Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Một ngàn con đường quê - Robert James Waller (phần 5)

Một ngàn con đường quê

(Phần kết “Những cây cầu ở quận Madison”)

Tác giả: Robert James Waller
Dịch giả: Thanh Vân
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2013


Con đường cô đơn nhất nước Mỹ

Robert Kincaid băng qua sông MissouriOmaha, rồi rẽ về hướng Tây. Ông nhớ lại chuyến đi hàng trăm dặm từ cầu Roseman đến dòng sông hùng vĩ này, vật lộn với những con đường ngập tuyết, đầu óc đầy ắp hình ảnh người phụ nữ và cây cầu cũ kỹ với mọi hồi ức về họ.
Ông qua đêm ở phía Tây Lincoln, Nebraska, liếc nhìn những cửa sổ sáng ánh đèn đêm màu vàng ấm áp lúc lái xe vào thành phố và tìm nơi trọ đỡ tốn kém so với túi tiền còm đang hao mòn nhanh chóng. Đêm ấy thật dài, bên ngoài tuyết rơi mù mịt, và mãi đến khuya ông vẫn không sao ngủ được. Chuyến đi trước mắt đòi hỏi rất kiên nhẫn, sau bão tuyết sẽ là một buổi sáng giá lạnh và rạng rỡ. Ông dậy sớm, mặc chiếc áo len dài tay cao cổ màu đen, khởi động và sưởi ấm cho chiếc Harry, rồi rẽ hướng Tây, Con Đường ngồi trên ghế bên cạnh.
Hai ngày sau, ông thoát khói tàn dư cơn bão tuyết, và hơi chếch về hướng Đông là thành phố Salt Lake, Robert Kincaid đỗ ở giao lộ vài phút. Ông có thể rẽ hướng Tây nam theo đường quốc lộ về thẳng Seattle, hoặc rẽ xuống và đi theo đường 50 bở tơi lần nữa. Con đường thứ hai sẽ đưa ông qua Reno rồi vào bắc California. Ông rẽ trái, nhằm hướng Nam chọn đường 50, vốn được gọi là con đường cô đơn nhất nước Mỹ. Hai mươi nhăm năm trước, ông đã làm một tiểu luận dài bằng ảnh về con đường, khi đó nó vẫn còn là quốc lộ, đi lại dễ dàng trước khi làm đường nối các tiểu bang.
Ông trầm ngâm khi chọn đường 50 vào thị trấn nhỏ Delta, hóa ra lại là một cuộc hành hương chạy dài tới Nevada và vắt qua sa mạc trên cao. Nhiều biển hiệu khuyên đổ đầy bình xăng vì những chặng đường trước mặt rất dài. Khoảng trưa, ông vào Nevada, và là một trong những ngày do dự, khi những quả núi tranh cãi với bầu trời nên xoay trở các sự vật ra sao. Nắng vài phút, rồi những đám mây đục ngầu và mưa, nhiều lần ánh sáng xuyên qua mây, trên các đèo cao vẫn còn dấu vết của tuyết.
Trên tuyến đường Nevada có một quán ăn, đằng trước có hai máy bơm xăng cổ lỗ. Ông đổ đầy xăng cho chiếc Harry và vào trong nhà trả tiền. Một phụ nữ cao ráo, mảnh dẻ, tóc đen cắt ngắn buộc túm đuôi ngựa và ăn vận kiểu miền Tây - đi ủng, quần jeans, sơmi khuy dập - nhận tiền và trả lại tiền lẻ. Ngay bên phải ông là hai cái máy giật xèng. Lúc này không có ai nhét tiền vào. Bốn chàng cao bồi ngồi quanh bàn pôkơ, vừa hút thuốc vừa uống bia. Mùi thịt băm viên béo ngậy lơ lửng trên mọi vật và trong bếp, các chảo đang sôi réo. Chắc nơi này chẳng thay đổi gì từ năm chục năm nay, ông nghĩ, và thấy thích.
- Tôi quên mất rồi. Đến Reno còn bao xa? - Ông hỏi người phụ nữ.
- Khoảng ba trăm năm mươi dặm, những dặm đường dài nhất, buồn nhất, lẻ loi nhất ông từng thấy. Ông nhớ xem lại lốp, dầu, bộ tản nhiệt, rồi nghĩ kỹ xem có nên đi không, ở đằng ấy chẳng có thứ gì sống được, ngoài lũ rắn và những chàng cao bồi, mà vào những ngày thứ Bảy, thật khó mà phân biệt được hai loại đó với nhau. - Cô ta nói to, đủ cho những chàng cao bồi đang đánh bài pôkơ nghe thấy.
Một người trong bọn quay đầu về phía cô và lè nhè:
- Này Mindy, hình như đêm qua chẳng có ma nào ép cô chui vào xe của Hood, nhỉ? Tôi nhớ là mỗi tay cô xách một chai bia, đi rất hăng hái và lúc ra khỏi cửa, cô còn nhảy nhót nữa kia.
- Im đi Waddy, - cô ta cười và mặt hơi ửng đỏ. - Ai khiến anh nói những chuyện như thế trước mặt khách.
Robert Kincaid mỉm cười với cô ta và vẫy nhẹ những anh chàng cao bồi rồi trở lại chiếc Harry. Ông lái khỏi một trong những nơi vui vẻ cuối cùng và chạy thẳng tới khe núi Sacramento. Lúc ra khỏi khe, trước mắt ông là lớp cỏ xanh ánh bạc. Ai đã viết về những thứ đó nhỉ? Một người nào đó, rất hùng hồn. Có lẽ trong The Oxbow Incident, có lẽ ông đã đọc trong đó.
Ánh sáng rất đẹp, còn ông đã săn đuổi ánh sáng đẹp gần hết đời mình. Với thảm cỏ xanh ánh bạc và những cối xay gió cũ kỹ xa xa, sẽ có nhiều thứ để chụp nếu ông chọn. Nhưng không hiểu sao, ông thiếu hẳn sự khao khát chụp ảnh, và chỉ cảm thấy một nhu cầu không kiềm chế nổi là cứ đi, đi tiếp.
Thế là ông cứ đi. Theo đường 50, rẽ về phía Tây, qua một vùng không hề có dấu hiệu của người hoặc nhà ở dọc hai bên đường, kéo dài liên miên, cảnh hiu quạnh làm ông nhớ lại những năm tháng xa xưa. Cha ông mất từ năm mươi mốt năm trước, và chỉ riêng việc đó cũng đủ làm Kincaid cảm thấy già dặn. Bảy năm sau mẹ ông mất, vào năm 1937.
Ông nhớ lại tuổi thơ dài, lủi thủi một mình, như một điềm báo trước cách mà ông sẽ sống suốt đời. Không ham các môn thể thao hoặc các vũ điệu, chán và gần như đối kháng với nền giáo dục hình thức, không ngừng đè nén hoặc kiềm chế tinh thần Robert, cậu bé trở thành một người sống nội tâm, đọc mọi thứ có trong thư viện Barnesville, Ohio. Những cuốn sách, dòng sông, đồng cỏ là những người bạn tuổi thơ của Robert. Những cuộc trao đổi giữa giáo viên và cha mẹ Robert, những cố gắng sau đó nhằm đưa Robert vào khuôn phép và “theo đúng tiềm năng của mình” như một giáo viên nói, đều vô hiệu. Trong các kỳ thi, hình như Robert vẫn làm đủ tốt, và càng làm cho người khác giận dữ vì thái độ thiếu chú ý đến bài vở của cậu.
- Nếu tôi không hiểu nó, tôi sẽ bảo thằng bé này nhận thẳng dòng máu từ cụ Artemas Kincaid, - một buổi tối, cha của Robert nhận xét sau giờ làm việc từ nhà máy làm van về. - Trở lại hàng mấy thế hệ sẽ tìm thấy cụ Arteraas ở tận sông Mississippi, kiếm sống bằng cây đàn banjo và là tay chơi bi-a sừng sỏ. Thằng bé này có cách đi hiếu động và nhiều nết khác của cụ Artemas.
Cha mẹ Robert vẫn hơi than phiền vì việc đó. Robert lớn lên, kín đáo và lễ độ, không gây phiền hà gì cho họ, ngoài việc không ngừng tránh né trường học, trong các mùa hè, Robert kiếm được việc gì cũng làm. Lên trung học, có một kho chứa gỗ nhận Robert và cho cậu việc làm suốt hai mùa hè sau. Cuộc Đại Suy thoái lan đến lúc Robert vừa tốt nghiệp trung học, và cha cậu vừa mất trước đó một tháng, cậu đăng lính để đỡ đần mẹ và chính mình. Trong quân đội, Robert làm trợ lý một nhà nhiếp ảnh, và khám phá ra đó là công việc cả đời mình.
Với phụ nữ, Robert quan hệ tương đối ít. Ít, nhưng đủ. Robert không phải người lăng nhăng, tuy có thể thoải mái ở những nơi mà công việc và cơ hội cho phép. Vài mối tình ngắn ngủi, một cuộc hôn nhân ngắn ngủi lúc giữa đời, và chấm dứt vì những chuyến công tác dài, vắng mặt liên miên. Rồi đến Francesca Johnson. Từ Francesca, ông không thấy hứng thú gì với đàn bà. Không phải vì cố tình chung thủy mà ông sống suốt mười sáu năm hoàn toàn độc thân, cũng không phải là chịu đựng. Chỉ vì sau Francesca, ông không còn hứng thú.
Mà thôi. Thời gian ông sống với bà là một khoảng ngắn ngủi và ngoài ranh giới những ngày đó, không còn một nhu cầu lãng mạn nào.
Sự thể là như thế. Từ rất sớm, tàu hỏa và tàu thủy chở hàng, cho đến các loại thủy phi cơ cỡ lớn và những chiếc DC-3 làm khả năng di chuyển những khoảng cách dài nhanh hơn nhiều. Sau đó là những chiếc 707. Dùng lạc đà và xe jeep trong sa mạc Sahara và Rajasthan. Hai lần cưỡi la, một lần cưỡi ngựa, tuy Kincaid chưa bao giờ học cưỡi những loài đó thành thạo. Năm 1939 ở Mông Cổ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài một con ngựa, khi ông làm một bài tường thuật về các đế chế Mongol và chạy không ngừng trên các thảo nguyên mênh mông, xa tít tắp suốt chín tuần lễ, theo vết các con đường chiến trận của Khan Vĩ đại .
Ông đã trải qua nhiều trận oanh kích. Ngoài cuộc chiến tranh với vô số những vết xây xước và bầm tím, nói chung ông là người khá may mắn. Vài vết rách ở bắp thịt, vỡ mắt cá chân ở Maine, chảy máu đầu ở Congo khi con thuyền bị lật úp dưới vực Stanley. Bệnh sốt vàng da suýt chết vì muỗi ở Brazil. Một bà xơ Công giáo đã chăm sóc ông suốt thời kỳ kinh khủng đó, an ủi trong những lúc ông tỉnh táo:
- Ông Kincaid, mới là ngày thứ tư trong thời gian nguy kịch là tám ngày. Ông phải kiên trì trong tám ngày và rồi tự khắc ông sẽ khỏe lại cho mà xem.
Ông khỏe lại, tuy suốt mấy tuần sau da vẫn còn nhiều dấu vết của bệnh vàng da.
Robert Kincaid nghĩ đến mọi chuyện này lúc ông lái xe trên đường 50, xa rời vùng cỏ xanh ánh bạc và băng qua những quả núi Shoshones khô khốc.
Ông nói to với con chó:
- Khỉ thật, Con Đường ạ, cũng hay hay khi ta nhớ lại đời mình, những khiếm khuyết và đủ thứ, và mi là một trong những thứ tốt đẹp nhất đấy. Mi có biết thế không, hả ? Khi chúng ta về đến nhà, ta sẽ hỏi tin ở Winterset, Iowa, và hỏi số điện thoại của ông Richard Johnson. Để xem dữ liệu sẽ cho ta biết những gì. Lẽ ra ta nên làm thế khi chúng ta còn ở đó. Không, như thế không đúng. Ta bị trói buộc vì bao nỗi nhớ tiếc quá khứ và không nghĩ ra. Vả lại, có thể vì ta không muốn nghĩ đến, vì một lý do nào đó.
Con Đường đứng lên và liếm vào một bên mặt Kincaid. Kincaid vòng tay ôm con chó lúc cả hai lao xuống khỏi Shoshones, Reno vẫn còn xa tít phía trước. Dường như cả Kincaid và con chó đều mỉm cười khi bắt đầu tìm một chỗ để qua đêm Chủ nhật.

Shorty

Sau khi đổi máy bay ở Denver, Carlisle McMillan xuống Seattle vào chiều ngày thứ Hai. Tối thứ Ba, Cú Muỗi Cummings chơi nhạc ở Shorty. Carlisle đã được khẳng định qua điện thoại, trước khi đặt vé.
- Vâng, Cú Muỗi biểu diễn vao các tối ngày thứ Ba suốt năm năm nay. Tôi cho rằng tối thứ Ba tới, ông ta sẽ ở đây như thường lệ, - người bồi rượu nói.
Carlisle nhận phòng ở một khách sạn trong khu thương mại, rồi đi loanh quanh trong một ngày nắng đẹp hiếm hoi của mùa này ở Seattle; anh cảm thấy hơi phân vân vì có quá nhiều người đến và đi. Trong mươi phút, anh nhìn thấy nhiều người xoay tít quanh anh hơn trong mười năm ở Salamander, Nam Dakota. Cuộc dạo chơi ngẫu nhiên đưa anh tới phố Spring, và mới được nửa chừng là khối nhà có câu lạc bộ Shorty, đúng nơi người ta bảo anh.
* * *
Đúng hôm thứ Hai đó, ở đầu kia của Reno và rẽ hướng Tây vào California, Robert Kincaid ghé vào một thị trấn tên là Soda Springs chỉ vì ông thích cái tên đó. Ông thay dầu cho chiếc Harry và mua tạp phẩm, chất vào cái thùng lạnh mòn vẹt nào kem, bánh mì, hoa quả và rau tươi, và tất nhiên là những thanh kẹo Milky Way. Giữa trưa, ông vòng khoảng ba chục dặm qua hồ Clear và hai giờ sau, đến Thái Bình Dương ở pháo đài Bragg. Cách chọn đường không hẳn là tùy hứng. Ông có thể nhanh chóng quyết định đi theo những con đường ít người qua lại, nhưng ông biết vì sao lại chọn đường này: pháo đài Brasg, California chỉ cách Mendocino mười dặm về phía bắc.
Bóng tối đã bao trùm khoảng hai mươi phút và các cửa hàng đang đóng, Robert Kincaid rời đường Một vào Mendocino lúc cuối chiều. Ông đỗ xe ở khu nhà đối diện với phòng trưng bày nghệ thuật, để Con Đường lại trong xe và đi trên vỉa hè, cho đến lúc trông thấy các bức ảnh của Heather Michaels bày trong cửa kính.
Kincaid dừng lại bên cửa, không biết chính xác sẽ làm gì hoặc nói gì với người phụ nữ mà ông nhìn thấy trong chuyến thăm Mendocino gần đây, và ông giật mình khi thấy bà hiện ra ở bên kia cửa kính. Wynn McMillan cầm tấm biển “Mở cửa” đung đưa trên một sợi dây và quay mặt “Đóng cửa” ra. Làm được nửa chừng, bà ngừng lại, tay trái vẫn cầm tấm biển. Bà nhìn chăm chú qua lớp kính vào người đàn ông cao, gầy, mớ tóc hoa râm dài, đeo dây quần, quần jeans, áo len dài tay màu đen, con dao đeo ở thắt lưng. Bà chợt nhớ ra bài giảng ngắn về việc cần đeo dây quần trên bãi biển ở Big Sur gần bốn chục năm trước.
Hình như thời gian tự quay trở lại, bà từ từ mở cửa và đứng một lát, nhìn vào cặp mắt xanh biếc, điềm tĩnh trên gương mặt rám nắng và đầy nếp nhăn vì nhiều năm dãi dầu dưới nắng. Người đàn ông liếm môi như định nói, nhưng dường như không thể thốt nên lời. Ông cố nói lần nữa và lại thất bại. Ông nhìn đôi giày ống của mình, rồi nhìn người đàn bà, gương mặt ông nghiêm trang và thoáng ửng hồng.
- Tôi tên là Robert Kincaid, - ông nói, rồi không biết nói gì nữa.
Wynn McMillan mỉm cười dịu dàng:
- Em nghĩ có lẽ chúng ta đă quen biết nhau, từ trước đây rất lâu.
* * *
Trong nhà hàng và bar Sea Gull, Wynn McMillan ngồi ở bàn, đối diện với Robert Kincaid. Những ngọn gió tây bắc đầu tiên thổi vào đại dương thành sóng bạc đầu, và tiếng sóng đập vào những tảng đá ven bờ nghe rất rõ qua cửa sổ mở. Kincaid gọi bia, Wynn chọn vang trắng. Ông đan hai bàn tay trên bàn và nhìn chúng đăm đăm, rồi ngước mắt ngắm Wynn McMillan và mỉm cười, cố nghĩ ra câu gì để nói. Nhưng ông chỉ có thể buột ra một tiếng thở dài, chầm chậm, dường như ông đã giữ nó một thời gian, và để nụ cười ngập ngừng lan trên mặt.
- Là anh phải không? Chắc chắn chứ? - Wynn hỏi, nửa như nói chuyện, nửa như muốn khẳng định lần cuối.
- Nếu em hỏi về người đàn ông cưỡi xe máy vào Big Sur năm 1945 và làm tình với một cô gái xinh xắn, trẻ trung chơi xenlô trên một bãi biển hẻo lánh, thì câu trả lời là đúng, - ông nói. - Việc này rất khó xử cho tôi, và chắc với em cũng vậy.
Họ ngồi như những người bạn cũ hơn là những người tình. Big Sur là một quãng đường xa xăm về trước, và hồi đó họ ở bên nhau chỉ có vài ngày.
- Anh đã đến Mendocino tuần trước phải không? - Wynn hỏi.
- Phải. Tôi nhìn qua cửa kính của gallery và thấy em. Tôi không nhận ra em, ngoài cách em cử động đôi bàn tay và vấn tóc y như hồi ấy, thỉnh thoảng em lại sờ lên cái lược.
Robert Kincaid nhìn thẳng vào Wynn McMillan, và ông nhận thấy sự cách biệt mười ba năm về tuổi tác của họ lúc này dường như lớn hơn hồi năm 1945. Ở tuổi sáu mươi tám, ông đã ở bên rìa tuổi già và biết vậy. Nhưng bà mới năm mươi nhăm và vẫn giữ dược một số nét trẻ trung.
- Em vẫn chơi xenlô chứ? - Ông hỏi.
- Vâng, phần lớn là với bạn bè thôi. Thỉnh thoảng, bọn em tổ chức những buổi hòa nhạc nhỏ ở đây. Còn anh? vẫn chụp ảnh ư?
- Phải, trong suốt những năm ấy tôi lang thang trên đường khá nhiều. Nhiều công việc ở nước ngoài nữa. - Ông uống cạn cốc bia, đúng lúc người hầu bàn ghé qua. Kincaid gọi cốc bia thứ hai. Ông rút bao Camel ra, nhưng nhận thấy không có gạt tàn trên bàn, và lại đút vào túi. - Sau khi rời Big Sur, tôi đã viết cho em hai hoặc ba lần, - ông nói, lúc người hầu bàn đi khỏi.
- Sau khi anh đi, em ở lại đấy không lâu. - Bà chỉ nói thế, và thế là đủ giải thích cho việc không bao giờ nhận được thư từ.
Phần tiếp theo sẽ khó nói hơn, và Wynn McMillan phân vân một lúc, liệu có cần nhắc tới Carlisle không. Bà quyết định người đàn ông này có quyền được biết, người mà họ của ông bà còn chưa nhớ ra, cho đến khi ông tự giới thiệu hai mươi phút trước.
- Anh có kết hôn, có gia đình không? - Bà hỏi, như một cách chuyển vào chủ đề.
- Tôi cưới một phụ nữ dễ thương vào năm 1953. Chúng tôi đã ly hôn sau đó vài năm, không có con. Công việc của tôi không thuận lợi cho hôn nhân, tôi phải đi quá nhiều. Còn em?
Đây là lúc để nói. Wynn McMillan nhấm nhấm ly vang một lát, nhìn ra ngoài cửa sổ vào làn nước xôn xao, Thái Bình Dương chuyển động dữ dội hơn khi gió tây bắc làm thủy triều mạnh thêm. Hai nam và một nữ ngồi cùng nhau ở quầy phá lên cười đinh tai vì một câu mà người bồi rượu vừa nói. Kincaid liếc nhìn nhiều loại di vật của biển cả trang trí các bức tường nhà hàng, rồi lại nhìn xoáy vào Wynn McMillan lúc bà bắt đầu nói.
- Hồi ngoài ba mươi tuổi, em kết hôn với một người trong sáu năm, - bà kể. - Ước mơ thành nhạc công xenlô trong dàn giao hưởng đã tàn, có lẽ vì em không bao giờ đủ giỏi giang về mặt kỹ thuật, cũng có lẽ vì thành kiến với phụ nữ của các giám đốc nghệ thuật hồi ấy. Dù sao, em cũng chuyển hướng quá nhanh và loạng choạng lao vào một cuộc hôn nhân mà ngay từ đầu, em đã thấy là một ý tưởng ngu ngốc, và thời gian trôi qua, em càng thấy rõ nhiều thứ hơn. Tuy vậy, em hạnh phúc. Em đã gặp vài người đàn ông dễ thương ở đây, trên bờ biển phía bắc này. - Bà đang tránh né điều mà bà biết là phải nói và nhận ra.
Người hầu bàn trở lại, mang bia cho Kincaid và bỏ đi.
- Em không có con ư? - Kincaid hỏi, ông kéo thẳng một dây đeo quần, chỉnh lại thắt lưng, sờ con dao đeo ở đó.
Wynn McMillan nhớ lại những động tác này từ những ngày họ ở Big Sur, Robert Kincaid kiểm tra xem trang bị có đâu vào đấy không, để biết chắc mọi thứ đã sẵn sàng. Bà sửa lại khăn ăn trên lòng, bỏ kính và đặt lên bàn. Sau khi nhìn ông một lúc lâu, bà vươn tay và nắm bàn tay ông vào trong tay bà.
- Chúng ta... chúng ta có một con trai, Robert Kincaid ạ... anh và em có một đứa con trai. Tên nó là Carlisle.
* * *
Sáng ngày thứ Ba, Carlisle McMillan ghé vào tòa soạn tờ Seattle Times và tự giới thiệu với Ed Mullins, biên tập viên ảnh đã nói chuyện với anh qua điện thoại.
- Chào anh McMillan. Rất mừng anh đã ghé vào. Tôi không biết anh có ý định tới Seattle. Tôi đã tìm ra tác phẩm “Những thanh sắt bỏ trên cao” của Kincaid tối hôm qua. Nó ở trong ô tài liệu đề “tàu hỏa”, vì một lý do ngớ ngẩn nào đó. Lẽ ra phải đề “Kincaid”. Như thế càng ấn tượng hơn. Chúng ta hãy đến máy Xeros kia kìa, tôi sẽ chụp cho anh một bản.
Hình như Mullins quá bận, điện thoại của anh reo không ngừng, nhiều người tạt vào bàn hỏi nhiều câu hoặc gợi ý, đề nghị các đề tài. Sau khi chụp bài báo, Carlisle cảm ơn biên tập viên lần nữa và ra đi. Ở khách sạn, anh uống một cốc bia vào bữa trưa, vừa ăn vừa đọc bài báo và sau đó ngủ một giấc dài. Anh chi muốn giết thời gian, càng đến gần thời điểm quyết định, anh càng có cảm giác đề phòng. Cú Muỗi Cummings sẽ lên sân khấu lúc chín giờ. Khi Carlisle tỉnh giấc, anh vẫn còn sáu tiếng nữa để đợi. Anh quyết định khoảng tám giờ sẽ đến Shorty, phòng trường hợp Robert Kincaid đến sớm.
Trong lúc anh tập dượt những lời sẽ nói, hình như chẳng có lời nào ổn. Tất cả dường như quá tò mò, tọc mạch, nếu không xấc xược. Từ những điều anh biết qua cuộc trò chuyện với biên tập viên và cuộc gặp ngắn ngủi với Goat Phillips - anh ta đã rời phòng làm ảnh vài phút để nói chuyện với Carlisle, - anh biết Kincaid là người khép kín và hình như khó tiếp cận. Thực ra, họ coi ông là người lập dị.
Carlisle tập những câu có thể nói với Kincaid, và càng tập, anh càng thấy ngớ ngẩn. Trên thực tế, nói toạc chuyện này ra thật tức cười.
- Xin chào, tôi là Carlisle McMillan, và tôi có lý do để tin rằng có thể tôi là con hoang của ông.
Hoặc:
- Xin chào, tôi nghe nói ông có một chiếc mô tô Ariel Four. Một loại xe máy kinh khủng. Hoặc:
- Chào ông. Ông đã từng làm tình với một phụ nữ ở Big Sur, Califomia?
Hay có thể là:
- Ông đã từng nghe về một phụ nữ chơi xenlô tên là Wynn McMillan bao giờ chưa?
Với mức độ “khéo léo” như thế, cũng dễ hiểu nếu Kincaid đứng phắt dậy và bỏ đi, nếu không chạy ra khỏi cửa, kết thúc toàn bộ sự việc mãi mãi.
Cuối cùng, Carlisle quyết định sẽ làm giống như quy trình của nghề mộc. Cứ đến Shorty, liếc qua một cái rồi lúc đó sẽ bắt đầu hình dung công việc. Bảy giờ, ngoài cửa sổ, thành phố đã lên đèn, anh mặc cái quần kaki thụng, sơmi flanen và áo khoác da.
Thang máy đưa anh tới hành lang. Đường phố đưa anh tới Shorty.
Người gác cửa nói vé vào cửa là ba đôla.
Ông ta nói thêm:
- Ở đây chỉ có một bàn hai chỗ, ở cạnh tường kia kìa, và Cú Muỗi của chúng tôi thường dành riêng cho một người bạn của ông ấy, gần như tối thứ Ba nào cũng tới. Vì anh chỉ có một mình, chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu anh ngồi ở quầy.
Carlisle nói anh hiểu, và ngồi bên quầy, anh gọi bia, nhìn đăm đăm vào cái bàn gần tường có biển “Dành riêng” nghễu nghện trên tấm khăn trải bàn kẻ ô vuông màu xanh lơ. Trên sân khấu nhỏ cách cái bàn dành riêng ấy không xa, một tay trống đang điều chỉnh đồ nghề.
* * *
Robert Kincaid và Wynn McMillan trò chuyện gần hết đêm thứ Hai. Dở chừng câu chuyện, ông chợt nhớ ra, ân hận và tự trách mình vẫn để Con Đường trên xe. Họ cùng Con Đường đi trong gió mạnh, mây che kín một phần tư mặt trăng. Bà kể với ông những năm nuôi dạy Carlisle, và trở lại nhà hàng họ đã đặt bữa ăn muộn, bà miêu tả dưới bàn tay huấn luyện của một người tên là Cody Marx, con trai họ đã thành một thợ mộc cừ khôi.
Wynn McMillan kể với ông về việc Carlisle đi tìm một người đàn ông tên là Robert Kincaid, anh đã tìm ra cái tên này qua cuộc tìm kiếm, kết hợp với những gì mà bà còn nhớ được. Kincaid lắng nghe, cố điều chỉnh thầm trong tấm trí, thay đổi sao cho cuộc đời ông dường như bỗng nằm ở phía trước và đằng sau ông. Cho đến lúc này, những sự thật thầm kín của ông, ý nghĩa lớn lao là người đơn độc trên đời bỗng lẫn lộn lung tung vì những điều Wynn McMillan kể với ông suốt bốn giờ qua.
Khoảng mười một giờ, bà nói:
- Robert à, em nghĩ chúng ta nên gọi điện cho Carlisle và bảo nó là anh đang ở đây.
Kincaid đồng ý và cùng bà tới bốt điện thoại công cộng ở sau quán bar. Vào giờ đó, khách còn đông nửa quán và vẫn trò chuyện náo nhiệt. Wynn quay số của Carlisle ở Nam Dakota và cuối cùng đặt lại ống nghe sau mười hồi chuông.
- Trời mới biết thằng bé ở đâu, - bà nói và mỉm cười. - Nó hơi giống bố nó, luôn di chuyển đây đó. Em hơi chán không khí quán bar rồi, và nếu anh không ngại, có lẽ chúng ta về nhà em và nói chuyện tiếp.
Sau đó, khoảng hơn một giờ sáng, ông đề nghị bà chơi cho ông nghe bản nhạc bà đã chơi ở Big Sur. Wynn ngồi trên cái ghế lưng thẳng và chơi nhạc phẩm của Schubert. Robert Kincaid ngồi trên cái xích đu bằng gỗ, lắng nghe, đầu cúi xuống, hai bàn tay đan vào nhau trên lòng.
Lúc bà chơi xong, ông cảm ơn và nói:
- Wynn, anh luôn nhớ cát ấm biết chừng nào trong tháng Chín năm 1945. Đó là một trong những điều anh luôn nhớ.
Wynn nghiêng đầu và dịu dàng mỉm cười với ông.
- Em biết, Robert Kincaid ạ. Em cũng nhớ như thế.
Kincaid có một công việc nhỏ, chụp ảnh minh họa cho tạp chí Seattle ra hàng tháng. Họ sẽ trả ba trăm đôla, và ông cần tiền. Wynn và ông đã thỏa thuận, bằng cách này hay cách khác, ba người - Wynn, Kincaid và Carlisle - sẽ gặp và chia sẻ thời gian cùng nhau.
- Em không chắc chúng ta có đủ tư cách thành một gia đình, - bà nói. - Nhưng dường như là một việc đúng đắn cho tất cả chúng ta ngồi và lắng nghe các câu chuyện về cuộc sống của nhau, những việc chúng ta đã làm và chưa làm, kể lại những thất bại và nhớ đến những thành công.
Ông tình nguyện lái xe đưa bà đến Nam Dakota, nếu cần. Nhưng vì công việc, Wynn nói sẽ bảo Carlisle về thăm nhà và rất có thể anh sẽ bay ngay chuyến đầu tiên sau khi nghe mẹ kể diễn biến của sự việc.
Wynn mời Kincaid nghỉ lại trên chiếc đivăng, song ông lịch thiệp từ chối, nói ông thích gặp bà để ăn sáng, và như thế hay hơn. Ông cảm thấy cần phải ở một mình, suy nghĩ và sắp xếp mọi điều Wynn kể với ông theo đúng trình tự.
Sáng hôm sau, ngày thứ Ba, hai người đứng cạnh xe ông một lúc, vì ông đã sẵn sàng về Seattle. Trong ánh nắng, lúc Kincaid thanh thản thò tay vào cửa xe vỗ về Con Đường, bà có thể nhận ra những dấu vết riêng của chàng trai cưỡi xe máy ở Big Sur. Hiện giờ ông hơi lê chân một chút, nhưng đôi vai rộng và thân hình mảnh dẻ vẫn không thay đổi. Và xúc cảm mãnh liệt vẫn y nguyên. Cái nhìn mà bà vẫn nhớ, cái nhìn thấu suốt và xa hơn bất cứ thứ gì ông nhìn thấy, chỉ ông mới có thể nhìn thấy và không thể nói thành lời, trừ diễn đạt qua ống kính máy ảnh của ông.
Bà mỉm cười với ông. Ông giơ tay bắt tay bà và bước tới, vòng tay ôm bà và ngửi mùi tóc bà như ông đã ngửi trên bãi biển ở Big Sur, ba mươi sáu năm trước. Bà tựa đầu lên ngực ông và chỉ ra đại dương:
- Vào tháng Ba, cá voi vẫn đến, - bà thì thầm.
* * *
Cú Muỗi Cummings bước lên sân khấu lúc chín giờ hai phút, tiếng vỗ tay ran khắp ba phần tư phòng, ông bắt đầu bật ngón tay và tiếng vỗ tay lặng bặt. Ông nâng cây kèn xắcxô têno Selmer đã cũ lên. Nhóm tứ tấu ngừng và bắt đầu bài Đêm huyền diệu, tiếng kèn têno của Cú Muỗi uyển chuyển, mượt mà, những thanh âm sắc, lạnh của khúc nhạc pop ẩn dưới sự dịu ngọt.
Cái bàn dành riêng gần tường vẫn trống. Carlisle McMillan cố tập trung vào tiếng nhạc, nhưng không thể. Cứ mỗi phút anh lại nhìn cái bàn, rồi nhìn ra cửa.
Là con trai của Wynn McMillan, nhạc công xenlô, được dạy dỗ cẩn thận nên thẩm âm của Carlisle McMillan khá sành, nhưng không phải cho dòng nhạc này. Tuy Cú Muỗi Cummings đã giới thiệu bài, ông nói vào micro rất dịu nhẹ và khẽ khàng như thể ai cũng biết tên các bản nhạc, ông nhắc đến chúng chỉ là hình thức chứ không phải vì cần thiết. Carlisle nghe được một bài là phố Cá heo xanh, bài khác là Oleo do một người nào đấy có họ Rollins viết, còn anh không thể nghe được Cú Muỗi nói tên là gì.
(Sonny Rollins, sinh năm 1930, nhạc công xắcxô nổi tiếng của Mỹ, được coi là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhạc jazz)
Sau phần đầu tiên, cái bàn hai chỗ duy nhất, dành riêng vẫn để trống, Cú Muỗi Cummings đến quầy và gọi một ly Glenlivet. Ông đứng cách Carlisle độ một mét và dựa vào quầy, nhấp từng ngụm và quan sát đám đông. Nhiều người dừng lại, những người hâm mộ thân thiết, căn cứ vào cách họ bắt tay nhau và trò chuyện rất am hiểu về âm nhạc.
- Phải, - Cú Muỗi nói với một người trong bọn, kiểu nói của ông khẽ khàng, lôi cuốn. - Joey đánh một hợp âm phụ thứ bảy, ngay trước âm chủ - anh ấy thường không làm thế trong bản Những ngôi sao rơi xuống Alabama - và tôi nghe như có một âm thanh trong đầu mà tôi không sao kết hợp được với hòa âm trước đó.
Một người khác yêu cầu bài Lá thu, Cú Muỗi liền đáp:
- Chúng tôi sắp chơi bài ấy, có lẽ ở phần sau. Có một người bạn của tôi luôn thích nghe bài này, và tôi đang đợi xem tối nay ông ấy có đến không.
Lúc chỉ còn một mình, Cú Muỗi liếc nhìn Carlisle và nói:
- Xin chào. Tôi không nghĩ trước đây đã gặp cậu ở câu lạc bộ này.
- Tôi đến đây vì một lý do đặc biệt, - Carlisle mỉm cười.
Cú Muỗi nheo mắt lại:
- Có thể là gì đây?
- Tôi đang tìm một người tên là Robert Kincaid.
Mặt Cú Muỗi thản nhiên:
- Tại sao cậu tìm người có tên đó?
Carlisle nói một hơi về cây phả hệ, hy vọng Cú Muỗi có thể cho biết tin tức. Cú Muỗi nhấp một ngụm Glenlivet nữa và lặng thinh.
Sau khi đợi một lát cho phải phép, Carlisle nói tiếp:
- Tôi biết ông ấy sắp tới đây, ông và ông ấy có lẽ là bạn.
- Nếu chúng tôi là bạn, tôi sẽ không nói gì hết. Tôi không bao giờ nói về bạn bè trừ khi họ muốn tôi nói. Đấy là một cách hay để không mất những người bạn tốt. Rất vui được gặp cậu. Tôi phải đi chuẩn bị cho phần sau đây.
Cú Muỗi tiến thẳng đến chỗ sân khấu, cầm cây xắcxô têno lên và thư giãn, những ngón tay màu đen của ông lướt trên các phím màu vàng nhanh đến khó tin trong các gam Mi giáng trưởng, trong lúc ba nhạc công kia vào chỗ.
* * *
Tám giờ tối thứ Ba, Robert Kincaid về đến nhà, cho Con Đường ăn và dọn giường cho mình. Ông ngồi trong bếp và nhớ lại mọi thứ.
Wynn McMillan kể với ông. Một cuộc đời kỳ lạ, trong hai mươi tư giờ qua càng trở nên kỳ lạ hơn. Ông đến tủ đựng tài liệu và lấy ra một hộp ảnh. Ông ngồi đó một lúc, ngắm Francesca Johnson. Vài ngày trước, ông đã đứng trong không gian của bà và nhớ lại.
Trời ạ, ông vẫn yêu bà biết bao, dẫu ông phải thừa nhận với mình rằng những việc như thế nhớ lại thường đẹp hơn là có thực.
Về mặt nào đó, Francesca nên biết về Wynn và Carlisle. Ông không chắc vì sao lại cần như thế, hình như lúc ấy ông thấy thế là đúng, là một việc chân thành và trung thực. Ba năm trước, ông đã để lại cho luật sư của ông một bức thư. Trong thư chỉ dẫn nếu có chuyện xảy ra với ông, luật sư sẽ gửi bức thư này cùng những thứ kèm theo tới một địa chỉ ở quận Madison, Iowa. Ông quyết định thảo lại bức thư và sẽ gửi đến văn phòng luật sư nếu có dịp.
Nhìn đăm đăm bức ảnh Francesca, ông bắt đầu khóc, và tiếng khóc biến thành những tiếng thổn thức, tắc nghẹn, không rõ ràng. “Lạy Chúa... Chúa ơi... suốt thời gian này... tất cả thời gian này, tất cả... suốt thời gian dài cô đơn, khốn nạn này... mình đã không chỉ có một mình”. Con Đường đến ngồi cạnh ông, huých vào cánh tay Kincaid.
Lúc này, Robert Kincaid phải đương đầu với mặc cảm tội lỗi sâu sắc. Có lỗi vì sinh ra một đứa con trai mà không ở đó, đỡ đần Wynn McMillan trong những năm nuôi dạy Carlisle. Wynn đã cố hết sức giảm nhẹ lỗi ấy, bà nói chưa bao giờ bà hối tiếc đã sinh ra Carlisle và không có cách nào để Kincaid biết.
Lời lẽ của bà làm nhẹ đi chút ít, nhưng Kincaid biết ông sẽ mang cảm giác có lỗi suốt phần đời còn lại. Hoàn cảnh là một việc, còn thực tế ông không ở đó là một việc khác hẳn, và chẳng có cách nào dung hòa với điều ấy. Có lẽ ông sẽ đền bù cho bà và Carlisle bằng cách nào đó.
Ba mươi phút sau, ông xem đồng hồ. Chín giờ. Thời tiết bên ngoài tốt, và Cú Muỗi đang biểu diễn rồi đây. Khỉ thật, người vừa đến gần Francesca Johnson lần nữa và cũng vừa phác hiện ra mình có một đứa con trai, ông ta chưa bao giờ biết nên làm gì để kỷ niệm hoặc ít ra để đánh dấu sự kiện này. Một tình yêu lớn đã mất, một đứa con trai được tìm thấy. Người ta không thể bỏ cái này lấy cái kia, những thứ quá ư khác nhau, kể cả sự thăng bằng trước kia ông chưa bao giờ cảm thấy, đã bước vào đời ông. Ông có thể bắt kịp chuyến phà mười giờ.
Kincaid tới chỗ Con Đường nằm dài trên tấm chăn cũ. Ông ngồi xổm xuống và vuốt ve con chó.
- Lát nữa ta sẽ trở lại, anh bạn của ta ạ. Ta sắp đi thăm ông bạn Cú Muỗi của chúng ta.
Ông mặc áo khoác và nhẹ nhàng khép cửa lại sau lưng.
* * *
Carlisle kéo cánh tay áo khoác da lên, xem giờ. Anh chảy nước mắt vì khói thuốc tỏa khắp Shorty, anh chớp chớp hai lần và cố nhìn đồng hồ. Mười giờ rưỡi, cái bàn hai chỗ dành riêng vẫn để trống. Anh đổi chỗ, gọi cốc bia thứ ba trong một buổi tối.
Cú Muỗi Cummings và cả nhóm thực sự hâm nóng không khí, họ chơi hết bản Không có nghĩa gì của Ellington. Cú Muỗi lùi lại, để người chơi dương cầm độc tấu trong lúc nhạc công chơi bass gập người trên cây đàn, bàn tay nghều ngào lướt khắp phím. Người đánh trống lắc lư đầu, nhấn mạnh ở chỗ cần nhấn. Carlisle nhận ra Cú Muỗi cười toét miệng và giơ tay chào rất tế nhị về phía cửa Shorty.
Carlisle xoay ghế và nhìn thấy một người đàn ông tóc dài, hoa râm bước vào. Bàn tay anh chợt toát mồ hôi lúc quan sát ông ta đi qua các bàn và đến ngồi ở cái bàn hai chỗ cạnh tường. Nhờ các bức ảnh đã xem trong tờ National Geographic, anh biết chắc người đó là Robert Kincaid. Người phục vụ đến bên bàn, mang cho Kincaid một chai bia không cần chờ ông gọi, và cất tấm biển “Dành riêng” đi. Cú Muỗi cầm cây kèn têno và cùng người chơi dương cầm chơi bốn tay.
Sau hai bài, Cú Muỗi nói vào micro:
- Tôi sẽ chơi một bài tặng người bạn thân của tôi. Tôi đã sáng tác bài này một thời gian trước, và đặt tên là Francesca.
Cú Muỗi thổi một nhịp chậm rồi tiếp đó là một tiếng sâu trong cổ, du dương trong nhịp đầu tiên, phát âm rõ ràng tên người phụ nữ.
Người đàn ông ngồi ở bàn hai chỗ chải mớ tóc ra sau bằng cả hai bàn tay. Ông ta nhô về phía trước, các ngón tay ôm lấy chai bia và đăm đăm nhìn cái chai, lắng nghe.
Ở điệp khúc thứ hai, Cú Muỗi hạ cây kèn xuống và bắt đầu hát bằng giọng nam trung đầy lôi cuốn:
Francesca, anh rất nhớ em và những con đường xưa của mùa hè.
Em đeo vòng bạc
lúc những ngày dài vàng óng...
Đến cuối bài hát, người chơi dương cầm cùng cả nhóm chuyển từ cung Si giáng sang Mi thứ và để Cú Muỗi giới thiệu là bài Lá thu. Cạnh tường, người đàn ông tóc hoa râm vẫn nhìn chằm chặp vào chai bia của mình. Lúc quan sát ông ta, Carlisle hiểu rằng mẹ anh có lý khi nhớ cặp mắt ông, cái nhìn già giặn của ông, già hơn những người suốt đời sống độc thân. Anh thử và không khó khăn gì, hình dung người đàn ông bên bàn là người cưỡi chiếc môtô phân khối lớn chạy dọc các rẻo đất Santa Lucia. Anh có thể thấy ông băng qua các cây cầu cao và lượn vào những khúc đường cong trong khi cô gái ôm eo ông, mớ tóc dài màu nâu của cô bay ra phía sau và rối bời trong gió.
Lúc Cú Muỗi kết thúc bài Lá thu bằng nửa cung ngân vang da diết, ông nhìn xuống Robert Kincaid ngồi đó một mình, cả con đường dài từ nơi nào đó, một nơi mà Cú Muỗi Cummings biết. Kincaid ngước nhìn Cú Muỗi, mỉm cười và gật đầu, cảm kích vì những bài hát.
- Cảm ơn rất nhiều. Tôi sẽ trở lại ngay. - Cú Muỗi nói vào micro và đặt cây kèn têno lên giá. Ông rời sân khấu và tiến đến cái bàn hai chỗ, ngồi xuống và bắt tay Kincaid. Lúc họ nói chuyện, Cú Muỗi hai lần đưa mắt về phía Carlisle McMillan ngồi bên quầy. Sau một, hai phút, người đàn ông tóc hoa râm nhìn Carlisle.
Có lẽ mình đã xử lý việc này một cách ngu dại, Carlisle nghĩ. Anh thấy rõ hai người này, Cú Muỗi và Robert Kincaid, là những con người đặc biệt, sống trong một vũ trụ hoàn toàn tách biệt với phần lớn mọi người và nhất là với thế hệ của mình. Không tự phụ, cũng không có thái độ coi thường như những người ở lứa tuổi sáu mươi và bảy mươi, mà hình như có vẻ khoan dung.
Robert Kincaid quay đầu lần nữa và nhìn chằm chằm vào Carlisle. Ông nói gì đó với Cú Muỗi, và người thổi kèn xắcxô đứng dậy, đi đến đầu kia quầy. Cú Muỗi gọi một Glenlivet và bắt đầu trò chuyện với người bồi rượu. Kincaid uống bia thêm lát nữa, nhớ lại bức ảnh Wynn McMillan mang theo tới bữa sáng. Điện thoại sau quầy bắt đầu reo lúc Kincaid đứng dậy, hơi tập tễnh bước tới chỗ Carlisle, ông mỉm nụ cười ấm áp và bao bọc của người cha không gặp con trai mình suốt một thời gian dài.

Những thời khắc lạ lùng

Carlisle ở lại Seattle thêm hai ngày nữa, và là những ngày lạ thường, anh và Robert Kincaid nói chuyện, chuyện mãi không dứt. Họ ngồi ở bàn bếp trong căn nhà gỗ nhỏ của Kincaid, nói chuyện như những người bạn mới hơn là như cha với con. Nếu mối quan hệ đó từng bị lãng quên, thì nay nó dài hơn là cái bắt tay và vài giờ trò chuyện. Nhưng người nọ nhìn người kia thực lâu và khắc nghiệt, cố đưa thứ hình như vừa thực vừa không thực vào tiêu điểm. Carlisle McMillan, con rơi của người cưỡi môtô lẻ loi, lúc này ngồi đối diện với anh qua cái bàn bếp. Robert Kincaid, con người của những nơi xa xôi và những giấc mơ vời vợi, lúc này vật lộn với ý niệm về đứa con trai mà ông có thể nhìn thấy mặt và nghe thấy tiếng nói của nó.
Kincaid vất vả tìm lời, ông nói và nói đi nói lại rằng ông rất ân hận đã không ở đó giúp Wynn và chứng kiến Carlisle lớn lên qua năm tháng.
- Ta đã viết thư cho mẹ con, Carlisle ạ, thực sự là có viết. Chúng ta chỉ mất dấu vết của nhau.
- Vâng, khi còn bé tôi đã khá giận và xấu hổ vì việc đó. - Carlisle nói và ngắm nghía căn nhà nhỏ bé. Cần làm lại trần, lộ nhiều vết bẩn ở chỗ mái bị dột và nước thấm qua. - Mẹ là người tinh tế, độc đáo trong suy nghĩ và nếp sống, nhưng thực sự cứng rắn theo kiểu của bà. Bà chưa bao giờ nói một lời không tốt về ông, bà thừa nhận mình chịu một nửa lỗi trong toàn bộ chuyện này.
Anh tiếp tục kể về Cody Marx, người thợ mộc và người thầy của anh. Kincaid chăm chú lắng nghe.
- Ta rất cảm ơn Cody Marx. Ông ấy còn sống không?
- Không ạ, ông ấy đã mất một thời gian rồi. Tôi rất khó tiếp nhận cái chết của ông ấy. Không có ông ấy, tôi không biết chắc rồi mình sẽ ra sao.
Carlisle lưỡng lự giây lát, rồi hỏi:
- Hồi ấy, ông có yêu Wynn không? Hay đây là một câu hỏi ngu xuẩn?
Kincaid nghịch nghịch bao thuốc lá Camel, rút một điếu và châm. Bao diêm mang một thông điệp ngắn: Khách sạn Sea Vieui - Nơi nên trở lại ở Astoria, Oregon. Ông hút thuốc, lòng bàn tay trái lau qua cằm.
- Không, nếu ta nói có là ít thật thà, Carlisle ạ. Chúng ta ở bên nhau không lâu. Với nhiều người trong chúng ta, thời ấy là những năm tháng không ổn định, cố giành lấy mạng sống và sau chiến tranh, phải chuẩn bị nhiều thứ. Ta nghĩ cả hai đều cảm thấy giữa chúng ta là một thứ lớn lao hơn là đùa cợt trên bãi biển, và không bao giờ định lẩn trốn. Hồi đó chúng ta có ý định đứng đắn, một đêm, Wynn và ta đã thỏa thuận như thế. Nhưng chúng ta đều trẻ, và... đấy là việc khó giải thích... - Ông lắc đầu, nhìn xuống đôi bàn tay trên bàn.
- Những năm qua, mẹ kể nhiều chuyện với tôi, - Carlisle nói, thẳng thắn với Robert Kincaid. - Rồi cuối cùng, tôi cũng gạt bỏ được nỗi giận. Tạm thời làm lành với mọi thứ. - Trong giây lát, anh thèm chấm hết câu bằng từ “bố”, nhưng không thể bắt mình dùng từ đó được. Quan hệ của anh với người đàn ông trước mặt là huyết thống, và có thể nhiều hơn một chút sau lúc ở bên nhau, nhưng từ “bố” hình như chưa đủ thích hợp với ông ta. Có lẽ vì chưa bao giờ anh được gọi từ đó.
Kincaid chấm chấm nhẹ mắt bằng chiếc khăn mùi soa to màu vàng, rút từ túi chiếc quần jeans bạc. Ông ngước nhìn Carlisle:
- Khỉ thật, bao năm phí hoài, Carlisle ạ, chúng ta không được làm nhiều việc cùng nhau... quá nhiều năm.
Ông giũ chiếc mùi soa:
- Xin lỗi, gần đây ta hay bị chảy nước mắt.
Carlisle McMillan cảm thấy mắt mình cũng ướt và với tay qua bàn, anh nắm chặt vai Robert Kincaid. Mặc dù tuổi tác và mảnh dẻ, cơ vai của ông vẫn còn khá rắn chắc. Trái tim lồng ảnh đeo ở cổ Kincaid và luồn vào trong sơmi bật ra, đung đưa dưới ánh đèn. Trái tim có khắc chữ, nhưng khó đọc vì nhiều vết xước và mờ xỉn. Sẽ có ngày Carlisle phải hỏi về trái tim đó, nhưng lúc này anh gạt đi.
- Tôi cho rằng người may mắn là người biết mặt cha mình. Tôi có thể nói mình là người may mắn. - Carlisle nói, vẫn nắm chặt vai Kincaid.
Anh hỏi có thể xem một số tác phẩm của Kincaid được không. Mặt Robert Kincaid tươi hẳn lên vì lời đề nghị đó, ông bắt đầu kéo ra những tấm kính ảnh trong các ngăn. Nếu lời lẽ khó đến với ông, hình ảnh là cách cho người con trai trước mặt ông biết ông đã sống cả đời ra sao. Ông lấy một tấm ván nhỏ, nhẹ, dễ mang đi và đặt lên bàn bếp. Cả buổi chiều và ngày hôm sau, họ cùng ngắm các tác phẩm của Kincaid. Robert Kincaid nói và nói mãi về những năm tháng trên đường, về bức ảnh này chụp bao giờ, chụp ở đâu, về mùi và ánh sáng của từng bức gợi nhớ cho ông. Carlisle nhận ra vài bức trong tờ National Geographic mà anh đã sao chụp.
Số phận tác phẩm của Kincaid khiến anh sửng sốt. Trong lúc phần lớn khá huy hoàng, có góc chụp đầy chất thơ, một số tác phẩm đen-trắng có độ tương phản cao lại thuộc khuynh hướng trừu tượng. Anh đặc biệt mê mẩn bức ảnh Khu ổ chuột ở ]akarta, Kincaid chụp cho một dự án của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc).
- Bức này long đong lắm, - Kincaid nói, hàm nghiến chặt lúc ngắm các bức ảnh dàn ra trên bàn. - Ta chỉ được công tác phí thôi, vì nó là việc đáng làm. Thỉnh thoảng, được làm những việc như thế này thật là hay. Giúp giải thoát những con người sống vật vờ, dường như bị coi là dưới mức phát triển của thế giới. Ở nơi đó, không chỉ có những con khỉ to lớn không đuôi, màu nâu đỏ và voi, không chỉ có những lễ hội đầy màu sắc, những cảnh hoàng hôn có nhiều sọc rất mảnh, và những con hồng hạc bay sang châu Phi.
Ông mở một hộp ảnh khác.
- Đây... Đây là bộ ảnh cá nhân ta làm năm ngoái về những người già ở trại dưỡng lão. Ta chụp tặng mỗi người một cái, chấm sửa, đóng khung, sẵn sàng để treo hoặc bày trên bàn giấy hay tặng gia đình nếu họ có, và phần lớn là không có. Ta thực sự hài lòng vì việc này. Họ rất phấn khởi, ăn vận đẹp đẽ để chụp. Một số người nằm liệt giường, nên ta phải sáng tạo sao cho trông không giống ở bệnh viện.
Robert Kincaid mỉm cười mãn nguyện lúc chọn các tấm ảnh, mỗi lần giơ một tấm cho Carlisle xem.
- Người này từng là một kỹ sư đường sắt, làm trên tuyến xe goòng ở miền tây của bang, bị đột quỵ hai lần và liệt một phần cơ thể. Người phụ nữ này là ca sĩ ở hộp đêm. Đây là người thu gom rác, thợ máy ôtô, người vẽ tranh minh họa truyện thiếu nhi, gái điếm. Ở trại dưỡng lão đó có hàng triệu câu chuyện, chỉ đợi người ghi lại thôi. - Ông xếp lại các bức ảnh vào hộp và mỉm cười lần nữa.
Tối hôm đó, trong lúc họ nấu bữa ăn giản dị, Kincaid quay sang con trai:
- Ta muốn xin con một ân huệ, Carlisle.
Carlisle đợi, không nói gì, nhưng anh nhận thấy Kincaid nói rất trang nghiêm.
- Ta rất muốn khi ta chết, con đốt hết những âm bản, kính ảnh và những bức ảnh này. Ta đã sắp xếp tất cả vào tủ tài liệu để trong bếp và một cái trong phòng ngủ.
Carlisle bắt đầu phản đối, nhưng Kincaid giơ tay ra hiệu anh đừng nói thêm gì nữa.
- Đây là việc phải làm, vì quan niệm về sự sống và cái chết gần như không thể giải thích bằng lời. Càng ngày, ta càng cảm thấy sâu sắc rằng thời gian và ta gắn bó như vợ với chồng, rằng ta chỉ là người cưỡi trên một mũi tên lớn. Cuộc đời ta xứng đáng với những thứ ta đã làm, và ta luôn nhìn thấy cuộc kiếm tìm sự bất tử không những vô ích mà còn lố lăng, giống những cỗ quan tài trau chuốt là sự cố gắng lâm ly để lảng tránh chu trình chuyển hóa của carbon.
Kincaid khuấy nồi súp rau, ngoái nhìn Carlisỉe và nói lúc ông khuấy cái muôi.
- Có một thực tế là những bức ảnh ta chụp đang trôi nổi khắp nơi, ở những nơi mà ta không có quyền phê bình nên sử dụng chúng ra sao và ở đâu. Người công nhân bến cảng ở Mombasa hoặc cô gái trên cánh đồng Mexico có thể bị đưa vào những cuốn sách hướng dẫn du lịch rẻ tiền. Bức ảnh chụp những người ra khơi trên con thuyền sáu mái chèo có thể bị dùng làm quảng cáo máy chèo thuyền. Tệ ngang thế, chúng có thể bị trưng bày để người ta đánh giá tác phẩm của ta trong lúc gặm bánh quy giòn với phó mát Pháp, lục lọi, nhìn ngược ngó xuôi để tìm cho ra những ý nghĩa thầm kín, sâu sắc trong các tấm ảnh, mà khởi đầu chẳng bao giờ có ý nghĩa thầm kín, sâu sắc nào hết. Chúng chỉ là những bức ảnh, thế thôi.
- Con có thể bảo đảm để không một việc nào như thế xảy ra, - Carlisle nói.
- Phải, ta tin con sẽ làm việc đó chừng nào con còn sống. Nhưng sau đó thì sao? - Kincaid lấy hai lon bia trong tủ lạnh và đưa một lon cho Carlisle. - Vả lại, các bức ảnh có thể bị đem dùng linh tinh hơn nữa. Như những thứ ta vừa nói lúc trước. Khi ta chết, ta muốn sàn nhà được quét sạch sau ta, mọi dấu vết không còn nữa, không còn gì để lại. Đấy chỉ là cách của ta thôi Carlisle ạ, chỉ là cách nhìn nhận sự việc của ta.
- Vâng. Con sẽ làm việc bố dặn, con hứa, mặc dù con mong bố cảm nhận khác đi.
Kincaid cảm ơn anh trong lúc nhìn xuống sàn, ông hơi rê rê đôi giày ống. Bỗng ông thở hổn hển và hơi cúi xuống, cảm thấy đau nhói ở ngực, một cơn choáng váng và nôn nao lại choán khắp người. Ông dựa vào tủ lạnh, mồ hôi rỏ từng giọt lớn trên mặt.
- Lạy Chúa tôi, có chuyện gì sao ? - Carlisle kêu lên và cúi xuống ông.
Kincaid xua tay, ra hiệu lùi lại.
- Một, hai phút là ta sẽ ổn thôi, chỉ là cái trò ngớ ngẩn của người già, - ông hổn hển. Gương mặt biến thành xám ngoét dưới làn da rám nắng, ông cố nín thở.
Carlisle đỡ ông lên ghế. Vài phút sau, Kincaid gượng mỉm cười và nói:
- Ổn rồi. Thỉnh thoảng lại có một cơn khỉ gió như thế. Nó qua là ta cảm thấy khỏe.
- Con đưa bố đến bác sĩ nhé? - Carlisle lo lắng gợi ý.
Con Đường tiến đến bên bàn và đặt cằm lên chân Kincaid.
- Không. Ta đi khám một lần rồi. - Ông lùa tay lên cổ con chó, những ngón tay sục vào lớp lông dày của nó. - Bác sĩ nói ta không sao, chỉ là chuyện vớ vẩn, nhịp tim bất thường hoặc một thứ gì đại loại thế. Nó qua rồi. Ta học cách sống với nó.
Carlisle không tin ông, nhưng đành thôi. Rõ ràng Robert Kincaid có quan điểm riêng về bản thân và tính mạng của ông, một quan điểm mà Carlisle chưa hiểu lắm và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu.
Một giờ sau, họ cùng cười vang và lắc đầu, khi Carlisle phát hiện ra bố anh mới đến Salamaiuk tuần trước. Carlisle hỏi Kincaid có thích đến thăm anh ở Nam Dakota và xem công việc của mình, anh có thể đỡ ông tiền vé máy bay nếu cần. Kincaid nói ông rất muốn, có lẽ để đến mùa xuân, thời tiết tốt hơn, anh và ông già sẽ đến Lester đi dạo, đến Leroy nghe Gabe chơi các bài tango. Carlisle nói lúc nào đấy anh sẽ lái xe đến Seattle, mang theo dụng cụ sửa nhà cho ông.
Họ nói chuyện về nghề nhiếp ảnh và nghề mộc, về cách học làm mọi việc cho đúng. Robert Kincaid kể chuyện có lần ông đã dành trọn hai mươi tư tiếng đồng hồ quan sát một cái lá đơn độc trên cây phong vào mùa thu. Từ sáng tinh mơ đến lúc mặt trời lặn, ông ngắm nghía cái lá, đo ánh sáng cho nó, bố cục cho nó. Ông coi việc đó ngang với việc chơi các gam, thậm chí ngang với chơi các khúc luyện trong âm nhạc, học cách để riêng ánh sáng đã có thể thay đổi được chủ đề.
Carlisle hiểu và liên hệ với cách Cody Marx bắt anh làm những việc thông thường nhất, làm đi làm lại cho đến lúc anh thành thạo. Anh cười to:
- “Chuẩn bị bề mặt” là câu Cody không bao giờ để con quên, những lời đó làm những người nghiệp dư phát sợ và ngán ngẩm. Gần một năm đầu tiên làm việc với ông ấy, con không được làm gì ngoài đánh bóng gỗ bằng cát, sử dụng cái bào tay và cạo sơn cũ.
Ngày hôm sau, Kincaid lái xe đưa Carlisle ra sân bay Seattle-Tacoma, phụ tùng máy ảnh của Kincaid xếp trên ghế, giữa hai cha con. Lúc loa gọi chuyến bay của Carlisle bắt đầu lên máy bay, cả hai đứng và nhìn nhau.
- Bố giữ gìn sức khỏe nhé, - Carlisle nói tha thiết, theo nghĩa đen, thuần túy nhất.
Robert Kincaid cười tươi tắn:
- Ta đã vượt qua nhiều dặm đường, Carlisle ạ, nhưng phần lớn thời gian, ta luôn cảm thấy vẫn còn một số ở lại trong ta. - Ông xem đồng hồ. - Ta chụp vài bức ảnh thì hay hơn, để kiếm ít tiền.
Carlisle bắt đầu theo đám đông tiến đến cửa kiểm tra. Anh bỗng quay người, lách trở lại chỗ Kincaid đứng. Kincaid nhìn anh, kéo thẳng sợi dây đeo quần, sờ vào thắt lưng và nhớ ra quy định an ninh của sân bay khiến ông phải để con dao trong xe.
- Con sẽ đợi bố vào mùa xuân, - Carlisle nói nghẹn ngào, anh bực mình vì lời lẽ cứ mắc trong cổ họng. Một nhân viên bên bàn đang in tấm thẻ cuối cùng lên máy bay chuyến đi Denver. - Con rất muốn bố nhìn thấy công việc của con, - Carlisle nói tiếp, tiếng anh khản đặc. Anh hắng giọng và dịu dàng nói, - Con tin rằng... tin rằng một người con bao giờ cũng muốn được bố mình tán thành.
Họ bước tới. Carlisle đặt túi xuống và giang cả hai cánh tay ôm choàng lấy Robert Kincaid. Đáp lại, Kincaid ghì chặt con trai.
- Bố à, dù sao thì chuyện này cứ... cứ... thế nào ấy. Bố ở đằng đó có nghe thấy con không? - Anh kéo lại sợi dây quần màu cam và âu yếm vỗ nhẹ vào lưng Kincaid.
Ở lối vào chỗ kiểm tra, anh quay lại và nhìn cha một lần nữa, mặt anh nghiêm trang, nghĩ đến người cưỡi xe máy một mình lang thang trên các con đường ở Big Sur từ bao năm trước, khi thế giới còn đơn giản và tự do hơn trong mọi việc sản sinh và nuôi đưỡng con người. Robert Kincaid đứng thẳng, như tuổi sáu mươi tám của ông cho phép, đút tay vào túi quần Levi’s bạc, và gật đầu với Carlisle rồi mỉm cười, nụ cười ấm áp và bao bọc của người cha nói lời tạm biệt đứa con trai mà ông không gặp suốt một thời gian dài, và với con người mà ông chưa đủ thời khắc ở bên nhau.
Đằng sau ông, trong đám đông, ông nghe thấy tiếng gọi lên máy bay chuyến đi Singapore, và trên lớp nhựa đường, một chiếc 747 bắt đầu lăn bánh, nhằm hướng Jakarta hoặc có thể là Bangkok hay Calcutta. Nhân viên kiểm tra đóng cửa lại sau lưng Carlisle McMillan, và Kincaid ngước mắt, ngắm chiếc Boeing lao vút lên và biến mất trong bầu trời phủ đầy mây, hài lòng với ý nghĩ chiếc máy bay to lớn nhằm tới một nơi nào đó và ông không còn lẻ loi nữa.

Mọi dấu vết không còn nữa

Trong một thời gian, cõi trần gian mới mẻ, tươi sáng của Robert Kincaid cắt qua sương mù ẩm ướt của eo biển Puget. Ông dọn dẹp sạch sẽ căn nhà nhỏ, là quần áo phẳng phiu, dành nhiều giờ kể với Cú Muỗi chuyện xảy ra, sôi nổi nói đến chuyến đi thăm Carlisle ở Nam Dakota vào mùa xuân tới. Ông trao đổi thư từ với Carlisle và Wynn, từng người ghi lại những sự kiện và hồi ức mà họ quên trong lúc trò chuyện.
Ông còn đặt hẹn một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Nhưng các sự việc đã xoay theo vòng quay của chúng. Ba tuần sau khi tiễn Carlisle bay đi Denver, và bốn ngày trước cuộc kiểm tra, Robert Kincaid qua đời vì một cơn đau tim nghiêm trọng, chỉ có một mình trong nhà. Một người hàng xóm đã tìm ra ông vì tiếng sủa báo nguy của Con Đường. Kincaid đã để lại số điện thoại của Wynn và Carlisle cho ông bạn Cú Muỗi Cummings. Cummings gọi cho Carlisle, sau đó anh gọi cho mẹ, báo tin Kincaid đã qua đời. Wynn McMillan khóc thổn thức và hỏi việc thu xếp tang lễ. Carlisle nói thi hài Kincaid đã được hỏa táng, và tro sẽ được rải ở một địa điểm mà công ty luật chịu trách nhiệm giải quyết mọi việc cho ông không tiết lộ.
Như đã hứa, Carlisle trở lại Seattle. Một bức thư do Kincaid viết gắn trên tủ tài liệu trong bếp:

Carlisle, mọi thứ đựng trong tủ này và tủ trong phòng ngủ. Con hãy dùng thùng đựng rác ở sau nhà. Cảm ơn con. Mất một thời gian ta mới quen được ý nghĩ con là con trai của ta, nhưng ta sẽ đến đó. Ta có thể nói, con là tất cả những gì mà một người cha có thể đòi hỏi. Nếu có chuyện gì xảy ra với ta, Cú Muỗi sẽ chăm sóc Con Đường”.

Carlisle ngồi bên cái bàn bếp cũ suốt một giờ, tiếng o o của tủ lạnh át cả số hồi ức ít ỏi anh đã có với Robert Kincaid, mà anh thì đang mong ước có nhiều hơn nữa. Anh vơ báo chí và nhóm lửa trong cái thùng đựng rác. Rồi nhìn lần nữa qua các ngăn đựng tài liệu, trong giây lát Carlisle muốn phản bội lời hứa với Robert Kincaid. Nhưng không thể thế được, anh đã hứa mất rồi. Hơn nữa, anh chưa hiểu tường tận hàm ý của Kincaid về hành động cuối cùng trong mọi việc này. Anh nhớ lại những lời của cha: “... sàn nhà được quét sạch sau ta, mọi dấu vết không còn nữa, không còn gì để lại”.
Trong một ngày tháng Chạp sáng sủa, rét buốt, Carlisle đứng trước thùng rác. Anh vừa thả các dương bản, âm bản vào lửa, cái này tiếp cái kia, vừa ngắm công sức cả đời của Robert Kincaid biến thành tro bụi và khói. Một công nhân bến cảng cười rạng rỡ ở Mombasa, cô gái trên cánh đồng Mexico. Con hổ lượn từ lớp cỏ dài gần hồ Periyar, người đàn ông mặt mũi khắc khổ từ trên máy gặt đập liên hợp nhìn xuống ở Nam Dakota. Những chóp núi xa xa của vùng Basque và những người đàn ông ra khơi trên eo biển Malacca. Tất cả uốn quăn lại và tàn lụi trong thùng rác, trong một buổi sáng tháng Chạp ở Mỹ.
Carlisle làm việc này mất ba giờ liền. Anh thường dừng lại, giơ một tấm ảnh lên ánh sáng, ngắm nghía thêm lần nữa trước khi thả vào thùng. Cuối cùng, chỉ còn lại một chiếc phong bì bằng giấy tơ chuối và một cái hộp màu trắng để ở ngăn dưới cùng của cái tủ trong phòng ngủ. Carlisle mở phong bì và ngó vào trong. Đầy những thư, khoảng hai chục bức. Anh rút ra một cái và thấy đã dán kín nhưng không có dấu bưu điện. Những bức còn lại cũng y như thế, tất cả đều đề một địa chỉ Francesca Johnson, RR 2, Winterset, Iowa.
Carlisle nhớ lại bài báo về các cây cầu mái mà cha anh làm trong những năm 60. Cái tên “Winterset” đã gắn chặt trong trí nhớ của anh. Anh nhớ lại thị trấn được nhắc đến trong bài báo. Và có một bản nhạc mang tên Francesca mà Cú Muỗi Cummings đã chơi? Anh rút bao diêm trong túi và ghi lại tên cùng địa chỉ lên đó. Sự cám dỗ bắt đầu lớn lên trong anh, anh sờ mó các bức thư, lật lên lật xuống trong tay. Không, như thế sẽ là không đúng, không đúng đắn chút nào. Anh nghĩ ngợi thêm vài giây rồi thả cái phong bì bằng giấy tơ chuối vào thùng.
Carlisle ngắm cái phong bì bắt lửa rồi mở chiếc hộp màu trắng, cẩn thận cất tờ giấy phủ trên một chồng mỏng các bức ảnh đen-trắng.
Trên cùng là ảnh một phụ nữ đứng dựa vào cột rào trong bãi cỏ ở đâu đó. Chị ta quá đẹp, theo kiểu mà chỉ những người phụ nữ sung mãn mới có thể có, Carlisle nghĩ, chị đứng đó trong chiếc quần jeans bó, bộ ngực hằn rõ đường nét dưới chiếc áo phông. Mái tóc đen của chị bay nhẹ trong gió sớm, dường như chị sắp bước ra khỏi tấm ảnh và tiến thẳng đến chỗ anh.
Ngay dưới tấm ảnh đó là tấm khác, cũng người phụ nữ đó đội mũ trùm đầu nhưng không sinh động bằng và gần như theo trường phái ấn tượng. Trong tấm ảnh này, trông chị đăm chiêu như sắp mất một thứ mà có thể không bao giờ tìm lại được nữa.
Carlisle gạt hai tấm ảnh đó sang một bên và thả những tấm khác vào trong thùng. Ngọn lửa bắt vào giấy, cháy lem lém. Anh chăm chú nhìn hai tấm ảnh còn lại của người đàn bà.
Thở một tiếng thật dài và sâu, Carlisle McMillan nhìn ra eo biển Puget. Anh có thể nhìn thấy xa xa, một con diệc xanh đang nhào lộn trong làn nước buổi sáng. Và ngày hôm ấy, đúng lúc một người đàn bà ở Iowa bắt đầu cuộc đi dạo đến cây cầu có tên là cầu Roseman, anh thả những bức ảnh của Francesca Johnson trượt từ tay anh vào ngọn lửa.

Những ghi chép cuối cùng

Thế là chúng ta đã đến tận cùng cuốn sách về những hồi kết. Như tôi đã kể chi tiết trong cuốn Những cây cầu ở quận Madison, Francesca Johnson qua đời vào tháng Giêng năm 1989. Tro tàn của bà được rắc ở cầu Roseman, cùng nơi rắc tro của Robert Kincaid tám năm trước. Năm 1981, sau khi giúp Carolyn sinh đứa con thứ hai, bà trở về nhà và gọi điện đến bệnh viện thú y Bellingham, Washington. Bà được thông báo rằng Robert Kincaid đã chuyển sang bệnh viện khác từ vài tháng trước. Dùng danh bạ điện thoại trong thư viện công cộng Des Moines, bà có tên và địa chỉ của các bệnh viện khác trong vùng Seattle. Thực vậy, một trong các bệnh viện đó có địa chỉ hiện nay của Robert Kincaid nhưng không có số điện thoại. Người ta cho bà biết ông Robert Kincaid có một con chó săn màu vàng.
Francesca đang chuẩn bị đi Seattle thì chiếc xe tải bưu điện chở đến một cái hộp. Trong hộp là thư của một luật sư ở Seattle, bắt đầu bằng: “Chúng tôi đại diện cho di sản của ông Robert Kincaid vừa qua đời”.
Cũng trong hộp đó là các máy ảnh của Kincaid, chiếc vòng tay bạc và một bức thư ông viết gửi Francesca năm 1978, sau đó ông chưa kịp sửa lại để ghi thêm tên Carlisle McMillan. Vậy là rốt cuộc, Robert Kincaid vẫn không quét sạch được sàn, vẫn để lại vài thứ ít ỏi của ông cho Francesca Johnson trông nom, lý do vì ông đơn độc.

Với Carlisle McMillan, câu chuyện của anh liên quan đến một thứ được gán cho là Cuộc chiến ở quận Yerkes, và một người phụ nữ đã biến anh từ chàng trai thành đàn ông, rất xứng đáng để tiết lộ. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ kể chuyện này.

Cú Muỗi Cummings gần tám mươi nhăm tuổi và đang sống trong một căn hộ ở Tacoma. Chứng đau cột sống khiến cánh tay ông tê dại, chấm dứt những ngày chơi nhạc, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn lấy cây kèn ra, thường vào lúc chạng vạng, ngân nga bài Lá thu và nghĩ đến Robert Kincaid, người bạn tin cậy của ông. Mặc dù Cú Muỗi biết câu chuyện của Robert Kincaid với người phụ nữ tên là Francesca, song Kincaid chưa bao giờ nhắc đến họ của bà hoặc bà sống ở đâu. Trên tường nhà Cú Muỗi vẫn treo bức ảnh cây cầu mái có chữ ký của Robert Kincaid. Vì nhiều lý do không rõ, trong lúc chơi nhạc, Cú Muỗi cứ bị hút đến bức ảnh và ngắm nhìn nó.

Con Đường, con chó săn màu vàng được đứa cháu của Cú Muỗi nhận nuôi và sống thêm bốn năm sau khi Kincaid qua đời. 

Còn Harry, chiếc xe tải Chevy 54 ấy ra sao? Đó là một trong những vật cuối cùng tôi phải tìm cho ra. Suốt cuộc tìm kiếm của tôi, Harry dường như trở nên sống động chẳng kém gì Francesca, Con Đường, Robert Kincaid và những người khác. Cuối cùng, tôi đã tìm ra nó. Harry được phục hồi rất trìu mến và hiện ở Nam Dakota. Carlisle McMillan đủ tốt bụng cho tôi lái chiếc Harry ngược xuôi trên một con đường quê gần Wolf Butte. Nhìn qua kính chắn gió, xóc nảy lên liên tục, chẳng khó khăn gì tôi hình dung được mọi dặm đường, những dặm đường hùng vĩ, tìm kiếm mà nó và Robert Kincaid cùng nhau chia sẻ và những thứ cả hai nhìn thấy, cùng săn đuổi ánh sáng đẹp. Carlisle gợi ý tôi mở ngăn đựng đồ vặt. Nhét sau lớp gỗ nứt nẻ là một tấm danh thiếp nhàu nhĩ, trên tấm thiếp in những chữ này: Robert Kincaid, Nhà văn - Nhà nhiếp ảnh.

À, còn thêm một mẩu thông tin nho nhỏ nữa: Trong ngăn đựng đồ vặt, gói trong một mảnh vải là cuộn phim Kodachrome II 25 lẻ loi, chưa dùng.

Tôi tặng các bạn những dòng này, một khoảnh khắc trong đời tôi, những suy nghĩ lan man của tôi:

Một nhánh sông chảy từ đâu đó, trong những quả núi miền duyên hải
chảy nhanh tới đây
tràn trên cát núi lửa
tạo cho làn nước
màu xanh lơ chuyển màu xanh pha đỏ
xuôi xuống bãi biển, một giờ trước.
Tôi đã trông thấy một con hải cẩu voi đực,
nặng hàng tấn.
Đây là bờ biển California,
cát ấm nóng trong mùa thu.
Những đôi ủng cao tới đầu gối
để tôi mua
và lao vào tự do.
Tôi đứng trong khe núi,
dõi mắt nhìn theo
tới nơi Thái Bình Dương bắt đầu…
Mẹ của Carlisle McMillan
đã có thời nằm trên bãi biển này
với một người đàn ông
tên là Robert Kincaid,
là người săn lùng ánh sáng
vì ánh sáng ở trên mọi con đường.
Đó là năm 1945
Anh đã sống sót
qua cuộc chiến
và cưỡi chiếc môtô
rồi qua đây.
Vắt vẻo bên rìa cuộc sống
họ cười giòn
và uống vang đỏ bên mép nước.
Rồi từ đó,
cậu con trai, Carlisle, ra đời.
Nhánh sông xanh biếc,
còn tôi chỉnh chân máy,
để chiếc Nikon thăng bằng,
nghĩ đến Kincaid,
đến Wynn McMillan,
nước vỗ quanh ủng tôi,
làn gió sớm đầu tiên,
trong hàng cây bách.
Người quản lý bảo tàng
nơi treo bức ảnh cuối cùng
gọi và hỏi
liệu có thật nước trùm trên cát xanh lơ.
Trông không giống
nước trùm trên cát xanh lơ.
Cô ta nói.
Tôi bảo cô
núi lửa đã làm ra như thế
từ nhiều thế kỷ trước.
Tôi chỉ là người ghé đến
sau này...
... tôi và Robert Kincaid.
Phải chăng con đường về nhà dài đằng đẵng?
Một con đường dài.
-------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét