Khúc đường bi thảm – Edwin Balmer
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
(trích trong “Ý cao tình đẹp” – nhà xuất bản Trẻ - năm 1989)
Thuở ấy nhạc jazz mới thịnh hành. Luân lý suy đồi và thói
trâng tráo, vô liêm sỉ được hoan nghênh. Một cặp vợ chồng trẻ dễ thương, lanh
lợi mới dọn đến gần nhà tôi ở. Như nhiều cặp khác, họ mới cưới nhau vội vã
trong chiến tranh, chồng tên là Fred, vợ là Clara.
Mấy năm chiến tranh họ sống trong một không khí bận rộn,
kích thích. Xa nhau mấy tháng rồi đoàn tụ vài ngày, sung sướng và xúc động cực
độ. Bây giờ hết chiến tranh rồi, cũng như những cặp trẻ khác, họ trở lại với
đời sống bình thường, buồn tẻ.
Một buổi tối tháng 9 năm 1919, họ cãi nhau như thường ngày.
Đã mấy tháng nay, họ cãi lộn nhau hoài. Họ vẫn còn yêu nhau đấy nhưng hôn nhân
của họ đã có chiều nguy hiểm. Họ thỏa thuận với nhau, cho cái thói vợ chồng dắt
nhau đi chơi là lẩm cẩm, cổ lỗ. Vì vậy tối hôm đó Clara sẽ đi chơi với một chàng
trai tên Charlie, còn Fred đi với một thiếu phụ tên là Eliane, mỗi cặp đi một
hướng.
Cặp vợ chồng đó đã uống hết một bình cocktail trong lúc chờ
Charlie tới. Fred mới nghe được một câu chuyện thô tục về Charlie, bèn kể lại
cho vợ. Thế là họ lại đấu khẩu với nhau. Tối đó họ chưa nghĩ đến chuyện ly dị
nhau đâu, nhưng cứ tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa nhất định là họ sẽ đưa
nhau ra tòa.
Bỗng một hồi còi xe lửa chói tai làm họ im bặt. Không phải
tiếng còi như mọi khi. Lần này nó xé không khí, dữ dội, kinh khủng rồi ngưng
bặt một cách tàn nhẫn rùng rợn. Có gì xảy ra trên đường xe lửa cách nhà họ 1,5
km đó ? Clara và Fred đều không biết.
* * *
Cũng tối đó, một cặp vợ chồng trẻ khác, William và Mary
Tanner dắt nhau đi chơi. Họ cưới nhau trước cặp Clara và Fred, và họ đã biết
san phẳng những bất đồng, những xích mích nhỏ giữa họ với nhau từ lâu rồi bằng
yêu thương, chia sẻ, bằng âu yếm và bao dung.
Tối đó, họ đưa nhau đi dạo mát, xem phim. Tới chỗ đường tàu
cắt ngang đường cái thì Mary vấp ngã và chẳng may chân cô mắc kẹt vào đường
ray, rút chân ra khỏi đường ray hoặc chiếc giầy đều không được. Ngay lúc đó,
một chuyến xe lửa tốc hành lao tới.
Chỉ còn vài giây nữa thôi.
Khi ánh đèn của con tầu chiếu lên họ, người lái tàu mới
thấy, ông kéo còi, xả hết hơi.
Mới đầu ông ta thấy hai bóng người rồi thêm một người thứ
ba, đó là John Miller, nhân viên đường sắt chạy tới cứu Mary.
William quỳ xuống, tay run rẩy cố cởi giầy cho vợ, nhưng
không kịp nữa. John và chàng cùng rán sức kéo Mary ra xa trong khi con tàu ầm ầm
lao tới.
John hét lên:
- Thôi, vô ích! Không cứu được đâu!
Mary cũng nhận thấy vậy, nàng la lên:
- Mặc em! Will, mặc em!
Và nàng cố đẩy chàng ra.
Will Tanner chỉ còn có một giây để lựa chọn. Không thể cứu
vợ được nữa nhưng chàng còn kịp cứu mình.
John Miller nghe Will lớn tiếng đáp lời vợ, át cả tiếng ầm
ầm của đoàn tàu đang xông tới:
- Anh ở lại với em, em Mary!
***
Bảo rằng tiếng còi xe lửa đó là cho Fred và Clara hết gây
lộn nhau thì không đúng. Nhưng tai nạn đó làm ách tắc cả quãng đường, mọi xe cộ
trên khúc đường đó đều mắc kẹt, trong số đó có xe của Charlie, Anh ta không tìm
cách đi vòng đường khác để đến nhà Clara. Anh quay lại nhà và gọi điện thoại.
Fred nghe điện thoại, hỏi Charlie:
- Anh muốn nói chuyện với Clara?
Charlie đáp, giọng nghẹn ngào, kỳ cục.
- Không. Nói chuyện với anh thôi. Tôi không đến đón Clara
đâu, anh Fred. Nhờ anh nói lại với chị như vậy.
Fred hỏi có gì xẩy ra, Charlie có vẻ không trả lời thẳng
được:
- Anh biết vợ chồng Tanner chứ?
- Tanner? Tanner ư? (Fred phải suy nghĩ một chút) À, nhớ ra
rồi. Phải cặp lúc nào cũng dính với nhau đó hả?
- Phải…
Charlie không nói gì thêm được nữa, chàng đặt điện thoại
xuống.
Một lúc sau, vài người hàng xóm vào chơi nhà Fred, kể chuyện
tai nạn:
- Người chồng đáng lẽ thoát được, nhưng anh ấy không muốn.
Anh ấy ôm lấy vợ, ghì chặt vợ, người gác đường ray nghe thấy anh ấy nói: “Anh ở
lại với em, em Mary !” Họ ôm nhau ngồi ở đường ray… Đèn pha xe lửa chiếu vào
họ, rõ như ban ngày. Anh ấy không chịu rời vợ.
Một hành vi cao cả, ném lên bàn cân, do sự tương phản, đã
làm cho bao nhiêu cái nhỏ nhen nẩy tung lên hết, và rọi vào những nhỏ nhen đó
một ánh sáng tàn nhẫn, cho ta thấy rõ mọi sự bỉ ổi. Will Tanner khi chết đã hô
hào một lý tưởng mà kẻ khác phủ nhận. Chàng đã thách thức những kẻ hoài nghi và
gian trá. Người đàn bà nào nghe chuyện đó tất cũng tự hỏi: “Mình có khơi lên
được trong tim người đàn ông nào một tình yêu keo sơn như vậy không ?” Còn phía
đàn ông tất cũng tự hỏi: “Mình có biết chút gì về tình yêu, tình chồng vợ nếu
không thấy trong thâm tâm mình một tình cảm đủ mạnh để có được một hành động
như vậy?”
Tôi tin chắc rằng sự thay đổi trong tâm trạng và đời sống
của cặp Fred, Clara bắt đầu từ đêm hôm đó. Và nhiều người khác cũng vậy. Khi
nghĩ đến Will Tanner, họ bắt đầu ngờ rằng: trong tình chồng vợ có những khu vực
mà họ chưa được biết tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét