Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 19)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 19   

Giữa một khu rừng rậm rạp, trên một khoảng đất hẹp cây mọc thưa thớt có dựng lên một cái đồn nhỏ bằng đất, có một cái lũy và một cái hào, phía sau có mấy mái nhà lá và mấy túp lều. 
Bên ngoài có một toán đông người mà cứ trông cách ăn mặc hỗn tạp và các thứ vũ khí họ mang cũng đủ đoán biết họ là những tay kẻ cướp. Họ để đầu trần và ngồi ăn uống quanh một cái chảo lớn. Trên lũy, gần khẩu súng thần công nhỏ có một người gác ngồi xếp chân bằng tròn; anh ta đang vá một cái áo, và cầm kim một cách khéo léo, tỏ rằng trước kia anh ta là một người thợ may có kinh nghiệm. Cứ chốc chốc anh ta lại nhìn ra khắp bốn phía.
Mặc dầu cái gáo rượu đã được họ chuyền tay mấy lượt, họ vẫn im lặng một cách khác thường. Ăn xong, họ lần lượt đứng dậy, rồi người thì đọc kinh cầu nguyện, người thì chui vào lều, người thì tản vào rừng hay lăn ra đánh một giấc, theo phong tục Nga.
Người ngồi gác đã vá xong. Anh ta giũ giũ cái áo, ngắm nghía chỗ vá, gài kim vào ống tay, ngồi cưỡi lên khẩu súng thần công và cất giọng oang oang hát một bài dân ca cổ buồn bã:
Hãy nín lặng hỡi rừng xanh yêu mến, 
Để cho ta, chàng tráng sĩ, trầm tư…
Vừa lúc đó, cánh cửa một túp nhà lá mở ra, và một bà già đội mũ vải trắng, ăn mặc sạch sẽ và có vẻ hơi cầu kỳ, hiện ra trong khung cửa, bà già giận dữ nói:
- Có im đi không, Xtêpan. Chủ thì nằm nghỉ mà anh thì cứ gào tướng lên, anh thật chẳng có lương tâm, chẳng có lòng thương người gì hết.
- Tôi xin lỗi, Êgôrốpna ạ, - Xtêpan đáp, - thôi chả hát nữa, chủ nhân cứ việc ngủ yên cho chóng khỏi.
U già đi vào và Xtêpan bắt đầu đi đi lại lại trên lũy.
Trong túp nhà lá có u già vừa đi ra lúc nãy, sau một tấm liếp, Đubrốpxki bị thương nằm trên một cái chõng. Trước mặt chàng, trên một cái bàn có đặt mấy khẩu súng tay, còn thanh kiếm của chàng treo trên đầu giường. Sàn và vách của túp nhà lá có trải những tấm thảm sang trọng và trong góc có một bộ dụng cụ trang điểm của phụ nữ bằng bạc, và một tấm gương. Đubrốpxki cầm một quyển sách mở, nhưng mắt chàng nhắm nghiền, và u già lúc ấy đang quan sát chàng qua tấm liếp, không thể biết là chàng đã ngủ hay chỉ là đang nghĩ ngợi liên miên.
Bỗng Đubrốpxki giật mình: trong đồn có hiệu lệnh báo động và Xtêpan chạy đến thò đầu vào cửa sổ. Anh ta thét:
- Cậu ơi! Vlađimia Anđrêêvích! Người của ta báo hiệu là có người đến đây.
Đubrốpxki nhảy xuống giường vơ lấy vũ khí và ra khỏi nhà. Những tay kẻ cướp đang ồn ào ở ngoài sân thấy chàng thì im bặt. 
Đubrốpxki hỏi:
- Tất cả có mặt ở đây chưa? 
- Thưa đủ cả đấy ạ, trừ mấy người canh bên ngoài. 
Đubrốpxki quát: 
- Về chỗ! 
Mọi người chạy về vị trí chiến đấu đã định. Vừa lúc ấy ba người gác chạy về cửa đồn. Đubrốpxki ra đón họ, chàng hỏi: 
- Việc gì thế? 
- Quân lính đã vào đến rừng, chúng ta bị vây rồi!
Đubrốpxki ra lệnh đóng chặt các cổng lại, và thân hành đến xem khẩu súng thần công. Trong rừng có tiếng người nói, ngày càng gần. Toán cướp im lặng chờ. Bỗng nhiên ba bốn người lính trong rừng đi ra, và lập tức lùi lại nổ súng để báo hiệu cho đồng đội. 
- Chuẩn bị chiến đấu! - Đubrốpxki hô lớn, và trong hàng ngũ quân cướp có tiếng lích kích một lúc, rồi tất cả lại im lặng.
Lúc đó, đã có tiếng quân lính tiến đến rầm rập, vũ khí đã lấp lánh sau rặng cây và chừng một trăm rưỡi bộ binh xông ra khỏi rừng, vừa hô xung phong vừa xông lên đánh đồn.
Đubrốpxki châm ngòi - phát súng thần công rất trúng đích, một tên lính bị mất đầu, hai tên khác bị thương. Trong hàng ngũ quân lính có vẻ nao núng, nhưng viên sĩ quan xông lên, quân lính ùa theo và chạy xuống hào, toán cướp dùng súng trường và súng tay bắn vào quân lính và lăm lăm cầm rìu để bảo vệ lũy, vì lúc đó những tên lính hăng máu đã bắt đầu trèo lên, để lại dưới hào hết hai mươi tên bị thương. Một trận giáp lá cà bắt đầu. Quân lính đã trèo được lên lũy, toán cướp bắt đầu lùi, nhưng vừa lúc ấy Đubrốpxki gí súng vào ngực viên sĩ quan và bóp cò. Hắn ngã nhào xuống. Mấy tên lính vội vàng xốc nách khiêng viên sĩ quan vào rừng, những tên khác thấy mất người chỉ huy, liền ngừng lại. Toán cướp phấn khởi quay lại đánh tới tấp và lùa họ xuống hố. Họ bỏ chạy, toán cướp reo hò đuổi theo. 
Trận thắng đã rõ. Đubrốpxki biết chắc rằng quân địch đã hoàn toàn bị thương, tăng cường canh phòng và cấm không ai được vắng mặt, Đubrốpxki và đồng đảng vào đồn đóng chặt cổng lại.
Các biến cố vừa rồi làm cho chính phủ phải chú ý đặc biệt đến những hành động táo bạo của đảng cướp. Người ta thu thập tài liệu về sào huyệt của Đubrốpxki. Một đại đội bộ binh được phái đến bắt sống hoặc giết chết Đubrốpxki cho kỳ được. Họ bắt được vài người trong toán cướp, và những người này cho biết rằng Đubrốpxki không ở với họ nữa.
Mấy ngày sau… (tiếp đó trong bản thảo có một đoạn bỏ trống), Đubrốpxki đã tập hợp tất cả đồng đảng lại, nói với họ rằng chàng có ý định vĩnh biệt họ và khuyên họ thay đổi cách sinh sống.
- Dưới sự chỉ huy của tôi, các anh đã trở nên giàu có. Mọi người đều đã có đủ giấy tờ tùy thân để có thể đến một nơi nào đó thật xa mà làm ăn lương thiện và sống phong lưu cho đến già. Nhưng mà các anh toàn là những tay đầu trộm đuôi cướp cả và có lẽ các anh cũng chẳng muốn bỏ cái nghề này.
Nói đoạn, Đubrốpxki từ biệt tất cả, chỉ đem theo một người là X. Không ai biết chàng đi đâu, lúc đầu người ta còn nghi ngờ những lời khai trên đây, vì ai cũng biết rằng tất cả toán cướp đều hết lòng quý mến chủ tướng của họ. Người ta cho rằng họ nói dối để cứu chủ tướng, nhưng những sự kiện về sau xác nhận là những điều họ nói đều đúng. Những cuộc đột nhập kinh khủng, những vụ đốt nhà và cướp của ngừng hẳn, các tuyến đường đều được yên tĩnh. 
Theo một vài nguồn tin khác thì Đubrốpxki đã trốn ra nước ngoài.

1833

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét