Ba Chàng Ngốc
Tác giả: Chetan Bhagat
Người dịch: Ace Lê
NXB Hội Nhà Văn - 24/05/2014
Chương 5: Hãy Ôn Tập Thay Vì Gây Chiến
Mỹ giương súng chĩa thẳng vào Iraq, và
những nạn nhân tử thương đầu tiên là loạt bài kiểm tra chính (hay còn gọi là
thi cuối kỳ) của chúng tôi. Cách khuôn viên trường tôi hàng mấy ngàn cây số,
một ông độc tài chuyên chế tìm cách thôn tính lãnh thổ của một ông độc tài
chuyên chế khác.
Chỉ có điều thật tình cờ, cả hai nước đều
ngập tràn dầu lửa, khiến cả thế giới buộc phải dõi theo. Rồi tiếp đến quốc gia
hùng mạnh nhất thế giới bèn lớn tiếng yêu cầu ông độc tài lớn hãy cuốn xéo
ngay. Ông độc tài lớn nào có chịu, và chỉ sớm thôi ông sẽ được nếm mùi vũ
trang.
Nhưng bạn sẽ hỏi, việc đó thì có liên quan
quái gì tới ba thằng chúng tôi ở IIT nhỉ. Nếu đây là một trong những bộ phim
giả tưởng ngớ ngẩn của Ryan, thì có khi chúng tôi được sắm vai mật vụ sử dụng
phòng thí nghiệm IIT để cung cấp vũ khí tối thượng cho CIA hoặc cái gì đại
loại.
Nhưng đây có phải là phim đâu, và chỉ riêng
việc hoàn thành nổi bài tập Quá Sản cho đúng giờ cũng đã là may mắn lắm cho ba
đứa rồi, huống hồ là cung cấp công nghệ chiến tranh tối thượng. Không, chiến
tranh Vùng Vịnh không cần tới sự tham gia trực tiếp của chúng tôi, nhưng nó lại
là một cú nổ lớn nuốt trọn hết cả bài thi cuối kỳ đầu tiên của chúng tôi, vốn
là đòn bẩy cho mọi bản năng cạnh tranh của một đấng nam nhi.
Nhưng trước khi đi sâu vào đó, hãy để tôi
kể sơ qua về những ngày huy hoàng ngắn ngủi của chính sách “vạch-ranh-giới”.
Theo đúng kế hoạch, chúng tôi học đúng ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, hầu hết là
lúc đêm muộn, để dành cả tối chơi bời. “Môn thể thao bá cháy nhất từng được
phát minh”, Ryan tuyên bố khi dẫn hai đứa tôi vào sân bóng quần, dù cả Alok và
tôi đều trông như những kẻ cả đời chả bao giờ dám nhón chân vào trong vòng bán
kính một dặm quanh sân bóng.
- Trò này sẽ khiến đầu óc ta được thả lỏng,
và làm tan bớt cái đống mỡ kia đi. - Ryan, vốn là đội trưởng đội bóng quần thời
phổ thông, ném những loạt bóng khởi động vào sân. Trừ phi bạn là một nhà vô
địch bóng quần, chắc hẳn bạn cũng hiểu rằng môn thể thao này khó chơi nhường
nào.
Quả bóng cao su nhảy lung tung như con ếch
phê thuốc lắc, và bạn phải nhảy quanh để dùng vợt đánh. Ryan chơi môn này đã
nhiều năm, còn Alok và tôi thì vô phương cứu chữa. Tôi đánh hụt năm lần liên
tục, còn Alok thậm chí chẳng buồn di chuyển khỏi vị trí. Sau một lát, tôi bỏ
cuộc. Ryan cố gắng tiếp tục chơi trong khi hai chúng tôi đứng như hai cái cột
nhà thừa thãi.
- Nào hai cậu, ít ra cũng phải cố lên chứ,
- Ryan gọi.
- Tớ chịu thua, - Alok nói, ngồi phịch
xuống sân.
Đúng là đồ bí bét. Tuy bản thân tôi cũng
chả đánh nổi cú nào, nhưng ít ra tôi cũng không ngồi bệt ra như thế.
- Thôi để mai chơi tiếp vậy, - Ryan vẫn lạc
quan.
Mười ngày liền, Ryan lôi chúng tôi đi tập,
nhưng Alok và tôi đều không khá lên tẹo nào.
Chúng tôi thấy chỉ riêng việc nhìn xem quả
bóng bay tới chỗ nào đã khó lắm rồi, nữa là đuổi theo nó.
- Ryan, bọn tớ chịu đấy, - Alok than vãn,
miệng thở hồng hộc. - Nếu cậu thực sự muốn chơi trò này thì sao không kiếm ai
khác mà chơi?
- Sao thế? Các cậu lên tay dần rồi đấy chứ,
- Ryan nói. Lên gì mà lên, sau ba mươi
năm nữa thì may ra, tôi nghĩ dứt khoát. - Thế các cậu không thích chơi thật à?
Ryan nghĩ gì thế? Thích à? Thích á? Tôi chỉ
chực xé quả bóng kia ra làm năm chục mảnh.
- Không, - tôi chỉ dám thốt ra cầm chừng.
- Thế thì thôi, mình không chơi nữa. Ý tớ
là, tớ có thể bỏ chơi bóng quần cũng được, - Ryan nói.
- Không, không phải là… - Alok nói.
Ryan đã quyết định rồi thì nói nhiều cũng
vô ích. Nó là một phần của cái lập trường “bạn tôi đi đâu thì tôi đi đó” của
cậu ấy, mặc dù tôi thấy cũng ngại khi khiến cậu ấy từ bỏ môn thể thao yêu
thích.
- Cậu chơi với người khác cũng được chứ sao.
- tôi gợi ý.
- Người khác có phải bạn tớ đâu. - Ryan nói
với giọng đanh thép như thể vừa thốt ra lời chốt hạ. Alok và tôi đành nhún vai
và ba đứa rời khỏi sân.
Sau bóng quần là một trò khác thuần hơn và
ít phải vận động hơn - cờ vua.
Cả Alok và tôi đều thấy tự tin hơn, vì
không như bóng quần, ít ra môn này chúng tôi còn có thể sờ vào các quân mà di
chuyển chúng. Nhưng Ryan thường thắng, còn tôi thì không thấy việc đá các quân
cờ nhựa có gì thú vị cho lắm. Bên cạnh cờ vua, chúng tôi dùng thời gian rảnh
rỗi phóng xe của Ryan đi chơi, để cho gió thổi ngược tóc ra sau.
Chúng tôi xem hết các phim mới ra lò, thăm
thú hết các danh lam thắng cảnh ở Delhi, làm mọi thứ, đi mọi nơi. Xét toàn diện
thì chúng tôi cũng đảm đương được phần lớn bài tập trong ba tiếng dành để cày
bừa. Đôi khi gặp bài khó cần nhiều thời gian hơn nên chẳng còn thời gian để ôn
tập.
Vậy nên Alok khá lo lắng, đặc biệt là khi
bài thi cuối kỳ nhích tới ngày một gần, và cậu ấy gợi ý tăng thời gian học lên.
Và lẽ ra chúng tôi đã làm theo, nếu không có một chuyện đột ngột xảy ra - chiến
tranh Vùng Vịnh như ở trên đã nói. Mặc dù lúc nào trên thế giới cũng có chiến
tranh xảy ra, và bản thân Ấn Độ đã tham gia nhiều hơn khả năng của mình, nhưng
chiến tranh Vùng Vịnh thì khác, bởi nó được tường thuật ngay trên ti vi.
Kênh tin tức Mỹ CNN vừa mở chi nhánh tại Ấn
Độ, và đưa sa mạc Iraq vào ngay phòng xem ti vi của chúng tôi. “Đây là bản tin CNN tường thuật trực tiếp từ
đường phố Baghdad. Bầu trời đang rực sáng với đợt không kích đầu tiên”, một
phóng viên nai nịt chỉnh tề dẫn chương trình.
Alok, Ryan và tôi rời mắt khỏi bàn cờ. Thật
là một cảnh tượng xúc động, hoành tráng và không giống với bất cứ thứ gì chúng
tôi từng được xem trên ti vi. Để tôi giải thích thêm, đây là thời điểm trước
khi Ấn Độ có truyền hình cáp hay các kênh tư nhân. Cho tới lúc đó, chúng tôi
chỉ có hai kênh truyền hình quốc gia nhếch nhác, chiếu rặt những bà chơi nhạc
cụ cổ lỗ sĩ, và những ông đọc tin bằng giọng tẻ ngắt cho người mất ngủ và nhóm
thiểu năng.
Ti vi màu mới xuất hiện hai năm gần đây, và
hầu hết các chương trình vẫn là đen trắng. Thế rồi, chỉ trong một tuần chớp
nhoáng, chúng tôi được tiếp cận ngay kênh CNN lung linh, náo nhiệt và trực
tiếp.
- Đây là tin thật ư? Ý tớ là, chiến sự này
đang diễn ra ngay lúc này thật sao? - Alok ngây người.
- Chứ sao, Béo. Cậu nghĩ đây là kịch chắc?
- Ryan chọc, khi trên màn hình chiếu hai phi công Mỹ đang đập tay ăn mừng sau
mấy tiếng đồng hồ dội bom xuống một thành phố thực thụ. Một phóng viên CNN
phỏng vấn họ về nhiệm vụ vừa thực hiện. Hai phi công trả lời rằng họ được lệnh
thả bom một kho căn cứ và triệt hạ một nhà máy điện cung cấp cho toàn thành
Baghdad.
- Ái chà, quân Mỹ sẽ thắng cho xem. - Alok
nói.
- Đừng đánh giá thấp người Iraq, người ta
đã chiến đấu suốt mười năm rồi. Quân Mỹ chỉ thả bom từ trên không thôi, - Ryan
đáp.
- Ừ, nhưng Mỹ quá mạnh. Saddam chẳng có cửa
nào.
- Có chứ, cứ đợi tới khi đánh nhau trên mặt
đất mà xem! - Ryan bảo vệ quan điểm.
Và thế là cuộc chiến hút ba đứa chúng tôi
vào như một bãi cát lún, Alok và Ryan bị cuốn vào cuộc tranh luận vớ vẩn kiểu
“ai sẽ thắng”. Ý tôi là, thường thì ta thôi chơi trò đó khi qua mười hai tuổi
(Siêu nhân hay Người dơi?), nhưng không gì có thể chặn hai cậu ấy lại được.
Tôi cũng thích theo dõi chiến sự, nhưng tôi
dứt khoát không nghiêng về phe nào. Lúc bấy giờ Iraq còn chưa có tên tuổi gì,
và chúng tôi cổ vũ Hoa Kỹ không do dự. IIT rất quan tâm tới vận mệnh Mỹ. Hầu
hết viện trợ ngoại giao của trường đều thuộc về các tập đoàn Mỹ giàu sụ, và một
lượng lớn cựu sinh viên trường tôi đều lấy học bổng hoặc đi làm thuê ở đó, cấu
thành nên một mảng chảy máu chất xám. Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên,
những con tim của sinh viên IIT đều rỉ máu cho Mỹ. Nhưng đồng thời, những hình
ảnh chiến sự được đưa tới ngày một kinh hoàng. Quân đội Mỹ đánh bom Baghdad
không ngừng nghỉ, và Saddam ẩn náu kỹ càng (chắc là dưới một trong những giếng
dầu của ông ta).
Nhiều lần, quân đội Mỹ oanh tạc phải khu
dân cư khiến cho dân thường thiệt mạng, điều này vô cùng tồi tệ. Ý tôi là, viện
trợ IIT thì tốt thôi, nhưng làm sao có thể bào chữa cho việc đánh bom vào trẻ
nhỏ? Nhưng thêm vào đó, Saddam chẳng qua cũng là loại Đại Tướng vớ vẩn, có
nguồn tin nói ông này còn bắn cả người của mình khi cáu.
Ôi, việc chọn bên ủng hộ trong cuộc chiến
Vùng Vịnh này quả là nhiệm vụ bất khả thi. Mà với chúng tôi thì cũng có lợi lộc
gì cơ chứ. Hai cậu bạn tôi sẽ sớm nhận ra điều này.
- Mèn ơi, chỉ còn tám ngày nữa là thi rồi!
- Alok cuối cùng cũng thốt lên vào một ngày nọ. - Mình phải tắt ti vi đi thôi.
- Nhưng ta vẫn giữ giới hạn ba tiếng một
ngày chứ. - Ryan nhíu một bên lông mày.
- Quên cái ba tiếng ấy đi! Làm sao mà đủ? -
tôi tham gia.
- Tớ nghĩ Iraq sẽ thắng, - Ryan nói.
- Thôi đầu hàng đi, Mỹ đã đá đít lão ấy
rồi, - Alok nói, - thế nên tớ van cậu Ryan, hãy cùng học trước khi mình cũng bị
đá đít.
- Chưa, đã chiến đấu trên mặt đất đâu cơ
chứ. - Ryan chống trả chính đáng.
May thay, cuộc chiến kết thúc năm ngày
trước kỳ thi. Mỹ thắng lớn, và Iraq tuyên bố thất thủ trước khi xảy ra chiến sự
trên mặt đất. Saddam rời Kuwait một mình, và Mỹ hoan hỷ vì đã có toàn bộ dầu
lửa trên quả đất, còn Ryan bỏ ăn mất khoảng một ngày.
- Chẳng công bằng gì cả. Chiến tranh thực
sự phải diễn tra trên mặt đất chứ, - cậu ấy than thở khi chúng tôi bắt đầu ôn
thi trong phòng.
- Im đi nào Ryan. Người Mỹ muốn gì đã được
nấy rồi. Giờ ta học được chưa nào? - tôi nói.
- Bất công quá mèn ơi. Mỹ là đồ to con
chuyên đi bắt nạt.
- Cơ Ứng, Cơ Ứng, - Alok lẩm nhẩm như đọc
thần chú.
Bóng quần, cờ vua và chiến tranh tất cả đều
ăn vào những giờ ôn thi của chúng tôi. Trong năm ngày trước khi thi, chúng tôi
đành buộc phải dẹp cái luật ba-tiếng-đồng-hồ sang một bên; ngốn hết đống tài
liệu khóa học quả là việc bất khả thi ngay cả khi chúng tôi học ba mươi tiếng
một ngày.
Thế nên việc kìm chân Ryan lại trở nên rất
hệ trọng, và cả ba cày bừa tới ba giờ sáng mỗi ngày, đồng thời kịch liệt khấn
vái mong sao Ấn Độ nhảy vào cuộc chiến trong buổi sáng ngày thi đầu tiên. Một
ngày trước khi thi là những giờ kiểm tra thực hành. Đây là phần duy nhất của
khóa học được Ryan ưa chuộng, nên sáng sớm cậu ấy đã kéo chúng tôi vào phòng
thí nghiệm vật lý.
Chúng tôi cùng chung một nhóm, và phải làm
nhiệm vụ đấu nối mạch điện rồi trả lời vấn đáp. Chúng tôi được giao cho thí
nghiệm kiểm tra mối quan hệ giữa điện trở và điện áp. Tôi ghét cay đắng những
bài thi thực hành, nhất là phần vấn đáp. Không rõ tôi đã kể cho bạn nghe về cái
hội chứng căng thẳng của tôi chưa: bất cứ khi nào có người nhìn vào mắt và hỏi
tôi câu gì, là y như rằng toàn thân tôi cứng đơ, mồ hôi túa ra từ lông mày
xuống tới háng, và tôi mất tiệt cả giọng.
Thế nên khi thấy Ryan hồ hởi chuẩn bị lắp
ghép bảng mạch điện cho thí nghiệm, tôi cũng ghét lây sang cả cậu ấy. “Này các
cậu xem này”, Ryan giơ nắm linh kiện mạch lên. Alok ngước mắt khỏi trang sách.
Suốt mười phút sau đó, Ryan hì hụi lắp ráp điện trở, tụ điện, công tắc và dây
dẫn với nhau.
Alok lộ rõ vẻ lo ngại vì những gì Ryan làm
chẳng có liên quan gì tới bài thi hết.
- Ryan, cậu làm ơn nối dòng đi để còn bắt
đầu thí nghiệm chứ? - Alok hỏi.
- Gượm đã Béo, mình có tận hai tiếng làm
thí nghiệm cơ mà. Ở đây họ có cái loa nhỏ nào không nhỉ? - Ryan sục sạo cái thùng
linh kiện.
- Cậu cần loa làm gì? - tôi hỏi, ngay khi
Ryan đã tìm ra loa và nối nó vào hệ thống.
- Làm cái này này. - Ryan nói và đóng mạch
điện. Cậu ấy dịch chuyển một vài kết nối, và rồi từ loa vang lên tiếng nhạc
Hindi. “Ghar aaya mera pardesi...”.
- Cái quái gì thế! - Alok giật nảy người
lên như thể có ma vừa hiện hình.
- Radio chứ cái gì, đồ ngốc, - mắt Ryan
sáng rực lên, - tớ biết thế nào mình cũng có đủ linh kiện để lắp được một cái
mà.
- Ryan, - tôi lấy giọng nghiêm túc hết sức.
- Gì?
- Bọn mình còn phải chuẩn bị cho bài thi
chết tiệt. - tôi nói.
Ryan là thế đấy. Cậu chàng thật lắm chiêu
trò thông minh, nhưng toàn làm vào những thời gian và địa điểm sai lệch. Alok
cũng phát hoảng.
- Này sếp, hai mươi phút nữa thi vấn đáp
rồi.
Ryan tước hết mạch điện ra và nhìn hai đứa
chúng tôi oán hận như thể bọn tôi là những kẻ tai trâu đang chê bai buổi hòa
nhạc sống của Mozart. Lúc chúng tôi sắp sửa hoàn thành mạch điện thì giáo sư
Goyal bước vào.
- Hừm…, - ông thầy giật giật dây nối. Lắp
mạch là nhiệm vụ của Ryan, chúng tôi tin tưởng ở cậu ấy.
- Thế nào, Ryan, điều gì sẽ xảy ra khi tôi
thay điện trở 100 Ôm bằng điện trở 500 Ôm?
- Thưa thầy, ta sẽ có điện áp chạy qua cao
hơn, nhưng đồng thời cũng có nhiệt lượng hao phí cao hơn.
- Hừm… - Giáo sư Goyal gãi cằm, nghĩa là Ryan đã đúng.
- Thế Alok, cậu đọc vạch màu trên điện trở
này cho tôi xem?
- Thưa thầy, vạch đỏ là 100 Ôm, vạch lam là
10, tổng cộng 110 Ôm ạ.
Nhóm tôi quả không tồi. Nhưng giáo sư Goyal
còn chưa xong. Bất chấp những hy vọng hoảng loạn của tôi, ông quay sang tôi.
- Thế Hari, nếu tôi mắc thêm một điện trở
nữa bên trên điện trở 110 Ôm này thì chuyện gì sẽ xảy ra với dòng điện?
Một câu hỏi mẹo. Dòng điện phụ thuộc vào
cách ta mắc điện trở song song hay nối tiếp. Nếu mắc nối tiếp thì dòng điện
giảm. Nếu mắc song song thì dòng điện tăng. Vâng đó là câu trả lời. Tôi đoán
vậy? Tôi đã tập dượt câu trả lời trong đầu. Nhưng giáo sư Goyal nhìn tôi chằm
chằm khi hỏi, không có gì đáng ngạc nhiên vì ông đã gọi tên tôi trước khi hỏi
còn gì.
- Thưa thầy... - tôi rùng mình, tay run lẩy
bẩy. Cái hội chứng bắt đầu giở trò.
- Điều gì sẽ xảy ra với dòng diện?
- Thưa thầy... em... thưa thầy... - người tôi
sắp cứng đơ lại như bị liệt. Ý tôi là, tôi hoàn toàn biết câu trả lời nhưng nếu
nó sai thì sao? Tôi cố nói ra thành lời, nhưng không làm sao chuyển ý nghĩ thành
từ ngữ được.
- Thưa thầy, dòng diện phụ thuộc... - Ryan
can thiệp hòng cứu vãn tình hình.
Giáo sư Goyal đưa ngón trỏ lên.
- Im nào, tôi hỏi bạn cậu chứ có hỏi cậu
đâu.
Tôi lắc đầu và cúi gằm mặt xuống. Cố làm gì
nữa, tôi đã bỏ cuộc rồi.
- Hừm...- giáo sư Goyal nói, lần này không gãi thứ gì. -
Chất lượng của cái trường này ngày càng xập xệ. Các anh học cái gì, học thương
mại à?
Việc một sinh viên IIT bị giáo sư gọi là
sinh viên thương mại quả là sự sỉ nhục lớn nhất, cứ như cô gái bán hoa gọi
khách là đồ thái giám. Ngôi trường này là đền thờ của khoa học, và bất kỳ ai
yếu kém đều bị cho ra rìa hoặc bị gọi là sinh viên thương mại.
Rồi thầy nghuệch một con C+ lên tờ nghiệm
thu và ném nó về nhóm tôi. Ryan bắt lấy tờ giấy. Chúng tôi không có đủ thời
gian để bàn tán về bài thí nghiệm vật lý, vì hôm sau là thi cuối kỳ rồi. Thậm
chí tôi còn hoãn lại buổi hẹn hò với Neha cho tới khi thi xong. Tôi đã gọi cho
cô ấy một lần sau khi kiếm được số nhà từ danh bạ trường.
Cô phát hoảng trên điện thoại và bảo tôi
đừng có gọi tới nhà mà không báo trước. Nhưng tôi làm gì có cách quái nào mà
báo được? Gì thì gì, chúng tôi ấn định buổi hẹn vào một ngày sau khi thi xong.
Trong suốt kỳ ôn thi, ai nấy đều chong đèn tới sáng trong ký túc Kumaon, ai
cũng kiệm lời - chỉ khi nào cần kíp lắm mới phải mở miệng ra nói chuyện với
nhau - và nốc vô vàn những tách trà thâu đêm.
Ryan, Alok và tôi nhoáng nhoàng ôn sáu môn
thi. Kỳ thi kéo dài ba ngày, khiến chúng tôi chẳng có thời gian thảo luận những
bài đã thi rồi. Tôi biết mình đã làm tốt vài môn và làm hỏng vài môn. Alok
choàng lên mặt vẻ cau có thường trực, còn Ryan phải cố hết sức để giữ dáng vẻ
ung dung tự tại; đùa làm sao được, kỳ thi này vắt kiệt hết sức lực của cả đám.
Quá Sản, Cơ Ứng, vật lý, toán học, hóa học
và tin học. Lần lượt từng môn, cuối cùng chúng tôi cũng thi xong. Tuy có vẻ như
giờ khắc tồi tệ nhất đã trôi qua, nhưng kết quả chỉ được thông báo sau hai
tuần. Và hai tuần đó là một niềm vui sướng vô bờ. Mặc dù kỳ hai đã bắt đầu,
nhưng chẳng ai có tâm trí học hành cho tới khi biết được kết quả thi kỳ một.
Các ông thầy còn bận chấm bài nên cũng nới
lỏng tay khi giao bài về nhà, khiến chúng tôi có khá nhiều thời gian trống.
Ryan nâng cấp cho chúng tôi từ cờ vua lên trò giải ô chữ, với những gợi ý bí
ẩn, những cụm từ cùng vần và phép đảo chữ. Trong quãng thời gian ấy, tôi gặp
lại Neha ở cùng tiệm kem lần trước trong một chiều mùa hè đầu kỳ hai, dù trước
đó cô đã cắt ngang cuộc gọi của tôi.
- Trời ơi, anh có điên không mà điện tới
nhà em thế? - cô chào hỏi.
Tôi chẳng biết đáp sao, vì tôi vốn cứ đinh
ninh việc truy tìm được số nhà cô từ danh bạ khoa là một điều khá cừ khôi.
- Không thì làm sao tôi liên lạc được với
em?
- Bố mẹ em quản rất nghiêm, không cho bạn
nam gọi điện tới nhà.
Tôi không dám thốt lên rằng, “Bố mẹ em nghe
hệt như những kẻ loạn trí”, nên để chuyển chủ đề, tôi hỏi: “Kem dâu nhé?”
Hôm nay cô bận một bộ salwar-kameez trắng nền nã.
Khi lấy kem từ tay tôi, tay cô nắm vào tay
tôi. Trời ơi, cô ấy đẹp quá bạn ạ.
- Thế thì làm sao liên lạc với em bây giờ?
- Gọi em vào ngày 11.
Tôi mải ngắm em đưa đầu lưỡi hồng ra liếm
giọt kem sắp chảy xuống đất nên quên cả chú ý.
- Hử?
- Anh cứ gọi em vào ngày 11 hằng tháng.
Dù Neha rất xinh đẹp nhưng có đôi khi cô ấy
khá lập dị.
- Gì cơ? Sao lại ngày 11?
- Vì hôm đó không có ai ở nhà. Này nhé, anh
trai em mất ngày 11 tháng Năm. Thế nên cứ ngày 11 hằng tháng bố mẹ em lại dành
gần hết ngày để tới viếng cái đền gần nơi xảy ra tai nạn.
- Thật à? Thế em không đi à?
- Trước kia em có đi. Nhưng cứ mỗi lần đi
về là em lại nhớ Samir đến mức trầm cảm nhiều ngày sau đó, nên bác sĩ khuyên em
không nên đi nữa. - Cô nói một cách rành rọt, cứ như thể đang lựa chọn giữa hai
vị kem khác nhau vậy. Tuy không bình thường, nhưng còn tốt hơn tỷ lần so với
việc cô mếu máo khóc hay đại loại thế. Tôi không chịu nổi những ai khóc lóc nơi
công cộng.
- Chỉ mỗi ngày 11 thôi à?
- Ừ thì hiện tại chỉ có mỗi ngày đó là an
toàn thôi, - cô nói rồi cười phá lên, - Sao? Anh muốn nói chuyện nhiều hơn à?
Tôi không đáp. Ý tôi là, tôi chỉ thấy kỳ
cục rằng tôi chỉ có thể gọi điện cho cô đúng một ngày mỗi tháng, như là hẹn gặp
với nha sĩ hay sao. Nhưng tôi càng ngày càng nhận thấy rõ hơn, con gái vốn thật
kỳ cục.
- Vậy kể em nghe xem nào, - cô gõ vào bàn
tay tôi để đổi chủ đề, - kỳ thi thế nào?
Cứ khi nào được cô chạm vào là tôi lại
thích mê, vâng, tôi thiếu thốn phụ nữ thế đấy; bàn tay tôi như nóng ran ở điểm
tiếp xúc, khiến tôi suýt thì quên cả câu hỏi của cô.
- À kỳ thi… cũng chẳng có gì nổi bật.
Khoảng một tuần nữa là có kết quả rồi.
- Anh làm tốt chứ?
- Không tốt lắm.
- Anh muốn em nói bố nâng điểm cho anh
không?
- Em làm được á? - Tôi ngượng đỏ cả người.
- Em đùa đấy.
Chứ sao. Rồi cô khúc khích cười như thể đã
lừa được tôi. Cứ làm như tôi cả tin tới mức đinh ninh rằng cô có thể giúp tôi
nâng điểm thật vậy. Con gái thường tự cười với những câu bông đùa của mình, nhưng một Neha hoan hỷ phải hơn
đứt một Neha lén lút nhìn quanh rồi. Đột ngột tôi rướn mình lên trước, đưa
gương mặt tôi sát lại gương mặt cô.
-----------
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét