Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 4)

Dubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 4

Nơi ngày xưa thường dọn tiệc 
Bây giờ đặt chiếc áo quan.

Về được mấy hôm Vlađimia Đubrốpxki muốn thu xếp việc nhà, nhưng cha chàng không đủ sức trình bày với chàng những điều cần thiết; Anđrây Gavrilôvích lại không có người đại biện. Lục lọi giấy má của cha, Vlađimia chỉ thấy được bức thư đầu của viên bồi thẩm và bức thư trả lời viết nháp. Đọc lại bức thư này chàng không hiểu rõ được đầu đuôi vụ kiện, nên quyết định chờ xem kết quả, cho rằng cha mình phải, thì thế nào công việc cũng ổn thỏa.
Trong khi đó sức khỏe của Anđrây Gavrilôvích cứ mỗi lúc một kiệt dần. Vlađimia biết trước rằng ông chẳng còn sống được mấy đỗi, cho nên chàng không rời khỏi cha một bước. Lúc đó ông già đã trở thành ngây dại như đứa trẻ.
Trong thời gian này hạn khiếu nại đã hết, mà vẫn không có đơn chống án nào gửi lên huyện. Thôn Kixtênhốpca bây giờ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tơrôiêkurốp. Sabaskin đến chào lão ta và xin cho biết bao giờ thì lão muốn bắt đầu chiếm cứ cái điền trang mới có kia: có thể hoặc thân hành sang thu hồi lấy, hoặc ủy nhiệm cho một người khác. Tơrôiêkurốp thấy hoang mang. Tự bản chất thì lão cũng chẳng tham lam gì, ý muốn trả thù đã đưa lão đi quá xa, và lương tâm lão bắt đầu thấy bứt rứt.
Tơrôiêkurốp biết rõ tình trạng kẻ thù lão hiện nay ra sao; kẻ thù đó đã từng là bạn của lão từ thuở trai trẻ, và bây giờ lòng lão không thể thấy vui vì trận thắng vừa rồi được nữa. Lão hầm hầm nhìn Sabaskin và tìm một cớ gì để chửi bới hắn, nhưng tìm mãi không ra, lão giận dữ nói:
- Thôi cút đi! Tao không hơi đâu mà nghĩ đến mày.
Sabaskin thấy Tơrôiêkurốp gắt gỏng, liền cúi chào lão và hấp tấp lui ra. Còn Tơrôiêkurốp ngồi lại một mình, bắt đầu đi đi lại lại, mồm huýt sáo khe khẽ điệu “Sấm chiến thắng vang lên”. [câu đầu một bài hợp xướng trích từ bài thơ của Đergiavin, âm nhạc của Ô.A.Côdơlốpxki viết nhân việc quân đội Nga chiếm được pháo đài Thổ Nhĩ Kỳ Idơmain (1791)]. Hiện tượng này bao giờ cũng báo hiệu rằng đầu óc lão đang suy nghĩ lung lắm.
Cuối cùng Tơrôiêkurốp ra lệnh thắng xe ngựa, mặc thêm áo ấm (bấy giờ là cuối tháng Chín) và tự đánh xe đi.
Chẳng bao lâu lão thấy xuất hiện trước mắt ngôi nhà của Anđrây Gavrilôvích và những cảm xúc trái ngược thi nhau tràn vào tâm hồn lão. Sự thỏa mãn vì đã trả thù xong và lòng hiếu thắng lấn át một phần nào những cảm xúc cao thượng hơn, nhưng những cảm xúc này cuối cùng cũng chiếm phần thắng. Lão quyết định giải hòa với ông bạn láng giềng già và xóa bỏ hết mọi sự hiềm khích bằng cách trả lại điền trang cho người bạn cũ. Những ý nghĩ tốt đẹp đó làm cho Kirila Pêtơrôvích thấy tâm thần nhẹ nhõm hơn; lão đánh xe chạy nước kiệu về phía ngôi nhà của Anđrây Gavrilôvích và cho xe chạy thẳng vào trong sân.
Lúc này người ốm đang ngồi trong phòng ngủ, bên cạnh cửa sổ. Ông ta nhận ra Kirila Pêtơrôvích và nét mặt của ông biểu lộ một sự kích động ghê gớm - sắc mặt thường ngày tái xanh bây giờ bỗng trở thành đỏ tía, mắt ông sáng lên và môi ông lắp bắp những gì không rõ. Con trai ông lúc ấy đang ngồi soát lại sổ sách ngẩng đầu lên thấy vậy hết sức kinh hoàng. Ông già giơ tay chỉ ra phía sân, sắc mặt lộ vẻ sợ hãi và căm giận. Ông hấp tấp vén tà áo ngủ, định đứng lên. Ông vừa nhỏm dậy thì bỗng ngã nhào xuống. Vlađimia vùng chạy lại. Cha chàng nằm sóng soài trên sàn, mê man bất tỉnh: ông già vừa bị một cơn tê liệt thần kinh đột ngột.
Vlađimia thét: 
- Nhanh lên, đi ngay lên huyện mời thầy thuốc! 
Một người đày tớ bước vào: 
- Thưa có Kirila Pêtơrôvích đến hỏi ngài. 
Vlađimia quắc mắt nhìn người đày tớ: 
- Anh ra nói với Kirila Pêtơrôvích là có khôn hồn thì xéo đi cho nhanh, đừng để tôi phải cho người đuổi ra khỏi sân nhà này! Đi đi!
Người đày tớ mừng rỡ chạy đi thi hành mệnh lệnh của chủ.
Êgôrốpna chắp tay khóc lóc: 
- Cậu ơi là cậu! Cậu làm như vậy thì thiệt thân cậu thôi! Kirila Pêtơrôvích hắn ăn thịt chúng mình mất. 
Vlađimia giận dữ nói: 
- U im đi! U cho Antôn ra huyện gọi thầy thuốc ngay!
Êgôrốpna lui ra. Không có ai ở phòng ngoài cả: mọi người đều chạy ra sân xem Kirila Pêtơrôvích. U già ra trước thềm thì vừa nghe người đày tớ nói lại lời của chủ cho Pêtơrôvích nghe. Bấy giờ lão vẫn ngồi trên xe ngựa. Nghe xong mặt lão sa sầm lại, tối hơn đêm, và lão mỉm cười khinh bỉ, đưa cặp mắt dữ tợn nhìn qua bọn người nhà, rồi đánh ngựa đi bước một qua sân. Trước khi ra khỏi sân, lão còn ngoái cổ lại nhìn cái cửa sổ lúc nãy có Anđrây Gavrilôvích ngồi, mà bây giờ thì vắng không. Người u già đứng lặng bên thềm, quên cả lời dặn của Vlađimia. Gia nhân đang bàn tán xôn xao về việc mới xảy ra. Bỗng nhiên Vlađimia từ trong nhà bước ra cất giọng nghẹn ngào, nói đứt quãng: 
- Không cần mời thầy thuốc nữa, cha tôi mất rồi.
Nông dân nhốn nháo cả lên. Họ xô nhau chạy ùa vào phòng của chủ. Anđrây Gavrilôvích đang nằm trên hai chiếc ghế bành mà Vlađimia vừa đặt ông xuống, cánh tay phải của ông buông thõng chấm đất, đầu ông gục xuống sát ngực - bây giờ đã không còn có dấu hiệu gì của sự sống trong cái thân thể hãy còn hơi ấm, nhưng đã bị thần chết làm cho biến dạng đi. Êgôrốpna òa lên khóc gào thảm thiết. Gia nhân xúm quanh thi hài của chủ, họ rửa ráy cẩn thận, rồi lấy bộ quân phục may từ hồi 1797 mặc cho Anđrây Gavrilôvích. Xong họ khiêng thi thể ra đặt trên cái bàn lớn mà bao nhiêu năm họ đã từng dọn ăn cho chủ.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét