Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Những ngôi sao Eghe - (p1)

Gárdonyi Géza

Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)

Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987

Lời giới thiệu

Trong hơn ba trăm năm (từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 17) chống lại những đạo quân viễn chinh và ách đô hộ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, nhân dân Hung đã bền bỉ chiến đấu và lập nên nhiều chiến công oanh liệt, trong đó có cuộc kháng chiến của quân dân thành Eghe năm 1552.
Eghe là cửa ngõ của vùng Thượng địa Đông bắc, đứng trấn giữ cho cả một vùng đất nước khá rộng lớn. Khi vòng vây của hai đạo quân Thổ khổng lồ, đầy nhuệ khí đã khép lại, trong thành chỉ có độ hai ngàn người già, trẻ, trai, gái. Quân Thổ không tính đến một sức kháng cự đáng kể. Viên pasa Ali, thống soái một đạo quân Thổ, cho thành này chỉ là một “cái chuồng cừu xộc xệch” và quân trong thành chỉ là một “bầy gia súc”.
Nhưng cuộc chiến đấu chẳng bao lâu đã chỉ cho hắn thấy rõ ràng những người bảo vệ thành Eghe đại diện cho một sức mạnh mà đạo quân Thổ không tài nào đè bẹp nổi. Những chiến sĩ phần lớn là con em vùng Thượng địa Đông bắc đang bị chiếm đóng đe dọa và những nông dân các làng lân cận chạy vào thành tị nạn, đã nghiến chặt răng đánh lui tất cả mọi đợt công kích của quân Thổ. Sau năm tuần rưỡi sống mái với quân thù, thành Eghe đã tự giải phóng mình khỏi cuộc vây hãm khốc liệt và cứu miền đất nước phía sau khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Quân Thổ bị thiệt hại nặng nề dưới chân thành Eghe và phải bỏ dở kế hoạch hành quân xâm lược của chúng.
Cuộc chiến đấu của Eghe từ đó đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngay sau khi quân Thổ tháo chạy, Tinôđi Sebétchên, thi sĩ kiêm ca công nổi tiếng nhất của Hung trong thế kỷ 16, đã đến tận nơi sưu tầm tài liệu và sáng tác “Truyện thơ về cuộc chiến đấu của thành Eghe”. Nhưng tác phẩm thành công nhất về đề tài này là “Những ngôi sao Eghe” của Garđônhi Ghêzo.
Garđônhi Ghêzo (1863-1922) xuất thân từ một gia đình thợ rèn, là một nhà văn có tên tuổi ở Hung. Trước khi bước vào nghề viết văn, ông đã dạy học nhiều năm ở nông thôn. Thời kỳ này, ông có tinh thần chống lại nền thống trị của triều đình Hápxbua (Áo) và đã viết tác phẩm Ngọn đèn (1894) là một tác phẩm tốt. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông đã vẽ nên một bức tranh đáng kinh ngạc về cuộc sống nghèo nàn và bị ngược đãi của lớp giáo học ở nông thôn, đã tấn công trào lưu tôn giáo hóa xã hội và tấn công vào ách thống trị của nền đế chế Áo - Hung phản dân tộc, phản tiến bộ; gợi lại những kỷ niệm vẻ vang về cuộc chiến đấu giành tự do của nhân dân Hung thời kỳ 1848. Nhưng dần dần về sau, con đường văn học của ông khuất khúc và đầy mâu thuẫn. Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, Những ngôi sao Eghe là tác phẩm tươi sáng và giàu sức sống nhất. Ở Hung không có một tiểu thuyết lịch sử nào khác lại được cả bạn đọc, người lớn lẫn trẻ em, yêu thích đến thế. Cuốn truyện được xuất bản lần đầu tiên năm 1901, và từ đó đến năm 1963 đã được tái bản hơn 21 lần, chỉ riêng từ 1945 đến 1963 đã được các nhà xuất bản khác nhau tái bản hơn 16 lần với số lượng hơn nửa triệu cuốn (trong một nước 11 triệu dân). Đó là chưa kể đến những bản dịch ở nước ngoài.
Trong quá trình sáng tác, Garđônhi đã sưu tầm nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu, kể cả gia phả của các nhân vật chính trong truyện. Mùa xuân năm 1899, trước khi bắt tay vào viết, ông đã lên đường đi Côngxtăngtinốp để nghiên cứu tận nơi những phong tục, tập quán ở nước Thổ, đã vào tận ngục Bảy Tháp, tham dự những ngày hội tôn giáo, bơi thuyền trên vịnh Bốtxpôrat, tham quan các viện bảo tàng v.v… Nhờ tác phong làm việc cẩn thận đó, tác giả đã để lại cho chúng ta nhiều trang sách chính xác và sinh động về những cuộc hành quân đầy nghi vệ của đội quân Thổ, về cuộc vây hãm thành Eghe, về nhiều cảnh sinh hoạt của xã hội thời xưa.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là chú bé Bônemixo Gergey, đại biểu của tầng lớp nông dân nghèo, giàu lòng yêu nước và đa mưu túc trí, đã từ một chú bé chân đất làm lên đến chức đại úy, chủ tướng một thành trì. Qua bước trưởng thành của nhân vật chính, tác giả còn vẽ nên trước mắt người đọc cả một bức tranh xã hội rộng lớn từ thôn xóm đến cung đình. Ngay từ những trang đầu tiên, tác giả đã cho ta thấy tình hình chính trị rối như mớ bòng bong của nước Hung thời đó: “… và chúa công của bạn đang là Xopôlo Gianốt, hoặc quân Thổ, hoặc Pheđinan đệ nhất”.
Hồi đó giai cấp phong kiến ở Hung phân hóa nặng nề. Bọn quý tộc lãnh chúa và quý tộc giáo hội có những lãnh địa rộng lớn, có quân đội riêng, có thành quách trong tay, thực tế là đã trở thành những ông chúa cát cứ. Nhà vua ở Buđa không đủ sức để thâu tóm quyền bính, tổ chức đất nước thành một quốc gia vững mạnh. Nhân dân bị đè nén nặng nề dưới hai tầng tròng phong kiến và giáo hội, đời sống rất khổ cực. Họ oán ghét bọn quý tộc chẳng kém gì bọn ngoại xâm. Tất cả những nhân tố đó đã dẫn tới cuộc chiến tranh nông dân do Đôjo Giơrgiơ lãnh đạo năm 1514 và chiến bại thảm hại ở Môhát năm 1526.
Sau Môhát không còn ai tổ chức được cuộc kháng chiến chống quân Thổ trong phạm vi toàn quốc. Giai cấp thống trị vốn đã không thống nhất, giờ đây lại phân hóa thành hai phe đối địch. Một phe, gồm chủ yếu tầng lớp quý tộc trung và tiểu, bầu Xopôio Gianốt, công vương vùng Êrơđêi, lên làm vua; một phe khác, gồm phần lớn bọn đại quý tộc, lại tôn Pheđinan đệ nhất của triều đình Hápxbua (Áo) làm vua. Hai tên vua đó đem quân đánh lẫn nhau để tranh giành ngôi báu, mặc kệ quân Thổ ngấp nghé ở biên giới. Thậm chí Xopôio Gianốt, sau khi bị thua Pheđinan I và phải chạy sang Balan, còn cầu cứu hoàng đế Thổ giúp hắn chiếm lại ngai vàng, và để đền ơn, hắn bỏ mặc vùng đất nước phía nam cho quân Thổ tha hồ cướp bóc. Trước tình hình hai vua khuynh loát lẫn nhau như thế, bọn lãnh chúa hết theo phe vua này lại theo phe vua khác, tùy theo chỗ ở với vua nào có thể kiếm chác được nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy tình hình này được phản ánh một phần qua hai nhân vật Xexey và giáo sĩ Balin hoặc qua nhân vật Tơrơc Balin. Nhưng mặc dù tất cả những điều kiện bi thảm đó, nước Hung vẫn không dễ dàng lọt vào tay bọn ngoại xâm. Trước sự bất lực và phản bội của triều đình và giáo hội, nhân dân nhiều nơi đã vùng lên kháng chiến mạnh mẽ khi quân Thổ kéo đến. Những “kẻ nổi loạn” đó - như các sử gia của triều đình Thổ cũng phải thừa nhận - “trong tình thế tuyệt vọng cũng chiến đấu với súng hỏa mai và cung tên, với gậy gộc và đá”. Bên cạnh họ, tuy ít ỏi nhưng trong hàng ngũ tướng lĩnh vẫn có những người yêu nước chân thành, đặc biệt là những võ quan xuất thân từ những tầng lớp dưới. Những viên tướng này cùng những đội quân vốn là nông dân nghèo chạy nạn khỏi các vùng bị giặc Thổ tàn phá, chiếm đóng hoặc trốn khỏi cuộc sống khổ nhục ở các điền trang, đã lập nên cả một hệ thống biên thành dọc theo vùng giáp ranh với quân Thổ để báo tin và ứng cứu lẫn nhau. Họ đã đánh tan hết bao nhiêu đội quân Thổ kéo đi ăn cướp. Hơn nữa, những viên tướng này nhiều khi cùng với một đội quân nhỏ nhưng đồng lòng, trong một tòa thành đơn độc không có sự cứu viện của triều đình, đã có thể chặn đứng cả một đạo đại quân Thổ trong nhiều ngày, đôi khi còn giữ vững được đến cùng, bẻ gãy cả cuộc viễn chinh của địch.
Những kỳ công đó nổi bật trên nền trời đen tối của xã hội Hung thời bấy giờ như những ngôi sao, trong đó Eghe là ngôi sao sáng nhất.
Chúng ta thấy dường như tác giả đã dành doàn bộ tâm hồn mình cho việc mô tả lại toàn bộ cuộc chuẩn bị chiến đấu và hơn năm tuần quyết chiến ở Eghe. Có thể nói ít có cuốn tiểu thuyết lịch sử mô tả được tỉ mỉ, chính xác và sinh động như vậy. Gấp cuốn sách lại chúng ta vẫn như nghe vang trong tai lời thề quyết tử và tiếng đại bác vang rền, tiếng gươm giáo chạm nhau, tiếng hô “Giết! Giết!”, và tự nhiên chúng ta liên tưởng đến khí phách anh hùng và lời thề “Sát Thát” của quân dân đời Trần.
Chiến công của quân dân Eghe hồi đó đã vang lừng trong nước và cả ở nước ngoài. Sau ngày chiến thắng, biết bao chính khách ở châu Âu đã kéo đến Viên để chúc mừng Pheđinan I - kẻ không hề có chút công lao nào, thậm chí còn có tội với miền đất đai Hung mà hắn cai trị - và để ngắm nghía những lá quân kỳ cướp được của giặc Thổ mà quân dân Eghe đã gửi về triều. Nhưng chỉ với cuốn tiểu thuyết của Garđônhi, chiến tích Eghe mới thực sự trở thành một điển hình bất hủ, trước công luận, trước lịch sử, về tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của nhân dân Hung hồi thế kỷ 16.
Chúng tôi đã dịch cuốn sách này với tất cả tấm lòng mến phục gan dạ và mưu trí của quân dân Eghe, với tất cả những tình cảm thắm thiết với đất nước và con người Hung-ga-ri. Chúng tôi hi vọng, sau những tập thơ của Jôjep Otilo và Petơphi, cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc Việt Nam đi sâu thêm một quãng lên cội nguồn của lòng yêu tự do của nhân dân Hung anh em. Và như vậy chúng ta sẽ hiểu được đầy đủ hơn sự ủng hộ đầy nhiệt tình của nhân dân Hung-ga-ri đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chúng tôi tự thấy khả năng của mình rất có hạn, do đó bản dịch chắc chắn còn mang nhiều thiếu sót. Chúng tôi thành thật mong được sự góp ý của tất cả bạn đọc gần xa.

Hà Nội 9-11-1968 Lê Xuân Giang

Phần một

Dũng sĩ Hung sinh trưởng ở đâu?

Giữa dòng suối có hai em bé đang tắm, một trai và một gái. Có lẽ không nên tắm chung như thế, nhưng các em làm gì biết được điều đó: em trai mới lên bảy, em gái lại còn bé hơn những hai tuổi. Các em đã dạo chơi trong rừng và gặp suối nước. Trời nắng chang chang, nước suối rất hợp ý các em. Đầu tiên các em chỉ thò chân xuống nghịch, dần dần các em lộ ra tới đầu gối. Cái quần đùi bé tẹo của Gergey bị ướt, em liền tụt luôn ra, rồi em cởi luôn cả áo. Cuối cùng cả hai em đều trần như nhộng, bì bõm trong dòng nước.
Các em tha hồ vùng vẫy: không ai nhìn thấy cả. Đường đi Pêts [1] cách xa ngoài bìa rừng mà rừng thì rộng mênh mông. Giá có ai trông thấy thì thế nào các em cũng bị mắng một trận nên thân. Vì chú bé thì chẳng nói làm gì - chú ta không phải là cậu ấm, nhưng cô bé đây chính là tiểu thư của tôn ông Xexey Pête, chỉ nhờ không ai biết nên em mới lén ra khỏi nhà được.
Ngay cả lúc trần trụi thế này, cô bé cũng để lộ mình là con nhà quyền quý: người em béo như con bồ câu và trắng như sữa. Mỗi khi em nhảy nhót trong dòng nước, hai bím tóc nhỏ màu hạt dẻ lại đung đưa quanh cổ.
-   Đerđơ, ta pơi ti [2]. - em nói với chú bé.
Chú bé gầy gò, đen sạm được gọi là Gergơ quay lưng lại, cô bé bám vào cổ chú. Gergơ đi vào bờ, cô bé lơ lửng trên mặt nước, hai chân đập nước tung tóe.
Vừa đến bờ, Gergơ bíu lấy cái gốc xanh xanh của bụi kako và lo lắng nhìn quanh.
- Ôi, con Xám!
Chú bước lên bờ và chạy quanh quẩn, tìm kiếm giữa rừng cây.
 - Chờ đấy nhé Vixusko [3], chờ đấy, tôi sẽ về ngay.
Chú kêu to với cô bé rồi cứ trần trụi như thế phóng đi.
Vài phút sau chú trở lại trên lưng một con ngựa xám già. Trên đầu con ngựa có một sợi dây tồi tàn: sợi dây buộc liền từ đầu xuống cái hãm dưới chân ngựa nhưng đã bị tuột.
Chú bé lặng lẽ quất ngựa bằng một cành dương đào, mặt tái mét. Vừa đến chỗ tắm, chú bá cổ ngựa, nhoai người nhảy xuống đất.
- Trốn đi! - Chú run rẩy nói. - Trốn đi! Quân Thổ đấy.
Chú quần sợi dây vài vòng vào gốc cây để buộc ngựa rồi vội vàng nhặt lấy quần áo. Hai đứa trẻ trần như nhộng chạy ù vào một bụi sơn trà, nằm dán mình xuống lớp lá khô sau bụi cây.
Thời đó trên các ngả đường, bọn lính Thổ không phải là của hiếm. Và anh, người bạn đọc thân mến, nếu nãy giờ anh vẫn tưởng rằng hai đứa trẻ ấy đang tắm trong nước suối mùa hè năm nay thì anh đã lầm. Hai đứa trẻ ấy còn đâu nữa? Và còn đâu tất cả những người sắp hiện ra trước mắt anh, nói, cười, hành động trong quyển sách này? Tất cả đã trở thành tro bụi cả rồi!
Vậy anh hãy gạt quyển lịch năm nay sang một bên, hỡi người bạn đọc đáng kính, và hãy tưởng tượng ra năm 1533. Giờ đây anh đang sống trong những ngày tháng năm ấy và chúa công của anh hoặc đang là vua Xopôio Gianốt[4] hoặc hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Pheđinan đệ nhất.
Làng nhỏ của hai em bé náu mình trong một thung lũng vùng Metsec, vẻn vẹn có ba chục nếp nhà vách đất với một dinh cơ lớn có tường xây đá. Cửa sổ mọi nhà đều che bằng vải dầu, cả trong dinh thự lãnh chúa cũng vậy. Ngoài ra, các mái nhà đều lợp sậy như ngày nay. Cây rừng xum xuê bao quanh làng nhỏ nên dân làng nghĩ rằng bọn lính Thổ chẳng bao giờ tìm đến được. Bọn chúng tìm đến bằng cách nào cơ chứ? Đường đi rất dốc, không hề có vết bánh xe. Tháp chuông cũng chẳng có. Mọi người sống và chết trong cái làng nhỏ ẩn khuất như những con sâu con bọ trong rừng.
Cha chú bé Gergơ trước kia làm thợ rèn ở Pêts, nhưng đã chết. Người vợ góa bèn về làng Kerextét ở với bố, một lão nông tóc bạc, đã từng chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa của Đôjo Giơrgiơ [5]. Chính vì thế ông lão mới được nương náu trong ấp trại của trang chủ Xexey. Thỉnh thoảng ông lão vẫn băng rừng xuống Pêts đi ăn xin. Mùa đông cả nhà sống nhờ vào những thứ ông lão đã xin được. Đôi khi thức ăn trên nhà lãnh chúa cũng nhỏ giọt xuống bàn họ.
Ngày hôm đó ông lão cũng vừa từ thành phố trở về. Ông bảo cháu:
- Cháu dắt con Xám đi chăn đi, tội nghiệp từ sáng đến giờ nó chưa được tí gì vào bụng.
Gergơ đã cùng con ngựa ra rừng theo lệnh ấy. Khi đi qua nhà lãnh chúa, chú gặp cô bé Êvo từ cổng vườn chui ra và khẩn khoản với chú:
 - Đerđơ, Đerđơ, cho em đi với!
Gergơ không dám bảo tiểu thư phải ở lại nhà. Chú xuống ngựa và dẫn Êvo đi về hướng cô bé muốn. Êvo muốn đi theo hướng những con bướm bay: bướm bay về phía trong rừng và các em cũng chạy theo. Cuối cùng các em gặp con suối, Gergơ thả ngựa ra bãi cỏ. Các em đã xuống suối tắm và chạy trốn ra sau bụi cây như thế đấy.
Các em nằm run rẩy vì sợ giặc Thổ.
Nỗi sợ hãi của các em không phải là chuyện bóng vía. Chỉ vài phút sau đã nghe tiếng lạo xạo trên lá khô rồi một cái mũ Thổ màu trắng cắm lông đà điểu cùng một cái đầu ngựa nâu hiện ra dưới hàng cây.
Tên Thổ nhìn ngang nhìn ngửa, đầu hắn quay hết bên này sang bên kia. Mắt hắn chợt dừng lại trên con Xám. Hắn cầm cương con ngựa chiến nhỏ màu sẫm của hắn dắt theo sau.
Bây giờ đã có thể thấy rõ tên Thổ là một gã da nâu, nét mặt xương xẩu. Vai hắn khoác một cái áo màu hạt dẻ, đầu đội mũ chóp cao màu trắng. Một bên mắt hắn buộc khăn trắng, còn mắt kia đang ngắm nghía con xám buộc cạnh gốc cây. Con ngựa không được vừa ý hắn, điều đó hiện rõ trong cái nhăn mặt của hắn. Tuy vậy hắn vẫn tháo dây buộc. Chú bé vừa nãy hắn thấy trên lưng ngựa vừa ý hắn hơn. Chú bé bán chạy hơn con ngựa này. Ở chợ bán nô lệ tại Côngxtăngtinốp[6]  người ta có thể trả giá chú bé gấp ba lần con ngựa. Nhưng chẳng thấy chú bé đâu cả. Tên Thổ đi tìm quanh một vài gốc cây và nhòm lên cả những cành lá rậm rạp, rồi hắn cất tiếng gọi to bằng tiếng Hung:
- Bé con ơi, mày ở đâu? Ra đây nào, chú nhỏ ơi! Ra đây tao bắt chồn đất cho! Ra đây nào!
Chú bé vẫn không ra.
- Ra đây nào! Đừng sợ, tao không đánh mày đâu! Không ra à? Mày không ra tao sẽ bắt ngựa mày đi!
Và quả thật, hắn cầm cương hai con ngựa chập làm một, dắt đi giữa những hàng cây.
Hai đứa trẻ từ nãy đến giờ im thin thít và tái mét mặt lắng nghe tên Thổ. Việc hứa cho chồn đất không đủ để giải thoát các em khỏi tình trạng kinh hoảng đến cứng đờ người. Ở nhà, các em đã nghe quá nhiều lần câu rủa “Thổ bắt mày đi” cùng bao nhiêu những chuyện dựng tóc gáy về giặc Thổ, khiến các em không bao giờ dám bước ra trước bất cứ một sự dỗ dành nào. Nhưng khi tên Thổ nói hắn sẽ bắt con Xám đi, Gergơ bắt đầu nhúc nhích. Chú nhìn sang Êvơ như chờ đợi ở cô bé một lời khuyên bảo, chú nhìn cô bé với vẻ mặt của một người bị gai đâm vào bàn chân.
- Nó bắt mất con Xám! Ở nhà mọi người sẽ nói gì nếu anh trở về mà không có con Xám?
Cô bé Êvo không trả lời cho tất cả những lo lắng ấy. Cô bé nằm như chết bên cạnh chú, đôi mắt to xanh đẫm ướt vì sợ hãi. Nhưng con Xám đã đi rồi. Gergơ nghe những bước đi của nó, con Xám có những bước đi chậm chạp, nặng nề. Lá khô xào xạc đều đều dưới chân nó. Thế là tên Thổ bắt nó đi, hắn đã bắt nó đi thật rồi!
-  Con Xám…
Gergơ ấp úng, mồm mếu xệch sắp khóc. Và em ngửng đầu lên. Con Xám đi kìa, nó đang đi. Lá rừng kêu xào xạc dưới chân nó. Ô, cái đồ ngốc!
Gergơ bỗng quên hết sợ hãi, chú nhảy dậy và cứ thế cắm cổ đuổi theo con Xám.
 - Bác ơi! Bác lính Thổ ơi! - Chú run rẩy kêu lên.
Tên lính Thổ đứng lại, cười nhăn nhở. Eo ơi, người đâu mà xấu xí! Hắn nhăn nhở như không phải cười mà đang sắp sửa cắn.
- Bác ơi, con Xám… con Xám là của nhà cháu. - Gergơ vừa khóc vừa nói: chú đứng lại cách chừng hai chục bước.
- Nếu là của nhà cháu thì lại đây, đây này! - Tên Thổ trả lời và buông cương con Xám ra khỏi tay.
Chú bé chỉ còn thấy có con Xám. Khi con Xám bắt đầu chậm chạp bước đi, chú liền chạy vụt lại và chụp lấy dây cương.
Trong nháy mắt, chính chú cũng bị chộp. Những ngón tay to, khỏe của tên Thổ siết lấy cánh tay nhỏ yếu, trần trụi của em, và em bay vút lên yên con ngựa chiến.
Gergơ khóc thét lên.
- Suỵt! - Tên Thổ vừa nói vừa rút đoản đao ra.
 Nhưng Gergơ cứ gào:
 - Vixusko! Vixusko!
Tên Thổ quay đầu về phía Gergơ vừa gọi, tay đặt lên đốc kiếm. Nhưng khi thấy một đứa bé nữa, hắn lại dắt đoản đao vào vỏ và mỉm cười.
 - Lại đây, lại đây, bác không đánh cháu đâu.
Hắn vừa nói vừa dắt đôi ngựa về phía cô bé. Gergơ định tụt xuống ngựa, tên Thổ lập tức phát mạnh một cái vào lưng chú. Thế là Gergơ khóc rống lên và ngồi yên, còn tên Thổ thả hai con ngựa ở đấy, đuổi theo cô bé.
Tội nghiệp cô bé Vixo, giá lớn hơn em đã có thể chạy thoát, nhưng chân em còn bé bỏng quá mà cỏ thì lại cao. Em vấp ngã và chỉ trong nháy mắt, em đã giãy giụa và khóc thét lên trong lòng tên Thổ.
 - Suỵt! - Tên Thổ đét vào mông em. - Im ngay không tao ăn thịt mày ngay bây giờ! Hăm - hăm!
Cô bé vội nín bặt, chỉ còn trái tim nhỏ xíu của em đập thon thót chả khác gì tim con chim sẻ bị bắt nằm trong lòng bàn tay. Tuy vậy, khi vừa đến chỗ hai con ngựa, tiếng kêu của em vẫn bật ra:
- Cha ơi! Cha!
Cô bé tuyệt vọng tưởng những tiếng kêu của em có thể vang đến bất cứ nơi xa nào. Chú bé Gergơ cũng khóc, chú vừa dụi ngón tay vào mắt vừa nức nở:
- Về nhà cơ, cháu muốn về nhà cơ!
- Im ngay, đồ nhãi ranh! Tao tước đôi mày ra bây giờ! - Tên Thổ quát lên và dứ dứ nắm tay dọa dẫm về phía Gergơ.
Hai đứa trẻ nín bặt. Cô bé gần như chết khiếp, còn Gergơ chỉ dám khóc lặng lẽ trên lưng con ngựa chiến.
Khi ra khỏi rừng, Gergơ thấy bọn lính Thổ đánh xe lúc nhúc đầy đường Metsec. Bọn akinji [7] cưỡi ngựa, bọn axap [8] đi bộ và những tên lính tạp ngũ trang phục hổ lốn. Chúng cưỡi những con ngựa nhỏ, lóc cóc cưỡi về nước.
Toán đi trước bọn họ áp tải khoảng mười cái cả xe khách lẫn xe hàng chất nặng đồ đạc. Trên các xe hàng chồng chất những vải vóc, giường tủ, thùng rượu, bàn ghế, da thú cùng những bao lúa mì. Một toán nô lệ chân đeo xiềng, tay bị trói giật cánh khuỷu, mặt buồn rười rượi, lê bước bên cạnh. Tên ionisa[9] của chúng ta có ba cái xe hàng và bảy nô lệ. Ngoài hắn ta, toán này còn có năm tên ionisa khác mặc quần xanh, đi ủng đỏ, đội mũ trắng và ba tên axap đội mũ lông thú, cầm thương dài. Mũ của tên chột cắm một cái lông đà điều trắng dính đầy bụi, uốn cong từ phía trước ra phía sau, rủ xuống gần đến giữa lưng.
Trong khi hắn sục sạo trong rừng, ba cái xe hàng đứng tránh sang bên đường nhường chỗ cho những tên hồi hương khác.
Mấy tên ionisa cất tiếng cười vang đón tiếp hai đứa trẻ con và con Xám. Bọn chúng nói chuyện huyên thuyên gì đó bằng tiếng Thổ, Gergơ không hiểu, nhưng cứ nhìn bộ dạng của chúng thì cũng đủ biết chúng đang bàn tán về các em và con ngựa. Khi nhìn em và Vixo, bọn chúng cười; khi nhìn con ngựa, chúng xua tay như thể đuổi ruồi. Tên Thổ tung hai đứa trẻ lên nóc đống vải chất trên xe. Có một cô gái mặt bầu bĩnh đang ngồi trên đó, cô cũng là một nô lệ bị xiềng chân; hắn giao cho cô trông nom hai đứa trẻ. Một tên ionisa khác mở một cái bị cáu bẩn và lôi ra đủ các thứ quần áo trẻ con. Trong đó có cả váy, áo lót, áo choàng, mũ két, mũ con gái và những đôi ủng nhỏ. Tên Thổ chọn ra hai cái áo ngắn và một cái áo lông cừu cộc tay rồi ném lên xe.
- Mặc vào cho chúng nó. - Tên chột bảo cô gái.
Cô gái trạc độ mười bảy tuổi, là một cô thôn nữ. Khi mặc quần áo vào cho các em, cô ôm hôn cả hai đứa.
- Em tên là gì hở nàng tiên bé bỏng của chị?
- Vixusko.
- Thế còn em?
- Gergơ.
- Đừng khóc nữa các em nhé. Các em sẽ ở với chị.
- Nhưng em muốn về nhà. - Gergơ khóc.
- Em cũng thế. - Cô bé cũng khóc.
Cô gái quàng tay ôm lấy hai em và hôn lên những cái má nhỏ đầm đìa nước mắt.
* * *
Đàn chó trong làng tức tối sủa váng lên và nhảy chồm chồm quanh một người hành bộc râu trắng, tóc để dài. Nếu người đó không khua quanh mình cái gậy to, đầu có chứ thập thì chắc chắn bầy chó đã xé nát cái áo choàng bằng vải thô của y. Lúc đầu y còn đi giữa đường, về sau thấy bầy chó to lớn xù lông xông đến mỗi lúc một đông nên y thận trọng lùi vào cạnh một bờ giậu, lưng tựa vào bờ giậu và vung cái gậy để chống cự, chờ người ra giải thoát cho y khỏi vòng vây của bầy chó.
Những người trong nhà tuy cũng chạy ra vì nghe tiếng chó sủa dữ dội, nhưng mắt họ lại hướng về phía năm chiến sĩ Hung đang phi nước đại vào làng. Một tráng sĩ tóc vàng nhạt, mặc áo bào đỏ, phóng ngựa dẫn đầu. Mũ chàng cắm một cái lông sếu. Trước mặt chàng, một cây súng đặt nằm ngang trên yên. Ánh giáp lấp lánh dưới lần áo chẽn mỏng màu bồ quân. Đằng sau là bốn chiến sĩ khác. Khi vào đến làng, họ nhòm bên này, ngó bên kia như thể mỗi nếp nhà trong làng ấy đều là một vật lạ kỳ. Trước cổng nhà Xexey, một nông phu ôm giáo đang ngồi ngủ gà ngủ gật trên bục đá. Tiếng vó ngựa lộp cộp làm gã choàng tỉnh mộng. Vội vàng, gã mở rộng cả cánh cổng bên kia và những chàng kỵ sĩ cho ngựa phi ào qua cầu hào vào trong sân.
Xexey đang ngồi bó gối trong bóng cây nham lê như một con ó già. Mấy nông phu đang xén lông cừu ở đấy. Tay họ cầm kéo nhưng lưng họ đeo gươm. Cuộc sống ở nước Hung thời đó là như thế!
Xexey đã trông thấy những chiến sĩ. Lão đứng lên, khập khiễng đi về phía họ. Lão có một dáng đi lạ đời: một chân không gập được đầu gối, một chân không uốn được chỗ mắt cá. Còn uốn làm sao được khi cả hai đều làm bằng gỗ Tay phải của lão cũng không còn nữa, ống tay áo vải lủng lẳng phía dưới khuỷu tay.
Tráng sĩ đội mũ lông sếu nhảy xuống ngựa, ném cương cho một chiến sĩ rồi vội vàng tiến lại chỗ Xexey.
- Tôi là Đôbô Istơvan. - Chàng trai vừa bỏ mũ ra vừa nói và dập mạnh gót giày vào nhau.
Đó là một chàng trai cao, người xương xương, nhưng cử chỉ mạnh mẽ. Đôi mắt xám của chàng có cái nhìn sắc nhọn, đầy cương nghị. Xexey giấu tay ra sau lưng và hỏi:
- Cậu phục vụ trong đội ngũ của ai?
- Hiện nay trong đội ngũ của Tơrơc Balin.
- Như vậy cậu thuộc phái Pheđinan! Xin chào cậu.
Bây giờ lão mới chìa tay cho chàng bắt. Lão liếc mắt nhìn con tuấn mã của chàng rồi lại nhìn thanh gươm và hỏi:
- Ngọn gió nào đã đưa cậu đến đây thế?
- Chúng tôi, bác ạ, chúng tôi từ Polôto đến.  
- Từ thành của Môrê [10] ấy à?
- Thành ấy đã không còn của Môrê nữa rồi.
- Vậy thì của ai?
- Hiện giờ chưa phải của ai cả. Vả lại nó cũng chẳng còn là thành quách gì nữa mà chỉ là một đống đá vụn.
Lão già chân gỗ kinh ngạc hỏi:
- Các cậu đã san phẳng nó rồi ư?
- Sát tận đất.
- Tạ ơn trời! Nào, vào chỗ râm mát này đã cậu em, vào dưới hàng hiên này đã. Bà nó ơi! Có khách đến nhà đấy.
Và lão, vẫn chưa hết kinh ngạc, lại hỏi:
- Thế là các cậu đã san phẳng nó rồi?
Bà chủ nhà bé nhỏ, đẫy đà đang loay hoay ở ngoài hiên: bà đang sai một gia nhân kê lại cái bàn vào dưới bóng mát. Một gia nhân khác đã mở cửa hầm kho.
- Tên cậu là gì ấy nhỉ, Bôđô hay Đôbô?
- Đôbô Istơvan.
- Đây là Đôbô Pisơto [11]
Xexey giới thiệu chàng thanh niên với vợ. Lão sai dọn rượu và thức ăn cho cả các chiến sĩ, đồng thời cho người chạy đi mời giáo sĩ.
Đôbô nói:
- Bác ạ, trước khi ngồi xuống bàn, tôi cần phải hỏi xem có tên Môrê ở đây không? Chả là tôi đang đi lùng hắn.
- Môrê ở đây? Mong cho tôi khỏi phải thấy cái mặt của hắn, hoặc có thấy cũng chỉ thấy trên giá treo cổ mà thôi.
Đôbô lắc đầu:
- Vậy thì chúng tôi đi lạc vết mất rồi. Cho tôi xin ngụm nước.
- Hẵng gượm tí đã, chúng nó mang bình rượu vang ra bây giờ đấy.
- Lúc khát tôi chỉ uống nước thôi, bác ạ.
Đôbô trả lời và bưng cái bình to có vòi lên tu một mạch. Uống xong chàng hà hơi khoan khoái và hỏi:
- Bác có cho phép tôi được nghỉ lại đây đến tối không?
- Cậu nghĩ gì lạ thế? Tôi không thả cậu ra trước một vài ngày đâu!
- Xin cám ơn bác. Nhưng bây giờ đâu phải kỳ vũ hội. Tối nay chúng tôi sẽ đi tiếp. Nếu được phép thì tôi cởi cái áo giáp này ra một chút. Trời này nó nóng quá, dù chỉ toàn bằng lỗ cũng vậy [12]
Lúc Đôbô cởi áo trong phòng, người hành bộc cũng vừa đến cửa.
- Ngươi từ chỗ giám mục đến chứ gì? - Xexey ngẩng cao đầu lên hỏi y.
Người hành bộc ngạc nhiên trả lời:
- Vâng ạ. Tôn ông làm sao mà biết được ạ?
- Chẳng cần phù phép gì đâu, nhìn râu của ngươi trắng ra vì mỡ chồn thì ta đủ biết nhà ngươi vừa từ xa đến nhà ta.
- Tôn ông tinh mắt quá.
- Từ xa mà cứ nhắn nhe cho ta thì chẳng còn ai ngoài tên tổng giám mục ở Soiôlát. Hắn là em rể ta đấy, nhưng ta cầu cho thiên lôi đánh chết gã đi.
- Nhưng đã từ lâu ông chủ của con có còn là tổng giám mục nữa đâu, ngài đã là giám mục riêng của nhà vua rồi, tôn ông ạ!
- Điều ấy ta cũng đã biết, tầm sét cứ đánh cho hắn chết luôn đi với nhà vua của hắn. Tên người là gì?
- Vosanhi Imre.
- Bao nhiêu tuổi?
- Dạ, ba chục.
- Nào,  đưa ta xem, ngươi mang tin gì đến đấy?
Người hành bộc ngồi bệt xuống thềm, lần tay bóc lớp vải lót của áo khoác. Y ca cẩm:
- Ở vùng này cái nóng thật vô đạo, với lại tụi Thổ đông như ruồi.
- Điều đó chúng ta có thể hiểu hơn cha giám mục và nhà vua của ngươi ấy. Thế nào, ngươi khâu lá thư ấy vào đến tận lục phủ ngũ tạng hay sao vậy?
Cuối cùng Vosanhi cũng móc ra được bức thư niêm dấu đỏ và trao cho chủ nhà.
- Bà bảo chúng nó dọn thức ăn thức uống cho người này nhé, xếp chỗ nghỉ cho anh ta nữa.
Xexey bảo vợ rồi bẻ dấu niêm, mở phong thư ra.
- Đích thị nét chữ của cha giám mục đây mà. - Lão vừa nheo mắt nhìn vào bức thư vừa nói. - Sạch như in, nhưng có điều quá nhỏ, ta quả không đọc được nữa rồi.
Người hành bộc ngồi dịch vào phía trong chỗ bóng cây và nói:
- Chắc chắn ông chủ đã viết chuyện tốt lành đấy vì ngài không giục con phải vội. Mỗi khi ngài gửi thư đóng dấu niêm to là bao giờ con cũng phải vội vàng. Đây chỉ là thư đóng dấu niêm nhỏ, không phải chuyện quốc sự.
Rồi với niềm vui lặng lẽ của người đã đạt tới đích, y bưng hũ rượu vừa đưa đến nốc một hơi dài.
Bà chủ nhà cũng cầm lấy bức thư. Bà ta nhìn trên nhìn dưới rồi lại nhìn dấu niêm đã vỡ vụn và quay sang hỏi người hành bộc:
- Cậu Giuri[13] có được mạnh khỏe không?
Người hành bộc đang nhai miếng phó mát, y nuốt vội để trả lời:
- Ngài không ốm đau bao giờ ạ.
Một giáo sĩ tóc đã bạc nhưng còn có vẻ tráng kiện, vai rộng, đầu gần như đầu bò tót, bước qua bực cửa. Người hành bộc đứng dậy, định đến hôn tay ông, nhưng ông vội đưa tay lên vuốt chòm râu bạc dài đến ngực để người kia không thể hôn được, và hỏi:
- Ngươi là tín đồ La Mã hay theo dòng mới? [14]
- Con là tín đồ La Mã ạ.  Người hành bộc trả lời.
Lúc đó giáo sĩ mới nhận cái hôn tay.
Mọi người đi vào phòng. Giáo sĩ đến đứng bên cửa sổ và dịch bức thư viết bằng tiếng La-tinh ra tiếng Hung:

“Anh rể thân mến…

Giáo sĩ có giọng trầm đặc biệt. Trong cách nói của ông, những phụ âm chỉ có thể cảm thấy mà thôi. Tuy vậy, những người đã quen đều hiểu lời ông.

… và chị Giuliko thân yêu! Tôi cầu Chúa lòng lành ban sức khỏe và cuộc sống bình an cho toàn gia quyến. Tôi nghe tin ở vùng anh chị hàng ngày vẫn bị cướp phá, khi thì bởi tụi Môrê, khi thì bởi bọn Thổ, chỉ có lớp nông nô dính chặt với đất đen là còn sống sót nổi, còn những ai có sức đều chạy loạn cả, kẻ lên miền ngược, người xuống miền dưới với dân Đức. Vậy nếu anh chị còn sống sót và vẫn ở Kerextét thì hãy tự cứu lấy mình. Tôi đã nói chuyện với Hoàng thượng để Ngài đền bù lại những thiệt hại của anh chị…

- Anh đừng đọc nữa! - Xexey đứng phắt dậy la lên. - Chó nó cần sự ân sủng của đồ chó!
- Yên lặng đã nào, anh thân yêu. - Bà vợ xoa dịu chồng. - Giơrgiơ thừa thông minh để hiểu rằng không bao giờ chúng ta thèm nhận của nhà Xopôio một cái gì hết; ông hãy cứ nghe cho hết bức thư đã nào.
Giáo sĩ nhíu đôi lông mày rậm và đọc tiếp:

… Tuy nhà vua không thể trả lại vùng đất Sát cho anh chị nhưng có một làng gần Nodơvarốt…

- Đúng thế! Đúng thế! - Xexey hét to và đập mạnh xuống bàn. - Ta không thể đội trời chung với hắn trên đời này, và cả đến kiếp sau cũng thế. Nếu kiếp sau có gặp nhau thì cũng chỉ với gươm giáo mà thôi!
Giáo sĩ vẫn tiếp tục đọc:

… Tại Buđo đây, ngôi nhà của tôi bỏ trống, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ dời đến Nodơvarốt. Chỉ có một người thợ làm cung nỏ ở nhà dưới, còn ba phòng trên gác hoàn toàn bỏ không.

- Không cần! - Xexey lại hét lên. - Mày mua bằng tiền của Xopôio, cha giám mục ạ! Ta mà có thèm bước vào nhà ấy thì nó cứ đổ sập xuống.
Giáo sĩ nhún vai nói:
- Anh làm sao biết được ông ta mua bằng tiền ấy. Nhỡ là của thừa tự thì sao?
Nhưng Xexey đã không thèm nghe ai nói nữa. Lão cáu kỉnh rảo bước ra khỏi phòng, đôi chân gỗ nện lọc cọc suốt hàng hiên đến chỗ người hành bộc đang ngồi ăn, lão dừng lại và giận dữ nói với y:
- Về nói với cha giám mục rằng ta gửi lời chào, còn cái chuyện hắn đã viết thì cũng bằng như chẳng có gì cả.
- Thế con không mang phúc thư về ạ?
- Không.
Lão nói rồi khập khễnh đi ra vườn, đi ngược đi xuôi dưới nắng. Đôi khi lão quật cây gậy sang hai bên như thể đang đánh đuổi một bầy chó vô hình, mồm lầu bầu:
- Đầu ta đâu phải đã là khúc gỗ!
Mấy người nông phu xén lông cừu một cách hăng hái hơn. Đàn chó cũng lảng xa. Cả ngôi làng cũng hình như chuồi thấp hơn xuống bờ sông.
Bà chủ nhà đứng lại trên hiên với ông giáo sĩ, ông này nhún nhún vai:
- Mà giả dụ không phải của thừa tự chăng nữa thì cũng là của làm ra bằng công sức của cha giám mục. Ngài muốn cho ai tùy thích. Ngài đã muốn cho Pête thì sau này đó sẽ là nhà của Pête và trong ngôi nhà đó, đến hoàng đế cũng không thể ra lệnh được.
Đôbô bước ra khỏi phòng. Bà chủ nhà giới thiệu chàng với giáo sĩ và lên tiếng gọi Vixo:
- Vixusko! Con đâu rồi hở Vixo?
- Cô ấy chơi ở ngoài vườn ấy ạ. - Một mụ đầy tớ trả lời.
Xexey cũng đã trở lại và nói độp vào mặt giáo sĩ:
- Giáo sĩ ơi, anh đã trở mặt rồi! Nay mai anh còn đầu quân làm tên lính vác cờ cho Gianốt nữa kia đấy.
- Còn anh khi về già lại từ bỏ cái tên Hung! - Giáo sĩ đập lại.
- Anh đầu quân mà làm đao phủ!
Xexey hét.
- Anh thì làm một thằng Đức! - Giáo sĩ sửng cồ.
- Đồ đao phủ!
- Đồ vong bản!
- Đồ sát nhân!
- Đồ bán nước!
Hai ông già đã giận tím cả người, hét vào mặt nhau.
Đôbô chỉ còn chờ đến lúc phải kéo hai người ra, chàng sốt ruột hỏi:
- Đừng cãi vã nhau nữa, cầu Trời phù hộ cho các bác. Chẳng thà các bác đi đánh nhau với tụi Thổ còn hơn.
- Cậu chưa hiểu chuyện này, cậu em ạ.
Xexey trả lời và ngồi phịch xuống ghế.
- Xopôio Gianốt đã từng sai cắt lưỡi lão giáo sĩ này, còn đối với ta, hắn đã chặt mất tay phải. Thế mà lão giáo sĩ lại còn đem tí lưỡi còn lại để bảo vệ Xopôio thì có phải là điên không?
- Nếu hắn chỉ là kẻ thù riêng của tôi thì tôi đã có thể tha thứ cho hắn từ lâu rồi. - Giáo sĩ trả lời với giọng cũng đã dịu bớt. - Nhưng như thế này tôi vẫn nói rằng chẳng thà để hắn làm chúa người Hung còn hơn là bọn Đức.
- Nhưng chẳng thà người Đức còn hơn quân Thổ [15]. - Xexey lại kêu to.
Đôbô vội vàng nói xen vào để hai người đừng quay qua nhiếc móc nhau lượt nữa:
- Thật ra bảo tốt thì chẳng tên nào tốt cả. Người miền trên chúng tôi nghĩ rằng cần phải đợi ít nữa xem quân Đức có đưa lực lượng ra đánh quân Thổ hay không? Với lại cũng phải xét xem Gianốt có thực muốn bán sơn hà cho quân Thổ hay không?
- Hắn bán đứt đi rồi, cậu em ạ, từ lâu kia!
- Tôi không tin. - Đôbô đáp lại. - Ông ta chẳng bao giờ cần quân Thổ, ông ta chỉ cần cái vương miện mà thôi.
Bà chủ nhà đặt lên bàn một đĩa thịt gà rán. Mùi thịt gà rán vàng thơm phức làm nét mặt hai ông già dịu hẳn lại.
- Chà,  hồi ta còn trẻ như cậu, cậu em ạ… Cậu bao nhiêu tuổi rồi? - Xexey vui vẻ hỏi.
- Ba mươi mốt rồi. - Đôbô trả lời. - Chắc hẳn chẳng bao lâu sẽ không còn ai khen tôi là trẻ nữa.
- Chừng nào chưa lấy vợ, người ta vẫn còn trẻ mãi. Nhưng cậu cũng lo đi là vừa chứ?
- Tôi chưa rỗi. - Đôbô trả lời. - Từ thuở bé đến giờ tôi cứ bận với trận mạc liên miên thôi, bác ạ.
- Như vậy là tốt. Người Hung đã sống như thế từ thuở khai thiên lập địa. Chẳng lẽ cậu lại tin rằng ta đã cụt cả hai cẳng trong lúc khiêu vũ chăng? Ta đây, cậu em ạ, ta đã bắt đầu sự nghiệp với Kiniji[16]. Vua Máchát[16] gọi ta bằng tên riêng. Về sau ta đã kết thúc quãng đời chinh chiến với Đôjo, người anh hùng của những bậc anh hùng, cậu hãy tin như vậy.
Lão nâng cái cốc thiếc đã rót rượu đầy tận miệng và vui vẻ nói:
- Cầu Trời thương lấy người Hung và đặc biệt phù hộ cho cậu. Hãy ban cho thanh gươm của cậu những chiến công hiển hách, và cho cậu một người vợ đẹp. Cậu có biết đánh cờ không?
 - Tôi không biết. - Đôbô vừa đáp vừa mỉm cười vì sự chuyển tiếp đột ngột của dòng tư tưởng ấy.
Chàng dốc cạn cốc. Đó là một thứ rượu vang đỏ khá mạnh. Chàng thầm nghĩ: bây giờ ta đã hiểu cái gì làm cho hai ông già trở nên nóng tiết đến thế.
- Ồ, thế thì cậu sẽ không thể trở thành một viên tướng giỏi được.
- Đúng thế, nếu quân ta chiến đấu theo kiểu phương Đông: quân đội địch quân đội. Đằng này chúng tôi chỉ đánh nhau theo kiểu Hung thôi: người chọi người. Về việc này, bàn cờ không thể dạy.
- Như thế nghĩa là cậu vẫn có biết đánh cờ.
- Không, tôi chỉ vừa gọi là sạch nước cản thôi.
- Ra thế đấy, nếu rồi đây học được cả các thế đánh nữa, cậu sẽ nghĩ về cờ một cách khác hơn. Một giờ trong cuộc cờ, cậu em ạ, người ta có thể trải qua tất cả mọi diễn biến, mọi hiểm nghèo của một trận đánh thực sự.
- Các bác ở đây có lẽ đánh cờ luôn nhỉ?
- Bọn ta ấy à? Không bao giờ. Không cần đánh cờ bọn ta cũng đủ cãi lộn nhau rồi. Thế mà bọn ta đã cùng mọc lông mọc cánh, cùng sống bên nhau, cùng trận mạc vào sinh ra tử…
- Và sẽ chết cùng với nhau. - Giáo sĩ gật đầu kết thúc câu nói.
Hai ông già thân ái nhìn nhau và cùng chạm cốc.
- Nhưng Balin ạ, anh cũng phải nhận rằng người nào đã xua được tên Môrê cáo già ấy ra khỏi thành trì của hắn, người đó đã làm được một việc ra trò. Và người đó hẳn là Pheđinan chứ còn ai vào đây nữa.
 - Không phải chỉ có Pheđinan. - Đôbô đáp lại. - Cả hai nhà vua cùng chung sức. Quân đội cả hai bên đã làm việc đó. Thiên hạ đã căm ghét những việc lăng loàn của tên tướng cướp ấy lắm rồi. Gần đây hắn đã quật cả mồ mả người ta lên.
- Nhưng dù sao Pheđinan cũng gửi đến nhiều quân hơn chứ?
- Không phải, vua Gianốt còn gửi nhiều hơn. Pheđinan chỉ nhắn với Tơrơc Balin [17] đến giúp Gianốt, và gửi đến năm chục thợ mỏ.
- Để phá tường à?
- Vâng. Quân Thổ cũng đến giúp sức một ít.
- Cố nhiên là dưới cờ Gianốt.
- Đúng thế, nhưng ước gì quỷ tha ma bắt cái của giúp đỡ ấy đi. Bao giờ tụi nó cũng cướp bóc tàn tệ lúc trở về.
- Cái tụi akinji chó má thật.
- Đúng là đồ chó má.
- Các cậu khử cái thành ấy dễ dàng chứ?
- Tôi không thể nói như vậy. Tường thành rất vững chắc. Chẳng bên nào mang theo đại bác phá thành cả còn thứ đại bác bắn ria thì ăn thua quái gì?
 - Tôi cũng đã từng đến đó, - Giáo sĩ lên tiếng. - cái thành đó quả là cả một khối đá tảng chứ không phải đất bồi đâu. Thế chúng nó không chịu nộp thành à?
- Không. Chúng tôi đành phải điều năm chục thợ mỏ đến phá đá. Công việc thật vất vả. Cuốc chim cứ tóe lửa trên đá, choòng sắt mỗi lần đóng chỉ lún được độ một móng tay vào sườn thành đá thôi. Nhưng nhiều tay thì cuối cùng đá cũng phải chịu thua.
 - Các cậu cho nổ tung cái thành lên chứ?
- Trước hết chúng tôi nhắn vào cho Môrê biết là các hốc ở chân thành đã nạp đầy thuốc nổ. Hắn bèn xin chờ cho đến sáng hôm sau. Chúng tôi đồng ý. Nhưng con cáo quỷ quyệt ấy đã làm gì trong lúc chúng tôi chờ hắn? Hắn tập trung tất cả dân trong thành lại và khuyến khích họ giữ vững lấy thành trì để hắn chuồn đi cầu cứu. “Được thôi - dân thành trả lời nhưng có gì bảo đảm là ông sẽ trở lại?”. “Cả hai đứa con ta đều ở lại đây cùng tất cả vàng bạc của ta. Các ngươi còn muốn gì hơn nữa?”. Tên tướng cướp trả lời thế rồi ròng dây xuống tường thành và lỉnh mất. Chúng tôi, cố nhiên, trong đêm đen như mực chúng tôi không thấy hắn. Sau đó, khi mặt trời lên và không thấy cờ trắng, không thấy sứ giả, cũng không thấy mở cổng thành, chúng tôi bèn cho nổ các hốc thuốc súng. Ở đây không nghe thấy gì ư? Thật là một tiếng nổ rung chuyển cả núi rừng. Tường thành đổ sụp cả xuống. Chúng tôi xông vào thành, các chiến sĩ của chúng tôi căm tức quá, giết sạch cả đám bộ hạ của Môrê.
- Cả mấy đứa con hắn nữa chứ?
- Chúng nó thì không. Chúng tôi tìm thấy chúng nó trong một cái hầm đá. Hai thằng nhóc da nâu rất kháu. Từ hôm đó chúng được đưa về ở chỗ vua Gianốt.
- Thế cho nên các cậu mới đi tìm Môrê đấy phải không?
- Tôi chỉ rẽ vào đây một chốc để lùng Môrê với bốn chiến sĩ của tôi. Chả là vì giữa đường chúng tôi có hỏi chuyện một người canh ruộng và biết hắn đã ngủ nhờ trong hầm nhà anh ta. Anh ta bảo hắn đang cố chạy tới Pêts theo hướng này.
Bà Xexey ngoảnh ra sau hỏi một đứa ở gái đang lau sân:
- Này, Mogđo, Vixusko đâu rồi?
- Con không thấy, - người ở gái đáp. - Sau bữa trưa, cô ấy vẫn chơi ở trong vườn đấy mà.
- Hãy chạy đi tìm cô ấy về!
- Con bé nhà ta, - Xexey mỉm cười nói. - thật quả Trời đã tặng cho tuổi già của ta đấy. Tí nữa cậu sẽ thấy nó chẳng khác một nàng tiên tí hon chút nào.
- Bác không có con trai ư?
Xexey lắc đầu:
- Giá ta mà có con trai, cậu em ạ, thì có lẽ tay ta cũng sẽ mọc ngay ra như càng cua ấy.
Đứa ở gái về bẩm không tìm thấy cô bé ở đâu cả. Trong lúc mải trò chuyện, mải đọc thư, mọi người đều quên bẵng cô bé Vixo. Bọn đầy tớ gái thì còn đầu óc đâu mà nghĩ đến bé nữa. Tất cả bọn đều cố moi cho ra việc ở ngoài sân, nơi các dũng sĩ đang nghỉ ngơi và vân vê ria mép. Bọn con gái cứ xúng xa xúng xính trong những cái váy, chúng vui đùa như thể các chàng dũng sĩ đến chạm ngõ ở nhà Xexey không bằng. Ngay lúc đó đám gia nhân sục tìm khắp quanh nhà như thể tìm kim.
- Vixusko! Vixusko!
Người ta dò tìm trong tất cả các bụi cây, tất cả mọi chỗ chơi đùa của trẻ con trong làng.
A, vú Kotô đâu rồi? Vú giữ bé kia mà. Chắc vú già đã ngủ quên. Ai thấy Vixusko ở đâu không? Chẳng ai thấy cả. Hình như có một chú bé đứng nói chuyện với em ở sau vườn, lúc chiều. Ai đi sau vườn lúc chiều nhỉ? Chẳng có ai khác ngoài chú bé Gergơ, chú bé dắt ngựa của ông đi chăn. Nhưng chú bé Gergơ ấy đâu rồi? Cũng chẳng thấy chú bé ấy ở đâu cả! Chắc hẳn chú ta đã cưỡi ngựa vào rừng rồi! Ồ, một sự vô ý trẻ con! Bao nhiêu lần người ta đã dặn chú đừng có dắt ngựa đi quá bãi cỏ sau làng.
Người ta tìm kiếm khắp dải rừng xung quanh làng.
- Vixusko! Vixusko!
Cả nhóm Đôbô cũng đổ đi tìm giúp. Người ta xem xét từng hốc cây, từng cành cây, từng mương nước, từng thung lũng, từng bụi rậm quanh làng. Biết đâu em chả ngủ quên ở một nơi nào đó? Mẹ Gergey cũng kêu khóc, chạy bỏ đi tìm con. Người ta bắt gặp vú Kotô ở trong rừng. Té ra vú đã đi tìm từ lâu, vú gọi đã khản cả cổ.
Cuối cùng, lúc trời đã chạng vạng, một người đầy tớ mừng rỡ kêu lên:
- Đây rồi!
- Tạ ơn Trời!
- Áo quần cô cậu đây rồi!
Áo quần của các em, tất nhiên là chỉ có áo quần thôi: cái áo nhỏ giặt là tử tế, đôi giầy xinh xắn màu đỏ tươi, cái váy bằng lụa vàng cùng với áo, quần đùi và mũ của Gergơ, chứng tỏ các em đã tắm. Bên bờ suối có dấu chân các em trên cỏ mềm. Dấu chân to hơn, có những ngón tõe ra là của Gergơ, dấu chân nhỏ hơn là của Vixusko. Chắc hẳn các em đã chết đuối ở dưới suối rồi.
* * *
- Tên chị là Morơghit. - cô gái nô lệ ngồi trên xe nói. - Chị sẽ kể chuyện cho các em nghe, chị biết nhiều chuyện lắm. Các em ở đâu, hở các em thân yêu của chị?
- Em ở trong làng. - Gergơ cay đắng trả lời.
- Ở trong làng. - bé Vixo cũng thỏ thẻ.
- Làng nào cơ?
- Trong làng em ấy mà, ở phía đằng kia kìa.
- Nhưng làng ấy tên là gì chứ?
- Tên làng ấy à?
- Ừ, tên làng gọi là gì nào?
- Tên làng? Em chịu, không biết.
Morơghit là một cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, cái miệng lúc nào cũng như chúm môi hôn.
Hơi lốm đốm tàn hương quanh mũi. Cổ cô đeo một chuỗi hạt thủy tinh màu xanh. Tụi Thổ đã bắt được cô trong vùng đồng cỏ, tỉnh Sômôđơ.
Nghe câu trả lời của các em, cô chỉ lắc đầu. Cô bí mật xé vải đệm để trên xe, quấn quanh một chiếc thìa gỗ làm thành búp bê.
- Búp bê của Vixusko đây này. Khăn nó vàng, váy nó đỏ. Ta sẽ may áo cho búp bê, ẵm búp bê, dạy búp bê nhảy và ru nó ngủ nhé.
Chiếc xe vẫn lặng lẽ đi.
Một thanh niên nông dân vạm vỡ cũng một gã xigan mặt rỗ cũng còn trẻ đi bên cạnh xe. Cả hai đều đi chân đất. Gã xigan mặc một cái quần xanh vá chằng vá đụp. Cái áo chẽn ngắn tay cũng màu xanh. Một chiếc kèn gỗ thò cái ống bẩn thỉu ra khỏi túi trong của áo chẽn. Bên kia xe, một mục sư đen thủi lê bước cùng một bác nông phu đầu tóc bù xù, mặt to bè bè. Bác ta dễ đã đến tứ tuần. Mục sư còn trẻ hơn, người cao, mặt gầy.  Mặt ông không râu, không ria, đến cả lông mày cũng không có, mà lại đỏ như gấc. Chỉ có hai con ngươi là đen… Vài hôm trước đó, bọn Thổ đã dội nước sôi lên người ông để bắt ông phải nộp những đồ đạc quý giá của nhà thờ cho chúng. Khốn nỗi, nhà thờ của ông lấy đâu ra của quý!
Bọn họ, tất cả những người bị bắt đều là dân nghèo. Chân họ đeo xiềng xích, tay họ - người bắt chéo ra đằng trước, người quặt ra đằng sau - cũng nằm trong sắt thép. Anh thanh niên bị xích chung với gã xigan, ông mục sư cùng với bác nông dân. Anh thanh niên đã phải lấy giẻ rách quấn xung quanh vòng xích ở cổ chân. Những miếng giẻ đã đẫm máu. Thỉnh thoảng anh lại quay ra phía sau nài nỉ:
 - Dừng lại tí nào, cho tôi sửa lại vòng xích một tí.
Nhưng mấy tên ionisa chẳng thèm đoái hoài tới anh, chúng đang mải chuyện gẫu với nhau, hoặc cùng lắm sự trả lời của chúng cũng chỉ là một cái nhìn hằn học.
Gergey dán mắt vào anh thanh niên. Tay anh mới gân guốc làm sao! Và cái áo anh mặc mới đỏ chứ! Anh chẳng có vẻ gì tỏ ra sợ hãi. Giá hai tay anh đừng bị xích chặt ra đằng sau thế kia thì có lẽ tụi Thổ đã chạy hết vía. Anh thanh niên quả tình không sợ. Anh ngẩng đầu lên và thét vào mặt tên Thổ còng lưng cưỡi ngựa đi bên cạnh:
- Lửa thiêu chúng mày đi, đồ chó sói dị giáo!
- Gaspa, Gaspa, - Mơrơghit ngồi trên xe can ngăn. - anh chịu khó một chút nữa nào. Anh thấy không, mặt trời sắp lặn rồi, chúng nó sắp nghỉ lại đây mà.
Thấy cô lau mắt, hai đứa trẻ lại khóc ào lên:
- Em muốn về nhà cơ! - Gergey nức nở.
- Về nhà! - Êvo mếu máo.
Mấy tên Thổ đã dừng lại thật. Chúng xuống ngựa và lấy bình nước ra rửa ráy tay chân mặt mũi rồi quỳ xuống thành một hàng ngang, mặt quay về phía mặt trời mọc. Chúng cúi xuống hôn mặt đất, và cầu nguyện. Đám người nô lệ lặng lẽ nhìn chúng.
Cô gái leo xuống xe, xé một miếng giẻ ngoài mép áo, quấn vào chân anh thanh niên rồi đẩy những vòng xích trở lại một sự cẩn thận đầy nhân hậu.
- Cậu trời phù hộ cho cô, cô Mơrơghit ạ. - Anh thanh niên thở dài nói.
- Đến khuya, nếu có thể, ta sẽ dịt thuốc lá vào, Gaspa ạ.
Cô gái nói với anh và mặt cô lại méo xệch sắp khóc. Giờ nào cô cũng khóc một lúc, nhưng ngay sau đó cô lại đã phải hát dỗ hai đứa trẻ: vì hễ cô khóc, chúng cũng òa lên khóc theo.
- Chà, bụng tớ đói ghê! - Gã xigan buột miệng nói lúc ngồi xuống vệ đường cạnh những người khác. - Trong đời, tớ chưa bao giờ chịu một kỳ chay tịnh lớn như thế này.
Người đánh xe, cũng là một thanh niên nô lệ bị xiềng chân, nghe tiếng thở dài của gã xigan cũng phải nhếch mép cười.
- Tớ đây cũng đói meo, - anh ta khinh bỉ liếc nhìn tụi Thổ và tiếp, - nhưng tối nay tớ sẽ nấu một món thịt rõ thật cay để chúng nó phải chừa hết lại cho ta.
- Thế cậu còn làm đầu bếp nữa cơ à?
Nghe tiếng “cậu”, người đánh xe nhíu lông mày lại nhưng sau đó anh vẫn trả lời:
- Chỉ buổi tối thôi. Ban ngày thì chúng nó tự đi cướp lấy cả bữa trưa nữa.
- Cầu cho mắt chúng mù lòa đi! Đến kỳ vũ hội, cầu cho chuột rút bắp chân chúng lại! Thế cậu phải hầu hạ chúng nó từ bao giờ?
- Đã ba hôm nay.
- Không có cách nào phới đi được à?
- Không, với tụi này thì đừng hòng. Đây, cậu cứ xem đôi ủng ở chân tớ thì khắc biết!
Anh nói và rút chân lên khỏi chỗ ngồi, những vòng xích to, nặng cũng xủng xoảng kéo lên theo.
- Nhưng nhỡ tối nay chúng không để cho cậu nấu nữa thì sao? - gã xigan tỏ vẻ lo lắng.
- Nhất định tớ sẽ nấu. Hôm qua tớ đã làm cho chúng nó bữa ngon đến nỗi ăn xong chúng nó vẫn còn liếm mép mãi như một lũ khuyển.
- Ước gì tớ cũng được liếm mép ngay lúc này rồi. Giá thỉnh thoảng không nói chuyện thì có lẽ tớ đã không còn biết cái mồm tớ nó ở đâu nữa.
- Trưa nay chúng nó vừa cướp được cả rượu vang nữa. Trong cái thùng bộng này này.
- Tụi Thổ nó không uống rượu vang đâu cậu ơi!
- Hễ đã ngửi thấy mùi rượu vang thì không một tên Thổ nào còn là Thổ nữa.[18]
- Thế thì hôm nay là ngày hội của tớ, - Gã xigan vui vẻ hẳn lên. - tớ sẽ thổi cho chúng nó nghe một bài kèn hay đến nỗi chúng phải nhảy nhót lên cho mà xem.
Sau khi cầu nguyện, tên ionisa chột mắt không giục xe đi nữa. Từ trên đỉnh núi đã trông thấy thành phố bị hoàng hôn bao phủ trong thung lũng. Đó là tổ ấm của người Hung. Trong đó có ong bò vẽ [19].
Bọn Thổ bàn bạc với nhau một lúc, sau đó tên ioinsa chột mắt bảo người đánh xe:
- Đi theo tao! Vào rừng!
Bọn chúng đưa đoàn xe đi sâu vào rừng đến mười lăm phút. Trong lúc đó mặt trời đã khuất hẳn sau rặng cây. Hoàng hôn buông trùm rừng núi. Trên bầu trời quang đãng, ngôi sao đầu tiên đã bắt đầu nhấp nháy.
Bọn Thổ thả ngựa ra một bãi cỏ giữa rừng. Tên ionisa cởi tay cho ông mục sư và quát:
- Nhóm lửa lên!
- Con biết làm việc ấy giỏi hơn ạ! - Gã xigan xun xoe. - Thưa ông lớn Thổ, con xin hôn tay hôn chân ngài, hãy để con nhóm lửa cho, đó là nghề của con đấy ạ.
 - Câm! - Tên Thổ nạt gã.
Bọn chúng gọi cả ba người đàn bà nô lệ xuống xe để họ giúp việc nhóm lửa. Mấy người đàn bà cùng ông mục sư nhặt lá khô và cành khô quanh những gốc cây gần đấy, rồi với thép và đá lửa, chẳng mấy chốc họ đã nhóm được lửa lên.
Người đánh xe cũng được chúng tháo xích, cho ra khỏi chỗ ngồi.
- Làm món ăn như hôm qua ấy, nghe không! - Tên Thổ chột ra lệnh.
Người đánh xe đổ nước vào một cái chảo gang to rồi đặt lên ngọn lửa và, sau khi ông mục sư cùng gã xigan đã nhanh chóng lột da một con cừu đực, anh thành thạo thái nhỏ thịt vào chảo. Anh thái cả hành đỏ rắc trùm kín thịt, còn ớt thì ê hề. Giá như có, chắc hẳn anh còn xắt cả khoai tây vào chảo xúp ấy nữa cơ đấy, nhưng thời đó khoai tây còn là một sản vật hiếm hơn cả dứa. Trên các bàn ăn sang trọng cũng chỉ những dịp đặc biệt người ta mới nhấm nháp khoai tây, ngay cả tên gọi cũng chưa có một cách hẳn hoi. Người ta đặt tên cho nó là táo đất hoặc táo Mỹ[20].
Bọn lính Thổ nằm dài ra nghỉ ngơi quanh đống lửa. Ngay lúc mới đến, chúng đã sắp xếp các cỗ xe thành một vòng tròn chắn bên ngoài như một hàng rào. Ngựa nghẽo được tháo yên cương, đứng bên ngoài dãy xe.
Những người nô lệ bị lùa cả vào bên trong cái hàng rào ấy thành một cụm. Tất cả bọn họ có mười sáu người: chín đàn ông, năm phụ nữ và hai trẻ con. Những con người khốn khổ đã rục cả xuống cỏ, vài người trong bọn lập tức ngủ thiếp đi ngay.
Cô bé Vixo cũng đã ngủ trên đống vải nệm. Gối cái đầu bé bỏng vào lòng Morơghit, em đang mơ màng, tay phải vẫn ôm khư khư con búp bê xấu xí trên lồng ngực nhỏ. Gergơ nằm sấp bên cạnh. Tên ionisa chột thỉnh thoảng lại liếc nhìn các em. Hắn để cho các em với cô gái ở lại trên nóc xe.
Ngọn lửa đã bốc cao. Bọn Thổ làm thịt một con cừu đực, mổ gà, mổ ngỗng. Những người nô lệ làm việc tíu tít để soạn thức ăn. Chỉ một lúc sau, thịt đã sôi xèo xèo trong nồi bung và trong chảo, mấy đùi cừu đã chín vàng trên xiên nướng. Mùi thức ăn thơm phức tỏa ra lẫn vào không khí của rừng cây làm người ta thèm rỏ dãi.
Chưa đầy một giờ sau, anh chàng đánh xe Ondra bị một cái tát choáng người, khiến cái mũ trên đầu bắn ra xa đến hai sải.
- Hỏa ngục thiêu sống mày đi! Mày đã tống bao nhiêu ớt vào món thịt này thế hử?
Tên ionisa chột gầm lên, hắn vừa nhắm tít mắt lại vừa hà hà cái lưỡi bị cay như xé. Món thịt nêm ớt thế là chuyển sang cho những người nô lệ, làm gã xigan hớn hở cả mặt mày:
- Ối chao chao, của này thì hai cái tát như thế cũng vẫn đáng.
Bọn Thổ đành chia nhau mấy cái đùi cừu và đùi ngỗng nướng. Chúng đóng vòi vào các thùng rượu. Bọn Thổ uống rượu vang Hung bằng các bình đất hoặc cốc bằng sừng dê rừng. Gã xigan đứng dậy lấy tay quệt mồm, sau đó chùi bàn tay vào quần, rồi xun xoe:
- Thưa tôn ông Yômôsac, con xin hôn tay hôn chân ngài, con xin thổi hầu cái ngài một bài kèn để làm vui lòng các vị khách quyền quý.
Tên chột được gọi là Yômôsac - thực ra là Yumusăc quay ngoắt lại, giễu cợt nheo mắt:
- Để mày gáy tụi Hung đến đây phải không?
Gã xigan chưng hửng vội lủi trở về chỗ mọi người đang ăn, và lại vục thìa gỗ vào chảo, vừa ăn gã vừa lầu bầu:
- Cầu cho người ta treo cổ mày lên vào cái lúc vận mày đang đỏ nhất.
Bọn Thổ ngốn ngấu ăn và tợp rượu. Chúng chia của và đổi chác ngay giữa bữa ăn. Một tên akinji lầm lì, ria dài lòng thòng, lấy từ trên xe xuống một cái tủ sắt nhỏ. Bọn chúng cạy nắp. Tiền vàng, nhẫn, vòng khuyên đổ tràn cả ra ngoài. Chúng chia nhau bên cạnh đống lửa. Chúng ngắm nghía viên ngọc nạm của cái nhẫn này hoặc của đôi hoa tai kia.
Gergơ đã buồn ngủ, nhưng em không thể nào rời mắt khỏi tên Thổ của em được. Cái đầu trọc lông lốc toàn da là da ấy có một bộ mặt gớm giếc, kỳ dị. Khi hắn bỏ mũ ra, cái phần nhẵn thín của đầu liền vào làm một với cái mặt trơn tuột. Và hắn cười mới quái dị làm sao! Cả đến cái lợi cũng nhe ra khi hắn cười. Khi bọn hắn chia tiền, hắn lôi dưới áo ra một cái hầu bao dày cộm bằng da nai. Cái hầu bao đã căng phồng những tiền. Hắn đứng dậy đi ra sau mấy cái xe hàng, nơi những con ngựa đang gặm cỏ.
Gergơ vẫn theo dõi hắn. Em thấy hắn kéo cái sạp gỗ ra và nhét tiền vào đáy yên ngựa qua một kẽ nhỏ. Những người nô lệ vẫn còn ăn. Đối với họ ớt không phải là vị lạ. Anh chàng đánh xe Ondrats đã gần như vui vẻ trở lại, đang xơi món thịt.
- Sao con không ăn? - Ông mục sư hỏi Gaspa. Anh thanh niên ngồi ở ngoài cùng và cứ lầm lì nhìn thẳng trước mặt.
- Không cần. -  Anh cau có trả lời. Một lát sau anh nhìn sang ông mục sư:
- Thưa cha đáng kính, nếu cha đã ăn xong, con có một câu chuyện nhỏ muốn nói, nếu cha vui lòng nghe.
Mục sư bỏ thìa gỗ xuống và đến ngồi cạnh sát bên cạnh Gaspa:
- Con cần gì thế, hở con?
Anh thanh niên liếc nhìn ra phía trước, trả lời:
- Con muốn xin cha hãy rửa tội cho con.
- Để làm gì thế?
- Con muốn được trong sạch để đi sang thế giới khác.
- Con còn xa thế giới ấy lắm, Gaspa.
- Cũng không còn xa đến như cha tưởng nữa đâu.
Anh tối sầm mặt nhìn về phía bọn Thổ rồi tiếp:
- Khi nào những người nô lệ ăn xong, tên Thổ bắt con sẽ lại đây. Hắn lại đây để khóa tay chúng ta vào xích. Lúc đó con sẽ giết hắn.
- Đừng làm thế con ạ.
- Nhất định con sẽ giết hắn, thưa cha đáng kính. Khi nào hắn lại đây, con sẽ giật lấy một con dao và thọc cho hắn một nhát! Vào chính giữa bụng cái đồ chó ấy! Vậy xin cha hãy rửa tội cho con đi.
Mục sư sững sờ nhìn người thanh niên, sau đó ông ôn tồn nói:
- Con ơi, ta không rửa tội cho con đâu, bởi vì ta là tín đồ dòng Lutherăng[21].
- Dòng Lutherăng à?
- Tên nó là Lutherăng con ạ, nhưng thực ra nó là giáo phái chân chính từ xưa, là đạo giáo mà Giêsu ở Nađarét[22] đã truyền lại cho chúng ta. Chúng ta không rửa tội, chúng ta chỉ xưng tội. Chúng ta tin rằng Chúa Trời nhìn thấu tâm hồn chúng ta. Nhưng con uổng phí thân con làm gì? Con cũng thấy đấy, chúng ta vẫn đang ngồi trên đất Hung kia mà, và thành Pêts ở kia, ngay dưới chân ta. Quân ta đã nhiều lần giải thoát cho những nô lệ Hung.
- Nhưng nhỡ lần này họ không cứu chúng ta?
- Lòng lành của Chúa có thể theo chân ta trên khắp các nẻo đường. Đã có người, mà không phải là một, gặp may mắn trong cuộc đời ở ngay trên đất Thổ. Anh ta đi tới đó trong xiềng xích nhưng lại từ đó trở về trong cảnh giàu sang. Cuối cùng anh ta cũng về được nhà. Thôi, lại đây ăn đi con!
Anh thanh niên vẫn lẩm bẩm nhìn bọn Thổ và lẩm bẩm giữa hai hàm răng:
- Cha đời phúc phận con chó ấy!
Mục sư lắc đầu:
- Nếu con không nghe lời ta thì gọi ta đến làm gì?
Cuối cùng anh thanh niên cũng đứng dậy, lê chân đến chỗ những người khác.
Phần lớn những người bị bắt đều còn trẻ và khỏe mạnh. Giữa đám phụ nữ có cả một mụ xigan mắt lúng la lúng liếng. Tay chân của mụ đều xoa thuốc đỏ tươi theo đúng tục lệ xigan, cả tóc mụ cũng vậy.
Chốc chốc mụ lại hất đầu ra đằng sau cho tóc khỏi rủ vào mắt. Mụ thường hay nói chuyện bằng tiếng xigan với Sakơdi, gã xigan mặt rỗ.
- Mụ ta là vợ cậu đấy à? - Người đánh xe hỏi gã.
- Không phải đâu. Cho tới nay chưa một lần nào mụ ta là vợ tớ cả.
- Thế chúng mày nói chuyện gì bằng tiếng xigan đấy?
- Mụ ấy bảo là nếu cho mụ đến bên đống lửa thì mụ sẽ nói cho ta biết chuyện tương lai.
- Chuyện tương lai nằm trong tay Chúa. - Mục sư nói với họ. - Các con đừng mạo danh Chúa làm chuyện nực cười.
Trong số đàn ông có hai người đã luống tuổi. Một người không nói không rằng, dáng dấp có vẻ quyền quý, tuổi đã hơi già, râu xám, bộ ria dài cụp xuống. Cứ theo nước da nâu mà đoán thì cũng có thể là quan, cũng có thể là xigan. Ai hỏi han gì y cũng cứ câm như hến. Mặt y có một vết sẹo đỏ bầm chạy dài từ đuôi tai trái đến cuối má. Người y tỏa ra xung quanh một thứ mùi là lạ, giống như mùi khét của thuốc súng. Còn người kia là một nông phu mặt to bành bạch, bị xích liền cùng với ông mục sư, bác ta cứ luôn luôn nhìn mọi vật với đôi mắt mở to như ngạc nhiên và cứ gục đầu xuống như thể đầu bác ta nặng hơn đầu mọi người khác nhiều lắm. Kể ra đầu bác ta cũng khí to thật.
Những người bị bắt vừa ăn món thịt nêm ớt vừa khe khẽ trò chuyện.
- Làm thế nào mà thoát khỏi tay bọn Thổ được?
- Chả làm thế nào được đâu! - Bác nông dân to đầu bỗng lên tiếng, bác bỏ thìa xuống, lấy ống tay áo quệt mồm rồi nói tiếp. - Tôi đã từng biết cảnh này. Tôi đã trải qua một lần bị bắt làm nô lệ. Đời tôi đã mất mười năm vào đấy.
- Cuối cùng bọn chúng tha cho bác về ư?
- Đời nào chúng lại tha.
- Thế bác làm thế nào mà thoát được?
- Làm sao ấy à? Boóng thôi! Có lần bọn chúng đưa tôi đến Bengrat[23] và tôi đã trốn khỏi nơi đó bằng cách bơi qua sông Đuno[24].
- Cuộc đời nô lệ ấy nó ra làm sao hở bác? - Một thanh niên trạc mười sáu tuổi, mắt đùng đục, cất tiếng hỏi.
- Chắc chắn là không quá nhiều gà vịt bị chết oan vì tớ đâu, chú em ạ.
- Bác có được hầu hạ chỗ nhà giàu có không? - Một giọng từ dưới gầm xe hỏi vọng ra.
- Tôi đã ở ngay chỗ xuntan[25].
- Ở chỗ xuntan cơ à? Bác làm nghề gì ở đấy?
- Tôi làm chức chánh tảo thanh.
- Chánh tảo thanh? Thế bác tảo thanh là cái gì?
- Lũ ngựa của hoàng đế.
Cả bọn phì cười, nhưng rồi ai nấy lại buồn rũ ra như cũ.
- Chúng nó đối đãi với đàn bà ra sao hở bác? - một thiếu phụ tóc đen hỏi.
- Ai còn trẻ thì đến đấy vẫn làm vợ thôi, chỉ có cái là làm vợ Thổ. Nhưng phần đông chỉ làm con hầu, đầy tớ.
- Chúng nó đánh cả đàn bà, phải thế không hở bác?
- Cùng tùy người.
Mục sư đứng dậy, cất tiếng hỏi:
- Như vậy nghĩa là bác đã biết con đường này?
- Ước gì tôi chưa hề được biết.
Mục sư đặt một chân lên đầu trục bánh xe, trong ánh lửa rọi đèn, ông mở to mắt nhìn vào cái vòng sắt nhẵn và rộng bản khóa trên ống chân. Trên vòng sắt có những dấu vạch. Chắc hẳn là ghi chép của một người nô lệ nào đó: biết bao nỗi tủi nhục của một chặng đường dài gói ghém trong vài chục chữ.
Mục sư đọc những chữ ghi trên vòng sắt:
- Từ Nanđôphehêva [26] đến Hiđaclik một ngày. Sau đó là Baratima.
- Không phải đâu, - bác nông dân đáp. - cho tới đó phải qua năm trạm nữa.
- À, thì ra năm chữ thập này đánh dấu năm trạm đây. Thế là năm trạm. Sau đó đến Alốpnica.
Bác nông dân gật đầu.
- Rồi đến Nisơ.
- Đó là nước Ratx[29].
- Caribrôt.
- Ở đó chúng đã đánh tôi tàn tệ, hộc cả máu mồm máu mũi. Đầu tôi cũng bị rách bươm.
- Tại sao thế? - Năm, sáu người cùng cất tiếng hỏi một lúc.
- Tại tôi đã bẻ gãy cùm ở chân, thế đấy!
- Đragôman. - Mục sư lại đọc tiếp.
- Đó đã là nước Bungari. Từ đó chúng tôi đã đi đến Xôphia. Ở đó có rất nhiều tháp chuông. Đó là một thành phố lớn.
Mục sư nhấp nước bọt vào ngón tay, xát lên cùm:
- Ichtiman[30].
- Một cô gái đã bị chết ở đó, tội nghiệp cho cô ta.
- Kapiđerơvan.[31]
- Ở đó có một ngọn núi cao tuyết phủ quanh năm. Mùa hè tuyết vẫn phủ trắng xóa trên đỉnh núi.
- Pađarơki hay là cái quái gì đây?
- Đúng rồi, Pôdarơki, cầu cho đất sụt nuốt chửng nó đi! Ở đó chúng tôi phải ngủ trong giàn cừu. Chuột chạy từng đàn trên người chúng tôi.
- Philipe.
- Đó cũng là một thành phố. Sập mẹ nó xuống! Sập ban đêm ấy, khi tất cả chúng nó đang ngủ yên trong nhà.
- Kalađan.
- Ở đó chúng đã bán mất người bạn thân thiết nhất của tôi. Cầu cho ôn dịch bắt hết chúng nó đi!
- Uđônkôva.
- Ơ đó có nhiều vườn cây ăn quả. Một chỗ tốt đấy. Có một bà đã cho chúng tôi hai rổ táo.
- Hamanli.
- Ở đó một ông quan Thổ đã mua anh chàng Đavitko Opton, mặc dù ông ta đã mặc cả định mua tôi trước.
- Muxtapha - basa - kơpri.
- Ở đấy có một cái cầu đá to lắm. Gẫy mẹ nó đi!
- Đrinapôi.
- Một thành phố lớn và hôi thối. Ở đó tôi đã thấy một con voi thật.
Những người nô lệ ngạc nhiên hỏi:
- Nó là cái gì?
- Nó là một con vật bốn chân, to như cái xe chất đầy hàng này này. Có lẽ nó còn to hơn cả cái xe này nữa cơ. Da nó trọc trơn trọc trụi như con trâu. Cái mũi của nó thì dài dài mà lại ngoe nguẩy được như đuôi các con vật khác ấy, khi nào ruồi hành hạ nó quá thì nó đập phành phạch vào hai bên sườn.
- Kôrơli.
- Từ đó trở đi đã trông thấy biển.
Đám người nô lệ thở dài. Một vài người úp mặt vào lòng bàn tay, một số khác cứ nhìn trân trân ra phía trước với những cặp mắt đẫm ướt.
Người mặt sẹo nặc mùi thuốc súng, lên tiếng nói khe khẽ bằng một giọng rè:
- Đồng bào ơi, nếu các bạn cởi trói được cho ta thì ta sẽ giải thoát tất cả các bạn khỏi tay bọn Thổ.
Đám người nô lệ đều ngoảnh nhìn y. Y nhìn về phía bọn Thổ rồi tiếp, giọng còn khẽ hơn.
- Ta là một vị tướng đây, ta có hai thành trì, có quân lính và cả tiền bạc nữa. Ta chỉ yêu cầu một điều là khi ta đã đến ngồi ở chỗ cái xe hàng thứ năm đằng kia kìa, thì ở đây các bạn hãy giả vờ gây xích mích cãi nhau làm cho om sòm lên.
Bác nông dân đã trải đời nô lệ nhún vai nói:
- Chúng nó sẽ đánh cả chúng tôi và cả bác.
- Tên ông là gì hở ông anh? - ông mục sư hỏi y.
- Tên ta là Nô lệ. - Người mặt sẹo bực dọc đáp lại.
Và y đứng dậy, khập khiễng bước vài bước về phía bọn Thổ rồi lại ngồi xuống, lim dim mắt quan sát những bộ mặt được ánh lửa soi tỏ.
- Tên này coi bộ chẳng phải tướng tá gì đâu. - Một người nô lệ khoát tay nhận xét. - Hắn chỉ là một thằng xigan vớ vẩn nào đó thôi, có khi lại chính là một tên đao phủ cũng nên.
Gergơ rùng mình khi nghe tiếng đao phủ. Tia mắt em lập tức dán vào tên ấy. Với trí óc trẻ thơ, em yên trí rằng đó là một tên xigan đao phủ chính cống.
- Ước gì có một mớ đoạn thiết thảo nhỉ. - Anh chàng Gaspa bị trẩy chân thở dài bên cạnh bánh xe.
Đám người nô lệ vẫn ngồi trầm ngâm, lặng lẽ và buồn bã. Gaspa lại tiếp:
- Đoạn thiết thảo là thứ cỏ làm cho cùm xích gẫy vụn ra được.
Mấy tên ionisa bỗng nhộn hẳn lên, chúng kêu to và mừng rỡ vây quanh một thùng rượu.
Chúng vừa phát hiện ra có rượu axu[32] trong đó. Chúng lăn thùng rượu lại gần đống lửa rồi vừa uống vừa chép miệng, tắc lưỡi. Chúng tới tấp dốc rượu vào cổ họng.
 - Nước Hung muôn năm! - Yumusác the thé la lên.
 Hắn nâng cốc rượu chìa về phía đám người nô lệ và nói to:
- Nước Hung muôn năm, để cho người Thổ được uống rượu chót đời mãn kiếp.
Lợi dụng cơ hội đó, tên mặt sẹo mới lúc nãy còn tự xưng là Nô lệ liền hỏi:
- Do đâu mà ông biết tiếng Hung?
- Việc gì đến mi? - Yumusác cười, trả lời trịch thượng.
Lúc bấy giờ bầu trời đã đầy sao và trăng lên sáng vằng vặc. Những con cánh cam, bọ dừa bay vù vù quanh những lùm cây ướt đẫm sương đêm.
Những người nô lệ đã nằm lăn lóc cả trên bãi cỏ, trong giấc mơ họ tiếp tục đi tìm con đường giải phóng. Ông mục sư cũng đã ngủ, tay gối dưới đầu. Chắc hẳn ông quen ngủ trên gối gỗ. Gã xigan nằm ngửa ra mà ngủ, hai tay cài vào nhau trên ngựa, hai chân dạng ra như chữ Y.
Tất cả đều đã ngủ say. Chỉ riêng anh chàng Gaspa còn thở dài thở ngắn và than vãn bằng một giọng cũng đã ngái ngủ:
- Ta không bao giờ còn được thấy thành Eghe xinh đẹp nữa!
Gergơ cũng đã mơ màng, gò má nhỏ sạm nắng đặt trong lòng bàn tay, đầu hơi thấp xuống một tí, gối lên cái góc thòi ra ngoài của cái chăn bông. Có lẽ em đã ngủ hẳn nếu cánh cửa nhỏ của lỗ tai em không tự động mở ra khi chợt nghe đến cái tên Xexey. Giọng khàn khàn của tên xigan đao phủ đã nói lên cái tên đó và tên Thổ nhắc lại.
Chúng nó nói chuyện ngay bên cạnh cỗ xe.
- Ở chỗ Xexey, tôi biết chắc chắn là ở chỗ Xexey. - tên xigan đao phủ nói.
- Châu báu của Đôjo?
- Tất cả châu báu của Đôjo. Tất nhiên là những thứ mà ông ta đem theo lúc đó.
- Những thứ gì?
- Những cái quả bằng vàng này, những cái cúp vàng này. Cả một cái khay lớn bằng vàng nữa. To như mặt trăng lúc mới mọc ấy. Rồi vòng đeo tay, chuyền đeo cổ, trâm cài đầu nạm kim cương và ngọc bích. Nghĩa là tất cả những gì vẫn thường là đồ tế nhuyễn trong các nhà quan. Nếu chúng nó đã đem một phần những thứ ấy đúc thành thỏi thì ta lại tìm thấy vàng thỏi ở nhà lão.
- Ngay gần đây, dưới cánh rừng này à?
- Ngay đây thôi. Cũng vì thế mà lão lánh xa thời cuộc đấy.
- Hắn có cả vũ khí nữa chứ?
- Những thanh gươm nạm bạc tuyệt trần. Nhưng tôi dám nói là chỉ có độ dăm cái. Và những bộ cân đai. Có một cái rất nhẹ và đẹp tuyệt. Của chính vua Lojốt ngày xưa đấy. Trên trần nhà lão đầy ắp những của như thế. Trong buồng lão tôi biết có độ sáu cái hòm sắt. Trong ấy có thể đựng những đồ quý giá nhất.
- Xexey… Ta chưa hề nghe đến cái tên ấy bao giờ.
- Bởi vì lão không đi trận đi mạc gì nữa rồi. Lão vốn là quan hộ chính của Đôjo.
Tên Thổ lắc đầu:
- Bọn ta ít người quá. Ta phải chờ ở đây đến tối mai, cần đợi thêm một toán đông đông nữa.
- Cần gì phải đông quá như thế? Đông quá thì lại phải chia ra nhiều phần. Lão ta đã già rồi mà chân tay đều bằng gỗ cả.
- Nhưng còn lính tráng của hắn nữa chứ?
- Làm gì có. Chỉ toàn bọn nông phu quen gặt hái.
- Mi đến đó lần sau cùng vào lúc nào?
- Dễ đã một năm nay.
- Một năm, khá lâu rồi đấy! Ta đi đông người vẫn tốt hơn. Nếu sự thật quả như mi nói, ta sẽ tha cho, hơn nữa ta còn thưởng cho mi nữa. Nhưng nếu không đúng, ta sẽ treo cổ mi lên trước cổng nhà Xexey.
Tên Thổ nói rồi trở về bên đống lửa, và chắc chắn là nó kể lại câu chuyện của tên nô lệ, vì bọn lính Thổ nghe nó nói với một vẻ rất chăm chú.
Đầu Gergơ nặng chình chịch. Chú ngủ thiếp đi nhưng lại mơ thấy toàn những chuyện khủng khiếp. Cuối cùng, chú mơ thấy bọn Thổ gươm tuốt trần đang chạy rầm rập trong làng, bọn chúng bắt mẹ chú và đâm dao vào ngực mẹ.
Chú rên lên và choàng tỉnh dậy. Đêm còn tối nhưng tiếng chim đã ríu rít khắp nơi. Hàng trăm con họa mi! Hàng ngàn con họa mi! Hình như tất cả họa mi của thế gian đều bay về cánh rừng này để hòa những khúc tuyệt diệu vào giấc mơ của đám người nô lệ. Gergơ nhìn lên trời. Những đám mây rải rác tản mạn. Từng chỗ, từng chỗ một ngôi sao le lói chiếu qua.
Ở một chỗ, cái liềm bạc của ông trăng treo thông qua mây. Tro đã phủ kín đống lửa dưới gốc cây. Chỉ ở giữa còn hồng lên một cục than bằng nắm tay. Mấy tên ionisa nằm ngổn ngang trên cỏ, quanh đống lửa. Yumusac cũng nằm ở đấy! Dưới đầu hắn có cái gì như tay nải, bên cạnh là cái cúp hoặc cái bình đất hay cái mũ gì đó - trong bóng tối không tài nào trông rõ được.
Phải về nhà ngay, đó là ý nghĩ đầu tiên của Gergơ.
Không thể được, đó là ý nghĩ tiếp theo. Chú nhìn quanh. Toàn người ngủ. Ước gì chú có thể lẻn qua người họ nhỉ. Mà cần phải lẻn qua chứ còn gì nữa, ngoài ra các em không còn cách nào khác để trở về làng được. Bé Êvo ngủ bên cạnh. Chú lay nhẹ và thì thào vào tai bé:
- Vixusko!
Êvo mở mắt ra.
- Ta về nhà đi. - Gergơ thầm thì.
Môi của Êvo cong lên trong một thoáng, nhưng bé lập tức thôi ngay và ngồi dậy. Bé ngơ ngác nhìn Gergơ như một chú mèo con nhìn khách lạ. Rồi cái nhìn của bé chuyển sang con búp bê nằm trong lòng, bé cầm lên và lại ngắm nó với cái nhìn của mèo con.
- Vixusko! Vixusko! Đi đi. - Gergơ giục. - Nhưng khe khẽ đấy nhé.
Chú trèo xuống phía bên ngoài thành xe và đỡ cả cô bé xuống. Một tên axap ngồi ngay bên cạnh xe, cây giáo ôm trong lòng. Đầu hắn tựa lên đầu trục bánh xe, cái mũ rơi xuống bên cạnh. Hắn ngủ say đến nỗi tất cả đám người cũng có thể trốn đi khỏi tay hắn. Chỉ riêng có cái xe mà hắn tựa đầu và trục bánh là không thể trốn đi được mà thôi.
Gergơ nắm lấy tay bé Vixo và kéo theo mình.
- Con Xám nữa, - em lúng búng. - con Xám cũng phải đem về nhà.
Nhưng con Xám bị buộc liền vào với con ngựa nhỏ giống Thổ. Cái thắt nút thì Gergơ còn loay hoay mở được, nhưng việc tháo hai cái dây hãm thì đã vượt quá vốn khoa học của chú.
- Quỷ sứ mới biết được cái này! - Chú lầu bầu với cái nút buộc.
Chú tức mình, vừa mếu máo vừa gãi đầu. Rồi chú lại thử đi thử lại. Chú dùng cả răng nữa nhưng cũng chẳng làm gì nổi cái nút. Cuối cùng chú cứ cầm cương con Xám dắt đi.
Cạnh đàn ngựa cũng có một tên lính gác, nhưng hắn cũng ngủ. Hắn ngủ ngồi, lưng dựa vào một thân cây cong, mồm há hốc ra mà ngáy. Tí nữa thì Gergơ dắt hai con ngựa dẫm lên người hắn.
--------------
Chú thích:
[1] Thành phố ở phía nam nước Hung, gần biên giới Hung - Nam Tư.
[2] Đáng lẽ gọi là Gergơ, nhưng cô bé nói đớt .
[3] Vixusko là tên gọi thân tình của Êvô, còn gọi là Vixo, Êvi, Êvike.
[4] Szapolyai Jasnot (1487-1540). Từ 1511 trở đi là công vương vùng Êrơđêi và là thủ lĩnh của đảng quý tộc nhỏ. Năm 1514, hắn được ưa chuộng trong giai cấp thống trị vì đã có công đàn áp cuộc chiến tranh nông dân của Đôjo lãnh đạo. Theo những người đương thời, năm 1526 hắn đã cố tình đến chậm để quân của đại quý tộc bị đánh bại ở trận Môhát. Sau khi vua Loiốt đệ nhị tử trận, hắn được các đảng phái quý tộc hạng vừa và nhỏ cử làm vua Hung, nhưng bọn đại quý tộc lại chọn Pheđinan đệ nhất của triều đình Hapxbua làm vua Hung. Hai bên đánh nhau để giành vương quyền. Quân hắn bị thua quân của Pheđinan I ở vùng Tôkoi và hắn phải lánh sang Balan. Năm 1528 mới trở về nước nhờ sự giúp đỡ của Hoàng đế Thổ, vì thế sau khi về Buđa, hắn bỏ mặc cho quân Thổ tàn phá cướp bóc nhiều vùng trong nước. Sau nhiều lần tranh chấp, hắn và vua Pheđinan I ký hòa ước Varodi (1528), hai bên công nhận vương quyền của nhau với điều kiện là sau khi hắn chết, phần đất đai thuộc vương quyền của hắn sẽ sát nhập vào triều đình Hapxbua.
[5] Dôzsa Gyorgy: một trong những nhân vật lớn nhất trong lịch sử Hungary. Năm 1514 đã chỉ huy đạo quân thập tự phần lớn là nông dân đi đánh bọn xâm lược Thổ. Ông và đội quân của ông đều căm ghét sự bóc lột tàn nhẫn của tầng lớp đại quý tộc phong kiến. Ông đã tóm tắt cương lĩnh bài phong của mình trong lời tuyên ngôn Xêgơlêt, đòi bọn lãnh chúa quý tộc “phải sống bình đẳng với dân chúng và nông nô của họ”. Chẳng bao lâu, đội quân của ông đã đông tới 3 vạn người. Hoảng sợ trước tính chất bài phong của đội quân này, bọn phong kiến phản động bất chấp nguy cơ xâm lược của giặc Thổ, đã huy động quân đội chính quy ra đánh đạo quân Đôjo. Sau những thắng lợi ban đầu, đội quân liềm hái của Đôjo bị đánh tan và bị khủng bố khốc liệt - Tháng 6-1514, Đôjo rơi vào tay công vương Xopôio Gianốt. Chúng bắt ông ngồi lên ngai sắt nung đỏ, ba lần chụp mũ sắt nung đỏ lên đầu ông. Đôjo chịu đựng cực hình không hề hé răng. Hình ảnh của ông đã trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật ở Hung.
[6] Kinh đô Thổ Nhĩ Kỳ hồi đó. Ngày xưa thành phố này gọi là Bizăngxơ, năm 326, Hoàng đế La Mã Côngxtăngtinux dời đô từ Rôm về đây và đổi tên Bizăngxơ thành Nôva Rôma (Rôm mới) nhưng ở châu Âu người ta không gọi theo cái tên chính thức đó mà gọi theo tên của hoàng đế nên mới thành ra Côngxtăngtinốp. Năm 1453 hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm thành phố này, từ đó gọi là Ixtăngbun hoặc Xtăngbun. Tuy vậy, bên cạnh tên mới này, tên Côngxtăngtinốp vẫn còn rất thông dụng ở châu Âu cho đến mãi gần đây.
[7] Lính thiết kỵ trong quân đội Thổ.
[8] Lính phóng lao trong quân đội Thổ.
[9] Loại lính thiện chiến nhất của quân đội Thổ.
[10] Môrê Laxlô là một tên quý tộc, trở nên nổi tiếng vì rất tàn ác trong cuộc đàn áp phong trào Đôjo Giơrgiơ. Về sau hắn quay sang thần phục triều đình Hapxbua và trở nên một tên cướp khét tiếng.
[11] Pisơto là tên gọi thân mật của Istơvan.
[12] Đây là loại áo giáp như lưới sắt gồm nhiều vòng nhỏ móc vào nhau, vì vậy Đôbô mới nói đùa như trên.
[13] Giuri là tên gọi thân mật của Gyórgy, tên giám mục.
[14] Hồi đó có dòng đạo cải lương do Martin Luther khởi xướng năm 1517 tại thành phố Víttembéc (miền Nam nước Đức) không thừa nhận quyền lực của Tòa thánh La Mã và phản đối những nghi lễ phiền phức tốn kém do Tòa thánh đặt ra. Dòng đạo này được truyền bá ở những nước mà hồi đó giai cấp tư sản hình thành nhưng còn yếu ớt như Đức, các nước vùng Scăngđinavơ, các nước vùng Bantich v.v…
[15] Hồi đó vua Hung Xopôio Gianốt gọi quân Thổ vào giúp dẹp loạn Môrê, một số triều thần khác lại chủ trương mời quân Đức, vì thế trong nước chia ra hai phe: một phe thân Đức bài Thổ, một phe ủng hộ chính sách của nhà vua.
[16] Kinizsi (-1494): một danh tướng Hungari, đã lập nhiều chiến công hiển hách trong các chiến dịch đánh quân Thổ).
Vua Máchiát (Mátiás (1443-1490): ông vua anh minh và công bằng nhất trong lịch sử Hungari.
 [17] Một đại quý tộc Hungari. Lúc đầu về phe Pheđinan, nhưng về sau lại quay sang phe Xopôio Gianốt.
[18] Ý nói có các chiến sĩ Hung.
[19] Những người theo đạo Hồi kiêng rượu vang và thịt lợn. Dân Thổ theo đạo Hồi vậy, phải kiêng rượu vang mới đúng, nhưng bọn lính Thổ này ngửi mùi rượu vang là quên cả tín ngưỡng. Mà trong con mắt dân Hung hồi đó thì dân Thổ và đạo Hồi là một.
[20] Hiện nay ở Hung khoai tây vẫn còn hai tên gọi phổ biến krumpli và burgônya.
[21] Xem chú thích [14].
[22] Tên một thành phố ở Palextin, đất thánh của Gia tô giáo, nơi Giêsu ra đời.
[23] Thủ đô Nam Tư ngày nay.
[24] Con sông lớn thứ nhì châu Âu. “Phát nguyên từ Rừng Đen chảy ra Biển Đen” (Hắc hải), qua các nước Đức, Áo, Tiệp, Hung, Nam Tư, Bungari, Rumani, Liên Xô. Tên Latinh là Đanubiux, tên Đức là Đônao, tên Tiệp, Nga là Đunai, tên Hung là Đuno, tên Rumani là Đunaree, tên Bungari, Nam tư là Đunavơ. Ở nước ta xưa nay vẫn quen gọi theo tiếng Pháp là Đanuyp. Ở đây chúng tôi lấy theo tên Hung.
[25] Tên gọi của hoàng đế các nước theo đạo Hồi.
[26] Tên thành Bengrat hồi đó.
[27] Một trong 6 bang thuộc Nam Tư.
[28] Đây là cây lúa, bác nông dân định nói lúa để nấu cháo nhưng nấu sai.
[29] Cối xay chạy nhờ sức nước quay bánh xe.
[30] [31] Đây là tên của những thành phố, thị trấn nằm trên đường đi từ Hung qua Nam Tư, Bungari đến kinh đô Côngxtăngtinốp.
[32] Rượu vang làm bằng nho axu, sắc vàng như mật ong, còn gọi là rượu Tôkoi, một lọai rượu vang thượng hảo hạng của Hung.
----------
Tiếp p2: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/02/nhung-ngoi-sao-eghe-p2.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét