Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 13)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 13  

Một thời gian trôi qua. Không có gì quan trọng xảy ra cả. Nhưng vào khoảng đầu mùa hạ năm sau, có nhiều biến đổi lớn trong đời sống gia đình của Kirila Pêtơrôvích.
Cách nhà lão độ ba mươi véc-xta, có một khu điền trang lớn của công tước Vêrâyxki. Công tước lâu nay sống ở nước ngoài để lại ruộng đất, nhà cửa cho một viên thiếu tá về hưu quản lý, và giữa hai ấp Pôkrốpxcôiê và Ácbatôvô, không có liên hệ giao dịch gì cả.
Nhưng vào cuối tháng Năm công tước ở ngoại quốc về: từ bé đến lớn, công tước về quê lần này là lần đầu. Quen chơi bời ở nơi đô hội, Vêrâyxki không chịu được cảnh cô quạnh ở nhà, và về được ba bốn hôm thì công tước đến ăn tiệc ở nhà lão Tơrôiêkurốp mà công tước đã từng quen ngày trước. 
Năm ấy, công tước khoảng độ năm mươi tuổi, nhưng trông lão có vẻ già hơn. Những thói chơi bời quá độ đã làm cho sức khỏe của lão suy sụp, và để lại những dấu vết không thể xóa được. Tuy vậy trông lão cũng dễ ưa, vì quen giao thiệp nhiều trong xã hội thượng lưu nên lão có những kiểu cách rất nhã nhặn, nhất là đối với phụ nữ. Lão luôn luôn cần đến những trò giải trí và luôn luôn thấy buồn chán. Kirila Pêtơrôvích rất bằng lòng với vị khách quý và xem cuộc viếng thăm này như một dấu hiệu chứng tỏ lòng kính nể một con người lịch duyệt, trải đời. Vẫn theo lệ thường, lão dẫn khách đi xem các tổ chức của lão và cuối cùng dẫn khách vào sân nuôi chó. Nhưng công tước suýt chết ngạt trong cái bầu không khí sặc mùi chó này, và phải vội vàng lấy khăn mùi-soa tẩm nước hoa bịt mũi bỏ đi ra. Khu vườn kiểu cổ trồng bồ đề xén lá, với cái ao vuông vắn và những lối đi đều đặn không làm cho công tước hài lòng; lão này vốn thích những khu vườn kiểu Anh và cái thứ gọi là “thiên nhiên” hơn, nhưng lão vẫn hết lời khen ngợi và thán phục; một người đày tớ đến báo rằng thức ăn đã dọn xong. Họ về ăn bữa trưa. Công tước mỏi chân với cuộc đi chơi đã bắt đầu đi khập khiễng và đâm ra hối hận về cuộc viếng thăm này.
Nhưng đến phòng khách thì họ gặp Maria Kirilốpna ra đón và lão già đa tình lập tức bị sắc đẹp của nàng quyến rũ. Tơrôiêkurốp xếp lão ngồi bên cạnh nàng. Công tước được ngồi bên cạnh người đẹp, cao hứng lên, cười nói vui vẻ và nhiều lần làm cho Maria Kirilốpna chú ý bằng cách kể những chuyện rất kỳ lạ. Kirila Pêtơrôvích rủ công tước cưỡi ngựa đi chơi, nhưng công tước xin lỗi, chỉ vào đôi ủng bằng nhung và vui vẻ chế giễu cái bệnh thống phong của mình. Lão nói là thích đi dạo bằng xe ngựa hơn để khỏi xa cô bạn láng giềng đáng yêu của lão. Người ta thắng xe ngựa, hai lão già và cô con gái ngồi trên xe đi dạo. Câu chuyện vẫn tiếp tục, Maria Kirilốpna đang vui thích ngồi nghe những lời lẽ vui vẻ và nịnh đầm của lão già lịch thiệp, thì bỗng Vêrâyxki quay sang Kirila Pêtơrôvích hỏi cái ngôi nhà cháy đổ kia là thế nào và có phải của lão không. Kirila Pêtơrôvích cau mày; tòa dinh thự cháy đổ này gợi lên trong lòng lão những kỷ niệm rất khó chịu. Lão đáp rằng đất này bây giờ là của lão, nhưng ngày trước là của Đubrốpxki, Vêrâyxki hỏi lại:
- Của Đubrốpxki à? Thế nào, cái tên tướng cướp nổi tiếng ấy à?
- Của cha hắn, - Tơrôiêkurốp đáp, - nhưng cha hắn thì cũng là một tay tướng cướp thôi. 
- Thế bây giờ cái anh chàng Rinanđô [nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết “Rinanđô Rinanđini - chàng tướng cướp” (1797) của nhà văn Đức Kh.A. Vulpius (1762-1827). Tiểu thuyết này là một chuỗi những cuộc phiêu khó tin là có thật, không có liên quan gì đến nhau, trong đó Rinanđô xuất hiện khi thì như một chàng tướng cướp dũng cảm, lúc lại như một đấng tình nhân dịu dàng] ấy ở đâu? Còn sống không, đã bị bắt chưa?
- Hắn vẫn còn sống, vẫn tự do, và chừng nào mà bọn cảnh sát trưởng vẫn còn thông đồng với bọn cướp, thì chả ai làm gì nổi hắn, à này, thưa công tước, thế Đubrốpxki có đến thăm trại Ácbatôvô lần nào không? 
- Có, hình như năm ngoái hắn có đến cướp bóc hay đốt phá cái gì đấy… Cô Maria Kirilốpna này, giá mà làm quen đôi chút với cái anh chàng nhân vật tiểu thuyết ấy cũng thú vị đấy nhỉ?
Kirila Pêtơrôvích nói:
- Làm quen! Nó thì quen Đubrốpxki quá đi rồi, thằng cha ấy dạy âm nhạc cho nó suốt ba tuần lễ, nhưng cũng may, nhờ trời nó chẳng lấy tiền công gì cả.
Đến đây, Kirila Pêtơrôvích bắt đầu kể lại câu chuyện anh gia sư người Pháp, Maria Kirilốpna thấy như đang ngồi trên bàn chông. Vêrâyxki chăm chú nghe kể, vẻ mặt trầm ngâm, rồi nhận xét rằng câu chuyện thực là kỳ lạ và nói lảng sang chuyện khác. Khi trở về, công tước bảo đánh xe ra, và mặc dầu Kirila Pêtơrôvích hết lời khẩn khoản lão ở lại, lão vẫn nhất định ra về ngay sau buổi trà. Nhưng trước khi đi, lão mời Kirila Pêtơrôvích cùng quý nữ đến chơi nhà lão và cái lão Kirila Pêtơrôvích kiêu căng ấy cũng ưng thuận, vì rằng sau khi xét cái tước công của Vêrâyxki, hai ngôi sao [Hai ngôi sao - hai huân chương cao nhất thường tặng cho những đại thần dưới thời Nga hoàng] và con số ba nghìn nông nô của lão, Kirila Pêtơrôvích cũng thừa nhận một phần nào rằng Vêrâyxki là người ngang hàng với lão.
Hai ngày sau, Kirila Pêtơrôvích cùng với con gái đến nhà công tước Vêrâyxki, khi gần đến Ácbatôvô lão không thể không thán phục cái vẻ sạch sẽ và vui tươi của các túp nhà gỗ làm cho nông dân ở và tòa nhà bằng đá của chủ nhân xây theo kiểu lâu đài Anh. Trước mặt nhà, có một bãi cỏ xanh um tỏa rộng, trên bãi những con bò cái giống Thụy Sĩ đang ăn cỏ, nhạc đeo ở cổ kêu leng keng. Một khu vườn rộng bao bọc bốn phía nhà. Chủ nhân ra đứng ở bậc thềm đón khách và đưa tay cho Masa vịn; họ đi vào một căn phòng lớn trang hoàng lộng lẫy. Trên bàn ăn đã dọn sẵn ba bộ đồ ăn cho ba người. Công tước dẫn khách ra cửa sổ và một phong cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mặt khách. Sông Vônga chảy dưới cửa sổ, trên sông những chiếc sà-lan chở nặng căng buồm trôi, những chiếc thuyền đánh cá mà người ta thường gọi một cách bóng bẩy là thuyền mất mạng đi lại tròng trành. Bên kia sông, những quả đồi và những cánh đồng chạy dài, lác đác có vài thôn xóm làm cho phong cảnh thêm sinh động. Sau đó họ đi xem các dãy phòng bày những bức họa mà công tước đã mua từ nước ngoài mang về. Công tước trình bày cho Maria Kirilốpna nghe nội dung của các bức tranh, tiểu sử của các hoạ sĩ, chỉ rõ những ưu khuyết điểm của tranh. Công tước khi nói về hội họa không dùng những lời lẽ rập khuôn của những người chơi tranh rởm đời và khoe khoang, trái lại lão tỏ ra là một người thưởng thức hội họa có tâm khí giàu trí tưởng tượng. Maria Kirilốpna nghe công tước nói rất lấy làm vui thích.
Họ ra bàn ăn, Tơrôiêkurốp hết lời khen ngợi rượu của chủ nhân và tài nấu bếp của người nhà Vêrâyxki. Còn Maria Kirilốpna thì hoàn toàn không thấy có gì ngượng ngập hay miễn cưỡng trong khi nói chuyện với một người mà nàng mới gặp lần này là lần thứ hai. Sau bữa ăn, chủ nhân mời khách ra vườn. Họ uống cà-phê dưới mái nhà bát giác, bên bờ một cái hồ rộng, rải rác có những hòn đảo con con nhô lên. Bỗng nhiên có tiếng nhạc vẳng lại và một chiếc thuyền sáu người chèo cặp bến sát dưới chân nhà bát giác. 
Họ lên thuyền đi trên mặt hồ, quanh các hòn đảo, thỉnh thoảng lại ghé lên xem một vài hòn. Trên một hòn đảo có một pho tượng cẩm thạch, trên một hòn khác có một cái động vắng vẻ, trên một hòn thứ ba lại có một đài kỷ niệm đề những dòng chữ bí ẩn kích thích tính tò mò của người con gái, mà những câu nói úp mở nhã nhặn của chủ nhân không thể làm thỏa mãn được. Thời gian trôi qua rất nhanh mà không ai để ý. Trời đã bắt đầu xâm xẩm tối. Công tước lấy cớ là sương xuống lạnh hối hả mời khách về. Ấm xa-mô-va đã đun sẵn đợi họ. Công tước thỉnh cầu Maria Kirilốpna đóng vai chủ nhà cho bữa tiệc trà của người độc thân thêm phần ấm cúng. Nàng vừa rót trà vừa nghe những câu chuyện thao thao bất tuyệt của vị chủ nhân lắm lời mà nhã nhặn ấy. 
Bỗng nhiên có tiếng nổ lốp bốp và một chiếc pháo bông tỏa sáng rực lên trên nền trời. Công tước giúp Maria Kirilốpna quàng khăn san vào người và mời nàng cùng Tơrôiêkurốp ra lan can. 
Trước mặt nhà, trong bóng tối, những ngọn lửa muôn màu nổ bùng ra, xoay tít, bay cao lên, tỏa ra thành những bó lửa, những chiếc lá dừa, những vòi nước và rơi xuống như mưa, như sao băng, tắt đi rồi lại cháy bùng lên. 
Maria Kirilốpna vui thích như đứa trẻ. Công tước Vêrâyxki rất mừng khi thấy Masa vui thích như vậy, còn Tôrôiêkurốp thì rất bằng lòng với chủ nhân, vì lão cho rằng tous les frais (tất cả các chi phí - tiếng Pháp) của công tước là một bằng chứng cho thấy rằng công tước kính nể và muốn chiều lão.
Bữa ăn tối cũng sang trọng chẳng kém gì bữa ăn trưa. Hai quý khách được đưa vào các phòng ngủ dành riêng cho họ, và sáng hôm sau họ chia tay với vị chủ nhân nhã nhặn kia, hứa với nhau rằng sẽ sớm gặp lại nhau.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét