương Đông! Giờ thì hãy đi theo con đường khác, con đường của chính anh!
Nhưng những hòn đảo gia vị thần tiên suốt đời chàng mơ ước và ngay giờ đây, vẫn thu hút tâm tư chàng, thì chẳng bao giờ chàng được nhìn chúng tận mắt. Số mệnh đã định rằng chẳng bao giờ chàng được đặt chân tới chốn địa đàng ấy; với chàng, nó chỉ là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ sáng tạo. Tuy nhiên, nhờ hàng loạt cơ hội kỳ lạ, Magellan được biết rõ về những vùng đất ấy, tỉ mỉ chi tiết hơn ai hết. Đó là nhờ Francisco Serrao. Chính cuộc đời của người bạn lãng du này đã kích thích Magellan làm nên cuộc phiêu lưu cao cả nhất, táo bạo nhất của loài người.
* * *
Cuộc phiêu lưu lạ lùng của Francisco Serrao sẽ có nhiều ảnh hưởng tới Magellan, cuộc phiêu lưu ấy đứng tách biệt thành một chương riêng, chương thơ mộng trong tập biên niên đẫm máu chiến trận của Bồ Đào Nha. Trong số các nhà chinh phục lừng danh thời ấy, gương mặt của viên thuyền trưởng ít người biết này đáng cho ta chú ý. Sau khi chia tay ở Malacca, Magellan trở về Lisbonne còn Francisco Serrao thì cùng nhiều người nữa, đi tìm các hòn đảo thần thoại trên hai con tàu lớn. Họ cặp bến Moluques không khó khăn gì: đảo đẹp, bờ xanh và họ được tiếp đón thân ái. Người Hồi giáo quá khích chưa xuất hiện ở vùng đảo xa xôi này, nên người dân ở đây vẫn sống yên lành trong trạng thái thiên nhiên. Gái trai, già trẻ đều không mặc quần áo, hiền hậu, họ chưa biết đến đồng tiền, chưa chạy theo lợi nhuận. Để đổi lấy vài quả chuông đồng, vài chiếc vòng xuyến, họ đem đến hàng tạ xạ hương. Ngay ở hai hòn đảo đầu tiên, Banda và Amboina, hai tàu Bồ Đào Nha đã chất đầy gia vị. Đề đốc Abreu tức thời hạ lệnh chạy thẳng về Malacca, không ghé qua đảo nào nữa. Họ tham quá; thuyền nặng, gió to khiến một chiếc đâm vào đá ngầm, vỡ tan. Đó là con tầu do Serrao chỉ huy. Thoát chết, họ lò mò tìm đường trên bờ cát trắng. Serrao chiếm được một chiếc thuyền độc mộc của bọn cướp biển và ra sức chèo trở về Amboina. Nơi đây vị lãnh tụ của những con người chất phác lại tiếp đón đoàn người chết hụt, vẫn ân cần như khi họ tới lần trước trong tư thế nhà binh. Dĩ nhiên bổn phận của thuyền trưởng Francisco Serrao là phải tìm cách trở về ngay với đề đốc của ông và tiếp tục phục vụ đức vua của ông. Nhưng địa đàng này quyến rũ quá, cỏ phụng tiên thơm lừng trong không khí, thuyền trưởng thấy tinh thần kỷ luật quân sự của mình yếu hẳn đi. Cụ vua già có càu nhàu ở bên kia quả địa cầu thì nào quan hệ gì tới thuyền trưởng! Ông chẳng đã vất vả một đời vì Bồ Đào Nha ư? Giờ này thì ông cũng muốn hưởng thụ cuộc đời thỏa thuê như các sinh vật hoang sơ kia trên hòn đảo thần tiên của họ. Xin các bạn thủy thủ và thuyền trưởng cứ tiếp tục dọc ngang trên các vùng biển, tiếp tục trả giá hồ tiêu xạ hương cho bọn quan triều bằng mồ hôi và máu của các bạn! Các bạn hãy tiếp tục nai lưng, bọn người trung thực dại khờ kia ơi, giữa hiểm nguy, giữa chiến trận với mục đích duy nhất là chất đầy két bạc cho bạn nhà giàu ở Lisbonne! Còn về phần ông, Francisco Serrao, nguyên thuyền trưởng trong hạm đội của hoàng thượng, ông đã chán ngấy chiến tranh, chán ngấy chinh phạt và ngành buôn gia vị! Chẳng cần tranh cãi, ông xin đổi khúc anh hùng ca mà nhận lấy khúc tình ca vậy! Ông quyết định đi hòa nhập vào cuộc sống hết sức nguyên thủy của những con người khả ái nơi đây. Đức vua không cân đai áo mão ở Ternate bèn phong cho ông chức tể tướng. Chức ấy cũng chẳng nhọc nhằn gì mấy, chỉ khi nào có chuyện xích mích giữa hai hòn đảo thì ông mới cần xuất hiện bên cạnh đức vua ở tư thế cố vấn quân sự, thế thôi. Để đền bù công cán ông được cấp nhà cùng với nhiều đầy tớ, nhiều nô lệ, cộng thêm một cô gái rừng xanh hết sức xinh đẹp, nhờ vậy mà ông được làm bố của hai ba đứa trẻ rừng xanh. Ulysse [5] tân thời quên tổ quốc, Francisco Serrao đắm mình mãi mãi trong vòng tay nàng Calypso da nâu và chẳng có một sứ thần sốt sắng nào mời được ông ra khỏi cảnh thiên đường Farniente [6] ấy. Chín năm của cuộc đời còn lại, ông đã sống trên các hòn đảo La Sonde, xa mọi thứ văn minh. Hiển nhiên đây không phải là con người quả cảm nhất trong số các nhà chinh phục và thuyền trưởng của thiên tráng ca Bồ Đào Nha, nhưng có thể đây là người biết người biết ta nhất và hạnh phúc nhất.
Thoạt nhìn thì thú điền viên của Serrao và sự nghiệp của Magellan chẳng liên quan gì nhau. Nhưng thực ra chuyện thoát tục của viên thuyền trưởng ẩn dật kia đã có ảnh hưởng quyết định nhất đến vận mệnh Magellan, đến lịch sử Trái đất. Tuy xa nhau vạn dặm, hai người vẫn liên lạc thường xuyên với nhau. Mỗi khi có dịp, Serrao gửi cho Magellan những bức thư mô tả tỉ mỉ cuộc sống của ông nơi quê hương mới. "Tôi đã khám phá nơi đây một thế giới mới - đấy là lời của Serrao - còn giàu hơn, còn rộng hơn thế giới của Vasco de Gama nữa kia". Ông khuyên bạn mau mau rời bỏ Âu châu bạc bẽo cùng với các thứ tước lộc thảm hại kia đi, rồi sang sống với ông càng sớm càng tốt. Vì nghĩ rằng các hòn đảo gia vị ở mút tận phương Đông như thế, cho nên chắc chắn chính Francisco Serrao đã gợi ý Magellan cách tìm con đường ngắn nhất: Mượn con đường của Colomb, đi về phía tây, thay vì theo con đường của Vasco de Gama, đi về phía đông. Mối liên hệ giữa hai người bạn đi đến đâu? Chúng ta không rõ. Dù sao chắc họ cũng có phác thảo một kế hoạch nào đó. Sau này, người ta tìm thấy trong mớ giấy tờ Serrao để lại một bức thư của Magellan hứa là sẽ bí mật tới Ternate “không theo con đường quen thuộc của người Bồ Đào Nha, mà bằng một con đường khác”. Và thế là ý nghĩa tìm ra một con đường khác đã trở thành cái đích của cuộc đời Magellan.
* * *
Ý nghĩ ấy, cộng với nhiều vết sẹo trên làn da chai sạm và một người nô lệ mua ở Malacca, đấy gần như là tất cả những gì Magellan đem trở về tổ quốc sau bảy năm phục vụ ở Ấn Độ. Người lính chiến này ngạc nhiên biết chừng nào - có lẽ khó chịu nữa - khi nhìn thấy những thay đổi ở Lisbonne, Bồ Đào Nha. Đất nước đã hoàn toàn khác trước, không còn như khi ông ra đi. Ngay từ cảng Belem, ông đã thấy lạ. Ngôi nhà nguyện cổ từng ban phước cho chuyến viễn chinh của Vasco de Gama đã biến mất. Nơi ấy bây giờ là một thánh đường nguy nga đồ sộ, dấu hiệu đầu tiên phô trương sự giàu có cực kỳ nhờ gia vị đem tới. Bốn phía xung quanh, ông đều thấy sự vật thay đổi. Trên con sông trước kia vắng vẻ, giờ đây tàu thuyền san sát; dọc theo bờ, các công trường hàng hải vang rền tiếng búa. Người ta làm việc ngày đêm để đóng những hạm đội ngày càng mới, ngày càng to. Dưới sông, tàu trong nước, tàu nước ngoài treo cờ mọi quốc gia châu Âu, làm thành một rừng cột buồm. Trên bến, hàng hóa chất đầy, kho bãi chật ních, người ta giao thiệp, bàn tính ồn ào ngoài đường, ra vào các công thự to lớn mới xây. Trong công xưởng, nhà băng, trong các tiệm buôn của dân chạy hàng, người ta nghe đủ thứ tiếng nói trên đời. Nhờ chiếm được Ấn Độ, Lisbonne, - một Lisbonne quê mùa - đã trở thành trung tâm của thế giới, một thủ đô tráng lệ. Các phu nhân quý tộc ngồi trên xe mui trần, trang sức toàn vàng ngọc Ấn Độ. Hàng bầy triều thần ăn mặc lộng lẫy uốn lượn trên các hành lang cung điện. Có một thứ phép phù thủy đã biến máu của ông và bạn bè ông đổ trên đất Ấn Độ thành vàng, Magellan thấy vậy. Trong khi ông và các bạn ông đói khát, kinh hoàng, đau đớn dưới mặt trời nhiệt đới thì Lisbonne, nhờ chiến công của bọn họ, đã trở thành kẻ kế vị Alexandne và Venise, còn Manuel thì trở thành “el fortunado”, vị quốc vương giàu nhất châu Âu. Mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đều lộng lẫy hơn, huy hoàng sang trọng hơn. Chỉ mình ông là không thay đổi, ông vẫn muôn đời là “anh lính vô danh” chẳng có ai chào hỏi. Sau bảy năm chiến đấu ở Ấn Độ, Magellan trở về tổ quốc và thấy mình là một kẻ xa quê.
--------------------------------
1. Thành phố Trung Cận Đông thuộc đế quốc Macédoine. Alexandre Đại đế, thế kỷ IV trước CN, người mẫu của chủ nghĩa thực dân sau này, xâm chiếm một vùng đất đai cực kỳ rộng lớn.
2. Được ăn bánh thánh để nhận ơn.
3. Theo địa chí cổ Hy Lạp, trái đất có bốn bán đảo được đặt tên là Chersonèse, Jutland (Bắc Âu), Crimesee, Galipoli (Địa Trung Hải). Bán đảo Malacca được đặt tên là Chelsonèse - Hoàng kim.
4. Dân Do Thái và Hồi giáo có lệ cắt bao quy đầu khi trẻ giáp thôi nôi.
5. Ulysse - Anh hùng thần thoại Hy Lạp. Sau khi chỉ huy 12 chiến hạm qua nhiều đại dương, lập nhiều chiến công, chàng bèn bỏ đi phiêu lưu. Bị Calypso phù phép giữ lại trên hòn đảo của nàng, mặc dù chàng rất muốn trở về với quê hương.
6. Farniente (Tiếng Ý): cảnh nhàn rỗi, lạc thú.

Chương ba

Magellan tự giải thoát
(Tháng Sáu 1512 - tháng Mười 1517)

Trải qua các thời đại, người anh hùng chẳng bao giờ đa cảm: những nhà chinh phục táo tợn từng hiến cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha những lục địa mênh mông, nhưng họ bị chính đức vua của họ bạc đãi. Colomb trở về Séville trong gông xiềng, Cortez bị thất sủng, Pizzaro [1] bị ám sát, Numez de Balboa người tìm ra Thái Bình Dương bị chém đầu; Camoẽns nhà thơ - chiến sĩ của Bồ Đào Nha cũng giống như Cervantès, bị giam năm này qua năm khác trong ngục tối. Đây, sự vô ơn kinh khủng của “thời kỳ phát kiến lớn”: các thương phế binh, các lão ăn mày lang thang trên đường phố Cadix và Séville, thân thể bị cái nghèo và giòi bọ đục khoét, đây chính là những chiến sĩ đã từng biếu cho quốc vương của họ những kho báu Incas [2]. Những kẻ được cái chết tha cho ở thuộc địa nay được chôn vùi trong xứ sở của họ như những con chó ghẻ. Chiến công là ở nơi mặt trận, chiến công không có mặt nơi đây. Đây là nơi các thị thần khôn ngoan núp trong cung điện, khéo léo vơ vét của cải mà người lính chiếm được! Bọn ong bầu này sẽ được cử làm tỉnh trưởng, làm tư lệnh và vô phúc cho binh lính, sĩ quan ngây thơ từ thuộc địa trở về tổ quốc, họ sẽ bị chúng đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức.
Từng chiến đấu ở Cannanore, ở Malacca và nhiều chiến trường khác, trăm lần hy sinh mạng sống vì vinh quang của tổ quốc nhưng Magellan cũng chẳng được hưởng quyền lợi gì. May mà có chút máu quý tộc, từng phục vụ trong cung đình, nên ông được ghi tên vào sổ trợ cấp - sổ ăn mày thì đúng hơn - ở hàng cuối cùng với danh nghĩa cựu binh để nhận món tiền bố thí là 100 rei [3] một tháng. Một người có danh dự và tự trọng không bao giờ chịu ăn không ngồi rồi, Magellan nóng lòng chờ dịp.
Ông phải chờ một năm. Mùa hè 1513, vua Manoel chuẩn bị chinh phạt Maroc để “tảo thanh bọn cướp Hồi giáo”. Người chiến sĩ ở Ấn Độ tới trình diện. Magellan, sĩ quan thiện chiến trong mọi trận đánh trên biển, là một trong những nhà hàng hải giỏi nhất thời ấy, được cử tới Azamor trong quân phục sĩ quan kỵ binh tùy tùng! Ông lại bị thương - lần thứ ba - trong một trận đánh giáp lá cà. Một mũi lao cắm vào đầu gối trái chạm xương và suốt đời chân trái ông bị khớp cứng đờ.
Một người đi khập khiễng, không thể lên yên ngựa thì giữ ngoài mặt trận làm gì? Nhưng Magellan vẫn cố nài được ở lại để đối mặt với gian nguy, đó là yếu tố, là lĩnh vực riêng của đời ông. Người ta giao cho ông giữ những bầy ngựa và gia súc cướp được. Một đêm kia, vài chục con cừu lọt ra khỏi cái trại mênh mông và những kẻ xấu bèn phao cho Magellan tội bán chiến lợi phẩm. Một sự khôi hài của lịch sử. Ông và thi hào Camoẽs cùng bị khép vào một tội giống nhau: thiếu trách nhiệm đối với tài sản nhà nước. Camoẽs cũng như Magellan, lúc ở thuộc địa, không thiếu dịp làm giàu, đã trở về nước, nghèo xơ xác. Nhưng Magellan đâu chịu để cho bọn hèn đớn kia hỏi cung và cũng không chịu khó ngồi tù mấy tháng như Camoẽs [4] - nhà thơ hiền dịu của khúc tráng ca Lusiades. Rất đơn giản, ông quyết định về nước, và trước khi bọn kia dám công khai buộc tội, ông lên tàu trở về Bồ Đào Nha.
* * *
Vừa về tới Lisbonne, Magellan liền xin triều kiến nhà vua. Không phải để tự bào chữa, cũng không phải để đính chính mà để đòi hỏi một cương vị xứng đáng hơn. Riêng chuyện ấy đủ rõ ông chẳng hề tự coi là kẻ có tội bao giờ. Nhưng Manoel không để ông nói dứt câu: nhà vua vừa mới được Tổng hành dinh ở Maroc báo cáo là viên sĩ quan bất tuân này đã tự ý rời Maroc chẳng cần xin phép ai. Vậy thì Magellan là một tên đào ngũ. Nhà vua cắt lời, yêu cầu ông lập tức trở về vị trí ở châu Phi, chờ lệnh Tổng chỉ huy, Magellan tuân lệnh trở lại Azamor. Nơi đây, chẳng hề có chuyện điều tra lục vấn gì cả, chẳng ai dám buộc tội người chiến sĩ dày dạn này. Ông được Tổng tham mưu cấp giấy phép hẳn hoi và ông đàng hoàng rời quân ngũ trở về Lisbonne - ta hình dung, với bao cay đắng trong lòng! Từ lâu rồi ông vẫn chỉ lặng im trong bóng tối, nhưng giờ đây đã ba mươi sáu tuổi rồi, ông đâu còn xin bổ thí! Ông đòi quyền của ông.
Sự khôn ngoan nhủ ông không nên gặp ngay nhà vua lúc này, không nên quấy rầy vua như lần trước. Hãy lặng thinh một thời gian, kết giao với bọn quần thần, dò hỏi đã, rồi hãy khéo léo luồn lọt vào. Nhưng khôn khéo mềm dẻo không hề là tính khí của Magellan. Ta biết quá ít về ông nhưng quả thật con người bé nhỏ, lặng lẽ, ẩn mình kia chẳng có lấy một chút đối nhân xử thế để người trên kẻ dưới yêu mến mình. Nhà vua suốt đời không ưa ông, và người bạn Pigafetta trung thành của ông cũng phải công nhận rằng mọi người xung quanh “đều ghét ông một cách thân tình”. Nhìn thấy ông, mọi người đều mất vui. Ông không biết mỉm cười làm duyên, làm đẹp lòng ai; cũng không biết trình bày ý kiến một cách mạch lạc. Ít hùng biện, kín đáo, con người muôn thuở cô đơn này tạo ra quanh mình một không khí lạnh lẽo, ngỡ ngàng. Bạn hữu cảm thấy nơi ông một tham vọng khác lạ, còn đáng gờm hơn những kẻ công khai tỏ vẻ uy quyền. Đôi mắt bé, tròn, sâu hoắm và cứng cỏi, đôi môi ẩn trong chòm râu rậm, con người ấy giữ trong lòng một điều sâu kín lúc nào cũng lặng thinh, con người ấy luôn luôn bị mọi người ác cảm. Ngay từ đầu Magellan gặp trở ngại ở mọi phía. Không dễ dàng sống với ông, và riêng ông, chắc cũng khó sống với nỗi cô đơn bi thảm của mình.
Lần này cũng vậy, Magellan đến triều kiến một mình không người giới thiệu, không người đỡ đầu. Ông chọn con đường thẳng thắn, trực diện, con đường tệ hại nhất ở triều đình. Vua Manoel vẫn tiếp ông trong cung điện ấy, chắc cũng ngồi trên cái ngai mà ngày xưa vua cha Joao II từng ngồi để thải hồi Chritophe Colomb. Màn lịch sử cũ lại tái diễn nguyên trong dàn cảnh cũ. Quả thế, con người lực lưỡng, thô kệch có chòm râu đen đang cúi xuống trước vua Manoel hôm nay sẽ bị thải hồi một cách khinh bỉ, và cũng như xưa với Colomb con người ấy đang nghiền ngẫm trong đầu những tư tưởng cao rộng. Có khi ông còn cao hơn người tiền nhiệm về lòng dũng cảm, về ý chí và kinh nghiệm.
Chẳng có ai chứng kiến quang cảnh này, nhưng qua lời mô tả của các nhà biên niên thời ấy, ta có thể hình dung những gì xảy ra. Magellan tiến tới trước nhà vua, chân trái lê trên sàn. Ông nhún người thi lễ và trao nhà vua tập hồ sơ minh oan. Rồi ông trao tiếp bản thỉnh cầu khiêm tốn: ông xin nhà vua xét vết thương đã làm ông giảm khả năng phục vụ mà tăng trợ cấp hàng tháng lên nửa “crusado” nữa (khoảng sáu franc). Món tiền chẳng nghĩa lý gì, nhưng điều Magellan yêu cầu là danh dự.
Manoel chau mày nhìn kẻ bầy tôi quá hấp tấp kia. Vị quốc vương giàu có cũng chẳng đếm xỉa gì đồng tiền mọn ấy, nhưng cung cách của kẻ kia làm ông khó chịu. Hắn không xin, không van nài, hắn đòi. Hắn không chờ nhà vua ban cho mà hắn buộc nhà vua phải nhìn nhận cái quyền của hắn. Vậy thì kẻ cứng đầu kia hãy về mà học kiên nhẫn, học cầu khẩn. Cơn giận bốc lên, Manoel bác lời thỉnh cầu của Magellan. Nhà vua đâu biết rằng không lâu nữa, ông sẽ phải trả cái giá nửa crusado bằng hàng vạn đucat vàng.
Phải về thôi. Vầng trán tối sẫm của quốc vương không hứa hẹn ban cho ông tí ân huệ nào nữa. Nhưng thay vì nghiêng đầu, rời khỏi cung điện, Magellan im lặng đứng nguyên trước mặt nhà vua, đưa ra bản thỉnh cầu thứ hai, nó chính là điều cơ bản nhất: Nhà vua có thể ban cho ông một công việc, một nhiệm vụ gì đó xứng đáng với khả năng của ông? Ông còn sức, còn năng động; hằng tháng, hằng tuần đều có tàu rời bến Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, Phi châu, Brazin. Nhà vua có thể giao một chiếc tàu nào đó cho một người am hiểu biển phương Đông hơn bất cứ ai?
Từ khi Vasco de Gama qua đời, nhà vua biết rằng không một ai trong thành phố này, ngay cả trong vương quốc này, có thể hơn Magellan về khả năng hàng hải. Nhưng nhà vua không chịu được cái nhìn kia. Ông lạnh lùng lắc đầu, chẳng cần để cho kẻ kia chút hy vọng nào nữa: không có chỗ cho anh ta!
Bên nguyên đã được nghe và lời phán đã quyết, không còn khiếu nại. Nhưng Magellan lại đưa ra lời thỉnh cầu thứ ba, thực ra đây đơn giản là một câu hỏi: quốc vương có ngăn trở ông phục vụ một nước khác, nơi ông hy vọng được ưu đãi hơn chăng?
Bằng một sự im lặng khinh bỉ, nhà vua chấp nhận lời thỉnh cầu. Người ta đã cho ông hiểu rằng triều đình Bồ Đào Nha chẳng cần đến ông nữa.
Không biết có phải trong dịp này hay dịp nào khác Magellan đã dâng lên nhà vua kế hoạch của ông. Có thể người ta không để ông có thì giờ triển khai đề án, có thể người ta lạnh lùng bác bỏ ngay từ đầu; dù sao ông cũng, một lần nữa trong dịp triều kiến này, khẳng định quyết tâm của ông hết lòng phụng sự tổ quốc. Chỉ khi bị từ chối phũ phàng, ông mới đi tới quyết định ấy; bởi ông là một con người hành động, tâm hồn ông là tâm hồn của sự sáng tạo, ông không thể ngồi chờ.
* * *
Ngay khi rời khỏi cung điện nhà vua như một gã ăn mày bị xua đuổi, Magellan bị cuốn hút vào công việc. Ông đã bốn lần vượt qua mũi Hảo Vọng, hai lần từ phía đông. hai lần từ phía tây. Ông đã cận kề cái chết, ba lần bị thương. Mười năm kinh nghiệm đã tôi rèn ông trong mọi ngành kỹ thuật quân sự: ông thạo cầm gươm và súng, la bàn và bánh lái, thạo dong buồm, nổ đại bác. Ông đọc và vẽ bản đồ, tìm tọa độ như một hoa tiêu già, sử dụng máy đo, tính toán như một “thầy thiên văn”. Biển băng, bão tố, chiến trận trên mặt nước, trên đất liền, tập kích, cứu thuyền, ông biết hết, thạo hết. Mười năm qua ông đã học chờ đợi trong hàng trăm ngày và đêm trên các vũng biển mênh mông để hành động nhanh như chớp khi thời cơ tới. Ông đã kết giao với đủ mọi thứ người, da vàng, da trắng, da đen, Ấn Độ, Phi châu, Mã Lai, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã phụng sự đức vua của ông, tổ quốc của ông bằng mọi cách, dưới nước, trên bờ, trong mọi thời tiết, dưới mọi bầu trời, giữa băng giá, giữa nắng thiêu. Nhưng thời trai tráng đã qua, gần kề tuổi ba mươi sáu, Magellan cảm thấy ông đã hy sinh khá nhiều cho quyền lợi và danh vọng của những kẻ khác. Giống như mọi con người cưu mang sáng tạo, vào quãng giữa đời, ông muốn bay bằng đôi cánh của mình, ông muốn sống cho mình. Tổ quốc đã bỏ ông, ông tự thấy đã rũ hết mọi trách nhiệm, mọi bổn phận đối với tổ quốc.
Càng hay! Ông đã tự do. Lắm khi ta bị một bàn tay ruồng rẫy: chính ra nhờ bàn tay ấy mà ta trở lại là ta.
* * *
Những điều Magellan quyết định, ông không bao giờ lộ ra một cách vội vàng thô bạo. Chuyện kể của những người đương thời không cho ta biết rõ tâm tính ông, nhưng có một đức tính hiện rất rõ trong mọi giai đoạn của cuộc đời ông, đó là sự kín đáo. Bẩm sinh kiên trì ít nói, dè dặt ngay cả trong quân ngũ vốn là chỗ ồn ào bát nháo, lúc nào ông cũng toan tính suy ngẫm, nhìn xa về phía trước, cân nhắc được thua, không khi nào ông lộ ý đồ trước khi nghiền ngẫm đào sâu và quyết định.
Lần này nữa, Magellan sử dụng một cách tuyệt vời nghệ thuật im lặng. Sau khi bị vua Manoel từ chối một cách nhục nhã, nếu như người khác sẽ lập tức bỏ xứ mà đi. Ông, ngược lại vẫn nằm yên một năm nữa ở Bồ Đào Nha. Chẳng ai biết ông đang làm gì, chỉ biết ông thường lui tới đoàn hoa tiêu, thuyền trưởng, nhất là những người thường qua lại biển Nam. Người đi săn thì hay nói chuyện rừng, có gì lạ. Chuyện ông thường tới kho bạc, tới thư khố riêng của đức vua để lật xem bản đồ cùng các nhật ký hàng hải ở Brazin mà người ta giữ kỹ, chuyện ấy cũng không có gì quan ngại, một sĩ quan nhàn rỗi biết làm gì hơn?
Chuyện ngạc nhiên là đám bạn bè ông mới kết giao - Ruy Faleiro, người mà ông thường lui tới nhất, là một trí thức ồn ào, bồng bột. dễ nóng, tính tình cao ngạo, kiểu người thật khó tâm đầu ý hợp với Magellan.
Vậy mà đôi bạn này kết thân ngày càng khăng khít. Thực ra tài năng và tính cách hai người bổ sung cho nhau. Magellan say mê các chuyến đi biển, khám phá thế giới vật chất. Faleiro thích nhìn trời, rút ra các suy nghĩ trừu tượng. Lý thuyết gia, người của các phòng nghiên cứu, chưa bao giờ đặt chân lên một con tàu, chưa ra khỏi Bồ Đào Nha, ông chỉ biết những con đường trên trời và dưới biển qua các con tính. Nhưng trong lĩnh vực trừu tượng, ở cương vị lập bản đồ và tính toán thiên văn thì ông được coi như đỉnh cao nhất nước. Ông không biết giương một cánh buồm, nhưng là người phát minh hệ thống kinh vĩ, phát minh vô cùng cần thiết cho Magellan sau này; ông không biết giữ tay lái, nhưng các hải đồ, các bộ kính trắc tinh và nhiều dụng cụ nữa do ông sáng chế là những trợ thủ đắc lực nhất của ngành hàng hải thời ấy.
Chính bởi họ ở hai đầu cực, do thiên hướng, do sở thích mà đôi bạn ấy hoàn chỉnh cho nhau như lý thuyết với thực nghiệm, ý tưởng với hành động, tinh thần với vật chất.
Một sự gắn bó khác, tình cờ thôi, ghép chặt hai người. Cả hai, mỗi người một kiểu, đều bị nhà vua xúc phạm ghê gớm, công việc của họ bị ngăn trở nhiều. Ruy Faleiro có tham vọng ngồi ở ghế thiên văn học hoàng gia, mà thật ra ở Bồ Đào Nha không ai xứng đáng hơn. Nhưng ông làm mếch lòng triều đình vì tính khí nóng nảy, ồn ào cũng giống như Magellan vì vẻ tự kiêu lặng lẽ. Kẻ thù coi ông như thằng điên và có tiếng đồn ông dùng thuật phù thủy trong thiên văn; người ta định đưa ông ra xét xử trước pháp đình Cơ đốc.
Faleiro nghiên cứu các thông báo và đề án của người bạn và lập ra các biểu đồ khoa học. Tính toán của ông khẳng định những dự cảm của Magellan; và nhà lý thuyết với nhà thực nghiệm càng so sánh các quan sát của họ thì nhiệt tình của họ càng tăng, kế hoạch của họ ngày càng rõ nét. Cả hai cũng lấy danh dự thề không tiết lộ bí mật cho bất cứ ai trước giờ quyết định. Chẳng cần sự chi viện của tổ quốc trợ lực khi họ gặp khó khăn, họ quyết tâm thực hiện bằng được chiến công này bởi nó không thuộc về một quốc gia nào, nó thuộc về nhân loại.
Bây giờ ta có thể hỏi, kế hoạch bí ẩn ấy là gì mà hai người lén lút bàn cãi dưới bóng cung điện hoàng gia ở Lisbonne, như hai kẻ mưu phản?
Câu trả lời thoạt nghe có vẻ thất vọng. Kế hoạch ấy chính là cái ý nghĩ Magellan đem từ Ấn Độ về, được anh bạn Serrao khuyến khích, tức là đi tới các hòn đảo gia vị bằng con đường phía tây, vòng qua châu Mỹ chứ không đi con đường phía đông vòng qua châu Phi.
Ta biết rằng Colomb tình cờ tìm ra châu Mỹ. Trước khi Pizzaro cướp đoạt các kho báu của người Incas ở Nam Mỹ, trước khi tìm ra mỏ bạc ở Potosi, sự khám phá châu Mỹ chẳng có ý nghĩa gì về mặt thương mại. Tây Ban Nha chẳng thiết gì khai thác châu Mỹ mà chỉ muốn nhanh chóng vòng qua để tới các hòn đảo gia vị ở đằng sau lưng nó. Nhưng càng ngày người ta càng phát hiện ra rằng châu Mỹ dài quá.
Trong chuyến đi thứ tư, Christophe Colomb vẫn vấp vào thanh chắn ấy. Trong chuyến “liên lạc” thứ tư, Cortez hứa với quốc vương Charles là sẽ tìm ra con đường thông qua eo Panama. Cortereal và Cabot lên tận Bắc Băng Dương để tìm con đường trên phía bắc, Juan de Solis đến Rio de la Plata (Achentina) với hy vọng tìm ra con đường phía nam. Hoài công! Trên các vùng băng giá cũng như trong vòng đai nhiệt đới vẫn là bức rào đá và đất ấy chắn trước mặt. Đã đến lúc người ta mất hết hy vọng băng qua Đại Tây Dương để tới vùng biển mà Numez de Balboa đã nhìn thấy từ trên đỉnh cao Panama. Đã đến lúc các nhà đồ bản vẽ Nam Mỹ nối liền Nam cực và Tây Ban Nha đành từ bỏ giấc mộng thông sang Ấn Độ Dương.
Thế rồi cái anh chàng thuyền trưởng nhỏ nhoi chẳng ai biết đến này, Magellan, bỗng đứng lên và dõng dạc tuyên bố: “Có một con đường ăn thông từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương. Ta biết nó, biết chính xác vị trí của nó. Hãy cho ta một hạm đội và ta sẽ chỉ nó cho các người xem và ta sẽ đi một vòng quả đất từ tây sang đông”!
* * *
Tới đây, ta đang đứng trước điều bí mật thật sự của Magellan vốn đã làm bận tâm nhiều nhà bác học và tâm lý học từ mấy trăm năm nay. Tự thân nó - chúng ta vừa mới nói - đề án của Magellan chẳng có gì mới. Mới chăng là điều khẳng định của ông. Không dè dặt như nhiều ngườì khác “Tôi hy vọng tìm ra con đường ở đâu đó”, ông công bố dứt khoát là ông biết rõ nó ở đâu. Mà làm sao Magellan biết con đường ấy, hành lang, con hẻm ấy? Bao nhiêu nhà hàng hải đã tìm nó trước ông rồi. Ông chưa hề qua bờ biển châu Mỹ, cả người bạn Faleiro của ông cũng vậy. Có thể ai đó đã từng thấy con đường tắt và nói lại với ông. Người đó là ai?
Antonio Pigafetta là người đầu tiên nói rõ cho chúng ta biết. Anh là người bạn đường, chiến hữu và là người viết tiểu sử ông. Pigafetta viết rằng ngay cả khi con đường vào hành lang đã mở ra trước mắt họ, không có ai trong hạm đội tin là có nó, trừ Magellan - và đó là nhờ một tấm bản đồ của Martin Berheim [5] mà ông đã tìm xem được trong thư khố mật của vua Bồ Đào Nha. Phát hiện của Pigafetta rất có thể được chấp nhận bởi cho đến khi chết, Berheim vẫn là nhà đồ bản của triều đình Tây Ban Nha, và mặt khác ta đã biết Magellan được phép tra cứu các hồ sơ mật ấy. Nhưng Berheim chẳng bao giờ tham gia một cuộc thám hiểm nào, vậy thì ông ta cũng chỉ nghe người khác nói lại. Người khác đó là ai?
Có ai đó đã tìm ra con đường trước khi Berheim lập bản đồ chăng? Có thể, bởi các tư liệu quốc gia ghi chép rằng hồi đầu thế kỷ, nhiều chuyến viễn du Bồ Đào Nha đã thám hiểm vùng biển Brazin và không chừng cả Achentina nữa.
Câu hỏi nữa: các chuyến thám hiểm đó dẫn tới đâu? Có thật họ đã tới hành lang, tới con đường mà ngày nay chúng ta gọi là eo Magellan? Ngoài dẫn chứng của Pigafetta, ta còn có một quả địa cầu của Johann Schroener ngày nay vẫn còn, xác lập năm 1515, nghĩa là trước chuyến đi của Magellan đến năm năm. Trên quả địa cầu này có ghi vị trí hành lang nhưng sai sự thật rất xa. Cả hai vị giáo sư người Đức này đã nghe ai nói?
Bí mật. Ở cái thời khám phá ấy, mỗi quốc gia đều giấu nhẹm kết quả các chuyến đi. Nhật ký hoa tiêu, chỉ thị của thuyền trưởng cũng như bản đồ được cất giấu kỹ và bằng đạo dụ ngày 13 tháng giêng năm 1504, vua Manoel cấm ngặt, lên án tử hình “những ai tiết lộ tình hình hàng hải quá vị trí Congo, để cho người ngoại quốc không thể lợi dụng các phát kiến của Bồ Đào Nha”.
Nhưng Berheim và Schroener cũng không phải là những người đầu tiên Magellan tìm hiểu. Sau này người ta tìm ra bằng chứng. Đó là một văn kiện mang tên “Copia der Neu Zeitung”, thông báo Neu Zeitung, do một phái viên nào đó tại Bồ Đào Nha gởi cho một nhà buôn lớn ở Augsburg, nhà buôn Welser. Thông báo viết rằng có một con tàu Bồ Đào Nha đã gặp tại vĩ tuyến 40 Nam một mũi đất liền, đã đi vòng qua nó tìm thấy ở phía sau đó, một eo biển rộng như eo biển Gibraltar. Eo biển này dẫn tới nhiều đại dương, như vậy người ta có thể dùng con đường ấy để dễ dàng tới quần đảo Moluques và các hòn đảo gia vị.
Vậy là rõ: Magellan đã sử dụng một phát kiến của người khác. Ông đã nắm được điều bí mật cũng như nhà đồ bản Đức và người phái viên vô danh kia. Công lao của ông chỉ là công bố một điều đã được biết, nhanh nhẹn, khéo léo tranh công của người khác, thế thôi.
Nhưng sự thật không phải vậy. Ngày nay chúng ta biết chính xác điều Magellan không biết vào thời ấy: các nhà hàng hải trong chuyến đi của tờ thông báo kia chưa hề tới eo biển và các thông báo của họ đã căn cứ vào một chuyện nghe lầm, một sự nhầm lẫn. Magellan cũng vậy, cũng như Martin Berheim và Johann Schroener đã tin bằng thật vào chuyện này. Bởi vì - chúng ta đang đi tới lời giải của bài toán - các nhà hàng hải đã tìm ra ở nơi ấy một cái vịnh. Họ đã đi sâu vào vịnh ấy hai ngày mà chưa thấy bờ. Khi họ tìm đường trở ra thì một cơn bão lớn ập đến. Như vậy họ chỉ nhìn thấy con đường vào của một hành lang mà họ đoán - chỉ đoán thôi - là con đường đưa tới Biển Nam. Còn con đường thực sự - sau này ta biết ở mãi tận vĩ tuyến 52, hơn một nghìn kilômét về phía nam kia!
Vậy những nhà hàng hải kia đã thấy gì ở cạnh vĩ tuyến 40?
Những ai lần đầu tiên nhìn thấy cửa sông Rio de la Plata sẽ hiểu. Đây không phải là một sai lầm ngẫu nhiên mà là một sai lầm không thể tránh: cửa sông ấy mênh mông như biển. Các nhà hàng hải kia có bao giờ trông thấy một con sông tầm cỡ như vậy ở châu Âu? Họ lầm con sông khổng lồ ra một eo biển và văn bản “Neu Zeitung” liền ghi chép và các nhà đồ bản trứ danh liền vẽ. Còn Magellan thì đã quá chủ quan khi nói rằng ông có trong tay những chứng cứ đích thực về con đường ăn thông. Căn cứ trên những thông tin sai lệch ông đã vạch ra kế hoạch vĩ đại vòng quanh trái đất và ông đã nhận về phần mình sự sai sót của thiên hạ. Hoàn toàn tin tưởng ở một sai lầm: cuối cùng, điều bí mật của nhà hàng hải vĩ đại là như thế.
Nhưng ta đừng cười. Khi một điều sai lầm ngớ ngẩn được một bàn tay thiên tài mó đến và nó lại được sự tình cờ dẫn dắt thì nó đẻ ra chân lý. Hàng trăm phát minh khoa học đã ra đời từ những giả thiết sai lầm. Không khi nào Christophe Colomb lại lao vào điều mơ hồ nếu không có tấm bản đồ của Toscanelli trong tay. Tấm bản đồ này ước lượng kích thước trái đất một cách buồn cười, nó đoán rằng bờ đông của Ấn Độ không đến nỗi xa lắm. Không khi nào Magellan có thể thuyết phục một vị quốc vương trao cho ông một hạm đội nếu ông không thật lòng tin ở tấm bản đồ của Berheim, ở những bản báo cáo tức cười của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha! Chỉ vì Magellan nhầm tưởng đang nắm trong tay một điều bí mật, nên ông đã giải quyết điều bí mật địa lý lớn lao của thời đại ông. Chỉ vì dâng hết tâm hồn mình cho một sai lầm khoảnh khắc nên ông đã tìm ra được một chân lý thiên thu.
-------------------------------
1. Pizzaro chinh phục Chilê, Pêru; Cortez chinh phục Mêhicô, đây là hai nhà thám hiểm người Tây Ban Nha. Có một truyền thuyết về Cortez như sau: Khi bị bỏ rơi, một lần ông đuổi theo xe của hoàng đế Charles Quint và nhảy lên ngồi trên bàn đạp. Nhà vua giận lắm, bèn hỏi người nào mà dám cả gan như vậy. Cortes trả lời: “Tâu Bệ hạ, đó là người đã cho Bệ hạ nhiều vương quốc hơn là các hành tinh mà vua cha truyền lại cho Bệ Hạ”.
2. Incas: Dân tộc cổ từng thiết lập một vương quốc bao gồm Pêru, Bôlivia, Chilê,... chủ nhân một nền văn minh rực rỡ (kiến trúc, kim hoàn, men gốm,...) bị Tây Ban Nha diệt chủng hồi thế kỷ 16.
3. Rei = 1 xu. Phụ cấp 100 reis tương đương khoảng 10 franc một tháng.
4. Camoẽs: sinh và mất ở Lisbonne (1525 - 1580). Sử liệu ghi: một lần qua Nam Hải, tàu bị đắm ở sông Tiền của Việt Nam, ông đã một tay nâng tập bản thảo Lusiades, một tay bơi vào bờ.
5. Martin Berheim (1459 - 1506) là nhà hàng hải, đồ bản người Đức, người soạn các bản thiên vĩ đầu tiên của mặt trời.

Chương bốn

Thực hiện ý đồ
(20 tháng Mười 1517 - 22 tháng Ba 1518)

Bây giờ Magellan đang ở bên lề một quyết định quan trọng. Ông dự thảo một kế hoạch táo bạo chưa từng thấy và ông tin chắc (hoặc là ông nghĩ như vậy) rằng với những tài liệu có trong tay, kế hoạch này nhất định thành công. Nhưng làm thế nào thực hiện một ý đồ táo bạo cỡ ấy? Bị đức vua của mình xua đuổi, không thể nhờ cậy bạn bè ở Bồ Đào Nha; ai dám tin một kẻ bị thất sủng ở triều đình. Chỉ còn một cách: nói chuyện với Tây Ban Nha. Chỉ có nơi này là ông còn hy vọng được giúp đỡ, cá nhân ông còn được coi trọng đôi chút; bởi ngoài những tài liệu quí báu đã rút được ở thư khố mật Bồ Đào Nha, ông còn có thể hiến cho Tây Ban Nha một bản quyền phát kiến. Người cộng sự Faleiro quả có tính toán - mà những con tính cũng sai tuốt như tài liệu của Magellan - rằng các hòn đảo gia vị không nằm trong khu vực Bồ Đào Nha mà nằm trong khu vực Giáo hoàng đã ban cho Tây Ban Nha. Đó là những hòn đảo giàu có nhất thế giới mà con đường của Magellan là con đường ngắn nhất để tới đó. Vậy chỉ ở triều đình Tây Ban Nha ông mới có thể hy vọng thực hiện ý đồ lớn của đời ông bằng một sự hy sinh đau đớn. Bởi đi với Tây Ban Nha, ông sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, sẽ bị từ bỏ cái tên Malgalhais, sẽ bị đồng bào ông coi là quân vong quốc, quân đào ngũ. Không thể so sánh với Colomb, Cabot, Cadamosto hay Amerigo Vespucci cũng chỉ huy những hạm đội nước ngoài trên mặt biển, Magellan khác. Không những ông rời bỏ tổ quốc mà còn làm hại tới quyền lợi Bồ Đào Nha: ông định đem về cho kẻ địch những hòn đảo gia vị. Ông có thể bị khép tội phản bội khi giao cho người nước ngoài sử dụng những bí mật của lưu khố Lisbonne. Chuyển sang từ ngữ hiện đại, trên cương vị cựu sĩ quan hàng hải Bồ Đào Nha, Magellan phạm tội tương đương với một sĩ quan đã trao cho kẻ địch những tấm bản đồ tham mưu và kế hoạch tổng động viên. Nhưng Magellan, ở vào khoảng giữa đời người, sau bao năm trung thành với tổ quốc, đã nhận ra sứ mệnh mà nhân loại giao cho ông thực hiện. Vì đức vua của ông đã từ chối, cho nên ông phải lấy công trình ấy làm tổ quốc của mình, chối bỏ tên tuổi Bồ Đào Nha để tự thể hiện mình trong công trình và chiến công bất tử của ông.
* * *
Thời kỳ chuẩn bị đã kết thúc. Vào mùa thu 1517, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch, tạm thời để người bạn Faleiro ở lại Bồ Đào Nha, Magellan vượt biên giới. Ngày 20 tháng Mười ông tới Séville cùng với anh nô lệ Henrique luôn gắn bó bên người. Thời ấy Séville không phải là thủ phủ của tân quốc vương Carlos đệ nhất, lừng danh sau này dưới cái tên Charles Quint. Nhà vua mới 18 tuổi, vừa từ Flandres đến Valladolid nơi ông định đóng đô cùng với triều đình. Nhưng Magellan biết, cảng Séville chính là cái thềm của Tân thế giới, nơi xuất phát của mọi tàu thuyền đi về phía tây. Mọi đầu mối quy tụ về đây: hàng hóa, thuyền trưởng, thương nhân, phái viên... nên nhà vua đã cho lập một thương cục “Casa de Contractacion”. Trụ sở Hợp đồng nổi tiếng, còn gọi là Trụ sở Ấn Độ hoặc Trụ sở Đại dương. Đây là nơi tập hợp và lưu trữ mọi khế ước, hồ sơ, thông tư, báo cáo đủ loại của các nhà hàng hải và thương nhân. Trụ sở Ấn Độ còn gọi là một trung tâm tín dụng, một công ty hàng hải, ta cũng có thể gọi nó là một phòng thương mại, một trung tâm thông tin, nơi những nhà kinh doanh tài trợ các chuyến viễn du, nơi các thuyền trưởng muốn nhận trách nhiệm tới ký hợp đồng và thương thảo dưới sự giám định của nhà đương cục. Bất cứ ai dự định vượt biển dưới màu cờ Tây Ban Nha đều phải tới trình diện tại Trụ sở Ấn Độ để được cho phép và yểm trợ.
Magellan chưa vội tới. Là người thạo tâm lý, thực tế, ông cân đong lại phần may mắn và ông thấy nó còn nhẹ quá, ông biết rằng muốn bước vào Trụ sở Ấn Độ thì phải có ai đó giật chuông. Đã từng bảy năm đi biển ở phương Đông. Đã chiến đấu dưới quyền Almeida và Albuquerque ư? Những chuyện đó chả nghĩa lý gì trong cái thành phố này cả. Ở đây còn khối hiệp sĩ phiêu lưu đang ngồi chờ trong các quán rượu. Những thuyền trưởng từng đi biển từ thời Colomb, Cortéréal Cabot vẫn còn sống nhăn ra đó. Ông từ Bồ Đào Nha tới, ở đó chẳng ai giao việc cho ông, ông là một kẻ di tản, đúng ra là một tên đào ngũ, chuyện ấy nữa, cũng đâu phải là một lời tiến cử. Trụ sở Hợp đồng sẽ chẳng bao giờ tín nhiệm một kẻ vô danh như ông, cho nên Magellan đời nào lại bước vào đó; ông có kinh nghiệm trong những trường hợp này. Trước hết ông phải có nơi giao tiếp, có người tiến cử, có một hậu thuẫn hoặc có tiền trước khi thương lượng với những kẻ cầm đầu tiền bạc và thế lực.
Dường như từ Bồ Đào Nha, ông cũng có chuẩn bị về mặt này. Chúng ta biết ông đã được Diego Barbosa tiếp đón thân tình. Ông này cũng đã từ bỏ quốc tịch Bồ Đào Nha và từ mười bốn năm nay, nhận chức vụ quan trọng là thẩm phán trong triều đình Tây Ban Nha. Rất được trọng vọng, được tưởng thưởng Huân chương Thánh Santiago, ông đúng là con người lý tưởng của kẻ đang bơ vơ. Ngay từ phút đầu, điều gắn bó hai người là chính Barbosa cũng đã từng đi biển trước Magellan rất lâu ở Ấn Độ. Người con trai Duarte Barbosa của ông cũng từng ngược xuôi trên mặt biển Ấn Độ, Ba Tư và Mã Lai. Anh ta còn viết một quyển sách rất được yêu thích thời ấy: “Ký sự của Duarte Barbosa”! Ba người đàn ông này trở thành tri kỷ. Ngày nay ta thường thấy các hội cựu binh thì thời ấy lạ gì tình cảm gắn bó của những người đã từng dọc ngang trên mặt biển? Barbosa mời Magellan tới ở nhà mình. Ít lâu sau cô con gái Barbosa phải lòng người đàn ông kiên nghị, trầm tĩnh này. Cuối năm ấy Magellan trở thành con rể của ngài thẩm phán, ông đã có một mối giao lưu và một mái nhà ở Séville. Kẻ mất gốc Bồ Đào Nha đã được Tây Ban Nha thừa nhận, ông không còn là người tị nạn mà là một công dân của Séville. Với danh nghĩa gia đình Barbosa, với món của hồi môn của vợ là sáu trăm ngàn maravédis, bây giờ thì ông có thể mạnh dạn bước vào cửa Trụ sở Hợp đồng.
Ngày nay chúng ta không được biết rõ vế những buổi thương lượng đầu tiên của Magellan ở đây. Chắc rằng ông vẫn giữ lời nguyền với Faleiro về những bí mật cần giữ cho nên nhóm đại diện trụ sở đã bác bỏ đề nghị của ông, nghe đâu ông còn bị họ chế giễu nữa kia. Thật ra trụ sở Hợp đồng, cáo già trong công việc, không muốn riêng nhận trách nhiệm, bởi đề án của Magellan quá dị thường.
* * *
Vậy là cánh cửa đầu tiên trong số vô vàn cánh cửa đưa đến điện tiếp tân của vua Charles đã đóng lại trước Magellan. Hẳn đó là một ngày buồn bã. Mọi lý lẽ, biện minh của ông đều không thuyết phục nổi ba chuyên viên của Trụ sở được đặc phái xem xét đề án của ông.
Nhưng cũng có chuyện thường xảy ra trong chiến trận. Khi viên chỉ huy nghĩ mình đã thua, chuẩn bị con bài rút lui thì một tin đưa tới: quân địch bỏ chiến trường. Magellan tưởng thất vọng thì nhận được thư của một trong ba chuyên viên đặc phái, Juan de Aranda, giám đốc thương mại của Trụ sở Hợp đồng. Ông muốn tìm hiểu thêm và mời Magellan gặp riêng.
Điều đối với Magellan như một ân đức riêng của Thượng đế thật ra là một điều rất trần tục. Cũng như mọi hoàng đế, vua quan cùng thương nhân vốn chẳng bao giờ để ý đến chuyện tìm hiểu địa cầu hay hạnh phúc của nhân loại, điều thúc đẩy Juan de Aranda tiến về phía Magellan chỉ là cái viễn ảnh lợi nhuận. Là người thực tiễn, ông ta đã đánh hơi thấy trong đề nghị của nhà hàng hải một vụ kinh doanh có triển vọng. Có điều gì đó thuyết phục ông, hoặc là cách trình bày minh bạch rõ ràng hoặc là thái độ cả quyết của viên sĩ quan bé nhỏ này. Điều chắc chắn là đằng sau cái đẹp của đề án, ông đã nhìn thấy tầm cỡ của món lời. Ông tóm tắt. Với danh nghĩa quan chức của nhà vua ông không chấp nhận đề án, nhưng ông có thể để tâm đến công việc này với danh nghĩa cá nhân. Ông nhận làm trung gian giữa tác giả và Hội đồng hoàng gia. Kiểu làm việc này không được đúng đắn, về sau này ông ta bị Trụ sở Hợp đồng khởi tố.
Đã đến nước này thì phải đánh nốt ván bài. Magellan đành thất hứa với Faleiro, ông tuôn ra khá nhiều điều bí mật và Aranda càng ngày càng phấn khích. Ông ta bèn tìm hiểu kỹ trước khi đặt vàng và uy tín của ông vào cuộc. Ông muốn tìm hiểu xem ở Bồ Đào Nha người ta đánh giá Magellan và Faleiro ra sao. Người tìm hiểu không ai khác hơn là Christophe de Haro. Ông ta là người đã tài trợ các chuyến viễn chinh đầu tiên sang Brazin, rất am hiểu người và việc. Anranda hoàn toàn hài lòng được biết Magellan là một nhà hàng hải lão luyện, còn Faleiro được coi là nhà đồ bản số một của Bồ Đào Nha. Thế là tảng đá ngầm cuối cùng đã vượt qua. Từ đây, viên giám đốc thương mại của Trụ sở Hợp đồng, được coi như người có uy tín trong triều về vấn đề hàng hải, sẽ đích thân lo việc cho Magellan. Magellan đã là người của ông. Cộng vào cặp Magellan - Faleiro, giờ có thêm người thứ ba là Aranda. Trong bộ ba này, Magellan góp kinh nghiệm, Faleiro góp lý thuyết, còn với Aranda, thì là những mối quan hệ trong giới tài chính. Ông ta khởi công ngay. Ông viết một bức thư dài cho Đại pháp quan Hoàng gia, trình bày sự việc và tiến cử Magellan coi như “người có thể giúp nhiều việc lớn cho điện hạ. Điện hạ có thể tin tưởng...”. Ông cũng viết thư cho các vị tư vấn, tâu xin cho nhà hàng hải được triều kiến. Hơn nữa, ông sẽ đích thân đưa cho Magellan tới Valladolid. Vậy là chỉ trong một đêm gió đã đổi chiều. Magellan thấy những hy vọng táo bạo nhất của ông bị thực tế vượt xa. Chỉ vài tháng lưu trú ở Tây Ban Nha, ông đã thu được nhiều hơn mười năm tận tụy phục vụ tổ quốc của ông. Khi cánh cửa triều đình sắp mở, ông vội viết thư mới Faleiro hãy mau mau tới Séville, mọi việc đều tốt đẹp.
Ta có thể nghĩ nhà hàng hải này sẽ nức nở khen người cộng sự của mình. Nhưng đời Magellan - trong tương lai vẫn vậy - chẳng có ngày nào không sóng gió. Nguyên chuyện Faleiro như vậy đã rơi xuống hàng thứ hai cũng đủ làm ông ta điên tiết: ông ta lại còn biết không phải vì lý tưởng gì mà Aranda thu xếp cho ông và Magellan được triều kiến, chẳng qua đó chỉ là vì tiền.
Chuyện cãi vã nổ ra to. Faleiro kết tội Magellan đã thất hứa, đã tiết lộ bí mật cho kẻ thứ ba. Trong cơn tức giận, ông từ chối không chịu đi Valladolid. Mà Aranda thì đã nhận được tin nhà vua thuận cho triều kiến. Phải mất hai ngày thương lượng bàn thảo về vấn đề Faleiro. Cuối cùng bộ ba đi đến thỏa thuận. Người ta sẽ chia da gấu sòng phẳng cho nhau, tuy chưa bắt được gấu. Aranda sẽ nhận một phần tám số lợi tức trong tương lai, mà phần chia ấy đối với ông: một con người có uy tín đương triều, đâu phải là quá đáng. (Thực ra sau này Magellan và Faleiro, ngay cả ông nữa, chẳng ai nhận được một xu!). Theo lời bàn của ông, cả ba tìm cách thuyết phục Hội đồng Hoàng gia trước khi gặp đức vua.
Rủi thay ba trong số bốn thành viên của Hội đồng Hoàng gia lại là người Hà Lan: Hồng y Adrien d'Utretch - sau này lên ngôi Giáo chủ, Thái phó Gulllaume de Croix, ông thầy già của đức vua, và Đại pháp quan Sauvage; họ chỉ chuyên tâm về vấn đề Đức, vì quốc vương Tây Ban Nha hiện nay phải được nhận thêm vương miện Đức [1], điều đó sẽ đưa dòng họ Habsbourg lên hàng bá chủ hoàn cầu. Đối với các vị quý tộc (hoặc là cổ học) này, đề án tổ chức một cuộc thám hiểm bên kia đại dương chỉ có lợi cho Tây Ban Nha thôi, nào lợi lộc gì thêm cho dòng dõi Habsbourg! Vị thứ tư, người Tây Ban Nha duy nhất của Hội đồng là đức Hồng y trứ danh Fonseca. Nghe Aranda nhắc đến cái tên ấy, Magellan không khỏi dựng tóc gáy. Người thuyền trưởng nào mà chẳng biết rằng hồi sinh thời Christophe Colomb chưa có kẻ thù nào bám riết hơn vị Hồng y ấy. Ngài không cho phép có chuyện phiêu lưu, suốt đời ngài chống những kế hoạch mạo hiểm. Nhưng dù sao Magellan cũng chẳng có gì để mất, ông phải nỗ lực để được một cái gì. Và thế là chí đã quyết, ông ngẩng cao đầu ra mắt Hội đồng Hoàng gia.
* * *
Về những gì xảy ra trong phiên họp quan trọng này, các tài liệu trái ngược nhau, chúng ta chẳng biết được gì nhiều. Có điều là thái độ cả quyết của Magellan chắc đã đập mạnh vào các vị tư vấn của nhà vua. Các vị này thấy rõ viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha không phải là một kẻ bốc đồng như nhiều thuyền trưởng khác. Sau chiến công của Colomb họ đã dội bom triều đình bằng hàng loạt đề án ít nhiều kỳ quặc. Người này khác. Ông ta quả đã đi rất xa về phía đông. Các hòn đảo gia vị, vị trí địa dư, điều kiện khí hậu và tài nguyên vô tận của chúng - những tài liệu này nhờ sự liên hệ với Varthẽma và tình bạn với Serrao - tỏ ra phong phú đáng tin cậy hơn là hồ sơ thu thập của Tây Ban Nha. Nhưng Magellan chưa chơi hết con bài. Ông ra hiệu cho anh nô lệ Henrique bước vào. Các vị tư vấn của nhà vua ngạc nhiên nhìn anh thanh niên Mã Lai mảnh dẻ, tay chân thon thả dáng người hoạt bát. Người ta nói Magellan cũng đem theo một cô gái nô lệ Sumatra và khi cô này bắt đầu ríu ran nói bằng thứ ngôn ngữ của cô, tất nhiên các vị tư vấn chẳng hiểu gì, thì các vị cảm thấy như có một con chim yến màu sắc rực rỡ vừa xuất hiện trong cung. Sau cùng Magellan trích đọc một đoạn thư của bạn Francisco Serrao, viên đại tể tướng của đức vua xứ Temate “xứ sở rộng hơn, giàu hơn cả đại lục do Vasco de Gama tìm ra”.
Sau khi đánh thức sự lưu ý của các vị, Magellan bèn trình bày yêu sách. Như ông đã nói, các hòn đảo gia vị ở mãi tận phương Đông như vậy, vừa phải vòng Phi châu, vượt biển Ấn Độ và bán đảo De la Sonde thì xa xôi đường đất quá. Con đường chắc chắn nhất là đi về phía tây, đi theo hướng Đức giáo hoàng đã chỉ cho người Tây Ban Nha. Đúng là hướng ấy bị châu Mỹ cắt ngang nhưng riêng Magellan, ông biết có một con đường, một eo biển và ông xin hiến điều bí mật ấy để phục vụ Hoàng gia nếu ông được cấp cho một đội tàu. Mà ngay cả quần đảo Moluques của Bồ Đào Nha cũng thuộc về vùng Tây Ban Nha. Ông biết quá rõ, vả lại căn cứ vào sự tính toán của nhà đại bác học Faleiro bạn ông, thì sự thực chính là như vậy.
Faleiro cho đem tới một quả địa cầu. Sau này ta biết, các con tính kinh tuyến và vĩ tuyến của Faleiro đều sai tuốt, bởi ngày ấy đã có ai vượt Thái Bình Dương đâu. Chỉ hai mươi năm sau thôi người ta thấy rõ chất hài hước của câu chuyện này.
Còn gì nữa! Người đời tin ở cái gì có lợi. Và khi mà nhà bác học nổi tiếng này trình bày điều có lợi cho Tây Ban Nha thì ai còn cãi làm gì. Khi người ta hỏi tại sao trên quả địa cầu không thấy ghi cái eo biển kia thì Faleiro giải thích là để giữ bí mật cho nên ông không vẽ vào đó. Nhà vua và các vị tư vấn ngồi im lặng nghe, nửa thản nhiên, nửa lưu ý. Bỗng nhiên, điều bất ngờ nhất đã xảy ra. Chuyến đi này sẽ xác định kích thước quả đất, xóa sạch tất cả các bản đồ thế giới đang có; thế nhưng quan tâm tới nó không phải là các nhà cổ học hay các nhà bác học mà lại chính là ngài giám mục Fonseca đa nghi. Có thể trong thâm tâm, ngài thấy thấm thía lỗi lầm đối với Colomb, và không muốn một lần nữa lại là người chống đối những tư tưởng vĩ đại. Hay cũng có thể những buổi nói chuyện với Magellan đã thuyết phục ngài. Dù sao, sự tán thành của ngài coi như đã quyết định phiên họp. Đề án được chấp thuận trên nguyên tắc. Faleiro và Magellan được chính thức mời trao cho Hội đồng Hoàng gia những yêu cầu chính thức bằng văn bản.
* * *
Với phiên họp này, ván bài đã thắng. Một khi cái duyên may đã mỉm cười với bạn thì nó không rời bạn nữa. Một ngày nọ, nhà tài phiệt Hà Lan Christophe Haro tới Séville. Ông là người đã từng trang bị cho nhiều chuyến viễn chinh, từng làm ăn với các chủ ngân hàng Venise như Welser và Fugger. Cho đến nay ông vẫn đặt tổng hành dinh ở Lisbonne. Nhưng tính keo kiệt, bạc bẽo của vua Manoel từng làm ông khó chịu, cho nên những gì có thể làm phật ý vua Bồ Đào Nha thì ông rất lấy làm khoái chí. Ông có biết Magellan, tin tưởng ở ông, hơn nữa ông thấy khía cạnh thương mại của chuyến đi là hấp dẫn. Ông tuyên bố nếu triều đình Tây Ban Nha và Trụ sở Hợp đồng không muốn ứng số tiền cần thiết thì ông xin sẵn sàng xuất vốn lo liệu chuyến đi.
Khi Magellan tới gõ cửa Trụ sở Hợp đồng, ông đứng ở vị trí một người cầu cạnh, và ngay cả trong phiên họp của Hội đồng Hoàng gia ông vẫn buộc phải giảm bớt yêu cầu. Lời đề nghị của Haro làm thay đổi tình thế. Bây giờ thì ông ở vị trí của một ai đó có cái gì đó để trao đổi. Ông chẳng cần tiền của nhà vua nữa. Ông chỉ xin đi biển dưới màu cờ Tây Ban Nha và ông sẽ nộp cho nhà vua một phần năm lợi nhuận. Bây giờ ông chỉ đề nghị có vậy thôi.
Đề nghị này bị Hội đồng Hoàng gia bác bỏ ngay. Bởi, các vị tư vấn tính toán, khi một nhà kinh doanh lõi đời như Haro muốn bỏ vốn thì chắc chắn chuyến này phải lãi to. Vậy thì nhà vua nên tài trợ đề án bằng ngân sách quốc gia để thu về món lợi to nhất, chưa kể vinh dự lớn lao mà Tây Ban Nha sẽ đón lấy. Sau một buổi thương lượng ngắn, tất cả các đề nghị của Magellan và Ruy Faleiro đều được chấp nhận. Ngày 22 tháng Ba 1518, Charles Quint nhân danh mẹ ông, hoàng hậu Jeanne - Khùng [2], ký phê chuẩn “la Capitulacion”, bản giao ước với Magellan và Ruy Faleiro.
* * *
“Xét vì, - tài liệu lịch sử này mở đầu - , các ngài Fernando de Magallanes, Hiệp sĩ, sinh quán tại Bồ Đào Nha và Ruy Faleiro, Học sĩ, cùng sinh quán tại quốc gia ấy, các ngài đề nghị giúp chúng ta một công việc trọng đại trong vùng đại dương đã được giao phó cho chúng ta, chúng ta hạ lệnh cho giao ước sau đây được ký kết với các ngài...”

Một loạt điều khoản tiếp theo. Điều đầu tiên thuận cho Magellan và Faleiro được hưởng đặc quyền đi lại trên các vùng biển chẳng ai biết đến...

“Nghĩ rằng sẽ không công bằng nếu như trong khi các ngài đi đến nơi ấy mà có kẻ khác hãm hại các ngài bằng cách đi theo, xét vì các ngài đã nhận trách nhiệm của chuyến đi này, theo ý nguyện của ta, ta hứa cùng các ngài rằng trong vòng mười năm nữa, không ai có quyền đi con đường ấy để làm cuộc thám hiểm mà các ngài đã đề ra”.

Trong các điều khoản tiếp, người ta hứa với Magellan và Faleiro “xét về thiện chí và công sức đóng góp” sẽ chia một phần hai mươi các khoản lợi tức khai thác từ đất đai do họ khám phá, cũng như đặc quyền trên hai đảo nếu họ khám phá được sáu đảo. Ngoài ra cũng như trong trường hợp Christophe Colomb, người ta còn cam đoan, cho riêng bản thân họ và những kẻ thừa kế, chức vị toàn quyền của tất cả các quần đảo ấy. Trong chuyến đi sẽ có một đại diện của nhà vua, một quản khố và một kế toán để kiểm soát các chi phí, điều đó cần thiết về mặt quản trị, nó không hạn chế tự do hành động của các thuyền trưởng. Nhà vua đặc biệt cam kết cho thuê năm con tàu có tên trong quy định, trang bị lương thực và trọng pháo đủ dùng trong hai năm. Tài liệu lịch sử kết thức bằng những lời lẽ long trọng như sau:

“Vì những điều đã dẫn trên đây, ta hứa trên danh dự của ta và lời phán của ta rằng tất cả sẽ được thực hiện như trên và nhằm mục đích ấy, ta hạ lệnh cho bản hợp đồng này được soạn thảo và ký kết nhân danh ta”.

Chưa hết, Nhà vua còn tuyên bố rằng tất cả các viên chức của vương quốc Tây Ban Nha tự cao xuống thấp phải được thông báo để họ cấp cho Magellan và Faleiro “en toro e por toro”, về mọi thứ, vì mọi thứ. Lệnh này được chuyển đến “All Illustrissimus Infante D.Fernando, e a las Infantes Prélado, Duques, Condes, Marqueses, Maestes de las Ordenes”, đến quí điện hạ hoàng thân thái tử D. Fernando, Prélados, quí công tước hầu tước, bá tước, đại phán quan, các ngài sĩ quan hoàng tộc..., nghĩa là từ thái tử kế vị đến anh lính trơn.
Như vậy kể từ giờ phút này toàn bộ vương quốc Tây Ban Nha đã được huy động phục vụ hai gã Bồ Đào Nha di tản ngày hôm qua còn là những kẻ vô danh.
Magellan chưa hề dám ước ao điều đó ngay cả trong giấc mơ táo bạo nhất. Nhưng vẫn còn một điều gì ngạc nhiên quan trọng hơn đang xảy ra. Charles Quint, trong những năm còn thanh niên ấy, vốn là một con người hết sức rụt rè, dè dặt, nay bỗng trở nên người bênh vực nồng nhiệt nhất cho chuyến đi của những người có máu viễn du này. Chính ông là người tỏ ra sốt ruột nhất. Tuần nào cũng bắt phải gửi cho ông báo cáo về tiến độ công việc và mỗi khi có trở ngại gì đó, chỉ cần Magellan cầu cứu là lập tức có một bức thư của đức vua gửi tới bẻ gãy mọi đề kháng. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong thời gian trị vì lâu năm của mình, vị quốc vương này đã phục vụ một ý tưởng lớn, bằng thái độ sắt đá như thế. Được một vị hoàng đế như vậy đỡ đầu, và cả một đất nước sẵn sàng giúp đỡ, sự thăng hoa kỳ diệu này không khỏi làm Magellan kinh ngạc. Trong vòng vài tuần, con người không tổ quốc như ông, con người bị rẻ rúng, không địa vị, đã trở thành tư lệnh trưởng của năm chiến hạm, hiệp sĩ huân tước Thánh Santiago, toàn quyền tương lai các đảo và đất liền mà ông sẽ khám phá, làm chủ một hạm đội và đặc biệt hơn cả, lần đầu tiên làm chủ vận mệnh đời mình.
--------------------------------
1. Carlos đệ nhất cũng tức là Charles đệ ngũ - Charles Quint (1500 - 1558) vua Tây Ban Nha, thừa hưởng ngôi vua của ông ngoại, Ferdinand Chrétien. Khi ông nội Carlos, hoàng đế Áo Maximilian chết, Carlos lại thừa hường ngồi hoàng đế Đức. Đất đai của vị hoàng đế trứ danh này rộng đến mức “mặt trời không bao giờ lặn trong vương quốc Charles Quint”. Nó bao gồm: Tây Ban Nha và các thuộc địa, Flandres, Áo, Đức và một phần nước Ý.
2. Nữ hoàng Công quốc Léviue (1479 - 1555) lấy con trai hoàng đế Áo Maximillien, hoàng thân Phillipe đẹp trai. Bị Phillipe ruồng rẫy, bà hóa dại.

Chương năm

Một ý chí vượt muôn ngàn khó khăn
(22 tháng Ba 1518 - 10 tháng Tám 1519)

Trong những chiến công lớn của các anh hùng, người đời thường chỉ nhớ cái khoảnh khắc khoái cảm, hùng hồn nhất: cảnh César vượt sông Rubicon [1], cảnh Napoléon trên cầu Arcole [2]. Có thể là do xu hướng giản lược tầm nhìn. Cắt xén như vậy có điều bất lợi là bỏ qua thời kỳ chuẩn bị, bỏ qua những diễn tiến bồi đắp sự kiện lịch sử, bỏ mất những tháng năm không kém phần sáng tạo. Mô tả Magellan ở thời điểm chiến thắng, khi ông vượt qua eo biển, có thể hấp dẫn nhà hội họa, nhà thơ. Thật ra phần gian khó nhất trong công lao của ông có lẽ là chuyện xin cho được một hạm đội rồi trang bị tiến hành nó giữa muôn vàn khó khăn. Người cựu binh, anh lính vô danh bỗng dưng đứng trước một nhiệm vụ khổng lồ. Ông phải hoàn tất một việc làm gì đó rất mới, chưa ai từng thực hiện mà ông thì chưa quen tổ chức. Chẳng ai giúp được ý kiến, bởi không ai biết vùng đất mà ông là người đầu tiên sẽ tới. Chẳng ai biết trước thời gian chuyến đi, đến xứ sở này khí hậu ra sao, những loại người nào ở đó. Trang bị của hạm đội này phải đồng thời thích ứng được mọi điều kiện: thời tiết, băng giá, nắng mưa, giao chiến, giao thương. Ông phải thấy trước, làm trước, mình ông phải suy tính thực hiện, mặc những trở ngại lắm khi bất ngờ nhất. Chỉ đến lúc bấy giờ, trước công việc, nghị lực của Magellan trước nay bị che khuất, mới bộc lộ rõ rệt. Trong khi Colomb, địch thủ về phương diện vinh quang của ông, cái “anh chàng Đông Ki-sốt của biển cả”, con người thần kỳ ngây thơ kia trút mọi công việc vặt cho Pinzon, thì ông - giống Napoléon ở điểm đó - rất táo bạo khi hoạch định mà cũng rất tỉ mỉ khi thực hiện, mình ông phải lo liệu tất. Ở hai con người này, có sự kết hợp giữa một tư duy phong phú với một sự chính xác thần kỳ. Trước chuyến vượt đèo như chớp giật trên đỉnh Alpes, Bonaparte đã tính toán chi li trước mấy tuần lễ, bao nhiêu cân thuốc nổ, bao nhiêu bao lúa phải đặt ở đâu trên đường đi. Ông cũng vậy, ông phải tính toán ngăn ngừa mọi bất trắc cho các con tàu của ông trong vòng hai hay ba năm. Để thực hiện ý đồ của mình trong một nhiệm vụ lớn lao nhường ấy, một con người đơn độc như ông phải gánh vác bao nhiêu trách nhiệm!
Hoàng đế Charles Quint đã cam kết và đã chu toàn, nhưng giữa một mệnh lệnh dù là hoàng đế đi nữa và việc thực hiện, vẫn có bao nhiêu là trở ngại chậm trễ. Cho nên Magellan không để ai thay ông. Vừa tranh cãi cò kè với Trụ sở Hợp đồng, với các viên chức ở đây, với các nhà thầu, thợ thuyền, ông vừa để mắt vào từng chi tiết chuẩn bị vì ông luôn thấy trách nhiệm với những con người gửi sinh mệnh vào tay ông. Ông đích thân xem xét lương thảo, duyệt lại hóa đơn, kiểm tra thừng chão, vũ khí: ông thuộc năm con tàu từ đỉnh buồm đến khoang đáy. Giống như những người dựng lại đền thánh Jerusalem, một tay cầm bay, một tay cầm gươm, Magellan vừa phải chuẩn bị cho chuyến đi vào một cõi vô tận, vừa phải chống đỡ cái ác tâm, cái đối kháng ở chung quanh. Cuộc chiến đấu anh hùng của một cá nhân chống ba mặt trận thù địch, chống kẻ thù bên trong, bên ngoài, chống sự đối kháng mà thiên nhiên đặt ra trước những dự định vượt ngoài khuôn khổ bình thường. Không những trong hành động, ngay cả trong khi chuẩn bị, Magellan đã bộc lộ một khí phách anh hùng. một tấm lòng hy sinh siêu đẳng. Con tính cộng những khó khăn trở ngại trong trường hợp này sẽ đánh giá kích thước đích thực của công trình và tầm cỡ của người hoàn tất nó.
* * *
Cuộc tiến công đầu tiên vào công trình của Magellan là từ phía Bồ Đào Nha. Tất nhiên vua Manoel được cấp báo ngay: đối với ông, bản hợp đồng kia quả là một tin chẳng lành. Độc quyền gia vị đem lại cho ông hai trăm ngàn ducat lợi nhuận hàng năm, ấy là các con tàu của ông chỉ mới mon men tới cái mỏ vàng nhỏ là quần đảo Moluques. Người Tây Ban Nha có thể mò tới vùng đó bằng con đường phía tây, chuyện này đối với ông quả là một cơn ác mộng. Hiểm họa lớn quá, kho vàng vương quốc lâm nguy, làm sao Manoel ngồi yên cho được. Ông lập tức phái đại sứ Alvaro de Costa tới lo chuyện này.
Costa dũng cảm đương đầu khó khăn. Ông đánh vào hai phía. Trước tiên ông tới gặp Magellan tìm cách vừa dọa dẫm vừa mua chuộc. Magellan không thấy có tội trước Chúa và đức vua của ông khi đi phụng sự một ông vua nước ngoài sao? Ông không biết vua Manoel sắp cưới Léonore, chị của Carlos đệ nhất và công trình của ông có thể phá vỡ cuộc hôn nhân sao? Đồng thời ngài đại sứ cho biết trước phần thưởng lớn lao nếu ông hủy bỏ hợp đồng trở về với lẽ phải, trở về Lisbonne như một bề tôi trung thực của đức vua.
Nhưng Magellan biết rõ đức vua chẳng yêu gì ông và ông nghĩ phần thưởng kia chắc sẽ là một cú dao găm. Cho nên ông nói ông rất tiếc, bây giờ đã quá muộn, ông đã nhận lời vua Tây Ban Nha, ông phải giữ danh dự.
Magellan, con cờ bé mọn trên bàn cờ ngoại giao thế mà khó đánh. Alvaro de Costa bèn chơi “một nước cờ vua”. Ông xin triều kiến quốc vương Tây Ban Nha, và sau đó, bức thư ông gửi cho vua Manoel chứng tỏ ông đã thẳng thừng với vị vua trẻ tuổi Carlos như thế nào:
“Về vụ Ferdinand Magellan, Chúa biết rõ thần đã làm gì và vất vả ra sao! Thần đã nói thẳng thừng với nhà vua về chuyện này. Thần đã chỉ cho đức vua thấy rằng dùng một bề tôi của Bệ hạ, ngược lại ý muốn của Bệ hạ, làm mếch lòng Bệ bạ là không hợp lẽ... Thần xin đức vua nghĩ rằng chưa phải lúc làm cho Bệ hạ bất bình vì một chuyện nhỏ nhoi, bất cẩn như vậy. Đức vua không có đủ bề tôi và những người khác để thực hiện cuộc viễn chinh đó sao mà lại đi dùng những kẻ đã phản bội Bệ hạ? Thần nói rằng Bệ hạ rất phật ý khi biết những kẻ kia đã xin trở về nước mà không được. Cuối cùng thần xin vua Tây Ban Nha vì lợi ích của người và của Bệ hạ hãy chấp nhận hai đề nghị: cho hai kẻ kia được trở về nước hoặc là hoãn chuyến đi lại một năm”.
Carlos đệ nhất chưa quen công việc ngoại giao, nên ông không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước lời bịa đặt của Alvaro nói rằng Magellan và Faleiro muốn về nước nhưng bị triều đình Tây Ban Nha ngăn trở.
“Đức vua ngạc nhiên đến mức làm thần phải tức cười”. - đại sứ Alvaro viết.
Còn đề nghị hoãn chuyến đi lại một năm thì Carlos đâu có quá khờ khạo. Đó là thời gian vừa đủ để Bồ Đào Nha trang bị một hạm đội đánh chiếm quần đảo Moluques trước Tây Ban Nha. Cho nên Carlos lạnh lùng bảo viên đại sứ hãy nói với Hồng y Giáo chủ d'Utretch. Vị này chuyển lại cho Hội đồng Hoàng gia, nơi đây người ta chuyển cho giám mục Fonseca vì ông là vị tư vấn đủ tư cách hơn ai hết để xét việc này. Bằng phương pháp trì hoãn ấy, phản đối ngoại giao của Bộ Đào Nha bị chôn vùi lặng lẽ. Vua Carlos không hề có ý định gây chút phiền hà nào cho vua Manoel, người ta khẳng định như vậy với viên đại sứ.
Alvaro de Costa chẳng được việc gì cả, chuyện phản đối ấy càng có lợi cho Magellan. Tính khí bất thường của các vị vua trên trái đất này va chạm nhau một cách kỳ lạ trong số mệnh của viên thuyền trưởng hôm qua còn chẳng ai biết đến. Chỉ khi Carlos đệ nhất giao cho ông một hạm đội thì lúc ấy viên sĩ quan bé mọn mới trở thành một nhân vật trong con mắt của vua Manoel. Ngược lại, từ khi vua này muốn đòi Magellan lại, Carlos càng quí mến ông. Và khi Tây Ban Nha tìm mọi cách đưa hạm đội ông lên đường sớm thì Bồ Đào Nha đùng đùng tìm mọi cách phá hoại.
* * *
Cuộc phá hoại được Sebastian Alvarez, lãnh sự Bồ Đào Nha tại Séville bí mật tổ chức. Ông ta luôn rình rập xung quanh năm con tàu, ghi chép mọi thứ dụng cụ hàng họ chất lên boong. Ông ta khích các sĩ quan Tây Ban Nha làm việc với Magellan, hỏi những nhà quí tộc như họ sao lại xu phụ hai tên đầy tớ Bồ Đào Nha kia. Chủ nghĩa yêu nước là một dây đàn dễ rung nhất nên lòng đố kỵ Tây Ban Nha bùng lên ngay lập tức. Sao? Hai gã kia chưa từng phục vụ dưới màu cờ Tây Ban Nha nhưng chỉ mới khoác lác tí chút đã được giao cho ngay một hạm đội? Chúng còn được thăng hàm đô đốc với lại hiệp sĩ Santiago kia đấy!
Những tiếng xì xầm trong quán rượu chưa đủ, Alvarez tổ chức một cuộc nổi loạn. Ở mọi bến cảng trên đời này bao giờ cũng có hàng đàn những kẻ vô công rồi nghề chẳng biết giết thời giờ bằng cách nào. Vậy là trong một ngày nắng đẹp tháng Mười, một đám lêu têu nhòm ngó quanh chiếc Trinidad, chiếc soái hạm của Magellan vừa được kéo vào bến để trám vá. Tay đút túi quần, mồm nhai thứ cỏ mới du nhập từ Mỹ gọi là thuốc lá, lũ “thất nghiệp” thành Séville nghiêng ngó khen đám thủy thủ khéo tay. Bỗng có ai đó giơ tay chỉ lên đỉnh cột buồm. Ghê gớm chưa! Hắn la lên, cái thằng cha Magellan này ở đâu đến đây, lại dám thượng cờ Bồ Đào Nha lên hạm tàu Tây Ban Nha giữa cảng Séviliẹ, giữa ban ngày! Dân Andalu [3] mà chịu để thách thức như vậy sao? Bọn cà nhõng nghe la như vậy đâu có nhận ra nhà ái quốc nhiệt tình kia chính là ngài Sebastian Alvarez, lãnh sự của vua Bồ Đào Nha đang chơi trò xách động. Họ chạy tới, nhiều người hiếu kỳ cũng đổ xô đến. Ai đó la lên: phải hạ ngay lá cờ ngoại quốc! Thế là đám đông ùa lên tàu. Chưởng khế cảng Séville chạy đến. Magellan cắt nghĩa chuyện hiểu lầm. Lá cờ hoàng gia Tây Ban Nha đang thêu, chưa kịp trương lên, lá cờ kia không phải cờ Bồ Đào Nha mà là cờ soái của Magellan, và chính ông đã cho treo lên soái hạm.
Kích động quần chúng thì dễ, nhưng trấn yên họ khó hơn nhiều. Cả viên chưởng khế cũng về phe họ. Phải hạ cờ ngay, nếu không quần chúng sẽ hạ! Tiến sĩ Matinzo, viên quan to nhất “Trụ sở Ấn Độ” chạy tới. Viên chưởng khế đã quay lại dắt theo viên sĩ quan trực của cảng cũng với tiểu đội cảnh binh. Sĩ quan trực hạ lệnh bắt Magellan.
Lần này thì Matinzo can thiệp và cảnh cáo viên sĩ quan. Hãy cẩn thận! Bắt thuyền trưởng mà chính Hoàng đế Tây Ban Nha phong cho cấp bậc cao nhất không phải chuyện đùa!
Chậm rồi! Thủy thủ của Magellan đã chạm trán đám đông. Hai bên đang tuốt gươm, Ngài lãnh sự Alvarez vô cùng khoái chí. Nhưng Magellan cứu vãn tình hình. Tỉnh táo, nhanh trí, ông bình tĩnh rời khỏi con tàu. Vâng! Tôi sẽ ra khỏi bến, tôi giao tài sản của quốc vương Tây Ban Nha lại cho các ngài muốn làm gì thì làm tùy thích! Trách nhiệm thuộc về các ngài. Cảnh binh rút lui trước. Các sĩ quan và viên chức rút theo. Là nhà cầm quyền ở cảng, trách nhiệm đâu phải nhỏ.
Ngay hôm sau đám sĩ quan hứng đòn của đức vua. Ngài phải bênh đô đốc của ngài chứ! Alvarez hí hửng quá sớm. Công việc lại tiếp tục.
Nhưng khó khăn khác lại ập đến. Lúc đầu các quan chức ở Trụ sở Hợp đồng chống đối một cách bí mật. Charles Quint ký lệnh sẽ trừng trị mọi sự trì trệ, các quan chức liền giảm bệnh buồn ngủ. Đúng lúc ấy Tổng chưởng khế Trụ sở Hợp đồng báo cáo hết tiền mặt. Magellan tâu xin nhà vua mời các nhà hào sản góp vốn. Christophe de Haro lập tức thành lập một tổ hợp, gọi cổ đông. Hai triệu maravédis trong số tám triệu dự định đầu tư được huy động nhanh chóng và ông ta được giao cho một chân trong ban quản trị.
Vấn đề tài chính giải quyết xong, nay sang vấn đề kỹ thuật. Năm galion ấy, năm chiếc tàu vận tải của đức vua trông thật chẳng có dáng vương giả chút nào. Cái ngày chúng tiến vào cảng Séville, tình báo Alvarez gửi tin về Bồ Đào Nha: “Chúng là những con tàu già nua, chắp vá. Giao cho tôi một chiếc thôi tôi cũng chẳng dám tới Canaries [4] nữa là. Lườn của chúng mềm như mỡ!”
Nhưng Magellan biết rõ hơn ai các con tàu cũ “đại tu” lại chịu nước tốt hơn tàu mới. Trong khi chỉ dẫn cho các thợ có tay nghề tu sửa và làm mới các con tàu, Magellan cũng chú ý chiêu mộ một thủy thủ đoàn tinh nhuệ.
Lại thêm một khó khăn mới! Đội sứ truyền đánh trống rao khắp thành phố và người ta đã đến cả Cadix, Palos, đến tất cả các bến cảng mà vẫn chưa gom nổi hai trăm năm mươi thủy thủ. Có tin đồn nào đó loan đi rằng chuyến đi này hết sức bấp bênh. Tại sao người tuyển mộ không chịu cho biết đi đâu, làm gì? Mà tại sao lại phải dự trữ lương thực đến những hai năm? Hai năm lênh đênh!
Cuối cùng rồi cũng đủ số, nhưng những người rách rưới tuyển mộ được trông chả có tí gì là một đoàn quân danh dự của đức vua! Một đám phức tạp mọi màu da, mọi xứ sở: Tây Ban Nha, Da đen, Basque, Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Chypre, Corse, tất cả một lũ ăn hại!
Thủy thủ đoàn vừa được tập hợp thì lại nảy ra một sự trục trặc nhỏ. Trụ sở Hợp đồng cho rằng có quá nhiều người Bồ Đào Nha trong đội ngũ và họ kiên quyết không chi một xu cho bọn ngoại quốc đó, mặc dù nhà vua đã cho phép Magellan có quyền tự do tuyển chọn đội ngũ. Magellan nhắc lại chuyện đó nhưng lần này có gay go. Với lý do sợ làm mếch lòng nhà vua Manoel khi sử dụng quá nhiều người Bồ Đào Nha trong chuyến đi, thật ra họ sợ Magellan lập bè cánh. Nhà vua hạn chế: ở mỗi con tàu chỉ được lấy năm người Bồ Đào Nha mà thôi.
Trở ngại khác: vật liệu từ nhiều nơi đưa đến, có khi từ Đức, thường chậm trễ và có một lần, một thuyền trưởng Tây Ban Nha đã làm loạn lên, mắng Magellan trước mặt mọi người. Đã có người tâu lên triều đình, nhưng chuyện bị bỏ qua. Hàng trăm lần, công trình gần như sắp thất bại đến nơi, nhưng Mngellan vẫn kiên trì, quyết tâm vượt qua tất. Alvarez điệp viên của vua Manoel đành thú nhận rằng mọi âm mưu phá hoại đều thất bại. Đến lúc này dường như không gì còn cản ngại được Magellan nữa. Nhưng Alvarez còn dành cho ông một mũi tên trong bao, một mũi tên tẩm thuốc độc để bắn vào chỗ nguy hiểm nhất. Một bức thư của ông ta gửi cho vua Manoel nói rõ:
“Chọn đúng thời cơ,- bức thư viết -, thần đã tới gặp Magellan và nói cho hắn biết những điều bệ hạ đã dặn thần. Hắn đang đóng gói đồ đạc, lương thảo. Thần thấy rõ hắn quyết tâm ra đi và nghĩ rằng đây có thể là lần gặp sau cùng. Thần bèn lấy nghĩa đồng bào, bè bạn khuyên hắn không nên phạm vào tội lỗi. Thần cho hắn biết là con đường đi của hắn ẩn giấu nhiều nguy hiểm hơn cả cái bánh xe của thánh Catherine [5]. Tốt hơn là hắn nên trở về, ân huệ của bệ hạ vẫn chờ hắn... Hắn phải nên biết rằng mọi người tử tế ở Castille đều coi hắn là quân vô giáo dục, thấp hèn... rằng từ khi hắn chống đối bệ hạ thì mọi người coi hắn như một tên phản bội...”
Nhưng vô hiệu. Magellan thừa biết cả Séville, cả Tây Ban Nha đều kình địch ông. Ông biết rằng các thuyền trưởng Séville nghiến răng mà tuân lệnh ông. Nhưng sá gì sự ganh ghét của họ, của bọn phán quan Séville, sự xúc xiểm của bọn “máu đen” kia! Bây giờ đây, khi hạm đội của ông đã sẵn sàng xuất phát thì chẳng có một hoàng đế nào, một đức vua nào cản nổi ông nữa. Một khi đã ra khơi, ông sẽ được an toàn. Ông sẽ là chủ con tàu, sau Chúa, làm chủ con đường đi, làm chủ vận mệnh, ông chỉ còn tuân theo sứ mệnh của ông mà thôi.
Tuy nhiên. Alvarez vẫn chưa bắn phát tên dự trữ. Ông rút nó ra khỏi bao, ông muốn dành cho Magellan một lời khuyên “bạn bè”. Ông “chân thành” nhắc Magellan chớ tin những lời đường mật của giám mục Fonséca, cũng chớ có tin vào sự bảo đảm của triều đình Tây Ban Nha. Đúng là Charles Quint đã phong cho ông và Faleiro chức đô đốc chỉ huy tối cao của hạm đội. Nhưng biết đâu ông ta không bí mật hạ lệnh cho những kẻ khác gò bó chân tay Magellan. Alvarez còn cho biết ông nắm được những chỉ thị mật giao cho tay chân nhà vua trong đám sĩ quan mà Magellan chỉ được biết “khi đã quá muộn màng cho danh dự của ông!”
“Quá muộn màng cho danh dự của ông”, Magellan rùng mình. Mũi tên bắn đúng tim, và tay xạ thủ tài năng đã nhận xét: “Magellan hết sức ngạc nhiên làm sao thần lại biết rõ như vậy”.
Con người tạo tác biết rõ hơn ai hết những khuyết tật trong tác phẩm của mình, những gì nguy hiểm cho nó. Những gì Alvarez nói, Magellan đã biết. Từ lâu rồi, ông đã nhận thấy một thái độ mập mờ nào đó về phía triều đình cùng với nhiều dấu hiệu cho biết họ không chơi ván bài sòng phẳng. Cấm không có quá năm người Bồ Đào Nha trên một con tàu, nhà vua chẳng đã vi phạm hợp đồng đó sao? Sau cùng thì triều đình không cho ông là một tên gián điệp Bồ Đào Nha chứ? Và những người được cử đi cùng hạm đội: đại diện Hoàng gia, chưởng khế, tài vụ... họ chỉ đơn thuần làm công việc quản trị thôi sao? Hay họ chính là những người sẽ tước quyền chỉ huy của ông khi cần thiết? Ông không che giấu được, lời nói nham hiểm của Alvarez quả có chứa ít nhiều sự thật. Magellan đang đứng trước một hiểm họa khôn lường. Ông băn khoăn như người ngồi xuống chiếu bạc mà lại ngờ rằng các tay chơi kia đều là một lũ bạc bịp móc nối nhau để hạ mình!
Điều mà Magellan nhìn thấy trong giờ phút này là tấm thảm kịch của Coriolan mà Shakespeare đã đưa lên thành bất hủ. Cũng như ông, Coriolan cả đời phục vụ tổ quốc, bị đối xử bạc bẽo đã đem tài năng phục vụ kẻ địch. Nhưng Séville cũng như ở Rome xưa, một kẻ đã đào ngũ thì có lương tâm trong trắng để mà làm gì? Khi hắn đã phản bội một ngọn cờ thì hắn có thể phản bội một ngọn cờ khác, kẻ đã ruồng rẫy vua mình thì cũng có thể bội tín với vua khác, hình ảnh ấy gắn vào Magellan như một cái bóng đen u ám. Ông sẽ luôn chỉ có một mình, và một mình chọi với tất cả. Tấn bi kịch chỉ bắt đầu khi nhân vật của nó bắt đầu nhìn thấy cái bi của tình thế; và trong tình thế này Magellan thấy rõ nỗi bất hạnh của mình.
Nhưng vai trò của một anh hùng chính là vai trò chiến đấu chống lại định mệnh. Magellan quyết xua đuổi kẻ dụ dỗ mình. Không, ông không liên minh với vua Bồ Đào Nha! Alvarez thất vọng ra về, viên tình báo đã thấy rõ, chỉ có cái chết mới bẻ gãy ý chí của con người sắt đá kia, ông kết luận bằng lời cầu nguyện từ bi này: “Cầu xin Chúa cho hai tên ấy được như anh em Cortéréal”. Nghĩa là cho họ được mất tích trên đại dương mênh mông, chung cuộc và nấm mồ chẳng bao giờ có người biết. “Lời nguyện ấy mà thành thì bệ hạ chẳng còn lo ngại gì và bệ hạ sẽ được mọi vua chúa trong đời này ghen tị”.
Cú đánh không quật ngã được Magellan. Nhưng nọc độc của sự ngờ vực bắt đầu hủy hoại tâm hồn ông. Từ giờ phút ấy ông biết - hay tưởng như vậy - là ông bị kẻ thù bao vây trên chiến hạm của ông. Nhưng rồi tình trạng bất an chỉ làm ý chí ông thêm kiên định, kích thích lòng dũng cảm của ông. Kẻ nào thấy giông bão đang ập đến, sẽ biết rằng hành động duy nhất cứu con tàu là tự mình cầm lấy tay lái và cầm cho vững.
Nếu phải một mình, Magellan muốn một mình thật sự, không thể có hai “thuyền trưởng - tổng chỉ huy”, hai tổng chỉ huy trên cùng một hạm đội. Chỉ có một người chỉ huy thôi, đối với và chống với mọi người, khi cần. Ông không muốn đèo bòng cái con người hay gây gổ, con người loạn thần kinh là Ruy Faleiro nữa, phải trút cái của nợ ấy trước khi rời bến. Từ lâu rồi, người ấy chỉ là một gánh nặng đối với ông. Thời gian sau này ông ta chẳng làm gì nữa cả, một nhà thiên văn đâu có đi tuyển mộ thủy thủ, trám xảm lườn tàu, tuyển chọn lương khô, kiểm tra vũ khí, soạn thảo nội quy. Trong cuộc hành trình sắp tới, nào biết ông bạn kia sẽ giúp mình hay quấy phá mình, ông thấy cần rảnh tay để đương đầu với những nguy hiểm và bất trắc có thể xảy đến.
Chẳng biết Magellan đã làm thế nào mà trổ được ngón võ khéo léo này: Faleiro khoe rằng ông đã xem lại tử vi, biết nếu đi chuyến này thì ông chẳng có ngày về cho nên ông tự rút lui. Một chiếu chỉ của vua Tây Ban Nha phong cho Faleiro làm tổng chỉ huy một hạm đội kế tiếp (chỉ có trong dự định). Bù lại, Faleiro giao cho người đồng hương của mình tất cả bản đồ trắc lượng thiên văn. Vậy là trở ngại sau cùng, khó khăn nhất đã được giải quyết, và công trình của Magellan trở lại nguyên hình ở bước đầu tiên: nó là ý đồ của riêng ông, thành quả của riêng ông. Bây giờ mọi việc dồn vào ông: chức trách và lo toan, nhiệm vụ và nguy biến, nhưng ông được hưởng niềm vui lớn lao nhất của người sáng tạo: tác phẩm mình dự định chỉ tùy thuộc vào mình, do chính mình thực hiện.
--------------------------------
1. Rubicon: Cơn sông giữa ranh giới Ý-Pháp mà César trong cuộc tranh chấp gay go với Pompée đã vượt qua năm 49.
2. Arcole: Địa danh một vùng núi thuộc tỉnh Vérone, nơi đây Napoléon đánh tan đạo quân 40.000 người của Áo, mở đường vào chiếm Ý (17-10-1796)
3. Dân Andalu: Dân xứ Andalouise, vùng trù phú nhất miền nam Tây Ban Nha, con gái nổi tiếng đẹp, con trai nổi tiếng hung hãn.
4. Canaries - Quần đảo thuộc Tây Ban Nha cách bờ tây Phi châu 101km. Đây là trạm xuất phát của các chuyến thám hiểm.
5. Thường gọi là Nữ thánh Catherine - Bánh xe. Sau khi phục vụ Nữ hoàng Fanstine, đã bị chính con trai của bà, Hoàng đế Maximinal cho buộc vào một bánh xe, xé xác tại Ai Cập.

Chương sáu

Ngày khởi hành
(20 tháng Chín 1519)

Ngày 10 tháng Tám năm 1519, vừa đúng một năm, năm tháng sau khi Charles Quint ký bản hợp đồng, năm con tàu rời bến Séville xuống San Lucar, nơi con sông Guadalquivir đổ thẳng ra biển lớn. Nơi đó sẽ tiến hành kiểm tra hạm đội lần cuối. Nhưng chuyến đi đã thực sự xuất phát từ thánh đường Santa Maria chiến thắng. Sau khi quỳ gối tuyên thệ trung thành trước thủy thủ đoàn và một đám đông thành kính, Magellan nhận lá cờ vương quốc từ tay Sancho Martinez thay mặt hoàng đế Charles Quint trao cho. Có lẽ trong giờ phút này ông nhớ lại chuyến đi đầu tiên tới Ấn Độ, ông cũng đã quỳ gối trước một thánh đường và đã tuyên thệ. Đúng, nhưng lần ấy là một lá cờ khác, lá cờ Bồ Đào Nha và trước một nhà vua khác, vua Manoel của Bồ Đào Nha. Đề đốc Almeida tuôn lá cờ lụa trắng và giơ cao trước đám người đang quỳ gối và anh thủy thủ trẻ Magellan, đã ngước mắt thành kính nhìn ông. Mười hai năm sau, hôm nay, hai trăm sáu mươi lăm con người của hạm đội cùng ngước mắt nhìn ông, người cầm đầu, người chủ vận mệnh của họ.
Trong cảng San Lucar, đối diện với lâu đài công tước Medina Sidonia, Magellan tự mình tiến hành cuộc tổng kiểm tra, cẩn trọng, âu yếm như một nghệ sĩ nhìn ngắm và thử lại nhạc cụ vài phút trước giờ diễn tấu. Ông tổng duyệt lại lần nữa hạm đội của ông trước phút ra khơi. Ông thuộc năm con tàu này như món đồ bỏ túi. Nhớ lại thật hãi hùng, khi ông nhìn thấy chúng mới được mua về một cách hối hả, năm con tàu già nua đến thảm hại, mỏi mòn sau những chuyến đi. Nhưng từ ngày ấy năm con tàu đã được gia cố từ trong ra ngoài, từ sống thuyền đến đỉnh buồm. Bản thân ông đã kiểm tra từng tấm ván, xem xét từng đoạn thừng, cây đinh, con ốc. Những lá buồm đặc biệt dệt bằng sợi bố dai, mang huy hiệu thập tự thánh Jacques, vị thánh quan thầy của Tây Ban Nha, neo đôi, trạm quan sát trên đỉnh cột, tất cả đều tinh tươm, đều đúng chỗ. Bây giờ thì không ai dám giễu cợt những con tàu trai tráng ấy. Chúng không có dụng ý chạy nhanh, nên chúng có dáng vóc đặc biệt, lườn tròn, thân mập mà nặng trông không hùng dũng như những chiến hạm nhưng nhờ sâu lòng rộng ngang, chúng tải rất khỏe và an toàn. Trong bão lớn, chúng có thể vượt được những con sóng dữ. To nhất là chiếc San Antonio - Thánh Antonio tải 120 tấn. Không rõ vì lẽ gì Magellan lại giao nó cho Juan de Cartagena chỉ huy, còn mình thì chọn chiếc Trinidad - Ba Ngôi, - để kéo cờ soái, dù chiếc này tải kém mười tấn. Rồi đến Conceptión - Thánh Mẫu - 90 tấn dưới quyền Gaspar Quésada, chiếc Victoria - Chiến thắng (sau này sẽ đem vinh dự về cho cái tên của nó) dưới quyền Luis de Mendoza, 85 tấn, và Santiago 75 tấn dưới quyền Joan Serrao. Những thuyền nhỏ này dùng để thăm dò và trinh sát nhờ lườn cạn và nhẹ. Uớc định loại tàu to nhỏ như vậy là theo ý đồ riêng của Magellan, đáp ứng được mọi tình huống, nhưng phải nhiều kinh nghiệm mới có thể điều khiển đội hình ngoài khơi.
* * *
Magellan xem xét từng tàu một, nhất là khoang hầm. Bao nhiêu lượt ông lên xuống thang, bao nhiêu lần tổng kiểm kê. Hồ sơ còn lưu lại đến ngày nay cho ta thấy sự tỉ mỉ chính xác đến từng chi tiết trong khi chuẩn bị chuyến đi thần kỳ này của lịch sử. Nó ghi giá từng cái cưa, cái búa, từng ram giấy. Những cột số lạnh lùng có lẽ nói rõ hơn những lời nói hùng hồn về thiên tài và sự kiên nhẫn của con người ấy. Là một thủy thủ đã từng được thử thách, Magellan biết rõ sự quan trọng cực kỳ của công tác chuẩn bị cho một chuyến đi như thế này. Ông biết một vật bị bỏ quên lúc ra đi sẽ bị bỏ quên mãi mãi. Ở đây không một nhầm lẫn, một sơ sót nào được cứu vãn. Một bọc sợi rối, một miếng chì, một lít dầu chai trong những vùng ông đi tới còn giá trị hơn vàng, hơn máu nữa không chừng. Một phụ tùng bị bỏ quên có thể làm con tàu nằm lại, một bài toán giải sai có thể làm công trình thất bại.
Kho hậu cần được lưu tâm đặc biệt. Năm con tàu cần những gì, hai trăm sáu mươi lăm người tiêu thụ bao nhiêu lương thảo trong một chuyến đi không hạn định? Bài toán khó giải, vì mẫu số chung - thời hạn chuyến đi - là vô định. Magellan không cho ai biết, nhưng ông đoán, có tiếp tế được lương thực dọc đường cũng phải mất vài ba năm. Cho nên đem dư hơn là đem thiếu. Cốt tử của bữa ăn là bánh khô: Magellan đem theo 21.380 livres (khoảng 10 tấn) giá là 372.510 maravédis [1]. Ngoài bột đậu, gạo, rau khô, còn có 5.700 livres thịt muối, 200 thùng cá mòi, 984 thùng phó mát, 457 bó hành tỏi, 1.512 livres mật, 3.200 livres nho khô, rồi đường, giấm, mù tạc. Số lương thảo này xếp khéo trong khoang chật hẹp của năm con tàu nhỏ tải trọng 500 tấn, tương đương với sự chuẩn bị của chúng ta ngày nay cho những con tàu 20.000 tấn! Vào phút chót người ta còn kéo lên boong bảy con bò cái (tội nghiệp, chúng không sống được lâu). Vậy là người ta định trong thời gian đầu của chuyến đi, thủy thủ còn được uống sữa và ăn thịt tươi kia đấy! Cuối cùng, để lên tinh thần mọi người, Magellan cho mua loại rượu Xérès ngon nhất: 417 vò và 253 thùng tôn nô (không dưới 40.000 lít. Dự định là ngày hai cữ rượu, trong hai năm).
Đấy là phần thủy thủ. Phần tàu thuyền, cũng là những sinh vật, chúng cũng dùng sức chống cự với sóng gió và cũng hao mòn. Bão xé rách buồm, vặn đứt thừng chão. Nước biển gặm nhấm gỗ, làm rỉ sắt thép, nắng bong sơn, buổi tối cần dầu thắp và nến. Cho nên mỗi thứ phải nhân ba: neo và thừng, gỗ, sắt, chì, thân cây để thay cột buồm, bố để thay buồm. Đoàn tàu đem theo bốn mươi xe gỗ, rồi hắc ín, nhựa thông, sợi rối để trám kẽ nứt. Tất nhiên không thể quên được kềm, cưa, khoan, búa, đinh, vít, cuốc, xẻng. Hàng ngàn lưỡi câu, hàng trăm mũi lao, 89 cây đèn, 400 livres nến. Rồi compa, kim, đồng hồ cát, kính trắc vĩ, thiên cầu đồ, hải đồ... Mười lăm quyển vở to cho kế toán (trừ Trung Hoa ra, moi đâu ra giấy giữa biển?) Đề phòng tai nạn, có nhiều thùng dược phẩm, dụng cụ giải phẫu, và cũng có cả còng xích cho những kẻ bất tuân. Còn về giải trí thì có 5 cỗ trống đại, 20 trống con, đàn, sáo... Đây chỉ là một phần nhỏ của tài sản đem đi. Nhưng đâu phải để du lịch mà người ta thành lập một hạm đội trị giá tám triệu maravédis. Năm con tàu ấy không chỉ đem về những kết quả địa lý, chúng phải đem về vàng bạc, thật nhiều để hoàn lãi cho những người đã bỏ vốn. Cho nên người ta cũng đem theo hàng trao đổi: 20.000 quả chuông đồng, 900 gương soi, 400 tá dao “made in Germany”, và tất nhiên nhiều khăn tay màu, mũ đỏ, xuyến đồng, lược, ngọc trai giả. Người ta cũng đem theo nhiều bộ lễ phục Thổ Nhĩ Kỳ dành cho vua quan bản xứ.
Các món ấy để dùng khi họ tỏ ra muốn trao đổi hòa bình. Trong ttrường hợp phải đánh nhau thì cũng có dụng cụ, 58 đại bác, 3 khẩu pháo nặng thò mõm ra hai bên lườn tàu. Đạn sắt và đạn đá dằn ở dưới khoang, hàng tấn chì để đúc đầu đạn, 1.000 lưỡi giáo, 200 mác, 200 mộc, phân nửa thủy thủ có giáp và mũ sắt. Dành cho đô đốc hai bộ giáp nguyên vẹn từ chân đến đầu, thửa ở Bilbao, mặc vào sẽ biến thành một thứ người trời trước con mắt thổ dân. Mặc dù Magellan không có ý đồ dùng bạo lực nhưng các tàu cũng được vũ trang không kém cuộc chinh phạt của Fernando Cortez. Cũng trong mùa hè năm 1519 ấy, Cortez với một nhóm người đã chinh phục được cả một lục địa. Một năm vinh quang đã khởi đầu với Tây Ban Nha.
Bây giờ hãy điểm qua một chút về nhân sự thủy thủ. Thu nhận họ không đơn giản. Phải mất hàng tuần, hàng tháng để lôi họ ra khỏi các ngõ hẻm, các quán rượu quanh cảng. Ăn mặc lôi thôi rách rưới, vô kỷ luật, họ nói đủ thứ tiếng trên đường, người này tiếng Tây Ban Nha, người kia tiếng Ý, người thứ ba tiếng Pháp, những người kia thì Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Catalan, Đức. Phải mất nhiều thì giờ để đám người đa chủng thuộc đủ mọi quốc gia kia hợp thành một thủy thủ đoàn vững chắc, có kỷ luật. Nhưng chỉ vài tuần trên tàu là đâu vào đấy cả. Khi người ta đã từng từ lính trơn lên cai lên xếp, thì người ta hiểu thủy thủ cần gì, có thể bắt họ làm gì và cung cách đối xử với họ ra sao. Hàng ngũ thủy thủ không làm ông lo lắng.
Nhưng còn bốn vị thuyền trưởng Tây Ban Nha thì mỗi lần gặp mặt, ông thấy như muốn choáng váng, như sắp đấm đá đến nơi. Juan de Cartagena, người được chỉ định thay Faleiro làm thuyền trưỏng tàu San Antonio mới cao ngạo làm sao! Gương mặt ông ta lạnh ngắt, khinh khỉnh. Juan de Cartagena là một nhà hàng hải dày kinh nghiệm và có nhiều tham vọng. Nhìn người em họ của giám mục Burgos này, Magellan nhớ lại lời Alvarez rỉ tai ông nói rằng quanh ông có nhiều kẻ được giao những quyền hạn đặc biệt mà ông chỉ biết khi đã muộn màng cho danh dự của ông. Không kém vẻ kình địch là Luis de Mendoza, chỉ huy tàu Victoria. Ngay khi còn ở Séville, hắn đã cãi lệnh ông, nhưng không làm cách nào loại bỏ hắn được, vì hoàng đế đã phong chức chưởng khố của hạm đội cho hắn. Tuy các vị sĩ quan này đã tuyên thệ phục tùng và trung thành với ông, nhưng điều đó có nghĩa lý gì. Trong thâm tâm, họ là kẻ thù của ông, ông phải liệu chừng.
Cho nên thật phúc đức ông lại đưa được ba mươi người Bồ Đào Nha vào hạm đội mặc dù bị Trụ sở Hợp đồng phản đối, vì qui ước với nhà vua chỉ cho phép lấy 25 người. Đầu tiên là anh em vợ Duarte Barbosa tuy còn trẻ nhưng đã là một nhà hàng hải vững vàng, rồi đến Alvaro de Mesquita, một người bà con gần. Estavo Gomez, hoa tiêu giỏi nhất của Bồ Đào Nha, Joao Serrao có họ với Francisco Serrao đã từng đi biển với Pizzaro và Petro d'Arias. Sau cùng là Joao Corvalho, người đã nhiều năm sống ở Brazin, có vợ bản xứ bên ấy; anh ta đem theo đứa con trai. Nhờ họ đi nhiều, biết nhiều thứ tiếng, những người này sẽ giúp được nhiều việc cho ông. Còn nếu như từ Brazin có thể tới được quần đảo Mã Lai thì người nô lệ Henrique của ông có thể dùng làm phiên dịch. Trong hai trăm sáu mươi lăm con người, ông chỉ sở cậy được vào độ mười hai người như vậy. Thật quá ít, nhưng sự thế đã như thế thì phải khéo léo mà xoay xở.
Magellan đã duyệt lại từng người trong đội ngũ, chăm chăm nhìn thấu tâm can họ, riêng tự hỏi mình, trong những giờ nguy khốn sau này, ai sẽ trung thành, ai sẽ phản bội ông. Ông không để ý rằng trán ông đang hằn những nếp nhăn. Nhưng bỗng dưng gương mặt ông thư giãn và một nụ cười nở rạng trên môi. Trời, chỉ chút nữa là ông quên mất con người đã đến với ông vào giờ chót trong sự tình cờ: Antonio Pigafetta, một thanh niên Ý, con một gia đình vọng tộc nhưng sa sút ở Venise. Là một nhân viên tùy tùng trong phái đoàn Giáo hội tới triều đình Charles Quint, chàng hiệp sĩ trẻ nghe nói đến cuộc viễn chinh bí ẩn tới một vùng chưa hề ai đặt chân đến. Chắc chàng đã có đọc quyển sách của Amerigo Vespucci xuất bản năm 1507 về chuyến đi dọc bờ biển Nam Mỹ.
Chàng cũng có đọc quyển “Hành trình” nổi tiếng của người đồng hương Lodovico Varthema và chàng bỗng thèm được nhìn tận mắt những “điều ghê gớm và vĩ đại của dại dương”. Nghe anh tỏ ý nguyện, Charles Quint tiến cử anh với Magellan. Và thế là tự đứng giữa các nhà hàng hải, các tay mạo hiểm, những tay đi lùng vàng, lại có một con người lãng mạn như anh: anh lao vào cuộc không vì danh vọng hay tiền bạc mà chỉ vì thích đi, vì niềm vui đơn giản được nhìn và được say đắm.
Chính đây là con người quan trọng nhất đối với Magellan trong chuyến đi. Bởi một hành động còn có nghĩa gì nếu không được ai kể lại? Một chiến công sẽ chẳng đi vào lịch sử nếu không được hậu thế biết đến. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử không phải là tổng cộng những sự kiện đã diễn ra trong không gian và thời gian mà một phần nhỏ nhoi của nó thôi: phần đã đi vào tác phẩm của các nhà thơ, các nhà khoa học, Achille sẽ ra sao nếu không có Homère? Không có nhà viết sử thuật lại, nhà nghệ sĩ tái tạo lại bằng nghệ thuật, thì những khuôn mặt lớn sẽ muôn đời khuất trong bóng tối và chiến công của họ muôn đời chìm nghỉm dưới đáy biển lãng quên. Chúng ta sẽ biết rất ít về Magellan và chuyến đi của ông nếu chỉ có quyển “Thập niên” của Piene Martyr và bức thư ngắn của Maximilian để lại. Chàng hiệp sĩ nhỏ bé này, bề ngoài trông có vẻ vô tích sự, nhưng chính chàng đã lưu lại cho hậu thế chiến công của Magellan.
Tất nhiên, anh chàng Pigafetta không phải là Tacite hay Tite Live. Về nghệ thuật viết lách cũng như về hàng hải, anh chỉ là một anh chàng ngốc nghếch rất dễ thương, anh không giỏi nhận xét người, cho nên những chuyện kình chống ngấm ngầm giữa các thuyền trưởng với Magellan anh chẳng hề biết tí gì cả. Nhưng chính vì không nắm đại sự nên anh ghi chép tỉ mỉ mọi chi tiết như một cậu học trò thuật lại chuyến đi chơi ngày chủ nhật mà chứng từ của anh cũng không chắc chắn lắm, anh tin cả những chuyện tếu của các thủy thủ già kể lại. Anh ghi chép cả những từ ngữ của thổ dân Nam Mỹ, điều đem vinh dự cho anh mà anh không biết: anh là người đã phác thảo cuốn tự vị ngữ âm Mỹ đầu tiên trên thế giới. Nhưng một vinh dự còn lớn lao hơn nữa sẽ đến với anh: chính Shakespeare sau này dã sử dụng một đoạn ghi chép của anh để dựng vở kịch nổi tiếng “Bão Tố”. Đối với người viết cỡ nhỏ thì còn gì vinh dự hơn, khi một nhân tài cỡ lớn lại dùng một cái gì đó của mình để làm nên tác phẩm để đời? Một cái gì đó của mình đã được cắp vào trong đôi cánh vĩ đại tung bay lên bầu trời cao!
* * *
Magellan đã kết thúc cuộc kiểm tra. Bây giờ ông có thể yên trí nghĩ rằng những gì con người có thể nhìn trước, tính trước thì ông đã nhìn ra, đã tính toán. Nhưng một chuyến đi vào vô tận như vậy chắc nhiều bất trắc. Dù đã nghiên cứu đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng có thể ông sẽ là kẻ chiến bại, chẳng có ngày về! Cho nên hai ngày trước khi xuất phát. Ông viết di chúc.
Ngày nay ta không khỏi bùi ngùi khi đọc lại những dòng này. Một người thác lại những ý muốn cuối cùng bao giờ cũng ước lượng được gần đúng những gì để lại cho vợ con. Nhưng làm sao Magellan có thể ước lượng được tầm cỡ gia tài ông để lại, dù là gần đúng. Một năm nữa, rồi ông sẽ ra sao? Một kẻ ăn mày hay một người giàu nhất thế gian? Bí mật của cuộc đời. Tất cả gia tài của ông nằm trong bản hợp đồng ký kết với triều đình. Nếu chuyến đi thành công, ông tìm ra một con đường thần kỳ, qua được tới những vùng đất gia vị thì từ một kẻ nghèo ra đi ông sẽ giàu sang hơn cả hoàng đế Crésus. con cháu ông sẽ kế tiếp ngôi “toàn quyền các đảo”. Nhưng nếu ông lạc đường, nếu hạm đội vỡ tan trên biển, vợ con ông sẽ phải tới cửa nhà thờ ăn xin cho khỏi chết đói. Là người mộ đạo, trước tiên ông khấn nguyện “Chúa đã dẫn dắt và sẽ đời đời dẫn dắt trần gian”. Trong di chúc này con người tín đồ nói trước, rồi mới tới tư cách người quý tộc, người chồng, người cha.
Ngay cả trong tình cảm thiêng liêng, một Magellan vẫn giữ thái độ rõ ràng minh bạch, và nơi đây ta vẫn gặp cái nhìn thấu suốt vốn có ở ông. Mọi khả năng đều được đặt ra, được xem xét kỹ lưỡng: “Nếu như đời sống trần thế này của tôi chấm dứt tại Tây Ban Nha và đời sống vĩnh hằng bắt đầu...”, ông ước nguyện được chôn, tốt nhất ở Séville, trong vòng rào thánh đường Mẹ Maria Vinh hiển, ở riêng một góc. Còn khi chết dọc đường, ông xin được chôn gần một ngôi nhà thờ nào đó dành cho Thánh nữ Đồng Trinh. Với tấm lòng mộ đạo và với cách tính chi ly, ông bắt đầu chia gia tài làm năm phần. Một phần mười của một phần năm ấy sẽ chia đều cho các tu viện Thánh Maria Vinh hiển, Thánh Maria Monserrat và tu viện Thánh Domingo ở Oporto. Một món tiền là một ngàn maravédis chia cho nhà nguyện Séville, nơi ông nhận phép rước mình thánh trước khi ra đi và ông vẫn mong lại được nhận khi ông trở về, nếu Chúa cho ông về lại. Ông biếu một đồng réal bạc cho cuộc Thánh chiến, một đồng cho nhà thương Thánh Lazare. đồng thứ tư, thứ năm thì cho nhà thương San Sebastian để người được bố thí cầu nguyện cho linh hồn ông. Ba mươi buổi lễ sẽ được cử hành trên thi hài ông ba mươi buổi khác sau đám tang của ông ở nhà thờ Thánh Maria Vinh hiển. Ngoài ra ông ước nguyện rằng trong ngày đưa đám ông, người ta mặc quần áo mới cho ba kẻ khó, phát cho mỗi người một bộ áo khoác bằng vải xám, một mũ vải, một áo sơ mi và một đôi giầy, để họ cầu nguyện Chúa cho linh hồn ông được nghỉ an. Ông xin rằng trong ngày ấy không những ba người đó được ăn uống mà thêm mười hai người nữa cũng được nuôi nấng tử tế để họ cầu Chúa cho linh hồn ông và một đồng ducat sẽ được bố thí cho linh hồn ở địa ngục.
Bây giờ; khi Giáo hội đã được hưởng phần rồi, ông có nghĩ tới vợ con? Chưa đâu. Điều ông quan tâm là số phận của anh nô lệ Henrique. Chắc nhiều lần, trong thâm tâm, ông đã tự hỏi một người mộ đạo có quyền sắm nô lệ hay không, nhất là một nô lệ đã nhận phép rửa tội. Ông có thể gọi một người đồng đạo, người có linh hồn bất tử, là một tài sản của mình như là một mảnh vườn hay một bộ quần áo không? Dù sao ông không muốn trình diện trước Chúa với nỗi thắc mắc ấy trong lòng. Cho nên ông ước muốn rằng “sau khi ông chết đi, người tù, người nô lệ Henrique của ông, sinh trong một thành phố ở Malacca, độ hai mươi sáu tuổi được miễn mọi ràng buộc nô lệ; được tự do và từ đấy trở đi anh ta muốn làm gì thì làm, hành động theo ý muốn”. Thêm nữa ông muốn người thừa kế trích ra một món tiền là một ngàn maravédis cho Henrique. Ông để lại món gia tài ấy “vì anh đã trở thành một giáo dân và để anh cầu nguyện Chúa cứu rỗi linh hồn ông”.
Bây giờ ông mới nghĩ đến gia đình, sau khi đã nghĩ đến cảnh sống đời đời của ông, “dự liệu các sự đạo sẽ van xin Chúa giùm ông trong ngày phán xử cuối cùng”. Nhưng tới đây, trước khi để lại gia tài - tưởng tượng - cho vợ và con, điều ông quan tâm trước hết lại là chuyện bảo tồn tên tộc và gia huy cho con cháu. Ông chọn trong số người thân trong ngành thứ, người đàn ông nào sẽ được mang gia huy trong trường hợp con trai ông chết. Cũng như lòng mộ đạo trong ông, con người quý tộc cũng có khát vọng mãnh liệt về sự bất tử.
Mọi sự sẽ được lo liệu, mọi qui ước đã thành văn bản. Bằng tuồng chữ cứng ngắc, chắc nịch như con người ông, đô đốc ký vào di chúc: “Fernao de Maghallanes”. Chữ ký này cùng với cái tên Bồ Đào Nha của ông cùng chữ ký của các người làm chứng sẽ bảo đảm tuyệt đối, dường như vậy, việc thực hiện những ý muốn sau cùng. Nhưng chẳng có một ý muốn nào của ông được thực hiện, không một lo toan nào được chu tất: di chúc của Magellan sẽ chỉ là một mảnh giấy vô giá trị. Những người được ông chỉ định kế vị chẳng được nhận một xu nào hết, những kẻ khó được ông nghĩ tới chẳng hề được an ủi, thi hài ông không được chôn nơi mong muốn và gia huy ông cũng mất. Chỉ có chiến công của ông là còn lại và chỉ có nhân loại là người thừa hưởng gia tài của ông.
Giờ đây, khi ông đã thi hành xong mọi nghĩa vụ trên đất liền, giờ lên đường đã tới. Vợ ông, người đem tới cho ông một năm hạnh phúc - năm hạnh phúc đầu tiên trong đời - đang đứng trước mặt ông, run rẩy. Bà bế thằng con trai trong tay, nức nở quằn quại từng cơn. Ông ôm hôn bà lần cuối, bắt tay ông bố vợ, và nhanh nhẹn trèo lên chiếc canô đi San Lucar để khỏi mủi lòng trước những giọt nước mắt đàn bà. Một lần nữa, sau khi xưng tội, ông cùng đoàn thủy thủ nhận phép thánh thể tại ngôi nhà thờ nhỏ của San Lucar. Sáng sớm hôm sau - ngày thứ ba 20 tháng Chín 1519 ấy sẽ trở thành một ngày lịch sử - đoàn tàu nhổ neo, buồm căng gió, đại bác nổ từ biệt đất liền đang từ từ lùi xa: chuyến đi dài ngày nhất, cuộc thám hiểm táo bạo nhất của lịch sử đã bắt đầu.
--------------------------------
1. Đồng tiền vàng lưu hành tại Tây Ban Nha thế kỷ 11 và 12.

Chương bảy

Nhọc công tìm kiếm
(20 tháng Chín 1519 - 1 tháng Tư 1520)

Ngày 20 tháng Chín 1519 hạm đội của Magellan rời đất liền. Ngay từ thời ấy, đất đai Tây Ban Nha đã vươn xa khỏi châu Âu. Sáu ngày sau, khi năm con tàu tới Ténérife thuộc quần đảo Canaries để bổ sung nước ngọt và lương thảo, họ vẫn còn ở trong vùng đất Tây Ban Nha. Một lần nữa, thủy thủ sung sướng đặt chân lên đất đai tổ quốc, được nghe nói tiếng mẹ đẻ trước khi dấn thân vào cõi vô biên.
Chặng nghỉ chân này kéo dài. Magellan đã chuẩn bị ra lệnh xuất phát thì ông nhìn thấy một chiếc thuyền buồm nhỏ từ Tây Ban Nha bươn tới. Ông bố vợ gửi cho ông một tin mật. Tin mật của người nhà thì thường là tin buồn. Barbosa cho chàng rể hay ông vừa khám phá vụ cấu kết của các thuyền trưởng Tây Ban Nha trong hạm đội, thỏa thuận sẽ bất tuân lệnh của Magellan dọc đường. Kẻ chủ mưu là Juan de Cartagena, bà con của Giám mục Burgos.
Tin này khẳng định thêm sự đe dọa mà Alvarez tiết lộ. Nhưng số kiếp đã định! Trước hiểm họa, Magellan càng tăng thêm nghị lực. Ông hãnh diện viết thư trả lời bố vợ rằng bất chấp mọi sự, ông vẫn trung thành với sứ mạng nhà vua đã giao, dù chết cũng cam lòng. Ông hạ lệnh nhổ neo, đâu nghĩ rằng đây là bức thư nhận lần chót trong đời ông. Đỉnh núi Ténérife mờ nhòa ở phía xa, đây là lần cuối cùng nhìn lại mảnh đất mẹ đối với nhiều người trong chuyến đi này.
Trên mặt biển, việc tập hợp năm con tàu rất khó khăn; trọng tải chênh lệch nên tốc độ khác nhau, con tàu nào đi lạc sẽ khó tìm đường về. Vì vậy trước khi đi, Magellan đã thiết lập một hệ thống thông tin thường trực giữa các con tàu. Hướng đi đã được thông báo, nhưng ở ngoài khơi, cách tốt nhất là cứ theo vệt nước của soái hạm “Ba Ngôi”. Ban ngày thì dễ, ngay cả khi xấu trời cũng nhìn thấy nhau được, nhưng đêm đến thì có khó khăn hơn, phải dùng tín hiệu ánh sáng. Chập tối, một ngọn đèn được treo sau lái tàu Trinidad (Ba Ngôi). Thêm hai ngọn nữa hai bên sườn, nghĩa là các tàu phải giảm tốc độ hoặc rẽ để tránh gió. Bốn ngọn nghĩa là gió mạnh sắp nổi, phải hạ bớt một cánh buồm; năm ngọn phải hạ tất cả buồm. Một ngọn lửa lớn trên boong soái hạm hoặc nhiều phát đạn đại bác nghĩa là phải khéo léo tránh đá ngầm hoặc cồn cát.
Khi nhận tín hiệu, các tàu phải lặp lại để báo là đã tiếp và đã hiểu. Ngoài ra, mỗi chiều, trước khi mặt trời lặn, mỗi tàu phải tiến sát soái hạm để chào chỉ huy trưởng bằng câu: “Dios vos salve senor Capital-general y maestres. Buena compania”, (Chúa phù hộ ngài Tổng chỉ huy, Chúa phù hộ ông chủ. Chào toàn thể các bạn!). Sau đó, nhận lệnh ban đêm. Nhờ nề nếp ấy kỷ luật được tuân thủ ngay từ ngày đầu. Soái hạm dẫn dầu và chỉ huy các con tàu khác đi theo; soái hạm chỉ đường, các thuyền trưởng chỉ có việc tuân lệnh.
Con người Bồ Đào Nha lầm lì bí ẩn kia do vậy đã làm các thuyền trưởng khó chịu. Bắt họ đứng nghiêm hàng ngày như lính mới để báo cáo rồi truyền lệnh, vậy thôi. Trước đây họ nghĩ Magellan kín đáo để giữ bí mật vị trí lạch nước nhưng nay đã ra khơi rồi vẫn thấy đô đốc cứ im ỉm. Magellan càng ngày càng kín tiếng, lạnh lùng, khó đến gần. Ông không hỏi ý kiến họ, không lần nào bàn với họ điều gì. Họ chỉ có việc đi theo ngọn cờ soái ban ngày, ngọn đèn hiệu ban đêm như con chó theo sau ông chủ. Những ngày đầu, sĩ quan Tây Ban Nha thi hành lệnh một cách tỉnh bơ. Nhưng khi đô đốc, thay vì theo hướng tây nam để tới Brazin lại cứ xăm xăm đi thẳng hướng nam, dọc bờ châu Phi đến mãi tận Sierre Leona thì trong lần báo cáo buổi chiều, Juan de Cartagena hỏi điều đó.
Câu hỏi chẳng có gì xấc xược (phải nhấn mạnh điều này vì trong những câu chuyện kể về chuyến đi sau này để làm nhẹ khuyết điểm của Magellan, người ta thường đổ tội cho Juan de Cartagena là khiêu khích). Thuyền trưởng con tàu to nhất, phái viên của hoàng đế, ông ta có quyền hỏi tại sao đô đốc lại thay đổi hướng đi đã định. Tại sao Magellan làm thế? Không ai biết nữa. Có thể ông xuôi dọc bờ biển Phi châu để đón gió đông - một điều bí ẩn của hàng hải Bồ Đào Nha mà Tây Ban Nha không biết - Hay ông muốn đánh lạc đường đoàn tàu Bồ Đào Nha có thể đuổi theo để chiếm hạm đội chăng? Gì thì gì, Magellan rất dễ dàng giải thích cho các thuyền trưởng của ông hiểu lý do chứ, tại sao ông không làm vậy?
Đấy chính là dụng ý của Magellan. Nếu có những kẻ âm mưu tạo phản trên tàu thì tốt nhất là chúng hãy tự lột mặt nạ. Nếu đúng là có những chỉ thị riêng mà người ta giấu thì tốt nhất ông phải được biết ngay bây giờ. Juan de Cartagena đòi ông giải thích cũng có ý đồ. Lúc đầu, khi ông ta được hoàng đế cử làm phái viên, thuyền trưởng tàu San Antonio, thì ở hai cương vị này, ông là người dưới cấp của Magellan. Nhưng tình hình đã đổi. Khi được cử thay Faleiro ở vị trí “người liên kết” thì ông ta là nhân vật kế tiếp, người đồng cấp. Nhưng người phó có quyền đòi đô đốc phải trả lời không? Magellan gay gắt trả lời rằng “Không ai có quyền đòi ông phải trả lời và tất cả mọi người đều phải tuân lệnh ông, đơn giản vậy thôi”.
Câu nói thật thô bạo. Nhưng Magellan muốn thẳng thừng ngay tức khắc. Ông không thèm dọa dẫm hay phủ dụ. Bằng cách đó ông báo cho bọn thuyền trưởng Tây Ban Nha (có thể đây là những kẻ mưu phản) biết rằng họ chớ có ảo tưởng, rằng ông đang nắm chắc tay lái. Nếu Magellan có sức kiên nghị và táo bạo thì ông thiếu hẳn nghệ thuật xuê xoa sau khi đánh đòn, Magellan không hề biết cách nói những điều cứng cỏi một cách thân ái, bàn thảo thân mật với cấp trên và cấp dưới. Vì vậy ngay từ đầu, không khí xung quanh ông đã căng thẳng, kình địch và sự bất mãn ngày một tăng, nhất là từ khi ông tự ý đổi hướng đi. Vắng gió đông, đoàn tàu nằm bất động mười lăm ngày trên một vũng biển lặng tờ. Rồi bão gió nổi lên, dữ dội đến mức, theo kiểu viết lãng mạn của Pigafetta, họ đã được đích thân thánh Claire - nữ thánh quan thầy của họ cứu sống. Juan đe Cartagena không nhịn được nữa. Chiều hôm ấy, cũng như mọi con tàu khác, chiếc San Antonio áp mạn soái hạm để báo cáo và nhận lệnh. Juan de Cartagena không có mặt trên boong. Ông ta sai một sĩ quan trực làm thay và viên sĩ quan này chào đô đốc bằng câu: “Dios salve, senor Capitan”, cầu Chúa phù hộ ngài chỉ huy. Magellan không cho đó là một sự nhầm lẫn. Nếu Juan de Cartagana cho gọi ông là “chỉ huy” mà không gọi là “Tổng chỉ huy”, điều đó có nghĩa là trước mặt hạm đội, ông ta không chịu nhận là thuộc hạ của Magellan. Ông lập tức cho gọi Juan và lệnh rằng lần sau ông muốn được chào theo đúng quy cách. Người nhận lệnh cũng chẳng cần chần chừ, ông ta lạnh lùng nói là rất tiếc, lần này ông đã cho viên sĩ quan khá nhất của ông đến chào đô đốc, lần sau ông sẽ nhờ tới một thằng mousse (bọn trẻ học nghề dưới tàu). Luôn trong ba ngày, tàu San Antonio không thèm tới chào nữa để báo cho các tàu khác biết rằng thuyền trưởng Juan không hề khuất phục kẻ độc tài. Một thái độ hoàn toàn công khai, không như nhiều sách vở sau này cho ông ta là một kẻ dối trá giấu mặt. Juan de Cartagena đã ném chiếc găng tay sắt xuống dưới chân viên Tổng chỉ huy người Bồ Đào Nha.
* * *
Mỗi khi cần có một quyết định quan trọng, Magellan thường im lặng. Ngay cả những thách thức thô bạo nhất cũng không làm ánh thêm tí nào đôi mắt ẩn sâu dưới chòm lông mày rậm. Bao giờ ông cũng tự nhủ, lạnh lùng nhìn sự việc như thấu qua một khối thủy tinh trong suốt. Ông đang cân nhắc và ông lặng thinh. Những người không biết tính ông - dân Tây Ban Nha thuộc loại này - nghĩ là ông chưa thấy mũi gươm thách thức của Juan de Cartagena. Sự thực là ông đang cân nhắc ngón đòn. Ông biết rằng giữa biển khơi, không thể tước quyền chỉ huy của một thuyền trưởng có con tàu lớn hơn, vũ trang mạnh hơn ông. Bình tĩnh! Bình tĩnh! Cứ thế, Magellan biết nín thinh với sức nổ chậm của một kẻ cuồng tín, sức ù lì của một tên nhà quê, sự đam mê của một tên cờ bạc.
Người ta thấy ông vẫn như thường bữa, qua lại trên boong tàu Trinidad, bình thản lo công việc hàng ngày. Tàu San Antonio vẫn không thèm tới chào mỗi buổi chiều. Ông chẳng cần để ý và các thuyền trưởng ngạc nhiên thấy ông có vẻ như muốn hòa giải. Nhân một vụ thủy thủ vi phạm kỷ luật, ông mời bốn thuyền tưởng về soái hạm. Ông ta đã thấm mệt vì không khí chống đối rồi, họ nghĩ. Từ sau khi đi lệch hướng, ông ta đã hiểu ra, rằng cần tham khảo ý kiến của họ, những thuyền trưởng lão luyện. Juan de Cartagena cũng đến và bởi có dịp nói chuyện với đô đốc, ông ta lại đặt câu hỏi một lần nữa, tại sao lại có chuyện đổi hướng đi? Magellan không trả lời. Ở tư cách quan chức cao nhất triều đình sau Magellan, Juan de Cartagena tự cho rằng mình có quyền ăn nói tự do, càng lúc càng cao giọng. Rõ ràng ông ta đã quá đà. Thái độ ngạo mạn bắt tuân ấy đúng là cái mà Magellan đã tính đến. Ông túm lấy ngực Juan de Cartagena: “Tôi bắt ông!”. Và ông hạ lệnh trói, theo đúng quyền hạn Charles Quint cho phép ông.
Các thuyền trưởng kinh hoàng không nói được một câu. Juan kêu cứu, nhưng không một ai dám bước tới, không một ai dám ngước mắt nhìn con người bé nhỏ mà uy nghiêm đang hành động. Cho tới lúc người ta giải Juan đi, một thuyền trưởng mới quay về phía Magellan, khép nép van ông đừng cho cùm một vị quý tộc Tây Ban Nha, xin ông hãy giao Juan cho một vị thuyền trưởng nào đó làm tù binh. Magellan đồng ý giao cho Luis de Mendoza và buộc ông này phải hứa giữ tên tù binh dưới quyền sử dụng của đô đốc. Công việc thế là xong. Một giờ sau, tàu Antonio được giao cho một viên sĩ quan Tây Ban Nha khác chỉ huy, Antonio de Coca. Buổi chiều ông ta chào Tổng chỉ huy đúng cách, từ trên boong tàu của mình; hạm đội vẫn tiếp tục hành trình, dường như chẳng có việc gì xảy ra.
Janeiro, vùng vịnh đẹp, đối với đoàn thủy thủ mỏi mệt là một cảnh thiên đường. Gọi tên như vậy vì nó được phát hiện vào tháng Giêng - Janeiro - và đằng sau những hòn đảo chắn lối vào, người ta đoán có một con sông - Rio de Janeiro, nằm trong vùng chiếm lĩnh của Bồ Đào Nha. Theo luật lệ thì Magellan không được đổ quân. Nhưng ngày ấy, người Bồ Đào Nha chưa đặt thương điếm, chưa đóng đồn, chưa có những khẩu đại bác thò mõm ra dọa dẫm. Thực ra vùng này hãy còn là trung lập, nên tàu Tây Ban Nha cứ tự tiện bỏ neo. Tàu vừa cập bờ, dân địa phương đã nhào ra khỏi lều, tò mò nhưng rất tự nhiên, đón những ông khách mặc giáp sắt. Họ tỏ ra hiền hòa nhưng Pigafetta sau đó được biết, là rất tiếc - thỉnh thoảng họ cũng có ăn thịt người - thịt những kẻ chiến bại sau những cuộc giao tranh, chọn chỗ ngon nhất xiên nướng trên lửa. Nhưng với dân da trắng, họ không tỏ ra muốn làm điều đó, cho nên lính tráng trên tàu chẳng cần dùng đến khiên và giáo.
Chỉ một lúc sau, chủ khách đã bắt đầu đổi chác mua bán. Anh chàng Pagafetta khoái chí. Trong mười một tuần lễ hải trình, anh ta chẳng ghi chép được gì ngoài vài câu chuyện vặt về chim và cá. Dường như anh cũng chẳng biết chuyện Juan de Cartagena bị bắt. Còn bây giờ thì anh thấy không bút mực nào tả xiết cái đẹp trước mắt. Nhưng trong thiên ký sự dài, không có lấy một dòng tả cảnh. Mà chúng ta cũng đừng trách anh, bởi chuyện mô tả trời mây, sông nước, mãi ba trăm năm sau mới được Jean Jacques Rousseau [1] phát minh. Thích nhất là trái cây. “Dứa” giống như những quả thông khổng lồ nhưng ngon ngọt lạ kỳ, “khoai tây” ăn bở như củ ấu và những cái gậy ngọt, tức là mía. Mà giá rẻ như bèo. Một lưỡi câu đổi được năm sáu con gà mái, một cái lược: hai con ngỗng, một cái gương: mười một con vẹt màu rực rỡ, một cái kéo: một thùng cá, một quả chuông: một thùng khoai tây. Với một con già rô trong cỗ bài cũ, Pigafetta đổi được năm con gà mái (mà dân địa phương vẫn còn khoái chí là đã bịp được anh ta). Còn một món cũng rất rẻ, đó là các cô gái mà Pigafetta mô tả tế nhị “chỉ có mái tóc làm quần áo”. Với một con dao găm hay một cái búa đẽo, ta có ngay hai, ba cô để làm bạn suốt đời. (Ôi giời! Sao tôi không sống ở cái thời tươi đẹp ấy?)
Trong khi Pigafetta say mê viết ký sự, trong khi thủy thủ suốt ngày ăn nhậu, đi câu và giải trí cùng các cô gái thì Magellan chuẩn bị tiếp nối hành trình. Ông để thủy thủ vui chơi thỏa thích nhưng ông giữ nghiêm kỷ luật. Đúng theo lời hứa với đức vua, trên suốt bờ biển Brazin, ông cấm mua nô lệ, cấm những hành động thô bạo để Bồ Đào Nha không có lý do gì trách cứ.
Thái độ đứng đắn thu thêm một thắng lợi đặc biệt. Thấy người ta chẳng làm gì mình, dân địa phương không còn sợ hãi, họ tìm đến xem mỗi khi thủy thủ hành lễ trên bãi. Họ tò mò nhìn kiểu lễ bái xa lạ. Khi thấy những người da trắng quỳ gối trên cát - họ nghĩ nhờ vậy mà dạo này trời cho mưa - thì họ cũng quỳ theo trước cây thánh giá. Và thủy thủ nghĩ rằng họ đã được Chúa ban cho đức tin. Sau mười ba ngày nghỉ ngơi, cuối tháng Chạp, hạm đội rời khỏi vùng vịnh khó quên và Magellan thấy lòng yên ổn hơn nhiều tay xâm lược thời ấy. Tuy không đem lại được gì cho ông chủ Charles Quint, ít ra ông cũng đã chiếm được một ít linh hồn cho ông chủ trên trời. Trong bình yên ông đến, trong bình yên ông ra đi.
* * *
Thủy thủ tiếc rẻ rời vùng vịnh thiên đường Rio de Janeiro. Và họ cũng tiếc, khi đi dọc bờ biển Brazin tươi đẹp mà không được phép lên bờ. Magellan chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Theo như bản đồ của Berheim và báo cáo của các thủy thủ Bồ Đào Nha, ông đoán con đường ăn thông chắc phải ở đằng sau mũi Santa Maria. Ngày 10 tháng Giêng, đoàn tàu đến Mũi và họ nhìn thấy một ngọn đồi nhô cao trên cánh đồng phẳng lặng bao la. Họ đặt tên là Đồi của sự sống. Monti Vidi (Montevideo ngày nay). Để tránh bão, họ nấp trong một cái vịnh lớn trải dài bất tận về phía tây. Vịnh này thật ra là cửa sông Rio de la Plata, nhưng Magellan chưa biết: ông vui mừng ra mặt khi thấy nó rẽ về phía tây, phía các hòn đảo mơ ước, và mọi người đều nghĩ như ông.
Cơn bão vừa ngớt, ông chia đôi hạm đội, cử ba chiếc tàu nhỏ đi về phía tây, còn hai chiếc dưới quyền chỉ huy của ông thì đi thẳng về hướng nam. Sau mười lăm ngày nhọc công tìm kiếm, mọi người đều biết rằng đấy chỉ là một con sông, mà con sông mới hùng vĩ làm sao! Chính nơi đây, Juan de Solis cũng đã tìm đường tới Malacca và đã chết trên con sông này. Họ bèn gọi nó là sông Solis, Rio de Solis (mãi sau này người ta mới gọi là Rio de la Plata - sông Bạc).
Vậy là bản đồ của Berheim sai, báo cáo của thủy thủ Bồ Đào Nha cũng sai. Dự kiến của ông, tính toán của Faleiro đều sai tất. Phải tiếp tục đi xuống phía nam. Nhưng ở vĩ độ này, tháng Hai, tháng Ba chưa phải đã cuối đông như ở Tây Ban Nha, mà là bắt đầu mùa đông. Nếu không tìm ra cho nhanh con đường thông thì chỉ còn hai cách: hoặc là quay lại vùng biển ấm, hoặc là phải trú đông tại đây.
Tuy giữ vẻ bề ngoài bình tĩnh, nhưng tâm hồn Magellan hẳn là u tối và cũng như tâm hồn ông, cảnh vật ngày càng xám xịt. Bờ biển trơ trụi hoang vắng. Còn đâu những mảnh rừng nhiệt đới, còn đâu cảnh đời thân ái của đất Brazin. Ở đây chỉ có lũ chim cánh cụt lui tới, bầy hải cẩu lười biếng đầm mình trong nước cóng. Chỉ có một lần họ thấy mấy người đàn ông to lớn, mình khoác áo da thú như người Esquimo, vẻ hoang dã. Thủy thủ rung chuông đồng, vẫy mũ màu mong lôi kéo họ, nhưng họ bỏ chạy khi có người tới gần.
Chuyến đi chậm dần, càng ngày càng vất vả. Magellan cho tàu tiến cặp bờ, không bỏ qua một khe ngách nào. Ngày 24 tháng Hai họ nhìn thấy một cái vịnh lớn, hy vọng lại nhóm lên như cờ gặp gió. Magellan cử ngay mấy chiếc tàu nhỏ “viendo si habia alguna salido parael Maluco” để xem con đường thông sang đảo Moluques có ở đó không? Không, đó chỉ là một cái vịnh và họ đặt tên là Vịnh thánh Mathias. Họ tiếp tục thất vọng và lại hy vọng. Hai vịnh nữa được khảo sát và họ đặt tên là vịnh Chim cánh cụt (la Bahia de los Patos), rồi vịnh Đau khổ (la Bahia de los Trabajos), để nhớ những ngày đêm vất vả ở đó.
Chuyến đi vẫn tiếp tục dọc bờ biển dưới bầu trời ảm đạm về phía nam, tiếp tục về phía nam. Nỗi cô đơn ngày càng khủng khiếp, ngày ngắn dần, đêm dài ra, tuyết băng giáng xuống ào ào, mặt biển dựng lên, xám xịt, đe dọa. Hai tháng ròng rã mới đi được một đoạn đường ngắn và mùa đông đã tới.
Thủy thủ lo lắng, họ thấy điều gì không bình thường. Ở Tây Ban Nha, người ta bảo là sẽ đi tới các hòn đảo gia vị, tới phương nam nắng ấm. Anh nô lệ Henrique cũng mô tả quê hương đầy hoa trái của anh. Người ta hứa nhiều vàng bạc và ngày về nhanh chóng. Chẳng thấy gì cả. Con người lầm lì kia đưa họ đến những vùng ngày càng lạnh giá, ngày càng buồn thảm. Ngay cả thổ dân ăn thịt người cũng bỏ đi nơi khác trú đông. Khi đổ bộ chẳng thấy gì ngoài sò ốc và hải cẩu. Ở vùng này muông thú thích ngâm mình dưới nước giá hơn là để bão tuyết quất vào người giữa cánh đồng hoang vắng.
Họ làm gì ở đây? Tại sao lại phải theo con đường này khi con đường qua Ấn Độ ở phía đông thuận lợi hơn nhiều? Đấy là điều họ hỏi thẳng đô đốc, nhưng giữa họ với nhau, dưới khoang tàu, chắc lời lẽ còn ghê gớm hơn. Thôi rồi! Lão Magellan này đã lừa dối đức vua, ông ta đi tìm một con đường mà ông ta chẳng biết gì cả! Chín tháng rồi còn gì? Các thuyền trưởng Tây Ban Nha thích thú thấy nỗi bất bình ngày càng tăng trong đám thủy thủ. Họ không nói câu nào. Họ tránh tiếp xúc với đô đốc nhưng sự im lặng của họ còn nguy hiểm hơn là những sự phản đối ồn ào.
Cuối cùng, ngày 31 tháng Ba họ lại gặp một cái vịnh nữa. Con đường thông đấy chăng? Không, vịnh khép kín. Nhưng Magellan hạ lệnh cứ tiến vào. Khi biết rõ ở đây có nước ngọt và khá nhiều cá, ông hạ lệnh bỏ neo. Mọi người ngạc nhiên, hoảng sợ nữa, khi nghe Magellan ra lệnh trú đông ở đây, ở vùng biển San Julian hoang vắng của vĩ tuyến 49 này!
--------------------------------
1. Nhà văn - triết gia Pháp (1712 - 1788) kêu gọi một lối sống gần gũi thiên nhiên. Nhiều lần mô tả phong cảnh Tân thế giới trong khi ông chưa tới châu Mỹ bao giờ.

Chương tám

Cuộc nổi loạn
(2 tháng Tư 1520 - 7 tháng Tư 1520)

Trong cái nhà tù băng giá là cảng San Julian ấy, những mối mâu thuẫn càng va chạm nhau dữ dội hơn cả ở ngoài khơi. Dù vậy, Magellan vẫn không lùi trước một giải pháp nào và nỗi bất bình chung của thủy thủ càng tăng. Biết rằng sẽ còn nhiều tháng ròng rã nữa mới có thể tới vùng đảo - giả sử rằng đoàn thuyền tới được - ông ra lệnh giảm dần khẩu phần ăn hàng ngày. Về phía ông, đó là một sự táo bạo ghê gớm: dám công bố giảm khẩu phần và rượu nơi vùng đất hẻo lánh này và ngay từ đầu!
Thật ra, chính quyết định này đã cứu hạm đội ít lâu sau đó khi họ vượt qua Thái Bình Dương mênh mông trong chuyến đi dài hơn trăm ngày. Nhưng thủy thủ đoàn vốn không hiểu rõ mục tiêu, làm sao họ dễ dàng chấp nhận được biện pháp cứng rắn kia. Họ linh cảm khá chính xác rằng ngay cả khi vị chỉ huy của họ có đạt được sự vinh hiển đời đời đi nữa, thì bọn họ cũng phải bỏ mạng đến ba phần tư. Không đủ thức ăn thì quay về thôi! Với lại họ phải đi xa về phương nam, chưa ai đi xa hơn họ. Ai dám trách họ không tròn trách nhiệm. Nhiều người đã chết vì rét. Họ đi là để tới đảo Moluques chứ đâu có phải để tới Nam cực. Về khoản này, về sau, nhiều nhà sử học Tây Ban Nha đã gán cho Magellan tính cục cằn. Ông ngạc nhiên, các nhà sử học viết, là tại làm sao lại có những người Tây Ban Nha hèn đớn như vậy, tại làm sao họ lại quên rằng chuyến đi này là để phục vụ đức vua và tổ quốc. Rằng khi ông nhận nhiệm vụ, ông nghĩ có trong tay những con người quả cảm đã từng đem vinh quang cho tổ quốc Tây Ban Nha. Rằng thà chết chứ ông quyết không quay trở lại trong sự thẹn thùng. Rằng gian khổ càng nhiều, vinh quang càng rạng rỡ, vân vân...
Thực ra có bao giờ một kẻ đói lại chịu ngồi nghe diễn từ! Cái điều đã cứu Magellan trong tình hình nguy kịch này không phải là lời lẽ hùng hồn, mà là cách giải quyết cứng rắn không khoan nhượng của ông. Ông cố tình thách thức ngay từ đầu để bẻ gãy mọi kháng cự bằng một bàn tay sắt: vào trận ngay lập tức còn hơn là trì hoãn. Giáp mặt với kẻ địch ngay còn hơn là để nó dồn mình vào tường.
* * *
Mâu thuẫn phải bùng nổ, mà ngay tức khắc, Magellan chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Thực ra trách nhiệm dồn về phía ông nhiều hơn là về phía các thuyền trưởng Tây Ban Nha. Hậu thế dễ dàng coi họ như một lũ phản bội tầm thường, như những kẻ thù muôn thuở của thiên tài. Không phải vậy. Trong giờ phút lâm nguy này, không những họ có quyền mà còn có bổn phận phải biết ý đồ của vị đô đốc, bởi đây không chỉ là sinh mệnh của riêng họ mà còn là của cả đoàn thủy thủ. Khi hoàng đế Charles Quint phong cho Juan de Cartagena, Luis de Mendoza và Antonio de Coca những chức vị kiểm tra trên hạm đội của ngài, là “đại diện”, là “Tổng chưởng khố”... thì họ có quyền thi hành nhiệm vụ của họ. Họ phải để mắt vào tài sản của đức vua là hạm đội này, và phải bảo vệ khi nó lâm nguy. Mà nó lâm nguy thật, cực kỳ nguy cấp nữa kia. Chín tháng đã trôi qua. Nào đâu con đường rút ngắn đi tới đảo Moluques? Trong sự bối rối trông thấy, ít ra ông ta cũng phải vén lên bức màn tuyệt mật, dù là một góc thôi, để cho các quan chức triều đình biết chút ít hành trình dự định, để chứng minh lòng trung thực đối với đức vua. Từ những ngày đầu, chưa có chứng cớ gì tỏ ra là họ cấu kết để nổi loạn, dùng bạo lực cướp quyền chỉ huy của đô đốc. Họ chỉ yêu cầu Magellan một điều rất tự nhiên: “Hãy bỏ cái kiểu giấu giấu giếm giếm kia đi, ngồi chung với họ quanh một cái bàn, cho họ bàn luận về con đường định đi tới”, như El Cano đã viết trong nhật ký hành trình sau đó.
Nhưng, thật là tội nghiệp, Magellan buộc lòng phải giấu cách chơi càng lâu càng tốt khi mà ông chưa chắc có đủ các con bài. Ông không thể để cho họ xem tấm hải đồ của Berheim trong đó con hẻm được ghi ở vĩ tuyến 40! Sau khi bãi chức Juan de Cartagena, ông không thể nói: tôi đã bị lừa và tôi tiếp tục lừa các bạn. Ông không thể để người ta hỏi con hẻm ở đâu bởi ông nào có biết nó ở đâu. Chỉ còn cách giả câm, giả điếc mím môi, thủ chắc quả đấm và nện vào mặt kẻ nào xán đến quá gần. Tình hình tóm lại là thế này: quan chức kiểm tra của đức vua muốn ông giải thích cách sử dụng năm con tàu và những con người mà đức vua đã giao cho ông. Còn Magenllan thì không thể giải thích được gì hết một khi ông chưa tìm ra con đường thông. Bị buộc phải giải thích, có nghĩa là mất hết uy tín, mất hết quyền lực.
Do vậy mà lẽ phải rõ ràng ở về phía các sĩ quan và Magellan ngày càng bối rối. Họ hối thúc Magellan giải thích không phải vì tò mò, mà vì phận sự. Phải công nhận là họ không phản bội Magellan; rất đơn giản, họ chỉ muốn cho ông biết lần chót là họ không còn nhẫn nại được nữa, điều mà hẳn ông có thể hiểu được.
Nghĩ là có thể trấn an họ, ông mời các sĩ quan tới dự chầu lễ Phục sinh và dùng bữa cùng ông tại soái hạm. Đâu có dễ vậy được, các thuyền trưởng Tây Ban Nha chẳng còn tin ông nữa. Nào, ngài chúa tể Fernao de Magalhaes đã nhờ khoác lác mà được phong tước Hiệp sĩ thánh Antonio, ngài đã coi thường chúng tôi suốt chín tháng nay rồi, bây giờ thì chúng tôi xin cảm ơn ngài. Thực ra họ cũng không cảm ơn, họ chẳng thèm trả lời. Chỗ ngồi dành cho họ bỏ trống, đĩa ăn trống trơn và Magellan phải bằng lòng với người khách duy nhất: người em họ Alvaro de Mesquita mà ông đã đưa lên chức thuyền trưởng. Chắc bữa ăn Phục sinh ấy không làm vừa miệng Magellan. Các thuyền trưởng đã công khai tỏ ý khinh miệt, công khai bảo cho ông biết mọi người đang chống đối ông. Họ thách thức: sợi dây thừng đã căng thẳng. Hãy coi chừng!
* * *
Magellan hiểu lời thách thức, nhưng không gì có thể làm hoang mang bộ thần kinh bằng thép này. Ông thản nhiên ngồi ăn với Mesquita, làm mọi việc hàng ngày và buổi tối, ông thản nhiên ngả lưng trên chỗ ngủ. Đèn đuốc tắt dần, năm con tàu nghỉ ngơi như năm con thú lớn trong bóng tối. Tàu này chẳng nhìn thấy rõ tàu kia, đêm dài mùa đông đen kịt. Khoảng giữa đêm, một chiếc canô nhẹ nhàng hạ thủy, tiến tới con tàu San Antonio; ai mà biết được trên canô ấy có ba viên thuyền trưởng: Juan de Cartagena, Gaspar Queseda và Antonio de Coca. Kế hoạch của họ khôn khéo và cả quyết. Họ biết, muốn khống chế một kẻ địch dũng mãnh như Magellan thì phải có lực lượng. Hoàng đế Charles Quint chẳng đã nghĩ như thế là gì. Lúc đầu chỉ có một con tàu được giao cho người Bồ Đào Nha, bốn chiếc kia thuộc về Tây Ban Nha. Thế mà Magellan đã triệt hạ Juan de Cartagena, rồi đến lượt Antonio de Coca bị cách chức vì “kém khả năng”. Ông ta giao cho người em họ Mesquita chỉ huy tàu San Antonio. Từ cú đánh táo tợn ấy ông ta đã làm chủ hạm đội về mặt quân số, hơn nữa Serrao, chỉ huy trưởng tàu Santiago cũng là người của ông ta. Để bẻ gẫy thế mạnh ấy, để khôi phục lại ý đồ của hoàng đế, chỉ có một cách: chiếm lại tàu Antonio. Lúc ấy Tây Ban Nha sẽ trở lại thế ba chọi hai, có thể bịt kín đường ra khơi và bắt Magellan phải giải thích thái độ.
Kế hoạch xây dựng cẩn thận và thi hành không kém cẩn thận. Chiếc canô chở ba chục thủy thủ vũ trang thận trọng tiến sát tàu San Antonio. Không lính canh, mọi người đều ngủ. Họ leo lên bằng thang dây, dẫn đầu là Juan và Antonio de Coca. Họ đã từng chỉ huy ở đây, nên dễ dàng tìm lối đến cabin thuyền trưởng. Lúc ấy nghe tiếng động, mấy thủy thủ thức giấc, trong đó có sĩ quan trực Eloriaga. Ông này đánh hơi điềm dữ liền lớn tiếng hỏi Queseda thuyền trưởng tàu Chiến thắng, đêm hôm tới đây làm gì. Queseda trả lời bằng sáu nhát dao găm và Elorlaga nằm sóng xoài trên vũng máu. Tất cả người Bồ Đao Nha trên tàu đều bị còng. Để lôi kéo những người khác, Queseda cho mở kho lương, phát bánh rượu bừa bãi cho thủy thủ. Sáu nhát dao găm đã biến vụ tranh chấp đơn giản này thành một vụ bạo loạn đẫm máu: họ giao tàu San Antonio cho Juan de Cano chỉ huy.
Năm con tàu tiếp tục ngủ trong bóng đêm, không một tiếng động, không một ánh sáng nào làm lộ chuyện vừa xảy ra.
* * *
Dưới vòm trời khắc nghiệt này, buổi sáng có vẻ chậm chạp cau có, năm con tàu nằm im, vẫn nguyên chỗ cũ, trong nhà tù lạnh giá của vùng vịnh. Không có dấu hiệu nào báo cho Magellan biết là người bạn thân, người em họ của ông và tất cả người Bồ Đào Nha trên tàu đã bị xiềng và một thuyền trưởng phản nghịch đã cầm đầu con tàu. Trên đỉnh cột, vẫn lá cờ cũ, và Magellan, vẫn như mọi ngày phái một chiếc canô cặp bờ lấy củi đun và nước ngọt phân phát cho năm con tàu. Vẫn như mọi ngày, canô cặp mạn tàu San Antonio trước tiên và cho thủy thủ thả thang dây. Nhưng lạ này, chẳng có ai ló mặt. Thủy thủ dưới canô giục họ mau lên thì được nghe trả lời là từ nay tàu San Antonio không nhận lệnh Magellan nữa mà chỉ tuân lệnh thuyền trưởng Gaspar Queseda thôi. Canô vội vàng quay lại soái hạm.
Magellan biết rằng ông đã mắc bẫy, tàu San Antonio đã lọt vào tay bọn tạo phản. Nhưng ngay cả tin ấy vẫn không làm ông hoảng hốt. Ông phái chiếc canô kia đi nắm tình hình: bao nhiên tàu còn trung thành, bao nhiều tàu là phản bội và ông được biết là chỉ còn tàu Santiago là ở về phía ông. Ba chọi hai, hay đúng hơn, ba chọi một. Vì trong chiến đấu, chiếc tàu nhỏ Santiago chẳng đáng kể bao nhiêu. Ván cờ bị mất: công trình Magellan để ra bao nhiêu năm của đời ông vun xới, công trình ấy đã tan tành trong vòng một đêm. Ông không thể tiếp tục chuyến đi vô định với một con tàu, còn những con tàu cần thiết thì không còn có thể bắt chúng tuân lệnh được nữa. Đừng nói tới chuyện cầu cứu. Trong tình thế khủng khiếp này chỉ còn hai cách. Hợp lý nhất, tự nhiên nhất là bỏ thái độ độc đoán, tìm cách thỏa thuận với các thuyền trưởng Tây Ban Nha. Cách kia, hoàn toàn điên rồ, táo tợn, là thực hiện một cuộc phản công sấm sét để buộc bọn nổi loạn trở về khuôn phép.
* * *
Giải pháp thỏa thuận có chiều thuận lợi. Các thuyền trưởng Tây Ban Nha chưa hề đe dọa Magellan và cũng chưa đưa ra tối hậu thư nào. Tàu của họ vẫn bất động, chưa ở vị trí tấn công. Tuy mạnh hơn về quân số, họ vẫn không muốn gây ra một cuộc nội chiến vô lý ở cách xa tổ quốc hàng vạn dặm. Họ vẫn nhớ lời thề tại Thánh đường Séville, họ quá biết hình phạt nhục nhã đối với những kẻ tạo phản, những kẻ đào ngũ. Những con người quí tộc như Juan de Cartagena, Luis de Mendoza, Gaspar Queseda, Antonio de Coca được đức vua coi là người thân tín không bao giờ muốn trở về Tây Ban Nha trong tư thế mất danh dự. Cho nên ngay từ đầu họ công bố sẵn sàng thương lượng. Họ chiếm tàu San Antonio không phải để làm phản mà chỉ để làm áp lực vớt đô đốc, buộc ông phải nói chuyện với họ.
Thư của Gaspar Queseda nhân danh các thuyền trưởng Tây Ban Nha không có gì là thách thức. Nó mang tiêu đề “supplicacion” nghĩa là thỉnh nguyện. Bức thư lễ phép mở đầu rằng chỉ vì thái độ hạ nhục của đô đốc đối với họ, nên buộc họ phải chiếm lại con tàu mà đức vua đã giao cho họ chỉ huy. Họ chỉ đòi được đối xử trân trọng hơn và nếu đô đốc chấp nhận ý muốn hợp tình ấy thì, đúng theo bổn phận, họ sẽ tuân lệnh đô đốc, hơn thế, hết sức kính phục đô đốc.
Bức thư rõ ràng tỏ ý thỏa thuận. Nhưng thỏa thuận với họ có nghĩa là phải quay lại Tây Ban Nha. Magellan chọn biện pháp kia, biện pháp táo bạo, ông thấy bọn cầm đầu không quyết tâm dùng tới những biện pháp triệt để, và đó là sự thất thế của họ. Táo bạo hành động ngay trước khi họ kịp trở tay, như vậy tình thế có thể cứu văn được.
Quan niệm táo bạo nơi Magellan có một màu sắc riêng - điều này chưa được nhấn mạnh. Hành động táo bạo ở ông không có nghĩa là hành động tức khắc, vội vã, ngược lại, là tiến hành một công việc vô cùng nguy hiểm với một sự tính toán khôn khéo tối đa. Những kế hoạch táo bạo nhất của ông bao giờ cũng được nung trong ngọn lửa quyết tâm, rồi nhúng vào dòng nước lạnh của sự tính toán, nhờ vậy ông đã chiến thắng. Trong phút giây, kế hoạch đã được quyết định, thời gian còn lại dành cho việc chuẩn bị chi tiết. Ông sẽ làm như các thuyền trưởng của ông đã làm: chiếm lại ít ra là một chiếc tàu để giành ưu thế đã mất. Chuyện đó đối với họ quá dễ còn với ông thì quá khó. Họ đã tấn công một con tàu ngủ say trong đêm tối khi truyền trưỏrng và thủy thủ chẳng ai nghi ngờ gì cả. Chẳng ai kháng cự, chẳng có gì phải chiến đấu. Nhưng bây giờ thì trời đã sáng rõ. Thuyền trưởng của ba con tàu kia quan sát từng cử động của soái hạm, đại bác sẵn sàng nhả đạn, súng kíp đã nhồi thuốc nổ. Bọn tạo phản thừa biết Magellan có thể mở một cuộc tấn công giữa ban ngày bằng một nhúm người trước mặt ba con tàu vũ trang chặt chẽ. Ai cũng nghĩ ông phải đánh vào tàu San Antonio trước tiên để giải thoát cho người anh em thân tín Mesquita, nhưng không, và đó chính là thiên tài của Magellan. Khi người ta thủ thế ở bên phải thì ông đánh vào bên trái, đánh vào tàu Victoria.
Từng chi tiết nhỏ nhất đã được suy tính. Trước tiên, Magellan cho giữ lại chiếc canô với những người đem bản thỉnh nguyện, bản yêu cầu thương thuyết của Gaspar de Queseda. Trên chiếc canô ấy ông phái người thân cận, kiếm sĩ Gonzalez Gomez cũng với năm thủy thủ chèo tới tàu Victoria để trao một bức thư của đô đốc gửi cho thuyền trưởng Luis de Mendoza.
Mọi người trên ba con tàu nhìn chiếc thuyền nhỏ bơi về phía họ. Chắc là họ chẳng mấy quan tâm: một chiếc canô chở sáu người thì làm gì nổi một con tàu có trên sáu mươi thủy thủ, hơn nữa lại do một thuyền trưởng bản lĩnh như Luis de Mendoza chỉ huy.
Nhẹ nhàng. hết sức nhẹ nhàng, với một sự chậm rãi cố tình - mỗi phút đều được tính kỹ - kiếm sĩ Gomez trèo lên boong tàu trình cho thuyền trưởng Luis de Mendoza mấy chữ của Magellan viết, mời ông về soái hạm gặp đô đốc bàn chuyện gấp.
Mendoza đọc mảnh giấy, ông nhớ quá rõ cảnh Juan de Cartagena bị tóm trên soái hạm. “Đừng hòng nhé!”, ông ngửa cổ cả cười. Nhưng tiếng cười tắt ngấm: mũi dao găm của kiếm sĩ đã đâm ngập vào giữa cổ họng viên thuyền trưởng.
Vừa lúc đó - ta hãy chú ý sự chính xác thần kỳ của Magellan khi tính từng giây, từng mét khoảng cách giữa hai con tàu - đúng lúc ấy Barbosa, em vợ của Magellan cầm đầu mười lăm thủy thủ trên chiếc canô của soái hạm đổ bộ lên boong. Thủy thủ tàu Victoria kinh hoàng nhìn thuyền trưởng của họ trên vũng máu, họ chưa kịp hiểu, chưa biết phải làm gì thì Barbosa đã nắm quyền chủ động, thét ra lệnh nhổ neo.
Buồm căng gió, tàu Victona tiến về phía soái hạm và bây giờ, ba con tàu: soái hạm Ba Ngôi, tàu Victoria và tàu Santiago dàn thế trận trước hai tàu, San Antonio và tàu Thánh Mẫu. Cửa vịnh đã bị chắn, không còn đường thoát.
Bằng cuộc tập kích chớp nhoáng này, cán cân lại nghiêng về phía Magellan, ván cờ đã thua trở lại thành thắng. Trong vòng năm phút, các thuyền trưởng tạo phản bị đặt ở thế yếu rõ rệt, và họ chỉ còn cách hoặc trốn chạy, hoặc chiến đấu và sau đó, đầu hàng không điều kiện. Trốn chạy thì đường thoát đã bị bịt kín. Chiến đấu thì quá muộn vì thủy thủ của họ đã mất tinh thần, Gaspar Queseda, tay gươm tay giáo hò hét đốc chiến nhưng chẳng ai nghe, Magellan chỉ cần phái một chiếc canô đến, hai con tàu lập tức đầu hàng.
Magellan được giải thoát, cùm xích trói ông bây giờ dành cho các thuyền trưởng nổi loạn.
* * *
Cuộc xung đột giữa Magellan và các thuyền trưởng Tây Ban Nha nổ bung ra, dữ dội như một cơn bão mùa hè. Tiếng sấm đầu tiên đã tiêu diệt mầm phản loạn đến tận gốc. Công việc trừng phạt tỏ ra khó khăn hơn. Người chiến thắng đứng trước một trách nhiệm tinh thần rất nặng nề. Đạo luật hoàng gia hồi ấy cho phép ông có quyền tha hay giết đối với kẻ phạm tội. Để nắm chắc quyền uy, ông phải xử phạt thật nghiêm khắc, có thể xử tử đến một phần năm, nhưng trong vùng biển nghịch thường này, độ lượng vẫn là hơn, chỉ cần răn đe bằng một thái độ cứng rắn.
Suy nghĩ kỹ càng, ông quyết định chỉ hy sinh một người thôi đó là Gaspar Queseda, kẻ đã phạm trọng tội. Thủ tục hình sự bắt đầu. Người ta mời lục sự, chứng nhân và cùng đủ mọi lệ bộ như ở thủ đô Tây Ban Nha, hồ sơ, biên bản được lập. Mesquita được bầu làm chủ tọa, tuyên bố khai mạc phiên xử Gaspar Queseda cựu thuyền trưởng về tội giết người và tạo phản. Magellan đọc bản án: can phạm đã nhận tội, bị khép án tử hình. Ân huệ duy nhất ban cho một quí tộc Tây Ban Nha là can phạm không bị treo cổ mà sẽ bị chặt đầu.
Nhưng ai sẽ thi hành bản án? Tìm người hành quyết khó quá, người ta nghĩ ra một cách: người vệ sĩ của Queseda có tham gia trong vụ giết chết Eloriaga cũng bị kết án tử hình. Nếu anh ta nhận chặt đầu quan thầy của mình thì sẽ được tha chết. Bối cảnh khủng khiếp. Sau cũng anh ta nhận và chỉ một nhát, chặt phăng đầu ông thầy, cứu lấy cái đầu của mình vậy. Theo đúng tục lệ dã man thời ấy, thi thể Queseda và Mendoza bị xé phanh từng mảnh cắm đầu cọc.
Nhưng vẫn còn một bản án cuối cùng phải tuyên xử, không biết nói thế nào, êm ái hơn hay khốc liệt hơn. Juan de Cartagena, kẻ cầm đầu thực thụ vụ phản loạn, và một giám mục thường xúi bẩy thủy thủ tội cũng không kém những người kia. Nhưng để cho một tên đao phủ hành hình người mà đức vua phong cho làm “conjuncta persona”, làm phó của mình, hoặc chém rụng cái đầu có xức dầu thánh của một đức cha thì khó quá. Một đô đốc, một người mộ đạo không dám làm như vậy. Còn như cùm họ trong chuyến đi dài hàng ngàn dặm cũng không xong. Sau cùng cho nhẹ gánh, Magellan quyết định đuổi họ lên bờ. Khi hạm đội ra đi, hai người sẽ được cấp lương thảo, đồ dùng và sẽ bị bỏ lại bờ biển San Julian. Số phận họ sẽ do Chúa đinh đoạt.
* * *
Magellan làm như vậy là đúng hay sai? Biên bản của Mesquita, em họ ông cho lập có phản bác được không, khi mà bên bị không có quyền biện hộ? Lịch sử cho là ông làm đúng. Nhưng nếu như ông không tìm ra con đường kia, không lập nên chiến công vang dội kia, thì hình phạt của ông đối với các thuyền trưởng Tây Ban Nha đúng ra chỉ là một cuộc ám sát tầm thường nhất. Nhưng vì thế sự sau này ở về phía ông, cho nên những kẻ chết một cái chết tầm thường phải bị quên lãng. Nhờ ông thành công, tính khí nghiệt ngã, cứng nhắc của ông được lịch sử, nếu không nói là được đạo đức bênh vực.
Thái độ của Magellan đối với các thuyền trưởng đã trở thành một bài học nguy hiểm. Năm mươi bảy năm sau Francis Drake, vị anh hùng kiêm tướng cướp người Anh trong một chuyến đi hiểm nghèo cũng đã gặp một trường hợp nổi loạn như vậy và ông ta bắt chước Magellan, đã đóng một món thuế máu. Francis Drake biết quá rõ lịch sử chuyến đi của vị tiền bối, ông ta từng đọc kỹ biên bản phiên tòa, ông ta còn nói là đã tìm ra khúc gỗ kê dưới cổ Queseda khi hành quyết. Lần này viên thuyền trưởng nổi loạn tên là Thomas Doughty. Cũng giống Juan đe Cartagena, anh ta bị cùm trong chuyến đi và - sự trùng lặp lạ lùng - cũng trên bãi biển này, trong vùng cảng San Julian khốn khổ này, anh ta bị lên án. Francis Drake nhường cho người bạn cũ được quyền chọn, hoặc cái chết trong danh dự và chóng vánh như Queseda, bị chặt đầu, hoặc bị đuổi lên bờ như Cartagena. Doughty cũng đã từng đọc chuyện kể về chuyến đi của Magellan, anh ta biết rằng sau đó chẳng có ai tìm ra tí dấu vết nào của Cartagena và người bạn đường là vị linh mục. Cho nên anh ta chọn cái chết chắc ăn mà ngắn gọn là thanh đao. Một lần nữa, một cái đầu lăn trên bãi cát. Định mệnh muôn đời muốn rằng hầu như mọi chiến công hiển hách đều phải vấy máu.

Chương chín

Thời kỳ bi thảm
(7 tháng Tư 1520 - 28 tháng Mười một 1520)

Mùa đông giam chân hạm đội của Magellan trong cái bến chết tiệt này suốt bốn tháng. Thời gian trôi nặng nề, trống rỗng. Do kinh nghiệm, đô đốc biết rằng không gì tệ hại hơn là ngày giờ nhàn rỗi, cho nên ông buộc thủy thủ làm việc luôn tay. Từ mũi tới lái, ông bắt tu bổ lại tất cả; tàu thuyền vốn đã xộc xệch sau gần một năm sóng gió. Ông hạ lệnh đốn cây, đẽo cột. Chắc chắn ông có bày vẽ thêm nhiều công việc linh tinh cốt để mọi người tin rằng chuyến đi sau tiếp tục họ sắp lên đường tới vùng đảo thần tiên.
Cuối cùng dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân xuất hiện. Suốt những ngày tháng tối tăm lạnh lẽo ấy, đoàn thủy thủ thấy như bị lưu đày tới một xứ sở không có người, không cả thú vật. Nỗi lo âu làm cho bệnh tật phát sinh. Rồi một buổi sáng quang đãng, tự dưng thấy có bóng người xuất hiện trên đồi, một bóng người to lớn dị thường, “superantes staturam” như Pierre Martyr viết, đến nỗi lúc đầu, thủy thủ không cho là người nữa. Pigafetta thì cả quyết: “Anh ta cao to đến mức chúng tôi chỉ đứng chạm thắt lưng [1]. Khổ người cân đối, gương mặt cởi mở, vành mắt tô màu vàng và đỏ, hai bên má vẽ hình hai quả tim, tóc nhuộm trắng, quần áo bằng da thú khâu dính vào nhau. Lạ nhất là “Patagao”, đôi bàn chân khổng lồ của anh ta, họ bèn đặt tên dân vùng này là “Patagon” và đất vùng này là “Patagonie”.
Anh chàng Patagon bắt đầu giang tay nhảy múa và vừa hát vừa bốc cát rải lên đầu. Magellan suy diễn rất đúng là anh ta đang tỏ dấu hiệu thân thiện, ông ra lệnh cho một vài thủy thủ cũng nhảy múa rồi bốc cát rải lên đầu mình như vậy. Người kia quả nhiên coi đó là một kiểu chào mừng của khách và anh ta tiến đến gần. Bây giờ thì bọn Trinculos đã tìm được Caliban [2] của họ. Lần đầu tiên họ tìm được trò giải trí trong bãi sa mạc tuyết này. Khi người ta để một tấm gương dưới mũi anh ta, người khổng lồ hiền lành lập tức nhảy dựng lên, ngã ngửa, kéo theo bốn thủy thủ ngã quay dưới đất, Pigafetta viết anh ta ăn khỏe đến mức thủy thủ chỉ nhìn mà đã quên khuấy đi rằng họ chỉ được một khẩu phần nhỏ xíu. Họ tròn mắt nhìn anh chàng uống một hơi hết trọn thùng nước và nuốt chửng nửa giỏ bánh khô, như người ta ăn một mẩu bánh ngọt. Thế là giữa thủy thủ và con người hoang dã kia đã nảy nở một mối tình thân thiết, và khi Magellan tặng anh mấy cái chuông đồng thì anh ta bèn đi tìm những chàng khổng lồ khác và cả mấy nàng khổng lồ nữa.
* * *
Chính vì thiếu cảnh giác như vậy mà những đứa con của thiên nhiên đã lâm nguy. Cũng như Christophe Colomb và nhiều nhà thám hiểm khác. Magellan được Trụ sở Hợp đồng giao nhiệm vụ phải đem về không những cây cỏ, khoáng sản mà cả những giống người mới, gặp trong chuyến đi. Nhưng bắt sống một con người cỡ này cũng khó khăn như bắt một con cá voi bằng cách nắm đuôi nó. Pigafetta viết: thủy thủ cứ loay hoay mãi xung quanh đám người Patagon, cuối cùng họ nghĩ ra một mẹo. Người ta tặng cho hai người trong bọn họ nhiều món quà, nhiều đến nỗi hai tay họ đều bận cầm nắm. Rồi người ta chưng ra một món nữa có tiếng leng keng vui tai, một khúc xiềng. Người ta hỏi họ có ưng đeo vào chân không; hai anh chàng Patagon cười toe toét gật đầu. Tay vẫn ôm quà tặng, họ tò mò nhìn đám thủy thủ quàng vào cổ chân họ những khoanh sắt đẹp phát ra tiếng nhạc, và bỗng - tốc! - họ đã bị khóa chân. Họ bị quật ngã xuống cát, họ la hét giãy giụa kêu gào thần Sébastos tới cứu - Shakespeare có mượn tên vị thần này - nhưng vô hiệu: Trụ sở Hợp đồng đang cần dùng họ để triển lãm. Giống như một con bò tót thua trận trên đấu trường, họ bị lôi trên cát, đem lên tàu. Tội nghiệp, chỉ sau đó ít lâu, họ lịm dần rồi chết vì thiếu ăn. Những người đại diện cho nền văn minh đã tỏ ra nham hiểm và thế là còn đâu sự hòa hợp giữa những con người! Thổ dân không còn bén mảng tới. Một ngày kia thủy thủ săn đuổi họ, mong bắt sống được vài người đàn bà, họ đã quay lại, giết chết được một tên da trắng.
Quả thật, về phía người Tây Ban Nha cũng như về phía dân địa phương, cái bến San Julian chỉ đem đến những điều bất hạnh. Ở đây Magellan chẳng thu được kết quả gì, cái bến này như bị quỷ ám. Ta đi thôi, quay về xứ sở thôi! Thủy thủ rên rỉ. Lên đường thôi, tiếp tục lên đường thôi! Magellan tự nhủ. Cả thầy lẫn trò đều sốt ruột. Những cơn bão dông vừa ngớt, Magellan quyết định cho một mũi tiến về nam. Ông phái chiếc tàu nhanh nhất đi trinh sát, chiếc Santiago do thuyền trưởng Serrao trung kiên chỉ huy. Tàu có nhiệm vụ theo huớng chỉ định, khám phá ven bờ và trở lại báo cáo. Thời gian quy định đã trôi qua. Magellan sốt ruột ngóng nhìn bờ biển, mong con tàu, mong tin tức trở về. Nhưng tin tức lại về từ hướng khác. Một ngày kia người ta thấy có hai bóng người xiêu vẹo từ phía đồi lê xuống. Lúc đầu tưởng là những người Patagon và súng đã chĩa về phía họ. Nhưng hai con người trần truồng kia gần lả đi vì rét và đói, lại la lên bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là hai thủy thủ của tàu Santiago. Họ đem về một tin chẳng lành. Thuyền trưởng Serrao đã gặp một cửa sông có nhiều cá mà họ đặt tên là Santa Cruz. Họ tiếp tục xuống phía nam thì một cơn bão bất ưng nổi dậy, xô tàu vào ghềnh đá, vỡ tan. Thủy thủ bơi được vào bờ, nằm chờ cứu viện ở đó. Hai người này lội bộ men bờ trở về; trong mười một ngày họ chỉ ăn toàn cỏ và rễ cây.
Magellan lập tức cho canô đi chở thủy thủ về; chiếc tàu nhanh nhất hạm đội đã vỡ tan. Trong cái xứ xa xôi này mất là không thay thế được, ngày 24 tháng Tám, Magellan hạ lệnh lên đường. Ông nhìn hai kẻ phản loạn để lại trên bờ, nhìn cái bến San Julian chết tiệt này, chắc ông thầm rủa cái ngày ông đã cho đổ bộ lên đây. Một chiếc tàu bị mất, mất đi ba thuyền trưởng và một năm đã trôi qua, ông chưa làm được gì cả, chưa tìm thấy gì cả.
* * *
Những ngày kế tiếp là những ngày đen tối nhất trong đời Magellan, có thể là những ngày duy nhất mà con người vốn tự tin này cảm thấy lòng xao xuyến. Khi rời bến San Julian, ông tuyên bố sẽ kiên quyết xuống tới vĩ độ 75 nếu cần [3]. Chỉ khi nào tới đó, mà không tìm ra con đường thông, thì ông mới quay lại Phi châu, qua mũi Hảo Vọng. “Nếu cần” tiết lộ rằng lòng ông đang dao động. Lần đầu tiên Magellan nghĩ tới khả năng quay trở lại; ông đã vô tình thú nhận trước thuộc hạ của ông là con đường thông kia không hề có, hoặc có chăng nữa thì nó nằm giữa vùng Nam cực. Không còn quả quyết nữa mà cũng chẳng còn tin rằng con đường ấy có nữa!
Chưa bao giờ lịch sử lại nghĩ ra một trò đùa quái đản hơn. Hai ngày sau khi rời bến San Julian, ông đã đưa hạm đội tới cửa sông Santa Cruz do Serrao phát hiện và ông hạ lệnh nghỉ lại hai tháng ở đây. Ngày nay, theo những điều được biết, chúng ta thấy thật không còn gì vô lý hơn.
Ta thử hình dung lại con người ấy. Ông nghĩ ra một điều vĩ đại nhưng lại dựa vào những số liệu sai. Ông dựa vào đấy mà đi tìm con đường qua Thái Bình Dương, và từ đó, đi vòng quanh thế giới. Ý chí mãnh liệt đủ giúp ông vượt qua tất cả mọi trở lực, ông nhận được một hạm đội, đưa hạm đội ấy đi dọc bờ nam châu Mỹ, xa hơn tất cả mọi nhà hàng hải. Ông đã chế ngự thiên nhiên, diệt mầm phản loạn, bao giờ cũng cả quyết là mình đang tiến tới sát con đường ăn thông, la Paso, và thế mà khi đã tới sát bậc thềm chiến thắng, cái nhìn thường ngày sáng suốt là thế bỗng mờ đi. Như là quỉ thần ghen ghét với ông, bịt mắt ông lại. Bởi, cái ngày 26 tháng Tám năm 1520, khi Magellan hạ lệnh cho thủy thủ dừng lại, thì chính đấy là lúc ông đã đi tới đích. Hai vĩ độ nữa thôi, hai ngày đường nữa thôi, sau ba trăm ngày vượt biển, vài ba dặm nữa, sau hàng ngàn, hàng ngàn dặm trường đã trải và ông có thể kêu lên: Chiến thắng! La Paso đây rồi! Nhưng - nực cười và trớ trêu thay là số mệnh! Con người tội nghiệp kia không biết, không đoán ra rằng điều ông tìm kiếm đã ở trong tầm tay. Trong hai tháng ròng rã chờ đợi, ở giữa con sông nhỏ này, bên bờ hoang sơ vắng lặng này, ông cứ chờ, cứ chờ, giống như người bị vùi trong bão tuyết, thất vọng, mà chẳng biết rằng mình đã về tới nhà, chỉ hai bước nữa là qua cửa. Cho đến phút cuối cùng, con người có một ý chí cỡ Prométhée từng đào bới bí mật của quả địa cầu, con người ấy bỗng cảm thấy bộ móng nhọn của sự nghi ngờ cào xé con tim.
Cho nên sau đó, niềm vui mới càng dào dạt. Ngày 18 tháng Mười năm 1520, sau sáu mươi ngày chờ đợi vô ích, Magellan cho lệnh lên đường. Buổi lễ Misa được tổ chức, mọi người xưng tội và đoàn tàu lại giương buồm nhằm phía nam thẳng tiến. Một lần nữa, bão dữ lại nổi lên chắn đường; họ lại phải dò từng bước, chẳng chút cỏ cây, bờ bãi cứ thế trải dài ra, trống trải hoang vu; cát và đá, đá và cát, cứ thế, cứ thế. Ngày thứ tư, ngày 21 tháng Mười 1520, họ trông thấy một mỏm núi nhô lên giữa bờ đá trắng, nứt nẻ như bị xé toác ra, trông rất lạ mắt. Magellan đặt tên mỏm đá là mũi Virgines để xưng ngợi Nữ thánh của ngày đó. Đằng sau nữa là một vịnh nước sâu, đen ngòm. Quang cảnh lạ lùng, khắc nghiệt! Những vách đã dựng đứng, những khe sâu và xa xa, một đỉnh núi tuyết phủ. Trước mặt, xung quanh, một màu chết chóc. Thảng hoặc mới thấy vài thân cây, vài bụi cỏ dại. Chỉ có tiếng gió hú liên hồi qua khe đá. Mọi người rầu rĩ nhìn vũng nước ảm đạm này. Họ không thể nghĩ khe đá với dòng nước đen ngòm như nước âm ty này lại có thể dẫn tới những bãi bờ phẳng lặng, dẫn tới “Biển Nam”, vùng biển trong xanh rực rỡ nắng trời mà lòng họ mơ ước từ lâu. Mọi người đều nhất trí cho rằng đó chỉ là một cái khe sâu giống như nhiều khe sâu từng gặp ở Patagonie. Dò tìm làm gì vô ích! Thôi đừng nên dừng lại nữa. Hãy tiếp tục đi về phía nam và nếu không tìm ra con đường thông, thì ta lợi dụng mùa gió mà về nước hoặc qua mũi Hảo Vọng mà sang Ấn Độ Dương!
Nhưng Magellan vẫn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ khẳng định về con đường, ông vẫn cứ gò ép họ phải lùng sâu vào, phải khám phá cho ra eo biển kỳ lạ này. Thủy thủ tuân lệnh một cách miễn cưỡng, bởi - như lời Pirafetta – “Chúng tôi nghĩ và nói thẳng ra rằng đấy chỉ là một cái vịnh khép kín”. Hai chiếc tàu ở lại cửa khe: soái hạm và chiếc Victoria; chiếc San Antonio và chiếc Thánh Mẫu nhận lệnh tiến vào khe càng sâu càng tốt, hạn trong vòng năm ngày phải trở ra. Thời gian trở nên quí giá, lương thảo đã cạn. Năm ngày là thời hạn cho ván bài cuối cùng.
* * *
Giờ phút bi thảm đã đến. Hai chiếc tàu ở lại tiến hành thám hiểm vùng vịnh trong khi chờ hai chiếc kia trở lại. Một cơn gió mạnh bỗng nổi lên, một trong những cơn dông chớp giật thường xảy ra trong vùng “no” hay “buenos estacines”, không bao giờ đẹp trời, như các tấm bản đồ cổ Tây Ban Nha thường ghi chú. Trong chớp mắt những con sóng bạc đầu tràn qua vịnh. Dây neo đứt tung, hai con tàu bị sóng vật nghiêng ngửa cuốn theo chiều gió suốt trong hai ngày đêm. May mà chúng không bị xô vào ghềnh đá. Nhưng điều Magellan lo lắng chính là hai chiếc tàu đang rúc trong khe đá kia, liệu chúng có đủ chỗ xoay trở, ẩn núp đâu đó không?
Một sự chờ đợi nóng lòng đau đớn. Một ngày qua rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba, thứ tư. Hai con tàu vẫn biệt tăm. Bây giờ thì đã rõ, hai con tàu kia mà không còn thì Magellan thua cuộc. Với hai con tàu còn lại, không thể tiếp tục chuyển đi. Giấc mơ, cơ đồ của ông thế là tan tành trên đá tảng.
Thế rồi bỗng có tín hiệu trên vọng gác. Cái gì thế? Không phải là một con tàu; người lính gác nhìn thấy một cột khói đằng xa! Một giây phút hãi hùng! Một cột khói có nghĩa là thủy thủ kêu cứu. Magellan lệnh cho cano hạ thủy để đi tiếp cứu những người sống sót. Nhưng đúng vào lúc ấy thì tình thế xoay chuyển. Một cánh buồm xuất hiện! Một con tàu! Ôi lạy Chúa! Một trong hai con tàu sống sót. Mà không, cả hai con tàu, chiếc San Antonio và chiếc Thánh Mẫu đều trở lại, an toàn! Cái gì thế kia? Vừa trông rõ chúng thì từ mạn trái, một tia chớp phát ra, một lần, hai, ba lần. Ba phát đạn đại bác vọng về. Chuyện gì xảy ra thế? Đã có lệnh tiết kiệm thuốc súng từ lâu cơ mà! Mà sao lại kẻo tất cả cờ, phướn lên thế kia? Tại sao thuyền trưởng, thủy thủ lại la hét, vẫy gọi thế kia. Còn xa quá, chẳng ai nghe rõ câu gì, nhưng Magellan, trước hơn ai hết đã hiểu ra: đó là ngôn ngữ của Chiến Thắng!
Đúng là một tin mừng. Con tim hớn hở, Magellan chăm chú nghe Serrao báo cáo. Lúc đầu, đường đi rất khó khăn. Khi họ đã tiến vào sâu trong vịnh thì gặp bão. Dù đã hạ buồm, sóng vẫn xô mạnh phía sau: họ nghĩ phen nay chắc thuyền sẽ vỡ tan ở bờ đá cuối vịnh, nhưng họ trông thấy nó không khép kín mà mở lối vào một con đường nước, một thứ kênh hẹp. Con kênh này mở ra một cái vịnh khác. Vịnh hẹp dần rồi lại rộng ra. Họ đi ba ngày vẫn chưa hết đường thủy lạ lùng này. Chưa đi hết nhưng họ nghĩ đây không phải là một con sông, bởi nước vẫn mặn và đường ranh giữa biển với bờ vẫn rõ rệt, đều đặn. Con đường không thu hẹp, trái lại ngày càng mở rộng mà độ sâu thì vẫn giữ nguyên. Cho nên chắc rằng cái khe, cái lạch này sẽ đưa tới vùng biển nam mà mấy năm trước đây Numez de Balboa đã nhìn thấy từ vùng cao Panama.
Ta có thể tưởng tượng niềm vui của Magellan, nó sâu kín trong lòng khiến ông đã định bỏ dở công trình, đã tính đường về qua mũi Hảo Vọng và chẳng ai biết ông đã nguyện cầu Chúa những gì. Và rồi ước mơ được thực hiện đúng lúc ông sắp sửa lùi bước. Không chần chừ gì nữa! Hãy nhổ neo! Hãy giương buồm! Một loạt đại bác mừng đức vua, một hồi kinh cầu nguyện cho đô đốc! Và hãy tiến vào trận mê đồ này. Bốn con tàu tiến vào eo biển. Thoạt đầu, Magellan đặt tên nó là kênh Các Thánh, nhân ngày lễ Các Thánh. Hậu thế, để ghi ơn ông sẽ gọi nó là eo biển Magellan.
* * *
Bốn con tàu nhẹ nhàng, không một tiếng động tiến vào eo biển đen kịt chưa một người nào qua. Chung quanh họ là một sự im lặng chết chóc, những vách dựng đứng lạnh lùng nhìn họ. U tối là bầu trời, u tối là mặt nước. Bóng mờ trong những bóng mờ, bốn con tàu tiến không vội vã vào một thế giới âm ty không một bóng người, nhưng chắc vùng đất có người ở vì đêm đêm có những đám lửa đằng xa, do đó họ đặt tên là Đất Lửa. Không một tiếng kêu, không một bóng di động. Một lần thủy thủ tìm thấy một nghĩa trang với mươi nấm mộ. Sinh vật duy nhất gặp được là một con cá mập nằm chết bên bờ. Họ luôn ném sào dò nhưng không bao giờ chạm đáy. Magellan nhìn tứ phía. Eo biển không khép kín, trái lại. có nhiều dấu hiệu cho biết con đường rồi sẽ đưa ra biển. Nhưng giây phút đó chưa tới, con đường vẫn quanh co, lòng người vẫn rối rắm.
Hành trình nguy hiểm. Đây không phải là một con kênh rộng suôn sẻ, mà các nhà địa lý Schroener và Berheim tưởng tượng ra rồi vẽ trong các căn phòng êm ả ở Nuremberg. Và cũng do cách điệu mà người ta gọi nó là eo biển, thực ra đây là một ngã tư đường liên tục, một mê đồ những vịnh, những khe, những lạch, chỉ có các hoa tiêu sành sỏi mới định hướng nổi. Những vùng nước muôn hình muôn vẻ, lúc thu hẹp, lúc phình tròn, luôn đổi hướng khi sang trái, khi sang phải, chẳng biết hướng nào là đúng, đông hay tây, bắc hay nam... Phải tránh đá ngầm, vòng qua eo hẹp và gió thì nổi bên này bên nọ, dựng sóng, xoáy buồm. Ta hiểu vì sao mấy trăm năm sau, con đường vẫn là nỗi kinh hoàng của các nhà hàng hải. Hàng chục lần trong các chuyến đi sau này, tàu thuyền đã phơi xác nơi đây. Magellan, người đầu tiên đi qua, cũng là người đầu tiên đi qua đây mà không gặp nạn. Tàu ông chở nặng chỉ có cánh buồm tròn, bánh lái gỗ và ông đã dò tìm tất cả luồng lạch, hành lang, lúc tiến lúc lùi để định vị, mùa tiết thì không thuận lợi và thủy thủ thì đã rã rời; trong những đều kiện ấy, chiến công của ông đáng gọi là kỳ diệu. Suốt một tháng ròng, ông kiên tâm tìm kiếm. Ở mỗi ngã ba, ông chia đoàn tàu ra làm hai, một phần tiến tìm phía bắc, phần kia tìm ở phía nam. Như là tự biết mình không có số may, ông không để cho sự tình cờ lựa chọn đường đi. Bao giờ ông cũng tự tìm lấy, ông chiến thắng không chỉ bằng tài năng mà còn bằng một đức tính lạnh lùng nhất: sự kiên trì dũng cảm.
* * *
Chặng đường nguy hiểm đã vượt qua. Một lần nữa, Magellan lại tiến tới một ngã ba, nơi con đường mở rộng ra cả về hai phía. Một lần nữa, Magellan chia hai đoàn tàu. San Antonio và Thánh Mẫu nhận lệnh đi về phía đông - nam, soái hạm và Victoria đi về phía tây - nam. Giờ xuất phát đã đến, buồm sắp giương thì một chuyện lạ xảy ra: Magellan mời các thuyền trưởng họp, ông muốn biết tình hình lương thảo và ý kiến của họ: tiếp tục hay quay về.
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Ông, con người chẳng bao giờ cho phép họ góp ý kiến, giờ đây lại hỏi ý kiến họ? Thật ra chuyện ấy cũng đơn giản. Khi đã giành được thắng lợi, người độc đoán có thể chịu đựng được ý kiến của kẻ khác. Bây giờ con đường đã tìm được, Magellan không còn sợ những câu hỏi, ông sẵn sàng trình bày ý kiến.
Các thuyền tưởng trình diện và báo cáo. Lương thảo giảm tới mức báo động: chỉ còn độ ba tháng. Magellan bèn lên tiếng. Mục tiêu ban đầu đã đạt, ai cũng thấy. Ta có thể bằng lòng như vậy hay tiến tới đạt mục đích cao cả đã hứa cùng đức vua: tìm đến các hòn đảo gia vị và chiếm lấy, nhân danh Tây Ban Nha? Ông cũng thấy là lương thảo đã cạn và khó khăn hơn nhiều. Nhưng nếu thành công thì vinh quang và của cải đang chờ đón. Về phần mình, ông vẫn quyết tâm, ý kiến cấp dưới thế nào?
Không ai biết câu trả lời của các thuyền trưởng và hoa tiêu. Nhưng ta có thể đoán là phần đông họ im lặng bởi họ còn nhớ quá rõ bãi biển San Julian và hình phạt đối với các bạn của họ. Không dễ dàng trái ý con người độc tài này. Chỉ có một người dám nói, đó là hoa tiêu tàu San Antonio. Estevao Gomez, một người đồng hương của Magellan. Gomez nói thẳng là cần trở về nước, lập một hạm đội mới để tới quần đảo Moluques bằng con đường này. Theo ông nghĩ, tàu không thể ra khơi vì đã quá yếu, vì thiếu lương thực với lại chẳng ai biết biển nam đi mãi tới đâu. Nếu họ lạc giữa đại dương không kịp tìm bến đỗ, hạm đội sẽ tiêu vong một cách thảm hại.
Đây đúng là lẽ phải nói qua cửa miệng Gomez. Pigafetta vốn hay bênh Magellan, sau này gán cho Gomez nhiều nhận xét nhỏ nhặt. Thực ra nếu Magellan nghe ý kiến ông, thì Magellan và gần hai trăm thủy thủ đã được cứu sống.
Nhưng với một người cầm đầu, mạng sống ngắn ngủi của ông ta nào sá kể gì, công trình bất tử kia mới là điều thiết yếu. Một hành động anh hùng thường là một hành động trái lẽ. Magellan lại lên tiếng trả lời Gomez. Đúng là còn nhiều khó khăn và có thể họ sẽ đói rét, nhưng - lời này mới đúng là tiên tri - dù có phải ăn đến những miếng da lót cột buồm đi nữa, thì ông vẫn tự coi là có bổn phận tiến lên, tìm cho ra vùng đất đã hứa giành cho đức vua. Bằng lời kêu gọi lên đường này, cuộc thảo luận dường như đã chấm dứt và người ta hô chuyền mệnh lệnh của Magellan: Tiếp tục lên đường!
* * *
Các thuyền trưởng im lặng nhận lệnh. Tàu San Antonio dưới sự chỉ huy của Mesquita, và tàu Thánh Mẫu của Serrao được lệnh thám hiểm ở nhánh phía đông nam trong vòng năm ngày phải trở lại. Hai chiếc tàu khuất dần sau những khúc quanh. Tàu Ba Ngôi và Chiến Thắng bỏ neo ở cửa sông Cá mòi. Magellan phái một chiếc thuyền nhẹ đi thám hiểm phía tây nam; trên dòng nước lặng, như vậy là đủ. Họ được lệnh phải quay về trong vòng ba ngày.
Đã lâu lắm Magellan và đoàn thủy thủ mới được nghỉ ngơi thoải mái như vậy. Thời gian sau, càng đi về phía tây, quang cảnh càng thay đổi. Thay cho vùng núi đá chập chùng, nay đã có đồng cỏ và rừng xanh; không khí ấm dịu, thủy thủ vùng vẫy trong những dòng nước mát. Hàng tháng nay họ chỉ biết ngụm nước chát ngòm dưới khoang, giờ này họ nằm dài trên thảm cỏ xanh, ngắm từng đàn cá chim tung mình trên làn nước. Họ rủ nhau đi câu. Họ tìm ra lắm thứ ăn được và họ lại no nê. Thiên nhiên dễ chịu quá, Pigafetta tuyên bố: “Credo che non sia al mondo el piu bello”. Tôi nghĩ trên đời này chẳng có nơi nào đẹp hơn nơi đây.
Được nghỉ ngơi thư giãn, kiểu hạnh phúc đơn sơ kia thì thấm vào đâu so với niềm vui mãnh liệt đang tràn ngập tâm hồn Magellan. Vào ngày thứ ba, chiếc thuyền nhẹ được phái đi trinh sát đã quay về và lần này thủy thủ cũng vẫy gọi từ xa như trong ngày lễ Các Thánh, lúc tìm ra eo biển. Lần này tin tức đưa về quan trọng hơn nhiều: họ đã tìm thấy đường ra của con kênh. Họ đã nhìn tận mắt Biển Nam, nhìn thấy đại dương vô tận. “Thalassa! Thalassa!” [4]
Tiếng reo hò lần nãy lại vang lên, nhưng bằng một thứ tiếng khác. tiếng Tây Ban Nha! Phút giây lớn lao nhất Magellan được trải trong đời, phút giây cực kỳ hoan lạc mà đời người chắc chỉ được hưởng một lần. Giấc mộng đã thành. Ông đã giữ đúng lời hứa với đức vua. Điều mà hàng ngàn người chỉ có mơ tưởng thì ông đã thực hiện: con đường sang biển bên kia đã mở. Cái giờ phút duy nhất này đủ giải thích, biện hộ, minh oan cho cả một cuộc đời ông đang đi vào bất tử.
Nơi con người thép này, chẳng ai chờ đợi chuyện đó thì bỗng dưng nó đã xảy ra. Con người không bao giờ để lộ tình cảm, con người ấy đang bị cảm xúc tràn ngập. Đôi mắt ông tràn lệ, những giọt lệ nóng bỏng chảy dài trên gò má, lăn vào bụi râu rậm: Magellan khóc vì sung sướng.
* * *
Nhưng số kiếp ông là như vậy: ông phải lập tức trả giá một khoảnh khắc hạnh phúc bằng nhiều cay đắng. Mỗi một thành công của ông đều kèm theo nhiều thất vọng. Ông chỉ có nhìn thôi, không thể hưởng hạnh phúc và ngay cả phút vui mừng ngắn ngủi sáng rỡ nhất đời ông, cũng liền tắt ngấm khi ông chưa kịp cạn chén mừng...
Hai chiếc tàu kia đâu rồi? Sao chúng về chậm thế? Đã tìm được đường ra biển, thì chả cần thăm dò gì nữa, mất thời giờ. Ôi, San Antonio, ôi Thánh Mẫu, hãy về ngay mà nhận tin mừng. Càng lúc càng sốt ruột, Magellan ngóng về hướng chúng ra đi. Năm ngày rồi, thời gian giao hẹn đã qua rồi, chúng vẫn chưa về. Tai nạn chăng? Lạc đường chăng? Magellan không chờ được nữa. Ông phái thuyền đi tìm. Vẫn bặt tăm.
Ngày thứ hai sau khi phái thuyền đi tìm kiếm, một cánh buồm ló dạng, đó là chiếc Thánh Mẫu dưới quyền của người bạn Serrao trung thành. Còn chiếc kia? Serrao cũng không biết nữa. Ngay từ hôm đầu San Antonio đã vượt trước và ông chẳng trông thấy nó trở lại. Lúc đầu Magellan chưa nhìn ra điềm xấu. San Antonio lạc đường hay chưa hiểu rõ lệnh ông? Ông đã phái canô tỏa ra nhiều phía, thắp đèn tiêu, cắm cờ bên cạnh với chỉ thị phải về ngay. Có điều gì nghiêm trọng đã xảy ra. Hoặc là tàu đắm, mất của, chết người? Điều vô lý, vì mấy hôm nay trời đẹp. Hoặc là Gomez đã thuyết phục được đoàn thủy thủ và con tàu đào ngũ?
Magellan không biết chuyện gì đã xảy ra. Ông chỉ biết một điều: con tàu lớn nhất hạm đội đã biến mất. Biến đi đâu? Trong cái xứ hoang vu vô tận này, chẳng ai nói cho ông rõ nó đang nằm dưới đáy biển hay nó đang quay về Tây Ban Nha. Chỉ có các vì sao là biết con đường đi của tàu San Antonio và có thể trả lời. Magellan cho gọi nhà thiên văn Andrès de San Martin, người thay thế Faleiro và là người hiểu được tiếng nói của các vì sao. Magellan yêu cầu ông rút một lá số chiêm tinh và được một lần khoa chiêm tinh nói đúng: nhà thiên văn học đã nhớ ra thái độ của Estavao Gomez trong phiên họp với Magellan và ông bèn công bố, hoàn toàn khớp với sự thật - con tàu đã đào ngũ và thuyền trưởng của nó, Mesquita, đã bị giữ làm tù binh dưới tàu.
Một lần nữa, lần cuối cùng, Magellan đứng trước một quyết định khẩn cấp. Ông vui mừng quá sớm, con tàu cần thiết cho ông đã đào ngũ (điều giống nhau tình cờ xảy ra cho chuyến vòng quanh thế giới lần thứ hai do Francis Drake thực hiện: con tàu tốt nhất của ông cũng đã đào ngũ, ban đêm). Ngay bên thềm chiến thắng, người bạn đồng hương, chung một dòng máu đã chơi khăm một vố quá đau. Tàu San Antonio chở số lương thảo dự trữ lớn nhất, tốt nhất, chưa kể sáu ngày chờ đợi mất công toi. Tám ngày trước, với nhiều thuận lợi hơn, chuyến lao vào đại dương mênh mông đã đáng gọi là táo bạo. Mất tàu Antonio, chuyến đi trở thành một vụ tự sát.
Một lần nữa, Magellan từ thái độ tự tin cao ngạo nhất chuyển sang một tâm trạng hoang mang bối rối nhất. Chẳng cần Burros nói, ta cũng biết “Ông ta bàng hoàng - đến mức chẳng còn biết quyết định cái gì, quyết định ra sao nữa”. Ông gửi lệnh cho toàn thể sĩ quan hạm đội - và ông hỏi ý kiến họ một lần nữa: nên tiếp tục chuyến đi hay là tạm quay về? Lần này ông ra lệnh trả lời bằng thư. Bởi ông muốn có trong tay một chứng từ ngoại trường “scripta manent”. Ông cần chứng minh rằng ông có hỏi ý kiến cấp dưới. Ông dư biết - và quả đúng như thế - là một khi về tới Séville bọn phản loạn trên tàu San Antonio sẽ vu cáo ông để khỏi bị buộc tội bất tuân. Chắc chắn chúng sẽ tố cáo ông đã dùng thủ đoạn khủng bố, ông, một người ngoại quốc, ông đã cùm các quan chức của nhà vua, cho chặt đầu, phanh thây các nhà quí tộc Tây Ban Nha nhằm mục đích trao hạm đội cho người Bồ Đào Nha. Về phần ông, quả là ông có chuyên quyền đối với cấp dưới trong suốt chuyến đi nên bây giờ ông muốn có một chứng từ biện hộ và ông đã lập biên bản: mở đầu bằng những lời này:
“Lập trong con kênh Todos los Santos, đối diện sông Rio del Isleo, vào ngày 21 tháng Giêng, trên vĩ tuyến 53 sau xích đạo. Ta, Ferdinand Magellan, Hiệp sĩ Huân vị thánh Santiago, tổng chỉ huy hạm đội... ta có biết rằng các người đều nghĩ: tiếp tục chuyến đi là quá táo bạo vì mùa đông sắp tới. Nhưng bởi lẽ, ta không bao giờ coi thường ý kiến hoặc lời khuyên can của kẻ khác, ngược lại lúc nào ta cũng muốn bàn thảo giải quyết việc công cùng với mọi người...”
Chắc chắn các sĩ quan đã mỉm cười khi đọc những dòng Magellan tự mô tả chân dung mình như vậy. Bởi nét tiêu biểu nhất ở ông là sự độc đoán. Họ đâu quên rằng trong suốt chín tháng ông đã bắt mọi người câm họng. Magellan có biết như vậy nên ông tiếp tục viết:
“Xin đừng ai e ngại, hãy cứ phát biểu ý kiến... Các người có quyền nói cho ta nghe những suy nghĩ xung quanh sự an toàn của hạm đội này. Không làm như vậy tức là phản lại với lời thề và bổn phận của các người... Mọi người phải nói rõ nên tiếp tục đi hay nên quay về với lý lẽ phân minh, viết thành văn bản”.
Nhưng đâu có dễ gì, trong một giờ, mua chuộc lại được lòng tin cậy đã mất trong chín tháng. Sĩ quan vẫn còn quá sợ sệt đâu dám tự do phát biểu và bức thư trả lời duy nhất được bảo tồn cho đến ngày nay là của Andrès de San Martin. Qua bức thư người ta thấy rõ thái độ của các sĩ quan: chẳng ai muốn chia sẻ trách nhiệm với vị chỉ huy khi mà trách nhiệm ấy trở thành vô tận. Nhà thiên văn học phát biểu, phù hợp với cung cách nghề nghiệp, nghĩa là mơ hồ, mờ mịt, khéo léo sử dụng những “nhân vì” và “do vậy”.
“Rằng mặc dầu ông có nghi ngại khả năng đi từ con kênh Todos los Santos này tới các đảo Moluques, nhưng ông cũng đồng ý nên tiếp tục chuyến đi vì đang “giữa lòng mùa xuân”. Nhưng không nên đi quá xa mà nên trở về vào khoảng giữa tháng Giêng vì thủy thủ đã quá mệt mỏi. Có thể nên đi về phía đông thay vì đi về phía tây; nhưng dù sao đô đốc cũng nên làm theo ý ông nghĩ và cầu Chúa chỉ đường đi cho ông”... Chắc các sĩ quan khác cũng có kiểu nói đại loại như vậy.
Thực ra Magellan hỏi, không phải để tìm lời giải thích, ông chỉ muốn chứng minh sau này rằng ông có hỏi ý kiến họ. Thế thôi. Ông biết quá rõ mình đã đi quá xa để có thể quay về. Ông chỉ có thể quay về ở tư thế một kẻ chiến thắng, nếu không thì mất hết. Mà ngay cả khi nhà thiên văn tiên đoán rằng ông sẽ chết đường thì ông vẫn cứ tiếp tục chuyến đi của ông. Ngày 22 tháng Mười một năm 1520, ông cho lệnh rời bến trên sông Cá mòi. Vài hôm nữa, toàn bộ eo biển Magellan - đây là cái tên trở thành bất tử - đã được thông qua. [5]
Ở đoạn cuối đường là một mỏm núi. Với lòng cảm kích, ông đặt tên cho nó là Cabo Deseado, mũi Hằng Mong. Qua mỏm núi ấy, mắt ông nhìn thấy biển - đại dương mênh mông, chưa một con tàu châu Âu nào rẽ sóng. Xúc động làm sao tầm nhìn ấy!
Ở phía tây kia, đằng sau chân trời kia, là những hòn đảo gia vị, đảo trù mật, là Trung Hoa, là Nhật Bản, là Ấn Độ và xa nữa, xa nữa là tổ quốc, là Tây Ban Nha!
Tạm dừng chân một lần nữa, trước giờ lên đường quyết đinh, ngày 28 tháng Mười Một năm 1520, hạm đội trương cờ. Ba con tàu cô đơn, bé bỏng bắn một loạt đại bác, kính cẩn chào đại dương chưa quen biết, như người ta chào một địch thủ trước khi cùng hắn vào trận đấu sống chết.
--------------------------------
1. Chi tiết cường điệu, Patagon, dân tộc thiểu số vùng cực nam Cộng hòa Achentina. Chiều cao trung bình của người miền bắc Patagonie là 1m73, miền nam là 1m85, nói chung không to lớn hơn dân Bắc Âu.
2. Những nhân vật trong vở kịch “Bão tố” của Shakespeare, Caliban, người khổng lồ, con của thần và quỷ, tượng trưng cho sức mạnh chưa khai hóa.
3. Tức là sẽ đi khoảng 2.500km nữa, tới giữa vùng Nam cực, “nếu cần”.
4. Biển! Biển! Tiếng reo hò của thủy thủ Hy Lạp sau cuộc rút lui 18 tháng, trở về tổ quốc cùng với thủ lĩnh Xenophon (430 trước CN).
5. Như vậy là con đường nước khúc khuỷu dài 583 km đã được vượt qua trong 38 ngày đêm.

Chương mười

Magellan tìm ra vương quốc của ông
(20 tháng Mười một 1520 - 7 tháng Tư 1521)

Lần đầu tiên vượt đại dương này – “vùng biển rộng đến mức đầu óc con người khó mường tượng được”, như Maximilian Transilvanus viết trong nhật ký - là một trong những chiến công anh hùng bậc nhất của nhân loại. Chuyến vượt Đại Tây Dương của Christophe Colomb (29 năm trước, năm 1492) đã được người đương thời coi là một chiến công dũng cảm vô song, nhưng thật chẳng thấm vào đâu so với lần này. Chuyến đi của Colomb với ba con tàu hoàn toàn mới, trang bị đầy đủ, chỉ kéo dài tất cả 33 ngày. Một tuần trước khi cặp bờ, thủy thủ đã trông thấy những lùm cỏ, cành cây lạ trôi trên sóng và những đàn chim bay qua con tàu, dấu hiệu của đất liền. Đoàn người còn khỏe mạnh tỉnh táo, lương thảo nhiều, nếu gặp điều không may, vẫn còn đủ cho lượt về. Chỉ có phía trước là xa lạ, ở phía sau là tổ quốc, có thể gặp lại nếu không thành công. Trái lại, Magellan đang lao vào một cõi vô biên: ông không xuất phát từ một bến cảng châu Âu mà từ một xứ sở xa lạ, thờ ơ, xứ Patagonie. Hầu như kiệt sức. Họ đã từng đói khát thiếu thốn mọi sự, bây giờ vẫn những khó khăn ấy đeo đẳng họ, đe dọa họ. Áo quần họ tả tơi, tả tơi mỗi cánh buồm, mỗi đoạn thừng đõi. Từ nhiều tuần nhiều tháng, họ chẳng hề trông thấy mặt người, uống một ngụm rượu, ăn một miếng ăn tươi, nhìn một người đàn bà, trong thâm tâm, họ thèm được như những người bạn táo bạo hơn, đã bỏ về Tây Ban Nha. Cứ như vậy, ba con tàu đã đi hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi ngày, vẫn chẳng hề thấy bóng dáng một vùng đất nào. Nhiều tuần nữa trôi qua, và thế là đã ba tháng, bằng ba lần thời gian Christophe Colomb vượt Đại Tây Dương. Từ ngày 28 tháng Mười một, ngày mà mũi Hằng Mong mờ nhạt ở phía xa, hải đồ của họ, thước đo của họ chẳng còn giá trị gì nữa. Mọi khoảng cách của Faleiro đều sai. Từ lâu, Magellan nghĩ đã vượt qua Nhật Bản, Trung Hoa, vậy mà thực ra ông chỉ mới qua được một phần ba vùng biển bí hiểm và lặng gió này. Ông bèn đặt tên cho nó là Thái Bình Dương.
Nhưng cái bình yên này mới hiểm ác làm sao, cái vắng lặng tuyệt đối này mới đau đớn làm sao. Biển thì vẫn cứ xanh, cứ chói chang như vậy, trời cứ lặng thinh nóng bỏng, không gian cứ trống rỗng, chân trời vẫn cứ xa xăm. Vẫn là khoảng không màu xanh chung quanh ba con tàu bé, điểm di động duy nhất trong sự bất động khủng khiếp này, vẫn là cái ánh sáng tàn nhẫn ban ngày, và ban đêm vẫn là những vì sao lạnh ngắt nín thinh mà họ hoài công van hỏi. Vẫn nguyên là cánh buồm ấy, cột buồm, boong tàu, mỏ neo ấy. Vẫn mùi hôi thối từ khoang tàu xông lên. Sáng trưa chiều tối vẫn những gương mặt thẫn thờ thất vọng, có khác chăng là mỗi ngày nó một thuỗn dài ra thêm một chút. Đôi mắt thêm sâu trũng, thêm mờ đục, gò má hóp thêm, dáng đi thất thểu xiêu vẹo. Mấy tháng trước đây là những chàng trai cường tráng lên xuống thang, chèo chống lanh lẹ giữa bão táp, giờ đây họ trông như những thây ma sống dậy. Họ bước lảo đảo như người ốm, họ nằm liệt trên những manh chiếu rơm. Ba con tàu chỉ còn là ba cái bệnh viện nổi.
Lương thảo chẳng còn gì, nạn đói ngày càng trầm trọng. Những gì còn lại, phân phát hàng ngày, chỉ đáng gọi là rác rưởi. Rượu làm mềm môi, làm ấm lòng thủy thủ đâu còn. Nước mỗi ngày còn một ngụm, phải bịt mũi mới nuốt được. Bánh khô từ lâu đã hóa thành một thứ bột xám đầy sâu bọ và cứt chuột. Bọn này cũng đói, cứ lăn xả vào những gì còn lại để nhắm. Một con chuột bắt được đem nướng, trị giá nửa ducat vàng. Người ta phát minh ra một kiểu chống đói: đem trộn bánh mì với mùn cưa để ăn. Cuối cùng thì, đúng như lời tiên đoán của Magellan, người ta ăn tới những tấm da bọc cột buồm. “Để khỏi chết đói”. Pigafetta viết, “chúng tôi bóc những tấm da bọc cột buồm ra ăn. Phơi mưa nắng từ một năm nay, chúng cứng đến mức phải ngâm nước bốn năm hôm rồi mới đưa lên lửa nướng”.
Những con người cứng như thép quen đói khát, dày dạn nắng mưa ấy rồi cũng không kham nổi. Bệnh hoại huyết xuất hiện. Lợi bắt đầu sưng, răng từ từ rụng, mồm loét mủ và cổ họng sưng to, đau đớn đến mức không còn nuốt được thứ gì nữa và họ nằm chờ chết. Những người còn chống chọi được cũng sắp quỵ. Chân tay lở loét, bại liệt, họ bước dò dẫm, tay chống gậy hoặc ngồi trong các xó xỉnh. Mười chín thủy thủ đã chết, người đầu tiên là anh thổ dân Patagon đáng thương được rửa tội và đặt tên là Juan Gigante. Juan Khổng lồ. May mà không có bão và, Pigafetta viết: “Nếu Chúa và Mẹ của người không đoái thương, thì chúng tôi đã chết hết, giữa mặt biển mênh mông này”.
Giống như đoàn người trên sa mạc tự dưng nhìn thấy bóng rừng, đoàn người trên ba con tàu cô đơn cũng không từ bỏ các ảo ảnh lừa dối như vậy. Rồi một buổi sáng, có tiếng kêu khàn khàn trên chòi canh vọng xuống, lính gác nhìn thấy đất liền. Thủy thủ nhào lên boong, những kẻ ốm nằm liệt như giẻ ướt dưới hầm cũng cố nhoài lên. Đất liền thật, một hòn đảo. Canô đã hạ thủy, nhưng nhìn kỳ lại thì hòn đảo ấy - và ít lâu sau một hòn đảo nữa - chỉ có đá. Họ đặt tên chúng là “Islas Desaventuradas”. Đảo Chết tiệt. Và cuộc hành trình lại tiếp tục, buồn thảm, nhọc nhằn, qua miền hoang mạc xanh lơ xa nữa, xa nữa...
* * *
Cuối cùng ngày 6 tháng Ba 1521 - gần ba trăm ngày sau khi rời eo Magellan, giữa biển khơi lại vang lên tiếng kêu: Đất liền! Đất liền? Vừa kịp lúc. Chỉ hai ngày, ba ngày nữa thôi và chắc rằng hậu thế sẽ chẳng bao giờ tìm lại được dấu vết gì của chuyến đi. Chỉ còn là những nghĩa trang lưu động, các con tàu chắc sẽ lang thang đây đó rồi đi vào lãng quên. Vùng đất này có người ở. Chắc sẽ có nước ngọt. Đoàn tàu vừa vào cửa vịnh chưa kịp cuốn buồm bỏ neo thì những chiếc thuyền nhỏ, buồm tết bằng lá, từ trong bờ đã lao ra như tên bắn. Trần truồng, nhanh như khỉ, thổ dân đu lên boong tàu và chẳng câu nệ gì, họ vơ tuốt những gì bắt gặp. Trong nháy mắt, đồ đạc trên boong biến sạch, luôn cả chiếc canô của soái hạm. Chẳng hề nghĩ là mình cướp giật của ai, họ reo cười vồ lấy những của lạ mắt, cài lên tóc, đeo vào tay - họ trần truồng nên chẳng có túi để bỏ. Chuyện đó cũng tự nhiên như người Tây Ban Nha, như đức vua, như Giáo hoàng công bố rằng các hòn đảo này và tất cả người và vật trên đảo là tài sản riêng của vị hoàng đế rất ngoan đạo.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, Magellan không thể để cho thổ dân làm như vậy. Đâu có thể để họ lấy chiếc canô, ở Séville đã phải mua đến 4.000 maravédis, còn ở đây, cách xa ngàn dặm, thì nó là vô giá, cho nên hôm sau ông phái bốn mươi người mang vũ khí đổ bộ thu hồi tài sản. Họ đốt mấy cái nhà nhưng không có trận đánh nào xảy ra vì những đứa con của thiên nhiên kia chẳng hề biết tí gì về nghệ thuật đâm chém cả. Khi bị tên Tây Ban Nha bắn vào người, họ lấy làm lạ tại sao những que gỗ kia lại có thể bay từ xa tới cắm vào người gây đau đớn đến thế. Họ nhổ lên, thịt da tóe máu và họ cắm cổ chạy vào rừng. Bây giờ thì thủy thủ có thể lấy nước ngọt và vơ vét đến nơi đến chốn: gà, lợn, trái cây. Sau khi đã cướp bóc lẫn nhau như vậy, người Tây Ban Nha bèn đặt tên cho các hòn đảo “muôn đời nhục nhã” này là “Đảo Kẻ cắp”, Isla de los Ladron.
Gì thì gì, cuộc vơ vét đã cứu người Tây Ban Nha. Ba ngày nghỉ ngơi, thức ăn tươi, nước suối. Mọi người đều nhanh chóng hồi sức trừ vài người chết và độ chục người ốm nặng. Họ lại lên đường, trong lòng chứa chan hy vọng: thời kỳ đen tối đã qua.
Một tuần sau, ngày 17 tháng Ba, một hòn đảo xuất hiện, rồi một hòn nữa. Theo tính toán của Magellan thì đó là quần đảo Moluques: ông đã đến nơi! Nhưng dù nóng lòng săn sóc người ốm, ông vẫn cẩn thận. Thay vì đổ bộ lên Suluan, hòn đảo to, ông chọn hòn nhỏ vì nó không có người và Pigafetta đặt tên nó là “Đảo Không Người”, người ốm được chuyển lên đất liền và người ta làm thịt một con lợn cướp được ở Đảo Kẻ cắp.
Trưa hôm sau từ hòn đảo lớn, một chiếc thuyền chở dân địa phương tiến tới; từ xa họ đã thân ái ra dấu, vẫy gọi. Họ đem theo nhiều thứ quả chàng Pigafetta chưa hề thấy và chàng cứ tấm tắc khen hoài, vì đó là dừa và chuối, loại quả hảo hạng đối với người ốm. Chỉ cần mấy cái chuông, ít mặt đá, thủy thủ đã có nào gà, nào cá, nhiều vò rượu, nhiều rau tươi. Từ bao nhiêu tháng nay, lần đầu tiên họ được ăn no. Lúc đầu Magellan tưởng mình đã đến mục tiêu đích thực của chuyến đi: quần đảo Moluques, nhưng bây giờ thì ông biết là không phải, vì anh nô lệ Henrique không hiểu tiếng của họ. Một lần nữa sự sai lầm đã đưa đến một phát kiến lớn. Đây là quần đảo hoàn toàn chưa được biết đến, chưa một người Âu nào đặt chân đến. Để tìm quần đảo Moluques, ông đã phát hiện ra quần đảo Philippines và nhờ vậy mà hoàng đế Charles Quint được thêm một vùng đất bao la. Vương quốc Tây Ban Nha trị vì nơi đây lâu hơn bất cứ vùng đất nào do Christophe Colomb, Cortez và Pizarro tìm ra hoặc tước đoạt được cho nước Bồ Đào Nha. Đồng thời Magellan đã sáng lập ra một vương quốc riêng cho ông bởi theo quy ước ký với nhà vua, ông và Faleiro có quyền được hưởng hai đảo trong trường hợp họ tìm ra sáu, thành thử trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, một kẻ phiêu lưu gần kề vực thẳm đã trở thành một trong những người giàu có nhất trần gian.
Khúc quanh đột ngột và kỳ diệu của sự may mắn sau bao ngày tháng nhọc nhằn cơ cực!
Thức ăn tươi ngon do dân địa phương đem đến hàng ngày từ đảo Suluan đã hồi tỉnh người ốm: họ càng phấn chấn khi biết rằng cuối cùng họ đã chiến thắng. Trong vòng chín ngày, mọi người đều khỏe khoắn và Magellan chuẩn bị thám hiểm hòn đảo to là Massawa. Vào giờ chót, tí nữa thì xảy ra chuyện không may. Anh bạn Pigafetta ngồi câu trên tàu chẳng may rơi tõm xuống nước, không ai biết. Anh ta không biết bơi, may mà vớ được đoạn thừng, tri hô lên và thủy thủ đã kịp thời vớt nhà báo quí báu. Lần này thì buồm vươn lên trong vui sướng. Đại dương mênh mông khủng khiếp đã được vượt qua và thế là chấm dứt cái khoảng không đầy ám ảnh. Chỉ còn vài giờ, vài ngày đi nữa thôi. Ở bên phải, ở bên trái họ nhìn thấy đường viền của những hòn đảo và ngày thứ tư, 28 tháng Ba, đoàn tàu bỏ neo trước Massawa.
Massawa, hòn đảo bé tí của Philippines phải nhìn bằng kính lúp mới thấy trên bản đồ: nơi đây Magellan lại trải qua những phút giây hùng tráng nhất của đời ông. Tàu chưa cập bến, dân địa phương đã xúm đông trên bờ, tò mò, vui vẻ đón khách. Trước khi đổ bộ, Magellan cẩn thận phái anh nô lệ Henrique lên bờ làm trung gian: anh bạn này chắc sẽ được dân địa phương tín nhiệm hơn bọn người da trắng rậm râu. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Dân trên bờ khoa tay, to tiếng hỏi chuyện Henrique. Anh này bỗng dừng lại ngạc nhiên. Anh vừa nắm bắt được vài ba tiếng. Anh hiểu được những điều họ nói, họ hỏi, anh vừa nhận ra giọng thổ âm. Đây là lần đầu tiên một người đã quay về điểm xuất phát khi đi vòng quanh thế giới. Người nô lệ Mã Lai này - ta chỉ biết tên thánh của anh ta là Henrique - bị bán sang châu Âu đã tới Bồ Đào nha - qua Ấn Độ, Phi châu - và bằng con đường Brazin, Patagonie, đã quay trở lại bán cầu của anh. Anh là người đầu tiên trong số hàng tỷ con người đã vòng quanh được quả đất.
Magellan hiểu rằng ông đã đến đích. Mười hai năm trước, từ giã khu vực tiếng Mã Lai này, ông đã đi về phía tây và bây giờ ông trở lại từ phía đông. Nay mai ông sẽ đưa anh nô lệ trở lại Malacca, bình yên, khỏe mạnh. Dù ngày mai hay lâu hơn nữa, ông hay một kẻ nào khác sẽ đặt chân lên vùng đảo hứa hẹn, điều đó chẳng cần nữa, đối với ông. Điều cần làm xong: ông đã chứng minh rằng cứ tiến thẳng về một hướng, hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn cũng được, cứ tiến tới thì rồi người ta lại quay về chỗ cũ. Cái điều hàng ngàn năm trước các nhà thông thái từng giả định thì nay nhờ lòng dũng cảm, có người đã thực hiện: quả đất tròn và đầy, đây là con người vừa mới làm xong cuộc thử nghiệm.
Những ngày ở Massawa là những ngày sung sướng nhất trong chuyến đi. Ngôi sao Magellan đang ngự ở đỉnh trời. Ba hôm nữa là tròn năm, cái ngày ông chống bọn phản loạn ở San Julian và từ đó bao nhiêu là cơ cực, đói rét, bao nhiêu đau khổ. Đàng sau ông là một nỗi hãi hùng vô tận, là sự hoài nghi gặm nhấm tâm hồn: đúng hay sai con đường mình đang tiến tới?
Cho nên mùa Phục sinh này đang là mùa sống dậy.
Magellan đã tìm ra con đường đi phía tây mà cả Christophe Colomb, cả Americo Vespucci, Cabot với Pinzon và bao nhà hàng hải khác nữa đành chịu bó tay. Ông đã đi xa hơn bất cứ một ai trước đây. Ông cho phép mọi người nghỉ ngơi. Phong cảnh thần tiên, tiết trời êm dịu, địa phương mến khách, người dân còn ở thời đại hoàng kim nên họ hiền lành vô tư và lười nhác vào bậc nhất. Pigafetta viết như vậy. Không những hiền lành, lười nhác, những đứa con của tạo hóa kia còn thích ăn ngon nữa, cho nên các chàng thủy thủ hôm qua đây còn phải xơi chuột với mùn cưa mới thấy thỏa chí làm sao? Ngay cả Pigafetta vốn ngoan đạo, thường cầu xin Đức Mẹ và các thánh phù hộ đừng để cho món ngon cám dỗ thì đặt chân tới đây, anh đã sa ngay vào tội lỗi. Vào một ngày thứ sáu mà hơn nữa, một ngày thứ sáu Phục sinh [1], Magellan phái anh tới yết kiến nhà vua của đảo này tên là Calambou. Ông ta long trọng đưa anh vào chiếc chòi tre của ông, nơi đó, một đùi thịt heo to tướng đang xì xèo trên than đỏ. Phải giữ lễ với chủ nhà; Pigafetta đành sa vào tội lỗi. Anh thưởng thức món thịt. nhắm với rượu chà là. Tiệc chưa tàn thì nhà vua mời anh sang bàn tiệc khác! “Ngồi xếp bằng như thợ may”, Pigafetta viết, khách khứa lại phải nhập tiệc và thức ăn chuyển lên: gà xào tỏi nhắm với rượu trái cây và kẻ phạm tội tiếp tục phạm tội. Nhưng chưa hết, Thái tử tới chào Pigafetta với người cùng đi. Vì phải giữ lễ, họ tiếp tục dự buổi tiệc thứ ba. Để đổi món, người ta đãi cá hấp, cơm chiên, và họ uống dũng cảm tới mức người bạn đồng hành của Pigafetta được dìu tới đặt trên chiếc chiếu tre. Anh ta xiêu đảo, gục xuống đấy và lịm đi. Trong cơn say đầu tiên trên quần đảo Philippines này ta có thể cầm chắc là anh ta mơ thấy thiên đàng!
Nhưng dân địa phương cũng phấn khởi không kém gì các ông khách háu đói. Những con người lạ lùng từ biển tới, những món quà biếu mới hấp dẫn làm sao! Những mảnh kính nhẵn có thể nhìn thây mặt mình trong đó, những lưỡi dao sáng quắc những chiếc rìu nặng đốn một nhát có thể đổ cây chà là. Cũng hấp dẫn là chiếc mũ đỏ với bộ cánh Thổ Nhĩ Kỳ mà nhà vua bây giờ hay khoác đi rong. Bộ giáp sắt mới lạ. Theo lệnh Magellan, một người thủy thủ mặc bộ giáp của ông vào, người dân địa phương tha hồ dùng cung bắn vào đấy. Tên cứ việc lao vào người và anh ta cứ việc cười nhạo họ. Còn cái anh Pigafetta thì như có phép phù thủy. Anh ta cầm một cái lông chim vạch dấu lên trên tờ giấy trắng và hai hôm sau anh ta nói lại đúng những gì người ta nói hôm trước. Và cái cảnh này mới lạ chứ: những vị thần da trắng chuẩn bị cho ngày chủ nhật Phục sinh. Họ dựng trên bãi cát một thứ bàn ghế mà họ gọi là bàn thờ trên có cây thập tự. Họ xếp hàng hai bước tới, đô đốc với năm chục người nữa ăn mặc uy nghi và khi họ quỳ trước cây thập tự thì bỗng nhiên những tia chớp phát ra từ hai mạn tàu và giữa trời quang mây tạnh người ta bỗng nghe tiếng sấm rền vang trên biển.
Họ nghĩ những con người hiền đức văn minh kia đang làm phép thần thông và họ kính cẩn làm theo. Họ cũng quỳ, cũng hôn cây thập tự. Khi đô đốc nói rằng ông sẽ làm cho họ một cây thập tự to để có thể nhìn thấy từ xa, thì họ mừng lắm. Trong ít ngày, ông đã làm được hai việc: Nhà vua đảo này không những đã trở thành đồng minh của vua Tây Ban Nha, mà còn là người anh em bổn đạo của ngài; không những vương quốc có thêm đất đai mà Giáo hội cũng thêm được nhiều nhiều linh hồn những đứa con của tạo hóa kia.
Những ngày tươi đẹp trữ tình đã trải ở Massawa! Và bây giờ, hỡi Magellan, nghỉ ngơi đủ rồi! Thủy thủ đã bình phục, Đừng chờ nữa. Hãy tới các hòn đảo gia vị, làm tròn sứ mạng rồi trở về quê, nơi vợ con đang chờ. Hãy trở về quê hỏi tội những đứa phản bội, nói cho thiên hạ biết một quý tộc Bồ Đào Nha có thể làm được những gì với sự tận tụy của thủy thủ Tây Ban Nha. Đừng để bạn bè chờ đợi quá lâu, đừng để cho những người tin tưởng ta phải nghi ngờ. Magellan, hãy trở về châu Âu!
Nhưng những gì làm nên thiên tài cũng thường gây tai họa cho họ. Thiên tài của Magellan là sự kiên trì. Nơi ông, tinh thần trách nhiệm cao hơn ý thích làm một kẻ chiến thắng, trở về nhận sự ban khen của nhà vua. Tất cả những gì phải làm ông đều làm cẩn thận, đến nơi đến chốn. Lần này cũng vậy ông không muốn rời quần đảo Philippines trước khi thám hiểm kỹ càng và thiết lập chủ quyền của vương quốc Tây Ban Nha. Mới tới thăm và chiếm được một hòn đảo nhỏ thì chưa đủ. Vì có quá ít người để cắt cử đại diện và nhân viên ở lại đảo, ông muốn ký kết với các nhà vua mạnh nhất ở đây những hiệp ước như đã ký kết với ông vua nước bé Calombou và cắm trên toàn bộ đất đai Philippines ngọn cờ Tây Ban Nha và cây thập tự Công giáo.
Vua Calombou cho ông biết đảo to nhất nơi đây là đảo Sébu và khi Magellan nhờ ông tiến cử cho một hoa tiêu thì ông khiêm tốn xin nhận việc ấy. Vinh dự được nhà vua làm hoa tiêu thực ra đã làm chậm chuyến đi bởi nhân dịp ngày mùa, nhà vua đã quá chén và mãi đến ngày 4 tháng Tư hạm đội mới dám tin tưởng đi theo ông. Lướt trên mặt nước lặng tờ, ba con tàu đi dọc bờ các hòn đảo mến khách để tới hòn đảo do chính Magellan chọn, như Pigafetta buồn rầu viết. “Cosi voleva la sua infelice sorte”, bởi số phận bi thảm của ông đã định như vậy.
-----------------
1. Tín đồ Thiên Chúa giáo kiêng thịt ngày thứ sáu, ngày Chúa Jésus bị đóng đinh. Trong tuần thánh Phục sinh phải kiêng thịt cả bảy ngày.

Chương mười một

Cái chết trước giờ chiến thắng
(7 tháng Tư 1521 - 27 tháng Tư 1521)

Sau ba ngày đường vui vẻ, hôm 7 tháng Tư 1521, đoàn tàu nhìn thấy đảo Sébu. Đảo đông dân; nhiều làng mạc hiện ra từ xa. Hoa tiêu đưa hạm đội tiến vào thủ đô. Thoạt nhìn bến cảng với đoàn thuyền ngoại quốc đông đúc. Magellan hiểu ngay đây là cơ ngơi của thủ lĩnh hoặc một nhà vua cỡ lớn. Ông thấy cần ra mắt dân đảo một cách uy nghi. Theo lệnh của ông, hạm đội nổ một loạt đại bác chào mừng. Thêm một lần nữa tiếng sấm giữa trời quang làm cho dân chúng địa phương la hoảng kéo nhau chạy tứ tán. Nhưng Magellan đã cử nhà thông ngôn Henrique báo cho đức vua biết đó không phải là dấu hiệu thù địch, trái lại ngài chỉ huy của hạm đội muốn dùng tiếng sấm kia để tỏ lòng cung kính đối với đức vua Sébu đầy quyền uy. Vị chỉ huy mà nhà thông ngôn thay mặt, thật ra chỉ là tôi tớ của vua Tây Ban Nha, đức vua vĩ đại nhất trên đời này. Khi ở Massawa nhận biết rằng tại Sébu, có một nhà vua hiền đức mến khách, và nhân thể đi ngang qua, ngài muốn ghé lại thăm. Ngài chỉ huy hạm đội vừa tung ra sấm sét kia muốn giới thiệu với nhà vua của hòn đảo đây nhiều món hàng quí và xin được giao hảo buôn bán. Với lại ngài cũng không định nán lại lâu. ngài chỉ xin ký với nhà vua một hiệp ước hữu nghị, rồi ngài lại ra đi, không phiền hà gì thêm.
Nhưng vua Humabon vốn không ngây thơ như dân Đảo Kẻ cắp hoặc những người khổng lồ ở Patagonie. Ông biết dùng tiền và như một nhà kinh tế thực thụ - không biết ai dạy hay ông tự biết - ông đã thiết lập chế độ thuế nhập hộ đối với tàu thuyền bỏ neo tại cảng của ông. Không hề sợ tiếng sấm và cũng không xiêu lòng trước những lời lẽ châu ngọc của nhà thông ngôn, ông tuyên bố thẳng thừng với Henrique là ông không cấm tàu thuyền vào cảng và ông cũng không từ chối giao hảo nhưng phải đóng thuế cái đã. Nếu như ngài thuyền trưởng vĩ đại muốn buôn bán ở đây thì trước hết ngài phải tôn trọng thủ tục.
Rất rõ là Magellan, đô đốc một hạm đội hoàng gia, hiệp sĩ Huân vị Santino, không đời nào lại đi đóng thuế cho một ông vua bản xứ bé tẹo. Bởi hành động như vậy, mặc nhiên ông đã công nhận nền độc lập của một nước nằm trong vùng đất Tây Ban Nha làm chủ theo ấn chiếu của Đức Giáo hoàng. Henrique cũng hiểu như vậy. Cho nên anh khẩn khoản rằng trong trường hợp đặc biệt này nhà vua nên miễn thuế và không nên có thái độ thù địch với vị chúa tể của sấm sét... Nhà vua công bố rằng ông rất tiếc nhưng ông không thay đổi thủ tục được; tiền trước hữu nghị sau. Cứ phải trả như mọi người. Và để chứng minh, ông cho gọi một thương nhân Hồi giáo vừa từ Thái Lan tới trên chiếc tam bản, ông này đã đóng thuế cẩn thận và không hề phản đối.
Người Hồi giáo xuất hiện và lập tức mặt ông ta tái xanh. Thoạt nhìn những chiếc tàu to tướng trương cờ Thập tự Satiago, ông ta hiểu ngay nó là cái gì. Thật vô phúc. Bọn Cơ Đốc giáo đã tìm ra cái xó xỉnh ở phương Đông này, nơi người ta còn làm ăn buôn bán được, chưa bị chúng phiền hà. Vậy là chúng đã đến với đại bác, với súng hỏa mai, bọn cướp của giết người, bọn kẻ thù khốn kiếp của Islam! Thế là hết chuyện giao thương hòa hảo, hết những món lãi ngon lành! Ông ta vội thì thào vào tai nhà vua là phải khôn khéo, chớ có kình địch với những vị khách ghê gớm này. Đấy vẫn là bọn đã cướp phá Calicut, Ấn Độ, Malacca - ở đây ông ta nhầm Bồ Đào Nha với Tây Ban Nha. Không ai chống cự nổi với bọn quỉ trắng ấy đâu!
Thế là cái vòng đã khép kín: ở đầu kia trái đất, dưới những vòm trời khác, châu Âu đụng độ với châu Âu. Cho tới nay. trên con đường về phía Tây, Magellan chỉ gặp những vùng đất chưa ai biết đến. Không một người dân địa phương nào đã trông thây trời Âu, ngay cả người da trắng họ cũng chưa hề nghe nói tới. Khi đổ bộ lên Ấn Độ [1], Vasco de Gama nghe một người Ả Rập gọi mình bằng tiếng Bồ Đào Nha, còn Magellan trong chuyến đi này, chưa hề có ai nhận ra ông. Ở Patagonie, người Tây Ban Nha được coi như người trời, còn dân trên Đảo Kẻ cắp thì coi họ như một lũ quỷ. Nhưng tại đây người Âu đang đứng trước một kẻ nào đó có biết họ: vượt qua đại dương đã có một nhịp cầu được bắc, nối từ thế giới của họ tới thế giới mới này. Vài hôm nữa thôi, vài trăm dặm nữa và Magellan sẽ gặp lại dân Cơ Đốc giáo, những người cùng dòng giống, tín ngưỡng với ông. Nếu như ông còn nghi ngờ chút gì về cái đích đã gần thì bây giờ ông lại thêm được một bằng chứng mới.
Lời khuyên có tác dụng: nhà vua lập tức cho miễn thuế, dấu hiệu đầu tiên của tình hữu nghị. Ông mời luôn hai đại biểu của Magellan dự đại tiệc. Thức ăn không dọn trên mâm vỏ cây hay bát đĩa gỗ mà trong đồ sứ Trung hoa chính cống, đồ sứ Cathay mà Marco Polo từng mô tả. Vậy thì Cipangon và Ấn Độ đã gần kề đâu đây. Giấc mơ của Christophe Colomb tới Ấn Độ bằng con đường phía tây, giấc mơ ấy, chính Magellan đã thực hiện chỉ trong vài mươi năm sau.
Một khi vụ rắc rối nhỏ về ngoại giao đã được giải quyết xong cuộc trao đổi lễ tân và hàng hóa bắt đầu. Pigafetta được phái tới đất liền với tư cách đặc mệnh toàn quyền. Vua Sébu tuyên bố sẵn sàng ký kết với hoàng đế quyền uy Charles Quint một hiệp ước đồng minh và hữu hảo đời đời. Magellan hết sức tôn trọng hiệp ước này. Ở Brazin, ở Péru, Cortez và Pizaro lập tức xua binh tàn sát và nô lệ hóa dân bản xứ, chăm chăm cướp bóc càng nhanh càng tốt. Magellan có cái nhìn xa nhân hậu hơn, ngay từ đầu ông đã dùng chiến lược xâm nhập hòa bình. Ông hơn tất cả bọn thực dân ở thế kỷ của ông về chỗ đó. Con người ấy có bản chất cứng cỏi: ông giữ kỷ luật sắt trong đội ngũ, thái độ đối với bọn phản loạn chứng tỏ ông không hễ khoan dung, dè dặt. Quả ông có nghiêm khắc, nhưng ông không tàn nhẫn, ta phải công nhận như vậy. Cho đến giờ chết Magellan vẫn tôn trọng triệt để và đứng đắn những điều cam kết với các lãnh tụ bản xứ. Sự trung thực ấy là vũ khí mạnh nhất của ông, là huân chương cao nhất mà vinh quang dành cho ông.
Trong việc trao đổi, dân bản xứ thích nhất là thép, chất kim loại cứng dùng để rèn đao, kiếm, lao, rìu. Vàng, kim loại mềm có giá trị kém hơn, dưới mắt họ. 14 livre thép đổi 15 livre vàng. Magellan hết sức vất vả ngăn chặn thủy thủ tuồn mọi thứ ra đổi sợ họ làm tăng giá vàng. Ông cho phép lợi dụng dân bản xứ nhưng ông cũng chú ý không cho phép cân sai, ông muốn giữ quan hệ lâu bền. Ông tính toán đúng. Sự đứng đắn dễ được tín nhiệm, nhà vua và triều thần tỏ ý muốn xin nhập đạo Thiên Chúa. Ta hãy đọc những dòng sau đây của Pigafetta: “Thuyền trưởng công bố xin họ đừng vào đạo vì sợ sệt hoặc để làm vui lòng ông. Muốn trở thành giáo dân thì họ phải tự nguyện, phải hết lòng yêu Chúa. Nếu họ không muốn, cũng không ai làm gì họ. Họ đều nói là họ tin tưởng nơi ông và ông hãy xem họ như người của ông. Thuyền trưởng ôm hôn họ, nước mắt lưng tròng. ông cầm lấy tay vua Massawa và vua Sébu và công bố sẽ cũng họ và vua Tây Ban Nha đời đời sống trong hòa bình. Hai nhà vua cũng hứa với ông như vậy”.
Ngày chủ nhật sau đó, ngày 17 tháng Tư 1521, người Tây Ban Nha tổ chức lễ chiến thắng đẹp nhất của họ. Thảm dưới tàu được đem lên trải trước lộ. Trên thảm đặt hai ghế bành phủ lụa có rèm che, một dành cho Magellan, một dành cho vua Sébu, phía trước là bàn thờ. Hàng trăm hàng ngàn dân địa phương vây quanh, chờ buổi lễ bắt đầu. Magellan phái Pigafetta sắp xếp mọi công việc còn ông thì vẫn ở dưới tàu chủ tâm làm một cuộc đổ bộ thật uy nghi. Bốn mươi thủy thủ đi trước, theo sau là các sĩ quan và lá cờ lụa Tây Ban Nha mà Magellan nhận ở nhà thờ Séville. Khi ông bước lên bờ, đại bác dưới tàu nổ vang, khán giả chạy tán loạn, nhưng khi thấy đức vua vẫn ngồi bình tĩnh trên ghế - ông đã được dặn trước - thì mọi người trở lại vui vẻ. Một cây thánh giá to cao được dựng lên. Quỳ trước đó là nhà vua, thái tử và các quan đại thần. Họ nhận phép rửa tội, Magellan là người đỡ dầu nhà vua, liền ban cho ông tên thánh là Carlos. Hoàng hậu rất xinh đẹp, đi trước chị em Âu Mỹ của chúng ta khoảng hơn bốn thế kỷ về khoa trang điểm: bà để móng tay nhọn và thoa môi son. Hoàng hậu nhận tên thánh: Jeanne, hai cô công chúa là Catherine và Isabelle. Tất nhiên giới thượng lưu ở các đảo lân cận đâu chịu thua kém, cho nên vị linh mục dưới tàu phải làm phép rửa tội cho hàng trăm người, mãi đến đêm vẫn chưa xong. Tin tức lan đi xa. Ngày hôm sau, dân ở các đảo khác nghe nói về buổi lễ mầu nhiệm của ông thầy pháp da trắng bèn kéo đến. Chỉ trong vài ngày hầu hết các chúa đảo lân cận đều đã ký hiệp ước trung thành với Tây Ban Nha và nhận phép rửa tội.
Ít có công cuộc chiếm đất nào được tiến hành trọn vẹn như thế. Mọi mơ ước của Magellan đều được thực hiện. Ông đã tìm ra con đường ăn thông sang một thế giới khác. Ông đã đem về cho vương miện Castille những hòn đảo cực kỳ giàu có, đem về cho Giáo hội vô khối linh hồn, mà chẳng phải đổ một giọt máu. Từ ngày ấy, Magellan thấy thấm nhuần một cảm giác an toàn gần như thiêng liêng. Sau những khó khăn ông đã trải, chẳng có nhiệm vụ nào làm ông sợ hãi nữa, sau chiến thắng rực rỡ này chẳng còn ai phá nổi công trình của ông nữa. Từ đây chẳng có gì mà ông không vượt qua. Và chính tư tưởng này đã hại ông.
Magellan đã chiếm một vương quốc mới cho triều đình Tây Ban Nha, nhưng làm sao giữ nó? Không thể ở lâu thêm tại Sébu, cũng không thể khuất phục từng hòn đảo một. Ông chỉ thấy có cách để củng cố uy quyền Tây Ban Nha: đó là đưa vua Carlos - Humabon lên trị vì hoàng đế, danh nghĩa đồng minh của hoàng đế Tây Ban Nha phải đặt ông lên trên những người cầm đầu khác của dân bản xứ. Magellan công bố viện trợ quân sự để vua Sébu dẹp tất cả những ai đã nổi dậy kình địch cùng ông. Đây không phải là một sự bốc đồng mà là một toan tính chính trị.
Như là một sự tình cờ, ngay lúc ấy có chuyện xảy ra. Trên hòn đảo Mactan bé tí, đối diện với đảo Sébu có nhà vua tên Silapulapu, không bao giờ công nhận Humabon. Lần này nữa, ông ta tìm cách ngăn cản các chúa đảo khác cung cấp lương thảo cho khách của Carlos - Humabon. Thực ra sự thù địch này có lý do. Ở đâu đó trên đảo Mactan, thủy thủ Tây Ban Nha, ở quá lâu ngày trên biển sinh ra bất bình thường, họ săn đuổi đám phụ nữ bản xứ. Những cuộc đụng độ đã xảy ra. Họ đã đốt cháy mấy cái chòi. Nhưng việc từ chối lương thảo, với Magellan là một dịp tốt để ông chứng tỏ không những cho vua Sébu mà cho các chúa đảo khác biết là chống lại người Tây Ban Nha rất nguy hiểm. Một sự diễn biến như vậy hay hơn mọi diễn từ. Magellan bèn đề nghị Humabon dạy cho kẻ thù của ông một bài học nho nhỏ để lẫn sau họ biết nghe lời hơn. Vua Sébu không thú vị mấy về lời rỉ tai này. Có thể ông ta sợ khi người Tây Ban Nha đi rồi. các chúa đảo lại nổi dậy chống ông ta. Mặt khác Serrao và Barbosa cũng khuyên ngăn đô đốc không nên làm chuyện vô ích như vậy.
Thực ra Magellan không nghĩ đến một cuộc chiến đấu thật sự. Ông chỉ muốn bảo đảm cho nước đồng minh mới của Tây Ban Nha uy quyền tuyệt đối. Nếu ông vua bạo nghịch kia chịu khuất phục thì mọi việc đều ổn.
Không muốn đổ máu vô ích, ông phát Henrique và người lái buôn Hồi giáo thương lượng với Silapulapu. Ông không đòi gì hơn là kẻ kia phải công nhận chủ quyền của vua Sébu và chấp nhận sự đô hộ của Tây Ban Nha. Nếu ông qui thuận thì người Tây Ban Nha sẽ sống hòa bình với ông. Nếu không, ông sẽ được nếm mũi giáo của họ.
Ông vua bản xứ trả lời là người của ông cũng có giáo. Dù bằng tre, nhưng mũi giáo được nung lửa và người Tây Ban Nha sẽ có dịp nhận ra điều đó. Trước câu trả lời như vậy, Magellan chỉ còn cách dùng vũ lực.
Ở đây ta nhận thấy Magellan thiếu hẳn sự khôn ngoan sáng suốt vốn là chỗ mạnh của ông. Vua Sébu giao cho ông một ngàn chiến sĩ và về phía mình, ông có thể tập hợp một trăm năm mươi tay súng. Đổ bộ lên đảo Mactan tí hon với lực lượng ấy thì nhà vua bướng bỉnh kia ắt phải bị tiêu diệt. Nhưng Magellan muốn tránh mọi sự tàn sát. Ông chỉ muốn biểu diễn sức mạnh Tây Ban Nha. Ông quyết tỏ cho thấy một người Tây Ban Nha có thể dễ dàng đánh bại một trăm dân bản xứ. Ông muốn tất cả mọi người đều phải tin rằng người Tây Ban Nha là bất khả kháng. Ngày nọ ông đã bày trò tiêu khiển trước vua Massawa và Sébu; hai mươi dân bản xứ cầm lao và dao găm vẫn chẳng lãm gì nổi một anh thủy thủ mặc giáp sắt. Cái trò đó, Magellan muốn bày ra trước mắt thiên hạ trong dịp này. Cho nên ông chỉ lấy sáu mươi người theo mình và yêu cầu vua Sébu đừng đổ bộ, chỉ nên đứng xa mà xem vài chục người Tây Ban Nha trị tội ông vua cứng đầu như thế nào.
Lần này con người giỏi tính toán là Magellan đã tính lầm chăng? Hoàn toàn không phải chuyện ấy không có gì là phi lý. Với bốn năm trăm người, Cortez và Pizarro đã chiếm lĩnh những vương quốc trọn vẹn, chống hàng trăm ngàn người Mêhicô và Peru. So sánh với chuyện đó, cuộc hành quân này của Magellan chỉ là một chuyến đi dạo mát của nhà binh. Chỉ cần ít phát súng, vài phát đại bác, Magellan nghĩ vậy, và quân sĩ Silapulapu sẽ bỏ chạy như vịt. Chẳng đổ máu bao nhiêu và mãi mãi người ta sẽ tin rằng mọi kháng cự chống người Tây Ban Nha đều vô ích.
* * *
Cái đêm 26 tháng Tư 1521, khi Magellan cùng sáu mươi bộ hạ xuống thuyền vượt eo biển hẹp, dân địa phương cả quyết nhìn thấy một con chim lạ đậu trên nóc lều ông, con chim đen giống như con quạ. Và bỗng dưng chẳng ai biết vì sao lũ chó trong làng tru lên một loạt. Mê tín không kém. thủy thủ hốt hoảng làm dấu thánh giá. Nhưng một người tầm cỡ Magellan lại có thể lùi vì những điềm gở như vậy sao? Cuộc đụng độ sơ sài với một chúa đảo hạng bét nào có gì đáng kể?
Nhưng khốn thay, vị chúa đảo hạng bét lại có một đồng minh vững chắc là cấu tạo tự nhiên của bờ biển; những dải băng san hô ven bờ ngăn không cho canô tới gần. Như vậy người Tây Ban Nha không sử dụng được ưu thế hỏa lực của súng hỏa mai và súng trường mà dân bản xứ thường cứ nghe nổ là bỏ chạy. Bốn mươi người bỏ súng lại trên canô, nhảy xuống nước. Magellan đi đầu, như Pigafetta viết “như một người chăn can đảm không muốn rời bỏ bầy gia súc của mình”. Nước ngập thắt lưng, họ tiến về phía bờ nơi thổ dân đang hò hét huơ khiên chờ họ. Và đôi bên giáp chiến. Có nhiều kiểu mô tả trận đánh này, nhưng có lẽ Pigafetta đáng tin hơn cả vì tuy bị thương nặng, anh vẫn chiến đấu đến giờ phút cuối cùng cạnh thuyền trưởng.
“Chúng tôi nhảy xuống nước trên thắt lưng và chúng tôi tiến khoảng hai tầm tên mới tới bờ trong khi canô, do đá ngầm không thể tiến xa hơn theo chúng tôi. Lên bờ, chúng tôi giáp mặt một ngàn năm trăm thổ dân chia làm ba toán. Họ lao về phía chúng tôi, hò hét ghê người. Hai toán tiến công chúng tôi từ hông, toán thứ ba trực diện. Từ trên canô, súng trường, hỏa mai bắn suốt nửa tiếng đồng hồ nhưng vô hiệu, bởi tầm đạn quá xa không đủ sức xuyên qua khiên kẻ địch. Thuyền trưởng thấy thế liền hô ngừng bắn để tiết kiệm đạn, nhưng họ không nghe. Khi thổ dân thấy đạn không làm gì được họ, họ bèn không lùi nữa. Hò hét ngày càng dữ, nhảy nhót bên này bên kia để tránh đạn, họ xáp lại gần nhau, dùng khiên che thân và bắn tên như mưa làm cho chúng tôi khó lòng chống đỡ.
Thuyền trưởng ra lệnh cho mấy người vượt lên đốt nhà họ, nhưng điều đó càng làm họ cuồng nộ. Thổ dân chạy ra phía đám cháy - có vài chục nóc nhà đang cháy - và hạ hai người của chúng tôi. Họ lại đổ xô về phía chúng tôi ngày càng dữ dội. Họ nhận ra chân chúng tôi không có giáp che và thế là họ cứ nhằm vào đấy mà bắn. Thuyền trưởng bị một mũi tên tẩm thuốc độc vào chân, ông hạ lệnh rút lui từng bước. Nhưng hầu như tất cả đội ngũ bỏ chạy toán loạn chỉ còn lại bảy tám người chúng tôi ở lại với ông. Từ mọi phía, kẻ địch nã tên tới và chúng tôi chẳng chống cự gì được nữa. Súng phóng đạn trên canô không sử dụng được vì nước cạn. Chúng tôi vừa cầm cự vừa lùi dần và đã cách xa bờ khoảng một tầm tên, nước lên đến đầu gối. Thổ dân đuổi sát theo, nhặt những mũi lao dưới nước phóng vào chúng tôi, mũi lao được dùng nhiều lần. Để ý thấy thuyền trưởng, họ tập trung tấn công ông. Hai lần họ đánh bật mũ sắt của ông. Rồi ông dừng hẳn lại không lùi nữa, ở tư thế một hiệp sĩ, cũng với ba người chúng tôi chiến đấu hơn một giờ đồng hồ. Ông dùng lao đâm thẳng vào ngực một địch thủ, mũi lao cắm chặt vào đấy không rút ra được. Thuyền trưởng định rút gươm thì tay phải bị một mũi tên cắm vào. Trông thấy thế tất cả địch thủ nhào tới và một người trong bọn vung dao chặt mạnh vào chân trái làm cho ông ngã sấp. Thổ dân nhào tới dùng lao xiên qua người ông. Và thế là họ giết chết tấm gương soi của chúng tôi, ánh sáng của chúng tôi, niềm an ủi, vị thủ lĩnh của chúng tôi”.
* * *
Thế là nhà hàng hải lớn nhất của mọi thời đại đã chết trong một cuộc xung đột vô lý. Số phận riêng ông nào có nghĩa gì một khi ông đã chiến thắng, một khi nghĩa vụ của ông đã hoàn thành. Nhưng đau đớn nhất là tấn bi kịch về cái chết của ông lại được nối tiếp bằng những trò hề bẩn thỉu. Những người Tây Ban Nha vài giờ trước đây khinh thường ra mặt tên chúa đảo hạng bét, giờ đây lẽ ra phải tập hợp ngay viện binh để giành lại thi hài thủ lĩnh, nhưng không, họ cậy người tới xin vua Silapulapu đổi xác ông lấy những xâu chuỗi thủy tinh và khăn tay màu. Nhà vua kiêu hãnh từ chối. Không, thi hài của kẻ thù của ông không phải để bán. Ông sẽ giữ nó lại như một chiến lợi phẩm để cho mọi người biết Silapulapu đã đánh gục vị chúa tể của sấm sét như thế nào.
Sau này chẳng ai biết di hài Magellan ra sao, chẳng có chứng cứ gì về chuyện này cả. Thế là dấu vết con người đã phát hiện ra điều bí ẩn của đại dương lại biến vào trong bí ẩn của đại dương.
-------------------
1. 23 năm trước, năm 1408.

Chương mười hai

Chuyến về không còn thủ lĩnh
(27 tháng Tư 1521 - 6 tháng Chín 1521)

Trong câu chuyện thảm hại này, phía Tây Ban Nha bị thiệt tám người. Bản thân nó, chuyện ấy chẳng có gì quan trọng. Nhưng cái chết của thủ lĩnh là một hiểm họa. Vầng hào quang bấy lâu nay làm cho người da trắng được tôn lên như những vị thần đã bị tắt ngấm cùng cái chết của Magellan. Trước đây, Cortez với Pizarro không thể nào đánh bại được hàng chục hàng trăm ngàn địch thủ nếu như người bản xứ không có sự tin tưởng kỳ cục là không thể chọi lại được, không thể thắng được người da trắng... Không thể làm gì được họ vì tên bắn không thủng áo giáp, không thể chạy thoát họ vì ngựa của họ rất nhanh. Nhưng khi một thủ lĩnh da trắng bị hạ, khi họ gặp phải một lần thất bại là phép mầu biến mất, huyền thoại về tài bách thắng của họ biến mất ngay.
Lần này cũng vậy. Vua Sébu từng thuần phục người Tây Ban Nha, ông từng khép nép quỳ dưới chân Chúa của ông vì nghĩ rằng vị này mạnh hơn các vị thần bằng gỗ ở đảo: ông hy vọng khi đã là đồng minh của những siêu nhân ấy, ông sẽ nhanh chóng trở thành vị vua hùng mạnh nhất trong vùng quần đảo. Nhưng nay ông đã thấy, người của ông cũng đã thấy, ông vua con Silapulapu đã quật đổ các vị thần da trắng như thế nào. Ông đã tận mắt thấy sấm sét của người da trắng thật chẳng ra gì. Hơn nữa ông đã trông thấy những anh hùng tự xưng là bách thắng ấy bị các người lính trần truồng của Silapulapu đuổi đánh cho chạy cong đuôi, chạy đến nỗi bỏ cả thủ lĩnh rơi vào tay kẻ địch.
Thái độ hèn nhát của các vị thần da trắng kia chắc đã gợi ra nhiều ý nghĩ táo bạo trong đầu nhà vua Sébu. Có thể ông có cùng cảm giác như Caliban khi thấy những người mà anh ta trước nay tôn thờ như thần thánh thực ra chỉ là những tên hèn nhát khoác lác. Với lại chính người Tây Ban Nha cũng tự mình phá hoại tấm lòng mến khách mà dân địa phương dành cho họ lúc đầu. Khi họ trở về, nhà viết sử Pierre Martyr có hỏi họ vì sao dân ở đảo lại trở mặt sau cái chết của Magellan thì thủy thủ Martin Génois, đã nói thẳng ra rằng chỉ vì đàn bà. Khi còn sống, Magellan từng vất vả ngăn cấm thủy thủ lăn xả vào đám đàn bà con gái trên đảo. Nhiều lần ông đã có hình phạt nghiêm khắc đối với những vụ cưỡng bức (có lần người em vợ Barbosa vắng mặt ba đêm trên đất liền đã bị ông trừng trị thẳng tay). Nhưng vô ích. Khi ông chết đi, đương nhiên bọn ngu xuẩn này tha hồ tung tác. Đã vậy mà đánh đấm lại chẳng ra gì, ai còn nể nữa.
Chắc bọn Tây Ban Nha cũng đã hiểu ra nên họ bèn mau mau thu dọn để lên đường. Họ tìm cách lấy lại số hàng hóa gởi trên bờ rồi cút. Ý đồ của Magellan, giành quần đảo này cho đức vua và giáo hội bằng cách xâm nhập hòa bình, ý đồ ấy các người kế nghiệp ông chẳng thèm đếm xỉa đến mảy may. Họ dùng anh nô lệ Henrique làm thông ngôn trong các cuộc thương thảo sau cũng để ra đi.
Henrique đã chiến đấu bên cạnh Magellan cho đến phút chót, anh đã bị thương và bây giờ anh đắp chiếu nằm một xó, rên rỉ khóc chủ như một con vật trung thành. Duarte Barbosa, em vợ Magellan được thủy thủ bầu cùng với Serrao làm chỉ huy trưởng hạm đội. Nhưng Barbosa đâu có như anh rể. Ông ta thét mắng bảo Henrique chớ có nghĩ rằng khi ông chủ chết rồi thì thằng nô lệ hết kiếp nô lệ và có quyền lười biếng. Hắn cứ chờ đấy, về tới Lisbonne người ta sẽ giao hắn cho vợ Magellan, còn bây giờ thì hắn phải tuân lời. Nếu hắn không ngồi dậy lên bờ làm thông ngôn thì hắn sẽ ăn roi, ngay lập tức!
Henrique vốn thuộc dòng giống da màu, không hễ tha thứ cho một sự xúc phạm nào; anh quay mặt lặng im nghe rủa. Anh biết Magellan đã di chúc lại là sẽ trả tự do cho anh khi ông chết và có để gia tài cho anh. Anh nghiến răng: những người này chà đạp lên lòng đau xót của anh; chưa vừa bụng. họ còn muốn xâm phạm quyền hạn của anh, họ gọi là con chó và đối xử với anh như chó. Được! Họ sẽ phải trả cái giá đó. Henrique nén giận nghĩ cách báo thù. Anh tuân lệnh, ra thị trấn làm thông ngôn để thương lượng. Nhưng anh báo cho vua Sébu biết là bọn Tây Ban Nha đang tìm mọi cách lấy lại hàng rồi giương buồm bỏ xứ. Nhà vua có thể khéo léo chiếm số hàng ấy, không phải mất gì, mà cũng có thể chiếm luôn ba chiếc tàu nữa kia.
Thật ra đó chắc cũng là ý đồ của vua Sébu. Hai người bí mật vạch kế hoạch. Việc trao đổi vẫn tiến hành như trước, nhà vua tỏ thái độ hữu hảo hơn bao giờ hết đối với những người đồng đạo. Còn Henrique từ sau khi bị Barbosa giơ roi hăm dọa, anh ta đã bỏ cái tật lười biếng được gán cho. Ngay thứ ba sau khi Magellan chết, hôm mùng một tháng Năm, anh ta hân hoan chuyển đến các thuyền trưởng một giấy mời. Nhà vua Sébu báo tin đã tìm được những món quá quý để gửi tặng ông chủ và cũng là bạn ông, đức vua Tây Ban Nha kính mến. Ông đã triệu tập quần thần để làm lễ trao tặng một cách trọng thể. Ông cũng kính mời hai vị thuyền trưởng Barbosa và Serrao hạ cố tới dự cùng với toàn thể sĩ quan và thuộc hạ để nhận món quà dâng lên đức vua Tây Ban Nha.
Nếu Magellan còn sống, chắc ông sẽ nhớ tới vụ vua Malacca cũng đã mời các thuyền trưởng lên bờ dự tiệc kiểu đó để thịt họ. Ngày ấy, ông đã dũng cảm cứu được anh bạn Francisco Serrao của ông. Nhưng chàng Serrao này và Barbosa hoàn toàn tin tưởng ở tình hữu hảo của ông vua bản xứ. Họ nhận lời mời và một lần nữa, dường như những người làm nghề đọc số mệnh trên các vì sao thường không đọc được số mệnh của họ. Andrea de San Marrin chắc quên không xủ quẻ chiêm tinh nên đã đi theo hai viên thuyền trưởng, còn anh chàng Pigafetta thường ngày ưa quan sát thì lại nằm nhà vì ốm. Thật may cho chàng.
Tất cả là hai mươi chín người lên bờ trong số đó có những thuyền trưởng và hoa tiêu dày dạn nhất. Họ được đức vua tiếp đón hết sức long trọng và được đưa tới một dãy lán lợp lá nơi bữa tiệc thịnh soạn đã được bày biện. Từng đám dân bản xứ ra vẻ tò mò nhào tới quanh đoàn thủy thủ với thái độ hữu hảo đặc biệt. Thái độ quá ân cần của nhà vua khiến cho hoa tiêu Carvalho đâm nghi; ông ta rỉ tai Gommez de Espinosa, kiếm sĩ của hạm đội và hai người nói khéo với chủ nhà, quay lại canô ra sức chèo về phía hạm tàu. Họ chưa kịp lên tàu thì từ trên bờ những tiếng kêu la khiếp đảm vang lên khắp nơi. Giống như trước đây ở Malacca, dân địa phương nhanh nhẹn hạ thủ đám người Tây Ban Nha trước khi họ kịp trở tay. Ngay một phát, vua Sébu đã triệt hạ đám khách quý, chiếm trọn mớ hàng cùng vũ khí của họ.
Thủy thủ còn lại trên tàu mất vía. Còn Carvalho, đương nhiên ở cương vị đô đốc, bèn hạ lệnh tiến gần bờ, xoay đại bác về hướng thành phố. Các cỗ pháo khác lần lượt khai hỏa. Có thể, Carvalho hy vọng cứu các bạn trên bờ, cũng có thể, do nổi cơn khùng vì tức giận. Nhưng khi những quả đạn đầu tiên giáng xuống dãy lều, một điều khủng khiếp đã xảy ra, một trong những cảnh để mà nhớ đời một khi nhìn thấy. Trong số những người Tây Ban Nha lên bờ chỉ có một người chạy thoát, người thủy thủ dũng mãnh nhất, Joao Serrao. Cũng giống như Francisco Serrao, anh ta vượt vòng vây chạy được ra tới bờ biển. Kẻ địch đuổi theo, tóm được và bắt trói anh lại. Anh ra sức kêu các bạn ngừng bắn, nếu không, họ giết chết anh. Anh van các bạn cho canô vào bờ chở theo một ít hàng chuộc anh.
Cuộc trao đổi dường như thuận lợi. Họ đòi hai khẩu đại bác và mấy tấn đồng, và họ đòi đem đủ số lên bờ, nhưng Carvalho sợ bọn khốn kiếp kia đã gạt được một lần sẽ gạt lần nữa. Không những chiếm hàng, có khi họ còn chiếm cả canô. Pigafetta sau này phát biểu, cũng có thể là chuộc lại Serrao thì anh ta sẽ mất chức đô đốc và trở lại làm hoa tiêu quèn. Trên bờ, một người đang bị trói, mình mẩy đầy máu quằn quại trong tay kẻ địch sẵn sàng giết chết anh ta. Hy vọng tràn đầy, anh ta nhìn ba chiến hạm Tây Ban Nha chỉ cách bờ một tầm tên, buồm giương sẵn, súng chĩa vào bờ. Người đồng hương, người bạn chí thiết của anh, Carvalho đang đứng trước mũi soái hạm. Anh kêu gọi ông ta mau mau chuyển hàng đổi mạng vào bờ và anh háo hức nhìn chiếc canô đung đưa bên cạnh soái hạm. Mà Carvalho còn đợi gì? Sao không mở dây canô? Và Serrao, người hiểu rõ mọi động tác của một con tàu, bỗng nhận ra rằng người ta đang kéo canô lên. Phản bội! Phản bội! Ba con tàu từ từ xoay mình, rẽ sóng ra khơi, buồm phập phồng ăn gió! Lúc đầu Serrao không thể, không muốn nghĩ rằng đồng đội, dưới sự chỉ huy của người bạn chí thiết Canralho lại có thể bỏ rơi vị chỉ huy, vị đô đốc của mình một cách hèn nhát như vậy. Một lần nữa anh nghẹn ngào gọi những người chạy trốn, anh van xin, anh ra lệnh anh hét lên trong tuyệt vọng. Nhưng rõ ràng tàu đã tách bến. Anh lấy sức tàn hét lên lời hăm dọa: “Carvalho, rồi mi sẽ gặp ta vào ngày phán xét của Chúa!”.
Đấy là những lời cuối cùng. Trước khi rời xa bến, người Tây Ban Nha vẫn còn kịp dự buổi hành hình vị chỉ huy của mình. Cùng lúc ấy, cây thập tự to trước chợ bị húc đổ kềnh trong tiếng reo hò của dân bản xứ. Tất cả những gì Magellan kiên tâm xây dựng đã bị lật nhào do sự ngu xuẩn, hèn hạ của những người kế tục. Bên tai còn vang vọng lời nguyền rủa của vị chỉ huy, mắt nhìn đám dân bản xứ nhảy múa ngân lên trên bãi, đoàn người Tây Ban Nha bỏ chạy như lũ kẻ cắp. Họ từ bỏ hòn đảo mà vị chỉ huy đã đưa họ đến như những thiên thần.
* * *
Rời khỏi bến, những người thoát chết bắt đầu kiểm điểm lại tình hình. Từ khi rời Séville, thời gian ở Sébu là tệ hại nhất đối với hạm đội. Ngoài Magellan, vị chỉ huy không ai so sánh nổi, họ đã mất đi những thuyền trưởng giỏi nhất: Duarte, Barbosa và Joao Serrao, hai người thông thạo bờ bãi Ấn Độ dương. Martin chết, họ mất đi người hướng dẫn hải đồ; Henrique bỏ trốn, họ mất người phiên dịch. Lúc ra đi, hạm đội có hai trăm sáu mươi lăm người, nay chỉ còn một trăm mười lăm, vừa đủ cho hai con tàu ra khơi. Phải hy sinh bớt và họ hy sinh chiếc Thánh Mẫu từ lâu đã khẳm nước. Bãi biển đảo Bohol được chọn làm nơi hành quyết. Đồ đạc chuyển sang các tàu khác và thân tàu già nua kia được làm mồi cho lửa. Thủy thủ buồn rầu nhìn con tàu suốt hai năm liền đã từng là nhà, là tổ quốc của họ, đang từ từ chìm xuống vùng nước thù địch, khói mù bay tỏa. Ngày ra đi, năm con tàu cờ hoa rực rỡ rời bến Séville. Nạn nhân đầu tiên là chiếc Santiago vỡ tan trên bờ biển Patagonie. Trong eo biển, San Antonio đã hèn hạ bỏ rơi họ. Giờ đến lượt Thánh Mẫu đang chìm trong ngọn lửa. Chỉ còn hai con tàu, hai chiếc sau cùng lướt sóng cạnh nhau trên mặt biển lạ: Ba ngôi - soái hạm ngày xưa, và Chiến thắng - con tàu bé tẹo tuy vậy đã nhận vinh dự làm cho ý đồ và công lao của Magellan trở thành bất tử. Hạm đội què quặt này thiếu một vị chỉ huy vững vàng, điều ấy quá rõ. Hai con tàu như người mù dò dẫm lúc bên này lúc bên nọ trong quần đảo La Sconde. Thay vì theo hướng tây nam để tới quần đảo Moluques gần đó, không hiểu sao chúng lại đi ngoằn ngoèo lên phía tây bắc, đến mãi tận Mindanao và Bornéo mất sáu tháng trời. Nhưng không phải vì thế mà ta thấy chúng thiếu cái đầu. Ngày Magellan còn sống ông không cho phép vơ vét cướp giật. Mọi việc đâu ra đấy sổ sách rành mạch. Không bao giờ ông quên, ở cương vị đô đốc của Charles Quint, là phải giữ danh dự cho màu cờ Tây Ban Nha ngay cả ở vùng biển xa xôi nhất. Người kế vị, Carvalho, nhờ cái chết của các người chỉ huy mà lên nắm chức, anh ta chẳng thèm để ý chuyện đó. Anh ta lộ mặt cướp biển, thẳng tay chụp giựt. Tất cả thuyền bè gặp trên đường đều bị tấn công, cướp bóc, vàng bạc của cải thu được chui vào túi anh ta. Chẳng còn kế toán nữa, chính anh ta là kế toán và thủ quỹ. Magellan không cho phép có đàn bà trên tàu, còn anh ta thì cướp ba phụ nữ trên một chiếc thuyền, giữ bên mình, nói là để đem về dâng hoàng hậu Tây Ban Nha. Chán kiểu vua cỏ như vậy (El Cano sau này báo cáo), thủy thủ bèn tước quyền anh ta và bầu ra một ban chỉ đạo gồm có Gomez de Espinosa, thuyền trưởng soái hạm Ba Ngôi, Juan El Cano thuyền tưởng Chiến thắng, và hoa tiêu Poncero làm trưởng quản vũ khí.
Lúc đầu vẫn chưa có gì thay đổi, họ vẫn đi vòng vèo ngoắt ngoéo trong vùng quần đảo La Sonde. Nhờ đổi chác và cướp bóc, lương thảo đã đầy nhưng dường như họ quên hẳn mục tiêu ban đầu của chuyến đi. Sau cùng một dịp may đã nhắc họ. Trên một chiếc thuyền gặp dọc đường và đã bị họ cướp, họ bắt được một tù binh vốn gốc ở đảo Ternate, một trong những hòn đảo gia vị. Tất nhiên ông ta biết đường tới đó, ông ta còn biết cả Francisco Serrao người bạn của Magellan. Bây giờ thì đoàn tàu có thể tiến thẳng tới đích mà nhiều lần họ đã đi vòng quanh một cách ngớ ngẩn. Chỉ vài ngày sau, ngày 6 tháng Mười một, họ nhìn thấy từ xa những đỉnh núi của đảo Ternate và đảo Tidore. Những hòn đảo thần tiên đây rồi. “Viên hoa tiêu đưa chúng đi, - Pigafetta thuật lại - , nói đấy là quần đảo Moluques. Chúng tôi tạ ơn Chúa và vui mừng bắn mấy loạt đại bác. Đừng lấy làm lạ vì chuyện đó, vì trong suốt hai mươi bảy tháng kém hai ngày, chúng tôi đi chỉ để mà tìm những đảo này”.
Sau cùng, ngày 8 tháng Mười một, họ cặp bến Tidore, một trong năm hòn đảo mà Magellan đã cả đời mơ ước. Giống như hiệp sĩ Le Cid, chết ngồi trên lưng ngựa vẫn còn đem về một trận thắng, Magellan, sau cái chết vẫn duy trì ý chí trong hạm đội. Bộ hạ của ông ngắm vùng đất hứa mà số mệnh đã không cho ông được nhìn tận mắt, họ nghĩ đến ông. Và cả con người đã kêu gọi ông qua biển cả, con người đã gợi ý sự nghiệp, đã khuyến khích ông thực hiện, Francisco Serrao, cũng chẳng còn. Ông vừa mất mấy tuần trước, bị ngộ độc, người ta bảo thế. Hai con người tạo ra chiến công này không còn nữa. Lời mô tả của Serrao hoàn toàn đúng sự thực. “Phong cảnh thần tiên, đất đai phì nhiêu lạ lùng, dân cư hiền hòa thân ái không đâu sánh kịp”. Nói thế nào về những hòn đảo này? Maximilian Transilvanus viết trong “Bức thư” nổi tiếng của ông: “Nơi đây mọi thứ đều giản dị. Không có giá trị gì ngoài sự bình yên tĩnh lặng”. Điều tốt lành nhất trong cõi đời này, sự bình yên dường như ẩn náu nơi đây sau khi đã bị tính ác độc của con người xua đuổi khắp nơi. Vua Almandor, từng là bạn thân thiết của Francisco Serrao, vội vã đi kiệu tới, tiếp đón mọi người như anh em. “Hãy đến với tôi, và hãy vui mừng cùng tôi, ông nói. Lang thang bao nhiêu năm tháng trên mặt biển, gặp bao nhiêu gian khổ rồi, bây giờ các bạn hãy nghỉ cho khỏe, đừng nghĩ ngợi gì hết, đây là đất đai của chính đức vua các bạn”. Ông tự nguyện coi như mình thuộc quyền vua Tây Ban Nha và, không như các thủ lãnh địa phương khác, đòi hỏi nhiều thứ cho mình, ông yêu cầu họ đừng tặng quà nhiều cho ông vì “ông chẳng có gì xứng đáng để bù lại lòng tốt của họ”.
Đảo thần tiên!
Tất cả những gì người Tây Ban Nha thèm muốn, họ đều được chu cấp dư dật: gia vị, lương thảo, vàng cốm; những gì nhà vua không có, ông gọi các đảo khác đưa đến. Sau bao gian nan nguy khốn, thủy thủ sung sướng biết bao. Họ mua tất thảy, gia vị, chim đẹp, họ đổi hết súng trường, hỏa mai, áo khoác, thắt lưng da. Giữ những thứ ấy làm gì? Ngày về chẳng đã tới rồi sao? Nhiều người thích ở hẳn lại nơi đây. Cho nên đúng lúc họ lên đường, khi nghe tin chỉ một chiếc tàu được ra khơi thôi, thì năm chục thủy thủ tình nguyện xin ở lại với soái hạm Ba Ngôi.
Ba Ngôi, con tàu đầu tiên rời San Lucar, chiếc đầu tiên tiến vào eo biển, chiếc đầu tiên lao mình ra đại dương, hiện thân sống động cho ý chí của người cầm đầu, ngày nay, khi ông không còn nữa, thì Ba Ngôi cũng đuối sức, không còn đi xa được. Giống như một con chó trung thành không muốn rời xa nấm mồ của chủ, con tàu dừng lại nơi cái đích của Magellan. Mấy hôm trước đây, người ta chất gia vị lương thảo vào đầy khoang, người ta đã kéo lên lá cờ Thánh Jacques ghi dòng chữ “Đây là ngày về vui sướng của chúng tôi”. Buồm đã giương thì con tàu già nua bỗng rêm mình kêu răng rắc và nước tuôn qua khắp thành lườn phủ rêu xanh. Lại phải chuyển hàng lên bờ, con tàu còn phải sửa chữa nhiều ngày tại bến.
Tàu Chiến thắng không thể chờ thêm được nữa. Đã đến lúc về báo cáo lên hoàng đế là Magellan đã thực hiện lời hứa, đã đem sinh mệnh của mình để thực hiện nghĩa vụ dưới lá cờ Tây Ban Nha. Vì không thể đi quá xa, soái hạm Ba Ngôi sẽ vượt Thái Bình Dương tắt tới Panama - Tây Ban Nha hải ngoại và nơi đây hàng hóa sẽ chuyển tải về Séville, còn Chiến thắng thì lợi dụng mùa gió thuận, vượt Ấn Độ Dương về trước. Thuyền trưởng của hai con tàu đang đứng trước mặt nhau sau hai năm rưỡi trời lênh đênh trên biển. Gomez de Espinosa và Sébastian El Cano cũng đã từng đối diện nhau trong phút giây quyết định. Trong cái đêm sinh tử của cuộc nổi loạn ở San Julian, kiếm sĩ Gomez de Espinosa là bạn trung thành nhất của Magellan. Nhờ cú dao găm táo bạo của ông mà đô đốc đã chiếm lại được tàu Chiến thắng và nhờ vậy mà cứu vãn được toàn bộ sự nghiệp. Ngược lại Sébastian El Cano lúc ấy chỉ là tên lính trơn, đang ở về phe phiến loạn, hợp tác tích cực với bọn tạo phản để chiếm tàu San Antonio. Magellan đã tưởng thưởng người bạn trung thành và tha thứ cho tên phản bội. Nếu như số mệnh công bằng thì chính Espinosa phải được vinh dự hoàn tất công trình của đô đốc. Nhưng số mệnh thường khắc nghiệt hơn là công bằng. Soái hạm Ba Ngôi sẽ bị lọt vào tay người Bồ Đào Nha trong chuyến đi Panama sau này, chuyến đi vào lãng quên. Espinosa và các bạn đã hy sinh thầm lặng sau những nỗi đau khôn tả, sẽ bị người đời quên lãng. Còn El Cano, con người phản bội đã ngăn cản sự nghiệp của Magellan thì sẽ được số mệnh quàng lên đầu vòng hoa chiến thắng.
* * *
Giờ chia tay xúc động? Bốn mươi bảy sĩ quan và thủy thủ sẽ thực hiện chuyến về trên tàu Chiến thắng và năm mươi mốt người nằm lại Tidore chờ cho tàu Ba Ngôi được khôi phục. Họ vẫn còn ở trên tàu với bạn bè để ôm hôn nhau lần cuối, trao thư và lời nhắn gửi gia đình. Khi Chiến thắng nhổ neo, người đi kẻ ở vẫn chưa muốn rời nhau. Họ chèo canô, chèo những chiếc thuyền Mã Lai dọc theo con tàu ra đi, vẫy chào nhau lần cuối. Mãi khi mặt trời đã lặn, cánh tay đã mỏi, lúc ấy loạt đại bác vĩnh biệt mới nổ và tàu Chiến thắng bắt đầu chuyến đi lịch sử của mình.
* * *
Con tàu nhỏ đã mỏi mệt, kiệt sức sau ba mươi tháng vượt sóng liên tục, lại làm một chuyến đi nửa vòng trái đất, chuyến đi này, riêng nó cũng thuộc vào hàng những sự kiện lớn của lịch sử hàng hải. Hoàn tất sự nghiệp của vị chỉ huy khuất bóng, El Cano đã sửa chữa lỗi lầm đối với ông. Thoạt nghĩ thì thấy nhiệm vụ lần này không nặng nề lắm. Từ đầu thế kỷ, tàu thuyền Bồ Đào Nha vẫn theo gió mùa rời quần đảo Mã Lai về châu Âu hoặc ngược lại. Khoảng mười năm trước, dưới thời Almeida và Albuquerque, một chuyến đi Ấn Độ Dương thường là một chuyến đi vào cõi mơ hồ, còn hiện nay thì chỉ cần thuộc hành trình. Đường đi rải rác những trạm dừng ở Ấn Độ, Phi châu, ở Malacca, Mozambique và Mũi Xanh: nơi đó có thể gặp các thương điếm và quan chức Bồ Đào Nha. Ở những nơi ấy có thể tiếp tế lương thảo, vật liệu thay thế, ngay cả hoa tiêu khi cần thiết. Nhưng khó khăn lớn đối với El Cano là ông không thể nhờ cậy các trạm đó, trái lại ông phải tránh thật xa ngoài khơi. Bởi ở Tidore họ đã được nghe từ miệng một người tị nạn Bồ Đào Nha nói rằng vua Manoel đã ra lệnh chiếm các tàu của Magellan và coi thủy thủ đoàn trên đó như là bọn cướp biển. Và đấy chính là số phận nghiệt ngã dành cho các bạn của họ trên tàu Ba Ngôi. Vậy thì với con tàu già nua rêu bám xanh, chất hàng đầy tận mũi, con tàu mà Alvarez ngày xưa từng công bố ở cảng Séville là đến ông cũng không dám dùng nó để tới Cananes nữa, del Cano phải vượt Ấn Độ Dương, vòng mũi Hảo Vọng, ngược bờ tây Phi châu, không một lần cặp bến. Nghiên cứu trên bản đồ bốn trăm năm sau, ta mới thấy chuyến đi ấy quả là dũng cảm lạ lùng, ngay cả đối với một con tàu hiện đại ngày nay. Ngày 13 tháng Hai 1522 - ngày đáng nhớ - bước nhảy vô song từ đảo Timor tới Séville bắt đầu. Một lần nữa, El Cano cho dự trữ lương thảo, trát xảm gia cố con tàu. Những ngày đầu họ còn dọc theo các bờ đảo và nhìn cây cỏ với những dãy núi nhô lên khỏi chân trời. Nhưng mùa thuận sắp hết, phải kịp thời lợi dụng gió đông; tàu Chiến thắng bỏ qua không hề dừng lại các hòn đảo tươi đẹp dọc đường, làm cho Pigafetta tiếc mãi; anh ta chưa bao giờ thấy chán “những điều kỳ lạ”. Dưới tàu ngoài bốn mươi bảy người Âu châu có mười chín người bản xứ, họ nói cho anh nghe đủ thứ chuyện về các hòn đảo đi qua dọc đường. Trên hòn đảo đằng kia, có giống người chiều cao không quá 25 phân, tai to đến mức kéo lê dưới đất. Đêm đêm họ dùng một tai làm gối, tai kia làm chăn đắp. Còn trên hòn đảo đằng kia thì chỉ có đàn bà, đàn ông không được phép lên đấy. Họ thụ thai bằng cách hóng gió, đẻ con trai họ giết sạch, chỉ chừa lại con gái.
Rồi dần dần những hòn đảo sau cùng tan biến đi trong sương mù của những câu chuyện kể mà các bạn người Mã Lai rỉ tai Pigafetta. Chung quanh bây giờ là đại dương không bờ bến. Tuần này sang tuần khác, con tàu ào ào vượt sóng. Họ chỉ còn nhìn thấy trời và nước, một sự đơn điệu tàn nhẫn. Không một bóng chim, không một tiếng động, chỉ có màu xanh rồi lại màu xanh cùng với biển khơi trống rỗng không cùng. Rồi bỗng nhiên từ dưới khoang tàu một bóng ma nhô lên, mặt nhợt nhạt, mắt sâu hoắm, bóng ma của cái đói. Cái đói người bạn đường trung thành của họ trên Thái Bình Dương, tên đao phủ tàn nhẫn đã giết bao nhiêu bạn bè họ. Hẳn nó đã lẻn từ trên bờ xuống, và nó đang nhìn họ bằng đôi mắt chế giễu. Có chuyện gì vậy? Một tai nạn bất ngờ đã phá vỡ các con tính của El Cano. Họ đã tích lũy năm tháng lương thảo trước tiên là rất nhiều thịt. Nhưng ở Timor thiếu muối và dưới cái nắng thiêu đốt vùng Ấn Độ Dương, thịt bắt đầu rữa. Không chịu nổi mùi thối, họ phải quăng bớt đi. Bây giờ thì chỉ còn gạo với nước, mà gạo cũng giảm dần, còn nước thì ngày một thêm mặn. Bệnh hoại huyết bắt đầu xuất hiện, nhiều người chết. Đến đầu tháng Năm, nhiều thủy thủ công bố thà đi thẳng tới Mozambique giao tàu cho người Bố Đào Nha còn hơn là chết đói ở đây.
Nhưng khi đã là chỉ huy, thì con người phản loạn thấy cần có kỷ luật, El Cano ngày xưa từng định bắt đô đốc phải quay trở lại, bây giờ là người yêu cầu thủy thủ hãy dũng cảm tiến lên và ông ta buộc được họ theo ý mình. “Chúng tôi quyết định thà chết còn hơn là để rơi tàu vào tay bọn Bồ Đào Nha”, sau này ông ta hãnh diện tâu với hoàng đế như vậy. Một lần họ đánh bạo đổ bộ lên bờ đông Phi châu nhưng không kết quả: đất đai trần trụi không nước ngọt, không cây trái và họ lại lên đường. Ở mũi Hảo Vọng, vô tình họ phải dùng lại cái tên cũ – “Cabo tormentoso”, Mũi Bão Tố - một cơn bão kinh khủng rứt tung cột buồm mũi và chẻ toác cột buồm cái. Lảo đảo, mệt đừ, - thủy thủ cố chữa chạy được phần nào hay phần ấy - con tàu rên rỉ, nặng nề đi dọc bờ Phi châu như một người bị thương. Nhưng khi lặng trời cũng như khi bão tố, cái bóng ma đói xám xịt vẫn cứ cười nhạo họ, lần này nó nghĩ ra một trò tai quái hơn lần trước. Không như lần vượt Đại Tây Dương, khoang tàu rỗng lần này chở đầy ắp gia vị. Chiến thắng tải theo nó bảy trăm tạ [2] gia vị đủ thêm vào những bữa ăn phè phỡn nhất cho hàng triệu người. Đối với đoàn người đói, gia vị dùng để làm gì? Có thể nhai tiêu, nhai đinh hương thay bánh? Cái chết quái quỷ trên tàu Chiến thắng là cái chết trên đống gia vị. Mỗi ngày một thêm nhiều xác người được quăng xuống biển. Sau năm tháng vượt biển: ngày 9 tháng Bảy, tàu tới địa phận Mũi Xanh. Bốn mươi bảy người Tây Ban Nha ra đi ở đảo Timore giờ còn ba mươi mốt: mười chín thổ dân chỉ còn ba.
Các đảo Mũi Xanh là thuộc địa Bồ Đào Nha, và Santiago, một bến cảng Bồ Đào Nha. Cặp bến tức là nộp mạng cho kẻ thù, đầu hàng ở bậc thềm chiến thắng. Lương phạn chỉ còn đủ vài ba ngày nữa thôi. Đói làm liều: phải cặp bến và họ nghĩ ra một kế. Họ nói dối là tàu bị bão giữa đường từ châu Mỹ về, châu Mỹ đất Tây Ban Nha. Nhìn cánh buồm tơi tả, lườn tàu lở lói, dáng thiểu não của con tàu thấy cũng dễ tin. Chẳng cần hỏi nhiều, cũng không cần cho canô ra khám khoang, những người trên bến thấy động lòng vì tình đồng nghiệp, họ đón tiếp con tàu một cách tử tế, cung cấp nước ngọt, thức ăn tươi. Một lần, hai lần, ba lần, chiếc canô chở lương thảo về tàu. Mưu mẹo sắp thành công, lương khô lúc này đã có thể ăn được đến Séville. Lần thứ ba, El Cano sai thuyền đi mua gạo và trái cây. Xong là nhổ neo. Cái gì thế này? Chiếc canô không quay lại. El Cano hiểu ngay. Chắc có một thủy thủ nào đó nói hớ câu gì, hoặc kẻ nào đó đã dại dột lấy gia vị đổi rượu để uống. Dường như bọn Bồ Đào Nha đã nhận ra con tàu của Magellan: El Cano thấy họ đang chuẩn bị lao xao trên một chiến hạm. Phải nhanh chóng quyết định. Bỏ mặc những người kia trên bờ, chạy! Và thế là Chiến thắng chỉ còn lại có mười tám người, rõ ràng quá ít để đưa một con tàu khẳm nước về tới Tây Ban Nha. Mặc kệ, El Cano hạ lệnh nhổ neo, giương buồm cấp tốc. Đúng là một cuộc tháo chạy, nhưng là tháo chạy bên thềm chiến thắng.
Chuyến cặp bến ở Mũi Xanh thật nguy hiểm và ngắn ngủi, những chính nơi đây chàng ký giả dũng cảm Pigafetta đã sống những phút giây kỳ diệu sau cùng của chuyến đi. Chính nơi đây anh đã quan sát thấy một hiện tượng mới lạ và quan trọng thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Những người lên bờ mua lương thực tình cờ nói: hôm nay là ngày thứ Năm. Bậy? Lịch trên tàu là ngày thứ Tư. Họ cãi lại: rõ ràng là lịch trên bờ là ngày thứ Năm. Pigafetta ngạc nhiên. Từng ngày một trong suốt chuyến đi, anh ghi nhật ký và viết đều đều, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư... Anh có thể quên một ngày nào chăng? Anh hỏi hoa tiêu Alvo. Anh này cũng ghi đều đặn từng ngày trong sổ nhật ký hàng hải và anh cũng khẳng định hôm nay là thứ Tư. Dường như là cứ đi mãi về hướng tây thì lại được một ngày. Thông báo của Pigafetta làm giới bác học ngạc nhiên. Một điều bí mật đã được khám phá. Các nhà thông thái Hy Lạp, ngay cả Ptolémée với Aristotle cũng mù tịt về điều này, chỉ có chuyến đi của Magellan mới phát hiện. Như vậy là người nào đi một vòng quả đất theo chiều quay của nó thì nhặt được một ngày trong khoảng thời gian vô tận. Điều này làm cho khoa học nhân văn thế kỷ XVI đặc biệt quan tâm, cũng giống như thuyết tương đối đối với chúng ta ngày nay. Pierre Martyr bèn nhờ một nhà bác học giải thích và ông giải thích cho hoàng đế, rồi cho Giáo hoàng hiểu. Như vậy là trong khi người khác nhặt về những bao gia vị thì anh chàng ký giả này nhặt về một của báu quí hơn tất cả mọi của báu: anh đem về một điều hiểu biết mới.
* * *
Con tàu vẫn còn phải lênh đênh! Chiến thắng hổn hển, khoang lườn xộc xệch, vẫn nặng nề lết đi trên sóng. Sáu mươi sáu người xuất phát giờ chỉ còn mười tám. Mà chính lúc này lại đang cần sức: ván thuyền nứt hở nhiều quá, nước tuôn vào ngày càng mạnh. Lúc đầu chỉ cần một ống bơm, giờ phải hai, và có lẽ phải quăng bớt hàng xuống biển. Nhưng El Cano kiên quyết không động vào tài sản của nhà vua. Ngày đêm, thủy thủ lao vào bơm, tát nước, đồng thời cũng phải thao tác nghề nghiệp: siết buồm, giữ lái, canh phòng... Không còn nghỉ ngơi thay phiên gì nữa, mọi người luôn tay, làm gấp đôi, gấp ba, gần đến nơi rồi. Ngày 13 tháng Bảy rời Mũi Xanh và hôm nay 4 tháng Chín năm 1522, từ trên đỉnh buồm một tiếng reo: Mũi Vincent bên phải! Đây là điểm cuối cùng của châu Âu đối với chúng ta, nhưng với họ, những người đi xa về thì đây là nơi Âu châu bắt đầu, tổ quốc bắt đầu. Đỉnh núi đã từ từ nhô lên mặt nước. họ thấy lòng can đảm thêm. Tiến lên! Tiến lên! Chỉ còn hai ngày hai đêm nữa. Chỉ còn một ngày một đêm nữa! Chỉ có một đêm nữa thôi! Và đây, một dãy sáng hẹp màu bạc ở chân trời: con sông Guadalquivir đổ ra biển tại San Lucar de Barrameda. Ba năm trước, chính từ nơi đây, năm con tàu với hai trăm sau mười lăm con người đã xuất phát dưới lá cờ soái của Magellan. Hôm nay, con tàu bé nhất trong số trở về, bỏ neo đúng nơi bến cũ và mười tám người lảo đảo bước lên quì xuống ôm hôn mảnh đất mẹ vững chắc, hiền hòa dưới bàn chân. Ngày 6 tháng Chín 1522 đã chấm dứt chuyến đi biển dài nhất, từ trước đến nay chưa ai từng thực hiện.
Công việc đầu tiên của El Cano là phái người cấp báo cho đức vua biết tin quan trọng. Rồi những bàn tay thèm thuồng của thủy thủ nắm lấy chiếc bánh nồng thơm, bao năm rồi họ chưa được cầm trong tay miếng bánh mì mềm dịu, chưa uống hớp rượu nho, ăn miếng thịt nướng trên mảnh đất quê hương. Mọi người nhìn họ, những con người từ âm phủ hiện lên. Ăn xong họ nhào xuống tấm đệm rơm mà ngủ suốt ngày đêm, lần đầu tiên sau bao năm tháng lênh đênh, tim áp vào tim tổ quốc.
Tàu Chiến thắng đem vinh dự cho cái tên nó mang tên mình. Ngày hôm sau họ ngược sông Guadalquivir tiến về Séville. Tàu bè xuôi ngược ngạc nhiên nhìn họ. Người ta kêu lên, gọi họ: Các anh là ai? Tàu ở đâu về đấy? Từ lâu rồi Tây Ban Nha và cả thế giới nữa, đều nghĩ là hạm đội của Magellan đã chìm sâu đáy biển và bây giờ con tàu bé kia đang tiến tới, nặng nề nhưng hãnh diện với vinh quang. Từ xa ngọn tháp trắng Giralda sáng ngời lên trong nắng, bến Las Muelas đã hiện ra, bến sông nơi năm con tàu ra đi. “Điểm xạ, Bắn!”. El Cano ra lệnh, đấy là khẩu lệnh cuối cùng của chuyến đi. Một loạt đại bác vang rền. Ba năm trước họ đã từ biệt tổ quốc như thế. Cũng như thế, họ đã chào eo biển lừng danh, cửa ngõ mở ra Thãi Bình Dương. Cũng bằng những loạt đại bác như thế họ đã chào quần đảo Philippines báo tin rằng sứ mệnh đã được thực hiện, đã tới được vùng đảo gia vị bằng con đường phía tây. Cũng như thế họ đã chào từ biệt các chiến hữu ở lại Tidore, nhưng chưa bao giờ tiếng súng rền vang như hôm nay bởi nó bảo rằng “Chúng tôi đã về! Chúng tôi đã làm một điều chưa một ai làm được. Chúng tôi đã đi vòng quanh trái đất!”
-----------------
1. Nhân vật thần thoại của Shakespeare, có tư tưởng phản kháng bị các thần áp chế.
2. Tạ (Quintal) đơn vị cũ chỉ bằng khoảng 38 kilogram. Như vậy Chiến thắng chở về khoảng gần 30 tấn gia vị.

Chương mười ba

Người chết bao giờ cũng có lỗi

Đám đông tụ tập ở Séville - Oviedo viết - để “ngưỡng mộ con tàu quang vinh đã lập một kỳ công chưa từng thấy kể từ khai thiên lập địa”. Họ nhìn mười tám thủy thủ, từng người một lên bờ, lảo đảo bước lên đất liền. Trông họ mệt mỏi yếu đuối bệnh hoạn, những anh hùng vô danh đã già hẳn đi qua ba năm ghê gớm. Đám đông hoan hô đồng thời thương xót họ. Người ta mời họ ăn, mời họ vào nhà, bảo họ thuật chuyện. nhưng họ từ chối. Khoan đã! Khoan đã! Hãy để cho họ làm lễ sám hối theo lời nguyền của họ trên đường đi. Dân chúng thành kính yên lặng, vây thành rào chung quanh, nhìn họ đi chân đất, mình trùm tấm vải liệm, tay cầm nến bước tới nhà thờ Đức Mẹ vinh hiển. Nơi đây, ngày ra đi, họ đã nhận phép Mình Thánh, nay họ lại tới tạ ơn Chúa đã cứu họ ra khỏi nỗi khốn đốn và đưa họ trở về xứ sở. Tiếng đại phong cầm lại ngân nga, Cha xứ lại giơ cao đỉnh trầm như một mặt trời nhô lên trên đầu họ. Họ quì trên đất, tạ ân Chúa và các Thánh và họ đọc một hồi kinh cầu nguyện cho thủ lĩnh họ, cùng những người anh em của họ đã khuất bóng. Bao nhiêu người nữa, cũng tại nơi đây, đã từng nhìn đô đốc giương lá cờ lụa vua ban, họ ở đâu rồi? Mất tích trên biển, bị thổ dân giết, chết đói, chết lạnh, bị bắt, bị cầm tù. Chỉ mình họ không hiểu vì sao lại được số mệnh dun dủi cho trở về. Tin tức truyền đi khắp châu Âu, lúc đầu gây ngạc nhiên rồi thán phục cho toàn dân xứ Tây Ban Nha. Từ chuyến đi của Christophe Colomb, chưa từng có sự kiện nào làm người đương thời xúc động đến thế. Bây giờ không ai còn phân vân nữa. Sự nghi ngờ, kẻ thù của mọi kiến thức đã bị đánh bại trong lĩnh vực địa lý. Từ khi có một con tàu xuất phát từ bến Séville cứ một mực đi về phía trước và đã trở về nơi xuất phát thì không còn ai cãi được nữa, trái đất đúng là một khối đất tròn, và bốn biển thật ra chỉ là một biển. Khoa địa lý của người Hy Lạp và người La Mã lỗi thời rồi. Nhà thờ cũng chẳng còn có thể cãi vào đâu được nữa. Người ta đã xác định hình thù, kích thước trái đất. Những nhà thám hiểm khác rồi đây sẽ tìm ra nhiều chi tiết bổ sung, nhưng hình dạng căn bản của quả đất này, thì Magellan đã khẳng định. Từ đây, địa cầu là một khu vực được xác định, và loài người đã chiếm lĩnh khu vực này. Từ cái ngày đáng nhớ ấy, Tây Ban Nha thấy hãnh diện. Dưới lá cờ ấy Christophe Colomb mở đầu công trình phát hiện thế giới; dưới lá cờ ấy Magellan kết thúc công trình này. Trong vòng một phần tư thế kỷ, loài người tự biết về mình hơn là trong hàng ngàn năm trước và con người ta nhận ra rằng loài người đang bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ hiện đại. Chuyến đi như vậy là đã thành công, mọi người đều phấn khởi: Trụ sở Hợp đồng, nhà tư sản Christophe de Haro vui hơn ai hết. Họ đã bỏ ra 8 triệu maruvédis và chiếc tàu nhỏ bé kia đem về cho họ 26 tấn gia vị, đủ hoàn vốn, cộng thêm số lãi bước đầu 500 ducat. Tải trọng của một con tàu dư sức đền bù sự mất mát của bốn con tàu, tất nhiên với điều kiện là ta phải coi hơn hai trăm mạng người bị mất đi là không đáng kể.
Nhưng vẫn còn hơn chục người hốt hoảng khi nghe nói có một con tàu của Magellan về tới Séville, đấy là các thuyền trưởng nổi loạn và bọn đào ngũ trên chiếc San Antonio. Họ hy vọng chẳng bao giờ trông thấy những người làm chứng trở về. Họ cũng đã nói thẳng như vậy trước tòa án, và họ huênh hoang khoe sự phản loạn của họ như một hành động yêu nước cao cả. Tất nhiên họ không nói Magellan đã tìm ra eo biển. Họ có nói đến một cái “vũng” mà đoàn tàu đã vào, nhưng đó là một con đường cụt. Họ tố cáo Magellan đã ám hại những người tâm phúc của đức vua để dâng hạm đội cho Bồ Đào Nha.
Tòa án thực ra cũng chẳng tin lời bọn đào ngũ và các quan tòa đã cho hạ ngục cả đôi bên. Bà vợ của Magellan phải ở lại Séville - không ai biết rằng bà đã góa chồng - chờ cho các con tàu kia trở lại. Tòa án xử như vậy kể ra cũng khá công bằng và chu đáo. Tiếng đại bác của con tàu Chiến thắng trở về Séville hẳn đã chọc thủng tai bọn phản phúc. Magellan chiến thắng và ông sẽ phục hận!
May thay Magellan đã chết! Người buộc tội chẳng còn buộc tội ai được nữa. Và khi nghe nói người đưa tàu Chiến thắng trở về chính là El Cano, đồng lõa của họ trong vụ bạo loạn ở San Julian thì ôi, họ xiết bao mừng vui!
Mesquita được tha, được lãnh một khoản bồi thường. Với sự giúp đỡ của El Cano, bọn kia cũng được tha. Sự phản bội được quên đi trong niềm vui chung. Có bao giờ người chết cãi được người sống!
* * *
Tin mừng của El Cano đã đến Valadolid, Charles Quint vừa từ Đức trở về, ông đi từ sự kiện lịch sử này đến sự kiện lịch sử khác. Ở Đệ nhị viện Worms ông đã dự vào sự tan rã của khối thống nhất giáo hội do bàn tay cứng rắn của Luther gây ra. Về đây, ông được biết một người khác vừa mới làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt địa cầu và bằng cuộc đời mình, chứng minh sự thống nhất địa lý của trái đất. Nóng lòng muốn biết sự kiện kỳ lạ mà ông đã dự phần vào đấy, và đấy có lẽ cũng là trận thắng toàn diện nhất của ông, ông ra lệnh ngay hôm ấy El Cano phải vào triều kiến đem theo hai thuộc hạ thông thạo nhất, đáng tin cậy nhất cũng với tất cả tư liệu về chuyến đi.
El Cano chọn Pigafetta và hoa tiêu Alvoro cùng đi với mình tới Valadolid. Nhưng thái độ của ông ta đối với tài liệu của hạm đội thì mờ ám hơn. Không một dòng chữ nào của Magellan được chuyển đến nhà vua (tài liệu duy nhất lưu đến chúng ta ngày nay lấy từ soái hạm Ba Ngôi bị người Bồ Đào Nha cướp). Thật kỳ lạ, một đô đốc hạm đội, cẩn trọng nguyên tắc như Magellan mà lại không ghi một chữ nào trong suốt chuyến đi! Kẻ thù của ông không muốn hoàng đế Charles Quint biết quá nhiều về chuyện ấy. Cũng không kém phần khó hiểu về trường hợp tập “Ký sự” của Pigafetta bị mất, dù rằng chính anh đã tận tay trao cho Charles Quint. Tập ký sự mà ta biết ngày nay chỉ là tập ghi chép bị cắt xén, do một quan chức trao lại cho nhà vua ba tuần sau đó, cùng với bức thư của Transivalnius. Vì lý do nào tập “Ký sự” bị thủ tiêu? Chắc chắn người ta muốn quên đi chuyện các sĩ quan Tây Ban Nha chống lại vị đô đốc Bồ Đào Nha, để cho chiến công của El Cano được thêm nổi bật.
Chuyện này làm cho Pigafetta buồn lòng, anh nhận thấy quả người đời thường cân đong bằng những cái cân giả. El Cano từng phạm tội bán một chiến thuyền Tây Ban Nha ra nước ngoài và để đào tẩu, đã xung vào hạm đội của Magellan. Kẻ trốn chạy, kẻ ngăn cản công trình khi gặp khó khăn thì được tưởng thưởng, được cấp lộc phí 500 florins hàng năm. Hoàng đế phong cho kẻ ấy tước Hiệp sĩ, người lập công đầu, với gia huy mang dòng chữ: “Nhà hàng hải đệ nhất hoàn cầu” [1]. Khôi hài hơn nữa là phần thưởng dành cho Estaveo Gomez.
Tên đào ngũ này từng công bố trước tòa án Séville là Magellan chỉ tìm ra một cái “vũng kín” cũng được phong tước quí tộc vì “ở cương vị dẫn đường và hoa tiêu số một, đã góp công phát hiện ra eo biển”.
Pigafetta im lặng rút lui. “Những tên nịnh bợ ở triều đình muốn xóa nhòa hình ảnh Magellan, những tên hắc danh thèm địa vị hãy cứ múa may”, anh viết như vậy, và về phần anh, lúc này chẳng làm được gì hơn là im lặng, anh dành một tiếng nói cho hậu thế. Trong đoạn kể chuyến về, không một lần anh nhắc đến El Cano, anh chỉ dùng cách nói: “chúng tôi đi”, “chúng tôi quyết định”, v.v... Với một tấm lòng trung thành tuyệt đối, anh đứng về phía người đã thua cuộc và khi bênh vực Magellan, giọng anh mới hùng hồn làm sao! Anh viết trong lời đề tặng “bậc thầy vĩ đại, Hiệp sĩ dòng thánh Rhodes”: “Tôi nghĩ rằng, vinh quang của một thuyền trưởng vĩ đại dường ấy không bao giờ tắt. Ông có biết bao đặc tính, nhưng đẹp đẽ nhất là điều này. Ngay trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, bao giờ ông cũng là người kiên tâm nhất. Ông im lặng chịu đói, nhận phần ăn sau mọi người. Ông là con người nắm chắc nghệ thuật và kiến thức hàng hải vào bậc nhất trên đời này. Và do vậy mà ông đã làm những việc mà trước ông chưa ai làm nổi”.
Thường khi, chính cái chết lại cho ta hiểu điều bí mật sâu kín nhất về nhân cách một con người. Lúc ý đồ của Magellan được thực hiện, chính là lúc tấn bi kịch của đời ông bộc lộ rõ nhất. Con người khắc khổ, kín đáo, câm lặng ấy là một con người hành động, dám đưa tất cả thử thách, ngay cả sinh mệnh của mình để thực hiện một ý đồ. Ý đồ ấy, ông chọn để mà ra sức thực hiện, không phải để tìm một thú vui. Công trình do ông thực hiện, kẻ khác được hưởng vinh quang và bổng lộc. Định mệnh hết sức khắc nghiệt đã đối xử với ông như ông từng đối xử với mọi người, mọi sự. Định mệnh chỉ ban cho ông một điều, cái điều ông hướng đến bằng tất cả sức mạnh của tâm hồn: tìm ra con đường để đi vòng quanh thế giới. Nhưng đi cho trọn con đường ấy, thì định mệnh không cho phép. Ông chỉ được phép ngắm vòng hoa chiến thắng và cầm lấy trên tay, còn khi ông định đặt nó lên đầu, thì định mệnh bèn nói: “Đủ rồi?”, và hất vòng hoa xuống đất.
Đọc lại di chúc của ông sau cái chết, ta mới thấy não lòng làm sao! Những gì ông thác lại đều bị khước từ. Của cải quy ước trong hợp đồng với nhà vua, vợ con ông không hề được hưởng. Những dự liệu, những thu xếp hết sức sáng suốt, tỉ mỉ của ông cũng chẳng ai thèm để ý tới. Những đồng tiền vàng góp cho nhà nguyện, của bố thí cho kẻ khó, cho tu viện, cho bệnh viện chẳng có ai chịu góp giùm ông vì không có ai nhận thực hiện di chúc. Mà ngay cả nếu khi thuộc hạ đem được xác ông về, chưa chắc người ta bỏ ra mấy maravédis để lo chôn cất.
Sao vậy? Những người thừa kế của ông không có gì sao? Hợp đồng ký với Charles Quint cho ông quyền được hưởng một phần năm lãi suất. Ở Séville bà vợ góa bụa của ông không được chút gì sao? Con ông, cháu ông không là Toàn quyền trên những phần đất mênh mông ông đã tìm ra? Không. Không ai được thừa hưởng gì của ông cả. Trong ba năm ấy, Barbara, vợ ông, đứa con trai đầu lòng và cả đứa con trai ra đời khi ông còn lênh đênh trên mặt biển, cả ba người đều đã chết. Chẳng còn ai mang gia huy nhà ông nữa. Phù du, nỗi lo toan của nhà quí tộc, của người cha, của người mộ đạo, tất cả đều là phù du! Chỉ có ông bố vợ là còn sống. Nhưng chắc ông cụ cũng đã nguyền rủa cái ngày mà ông khách lầm lì này bước vô nhà ông. Hắn lấy con gái ông và con gái ông đã chết. Hắn đem đi thằng con trai ông, và thằng con không trở về. Bao nhiêu là bất hạnh chung quanh con người này. Tất cả bạn bè, Magellan đã lôi theo ông vào con đường bi thảm. Những ai giúp đỡ đều mắc nạn. Faleiro bị bắt, bị tù. Aranda bị truy tố, bị khám xét, vốn đầu tư vào công trình bị tịch thu, Henrique trở lại làm nô lệ, Mesquita, người em họ, bị cùm, bị bỏ tù. Barbosa và Serrao chết sau ông ba ngày. Riêng Sébastian El Cano trọn hưởng.
Nhưng bi thảm hơn, công trình mà ông dâng trọn cuộc đời để thực hiện, công trình ấy dường như cũng phù du nốt. Magellan muốn chiếm vùng đảo gia vị cho vương quốc Tây Ban Nha và ông đã được làm điều ấy. Nhưng sứ mệnh thiêng liêng của ông kết thúc một cách khôi hài: Charles Quint bán lại các hòn đảo ấy cho Bồ Đào Nha lấy số tiền ba trăm năm mươi ngàn ducat vàng. Con đường ông tìm ra, gần như chẳng có ai dùng, nó không đem lại lợi lộc gì. Sau khi ông chết, những ai muốn qua đó đều thất bại, tàu thuyền của họ đều bị lạc lối. Eo biển ấy, hơn mấy chục năm sau, chẳng ai dám qua. Người Tây Ban Nha ưng dùng con đường qua Panama hơn, mặc dù việc vận chuyển qua đất liền rất tốn kém. Eo biển Magellan lúc đầu được toàn thế giới hoan hỉ chào mừng, nay từ từ rơi vào quên lãng.
Ba mươi tám năm sau, người ta được biết, qua bài thơ nổi tiếng Araucana [2] rằng: “Eo biển đâu còn nữa, không ai tìm ra nó nữa và cũng chẳng có con tàu nào qua nữa. Dường như có một trái núi đã mọc lấp nó hay một hòn đảo nào đã nổi lên bít mất lối đi...”.

Ora sen yerro la altura cierta
Ora que alguna isleta removida
Del tempetuoso mary viento airado
Elcallando en la boca la ha cerrado...

Năm mươi năm sau, tướng cướp Francis Drake dùng nó làm sào huyệt. Thuyền cướp giấu kín từ những hẻm đá này xông ra như một bầy diều hâu, nhào xuống các đoàn tàu thuộc địa. Vua Tây Ban Nha tổ chức một hạm đội thảo phạt dưới quyền chỉ huy của Samiento. nhưng thất bại. Eo biển trở lại hoang vu, họa hoằn mới có vài con tàu đánh cá voi lách vào trú bão. Đấy là con đường mà Magellan và bao người từng nghĩ là con đường huyết mạch nối liền châu Âu với phương Đông. Sau cùng, vào mùa thu năm 1913, khi Tổng thống Mỹ Wilson nhấn nút điện mở đập tràn của con kênh Panama nối liền Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, thì eo biển Magellan quả tình đã trở nên vô nghĩa. Số phận của nó được định đoạt: nó chỉ còn là một khái niệm lịch sử và địa lý. Những lợi ích vật chất của một công trình đâu có làm nên giá trị đích thực của nó. Một con người đem tặng nhân loại một điều hiểu biết mới, thúc giục nhân loại nghĩ ra thêm điều gì mới, con người ấy mới thực sự làm giàu cho nhân loại. Về phương diện này, chiến công của Magellan vượt lên trên tất cả mọi chiến công trong thời ông. Hành trình của năm con tàu bé bỏng ấy đúng là cuộc Thánh chiến của nhân loại tiến công vào thành trì của U Mê. Nó là bất tử. Cũng bất tử, tên tuổi của con người đã vạch ra và thực hiện một ý đồ to lớn đến thế. Bởi, khi tìm ra được kích thước quả đất từ ngàn đời tìm kiếm, thì con người đã tìm ra được kích thích của chính mình. Chiến thắng được không gian, nắm được tầm cỡ trái đất, con người vui mừng nhận ra tầm cỡ của chính mình. Chiến công của Magellan một lần nữa chứng minh rằng, bằng cuộc đời ngắn ngủi bé mọn của mình, con người có thể biến những gì hàng trăm thế hệ trước coi như giấc mơ trở thành hiện thực, trở thành chân lý muôn đời...
------------------
1. Sébastian El Cano còn được hưởng vinh quang dài lâu. Trong hạm đội của liên quân Pháp - Ý xâm lược Việt Nam, có một tàu mang tên vị đô đốc này - pháo hạm El Cano - đã tham gia tấn công Đà Nẵng 1-9-1858 và Gia Định 17-2- 1859.
2. Araucana, trường ca của Alonzo de Ercila (1569 - 1589) ca ngợi cuộc nổi dậy của dân Araucana (Chile) chống bọn thực dân Tây Ban Nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét