Lê sực nghĩ ra một ý. Anh vội vàng tung chăn, vùng dậy. Anh
rửa mặt mũi, mặc quần áo, vừa huýt sáo rầm nhà, vừa xếp lại những chồng báo bầy
la liệt trên ván gác. Anh cuộn bản thảo cuốn tiểu thuyết PHÁ SẢN vừa viết xong
được hai hôm.
Anh vui vẻ đứng nhìn xung quanh. Căn gác ấy không còn bày đồ
đạc gì để phải dọn thêm nữa. Anh cúi xuống, cuộn chiếc chiếu nằm giải ở mặt
sàn, rồi cắp cuốn văn vào nách.
Bỗng tiếng giày rầm rộ ở cầu thang làm Lê nhìn ra.
Chưa thấy người, anh đã nghe tiếng hỏi:
- Lê đã dậy chưa, mày?
Nhận ra tiếng Vũ, Lê mừng rỡ, đáp:
- Tao sắp đi đây.
Vũ đẩy cửa vào. Theo thói quen, không ai bắt tay ai. Vũ thấy
bạn áo quần chỉnh tề, thì ngạc nhiên, hất hàm hỏi:
- Đi đâu?
- Tao đi Hà Đông, ăn tết với thằng Trần.
Vũ còng lưng, cười bò ra, nói:
- Thế thì đen tao. Tao định đến đây ăn tết với mày. Vì tao
chẳng còn đồng xu nhỏ!
Lê vênh váo, đập tay vào túi:
- Tao còn những một hào. Thế thì tao là nhà văn có giá trị
hơn mày.
Vũ giơ cánh tay phải, cúi gập lưng, chào một cách cưng kính:
- Phục ngài lắm? Chừng thằng Trần viết giấy mời ngài vào với
nó? Nó có tiền nhuận bút của bài viết cho số báo tết hay vừa lấy tiền bản quyển
cuốn kịch ĐỌA ĐẦY.
Lê lắc đầu:
- Nó kiết hay có tiền, cái đó tao không cần biết. Nhưng tao
đoán ít ra túi nó cũng có từ hào mốt trở lên, nghĩa là giàu hơn tao.
Vũ ngăn:
- Nhưng tao định đến đây ghẹ mày cái tết, mày nghĩ sao? Tao
chẳng còn lấy một trinh Bảo Đại. Cái món tiền bán đứt cuốn thơ MƠ MÀNG, tao lấy
tháng trước chúng mày xâu xé hết nhẵn cả rồi.
- Thế thì về Hà Đông với tao.
- Nhưng mày mượn cái bồ, nhét tao vào, giả vờ làm bồ hàng,
chứ chả lẽ mày đi xe, tao đi bộ à?
- Không cần, hãy chịu khó cuốc xuống Thái Hà, rồi hãy diện
xe điện.
***
Đôi bạn hăm hở đi. Trời quang tạnh. Gió lạnh rít qua tai.
Rét như cắt. Phố xá ngày ba mươi tết, ngổn ngang về người với xe. Chiếc cao-su
lù lù hoa cúc vàng, và ngất nghểu cành đào phớt, chạy ì ạch về phía ga.
Ông nhà quê, nách cắp bánh pháo, câu đối, đầu ngón tay lủng
lẳng củ thuỷ tiên hàm tiếu, dừng chân lại, ngắm cái khăn xếp bày trong tủ kính.
Các bà ở chợ về, ôm thúng đậu hoà lan, bong bóng, tay còn xách con gà thiến
nặng trĩu. Những cậu nhỏ, quần xắn đến bẹn, dội uôm uôm từng thùng nước vào ván
cửa để cọ, bất chấp cả người đi trên hè. Một vài thằng nhãi, nén hương cầm tay,
nắm pháo trong túi, thi thoảng lại đốt đánh đẹt làm anh phu xe giật nảy mình.
Lê và Vũ xoạc thật dài cẳng, nện gót giày xuống vỉa hè cồm
cộp, đi như lính ra trận. Bỗng Vũ vê hai ngón tay, hỏi:
- Mày còn thuốc lá không?
Lê mỉm mép:
- Tao cũng sắp hỏi mày câu ấy.
Tiếng cười tung ra, làm ngoái cổ cả những cô tiểu thư xinh
nhất và lười nhất trần đời, thẳng tay cầm một tập những sách tết và báo tết.
- Này, Vũ, chúng nó sắm tết như chửi vào mặt chúng mình vậy.
- Kệ.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của Pháp)
- Tao hận nghề lắm, lúc nào cũng nghèo xơ nghèo xác. Trông
bọn văn sĩ, thằng nào cũng gầy như con mắm. Thế mà độc giả, nhất là các cô kia,
họ tưởng mình ghê gớm như thần như thánh!
- Chẳng hơn những thằng làm nghề khác à? Có ai thèm đếm xỉa
đến chúng nó.
- Mà bạn bè đứa nào cũng một tuồng như mình. Động hở ra đồng
nào là xúm nhau lại phá cho kỳ hết.
- Còn hơn những thằng nhà giàu, bọn mình có ai thèm bạn với
đấy? Mày phải tự kiêu ở chỗ nghèo. Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh
cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới.
Chúng ta nghèo, vì có bao nhiêu ở trong tim trong óc, chúng ta trút cả ra để
làm giàu cho tim óc thiên hạ.
Lê nắm tay bạn, thụi rõ mạnh vào vai:
- Tao chúa ghét những loài thi sĩ như mày. Chỉ biết sống mơ
mộng. Mày phải nhớ rằng hiện giờ này, mày không dính một trinh trong túi, ba
mươi tết, mày mò đến nhà tao, định ăn phò tao cái tết, rồi mày với tao phải lần
đến nhà thằng Trần. Có đúng thế không? - Nhưng văn học sử ngày sau, người ta
nói đến tên nhà tiểu thuyết Lê, nhà thi sĩ Vũ, nhà kịch sĩ Trần, vân vân...
Chúng ta sẽ bất tử.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của Pháp)
- Mày nói câu ấy, tỏ ra mày khá thông minh. Nghĩa là sau khi
chết, nhà văn còn bất tử, và chỉ bấy giờ nhà văn mới bình tĩnh được sống vẻ
vang hơn vua chúa vì nhà văn không phải lo cơm áo nữa!
Chẳng mấy chốc, hai anh em đã đứng ở trước cửa chùa Đồng
Quang, chờ xe điện vào Hà Đông.
* * *
Để mặc Lê và Vũ xem cuốn kịch của mình mới viết xong, Trần
nhìn làn khói thuốc lá cuồn cuộn, yên lặng nghĩ ngợi. Bỗng anh vỗ tay cười, và
tuyên bố:
- Không cần, tao nghĩ ra rồi. Đồng bạc của tao để làm tiền
hành lý, chúng ta kéo đến nhà thằng Nguyễn. Mấy năm nay, nó in nhiều sách, thế
nào cũng rộng tiền hơn chúng ta.
Lê đứng phắt dậy:
- Ừ phải đấy, có cái kho tiền ấy mà tao quên béng đi mất. Nó
vừa bán sức cho nhà nước, vừa bán văn cho nhà xuất bản, thì làm gì nó không
giàu.
Vũ ngậm ngùi, lắc đầu:
- Tao không muốn đến nhà thằng Nguyễn, vì cuộc bút chiến
giữa nó với tao chưa kết thúc. Sợ cuộc gặp gỡ mất vui.
Lê cười:
- Thế ra mày thông minh hơn tao thật! Mày phải hiểu mày với
thằng Nguyễn, mà cả làng văn chúng ta nữa, nhiều khi chính kiến, tư tưởng không
gặp nhau, nhưng gặp nhau ở chỗ nghèo kiết. Mày không nhớ năm ngoái, thằng Trần
với tao bút chiến trên báo, chắc người ngoài tưởng hai đứa có thể cầm dao đâm
chém nhau được, nhưng chính trong thời kỳ cãi nhau kịch liệt ấy nó với tao vẫn
ở chung với nhau một nhà!
Trần sung sướng, đáp:
- Phải, chúng ta chỉ hơn người có chỗ ấy. Việc văn đi việc
văn, mà tình bạn vẫn là tình bạn, không bao giờ chúng ta thù hằn nhau nhỏ nhen.
Nhưng mời các ông nhổ rễ lên thôi chứ. Các ông triết lý với nhau mãi, thì lỡ
mất tàu.
Ba anh em đứng dậy. Lê nhìn Trần, hỏi:
- Mày cũng đi đầu truồng như chúng tao thôi à?
Trần mỉm cười, vuốt tóc, rồi gật.
- Vừa kinh tế, vừa đúng mốt, tội gì không theo thời!
* * *
Ba nhà văn đến bến ô-tô. Lúc ấy, xe đã chật như nêm cối. Lê
bị xếp lên lòng một ông cụ. Vũ bé nhỏ, ghé một tí vào cái thành đệm. Trần, chủ
tịch cuộc trả tiền, bằng lòng đứng lỏng lẻo ở bục ngoài. Không ai thèm nhìn lại
cảnh xán lạn vui tươi của Hà Thành hoa lệ đương tấp nập vì tết.
Chiếc xe nhô lên, thụp xuống trên đường trái đá đã về già
tung ra những tiếng còi khàn khàn, những tiếng máy phành phạch và những tiếng
kêu oai oái. Bụi như mây. Mùi dầu xăng khét lẹt.
Đi độ nửa giờ, xe đỗ lại. Ba anh em xuống, giũ quần áo rồi
rẽ về phía làng.
Những cây tầm xuân dại đầy hoa, nhuộm trắng hai bên đường cỏ
xanh rì. Ruộng trồng màu, xen vẻ xanh tươi của rau diếp tây với vẻ xanh mốc của
rau cải bắp.
Luống khoai lang tím làm nổi bật dãy cải hoa vàng.
Cảnh tết ở nhà quê kín đáo hơn thành phố. Những cây nêu dựng
lên la liệt, loè xoè cụm lông gà, phấp phới ngọn cờ đỏ, và lanh lảnh chùm cá
khánh. Người ta sửa soạn tết bằng những mảnh giấy đỏ mới, dán ở cột hiên, những
bàn cờ, cánh cung, hình vuông tròn, vẽ la liệt bằng vôi bột trắng xoá trên sân
gạch màu gan gà.
Chợt nghĩ ra, Lê nói:
- Chả biết Nguyễn nó có về không. Tao chỉ sợ nó ăn tết ở
ngoài ấy, thì rồi ai khênh chúng mình về Hà Nội ?
- Thế nào nó chả về. Và ít ra nó cũng nhiều tiền hơn bọn
mình. Vả nó chả chịu an trí ở ngoài đảo ấy đâu.
- Đành vậy, nhưng nó có đủ thì giờ mà về được đến nhà ăn tết
hay không?
Vũ cau mày:
- Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói
được. Nó không có nhà, đã có anh em nó tiếp chúng tao. Vả nếu không gặp ai, chúng
mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hắt hủi ba nhà đại văn hào
à?
Lê khen:
- Mày khá đấy. Chắc là nếu không gặp nó, mày sẽ cõng anh em
tao về Hà Nội.
Ba anh em đắc chí, phá ra những chuỗi cười giòn tan.
* * *
Lúc ấy, Nguyễn đang ngồi xổm trên hè. Chừng buồn quá không
biết làm gì để giải trí cả.
Bỗng thấy ba bạn ở cổng bước vào. Nguyễn mừng như bắt được
của, vội chạy ra đón. Anh đứng khuỳnh tay như ông tướng, hất hàm, hỏi:
- Ai đưa các chú đến nhà anh?
Vũ nói:
- Cái nghèo của nhà văn nó đưa các cụ lớn đến, chứ ai? Các
cụ lớn đã ra nghị định đến báo cô tên tiểu thuyết Nguyễn cái tết. Không ai có
thể trái lệnh!
Lê ngắt lời:
- Chúng tao hết cả tiền, không biết ăn tết bằng cái gì được,
mới rủ nhau đến sát mày một mẻ.
Nguyễn cau mặt:
- Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao, thì tao mới tiếp.
Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao thì tao tống cổ bây giờ.
Chúng bay kém quá. Chúng bay còn nghĩ đến Tết, không trách chúng bay khổ một
đời. Tao đây lúc nào viết xong cuốn sách, ấy là cái tết của tao đấy. Thành thử
mỗi năm, tao hưởng ba bốn cái tết. Còn như cái năm nó hết, thì mặc kệ nó, can
gì đến mình mà mình cũng nhắng nhít lên?
- Nhưng thấy thiên hạ họ náo nức về tết, tự nhiên trong mình
nó cứ thế nào ấy.
- Tao ước gì người ta cứ vứt hết lịch đi, không ai biết ngày
nào tháng nào nữa. Để cho những bọn ngu như chúng bay khỏi làm tao bực mình.
- Thế thì mày nói rõ ngay rằng mày cũng đếch có đồng tiền
nào để ăn tết, nghĩa là mày không hơn gì chúng tao, có dễ hiểu hơn không?
Nguyễn đánh vào vai Lê, gật gù khen:
- Thằng này bao giờ cũng ranh mãnh nhất.
Nguyễn rủ các bạn vào trong nhà, mở ngăn kéo ra, lấy hai bức
thư:
- Tao còn nguy hơn chúng mày. Chúng mày tuy kiết, nhưng
không nợ. Tao bị nợ mới tai ác chứ. Đây, hai thằng chủ nợ nó gửi thư cho tao.
- Chúng tao tưởng mày có lương của nhà nước, lại có những
tác phẩm xuất bản luôn luôn, thì mát mặt hơn chúng tao mới phải.
- Đành vậy, nhưng nếu tao không làm văn sĩ, có lẽ tao giàu
to rồi, không biết chừng. Đằng này, tuy có tiền nọ tiền kia, mà tao cứ lúng
túng thế nào ấy. Thì ra tao mới nghiệm ra rằng đã là cái kiếp nhà văn, chả đứa
nào thoát được sự long đong. Đến tao mà còn sống xo sống giụi như thế này, nữa
là chúng bay. Phải đã là văn sĩ, tất phải kiết, nếu không kiết, sao gọi là văn
sĩ?
- Nhưng hai đứa nó thúc nợ mày! Coi không khéo tám hôm nữa,
hẹn hết, chúng tao lại tiễn mày vào hỏa lò nhé.
Nguyễn lắc đầu:
- Không sợ. Chúng nó dọa nếu trong tám hôm, tao không trả
được nợ, chúng nó sẽ kiện. Nhưng tao cứng hơn, đã trả lời thách lại rằng trong
mười lăm hôm, đứa nào không kiện tao, thì tao trả tử tế, nhược bằng kiện, thì
tao sẽ ỳ ra cho mà biết tay. Nghĩa là, có anh hùng gì đâu tao làm kế hoãn binh,
để thì giờ cho vợ tao đi xoay chỗ khấc.
Trần giơ nắm tay doạ vào mặt Nguyễn:
- Mày dại như con cầy! Nhận được thư thằng chủ nợ, sao mày
không xé mẹ nó đi, còn đọc làm đếch gì cho phải bận tâm? Một là nó chửi mày,
hai là nó doạ bỏ tù mày, chứ có đời nào nó lạy van mày để xin xi xoá nợ cho mày
đâu?
Bốn anh em lại rũ ra mà cười. Lê nói:
- Cho nên lắm lúc nghĩ đến nghề cầm bút, tao đâm ra cáu
kỉnh. Vì lợi ích chung, mình phải nạo đầu nạo óc. Thế mà mình cứ bị người ta
nghi kỵ, khinh miệt, chèn ép. Người ta muốn mình nghèo kiết suốt đời để chán mà
bỏ nghề.
Nguyễn cau mặt:
- Thế thì mày phải cáu với bọn mà mày gọi là người ta ấy.
Còn với nghề, mày phải yêu quí, tự hào. Nghề của mình là nghề cao thượng nhất,
vì nó thật thà nhất. Bởi vì giá trị của mình ở mức nào, thì nó thể hiện ngay
tới mức ấy bằng giấy trắng mực đen. Ai muốn nâng nó lên, hay muốn dìm nó xuống,
đời cũng không nghe. Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội
này. Ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm, và giỏi
nói dối với nói phét. Để họ được ăn không ăn hỏng danh lợi quan ban cho họ.
Bỗng Trần cười khanh khách:
- Ừ nhỉ. May mà làng văn mình chưa có quan. Chứ tao tưởng
tượng giá làng văn mà nảy sinh ra hạng cụ lớn, hạng quan lớn, thì tất phải đẻ
ra lũ nha lại, tổng lý, lính tráng, thì sẽ có vô thiên lủng những cái quái thai
mót cười! Này thơ ca tán tụng, nào phê bình nịnh hót. Rồi những truyện ngắn,
truyện dài trào phúng tha hồ mà chua chát...
Không để bạn nói hết câu, Vũ đập vào vai Nguyễn:
- Đúng là mày còn nhiều tướng tinh nghèo kiết, Nguyễn ạ.
Thôi, nhưng mà không bàn luận suông cho mất thì giờ. Tao hỏi mày một câu ngắn
thôi. Có phải tết này mày cũng nhịn như chúng tao phải không?
Nguyễn cười mỉm, gật đầu:
- Ý thế. Nhưng tao còn đủ tiền nuôi chúng bay trong những
ngày tao còn được nghỉ ở nhà.
- Chúng tao định ở đây đến mồng bốn.
- Được, chẳng định thế, thì đến hôm ấy, tao cũng tống cổ. Vì
mồng năm, tao phải cuốn gói lên đường.
- Nhưng mày cho chúng tao ăn tết bằng gì?
- Thì tao đã bảo, tao chẳng có gì cả. Tao chỉ sẵn giường sẵn
chăn, cho chúng bay ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành.
Lê gật:
- Thế cũng đủ an nhàn rồi.
- Và nói những chuyện văn chương.
- Thế thì càng vui. Bởi vì chúng ta là những nhà đại văn
hào, chúng ta không cần gì hết.
* * *
Sáng mồng một đầu năm. Từ mờ sáng đến lúc tám chín giờ dần
dần, nhà nào cũng lẹt đẹt một bánh pháo ngắn để đón xuân. Duy nhà Nguyễn, vẫn
cửa đóng then cài im ỉm.
Vợ Nguyễn đi lo xoay món nợ khẩn chưa về. Mà bốn vị đại văn
hào, vì đêm trước thức khuya, nên vẫn còn ngủ say như chết.
Trong bóng tối của gian nhà, hai bộ ghế ngựa mới kê giáp
nhau, bốn thân hình nằm lù lù như bốn cái mả.
Cạnh đó, là cái bàn, trên để những bản thảo, hoặc sách đã
in. Đia chén ngổn ngang, cáu những ngấn chè đặc.
Bỗng tràng pháo điện quang của bên hàng xóm nổ, bắn những
tiếng xé màng tai, làm Trần tỉnh giấc. Trần cựa. Rồi lại nằm im. Nhưng lẹt đẹt
một lượt nữa, anh không thể ngủ thêm được. Anh ngáp, khục tay, ngẩng dậy nhìn
các khe cửa, rồi với ở trên bàn, lấy bản thảo cuốn NGƯỜI ĐÀN BÀ.
Trần mở sách, ghé ra ánh sáng khe cửa để đọc. Thấy Nguyễn
cựa, anh lay vai hỏi:
- Không ngủ nữa à? Này, thật đấy, mày nói phải đấy, nước Nam mình không
hiếm gì nhân tài đâu. Duy chỉ vì cái nghèo làm hại, không cho cái tài nó nảy nở
ra được. Và còn những sức đè nén khác làm thui đi nữa.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của Pháp)
Lê mơ màng, nghe các bạn nói chuyện thì chêm vào:
- Phải, đại khái như tao, một thức giả kiêm “ngủ giả” đại
tài thế mà chúng mày cứ bô bô bên cạnh tai, khiến cho tài của tao không thể
phát triển được.
Nguyễn đạp chân vào lưng Lê, nói:
- Dậy mà nghe tiếng pháo họ ăn tết, vui đáo để!
Trần vung hai cánh tay lên không, đáp:
- Ừ nhỉ, hôm nay mồng một. Ở Hà Nội tha hồ vui. Bọn trưởng
già thi nhau cái sang trọng, họ ăn uống chơi bời thật hả hê. Lúc này, quần áo
nhan nhản ở phố, ngoài đường ô-tô như mắc cửi.
Một tràng pháo lại nổ liên thanh. Vũ nói:
- Sướng thật, vui thật, cảnh tết thật nên thơ.
Ngoài đường làng, người thì mặc quần áo mời, đội khăn mới,
đi giày mới, người thì nhai trầu bỏm bẻm, thuốc lá phì phèo, sột soạt đi lễ tết
nhà nhau. Các cô con gái thì yếm đỏ, thắt lưng tím, áo nâu non đổi vai lên chùa
hái lộc. Họ gặp nhau, chúc nhau bằng những câu rất hoang phí.
Vũ cảm khái, nói:
- Cả nước Nam ,
mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đương vui vẻ về tết. Duy có
bốn anh em mình phải nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy.
- Bởi vì chúng mình là những nhà đại văn hào. Chúng mình góp
tâm trí chúng mình vào cho cái tết của họ được thêm vui. Thế là chúng ta cũng
ăn tết, cái tết tinh thần.
- À, đánh thức thằng Lê đi, nó ngủ nhiều khiến mình phát
ghen. Lại không đến chín mười giờ rồi à? Cá một phần địa cầu người ta tấp nập,
mà nó còn như thằng chán đời.
Nguyễn lay Lê:
- Dậy, mồng một tết rồi! Mười giờ rồi! Dậy mà ăn cái tết
tinh thần với đời!
Bị động mạnh, Lê cựa. Anh nhăn nhó cái mặt ngái ngủ, ngóc cổ
lên, nhìn nhà cửa, nhìn bạn bè, nhìn xung quanh. Rồi không biết nghĩ thế nào,
anh lại nằm xuống, kéo chăn kín gáy, đáp:
- Ăn cái tết tinh thần là ăn cái cóc khô gì, chúng mày?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét