Chương 3 - Đố anh nào
bịt mắt được tôi
Trên tường bên kia, cái bàn thờ Thổ công có một chiếc cốc
pha lê đã rạn thay bằng bát nhang với hai cái đài mà nước sơn đã lở làm bưng
mảnh ván choèn choèn kê lên hai cái xích đông gỗ tạp. Dưới bàn thờ là một bức
tranh về xứ Pháp, phô hình một viên tướng cười ngựa bạch trên một chỏm núi, cầm
viễn kính chiếu xuống đồng bằng, một cảnh đồng bằng có hàng bao nhiêu binh mã,
như một đàn kiến lửa chen chúc nhau trong những lúc tranh nhau đi tha mồi. Bức
tranh lồng trong một cái khung sơn kim nhũ trông đã hơi cổ và đã có chỗ bị sứt,
để lộ cả thớ gỗ. Giáp ngay với bàn thờ, có một bó chừng sáu xóc tôm khô treo
ngay bên cạnh một bộ quần áo bi-da-ma kiểu cuối cùng của hãng Lafayette (1). Lại cách bức tranh và bàn thờ,
có thể lấy tay với ngay được, lù lù một tấm ghế ngựa mà dưới gầm có một đôi
giày da láng mũi liền, kiểu Richelieu (2), rộng như hai chiếc thuyền thúng bỏ
quăng bên cạnh một chiếc chổi xể cùn!
Gian phòng tuy chật hẹp mà ních đầy đồ đạc, cái sang cái hèn
lẫn lộn một cách chướng mắt vô cùng này là gian phòng của một người trong làng
trếch.
- Xin mời ông xơi tạm chén nước.
- Vâng, xin phép ông.
Người trân trọng lấy hai tay bưng chén nước mời tôi uổng,
bác bồi An, chủ nhân gian phòng có cái bài trí kì lạ kể trên, thân thể tuy
trông đẫy đà nhưng không đến nỗi thô cho lắm vì được ẩn trong bộ quần áo bảnh
bao. Đôi lông mày rậm rạp nằm trên cặp mắt như hai chiếc đòn khiêng. Hai hàm
răng trắng nõn như ngà. Bác đã cung kính trao cho tôi cái chén Nhật Bản to bằng
cái bát ăn cơm, đầy nước chè Tàu mà tôi chỉ cầm lên, đặt xuống. Cái chén ấy hầu
như chưa được ông chủ tắm cho lần nào, dễ đến mấy tháng nay...
- Kìa, mời ông xơi nước kẻo nguội.
Câu mời thứ hai này chẳng đủ phá nổi cái im lặng rất khó
chịu, vì ngoài sự chào hỏi ra, chúng tôi chẳng còn biết nói với nhau chuyện gì.
Rõ ngộ!
Tôi sở dĩ gặp chuyện này là vì đã nể lời ông ấm B... khi ông
nhờ tôi đi hộ vệ đòn Vân Nam
cho đàn em của ông, tại phố Hàng Giò.
Độc giả chắc còn nhớ đến người trẻ tuổi ăn mặc ra phái bồi
bếp đến toà nhà ở phố Hàng Cá xin “quân sư” phái cho một người cản, mới trưa
hôm nay người ấy định bắt mòng trong một canh xì bằng lối đánh giác, nhưng vì
mòng của anh ta chưa đến nỗi quých lắm, đã biết cả lối giác mùi lẫn giác bóng
nên anh ta mới phải cầu cứu đến cái đòn Vân Nam là kế cuối cùng.
Dưới quyền ông ấm B... không còn một tay sai nào nghỉ việc
vào ngày 30 tháng ấy. Anh Ba Mỹ Ký đã được phái đi đánh ở phố Hàng Kèn, ông
quân sư mới phải cho phép đàn em hãy còn “non tay” của ông giở đến ngón đòn
hiểm độc hơn cả. Thiểu người ngồi cản nhưng may lại vớ được chúng tôi sẵn đấy,
sau khi ông Cả Ủn đi rồi, ông ấm bèn tiện việc, ngỏ ỷ tức khắc muốn nhờ một
người, hoặc tôi hoặc anh Vân. Anh Vân vì có buổi hẹn với mẻng của anh đúng 6
giờ chiều hôm ẩy, đã từ chối, tôi mới phải nhận lởi. Vì một sự tình cờ, bắt đầu
từ ngày hôm nay, tôi đã thành một tay thợ tập sự trong một xưởng máy của nền
“kĩ nghệ bạc bịp”!
Xin thuật lại những câu hỏi, đáp, dặn bảo nó đã ngẫu nhiên
khiến ông ấm B... vô tình giảng ngay cho tôi bài học thứ nhất, quên hẳn nền nếp
của pho “Bịp Kinh”, chưa kịp: “Dạy rằng con lạy mẹ đây” mà đã vội “Này con
thuộc lấy làm lòng...”
- Thế có thật là ông biết đánh xì không?
- Nếu không thì đời nào nhận lời giúp cụ.
- Thế thì may lắm, ông đi hộ vệ hắn giúp tôi là tôi được
vững tâm rồi. Trông ông có vẻ thực thà và sang trọng thế này, không còn ai dám
ngờ vực gì nữa. Ông sẽ đi với nhà cậu đến xin người cản lúc nãy, tên hắn là Vũ,
để hắn đánh đòn Vân Nam
. Nguyên con mòng kia đã biết cái lối giác mất rồi thì ta phải đánh đến cái
“miếng ngoại quốc” cho nó mất đỡ... Đánh giác có nghĩa là đánh tráo bài có dấu.
Còn đánh đòn Vân Nam
là đánh tráo bài. Nói thế ông đừng tưởng là lại tráo một cỗ bài có dấu sẵn khác
vào bàn đâu. Vũ hắn sẽ có một vài cỗ bài đã xếp sẵn cho thành nước để trong
túi, không có một tí ti dấu vết gì cả. Ngồi vào cuộc, ông nên nghe hắn đưa mắt
bảo nên ngồi đâu để cản trở cho dễ, cái đó còn tuỳ... Mới vào đầu hãy cử đánh
siệng, nghĩa là đánh thật thà đã. Ông rất nên để ý vào lúc hắn khịt mũi hoặc
uống ngụm nước súc miệng là lúc sắp đánh tráo bài. Hắn tuy vẫn ngồi xếp bằng
tròn, nhưng bàn chân gấp vào dưới đầu gối vẫn có mẩy ngón cặp lấy cỗ bài đã
chuồn ở trong túi ra từ lúc nào không biết, phục sẵn... chờ khi khịt mũi xong,
tay cầm cỗ bài ở đĩa lên chang đi chang lại thật kĩ rồi, hắn uốn mình chống cái
tay có cỗ bài ra đằng sau đùi để khạc, nhổ một cái rồi ngồi quay ngay lại để
chia cho làng, là ông phải tìm cách vơ ngay cỗ bài dưới đầu gối hắn cho nhanh
để giấu vào địa phận của ông vì... hắn đã đánh tráo rồi đấy! Nhưng khi hắn chưa
kịp tráo, nghĩa là giữa lúc hắn quay lại đằng sau định nhổ, khạc thì muốn cho
cả làng không ai để ý, không ai trông thấy, ông phải bò nhoài ra trước mặt hắn
để với lấy hoặc bao diêm, hoặc cái điếu ở bên kia đi, phía trước mặt ông. Thế
là hắn đã đánh xong cái đòn Vân Nam
mà ông cũng trọn bổn phận tên lính cản. Đây này, tôi ra hiệu cho ông thấy rõ...
thế này đã hiểu chưa?
- Vâng, hiểu lắm rồi.
- Phải, có gì mà chả hiểu !... Đây, ông cầm lấy thiếc, ấy
chết, khỉ quá! Tôi cứ nhầm ông là “bịp lũa” rồi.
- Thế “thiếc”, là cái gì?
Ông ấm móc ví đưa cho tôi ba cái giấy bạc năm đồng, cười mà
rằng:
- Thiếc là cái này!
- Sao gọi là thiếc?
- Vì nó là cái “mô tách ních” (3) của làng b... Thể tôi thử
hỏi ông: người thợ có sẵn lò, sẵn mỏ hàn, sẵn axit đấy nhưng không có nổi mẩu
thiếc thì còn hàn nổi đồ đạc gì cho ai?
“Thiếc”, chữ ấy ngoài những nghĩa đã có của nó, còn là tiền
lưng vốn của bọn cờ bạc bịp, - tôi xin các nhà học giả nước ta để ý đến chữ ấy
để chua thêm nghĩa cho nó, trong bộ Việt Nam tự điển sẽ xuất bản đủ bộ sau
nay.
- Xin mời ngài xơi thuốc.
Tôi đã ngồi cùng xe với bác kí Vũ - hay là bác bồi Vũ - đến
toà nhà Tây ở phố Hàng Giò, rón rén bước qua cái sân rộng rồi lẻn vào ngồi
trong căn phòng của người bồi ông chủ toà nhà ấy.
Bác kí Vũ đã giới thiệu tôi là quan tham với bác bồi An, chủ
cái phòng này, trước mặt một ông đã đứng tuổi, nửa tỉnh nửa quê, chú họ bác bồi
An, rồi bác lôi ngay con mòng ấy đi xe lên tận Hàng Ngang mua một cỗ xì mới.
Lúc tôi để chân vào căn phòng này, cái đồng hồ trên bàn phô
ra đôi kim kéo một vạch thẳng từ trên trời xuống đất. Đến lúc bác bồi An mời
tôi xơi thuốc, trước sau đã được nửa giờ. Trong nửa giờ, ngoài sự mời nước, mời
thuốc, chúng tôi chỉ mong vào tiếng tí tách của cái đồng hồ phá hộ cái không
khí im lặng, khó chịu, nặng nề mà không thấy ăn thua.
Vả lại ích gì mà chuyện. Đã “biết rõ” nhau như chúng tôi
rồi, tưởng chẳng cần nói gì là hơn. Tôi đến đây, ngoài việc đánh bạc còn có
việc gì, bác bồi An đã thừa biết. Mà sao tình của bác đối với ông chú họ bác nó
ra sao, nhờ kí Vũ, tôi cũng đã rõ cả rồi. “Tri kỉ” gặp nhau, không cần nói,
cũng đủ hiểu nhau...
Kim đồng hồ cứ việc chạy với thời gian.
Sau cùng, đó là bác An phải tự phá cái vẻ ngượng kín đáo, im
lặng giữa hai chủng tôi:
- Gớm! Từ đây lên phổ Hàng Ngang mà các ông ấy đi lâu thế!
Thưa ông, thế chốc nữa ngồi vào cuộc, hai ông sẽ làm ăn như thế nào?
- Thế ông Vũ chưa dặn ông ư?
- Mới dặn qua loa thôi! Dặn rằng tôi cử việc ngồi đánh như
thường, đừng có tò mò để ý đến bác ta quá mà ông cụ biết thì lộ. Với lại, xem ý
lúc nào bác Vũ khai chiến nặng dùi với ông cụ thì tôi nên bỏ dở, mặc cho hai
người họ tố với nhau.
- Thế là đủ rồi
- Tôi không cần... thi thố gì nữa?
- Cái thi thố, ông cứ để mặc về phần chúng tôi. Nhưng ông cụ
ấy đã là tay thạo trong làng chơi chưa thì ông cho tôi biết rõ.
- Cái thạo thì chắc cũng có thạo vì ông cụ ấy đã... bán mất
ngót chục mẫu ruộng vì đánh bạc rồi. Ông cụ ấy là một ông chú họ tôi, trước kia
được nhờ vả thầy tôi nhiều lắm, từ khi khá giả lại vô ơn, đã không cưu mang lại
còn rỉa cả đến cháu thì... ông ấy đã muốn chết cho ông ấy chết chứ... tôi cần
gì.
- Thế ông cụ có sộp không?
- Trong lưng giắt đến ba, bốn chục bạc từ Phủ Lý ra đây định
cân sâm cho con giai đang ốm thập tử nhất sinh đấy... Đi cân thuốc cho con mà
thế đấy! Nằm chờ ăn chực đã ba hôm ở đây để đợi đánh xì ! Ông bảo thế không
thịt thì có dại không? Mình không xơi thì cũng đến lượt chán vạn những thằng
khác chúng nỏ cũng xơi !...
Chỉ nghe cái giọng ấy, tôi đủ lượng nổi lòng bác An căm tức
ông chú họ đến thế nào rồi.
Nếu những lởi bác An vừa nói mà đúng sự thực thì lòng căm
hờn kia cũng chính đáng lắm. Chúng tôi gặp được bác An ở gian phòng này cũng
như là những đạo binh của Nhật hoàng sang Mãn Châu mà gặp được phế đế Phổ Nghi
(4). Có “nội công”, hẳn là chúng tôi dễ thành việc.
* * *
- Đây là cỗ bài mới do chủng tôi vừa mới đi mua ở phố Hàng
Ngang về. Bài mới nguyên, các ngài không sợ dấu vết gì nữa!
Người nói câu ấy không là con chim mồi Vũ, nhưng lại chính
là con mòng, ông chú họ bác An.
Ông ta nói xong liền xé lần giấy bóng bọc cỗ bài, để cỗ bài
vào đĩa. Ông cầm đĩa giơ vào giữa mặt mọi người phân bua một lần nữa, rồi,
chẳng nén nổi những sự thâu lượm được trong khi lăn lóc ở trường đổ bác, ông
lại còn dạy chúng tôi, “làm phúc” cho chúng tôi biết được những lối đánh xì
gian lận giác bóng và giác mùi.
- Đây này, các ông trông những đường hoa xanh thẫm in trên
lưng quân bài màu xanh nhợt. Những tay cờ bạc bịp, muốn đánh dấu bài, họ sẽ
dùng một cái bút chì xanh tô cho nhữg đường hoa đạm nét thêm một ít, tuỳ theo
những quân: tây, đầm, trếch, hoặc sập, cẩu, bạt, thất, xì... Mỗi hàng có dấu
riêng, hoặc vào góc quân bài, hoặc vào giữa, hoặc xế xế vào một bên, hoặc một
vết dài dọc, hoặc một vết ngắn ngang, hoặc đám rêu vuông, hoặc đám rêu hình mặt
trăng lưỡi liềm! Tô chì xong, họ lại lấy phấn trắng mà xoa lên trên quân bài
cho dấu nhạt đi để khỏi có người nhận thấy. Họ làm như thế có nghĩa là giác
mùi. Còn lối giác bóng nữa, lối này mới thật nguy hiểm hơn. Đáng lẽ dùng bút
chì, họ lại dùng lòng trắng trứng gà pha với phèn chua kia! Họ lấy bút ta mới,
chấm vào thứ nước hoá học ấy rồi tô vào lưng quân bài. Dưới ánh sáng đèn, lưng
quân bài sẽ để ta hơi thấy những chấm sáng bóng. Ác nhất là khi tay bịp rút thì
chỉ tay bịp mới thấy bóng, chứ xoay đĩa đi thì làng đố người nào mà nhận được
ra! Muốn khám phá cho ra, thì phải để nghiêng quân bài, chứ để thẳng vào mắt
mình thì vạn kiếp mình cũng không biết được. Nhưng đối với tôi thì đừng ông nào
giở ngón này nọ... Tôi đã thạo quá đi mất rồi! Đố anh nào bịt mắt được tôi!
Ông nửa quê nửa tỉnh nói đến đấy, vênh vênh cái mặt, ra vẻ
khinh đời. Kí Vũ, bồi An và tôi, cả ba đã phải đóng những vai kịch dớ dẩn.
Rồi chúng tôi ngồi vào cuộc, nào láng, nào tố, nào cằn tố,
đánh với cái vẻ “ngậm miệng ăn tiền” của bồi An, đánh với cái “thực thà ngạt
mũi” của kí Vũ, đánh với cái “thực thà sang trọng” của tôi, đánh với cái “thạo
ra phết” của con mòng. Trong một giờ đồng hồ thua thua được được bất phân thắng
bại. Tôi mong mãi đến lúc kí Vũ uống nước, chống tay quay ra sau lưng súc
miệng, nhổ xuống thềm. Tôi thong thả bò nhoài ra:
- Bác An, đưa giùm tôi cái... điếu.
Rồi tôi vơ lấy cỗ bài đã thấy ở sau đùi kí Vũ, tay cầm sẵn
gói thuốc, làm như bỏ nó vào túi, khoan thai quệt diêm kéo điếu thuốc lào. Cỗ
bài đã chang thật kĩ trước khi mình nhổ nước rồi, quay lại, kí Vũ chỉ việc chia
tự nhiên. Lớp đầu, tôi được quân trếch, bồi An quân đầm, kí Vũ quân tây với ông
“thạo” quân xì. Dện quân sau lớp tây, tôi với bác An bỏ dở, mặc cho hai bên cắn
tố với nhau.
Trống ngực tôi thấy rung lên thình thình.
Mòng có bao nhiêu tiền đã quăng ra tố hết! Lát đến quân tây,
ông kia được ba xì, nhưng kí Vũ được những bốn tây! Kí Vũ ung dung vơ đống bạc
giấy tới ngót bốn mươi đồng.
Lần này thì đến lượt bác bồi An ngẫu nhiên bò nhoài ra:
- “Ông tham”, ném giùm tôi cái điếu.
* * *
Buổi sáng hôm sau, qua phố Hàng Lọng, tôi gặp bác An tiễn
chân ông chú của bác ra tàu. Ông chú bác An rũ rượi người ra như con chim bị
đạn. Tôi đi bên này đường nên không ai trông thấy, chờ đến khi bác ta từ ga trở
xuống, tôi mới lại gần...
- Kìa, ông tham!
- Vâng, tôi đang tìm ông, đưa ông chỗ này cho phải đạo.
Tôi đưa ra chục bạc. Bác An mừng cuống quít, vồ lẩy tập giấy
bạc mà rằng:
- Rõ khổ! Sáng hôm nay tôi chạy long cả tóc gáy mới vay nổi
đồng bạc cho ông lão về tàu. Xin cảm ơn ông.
- Ông lão sau có nói gì không?
- Chả nói gì cả. Ông ấy gặp cảnh cay như thế là sự rất
thường !
- Thế còn con giai ông ta?
- “Ốm no thì bò dậy” vậy... Thôi, chẳng qua là số nó chết,
nó có vô phúc thì mới sinh vào làm con lão ta !...
Một hồi còi tàu rúc lên vang giời, xen lẫn với nhừng tiếng
ánh xe nghiến trên đường sắt tưởng như lay chuyển cả phố Hàng Cỏ.
Tôi bắt tay bác An rồi gọi xe quay đi.
Nhân dịp này, tôi tình cờ được chục bạc “bổng”.
Nhưng khi nghĩ đến người con giai ốm kia phải có con sâm mới
mong qua khỏi, khi nghĩ đến ông bố vô lương tâm đang ngồi ở một toa trong
chuyến tàu vừa mở máy ấy, tôi không khỏi thấy trong mình khó chịu, hình như cũng
bốc hoả lên vậy, dù chẳng giống với toa xe phun khói lúc rời sân ga...
--------------
Chú thích
1- Hãng bán quần áo nổi tiếng ở Paris .
2- Giày gót thấp, có dây buộc.
3- Tiếng Pháp, mot technique nghĩa là từ chuyên môn, ngày
nay gọi là thuật ngữ.
4- Hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh, bị Cách mạng Tân
Hợi (1911) đánh đỗ về sau được Nhật dùng làm vua bù nhìn Mãn Châu quốc do Nhật
dựng lên ở đông bắc Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét