Ở ga thứ hai sau Đretxđen, một người đàn ông đã đứng tuổi
bước vào buồng toa xe của tôi. Ông ta lễ phép chào, đoạn ngồi xuống ngước nhìn
tôi và gật đầu với tôi như với một người quen cũ. Ông mỉm cười vui vẻ nhắc lại
tên mình khiến tôi nhớ lại ngay. Ông là một trong những nhà buôn đồ cổ có tiếng
nhất ở Beclin. Thời bình tôi đã mua của ông ta, nhiều cuốn sách và bút tích cổ.
Thoạt đầu chúng tôi trao đổi vài lời khách sáo. Bỗng nhiên, ông nói với tôi.
- Tôi phải kể ông nghe tôi vừa ở đâu về. Câu chuyện tình cờ
tôi sắp kể quả thật hết sức lạ kỳ, tôi chưa hề gặp suốt trong hơn ba mươi bảy
năm trong nghề. Hẳn ông cũng thừa biết hiện giờ hàng mỹ thuật bán chạy như thế
nào kể từ khi đồng tiền mất hết giá trị. Bọn mới giàu nổi lên bỗng tỏ ra mê say
những tranh tượng Đức Mẹ, những sách in cổ, những bức tranh cổ in tay. Bọn tôi
không tài gì kiếm đủ hàng cho họ. Lại phải đề phòng không thì họ vét nhẵn cả
cửa hàng. Nếu cứ để mặc họ thì có dễ họ sẽ cướp luôn cả mấy cái khuy măng xét
và chiếc đèn bàn của chúng tôi. Thành thử chúng tôi thực khốn khổ vì cứ phải
luôn luôn cung cấp cho họ những món hàng mới. Xin ông thứ lỗi vì đã dùng từ
“món hàng” để gọi những vật mà chúng ta vẫn tôn trọng. Nhưng bọn họ đã làm
chúng tôi quen nhìn nhận một cuốn sách in cổ quý báu tương đương với một món
tiền bao nhiêu đô la đấy và một họa phẩm của Ghecxinô như một món tiền mấy tờ
giấy bạc. Không còn cách nào chống lại nạn quấy rầy của bọn khách hàng điên
cuồng đó. Hàng bị bọn chúng lột hết nhẵn, tôi đành chỉ còn đóng cửa tiệm lại.
Tôi xấu hổ khi thấy những gian hàng đã nổi danh từ thời ông nội tôi nay chỉ còn
bày lăn lóc vài món đồ cũ mà không một anh bán hàng rong nào dám bày lên xe của
mình. Trong lúc đang lúng túng như vậy tôi chợt nảy ra ý định duyệt lại danh
sách những khách hàng cũ để cố tìm ra một vị nào mà tôi có thể mua lại của họ
một vài món mà họ có hai. Những danh sách đó khi nào cũng là một thứ bãi tha
ma, nhất là vào thời buổi này. Thực vậy, tôi đã chẳng tìm thấy gì đáng kể: phần
lớn khách hàng cũ của chúng tôi đã qua đời hoặc đã bán hết những bộ sưu tập của
họ từ lâu. Họa hoằn có người còn sống thì cũng rõ ràng là không đem lại hy vọng
gì. Vừa lúc đó, tình cờ tôi đụng đến những bức thư của một khách hàng lâu đời
nhất của chúng tôi. Từ hồi chiến tranh mới bùng nổ năm 1914 đến nay không thấy
ông ta gửi đơn đặt hàng về nữa. Thư từ giao dịch của ông ta - điều này tôi
không nói quá - đã bắt đầu từ sáu chục năm về trước. Ông đã có quan hệ với thân
phụ và ông nội tôi. Tuy vậy, tôi nhớ là từ khi tôi quản lý cửa hàng này, chưa
có lần nào ông ta bước vào. Tất cả những cái đó cho phép tôi có thể đoán đây là
một con người kỳ dị, tính nết hơi buồn cười, cổ lỗ, một trong những người kỳ
dị, độc đáo mà Menzen và Xpitvây đã khắc họa và đôi khi người ta vẫn còn gặp
trong các tỉnh lẻ của chúng ta. Thư ông viết chữ nắn nót, những khoản tiền được
gạch dưới bằng thước kẻ và nét mực đỏ. Để tránh mọi nhầm lẫn, mỗi con số ông ta
viết hai lần và để tiết kiệm, ông đã sử dụng những tờ giấy trắng lọc ra từ các
bức thư nhận được và tự tay làm lấy phong bì. Ngoài chữ ký của ông ta, những
tài liệu kỳ dị đó còn mang hàng loạt những danh hiệu: cựu cố vấn kiểm lâm,
trung úy dự bị, huân chương thập tự hạng nhất. Là cựu chiến binh của cuộc chiến
tranh năm bảy mươi, nếu còn sống nay ông cũng phải tám mươi tuổi rồi. Mà người
tiểu thị dân tằn tiện một cách kỳ cục đó có những phẩm cách khác thường của nhà
sưu tập. Ông ta rất sành về tranh in nổi và tỏ ra có một khiếu thẩm mỹ tinh tế.
Xem kỹ các đơn đặt hàng của ông ta, tôi nhận thấy vào cái thời buổi mà với một
đồng tale người ta có thể mua được những bản tranh khắc gỗ đẹp nhất, con người
tỉnh lẻ này đã góp nhặt dần và không ai ngờ ông ta đã thu thập được một bộ
tranh khắc gỗ rất có thể cạnh tranh với những bộ sưu tập nổi tiếng nhất của bọn
người mới giàu nổi lên. Quả thật, những bức tranh trước kia ông ta mua của
chúng tôi với một số tiền rẻ rúng, vài đồng mác, giờ đây quý giá vô cùng. Hơn
nữa, tứ đó có thể đoán được rằng chắc chắn ông ta cũng đã thành công như thế
trong việc mua hàng ở các nhà buôn khác và đã không bỏ lỡ dịp trong những lần
họ bán đấu giá. Thực ra thì từ năm 1914 chúng tôi không có tin tức gì về ông
ta. Nhưng tôi quá tường tận về các cuộc giao dịch nên không thể có việc bán gộp
cả một bộ sưu tập quan trọng như vậy mà tôi lại không biết. Do đó, tôi kết luận
rằng nhà sưu tập kỳ lạ đó vẫn còn sống hoặc giả kho báu của ông vẫn nằm trong
tay những người thừa kế. Rất bồn chồn, ngay hôm sau, tức là chiều hôm qua, tôi
lên đường tới một trong những thành phố hẻo lánh nhất của xứ Xắcxông. Rời khỏi
ga xép tôi uể oải đi theo đường phố chính của cái thành phố cổ. Tôi tưởng chừng
trong những căn nhà lụp xụp này không thể lại có một ngôi nhà chứa đựng những
bức tranh khắc đồng trác tuyệt nhất của Rămbrăng cùng những bức họa in khắc của
Đurơ và Mantơnha, tất cả đều trọn bộ và được bảo quản tuyệt vời. Thật kinh ngạc
xiết bao khi tại bưu cục tôi được biết rằng ngài cố vấn kiểm lâm vẫn còn sống.
Thú thật, tôi rất xúc động khi quyết định đến nhà ông ta trước bữa ăn sáng. Tìm
nhà không khó khăn gì. Ông ta ở tầng ba một ngôi nhà lụp xụp trong tỉnh, hẳn là
tay thầu khoán đã cho xây vội vàng khoảng năm 1860. Ở tầng hai là một người thợ
may. Ở tầng ba, cửa phía trái mang tấm biển để tên một nhân viên bưu điện. Cuối
cùng, ở bên phải tôi thấy một tấm biển mang tên ngài cố vấn kiểm lâm. Tôi rụt rè
bấm chuông. Lập tức, một bà già tóc bạc, đầu đội chiếc mũ trùm sạch sẽ xinh xắn
ra mở cửa. Tôi đưa bà tấm danh thiếp của tôi và ngỏ ý muốn được gặp ngài cố
vấn. Bà ta nhìn tôi vẻ ngạc nhiên và ngờ vực. Trong cái thị trấn tỉnh lẻ này và
trong ngôi nhà tầm thường này, một cuộc viếng thăm hẳn phải là một sự kiện phi
thường. Bà lão lễ phép xin tôi chờ cho một lát. Bà cầm tấm danh thiếp của tôi
và biến vào căn phòng bên. Tôi nghe thấy tiếng bà thì thào. Đột nhiên, tiếng
một người đàn ông kêu lên: “A ! Ông R... ở Beclin, nhà buôn tranh cổ nổi
tiếng... mời ông ấy vào. Được ông đến thăm, ta mừng lắm!” Bà lão chất phác trở
lại, chân bước chầm chậm, bà mời tôi vào phòng khách. Treo mũ và can xong, tôi
đi theo bà. Ở giữa căn phòng là một ông già to lớn, ria mép rậm rạp, chiếc áo
mặc trong nhà bận sát người như người lính mặc đồng phục, ông đứng và thân mật
chìa tay cho tôi. Cái cử chỉ niềm nở tự nhiên đó tương phản một cách lạ lùng
với dáng điệu cứng đờ không động đậy của ông. Ông cố vấn không bước lại đón
tôi. Hơi ngạc nhiên, tôi lại gần để nắm lấy tay ông. Khi tôi muốn nắm lấy tay
ông, tôi nhận thấy bàn tay đó không hướng tìm tay tôi mà chỉ giơ ra chờ đợi.
Lập tức, tôi đoán ra hết: ông này mù. Từ hồi thơ ấu tôi vẫn luôn luôn cảm thấy
có phần lúng túng khi đứng trước một người mù. Tôi chưa bao giờ nén được tình
cảm ngượng ngập khi nghĩ rằng một người có thể còn đang sống mà lại không nhìn
thấy tôi như tôi nhìn thấy họ. Bởi vậy, tôi phải cố tự trấn tĩnh khi thấy đôi
mắt đã tắt ngấm nhìn chăm chú vào khoảng không dưới cặp lông mày trắng bạc dày
rậm. Ngay sau đó, ông ta đã khiến tôi hết lúng túng. Ông lắc mạnh tay tôi và
thân ái chào mừng tôi.
- Cuộc viếng thăm thật bất ngờ, - ông vừa nói vừa cười. -
làm thế nào có thể tưởng tượng được một trong các ngài ở Beclin lại quá bước
tới cái xó tỉnh lẻ của chúng tôi... Ồ! Ồ! Coi chừng! Hẳn đây là một cuộc viếng
thăm vụ lợi!... Chúng tôi thường nói rằng: “Hãy đóng cửa lại và coi chừng túi
tiền của anh khi thấy đám người lang thang đến”... Mà phải! Tôi đoán đúng vì
sao ông đến thăm tôi... Công việc buôn bán tại nước Đức khốn khổ của chúng ta
giờ đây gặp khó khăn. Khách mua hàng không có! Thế là các ngài nhà buôn nhớ lại
khách mua hàng cũ và đi tìm họ như tìm những con cừu lạc... Nhưng đến nhà tôi e
rằng ông không đạt mục đích đâu. Bọn tôi, những người đã rút lui tội nghiệp có
được miếng bánh trên bàn ăn là chúng tôi hể hả rồi. Chúng tôi không còn mua nổi
thứ gì nữa với cái giá mà các ông đã nâng lên khủng khiếp như hiện nay... Chúng
tôi đành chịu khoanh tay vĩnh viễn thôi.
Tôi trả lời ông ta rằng ông đã đoán lầm về mục đích cuộc
viếng thăm của tôi. Không phải tôi đến để bán cái gì cho ông. Nhân đi qua miền
này, tôi không muốn bỏ lỡ dịp để tỏ lòng kính trọng đối với một trong những
khách hàng lâu năm nhất của chúng tôi và một trong những nhà sưu tập lớn nhất
của nước Đức. Nghe vậy, nét mặt ông già đổi khác hẳn, biểu lộ một niềm vui lớn
và một niềm tự hào bất ngờ. Ông quay về phía mà ông đồ chừng là bà vợ ông đứng
đó, như để nói: “Bà nó nghe thấy chứ”. Bỏ giọng gay gắt cứng nhắc lúc đầu, ông
vui vẻ và cảm động nói với tôi: “Ông thật là có nhã ý... Tuy nhiên, ông sẽ
không nhọc công vô ích. Tôi sẽ đưa ông chiêm ngưỡng những thứ mà người ta không
trông thấy thường ngày, ngay cả ở cái thành phố Beclin phong phú của ông, những
bức họa mà người ta không thể tìm được một phiên bản nào đẹp hơn, ngay tại
phòng trưng bày Hoàng gia ở Viên hay Pari. Ấy là vì sau khi sưu tập sáu chục
năm ròng thì, cuối cùng, người ta cũng thu thập được những thứ không thể tìm
thấy ở vỉa hè, Luidơ, bà đưa chìa khóa tủ cho tôi”. Vừa lúc đó một điều bất ngờ
xảy ra. Bà lão nhỏ nhắn vẫn đứng phía sau ông cụ và từ nãy vẫn nghe chúng tôi
nói chuyện với nụ cười kín đáo, lúc này vẫn giơ hai tay về phía tôi, vẻ cầu
khẩn. Đồng thời bà lắc đầu lia lịa. Thoạt đầu, thứ ngôn ngữ câm lặng đó khiến
tôi chẳng hiểu gì. Bà lại gần ông chồng, đặt tay lên vai ông và nói: “Nhưng
này, Hecvác, mình không hỏi xem ngài đây có thời giờ để xem bộ sưu tập ngay bây
giờ không. Sắp trưa rồi. Mà sau bữa ăn mình còn phải nghỉ một tiếng đồng hồ,
thầy thuốc bắt buộc như vậy cơ mà. Có lẽ để sau bữa ăn mình hãy đưa cho ngài
đây xem bộ sưu tập thì hơn. Ta sẽ dùng ly cà phê. Lúc đó Annơ Mari sẽ có nhà.
Nó sành về việc này hơn tôi. Nó có thể giúp mình”. Vừa nói xong bà lão lại làm
điệu bộ cần khẩn qua vai ông chồng. Thế là tôi hiểu bà muốn gì. Tôi phải từ
chối việc xem bộ sưu tập ngay lúc này. Tôi liền viện cớ đã có hẹn bữa ăn sáng ở
một nơi khác. Được lưu lại đây là điều thích thú và một vinh dự đối với tôi,
nhưng tôi có việc bận từ đây đến ba giờ chiều. Sau đó, tôi sẽ vui vẻ quay lại.
Ông cụ tỏ vẻ bực bội như một đứa trẻ bị lấy mất thứ đồ chơi. “Đương nhiên, -
ông lầu bầu - các ngài ở Beclin bao giờ chẳng rất bận rộn. Nhưng lần này thì
hẳn là ngài thu xếp được thời gian. Không phải là xem ba hay bốn bức tranh thường
mà là hai mươi bảy tập tranh, mỗi tập là của một nghệ sĩ và tất cả đều trọn
bộ... Thôi được, y hẹn vào ba giờ nhé, nhưng ngài phải đến đúng giờ đấy, nếu
không thì không kịp xem hết đâu”.
Ông cụ lại giơ bàn tay quờ quạng về phía tôi và nói :
- Rồi ngài sẽ được thích thú, hay nói là ngài sẽ ghen tị với
tôi thì đúng hơn! Ngài càng ghen tị tôi càng khoái. Bọn sưu tập chúng mình ai
cũng vậy: chúng mình muốn có tất cả, còn người khác chẳng có gì hết.
Ông thân ái lắc tay tôi. Bã lão nhỏ nhắn tiễn tôi ra tận cửa.
Tôi nhận thấy bà có điều gì bứt rứt lúng túng, một nỗi lo ngại mà bà cố giấu
tôi. Lúc sắp chia tay, bà lắp bắp, giọng nghẹn ngào:
- Thưa, Anna-Mari, con gái tôi có thể tới khách sạn đón ngài
được không?... Như vậy tiện hơn... vì nhiều lẽ...
- Được chứ ạ, tôi rất vui lòng. - Tôi đáp.
* * *
Một giờ sau, lúc tôi vừa ăn xong tại một khách sạn nhỏ ở Khu
Chợ, một cô gái đã luống tuổi ăn bận rất giản dị, bước vào phòng ăn và đưa mắt
tìm tôi. Tôi đến gặp cô và nói tôi sẵn sàng theo cô về nhà để xem bộ sưu tập. Cô
gái đỏ mặt và cũng lộ vẻ bối rối như bà mẹ lúc nãy, cô xin trước hết được nói
chuyện với tôi. Mỗi khi toan nói, mặt cô lại đỏ ửng. Hai bàn tay cô vân vê nếp
áo. Cuối cùng, cô bắt đầu ngập ngừng và càng bối rối hơn.
- Mẹ tôi bảo đến tìm ngài... mẹ con chúng tôi muốn xin
ngài... muốn nói để ngài biết trước khi ngài đến nhà tôi... Đương nhiên, cha
tôi muốn khoe với ngài bộ sưu tập của ông cụ... Bộ sưu tập đó... không còn trọn
bộ nữa... nó thiếu một số bản... chao ôi, thậm chí thiếu rất nhiều...- Cô gái
thở dài. Sau đó nhìn thẳng vào mặt tôi, nàng nói, giọng hổn hển.
- Tôi phải thưa thật với ngài. Ngài cũng biết bây giờ thời
buổi khó khăn; hẳn ngài sẽ hiểu tất cả... Hồi đầu chiến tranh, cha tôi bị mù...
Trước đó, ông cụ đã bị đau mắt. Mặc dầu đã bảy mươi sáu tuổi, cụ vẫn cứ muốn ra
mặt trận. Vì quân đội tiến không được nhanh như năm 1870, nên ông cụ bị xúc
động mạnh và chỉ trong thời gian ngắn, sự xúc động đó đã cướp mất đôi mắt cụ...
Ngoài cái tật ấy ra, cụ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Mới gần đây thôi, ông cụ còn
cuốc bộ đi xa. Nhưng, giờ đây, chấm dứt cả việc đi dạo chơi nữa. Ông cụ chỉ còn
độc nhất một thú vui là bộ sưu tập. Ngày ngày, ông cụ ngắm nghía nó... hay nói
đúng hơn, ông cụ không nhìn thấy nó nữa. Tuy thế mà chiều nào cũng vậy, ông cụ
vẫn lấy các tập tranh ở ngăn tủ ra, đưa tay rờ rẫm từng bức, hết bức này đến
bức kia, theo thứ tự ông cụ đã xếp đặt và thuộc lòng từ nhiều năm nay... Ông cụ
chẳng còn quan tâm đến chuyện gì khác. Tôi phải đọc cho ông cụ nghe các tin tức
bán đấu giá đăng trên báo. Giá càng lên cao, ông cụ càng sung sướng... Bởi vì,
đấy mới là điều khủng khiếp: cha tôi không biết chút gì về giá cả hiện nay,
cũng như thời buổi chúng tôi đang sống... Ông cụ không biết rằng chúng tôi đã
mất sạch, rằng tiền lương hưu hàng tháng của ông cụ chỉ đủ cho chúng tôi sống
không quá hai ngày... Than ôi, chưa hết... anh rể tôi chết trận đã để lại một
vợ góa và bốn đứa con nhỏ... Cha tôi không hề biết những nỗi túng thiếu của
chúng tôi. Mới đầu chúng tôi đã tằn tiện chi tiêu hơn trước. Chẳng được mấy
nỗi. Rồi chúng tôi đã phải bán mấy thứ trang sức chúng tôi còn giữ lại được.
Trời ơi! Khoản đó chẳng được bao nhiêu, bởi vì cha tôi đã tiêu sạch số tiền
chúng tôi ki cóp dành dụm được vào việc mua tranh. Cho đến một ngày chúng tôi
chẳng còn gì nữa. Chúng tôi không còn biết xoay sở ra sao. Thế rồi... mẹ con
tôi đã bán bức tranh đầu tiên của bộ sưu tập. Cha tôi không bao giờ cho phép
làm điều đó. Ông cụ không biết thời buổi khó khăn đến thế nào và phải xoay sở
dữ lắm mới có nổi miếng ăn. Ông cụ không biết ta đã bại trận. Chúng tôi không
đọc tin thời sự cho ông cụ nghe để cụ khỏi buồn bực. Bức tranh chúng tôi đã bán
là một bức tranh khắc đồng rất quý của Rămbrăng. Người lái buôn trả chúng tôi
mấy ngàn mác. Chúng tôi hy vọng đỡ lo trong vài năm. Nhưng ngài biết đấy, giá
trị tiền bạc bây giờ. Chúng tôi gửi tiền vào nhà băng. Hai tháng sau đã hết
sạch. Chúng tôi phải bán bức tranh thứ hai, rồi một bức nữa. Và bao giờ chúng
tôi cũng nhận được tiền rất chậm, khi đến tay chúng tôi số tiền đã mất giá một
phần. Sau đó, chúng tôi đưa ra bán đấu giá. Nhưng ở đó, họ cũng đánh lừa chúng
tôi, mặc dù số tiền họ trả rất lớn. Đến lúc thu về hàng triệu bạc thì chỉ còn
là những mớ giấy lộn. Cứ như vậy, tất cả các bức tranh, trừ một hai bức, đã bị
hy sinh hết chỉ vừa đủ cho chúng tôi sống tùng tiệm với những nhu cầu thiết yếu
nhất. Và ông cụ tội nghiệp không hề biết. Vì thế mẹ tôi mới lo sợ đến như vậy
khi ngài tới... Đến khi ông cụ khoe bộ sưu tập với ngài thì ngài sẽ biết hết.
Chúng tôi đã luồn vào khung tranh cũ những phiên bản hoặc những tờ giấy trắng
sờ cũng na ná như những bức tranh cũ để ông cụ khỏi nghi ngờ khi sờ lên các tờ
tranh. Ông cụ nhớ đích xác thứ tự do cụ sắp xếp. Miễn là ông cụ có thể sờ mó và
đếm được các bức tranh là ông cụ cảm thấy vui sướng như xưa kia nhìn ngắm
chúng. Vả lại, trong cái tỉnh nhỏ của chúng tôi, không có ai là người mà cha
tôi cho là xứng đáng chiêm ngưỡng cái kho báu của cụ. Ông cụ mê từng bức đến
mức cụ sẽ chết vì sầu muộn nếu biết rằng tất cả đã biến mất. Từ ngày ông giám
đốc phòng tranh ở Đretxđen qua đời, ngài là người đầu tiên được ông cụ mời xem
tranh. Bởi vậy, tôi cầu xin ngài...
Nói đến đây, người phụ nữ đáng thương giơ hai cánh tay về
phía tôi nhìn tôi, mắt đẫm lệ...
-... Chúng tôi cầu xin ngài... ngài đừng làm cho ông cụ tôi
đau khổ, ngài đừng làm mẹ con tôi đau khổ... ngài đừng phá vỡ cái ảo mộng cuối
cùng của cha tôi. Ngài hãy giúp chúng tôi làm cho ông cụ tin rằng tất cả các
bức tranh cụ sắp mô tả cho ngài xem vẫn thực sự còn đấy... Tôi dám chắc rằng
nếu cụ mà ngờ vực thì ông cụ sẽ phiền muộn mà chết mất thôi. Có thể là mẹ con
tôi đã có hành động không phải với ông cụ, nhưng chúng tôi không còn cách nào
khác: trước hết, phải sống đã... và đời sống của bốn đứa trẻ mồ côi con chị tôi
còn quan trọng hơn cả những tờ giấy đã bôi đen... cho đến giờ phút này chúng
tôi chưa làm mất một niềm vui nào của ông cụ, chiều nào cụ cũng lần giở suốt ba
tiếng đồng hồ các tờ tranh với niềm hạnh phúc trọn vẹn và nói chuyện với mỗi
bức tranh như với một người bạn. Và hôm nay... có thể sẽ là ngày sung sướng
nhất của ông cụ, vì từ bao nhiêu năm nay ông cụ vẫn mong đợi có dịp đưa cho một
người am hiểu nghệ thuật xem ngắm cái kho báu của mình. Bởi vậy, tôi chắp tay
van ngài, xin ngài đừng làm tan vỡ niềm hạnh phúc cuối cùng của ông cụ!
Tất cả những điều đó cô ta nói với giọng thật xúc động đến
nỗi tôi không sao diễn tả chính xác để ông thấy được. Hỡi ơi! Tôi đã gặp biết
bao nhiêu người khốn khổ bị nạn lạm phát làm mất hết tài sản quý giá nhất của
tổ tiên để lại. Nhưng lần này, số phận đã cho tôi gặp một trường hợp có một
không hai làm tôi xúc động sâu sắc. Cố nhiên là tôi hứa giữ kín và hết sức giúp
đỡ những người đàn bà tội nghiệp đó.
Chúng tôi cùng đi về nhà cô ta. Trên đường, tôi sửng sốt khi
được biết số tiền quá ít ỏi, người ta đã trả cho mẹ con cô ta và người ta đã
lợi dụng sự ngờ nghệch của họ như thế nào. Điều đó càng làm tôi quyết tâm giúp
họ. Chúng tôi lên cầu thang. Vừa tới ngưỡng cửa đã nghe thấy tiếng nói vui vẻ
oang oang của ông cụ: Mời vào! Mời vào! Hẳn là đôi tai thính của người mù đã
nhận ra tiếng chân chúng tôi trên cầu thang.
- Ông Hecvac nhà tôi hôm nay không ngủ được. Ông lão cứ thấp
thỏm đợi để đưa cho ngài xem kho báu của ông. - bà lão nhỏ nhắn vừa nói vừa mỉm
cười.
Cô con gái nháy mắt, thế là bà mẹ đoán ngay được là tôi đã
thuận lòng làm theo ý họ. Trên bàn đã bày sẵn một chồng tranh. Vừa bắt tay tôi,
ông cụ đã không chút câu nệ mời ngay tôi ngồi xuống.
- Thế là được rồi, ta bắt đầu! Nhiều tranh lắm mà... Các
ngài ở Beclin thì chẳng khi nào có nhiều thời gian. Tập đầu tiên này là của nhà
danh họa Đuyrơ, hầu như trọn bộ, rồi ông sẽ thấy đúng như vậy. Bức nào cũng
đẹp, xin tự ông nhận xét.
Ông cụ mở bức tranh đầu và nói:
- Đây là con ngựa lớn.
Hết sức thận trọng như sờ vào một vật dễ vỡ, ông cụ rút từ
tập tranh ra một cái khung, trong khung là một tờ giấy trống trơn đã ố vàng.
Ông cụ dè dặt lấy mấy đầu ngón tay nâng tấm khung tranh lên trước cặp mắt mù và
ngắm nghía một cách hoan hỉ tuy không nhìn thấy gì. Khuôn mặt ông cụ bừng lên
niềm cảm phục ngây ngất đến kỳ diệu. Đột nhiên, không rõ là phản chiếu của tờ
giấy hay ánh sáng nội tậm, đôi nhãn cầu đã chết cứng của ông cụ lóe lên một tia
sáng của một nhà tiên tri.
- Thế nào,- cụ nói - đã bao giờ ông thấy một phiên bản nào
đẹp hơn không? Rõ nét đến thế, mọi chi tiết nhỏ nhất đều hiện lên rất rõ. Tôi
đã so bản này với bản ở Đretxđen. Bản ấy nom nhờn nhợt và mờ. Còn gốc gác của
nó. Ông hãy coi đây.
Ông cụ lật tờ giấy và lấy ngón tay chỉ cho tôi một chỗ ở mặt
sau đến nỗi tôi phải cố nhìn xem có dấu hiệu thật hay không.
- Đây là dấu hiệu của bộ sưu tập Natlơ, đây là của bộ sưu
tập của Rêmi và Exđailơ. Các nhà sưu tập trứ danh đó đâu có ngờ những bức tranh
của họ có ngày lại rơi vào căn phòng nhỏ bé này.
Tôi rùng mình khi thấy ông cụ tán dương một tờ giấy trắng.
Và khi ông cụ dùng mấy đầu ngón tay chỉ cho tôi một cách cực kỳ chính xác những
dấu hiệu của các nhà sưu tập chỉ còn lưu lại trong trí tưởng tượng của ông cụ,
tôi bỗng cảm thấy như đang dự một buổi diễn trò ảo thuật. Nghẹn ngào, tôi không
biết trả lời ông cụ ra sao. Giữa lúc hoảng hốt, tôi đưa mắt về phía hai người
đàn bà và lại bắt gặp cử chỉ cầu xin của họ. Thế là tôi tự trấn tĩnh và đóng
vai mà họ giao phó cho tôi.
- A!- Tôi kêu lên. - một phiên bản tuyệt vời!
Gương mặt ông cụ lập tức bừng sáng :
- Cái đó chưa đáng kể, - ông cụ đắc ý nói. - tôi phải cho
ông xem bức “U buồn” và bức “Say đắm”, một họa phẩm rực rỡ có một không hai. Coi
thử, ông có nhìn thấy cái nét tươi mát, cái sắc điệu nồng nàn và mặt cát hoàn
hảo hay không ?
Những ngón tay ông cụ lại lần theo những đường nét tưởng
tượng:
- Các nhà buôn tranh và các vị giám đốc bảo tàng ở Beclin cứ
mà vàng mắt mất thôi.
Ông cụ cứ thao thao bất tuyệt một cách đắc ý như vậy suốt
hai giờ liền.
Không, tôi không thể miêu tả với ông hiệu quả ma quái của
cái trò đem khoe hàng trăm tờ giấy lộn mà ông lão khốn khổ vẫn tưởng đâu là
những bức tranh thực mê ly, đến nỗi ông cụ miêu tả với tôi hết bức nọ đến bức
kia không chút ngập ngừng và không thiếu một chi tiết nhỏ. Bộ sưu tập vô hình
đã từ lâu tản mát khắp bốn phương trời, nhưng đối với ông lão mù lòa này, con
người bị lừa vì lòng trắc ẩn, nó vẫn còn nguyên vẹn. Cảm hứng do ảo tưởng của
ông cụ có cái gì dễ lây truyền khiến tôi cũng bắt đầu tin theo. Chỉ có một lần
thiếu chút nữa thì lòng tin chắc chắn của một người mộng du nơi ông phải lùi
bước: Cụ vừa mới khoe cái tinh vi của nét vẽ trên bức Angtiôpơ của Rămbrăng,
tác phẩm trước đây phải nói là vô giá. Đầu ngón tay nhạy cảm của cụ trìu mến
lần theo đường nét của bức vẽ mà xúc giác tinh tế nơi ông lại không cảm thấy
vết nhám trên giấy. Vầng trán ông cụ liền sa sầm, ông cụ lẩm bẩm giọng ngập
ngừng:
- Đây đúng là bức Angtiôpơ cơ mà?
Lập tức, trung thành với vai mình đang sắm, tôi cầm lấy tờ
giấy trong khung và bắt đầu hăng hái miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất
bức tranh khắc đồng mà bản thân tôi vẫn nhớ như in. Lúc này nét mặt ông lão
đang cau lại dãn hẳn ra. Tôi càng tán tụng kiệt tác đó thì những nét thô nhám
và tàn tạ trên khuôn mặt ông cụ càng rạng lên niềm chân thành tươi tắn và niềm
hoan hỉ sâu sắc.
- Thế là cuối cùng cũng được gặp người hiểu biết đấy chứ, -
ông cụ vừa nói vừa quay sang hai người đàn bà. - Rốt cuộc, cũng có người sành
sỏi xác nhận với mình những bức tranh này là vô giá. Các người cứ trách tôi mãi
là đã dốc hết tiền vào bộ sưu tập này. Tất nhiên là gay go rồi. Trong suốt sáu
mươi năm trời, không bia, không rượu, không hút thuốc, không du lịch, không xem
hát - chỉ có dành dụm cho bộ sưu tập! Nhưng rồi các người sẽ thấy: khi ta nằm
xuống các người sẽ giàu có, giàu nhất tỉnh này, giàu ngang với những nhà giàu
nhất ở Đretxđen. Lúc đó các người sẽ cảm tạ cái tính điên cuồng của ta. Chờ đến
lúc đó, chừng nào ta còn sống sẽ không một bức tranh nào được lọt ra khỏi nhà
này. Người ta mang ta đi trước rồi mới đến bộ sưu tập của ta.
Vừa nói bàn tay nặng nề của ông cụ vừa vuốt ve những tập
tranh trống trơn như vuốt ve một người thân yêu. Cảnh tượng kinh hãi và xúc
động! Trong suốt những năm chiến tranh buồn thảm, chưa bao giờ tôi thấy một
khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc lớn lao thuần khiết và trọn vẹn đến như vậy. Hai
người đàn bà đứng bên ông cụ, vẻ thán phục như những thánh nữ ngất ngây trước
mộ chúa phục sinh mà ta thường thấy trên những bức tranh in cổ. Niềm hạnh phúc
của ông lão rọi sáng khuôn mặt nhăn nheo của họ, những cặp mắt tươi vui của họ
nhòa lệ. Ông lão nghe những lời ca ngợi của tôi không biết chán. Ông không
ngừng lật giở từng trang, khao khát uống từng lời tôi nói. Sau cùng, khi họ cất
tập tranh giả mạo đi để bưng cà phê ra, tôi thở dài nhẹ nhõm. Còn ông cụ, niềm
hân hoan bồng bột dường như làm cho ông trẻ ra đến ba chục tuổi. Ông kể cho tôi
nghe nhiều giai thoại xung quanh việc mua tranh và những dịp may mắn của ông
cụ. Say sưa vì hạnh phúc, chốc chốc cụ lại đứng dậy để sờ soạng cầm lấy một
trong những bức tranh của mình. Cuối cùng, đến lúc tôi cáo từ, ông cụ hoảng
hốt, giận dỗi và dậm chân như đứa trẻ.
- Không được,- ông cụ nói với tôi. - ông mới chỉ được xem có
một nửa kho báu của tôi.
Ông cụ khăng khăng không chịu, hai người đàn bà phải khó
khăn lắm mới can ngăn được, nói để ông cụ hiểu rằng không thể giữ tôi lại lâu
hơn nữa, vì ở lâu thêm, tôi sẽ nhỡ chuyến tàu.
Sau một cuộc kháng cự tuyệt vọng, ông cụ đành để tôi đi và
nói với tôi bằng giọng hết sức xúc động. Cụ nắm lấy hai tay tôi, vuốt ve hai
cánh tay tôi bằng những ngón tay nhạy cảm của người mù như muốn biết rõ về tôi
hơn và muốn bày tỏ với tôi lòng yêu mến nhiều hơn mà lời nói chưa đủ.
- Cuộc viếng thăm của ông mang lại cho tôi niềm vui quá lớn
- ông cụ nói với giọng cảm động mà tôi không bao giờ quên được.- Được cùng với
một người sành sỏi duyệt lại những bức tranh yêu quý của mình, tôi thấy là một
nguồn an ủi quý báu. Nhưng ông cũng sẽ thấy, ông đến nhà một kẻ mù lòa khốn khổ
không đến nỗi mất công toi. Tôi xin hứa với ông như vậy. Có bà nhà tôi đây làm
chứng, tôi sẽ thêm vào chúc thư của tôi một khoản ủy quyền cho hãng buôn của
ông sẽ đứng ra bán đấu giá bộ sưu tập của tôi. Chính hãng của ông được danh dự
quản lý cái kho tàng chưa ai biết tới này cho tới ngày chúng sẽ tản mát đi khắp
nơi. Xin ông hứa với tôi mỗi một điều là ông sẽ làm cho tôi một bảng mục lục
thực đẹp. Nó sẽ là tấm bia mộ của tôi, tôi chẳng mong muốn gì khác.
Tôi nhìn bà vợ và chị con gái ông cụ. Họ đứng nép chặt vào
nhau. Thỉnh thoảng, cả hai cùng rùng mình như thể họ gắn liền thành một cơ thể
đang run rẩy. Còn tôi, một nỗi xúc động huyền diệu khiến lòng tôi thắt lại khi
ông lão tội nghiệp, không một chút ngờ vực, giao phó cho tôi việc bán một bộ
sưu tập đã bay biến từ lâu. Cảm động, tôi hứa với ông cụ điều mà không bao giờ
tôi thực hiện được. Cặp mắt đã tắt ngấm của ông cụ lại rạng lên. Những ngón tay
ông cụ ve vuốt ép chặt tay tôi khiến tôi cảm thấy đó là tất cả linh hồn ông lão
đã phó thác cho tôi.
Hai người đàn bà tiễn tôi ra tận cửa. Họ không dám nói gì
với tôi. Đôi tai thính nhậy của ông lão có thể nghe thấy cả những tiếng thì
thào rất nhỏ. Nhưng những cặp mắt ngấn lệ của họ biểu lộ với tôi lòng biết ơn.
Tôi xuống cầu thang bước lảo đảo như đi trong giấc mơ. Thâm
tâm, tôi hổ thẹn. Tôi đã đến nhà mấy người nghèo khổ này như một thiên thần
trong chuyện thần tiên. Tôi đã đem lại ánh sáng cho một người mù trong hai
tiếng đồng hồ bằng cách chủ tâm nói dối và tôi đã góp phần vào sự gian trá một
cách thành kính. Thực ra, tôi đến với ý đồ dùng mưu mua cho được vài bức tranh
hiếm và quý. Nhưng cái tôi mang về được là cái này còn quý giá hơn nhiều: cái
kỷ niệm về một tấm nhiệt tình sống động và thuần khiết, về một niềm hoan lạc
tinh thần ngây ngất dành trọn vẹn cho nghệ thuật mà đã từ lâu người đời như
không còn biết tới. Một niềm tôn kính sâu xa tràn ngập trái tim tôi. Tuy nhiên,
tôi vẫn cảm thấy xấu hổ mà thực tình chẳng biết vì sao.
Ra tới đường phố, tôi nghe tiếng cửa sổ bật mở tung ra và có
tiếng gọi tên tôi. Ông cụ cố nhìn rõi theo tôi bằng cặp mắt mù. Ông nhoài người
quá mức ra phía trước đến nỗi hai người đàn bà phái níu đỡ lấy ông. Ông cụ vẫy
mù xoa và kêu lên với tôi bằng giọng trong trẻo tươi vui của một đứa trẻ: “Lên
đường may mắn nhé!”.
Không bao giờ tôi quên được niềm hân hoan của con người ấy.
Từ khung cửa sổ ông nhìn xuống đầu các khách qua đường đang bận rộn và đầy lo
âu. Một thứ ảo giác đẹp đẽ giống như một đám mây mờ đã ngăn cách ông với thế
giới thực tại cùng những xấu xa ô nhục của nó. Và tôi nhớ tới câu nói chí lý -
hình như là của Gớt – “Những nhà sưu tập là những con người sung sướng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét