Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Cô gái chọc tổ ong bầu - Stieg Larsson (Ch 8)

Cô gái chọc tổ ong bầu
(The Girl Who Kicked The Hornet’s Nest)

Tác giả: Stieg Larsson
Dịch giả: Trần Đĩnh
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2010

Phần II

Nước Cộng hòa tin tặc

1 - 22 Tháng Năm

Pháp luật Ireland năm 697 cấm phụ nữ đi lính - có nghĩa là trước đó phụ nữ đã từng làm lính. Những nơi hàng thế kỷ từng tuyển nữ binh gồm có người Ả Rập, Berber, Kuốc, Rajpur, Trung Quốc, Philippines, Maori, Papua, thổ dân Úc, Micronesia và Da đó Châu Mỹ.
Có vô vàn truyền thuyết về các nữ chiến binh đáng sợ của Hy Lạp cổ đại. Những chuyện này nói về những phụ nữ từ thơ ấu đã tập luyện nghệ thuật chiến tranh - cách sử dụng vũ khí, cách chống chọi lại những thiếu thốn vật chất. Họ sống tách khỏi đàn ông và ra trận trong các trung đoàn của riêng nữ. Các chuyện kể rằng họ khuất phục đàn ông trên chiến trường. Chẳng hạn Amazon, các nữ binh cưỡi ngựa xuất hiện trong văn chương Hy Lạp, trong Illiad của Homer năm 600 trước công nguyên.
Chính người Hy Lạp đã đúc tạc ra chữ Amazon. Nghĩa đen của nó là “không có vú”. Nghe nói rằng để thuận tiện cho việc kéo cung, người ta đã bỏ đi vú bên phải của phụ nữ trong lúc họ còn thơ, hoặc bằng sắt nung đỏ lúc họ trưởng thành. Dù các thầy thuốc Hy Lạp là Hippocrates và Galen tán thành rằng cách làm này sẽ giúp cho việc sử dụng vũ khí được thành thạo, người ta vẫn ngờ liệu có đúng là đã thực hành lối cắt bỏ ấy không. Nằm ở đây một câu đố về ngôn ngữ - liệu tiền tố “a” trong chữ Amazon có thực sự là ngụ ý “không có” không. Người ta lại gợi ý rằng nó có nghĩa ngược lại - Amazon là phụ nữ vú đặc biệt to. Cũng không nhà bảo tàng nào có thí dụ nào về tranh vẽ, bùa hay tượng của một phụ nữ không có vú bên phải, điều có lẽ đã là mô típ chung trong thực tế để làm chỗ dựa cho các truyền thuyết về việc cắt bỏ vú.

Chương 8

Chủ nhật, 1 tháng Năm - Thứ Hai, 2 tháng Năm

Cửa thang máy mở ra, Berger hít một hơi sâu đi vào tòa soạn báo Svenska Morgon-Posten. Là 10 giờ 15 sáng. Ðể đi làm chị mặc một chiếc quần đen, áo ngoài chui đầu màu đỏ và jacket sẫm màu. Đang độ thời tiết huy hoàng của ngày 1 tháng Năm, trên đường qua thành phố chị đã để ý thấy các toán công nhân bắt đầu tập hợp. Trong đầu chị chợt nghĩ rằng hơn hai chục năm rồi chị chưa dự một cuộc diễu hành nào như thế.
Chị dừng lại một lát cạnh cửa thang máy, một thân một mình vô nhân vấn. Ngày đầu với công việc. Chị có thể nhìn thấy phần lớn tòa soạn với các bàn làm tin ở giữa. Chị nhìn thấy các cửa kính buồng của Tổng biên tập mà bây giờ là của chị.
Ngay lúc này chị cũng không hoàn toàn chắc chắn rằng mình lại là người lãnh đạo cái tổ chức đang lan tỏa rộng gồm có SMP. Từ Millennium với một quân số năm người đến một tờ báo ngày với tám chục phóng viên và chín chục người khác làm công việc quản trị hành chính, công nghệ thông tin, thiết kế trình bày, nhiếp ảnh, quảng cáo và mọi sự mà tờ báo phải có để xuất bản là một bước đi lên khổng lồ. Cộng thêm nhà xuất bản, công ty phát hành và công ty quản trị. Hơn 230 người.
Trong khi đứng đó chị thầm hỏi liệu tất cả việc ra đi đến đây có phải là một sai lầm xấu xa không.
Rồi người nhiều tuổi hơn trong hai cô tiếp tân nhận ra ai vừa đến tòa báo. Ở đằng sau quầy bà ta đứng lên giơ tay ra.
- Bà Berger, hoan nghênh đến với SMP.
- Gọi tôi là Erika đi. Chào.
- Tôi là Beatrice. Mừng đón chị. Tôi có cần chỉ chỗ tìm Tổng biên tập Morander không ạ? Tôi muổn nói là Tổng biên tập sắp ra đi.
- Cảm ơn. Tôi đã thấy ông ấy ngồi ở trong buồng kính kia, - Berger mỉm cười nói. - Tôi tự đi đến được, nhưng cảm ơn đã có lòng giúp.
Chị bước rảo qua buồng tin, nhận ra tiếng râm ran chợt ngừng bặt. Chị cảm thấy mắt mọi người đang đặt lên người mình. Đến giữa quầy làm tin vắng một nửa, chị đứng lại, gật đầu thân mật.
- Lát nữa chúng ta sẽ ra mắt đàng hoàng với nhau, - chị nói rồi đi tới gõ vào cửa căn phòng kính nhỏ.
Hakan Morander, Tổng biên tập sắp rời đi, đã ở trong buồng kính mười hai năm. Y như Berger, cái đầu của ông đang để người ta săn tìm - cho nên ông cũng đã từng một lần đi những bước đầu tiên đến bàn giấy ông đang ngồi đây. Morander ngửng nhìn chị, lúng túng rồi đứng lên. .
- Chào Erika, - ông nói. - Tôi nghĩ chị bắt đầu thứ Hai này.
- Tôi không thể nán thêm một ngày ở nhà được nữa. Cho nên tôi đến rồi đây.
Morander chìa tay ra.
- Hoan nghênh. Tôi không thể nói được tôi vui thế nào khi chị tiếp quản công việc.
- Ông thấy sao?
Ông nhún vai khi chị tiếp tân Beatrice mang cà phê và sữa vào.
- Cảm thấy như tôi đã đang làm với có một nửa tốc độ. Thực sự tôi không muốn nói đến chuyện này. Ta đi và cảm thấy cứ như một đứa trẻ mười mấy suốt đời bất tử thế rồi thình lình té ra chả còn lại được mấy nả thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn: tôi không có ý qua phần đời còn lại ở trong lồng kính này.
Ông xoa xoa ngực. Ông có vấn đề tim mạch, đó là lý do ông ra đi và tại sao Berger lại đến sớm hơn mấy tháng so với tuyên bố ban đầu.
Berger quay lại nhìn ra quang cảnh phòng biên tập. Chị thấy một phóng viên và một nhà nhiếp ảnh đi tới thang máy, có thể trên đường đi lấy tin về cuộc diễu hành 1 tháng Năm.
- Hakan... nếu tôi làm phiền hay nếu hôm nay ông bận thì mai hay ngày kia tôi đến.
- Việc hôm nay là viết một xã luận về cuộc tuần hành. Tôi có thể vẫn ngủ mà viết nó. Nếu đám thiên tả muốn một cuộc chiến với Ðan Mạch thì tôi phải giải thích tại sao họ lại sai.
- Ðan Mạch?
- Ðúng. Thông điệp 1 tháng Năm không đụng gì đến vấn đề hội nhập người di cư. Lẽ dĩ nhiên đám thiên tả sai, dù họ muốn nói gì đi nữa.
Ông bật cười phá.
- Ông vẫn luôn đa nghi thế ư?
- Hoan nghênh đến SMP.
Erika không có ý kiến nào về Morander. Ông là một bộ mặt quyền thế ẩn danh ở trong lớp các tổng biên tập ưu tú. Trong các xã luận của mình, ông nổi tiếng là gây phiền phức và bảo thủ. Một chuyên gia kêu ca về thuế má và một tay tự do chủ nghĩa khi đụng đến vấn đề tự do báo chí. Nhưng chị chưa gặp mặt ông bao giờ.
- Ông có thì giờ nói về công việc với tôi không?
- Hết tháng Sáu tôi đi. Chúng ta sẽ làm việc với nhau trong hai tháng. Chị sẽ phát hiện ra điều hay lẫn điều dở. Tôi là tay đa nghi nên phần lớn tôi thấy cái dở.
Ông đứng lên cạnh chị nhìn qua cửa kính ra phòng biên tập.
- Chị sẽ phát hiện ra cái này - làm việc thì khắc thấy nó thôi mà - chị sẽ có một số đối thủ ở ngoài kia - biên tập viên của các báo hàng ngày và các cha thâm niên trong số các biên tập viên đã tạo nên đế chế nho nhỏ của họ. Họ có các câu lạc bộ của riêng họ mà chị không thể gia nhập. Họ sẽ cố vươn rộng biên giới ra để đẩy tới các tiêu đề và góc độ của riêng họ. Chị sẽ phải đấu dữ để giữ lấy tiêu đề và góc độ của chị.
Berger gật.
- Các ủy viên biên tập ca đêm của chị là Billinger và Karlsson... bản thân họ đã là hẳn cả một chương. Họ ghét nhau và được cái quan trọng là họ không làm cùng ca nhưng cả hai đều hành động y như thể mình là nhà xuất bản và tổng bíên tập thật vậy. Rồi có Anders Holm, biên tập viên tin tức - chị sẽ phải làm việc nhiều với ông ta. Chị sẽ lĩnh phần đụng độ của chị với ông ta. Thực tế ông ấy là người cho SMP ra mắt hàng ngày. Một vài phóng viên là những ứng cử viên nhận các giải thưởng và một số nữa thì đáng cho về vườn.
- Ông có vài ba đồng sự nào tốt không?
Morander lại cười lớn.
- Ô, có chứ nhưng chị phải tự quyết định lấy ai sẽ có thể chơi với chị. Một số phóng viên chạy ngoài là tốt một cách nghiêm túc đấy.
- Việc quản trị điều hành thì thế nào?
- Magnus Borgsjo là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông ta là người tuyển chị đó. Ông ta hấp dẫn. Hơi trường phái cũ một tí nhưng đồng thời cũng lại có một chút cách tân; nhưng trên hết ông ta là người ra quyết định. Một số thành viên quản trị, gồm cả vài người của gia đình sở hữu tờ báo, dành phần lớn ngồi chơi giết thì giờ, còn những người khác thì phất phơ, kiểu thành viên nhà nghề của Hội đồng Quản trị.
- Xem vẻ ông không thực sự mê công việc trong Hội đồng Quản trị.
- Ðã có phân công rồi. Chúng ta cho báo ra, họ lo toan chuyện tài chính. Không bảo họ can thiệp vào nội dung nhưng các thứ chuyện vẫn cứ thình lình nảy sinh. Thật tình mà nói, giữa hai chúng ta rồi sẽ gay.
- Sao lại thế?
- Lượng phát hành đã tụt mất gần 150.000 tờ từ hồi đang huy hoàng của thập niên 60, và chẳng lâu la sẽ đến lúc mà SMP không còn sinh lời nữa. Chúng ta đã tổ chức lại, cắt hơn 180 vị trí từ 1980. Chúng ta chuyển sang báo khổ nhỏ - lẽ ra hai mươi năm trước đã phải làm việc này rồi. SMP vẫn là một tờ báo lớn. Nhưng với chúng ta, để cho nó bị coi là báo hạng hai thì cũng chả khó gì. Chỉ là chưa xảy ra mà thôi.
- Vậy họ bứng tôi về làm gì? - Berger nói.
- Vì tuổi trung bình của người đọc chúng ta là trên năm chục và số người đọc ở tuổi thanh niên thì tăng coi như gần bằng không. Tờ báo cần được trẻ hóa. Và trong Hội đồng quản trị thì người ta lý luận rằng cần phải mang về một Tổng biên tập mà chắc chắn thiên hạ không thể ngờ đến nhất.
- Một phụ nữ?
- Không phải bất cứ phụ nữ nào. Mà phải là người phụ nữ đã nghiền nát đế chế Wennerstrom, người được coi là nữ hoàng của báo chí điều tra, người đã nổi tiếng về sự cứng rắn. Hãy hình dung ra chuyện ấy đi. Nó là không thể cưỡng nổi lại rồi. Chị mà không trẻ hóa được tờ báo này thì chả ai làm nổi. SMP không phải chỉ mướn Erika Berger không thôi, chúng tôi đây là thuê luôn toàn bộ cái bí ẩn gắn với tên tuổi của chị.
* * *
Vừa qua 2 giờ chiều thì Blomkvist rời Café Copacabana cạnh rạp chiếu phim ở Hornstull. Anh đeo kính râm vào, rẽ lên Bergsundsstrand để tới xe điện ngầm. Anh để ý ngay thấy chiếc Volvo xám đỗ ở góc đường. Anh đi qua nó mà không chậm bước lại. Vẫn biển đăng ký ấy và xe trống không.
Bốn ngày nay, đây là lần thứ bảy anh trông thấy chiếc xe này. Anh không rõ nó là láng giềng của anh đã bao lâu. Anh thấy nó hoàn toàn do ngẫu nhiên. Lần đầu nó đỗ gần cửa ra vào chung cư anh ở tại Bellmansgatan vào sáng thứ Tư khi anh rời nhà đi đến tòa báo. Tình cờ anh đọc thấy biển đăng ký xe bắt đầu với chữ KAB, anh chú ý đến nó vì đó là chữ đầu của công ty cổ phần của Zalachenko, Karl Axel Bodin Liên hợp. Anh sẽ không để ý đến nó nữa nhưng mấy giờ sau khi ăn trưa với Cortez và Eriksson ở Medborgarplasen, anh lại nom thấy nó. Lần này nó đỗ ở một phố ngách gần tòa báo Millennium.
Anh nghĩ hay là mình bị tâm thần hoang tưởng, nhưng chiều hôm ấy anh đến thăm Palmgren tại nhà phục hồi chức năng ở Ersta, chiếc xe lại đỗ ở khu vực xe khách. Không thể là chuyện tình cờ được nữa rồi. Blomkvist bắt đầu để mắt tới mọi chuyện ở quanh anh. Và sáng hôm sau thấy lại chiếc xe thì anh không còn ngạc nhiên.
Anh không trông thấy người lái xe lần nào.
Gọi hỏi chỗ đăng ký xe anh biết chiếc xe là của Goran Martensson ở Vittagigaten trong Vallingby. Tìm hiểu một giờ thì biết Martenssson này có danh nghĩa là tư vấn kinh doanh và sở hữu một công ty tư nhân, địa chỉ là một hòm thư bưu điện trên đường Fleminggatan. Tiểu sử của Martensson khá thú vị. Năm 1983, mười tám tuổi anh ta thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ bờ biển rồi vào quân đội. Năm 1989, lên thiếu úy rồi được chuyển đến Học viện cảnh sát ở Solna. Giữa 1991 và 1996, anh ta làm việc cho cảnh sát Stockholm. Năm 1997, anh ta không còn ở trong biên chế chính thức của cảnh sát đối ngoại và năm 1999 thì anh ta đăng ký lập công ty riêng.
Vậy là - Sapo.
Một câu chuyện chưa đến mức ấy cũng đã đủ làm cho một nhà báo điều tra chăm chỉ lên một cơn tâm thần phân lập được rồi. Blomkvist kết luận anh đang bị đeo bám nhưng người ta làm quá vụng nên anh không thể không để ý thấy.
Hay là có vụng thật không? Lý do duy nhất trước tiên khiến anh để ý đến chiếc xe là biển đăng ký, nó chỉ tình cờ nói lên một điều gì đó với anh. Nhưng với KAB thì anh sẽ không thèm liếc cho một cái thứ hai.
Ngày thứ Sáu KAB vắng mặt và vì thế mà lộ mặt. Không thể tuyệt đối chắc chắn nhưng Blomkvist nghĩ hôm nay anh đang bị một chiếc Audi đỏ bám đuôi. Anh không nhìn thấy biển đăng ký của nó. Ngày thứ Sáu chiếc Volvo đã tháo lui.
* * *
Blomkvist rời Café Copabacana đúng hai chục giây thì ở dưới bóng râm của mái hiên Café Rosso bên kia đường, Malm giơ chiếc Nikon lên bấm một loạt mười hai tấm hình của hai người đàn ông đi theo Blomkvist ra khỏi quán cà phê rồi đi qua rạp chiếu phim Kvarter.
Một người tóc vàng nom trạc ở giữa ba hay bốn chục tuổi. Người kia xem vẻ già hơn, tóc thưa màu vàng hung, đeo kính râm. Cả hai đều mặc jean và jacket da.
Họ chia tay ở bên chiếc Volvo xám. Người lớn tuổi vào xe, người trẻ đi theo Blomkvist đến ga xe điện ngầm Hornstull.
Malm hạ máy ảnh xuống. Nài anh giữa chiều thử Bảy đến kiểm soát cái vùng lân cận Copabacana để tìm ra một chiếc Volvo xám có biển đăng ký bắt đầu bằng chữ KAB mà Blomkvist chả có đưa ra cho anh một lý do nào hay hay sất cả. Blomkvist bảo anh đứng ở chỗ có thể chụp ảnh bất cứ ai lên xe, chắc là sau đúng 3 giờ. Ðồng thời anh còn cần chong mắt lên với bất cứ ai có vẻ như đi theo Blomkvist.
Nghe giống như khúc dạo đầu cho một chuyến phiêu lưu điển hình Blomkvist rồi đây. Malm không dám chắc là Blomkvist bị hoang tưởng bẩm sinh hay có những năng khiếu thần bí. Từ các vụ việc ở Gosseberga, người bạn đồng sự của anh ít xuất hiện và khó liên hệ. Điều này không có gì lạ. Nhưng khi Blomkvist bận về một chuyện phức tạp thì điều này càng nổi rõ - Malm đã quan sát thấy ở Blomkvist cách hành xử bí ẩn và như bị ám ảnh tương tự trong các tuần trước khi tóe ra vụ Wennerstrom.
Mặt khác, tự Malm cũng có thể thấy là Blomkvist đang bị bám đuôi. Anh thầm nghĩ lơ mơ lại sắp diễn ra một cơn ác mộng nào đây. Muốn là gì thì nó cũng sẽ ngốn hết thì giờ, năng lượng và nguồn lực của Millennium mất thôi. Malm nghĩ giữa lúc Tổng biên tập đào ngũ sang nhật báo lớn và Millennium đang phải cần cù tái cấu trúc lại cho được ổn định, nếu Blomkvist lên đường vì một mưu đồ man dại nào đó thì đúng là một ý tưởng không hay ho gì.
Nhưng ít nhất mười năm nay Malm không tham dự vào một cuộc diễu hành nào - trừ cuộc diễu hành Niềm kiêu hãnh Đồng tính ái. Ngày 1 tháng Năm này anh chả có việc gì làm tốt hơn là chiều lòng tay chủ bút tính khí đồng bóng của anh. Anh nhảy theo người đang bám đuôi Blomkvist, tuy không được nhờ làm như vậy, nhưng trên đường Landholmsgatan thì anh để tuột mất hắn.
* * *
Nhận ra di động của minh bị cài bọ; trước tiên Blomkvist bảo Cortez ra mua vài điện thoại cầm tay cũ. Cortez mua một mớ tạp nham Ericsson T10. Blomkvist bèn mở trên Comviqv vài tài khoản vô danh trả tiền ngay rồi chia các di động ấy cho Eriksson, Cortez, Giannini, Malm và Armansky, anh cũng giữ một chiếc cho mình. Họ chỉ được dùng nó cho các cuộc chuyện trò tuyệt đối không thể bị nghe trộm. Họ có thể và nên nói các thứ hàng ngày qua di động của họ. Như thế có nghĩa là họ phải mang hai di động theo mình.
Cortez có ca làm cuối tuần và Blomkvist đã thấy anh ở tòa báo buổi tối từ vụ Zalachenko bị giết, Blomkvist đã đặt ra một bảng phân công 24/7, để cho suốt tuần và suốt ngày đêm đều có người làm việc cũng như có một ai đó ở lại ngủ đêm. Bảng phân công gồm có cả tên anh, Cortez, Eriksson và Malm. Lottie Karim nổi tiếng sợ tối, suốt đời sẽ không bao giờ tự nguyện qua đêm ở tòa báo. Nilsson không sợ tối nhưng làm việc quá hung tàn với các phần việc của chị nên được khuyến khích hễ cứ tan tầm là về nhà. Hàng mười năm nay Magnusson đã quen nếp ấy, vả chăng là trưởng ban mỹ thuật nên cũng chả có gì dính dáng đến bên biên tập. Thì ngày lễ ông cũng sẽ như thế thôi.
- Có gì mới không?
- Không có gì đặc biệt, - Cortez nói. - Hôm nay tất cả đều vì 1 tháng Năm, chuyện khá tự nhiên thôi.
- Tôi sẽ ở đây hai, ba giờ nữa, - Blomkvist bảo anh. - Hãy nghỉ đi rồi khoảng 9 giờ thì quay lại.
Cortez đi rồi, Blomkvist lấy di động vô danh ra gọi Daniel Olsson, một nhà báo tự do ở Goteborg. Nhiều năm qua Millennium đã đăng nhiều bài báo của ông và Blomkvist thì rất tin ở tài lượm lặt tài liệu về tiểu sử của ông.
- Chào Daniel. Mikael Blomkvist đây. Nói chuyện được chứ?
- Chắc rồi.
- Tôi cần ai đó xắn tay sưu tầm một số tài liệu. Anh có thể yêu cầu bọn tôi trả công cho năm ngày làm việc, và xong việc anh không cần phải có bài vở. Tất nhiên nếu muốn thì anh có thể viết một bài về đề tài ấy, và chúng tôi sẽ dùng nó, nhưng việc chúng tôi cần là sưu tầm.
- Tốt. Nói đi.
- Chuyện nhạy cảm. Anh không thể bàn với bất cứ ai ngoài tôi và anh chỉ được giao tiếp với tôi qua hotmail. Anh cũng không được nói rằng anh đang nghiên cứu cho Millennium.
- Nghe ngộ đấy nhỉ. Anh tìm cái gì?
- Tôi muốn anh làm cho một báo cáo về công việc ở bệnh viện Sahlgrenska. Chúng tôi gọi báo cáo ấy là Báo cáo đặc biệt, vì nó xét đến những chỗ khác nhau giữa thực tế và loạt phim đưa lên tivi. Tôi muốn anh đến bệnh viện quan sát công việc ở phòng Cấp cứu cũng như ở đơn vị hồi sức trong một hai ngày. Nói chuyện với các bác sĩ, y tá và hộ lý - tất cả những người thực tế đang làm việc ở đó. Điều kiện làm việc của họ như thế nào? Họ thực sự làm gì? Là loại việc gì? Dĩ nhiên có cả ảnh chụp.
- Hồi sức tích cực thì sao? - Olsson nói.
- Đúng. Tôi muốn anh tập trung vào bộ phận hồi sức hậu phẫu cho các bệnh nhân bị thương nặng ở hành lang 11C. Tôi muốn biết toàn bộ sự bố trí của hành lang, ai làm việc ở đấy, họ trông ra sao, và tiểu sử của họ thế nào.
- Nếu tôi không lầm thì hành lang 11C ấy có một Lisbeth Salander gì đó.
Olsson không phải là dân ú ớ.
- Hay thật, - Blomkvist nói. - Tìm xem cô ấy ở buồng nào, những ai ở các buồng gần đó và thủ tục ở khu vực này.
- Tôi có cảm giác câu chuyện sẽ là về một cái gì khác hẳn thế đấy à, - Olsson nói.
- Như tôi đã nói ấy... tất cả những gì tôi muốn là công việc tìm kiếm mà anh đã nhận lời.
* * *
Salander đang nằm ngửa trên sàn thì nữ y tá Marianne vào.
- Hừm, - chị nói, qua đó cho thấy chị nghi ngờ cái kiểu động tác hiếm thấy này ở trong một đơn vị hồi sức. Nhưng chị chấp nhận đó chỉ là không gian tập luyện duy nhất của bệnh nhân mà thôi.
Salander đổ mồ hôi mồ kê. Cô đã bỏ ba mươi phút ra tập giơ tay, duỗi thẳng người và ngồi dậy theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu. Cô có một bảng danh sách dài những động tác phải hoàn thành hàng ngày để cơ vai và hông cứng rắn theo sau các thao tác cô đã làm ba tuần trước đây. Cô thở khó và cảm thấy bị vắt kiệt sức. Cô thấy dễ mệt, vai trái chỉ mới khẽ cố gắng đã cứng đơ và đau. Nhưng cô đang trên đường hồi phục. Các trận đau đầu hành hạ cô sau khi mổ đã bớt, chỉ còn thỉnh thoảng trở lại.
Cô nhận thấy nay cô đã đủ hồi phục để nếu có thể thì ra khỏi hay dù gì cũng tập tễnh ra ngoài bệnh viện được, nhưng không phải. Trước hết các bác sĩ tuyên bố cô chưa khỏe, thứ hai, cửa vào buồng cô luôn bị khóa và có một thằng cha mẹ kiếp đánh đấm của An ninh Securitas canh gác, thằng cha bắc cái ghế ngồi ngay trong hành lang.
Cô đã đủ khỏe để được chuyển sang khu bệnh phòng phục hồi chức năng nhưng sau khi bàn tới nói lui chuyện này, cảnh sát và lãnh đạo bệnh viện chỉ tán thành Salander trước mắt nên ở lại phòng mười tám. Gian phòng dễ canh gác, ngày đêm có nhân viên gần bên và nó lại ở cuối dẫy hành lang quẹo hình chữ L. Ở hành lang 11C bây giờ, sau vụ Zalachenko bị giết, nhân viên đều ý thức được về an ninh; họ đã quen với tình cảnh của cô. Không chuyển cô đến một khu bệnh phòng mới với thủ tục mới thì tốt hơn.
Muốn sao thì cũng chỉ hơn một ít tuần nữa là cô sẽ kết thúc việc nằm ở bệnh viện Sahlgrenska. Ngay khi các bác sĩ buông cô ra, cô sẽ bị chuyển tới nhà từ Kronoberg ở Stockholm để chờ tòa xét xử. Và bác sĩ Jonasson là người quyết định khi nào thì đến lúc làm chuyện đó.
Mười ngày sau vụ bắn chết người ở Gosseberga, bác sĩ Jonasson mới cho phép cảnh sát tiến hành cuộc thẩm vấn đầu tiên của họ, điều đã được Giannini đánh giá là có lợi cho Salander. Không may, bác sĩ Jonasson cũng làm khó cho cả việc Giannini tiếp cận thân chủ của chị và điều này thì đáng buồn.
Sau vụ giết Zalachenko và mưu toan tự sát của Gullberg gây ồn ào, bác sĩ đã đánh giá tình hình sức khỏe của Salander. Ông tính cả đến việc Salander chắc sẽ rất căng thẳng vì bị tình nghi về ba vụ án mạng cộng với một lần tấn công làm mất mạng người bố đã chết của cô. Jonasson không biết cô có tội hay vô tội, và là bác sĩ, ông không hề quan tâm chút nào đến việc trả lời câu hỏi này. Ông chỉ đơn giản kết luận rằng Salander đang khổ vì căng thẳng, rằng cô đã bị bắn ba phát súng, một viên đạn đã vào não cô và một li nữa là giết cô. Cơn sốt của cô không giảm và cô bị đau đầu dữ dội.
Ông đã chơi đạo chắc. Nghi can giết người hay không thì cô vẫn cứ là người bệnh của ông và phận sự của ông là đảm bảo cho cô lành lặn. Cho nên ông cho ra một thủ tục “không tiếp khách” chẳng liên quan gì đến lệnh cấm khách khứa mà công tố viên bắt thi hành ở đây. Ông kê cho cô các thứ thuốc khác nhau cùng với chế độ nghỉ hoàn toàn ở trên giường.
Nhưng Jonasson cũng nhận thấy cách li là một kiểu trừng phạt vô nhân đạo đối với con người; thực ra nó mấp mé bên ranh giới của tra tấn. Không ai thấy vui sướng gì khi bị tách ra khỏi tất cả bạn bè cho nên ông quyết định để cho luật sư của Salander làm một người bạn được ủy nhiệm. Ông đã nói chuyện nghiêm túc với Giannini, nói rõ chị có thể đến thăm cô gái mỗi ngày một, hai giờ. Nhưng chuyện trò không có bàn đến các vấn đề của cô gái hay đến các trận đấu pháp lý đang chờ lơ lửng đó.
- Lisbeth Salander bị bắn vào đầu và bị thương rất nặng, - ông nói rõ. - Tôi nghĩ cô ấy đã qua được hiểm nghèo rồi nhưng vẫn còn nguy cơ xuất huyết hay một vài biến chứng nào đó. Cô ấy cần nghỉ ngơi và cần có thời gian để vết thương lành lại. Chỉ khi nào có được các cái ấy thì chị mới có thể đối mặt với các vấn đề pháp lý của cô ấy.
Giannini hiểu lý lẽ của bác sĩ Jonasson. Có vài lần chuyện trò chung chung với Salander chị đã gợi tới đường nét của cái chiến lược mà chị và Blomkvist đã đặt ra nhưng khi Giannini nói thì Salander liền ngủ luôn, đơn giản là vì đã uống nhiều thuốc quá, kiệt sức quá.
* * *
Armansky xem kỹ các bức ảnh của hai người đi theo Blomkvist ở Copabacana. Hình họ rất rõ nét.
- Không, chưa nhìn thấy bao giờ trước kia.
Blomkvist gật đầu. Họ ở trong bàn giấy của Armansky sáng thứ Hai này. Blomkvist vào chung cư qua nhà để xe.
- Người nhiều tuổi hơn là Goran Martensson, chủ chiếc Volvo. Hắn theo tôi ít nhất trong một tuần như một lương tâm phạm tội nhưng rồi không thể kéo dài hơn nữa.
- Và anh cho rằng hắn là của Sapo?
Blomkvist nhắc đến 1ý lịch Martensson. Armansky ngập ngừng.
Có thể coi việc Cảnh sát An ninh luôn luôn cư xử như một lũ ngố là sự đương nhiên. Họ tự nhiên vốn dĩ là thế, nhưng không phải chỉ cho riêng mình Sapo thôi mà chắc còn cho cả ngành tình báo trên toàn thế giới. Cảnh sát An ninh Pháp nhân danh Chúa cho người nhái đến Ireland đánh bom tàu Chiến binh Cầu vồng của tổ chức Hòa bình xanh. Ðó chắc phải là trận tác chiến tình báo xuẩn ngốc nhất trong lịch sử thế giới. Có thể trừ đi vụ nghe trộm điên rồ ở Watergate của Tổng thống Nixon. Lãnh đạo cứ ngốc nghếch như thế thì thảo nào chẳng xảy ra các vụ tai tiếng. Những thành công của họ không bao giờ được báo cáo. Nhưng mỗi khi có một cái gì không đúng đắn hay điên rồ lộ ra cùng với tất cả sự sáng suốt của nhận thức muộn mằn thì giới báo chí lại nhảy bổ vào Cảnh sát An ninh.
Một mặt, giới báo chí coi Sapo như một nguồn tin tuyệt vời và bất cứ sai sót chính trị nào cũng được cho nổi lên thành tít báo: “Sapo nghi rằng...”. Một tuyên bố của Sapo mang nhiều sức nặng đến cho tít bài báo.
Mặt khác, các nhà chính trị thuộc mọi trường phái lại cùng với báo chí đặc biệt hăng hái trong việc lên án các nhân viên Sapo bị lộ mặt khi họ theo dõi công dân Thụy Điển. Armansky thấy chuyện này hoàn toàn mâu thuẫn. Ông chả có gì chống lại sự tồn tại của Sapo. Một người nào đó sẽ phải chịu trách nhiệm nhòm ngó sao để cho đám đầu óc bolsevic cám hấp quốc gia - những cha đọc Bakunin quá nhiều hay bất cứ đồ quỷ nào trong bọn Tân Quốc xã này đọc - không tụ bạ được vào nhau mà làm một quả bom bằng xăng và hóa chất bón cây rồi đặt vào một chiếc xe van nào đỗ ở bên ngoài Rosenbad. Sapo là cần, Armansky nghĩ chừng nào mà mục tiêu là nhằm bảo vệ an ninh đất nước thì một chút kiểm soát kín đáo cũng không phải việc gì xấu cho lắm.
Vấn đề dĩ nhiên là một tổ chức được trao cho do thám công dân thì đều phải đặt dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của nhà nước. Cần một cấp bậc cao kiểm tra về hiến pháp. Nhưng với các thành viên Nghị viện thì gần như là không thể làm nổi được việc xem xét Sapo, thậm chí kể cả đến điều tra viên đặc biệt do Thủ tướng chỉ định và ít nhất trên văn bản được coi là có phép xâm nhập mọi thứ. Armansky đang đọc quyển Nhiệm vụ được trao của Lidbom mà Blomkvist cho ông mượn, càng đọc ông càng kinh ngạc. Nếu chuyện này xảy ra ở Mỹ thì trên dưới một tá cha cao cấp của Sapo sẽ bị bắt vì cản trở công lý rồi bị buộc ra trình bày trước một ủy ban công khai của Quốc hội. Ở Thụy Ðiển rõ ràng là không ai có thể đụng được vào họ.
Vụ Salander cho thấy có một cái gì xộc xệch trong tổ chức. Nhưng khi Blomkvist đến đưa cho ông chiếc di động chống nghe trộm, ông nghĩ ngay là anh chàng này mắc bệnh hoang tưởng. Chỉ khi nghe chi tiết và xem kỹ các ảnh Malm chụp, ông mới dè dặt chấp nhận rằng Blomkvist nghi ngờ là có lý của anh ấy. Nó không báo trước điều gì hay nhưng cũng phần nào chỉ ra cho thấy âm mưu loại bỏ Salander mười lăm năm trước vẫn chưa phải là việc thuộc về quá khứ.
Có quá nhiều sự việc ở chuyện này để khiến cho người ta đơn giản nghĩ rằng tất cả chỉ trùng hợp tình cờ. Đừng nghĩ rằng Zalachenko bị một thằng cha cám hấp giết như người ta nói. Nó xảy ra cùng với lúc Blomkvist và Giannini bị lấy cắp cái tài liệu vốn là nền móng của cả gánh bằng chứng. Ðây là một tổn thất nặng nể đến mức choáng váng. Và rồi nhân chứng chủ chốt, Gunnar Bjorck treo cổ chết.
- Chúng ta có bằng lòng đưa vụ này cho người của tôi không? - Armansky nói, thu dọn lại tài liệu của Blomkvist.
- Ông đã bảo đây là người ông có thể tin cậy được phải không?
- Một người có phẩm chất đạo đức cao nhất.
- Trong nội bộ Sapo? - Blomkvist nói, nghi ngờ ra mặt.
- Chúng ta cần phải đồng tâm nhất trí. Cả Holger và tôi đều chấp nhận kế hoạch của anh, hợp tác với anh. Nhưng chúng ta không thể giải quyết được chuyện này chỉ bằng riêng sức của mình. Chúng ta phải tìm đồng minh bên trong bộ máy quan liêu nếu như việc đó không gây ra tai họa.
- OK. - Blomkvist dè dặt gật đầu. - Chưa đăng bài báo lên thì tôi không bao giờ để lộ ra thông tin về nó.
- Nhưng trong trường hợp này thì anh đã để lộ. Anh đã bảo tôi, em gái anh và Holger mà.
- Phần nào đó là đúng.
- Anh lộ ra vì anh thấy việc này hệ trọng hơn một cái tin giật gân trên tạp chí của anh. Vì ít ra cũng đã có một lần anh không là phóng viên khách quan mà là người can dự ở bên trong các sự việc đang diễn biến. Và anh đang rất cần giúp đỡ. Anh sẽ không thể chiến thắng với chỉ riêng sức của anh.
Blomkvist chịu thua. Dù sao anh cũng chưa nói hết tất cả sự thật cho cả Armansky lẫn em gái anh. Anh vẫn có một hai bí mật chỉ chia sẻ với Salander mà thôi.
Anh bắt tay Armansky.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét