Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Hữu duyên và vô duyên - Một điển tích hay

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ;
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Dĩ ẩm ngã trà hoàn ngã trản,
Trường An hoa cổ dĩ bồng bồng.
---------
Truyện rằng ngày trước, lâu lắm rồi, ở bên Tầu (cái xứ chó chết mà nhiều chuyện hay phết), có nhà phú hộ, gia tư địch quốc mà chỉ sinh hạ được có một người con gái. Có điều an ủi là cô gái vừa nhan sắc, vừa nết na lại tài năng xuất chúng, từ nữ công gia chính, đến văn chương, cầm kỳ thi họa gì cô cũng tinh thông.
Khi cô gái đến tuổi lấy chồng, ông bố nghĩ: gia thế nhà mình như thế, con mình như thế, khó có ai quanh vùng sánh được với con mình, âu là mở cuộc thi kén rể.
Sau ba tháng mở cuộc thi kén rể, cuối cùng vào vòng chung kết còn lại ba chàng.
Chàng thứ nhất là một thư sinh danh gia vọng tộc (nói như cụ Tiên Điền thì chàng “Văn chương nếp đất, thông minh tính trời…”, thuộc làu kinh sử, có tài viết chữ rất nhanh mà đẹp như phượng múa rồng bay.
Chàng thứ hai là một võ quan nổi tiếng, võ nghệ siêu quần, đặc biệt là tài bắn, đã được đời xưng tụng là “Dưỡng Do Cơ”.
Chàng thứ ba lại chỉ là một gia nhân, ở trong nhà phú hộ từ tấm bé. Chàng không giỏi văn chương cũng không tài võ nghệ. Chàng chỉ được cái đức cần cù, chịu thương chịu khó, chất phác, thật thà. Thế nhưng chàng có một ưu thế vượt trội: chàng đã được cô chủ thầm thương từ đã lâu rồi. và chàng có một cái tài, chàng chạy nhanh, cước lực tuyệt vời. Chàng có thể ngày đi nghìn dặm.
Đề mục cuộc thi chung kết được đưa ra cho 3 người như sau:
Từ sáng tinh sương cho đến khi mặt trời lặn:
Chàng thư sinh phải viết hết 1.000 trang giấy.
Chàng võ tướng phải bắn rụng hết lá một cây ngô đồng xum xuê.
Chàng nông phu phải chạy lên kinh đô Trường An, cách hơn 500 dặm, mượn một cái trống truyền đời của một người trong họ và mang trống về nhà.
Ai làm xong việc trước thì sẽ thắng, lấy được mỹ nhân.
(Ông bố vốn mê tít chàng thư sinh nên đã ra cái đề mục ưu ái chàng ta lắm. Ông này chắc học cái thói thiên vị khi kén rể của vua Hùng nhà ta)
Cuộc thi bắt đầu, cả ba cắm đầu cắm cổ vào bài thi của mình.
Trời đã sang chiều, mặt trời đã ngả hẳn về Tây.
Cung thủ vẫn miệt mài bắn, lá ngô đồng mới rụng quá một nửa.
Chàng nông phu chẳng thấy tăm hơi.
Trong khi đó, chàng thư sinh đã viết gần hết nghìn trang giấy. Trên bàn chỉ còn độ chục trang giấy trắng. Chàng mỉm cười, khoan khoái.
Cô gái lòng như lửa đốt, cô nghĩ quẩn quanh. Bỗng, mắt sáng ngời, cô bước ra đến gần chàng thư sinh, cúi đầu: “Chàng đã thắng rồi. Chàng có thể ngừng bút, dùng tạm chén trà em mới pha đặc biệt kính dâng chàng?”.
Chàng thư sinh tít mắt, sướng, bỏ bàn viết, tới uống trà với người đẹp.
Hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, tình ý như đã thân thiết từ lâu.
Mải uống trà, trò chuyện say sưa, chàng thư sinh đã quên béng mình còn vài tờ giấy chưa viết xong.
Bỗng ngoài cổng, một hồi trống vang lên giòn giã, mọi người giật mình nhìn ra, chính là chàng trai đã mang trống về.
Đang vui vẻ, chàng thư sinh  rụng rời chân tay, vồ lấy giấy, bút. Nhưng, chàng đã chậm mất rồi.
Cô gái đứng dậy, liếc nhìn chàng thư sinh với ánh mắt giết người. Cô thong thả đọc mấy câu thơ cô vừa khẩu chiếm:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ;
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Dĩ ẩm ngã trà hoàn ngã trản,
Trường An hoa cổ dĩ bồng bồng”.

Phỏng dịch:
Có Duyên nghìn dặm hóa gần;
Không Duyên chỉ một bước chân cũng là…
Trà xong chưa? Trả chén ta,
Ngoài sân, kìa, tiếng trống hoa đã rền.
----------------

Hữu duyên hay vô duyên thực ra là ở lòng người “vô tình” hay “hữu ý” vậy.

2 nhận xét:

  1. Xưa bạn bè cũng hữu duyên lắm lắm bởi Ong để cả hai nơi vừa kinh doanh vừa tiếp bạn. Giờ bỏ hết lên Sóc sơn ở đương nhiên chả ai thấy nữa vậy vô duyên là phải rồi.
    Hữu ý cả đó bạn nhỉ!

    Trả lờiXóa