Chương 4 - Ba nhân
vật
Tôi đang nằm nghĩ vớ vẩn về sự dùng mười đồng bạc vừa hưởng
được trong khi làm cái phận sự ngồi cản ở phố Hàng Giò. Chưa biết rằng nên để
số tiền ấy tiêu vào việc gì! Để thù tạc mấy anh em trong làng b... cho sự giao
thiệp được rộng thêm hay là nhờ một người bạn thân của mình lấy số tiền này làm
vốn để đóng thêm một vài mòng cho mình khỏi mang tiếng với ông ấm B... là đồ vô
tích sự? Giữa lúc ấy, bác Vũ đẩy cửa bước vào. Tối hôm nay, bác đã cất kĩ cái
áo tây vàng và đóng một bộ quần áo chú rể: khăn nhiễu, áo đoạn (1), giày ban.
Cách trang sức ấy đã chuộc được cho bác ta cái vẻ một dân thầy và gây cho tôi
cái cảm tưởng như không phải mình gặp gỡ một tay bịp nữa. Ngồi chửa được hai
phút, bác đã ân cần mời tôi đến chơi nhà bác ta. Tôi nhận lời, cùng bác ra đi,
lên xe.
Lần này, tôi đã khỏi bận tâm trong khi lại ngồi chung xe với
bác Vũ, không còn lo đến sự bất thình lình gặp phải một vài người quen, họ sẽ
gật đầu đáp cái chào của mình rồi nhìn theo mình bằng con mắt soi mói như lần
thứ nhất đến phố Hàng Giò. Lần ấy, tôi không hiểu rằng mấy người kia đã làm lạ
là vì tại họ thấy tôi, một người không hề tạp giao mà lại đi ngồi chung với một
cánh “trếch”, hay là tại bác Vũ, một tay bịp lũa đến nỗi đã nhiều người rõ mặt,
thuộc tên.
- Anh ngồi lùi về đằng sau cho họ kéo được dễ.
Mới hôm qua, lúc ông ấm B... ghép chúng tôi làm “đồng chí”,
thoạt đầu nói với tôi, kí Vũ còn ra vẻ kính cẩn, thỉnh thoảng lại “thưa ông...”
với “bẩm ngài...”. Sau lúc đã xúm vào cùng nhau “làm gỏi” ông lão chú họ bồi An
trở đi, kí Vũ đã gọi tôi: “Này bác !...”. Đến hôm nay bác ta hạ ngay tôi xuống
bực nữa là anh rồi!
Tôi đã ngoạm phải chục bạc rồi, còn ai cần giữ gìn với tôi?
Kể ra, gọi thế cũng tiện, sự xưng hô đó chẳng những không
làm tôi phật ý mà còn cho tôi được dịp biết thêm rằng : những người đã cùng
nhau tham mưu chung một việc gì thì dễ thân nhau lắm. Nhất là khi nào mưu tính
những việc có tính cách... phi pháp như chúng tôi đây, bọn đồng nghiệp lại càng
được thể dễ suồng sã với nhau.
* * *
- Ông nào đến chơi thế con?
Sau lời chào kính cẩn của tôi, bà cụ đầu tóc rũ rượi nằm
cạnh một bát thuốc ở trong màn với tay vén màn ra, gượng cười mà chào lại tôi
rồi quay sang hỏi anh Vũ thế. Anh ta vội ra hiệu cho tôi đừng nói gì cả, rồi
đáp lại mẹ rằng:
- Thưa đẻ, đây là ông kí làm cùng buồng giấy với con. Chính
ông đã cho con vay tiền để mua cao cho đẻ đấy.
Trước sự bất ngờ đến bậc này, tôi chỉ biết đứng im như tượng
gỗ, không còn biết nói năng sao. Bà cụ giở một cái gối để ngay đầu giường, lẩy
bánh cao ra ngắm nghía, rồi vừa thở vừa nói rằng:
- Xin cảm ơn ông lắm! Rõ quý hoá bụng ông quá, em nó thật
tốt số lắm mới gặp được ông. Thôi thì ông nên hết sức trông nom che chở cho em
nó hộ tôi để chúng tôi chịu ơn ông một thể...
Tôi đành phải lựa lời nói dối bà cụ:
- Được ạ, bác ấy đã vào làm với con thì cụ cứ yên lòng.
- Mời bác ra ngồi chơi với em... Đặt ấm nước đi con !
Chúng tôi kéo nhau ra ngồi tận đầu phòng đằng kia để bà cụ
được tĩnh. Anh Vũ đăm đăm đôi mắt nhìn tôi một cách cảm động rồi kể lể cái đoạn
đời “chẳng ra gì” của anh.
Đó là một người trong số nghìn vạn người bị kinh tế làm
thành ra thất nghiệp.
Có một khối óc minh mẫn, có hai cánh tay ưa hoạt động, anh
ta nay lâm phải cảnh mà ở trong đó, anh mới tỉnh ngộ ra rằng những câu luân lí:
“Sinh ra làm người, ai cũng cỏ bổn phận làm việc”, đối với cuộc đời đã thành ra
rất vô nghĩa lí, đến nỗi không có lấy một chút giá trị tương đương. Giữa lúc
“ưu nhàn bất đắc dĩ”, giữa lúc phải lo tiền thuốc cho mẹ ngoài các việc phải
chạy gạo từng bữa nữa, anh ta may gặp được ông ấm B... truyền ngón cho để mưu
sự sống tạm. Nay, gần thuộc nghề, đã có thể chạy được cả tiền mua cao cho mẹ,
anh ta chỉ còn phải lo sao cho mẹ được vững dạ rằng con “đã có việc làm”.
Cái lòng hiếu của anh ta đã làm cho anh ta hoá ra mạo hiểm?
Đây, anh nói:
- Tôi còn mẹ già mà anh thấy đó. Mẹ tôi chỉ có một mình tôi,
goá chồng từ khi tôi còn bú, mà ở vậy được nuôi tôi, không phải là ít công ít
của! Nhưng tôi chưa làm nổi một việc gì để báo đáp... Tôi đã nghĩ thiên phương
bách kế mà không tính được nước gì nên cùng đồ, phải muối mặt theo nghề này...
Tuy vậy, tôi cũng còn may chỉ phải cờ gian bạc lận thôi, chứ giá phải trộm,
cướp, giết người mới có cách nuôi sống mẹ tôi, có lẽ tôi cũng đến phải làm cả!
Anh tưởng hễ là con bạc bịp thì không ai có mẹ nữa à?
Đến đây anh Vũ mới chuyển cái giọng căm khổ sang một giọng
khác:
- Hôm nay tôi đã khoan khoái một chút. Sự ứng đối có ý thức
của anh lúc nãy đã có thể... cứu sống được mẹ tôi. Còn việc tôi đã làm cho anh
phải ép lòng đóng kịch trong giây lát, xin anh tha lỗi vậy...
Rồi anh cười vui.
Nghĩ cái đời anh rõ đáng phàn nàn và cũng đáng thương!
Những phương tiện của anh Vũ trong nghề cờ gian bạc lận tôi
đã nói rõ, tôi chỉ còn muốn biết quan niệm của anh ta về Cả Ủn với ấm B... Tôi
phiền anh ta cho biết tường tận cuộc đời kì lạ với những thủ đoạn của hai người
này...
Nghĩ một lúc, anh Vũ nói:
- Ta hãy tưởng tượng đến cái thời mà bọn Ba Sống, Hai Tôm...
* * *
Vào thời ấy Ba Sống, Hai Tôm là hai nhân vật quan trọng của
xã hội. Ngoài việc làm cho “đồng tiền được lưu thông trong xứ”, họ còn làm cho
bọn tổng lí “đánh mất” tiền thuế bị cách, đám viên chức thụt két bị tù... Ấy là
chưa kể rằng những việc của những người trên này còn đẻ sinh đôi, sinh ba ra
bao nhiêu công việc cho nhiều người khác nữa.
Một ông trùm trong hai ông này cũng đã có dưới quyền sai
phái đến non trăm tên tạ với hai bác tài. Bác tài nghĩa là... bác tài. Còn tạ
là những anh đầu trâu, mặt ngựa, chuyên môn đi đón khách cho sòng, hạng người
hai, ba lá mặt, đang mời chào ân cần đấy mà có thể giở giọng thô bỉ ngay đấy,
vừa đóng những vai đầy tớ dễ bảo lại vừa là du côn. Chúng vẫn cúi đầu mở cửa xe
hơi cho bọn khách cờ bạc mà chủ chúng đã đi lôi kéo ở các tỉnh xa về Hà Thành
hoặc vẫn vây quanh lấy những xe tay đón mọi người vào trong “lưới nhện” của
chúng.
Có đứa chỉ dắt khách để cho khách gỡ lấy cái chết rồi bằng
vào số tiền của khách thua mà ăn phần; cũng có đứa ăn lương ngày, lương tháng
nữa. Chúng đã giúp hai ông trùm để làm cho xã hội “có việc” nghĩa là giúp trùm
ngày ngày phá đổ một toà nhà này để xây dựng toà nhà kia.
Trong bọn tạ của Ba Sống, Hai Tôm có một chú Tàu lai trông
người rất phúc hậu. Vì lấy vợ An Nam và không bao giờ nói nửa câu tiếng Tàu,
đồng bào ta tưởng chú cũng là đồng bào. Có một mụ hàng cơm ở xế cửa nhà cũ vẫn
gọi tâng chú là ông phán. “Ông phán” này cả ngày chỉ ngồi đếm ô mai cho vợ
trong một cửa hiệu bán đồ vặt rộng không hơn cái lỗ mũi ở phố Cầu Gỗ chứ không
từng sớm vác ô đi, tối vác về bao giờ. Nếu mụ hàng cơm thấy trong đám khách nhà
mình có kẻ nào có máu mặt một tí là mụ đem ngay mồi đỏ đen ra dử, bảo khách:
“Các ông tiêu khiển một lúc cho qua thì giờ” và bảo thằng nhỏ: “Mày sang trước
cửa mời “ông phán” sang chơi”. Từ cuộc cò con đến cuộc đi gỡ sòng, đối với hạng
khéo mơn, không có gì là khó
Hai người chỉ có việc thế mà tháng tháng nhận được hàng cọc
tiền lớn của Ba Sống và Hai Tôm.
Hai năm sau, chú Tàu lai có một nóc nhà. Năm sau nữa, chú có
hai nóc nhà. Bây giờ, con trai chú vẫn cưỡi xe đạp luých sơn màu cánh gián đi
học “lít-xê”. Vợ chú thì đậm đà ra, trông như một bà lớn mà chú cũng thành một
ông phú hộ Việt Nam
.
Chú tên là Cả Ủn.
Lúc “người giữ cái két lớn nhất của làng b...” còn là một
anh tạ, có một cậu ấm sống sót bằng sự đã tìm nổi cách trừ khử những “cái đáng
nơm nớp lo ngại là cái đỏ, cái đen trong sự bạc bài”. Cậu ấm vẫn tìm một con
đường tự lập mà mãi không xong vì chẳng mấy khi có thiếc. Vì thế, cậu phải chạy
đến nhà Cả Ủn vay lãi hoặc đem mòng đến đó bắt cho tiện. Nhưng cậu tuy mất công
xông pha trên trận tiền mà thường chỉ được nhận có một phần tư số tiền của bọn
quých thua. Vì Cả Ủn ngồi vào cản đỡ mất một phần, rồi lại con hắn đứng hầu
quanh đám bạc, rót nước, chia lại bài cũng hưởng một phần thứ ba nữa. Công lao
của cậu ấm kia thực là công cốc!
Cậu ấm tuy có cái tật tiêu tiền như phá nhưng cũng có đức
khác: thấy trong bọn anh em có ai túng bấn là lôi ngay vào bàn làm tạ để có một
cớ giúp anh em. Trong sự đánh bạc, vì mải để người khác hưởng, cậu chẳng ăn
thua gì, dù vẫn nổi danh là tay “thánh”. Nổi danh là gì thì đáng mừng chứ nổi
danh là cờ bạc bịp thì chỉ có chết, cậu ấm đến lúc lên cái địa vị có người gọi
là ông hoặc là cụ, thành thử phải ngồi bó tay một chỗ, đành giữ cái chức cố vấn
nhường cho bọn đồ đệ chiến trường. Sau nửa đời người hết cách xoay, đến nay,
vẫn chỉ xơ như nhộng.
Cậu ấm đó bây giờ là ông ấm B...
Cả Ủn với ấm B... hai người “cầm cân nảy mực” cho đảng bạc
bịp ở Hà Thành, đối với người ngoại cuộc tuy được coi như hai cánh tay cùng một
thân thể thật nhưng một kẻ trở nên giàu, một anh vẫn kiết xác, thì chỉ một lẽ
xưa kia hai bên đã cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, lăn lóc trong một nghề, chẳng đủ
lấp nổi cái hố giữa hai bên.
Chung quy, hai ngọn núi cao vẫn cách bức nhau bằng một vực
thẳm.
* * *
- Con ơi, con cắt thêm cho đẻ mấy miếng cao !
Lời bà cụ truyền ra, anh Vũ cũng vừa xong câu chuyện. Anh đã
thuật chuyện người khác, thế đối với tôi đã là đủ, anh chẳng cần phải nói thêm
về chuyện anh.
Hôm nay, tôi được biết ba người. Ba người có thể tiêu biểu
cho cái tinh thần của làng bịp.
Tôi rất vui lòng khi thấy anh Vũ cầm một đĩa cao đầy dâng
mẹ, nhưng cũng không khỏi ngẫm nghĩ đến nỗi không có thuốc của người con giai
lão già thua bạc ở nhà bồi An. Muốn dò hỏi đến tận đáy lòng một người tri kỉ
mai sau của tôi, tôi đánh bạo hỏi Vũ câu này:
- Anh có hối hận vì chúng mình đã cướp tiền thuốc của con
giai người, đem về tiêu xa xỉ và săn sóc cho người nhà mình không?
Thì ra anh Vũ đã hiểu được tôi rồi. Vì anh không tỏ ý giận
chút nào, chỉ thản nhiên vặn lại tôi:
- Thế ngộ chúng mình đã thua nó?
--------------------------------
Chú thích
1- Một thứ hàng tơ mặc óng ánh khá đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét