Tự do
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Buổi chiều hôm ấy, bà chủ vừa gãi đỏ cả hai
bàn chân vừa kêu: “Rõ khổ lắm! Nhiều muỗi quá thế này này!”. Ông chủ lập tức gọi
thằng xe lên.
- Mày bận những công việc gì mà ba bốn
tháng nay mày để cái vườn hoa cứ rậm như cái rừng ấy thôi! Rõ đốn quá đi mất!
- Bẩm con không thấy ông bà bảo gì cả... Đã
có hôm con toan lấy kéo ra sửa thì cô Thư lại mắng, bảo cứ để rậm thế cho đẹp!
- Cô ấy là trẻ con... cô ấy còn biết gì nữa!
Sáng sớm mai thì tao cho mày nghỉ ở nhà mà sửa sang lại cái vườn!
- Bẩm vâng.
Ông chủ vừa nói vừa đi ra hiên.
Ông nhìn ra vườn lại kêu:
- Thế kia, chả trách được lắm muỗi! Mày cứ
việc phạt cả đi cho tao một lượt, không tiếc cái gì cả. Hoa hồng, râm bụt, rào
găng, mày cứ cắt phăng đi một nửa. Còn lá sả thì mỗi khóm mày nhổ bớt một nửa
đi. Khi tao nói nhổ, nghĩa là lấy cuốc mà đánh, chứ đừng nhổ thật, đứt tay, chết!
*
Sáng sớm hôm sau, khi thằng xe một tay vác
cuốc, một tay xách cái kéo khổng lồ ra vườn, thì nó gặp cô Thư đã vác chiếc ghế
con ra định cùng ngồi dưới gốc cam. Lúc ấy, ông chủ và bà chủ đều chưa dậy.
Thằng xe bèn nạt nộ con gái chủ nhà như những
đầy tớ biết tự trọng khác, những khi vắng mặt chủ nhà:
- Đi vào! Đem ghế vào! Bảnh mắt ra đã ra vườn
làm gì cho vướng người ta!
Thư, cô bé mới 12 tuổi, không những không
giận thằng xe, lại chỉ mỉm cười một cách ngây thơ, trỏ tay lên một cành cây vải,
nói giọng khẩn khoản:
- Anh xe! Anh bắt con chuồn chuồn kia cho
tôi đi nhé!
Thằng xe vứt cuốc và kéo xuống đất, ngơ
ngác tìm con vật trong đám lá xanh. Khi thấy rồi, nó rón rén tiến đến chỗ ấy, từ
từ đưa tay ra... nhưng con chuồn chuồn vụt bay đi một cách ranh mãnh như là nhờ
có người muốn bắt mình thì mới bay vậy. Đâm ra bực mình, thằng xe lại gắt với
cô con gái chủ vô tội:
- Đi vào cho người ta sửa vườn.
Cô Thư phụng phịu gần khóc:
- Không, tôi không cho anh sửa vườn, nào
nào!
- Này, khóc thì tôi mách cậu cho đấy! Cậu bảo
thế chứ tôi tự nhiên muốn sửa làm gì!
Cô Thư đến đây khóc thật. Những hạt nước mắt
từ từ chảy ra long lanh như hạt trai. Giọng cô bé nức nở như của một người đau
đớn về một nỗi buồn tê tái. Động tâm, thằng xe tức khắc phải đổi giọng:
- Thôi, chị Thư nín đi nào! Nín đi rồi tôi
bắt cho một con cào cào có nhiều áo tân thời y như của mợ, áo tím, áo đỏ, áo
xanh! Thế cơ! Nín đi cho ngoan nhé!
Lời hứa ấy có một sức mạnh đủ khiến cô bé
không những nín bặt mà lại còn bắt đầu cười gượng nữa.
Thằng xe bèn nhìn cái vườn hoa một lượt xem
nên bắt đầu làm từ chỗ nào. Những cây lá sả đã mọc rậm rạp và cao như những cây
lau và nhảy bừa bãi ngoài cái trật tự của những luống. Những cành hồng lều nghều
vươn cành ra tứ phía như chỉ rình cào xước cổ những khách thăm vườn để họ nhớ rằng
hoa hồng nào cũng có gai. Những cỏ tóc tiên mọc hỗn loạn làm cho những bờ cỏ
không còn có vẻ gì là tóc tiên nữa. Những cây dâm bụt thì để hoa rụng xuống đất
úa ra ngả thành màu nâu, nhớp nháp như những vũng bùn lầy. Chung quanh vườn,
cái rào găng um tùm và bề bộn như một tụm găng vô chủ sống tự do trong rừng
sâu. Nhất là nó lại che tịt mít cả: khách đi ngoài đường không tài nào trông thấy
cái biệt thự xinh đẹp ở bên trong nữa!
Trước nhất, đứa đầy tớ sửa cái hàng rào.
Cô Thư chờ đợi mãi, đã vào nhà ăn quà sáng
và quên khuấy mất con cào cào có những bộ áo tân thời như của mợ.
*
Vào lúc nắng từ trên đỉnh đầu chiếu thẳng
xuống, thằng xe, trong khi cắt một cành găng rồi lẳng xuống bãi cỏ, nghe thấy một
hồi tiếng chim non kêu: “Chích chích chích chích!...”. Nó dừng tay nhìn rồi vội
từ trên cái thang gập nhảy bổ xuống, vồ lấy con chim lúc ấy đương sã hai cánh
trên một đám cỏ hoa. Nó sướng như một đứa trẻ thơ, vội chạy vào nhà, gọi to:
- Chị Thư ơi! Tôi bắt chim cho đây này!
Từ mấy đứa trẻ cho đến ông chủ và bà chủ, cả
một gia đình lúc ấy sướng bằng trúng số độc đắc. Người ta bỏ lửng bữa cơm. Người
ta xúm quanh thằng xe để nhìn con chim bị nắm trong một bàn tay thô bạo đương
thất thanh kêu như muốn nói: “Chết chết
chết chết!”.
Ông chủ nói to như tuyên bố một sự phát
minh:
- À! Chim chào mào đây mà!
Thằng xe để con chim xuống đất rồi đứng
khoanh tay như một nhà binh vừa mới có chiến công.
Quả vậy, đó là một con chào mào. Hai cánh
nó đã đủ lông tuy trước ngực thì sợi tơ trắng chưa đủ che kín mảng thịt đỏ hỏn;
đằng sau thì cái bọng vẫn còn nặng nề, to tướng, cái mỏ hình chữ V có hai màu
vàng dầy dặn ở hai bên. Tuy vậy, một rúm lông trên đỉnh đầu đã nhu nhú mọc lên
như một cái mào sổi. Bà chủ bĩu mồm nói:
- Thế mà bảo là chào mào! Nó là con chim
chìa vôi!
Thằng xe đáp ngay:
- Bẩm, chào mào hay chìa vôi cũng là nó!
Con chim non ngơ ngác nhìn quanh một cách sợ
hãi; hai cánh vẫy vẫy như muốn bay, nó vẫn kêu, nhưng lần này kêu khác lần trước...
Tri huy! Tri huy! Tri huy!... Nó như
muốn nói “chí nguy!” để kêu gọi bố mẹ. Rồi bất kỳ, nó bay bổng đánh vụt một cái
qua đầu cô Thư, thẳng ra lối cửa ở mái hiên. Cả nhà giật mình hồi hộp... Nhưng
con chim chưa đủ tư cách ấy chỉ bay đến bức tường con ở hàng hiên để đập ngực
vào đấy, rồi rơi xuống đất một cách đáng thương hại. Cô Thư chạy lon ton ra để
vồ... Con chim lại cất cánh bay, và lần này lái ra được vườn hoa để sa xuống một
gốc cam. Phải thằng xe chạy ra mới vồ nổi. “Chích
chích chích chích!...”, trong cái bàn tay thô bạo, con chim lại giẫy giụa
kêu thất thanh. Giữa lúc ấy, trên cành cam ở đỉnh đầu thằng xe cũng có chim kêu
choáng lên:
- Hồ
hồ ri íu! Hồ hồ ri íu!...
Kể về ngôn ngữ của “loài hai chân không
lông vũ” thì cái câu nói của loài có lông vũ ấy nó na ná cái hình thanh của một
câu văng tục vậy. Và hai con chim ở trên cành chính là bố mẹ con chim con.
Trông thấy con bố và con mẹ, thằng xe tinh
nghịch giơ con con ra. Hai con kia liệng bay xuống gần bàn tay nó như muốn tìm
cách đánh tháo cho con, hai cánh tuy đập đập nhưng toàn thân ở nguyên một chỗ
giữa không khí, như những lúc loài chim bói cá đứng ngắm cá trên mặt ao trước
khi văng mình xuống nước. Sau khi biết thật là không có cách nào, hai con bố mẹ
mới lại bay lên đậu ở cành cao. Hồ hồ ri
íu! Hồ hồ ri íu!... Đồ... đồ láo! Đồ láo!
Ông chủ nhìn vợ, hỏi:
- Ghê không? Gớm chưa?
Bà vợ đáp:
- Ấy tình mẫu tử của loài chim mà cũng đến
như vậy.
Ông chủ lại bảo xe:
- Chim non rơi thế này, ắt phải rơi cả tổ.
Mày ra xem chỗ ấy có còn cái gì nữa không. Tao chắc còn con nữa, vì bao giờ
loài chim cũng nở từng đôi một.
Đứa đầy tớ ra tìm kiếm trên bãi cỏ gần hàng
rào. Một lát sau nó đem vào một cái tổ chim, với một chú chim non lại còn non
hơn con trước, bé hơn, chưa biết kêu.
*
Cả nhà đều ngạc nhiên. Con chim trước lồng
lộn lên muốn bay đi như thế, mà vừa bị đặt vào tổ, đã nằm ngay xuống cạnh “đứa
em” - hoặc “đứa vợ”, vì loài chim không sợ loạn luân như loài người - một cách
vô tư lự, rồi, sau cùng, nhắm ngay mắt lại. Nó ngủ! Nó tưởng cái tổ của nó lúc ấy
vẫn như ở trên cành cây. Thư đưa tay đập khẽ vào vành tổ, tức thì cả hai con
vươn cổ lên để há mỏ ra như hai cái phễu.
Hai cái cổ mảnh dẻ lúc ấy lại bị phô ra đỏ
hỏn, trông như có thể đứt rất dễ, giữa hai làn lông măng còn tơ. Ông chủ lại
nói to:
- A! Nó đói! Đi bắt cho nó vài con châu chấu!
Bắt những con non ấy!
Thằng xe lại chạy ra vườn. Hai con chim mất
tổ lúc ấy ngơ ngác vì cảnh gia đình tan nát, cứ bay lại đậu gần mái hiên, chuyền
từ cành ổi sang cây cam, từ cây cam sang cây chanh. Hồ hồ ri íu! Hồ hồ ri íu! Đồ
láo! Trên đầu có cái mũ chào mào giống như hình cái chìa vôi, dưới đuôi có một
đám lông đỏ màu hoa lựu, đeo cái can đảm trắng xóa ở trước ngực, hai con chim vẫn
luôn mồm chửi rủa những người đã phá tổ và cướp con của chúng. Nó cũng đau đớn
đến bậc hóa ra táo tợn như loài người.
Thằng xe đem vào mấy con châu chấu. Ông chủ
bóp bẹp đầu con bọ, ngắt càng của nó rồi đập vào vành tổ cho hai con chào mào
vươn cổ lên. Ông mớm mồi cho hai con chim non mãi đến lúc chúng ăn no. Thư rất
sung sướng khi thấy bố cũng nuôi chim cho mình.
Bữa ấy, hai người nhớn đã sống lại một khoảnh
khắc của tuổi trẻ.
Nhưng mà, trò đời thế, sau cùng thì cái gì
người ta cũng có thể chán được.
Cho nên lúc chiều, khi Thư vào phòng yêu cầu
bố ra cho chim ăn, ông bố bèn lấy dây gai buộc cái tổ chim rồi treo lủng lẳng
dưới cành một cây ổi, ở vườn hoa. Ông bảo con gái:
- Để thế cho con bố, con mẹ nó mớm cho con
chúng nó.
*
Từ lúc cái tổ chim được treo ở cây ổi, vườn
hoa bắt đầu có một quang cảnh hoạt động, tới tấp... Đôi chào mào bay đi, bay về,
rộn rịp, săn sóc hai đứa con. Mỗi lần bay ở đâu xa về, một con (ý chừng là con
vợ, vì bé nhỏ hơn con kia) - lại có ở mỏ hoặc một con chuồn chuồn, hoặc một con
sâu xanh, hoặc một con bọ gì đó. Con chồng thường đứng đề phòng loài người để
báo những hiệu lệnh riêng cho con vợ, những khi con vợ mạo hiểm đến chỗ cái tổ
để mớm mồi cho hai con.
Lần đầu, chúng nó còn e sợ, bay liệng quanh
cái tổ như nghi hoặc loài người cạm bẫy gì chúng. Mấy cái dây gai lòng thòng
chung quanh nút buộc dưới tổ cũng đủ làm cho đôi chim ấy, trong nửa giờ đồng hồ,
chỉ dám mon men chung quanh chứ không dám quyết định đến đậu vào vành tổ để mớm
cho con. Mỗi khi con vợ sắp sà vào cái tổ rơm, con chồng lại chuyền hết cành
này sang cành nọ, cứ đập cánh vù vù kêu luôn mồm: Hồ hồ ri íu!... Nào! Nào! Khéo! Nào khéo!... Và, những khi nghe thấy
tiếng bố mẹ, hai con con lại vươn cao cái cổ đỏ hỏn và nhỏ như sợi sắp đứt, há
hốc mỏ, cũng kêu gào... Chiết chiết chiết
chiết!
Lúc ấy, cô Thư ngồi nghiêm chỉnh trên ghế
dưới hàng hiên chăm chú nhìn sự vật, không bỏ qua một cử chỉ nào của loài chim.
Thằng xe thì, sau khi sửa xong cái rào găng, đã hỏi tội đến những đống lá sả.
Ông bố, bà mẹ, thỉnh thoảng từ bên trong ra hiên xem chim. Hôn con gái một cái,
rồi lại vào.
Bỗng Thư reo lên:
- A a! Con mẹ nó đã mớm!
Quả vậy, con chim mẹ đã liều chết đậu vào
cái tổ mớm mồi cho con. Thấy bình yên như thường, nó nhìn chung quanh tổ một lượt
như một người đi xa, lúc về nhà cần phải xem xét nhà cửa và đồ đạc. Sau cùng,
nó mổ một viên gì trăng trắng ở tổ, móc lên, ngửa cổ nuốt... Cô Thư hỏi thằng
xe thì nó đáp:
- Nó dọn cứt cho con nó đấy!
- Chỉ dối!
Thư nguẩy đầu nói thế, vì không tin.
Hai con chim, trên cây, lại vụt bay đi kiếm
mồi. Năm phút sau, cả hai cùng về, có mỗi con một con sâu ở mỏ.
Hồ hồ
riu! Nào, nào, khéo!
Đến lúc trời tối sậm, hai con bố mẹ đậu yên
một chỗ cao chót vót ở ngọn cây xoan, giữa vườn hoa.
*
Sáng sớm hôm sau, thằng xe lại buộc cái tổ
chim ra cành cây ổi. Nó kêu:
- Mới có một đêm mà lông lá nó đã xù ra rồi!
Chóng quá đi mất!
Vì lẽ thằng xe lại còn đi chợ, nấu cơm, giặt
quần áo, làm những việc vặt khác, nên hôm ấy, Thư ngồi một mình xem chim, không
có người nói chuyện với. Ông bố và bà mẹ cũng chẳng còn sốt sắng săn sóc đến
cái tổ chim như hôm qua. Tuy nhiên, Thư cũng được một ngày sung sướng. Cô bé vẫn
có thể ngồi cả ngày nhìn ra vườn, hoặc trốn vào một góc tường những khi thấy
chim e ngại đến gần tổ, hoặc nhô ra nhìn, những khi hai con chim con vừa được mớm
xong. Cô bé không thấy chán tí nào cả.
Ông bố chạy ra hỏi con:
- Thế nào? Nó có mớm không?
Thư quay lại, nghẹo cổ, cười và đáp:
- Bốn con sâu rồi cơ, ba ạ!
- Thế à!
Bà mẹ cũng chạy ra. Thư đòi:
- Mẹ ơi, mẹ mua cho con cái lồng chim đi mẹ!
Mua để nhốt nó lại!
Bà mẹ khất lần:
- Ừ, mai rồi mẹ đi mua.
Lúc ấy, hai con chim bố mẹ lại bay đến tổ,
lần lượt mớm mồi cho con. Tuy đã dạn người lắm rồi, chúng cũng vẫn còn dặn
nhau: “Nào, nào, khéo! Nào khéo!”.
Trông thấy cái tình của loài chim sâu xa đến thế, nồng nàn đến thế, bố mẹ Thư
nhìn nhau, đắm đuối, hôn trộm nhau sau lưng con. Người vợ nói:
- Giời sinh ra tài thật, nhỉ cậu nhỉ?
Người chồng gật gù cái đầu, đáp một câu vô
vị:
- Chính thế.
Giữa lúc ấy, tiếng chim kêu bỗng líu la líu
tíu khiến cho mọi người vội quay nhìn ra. Con chồng thì cứ bay liệng từ cành
này sang cành khác, mỏ vẫn ngậm một con châu chấu mà vẫn hót được: “Hồ hồ ri íu!... Nào, nào khéo!” Còn con
chim vợ thì lại thay đổi ngôn ngữ bằng cách nói: “Tri huy tri huy tri huy!” Nó cứ đập đập hai cánh bay nhảy ở một
cành cây giáp với cái tổ nhưng không đậu hẳn vào vành tổ. Nghe thấy tiếng mẹ,
hai con con lại há hốc mỏ, vươn cổ rõ cao. Nhưng mẹ chúng cứ bay đến gần chúng
mà vỗ cánh, múa may và hót bằng đủ các thứ giọng. Con bố cũng bay quanh, ra ý đề
phòng bọn người. Trên cây ổi, đó là hai chấm đỏ, lập lòe đâm bông như hoa lựu về
mùa hạ của Nguyễn Du. Hai con con kêu thế nào, con mẹ cũng không vào mớm.
Bọn người đứng dưới hiên đương ngạc nhiên về
cái cử động khác thường ấy, thì chợt, vù một cái, một con chim non đã bỏ tổ bay
theo mẹ. Nó bay lên đậu ở một ngọn cao ngất ngưởng. Hai con bố và mẹ hát khúc
ca khải hoàn của loài chào mào những lúc tự do ngửa cổ hót trước gió: “Thích tinh nào! Thích tinh nào! Huých tô rô!
Huých tô rô!” Rồi chúng dìu dắt đứa con cho nó bay chuyền từng đoạn ngắn một
cho đến lúc lên được ngọn cây xoan!
- Giời ơi! Nó bay! Nó bay mất!
Kêu xong, ông bố chạy vội ra cởi dây gai,
đem cái tổ chim vào nhà. Trong tổ vẫn còn lại con kia, chưa đủ sức bay theo bố
mẹ.
*
Mấy hôm sau, con chim non vô phúc kia bị nhốt
vào một cái lồng son. Thằng xe đã phải suốt ngày bắt châu chấu. Cô Thư cứ việc
lấy cái que xiên vào con bọ để đưa qua nan lồng. Nằm nguyên một chỗ trong tổ,
con chim hưởng sự săn sóc của cô bé cũng như của ông bố nó. Cái mào trên đầu nó
nhô cao lên. Ngực nó đã kín. Cái bọng dưới đuôi nó dần dần bé đi. Sau ba ngày,
nó cũng đã nghiễm nhiên trông ra mẽ lắm, đã đến cái thời kỳ “kiếm lấy mà ăn” vậy.
Nó bắt đầu mổ được, và nhảy nhót bậu vào những
nan lồng.
Nhưng đồng thời, hai con bố mẹ và con con ở
ngoài vườn cũng cứ ngày ngày đến khiêu khích nó, xui giục nó kiếm cách mau xổ lồng
tháo cũi mà ra. Nghe thấy những tiếng “Hồ
ríu! Huých tô rô!...” con chim trong lồng cũng đập cánh ngửa cổ hót đáp:
- Tri
huy tri huy tri huy!
Ngây thơ, cô Thư lại đem lồng chim ra treo ở
cây ổi. Ba con chim bên ngoài tức khắc bay quanh cái lồng, ca hát véo von...
Con chim ở bên trong lồng lộn lên, rúc mỏ qua cái nan lồng, như điên, như cuồng,
nhưng cô bé ngây thơ lại tưởng nó nhảy nhót gì vui vẻ.
Trong lồng có một nửa quả chuối tiêu và một
cóng nước lã. Dần dần, con chim bỏ cả uống, quên cả ăn. Nó hóa ra gầy còm.
Nhưng cái sự ấy người ta không để ý đến.
Cô bé Thư cứ sáng sớm lại xách lồng ra treo
vào cành ổi, để đến chiều lại cất vào dưới mái hiên.
Ông bố, bà mẹ, cũng đôi khi nhìn đến cái lồng
để không có một cảm tưởng nào cả.
Thằng xe có bổn phận sáng nào cũng thay
cóng nước lã, và bỏ vào cái lồng một mẩu chuối, sau khi lôi mẩu chuối cũ đã xám
xịt ở trong lồng ra. Nó không để ý xem rằng mẩu chuối bị ít hay nhiều vết mổ.
Nhưng lần nào thấy người, con chim non cũng bay loạn xạ cả lồng.
Thế rồi, một hôm con chim chào mào non tuyệt
thực, và chết, giữa những câu ca hát quyến rũ của bố mẹ nó và chồng nó.
Đông
Dương tạp chí,
số 18; ngày 11.9.1937
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét