Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 9)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương IX

Chia ly

Êm thay buổi mới làm quen, 
Xinh xinh cô gái dịu hiền bên ta; 
Buồn thay cái phút lìa xa, 
Buồn như ta với hồn ta giã từ. 
Khêraxkốp
[Đề từ lấy từ bài thơ “Chia ly” của nhà văn Nga Mikhain Khêraxốp (1733-1807)]

Sáng hôm sau tiếng trống đánh thức tôi dậy.
Tôi ra chỗ tập trung. Quân của Pugatsốp đã tập hợp quanh chiếc giá treo cổ, vẫn còn lủng lẳng xác mấy người bị xử giảo hôm qua. Quân Cô-dắc ngồi trên mình ngựa, bộ binh thì bồng súng đứng thành ngũ. Cờ xí bay phất phới. Mấy khẩu đại bác, trong số đó tôi nhận ra khẩu đại bác của đồn chúng tôi, được đặt lên những chiếc giá súng dùng khi hành quân. Dân chúng cũng đều ra đấy đứng đợi Pugatsốp. Trước thềm nhà viên đồn trưởng, một người Cô-dắc cầm dây cương một con ngựa bạch rất đẹp giống Kiếcghidia. Tôi đưa mắt tìm xác bà đồn trưởng. Nó đã được kéo sang một bên và đắp một chiếc chiếu bằng thớ vỏ cây. Cuối cùng, Pugatsốp ở trong nhà bước ra. Dân chúng bỏ mũ chào. Một lão trùm Cô-dắc trao cho hắn một cái túi đựng tiền đồng và hắn bắt đầu vốc từng nắm tung ra. Dân chúng hò reo ùa ra nhặt, xô đẩy nhau có người đến bươu đầu sứt trán. Xung quanh Pugatsốp là những đồng đảng thân cận của y, trong số đó có cả Svabrin. Luồng mắt chúng tôi gặp nhau, chắc hắn thấy rõ vẻ khinh miệt trong ánh mắt tôi, nên quay đi, vẻ hằn học thực sự pha lẫn với một vẻ ngạo nghễ giả tạo. 
Pugatsốp trông thấy tôi trong đám đông liền gật đầu chào và gọi tôi lại. Hắn nói:
- Hãy nghe đây. Ngươi hãy đi ngay đến Ôrenburg và chuyển lời ta đến tên tổng trấn và tất cả bọn tướng tá ở đấy bảo họ đợi một tuần nữa thì ta sẽ đến. Ngươi hãy khuyên họ tiếp đón ta một cách kính cẩn và phục tòng như con đón cha, nếu không nghe thì đừng hòng thoát khỏi tử hình. Thôi, chúc ngươi lên đường mạnh khỏe. 
Tiếp đến, Pugátsốp quay về phía dân chúng và chỉ vào Svabrin nói: 
- Đây là vị chỉ huy mới của các ngươi, các ngươi hãy nhất nhất vâng lệnh ông ta, còn ông ta thì sẽ chịu trách nhiệm về các ngươi và về đồn này.
Tôi nghe nói mà thất kinh, Svabrin được làm đồn trưởng, thế là Maria Ivanốpna ở dưới quyền của hắn rồi! Trời ơi, rồi nàng sẽ ra sao!
Pugatsốp từ trên thềm bước xuống. Quân hầu dắt ngựa đến cho hắn. Hắn nhanh nhẹn nhảy lên yên không đợi những người Cô-dắc đang định chạy đến đỡ hắn.
Vừa lúc ấy, trong đám đông bỗng thấy bác Xavêlích nhà tôi bước ra, bác lại gần Pugatsốp và đưa cho hắn một tờ giấy. Tôi không thể nghĩ ra bác định làm gì như vậy.
- Cái gì đây?
- Ông cứ đọc đi, rồi khắc biết, - Xavêlích đáp.
Pugatsốp lấy tờ giấy ngắm nghía một lúc có vẻ chăm chú lắm. Cuối cùng hắn nói: 
- Ngươi viết cái gì mà ghê gớm thế. Đôi mắt anh minh của ta đọc chả hiểu gì cả. Quan tổng thư ký của ta đâu?
Một người trẻ tuổi dáng nhỏ nhắn mặc quân phục cấp hạ sĩ nhanh nhẹn chạy đến. Pugatsốp trao tờ giấy cho hắn bảo hắn đọc to lên. Tôi hết sức tò mò muốn biết bác Xavêlích nhà tôi bày chuyện viết lách cho Pugatsốp những gì thế. Quan tổng thư ký cất giọng oang oang đánh vần từng chữ đọc những dòng sau đây: 
“Hai chiếc áo choàng, một bằng vải bông mịn, một bằng lụa sọc, giá là sáu mươi rúp”.
- Thế nghĩa là thế nào? - Pugatsốp hỏi. 
- Ông cứ bảo đọc tiếp đi, - Xavêlích bình tĩnh đáp. 
Quan tổng thư ký đọc tiếp:
“Một áo quân phục bằng dạ xanh, giá 7 rúp. 
Một quần dạ trắng, giá 5 rúp. 
Mười hai áo sơ-mi vải Hà Lan có măng-sét giá 10 rúp. 
Một tráp đựng đồ trà giá 2 rúp rưỡi…”
- Chuyện vớ vẩn ở đâu thế? - Pugatsốp ngắt lời. - Sao lại đi nói những chuyện tráp hòm với quần áo măng-sét với ta?
Xavêlích đằng hắng một cái, rồi bắt đầu phân bua: 
- Thưa ông, xin ông biết cho đấy là danh sách những đồ đạc của chủ tôi bị bọn kẻ cướp… 
- Kẻ cướp nào hả? - Pugatsốp giận dữ hỏi.
- À quên, xin lỗi, - Xavêlích đáp. - Tôi chót nói nhịu, kẻ cướp thì không phải là kẻ cướp, thế nhưng quân của ông cũng có lục lọi vơ vét chút ít. Xin ông đừng giận, ngựa đi bốn cẳng còn có lúc vấp nữa là. Xin ông bảo đọc nốt cho. 
- Đọc nốt đi, - Pugatsốp nói.
Quan thư ký đọc tiếp:
“Một chăn vải hoa, một chăn bông giá 4 rúp. 
Một áo choàng lông cáo bọc ra-tin (thứ len chải, lông xù) đỏ giá 40 rúp. 
Lại thêm một áo tu-lúp da thỏ, biếu đức ngài ở quán trọ giá 15 rúp
- Lại cái gì nữa thế! - Pugatsốp quát, mắt quắc lên.
Quả tình bây giờ tôi lo cho ông lão bộc của tôi quá. Ông ta đang định phân bua nữa, nhưng Pugatsốp vội ngắt lời. Hắn giật lấy tờ giấy trên tay viên thư ký và ném vào mặt Xavêlích quát lớn:
- Sao ngươi dám đưa những thứ vớ vẩn ấy ra đây quấy rầy ta? Đồ ngu! Chúng nó lấy đấy: thì đã sao nào? Lão khọm già, lý ra ngươi phải suốt đời cầu nguyện Chúa cho ta và cho quân lính ta, để tạ ơn ta đã không cho ngươi với chủ ngươi lủng lẳng ở trên giá treo cổ cùng với bọn khi quân kia… Áo tu-lúp da thỏ! Để rồi ta cho ngươi áo da thỏ! Thế ngươi có biết rằng ta sẽ lột da ngươi ra làm áo tu-lúp không?
- Xin tùy ngài, - Xavêlích đáp, - chứ tôi là phận tôi tớ người ta nên phải giữ của cho chủ.
Có lẽ bác Xavêlích may gặp được lúc Pugatsốp đang đà vui vẻ rộng lượng. Pugatsốp quay ngoắt lại và thúc ngựa đi, không nói thêm một lời nào nữa. Svabrin và các lão trùm Cô-dắc liền đi theo. Quân phiến loạn kéo ra khỏi đồn rất có trật tự. Dân chúng ra tiễn đưa Pugatsốp. Tôi ở lại một mình với Xavêlích trên quảng trường. Người lão bộc cầm cái danh sách của mình trong tay mà ngắm nghía có vẻ tiếc rẻ vô hạn.
Thấy Pugatsốp có chiều tử tế với tôi, bác ta đã định lợi dụng tình thế đó. Nhưng ý định khôn ngoan của bác không thành. Tôi định quở trách bác về nỗi nhanh nhảu không phải lúc, nhưng không sao nhịn được cười. Xavêlích đáp:
- Cậu cứ cười đi, rồi thử xem đến khi phải sắm lại tất cả các thứ ấy, cậu có cười được nữa không?
Tôi vội vàng vào nhà ông cố đạo gặp Maria Ivanốpna. Bà cố đạo ra đón tôi và cho tôi biết một tin buồn: đêm qua Maria Ivanốpna lên cơn sốt nặng mê man đi, mồm luôn nói sảng. Bà cố đạo dẫn tôi vào phòng nàng. Tôi rón rén bước lại gần giường. Sự thay đổi trên gương mặt nàng khiến tôi kinh ngạc. Nàng không nhận ra tôi. Tôi đứng hồi lâu trước mặt nàng, không nghe thấy cha Ghêraxim và vợ ông nói những gì: hình như lúc ấy họ đang an ủi tôi thì phải. 
Những ý nghĩ đen tối cứ rối bời bời lên trong đầu óc tôi. Tình cảnh cô gái mồ côi đáng thương không nơi nương tựa, bơ vơ ở giữa bọn phiến loạn hung ác, cùng là sự bất lực của bản thân tôi, khiến tôi kinh hãi. Lại còn Svabrin nữa, tâm trí tôi bị giày vò nhiều nhất khi nghĩ đến hắn. Được Pugatsốp trao quyền hành cai quản đồn này, hắn có thể tha hồ ức hiếp người con gái khốn khổ và vô tội mà hắn thâm thù. Tôi có thể làm gì bây giờ? Làm thế nào cứu giúp nàng? Làm thế nào cứu nàng thoát khỏi tay bọn cướp? Chỉ còn mỗi một cách là lập tức đến Ôrenburg để giục họ đem quân đến giải phóng đồn Bêlôgorxcơ và tự mình đem toàn lực góp vào cuộc chiến đấu này. Tôi chia tay với ông cố đạo và bà Akulina Pamphilốpna, tha thiết dặn bà chăm sóc người mà bấy giờ đã xem như vợ tôi. Tôi cầm tay người con gái đáng thương ấy mà hôn. Nước mắt chảy ướt đẫm cả tay nàng. 
Ra tiễn tôi, bà Akulina Pamphilốpna nói: 
- Thôi từ biệt cậu Piốt Anđrêêvích nhé. May ra chúng ta sẽ lại gặp nhau vào một thời buổi yên lành hơn. Cậu đừng quên chúng tôi, viết thư luôn cho chúng tôi nhé. Cô Maria Ivanốpna bây giờ ngoài cậu ra không còn trông vào ai để lấy nơi nương tựa, không còn ai làm niềm an ủi nữa đâu.
Ra đến quảng trường tôi dừng lại một lát, đưa mắt nhìn cái giá treo cổ, nghiêng mình chào, rồi ra khỏi đồn và đi theo con đường dẫn về Ôrenburg. Xavêlích theo tôi, không rời ra một bước.
Tôi đang vừa đi vừa nghĩ ngợi, thì bỗng nghe có tiếng chân ngựa ở phía sau lưng. Tôi ngoái cổ lại nhìn thấy một người Cô-dắc từ phía đồn phi ngựa lại, tay dắt thêm một con ngựa giống Baskirơ. Từ xa hắn đã giơ tay ra hiệu cho tôi đợi. Tôi dừng lại và chỉ một phút sau đã nhận ra đó là viên đội Cô-dắc của chúng tôi trước kia. Đến chỗ chúng tôi đứng, anh ta xuống ngựa và đưa cho tôi cầm dây cương con ngựa dắt theo, nói:
- Thưa quan ngài, Đức vua chúng tôi có lòng biếu ngài con ngựa và cái áo trên vai ngài (ở yên ngựa có đeo một chiếc áo tu-lúp bằng lông cừu). - Rồi anh ta ấp úng nói thêm: - Và lại còn à… biếu ngài… năm mươi cô-pếch… nhưng tôi đánh rơi ở dọc đường mất rồi, xin ngài rộng lượng tha thứ cho. 
Xavêlích gườm gườm nhìn hắn và càu nhàu:
- Đánh rơi dọc đường! Thế chứ cái gì lẻng xẻng ở trong người ấy? Đồ không biết dơ.
- Cái gì lẻng xẻng ấy à? - viên đội đáp, không chút ngượng nghịu. - Chao, cái ông già này. Đấy là cái hàm thiếc nó kêu lẻng xẻng đấy, chứ không phải món năm mươi cô-pếch đâu.
Tôi vội cắt đứt cuộc cãi vã: 
- Thôi được. Anh nói lại với người đã sai anh đến đây là tôi có lời cảm tạ; còn năm mươi cô-pếch đánh rơi dọc đường thì khi quay lại anh cố tìm cho ra, rồi giữ lấy mà uống rượu.
- Xin đa tạ ngài, - anh ta vừa đáp vừa cho ngựa quay trở lại, - đời đời tôi sẽ không quên cầu nguyện Chúa cho ngài.
Nói đoạn anh ta thúc ngựa phi trở lại, tay khư khư ôm lấy túi áo và một phút sau đã mất hút.
Tôi mặc chiếc áo tu-lúp mới vào người và lên ngựa, bảo cả bác Xavêlích ngồi sau lưng tôi. Ông già nói:
- Đấy cậu thấy không? Tôi đưa cho thằng ăn cướp ấy tờ giấy tính tiền thế mà cũng không uổng công: hắn cũng đâm ngượng; tuy cái con ngựa cao lêu đêu này với cái áo tu-lúp lông cừu, giá không được một nửa những thứ mà bọn hắn ăn cướp của ta với cái áo cậu cho hắn, nhưng thôi, cũng được, còn hơn không có.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét