Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 12)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 12   

Vài ngày qua, chẳng có việc gì đặc biệt xảy ra cả. Đời sống của những người ở Pôkrốpxcôiê trôi qua một cách đơn điệu, ngày nào cũng như ngày nào. Kirila Pêtơrôvích ngày ngày đi săn; Maria Kirilốpna thì xem sách, đi dạo và học âm nhạc - nhất là học âm nhạc. Nàng đã bắt đầu hiểu được lòng mình, và bất giác bối rối khi nhận thấy rằng mình không hẳn là dửng dưng đối với những đức tính tốt đẹp của chàng thanh niên người Pháp. Về phía người gia sư thì anh ta không vượt quá giới hạn của sự kính cẩn và bao giờ cũng giữ một khuôn phép lễ độ nghiêm khắc, và nhờ thế mà khỏi chạm vào lòng tự trọng của nàng và tránh khỏi những ý nghi ngại của nàng. Nàng ngày càng tin cẩn buông mình theo cái thói quen dễ chịu được sống cạnh chàng. Không có Đêphoócgiơ thì nàng thấy buồn chán và khi có chàng bên cạnh nàng luôn luôn chú ý đến chàng, việc gì cũng muốn biết ý kiến của chàng và bao giờ cũng đồng ý với chàng. Có lẽ nàng chưa yêu, nhưng chỉ cần một sự ngăn cản gì, một nỗi éo le trắc trở gì của số phận cũng đủ cho ngọn lửa yêu đương tha thiết bùng lên trong lòng nàng.
Một hôm nàng đi vào phòng học nhạc như thường lệ; nàng rất ngạc nhiên nhận thấy vẻ mặt người gia sư tái xanh đi và trông chàng có vẻ bối rối. Nàng mở đàn dương cầm, hát qua vài nốt, nhưng Đubrốpxki kêu nhức đầu và xin lỗi nàng, bỏ dở buổi học. Khi gấp sách nhạc lại, Đubrốpxki kín đáo đưa cho nàng một mảnh giấy. Maria Kirilốpna không kịp suy nghĩ, cầm lấy mảnh giấy và lập tức thấy hối hận, nhưng Đubrốpxki đã đi ra mất rồi. Maria Kirilốpna về phòng riêng, mở tờ giấy ra và đọc những dòng sau đây:

“Tối nay, lúc bảy giờ, xin cô ra ngôi nhà bát giác bên bờ suối. Tôi có chuyện rất cần muốn thưa với cô”.

Trí tò mò của nàng đã bị kích động rất mạnh. Từ lâu nàng đã đoán rằng chàng sẽ có lúc bày tỏ, và nàng vừa mong ước, vừa lo sợ điều ấy. Nàng muốn được nghe chàng xác nhận những điều mà nàng đã phỏng đoán, nhưng nàng cảm thấy rằng nghe những lời như vậy của một người mà hoàn cảnh không cho phép hy vọng lấy được nàng là một việc không đứng đắn. Nàng quyết định đến chỗ hẹn hò, nhưng chỉ còn do dự một điều: nàng sẽ tiếp nhận những lời bày tỏ đó như thế nào, với một thái độ công phẫn quý phái chăng, đưa ra những lời khuyên nhủ ôn tồn chăng, hay là vui vẻ giễu cợt, hay là im lặng? Trong khi chờ đợi, cứ phút phút nàng lại đưa mắt nhìn đồng hồ. Trời tối dần, người ta thắp nến lên, Kirila Pêtơrôvích ra ngồi đánh bài bô-stông với mấy người láng giềng mới đến; đồng hồ trong phòng ăn điểm sáu giờ bốn mươi lăm, và Maria Kirilốpna nhè nhẹ đi ra thềm nhìn quanh một lúc, rồi chạy ra vườn.
Đêm tối như mực, mây đen bao phủ đầy trời, cách hai bước đã không trông thấy gì rồi, nhưng Maria Kirilốpna đi trong bóng tối, lần theo những lối đi quen thuộc và một phút sau đã đến chỗ nhà bát giác. Nàng dừng lại thở để khi gặp Đêphoócgiơ cho có vẻ thản nhiên và ung dung. Nhưng Đêphoócgiơ đã đứng trước mặt nàng. Chàng nói khẽ, giọng buồn rầu:
- Tôi xin cảm ơn cô đã không từ chối lời thỉnh cầu của tôi. Ví thử cô không bằng lòng đến thì tôi đến tuyệt vọng mất.
Maria Kirilốpna trả lời một câu đã chuẩn bị sẵn: 
- Tôi hy vọng rằng ông sẽ không làm cho tôi hối hận vì sự khoan dung của tôi.
Chàng lặng thinh một lúc và hình như cố lấy hết can đảm ra. Cuối cùng chàng nói: 
- Hoàn cảnh bắt buộc… tôi phải từ giã cô. Có lẽ cô sẽ nghe người ta nói chuyện về tôi, nhưng trước khi ra đi, tôi phải giãi bày để cô rõ… 
Maria Kirilốpna im lặng. Nàng cho rằng đó là những câu mở đầu cho cuộc bày tỏ tình yêu mà nàng mong đợi. 
Chàng cúi đầu nói tiếp:
- Tôi không phải như cô vẫn tưởng, tôi không phải người Pháp Đêphoócgiơ, tôi là Đubrốpxki. 
Maria Kirilốpna kêu lên một tiếng. 
- Cô đừng sợ, tôi van cô, cô đừng sợ tên tôi. Vâng, tôi là con người khốn nạn, đã bị cha cô cướp mất miếng ăn, đuổi ra khỏi nhà và bắt buộc phải đi cướp trên các đường trường. Nhưng xin cô đừng sợ - dù là sợ cho cô hay sợ cho cha cô. Tất cả đều đã qua. Tôi đã tha thứ cho cha cô. Cô biết không, chính cô đã cứu cho cha cô thoát chết. Đáng lẽ hành động đẫm máu đầu tiên của tôi sẽ nhằm vào người ấy. Tôi đã đi quanh nhà cô, định sẵn sẽ phóng hỏa những nơi nào, định sẵn sẽ lọt vào buồng ngủ của cha cô bằng lối nào, làm thế nào để chặn hết đường tẩu thoát của cha cô - trong giờ phút đó cô đã đi qua trước mặt tôi, như một bóng thiên thần, và lòng tôi đã dịu xuống, tôi đã hiểu rằng nơi cô ở là thiêng liêng, hiểu rằng những người có liên hệ máu mủ với cô không thể bị tôi nguyền rủa được. Tôi từ bỏ ý định trả thù như từ bỏ một ý nghĩ điên rồ. Có những ngày tôi chỉ lang thang quanh các khu vườn của ấp Pôkrốpxcôiê, hy vọng được đứng nhìn từ xa xa tà áo trắng của cô. Trong những buổi đi dạo chơi vô tư và bất cẩn của cô, tôi đã đi theo cô, len lỏi từ khóm cây này sang khóm cây khác, sung sướng vì nghĩ rằng đang được bảo vệ cô, rằng ở đâu tôi bí mật có mặt là cô được an toàn. Cuối cùng một dịp may đã hiện ra. Tôi đến ở trong nhà cô. Ba tuần lễ đối với tôi là những ngày đầy hạnh phúc, kỷ niệm của những ngày ấy sẽ là một nguồn an ủi cho cuộc đời buồn khổ của tôi… Hôm nay tôi nhận được một tin cho biết rằng tôi không thể ở đây được nữa. Tôi phải xa cô kể từ hôm nay… kể từ giờ này… Nhưng trước khi đi, tôi phải bày tỏ với cô để cô đừng nguyền rủa tôi, đừng khinh tôi. Xin cô thỉnh thoảng nghĩ đến Đubrốpxki. Xin cô biết cho rằng con người đó đáng lẽ sinh ra để sống một cuộc đời khác, rằng tâm hồn người đó đã biết yêu cô, rằng không bao giờ… 
Đến đây chợt có tiếng huýt khẽ, và Đubrốpxki im bặt, chàng cầm lấy tay Masa áp vào đôi môi nóng bừng của chàng. Lại có tiếng huýt, Đubrốpxki nói:
- Xin lỗi cô, người ta gọi tôi, chỉ một phút nữa là tôi có thể nguy. - Chàng bỏ đi. Maria Kirilốpna đứng yên. Đubrốpxki bỗng quay lại và nắm lấy tay nàng.
- Nếu bao giờ, - chàng nói rất âu yếm, giọng cảm động, - nếu bao giờ cô có vịêc chẳng may xảy đến mà cô không biết trông mong ai giúp đỡ hay che chở, cô có hứa với tôi là cô sẽ nhờ đến tôi, đòi hỏi tôi làm tất cả những gì có thể cứu cô được không? Cô có hứa là sẽ không hắt hủi lòng tận tụy của tôi vì cô không?
Maria Kirilốpna im lặng khóc. 
Tiếng huýt lại nổi lên một lần thứ ba. Đubrốpxki giục: 
- Cô làm tôi phải chết mất. Tôi nhất định không đi, nếu cô chưa trả lời. Cô có hứa với tôi như vậy hay không?
- Tôi xin hứa, - người con gái đáng thương nói khẽ. 
Maria Kirilốpna trở vào nhà, lòng vô cùng xúc động vì cuộc gặp gỡ với Đubrốpxki. Nàng thấy hình như người trong nhà đang chạy nhốn nháo, cả nhà đều kinh động lên, trong sân lố nhố những người, dưới thềm có một cỗ xe ba ngựa đỗ. Nàng nghe tiếng Kirila Pêtơrôvích nói xa xa và nàng hấp tấp trở vào nhà, sợ người nhà để ý thấy nàng vắng mặt mà sinh nghi. Trong phòng khách nàng gặp Kirila Pêtơrôvích, khách khứa đang xúm quanh ông bạn quen của chúng ta là viên cảnh sát trưởng mà hỏi han rối rít. Viên cảnh sát trưởng mặc áo đi đường, võ trang từ đầu đến chân, trả lời họ với một dáng điệu bí mật và quan trọng.
Kirila Pêtơrôvích hỏi con: 
- Nãy giờ con ở đâu hả Masa? Con có gặp Đêphoócgiơ không? 
Masa cố bình tĩnh trả lời là không gặp.
- Mày thử tưởng tượng, - Kirila Pêtơrôvích nói tiếp, - thằng cha cảnh sát trưởng này đến đây để bắt hắn và nói quả quyết với tao rằng hắn là Đubrốpxki thì có lạ không chứ! 
Viên cảnh sát trưởng kính cẩn nói: 
- Bẩm quan lớn theo nhận dạng thì đúng là hắn đấy ạ. 
Kirila Pêtơrôvích ngắt lời: 
- À, cái anh này, anh mang tờ giấy nhận dạng của anh xéo đi đâu thì xéo. Ta sẽ không nộp cái thằng Pháp ấy cho anh đâu, phải để ta tự điều tra lấy việc này đã. Làm sao mà tin được cái thằng cha Antôn Pápnutích, một thằng dát như cáy và suốt đời nói dối; hắn nằm mơ thấy anh gia sư muốn cướp tiền của hắn chứ gì? Thế sao sáng hôm ấy hắn lại không nói cho ta biết? 
Viên cảnh sát trưởng đáp:
- Bẩm quan lớn, tên Pháp dọa nạt hắn, và bắt hắn thề là sẽ im hơi lặng tiếng. 
- Toàn chuyện láo cả, - Kirila Pêtơrôvích kết luận, - ta sẽ làm cho ra ngô ra khoai ngay bây giờ. Này anh gia sư đâu? - lão hỏi người đày tớ mới đi vào. 
- Dạ, bẩm chả thấy đâu cả ạ, - người đày tớ đáp.
- Thế thì phải đi tìm ngay đi. - Tơrôiêkurốp quát, bây giờ lão ta bắt đầu thấy nghi nghi. - Đưa cái tờ nhận dạng trứ danh của anh đây ta xem nào! 
Viên cảnh sát trưởng lập tức đưa tờ giấy cho lão. 
- Hừ! Hừ! Hai mươi ba tuổi… Đúng thế, nhưng vẫn không phải là một bằng chứng. Thế nào, thằng gia sư đâu? 
Người ta đáp lại: 
- Thưa không tìm thấy đâu cả ạ. 
Kirila Pêtơrôvích bắt đầu lo lắng. Maria Kirilốpna như người mất hồn. Cha nàng nhận xét: 
- Con xanh lắm Masa ạ, bọn chúng làm cho con sợ phải không? 
- Thưa cha không ạ, con chỉ nhức đầu thôi ạ. 
- Con vào buồng mà nằm đi, đừng lo lắng gì cả.
Masa hôn tay bố và vội đi vào phòng riêng; nàng lăn ra giường khóc nức nở trong một cơn ưu uất dữ dội. Bọn đày tớ gái chạy vào cởi áo cho nàng, lấy nước vã vào mặt và cho uống đủ các thứ rượu thuốc; họ đặt nàng nằm yên và nàng thiếp đi.
Trong khi đó người ta vẫn chưa tìm ra anh người Pháp. Kirila Pêtơrôvích đi đi lại lại trong phòng khách vẻ dữ tợn mồm huýt sáo điệu “Sấm chiến thắng vang lên”. Khách khứa ghé vào tai nhau thì thầm, viên cảnh sát trưởng vẫn cứ đứng đực ra đấy - anh người Pháp vẫn không thấy đâu cả. Có lẽ hắn đã có thì giờ trốn đi, vì đã được báo trước. Nhưng ai báo, báo bằng cách gì, cái đó vẫn còn là một điều bí mật.
Đồng hồ đã điểm mười một tiếng, mà chẳng ai nghĩ đến chuyện đi ngủ. Cuối cùng, Kirila Pêtơrôvích giận dữ nói với viên cảnh sát trưởng:
- Thế nào, thôi chứ? Chả nhẽ anh lại ở đây đến sáng à? Nhà ta có phải là cái quán hàng đâu, cái thá anh thì có mà bắt được hắn, nếu hắn quả là Đubrốpxki. Về nhà đi và từ rày cố khôn ngoan lên một tí. Mà cả các ngài nữa, - lão quay sang phía khách khứa nói tiếp. - Cũng đến lúc nên về rồi đấy. Các ngài bảo thắng ngựa đi cho, còn tôi thì đã buồn ngủ lắm rồi.
Nói xong lời cáo biệt không lấy gì làm lịch sự đó, Tơrôiêkurốp bỏ đi ngủ.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét