Pappy là một ông già vui tính. Ông có mái tóc bạc trắng luôn
được cắt và chải gọn gàng. Mắt ông xanh, tuy đã phai màu vì năm tháng vẫn tỏa
ra một hơi ấm từ bên trong. Gương mặt ông rất buồn rầu, nhưng khi ông cười, ngay
cả những nếp nhăn cũng dịu đi và cùng mỉm cười theo ông.
Ông có tài huýt sáo và thường vui vẻ huýt sáo mỗi ngày trong
khi phủi bụi hay quét cửa tiệm cầm đồ của ông. Mọi người quen ông đều tôn trọng
và kính nể ông. Không ai biết được ông có một nỗi buồn bí mật đằng sau sự vui
vẻ đó.
Đa số khách hàng của ông không trở lại để lấy lại món đồ của
mình, và ông không bán được nhiều, nhưng ông không quan tâm. Với ông, cửa hàng
là một sự giải trí đem lại niềm vui nhiều hơn là một phương tiện kiếm sống.
Ông gọi căn phòng phía sau này là “phòng kỷ niệm”. Trong đó
có những chiếc đồng hồ bỏ túi, đồng hồ để bàn, và những chiếc xe lửa chạy điện.
Cũng có cả những đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước nhỏ xíu, những món đồ chơi
đã lỗi thời bằng gỗ, thiếc hay gang và nhiều món trang sức cổ lỗ khác. Việc bỏ
thời gian trong căn phòng kỷ niệm làm ông vui khi nhớ lại nhiều khoảnh khắc
đáng trân trọng trong quá khứ của ông. Ông cẩn thận xem từng món đồ, đôi khi
ông nhắm mắt, dừng tay lại để sống lại một kỷ niệm thời thơ ấu đơn giản, ngọt
ngào.
Một ngày kia, Pappy đang vui thích gắn lại một chiếc đèn
xách cũ kỹ của ngành đường sắt. Ông vừa làm vừa huýt sáo một điệu nhạc du dương
của ngành đường sắt và hồi tưởng lại quá khứ của chính mình khi còn là một
người bẻ ghi. Đó là một ngày điển hình của cửa tiệm. Bên ngoài mặt trời chiếu
sáng bầu trời trong trẻo. Một cơn gió nhẹ lướt qua cánh cửa lưới phía trước.
Mỗi khi thời tiết đẹp như vậy, Pappy để cửa bên trong mở. Ông thích không khí
trong lành - cũng gần bằng thích mùi đặc biệt của đồ cổ và mùi dầu máy cũ.
Trong khi đang đánh bóng chiếc đèn mới sửa lại, ông nghe tiếng leng keng của
chiếc chuông trên cánh cửa tiệm. Chiếc chuông phát ra âm thanh thu hút độc đáo
đó đã ở trong gia đình Pappy hơn một trăm năm rồi. Ông yêu quý nó vô cùng và
thích chia sẻ bài hát của nó với mọi người đến cửa tiệm. Mặc dù chiếc chuông
được treo bên trong cánh cửa chính, Pappy đã buộc một sợi dây vào cửa lưới để
nó kêu dù cánh cửa trong mở hay đóng.
Nghe tiếng chuông nhắc nhở, ông rời khỏi căn phòng kỷ niệm
để ra gặp người khách hàng. Lúc đầu ông không nhìn thấy cô bé. Những lọn tóc
quăn ngắn sáng ngời của cô gần như không cao bằng mặt quầy hàng.
- Cô cần gì nào, thưa tiểu thư bé bỏng? - Pappy vui vẻ hỏi.
- Chào ông. - Cô bé nói nhỏ gần như thì thầm. Một cô bé xinh
xắn. E lệ. Ngây thơ. Cô nhìn Pappy với cặp mắt to màu nâu, rồi chậm chạp nhìn
lướt quanh phòng để tìm một món đồ đặc biệt. Cô rụt rè nói với ông:
- Thưa ông, cháu muốn mua một món quà.
- À, chúng ta xem nào, - Pappy nói, - món quà này cho ai?
- Ông ngoại cháu. Một món quà cho ông ngoại cháu. Nhưng cháu
không biết mua món gì.
Pappy bắt đầu gợi ý.
- Một chiếc đồng hồ bỏ túi nhé? Nó còn rất tốt. Tự tay ông
sửa nó đấy.
Ông nói với vẻ tự hào. Cô bé không trả lời. Cô đi đến cánh
cửa vào tiệm và đặt bàn tay bé nhỏ lên cửa. Cô đẩy nhẹ cánh cửa để rung chuông.
Gương mặt Pappy dường như sáng bừng lên khi ông nhìn cô bé mỉm cười vì xúc
động.
- Đúng nó rồi, - cô bé vui mừng nói lắp bắp. - Mẹ nói ông
ngoại yêu âm nhạc lắm.
Ngay lúc đó, Pappy đổi nét mặt. Sợ làm cô bé đau khổ, ông
bảo cô:
- Ông rất tiếc, cháu ạ. Chiếc chuông đó không phải để bán.
Có lẽ ông ngoại cháu sẽ thích chiếc radio nhỏ này.
Cô bé nhìn chiếc radio, cúi thấp đầu và buồn rầu thở dài:
- Không, cháu nghĩ là không.
Pappy kể cô nghe chiếc chuông đã ở trong gia đình ông rất
nhiều năm như thế nào, và đó là lý do ông không muốn bán nó.
Cô bé ngước nhìn ông, và cùng với một giọt lệ lớn trong mắt,
dịu dàng nói:
- Cháu nghĩ là cháu hiểu rồi. Dù sao cháu cũng cám ơn ông.
Đột nhiên, Pappy nghĩ đến tất cả những người còn lại trong
gia đình ông đã mất như thế nào, ngoại trừ cô con gái đã bất hòa với ông mà ông
không gặp gần mười năm nay. Tại sao lại không, ông nghĩ. Tại sao lại không
chuyển nó cho một người khác, một người sẽ chia sẻ nó với một người thân? Dù
sao cũng chỉ có trời mới biết nó sẽ kết thúc ở nơi nào.
- Đợi một chút... tiểu thư bé bỏng ạ.
Pappy nói đúng lúc cô bé đang bước ra cửa - cũng là lúc ông
nghe tiếng chiếc chuông reo lần cuối cùng.
- Ông quyết định bán chiếc chuông đấy. Khăn tay đây. Cháu hỉ
mũi đi.
Cô bé vỗ tay vì vui mừng.
- Ồ, cám ơn ông. Ông ngoại sẽ vui lắm.
- Đúng vậy, tiểu thư bé bỏng ạ. Đúng vậy.
Pappy cảm thấy dễ chịu về việc giúp cô bé, tuy ông biết ông
sẽ nhớ chiếc chuông.
- Cháu phải hứa sẽ chăm sóc kỹ chiếc chuông cho ông ngoại
cháu, và cũng cho cả ông nữa, được chứ?
Ông cẩn thận bỏ chiếc chuông vào một túi giấy nâu.
- Ồ, cháu xin hứa. - Cô bé nói. Rồi cô bất ngờ trở nên rất
nghiêm trang và yên lặng. Cô đã quên không hỏi một điều. Cô ngước mắt lên nhìn
Pappy với vẻ rất lo lắng và một lần nữa gần như thì thầm hỏi:
- Nó giá bao nhiêu?
- À, để xem nào. Cháu có bao nhiêu tiền?
Tối hôm ấy khi Pappy chuẩn bị đóng cửa tiệm, ông thấy mình
đang nghĩ về chiếc chuông. Ông quyết định không nhớ tới nó nữa. Ông nghĩ đến cô
bé và tự hỏi không biết ông ngoại cô có thích món quà của mình không. Chắc chắn
ông ấy phải nâng niu bất cứ món gì nhận được từ một đứa cháu ngoại đáng yêu và
quý giá như vậy.
Ngay lúc ấy, đúng lúc ông sắp tắt đèn trong phòng kỷ niệm,
Pappy nghĩ ông nghe tiếng chiếc chuông của ông. Một lần nữa, ông hỏi lại lý trí
của mình; ông quay về phía cửa: Cô bé đang đứng đó. Cô đang lắc chiếc chuông và
cười thật duyên dáng. Pappy bối rối hỏi trong khi bước về phía cô bé:
- Chuyện gì vậy, tiểu thư bé bỏng? Cháu đổi ý rồi sao?
- Không đâu ạ, - cô cười toét miệng. - Mẹ nói nó là của ông
đấy.
Trước khi Pappy kịp nói thêm tiếng nào, mẹ cô bé đã bước qua
cửa và vừa nuốt một giọt nước mắt vừa dịu dàng nói:
- Chào ba.
Cô bé giật đuôi áo sơ mi của ông ngoại mình.
- Đây, ông ngoại ơi. Khăn tay của ông đây. Ông hỉ mũi đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét