Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 8)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 8

Chắc độc giả cũng đã đoán ra rằng người con gái của Tơrôiêkurốp mà chúng tôi mới chỉ nói qua có dăm câu, là nhân vật nữ trung tâm của câu chuyện này. Hồi ấy nàng được mười bảy tuổi và sắc đẹp của nàng đang thời kỳ nảy nở. Kirila Pêtơrôvích quý con như điên như dại, nhưng cũng đối xử với nàng tùy theo những lúc thay đổi tính khí đột ngột mà lão thường có: khi thì lão chỉ chực chiều theo tất cả những ý thích dù là nhỏ nhặt nhất của nàng, khi thì lại làm cho nàng phải khiếp sợ vì những cách đối xử thô bạo và đôi khi hung ác của lão.
Mặc dầu Kirila Pêtơrôvích biết rằng Masa rất kính yêu mình, lão vẫn chưa bao giờ làm cho con gái tin lão được cả. Nàng đã quen giấu giếm không cho cha biết những tình cảm, những ý nghĩ của nàng, vì không bao giờ có thể biết trước được thái độ của Kirila Pêtơrôvích đối với những tình cảm, ý nghĩ đó sẽ ra sao. Nàng không có bạn gái, và lớn lên trong cảnh cô đơn. Vợ con những người láng giềng rất ít khi đến nhà Kirila Pêtơrôvích, vì những câu chuyện và những trò giải trí thường ngày của lão thì chỉ bạn bè nam giới mới thưởng thức nổi, chứ đàn bà con gái thì không thể có mặt những lúc đó được. Ít khi cô thiếu nữ kiều diễm của chúng ta thân hành ra tiếp các tân khách đến tiệc tùng ở nhà Kirila Pêtơrôvích. Một tủ sách đồ sộ, phần lớn gồm có những tác phẩm của các nhà văn Pháp ở thế kỷ XVIII được dành riêng cho nàng. Cha nàng không bao giờ đọc sách, có chăng chỉ đọc cuốn “Chị đầu bếp tuyệt vời” [Có thể đó là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời của nhà văn Nga thế kỷ XVIII M.Tsunkốp “Chị đầu bếp tuyệt vời, hay Những cuộc phiêu lưu của người đàn bà trác táng”], cho nên không thể hướng dẫn nàng chọn sách đọc, và cố nhiên là sau khi giở qua đủ các thứ sách, Masa chú ý nhất đến tiểu thuyết. Việc dạy dỗ cho nàng là như vậy đó. Việc dạy dỗ này hồi trước do măm-den (tức mademoiselle - tiếng Pháp) Mimi đảm nhiệm. Người này được Kirila Pêtơrôvích rất mực tin cậy và đối xử rất tử tế. Được ít lâu thì Kirila Pêtơrôvích phải kín đáo cho măm-den đổi sang nơi ở khác, vì những hậu quả quá ư rõ rệt. Măm-den Mimi ra đi để lại một kỷ niệm khá dễ chịu. Cô ta là một người thiếu phụ tốt, và không bao giờ lạm dụng ảnh hưởng của mình trước Kirila Pêtơrôvích đối với những người phụ nữ mà lão vẫn thường thay đổi luôn luôn. Còn Kirila Pêtơrôvích hình như cũng yêu cô ta hơn hết thảy mọi cô khác, cho nên một đứa con trai lên chín nghịch ngợm, mắt đen láy, vẻ mặt nhắc nhở những nét đặc biệt miền nam của măm-den Mimi, được nuôi nấng bên cạnh lão ta và được lão nhận làm con; trong khi đó thì một lũ trẻ đi chân không, giống Kirila Pêtơrôvích như hai giọt nước, chạy chơi ở dưới nhà và bị xem như đày tớ. Kirila Pêtơrôvích đã nhờ người bà con trên Mátxcơva thuê một ông thầy giáo người Pháp để về dạy cho thằng Xasa ấy, người gia sư này đến ấp Pôkrốpxcôiê trong khi xảy ra những chuyện mà chúng tôi kể dở.
Kirila Pêtơrôvích rất bằng lòng với vẻ mặt sáng sủa và dáng điệu hiền lành của anh ta. Người gia sư đưa trình Kirila Pêtơrôvích các tờ chứng chỉ văn bằng và một bức thư giới thiệu của người bà con của Tơrôiêkurốp ở Mátxcơva. Anh ta đã làm gia sư cho người ấy được bốn năm. Kirila Pêtơrôvích xem qua tất cả giấy tờ. Lão chỉ không bằng lòng một điều: là cái anh chàng người Pháp này trẻ quá. Không phải hễ mắc cái khuyết điểm không lấy gì làm đáng ghét này thì không có được đức tính kiên nhẫn và những kinh nghiệm cần thiết để làm nghề dạy trẻ, nhưng lão ta thấy có điều e ngại và quyết định nói ra cho người gia sư biết. Vì thế lão cho gọi Masa đến, (Kirila Pêtơrôvích không nói được tiếng Pháp, nên Masa phải làm thông ngôn cho lão).
- Masa, lại đây cha bảo! Con nói với cái me-xừ này là thôi được, cha nhận hắn vào ở đây, nhưng phải nhớ một điều là phải liệu cái thần xác đừng có léng phéng với bọn hầu gái nhà này, không thì ông cho cái đồ chó đẻ kia biết tay… Thôi dịch đi.
Masa đỏ mặt, và quay sang phía người gia sư, nàng nói bằng tiếng Pháp rằng cha nàng hy vọng ở thái độ khiêm tốn và hạnh kiểm đúng mực của thầy giáo.
Người Pháp nghiêng mình và trả lời rằng dù không được hưởng đại lượng của chủ nhân chăng nữa, anh ta cũng hy vọng sẽ xứng đáng được chủ nhân nể vì.
Masa dịch câu trả lời sát từng chữ một. 
- Được rồi, được rồi, - Kirila Pêtơrôvích nói, - hắn không cần đến đại lượng hoặc vì nể gì cả. Việc của hắn là chăm cho thằng Xasa và dạy ngữ pháp với địa dư cho nó, dịch cho hắn nghe đi con!
Trong khi dịch Maria Kirilốpna (tức Masa) cố làm dịu bớt những lời thô lỗ của cha, và Kirila Pêtơrôvích cho anh gia sư người Pháp đi về căn phòng dọn sẵn cho anh ở cuối dãy nhà ngang.
Masa không hề để ý đến người Pháp trẻ tuổi; được giáo dục theo những thành kiến quý tộc, nàng xem những người thầy giáo cũng như những người đày tớ hay thầy thợ, mà đày tớ hay thầy thợ thì không thể kể là đàn ông được. Nàng cũng không để ý đến cái ấn tượng mà nàng đã gây ra cho me-xừ Đêphoócgiơ, không nhận thấy vẻ bối rối và sự xúc động nó làm cho giọng nói của anh ta thay đổi đi. Luôn mấy ngày sau nàng cũng thường gặp anh ta, nhưng cũng vẫn không để ý gì hơn. Cho đến một hôm có một chuyện xảy ra làm cho quan niệm của nàng về người gia sư thay đổi hẳn.
Trong sân của Kirila Pêtơrôvích thường có nuôi mấy con gấu con. Những con gấu này là một trong những trò yêu thích nhất của chủ nhân ấp Pôkrốpxcôiê. Lúc còn bé gấu con hàng ngày được đưa vào phòng khách cho lão chơi. Kirila Pêtơrôvích ngồi đùa nghịch hàng giờ với chúng nó, bắt mèo, chó con đến, rồi thúc giục mấy con vật cắn nhau. Khi gấu lớn lên, người ta đem xích lại để đợi ngày thả ra làm mồi săn. Thỉnh thoảng người ta lại cho chúng ra ngoài sân phía trước cửa sổ của chủ nhân, và lăn ra trước mặt con gấu một thùng rượu rỗng, đóng đinh tua tủa, mũi đinh chĩa ra ngoài; con gấu đến ngửi ngửi cái thùng, đưa chân sờ; bị chích, con vật nổi xung lên xô vào thùng mạnh hơn, và lại càng đau thêm. Nó lồng lên như điên và gầm ghè xông vào cái thùng, cho đến khi người ta chịu mang cất cái đối tượng của sự căm thù vô bổ của nó đi. Cũng có khi người ta mang buộc hai con gấu vào một chiếc xe, bắt một vài người khách ngồi lên và cho gấu kéo xe chạy đi đâu thì chạy. Nhưng cái trò mà Kirila Pêtơrôvích cho là thú vị nhất là trò sau đây.
Người ta nhốt một con gấu đói vào một căn phòng. Con gấu bị xích vào một cái vòng sắt đóng ở lớp tường. Cái dây xích rất dài, cho nên chỉ có phần góc phòng ở bên kia là con gấu không chồm lên được. Người ta thường dẫn một người khách mới quen đến trước cửa phòng, bất thình lình đẩy họ vào phòng và đóng ập cửa lại. Thế là nạn nhân bị bỏ mặc một mình với tên tù lông lá. Người khách khốn khổ kia, áo quần rách mướp, da thịt xây xát, chẳng bao lâu tìm thấy cái góc an toàn, nhưng thường phải hàng hai ba giờ đồng hồ đứng nép sát vào góc tường mà nhìn con thú điên cuồng chỉ cách mình hai bước gầm thét, lồng lộn, đứng thẳng hai chân lên, cố giật đứt dây để vồ mình. 
Những trò giải trí sang trọng của một lãnh chúa Nga là như vậy đấy!
Người gia sư đến được mấy ngày thì Tơrôiêkurốp sực nhớ đến anh ta và quyết định đãi anh ta một buổi thăm phòng gấu. Một buổi sáng lão ta dẫn Đêphoócgiơ đi qua mấy dãy hành lang tối om. Đột nhiên một cánh cửa bên cạnh mở ra, hai người đày tớ đẩy người Pháp vào và khóa sập cửa lại. Trấn tĩnh lại, người gia sư thấy một con gấu bị xích, con thú gầm gừ tức tối và bắt đầu đánh hơi người khách của hắn, rồi bỗng nhiên đứng thẳng lên và chồm tới… Người Pháp không hoảng sợ, không bỏ chạy, cứ đứng yên đợi con gấu đến. Khi con gấu vừa đến sát, Đêphoócgiơ rút trong túi ra một khẩu súng tay nhỏ, đưa sát vào mang tai con thú và bóp cò. Con gấu ngã xuống. Mọi người ùa chạy lại. Người ta mở cửa ra. Kirila Pêtơrôvích bước vào, rất ngạc nhiên về cách kết thúc bất ngờ của trò đùa.
Kirila Pêtơrôvích nhất định tìm cho ra nguyên do của việc này - ai nói trước cho Đêphoócgiơ biết mà đề phòng, vì sao anh ta lại mang súng trong người. Lão cho đi gọi Masa. Masa chạy đến và dịch các câu hỏi của cha cho người Pháp nghe.
Đêphoócgiơ đáp:
- Tôi không hề biết trong phòng này có gấu, nhưng tôi vẫn thường mang súng trong mình, vì tôi không muốn để cho ai làm nhục. Mà thân phận hèn kém như tôi thì bị làm nhục không thể có cách gì khác để đòi hỏi bồi thường.
Masa kinh ngạc nhìn người gia sư và dịch cho Kirila Pêtơrôvích nghe câu trả lời đó. Kirila Pêtơrôvích không nói gì thêm. Lão sai mang con gấu ra và lột lấy da; ngay sau đó, quay lại phía người nhà, lão nói: “Anh chàng này cừ thật! Hắn không sợ. Trời! Thế mà hắn không sợ tí nào!”. 
Từ phút đó lão thấy mến Đêphoócgiơ và không nghĩ đến việc mang anh ta ra thử nữa.
Nhưng đối với tâm hồn Maria Kirilốpna thì câu chuyện đó đã gây nên một ấn tượng còn mạnh hơn. Trí tưởng tượng của nàng bị kích động: nàng hồi tưởng thấy lại con gấu nằm chết. Đêphoócgiơ điềm nhiên đứng trên xác gấu và bình tĩnh nói chuyện với nàng. Và nàng hiểu rằng lòng can đảm và lòng tự trọng không phải chỉ là của riêng gì một đẳng cấp. Từ đó nàng thấy mến phục người gia sư trẻ tuổi, và lòng mến phục đó ngày càng khiến nàng chú ý đến Đêphoócgiơ hơn. Họ bắt đầu làm quen với nhau. Masa có một giọng hát rất hay và có nhiều năng khiếu về âm nhạc, Đêphoócgiơ tình nguyện dạy nàng học đàn. Sau khi đã nói như vậy rồi thì độc giả cũng chẳng khó khăn gì mà không đoán được rằng Masa đã bắt đầu thấy yêu Đêphoócgiơ, mặc dù chưa thú nhận với mình như vậy.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét