Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Cô gái chọc tổ ong bầu - Stieg Larsson (Ch 16)

Cô gái chọc tổ ong bầu
(The Girl Who Kicked The Hornet’s Nest)

Tác giả: Stieg Larsson
Dịch giả: Trần Đĩnh
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2010

Phần III

Vỡ đĩa

27 Tháng Năm - 6 Tháng Sáu

100 năm trước công nguyên, Diodorus, sử gia người Sicile (từng bị các sử gia khác coi là một nguồn không đáng tin) đã miêu tả người Amazon xứ Lybia. Cái tên Amazon được dùng để chỉ tất cả vùng Bắc Phi ở phía tây Ai Cập lúc bấy giờ. Triều đại Amazon này là một chế độ nữ trị, tức là chỉ phụ nữ mới được phép nắm giữ các chức vụ cao, kể cả trong quân sự. Theo dã sử, Nữ hoàng Myrina trị vì vương quốc; với ba chục nghìn nữ binh và ba nghìn nữ kỵ binh, bà đã quét qua Ai Cập và Syria, suốt tới tận biển Aegea, trên đường đánh bại một số quân đội nam. Cuối cùng Nữ hoàng Myrina tử trận, quân đội của bà tan tác.
Nhưng quân đội đã lưu lại dấu vết trên vùng đất ấy. Sau khi các binh lính đàn ông bị tàn sát trong một cuộc diệt chủng có ảnh hưởng sâu rộng, phụ nữ xứ Anatolia đã cầm đao kiếm đè bẹp một cuộc xâm lăng từ Caucasus. Các phụ nữ này tập dùng mọi loại vũ khí, gồm cung tên, giáo mác, búa rìu và lao phóng. Họ làm các tấm hộ tâm và áo giáp bằng đồng theo kiểu của người Hy Lạp.
Vốn coi hôn nhân là bị khuất phục, họ không lấy chồng. Vậy để có con, họ được nghỉ phép và trong thời gian đó họ ăn nằm với các đàn ông họ chọn lựa kỹ càng ở các thành phố lân cận.
Chỉ khi nào đã giết một người đàn ông trên chiến trường thì người phụ nữ mới được phép thôi giữ trinh tiết.

Chương 16

Thứ Sáu, 27 tháng Năm - Thứ Ba, 31 tháng Năm

Blomkvist rời tòa báo Millennium lúc 10 giờ 30 đêm thứ Sáu. Anh đi cầu thang xuống tầng trệt, thay vì ra đường, anh rẽ trái qua tầng hầm, qua sân trong và qua tòa nhà ở đằng sau tòa nhà của Millennium trên đường Hokens Gata. Anh chạy lẩn vào một đám thanh niên đang trên đường đi tới Mosebacke nhưng thấy hình như không có ai để ý đến anh. Bất cứ ai nhìn tòa nhà sẽ nghĩ anh vẫn qua đêm ở tòa báo như thường lệ. Anh đặt ra trò này từ đầu tháng Tư. Thật ra thì Malm đang làm ca đêm.
Anh bỏ mười lăm phút đi xuôi các lối đi bộ và các đại lộ ở quanh Mosebacke rồi mới hướng tới số 9 Fiskargatan. Anh mở cửa chính bằng mã số, đi cầu thang lên căn hộ ở tầng thượng rồi dùng chìa của Salander để vào nhà. Anh tắt hệ thống báo động. Anh luôn cảm thấy đôi chút sửng sốt mỗi lần vào đây: hai mươi mốt buồng, chỉ có ba buồng là bày đồ đạc.
Anh bắt tay pha cà phê và làm sandwich rồi vào buồng giấy của Salander mở máy tính PowerBook của cô.
Từ giữa tháng Tư, lúc báo cáo của Bjorck bị đánh cắp và Blomkvist nhận ra mình bị theo dõi, anh đã đặt bản doanh của anh ở căn hộ của Salander. Anh đã chuyển phần lớn tài liệu cốt yếu đến phòng làm việc của cô. Một tuần anh qua vài đêm ở nhà cô, ngủ trên giường cô, làm việc bằng máy tính của cô. Cô đã dọn sạch ổ cứng trước khi rời đi Gosseberga rồi đương đầu với Zalachenko. Blomkvist đồ chừng cô không có ý quay lại. Anh đã dùng các ổ đĩa hệ thống của cô để khôi phục máy tính trở lại trạng thái hoạt động.
Từ tháng Tư, anh chẳng buồn cắm cáp đường truyền băng thông rộng vào máy tính của mình. Anh vào Internet qua kết nối băng thông rộng của Salander, mở chương trình chat ICQ rồi qua nhóm Yahoo [Ðạo phái Ngu] ping tới địa chỉ mà cô đã tạo ra cho anh.

<Chào Salander. >
<Nói chuyện với tôi đi.>
<Anh đang làm hai chương mà chúng ta đã bàn hồi đầu tuần. Bản mới ở Yahoo. Tình hình em ra sao?>
<Ðã xong được 17 trang. Ðang tải lên. >

Ping.

<OK. Ðã thấy các trang đó. Để anh đọc. Rồi ta sẽ chuyện sau. >
<Tôi có thêm cái này.>
<Thêm cái gì?>
<Tôi lập một nhóm Yahoo khác tên là [Các Hiệp sĩ].>

Blomkvist mỉm cười.

<Các Hiệp sĩ của Ðạo phái Ngu.>
<Mật khẩu yacaraca12. Bốn thành viên. Anh, tôi, Dịch Bệnh và Bộ Ba. >
<Bốn bồ hoạt động đêm bí mật của em.>
<Ðược bảo vệ. >
<OK>
<Dịch Bệnh đã sao thông tin ở máy tính của công tố viên Ekstrom. Bọn tôi đã chui vào đó từ tháng Tư. Nếu tôi bị mất máy Palm, anh ấy sẽ duy trì thông tin cho anh.>
<Tốt. Cảm ơn.>

Blomkvist vào ICQ và tới nhóm Yahoo [Các Hiệp Sĩ] mới lập. Anh chỉ tìm thấy một đường dẫn từ Dịch Bệnh đến một URL vô danh chỉ gồm toàn con số. Anh sao địa chỉ vào Explorer, bấm phím quay về và truy cập vào một web ở đâu đó trên Internet, chứa ổ cứng của Ekstrom gồm những mười sáu gigabytes.
Rõ ràng là Dịch Bệnh đã đơn giản hóa phần việc của mình bằng cách sao chép toàn bộ ổ cứng của Ekstrom, và Blomkvist phải mất hơn một giờ để đảo qua các dữ liệu và chọn những nội dung cần tải xuống. Anh bỏ qua các file hệ thống, phần mềm và các file dài miên man vô tận chứa các cuộc điều tra sơ bộ xem vẻ như ngoi ngược lên cả vài năm trước nữa. Anh tải xuống bốn thư mục. Ba trong đó có tên [Đtra sbộ/ Salander], [Linh tinh/ Salander] và [Đtra sbộ/ Niedermann]. Cái thứ tư là bản sao thư mục thư điện tử của Ekstrom, được lập lúc 2 giờ chiều ngày hôm trước.
- Cảm ơn Dịch Bệnh, - Blomkvist nói một mình.
Anh đọc ba giờ hết cuộc điều tra sơ bộ của Ekstrom và chiến lược cho phiên tòa. Phần lớn tài liệu điều tra nói đến trạng thái tâm thần của Salander và điều này thì không lạ. Muốn có một cuộc xét nghiệm tổng thể về tâm thần, Ekstrom đã gửi đi nhiều thư với mục đích chuyển cô gái đến nhà từ Kronoberg, coi đó là một vấn đề khẩn.
Blomkvist có thể nói rằng cuộc tìm kiếm Niedermann của Ekstrom đang giẫm chân tại chỗ. Bublanski chỉ huy cuộc điều tra này. Ông đã thu thập có kết quả một số bằng chứng pháp y gắn Niedermann vào các vụ giết Svensson, Johansson và Bjurman. Ba cuộc phỏng vấn dài của Blomkvist hồi tháng Tư đã cho họ đầu mối dẫn tới bằng chứng này. Nếu Niedermann không bị bắt thì Blomkvist sẽ phải là một nhân chứng cho cuộc xét xử. Cuối cùng ADN từ mồ hôi và hai sợi tóc ở căn hộ của Bjurman đã trùng khớp với mồ hôi và tóc ở căn buồng của Niedermann tại Gosseberga. Cũng đã tìm thấy nhiều ADN này ở xác Goransson ở Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo.
Nhưng mặt khác, Ekstrom lại có ít ghi chép đến mức ngạc nhiên về Zalachenko.
Blomkvist châm thuốc lá, đứng bên cửa sổ nhìn tít ra tới phía Djurgarden.
Ekstrom đang chỉ đạo hai cuộc điều tra sơ bộ riêng rẽ. Thanh tra hình sự Faste cầm đầu cuộc điều tra mọi vấn đề liên quan đến Salander. Bublanski chỉ làm về Niedermann mà thôi.
Khi cuộc điều tra sơ bộ xới lên tên của Zalachenko thì điều logic mà Ekstrom phải làm là tiếp xúc với Tổng giám đốc của Cảnh sát An ninh để xác định xem Zalachenko thực sự là ai. Nhưng Blomkvist không tìm thấy trong thư điện tử, nhật ký hay ghi chép của Ekstrom một yêu cầu nào như thế. Mà trong các ghi chép, Blomkvist lại tìm thấy vài ba câu khó hiểu.
Cuộc điều tra về Salander là giả mạo. Bản gốc của Bjorck không khớp với bản của Blomkvist. Xếp hạng Tối Mật.
Rồi một loạt những ghi chép nói Salander “bị hoang tưởng và tâm thần phân liệt”.
Nhốt Salander lại năm 1991 là đúng.
Trong những thứ viết vớ vẩn về Salander, tức là thông tin bổ sung mà công tố viên coi là không thỏa đáng cho cuộc điều tra sơ bộ, do đó sẽ không được đưa ra trình bày ở tòa hay trở thành một phần của loạt bằng chứng lên án cô gái, anh đã tìm thấy điều gắn nối các cuộc điều tra lại với nhau. Thông tin bổ sung này gồm gần như mọi điều liên quan đến lý lịch của Zalachenko.
Cuộc điều tra hoàn toàn là không thỏa đang.
Blomkvist nghĩ nếu đây là sự trùng hợp thì nó đã tình cờ đến mức nào và được làm giả đến đâu. Ranh giới ở chỗ nào? và Ekstrom có biết là có một ranh giới hay không?
Liệu một ai đó có thể đã cố ý cung cấp cho Ekstrom thông tin đáng tin cậy nhưng lại chỉ sai sang hướng khác được không?
Cuối cùng Blomkvist vào hotmail, bỏ mười phút tìm tài khoản của hơn nửa tá các thư điện tử vô danh anh đặt ra. Ngày nào anh cũng kiểm tra cái địa chỉ hộp thư anh đã cho thanh tra hình sự Modig. Anh không mấy hy vọng chị sẽ liên hệ với anh cho nên anh hơi ngạc nhiên khi mở hộp thư, thấy một thư điện của <ressallakap9thangtu@hotmail.com>. Thư chỉ vỏn vẹn:

Cà phê Madeleine, tầng trên, 11 giờ sáng thứ Bảy.
-----
* * *
Dịch Bệnh gọi Salander lúc nửa đêm, cắt ngang câu cô đang viết dở về thời gian cô tiếp xúc với Holger Palmgren, người giám hộ cô. Cô cáu kỉnh liếc về màn hình.

<Muốn gì đây?>
<Chào Vò Vẽ, nghe thấy cô là thấy vui. >
<Thôi thôi đi. Chuyện gì thế?>
<Teleborian. >

Cô ngồi dậy ở trên giường, háo hức nhìn vào màn hình của chiếc Palm.

<Mau nói đi.>
<Bộ Ba tìm nhanh kỷ lục đấy nha.>
<Sao cơ?>
<Lão bác sĩ điên không chỉ ở có một nơi. Lão đi lại giữa Uppsala và Stockholm miết nên chúng ta không thể tiếp cận kẻ thù được.>
<Tôi biết. Làm sao nào?>
< Nhưng một tuần hai lần, lão chơi tennis khoảng hai giờ. Máy tính hắn để trong xe đỗ trong ga ra.>
<A... >
<Bộ Ba dễ dàng vô hiệu hóa hệ báo động trên xe để lấy chiếc máy tính. Cậu ấy mất 30 phút để sao hết mọi cái qua Firewire rồi cài Chết Ngạt. >
<Ở đâu?>

Dịch Bệnh cho cô URL của máy chủ, nơi anh lưu ổ cứng của Teleborian.

<Dẫn lời của Bộ Ba... thì cái này là một cục cứt nát.>
<?>
<Cứ xem khắc biết.>

Salander thôi nối máy với Dịch Bệnh, truy cập vào máy chủ mà anh vừa chỉ cho cô. Suốt trong ba giờ cô tỉ mỉ xem hết thư mục này sang thư mục khác trên máy tính của Teleborian.
Cô tìm thấy thư từ giữa Teleborian và một người có một địa chỉ hotmail đã từng gửi đi những thư điện tử được mã hóa. Vì đã vào được khóa bảo mật PGP của Teleborian nên cô dễ dàng giải mã được các bức thư. Tên người kia là Jonas, không có họ. Jonas và Teleborian có một sở thích không lành mạnh là thấy Salander bị lụn bại.
Phải,... chúng ta có thể chứng minh rằng có một âm mưu.
Nhưng điều thực sự làm Salander thấy thú vị là bốn mươi bảy thư mục chứa gần chín nghìn bức ảnh rõ rành rành về dâm ô trẻ con. Cô bấm chuột vào từng bức ảnh về các đứa trẻ vào quãng tuổi mười lăm hay bé hơn. Một số bức là của trẻ con bảy, tám tuổi. Phần lớn là ảnh con gái. Nhiều bức ảnh trong đó chụp cảnh bạo dâm.
Cô tìm thấy đường dẫn tới ít nhất hơn mười người ở nước ngoài trao đổi với nhau chuyện dâm ô trẻ con.
Salander cắn môi nhưng ngoài thế ra, không để lộ một cảm xúc nào trên mặt.
Cô nhớ lại hồi mười hai tuổi, những tối cô bị trói ghì xuống trong một căn phòng vờ làm như tự do ở bệnh viện Thánh Stefan. Teleborian luôn luôn ra vào căn phòng để nhìn cô trong ánh sáng chói lọi của ngọn đèn đêm.
Cô đã biết. Hắn không chạm vào người cô nhưng cô biết cả.
Lẽ ra cô đã xử lý Teleborian nhiều năm trước đây. Nhưng cô đã đè dẹp ký ức về hắn xuống. Cô chọn cách không biết đến sự tồn tại của hắn.
Lát sau cô gọi Blomkvist trên ICQ.
* * *
Blomkvist ở cả đêm tại căn hộ của Salander ở Fiskargatan. Mãi đến 6 rưỡi sáng anh mới đóng máy tính, ngủ thiếp đi với các bức ảnh dâm ô trẻ con bỉ ổi còn quay cuồng ở trong đầu. 10 giờ 15 anh dậy, lăn ra khỏi giường của Salander, gọi taxi đưa anh đến bên ngoài nhà hát Sodra. 10 giờ 55 anh ra tới Birger Jarlsgatan rồi đi bộ tới Cà phê Madeleine.
Modig đang chờ anh, một tách cà phê đen ở trước mặt.
- Chào, - Blomkvist nói.
- Ðến đây là tôi rất liều lĩnh, - chị nói, không chào hỏi.
- Tôi sẽ không nói với ai về cuộc gặp giữa chúng ta.
Chị có vẻ căng thẳng.
- Một đồng nghiệp của tôi vừa đi gặp cựu Thủ tướng Falldin. Ông ấy tự ý đi và đi để làm gì thì hiện cũng chưa rõ.
- Tôi hiểu.
- Tôi cần anh bảo đảm giấu tên cả hai chúng tôi.
- Tôi còn không biết cả người đồng nghiệp mà chị nói nữa kia mà.
- Tôi sẽ bảo anh sau. Tôi muốn anh hứa bảo vệ ông ấy như một nguồn tin.
- Tôi hứa với chị.
Chị xem đồng hồ.
- Chị có vội không?
- Có. Mười phút nữa tôi phải gặp chồng tôi và các con ở Sturegalleria. Anh ấy nghĩ tôi còn đang làm việc.
- Bublanski không biết chút nào về chuyện này sao?
- Không.
- Ðược. Là các nguồn tin nên chị và đồng nghiệp của chị, hai người sẽ được bảo vệ hoàn toàn như đối với nguồn tin. Cả hai. Chừng nào cả hai vẫn còn sống.
- Ðồng nghiệp của tôi là Jerker Holmberg. Anh đã gặp ông ấy ở Goteborg. Bố ông ấy là đảng viên Ðảng Trung dung và khi còn bé Jerker đã biết cựu Thủ tướng. Thủ tướng có vẻ khá dễ gần. Nên Jerker đã đi gặp ông ấy và hỏi về Zalachenko.
Tim Blomkvist bắt đầu đập thình thịch.
- Jerker hỏi ông ấy biết gì về vụ Zalachenko bỏ chạy sang Thụy Ðiển nhưng Falldin không trả lời. Khi Holmberg bảo rằng chúng tôi nghĩ Salander đã bị những người che chở cho Zalachenko bắt nhốt lại thì, đúng, ông ấy đã bị choáng thực sự.
- Ông ấy có ít nhiều nói gì không?
- Falldin bảo ngay sau khi ông làm Thủ tướng thì người phụ trách Sapo lúc ấy và một đồng nghiệp đến thăm ông rất sớm. Họ nói với ông ấy một câu chuyện lạ lùng về một người Nga đào thoát đến Thụy Điển, bảo ông rằng hắn là bí mật quân sự nhạy cảm nhất mà tình báo quân đội Thụy Ðiển có được... rằng trong tình báo quân đội Thụy Ðiển không đâu lại có được một điều nào quan trọng gần bằng thế. Falldin nói ông không biết xử lý chuyện này như thế nào, rằng trong Chính phủ không ai có nhiều kinh nghiệm, Đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền đã hơn bốn chục năm nay. Ông được cố vấn rằng bản thân ông cần phải có quyết định và Sapo sẽ phủi sạch trách nhiệm nếu ông đem chuyện này bàn với các đồng nghiệp trong Chính phủ. Ông ấy nhớ lại thì toàn bộ câu chuyện là rất khó chịu.
- Ông ấy đã làm gì?
- Ông ấy hiểu rằng không còn có thể lựa chọn gì khác ngoài việc phải làm cái điều những người của Sapo đề nghị. Ông ấy cho ra một chỉ thị trao cho một mình Sapo phụ trách kẻ đào thoát. Ông ấy bảo đảm không bàn chuyện này với bất cứ ai. Cả đến cái tên Zalachenko người ta cũng chả cho ông ấy biết nữa.
- Kỳ dị thật.
- Sau đó trong cả hai nhiệm kỳ Thủ tướng ông ấy gần như không nghe thấy nói gì thêm nữa. Nhưng ông ấy đã làm một việc hết sức khôn ngoan. Ông ấy khăng khăng đòi phải để cho một Phó Quốc vụ khanh biết bí mật này, phòng khi có nhu cầu tiếp xúc qua lại giữa Văn phòng Chính phủ và những người đang bảo vệ Zalachenko.
- Ông ấy có nhớ ra là ai không?
- Là Bertil K. Janeryd, hiện làm Ðại sứ ở Hà Lan. Khi được biết rõ cuộc điều tra sơ bộ này quan trọng ra sao thì Falldin đã ngồi xuống viết cho Janeryd.
Modig đẩy một phong bì sang.

Bertil thân mến,
Bí mật mà cả hai chúng ta bảo vệ trong thời gian tôi cầm quyền hiện đang là đề tài của một số vấn đề rất nghiêm trọng. Người được nhắc đến trong chuyện này nay đã chết, không còn có thể quấy rối nữa. Nhưng những người khác thì vẫn có thể.
Việc quan trọng nhất hiện nay là làm rõ một số câu hỏi đang cần được trả lời.
Người cầm thư này không chính thức làm việc và được tôi tin cậy. Tôi khẩn cầu ông nghe ông ta nói chuyện và trả lời cho ông ta.
Ông hãy sử dụng óc phán xét nổi tiếng tài tình của ông.
T. F.

- Thư này nhắc đến Holmberg à?
- Không. Jerker yêu cầu không đề tên ai cả. Ông ấy nói ông ấy không biết rồi ai sẽ đi Hà Lan.
- Chị định nói...
- Jerker và tôi đã bàn chỗ này. Hiện chúng tôi đứng trên mặt băng đang tan cho nên cần đến bơi chèo hơn là thuốn sắt. Chúng tôi không có quyền lực gì để tới Hà Lan phỏng vấn Ðại sứ ở đó. Nhưng anh thì có thể đi được.
Blomkvist gập bức thư lại sắp đút túi thì Modig nắm lấy tay anh. Nắm tay chị rắn chắc.
- Tin đổi lấy tin, - chị nói. - Chúng tôi muốn nghe mọi điều mà Janeryd nói với anh.
Blomkvist gật. Modig đứng lên.
- Khoan đã. Chị nói hai người của Sapo đã đến gặp Falldin. Một là người phụ trách Sapo. Người kia là ai?
- Falldin chỉ gặp có một lần, không nhớ được tên nữa. Không có ghi chép gì về cuộc gặp này. Ông ấy nhớ đó là một người có vẻ gầy và để ria con kiến. Nhưng ông ấy nhớ người ấy được giới thiệu là phụ trách Bộ phận Phân tích đặc biệt hay đại khái cái gì như thế. Sau đó Falldin xem sơ đồ tổ chức của Sapo thì không tìm ra thấy bộ phận này.
Câu lạc bộ Zalachenko, Blomkvist nghĩ.
Modig có vẻ cân nhắc lời lẽ.
- Chuyện này nguy hiểm đến tính mạng đấy, - cuối cùng chị nói. - Có một ghi chép mà cả Falldin lẫn hai vị khách của ông ấy đều không nghĩ đến.
- Là gì vậy?
- Sổ đăng ký tên khách đến của Falldin ở Rosenbad. Jerker đã tìm ra nó. Ðó là một tài liệu công khai.
- Và?
Modig lại ngập ngừng.
- Sổ đăng ký chỉ ghi Thủ tướng gặp thủ trưởng Sapo cùng với một đồng nghiệp để bàn công chuyện chung chung.
- Có ghi lại tên không?
- Có. E. Gullberg.
Blomkvist cảm thấy máu dồn lên đầu.
- Evert Gullberg, - anh nói.
* * *
Ở Cà phê Madeleine, gọi bằng số di động thứ hai, Blomkvist đặt vé bay đi Amsterdam. Máy bay cất cánh lúc 2 giờ 50 ở sân bay Arlanda. Anh đi bộ đến Dressman trên đường Kungsgatan mua sơmi và quần áo lót để thay rồi đi đến hiệu thuốc mua bàn chải răng và các đồ dùng vệ sinh khác. Anh kiểm tra cẩn thận xem có bị bám đuôi không rồi vội vã bắt chuyến bay nhanh Arlanda Express.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Schiphol lúc 4 giờ 50 phút. 6 giờ rưỡi anh ghi tên trọ ở một khách sạn nhỏ cách Ga Trung tâm của The Hague chừng mười lăm phút đi bộ.
Anh mất hai giờ cố tìm địa chỉ Ðại sứ Thụy Ðiển và vào quãng 9 giờ thì liên hệ được bằng điện thoại. Anh đem hết tài thuyết phục ra giải thích rằng anh ở đây là vì một chuyện hết sức khẩn cấp. Cuối cùng Ðại sứ dịu dần, bằng lòng gặp anh lúc 10 giờ sáng Chủ nhật.
Rồi Blomkvist ra ngoài, ăn bữa tối nhẹ nhàng tại một nhà hàng gần khách sạn. Anh đi ngủ lúc khoảng 11 giờ.
* * *
Ðại sử Janeryd không hứng thú với chuyện lắt nhắt lúc ông mời Blomkvist cà phê tại dinh thự của ông trên đường Lange Voorhout.
- Nào, chuyện gì mà khẩn cấp thế chứ?
- Alexander Zalachenko. Người Nga trốn chạy đến Thụy Điển năm 1976, - Blomkvist nói, đưa thư của Falldin ra.
Janeryd nom vẻ ngạc nhiên. Ông đọc bức thư rồi để xuống bàn cạnh ông.
Blomkvist nói rõ bối cảnh và lý do vì sao Falldin lại viết cho Ðại sứ.
- Tôi... tôi không thể nói về chuyện này, - cuối cùng ông nói.
- Tôi nghĩ ông có thể đấy.
- Không, tôi chỉ có thể nói với Ủy ban Hiến pháp mà thôi.
- Rất nhiều phần là ông sẽ phải nói. Bức thư bảo ông hãy dùng hết tài phán xét giỏi giang của ông.
- Falldin là một người lương thiện.
- Tôi tin như vậy. Còn tôi thì không có kiếm chuyện hại ông và ông Falldin. Tôi cũng không yêu cầu ông nói ra bí mật quân sự nào đã được Zalachenko tiết lộ.
- Tôi không biết một bí mật nào cả. Tôi cũng không biết tên hắn là Zalachenko nữa cơ. Tôi chỉ biết bí danh của hắn. Người ta biết hắn là Ruben. Nhưng cho rằng tôi sẽ đem chuyện đó ra bàn với một nhà báo thì ông đúng là ẩm ương đấy.
- Tại sao ông lại nên nói, đây tôi xin đưa ra một lý do rất hay về điều này. - Blomkvist ngồi thẳng lên ghế nói. - Các báo họ sắp đăng hết chuyện này lên cả rồi. Khi báo đăng thì giới truyền thông sẽ xé ông tơi tả ra thành nghìn mảnh hoặc miêu tả ông là một viên chức trung thành đã cứu vãn được hay nhất cho một hoàn cảnh đang bế tắc. Ông là người được Falldin chỉ định làm trung gian với những người bảo vệ Zalachenko lúc ấy. Tôi biết việc đó.
Janeryd im lặng chừng một phút.
- Nghe đây, tôi không có thông tin nào, cũng không biết một chút nào về cái bối cảnh mà ông nói kia. Lúc bấy giờ tôi còn khá trẻ... Tôi không biết phải xoay xở với những người đó như thế nào. Mỗi năm, trong thời gian tôi làm việc cho Chính phủ, tôi gặp họ khoảng hai lần. Tôi được biết rằng Ruben... Zalachenko của ông, còn sống và mạnh khỏe, rằng hắn đang hợp tác, rằng thông tin hắn cung cấp là vô giá. Tôi không hề được báo cáo về các chi tiết. Tôi cũng không có “nhu cầu cần biết”.
Blomkvist chờ.
- Tên đào thoát hoạt động ở các nước khác và không biết gì về Thụy Ðiển cả cho nên hắn không bao giờ là nhân tố quan trọng trong chính sách an ninh. Tôi có báo cáo với Thủ tướng trong vài ba dịp nhưng cũng không có gì nhiều nhặn lắm để mà báo cáo.
- Tôi hiểu.
- Họ luôn nói họ nắm được hắn theo cách thức quen thuộc và xử lý các thông tin hắn cung cấp qua các kênh thích đáng. Tôi còn nói được gì cơ chứ? Nếu tôi hỏi cái đó có ý nghĩa gì thì họ lại mỉm cười bảo rằng chuyện đó ở ngoài quyền hạn tôi được phép biết về an ninh. Tôi cảm thấy mình như đồ ngu xuẩn.
- Ông không bao giờ xét đến khả năng có cái gì đó sai trái trong kiểu cách bố trí hay sao?
- Không. Không có gì sai trái về bố trí. Tôi thấy là dĩ nhiên Sapo phải biết việc họ làm cũng như họ có nề nếp thích ứng và kinh nghiệm. Nhưng tôi không thể nói đến chuyện đó.
Tới đó Janeryd phải nói thêm về vấn đề này trong vài phút.
- OK... nhưng tất cả những điều đó đều ở ngoài rìa của vấn đề rồi. Hiện chỉ có một chuyện quan trọng.
- Chuyện gì?
- Tên của những cá nhân ông đã từng gặp.
Janeryd lúng túng nhìn Blomkvist.
- Những người trông Coi Zalachenko đã vượt quá quyền bạn. Họ đã có những hành động phạm tội nghiêm trọng và họ sẽ là đối tượng của một cuộc điều tra sơ hộ. Vì thế Falldin mới bảo tôi đến gặp ông. Ông ấy không biết họ là ai. Ông thì đã gặp họ.
Janeryd chớp chớp mắt và mím môi lại.
- Một người là Evert Gullberg... hắn là chóp bu.
Janeryd gật.
- Ông gặp hắn bao nhiêu lần?
- Lần họp nào cũng có hắn, trừ một lần. Thời Falldin làm Thủ tướng có chừng khoảng mười lần họp.
- Các ông gặp nhau ở đâu?
- Ở gian sảnh một khách sạn nào đó. Thường là Sheraton. Một lần ở Amaranth đường Kungsholmen và vài lần ở quán rượu Continental.
- Còn ai khác ở các cuộc gặp?
- Đã lâu rồi,... tôi không nhớ.
- Cố xem.
Có một... Clinton. Giống như tên Tổng thống Mỹ ấy.
- Tên gọi?
- Fredrik. Tôi thấy ông ta bốn, năm lần.
- Những người khác?
- Hans von Rottinger. Tôi biết ông ta qua mẹ tôi.
- Mẹ ông?
- Vâng, mẹ tôi biết gia đình Rottinger. Hans von Rottinger luôn là một người bạn gần gũi vui vẻ. Chỉ tới khi ông ấy thình lình xuất hiện ở một cuộc họp thì tôi mới biết là ông ấy làm việc cho Sapo.
- Không phải cho Sapo đâu, - Blomkvist nói.
Janeryd tái mặt lại.
- Ông ấy làm cho một cái gì đó gọi là Bộ phận Phân tích đặc biệt, - Blomkvist nói. - Người ta nói với ông như thế nào về cái nhóm ấy?
- Không gì cả. Ý tôi là, họ chỉ là những người trông nom tên đào thoát.
- Đúng. Nhưng trong sơ đồ tổ chức của Sapo mà không thấy chỗ họ ở đâu cả thì có lạ lùng không?
- Thế thì là lố bịch.
- Lố bịch, đúng không? Vậy họ bố trí các cuộc họp như thế nào? Họ gọi ông hay ông gọi họ?
- Chả ai gọi ai. Lần họp trước đã định sẵn luôn địa điểm và thời gian cho lần họp sau.
- Nếu ông muốn tiếp xúc với họ thì làm thế nào? Thí dụ để thay đổi giờ họp hay một cái gì đại khái thế?
- Tôi có một số điện thoại.
- Như thế nào?
- Tôi không còn nhớ nổi.
- Khi ông gọi số ấy thì ai trả lời?
- Tôi không biết. Tôi chưa gọi bao giờ.
- Câu hỏi nữa. Mọi cái rồi ông trao cho ai?
- Ý ông là gì?
- Khi Falldin hết nhiệm kỳ, ai thay vào chỗ ông?
- Tôi không biết.
- Ông có viết báo cáo không?
- Không. Mọi việc đã được xếp hạng bí mật. Tôi không được cả ghi chép nữa cơ mà.
- Và ông cũng không hội ý bàn giao với người làm tiếp theo ông?
- Không.
- Thế rồi chuyện gì xảy ra?
- À... Falldin rời nhiệm sở thì Ola Ullsten đến. Tôi được thông báo là chúng tôi phải chờ bầu cử xong. Rồi Falldin được bầu lại, chúng tôi lại bắt đầu họp như trước. Rồi đến cuộc bầu cử năm 1985. Đảng Xã hội Dân chủ thắng, tôi cho là Palme đã chỉ định ai đó tiếp quản thay tôi. Tôi được chuyển sang Bộ Ngoại giao và thành nhà ngoại giao. Tôi đã làm việc ở Ai Cập rồi Ấn Ðộ.
Blomkvist hỏi tiếp một ít phút nữa nhưng anh chắc rằng anh đã lấy được hết những cái mà Janeryd có thể cho anh biết. Tên ba người.

Fredrik Clinton.
Hans Von Rottinger.
Và Evert Gullberg - người đã bắn chết Zalachenko.

Câu lạc bộ Zalachenko.
Anh cảm ơn Janeryd đã gặp anh rồi đi bộ một đoạn ngắn dọc Lange Voorhout đến khách sạn Ấn Độ, ở đây anh lên taxi đi đến Ga Trung tâm. Chỉ khi đã yên vị trên taxi anh mới cho tay vào túi áo jacket tắt máy ghi âm.
* * *
Berger ngước lên nhìn kỹ phòng làm việc trống vắng một nửa ở bên kia gian buồng kính của chị. Hôm nay Holm nghỉ. Chị không thấy ai tỏ ra, rõ rệt hay kín đáo, chú ý đến chị. Chị cũng chẳng có lý do nào nghĩ rằng một ai đó ở trong ban biên tập lại mong chị ốm đau.
Bức thư điện đến cách đây một phút. Người gửi là <toasoan@aftonbladet.com>. Sao lại là Aftonbladet? Ðịa chỉ này lại là giả nữa. Thư hôm nay không có một dòng chữ nào. Chỉ có một file ảnh, và chị mở Photoshop.
Là một bức ảnh dâm ô: một phụ nữ trần truồng, đôi vú to quá cỡ, một cổ dề chó quanh cổ. Cô ta chống trên hai tay hai chân và đang bị một con đực nhảy lên từ đằng sau.
Mặt người phụ nữ đã được thay bằng mặt của Berger. Cắt ghép không khéo nhưng đó chắc không thành vấn đề. Bức ảnh là lấy từ một bài báo cũ thời Millennium của chị và có thể đã được tải từ Internet xuống.
Ở bên dưới bức ảnh là một chữ, viết bằng chức năng phun xịt của Photoshop.
Con đĩ.
-----
Ðây là bức thư thứ chín chị nhận được có chữ Con đĩ, rõ ràng là do một ai đó ở một cơ quan truyền thông có tiếng ở Thụy Ðiển gửi đi. Chị đang mang bên mình một tên bám lén bằng máy tính.
* * *
Nghe trộm điện thoại còn khó hơn kiểm soát máy tính. Bộ Ba xác định ra đường cáp đến điện thoại nhà riêng của công tố viên Ekstrom mà không hề gặp trắc trở nào. Vấn đề là Ekstrom ít hay không bao giờ dùng điện thoại ở nhà gọi các việc liên quan đến công tác. Bộ Ba cũng chả tính đến chuyện thử cài bọ vào điện thoại công vụ của Ekstrom ở Sở Chỉ huy cảnh sát trên đường Lungsholmen. Việc này đòi phải thâm nhập sâu rộng vào cáp mạng của Thụy Ðiển mà anh thì không cần.
Nhưng Bộ Ba và Bob Chó đã dành gần hết cả tuần để nhận diện và tách di động của Ekstrom ra khỏi tiếng động nền của khoảng 200.000 điện thoại di động khác nằm ở trong vòng một cây số của Sở Chỉ huy cảnh sát. Hai người dùng một kỹ thuật gọi là Hệ Dò Tần số hiếm. Kỹ thuật này không phổ biến. Nó do NSA, Sở An ninh Quốc gia Mỹ phát triển và được cài đặt vào một số lượng bí mật các vệ tinh có chức năng kiểm soát chính xác các thủ đô trên khắp thế giới cũng như phát đi báo động về những mối quan tâm đặc biệt.
Có nguồn lực đồ sộ, NSA sử dụng một mạng lưới rộng khắp để bắt được cùng một lúc một số lượng lớn các cuộc chuyện trò bằng điện thoại di động ở một khu vực nào đó. Mỗi cuộc gọi cá nhân đều được tách riêng rồi cho máy tính xử lý bằng số hóa, máy tính này được lập trình để phản ứng lại với một số từ nào đó, chẳng hạn phần tử khủng bố hay Kalashnikov. Nếu một từ như thế hiện ra, máy tính liền tự động gửi lệnh báo động, và như vậy có nghĩa là một số nhân viên tác chiến sẽ mở máy và nghe ngóng câu chuyện để quyết định xem nó có đáng chú ý hay không.
Nhận diện một điện thoại di động đặc thù là một vấn đề phức tạp hơn. Mỗi di động đều có một chữ ký duy nhất của riêng nó - như một dấu vân tay - dưới dạng số điện thoại. Với trang bị cực kỳ nhạy cảm, NSA có thể tập trung chú ý vào một vùng đặc biệt để tách riêng rẽ các cuộc gọi của di động và kiểm soát. Kỹ thuật này đơn giản nhưng không phải là hiệu nghiệm cả trăm phần trăm. Các cuộc gọi đi rất khó nhận diện. Các cuộc gọi đến đơn giản hơn vì dấu vân tay cho phép chiếc điện thoại tiếp nhận tín hiệu.
Chỗ khác nhau giữa Bộ Ba và NSA về phép nghe trộm có thể tính toán được từ góc độ kinh tế. NSA có một ngân sách hàng năm vài tỉ đôla Mỹ, với gần mười hai nghìn nhân viên biên chế và được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất trong công nghệ thông tin và viễn thông. Bộ Ba thì có mỗi một chiếc xe van với ba chục kílô thiết bị điện tử, phần lớn là đồ chế tạo tại gia mà Bob Chó dựng lắp lên. Qua việc kiểm soát vệ tinh toàn cầu, NSA có thể cài ăng ten cực nhạy vào tận giữa nhà của một tòa chung cư đặc biệt ở bất cứ đâu trên thế giới. Bộ Ba có một ăng ten do Bob Chó xây dựng, với một dải tần hoạt động trong chừng năm trăm mét.
Xâm nhập được bằng cái công nghệ tương đối hạn chế này ngụ ý rằng Bộ Ba phải cho xe đỗ ở đường Bergsgatan hay trong một con phố lân cận rồi chật vật với đống thiết bị cho tới khi nhận diện ra “dấu vân tay” đặc trưng cho số máy di động của Ekstrom. Do không biết tiếng Thụy Điển, anh phải cho câu chuyện quá giang tới Dịch Bệnh qua một di động khác, Dịch Bệnh ở nhà mới thực sự là kẻ ngồi nghe trộm.
Trong năm ngày Dịch Bệnh, nom càng sâu hõm mắt lại, đã uổng công nghe một số lượng lớn các lượt gọi tới gọi đi từ Sở Chỉ huy cảnh sát và các tòa nhà quanh quẩn đó. Anh đã nghe các mẩu điều tra đang tiến hành, phát hiện các cuộc hẹn hò đã lên kế hoạch của những kẻ yêu đương, và ghi hàng hàng giờ hàng giờ các chuyện trò chả có tí teo lý thú nào hết. Tối hôm thứ năm, lúc đã muộn, Bộ Ba gửi đến một tín hiệu mà một màn hình số nhận được ra ngay là số máy di động của Ekstrom. Dịch Bệnh tức thì chốt luôn ăng ten chảo vào tần số chính xác.
Công nghệ Hệ dò Tần số hiếm làm việc trước hết với các cuộc gọi đi của Ekstrom. Ăng ten chảo của Bộ Ba bám ngay lấy dấu vết số máy di động của Ekstrom khi nó vừa được phát vào không trung.
Vì Bộ Ba có thể ghi lại các lần gọi của Ekstrom nên anh cũng thu cả dấu vết tiếng nói mà Dịch Bệnh có thể xử lý được.
Dịch Bệnh lướt tìm tiếng nói đã số hóa của Ekstrom nhờ một chươngtrình gọi là Hệ Nhận hiểu Dấu vết tiếng nói, vì tiếng nói cũng có dấu vết như dấu vân tay vậy. Anh đặc thù hóa một chục từ hay dùng đến như “OK” hay “Salander”. Khi đã có năm thí dụ riêng biệt của một từ, anh bèn dựng biểu đồ liên quan đến thời lượng bỏ ra để nói cái từ đó, đến sắc thái nào của tiếng nói cũng như dải tần mà nó có, cái từ đó kết thúc cao hay thấp và chừng một chục chỉ dấu khác nữa. Kết quả là dựng nên một đồ họa. Bằng cách này Dịch Bệnh cũng có thể kiểm soát được các cuộc gọi đi từ máy của Ekstrom. Nhờ một trong một chục từ nói chung hay dùng đến, ăng ten chảo của Bộ Ba sẽ thường xuyên nghe được mỗi cuộc gọi có đường biểu diễn đặc trưng của Ekstrom. Kỹ thuật này không hoàn hảo nhưng anh đã kiểm soát và ghi âm lại được xấp xỉ một nửa các cuộc gọi mà Ekstrom dùng bằng máy di động của ông ở bất cứ đâu gần với Sở Chỉ huy cảnh sát.
Hệ thống có một chỗ yếu trông thấy. Một khi Ekstrom rời Sở chỉ huy cảnh sát thì không thể kiểm soát máy di động của ông nữa, trừ phi Bộ Ba biết ông đang ở đâu rồi cho xe của anh đỗ kề vào cạnh.
* * *
Ðược cấp trên cao nhất cho phép, Edklinth đã có thể dựng lên một bộ phận tác chiến chính thức. Ông nhặt lấy bốn đồng nghiệp, những tài năng trẻ hơn được chọn theo chủ ý và từng có kinh nghiệm ở lực lượng cảnh sát chính quy cũng như chỉ vừa mới được tuyển vào SIS xong. Hai người có quá khứ làm việc ở Vụ Chống gian lận, một từng ở cảnh sát tài chính và một ở Vụ Trọng án. Họ được triệu tập đến văn phòng Edklinth, nghe trao nhiệm vụ cũng như yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối. Ông nói hẳn ra là cuộc điều tra này tiến hành theo lệnh đặc biệt của Thủ tướng. Thanh tra Figuerola được cử làm sếp của họ, cô lãnh đạo cuộc điều tra với một sức mạnh tương xứng với về ngoài của thân hình cô.
Nhưng cuộc điều tra diễn ra chậm. Phần lớn là vì không ai biết chắc hoàn toàn rằng đang điều tra ai và điều tra cái gì. Nhiều phen Edklinth và Figuerola đã tính chuyện gọi Martensson đến thẩm vấn nhưng lại quyết định hãy khoan. Bắt hắn sẽ rút dây động rừng, làm lộ ra là đang có cuộc điều tra.
Cuối cùng, ngày thứ Ba, mười một hôm sau cuộc họp với Thủ tướng, Figuerola đến văn phòng Edklinth.
- Tôi nghĩ là chúng ta có được một cái gì rồi đấy.
- Ngồi xuống đi.
- Evert Gullberg. Một trong các điều tra viên của chúng ta đã nói chuyện với Marcus Erlander, người lãnh đạo cuộc điều tra vụ giết Zalachenko. Theo Erlander, hai giờ sau vụ án mạng, SIS đã tiếp xúc ngay với cảnh sát Goteborg, cho họ thông tin về các bức thư đe dọa của Gullberg.
- Thế thì nhanh đấy nhỉ.
- Hơi bị nhanh. SIS đã fax đi chín bức thư mà người ta cho là Gullberg viết. Chỉ vướng có một vấn đề.
- Vấn đề gì?
- Hai trong các bức thư đã gửi đến Bộ Tư pháp - cho ông Bộ trưởng và cho Thứ trưởng.
- Tôi biết chuyện đó.
- Vâng, nhưng mãi đến hôm sau thư gửi cho ông Thứ trưởng mới tới văn phòng Bộ. Vậy là thư đến tay người nhận muộn hơn.
Edklinth nhìn chằm chằm Figuerola. Ông rất sợ là mối nghi ngờ của mình lại được minh chứng là có cơ sở. Figuerola vẫn tưng tửng nói tiếp.
- Vậy có chuyện là SIS gửi đi bản fax một thư đe đọa khi nó còn chưa tới được địa chỉ.
- Trời đất, - Edklinth nói.
- Một ai đó ở Bảo vệ Nhân thân đã fax các thư ấy đi.
- Ai?
- Tôi nghĩ người ấy không liên quan đến vụ này. Các thư từ đến bàn làm việc của ông ấy vào buổi sáng và ngay sau vụ án mạng ông ấy liền được lệnh liên hệ với cảnh sát Goteborg.
- Ai bảo ông ấy?
- Người trợ lý của ông Chánh văn phòng.
- Lạy Chúa, Monica. Cô có biết như thế nghĩa là gì không? Nghĩa là SIS dính líu vào vụ giết Zalachenko.
- Không nhất thiết. Nhưng nó nói lên dứt khoát rằng trước khi vụ án mạng xảy ra, một số cá nhân ở SIS đã biết. Còn lại có mỗi vấn đề là: ai đây?
- Ông Chánh Văn phòng...
- Vâng. Nhưng tôi bắt đầu ngờ rằng Câu lạc bộ Zalachenko này là ở bên ngoài cơ quan.
- Ý cô là sao?
- Martensson. Bị đưa ra khỏi Bảo vệ Nhân thân, hắn đã về làm việc cho riêng hắn. Tuần trước chúng ta đã theo dõi hắn suốt ngày đêm. Như có thể nói hắn không tiếp xúc với ai ở SIS. Hắn nhận được cuộc gọi từ một máy di động mà chúng ta không kiểm soát được. Chúng ta không biết số máy di động này, nhưng đấy không phải là số máy di động bình thường của hắn. Hắn đã gặp người tóc vàng nhưng chúng ta chưa nhận diện ra được.
Edklinth cau mày. Cùng lúc Anders Berglund gõ cửa. Anh là người ở trong nhóm mới, sĩ quan từng làm việc với cảnh sát tài chính.
- Tôi nghĩ chúng ta đã tìm ra Evert Gullberg, - Berglund nói.
- Vào đi, - Edklinth nói.
Berglund để một bức ảnh đen trắng bị quăn góc lên bàn. Edklinth và Figuerola nhìn bức ảnh, hai người nhận ra ngay người trong ảnh. Ông ta bị hai sĩ quan cảnh sát thường phục vai to bè bè dắt qua một khung cửa. Ðại tá Stig Wennerstrom, viên gián điệp hai mang đã thành truyền thuyết. [Đại tá Stig Wennerstrom của không quân Thụy Ðiển bị kết án phản bội năm 1964. Trong thập niên 50, ông bị nghi là để rò rỉ các kế hoạch phòng thủ cho Liên Xô và năm 1963 thì bị người hầu gái đã được Sapo tuyển dụng tố giác việc này. Mới đầu bị tuyên án tù chung thân, năm 1973, án này đã đổi thành hai mươi năm tù và ông chỉ chịu án có mười năm. Ông chết năm 2006. Chớ lẫn với Hans-Erik Wennerstrom, nhà tài phiệt gian giảo xuất hiện ở Cô gái có hình xăm rồng và Cô gái đùa với lửa]
- Bức ảnh này là của Nhà xuất bản Ahlens & AkerIunds, đã được sử dụng trên tạp chí Se mùa xuân năm 1964. Bức ảnh chụp trong phiên tòa xét xử. Đằng sau Wennerstrom, các vị có thể nhìn thấy ba người. Bên phải là thám tử sĩ quan cảnh sát cao cấp Otto Danielsson, người đã bắt ông ta.
- Vâng...
- Hãy nhìn người ở đằng sau, bên trái Danielsson.
Họ thấy một người cao lớn đội mũ phớt và để ria mép. Edklinth thấy ông ta nom nhang nhác nhà văn Dashiell Hammett. [Dashiell Hammett (1894 - 1961): nhà văn Mỹ, chuyên viết tiểu thuyết hình sự].
- So mặt ông ta với tấm ảnh hộ chiếu của Gullberg mà xem, cái này chụp lúc Gullberg sáu mươi sáu tuổi.
Edklinth cau mày.
- Có lẽ tôi không dám thề rằng hai ảnh này là của một người...
- Mà là một đấy, - Berglund nói. - Lật bức ảnh lại đi.
Mặt sau có một con dấu nói bức ảnh là của Nhà xuất bản Ahlens & Akerlunds và tên người chụp là Julius Estholm. Có mấy câu viết bằng bút chì. Stig Wennerstrom bị hai sĩ quan cảnh sát điệu đi vào tòa án quận Stockholm. Ở đằng sau là C. Danielsson, E. Gullberg và H.W. Francke.
- Evert Gullberg, - Figuerola nói. - Hắn ở SIS.
- Không, - Berglund nói. - Về kỹ thuật thì không. Ít nhất là vào lúc chụp bức ảnh này.
- Ô?
- Phải bốn tháng sau mới thành lập SIS. Lúc chụp ở đây hắn vẫn còn làm việc cho cảnh sát bí mật của nhà nước.
- H.W. Francke là ai? - Figuerola nói.
- Hans Wilhelm Francke, - Edklinth nói. - Chết hồi đầu những năm 90 nhưng là Phó giám đốc cảnh sát bí mật của nhà nước hồi cuối những năm 50 và đầu 60. Ông ta là một chút xíu truyền thuyết đấy, y như Otto Danielsson. Tôi đã thực sự gặp ông ta hai ba lần.
- Thế thôi sao? - Figuerola nói.
- Cuối những năm 60, ông ấy thôi ở SIS. Francke và P.G. Vinge không bao giờ nhìn mặt nhau. Và ông ấy ít nhiều đã bị buộc phải về hưu ở tuổi năm mươi hay năm mươi lăm. Rồi ông ấy mở cửa hàng riêng.
- Cửa hàng của ông ấy?
- Ông ấy trở thành cố vấn an ninh cho công nghiệp. Ông ấy có văn phòng ở Stureplan nhưng thỉnh thoảng cũng có lên lớp ở các khóa huấn luyện của SIS.
- Vinge và Francke mâu thuẫn nhau về chuyện gì?
- Hai người rất khác nhau. Francke có chút nào cao bồi, nhìn đâu cũng thấy tình báo Xô viết KGB; còn Vinge là một người quan liêu kiểu cũ. Không lâu sau đó Vinge bị sa thải. Hơi buồn cười một chút là vì ông ấy nghĩ Thủ tướng Palme làm việc cho KGB.
Figuerola xem tấm ảnh của Gullberg và Francke đứng cạnh nhau.
- Tôi nghĩ đây là lúc chúng ta có một câu chuyện khác nữa để nói với công lý, - Edklinth bảo cô.
- Millennium ra hôm nay, - Figuerola nói.
Edklinth nhìn xoáy một cái vào cô.
- Không nói gì hết đến vụ Zalachenko, - Cô nói.
- Vậy cho tới số tạp chí sau, chúng ta còn một tháng. Thế thì tốt. Nhưng chúng ta phải làm việc với Blomkvist. Trong cái mớ rối tung này, anh ta cứ y như là một quả lựu đạn đã mở chốt vậy.
--------------
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét