Lê Bá Thự dịch
Cách đây chừng năm sáu năm gì đó, tại một địa điểm thuộc địa
hạt Maripoza người ta phát hiện ra mỏ dầu. Những món lợi nhuận kếch xù mà các
mỏ dầu ở Nevada
và các bang khác đem lại đã khiến mấy vị chủ thầu chung tay lập ngay một công
ty liên doanh để khai thác mỏ mới phát hiện này. Người ta tuôn tới đây đủ loại
thiết bị: máy bơm, cần trục, thang leo, thùng to, thùng nhỏ, máy khoan và cả
nồi hơi; người ta dựng nhà cho thợ thuyền, đặt cho địa điểm này cái tên “Struck
Oil”, và chẳng bao lâu, tại vùng đất vốn khỉ ho cò gáy, không một bóng người
này, nơi cách đây một năm duy chỉ có những chú chó sói đồng cỏ cư ngụ, đã mọc
lên một ấp trại với vài chục ngôi nhà có vài trăm dân thợ ở.
Hai năm sau, Struck Oil đã được gọi là thị trấn Struck Oil.
Thật vậy, nó đã là “thị trấn” với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Xin lưu ý, lúc này
đã có một thợ giày, một thợ may, một thợ mộc, một thợ rèn, một thợ chạm và một
đốc tờ người Pháp sinh sống ở đây. Hồi còn ở Pháp ông đốc tờ này làm thợ cạo
râu, nhưng cuối cùng, con người “uyên bác” và vô hại này, nay là đốc tờ Mỹ, đã
trở nên vô cùng quan trọng.
Như chuyện vẫn thường có ở các thị trấn nhỏ, ông đốc tờ làm
cả việc bán thuốc và bán tem thư; vậy là ông có tới ba nghề. Cũng giống như làm
đốc tờ, ông là người bán thuốc vô hại, bởi lẽ trong hiệu thuốc của ông chỉ có
thể mua được hai thứ thuốc: xi-rô ngọt và leroa. Ông già lặng lẽ, nhã nhặn này
thường nói với các con bệnh của mình:
- Các vị khỏi phải e ngại điều gì khi dùng thuốc của tôi.
Tôi vốn có thói quen, khi phát thuốc cho con bệnh, bao giờ tôi cũng tự mình
uống một liều y hệt như vậy, bởi tôi hiểu rằng, nó mà không làm tổn hại sức khỏe
của tôi, thì nó cũng chẳng gây hại cho sức khỏe của người bệnh. Đúng không?
- Bẩm đúng ạ! - Mấy bà con đã được trấn an trả lời. Họ không
hề nghĩ, bổn phận của đốc tờ đâu phải chỉ có việc đừng làm hại người khác, mà
còn là cứu giúp nữa.
Ông Dasonville, - đốc tờ có cái tên như vậy, - đặc biệt tin
vào sự công hiệu tuyệt vời của leroa. Đã bao lâu, tại các cuộc họp, đốc tờ cởi
mũ, thao thao bất tuyệt trước công chúng:
- Thưa quý ông, quý bà! Xin quý ông, quý bà hãy tin, leroa
là tuyệt hảo! Tôi đã bảy mươi, suốt bốn mươi năm ròng, ngày nào tôi cũng dùng
leroa, và các vị hãy nhìn đây: trên đầu tôi không hề có lấy một sợi tóc bạc.
Các bà và các ông lại có thể để ý và thấy, quả đúng là đốc
tờ không có một sợi tóc bạc nào, không một sợi bởi lẽ đầu ông ta hói, nhẵn
thín.
Có điều, những để ý đại loại như vậy cũng không giúp được gì
cho sự lớn mạnh của thị trấn Struck Oil, cho nên chả ai làm việc đó cả.
Lúc này thị trấn Struck Oil cứ phình ra và phình ra. Sau hai
năm đã có một nhánh đường xe lửa tới đây. Thị trấn có những quan chức dân cử.
Ông đốc tờ được nhiều người hâm mộ, với tư cách là đại biểu của giới trí thức
được bầu làm thẩm phán. Còn vị thợ giày, một người Do Thái Ba Lan, ông Devis
làm cảnh sát trưởng; cả ngành cảnh sát ở đây chỉ có độc một viên chức, không
hơn, không kém.
Một ngôi trường được xây cất, dưới sự điều hành mĩ mãn của “giáo
sư Madam”, một phụ nữ vẫn còn trinh tiết, bị viêm lợi mãn tính; và đây nữa,
khách sạn đầu tiên với cái tên “Hotel Hiệp chủng quốc” đứng sừng sững.
“Hoạt động kinh doanh” cũng cực kì sôi động. Việc xuất dầu
lửa mang lại những món lợi nhuận béo bở. Người ta thấy ông Devis đã cho đặt một
tủ kính trưng bày trước cửa hàng mình, giống như kiểu người ta vẫn trang hoàng
các hiệu giày ở San Francisco .
Trong một cuộc họp, dân phố đã ngỏ lời cảm tạ ông Devis về cái “vật trang hoàng
mới có của thành phố” này; với khiêm tốn của một công dân tai to mặt lớn, ông
Devis đáp lời: Xin cảm tạ! Xin cảm tạ! Có gì đâu!
Ở đâu có thẩm phán và cảnh sát trưởng là ở đó có vụ việc.
Điều này đòi hỏi phải viết lách, phải có giấy tờ. Ngoài ra ở góc phố Cojtes và
phố Thứ Nhất đã mọc lên một “cửa hàng văn phòng phẩm”. Ở đó người ta bán cả
nhật báo chính trị và những tờ tranh châm biếm về Grant dưới dạng một lão nông
đang vắt sữa bò, mà con bò lại tiêu biểu cho nước Mỹ. Bổn phận của một cảnh sát
trưởng nói chung không bắt ông ta đi cấm bán những bức tranh loại như vậy, bởi
cái đó đâu có thuộc cảnh sát.
Nhưng đến đây chưa phải đã hết. Thành phố Mỹ không thể sống
thiếu báo chí; năm thứ hai trôi qua, một tờ tạp chí ra đời với tiêu đề “Tập san
thứ bảy hàng tuần”.
Số dân thị trấn Struck Oil là bao nhiêu thì số người đặt mua
tập san là ngần ấy. Biên tập viên của tờ báo kiêm luôn người xuất bản, người ấn
loát và người phát hành. Cái nhiệm vụ cuối cùng này dễ ợt đối với ông, vì ông
còn nuôi bò sữa nữa và sáng sáng phải đi đưa sữa tới từng nhà. Tuy nhiên điều
đó nói chung không cản trở ông bắt đầu các bài xã luận của tờ báo bằng những
từ: “Giá như vị Tổng thống hèn mạt của nước Mỹ chúng ta làm theo lời khuyên mà
chúng ta đã nói cho ông ta trong số báo trước”…
Vậy là, như chúng ta đã thấy, ở cái thị trấn Struck Oil có
phước này chẳng thiếu thứ gì. Phần nữa, do đám thợ mỏ khai thác dầu không có
tính gây gổ, cũng không có các thói xấu mà những người đi đào vàng thường mắc
phải, nên thị trấn rất đỗi bình yên. Không ai đánh lộn nhau, cũng không hề nghe
thấy có vụ “xử tội” nào. Cuộc sống trôi qua yên ổn, ngày nọ giống ngày kia hệt
như hai giọt nước vậy. Ai cũng làm “kinh doanh” từ sáng sớm, tối đến họ đốt rác
trên các đường phố, và nếu như không có họp hành gì thì họ đi ngủ, đinh ninh
rằng, chiều tối mai họ lại đốt rác.
Cảnh sát trưởng chỉ có một khó khăn duy nhất là không thể
dẹp nổi đám dân phố vẫn dùng súng các-bin bắn những con ngỗng trời thường bay
ngang qua thành phố lúc chiều tà. Luật của thành phố quy định cấm nổ súng trên
đường phố mà. “Giá đây chỉ là một thị trấn nhỏ, nghèo nàn cho cam, - cảnh sát
trưởng nói, - mà tôi đâu có bảo vậy, nhưng trong một thành phố lớn như thế này.
Tạch! Đùng! Tạch! Đùng! Thật chả đẹp chút nào cả”.
Dân phố lắng nghe, gật gù đáp lại: “Bẩm vâng ạ!”. Ấy vậy mà,
khi chiều tà, hễ trên bầu trời hồng nhạt xuất hiện những chuỗi trắng và xám kéo
từ núi kéo ra biển là ai nấy quên ngay lời hứa, vác các-bin ra và súng lại nổ
giòn. Ông Devis hoàn toàn có quyền giải từng kẻ phạm pháp tới chỗ ngài thẩm
phán và ngài thẩm phán có thể phạt tiền họ. Có điều, chớ quên là, những kẻ phạm
pháp lúc ốm đau lại chính là con bệnh của đốc tờ, còn khi bị hỏng giày họ là
khách hàng của cảnh sát trưởng; cho nên, tay nọ rửa sạch tay kia thì được, chứ
tay nọ chớ có cản tay kia lại.
Thị trấn Struck Oil yên bình như trên bầu trời, vậy mà bỗng
nhiên những ngày đẹp đẽ đó chấm dứt.
Một ông chủ hiệu tạp hóa căm ghét một bà chủ hiệu tạp hóa
tới tận xương tủy, còn bà này thì cũng vậy đối với ông kia.
Ở đây có lẽ cần giải thích, thế nào là “hiệu tạp hóa” ở Mỹ.
Hiệu tạp hóa có nghĩa là cửa hàng bán tất cả mọi thứ: ở đó có thể mua bột mì,
mũ, xì gà, chổi, khuy áo, gạo, cá trích, sơ mi, mỡ lợn, hạt giống, áo khoác,
quần dài, bóng đèn, rìu, búa, đường, bát đĩa, cổ áo bằng giấy, cá khô…, tóm lại
là mọi thứ mà con người có thể cần.
Thoạt đầu trong thị trấn Struck Oil chỉ có duy nhất một hiệu
tạp hóa. Một người đàn ông Đức tên là Hans Kasche làm chủ hiệu. Người Đức gốc
Phổ này là một anh chàng tính tình điềm đạm, đã ba mươi nhăm tuổi, mắt lồi,
không to béo nhưng khá rắn chắc; chẳng bao giờ thấy anh ta vận lễ phục và bao
giờ miệng cũng ngậm tẩu. Vốn tiếng Anh của anh chỉ đủ dùng làm “kinh doanh”,
không hơn, không kém. Anh ta làm ăn buôn bán khấm khá, chả thế mà sau một năm
trong thị trấn Struck Oil người ta đã kháo nhau, “anh ta kiếm được” phải tới
bạc ngàn.
Thế rồi thình lình một hiệu tạp hóa thứ hai xuất hiện.
Và chuyện lạ lùng!
Chủ hiệu thứ nhất là một người đàn ông Đức, người lập hiệu
thứ hai là một người đàn bà Đức. “Kunegunde và Eduard, Eduard và Kunegunde!”.
Chả bao lâu cuộc xung đột giữa hai bên bùng nổ. Số là thế này: cô Neuman hoặc “Niuman”
như cô vẫn tự xưng, đem món bánh nướng làm bằng bột bị trộn lẫn xút và phèn
chua thết khách trong bữa tiệc khai trương. Nhẽ ra cô đã bị bẽ mặt trước công
chúng về chuyện này, nếu như cô không chủ động giữ lại và đưa ra những bằng
chứng khẳng định rằng, bởi bao bột mì của cô vẫn chưa bị bóc tem, nên bột làm
bánh là cô mua của anh Hans Kasche. Hoá ra, Kasche vốn là tay cả ghen và thâm
thúy, ngay từ đầu anh chàng đã có ý đồ làm mất mặt nữ đối thủ của mình trước
công chúng. Thực ra, người ta đã có thể thấy trước, thế nào rồi hai hiệu tạp
hoá cũng sẽ kình địch với nhau, nhưng không ai biết trước được là sự kình địch
đó sẽ biến thành mối thù hận kinh khủng giữa hai người. Chẳng bao lâu sự căm
ghét đã đi tới mức, Hans chỉ đốt rác khi nào gió có thể thổi khói vào cửa hàng
của nữ đối phương; còn cô nữ đối phương không gọi Hans là gì khác ngoài cái tên
“Lão Đức”, Hans cho đây là một sự xúc phạm ghê gớm đối với mình.
Lúc đầu dân phố chê cười cả hai, hơn nữa cả hai đều không
nói được tiếng Anh. Tuy vậy, do hàng ngày lui tới hai cửa hiệu mua sắm nên dần
dà trong thị trấn hình thành hai phái, những người theo Hans và những người
theo Neuman. Họ bắt đầu nhìn nhau bằng con mắt đố kị, điều này dễ tác động xấu
tới cuộc sống hạnh phúc và sự yên tĩnh của thị trấn Struck Oil cộng hòa và dẫn
tới những rắc rối nguy hiểm trong tương lai.
Nhà chính trị uyên thâm, ông Devis muốn triệt cái xấu từ
gốc, cho nên ông gắng sức hoà giải giữa hai anh chị Đức. Đã bao lần ông đứng
ngay giữa phố nói với họ bằng tiếng Đức:
- Này, anh chị cãi nhau cái nỗi gì nào? Chả phải cả hai đều
mua giày của một hiệu là gì? Bây giờ tôi đang có loại mà cả thành phố San Francisco không sánh
nổi nhé.
- Cần gì phải đi quảng cáo giày dép với cái lão không lâu
nữa sẽ đi chân đất,- cô Neuman chua chát ngắt lời.
- Tôi sẽ không bán chịu vì cặp giò đâu. - Hans từ tốn đáp
lại.
Cần phải biết rằng, cô Neuman, mặc dầu là phụ nữ Đức, nhưng
có cặp đùi đẹp tuyệt vời, cho nên mấy lời bóng gió độc địa ấy làm cô ức đến tận
cổ.
Trong các cuộc họp của thị trấn hai phái bắt đầu đưa chuyện
của anh Hans và cô Neuman ra; song ở nước Mỹ đàn ông không bao giờ có lẽ phải
mỗi khi có chuyện với phụ nữ, cho nên đa phần nghiêng về phía cô Neuman.
Chả bao lâu Hans nhận thấy, cửa hiệu của anh dạo này chẳng
lời lãi là bao.
Tuy nhiên, ngay cô Neuman cũng chả kiếm chác được gì nhiều,
bởi tất cả phụ nữ trong thị trấn lại nghiêng về phía Hans - mấy bà để ý thấy
các đức ông chồng của mình thường lui tới mua hàng chỗ cô gái Đức xinh đẹp và
lần nào cũng vậy họ la cà ở đó lâu ơi là lâu.
Khi không còn một bóng khách nào ở cả hai cửa hàng, Hans và
cô Neuman ra đứng giữa cửa, người nọ đối mặt người kia, nhìn nhau như muốn nuốt
chửng. Bấy giờ cô Neuman cất giọng hát, bắt chước làn điệu của bài “Auguxtin
yêu dấu của tôi”:
- “Lão Đức, Lão Đức, La-Lão Đức, La-Lão Đức-ức!”
Hans đưa mắt nhìn từ chân, đến thân người và cuối cùng là
mặt cô nàng, ra bộ như người đang quan sát xác con chó sói bị giết cách đây một
tháng, sau đó bật ra tiếng cười nảy lửa và nói to:
- Lạy chúa!
Lòng căm ghét trong con người trầm tĩnh này đã lên tới mức,
mỗi sáng dậy hễ đứng trước cửa mà không thấy cô Neuman đâu cả thì anh ta cứ đi
đi, lại lại như thiếu một cái gì đó.
Nhẽ ra từ lâu đã có thể xảy ra một số lần đụng độ giữa hai
người, nếu như không có chuyện Hans biết chắc mình sẽ bị thua trong bất kì vụ
kiện cáo nào, nhất là cô Neuman có đằng sau mình ông biên tập viên của tờ “Tập
san thứ bảy hàng tuần”. Hans tin là có điều này khi anh ta tung tin cô Neuman
mang vú giả. Mà cũng có thể là như vậy thật, bởi ở Mỹ đây là chuyện khá phổ
biến. Thế là một tuần sau đó, trên tờ “Tập san thứ bảy hàng tuần” đã đăng một
bài sấm sét, trong đó sau khi nói chung chung về những lời vu khống của “những
Lão Đức” ông biên tập viên đã kết thúc bằng lời đảm bảo trịnh trọng, xem đây là
“nguồn tin đáng tin cậy”, rằng đôi vú của cửa hàng bị vu khống nọ là vú thật.
Từ đó, sáng sáng Hans uống cà phê đen thay sữa, anh không
lấy sữa của ông biên tập viên nữa, thay vào đó cô Neuman hàng ngày nhận cả hai
suất. Ngoài ra cô đã bảo thợ may may cho cô một bộ váy liền áo sao cho chỗ ngực
có thể khiến cho mọi người tin Hans là kẻ vu khống.
Trước sự ranh ma của đàn bà, Hans cảm thấy bất lực. Trong
khi đó cô gái Đức ngày nào cũng vậy, từ lúc tinh mơ đã đứng trước cửa hàng cất
giọng hát mỗi lúc một to:
- “Lão Đức, Lão Đức, La-Lão Đức, La-Lão Đức-ức!”
“Bây giờ ta có thể làm gì với con nhỏ này nhỉ? - Hans suy
nghĩ, - ta có lúa mì trộn thuốc độc để bẫy chuột, ta cũng có thể đầu độc gà của
hắn ta chứ? Mà không! Người ta sẽ bắt mình phải đền mất! Mà không, ta biết ta
phải làm gì rồi”.
Và một buổi tối, cô Neuman rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Hans
ôm một bó cây hướng dương dại đem rải xuống lối đi chỗ phía dưới chấn song cửa
sổ nhà hầm.
“Lạ thật, hắn làm cái gì vậy? - cô nghĩ, - dứt khoát là cái
gì đó để xỏ mình!”
Lúc này trời đã nhá nhem. Hans rải cây hướng dương theo hai
vệt, ở giữa chừa lối đi vào cửa sổ nhà hầm, tiếp đó anh ta bê một vật gì đó phủ
bao tải, quay lưng về phía cô Neuman, gỡ bao tải khỏi vật bí mật, lấy lá hướng
dương phủ lại rồi anh ta đi lại chỗ tường rào viết lên tường chữ gì đó.
Máu tò mò của cô Neuman nổi lên.
“Hẳn là hắn viết gì đó về mình, - cô thầm nghĩ, - thôi hẵng
cứ để cho thiên hạ đi ngủ hết đã, ta sẽ ra đo xem sao, dù có phải chết cũng cam”.
Làm xong việc Hans lên gác và tắt đèn ngay.
Lúc này cô Neuman nhanh nhảu khoác áo choàng ngủ vào người,
đi hài vào đôi chân không tất rồi băng qua đường. Đến chỗ có rải cây hướng
dương cô đi thẳng theo lối vào chỗ cửa sổ nhà hầm để đọc những dòng chữ trên
tường. Bỗng mắt cô trợn ngược, nửa người cô ngã về phía sau, mồm kêu đau đớn: “Ái!
Ái!”, - tiếp đó là những lời kêu cứu tuyệt vọng: “Cứu tôi với! Cứu tôi, cứu tôi
với!”
Cửa sổ trên gác mở ra.
- Cái gì thế này, - giọng Hans nhẹ nhàng, - cái gì thế này?
- Lão Đức đểu cáng! - Cô thét to, - mày hãm hại bà, đồ chết
tiệt! Ngày mai mày sẽ bị treo cổ. Cứu tôi với! Cứu tôi với!
- Tôi xuống ngay đây, - Hans bảo.
Một lát sau Hans xuất hiện, tay cầm ngọn nến. Anh ta thấy cô
Neuman đang đứng sững người như bị đóng đinh vào đất. Hans tiến lại sát cô và
cười:
- Cái gì thế này nhỉ? A, cô Neuman đấy à? Ha ha ha! Xin chào
cô! Ha ha ha! Tôi đặt bẫy bẫy chồn mà lại bẫy được cô. Cô sang nhòm ngó gì nhà
hầm của tôi hả? Tôi đã phải viết lên tường báo trước để đừng ai đến còn gì. Bây
giờ cô cứ kêu lên; cứ để cho mọi người nghe thấy; cứ để cho mọi người chứng
kiến, đêm hôm cô mò sang dòm ngó nhà hầm của Lão Đức. Lạy chúa! Cứ gào thét nữa
đi, nhưng hãy cứ đứng đó cho đến tận sáng mai. Chúc cô ngủ ngon, chúc ngủ ngon!
Tình cảnh của cô Neuman thật khốn khổ. Kêu cứu chăng? Người
ta nghe thấy: bẽ mặt! Không kêu cứu ư? Phải đứng suốt đêm trong bẫy, ngày mai
lộ hết thì sao? Mà chân thì mỗi lúc càng thêm nhức nhối. Đầu cô choáng váng,
sao trời quay cuồng, đảo lộn, mặt trăng hòa lẫn với bộ mặt hung ác của Hans… Cô
ngất xỉu.
- Ông Hans! - Hans tự quát mình, - nếu mà cô ta chết, ngày
mai người ta sẽ hành quyết ông mà không cần xét xử.
Hans rởn tóc gáy sợ hãi.
Gay go thật. Anh nhanh nhảu tìm khóa mở bẫy, song mở đâu có
dễ, áo choàng ngủ của cô Neuman quá dài. Phải vén lên một ít và… mặc dầu căm
ghét tột độ và sợ hãi, Hans không thể không đưa mắt ngưỡng mộ cặp đùi đẹp như
cẩm thạch của người bạn gái hiện lên qua ánh trăng vàng.
Anh có thể thổ lộ với ai đó rằng, trong cái căm ghét của anh
giờ đây có cả lòng thương. Anh nhanh tay mở bẫy, cô nàng vẫn không nhúc nhích,
thế là anh đành bế cô lên tay và tức tốc đưa cô về nhà. Dọc đường anh lại thấy
thương thưong. Lát sau Hans trở về nhà mình và suốt đêm đó anh không sao chợp
mắt nổi.
Sáng hôm sau không thấy cô Neuman xuất hiện trước cửa hàng
của mình để hát câu: “Lão Đức, Lão Đức-La-Lão Đức…”, hay là cô xấu hổ, mà cũng
có thể là cô đang lặng lẽ tìm cách trả thù.
Hóa ra cô đã tìm cách trả thù. Ngay chiều tối hôm đó, ông
biên tập viên của “Tập san thứ bảy hàng tuần” đã gọi Hans ra đấm nhau và ngay
phút đầu trận đấu ông đã cho ngay Hans một cú vào mắt. Bị dồn vào thế bí Hans
liền đấm cho ông ta những cú như trời giáng, đến nỗi sau giây lát chống cự vô
ích ông biên tập viên ngã gục, mồm kêu: “Thôi! Thôi!”
Chả biết bằng cách nào, vì Hans có nói cho ai đâu, cả thị
trân đã biết được chuyện tai nạn tối hôm trước của cô Neuman. Sau trận đấm nhau
với biên tập viên, lòng thương đối với người bạn gái đã biến khỏi trái tim của
Hans và chỉ còn đọng lại lòng căm ghét.
Hans có linh tính, sắp tới thế nào cũng sẽ bị một cú bất ngờ
từ một bàn tay căm tức.
Các chủ hiệu tạp hoá thường treo trước cửa hàng của mình
bảng thông báo các mặt hàng dưới tiêu đề Notice.
Mặt khác, cũng cần phải biết rằng các cửa hiệu tạp hóa
thường bán nước đá cho các quán rượu, không có thứ này thì không một người Mỹ
nào chịu uống whisky hoặc bia. Và thế là Hans thấy bỗng dưng không ai đến mua
nước đá ở cửa hiệu của anh nữa. Những cây nước đá cỡ bự mà anh phải chở về bằng
xe lửa cất trong nhà hầm bị tan hết, phí tới mấy chục đôla.
Tại sao? Cớ gì? Chuyện gì?
Hans nhận thấy, những người thuộc phái của anh hàng ngày vẫn
vào cửa hiệu của cô Neuman mua nước đá. Anh không tài nào hiểu nổi, thế nghĩa
là thế nào, hơn nữa anh có cáu gắt với chủ quán nào đâu.
Anh quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này.
- Tại sao ông không vào lấy nước đá ở chỗ tôi nữa? - Anh hỏi
chủ quán Peters đang đi ngang qua nhà mình bằng thứ tiếng Anh bập bẹ.
- Vì anh có đâu.
- Sao lại không có?
- Tôi biết đâu đấy.
- Lạy chúa, tôi có nước đá đấy chứ.
- Thế thì sao lại thế này hả? - Chủ quán chỉ lên bảng thông
báo treo trước nhà.
Hans nhìn, ức tím mặt. Trên bảng thông báo của anh kẻ nào đã
bóc mất chữ “t” ở giữa từ “Notice”, thành ra “Notice” đổi thành “No ice”, tiếng
Anh có nghĩa là: không có nước đá.
- Đểu giả đến thế là cùng! - Hans thét to, mặt tím bầm, lồng
lộn nhảy sang cửa hàng của cô Neuman.
- Đây mới là thâm thúy! - Hans uất ức quát, - duyên cớ gì mà
nhà cô lại móc mất một chữ ở giữa hả?
- Tôi móc cái gì của anh ở giữa nào? - Cô Neuman ngơ ngác
hỏi.
- Tôi nói chữ “t”, tôi nói! Cô đã móc mất “t” của tôi! Lạy
chúa! Dứt khoát là như vậy. Nhà cô phải đền tiền nước đá cho tôi. Lạy chúa! Lạy
chúa!
Không kìm nổi máu nóng, Hans la hét hung dữ như kẻ bị quỷ ám
trước mặt cô Neuman. Dân phố đổ xô đến.
- Cứu tôi với bà con ơi! - Cô Neuman hô hoán. - Lão Đức điên
mất rồi! Hắn bảo tôi móc mất của hắn cái gì đó ở giữa, mà quả tình tôi có móc
cái gì của hắn đâu. Tôi phải móc cái gì của hắn nào? Tôi chả móc cái gì cả! Ôi!
Lạy chúa! Tôi có thể móc mắt hắn, nếu như tôi có thể, chỉ có thế thôi. Tôi là
người đàn bà tội nghiệp, tôi đơn độc chỉ có một mình! Hắn sẽ giết tôi ở đây,
hắn sẽ hãm hại tôi mất thôi!
Cô gào thét tới mức những giọt lệ oan trào ra tràn trề.
Người Mỹ không hiểu chuyện gì, song người Mỹ chẳng thể dửng dưng trước nước mắt
của phụ nữ, họ liền lôi cổ anh chàng Đức tống ra ngoài. Anh ta cố víu. Víu sao
nổi! Người anh bắn ra như một viên đạn, anh băng qua đường, lao vào cửa nhà
mình, ngã gục.
Một tuần sau đó, trên cửa hiệu của Hans thấy treo một tấm
biển có tranh họa.
Trên tấm biển vẽ một con khỉ mặc váy liền áo, có thắt lưng,
yếm trắng, vai đeo lá chắn; nói tóm lại, trông giống hệt cô Neuman. Phía dưới
có dòng chữ màu vàng to tướng: “Hiệu tạp hóa dưới con khỉ”.
Dân phố kéo đến xem. Những tiếng cười từ phía trước cửa đập
vào tai cô Neuman. Cô bước ra ngoài, ngó nhìn, mặt tái xanh, song vẫn ráng bình
tĩnh nói thật to:
- Hiệu tạp hóa dưới con khỉ à? Chẳng có gì là lạ cả, vì anh
Kasche ở trên cửa hiệu. Ha!
Thực ra cú này làm nhức nhối tim cô. Ngay trưa hôm đó cô đã
nghe thấy bọn học trò trên đường đi học về đến chỗ hai cửa hiệu, dừng lại trước
tấm biển hô to:
- Ô! Đây là cô Neuman! Chào cô chủ hiệu Neuman!
Thật là chuyện quá quắt. Buổi tối, khi ông biên tập viên đến
chơi cô liền nói với ông ta:
- Con khỉ đó là em! Em biết là em, nhưng em sẽ không tha hắn
đâu. Hắn sẽ phải gỡ đi và dùng lưỡi liếm sạch con khỉ này trước mặt em.
- Thế bây giờ cô định làm gì nào?
- Lát nữa em sẽ đến gặp ông thẩm phán.
- Sao lại lát nữa hả?
- Ngày mai vậy.
Sáng sớm hôm sau cô sang bảo Hans:
- Nghe đây, Lão Đức! Ta biết con khỉ đó là ta, nhưng ngươi
hãy đi cùng ta tới gặp thẩm phán. Để xem ông ta phán xét chuyện này như thế
nào.
- Tôi sẽ bảo là tôi có quyền vẽ bất kì cái gì tôi muốn lên
cửa hàng của tôi.
- Lát nữa rồi sẽ thấy.
Cô Neuman trút nhẹ hơi thở.
- Do đâu mà cô lại biết con khỉ đó là cô hả?
- Lương tâm bảo tôi như vậy. Đi, đi ngay tức khắc tới gặp
thẩm phán, bằng không ông cảnh sát trưởng sẽ cùm tay ngươi lại mà giải đi cho
coi.
- Được, đây sẵn lòng đi. - Hans nói ra chiều nắm phần thắng.
Cả hai đóng cửa hiệu và cùng đi, dọc đường mỗi người tính
nước cờ của mình. Mãi khi đến trước cổng nhà ông thẩm phán Dasonville họ mới
sực nhớ ra, cả hai đều không đủ vốn tiếng Anh để trình bày sự việc. Làm thế nào
bây giờ? Phải rồi, cảnh sát trưởng người Do Thái Ba Lan vừa biết tiếng Đức vừa
biết tiếng Anh. Họ bèn đến nhờ ông cảnh sát trưởng.
Lúc này cảnh sát trưởng đang ngồi trên xe, chuẩn bị đi.
- Hai người cứ đến mà gặp Dasonville! Suốt mấy năm trời các
người chỉ dùng độc một đôi giày! Tôi đi lấy gỗ bây giờ đây. Tạm biệt!
Và ông ta đi thẳng.
Hans đứng sấn sát cô gái.
- Cô em đành phải đợi đến ngày mai thôi. - Hans nhẹ nhàng
nói.
- Tôi phải đợi ấy à? Tôi chết trước ngày mai mất thôi. Hay
là anh gỡ con khỉ đi.
- Tôi chẳng gỡ đâu.
- Thế thì ngươi sẽ bị treo cổ! Ngươi sẽ bị treo cổ, Lão Đức!
Mà khỏi cần cảnh sát trưởng. Đằng nào thì ông thẩm phán cũng hiểu hai bên muốn
gì rồi.
- Vậy thì đi và không cần cảnh sát trưởng. - Người đàn ông
nói.
Có điều cô Neuman đã lầm. Cả thị trấn chỉ có độc một thẩm
phán, ông ta không hay biết chút gì về những vụ cãi nhau của họ cả. Ông già làm
thứ thuốc leroa là có tội với chúa, vậy mà ông ta cứ đinh ninh rằng mình là
đấng cứu thế.
Ông tiếp hai người như ông vẫn thường tiếp những người khác,
chân tình và lịch thiệp:
- Đưa lưỡi xem nào, các con của ta! - Ông bảo. - Ta sẽ kê
đơn ngay cho các con đây.
Cả hai khách dùng tay làm hiệu, họ đâu cần có thuốc. Cô
Neuman lắp lại:
- Không phải cái này, không phải!
- Vậy thì cái gì?
Kẻ nói qua, người nói lại. Hans nói một thì cô nàng nói
mười. Cuối cùng cô gái Đức nảy ra sáng kiến, cô chỉ vào tim mình và ra hiệu,
anh Hans đã chọc thủng nó bằng bảy nhát gươm.
- Ta hiểu! Bây giờ thì ta hiểu rồi! - Đốc tờ nói.
Ông liền giở sổ ra ghi. Ông hỏi Hans:
- Bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi sáu.
Hỏi cô gái - cô ta không nhớ chính xác lắm:
- Bẩm, có lẽ khoảng hai mươi lăm.
- Được! Tên của hai anh chị?
- Hans.
- Lora.
- Được! Nghề nghiệp?
- Cả hai bán tạp hoá.
- Được.
Tiếp đó, ông còn hỏi một số câu gì đó nữa. Cả hai đều không
hiểu, nhưng lại trả lời “vâng”. Đốc tờ gật đầu. Mọi việc xong.
Ghi chép xong ông đứng dậy và thình lình khi cô Lora còn
đang ngơ ngác thì ông tiến lại ôm ngang lưng và hôn cô.
Cô gái cho đây là điềm tốt và ra về tràn đầy hi vọng thắng
cuộc.
Dọc đường cô nàng bảo Hans:
- Tôi sẽ cho anh biết tay!
- Cô em sẽ cho người khác biết! - Anh chàng Đức bình thản
chống chế.
Sáng hôm sau cảnh sát trưởng đến trước hai cửa hàng. Hai đối
thủ đều đang đứng trước cửa. Hans nhả khói khỏi tẩu, cô nàng hát:
- “Lão Đức, Lão Đức, La-Lão Đức, La-Lão Đức-ức!”
- Sao, bây giờ hai người có muốn đến nhà thẩm phán không
nào? - Cảnh sát trưởng hỏi.
- Chúng tôi đã đến đó rồi.
- Và sao?
- Cảnh sát trưởng của em ơi! Ông Devis của em! - Cô gái gọi
to, - ông đến đó khắc rõ. À, em cần một đôi giày đấy. Đến đó ông hãy nói với
thẩm phán cho em một lời ủng hộ. Ông thấy đấy, em là một cô gái tội nghiệp, cô
đơn…
Cảnh sát trưởng đi và sau mười lăm phút quay lại. Nhưng
không hiểu tại sao dân chúng lại vây chặt quanh ông.
- Thế nào? Sao? - Cả hai cùng hỏi.
- Mọi sự đều tốt, hay! - Cảnh sát trưởng nói.
- Thế thẩm phán phán quyết thế nào?
- Việc gì ông ấy phải làm chuyện xấu nào. Ông ấy đã chấp
thuận cho hai người được kết hôn rồi đó.
- Cho kết hôn???
- Phải chăng, đúng là hai người không xin kết hôn?
Như sét đánh ngang tai, thực ra cô Neuman không hoảng sợ tới
mức như vậy. Hans trợn mắt, mồm há hốc, ngơ ngác nhìn cô Neuman, còn cô Neuman
trợn mắt, mồm há hốc, ngơ ngác nhìn Hans. Cả hai đứng trơ như phỗng đá, không
nhúc nhích. Rồi cả hai cùng kêu lên:
- Tôi phải làm vợ anh ta?
- Tôi phải làm chồng cô ta?
- Ép duyên! Ép duyên! Không bao giờ! Phải li dị ngay thôi!
Tôi không muốn!
- Chết mất thôi! Ép duyên! Li dị, li dị, li dị thôi! Sao lại
thế này?
- Hai bạn yêu quý của tôi ơi, - cảnh sát trưởng từ tốn nói,
- kêu la ở đây phỏng giúp ích gì nào? Thẩm phán cho cưới, nhưng ông ấy không
cho li dị đâu. Kêu la cái nỗi gì nào? Các bạn có phải là những nhà triệu phú ở San Francisco hay không
mà dám li dị hả? Các bạn không biết li dị tốn kém như thế nào à? Này! Kêu la
cái nỗi gì nào? Tôi có giày trẻ em rất đẹp nhé, tôi sẽ bán rẻ cho! Tạm biệt!
Nói đoạn, cảnh sát trưởng bỏ đi. Dân phố nãy giờ đứng cười
cũng tản ra; chỉ còn lại cặp vợ chồng mới kết hôn.
- Chính cái lão người Pháp đó, - cô gái đã có chồng nói to,
- lão đã chủ tâm làm chuyện đó đối với chúng ta, hai người Đức!
- Đúng thế, - Hans lặp lại.
- Nhưng đi li dị thôi!
- Tôi trước, vì cô đã móc mất chữ “t” của tôi ở giữa.
- Không! Tôi trước, vì anh đã bẫy tôi.
- Tôi đếch thích cô.
- Tôi ghét anh.
Hai người dứt ra về và đóng cửa hiệu. Suốt ngày hôm đó, cô
nàng ngồi trong nhà, suy nghĩ miên man, anh chàng cũng vậy. Đêm xuống. Đêm cho
yên tĩnh. Tuy vậy cả hai đều không ngủ được. Họ đặt lưng xuống, nhưng mắt không
sao nhắm nổi. Anh chàng nghĩ: “Vợ mình đang ngủ đằng kia!”. Cô nàng: “Chồng
mình đang ngủ đằng kia!” - Và trong trái tim của họ nảy sinh những tình cảm lạ
lùng. Nỗi căm uất, bực tức, pha trộn với cảm giác cô đơn. Phần nữa, Hans còn
suy nghĩ về con khỉ của mình trên cửa hàng. Sao lại giữ nó ở đấy khi bây giờ nó
là bức tranh châm biếm vợ mình? Và cảm nhận mình đã làm một việc rất xấu nên
anh sẽ xóa con khỉ này đi. Có điều, lại còn cái cô Neuman này nữa! Anh căm ghét
cô ta cơ mà. Tại cô ta mà nước đá của anh đã bị tan hết. Chính anh đã bẫy được
cô ta trong đêm trăng nọ. Trong óc anh lại hiện lên những dáng hình mà anh đã
mục thị qua ánh trăng vàng.
“Quả thực, cô ta là một nữ nhi khỏe mạnh (anh nghĩ). Có điều
cô ấy ghét mình và mình không thích cô ta. Tình thế là như vậy! Lạy chúa! Mình
đã lấy vợ rồi chăng? Và lấy ai? Lấy cô Neuman ấy à! Nhưng mà ở đây li dị tốn
kém là vậy. Có bán cả cửa hiệu cũng không đủ!”
- Ta là vợ của cái anh chàng Đức này,- cô Neuman tự lẩm bẩm
với chính mình.- Mình chẳng còn là cô nữa rồi. Đó là mình muốn xưng: cô, song
mình đã lấy chồng! Lấy ai? Lấy anh chàng Kasche đã bẫy mình. Đúng là… anh ấy ôm
ngang lưng và nâng mình lên. Anh ấy khỏe làm sao! Ôi! Anh ta tự ôm ngang lưng
mình. Cái gì vậy nhỉ? Hình như có tiếng sột soạt đâu đây.
Chả có tiếng sột soạt nào cả, có điều cô Neuman bắt đầu sợ,
dẫu rằng lâu nay cô có sợ bao giờ.
- Giá như bây giờ anh ấy dám… Lạy chúa!
Nhưng cô lại nói tiếp bằng một giọng, trong đó ngân lên một
nỗi thất vọng lạ lùng.
- Nhưng mà anh ấy đâu có dám… Anh ấy…
Một cảm giác sợ hãi hết thảy bùng lên trong cô. “Với người
phụ nữ cô đơn bao giờ chả vậy, - cô nghĩ tiếp, - giá như ở đây có một người đàn
ông chắc sẽ an toàn hơn. Mình đã từng nghe về một số vụ tự vẫn ở vùng này (thực
ra cô Neuman không hề nghe có các vụ tự vẫn). Tôi thề rằng, sẽ có lúc người ta
giết tôi ở đây. Chà, cái anh chàng Kasche này, anh chàng Kasche này đã bịt
đường của mình. Dẫu sao phải tính chuyện li dị thôi”.
Cô suy nghĩ như vậy, nằm trằn trọc trên chiếc giường Mỹ rộng
khổ và quả thực cô cảm thấy cô đơn hết nỗi. Bỗng cô lại chồm dậy. Lần này nỗi
sợ hãi của cô có lí do thực sự. Trong đêm khuya thanh vắng, nghe rõ mồn một
tiếng nện của búa đinh.
- Lạy chúa! - Cô thét lên, - có kẻ đang đột nhập vào cửa
hàng của tôi.
Nói đoạn, cô nhảy khỏi giường và băng ra cửa sổ, sau khi
quan sát cô liền trấn tĩnh lại. Qua ánh trăng nhìn thấy một chiếc thang, trên
thang là dáng hình tròn trắng của Hans, người đang dùng búa tháo đinh, tay giữ
chặt tấm biển có hình con khỉ.
Cô Neuman rón rén mở cửa sổ.
“Vậy là anh ta gỡ con khỉ: một cử chỉ tốt bụng từ phía anh
ta!” - cô nghĩ. Và bỗng nhiên cô có cảm giác, một cái gì đó đang tan quanh trái
tim mình.
Hans từ từ rút đinh ra. Miếng tôn rơi xuống đất kêu loảng
xoảng: anh xuống thang, tháo khung, dùng đôi tay căng phồng nhiệt huyết quấn
miếng tôn thành hình loa kèn rồi đi cất thang.
Cô nàng theo dõi anh chàng không chớp mắt. Đêm tĩnh mịch, ấm
áp.
- Anh Hans - Bỗng cô trinh nữ thì thầm.
- Cô không ngủ à? - Hans thủ thỉ.
- Không! Chào anh!
- Chào cô.
- Anh đang làm gì vậy?
- Tôi gỡ con khỉ đi.
- Em đa tạ anh, anh Hans.
Giây lát im lặng.
- Anh Hans ơi! - Cô gái lại cất giọng thỏ thẻ.
- Gì, hả cô Lora?
- Chúng ta phải bàn chuyện li dị thôi.
- Phải đấy, cô Lora.
- Ngày mai được không?
- Ừ, mai.
Giây lát im lặng: trăng mỉm cười, chó ngừng sủa.
- Anh Hans ơi!
- Gì, hả cô Lora?
- Em cần giải quyết ngay tức khắc việc li dị này.
Giọng cô sầu não.
- Tôi cũng vậy, cô Lora ạ!
Giọng Hans buồn buồn.
- Vì, anh thấy đấy, không nên chậm trễ.
- Tốt nhất là đừng chậm trễ.
- Càng bàn nhanh càng tốt.
- Càng tốt, cô Lora.
- Vậy thì ta có thể bàn ngay…
- Nếu cô cho phép…
- Thế thì anh sang nhà em…
- Tôi về thay quần áo đã.
- Chả cần lễ nghi đâu.
Cửa dưới nhà mở ra, Hans khuất vào bóng đêm, sau chốc lát
Hans đã có mặt tại căn phòng nhỏ, tĩnh mịch, ấm áp và ngăn nắp của cô nàng. Cô
Lora bận bộ đồ ngủ trắng phau, lòng cô say đắm thực sự.
- Tôi nghe cô đây, - Hans nói bằng một giọng đàn ông nhát gừng.
- Nhưng, anh thấy không, em rất muốn li dị, nhưng… em sợ,
mong sao người ngoài phố không nhìn thấy hai chúng ta.
- Mà chỗ cửa sổ tối lắm! - Hans nói.
- Vâng! Tối lắm! - Cô nàng đáp lại.
Lúc này cuộc họp bàn li dị bắt đầu, và khỏi cần kể tiếp.
Yên tĩnh trở lại với thị trấn Struck Oil.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét