B. Vaxiliép
Tên anh chưa có trong danh sách
Chương 6
“Bộ chỉ huy Đức bảo đảm cuộc sống ổn định và tự do sau khi
chiến tranh chấm dứt cho tất cả những ai từ các ngách đường hầm chui lên và
không mang theo vũ khí trong vòng nửa giờ tới. Hãy nghĩ đến gia đình, đến người
yêu, đến vợ con và mẹ các anh. Họ đang chờ mong các anh, hỡi những người lính
Nga!”
Tiếng nói im bặt. Cả pháo đài cũng im lặng, thứ im lặng nặng
nề, ghê rợn và mệt mỏi sau một ngày đêm chiến đấu, đói khát và đạn bom, thứ im
lặng ấy là câu trả lời duy nhất đối với tối hậu thư của quân thù.
- Nhắc đến các bà mẹ. - chính trị viên nói. - như vậy có nghĩa là bọn Đức không trông mong gì vào thay đổi tình thế như thế.
- Nhắc đến các bà mẹ. - chính trị viên nói. - như vậy có nghĩa là bọn Đức không trông mong gì vào thay đổi tình thế như thế.
Thảo nguyên nối thảo nguyên xa thẳm,
Một con đường trải dài xa xa…
Một giọng hát rõ ràng và trong trẻo văng vẳng trong bầu
không khí nóng bỏng. Bài hát Nga thân thuộc ca ngợi không gian bao la và nói
lên nỗi nhớ nhà da diết. Plugiơnhikốp nghẹ thở vì bất ngờ, anh nghiến răng kìm
giữ những giọt nước mắt đang chực trào ra. Một giọng hát khỏe khoắn ngân lên
thoải mái, vang xa, cả pháo đài im lặng lắng nghe và có những tiếng nức nở sau
các lỗ châu mai.
- Tôi không thể chịu đựng được nữa!… Mẹ ơi, bài hát của mẹ!
- Xannhikốp ngã vật xuống sàn nhà, vật vã và đấm tay vào tường gạch.
- Im lặng! - Chính trị viên quát. - đây chính là điều chúng
đang kêu gọi, quân chó đẻ! Nước mắt của chúng ta, chính chúng đang cần cái đó.
Xannhikốp im ngay. Điệu nhạc vẫn tiếp tục qua những âm thanh
ấy, Plugiơnhikốp đột nhiên bắt được một tiếng trầm trầm lạ tai. Anh lắng nghe
và tuy không phân rõ được lời, nhưng anh hiểu ngay, trong góc nào đó của đường
hầm, những giọng hát hổn hển, nặng nhọc cất lên bài “Quốc tế ca”. Anh đứng bật
dậy
Đấu tranh này là trận cuối cùng…
Chính trị viên hát với tất cả sức tàn còn lại. Ông hát rõ từng
lời của bài hát bằng một giọng khàn khàn, những giọt nước mắt trào ra trên
khuôn mặt hốc hác, đen nhẻm tro than của ông. Rồi Plugiơnhikốp cũng hát, cả anh
chiến sĩ biên phòng cũng hát theo. Xannhikốp đứng dậy và đứng vào hàng ngũ, vai
kề vai, hát tiếp bài “Quốc tế ca”.
Đấu tranh này là trận cuối cùng
Kết đoàn lại để ngày mai…
Họ hát rất to, to hơn bất cứ những lần họ đã từng hát trong
đời mình. Họ gào lên từng tiếng, từng lời và đấy là câu trả lời cho mọi lời đề
nghị của bọn Đức. Nước mắt trào ra trên từng khuôn mặt nhem nhuốc và họ không cảm
thấy xấu hổ về những giọt nước mặt ấy, đây không phải là thứ nước mắt Bộ chỉ
huy Đức mong muốn…
Luôn bị vấp, Plugiơnhikốp chậm rãi mò mẫm theo đường hầm dài
dặc ngổn ngang đầy gạch vỡ. Anh luôn dừng lại nhìn vào bóng tối dầy đặc, thè lưỡi
liếm mãi đôi môi khô cứng đã nứt nẻ. Sau chỗ rẽ thứ ba sẽ thấy ánh sáng le lói
- anh đã mang cho đồng chí y sĩ gầy còm có đôi lông mày rậm, khoảng một chục
cây nến nhặt được trong nhà ăn bị phá sập. Thỉnh thoảng anh lại vấp ngã và mỗi
lần như vậy, anh lại lo sợ giữ chặt lấy bi đông. Vì trong bi đông hiện giờ có một
thứ vô cùng qúy giá so với những thứ anh có thể kiếm được - đó là khoảng hơn nửa
cốc nước đục ngầu, tanh lợm mùi bùn. Cứ mỗi bước đi, nước lại sóng sánh kêu òng
ọc và anh luôn cảm thấy khát cháy cổ, muốn uống ào một ngụm, nhưng cũng hiểu
mình không có quyền uống ngụm nước ấy.
Để dễ quên những giọt nước đang òng ọc trong bi đông, anh thầm
nhẩm tính mấy ngày qua. Anh chỉ có thể nhớ được ba ngày đêm chiến đấu phòng ngự
đầu tiên, còn những ngày sau đó mờ lẫn với những trận bom, những trận đột kích,
những trận giáp chiến, những loạt súng, những lúc lang thang mò mẫm dưới hầm,
những cuộc vật lộn ngắn ngủi với địch và những phút nghỉ ngơi, ngất lịm ngắn ngủi
tưởng như đã chết hẳn. Và sự khát kháo được uống cứ dai dẳng bám lấy anh, giày
vò anh ngay cả trong những giấc ngủ chập chờn.
Họ bận rộn thu xếp sao cho chính trị viên có được một chỗ
thuận tiện nhất để đối phó khi quân Đức xuất hiện ở bất cứ phía nào. Chính trị
viên giục họ chạy, và họ chạy qua gian phòng đổ nát có những lỗ hổng do đạn
trái phá bắn trúng, choán hết những cửa sổ. Họ nghe thấy tiếng súng và một tiếng
nổ phía sau. Đấy là trận chiến đấu cuối cùng của chính trị viên, để tạo cho họ
những giây phút thật quý giá. Vì vậy họ chạy thoát và ngay hôm ấy đã sáp nhập với
lực lượng ta đi qua những căn gác thượng. Một lần nữa, Xannhikốp lại vui sướng
trước sự may mắn ấy.
Họ đã đến được chỗ người mình, nhưng không có nước và đạn,
chỉ có năm thùng lựu đạn không kíp nổ. Vì vậy, ban đêm họ lọt ra ngoài tìm diệt
bọn Đức, càu nhàu và nguyền rủa giữa những góc tường chật chội và giữa những lỗ
châu mai trong pháo đài, tiêu diệt bọn Đức bằng báng súng, bằng lưỡi lê hoặc bằng
dao găm. Ban ngày họ bẻ gãy các cuộc tiến công bằng mọi thứ vũ khí thu lượm được.
Họ bò ra bờ sông lấy nước và không thể cúi đầu xuống được. Những người không
may mắn bị bắn gục, mặt úp xuống cái vỏ đồ hộp như cố uống lấy hớp nước trước
khi chết. Nhưng những người may mắn thì không có quyền uống ngụm nước nào.
Còn ban ngày, từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, hết
tiếng bom lại đến tiếng súng, tiếng súng ngừng lại đến tiếng bom. Và nếu tiếng
gầm rú của bom đạn tạm yên cho chốc lát thì cái giọng nước ngoài xa lạ, cứng quắc
qua cái loa phóng thanh lại ngân lên, đề nghị họ đình chỉ hành động chống cự, hứa
cho một giờ hoặc một giờ rưỡi để suy nghĩ rồi lại tiếp tục giày vò tâm can họ bằng
những bài hát quen thuộc. Họ lắng nghe những tiếng hát và tiếng kêu khóc thầm lặng
của những đứa trẻ đang chết dần vì khát.
Tiếp đến mệnh lệnh phá vây được truyền đến, họ được cung cấp
đạn dược và thậm chí cả kíp nổ cho lựu đạn nữa. Họ - tất cả ba người - đã tiến
công dọc theo cầu và khi đã vượt được gần nửa cầu thì bọn Đức bắn trả lại bằng
cả sáu khẩu súng máy chỉ cách họ hai mươi bước. Một lần nữa Plugiơnhikốp lại gặp
may, anh nhảy qua hàng rào bò ra sông Mukhavét, uống nước thỏa thích rồi bò về
với đồng đội. Sau đấy, anh lại bò trở lại cầu vì anh chiến sĩ biên phòng
Đênhisich bị kẹt ở đấy, anh ở thành phố Gômen, đường phố Các Mác, số nhà 112,
phòng 9. Còn Xannhikốp đã thoát khỏi nguy hiểm và sau đó có tiếng cậu ta reo la
trong vòm hầm xây cuốn :
- Tớ gặp may các cậu ạ! Chắc người nào đó đang cầu nguyện
cho tớ! Có lẽ bà tớ hay đến nhà thờ thì phải!
Nhưng tất cả các việc đó xảy ra lúc nào? Trước hay sau khi
có quyết định phụ nữ và trẻ em ra hàng? Họ bò qua các lỗ hổng để ra mảnh sân
chói chang ánh nắng, người gầy gò, bẩn thỉu, nửa người để trần vì áo dài đã phải
xé ra để băng bó. Trẻ con không đi được nên cánh phụ nữ phải bế, họ thận trọng
đi quanh những xác chết chưa được chôn cất và nhìn kỹ từng xác một - vì những
xác người này đã trương lên và đã bị bom đạn băm vằm nhiều lần không tài nào nhận
ra được - và rất có thể đây là chồng, là cha hoặc là anh em của họ. Pháo đài đứng
bất động bên những lỗ châu mai với những giọt nước mắt không hổ thẹn, và lần đầu
tiên, bọn Đức đứng phơi mặt một cách ung dung bên bờ sông.
Việc ấy xảy ra từ bao giờ? Trước hay sau những ý đồ chọc thủng
vòng vây bị thất bại? Trước đó hay sau đó? Plugiơnhikốp rất muốn nhớ lại nhưng
không tài nào nhớ được. Anh không thể nhớ được gì nữa.
Plugiơnhikốp hy vọng trông thấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn
nến, nhưng chưa nhìn thấy gì và chưa đến được chỗ rẽ, thì đột nhiên anh nghe thấy
tiếng người rên. Mặc dầu tiếng bom vẫn nổ vang, hai tai đang bị ù và thính giác
chưa hoàn toàn trở lại bình thường, những tiếng rên vẫn lọt đến được tai anh,
nghe rền rĩ, khàn khàn, thậm chí không còn là tiếng người rên mà là tiếng gào rất
rõ và có sức vang. Anh chiến sĩ bị bỏng nặng đang la hét: hôm trước máy bay Đức
ném những thùng xăng đặc xuống trận địa và cái chất cháy nóng bỏng ấy đã dính
vào người anh chiến sĩ Hồng quân. Chính Plugiơnhikốp đã bế anh ta xuống hầm vì
lúc đó anh đang ở ngay cạnh, anh cũng bị bỏng nhưng không nặng, còn anh chiến
sĩ thì ngay lúc đầu đã kêu gào, và có lẽ vẫn kêu gào cho tới giờ.
Nhưng không phải chỉ có tiếng rên rỉ của một người,
Plugiơnhikốp càng đến gần căn hầm tối mò và xa xôi, nơi ẩn náu của tất cả những
con người hầu như tuyệt vọng, tiếng kêu la càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Ở đây
còn có cả những người đang chờ chết, bụng bị thủng, chân tay bị gãy, xương sọ bị
vỡ toác, mà phương tiện để chạy chữa duy nhất là rượu Đức và đôi bàn tay của
người y sĩ lầm lì với nước da nhăn nheo, bì bì như da voi vì bị khát và đói. Chẳng
ai ra khỏi đây được - trừ những người đã tắt thở, nhưng vài ngày gần đây người
ta cũng không thể khiêng xác họ ra ngoài được vì không còn người, không còn thời
gian, không còn sức lực.
- Không có nước à?
Ông y sĩ không hỏi nước cho mình, vì ở đây, trong căn hầm ngầm
có những người đang sắp chết nằm lẫn giữa những xác chết này mà đòi một hớp nước
cho riêng mình là một tội ác. Vì vậy, ông y sĩ đang chết dần chết mòn vì khát ấy
không dám đòi nước uống.
- Không. - Plugiơnhikốp nói dối. - Rượu vodka đấy.
Anh đã tự mò đi lấy nước ngay trong trận ném bom buổi sáng.
Bò được đến bờ sông, tai anh bị điếc đặc vì tiếng nổ và tiếng vang của mảnh đạn
văng vào mũ sắt. Không kịp nhìn xem mình đã lấy được bao nhiêu nước vào trong
bi đông. Anh đã mang cái của quý duy nhất này về đây cho Đênhisich và do thế
anh phải nói dối.
- Anh ấy còn sống. - ông y sĩ nói.
Ngồi gần lối ra vào và bên chiếc hòm cắm cây nến đang leo
lét cháy, ông khẩn trương cắt chiếc áo quân phục thô đã sờn rách ra thành những
dải băng dài, dầu sao cũng phải thay băng cho những người còn sống.
Plugiơnhikốp đưa ông ba điếu thuốc lá Đức. Ông chộp ngay
nhưng không sao châm nổi để hút, điếu thuốc cứ chập chờn bên ngọn lửa vì tay
ông run lẩy bẩy, còn người ông thì lắc lư, chao đảo mà vẫn chưa hay là mình
không còn tự chủ được.
Ánh nến chỉ hơi lập lòe trong căn hầm ngột ngạt, nồng nặc
mùi hôi thối và đầy tiếng kêu rên đau đớn. Ngọn nến lúc thì lụi đi chỉ còn là một
sợi bấc sắp tàn, lúc lại đột nhiên bùng cao lên để sau đó lại mờ đi nhưng nó vẫn
cháy, vẫn tồn tại. Ngọn nến vẫn cháy và không muốn bị lụi tàn. Nhìn nó không hiểu
sao Plugiơnhikốp lại liên tưởng đến pháo đài. Anh nói:
- Đã có lệnh cho rút. Ai có thể rút thì cứ việc rút.
- Anh từ biệt chúng tôi đấy hẳn? - Ông y sĩ chậm chạp quay
người lại, tựa hồ như mọi cử động đều làm ông đau đớn, ông nhìn anh với con mắt
ngây dại không còn sinh khí. - Không được nói với họ như thế. Không cần thiết.
- Tôi hiểu.
- Anh hiểu? - ông y sĩ gật gù. - Anh chả hiểu gì hết. Chả hiểu
gì hết. Nếu hiểu anh đã chẳng nói với tôi câu vừa rồi.
- Mệnh lệnh này cũng dính líu đến ông cơ mà
- Còn họ? - Ông y sĩ hất đầu về phía căn hầm tối đen. - Chả
lẽ lấy gạch lấp họ đi chăng? Thậm chí chả còn đạn để bắn họ chết hẳn, chả có gì
làm cho họ chết hẳn. Điều này thì anh hiểu chứ? Chính họ mới liên quan đến tôi.
Còn mệnh lệnh… Các loại mệnh lệnh đều không dính líu đến tôi nữa. Tôi tự đề ra
cho mình một mệnh lệnh khắc nghiệt nhất. - Ông im lặng, trở nên khó hiểu, đôi mắt
ánh lên trong khoảnh khắc. - Đấy, nếu như mỗi người lính, mỗi chiến sĩ, anh hiểu
không, đều tự đề ra cho mình một mệnh lệnh và nghiêm chỉnh chấp hành thì bọn Đức
sẽ bị bóp chết. Sẽ bị bóp chết! Và chiến tranh cũng sẽ bị bóp chết. Chiến tranh
sẽ kết thúc, nhất định lúc đó sẽ chấm dứt.
Ông lại im lặng, người co dúm lại, đôi môi khô khốc rít từng
hơi thuốc. Plugiơnhikốp đứng lặng thinh bên cạnh, anh rút trong túi ra một miếng
bít cốt cắn dở và đặt xuống cạnh cây nến rồi chậm chạp bước qua những bóng người
đang rên la cùng những xác đã vĩnh viễn lặng thinh, đi sâu vào bóng tối dày đặc
của căn hầm.
Đênhisich nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền, ngực quấn đầy
giẻ bẩn thỉu thấm máu, đang phập phồng theo từng nhịp thở nặng nề. Plugiơnhikốp
định ngồi xuống cạnh nhưng bên anh ta la liệt những thương binh khác, nên anh
chỉ có thể ngồi xổm được thôi. Ngồi như vậy quả rất khó khăn cho anh vì lưng
anh vốn đã đau nhừ do gạch ngói đè lên.
- Cậu nằm bên cạnh đã được chuyển đi. - Đênhisich nói, mắt vẫn
nhắm nghiền. - cậu ấy chết từ hôm qua.
Khó khăn lắm Plugiơnhikốp mới xoay trở được cơ thể đau nhừ.
Cố chống cánh tay cứng đờ như gỗ xuống nền gạch, và ngồi bệt xuống bên cạnh
anh, thận trọng tháo chiếc bi đông ra khỏi thắt lưng. Đênhisich giơ tay nhưng lại
kìm được ngay:
- Còn cậu?
- Mình chưa bị thương.
Chiếc bi đông kêu ọc ạch và ngay lập tức, giữa căn hầm tối
tăm, mọi người cùng cựa quậy, có người bò qua những người sống và trườn cả lên
những người chết để tới chỗ anh, có người túm lấy anh, cố lay kéo hoặc đập vào
vai anh. Vừa cúi người che đỡ cho anh bạn biên phòng, Plugiơnhikốp vừa thì thầm
giục:
- Uống đi! Uống đi Vôlôđia! Uống đi!
Căn hầm như náo động hẳn lên, tiếng rên rỉ, tiếng gào thét
như ùn cả về chỗ có nước, và từ trong bóng tối, hàng chục cánh tay khẳng khiu
trong rất đáng sợ, đang run rẩy vươn ra. Và người ta chỉ còn nghe thấy một thứ
giọng khàn khàn ghê rợn:
- Nước, nư-ơ-ớc!…
- Không có nước! - Plugiơnhikốp kêu to. - Anh em ơi, các đồng
chí ơi, không có nước đâu.
- Nư-ơ-ớc!… - những cổ họng khô cháy cùng gào lên. Có người
đã khóc hoặc chửi rủa, những cánh tay vẫn giơ ra nắm lấy vai Plugiơnhikốp, nắm
lấy đai đeo kiếm và túm chặt lấy tấm áo đẫm mồ hôi của anh.
- Các đồng chí ơi, tối nay tôi sẽ đi lấy nước! - Plugiơnhikốp
lại kêu to. - Tối nay. Còn bây giờ thì không nhấc nổi đầu được nữa! Nào, uống
đi, Vôlôđia, uống đi!…
Cả căn hầm lặng đi giây lát, và trong khoảnh khắc im ắng ấy,
mọi người đều lắng nghe anh lính biên phòng khó khăn nuốt từng ngụm nước. Chiếc
bi đông rỗng không rơi cục xuống nền hầm, và tiếng khóc, tiếng gào, tiếng nức nở
lại rộ lên.
- Như vậy, là mình sống được đến mai. - Đênhisich bỗng nói,
hàm răng anh hơi hé lộ nụ cười yếu ớt. - Mình tưởng chỉ sống được đến hôm nay,
nhưng bây giờ thì đến mai. Trước chiến tranh, mình làm việc ở hội trợ giúp phát
triển đường thủy và bảo vệ sự sống của con người trên đường thủy. Suốt ngày
mình dầm dưới nước. Dòng sông quê mình chảy xiết lắm. Vậy là cậu đã được uống
thoả thê. - Anh im lặng. - Như vậy là đến mai… Bây giờ là ban ngày hay ban đêm?
- Ban ngày. - Plugiơnhikốp đáp. - Bọn Đức lại đang kêu gọi,
thuyết phục.
- Thuyết phục? - Đênhisich cười gằn. - Thuyết phục, lại thế
nữa cơ à? Chúng đã giết hàng trăm lần - giờ lại còn thuyết phục? Thuyết phục những
người đã chết! Nghĩa là chúng mình ở đây cũng không vô ích, đúng không? - anh đột
nhiên chống tay ngồi dậy và hét to trong bóng tối: - Đừng chửi rủa tôi vì một
ngụm nước, các bạn ạ! Tất cả chỉ vẻn vẹn có một ngụm thôi, chẳng có gì mà chia
sẻ. Các bạn có nghe thấy không? Bọn Đức đang năn nỉ? Chúng nó đang van xin…
Anh ho sặc sụa trong nỗi nặng nhọc, một dòng máu trào ra và
sủi bọt trên khóe miệng. Trong hầm ngầm lại lặng thinh chỉ còn tiếng kêu la của
người chiến sĩ bị bỏng nặng. Từ trong bóng tối, tiếng ai đó vọng lên:
- Người anh em tha lỗi cho chúng tôi. Hãy tha lỗi cho chúng
tôi. Ở trên ấy ra sao?
- Ở trên ấy ra sao ư? - Plugiơnhikốp lúng túng hỏi lại, và cố
nghĩ xem nên trả lời như thế nào. - Chúng ta vẫn giữ vững. Đã có đạn. Đúng thế.
Sáng nay máy bay ta xuất hiện. Chín chiếc! Họ lượn trên đầu ba vòng. Nghĩa là họ
đã biết về chúng ta, họ đã biết! Có lẽ họ bay trinh sát để chuẩn bị cho cuộc
phá vây…
Thật ra, chẳng có chiếc máy bay nào xuất hiện, cũng chẳng có
ai nhắc tới chuyện phá vây hoặc biết rõ ở miền cực tây của đất nước, một vùng nằm
sâu trong hậu phương của quân Đức này, có ngôi thành cổ đang thấm máu. Nhưng
Plugiơnhikốp nói dối, vẫn tin chắc là quân ta đã biết, đã hiểu và sẽ đến. Nhất
định họ sẽ đến vào một lúc nào đó
- Quân ta sẽ đến. - anh nói tiếp, cảm thấy nước mắt mằn mặn
trong cổ họng, tự nhiên trào lên nỗi sợ hãi rằng mọi người trong hầm ngầm sẽ biết
được sự thật, sẽ hiểu rõ được tất cả. - Nhất định quân ta sẽ đến và sẽ tiến xa
hơn. Họ sẽ đánh tới tận Berlin và sẽ treo cổ Hitler lên chiếc cột cao nhất.
- Treo cổ thì còn nhẹ. - có tiếng ai nói. - Cứ bắt nó nhịn
khát hai tuần liền, không cho uống một giọt nước nào cả.
- Phải vất nó vào nước sôi…
- Thôi, dẹp chuyện ấy lại. - người vừa xin lỗi lúc nãy lại
lên tiếng. - Hãy cố giữ đến lúc quân ta tới. Phải cố giữ đến lúc ấy. Phải sống
đến lúc ấy. Và hãy nói với họ, ở đây, anh em chúng tôi… - Anh đột nhiên im bặt
rồi cứ nhắc đi nhắc lại mãi một tiếng duy nhất mà người sắp chết muốn nói với
người đang sống.
- Đã chết không chịu nhục nhã. - một giọng nói trẻ trung nhắc
nhở, tuy khẽ nhưng rất rõ.
Mọi người lại im lặng, sự im lặng chứa đừng niềm tự hào khắc
nghiệt của những con người không chịu khuất phục trước ranh giới giữa người sống
và người chết. Plugiơnhikốp cũng ngồi im, anh không cảm thấy những giọt nước mắt
đang từ từ lăn trên khuôn mặt nhem nhuốc đã có những sợi râu lởm chởm của mình.
- Kôlia. - Đênhisich giật tay áo anh. - Mình không cần xin
gì cả: đạn bây giờ rất quý. Chỉ xin cậu đưa mình ra khỏi đây, Kôlia. Cậu đừng
có nghĩ ngợi gì nữa, mình sẽ đi được, mình cảm thấy đi được mà. Mai mình mới chết,
còn bây giờ mình vẫn còn đủ sức. Xin cậu hãy giúp mình một tay được chứ? Mình
muốn thấy ánh nắng, Kôlia.
- Không được. Trên ấy chúng ném bom suốt ngày. Cậu không lên
được đâu.
- Lên được, mình lên được mà. - anh lính biên phòng thủ thỉ.
- Mình van cậu, Kôlia. Mình không định nói ra nhưng bây giờ mình sẽ nói. Kôlia,
những viên đạn ấy là bắn vào cậu, đồng chí trung úy, vào cậu, Kôlia, đây là
viên đạn của cậu đưa đấy. Vậy cậu hãy dìu mình lên chỗ sáng, chỉ thế thôi. Thậm
chí mình sẽ không xin cậu nước đâu. Mình vẫn đủ sức. Mình muốn thấy ánh sáng, cậu
hiểu chưa? Mình muốn thấy ánh sáng ban ngày của mình.
Nhờ Plugiơnhikốp đỡ, anh lính biên phòng đứng dậy một cách
khó khăn. Anh cố nén, hai tay run rẩy quờ quạng giữ tiếng thở khò khè qua hàm
răng nghiến chặt. Nhưng anh cố đứng dậy và tự bước ra phía cửa: Plugiơnhikốp chỉ
dìu anh khi phải bước qua các chiến sĩ nằm lộn xộn trên nền hầm.
Vẫn ngồi ở tư thế lúc này, ông y sĩ miệt mài, xé những bộ quần
áo của tử sĩ thành những dải băng. Ngọn nến vẫn sáng lập loè như chính nó đang
thoi thóp trong cảnh mờ ảo đầy mùi hôi thối, chết chóc, và mẩu bánh bít cốt vẫn
nằm nguyên bên cạnh cây nến.
Họ lần mò một cách chậm chạp và luôn dừng lại nghỉ lấy sức.
Đênhisich thở hổn hển, chỗ vết thương ở ngực anh ta như đang rạo rực. Lúc lúc
anh ta phải dừng lại, lẩy bẩy đưa tay lau dòng nước bọt hồng hồng ứa ra khóe miệng.
Plugiơnhikốp dìu anh ngồi vào bậc thềm lên xuống. Đênhisich dựa người sát tường,
mắt nhắm lại và im lặng - anh ta đang lấy lại sức.
Có một lần anh hỏi:
- Xannhikốp còn sống chứ?
- Còn sống.
- Cậu ấy gặp may đấy. - anh lính biên phòng thốt lên, không
hề có ý ghen tị mà chỉ đánh giá một sự thật. - cậu ấy vẫn đi lấy nước chứ?
- Phải. - Plugiơnhikốp im lặng suy nghĩ xem có nên nói rõ sự
thật không. - Này, Vôlôđia. Tất cả chúng ta đã được lệnh rút lui. Ai đi đâu được
thì cứ đi.
- Đi như thế nào?
- Chia từng nhóm nhỏ rút khỏi pháo đài vào rừng.
- Tôi hiểu. - Đênhisich khẽ thở dài. - Như vậy là phải từ biệt
pháo đài cổ. Biết làm sao bây giờ, cũng đúng thôi: ở đây như ở trong bọc ấy.
- Cậu cho rút như vậy là đúng à?
Đênhisich im lặng hồi lâu. Giọt nước mắt từ từ lăn ra khỏi
khóe mắt và rơi xuống gò má hốc hác lởm chởm râu.
- Kôlia, cậu hãy đi với Xannhikốp.
Plugiơnhikốp lặng lẽ gật đầu, tỏ vẻ đồng ý. Anh định nói nếu
không có những khẩu súng máy ở trên cầu thì nhất định anh sẽ đi với Đênhisich,
nhưng anh đã không nói vậy.
Anh để Đênhisich trong gian hầm vắng vẻ và trống trải. Anh
ta ngồi bệt xuống nền gạch và áp mặt vào lỗ thông hơi, nơi hiện rõ một mảng trời
xám, mờ khói.
- Chúng mình không mang theo áo capốt rồi. Mình trông thấy một
chiếc ở chỗ ông y sĩ.
- Không cần.
- Mình sẽ mang lên. Chờ yên yên cái đã.
- Ừ, phải đấy.
Plugiơnhikốp lại nhìn đôi mắt đờ dại đầy xa lạ của anh lính
biên phòng và bước ra khỏi hầm. Chỉ còn phải vòng qua một góc tường rồi đi lên
tầng trên theo một đường cầu thang ngổn ngang gạch vỡ. Ở trên ấy vẫn có những
người có khả năng cầm súng do đại úy pháo binh, người mà Plugiơnhikốp chưa hề
quen biết, tập hợp lại sau trận tấn công đêm qua và đang cố thủ trên ấy.
Nhưng anh chưa đến được chỗ rẽ thì ngay trên đầu anh vang
lên tiếng nổ. Vôi vữa rơi ào ào xuống vai, xuống mũ và một luồng sức ép từ sau
góc tường dội xộc vào, cuốn theo bụi đất mù mịt và mùi thuốc nổ sặc sụa của
quân Đức.
Gạch đổ ào ào, mái trần rung chuyển, nhưng Plugiơnhikốp đã kịp
chạy ra khỏi màn khói dày đặc khét lẹt, và vừa vấp ngã, vừa bò qua đống gạch vỡ.
Đâu đó vẫn rộ lên từng loạt tiểu liên. Trong đám khói dày đặc, lấp loáng những
chớp lửa chói mắt của các loại súng. Cánh tay của một người nào đó từ trong
bóng tố thò ra nắm lấy cái đai đeo của anh, kéo anh đến chỗ cửa sổ. Plugiơnhikốp
lập tức trông thấy khuôn mặt nhem nhuốc bẩn thỉu của Xannhikốp hiện ra trước mắt
mình:
- Bọn súc sinh đã phá hầm! Chúng nó đánh sập tường rồi!
- Đại úy đâu? - Plugiơnhikốp bật dậy. - cậu có thấy đại úy
đâu không?
Vừa la hét, Xannhikốp vừa căm hờn bắn liền mấy loạt ngắn vào
chiếc cửa sổ đã bị phá tung. Trong màn khói bụi, thấp thóang những bóng người.
Sấm sét và hàng loạt chớp lửa tóe lên. Plugiơnhikốp chạy vọt lên tầng một đang
chìm trong khói bụi, vấp phải một người đang lồm cồm kéo lê đôi chân bị thương
được cuốn trong đôi xà cạp đầy máu me. Anh ta ngã vì vướng phải xà cạp và khi
anh ta đứng dậy thì nhận ra ngay đó là đại úy pháo binh. Ông ta ngồi xuống cạnh
tường, hai mắt nhắm nghiền và những giọt nước mắt chảy xuống khuôn mặt thấm đầy
máu.
- Tôi không trông thấy gì cả! - ông hét vang - Sao tôi không
trông thấy gì cả thế này? Trung úy đâu?
- Tôi đây. - Plugiơnhikốp quỳ trước mặt người chỉ huy mù, mặt
ông bị cháy hết lông mày, có vẻ như sưng tấy lên, còn râu ông cũng bị cháy xoăn
lại. - Tôi đây, đồng chí đại úy. Tôi đang ở trước mặt đồng chí đây.
- Tiếp đạn, trung úy! Lấy ở đâu thì tùy anh, nhưng phải lấy
thêm đạn! Tôi không trông thấy gì cả, không trông thấy cái quái quỉ gì cả!
- Tôi sẽ đi lấy đạn. - Plugiơnhikốp nói.
- Khoan! Hãy đặt tôi nằm sau khẩu tiểu liên. Đặt tôi vào sau
khẩu súng máy!…
Ông quờ quạng tìm Plugiơnhikốp. Plugiơnhikốp vội nắm lấy đôi
tay run rẩy, luống cuống ấy và không hiểu sao anh còn áp chặt chúng vào ngực
mình.
- Đây, tôi đây! Tôi đây!
- Hết rồi. - đột nhiên đại úy khẽ cất giọng bình thản, và sờ
soạng lên người anh. - mình hỏng mắt rồi. Hỏng rồi. Đạn muốn lấy đâu tùy ý. Tôi
hạ lệnh, anh phải tìm bằng được đạn về đây.
Ông buông tay và xoa xoa khuôn mặt ướt đẫm nước mắt. Sau đó,
ông đưa tay phải vào bao súng một cách thành thục.
- Anh còn ở đây chứ, trung úy?
- Tôi còn ở đây.
- Hãy chôn các giấy tờ hộ tôi. - Đại úy rút khẩu súng lục
ra, quờ bật chốt hãm, tay ông không run nữa. - Khẩu súng này, anh giữ lấy: còn
bảy viên đạn.
Ông đưa khẩu súng lên, gí miệng vào đầu mấy lần nhưng đều trệch
- Đồng chí đại úy! - Plugiơnhikốp hốt hoảng kêu lên.
- Không được kêu!…
Đột nhiên đại úy đút miệng súng vào mồm và bấm cò. Tiếng nổ
làm Plugiơnhikốp váng óc, xuyên thủng và hất đầu đại úy đập vào tường. Ông đau
đớn, quằn quại, rồi ngã lăn xuống nền gạch.
- Đã chết rồi.
Plugiơnhikốp giật mình liếc nhìn và thấy anh trung sĩ đã đứng
ngay bên cạnh.
- Chúng ta đã đánh lui được chúng rồi. - trung sĩ nói. - tôi
chưa kịp báo cáo, tiếc thật!
Mãi đến giờ Plugiơnhikốp mới biết cuộc pháo kích đã ngừng.
Khói bụi tan dần, mảng tường vỡ và khung cửa sổ bị phá đã hiện rõ, có mấy chiến
sĩ đang đứng ở đấy.
- Còn ba băng đạn tròn. - trung sĩ báo cáo. - Chúng nó xông
vào một lần nữa là hết.
- Tôi sẽ đi tìm đạn.
Plugiơnhikốp rút khẩu súng lục nặng chịch ra khỏi bàn tay
còn nóng ấm của đại úy và đút vào túi. Anh vừa đứng dậy, vừa nói:
- Anh hãy chôn hết giấy tờ của đồng chí ấy đi. Đồng chí ấy
yêu cầu đấy. Tôi sẽ đi kiếm đạn, ngay hôm nay, tôi sẽ tìm được đạn.
Anh bước đến bên cửa sổ, nơi anh đã chia tay với anh chàng
Xannhikốp luôn luôn gặp may.
Chỗ cửa không còn ai nữa, Plugiơnhikốp mệt mỏi ngồi xẹp xuống
nền gạch. Anh không bị chết trong trận bắn phá, không đánh bật được cuộc tấn
công của quân Đức, nhưng anh vẫn cảm thấy mình mệt lử. Dầu sao cảm giác ấy vẫn
dai dẳng bám lấy anh. Nhiều lần anh đã bị choáng, bị điếc, bị vùi, bị nghẹt thở
vì khói, vì thuốc súng.
Thậm chí cả vết thương rất nhẹ không đáng kể ở chân, một vết
cứa trên cơ thể nguyên lành của anh, cũng luôn luôn dày vò anh do những cơn đau
bất thần ở đầu gối. Vùng thận đau âm ỉ vì bị gạch văng phải, rồi đói khát, mất
ngủ cùng mùi hôi thối của xác chết như bám chặt vào từng nếp áo quần, dày vò
anh không lúc nào nguôi. Từ mấy hôm nay, anh chỉ quen nghĩ đến những phút hiểm
nghèo, chỉ quen nghĩ đến một điều: làm sao đánh lui được những đợt tấn công, lấy
được nước uống, đạn dược, thức ăn, anh đã quên mất thói quen nghĩ đến những điều
khác. Giờ đây, ngay trong giây phút yên tĩnh ngắn ngủi này, anh cũng không nghĩ
đến mình, không nghĩ đến đồng chí đại úy đã tự sát ngay trước mắt mình, không
nghĩ đến Đênhisich đang chết trên nền hầm trơ trọi, mà chỉ nghĩ đến việc là lấy
đạn ở đâu. Không có đạn và lựu đạn thì không thể thoát nổi cái pháo đài đang bị
bao vây này.
Xannhikốp quay lại chỗ cửa sổ: anh từ chỗ bọn Đức về. Vứt ba
kẹp đạn tiểu liên xuống đất, anh rủa:
- Tiên sư bọn súc sinh Đức: đi tấn công mà không mang một
chiếc bi đông nhỏ nào cả.
- Này, Xannhikốp, cậu còn nhớ ngày chiến đấu đầu tiên không?
Hình như hôm ấy cậu phải chạy đi tìm đạn. Hình như có một kho đạn nào đó…
- Cậu Kônđakốp biết cái kho ấy. Tôi đã cùng anh đi tìm nhưng
không thấy.
- Lúc ấy bọn mình ngu quá.
- Bây giờ thì thông minh hơn à? - Xannhikốp thở dài. - Ta sẽ
đi tìm chứ?
- Nhất định rồi. - Plugiơnhikốp đáp. - cậu trung sĩ còn có
ba băng đạn trung liên.
- Đi giữa ban ngày à?
- Ban đêm chả tìm thấy đâu.
- Chẳng đi đâu cả. - Xannhikốp cười gằn. - Ban ngày bọn Đức
nhất định bắn chết ta…
Plugiơnhikốp im lặng. Xannhikốp lục lại túi quần áo, lấy ra
một nắm bánh mì khô bẩn thỉu, đã nát vụn. Họ im lặng nhai bỏm bẻm hồi lâu nắm vụn
bánh, như những ông già ốm yếu - những chiếc lưỡi khô nhấm nháp một cách khó
khăn trong đôi môi nứt nẻ
- Chà, giá được ngụm nước nhỉ… - Xannhikốp thở dài theo thói
quen.
- Đi tìm áo capốt đi. - Plugiơnhikốp nói. - Vôlôđia đang nằm
trên nền hầm trơ trọi. Chúng mình tạt qua chỗ cậu ấy rồi sẽ đi tìm đạn. Đi ngay
vào lúc ban ngày.
- Đúng là chui vào miệng hùm hang sói. - Xannhikốp làu bàu bỏ
đi.
Cậu ta tìm ngay được một chiếc áo capốt đã cháy sém, sau
lưng có vết máu đen thẫm. Họ lặng lẽ chia đạn tiểu liên rồi mò sâu xuống dưới,
chui qua một lỗ hổng đen ngòm để vào khu nhà hầm, ngổn ngang gạch vỡ.
Đênhisich còn sống: anh nằm bất động, đôi mắt mờ dại nhìn thẳng
vào mảng trời xám xịt ngoài lỗ thông hơi. Bộ râu di gan đen nháy dính máu đông
cứng lại. Anh nhìn hai người bằng ánh mắt hững hờ, xa lạ, rồi lại qua nhìn ra cửa
thông hơi.
- Anh ấy không nhận ra chúng mình. - Xannhikốp nói
- Con người may mắn, anh lính biên phòng thì thào. - Anh là
người may mắn. - Tốt lắm
- Giá mà bây giờ mà được ở nhà tắm hơi thì tốt quá. -
Xannhikốp mỉm cười. - Vừa ấm vừa có nước.
- Đừng! Đừng mang nước đến nữa, vô ích. Sáng mai mình sẽ chết.
Đênhisich nói đến cái chết một cách bình thản và dễ dàng đến
nỗi không sao tin được. Quả thực anh ta đang hấp hối, anh ta nhận thức rõ điều
này, không tỏ ra tuyệt vọng mà chỉ ao ước được nhìn thấy bầu trời. Họ hiểu rằng
tốt nhất lúc này nên để anh ta nằm yên một mình. Một mình anh ta với mảnh trời
con con. Họ lót chiếc áo capốt dưới lưng anh, đặt lại cánh tay cứng quèo đã giá
lạnh và thò ra ngoài. Họ đi tìm đạn cho những người đang sống.
Bọn Đức tràn vào thành sau khi đã chia cắt tuyến phòng thủ
ra thành nhiều ổ đề kháng riêng lẻ. Ban ngày, chúng hung hăng tràn lên, chọc thủng
khu doanh trại liên hoàn chi chít những đường ngang ngõ tắt, cố để lại sau lưng
những cảnh đổ nát hoang tàn. Nhưng đêm đến, từ những khu vực đổ nát do bọn công
binh Đức nổ phá, do bom nghiền nát như bột, do khẩu súng phun lửa đốt trụi ấy,
lại bừng bừng sức sống mới. Những thân hình rách rưới, xám đen và đầy thương
tích, gầy rộc đi vì đói khát, và những trận chiến đấu không cân sức lại trỗi dậy
từ đống gạch vụn, vượt khỏi hầm ngầm và xông vào những trận đánh giáp lá cà bằng
lưỡi lê, tiêu diệt những tên Đức dám liều lĩnh ở lại ban đêm. Bọn Đức bắt đầu
biết sợ bóng tối.
Nhưng Plugiơnhikốp và Xannhikốp vẫn đi lấy đạn vào ban ngày.
Họ bò trườn, áp sát mặt vào gạch, hít bụi bậm, ho sặc sụa trước mùi khăm khẳm của
những xác chết thối rữa, xương sống luôn ớn lạnh, chờ đợi những loạt đạn tiểu
liên bất cứ lúc nào cũng có thể bắn vào lưng mình. Khoảnh khắc nào cũng có thể
kéo cái khoảnh khắc ấy lại gần. Vì vậy, họ chỉ bò từng đoạn ngắn, yểm hộ cho
nhau chặt chẽ và trước khi bò tiếp, họ nghe ngóng, thăm dò cẩn thận. Pháo đài vẫn
rung lên những tiếng nổ, nhưng lúc này, nơi đây, chỗ họ đang bò đây lại khá yên
tĩnh.
Các hố đại bác đã che chở cho họ. Ở dưới đáy hố, họ có thể
hít thở, nghỉ ngơi giây lát và lấy lại sức để tiếp tục tiến lên. Mỗi bước họ
nhích lên, đều phải thăm dò từng phân tấc.
Xannhikốp là người thứ hai tụt xuống một hố đạn mới còn sặc
sụa mùi thuốc nổ dưới đáy. Plugiơnhikốp đã trườn xuống từ trước và đang ngồi
trên cát, chiếc mũ sắt hầm hập hơi nóng mặt trời đặt trên đầu gối anh.
- Tôi sẽ lấy vợ. - Xannhikốp bỗng khẽ nói khi đã ngồi xuống
bên cạnh. - Nếu tôi thoát được mà còn sống sót, tôi nhất định sẽ cưới vợ đấy.
Tôi ngốc quá, không thực hiện ý định đó từ trước. Anh có biết không, đã có dạo
người ta làm mối một cô cho tôi.
Một bóng đen hắt xuống mặt anh ta, Plugiơnhikốp chưa hiểu gì
cả mà chỉ ngạc nhiên do đâu bóng này hắt xuống.
- Đứng dậy!
Một loạt đạn tiểu liên nóng bỏng xẹt qua đầu họ: một tên Đức
đang đứng trên miệng hố ngay trước mặt, chỉ cách họ hai bước chân. Plugiơnhikốp
uể oải đứng dậy, anh thấy rõ hai tay áo xắn cao, bộ quân phục màu xanh xám bám
bụi đỏ quạch, cổ áo có hai khuy để hở và miệng khẩu tiểu liên đen ngòm chĩa thẳng
vào ngực mình. Cả Plugiơnhikốp và Xannhikốp đều từ từ đứng dậy, hai khẩu súng nằm
dưới hố, sát bên chân họ. Như trong một giấc mơ, họ nặng nề giơ tay lên.
Tên Đức trẻ trung, béo tốt, đầu cạo nhắn đứng tại chỗ trên
miệng hố, chĩa súng vào họ và mỉm cười. Bây giờ hắn chỉ cần siết nhẹ cò súng, cả
băng đạn sẽ xé thủng ngực họ và họ sẽ vĩnh viễn nằm lại đây, ngay dưới hố bom
này. Plugiơnhikốp đã cảm thấy điều đó, cảm thấy một cách rõ ràng những viên đạn
đang khoan vào người làm gãy xương cốt và máu anh sắp phụt ra. Trống ngực anh đập
dồn dập, tuyệt vọng, cổ họng anh ứ nghẹn, khô khốc và bỏng rát, anh nấc nghẹn,
co giật, đầu lắc lư một cách vụng về.
Còn tên Đức thì cười, nụ cười của kẻ chiến thắng. Tay trái hắn
rời khỏi súng và hắn giơ một ngón tay vẫy vẫy họ lại gần. Plugiơnhikốp và
Xannhikốp không sao rời mắt khỏi cái miệng súng đen ngòm, họ ngoan ngoãn bò
lên, xô vào nhau và làm vướng nhau. Tên Đức vẫn cười hô hố và vẫy họ bằng một
ngón tay.
- Ngay bây giờ, ngay bây giờ. - Xannhikốp nín thở, lẩm bẩm
không thành tiếng. - Ngay bây giờ…
Anh vượt lên trước Plugiơnhikốp. Khi lên gần miệng hố, bất
chợt, anh nằm toài người về phía trước, túm lấy hai chân tên Đức, giật mạnh về
phía mình. Một tràng súng bắn chếch lên trời, tên Đức và Xannhikốp cùng lăn xuống
hố và Plugiơnhikốp nghe thấy tiếng quát thất thanh:
- Chạy đi! Chạy đi! Trung úy! chạy đi!
Hai chân giẫm đất, Plugiơnhikốp nhẩy phốc lên miệng hố, anh
nhìn thấy bọn Đức đang lao về phía có tiếng kêu và chạy thục mạng. Hỏa lực ép
anh nằm xuống, đạn bắn vỡ những viên gạch dưới chân anh. Nhưng anh vẫn chạy, nhẩy
qua những xác chết và lao từ bên này qua bên kia. Anh cảm thấy tấm lưng cúi xuống,
còng sát đất của anh trở nên phình ra to vô hạn, che chở cho bản thân anh,
không phải che tụi Đức, che đạn, mà là che chở cho cuộc sống của anh.
Đạn vẫn cứ bay từ bên phải, bên trái, phía trước và
Plugiơnhikốp há miệng hớp không khí nóng bỏng, vẫn chạy dích dắc khi sang phải,
sang trái, mắt mờ đi không còn nhìn thấy gì ngoài những đám bụi do đạn bắn tung
lên. Bọn Đức chẳng buồn đuổi theo anh, chúng chỉ cười hô hố và lia những tràng
súng, bắt anh phải chạy quanh. Con người tả tơi, nhem nhuốc và hổn hển ấy chạy,
ngã, bò, toài rồi lại chạy, bị chi phối và giới hạn trong một bức tường vô hình
của những viên đạn ríu rít quanh mình. Không vội kết thúc cuộc đời anh, chúng cố
tình bắn sao cho đạn không trúng người, như thể cố ý kéo dài cảnh săn lùng này
để sau này kể lại cho những kẻ không được chứng kiến cảnh tượng này nghe.
Còn hai tên Đức dưới hố bom, cũng đang lầm lầm và lặng lẽ nện
cho Xannhikốp một trận đòn thù. Anh không còn la hét được nữa mà chỉ thoi thóp
thở trong lúc hai tên Đức giần báng súng xuống người anh như giã gạo. Máu trào
ra khỏi mồm và tai anh, anh cố che giấu bằng hai cánh tay mềm lả.
Vòng hỏa lực dần dần thu hẹp lại, nhưng Plugiơnhikốp vẫn chạy,
anh không tin mình đang chạy giữa vòng đạn và vẫn hy vọng ở một phép màu nhiệm
nào đó. Khẩu súng lục trong túi quần đập bồm bộp vào đùi anh, anh cảm nhận nó
trong mọi lúc, nhưng không làm sao dừng lại khoảnh khắc để rút nó ra. Không còn
cái khoảnh khắc đó, không còn không khí, không còn sức lực, không còn lối
thóat, chỉ còn có sự kết thúc. Kết thúc những ngày phục vụ trong quân đội và chấm
dứt cuộc đời anh, trung úy Nikôlai Plugiơnhikốp.
Bọn Đức dồn anh vào một mảng tường vỡ toác đứng trơ trọi
trên nền đất bị đạn đào tung lên. Anh gục ngã sau bức tường ấy và tránh được
làn đạn bắn thẳng vào những viên gạch chỉ cách đôi ủng của anh có vài phân. Anh
ngã vật xuống, toài tránh đạn đúng cái giây phút tiếng súng ngừng bặt và anh
nhìn thấy một lỗ thủng đen ngòm ăn thông xuống phía dưới. Không biết đó là đâu
và không kịp suy nghĩ, anh chui ngay xuống bằng toàn bộ sức lực còn lại, chẳng
suy nghĩ gì đến thân thể, đến những ngón tay, khuỷu tay, đầu gối đầy máu. Cái
khe nứt ấy ngoặt về phía bên phải, anh trườn theo lối rẽ, và trượt chân ngã xuống,
hai tay dang rộng. Giữa lúc đó, anh nghe thấy một tiếng nổ ngay phía trên đầu.
Bọn Đức đã ném lựu đạn theo. Quả lựu đạn vướng phải tường và nổ ngay sau chỗ
ngoặt, làm rung chuyển con đường hầm vắng lạnh.
Anh rơi xuống nền gạch bừa bãi đất cát và vôi vữa, nhưng may
nhờ hai cánh tay kịp đỡ, nên không việc gì, trừ mũi bị chảy máu. Anh nằm im, thỉnh
thoảng chỉ đưa tay lên gạt máu trên mặt và trên áo, giỏng tai nghe ngóng động
tĩnh, đề phòng mọi nguy hiểm. Điều đó bây giờ trở thành thói quen. Anh cố nén
nhịp thở gấp, nhưng tim anh vẫn đập loạn, cổ họng thở gáp, anh vẫn rút súng lục
ra và sửa lại tư thế nằm thuận tiện trên nền gạch lạnh giá.
Dường như lúc đó anh nghe thấy tiếng chân người. Một người
nào đó bước nhẹ về phía anh, tiếng chân chỉ khẽ lạo xạo trên cát. Cố dán mắt
nhìn vào bóng tối, Plugiơnhikốp nâng súng, toàn thân run lên, anh phải cầm súng
bằng cả hai tay. Khi mắt đã quen với bóng tối mờ mờ, anh nhìn thấy xa xa có hai
bóng người thấp thóang.
- Đứng lại! - anh khẽ hô khi họ đến gần. - Các anh là ai?
Hai bóng người đứng lại, rồi một người thình lình bước thẳng
về phía miệng súng run rẩy của anh.
- Tôi bắn!
- Người mình đây, chúng tôi là người bên mình, đồng chí ạ! -
người ấy mừng rỡ reo lên và bước nhanh lên phía trước. - Phêđôrôtrúc, châm đuốc
lên xem nào!
Một que diêm xòe lên. Ánh đuốc có lẫn khói làm nổi bật khuôn
mặt xồm xoàm, cái áo capốt và cái cổ áo để hở có ba hình tam giác đỏ trên phù
hiệu pháo binh màu đen.
- Đồng chí thân mến, người mình đây! - người đi phía trước
hét lên. - Chúng tôi bị vùi từ loạt pháo đầu tiên. Chúng tôi tự đào bới tìm lối
chui ra. Chúng tôi nghĩ…
Ánh đuốc lập lòe đột nhiên tách thành hai vòng tròn lung linh
như tỏa ra hàng ngàn ánh sao sáng chói, mờ ảo Khẩu súng lục tuột khỏi bàn tay
tê dại và Plugiơnhikốp ngất đi.
Anh tỉnh lại trong trạng thái hoàn toàn yên ả và chính cái cảnh
yên tĩnh này làm anh thấy rờn rợn. Trống ngực anh lại đập rộn rã. Hai mắt tuy vẫn
nhắm nghiền, nhưng anh vẫn tỉnh táo, anh hãi hùng nghĩ rằng mình bị điếc, điếc
hẳn và điếc vĩnh viễn. Trong tình trạng căng thẳng quá nhức nhối, anh tìm kiếm,
quờ quạng, và cố hết sức bắt lấy từng âm thanh quen thuộc: tiếng bom rú rít, tiếng
đạn đại liên nổ, tiếng tiểu liên chát chúa. Nhưng anh chỉ nghe thấy một giọng
phụ nữ êm dịu:
- Anh ấy đang tỉnh, thím Khơrixchia ạ.
Mở mắt, anh nhìn thấy những vầng sáng mù mờ, những mái vòm
cao ráo và một khuôn mặt con gái tròn trĩnh, cái đuôi sam đen nhánh buông dưới
tấm khăn trùm đầu trắng bong đến mức khó tin được. Hai tay lần mò một cách thận
trọng - tay anh không bị trói - anh sờ thấy mép chiếc ghế băng bằng gỗ mình
đang nằm và nhỏm ngay dậy.
- Tôi ở đâu thế này?
Động tác đột ngột ấy làm mọi vật hoa lên trước mắt anh: căn
hầm mờ tối, cạnh bàn là một người đàn ông râu tóc xồm xoàm và hai khuôn mặt phụ
nữ - khuôn mặt trẻ trung hình như ở gần, còn khuôn mặt già cả và yếu lả ở xa
hơn. Những khuôn mặt nhảy nhót và nhòe đi, tay anh vội lần theo mép ghế, thọc
vào túi và sờ soạng trên cái áo chẽn bết máu, nhưng không tìm thấy khẩu súng lục
đâu cả.
- Anh uống nước đi!
Người phụ nữ trẻ chìa chiếc ca nhôm ra. Anh hồ nghi cầm lấy
ca nước và uống ngập ngừng. Nước có lẫn bùn, cát như lạo sạo ngoài kẽ răng,
nhưng đây là hớp nước đầu tiên anh được uống sau mấy ngày đêm. Anh uống cạn hết
ca nước, ho sặc sụa vẻ thèm khát, và lập tức, cả căn hầm, những đốm sáng và những
khuôn mặt không còn nhảy nhót nữa. Anh nhìn rõ trên chiếc bàn lớn có mấy đĩa dầu
và mấy ngọn bấc đang cháy, cái ấm đun nước, cái đĩa phủ vải và năm người: ba
đàn ông, hai phụ nữ. Tất cả đều đang mỉm cười với anh. Có những giọt nước mắt
lăn trên gò má người phụ nữ đứng tuổi, bà lau má, thổn thức, nhưng vẫn cố mỉm
cười. Một cái gì thật xa xôi nhưng gần gụi như một giấc mơ, một cảnh huống,
đang hiện diện trước mặt anh, nhưng anh không nhớ gì cả, mà chỉ cất giọng hỏi
khô khan và gay gắt:
- Súng, súng của tôi đâu?
- Súng đây. - cô gái vội cầm khẩu súng đặt trên bàn và đưa
cho anh. - không nhận ra tôi ư, đồng chí trung úy?
Anh lẳng lặng cầm súng, kéo băng đạn ra - kiểm tra xem còn đạn
hay không. Đạn đang còn, anh đẩy băng đạn vào và cảm thấy yên tâm hơn.
- Đồng chí không nhận ra tôi hay sao? Hôm thứ bảy, đêm trước
chiến tranh, chúng ta cùng đi vào pháo đài ấy mà. Đồng chí bị ngã ở trạm kiểm
soát ấy. Tôi là Mira đây, đồng chí còn nhớ không?
- Phải, phải. Nhớ rồi.
Anh nhớ lại tất cả. Từ cô gái chân thọt đến những người phụ
nữ bồng bế những đứa trẻ đi qua khu pháo đài đổ nát trong cảnh hoàn toàn yên
tĩnh để ra đầu hàng bọn Đức. Anh nhớ cả loạt súng đầu tiên, nhớ cả cuộ gặp gỡ
thứ nhất với Xannhikốp và tiếng kêu to cuối cùng của anh ta: “Chạy! Chạy đi!
Trung úy!…”. Anh nhớ người đại úy bị thương mù mắt và Đênhisich trong căn hầm
trống hoác, nhớ cả cái giá của từng ngụm nước và cái ngách hầm khủng khiếp đầy
người sắp chết. Năm người cùng tranh nhau kể cho anh nghe điều gì đó, họ kể rất
hào hứng, thậm chí còn hóm hỉnh nữa, nhưng giờ đây, anh không còn nghe được gì
hết.
- Các người ăn uống no đủ nhỉ? - anh thều thào, và nghe cái
giọng thều thào gay gắt ấy, mọi người đều đột nhiên im bặt. - ăn no, mặc sạch,
nguyên lành cả chứ?… Vậy mà ở trên kia, ngay trên đầu các người, anh em, đồng
chí đã bị chết, không ai được chôn cất và chúng tôi cũng đã chết, nhưng chúng
tôi vẫn đang chiến đấu. Chúng tôi chết đi sống lại hàng trăm lần mà vẫn chiến đấu,
vẫn bóp cổ bọn Đức bằng hai bàn tay không. Còn nước, chúng tôi không cho ai hết,
kể cả trẻ em, chỉ để dùng cho súng. Các em bé đang lả đi vì khát, nhưng chúng
tôi phải dành nước cho những khẩu súng! Chỉ dành nước cho những khẩu súng! Nhờ
vậy, súng vẫn nổ, không cho bọn Đức lọt vào!… Còn các người, các người ngồi ở
dưới này à?… - Anh đột ngột bật dậy. - Đồ cặn bã! Tôi sẽ xử bắn các người! Vì tội
hèn nhát và tội phản bội! Lúc này tôi có quyền! Có quyền thay mặt những người
đang đang nằm ở trên kia! Tôi nhân danh họ!…
Anh lấy hết sức quát to và run lên vì kích động, còn họ, những
con người ấy, vẫn im lặng. Chỉ riêng anh thượng sĩ Phêđôrôtrúc khi nghe những lời
cuối cùng đã tránh vào bóng tối và từ phía ấy, anh kéo khóa súng kêu tách một
cái.
- Không được nhiếc chúng tôi là đồ cặn bã.
Một bóng người mảnh dẻ lảo đảo bước lại phía Plugiơnhikốp,
hai cánh tay tròn trĩnh, dịu dàng ôm chặt lấy anh. Plugiơnhikốp định đẩy ra,
nhưng tấm ngực mẹ hiền mềm mại đã áp vào vai anh và anh giãy giụa, nức nở, khóc
oà lên. Một giọng nói êm dịu như giọng mẹ, thủ thỉ bên tai anh:
- Nằm im, con của mẹ, nằm im. Thế là con đã về và vẫn nguyên
lành. Con cứ nghỉ để rồi chúng ta sẽ lo liệu mọi chuyện. Cứ nghỉ đi, con của mẹ
“Thế là mình đã về. - Plugiơnhikốp mệt mỏi thầm nghĩ. - Thế
là mình đã về…”.
Khu nhà kho mà chuẩn úy Xtêphan Mátvâyêvích, thượng sĩ
Phêđôrôtrúc, chiến sĩ Hồng quân Vaxili Vônkốp và ba phụ nữ đã ngồi uống trà với
nhau rạng sáng ngày 22 tháng 6, bị trúng đạn pháo hạng nặng ngay từ những phút
đầu tiên của trận pháo bắn chuẩn bị. Đạn nổ ngay trên lối ra vào, trần hầm vẫn
còn nguyên, nhưng những bậc thềm lên xuống thì đã sụt lở, chặn mất con đường
phía trên, con đường có thể cứu nguy cho họ như họ đã có lúc nghĩ vậy.
Plugiơnhikốp vẫn nhớ quả đạn pháo ấy: sức ép của nó đã ép anh xuống cái hố đạn
mà sau đi khi tỉnh lại, anh thấy Xannhikốp đến và trườn xuống. Quả đạn pháo rơi
sau lưng anh, nhưng lại nổ trước mặt những người còn lại trong hầm và thế là họ
mắc nghẽn suốt mấy ngày liền.
Đối với những người bị chôn sống dưới căn hầm ấy, chiến
tranh đã xảy ra ở một nơi nào đó trên đầu họ. Chiến tranh đã làm cho những bức
tường cổ kính dày hàng mét phải chuyển mình, khu kho ngầm ngổn ngang gạch vỡ, lấp
kín các lỗ thông hơi. Họ bị tách khỏi mọi người, tách khỏi thế giới mặt đất,
nhưng họ có thức ăn, và ngày hôm sau, còn tìm thấy cách lấy được nước giếng nữa.
Mấy người đàn ông đã đào một hố trên nền hầm, nước chảy qua lần vải lọc, trong
một ngày đêm được chừng hai ống bơ. Họ có cái ăn, có nước uống và nhiều công việc
phải làm. Họ cố phá thủng những bức tường xung quanh trong cảnh đổ nát bừa bộn,
hy vọng tìm được đường lên mặt đất, hoặc ít nhất cũng sang được những ngách hầm
bên cạnh. Nhưng những ngách hầm này đã lại đổ ụp do những trận bom nối tiếp
nhau, cho nên họ lại phải đào tiếp. Một hôm, họ chui qua một ngách hầm ngoắt
ngoéo trong dẫy hành lang ngầm, chui qua mấy căn hầm và những ngách hầm tối, rồi
đến được kho vũ khí, lối vào kho cũng bị vôi gạch lấp kín, nhưng ở một khu vực
xa hơn, họ tìm thấy một lỗ hẹp thông lên phía trên.
Sau mấy ngày liền, lần đầu tiên họ lên được mặt đất, cả sáu
con người bị chôn sống ấy đều khao khát tìm thấy tự do, tìm thấy khí trời và
tìm thấy người của họ. Họ lần lượt bò từ hầm ngầm lên và cả sáu người cùng dừng
lại, không ai dám liều lĩnh bước ra khỏi cái khe tường mà họ biết là sẽ đưa họ
về với cuộc sống và họ sẽ thoát nạn.
Pháo đài vẫn sống động. Tiếng súng rời rạc từ khu doanh trại
liên hoàn, từ phía sông Mukhavét và khu nhà thờ vẫn nổ, vẫn còn những chớp lửa
và những bức tường đổ gục. Nhưng ở đây, tại khu trung tâm này, đêm lại rất vắng
lặng. Khó có thể nhận ra được gì. Không có người của họ, không có khí trời và
cũng không thể có tự do.
- Chúng ta bị kẹt rồi. - Phêđôrôtrúc than thở.
Thím Khơrixchia khóc và cầm góc khăn trùm đầu thấm nước mắt
như các bà nông dân. Mira nép sát vào người thím, cổ cô nghẹn lại vì mùi xác chết.
Chỉ có đôi mắt của Anna Pêtơropna là vẫn ráo hoảnh và rực cháy trong đêm, bác lặng
lẽ đi qua sân.
- Anna! - Xtêphan Mátvâyêvích gọi. - Bác đi đâu đấy?
- Bọn trẻ. - bác dừng lại giây lát. - Bọn trẻ nhà tôi đang ở
ngoài kia.
Anna Pêtơropna đi tiếp, còn họ thì ngán ngẩm và do dự quay
vào hầm.
- Phải đi trinh sát. - anh chuẩn úy nói. - Biết đi đâu bây
giờ? Quân ta ở đâu?
- Trinh sát ở chỗ nào bây giờ? - Phêđôrôtruc thở dài. - Bọn
Đức đang đầy ở xung quanh.
Bà mẹ vẫn tiếp tục bước, vấp cả vào những xác chết. Cặp mắt
ráo hoảnh, đầy kinh hoàng của bà liếc nhìn những quả pháo sáng nhấp nháy. Không
ai gọi hoặc ngăn bà lại, vì bà đang ở trong khu vực quân ta đã bỏ đi, một khu vực
đã bị bọn công binh Đức phá tung lên và đã bị đổ nát vì những trận bom tàn phá
trong mấy ngày qua. Bà đi qua vòm cổng, bước lên mặt cầu còn loang lổ vết máu
và ngổn ngang xác chết, rồi bỗng ngã gục ngay cạnh những người thân yêu, vì đến
đấy, bà bị trúng liền ba viên đạn lạc. Cũng như lúc đi, bà ngã về phía trước,
hai tay vươn đến chỗ những đứa con trai đã chết từ lâu.
Nhưng những người trong hầm không ai hay biết gì cả, cả trung
úy Plugiơnhikốp cũng không biết gì hơn.
Ngay sau khi tỉnh hẳn, anh thấy cần phải có đạn. Họ dẫn anh
chui qua hốc tường, len lỏi qua hành lang ngầm vào đến kho vũ khí - chính cái
kho Xannhikốp đã chạy đến trong những giờ đầu của chiến tranh - anh thấy những
khẩu súng tiểu liên mới tinh còn két dầu mỡ cùng với những băng đạn đầy ắp và
những hòm đạn còn nguyên vẹn, anh không tài nào cầm được nước mắt. Số vũ khí mà
các đồng chí của anh đã phải liều mình tìm kiếm, đã phải hy sinh vì nó, đang nằm
trước mắt anh. Anh không mong chờ một hạnh phúc, hoặc một ước muốn nào hơn. Anh
bảo mọi người lau chùi súng, gột sạch dầu mỡ, chuẩn bị cho những trận đánh sắp
tới, họ đã hăng hái cuốn vào công việc với tất cả cố gắng của mình.
Gần tối, mọi thứ: súng tiểu liên, băng đạn dự trữ, những hòm
đạn đều sẵn sàng. Tất cả đều được chuyển vào đường hành lang tối qua các khe tường
vỡ, nơi anh đã nằm lúc ban ngày vừa nín thở lắng nghe tiếng chân người và không
tin là mình sẽ được cứu sống. Anh dẫn tất cả nhóm đàn ông đi theo. Mỗi người,
ngoài súng đạn, còn mang theo một bi đông nước lấy tại giếng của Xtêphan
Mátvâyêvích. Nhóm phụ nữ vẫn ở lại dưới hầm.
- Chúng tôi sẽ quay lại! - Plugiơnhikốp bảo họ.
Giọng anh cộc lốc và nghiêm trang, họ lặng lẽ phục tùng anh.
Trong số họ, người thì cảm phục và sẵn sàng, người thì e sợ, người thì lại bất
mãn ngấm ngầm, nhưng không ai tỏ vẻ phản đối công khai cả. Họ sợ phải nhìn
khuôn mặt tái xám vì đói ăn và mất ngủ cùng cái áo chẽn lưng cứng quèo, rách
nát, bê bết máu của viên trung úy còn rất trẻ này.
Chỉ có anh chuẩn úy khẽ xen vào:
- Dọn những thức ăn này đi. Hãy mang ra cho anh ấy ít bánh
mì khô và cốc nước nóng.
Nghe vậy, thím Khơrixchia giàu lòng thương đã bày ra bàn tất
cả những gì bác từng chắt chiu dành cho những lúc đen tối nhất. Cơn đói cồn cào
bóp chặt lấy cổ họng Plugiơnhikốp. Anh bước đến cạnh bàn, vươn tay ra, sắn sàng
ăn ngốn ngấu mọi thứ bày ra trước mặt, cố nhồi nhét cho đầy dạ dầy, để rồi cuối
cùng anh có thể kiềm chế được những cơn chuột rút đã từng làm anh ngã lăn trên
đất và cắn chặt lấy tay áo để khỏi thét lên. Nhưng người chuẩn úy đã đứng chăn
ngang trước bàn vội giữ tay anh lại.
- Dọn đi, thím Khơrixchia. Không ăn nhiều được đâu, trung úy
ạ. Bội thực đấy. Phải ăn từng chút một cho quen bụng đã.
Plugiơnhikốp làm chủ được mình. Anh nuốt nước bọt ừng ực và
bỗng nhìn thấy những giọt nước mắt trào ra trên khuôn mặt Mira, anh cố mỉm cười,
và hiểu rằng nụ cười của mình méo xệch, anh quay ngoắt đi.
Ngay sau khi trời tối, anh thận trọng lách qua chỗ khe tường
vỡ cùng với Vaxili Vônkốp, một chiến sĩ trẻ măng đang lặng đi vì sợ. Đến nơi,
anh nằm lại một lúc lâu, lắng nghe tiếng súng phía xa xa, lắng nghe tiếng chân,
tiếng trò chuyện và tiếng vũ khí va vào nhau lách cách. Nhưng ở đây, tất cả đều
im ắng.
- Theo tôi. Đừng hấp tấp, hãy nghe ngóng trước khi di chuyển
vị trí.
Họ trườn xuống từng hố đại bác, xem xét từng chướng ngại vật,
sờ vào từng xác chết. Xannhikốp không có ở đây.
- Cậu ấy còn sống. - Trên đường quay về, anh thờ dài nhẹ
nhõm, nói giọng tin tưởng. - Cậu ấy bị bắt. Bọn Đức không chôn cất xác anh em
ta đâu.
-------------
Còn tiếp…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét