Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Sau khi... - Guy de Maupasant

Guy de Maupasant

Sau khi...

Lê Ngọc Anh dịch

- Các cháu thân yêu, -  bà bá tước nói, - phải đi ngủ thôi.
Ba đứa trẻ, trai và gái, đứng lên và tới ôm hôn bà mình.
Rồi chúng đến chào tạm biệt ông linh mục, người ăn tối ở lâu đài mọi ngày thứ năm trong tuần.
Tu viện trưởng Mauduit đang quỳ gối, luồn cánh tay dài bận đồ đen ra sau gáy bọn trẻ và kéo đầu chúng lại gần bằng một động tác ân cần, ông đặt lên trán chúng một nụ hôn dài dịu dàng.
Rồi ông đặt lại chúng trên sàn, và lũ trẻ đi ra, con trai đi trước, con gái theo sau.
- Cha yêu trẻ con, thưa cha, - bà bá tước nói.
- Rất yêu, thưa bà.
Người đàn bà già nua ngước cặp mắt sáng nhìn vị linh mục.
- Còn…nỗi cô đơn của cha chưa bao giờ quá trĩu nặng ư?
- Có chứ, đôi khi.
Ông nín lặng, lưỡng lự rồi nói tiếp:
- Nhưng tôi không được sinh ra cho đời thường.
- Sao cha biết điều đó?
- Ôi ! tôi biết lắm. Tôi được tạo ra để làm linh mục, tôi đã theo con đường của mình.
Bà bá tước vẫn nhìn ông :
- Nào, thưa cha, hãy kể cho tôi chuyện đó, hãy nói tôi hay thế nào mà cha lại quyết định từ bỏ tất cả những gì khiến chúng tôi yêu cuộc sống, chúng tôi thì khác, với tất cả những gì làm chúng tôi khuây khỏa và che chở chúng tôi. Cái gì đã thúc đẩy cha, khiến cha quyết định cách ly mình khỏi con đường lớn, tự nhiên của hôn nhân và gia đình? Cha không phải là một người cuồng nhiệt, cuồng tín, u sầu hay buồn bã. Có phải một sự kiện, một nỗi buồn phiền đã khiến cha quyết định phát nguyện mãi mãi không?
Tu viện trưởng Mauduit đứng lên, tới gần lò sưởi rồi hơ đôi giày cha xứ thôn quê của mình trên ngọn lửa. Ông hình như vẫn do dự trả lời.
Đó là một ông già có mái tóc bạc, người đã phụ trách giáo khu Saint-Antoine-du-Rocher từ hai chục năm nay. Dân quê nói về ông: “Ấy là một người tử tế!”
Quả thực đó là một người trung hậu, khoan dung, thân thiện, ôn hòa và trên hết là hào hiệp. Như thánh Martin, ông đã cắt tấm áo của mình làm đôi. Ông dễ cười và cũng dễ khóc vì những điều nhỏ bé, như một người phụ nữ, điều này cũng đã làm hại ông đôi chút theo đầu óc cứng cỏi của những người dân quê.
Bà bá tước Saville già nua, ẩn dật tại lâu đài của rmình ở Rocher để nuôi dạy đám cháu sau cái chết liên tiếp của con trai và con dâu, rất yêu quý ông linh mục của mình và nói về ông: “Đấy là một tấm lòng”.
Thứ năm nào ông cũng tới lâu đài chơi cả buổi tối và họ gắn bó với nhau bằng một tình bạn tốt đẹp và thẳng thắn của những người già. Gần như chỉ nửa lời họ đã hiểu nhau bởi cả hai đều có lòng nhân từ của những con người giản đơn và ôn hòa.
Bà cố nài nỉ:
- Nào, thưa cha, đến lượt cha xưng tội đi.
Ông nhắc lại:
- Tôi không được sinh ra để sống cuộc sống của mọi người. May mắn thay, tôi đã nhận ra điều đó kịp thời, và tôi thường thấy rằng mình đã không lầm.
Cha mẹ tôi, những nhà buôn hàng xén ở Verdiers và khá giàu, đã có nhiều tham vọng về tôi. Tôi được gửi ở nhà ký túc dành cho trẻ nhỏ. Người ta không biết điều gì có thể gây khổ sở cho một đứa trẻ trong trường học chỉ bởi tình trạng cách biệt và cô lập. Cuộc sống đơn điệu và không tình âu yếm đó tốt cho những người này và khó chịu cho những người khác. Những con người bé bỏng thường có trái tim nhạy cảm hơn người ta tưởng, và với việc nhốt chúng lại quá sớm, xa những gì chúng yêu mến, người ta có thể làm tính nhạy cảm tăng lên, phát triển một cách thái quá, trở thành bệnh hoạn và nguy hiểm.
Tôi ít chơi đùa, tôi không có bạn, thời giờ của tôi trôi qua với nỗi luyến tiếc ngôi nhà, ban đêm tôi khóc trong giường, tôi đào sâu trong óc để tìm lại những kỉ niệm ở nhà mình, những kỉ niệm nhỏ nhặt về những vật bé nhỏ, những sự việc nho nhỏ. Tôi không ngừng nghĩ về tất cả những gì tôi đã để lại ở đó. Tôi trở thành một kẻ cuồng nhiệt hết sức ngấm ngầm cho những bất mãn quá trớn nhất bởi những nỗi buồn khủng khiếp.
Với nó, tôi trở nên trầm mặc, không thổ lộ, không có bạn tâm tình. Việc kích động tinh thần xảy ra khó hiểu và chắc chắn. Thần kinh của những đứa trẻ biến động nhanh chóng; người ta cần phải chăm lo tới khi chúng sống trong một sự tĩnh lặng sâu xa cho tới tận lúc chúng phát triển gần như hoàn toàn. Vậy nhưng ai nghĩ rằng, với một số học sinh, một bài phạt bất công có thể là một nỗi đau cũng lớn bằng nỗi đau sau cái chết của một người bạn; vậy ai nhận thấy một cách chính xác rằng một số tâm hồn non trẻ  thay vì hầu như chẳng có gì lại có những cảm xúc khủng khiếp, và đôi khi là những tâm hồn bệnh hoạn, không sao chữa khỏi?
Đó là trường hợp của tôi; tính năng luyến tiếc phát triển trong tôi theo cách mà cả cuộc sống của tôi trở thành một nỗi thống khổ.
Tôi không thổ lộ điều đó ra, tôi chẳng nói gì hết; dần dần tôi trở thành một người nhạy cảm hay đúng hơn là một người dễ mếch lòng dữ dội đến mức tâm hồn tôi giống như một vết thương gay gắt. Mọi thứ chạm vào nó đều gây ra ở đó những quằn quại đau đớn, những chấn động khủng khiếp và về sau là những tàn phá thực sự. Sung sướng thay cho những con người mà bản tính đã được làm cho dạn dày bằng sự lãnh đạm và được vũ trang bằng chủ nghĩa khắc kỉ!
Tôi đã mười sáu tuổi. Khả năng đau đớn vì mọi chuyện này gây ra cho tôi tính rụt rè quá mức. Với cảm giác chống lại mọi cuộc tấn công do tình cờ hay do số phận mà tôi để lộ ra, tôi sợ hãi mọi sự tiếp xúc, mọi sự đến gần, mọi sự kiện. Tôi sống trong sự cảnh giác như dưới một nguy cơ thường trực của một nỗi bất hạnh chưa biết tới và luôn chờ đợi. Tôi không dám cả nói năng lẫn hành động gì trước đám đông. Tôi có cảm giác rõ rệt rằng đời là một trận chiến, một cuộc đấu tranh khủng khiếp, nơi người ta nhận được những cú đánh ghê sợ, những vết thương đau đớn, chết người. Thay vì nuôi dưỡng niềm hy vọng hạnh phúc trong tương lai, như tất cả mọi người, tôi lại chỉ giữ nỗi lo sợ mơ hồ và tôi cảm thấy trong mình nỗi thèm muốn được ẩn nấp, được né tránh những cuộc chiến đấu nơi mà tôi sẽ thất bại và bị giết.
Những bài học của tôi kết thúc, người ta cho tôi nghỉ học sáu tháng để chọn một nghề nghiệp. Một sự kiện rất đơn giản đã khiến tôi đột ngột nhìn thấy bên trong mình, chỉ cho tôi tình trạng bệnh tật của tinh thần mình, khiến tôi hiểu được nỗi nguy hiểm và khiến tôi quyết định trốn chạy.
Verdiers là một thành phố nhỏ được bao bọc bởi những bình nguyên và cánh rừng. Nhà cha mẹ tôi ở phố trung tâm. Bấy giờ tôi đã qua những ngày ở xa mái nhà mà tôi đã luyến tiếc và ước ao đến thế. Có những ước mơ đã thức dậy trong tôi và tôi dạo chơi ở cánh đồng, chỉ có một mình để chúng biến tan hay tuyệt tích.
Cha và mẹ tôi, dành tất cả cho công việc kinh doanh và lo lắng cho tương lai của tôi, chỉ nói với tôi về việc buôn bán của họ hay những dự định có thể của tôi. Họ yêu tôi theo kiểu người tích cực, có tinh thần thực tiễn. Họ yêu tôi bằng lý trí hơn là bằng trái tim. Tôi sống khép kín trong những ý nghĩ của mình và run rẩy bởi mối lo âu dai dẳng.
Thế mà một buổi tối, sau một hành trình dài, tôi nhận thấy một con chó đang phóng về phía tôi, giống như tôi sải bước trở lại để không bị muộn. Đó là một con chó giống Xpanhơn màu hung, khá gầy guộc, có đôi tai dài xoăn.
Khi còn cách mười bước, nó dừng lại. Và tôi cũng làm thế. Thế là nó bắt đầu vẫy đuôi và tiến lại gần bằng những bước ngắn cùng chuyển động sợ sệt của toàn cơ thể, vừa oằn mình xuống trên những chiếc cẳng như để cầu xin tôi vừa nhè nhẹ lắc lư cái đầu. Tôi gọi nó. Thế là nó làm bộ bò tới với dáng vẻ khúm núm, buồn bã, van lơn đến nỗi tôi thấy lệ dâng trên mắt. Tôi đi về phía nó, nó chạy trốn rồi trở lại và tôi quỳ một gối xuống đất tỏ cho nó thấy sự âu yếm để dụ nó. Rốt cuộc tôi đặt tay lên nó và thật nhẹ nhàng vuốt ve nó với sự thận trọng vô cùng.
Nó mạnh dạn lên, từ từ đứng dậy, đặt chân lên vai tôi và bắt đầu liếm mặt tôi. Nó theo tôi đến tận nhà.
Đấy thật sự là con vật đầu tiên mà tôi yêu đắm đuổi bởi vì nó đáp lại tình âu yếm của tôi. Sự trìu mến tôi dành cho con vật này quả là quá đáng và nực cười. Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng chúng tôi là hai anh em, bị lạc trên mặt đất, cùng cô đơn và cả người nọ lẫn người kia đều không được bênh vực. Nó chẳng rời tôi nữa, ngủ ở chân giường tôi, ăn ở bàn mặc dù bố mẹ tôi không hài lòng và nó theo tôi trên những hành trình cô độc của tôi.
Tôi thường dừng lại bên bờ một con mương và ngồi trong đám cỏ. Sam chạy ào tới ngay, nằm xuống bên tôi hoặc là trên đầu gối tôi và nó dùng mõm nâng bàn tay tôi lên để được vuốt ve.
Một ngày, khoảng cuối tháng sáu, bởi vì chúng tôi đang trên đường Saint-Pierre-de-Chavrol, tôi nhận thấy một chiếc xe ngựa chở khách từ Ravereau đi tới. Nó phóng theo nhịp nước đại của bốn con ngựa, cùng thùng xe sơn vàng và cái nóc bằng da màu đen đội trên tầng thượng của xe. Người đánh xe đập roi đôm đốp; một đám bụi cuộn lên dưới những chiếc bánh xe nặng nề rồi lơ lửng phía sau như kiểu một đám mây.
Và đột nhiên, giữa lúc xe đến chỗ tôi, Sam có lẽ khiếp sợ bởi tiểng động và muốn bắt kịp tôi, đã xông lên trước xe. Chân của một con ngựa hất nó lộn nhào, tôi thấy nó lăn đi, quay cuồng,  lại đứng lên, lại ngã xuống dưới mọi cái chân đó, rồi cả cái xe lắc mạnh hai lần và tôi nhận thấy đằng sau xe, trong đám bụi, có cái gì đó động đậy trên đường. Nó gần như bị cắt làm đôi, mọi nội tạng từ cái bụng bị xé nát của nó thõng thượt, bật ra ngoài cùng với đám bọt máu. Nó cố gắng đứng lên, bước đi, song hai chân trước chỉ có thể cào và xới đất như để đào một cái hố; hai chân kia thì đã chết rồi. Và nó tru lên khủng khiếp, điên dại bởi đau đớn.
Sau vài phút thì nó chết. Tôi chỉ có thể biểu lộ những gì tôi cảm thấy cùng mức độ đau lòng của mình. Tôi ở lì tại phòng trong một tháng.
Thế mà, một buổi tối, cha tôi giận điên người vì trông thấy tôi trong tình trạng hiếm gặp đó, kêu lên: “Vậy sẽ ra sao khi con có những nỗi buồn thực sự, nếu con bị mất đi vợ mình, các con mình! Người ta không phải là con vật ở điểm đấy!”
Lời nói này, ngay từ đó lưu lại mãi trong đầu tôi, ám ảnh tôi: “Vậy sẽ ra sao khi con có những nỗi buồn thực sự, nếu con bị mất đi vợ mình, các con mình!”
Và tôi bắt đầu thấy rõ trong bản thân mình. Tôi hiểu tại sao mọi nỗi khổ sở nhỏ mọn hàng ngày qua mắt tôi lại có tầm quan trọng của thảm họa. Tôi nhận thấy rằng mình được sắp đặt để chịu đựng một cách khủng khiếp tất thảy, để thu nhận mọi ấn tượng đau đớn và nhân chúng lên bằng tính nhạy cảm bệnh hoạn của mình và một nỗi lo sợ ghê gớm về cuộc đời xâm chiếm lấy tôi.
Tôi không đam mê, không tham vọng; tôi quyết định hi sinh những niềm vui có thể có để tránh né những đau đớn chắc chắn có. Cuộc đời ngắn ngủi, tôi đã dùng nó để phục vụ những người khác, để an ủi những nỗi đau khổ của họ và hưởng hạnh phúc của họ như tôi tự nhủ. Vì không trải nghiệm trực tiếp cả những cái nọ lẫn những cái kia, tôi chỉ thu nhận được những cảm xúc yếu ớt.
Và giá như bà biết rằng tuy nỗi khổ sở giằn vặt tôi, hành hạ tôi! Song điều đã là nỗi đau đớn không chịu nổi với tôi đã trở thành lòng trắc ẩn, lòng thương hại.
Tôi đã không chống đỡ được việc những buồn phiền mà tôi gặp phải thường xuyên đổ ập xuống trái tim tôi. Tôi sẽ không thể thấy một đứa trong lũ con mình chết đi mà bản thân mình không chết đi. Và dù sao tôi vẫn giữ một nỗi lo sợ khó hiểu và thấm thía về những sự kiện đến nỗi cách nhìn nhận về những yếu tố xâm nhập vào tôi khiến một cơn run rẩy truyền qua huyết mạch của tôi hàng ngày, ấy thế mà giờ đây tôi không có gì phải sợ nữa.
Tu viện trưởng Mauduit nín lặng. Ông nhìn ngọn lửa trong cái lò sưởi lớn như để thấy ở đó những điều huyền bí,  thấy mọi cái chưa biết của cuộc đời mà ông đã có thể sống nếu ông gan dạ hơn trước nỗi đau khổ. Ông nói tiếp bằng một giọng trầm hơn :
- Tôi đã có lý. Tôi đã không được tạo ra cho thế giới này.
Bà bá tước chẳng nói gì; cuối cùng, sau một hồi lâu im lặng, bà tuyên bố :
- Còn tôi, nếu tôi không có các cháu, tôi tin là mình không còn can đảm để sống nữa.
Và ông linh mục đứng lên không nói thêm lời nào.
Bởi vì bọn đầy tớ thiu thiu ngủ trong bếp, tự bà dẫn ông tới tận cửa trông ra vườn, và bà nhìn cái bóng lớn, chậm rãi, phản chiếu ánh đèn của ông chìm vào đêm tối.
Rồi bà trở lại ngồi trước lò sưởi của mình và nghĩ đến nhiều điều mà người ta chẳng hề nghĩ khi người ta còn trẻ.
                                    
                                                                 Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét