Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Thèm danh - Phùng Hi

“Danh ai chả thèm, ngay cả Thượng Đế”. Đàm Vị lý sự thế rồi yên tâm về sự thèm danh lộ liễu của mình.
Từ lúc Đàm Vị viết mấy bài báo kiểu “đường làng nay sao nhiều rác” đến nay gã cầm bút hơn mười năm. Có người bạn khuyên: “Viết văn, làm thơ mới để đời chứ ba bài báo đọc xong người ta quên”. Nghe xúi, gã mon men viết văn. Một người bạn nữa, chê: “Ông viết cái gì cho đỡ đỡ chứ viết mấy cái thứ cối xay, phiên chợ quê, nọc rơm rạ thì biết khi nào được người ta biết đến”. Vị nghe ra và bắt đầu viết thế sự với bút danh hoành tráng: Nhất Thạch Hoàng. Gã ghép mấy chữ đầu bút danh của ba anh em nhà văn nổi tiếng thời Văn Đoàn Tự Lực.
Gã sần sùi như một làng quê hoang dại và nghèo khó mong chính quyền để mắt đầu tư điện - đường - trường - trạm. Vị tự so sánh vậy. Có những làng nghèo bị bỏ quên, gã cũng thế. Gã viết và trôi tuột, không ai vun xới đầu tư cho gã. Gã cần một cú hích, kiểu gì cũng được. Nếu không, gã sẽ lấy điều này để biện minh cho sự bất tài, nếu có, của gã.
Cô Hạnh, vợ gã, nói:
- Thì ông viết báo như lâu nay, thỉnh thoảng có tiền chợ cho tui mừng.
- Viết báo hử, ăn xổi, tui không làm.
- Ông nói nghe ngang.
- Dĩ nhiên rồi, tui nhà dăng (nhà văn) mà. - Gã nạt. Vợ chồng gã chưa tới bốn mươi nhưng xưng hô với nhau “ông bà” như thế.
Đàm Vị vô hội văn nghệ ba năm thì người ta biết tới, biết sự thèm danh ở gã. Gã được đi trại viết, nơi sửa bản thảo cũ, ăn chơi và nghe nhà văn trung ương huấn thị. Về, gã kể cả tháng trời chưa hết chuyện, chuyện đời tư các nhà văn lớn. Gã nhại giọng bảo nhà văn có ba loại: nhà văn nhớn, nhà văn nhỡ và nhà văn nhỏ. Gã khiêm tốn nhận mình mức “nhỡ” thôi. Gã đoán nay mai sẽ có danh hiệu “nhà văn ưu tú, nhà văn nhân dân” như mấy ông hát hò kịch kiếc giáo giếc ấy, chừng đó chắc tranh nhau sứt đầu mẻ trán. Đang chuyện, gã ngồi thừ ra bảo ý tưởng đến, lấy giấy ghi ghi nói sợ quên. Gã thường vỗ đùi, chỉ vào bạn: “Này, ông vừa nói một câu rất hình tượng về mặt văn học. Tôi chép câu này làm vốn nhé”.
Gã ý thức nổi danh chứ không chờ ăn may. Nghề viết, cái nghề ít ra tiền phải có danh, nếu không người ta theo đuổi làm gì. Gã tin không ai viết văn mà nghĩ nhiều đến tiền, tất nhiên gã loại trừ “quan văn nghệ” được nhà nước nuôi. Đàm Vị triết lý: “Tiền và danh là hai đại lượng tỉ lệ nghịch”.
Gã mời bạn nhậu bao giờ cũng có lý do xoay quanh chuyện viết: mừng cái truyện đăng báo trung ương, kỷ niệm bài viết thứ một trăm, liên hoan giải khuyến khích của hội văn nghệ v.v… Gã kỵ từ khuyến khích. Viết văn mà khuyến khích ư? Nhưng thôi có còn hơn không.
Nhân chuyện bạn bè bỏ thuốc lá, gã nói: “Tôi làm nghề viết nên khó bỏ thuốc. Nghỉ tay gõ bàn phím giữa khuya, ra vườn hít sương đêm, không có điếu thuốc sao chịu nổi”.
Bạn gọi đi nhậu:
- A lô, đang làm gì đó?
- Đang viết.
- Đi nhậu đi, viết cả đời chứ ngày bữa gì.
Trong những buổi họp lớp họp trường, nơi người ta khoe nhau sự “thành đạt” khi chưa ai biết tới mình, bạn hỏi:
- Ông Vị, nay ông làm gì?
- À, tôi làm nghề viết, bút danh Nhất Thạch Hoàng, cái nghề như bao nghề ấy mà. - Gã làm bộ bình thường hóa nhưng lòng kiêu ngạo ngút trời.
Gã thuộc lòng “câu độc” trong diễn từ Nobel của các nhà văn đoạt giải, khi cần gã dẫn vô câu chuyện, nổ ầm ĩ chơi. Gã bảo Vargas Llosa nói: “Tôi có thể dành toàn bộ cuộc đời mình cho sự kỳ diệu của việc viết lách”, còn Mạc Ngôn hùng hồn hơn: “Đối với một tác giả, viết là cách nói tốt nhứt. Các bạn sẽ tìm thấy mọi điều tôi muốn nói trong tác phẩm của tôi”. Gã thăng hoa, tưởng như sắp nhận giải Nobel tới nơi vậy.
Gã nói tỉnh mình nghèo, chỉ làm mỗi cây lúa cũng bày đặt thu hút nhân tài, bỏ tiền tỉ rước mấy tay tiến sĩ. Không hiểu các “ngài ấy” nhận nhà, nhận trợ cấp rồi làm gì với mấy cái gốc rạ, gã cười nhạo báng. Tiền đó đem nuôi loại nhà văn như gã, gã nịnh có bài bản tới tận mây xanh, không chắc cú hơn sao. Gã dọa: “Nhà văn là cái ống bơm của thời đại, đã bơm ai lên được thì cần thiết có thể xả xẹp lép luôn”. Gã bảo những thằng dốt nát nhưng nhơn nhơn hãnh tiến kia thiệt ra bị “xả xẹp” từ lâu rồi, chúng cố gượng đấy thôi.
Đàm Vị tìm đủ cách để mọi người biết gã làm cái nghề sang trọng bậc nhất. Cái nghề chẳng cần vốn liếng, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính gõ cái mình nghĩ trong đầu ra. Xưa nghề này chỉ cần cây bút và tờ giấy, bây giờ cần cái máy tính có - nối - mạng không phải đầu tư tốn kém gì. Chữ nghĩa có sẵn, chỉ là sắp lại cho mới, cho lạ là được. Gã phỉnh vợ yên tâm đi, rồi sẽ có tiền…
*
Để nổi tiếng, ca sĩ tự lột đồ, diễn viên gây scandal, nhà thơ giả điên còn viết văn như gã thì sao? Khổ, nhà văn giả điên hơi bị khó. Viết sex ư, không phải sở trường của gã. Viết tình yêu lâm ly ư, gã có cuộc tình nào ra hồn để làm mẫu đâu? Viết về tôn giáo? Gã là kẻ vô thần mà. Bêu xấu quan chức ư, như mấy nhà văn Trung Quốc ấy à, tiểu nhân. Viết về chính trị ư, gã lè lưỡi sợ tù mọt gông. Bế tắc, bế tắc mất thôi.
Vị bỗng phát hiện giấc mơ tái hiện đời sống nhưng thường chắp nối vô lý; chắp nối giữa ký ức và hiện tại, chắp nối giữa hư và thực, chắp nối giữa giấc mơ với giấc mơ, giữa sống và chết… 
Gã viết ra những giấc mơ thành thứ văn kỳ ảo, các nhà phê bình bó tay liền đặt cho cái tên “trường phái siêu hậu hiện đại/ metapostmodernism” mà gã đi tiền vệ. Gã viết thế này: Người nông dân lùa đàn bò vô thành phố. Ông ta mắc cày và cày trên đường nhựa. Mồ hôi, nước mắt, máu và phân bò rải lên mặt đường lồi lõm ổ gà, ổ chó. Ông ta lẩm bẩm, ruộng nương biến thành đồi và người thì biến thành súc vật nửa dê nửa cừu. Người nông dân và đàn bò đi về phía nhà máy. Bò thì để lại bộ da còn ông ta vứt lại bộ đồ rách rưới và cái nón mê đầy máu. Nhà máy tru lên những tràng dài như chó hoang mùa động đực… Ôi giấc mơ là thứ siêu hậu hiện đại tuyệt vời. Gã khoái chí như tìm ra hang động người tiền sử.
Chưa hết, nhạc không lời vẫn gây cảm xúc, vậy văn đơn thuần là chữ không cần nghĩa có được không? Gã bắt tay viết: Hàng cây in dấu lên nền trời thu xanh ngắt, lá đổ mây bay, xa ngái chân trời. Chàng trai độc hành trên con đường đất như đang đi về miền ký ức xa xăm. Ôi đi đâu về đâu hỡi dòng sông lạc loài, phiền muộn. Ta tìm em ngày tháng đâu rồi lửa cháy lòng anh. Tình anh hiện lên như trái phá còn tình em như ruộng vườn chờ ngày nắng lên…
Gã viết rất hợp tiêu chí một trang mạng văn chương: Làm ra cái mới. Thế nhưng trời khiến gã luôn bất an. Vừa xác định vị trí thăng bằng, gã liền tưởng tượng cái hố dưới chân để thấy chông chênh và tìm cách nhảy tới vị trí thăng bằng mới. Bạn gã bảo: “Tôi không thấy kẻ nào chăm chăm cuộc sống bình yên mà làm được điều gì lớn lao cả”. Một phát hiện tuyệt vời mang tầm triết học, gã vỗ đùi tán thưởng, ôi bạn đã hiểu ta, dễ gì.
Gã không ghiền cà phê, thuốc lá mà ghiền không khí ở bàn cà phê. Nói theo sinh học, cơ chế gây nghiện ở gã chuyển từ nghiện vật sang nghiện ngoại vật. Vì thế gã hay có mặt ở quán cà phê của một ông nhà văn già. Ông này mở quán cho bà vợ kiếm tiền chợ, còn mình lấy chất liệu để viết từ câu chuyện bàn cãi của giới văn nghệ, lợi cả đôi đường. Chủ quán xác nhận viết được nhiều tạp văn từ cách nói đậm chất cá nhân của gã nhưng tiền cà phê vẫn cứ lấy thẳng rẳng. Đàm Vị toạc móng heo: “Khi có danh tôi cần quái gì đến chỗ đông người thế này, chỉ tổ ô uế. Lắm kẻ thèm danh đi viết văn bày đặt bảo nghiệp trời trao, nghe thúi không chịu được”.
Hôm nọ một văn nhân trung ương ghé quán, khuyến mãi anh em tỉnh lẻ câu chuyện “danh nổi như phao”. Chuyện thế này: Khổ, bây giờ chẳng cứ nhà thơ mới đông, nhà văn cũng đặc gậc. Đất nước nghèo rớt mồng tơi, có việc gì làm đâu nên chen nhau làm nhà văn vậy. Chàng nọ hí húi viết mãi chẳng ai biết đến. Bỗng đùng đùng nhóm hưu trí thành phố kiện tờ báo đăng truyện anh chàng, kiện lên tận ban tuyên giáo trung ương. Báo chí cả nước ầm ầm đưa tin rằng truyện có tính tiêu cực, phản động, vô ơn. Không chỉ mổ dọc, mổ ngang mà phanh thây luôn cái truyện. Vậy là nổi tiếng. Anh chàng chẳng tốn một xu cho Public Relations mà dễ chừng có tỉ bạc cũng không làm được, thế không danh nổi như phao thì là gì. Lập tức các nhà xuất bản in truyện chàng ta, bán chạy như cá khô mùa biển động… Có thể câu chuyện làm giới viết lách cười khẩy chút nhưng với gã nó giá trị vô cùng. Gã bấm bụng giấu niềm vui, không để lộ.
Về nhà, Vị nằm dài ra thư phòng, vỗ đùi cười ha ha: “Đây rồi đây rồi, tìm ra danh rồi. Nhà văn phải nhờ người khác “lột” mình ra, đâu phải quần áo để tự lột như ca sĩ”. Cô Hạnh chống nạnh, tựa cửa:
- Trời đất, danh có ăn được không?
Gã ngồi bật dậy, trợn:
- Bà có nghe danh lợi không, có danh tất có lợi.      
- Tui nghe người ta nói quyền lợi chứ đâu có nghe danh lợi.
Đàn bà không chấp. Gã lên kế hoạch dự cuộc họp mấy ông hưu trí xã. Gã rỉ tai một cụ còn máu mặt, có chút chữ nghĩa, rằng cái truyện của gã vừa đăng ở báo Y: “Nó có vấn đề cụ ạ. Tay Nhất Thạch Hoàng này có dấu hiệu vô ơn, xúc xiểm ngành giáo dục, ngành thuế. Đây, coi thử một đoạn hắn viết”, gã chìa tờ báo:
Hắn lại đến cục thuế. Chỗ bàn tiếp khách có vị hiệu trưởng già của trường hắn và tay giám đốc sở giáo dục. Hiệu trưởng, giám đốc tới cục thuế làm gì? Hiệu trưởng mời hắn ngồi, mở lời:
- Nghe anh làm đơn hoàn thuế, anh rảnh quá hỉ.
- Ai cho phép anh thầy giáo để tóc dài. Anh biết gì người làm cán bộ mà viết truyện nói xấu, anh nói ai, cụ thể ra? - Tay giám đốc tiếp lời.
Hắn chưa biết ứng phó ra sao. Tay giám đốc lạnh tanh:
- Anh nhận quyết định tăng cường miền núi một năm. Nếu còn viết bậy bạ tôi cạo khô anh. Bây giờ dẹp, không hoàn thuế hoàn thiếc gì ráo.
Hắn gồng người, bung hai tay như gọng kìm, chụm mạnh hai cái đầu của hiệu trưởng và tay giám đốc, bốp. Hai cái đầu vỡ toang nhưng không có máu, có não gì bên trong cả. Còn hắn bị phản lực, văng ra, đầu va vô thành ghế đau điếng. Tỉnh giấc. Lại mơ. Hắn bặm trợn, không hiểu sao trong mơ cứ bị người ta ăn hiếp vô lý thế. May là khi tỉnh, hắn vẫn là hắn chứ không thành con bọ, bướm, Trang Tử hay George Washington…
- Tay này bêu xấu ngành giáo dục, đúng không cụ. Một giám đốc sở giáo dục, một hiệu trưởng sao lại không có não, chẳng lẽ nó bảo ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa ta tàn mạt đến mức ấy, kiện tay này thôi.
Cụ hưu vốn nhà báo chiến trường, theo cách cuộc chiến đã ngẫu hứng trao nhầm vào tay cụ cây bút, bặm môi nghiến lợi:
- Được, để tôi.
Kỳ này ăn chắc nổi tiếng rồi.
Tuần sau, trên báo Y có bài phản hồi của nhóm cựu chiến binh về truyện ngắn của gã. Bài viết khen tới tấp cái truyện, nào như Nam Cao sống dậy viết, như Sê-khốp mượn bút Nhất Thạch Hoàng. Cái kiểu khen cho nó chết luôn. Vậy là chìm xuồng, đau như thiến. Một cơ hội tuyệt vời tuột qua. Gã viết nhiều truyện động chạm nhưng đâu dễ gặp may như tờ báo Y đăng cái truyện có đoạn văn xóc óc thế. Mưu sự tại nhân, bại sự cũng tại nhân!
Tức mình gã mở trang web, “dán” câu thơ của Nguyễn Công Trứ làm tiêu đề: Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. Mươi bữa nửa tháng gã đăng một bài, đọc nghe cay cú. Đàm Vị tự hào khoái chí, đi đâu cũng khoe, mời đọc. Đăng năm mười bài gì đó đủ thể loại, bỗng thấy chưng hửng. Gã đưa bài lên rồi chỉ mỗi gã đọc, ngó góc phải trang chủ, khách hôm qua: 0, khách hôm nay: 0, khách ngày mai: 0, riết ớn bỏ ngang. Gã bảo chơi web đúng là đứng ở chỗ khôn lường mà chơi ở miền không có, chữ là thứ khôn lường đem chơi trên không gian ảo là miền không có, nguy thay nguy thay rồi lấy cớ đóng cửa.
Vị bàn kiểu viết để đời. Gã mở màn cuộc tranh luận rằng mình không tin đi đến tận cùng làng quê sẽ gặp thế giới, sẽ có cái để đời. Làng quê của gã chứ có phải của Mạc Ngôn đâu. Dân làng gã tối leo vô giường không muốn rửa chân, có cái quái gì để đi đến tận cùng. Mà để đời hay không đâu thuộc ý chí tác giả. Thực ra gã và bạn của gã không ai đủ tầm vóc để hiểu rốt ráo vấn đề, đành thôi.
*
Vị thấy mình chưa chuẩn bị đủ để thành nhà văn, tất nhiên không phải lỗi ở gã mà lỗi ở cha mẹ gã chưa bước lên khỏi bờ ruộng. Đợi đến đời con ta vậy.
Không nổi tiếng trên văn bản thì nổi tiếng ngoài văn bản. Nghĩ thế, gã tuyên bẻ bút. Ngồi đâu gã cũng bảo tôi bẻ bút rồi: “Tin tôi đi, tôi không còn gì để viết, không có gì đáng giá hơn cái tôi đã viết để viết tiếp. Tôi đã chắt tôi ra thành chữ hết rồi. Các bạn phê bình tôi đi, các bạn có thể chưa kịp đọc hết Vũ Trọng Phụng nhưng để tiếp cận văn chương siêu hậu hiện đại thì không thể không đọc tôi”. Anh bạn từng dắt gã vào đường văn, bảo: “Anh chưa bẻ bút được đâu. Trông anh còn nặng nợ văn chương lắm, độc giả đang chờ anh đó”. Gã tin lời bạn nhưng có viết tiếp chẳng ích gì.
Cô Hạnh hỏi:
- Bẻ bút nghĩa là sao?
- Là từ nay không viết nữa.
- Úi trời, cuối cùng trời có mắt. Tui làm con gà cúng, ông mời bạn đến chung vui nhé
Gã hầm hầm nhưng cô vợ khù khờ thế, nóng giận cũng vô ích. Chuyện bẻ bút của gã như hòn sỏi rơi tõm xuống hồ, mất tăm.
Hàn Mặc Tử, Arthur Rimbaud… không chết sớm thì sao nổi tiếng được? Gã vỗ đùi và bắt đầu nghĩ đến cái chết. Albert Camus nói: Từ chối sự tồn tại của mình trước tha nhân là vấn đề triết học thực sự nghiêm túc. “Vâng, ta phải chết Đàm Vị ạ” - gã lẩm bẩm. Yêu cuộc sống như Jack London rồi cũng tự tử. Mãnh liệt như Ernest Hemingway rồi cũng tự tử. “Nhà thơ phải điên còn nhà văn phải tự sát, lộ trình nổi danh như thế, không thể khác được”. Cái quan định luận thôi, thành hay bại gã quyết định chơi “canh bạc” cuối cùng này.
Gã không sợ chết, gã chỉ sợ mình chết không đúng thời điểm, phí đời. Nhưng thánh cũng không biết khi nào có thể hiển thánh, nhắm mắt liều thôi. Gã chọn kiểu chết của Trạng Quỳnh khi bị bức tử. Chỉ khác trước khi chết Trạng bàn với người nhà kéo Chúa cùng chết cho vui còn gã phải đợi vợ đi dặm ruộng mới thực hiện ý đồ. Gã nằm võng chỗ mái hiên, nắng ban mai xiên dài qua người, mang kiếng, trên bụng cái laptop với truyện ngắn “Thèm Danh”. Cuối truyện có dòng chữ tô đậm: Xin bạn bè hãy mỉm cười khi đến viếng Vị này. Một nhà thơ thốt lên: “Ôi, anh làm chúng tôi đau lòng quá”. Chỉ bởi thèm những thứ như tiền - quyền - gái - sex đâu có dễ, thằng khác quơ hết rồi, gã quay ra thèm danh. Danh là cái đích của đời người, sớm muộn cũng phải đòi cho được.
Sau cái chết có khoảng mươi bài viết nhắc đến gã, đa phần đi vào khía cạnh hài hước về sự thèm danh. Hội văn nghệ dành một dòng cáo phó trên nguyệt san: “Nhà văn Nhất Thạch Hoàng, tên thật Đàm Vị, hội viên hội văn nghệ, từ trần ngày 1 tháng 4 năm 2013”.
Kể Đàm Vị đã có danh, nhỏ như cọng cỏ.

(Văn nghệ số 34/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét