Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Hàn vương tôn phú - tác giả Đặng Trần Thường.

(Đặng Trần Thường, khai quốc công thần nhà Nguyễn, chức Tán lý đô thống chế, quản Binh bộ Bắc thành, sau được phong hàm Binh bộ thượng thư.
Sau này ông bị vu oan và bị hạ ngục. Trong ngục, ông làm bài phú “Hàn vương tôn” cảm thán thân phận.
Gia Long cho là ông có ý oán giận, bắt ông tự sát trong ngục).
* * *
Hàn vương tôn !
Hàn vương tôn ! (1)
Vũ khúc giáng thần, (2)
Kim kê ứng thụy; (3)
Kinh sử năm xe chứa chất (4), ngang trời dọc đất ấy kinh luân;
Tôn, Ngô bảy quyển làu thông (5), đè sóng xông mây là chí khí; (6)
Hội chiến tranh, ếch đã vang tai, (7)
Bề thao lược, ngọc còn giấu vẻ; (8)
Một cần trúc vắt ngang dòng Bích thủy, rồng Xích Lưu trông phảng phất lẩn bên thành, (9)
Ba thước gươm trở lại chợ Hoài Âm (10), hươu Hàm Cốc tưởng đinh ninh nằm góc ghế. (11)
Đồ phong vân trước mắt ngắm nhơn nhơn, (12)
Túi trí lược bên mình đeo nhẹ nhẹ!
Mùi tư vị thiếu gỏi Tần nem Sở (13), nặng vì đường tri kỷ, bữa hẩm hiu nên hứa với mụ già. (14)
Bước phong trần còn áo Lã, cơm Hề (15), xem sao “dũng kiêm nhân” (16), lời nhơ nhuốc sá chấp chi con trẻ. (17)
Thông sao nơi huy hạ hẹp hòi, (18)
Xiết bao chức Lang trung nhỏ bé. (19)
Hăm hở quyết lòng theo giúp Hán, hang sâu chưa kịp nức mùi lan; (20)
Ngậm ngùi giận chí nhớ về Đông (21), đất cũ lại thẳng dong vó ký. (22)
Bến Hàn Khê từ gặp bạn phượng loan, (23)
Đất Ba Thục lại rất đường phú quí. (24)
Đủng đỉnh lên đàn Đại tướng, ba quân trông mặt khiếp uy linh, (25)
Khoan thai lĩnh ấn Nguyên nhung, Thiên tử nghiêng mình trao tiết chế. (26)
Chín lần bàn bạc thâm mưu, (27)
Muôn dặm đảm đương trọng ký. (28)
Trỏ vết mờ đường cố đạo (29), tịch quyển Tam Tần, (30)
Việc quân đương mặt Đông Quan, sấm ran bốn bể.
Dưới màn nhớ tư tưởng Di Ngô, (31)
Trên ngựa những băn khoăn Bạch Khởi. (32)
Thuyền san sát bầy sông Lâm Tấn (33), Ngụy quanh thành quân kéo đen sì. (34)
Trống thùng thình qua cửa Tỉnh Hình (35), Triệu bốn mặt cờ bay đỏ chóe. (36)
Ngựa uống giòng nước Mạnh nên vơi;
Gươm mài đá non Hanh cũng mẻ.
Án giáp dùng bài nhu viễn (37), lấy tấc gang dấy nát cường Yên; (38)
Quyết nang bày trận công nhân (39), đem bảy mươi thành về Xích đế. (40)
Đứa Long Thư xương rắn hết hung hăng; (41)
Thằng Vũ Thiệp lưỡi mềm khôn thỏ thẻ. (42)
Đã dùng dằng thì dụng cuộc tam phân;
Phải vun vén để gây nền nhất trị.
Non cửu lý tám nghìn tử đệ, khiến Bá vương không gấm vóc Giang Đông;
Trời tây lưu thu một mối xa thư, đón đình trưởng lại áo xiêm Phiếm thủy.
Chước chẳng cùng, một trận một khắt khe;
Quân khéo dụng, càng nhiều càng mạnh mẽ.
Cũng thi sức mở mang bờ cõi, đọ xem như Bố Cao, Bành tráng còn sai;
Cũng thi công trỏ vẫy ngoại năm năm, cân lại dẫu Tiêu hướng, Lương mưu cũng nhẹ.
*
Tước lộc nặng vì cơm áo Hán (43), trỏ con hươu mong bắt lại đền ơn; (44)
Giàu sang nào tưởng nước non Tề, so muông cẩu kẻo ra tuồng bội nghĩa.
Danh cổ kim so ba tướng cũng vừa; (45)
Sức chiến đấu chẳng trăm Tham nào xuể. (46)
Kìa như chống Huỳnh Dương, Kinh Sách, cấy lông thêm cho loan cũng giương oai;
Kìa khi trao Lã hậu, Thái công, giơ vuốt lại dẫu hùm không cậy khỏe.
Tiếng reo dậy núi sông;
Mắt liếc run thần quỷ.
Vẻ gì đuổi Lăng con ngựa mỏi, chậm chân thoắt đã rối gan vàng;
Tuồng chi so Ngụy lũ trâu gầy, có mắt chi cho ngừng giọt lệ.
Cốt khóa phu chẳng trách đứa toan; (47)
Gươm đại tướng hèn nào người bán.
Người biết hưng vong là thiên số, Hán tuy chưa mở mang nền bách nhị, song mệnh trời về có đức, vốn ngỏ then từ chém rắn, noi rồng; (48)
Ai hay thành bại cũng nhân mưu, Hán hãy còn lúng túng đất Ba Xuyên (49), mà  mái tả trót gieo mình (50), đã vươn cánh để đè hươu, bắt khỉ.
Phải tới lui cho giãi tỏ hiềm nghi;
Há đo đắn chẳng ngả nghiêng chân ngụy.
Cơn tĩnh trấn nghi Tề nhiều biến trá (52), lời tự vương sao đổ tiếng trượng phu (53),
Lúc trần binh e Sở mới thanh bình (54), thơ mưu phản khéo oan lòng quốc sĩ (55).
Dẫu cũng vì lắm uy danh,
Dẫu cũng vì nhiều dũng, trí.
*
Ôi ác biết lòng du tử (56), vậy khi đóng Định Đào, khi quân Tu Vũ (57), ra vào then khóa chẳng ngờ; (58)
Trung trinh giữ tiết nhân thần, dù rằng chơi Vân Mộng (59), dù rằng được Trần Hi (60), chút đỉnh tóc tơ dám nghĩ. (61)
Há có lòng như Hi, Bố chút nào (62);
Tiếc thẹn mặt với Phàn, Đằng một tí (63).
Ơn nho nhỏ cũng lấy vàng mà báo đáp, đỉnh chung này đâu có lẽ thờ ơ;
Oán rành rành còn cho tước để sinh dùng (64), giang sơn ấy há lại lòng ngấp nghé.
Giơ cung bắn thỏ, nặng sức nam nhi;
Được cá bỏ nơm, quản đâu thế vị.
Đường phú quí có sức nào chuyển được, nọ kẻ trướng màn khuya sớm (66), chốn Cốc thành còn phải lánh mình đi (67);
Áng công danh hồ ai dễ xử đâu, kìa người then khóa bấy lâu (68), vườn Thượng uyển cũng còn rơi tiếng lụy ! (70)
Chót tao phùng đà dính lợi cùng danh,
Thôi vinh nhục lọ bàn phi với thị.
Lành thay!
Vân vũ gặp thời,
Côn, bằng phỉ chí.
Luận tài năng suốt Tây kinh, Đông Hán chưa ai,
So huân nghiệp dẫu Chu, Thiệu, Thái công dám ví.
Nhà thạch thất dẫu nhạt son mòn sắt (71), danh tướng quân đành muôn kiếp còn thơm;
Nền kim đao dù nguội lửa phai vàng (72), công tướng quân dẫu ngàn năm như vẽ.
Ta nay:
Xem pho cựu sử;
Đọc truyện nhân thần.
Thấy câu: “Hán đắc thiên hạ, đại để giai Tín chi công” (73)
Chửa từng chẳng thán tích Hàn vương tôn chi anh tài; (74)
Mà thầm trách Hán Cao Hoàng chi sai kỵ. (75)
---------------
1. Hàn vương tôn, tên Hàn Tín, người đất Hoài Âm, xuất thân hàn vi, sau theo Hán Cao tổ, làm đại tướng diệt Sở bá vương Hạng Vũ. Ông được phong Tề vương sau đổi làm Sở vương. Hác Cao nghi kỵ công thần nên tìm cách giết Hàn Tín và tru diệt cả họ ông.
2. Vũ khúc, ngôi sao tướng tinh. Hàn Tín khi còn hàn vi làm nghề câu cá, một hôm chiêm bao thấy sao Vũ khúc sa vào miệng.
3. Kim kê: gà vàng. Hàn Tín khi còn nghèo, có thầy địa lý cho ngôi mộ. Khi Tín táng mẹ vào ngôi đất, từ trong mộ có con gà vàng bay ra.
4. Năm xe. Sách Trang tử: Kỳ thư ngũ xa. Sách chứa năm xe. Ý Hàn Tín học rộng.
5. Tôn, Ngô: Tôn Vũ, Ngô Khởi là hai danh tướng thời Chiến Quốc. Bẩy quyển lầu thông: Thuộc bẩy quyển binh thư của Tôn Vũ, Ngô Khởi.
6. “Thừa trường phong phá vạn lý lãng” : Cưỡi trận gió dài, đánh vỡ ngọn sóng muôn dặm. (Tống sử)
“Phiêu phiêu hữu lăng vân chi khí”: phơi phới có cái khí lấn mây (Hán sử). Ý nói Tín có chí khí vẫy vùng cao, xa.
7. Ếch đã vang tai. Hán sử: Tứ hải oa minh. Ý giặc dã khắp bốn phương.
8. Ngọc còn giấu vẻ: Ý nói người anh hùng chưa tỏ tài năng.
9. Ý nói họ Lưu còn như con rồng đang lẩn quất bên thành, phải có tay Tín phò tá mới bay lên trời.
10. Hàn Tín khi vào chợ Hoài Âm xin ăn vẫn đeo bên mình thanh gươm.
11. Hươu: trỏ cơ nghiệp nhà Tần. Hàm cốc: cửa ải hiểm yếu của nhà Tần. Ý nói cơ nghiệp nhà Tần, Hàn Tín lấy lúc nào cũng được, như bắt con hươu nằm dưới ghế (!)
12.  “Vân tòng long, phong tòng hổ” (kinh Dịch). Đồ phong vân trước mắt ngắm nhơn nhơn: trông bức tranh mây gió mà ngụ chí vùng vẫy dọc ngang.
13. Ý nói Hàn Tín chưa làm tướng để nuốt Tần, Sở như làm gỏi, làm nem.
14. Mụ già: tức Phiếu mẫu, là người giặt vải thuê bên sông đã nhường cơm cho Hàn Tín ăn thuở Tín còn nghèo đói.
15. Lã: Lã Vọng trước nghèo câu cá bên sông Vị, sau làm tướng nhà Chu.
Hề: Bách Lý Hề, nghèo đi chăn trâu thuê, sau làm tướng nhà Tần.
Áo Lã, cơm Hề: Cơm hẩm, áo rách thuở người anh hùng nghèo túng.
16. Dũng kiêm nhân: chỉ Hàn Tín có cái Dũng át hẳn người thường.
17. “lời nhơ nhuốc sá chấp chi con trẻ”: Thuở Hàn Tín cầm gươm vào chợ Hoài Âm, có tên hàng thịt bảo Tín: “Mày cầm gươm thì có dám đâm tao không? Nếu không dám đâm thì phải chui qua háng ta”. Tín liền chui dưới háng tên hàng thịt. Đây nói Hàn Tín không chấp tên hàng thịt, coi lời của hắn như lời đứa trẻ con.
18. Huy hạ: Dưới cờ. Khi Hàn Tín mới về với Hán Cao tổ, ở dưới cờ không ai biết tài mình.
19. Lang trung: Thời Hàn Tín ở Sở, làm chức Chấp kích lang, cầm kích theo hầu Hạng Vũ. Đây nói cái chức Lang trung đâu có xứng với tài Hàn Tín.
20. Hàn Tín bỏ Hán trốn đi có làm câu thơ: “Lan sinh u cốc hề, thục hàm kỳ hương”, lan sinh nơi hang tối vậy, ai biết mùi hương? Ý nói Hàn Tín ở Hán cũng chưa ai thấy tài năng của mình.
21. Về đông: Bấy giờ Hán Lưu Bang ở Ba thục, phía tây nước Tâu, Hạng Vũ làm vua Sở. ở phía đông. Hàn Tín ở Hán không được trọng dụng, muốn bỏ Hán quay về nước Sở.
22. “đất cũ lại thẳng dong vó ký”: Hàn Tín theo đường cũ mà bỏ Hán về Sở.
23. “Bến Hàn Khê từ gặp bạn phượng loan”: Hàn Tín bỏ đi, Tiêu Hà là thừa tướng nhà Hán đang đêm đuổi theo, đến Hàn khê gặp Tín, giữ lại, đưa Tín về hết sức tiến cử với Lưu Bang.
24. “Đất Ba Thục lại rất đường phú quí”: Lưu Bang phong Hàn Tín làm đại tướng.
25. Ba quân: từ cổ chỉ quân đội của một nước. Thời nhà Chu, nước chư hầu to thì đặt ba quân, thượng, trung, hạ. Mỗi quân một vạn hai nghìn năm trăm người.
26. “Thiên tử nghiêng mình trao tiết chế”: Vua cúi người xuống mà trao quyền cho đại tướng, tỏ ý tôn kính.
27. Chín lần, “cửu trùng”, ý chỉ nhà vua. Chín lần bàn bạc thâm mưu: Bàn mưu kế sâu sắc cho nhà vua.
28. Đảm đương trọng ký: Gánh vác công việc nặng nề.
29. Cố đạo: đường cũ. Hàn Tín theo con đường trước kia vào Thục, nay từ Ba Thục tiến đánh Quan Trung.
30. Tịch quyển: cuốn chiếu.
Hạng Vũ trước phá Tần, chia Tần thành ba nước, là chư hầu của Sở. Hàn Tín đánh hạ Tam Tần nhanh như cuốn chiếu.
31. Di Ngô tức Quản Trọng, tướng quốc dưới triều Tề Hoàn công, là một chính trị gia kiệt xuất, một tướng tài, giúp nước Tề làm bá thời Xuân Thu.
32. Bạch Khởi: Tướng tài nhà Tần thời Chiến quốc. Nổi danh ở trận Trương Bình. Một đêm chôn bốn mươi vạn quân Triệu.
33. Hàn Tín đánh Ngụy, bầy thuyền ở sông Lâm Tấn, để Ngụy phòng giữ mặt sông. Đêm, Tín cho quân dùng vò đút nút buộc ván gỗ làm phao bơi qua sông đánh lén, chớp nhoáng hạ nước Ngụy.
34. “Ngụy quanh thành quân kéo đen sì”: quân Hàn Tín vây thành nước Ngụy đen đặc bốn phía.
35. Hàn Tín dựng cờ, nổi trống qua cửa Tỉnh Hình vào đánh Triệu.
36. “Triệu bốn mặt cờ bay đỏ chóe”: Triệu mang quân chống nhau với Hàn Tín, Tín phục sẵn một đạo quân lẻn vào thành nước Triệu, cắm cờ đỏ, (cờ hiệu nhà Hán), khắp bốn mặt thành. Vì thế quân Triệu tan vỡ.
37. “Án giáp dùng bài nhu viễn”: xếp giáp lại, không đánh nhau, chỉ dùng kế chiêu dụ.
38. “lấy tấc gang dấy nát cường Yên”: Hàn Tín chỉ đưa một phong thư mà nước Yên phải hàng.
39. “Quyết nang bày trận công nhân” : Hàn Tín đánh Tề, Long Thư là tướng nước Sở đem quân cứu Tề. Tín sai quân dùng túi vải chứa cát ngăn sông, nước sông khô cạn. Khi Long Thư kéo quân đến giữa dòng, Tín sai quan phá các túi cát đi, nước sông chảy ập đến, quân Long Thư phần chết đuối, phần tan vỡ, Long Thư bị giết tại trận.
40. “đem bảy mươi thành về Xích đế”: Nước Tề có 70 thành, một trận về tay nhà Hán, (Xích đế).
41. Long Thư cốt ngạnh chi thần: Long Thư là bầy tôi xương rắn. Long Thư là mãnh tướng và tôi trung của Hạng Vũ.
42. Vũ Thiệp là thuyết khách của Hạng Vũ. Thiệp khuyên Tín về với Vũ, Tín không nghe.
43. Hán Cao tổ cởi áo mình khoác cho Tín. Xẻ cơm mình cho Tín ăn. Ý nói tình nghĩa vua tôi thân mật.
44. Con hươu: trỏ ngôi vua nhà Tần. “Trỏ con hươu mong bắt để đền ơn”: Mong thống nhất cả giang sơn để đền ơn vua Hán.
45. Người đời Hán cho Hàn Tín, Bành Việt, Kình Bố là ba tướng tài. Nhưng xét Bành Việt, Kình Bố không sánh với Hàn Tín được.
46. Kể sự dùng binh thì trăm tướng giỏi như Tào Tham cũng không thể bằng Hàn Tín.
47. Khóa phu: luồn háng. Nhắc sự tích Hàn Tín luồn háng tay hàng thịt.
48. Chém rắn: Lưu Bang lúc hàn vi, đi đêm ăn trộm, gặp con rắn trắng nằm ngang đường. Lưu Bang chém chết con rắn, ứng vào điềm diệt được nhà Tần.
49. Ba Xuyên: tức đất Ba Thục, đất Hạng Vũ phong cho Lưu Bang. Tỉnh Tứ Xuyên, Tầu bây giờ.
50. Hán thư: “Tả đầu tắc Hán vương thắng, hữu đầu tắc Hạng vương thắng”, nghĩa là quay về bên tả thì Hán vương thắng, quay về bên hữu thì Hạng Vũ thắng. Hàn Tín bấy giờ theo ai thì người ấy làm chủ Trung quốc.
51. Đè hươu: đánh nhà Tần. Bắt khỉ: phá nhà Sở.
52. Hàn Tín khi đánh Tề, nghĩ dân Tề chưa thật lòng quy phục, xin Hán Cao tổ cho mình làm Giả vương nước Tề để trấn giữ nước ấy.
53. Hán Cao tổ thấy Tín xin làm Giả vương thì nói: “Trượng phu đánh được nước chư hầu nào thì làm vương thật, chứ sao lại làm vương giả?” Rồi phong Tín làm Tề vương. Dẫu vậy, Hán cao tổ ghét Tín lắm, cho là Tín đã tự lập làm vương trước khi xin phép mình. Oán hận của Lưu Bang với Hàn Tín bát đầu từ đấy.
54. Khi Tín được đổi làm Sở vương, ra vào Tín đều đem đông vệ sĩ theo hầu. Vì lúc ấy Sở bá vương Hạng Vũ mới diệt, dân Sở còn thương nhớ Vũ, Tín sợ có người vì Vũ mà báo thù.
55. Tiêu Hà tưng khen Hàn Tín là “quốc sĩ vô song”.
“Thơ mưu phản khéo oan lòng quốc sĩ”: Tín làm Sở vương, có người dâng thơ cho Hán Cao tổ, vu Tín có âm mưu làm phản.
56. Ôi ác: bạc ác. Hán Cao tổ từng xưng mình là “du tử”.
57. Khi Hàn Tín đóng quân ở Định Đào, Tu Vũ, Hán Cao tổ lẻn vào quân doanh của Tín, lấy trộm ấn đại tướng của Tín để cướp quân của Tín.
58. Ý nói nếu biết Lưu Bang có lòng bội bạc thì trong quân tất canh phòng Cao tổ, làm sao Cao tổ lẻn vào trộm ấn được.
59. Hán Cao tổ giả đi chơi đầm Vân Mộng, Tín đến chầu, Hán Cao tổ sai lực sĩ bắt trói Tín.
60. Khi Hán Cao tổ đem quân đánh Trần Hy, Lã hậu, (vợ Cao tổ), nói dối đã bắt được Trần Hy. Hàn Tín vào mừng. Lã hậu sai người bắt và giết Tín ở cung Trường Lạc.
61. Ý nói Hán Cao tổ có bắt, có giết thì Tín vẫn không manh tâm làm phản.
62. Trần Hy, Kình Bố: tướng nhà Hán, làm phản nhà Hán.
63. Phàn Khoái, Đằng công. Trước Hàn Tín làm vương, đứng trên Phàn, Đằng. sau Tín bị giáng làm Hoài Âm hầu, ngang với Phàn, Đằng. Vì vậy Tín lấy làm xấu hổ.
64. Lúc Hàn Tín nghèo, Phiếu mẫu cho ăn. Sau Tín làm Sở vương, đem nghìn lạng vàng tạ ơn bà.
Người hàng thịt làm nhục Tín giữa chợ Hoài Âm, sau Tín không giết mà còn cho làm một chức quan nhỏ.
65. Ý nói Tín không quên từng cái ơn nhỏ thì lẽ nào quên ơn lớn của Hán Cao tổ mà đem lòng làm phản.
66. Chỉ Trương Lương.
67. Trương Lương biết Hán Cao tổ không dung công thần nên Trương Lương lánh mình ở ẩn, giả cách tu tiên.
68. Ý nói người bầy tôi lập được công danh thường bị vua ngờ vực, phải xử cho khéo để giữ được thân mình.
69. “Tiêu Hà Quan Trung tỏa thược”, Hán sử. Tiêu Hà là người giữ chìa khóa đất Quan Trung, đất căn bản của Cao tổ.
70. Tiêu Hà sau làm Thừa tướng, xin cho dân vào ngắm vườn Thượng uyển, Cao tổ nghi Hà ăn hối lộ, bắt Hà bỏ ngục.
71. Hán cao tổ khi thành công, có lập lời thề viết bằng son trên bài sắt, cất giữ trong nhà đá. Thề rằng: “Con cháu các công thần được đời đời làm vua chư hầu”.
“Nhà thạch thất dẫu nhạt son, mòn sắt”: ý nói Cao tổ không giữ lời thề.
72. Cao tổ họ Lưu. Chữ Lưu do ba chữ Mão, Kim, Đao hợp thành.
“Nền kim đao dù nguội lửa phai vàng”: ý nói cơ nghiệp nhà Hán khi mất ngôi thì công của Hàn Tín vẫn còn.
73. “Hán đắc thiên hạ, đại để giai Tín chi công”: Nhà Hán được thiên hạ, đều là do công của Hàn Tín.
74. Thán tích: than tiếc.
75. “Hán Cao Hoàng chi sai kỵ”: Thầm trách Hán Cao tổ hay ngờ ghét công thần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét